Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

29-12-2019 : (phần II) CHÚA NHẬT THÁNH GIA THẤT năm A


29/12/2019
Chúa Nhật THÁNH GIA THẤT năm A
(phần II)

Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất A
CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT - A
(Hc 3,3-7.14-17a; Cl 3,12-21; Mt 2,13-15.19-23)
Chủ đề: PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH THEO MẪU GƯƠNG THÁNH GIA
Người làm vợ hãy phục tùng chồng, Người làm chồng hãy yêu thương vợ. 
Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” 
(Cl 3,18-20).
Ngôi Lời của Thiên Chúa đã đến làm người trong một gia đình. Vì thế, hằng năm, vào Chúa Nhật sau lễ Giáng Sinh, Hội Thánh mừng kính Lễ Thánh Gia Thất của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse. Thánh Gia trở thành một mẫu gương nổi bật cho các gia đình Kitô hữu noi theo. Các bài đọc hôm nay cho thấy vai trò và bổn phận mà mỗi thành viên trong gia đình phải có để kiến tạo một gia đình hạnh phúc; đồng thời cho thấy những phúc lành mà Thiên Chúa hứa ban cho một gia đình sống theo thánh ý Thiên Chúa. 
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1 (Hc 3,3-7.14-17a):
Bài đọc I trích sách Huấn Ca dạy những người con phải biết thảo kính cha mẹ vì đó là ý muốn của Thiên Chúa. Gia đình nào có con cái hiếu thảo thì người cha được vẻ vang, người mẹ thêm uy quyền. Đối với người làm con, việc thảo kính cha mẹ sẽ đem lại nhiều ơn ích:
- Với Thiên Chúa: họ được bù đắp các thiếu sót và tội lỗi đã phạm, nhờ vậy sẽ tích trữ được kho báu ở trên trời; thêm vào đó, khi cầu nguyện, họ sẽ được Thiên Chúa nhận lời.
- Với bản thân: họ sẽ sống trường thọ và danh thơm sẽ được truyền tụng, không bị người đời quên lãng.
- Với con cháu: họ sẽ được đáp lại theo luật “nhân quả”, đó là sẽ được vui mừng vì con cái họ, nghĩa là sẽ được con cái hiếu thảo với họ, như chính họ đã hiếu thảo với cha mẹ của mình.
Từ những hệ quả trên, Lời Chúa trong sách Huấn Ca khuyên con cái hiếu thảo với cha mẹ mình. Việc hiếu thảo này được diễn tả qua những khía cạnh khác nhau: “thờ cha”, “kính mẹ”, “tôn vinh cha”, “làm cho mẹ an lòng”, “săn sóc cha”, “chớ làm người buồn tủi”, “người có lú lẫn, phải cảm thông” và “không khinh dể cha mẹ mình”.
2. Bài đọc 2 (Cl 3,12-21):
Bài đọc 2 trích từ thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôxê cho chúng ta thấy nguyên lý của đời sống gia đình là dựa trên tinh thần đời sống mới trong Đức Kitô. Theo đó, đời sống gia đình của những người đã được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương, tức là đời sống của một gia đình Kitô hữu, phải có những đức tính như: thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.
Các đức tính trên được thực hiện nhờ vào nhân đức nền tảng là “lòng bác ái” vì lòng bác ái là mối dây liên kết tuyệt hảo mọi đức tính luân lý của Kitô giáo (xem Bài ca Đức mến 1Cr 13). Từ những nguyên lý đó, hệ quả kéo theo là: vợ chồng yêu thương, phục tùng lẫn nhau và đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng. Về phần con cái, họ cần vâng phục cha mẹ trong mọi sự vì đó là điều đẹp lòng Chúa.
Để thực hiện những điều trên, cuộc sống gia đình phải được nuôi dưỡng bởi lời Chúa và đời sống cầu nguyện qua việc dâng lên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca để tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Qua đó, Lời Chúa sẽ dậy men trong gia đình. Nói cách khác, cần Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình.
