Trang

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

25-12-2019 : (phần I) LỄ GIÁNG SINH (Lễ Rạng Đông - Lễ Ban Ngày)


25/12/2019
 THỨ TƯ
 Lễ GIÁNG SINH
 Lễ Trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.

(phần I)

Lễ Rạng Ðông

Bài Ðọc I: Is 62, 11-12
"Này đây Ðấng Cứu Ðộ ngươi đến".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Chúa làm cho nghe thấy tận cùng cõi trái đất rằng: Hãy nói với thiếu nữ Sion: Này đây Ðấng Cứu Ðộ ngươi đến. Người đem theo phần thưởng với Người và sự nghiệp trước mặt Người. Những người được Chúa cứu chuộc, người ta sẽ gọi họ là dân thánh. Còn ngươi, ngươi sẽ được gọi là thành quý chuộng, thành không bị bỏ rơi.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 96, 1 và 6. 11-12
Ðáp: Hôm nay sự sáng chiếu giãi trên chúng ta, và Chúa đã giáng sinh cho chúng ta.
Xướng: 1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy nhảy mừng, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui! Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. - Ðáp.
2) Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người! - Ðáp.

Bài Ðọc II: Tt 3, 4-7
"Chúa đã cứu độ chúng ta theo lượng từ bi Người".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Khi Ðấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không phải do những việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người, mà Người đã cứu độ chúng ta, bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần, Ðấng mà Người đã đổ xuống tràn đầy trên chúng ta qua Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, để một khi được công chính hoá bởi ân sủng của Ngài, trong hy vọng, chúng ta được thừa kế sự sống đời đời, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 2, 14
Alleluia, alleluia! - Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 2, 15-20
"Các mục tử đã gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng: "Chúng ta sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết". Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay lời đã báo về Hài Nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.
Ðó là lời Chúa.


Lễ Ban Ngày

Bài Ðọc I: Is 52, 7-10
"Khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðẹp thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin mừng, người rao tin cứu độ, nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi sẽ thống trị!
Tiếng của người canh gác của ngươi đã cất lên. Họ sẽ cùng nhau ca ngợi rằng: Chính mắt họ sẽ nhìn xem, khi Chúa đem Sion trở về. Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy vui mừng, hãy cùng nhau ca ngợi! Vì Chúa đã an ủi dân Người, đã cứu chuộc Giêru-salem. Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Người trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6
Ðáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta (c. 3c).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! - Ðáp.
4) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 1, 1-6
"Chúa đã phán dạy chúng ta qua người Con".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ. Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Ðấng Oai Nghiêm trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu.
Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: "Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã hạ sinh Con"? Rồi Chúa lại phán: "Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta". Và khi ban Con Một mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: "Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy Người!"
Ðó là lời Chúa.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Ngày thánh đã dọi ánh sáng trên chúng ta. Hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa, vì hôm nay ánh sáng chan hoà đã toả xuống trên địa cầu. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 1-18 {hoặc 1-5. 9-14}
"Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta".
Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.
Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.
Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng.
Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.
Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.
Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: "Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi".
Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.
Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Ga 1, 1-5. 9-14
"Ngôi Lời đã làm Người và ở cùng chúng ta"
Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.
Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.
Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.
Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Việc Kỳ Diệu

Thánh lễ bây giờ không còn những màu sắc của Thánh lễ Nửa Ðêm nữa. Chúng ta có thể tiếc bầu khí linh thiêng ấm áp, thi vị của Ðêm Giáng sinh. Chúng ta muốn được nghe lại câu chuyện Chúa ra đời nơi máng cỏ và theo chân các mục đồng đến Bêlem. Giờ đây, trong Thánh lễ này, Phụng vụ còn dẫn ta đến với Hài Nhi; nhưng qua các bài Thánh Kinh nặng chất thần học, phụng vụ mời ta suy nghĩ sâu sắc hơn về việc Chúa Giáng sinh làm người. Thế nên, ta phải dùng hiện tượng để đi vào bản chất của mầu nhiệm Giáng sinh; ta phải đi qua câu chuyện Chúa ra đời để tìm hiểu ý nghĩa việc Chúa Giáng trần.

A. Việc Kỳ Diệu Chúa Làm Cho Ta
Bài tiên tri Isaia vắn tắt, nhưng muốn thu hút sự chú ý của ta. Này, chân người đem tin mừng đã đến. Chúng ta hãy mở mắt ra nhìn ơn Chúa cứu độ chúng ta. Isaia bấy giờ nói với Yêrusalem trong thời bị bỏ rơi, tiêu điều, xơ xác, lầm than, khổ sở, mất quyền tự chủ, không có độc lập và tự do. Yêrusalem vẫn còn là hình ảnh của tất cả chúng ta, khi chúng ta không làm chủ được bản thân, đời sống và vận mạng của mình. Ai ý thức mình như thế, hãy nghe lời tiên báo của Isaia: đẹp thay bước chân người đem tin mừng, người loan báo hòa bình cứu độ! Chính Chúa đã ra tay trước mặt muôn dân và khắp chốn đã nhìn thấy Ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Là vì, theo lời thư Hipri, đã lắm phen cùng nhiều kiểu, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông qua các tiên tri, nay vào thời sau hết, Người đã nói với ta nơi Con Một của Người. Như vậy lễ Chúa Giáng sinh cho ta thấy công việc vĩ đại cuối cùng mà Thiên Chúa làm để dứt khoát cứu độ chúng ta. Không ai còn có thể chờ đợi hành động giải thoát nào khác. Và mọi công việc trước đây chỉ là tạm thời để chuẩn bị hoặc để tiên báo.
Ðể thu hút mọi suy nghĩ của chúng ta vào công việc Chúa làm đây, tác giả thư Hipri cho chúng ta thấy: ngay các thiên thần trên trời bây giờ cũng châu đầu thờ lạy Con Thiên Chúa giáng trần. Nói cách khác, Hài Nhi mới sinh từ nay trở thành trung tâm điểm của vũ trụ và của lịch sử. Muốn tìm thấy Thiên Chúa, phải chạy đến với Người. Muốn biết kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, cũng phải tìm hiểu nơi Người Con ấy. Người là mạc khải cuối cùng và toàn vẹn, bao gồm mọi mạc khải trước sau; chúng ta không thể tìm được gì tốt đẹp khác ở ngoài Người. Hạnh phúc và cứu độ của chúng ta tùy ở việc nhận ra Ý Người và thi hành mệnh lệnh Người. Hôm nay Chúa Cha đã sinh ra Người cho ta, để mai ngày cũng chính Chúa Cha sẽ phán: các ngươi hết thảy hãy nghe Lời Người.
Yoan là người hiểu rõ ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng sinh. Ông không dừng lại ở hiện tượng và không mô tả việc Chúa sinh ra. Nhưng ông đã suy nghĩ về việc Chúa ra đời và thấy đó là cả một công trình cứu độ của chúng ta. Ông đã viết nên bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc và Phụng vụ muốn chúng ta suy nghĩ bài Tin Mừng ấy để đón nhận ơn Chúa Giáng sinh.

B. Bài Tin Mừng Yoan
Yoan nhìn máng cỏ, nhìn mầu nhiệm Chúa ra đời như là một sáng tạo và một thế giới mới. Sách Tin Mừng của ông bắt đầu bằng mấy chữ: "lúc Khởi Nguyên". Lập tức chúng ta phải nghĩ tới những chữ đầu tiên của toàn bộ Kinh Thánh là sách Khởi Nguyên nói đến việc Chúa sáng tạo vạn vật và làm ra lịch sử. Như vậy khi dùng những chữ "lúc khởi nguyên" để bắt đầu nói về Tin Mừng của Ðức Yêsu và gợi lên việc Người sinh ra, Yoan rõ rệt muốn nói với chúng ta rằng: việc Chúa Giáng sinh bắt đầu một sáng tạo mới, một lịch sử mới, không phải để thay thế lịch sử và sáng tạo cũ, nhưng để làm cho chúng nên mới mẻ.
Thế nên trong bài Tin Mừng này, Yoan nói đi nói lại vấn đề ánh sáng, vấn đề sự sống, vấn đề sung mãn, vấn đề vinh quang là những nhân tố trong việc sáng tạo. Chúng ta hẳn còn nhớ bài tường thuật của sách Khởi nguyên về việc dựng nên trời đất. Ngày từ ngày đầu tiên, tác giả đã nói đến ánh sáng, vì không có ánh sáng, ai có thể làm được việc gì? Rồi trong những ngày sau, tác giả nói đến sự sống sinh sôi nảy nở ở trên trời, ở dưới nước và trên mặt đất. Tác giả kết thúc mọi việc sáng tạo bằng một câu: và Thiên Chúa thấy mọi sự đã làm ra đều tốt lành và Ngài chúc phúc cho vạn sự. Ở đây, Yoan cũng luôn luôn nói đến ân sủng và chân lý, tức là chân thiện mỹ, diễn tả sự tốt lành và hạnh phúc.
Và cũng như trong bài sáng tạo của sách Khởi nguyên, tất cả đã quy vào việc dựng nên con người thì chắc chắn câu then chốt của bài Tin Mừng hôm nay cũng có câu: "Và Ngôi Lời đã làm người và ở cùng chúng tôi. Chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Người, vinh quang như của Con Một tự nơi Cha, đầy ơn nghĩa và sự thật". Thế nên, ta chỉ đáp ứng nguyện vọng của Yoan và của Phụng vụ, nếu ta chăm chú nhìn vào Hài Nhi mới sinh nơi máng cỏ như là sáng tạo và công trình mới của Thiên Chúa, để đi vào thế giới mới, lịch sử mới, sự sống mới mà Hài Nhi thành Bêlem mang đến cho chúng ta.