3. Bài Tin Mừng (Mt 2,13-15.19-23):
Đức Giêsu, con Thiên Chúa đã làm người phàm, đã sống trong một gia đình có thân phụ là Thánh Giuse và thân mẫu là Đức Maria. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy vai trò của Thánh Giuse trong Thánh Gia, đó là vâng theo thánh ý Thiên Chúa hầu bảo vệ, che chở Đức Maria và Đức Giêsu tránh khỏi những toan tính của các thế lực chống lại Thiên Chúa, để Đức Giêsu có thể thực thi chương trình cứu độ khi đến thời đến buổi. 
Trước đó, Thánh Giuse đã vâng theo lệnh Chúa qua lời của Sứ Thần Chúa truyền cho ông trong giấc mơ để đón nhận Đức Maria làm vợ mình, đặt tên cho con trẻ là Giêsu, và lúc này là đưa Hài Nhi trốn sang Ai Cập để bảo đảm an toàn tính mạng cho Hài Nhi và Đức Maria khỏi sự đe dọa từ thế lực chính trị của vua Hêrôđê. Như thế, Tin Mừng cho thấy rằng ngay cả Thánh Gia cũng phải trải qua những thử thách và đau khổ trong đời sống thường nhật như bao gia đình khác.  
Qua những thử thách và bách hại và cách hành động như trên, Thánh Giuse đã cho thấy thế nào là một người có niềm tin đích thực: vâng theo thánh ý Thiên Chúa với bất cứ giá nào. Cuộc lánh nạn tới đất Ai Cập là ác mộng và xem ra vô định vì không biết tương lai sẽ xảy ra như thế nào, nhưng Thánh Giuse vẫn vâng theo vì lòng tín thác vào Thiên Chúa. Sau đó, ngài lại vâng theo lệnh Chúa mà đưa Thánh Gia ra khỏi Ai Cập để trở về sống cuộc sống bình dân thầm lặng ở Nadarét. Riêng Đức Maria và Đức Giêsu thì hoàn toàn vâng phục Thánh Giuse, không phản kháng một lời.
Những tư tưởng trên cho thấy rằng Thánh Gia là một gia đình gương mẫu đã sống theo những nguyên lý căn bản của một gia đình thực thi thánh ý Thiên Chúa như đã đề cập trong bài đọc 1 và 2. Với tư cách là cột trụ của gia đình, Thánh Giuse đã bảo vệ vợ mình và con cái theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa; còn Đức Maria và Chúa Giêsu lại sống theo sự dẫn dắt của Thánh Giuse. Nhờ có tôn ti trật tự như thế, Thánh Gia là một gia đình trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm và trở thành một mô hình gương mẫu để mọi gia đình và nhất là gia đình Kitô hữu noi theo.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ…” (Hc 3,3-6). Tư tưởng này rất phù hợp với đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu” của người Việt Nam. Ngày nay đời sống gia đình đang trên đà xuống dốc: cha mẹ ly thân, ly dị; con cái hư thân bất hiếu; anh em chia rẽ bất hòa,… Là cha mẹ, chúng ta có ý thức được rằng đời sống và các hành vi của bản thân là bài học chính cho con cái hay không? Là con cái, chúng ta có ý thức được phận làm con của mình, cụ thể là sống hiếu thảo thì sẽ đẹp lòng Chúa, làm vui lòng cha mẹ, tích đức cho bản thân; và đến lượt, sẽ có một gia đình hạnh phúc trong tương lai, sẽ được con cái kính trọng như mình đã kính trọng với cha mẹ của mình hay không?