C. Ðiều Kiện Ðón Nhận
Không phải hết mọi người nhận ra điều đó. Và cũng như trong buổi Khởi nguyên của lịch sử đã có cuộc tranh chấp giữa lành dữ, thì bài Tin Mừng Yoan hôm nay cũng cho ta thấy những thái độ của loài người trước kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. Vừa nói đến việc Ngôi Lời là ánh sáng và là sự sống thật đến trong thế gian, Yoan đã nhận xét ngay: thế mà thế gian lại không đón nhận Người. Có một cái gì chua chát trong giọng văn của tác giả khi ông viết: Người đến trong nhà của Người, mà người nhà đã không tiếp nhận Người. Yoan ám chỉ đến người Dothái, nhưng cũng gián tiếp nói về mọi người không đón nhận Ðức Kitô với sứ điệp cứu độ của Người, vì tất cả loài người chỉ là công trình của tay Chúa làm ra. Lẽ ra ai ai cũng phải đón nhận Ơn ban của Thiên Chúa khi Ngài ban Con Một Ngài cho ta. Nhưng biết bao người đã từ khước! Người Dothái không đón nhận vì họ dựa vào các tiên tri và còn tin vào Yoan Tẩy Giả, lấy lẽ ông này còn trổi vượt hơn Ðức Kitô. Nhưng chính Yoan Tẩy Giả đã nói: Ðấng đến sau tôi đã có trước tôi; Ngài hơn tôi bội phần. Cũng như Môsê đã chỉ ban được Luật pháp, chứ làm sao có khả năng ban ơn nghĩa và sự thật! Thế mà người Dothái vẫn còn tin vào Yoan và Môsê; thế mà bao người khác vẫn bắt chước họ mà khước từ Ðức Kitô.
Tại sao vậy?
Yoan đáp: tại họ sinh ra bởi huyết nhục và xác thịt; họ kế thừa những ước muốn của nam nhân; họ sống theo dục vọng và suy nghĩ theo thế tục; họ muốn sự cứu độ và hạnh phúc trần ai, ích kỷ; họ không chấp nhận một Thiên Chúa sinh làm Hài Nhi nơi máng cỏ; họ từ khước đi vào con đường Người đã đi khi sinh ra ở đời này và ở cùng chúng tôi. Nói tóm lại, họ muốn xây dựng hạnh phúc theo ý họ, chứ không muốn tập họp trên một con đường dẫn tới hạnh phúc chung.
Thế mà ngay từ đầu, Thiên Chúa đã cấu tạo bản chất con người cho một hạnh phúc tập thể. Cả mọi người và cả mọi vật đều chỉ mãn nguyện ở trong sự duy nhất. Adam-Evà đã muốn phá cái mối liên kết tất cả, là Thiên Chúa; khiến từ khước Thiên Chúa rồi, mọi người và mọi vật không còn cơ sở nào để duy nhất lại nữa. Nay chính Thiên Chúa phải giáng sinh làm người, kết hợp lại với con người, để rồi con người kết hợp lại với nhau và với vạn vật. Người ban cho những ai tin vào Người, kết hợp với Người Con của Người, được khả năng như thế, tức là được khả năng không còn sống theo ý muốn của huyết nhục xác thịt và nam nhi nữa, một theo ý Chúa, là ý muốn yêu thương cứu độ mọi người, để ai ai cũng như Người Con ấy tràn đầy ơn nghĩa và sự thật. Ðó là những người sinh bởi Chúa, như Yoan nói tức là những người có sự sống của Chúa, sự sống yêu thương đã sinh ra làm người vì chúng ta.
Như vậy, mừng lễ Giáng sinh, đón nhận ơn Chúa ra đời, là tiếp nhận một sự sống mới, mà Chúa Cứu Thế mang tới. Sự sống ấy không nguyên là ơn nghĩa giao hòa chúng ta với Chúa, tức là ơn tha thứ tội lỗi và yêu mến Thiên Chúa; nhưng khi ta chia sẻ sự sống của Người, ta cũng theo sức mạnh tình yêu của Người mà muốn giao hòa với mọi người và mọi vật. Ta bỏ nếp sống ích kỷ tìm tư lợi, để muốn duy nhất tất cả lại trong Ðức Kitô. Và cho được như vậy, ta phải đi vào đường lối Người đã đi, mà giờ đây trong Thánh Lễ, Người còn khẳng định rõ rệt: Này là Mình Ta sẽ chịu nộp vì các con; này là Máu Ta sẽ đổ ra cho muôn người được khỏi tội. Ðức Kitô đã từ bỏ đến cả mạng sống vì anh em. Mà đâu đã có ai đòi hỏi ta đến như thế? Cứ xem Ngôi Lời Thiên Chúa đã phải hy sinh đến mức nào để chấp nhận cuộc đời tại thế hầu làm chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, để chúng ta được thúc đẩy bắt chước Người mà đi vào con đường hy sinh xả kỷ hầu làm chứng chúng ta muốn có tình đồng bào, đồng loại với mọi người.
Xin Thánh Thể Chúa sẽ kết hợp chúng ta vào với Người cũng sẽ kết hợp chúng ta lại với nhau, để không những chúng ta mến Chúa hơn mà cũng yêu người nhiều hơn. Chúa đã xuống thế và đến ở cùng chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải muốn đến với anh em và cùng sống với anh em như anh em một nhà, vì tất cả chúng ta chỉ có một Cha trên trời, Ðấng đã sáng tạo lại tất cả trong Người Con duy nhất mà Người đã ban cho thế gian trong mầu nhiệm Giáng sinh chúng ta đang cử hành.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Ngày 25 tháng 12, Lễ Giáng Sinh
Bài đọc: Isa 52:7-10; Heb 1:1-6; Jn 1:1-18.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa họat động trong lịch sử con người.