2. “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau, và trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14). Gia đình Kitô giáo phải được xây dựng trên những nhân đức nền tảng của đời sống mới trong Đức Kitô, nhất là lòng bác ái (đức ái/ tình yêu). Chúng ta có ý thức được rằng các đức tính trên, nhất là đức ái, sẽ giúp mỗi thành phần trong gia đình vượt qua được mọi khủng hoảng của đời sống gia đình như cha mẹ ly thân, ly dị, gia đình tan vỡ…; đồng thời, giúp mỗi người sống chính danh: cha mẹ sống đúng vai trò của mình, chu toàn bổn phận chăm sóc và yêu thương, dạy dỗ nhưng cũng tôn trọng con cái; con cái chu toàn bổn phận làm con, sống thảo hiếu với cha mẹ hay không? Chúng ta có ý thức rằng mỗi thành viên trong gia đình cần thực thi các đức tính, nhất là đức ái Kitô giáo, tân Phúc-Âm-Hóa chính đời sống gia đình của mình; nhờ đó cùng nhau gắn kết hầu chung tay xây dựng gia đình có lối sống Tin Mừng hay không?
3. “Tại Việt Nam, gia đình vẫn là ‘trường học đầu tiên’, nơi đó các Kitô hữu trẻ đón nhận những bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa.” Những lời ấy trong Thư Chung HĐGMVN 2019 (số 3) tiếp nối tư tưởng của Hội Thánh hoàn vũ đã được các Đức Thánh Cha đề cập tới. Đức Thánh Cha Bênêđíctô đã nói: “Gia đình là nơi thuận tiện đầu tiên để nói về Thiên Chúa, để thông truyền đức tin cho các thế hệ mới. Vì thế các phụ huynh phải biết tỉnh thức và nhạy cảm chú ý tới các dịp thuận tiện giúp trình bày đức tin cho con cái với niềm vui, khả năng lắng nghe và đối thoại” (sáng thứ Tư ngày 28/11/2012 tại Rôma). Chúng ta có ý thức được rằng nếu mỗi thành phần trong gia đình, nhất là bậc cha mẹ, biết thực hành những lời nhắc nhở trên đây thì gia đình sẽ trở nên một tổ ấm yêu thương, sống đùm bọc lẫn nhau, trong ấm ngoài êm, trên thuận dưới hòa và đẹp lòng Thiên Chúa hay không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Ngôi Lời của Thiên Chúa đã đến làm người trong một gia đình, và Thánh Gia Thất trở nên mẫu gương tuyệt vời cho các gia đình Công Giáo. Cộng đoàn chúng ta hãy quyết tâm noi theo gương Thánh Gia và tha thiết cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp:
1. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh biết quan tâm nhiều hơn đến mục vụ gia đình, để các gia đình Công Giáo thực sự trở nên một Hội Thánh tại gia, là nơi bảo vệ và thông truyền đức tin Kitô giáo qua nhiều thế hệ.
2. Thánh Gia đã phải trải qua những thử thách và đau khổ trong đời sống thường nhật. Chúng ta cầu nguyện cho các bậc cha mẹ trong gia đình biết chiêm ngắm và noi theo gương mẫu của Đức Maria cùng thánh Giuse, luôn vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, ý thức trách nhiệm giáo dục đức tin và nêu gương sáng cho con cái.
3. “Anh chị em hãy có đức yêu thương, đó là dây liên kết điều toàn thiện.” Chúng ta cầu nguyện cho những người trẻ trong gia đình biết chu toàn bổn phận làm con cái, luôn yêu thương kính trọng ông bà cha mẹ; đồng thời, biết nỗ lực hoàn thiện bản thân, luôn sống xứng đáng với phẩm giá làm người và làm con cái Chúa.
4. “Nguyện cho lời Đức Kitô ngự trong anh em cách dồi dào.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình trong cộng đoàn chúng ta luôn siêng năng suy niệm và sống Lời Chúa mỗi ngày, tích cực xây dựng gia đình mình trở thành một cộng đoàn chuyên chăm cầu nguyện, sống yêu thương phục vụ, và hăng say loan báo Tin Mừng.
Chủ tếLạy Chúa là nguồn gốc của mọi gia đình và là Cha tất cả chúng con. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con biết noi gương Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, luôn tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa, hầu ngày sau xứng đáng được chung hưởng vinh quang và sự sống đời đời trong nhà Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.


LỄ THÁNH GIA
CHỦ ĐỀ :
THÁNH GIA NADARÉT
LÀ GƯƠNG MẪU CỦA MỌI GIA ĐÌNH

“Giuse đưa Hài nhi và Mẹ Người trốn sang Ai cập” (Mt 2,14)

Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I : Ai kính sợ Chúa thì thảo kính cha mẹ.
– Đáp ca : Kẻ kính sợ Chúa thì được hưởng hạnh phúc gia đình.
– Tin Mừng : Gương Thánh Giuse gia trưởng.
– Bài đọc II : Sống hòa thuận trong gia đình.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Lễ Thánh Gia hôm nay rất có ý nghĩa đối với người Việt Nam chúng ta vốn coi trọng gia đình và các giá trị gia đình.
Lời Chúa hôm nay tuy chưa liệt kê đầy đủ mọi đức tính phải có trong cuộc sống gia đình, nhưng những đức tính được đề cập tới đều rất quan trọng.
Trong Thánh lễ đặc biệt này, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận giáo huấn của Lời Chúa, và tha thiết cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng ta xây dựng gia đình mình theo gương mẫu Thánh gia Nadarét.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúng ta đã thiếu sót rất nhiều trong bổn phận làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm con, làm anh chị em trong gia đình.
– Chúng ta đã cố gắng rất nhiều để lo cho gia đình về phương diện vật chất, nhưng chưa cố gắng đủ để lo cho gia đình về phương diện tinh thần và đạo đức.
– Gia đình chúng ta chưa là một nắm men, một hạt muối, một ngọn đèn sáng trong khu xóm.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Hc 3,2-14) :
Đoạn sách Huấn Ca này đặc biệt nhấn mạnh đến bổn phận con cái phải thảo kính cha mẹ.
Nền tảng của việc thảo kính cha mẹ là chính ý muốn của Thiên Chúa : “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái, quyền lợi người mẹ Ngài củng cố trên đàn con”.
Thảo kính cha mẹ sinh ra rất nhiều ơn ích :
– đền bù tội lỗi, thu được một kho tàng, làm cho cha mẹ vui, sống lâu
– khi cầu xin sẽ được Thiên Chúa nhậm lời
– sau này đến lượt mình có con cái thì sẽ được chúng hiếu thảo
2. Đáp ca (Tv 127) :
Tác giả Tv 127 coi việc kính sợ Chúa là nguồn mọi hạnh phúc gia đình :
– những lao công khó nhọc sẽ sinh kết quả
– được vợ hiền con ngoan
– hạnh phúc suốt đời
3. Tin Mừng (Mt 2,13-15.19-23) :
Trong bức tranh vẽ cảnh gia đình Nadarét, có hai nét đáng lưu ý hơn cả :
a/ Vai trò nổi bật của người gia trưởng : vai người mẹ Maria và người con Giêsu đều mờ nhạt để làm nổi bật hẳn lên vai người gia trưởng Giuse. Người gia trưởng này tuy âm thầm nhưng rất tận tuỵ lo lắng chăm sóc mọi người trong gia đình. à Một gia đình hợp nhất quanh người gia trưởng.
b/ Nhưng bên trên vai trò người gia trưởng, còn một vai khác quan trọng hơn, đó là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa dẫn dắt cuộc sống gia đình Nadarét qua đại diện của Ngài là gia trưởng Giuse. à Thiên Chúa là gia trưởng tối cao của gia đình.
4. Bài đọc II (Cl 3,12-21) :
Thánh Phaolô liệt kê những đức tính phải có trong cuộc sống gia đình : từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.