Nhiều người trong chúng ta dễ dàng bị thuyết phục bởi câu nói xem ra rất chí lý, “đạo nào cũng là đạo; đạo nào cũng dạy con người làm điều lành tránh điều ác!” Từ đó, nhiều người đưa đến kết luận, ai theo đạo nào cũng được. Nếu chúng ta chỉ dựa vào đạo lý để tin vào các thần, sẽ có rất nhiều thần trong thế giới này; nhưng những thần này có làm lợi gì cho chúng ta đâu? Có những vị thần do trí tưởng tượng của con người tạo nên, có những vị thần do con người tự nhận, có những vị thần do con người phong chức cho; đâu là Vị Thần đích thực và là Người điều khiển thế giới này? Một trong những tiêu chuẩn giúp chúng ta nhận ra là dựa vào giòng lịch sử của con người để tìm hiểu, kiểm chứng, và xác nhận ảnh hưởng và sự can thiệp của Vị Thần này vào đời sống nhân lọai.
Trong suốt Mùa Vọng qua, và trong các Bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của Vị Thần đích thực này chính là Thiên Chúa. Ngài không phải là một vị thần sống xa cách và không quan tâm gì đến cuộc sống của dân chúng; trái lại cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều sống mật thiết và quan tâm đến mọi khía cạnh của con người suốt giòng lịch sử: từ khi tạo dựng cho đến Ngày Cánh Chung. Trong Bài đọc I, Tiên-tri Isaiah cho thấy sự can thiệp của Thiên Chúa vào cuộc sống của dân trước, đang, và sau thời gian Lưu Đày. Trong Bài đọc II, Tác giả của Thư Do-Thái cho thấy 2 cách can thiệp khác nhau của Thiên Chúa: thuở xưa Ngài phán dạy qua các Tiên-tri; thời nay Ngài dạy dỗ con người qua chính Người Con Nhập Thể. Điều này cũng đã được Tiên-tri Isaiah và Jeremiah loan báo trước: “Mọi người sẽ được dạy dỗ bởi chính Thiên Chúa” (Isa 54:13, Jer 31:33, Jn 6:45). Trong Phúc Âm, Thánh Gioan nhìn thấy vai trò của Ngôi Hai ngay từ ban đầu, khi Thiên Chúa tạo dựng con người; và vai trò của Người trong Kế họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Chính Người Con này đã nhập thể để ở với con người, để yêu thương dạy dỗ, và để hiến mình thành của lễ hy sinh đền tội cho con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người bốn bể sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

1.1/ Thiên Chúa cho dân trở về Sion từ nơi lưu đày: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: "Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị." Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt Đức Chúa đang trở về Sion.” Người loan báo Tin Mừng phải loan báo 3 điểm có liên quan mật thiết với nhau, mỗi điểm nói lên một khía cạnh của ơn cứu độ:
(1) Công bố bình an: Bình an là một trong những chữ được Tiên-tri Isaiah dùng nhiều nhất; nó không phải là sự vắng mặt của chiến tranh, nhưng là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người. Con người được hòa giải với Thiên Chúa; vì thế, con người có bình an.
(2) Loan tin tốt lành: Tin Mừng đến từ Thiên Chúa, Đấng Tốt Lành. Ngài ban phúc lành của Ngài cho con người: tha thứ tội lỗi và cho được hưởng ơn cứu độ.
(3) Công bố ơn cứu độ: Ơn Cứu Độ đến từ Thiên Chúa. Ơn Cứu Độ không chỉ giới hạn trong việc giải phóng Dân Do-Thái khỏi lưu đày Babylon; nhưng bao gồm cả việc giải phóng dân khỏi tội lỗi, và đem lại cho dân sự tốt lành và bình an.
Thiên Chúa là Vua hiển trị, chính Ngài sẽ lãnh đạo dân. Những người canh gác của Thành Thánh Jerusalem sẽ nhìn thấy Đức Chúa, và cất tiếng reo hò. Ngài sẽ cai trị dân và cho họ hưởng bình an, những điều tốt lành, và ơn cứu độ.

1.2/ Mọi người sẽ nhìn thấy Thiên Chúa cứu độ Jerusalem: “Hỡi Jerusalem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Jerusalem. Trước mặt muôn dân, Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người: người bốn bể rồi ra nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.” Sự kiện Chúa giải phóng dân Do-Thái khỏi lưu đày Babylon và cho về lại Jerusalem, là một phép lạ mà các dân trong vùng đều hay biết: không bằng sức mạnh quân sự, không bằng sức cố gắng của dân Do-Thái; nhưng bằng niềm tin tưởng của Cyrus, Vua Ba-Tư vào Thiên Chúa. Tương tự khi Chúa Giêsu giải phóng dân khỏi tội bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá tại Jerusalem, nước Do-Thái còn đang dưới ách đô hộ của Đế-quốc Rôma.

2/ Bài đọc II: Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.

2.1/ Thánh Tử cao trọng hơn các tiên-tri: Trong Mầu Nhiệm Cứu Độ, những gì Thiên Chúa muốn được mặc khải qua hai giai đọan:
(1) “Thời xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ.” Các tiên-tri, vì khả năng giới hạn, không thể lĩnh hội một lần; nên Thiên Chúa phải mặc khải nhiều lần và qua nhiều người. Mỗi thời đại có những vấn đề khác nhau, nên mặc khải của các tiên tri cũng khác nhau, chẳng hạn: Tiên-tri Amos chú trọng đến công bằng xã hội; Tiên-tri Isaiah chú trọng đến việc sửa dạy để thanh luyện dân chúng; Tiên-tri Hosea chú trọng đến sự trung thành của Thiên Chúa và sự bất trung của dân. Các tiên-tri chỉ biết một khía cạnh về Thiên Chúa, không một tiên tri nào biết tất cả các khía cạnh của Thiên Chúa. Các tiên tri cũng dùng các cách khác nhau để mặc khải: tuyên sấm (Amos, Isaiah), hành động như đóng kịch (Jeremiah).
(2) Thời sau hết, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta trực tiếp qua Thánh Tử: Mặc khải do Thánh-Tử hòan hảo hơn tất cả mặc khải của các tiên-tri, vì Thánh-Tử biết rõ tất cả những gì xảy ra nơi Thiên Chúa ngay từ thuở ban đầu. Các tiên-tri là những bạn hữu của Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu là Người Con của Thiên Chúa. Ngài không chỉ biết một phần sự thật như các tiên tri; nhưng nơi Ngài ẩn chứa tất cả sự thật. Qua Ngài, con người nhận ra Thiên Chúa. Tác giả Thư Do-Thái không chủ ý khinh thường các tiên tri; nhưng muốn làm nổi bật vai trò của Thánh Tử.
Người Do Thái quan niệm họ đang sống giữa hai thời đại: thời hiện tại và thời cánh chung; thời hiện tại hòan tòan xấu và thời tương lai là thời huy hòang của Đức Chúa. Giữa hai thời đại là Ngày của Đức Chúa đến và Đức Kitô là Người bắt đầu triều đại của Thiên Chúa.

2.2/ Thánh Tử cao trọng hơn các thiên-thần.
1/ Sự cao trọng của Thánh Tử: C.J. Vaughan chỉ ra 6 điều quan trọng liên quan đến Đức Kitô:
(1) Vinh quang nguyên thủy của Thiên Chúa thuộc về Đức Kitô: “Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa.” Vinh quang của Thiên Chúa gồm chứa không trong sự đánh phạt con người hay giảm họ xuống hàng tôi tớ, nhưng trong phục vụ, yêu mến, và chết cho con người.
(2) Vương quốc thuộc về Đức Kitô: “Thiên Chúa đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.” Các tác giả Tin Mừng không bao giờ nghi ngờ sự chiến thắng thuộc về Đức Kitô; đơn giản vì Ngài là Con Thiên Chúa. Khi mọi việc hòan tất, Ngài sẽ trao vương quốc lại cho Thiên Chúa.
(3) Công cuộc tạo dựng cũng thuộc về Đức Kitô: “Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ.” Thiên Chúa tạo dựng bằng Lời “Hãy có!” tức thì mọi vật liền có.
(4) Công việc quan phòng vũ trụ cũng thuộc về Đức Kitô: “Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật.” Thiên Chúa không những dựng nên vũ trụ, nhưng còn quan phòng điều khiển nó theo một trật tự hòa điệu. Ngài điều khiển nó theo sự khôn ngoan, mà Ngôi Lời là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
(5) Công cuộc cứu chuộc là do Đức Kitô: Bằng cái chết, Ngài gánh tội cho con người; bằng sự hiện diện liên tục với con người, Ngài giải phóng con người khỏi tội.
(6) Cuộc vinh thắng khải hòan cũng thuộc về Đức Kitô: “Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời.” Theo tác giả Sách Do-Thái, Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa để làm Trạng-sư bênh vực cho con người.

2/ Thánh Tử cao trọng hơn các thiên-thần: Truyền thống Do-Thái tin thiên thần là các sứ giả (aggeloi, Hy-Lạp, và mal’akim, Do-Thái) của Thiên Chúa: các thiên-thần có nhiệm vụ trao mệnh lệnh của Thiên Chúa cho con người và tường thuật những gì con người làm hay cầu xin lên Thiên Chúa. Quan hệ trực tiếp giữa Thiên Chúa và con người không thể xảy ra; nếu con người nhìn thấy Thiên Chúa, chắc chắn họ sẽ phải chết (Acts 7:53, Gal 3:19). Vì thế, dễ dàng cho người Do-Thái chấp nhận các thiên thần hơn là chính Thiên Chúa. Tác giả Thư Do-Thái muốn nhấn mạnh Đức Kitô không phải là một trong số các thiên thần; nhưng cao trọng hơn các thiên thần bội phần. “Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu. Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con; hoặc là: Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta. Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.”

3/ Phúc Âm: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”

3.1/ Sự hiện hữu và vai trò của Ngôi Lời:
(1) Ngôi Lời hiện hữu từ khởi thủy: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.” Từ ngữ “Ngôi Lời” có lịch sử trong cả Do-Thái và Hy-Lạp. Cả hai lịch sử đều cho “Lời” là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là trí tuệ của Ngài. Thánh sử Gioan dùng từ Hy-Lạp để nói về Đấng Thiên Sai của Do-Thái, cho người Hy-Lạp hiểu. Nếu Ngôi Lời là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngôi Lời luôn hiện hữu với Thiên Chúa từ khởi thủy.
(2) Vai trò của Ngôi Lời trong việc tạo dựng vũ trụ: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” Nếu Ngôi Lời là trí tuệ của Thiên Chúa, cái gì có trong trí tuệ thì sẽ có; cái gì không có trong trí tuệ thì sẽ không có. Sự sống và Ánh sáng là hai chủ đề chính trong Tin Mừng Gioan, và có liên quan mật thiết với nhau. Sự sống không chỉ thuần túy thể lý, nhưng mở rộng tới sự sống đời đời. Chỉ có Ngôi Lời có khả năng đem sự sống đời đời này cho con người.
(3) Ngôi Lời là ánh sáng: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ta là ánh sáng thế gian; ai tin Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống” (Jn 8:12). Bóng tối đối ngược với ánh sáng, và con người cần ánh sáng xua tan bóng tối để con người có thể nhìn thấy; nhưng cũng có những con người muốn ở trong bóng tối nên muốn diệt trừ ánh sáng, vì sợ ánh sáng sẽ phơi bày những tội lỗi của họ cho người khác nhìn thấy.