Trong các đức tính ấy, Thánh Phaolô đặc biệt lưu ý đến việc tha thứ cho nhau. Ngài kêu gọi các phần tử trong gia đình hãy tha thứ cho nhau theo gương và theo mức độ của chính Chúa Giêsu : “Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau”.
Và để có thể thực hiện các đức tính ấy, phải có một nhân đức làm nền, đó là đức yêu thương.
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Vai trò người cha
Đương nhiên người cha và người mẹ là hai vai trò quan trọng nhất trong gia đình. Còn nếu so sánh người cha với người mẹ thì có lẽ vai trò người cha quan trọng hơn :
– Gia đình nào có người mẹ tốt nhưng người cha xấu thì các con trong gia đình khó mà tốt hết được. Hình như tấm lòng của người mẹ không hữu hiệu bằng sự hướng dẫn của người cha.
– Gia đình nào có người cha tốt thì hầu như mọi người trong nhà đều dễ trở thành tốt, vì người cha là cột trụ cho cả nhà dựa vào, là vị chỉ huy điều khiển mọi người, là người cầm lái đưa cả gia đình theo một hướng.
Gia đình Nadarét có Thánh Giuse làm gia trưởng. Dù Đức Maria và Chúa Giêsu là những người cao quý hơn thánh Giuse, nhưng Thiên Chúa đã đặt hai vị dưới quyền Thánh Giuse ; khi Thiên Chúa muốn nói gì với gia đình này thì Ngài nói với Thánh Giuse ; và hai vị kia vâng lời Thánh Giuse như vâng lời Thiên Chúa.
Phần Thánh Giuse, có lẽ Ngài không thông minh và tài cán bao nhiêu, nhưng Ngài rất tận tuỵ trong bổn phận, nhất là Ngài điều hành việc gia đình theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay kể : trong hai tình huống nghiêm trọng nhất là trốn sang Ai cập và hồi hương về Nadarét, Thánh Giuse đều làm theo lời Chúa. Bản văn viết rõ : “Giuse liền thức dậy, đưa hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập” (hoặc : “về đất Israel”). Dù đang ngủ nhưng mau mắn “thức dậy” và “liền” thi hành ngay lời Chúa dạy.
Đối chiếu với gương thánh Giuse, chúng ta hiểu được lý do khiến cho nhiều gia đình không được tốt :
– Lý do thứ nhất là vì người cha gia đình không tận tuỵ với bổn phận mình.
– Lý do thứ hai là vì người cha gia đình không điều hành gia đình theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa.
2. Lòng hiếu thảo không phải là bản năng
Cha mẹ thương con là do bản năng : dù đứa con xinh đẹp hay xấu xí, ngoan ngoãn hay ngỗ nghịch, cha mẹ vẫn luôn yêu thương và hy sinh tất cả cho nó. Người ta nói “Nước bao giờ cũng chảy xuôi xuống”.
Nhưng con cái thương cha mẹ không phải là bản năng (con cái bám lấy cha mẹ mới là bản năng) : khi đứa con còn cần đến cha mẹ thì xem ra nó “thương” cha mẹ lắm. Đến khi nó không cần đến cha mẹ nữa, nhất là khi cha mẹ cần đến nó thì nhiều đứa thờ ơ, hất hủi, bất hiếu… “Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”.
Nếu là bản năng thì không cần được dạy. Vì không phải là bản năng nên cần được dạy mới biết.
– Người Việt Nam dạy con cái hiếu thảo cha mẹ cách tiêu cực bằng lời đe dọa : ai bất hiếu ngỗ nghịch với cha mẹ thì sẽ bị “trời đánh”.
– Sách Đức Huấn Ca dạy cách tích cực bằng Lời Chúa hứa ban cho kẻ thảo hiếu cha mẹ nhiều ơn lành (xem phần giải thích Bài đọc I phía trên)
Dù dạy cách tiêu cực bằng lời đe dọa, hay cách tích cực bằng lời hứa, cả hai lời dạy trên đều giống nhau ở điểm quy lòng hiếu thảo về nguồn gốc là Thiên Chúa (hay “Ông Trời”) : chính Thiên Chúa muốn con cái hiếu thảo với cha mẹ, do đó Ngài thưởng kẻ hiếu thảo và phạt kẻ bất hiếu.
Vì thế những kẻ làm con phải ý thức rằng : Hiếu thảo với cha mẹ
– không chỉ là một tình cảm tự nhiên được thúc đẩy bởi bản năng,
– mà còn là một đạo lý nhân bản (đạo làm người : nhân-đạo)
– hơn nữa, đó còn là lệnh truyền của chính Thiên Chúa (thiên-đạo)

3. Bảo vệ con
Để bảo vệ Hài nhi Giêsu khỏi sa vào nanh vuốt Hêrôđê, Thánh Giuse và Đức Maria đã phải vượt qua con đường hiểm trở dài gần 500 cây số xuyên qua sa mạc El-Arish đến Ai Cập, một sa mạc trải dài hơn 200 cây số toàn cát trắng như biển cả mênh mông, không một bóng cây, một cọng cỏ, một giếng nước. Đoàn lữ hành phải đeo đủ đồ ăn, nước uống để chịu đựng cả nửa tháng rất kham khổ. Năm mươi năm trước Chúa Giáng sinh, đoàn quân Rôma phải vượt qua quãng đường này thấy khủng khiếp hơn đánh nhau với quân Ai cập. Năm 1967, đại quân Ai cập đã sa lầy trong sa mạc này khi chiến tranh với quân do thái.
Sự khủng khiếp của những đoàn quân hùng mạnh làm ta cảm thấy sự khốn cực của Thánh Gia lúc đi tị nạn. Ngày ngày các ngài phải lê gót từng bước chân trên cát lầy sụp lở, vượt qua các đồi cát dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, giữa biển cát nóng hừng hực, vẫn phải tiết kiệm từng giọt nước và những cơn bão cát khủng khiếp như muốn chôn sống các ngài.
Có một số sách hoang đường mô tả cuộc tị nạn của Thánh Gia như thiên đường : những dã thú hiền từ đến lậy dưới chân Chúa Hài Nhi, những cây chà là rợp bóng rũ trái để các Ngài ngủ mát, ăn điểm tâm ; nước chảy lênh láng để các Ngài giải khát, tắm rửa giữa sa mạc ! (Ricciotti, Vie de Jésus-Christ, p. 268)
Ở trần gian, Thánh Gia không được hưởng cảnh thanh nhàn đó. Chúa muốn các Ngài phải chịu trăm chiều đau khổ để nêu gương cho ta khi gặp gian nan biết vui lòng hy sinh như các Ngài, nhất là khi gặp thử thách để bảo vệ Hài Nhi Giêsu, bảo vệ Hội Thánh, bảo vệ đức tin và các hài nhi con cháu mình. Phải bảo vệ hài nhi khỏi tay kẻ dữ, khỏi không bị hận thù bất công, khỏi bạn bè gian ác, trộm cắp, đồi truỵ. Đó là nhiệm vụ của cha mẹ, của các vị tinh thần và mọi kitô hữu.
Biết bao hài nhi đã bị huỷ hoại trong bào thai, khi chào đời lại bị cha mẹ vô luân liệng bỏ, và bị bao nhiêu tệ nạn xấu xô đẩy. Thật khổ tâm !
Cách bảo vệ hài nhi an toàn nhất là hãy tỉnh thức nghe tiếng Chúa trong lương tri, trong Tin Mừng và giáo huấn của Hội Thánh, mới mong tránh khỏi tay những Hêrôđê tàn bạo. Nhất là hãy dắt con em mình đến nương ẩn dưới cánh tay uy quyền và tình thương bao la của Chúa, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse.
(Lm Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm A)
4. Những bài học của trẻ con
Nếu trẻ con sống với những lời phê phán, chúng học được thói hay lên án.
Nếu