3.2/ Phản ứng của con người: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.” Ánh sáng của Ngôi Lời chính là sự thật Ngài mang từ Thiên Chúa đến cho con người. Đứng trước sự thật, Thánh-sử Gioan tường thuật 2 phản ứng chính:
(1) Không nhận biết và không tiếp nhận Người: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” Con người ít nhất hai lần từ chối Ngôi Lời: Lần thứ nhất, Thánh Phaolô đồng ý với Gioan khi tố cáo: “Con người phải nhận biết Thiên Chúa qua những gì Thiên Chúa tạo dựng, nhưng họ đã không nhận ra Thiên Chúa” (Rom 1:19-20). Thiên Chúa tạo dựng qua Ngôi Lời, con người chẳng nhận ra Ngôi Lời cũng chẳng nhận biết Thiên Chúa. Lần thứ hai là qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, rất nhiều người đã nhìn thấy Ngôi Lời, nhưng vẫn từ chối tiếp nhận Ngài.
(2) Phần thưởng dành cho những ai tiếp nhận Người: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.” Phần thưởng trọng đại dành cho những ai tin vào Ngôi Lời là họ trở thành con Thiên Chúa; và được hưởng tất cả mọi ơn lành dành cho người con.

3.3/ Những hồng ân Ngôi Lời ban cho con người: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật… Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có.”
(1) Ân sủng: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” Đức Kitô, tuy trong thân xác con người, nhưng chứa đựng tất cả khôn ngoan, uy quyền, tình thương, và sự bình an của Thiên Chúa (như các tên gọi của Ngài trong Thánh Lễ Nửa Đêm). Bất cứ ai có được Ngài, là hưởng được tất cả những gì Ngài có. Ngài là sự tòan hảo của Thiên Chúa, và Ngài ban cho con người đời sống thần linh của Ngài.
(2) Sự thật: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Người Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.” Ngôi Lời mặc khải cho con người biết sự thật về Thiên Chúa và tất cả các ý định của Ngài. Khi Philip xin Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa, Đức Kitô bảo ông: “Ai đã xem thấy Thầy là đã thấy Cha” (Jn 14:9).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Lịch sử rất quan trọng trong việc hiểu biết và củng cố niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Người không biết lịch sử sẽ dễ dàng chạy theo những niềm tin mơ hồ. Nguy hiểm của những niềm tin này là con người không đạt được mục đích của đời mình.
- Lịch sử của Do-Thái quan trọng cho niềm tin của các Kitô hữu, vì Thiên Chúa đã chọn họ làm Dân Riêng để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến. Chúng ta cần học hỏi lịch sử của họ qua các Sách Cựu Ước để hiểu biết Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa cho con người.
- Theo Lịch sử Cứu Độ, Thiên Chúa đã dùng những cách thức khác nhau để dạy dỗ con người: thời Cựu Ước, Ngài dùng các tiên-tri để nói thay và dạy dỗ con người; thời Tân-Ước, Thiên Chúa cho Người Con nhập thể để dạy dỗ và mặc khải rõ ràng Kế Họach Cứu Độ cho con người.
- Mọi người chúng ta đều cần được dạy dỗ bởi chính Người Con này. Chúng ta phải có Đức Kitô trong cuộc đời để Ngài soi sáng, dạy dỗ, ban ơn, và chỉ đường cho chúng ta về hưởng hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa.

Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

25/12/2019
ĐẠI LỄ MỪNG CHÚA GIÁNG SINH
Lc 2,15-20


BƯỚC ĐI TRONG ÁNH SÁNG
Những người chăn chiên bảo nhau: “Nào ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra như Chúa đã tỏ cho ta biết.” (Lc 2,15)

Suy niệm: Bầu khí ngày lễ Giáng Sinh rộn ràng khắp nơi với âm vang rộn rã của những ca khúc mùa Giáng Sinh, cùng với đủ mọi sắc mầu tươi vui nơi phố xá, nhà thờ. Những hang đá nơi nhà thờ hay tư gia được trang trí lộng lẫy và xa hoa với những đèn màu nhấp nháy, kim tuyến lấp lánh. Nhưng cánh đồng Bê-lem năm ấy thì khác hẳn. Một đêm như mọi đêm. Vạn vật chìm trong tĩnh lặng. Con người say ngủ trong sự bình thản thờ ơ. Chỉ có những người chăn chiên khiêm hạ mới nhìn thấy ánh sáng kỳ diệu từ trời, và mới nghe được “tin mừng trọng đại”: “Một Đấng Cứu độ đã sinh ra… Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa.” Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng đón nhận (Ga 1,11); chỉ những ai nghèo hèn, bé nhỏ, có quả tim rộng mở mới có thể nhận biết và đón tiếp Ngài.

Mời BạnBạn thấy mình đang đóng vai trò nào trong mầu nhiệm Giáng Sinh: bạn là mục đồng, đạo sĩ, hay bạn là dân chúng, là Hê-rô-đê? Mời bạn mặc lấy tâm tình của các mục đồng vội vã lên đường “xem sự việc xảy ra như Chúa đã tỏ cho biết”, nghĩa là biết khám phá những dấu chỉ sự hiện diện và lời mời gọi của Chúa được bày tỏ cách này hay cách khác trong cuộc sống của mình. Và dưới ánh sáng đó, bạn hãy đáp lại bằng thái độ mau mắn dấn thân phục vụ tha nhân. Hãy cảm nghiệm mối tương quan rất riêng tư giữa bạn và Hài Nhi nằm trong máng cỏ, bạn sẽ cảm nhận một điều gì rất mới trong tâm hồn mình.

Sống Lời Chúa: Dành ít phút lắng đọng trước hang đá, cảm nghiệm tình thương Chúa trong đời bạn.

Cầu nguyện: Hát bài ca Giáng Sinh.
(5 phút Lời Chúa)

Ngôi Lời làm người (25.12.2019 – Lễ Giáng Sinh – Thánh Lễ Ban Ngày)

Suy niệm 
Trong ngày đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh,
Giáo Hội cho chúng ta nghe Lời mở đầu Tin Mừng theo thánh Gioan.
Lời mở đầu này là một bài ca về sự cao trọng vô song của Ngôi Lời.
Ngôi Lời là Đấng vĩnh hằng, đã hiện hữu từ nguyên thủy.
Ngài là Thiên Chúa, là Con Một luôn hướng về Thiên Chúa Cha (c. 1).
Tương quan giữa Thiên Chúa và Ngôi Lời là tương quan giữa Cha với Con.
Thiên Chúa Cha đã muốn Ngôi Lời cộng tác trong việc tạo dựng vũ trụ.
Nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành (cc. 3, 10).
Chẳng có thụ tạo nào hiện hữu mà lại không được dựng nên bởi Ngôi Lời.
Dù khác nhau về màu da, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo…
mỗi con người đều mang trong mình Sự Sống của Ngôi Lời.
Sự Sống ấy là Ánh Sáng vẫn chiếu soi cả nhân loại (c. 4),
và soi chiếu lương tâm từng con người, chẳng trừ ai (c. 9),
bất chấp sức mạnh gớm ghê của bóng tối (c. 5).
Rồi khi đến thời viên mãn, vì quá yêu thương con người trầm luân
Thiên Chúa đã sai Ngôi Lời, Con Một của Ngài vào trần gian để cứu độ.
Ngôi Lời vĩnh cửu đã trở nên người phàm, mang tên Giêsu,
mang thân xác giới hạn như chúng ta, sống trong dòng lịch sử,
và ở giữa chúng ta trên cùng một trái đất (v. 14).
Đấng Tạo thành vạn vật bây giờ trở nên một thụ tạo bé nhỏ,
được sinh ra, được bú mớm, từ từ lớn lên và trưởng thành.
Đấng Tạo thành vạn vật nay sẽ là Đấng Cứu độ loài người,
để ai tin vào Ngài thì Ngài cho họ quyền làm con cái Thiên Chúa (c. 12).
Khi vâng ý Cha chấp nhận nhập thể và nhập thế,
Ngôi Lời đã cúi xuống bắc cầu nối kết Thiên Chúa với con người,
để đưa con người vào sống tình thân với Thiên Chúa.
Chưa bao giờ và mãi mãi về sau,
chẳng bao giờ có một Vị Trung Gian cứu độ nào tuyệt vời đến thế.
Vì chỉ mình Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là một con người thật.
Mừng lễ Giáng Sinh là mừng đại lễ Thiên Chúa đến cứu con người.
Thiên Chúa Cha không muốn cứu độ nhân loại bằng cách chỉ phán một lời.
Ngài muốn tặng cho ta món quà cao quý là chính Người Con duy nhất.
Chẳng ai thấy tận mắt hay biết rõ Thiên Chúa bao giờ.
Nhưng nơi Đức Giêsu, chúng ta được quen biết và gặp gỡ Thiên Chúa.
Vì duy chỉ mình Ngài là Con hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha (c. 18).
Lễ Giáng Sinh đem lại niềm vui cho toàn thể thế giới con người.
Vì Con Thiên Chúa đã mang phận người vất vả, long đong,
nên đời người, dù đổ vỡ khổ đau, cũng có ý nghĩa, và đáng sống.
Vì Con Thiên Chúa đã mang khuôn mặt, và thân xác con người,
nên bất cứ ai là người, đều mang hình ảnh của Con Thiên Chúa.
Vì Con Thiên Chúa đã cư ngụ trên trái đất nhỏ xíu này của chúng ta,
đã sống nhờ không khí, nước và thức ăn của trái đất này,
nên trái đất này thật là thế giới linh thánh, cần trân trọng.
Lễ Giáng Sinh bao giờ cũng mời ta nhìn lại đời mình,
nhìn lại khuôn mặt những người chung quanh, nhìn lại trái đất mình sống,
với lòng kính trọng, vui sướng, và biết ơn.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại.
Ước gì tôi biết đưa hai tay ra để đón lấy quà tặng cao quý ấy.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Khi làm người, Chúa đã nhận trái đất này làm quê hương,
và đã ban cho chúng con như một quà tặng tuyệt vời.
Nếu rừng không còn xanh, suối không còn sạch,
và bầu trời vắng tiếng chim.
thì đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã đến làm người để tôn vinh phận người,
vậy mà thế giới vẫn có một tỷ người đói,
bao trẻ sơ sinh bị giết khi chưa mở mắt chào đời,
bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm bị chà đạp.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đến đem bình an cho người Chúa thương,
vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày an bình.
Chiến tranh, khủng bố, hận thù ở khắp nơi.
Người ta cứ giết nhau bằng thứ vũ khí tối tân hơn mãi.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu ở Belem,
Chúa đã cứu độ thế giới bằng tình yêu khiêm hạ,
nhưng bất công, ích kỷ và dối trá vẫn có mặt trên địa cầu.
Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn tràn lan.
Chúa đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị trói buộc.
Đó là lỗi của chúng con.
Vì lỗi của chúng con, chương trình cứu độ của Chúa bị chậm lại,
và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn chưa thành tựu.
Mỗi lần đến gần máng cỏ Belem,
xin cho chúng con nghe được lời thì thầm gọi mời của Chúa
để yêu trái đất lạnh giá này hơn,
và xây dựng nó thành mái ấm cho mọi người.
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.

25 Tháng Mười Hai
Phép Lạ Giáng Sinh

Hằng năm, cứ đến Giáng Sinh, Hài Nhi Giêsu thường đi một vòng rảo qua khắp các làng mạc và đô thị để tặng quà cũng như nhận quà và phân phát cho những ai cần đến.
Năm nay, tại một đô thị nọ, Ngài đang cần một món quà không dễ tìm ra: đó là một quả tim lành mạnh để thay thế quả tim của một người bệnh đang hấp hối.
Bệnh nhân có quả tim gần như ngừng đập này là một nhân vật nổi tiếng trong cả nước: đó là bộ trưởng tài chính!
Tất cả các bác sĩ trong nước đều bó tay. Cuối cùng, họ mới chạy đến với Hài Nhi Giêsu, vì tin tưởng rằng ít ra trong đêm Giáng Sinh, Ngài sẽ làm một phép lạ. Nhưng Hài Nhi Giêsu trả lời với các bác sĩ: "Không phải Ta là người phải làm phép lạ, nhưng chính là lòng quảng đại của một người dâng hiến quả tim của mình".
Tin tưởng ở lòng người, Hài Nhi Giêsu đã đến gõ cửa nhà của thân nhân, bạn hữu của vị bộ trưởng. Họ đang mừng lễ Giáng Sinh: cây Giáng Sinh của họ đầy những hoa đèn và quà tặng, bàn ăn của họ đầy những thịt rượu và của ngon vật lạ. Họ đang ăn uống say sưa... Vừa thấy Hài Nhi đứng trước nhà, họ tưởng Ngài là một cậu bé vô lại phá đám, cho nên đã tống khứ Ngài đi càng sớm càng tốt.
Hài Nhi Giêsu buồn bã bỏ đi... Nhưng Ngài vẫn chưa thất vọng về tình người.
 Lần này, Ngài đến gõ cửa của những người thân cận vị bộ trưởng. Họ là những người đã từng bán đứng lương tâm, chối bỏ phẩm giá của mình để tìm kiếm lạy lục một chút cặn bã của vinh hoa, lợi lộc phù phiếm. Hài Nhi Giêsu nghĩ thầm ít ra đây cũng là dịp để họ tỏ lòng biết ơn đối với ông bộ trưởng. Nhưng tất cả đều lắc đầu từ chối, trái tim của họ đang hướng đến người sẽ lên thay thế ông bộ trưởng trong những ngày gần đây.
Hài Nhi Giêsu lại tiếp tục đi gõ cửa từng nhà, nhưng ai cũng đang bận bịu với cuộc vui đêm Giáng Sinh.
Ngài đi, đi mãi trong đêm, để rồi mệt lả không còn lê bước nữa. Ngài ngồi xuống bên vệ đường ven đô thị. Ngài đang miên man nghĩ đến tình người thì bỗng dưới ánh đèn đường mờ ảo, một bóng đen thất thểu tiến lại gần Ngài. Con người này xem chừng như không biết lễ Giáng Sinh là gì. Quần áo bẩn thỉu, dáng đi ngập ngừng. Trên vai của anh đeo lủng lẳng một chiếc đàn vĩ cầm cũ kỹ. Ðó là tất cả vốn liếng của một kẻ lãng tử. Vừa thấy em bé ngồi tiu nghỉu bên vệ đường, anh mới dừng lại, lấy chiếc đàn ra và dạo lên những khúc nhạc du dương, trầm buồn. Bản nhạh bỗng mang lại hy vọng cho Hài Nhi. Trên môi Ngài, một nụ cười bé thơ cũng vừa hé mở. Con người lang thang phiêu bạt này, con người không có lấy một mái nhà để nương náu, không có được một ngày lễ trong cuộc sống, không biết được đêm nay là đêm Giáng Sinh: vậy mà con người ấy có được một trái tim quảng đại sẵn sàng dâng hiến!
Hài Nhi Giêsu đến nắm tay anh, đưa anh vào bệnh viện. Tại đây, với nụ cười tươi nở trên môi, anh để cho các bác sĩ khoét vào lồng ngực của anh để lấy quả tim quảng đại của anh và đặt vào chỗ của quả tim đang thoi thóp của ông bộ trưởng tài chính.
Cuộc ghép tim vừa chấm dứt, thì mọi người đã có thể chứng kiến được phép lạ. Ông bộ trưởng với quả tim quảng đại và yêu đời của người lãng tử đứng dậy khỏi giường và bắt đầu ca hát.
Ông đã ném đi quả tim chỉ biết rung động vì tiền của, để thay thế bằng quả tim quảng đại biết ca hát, và sẵn sàng tự hiến cho người.
Lẽ sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét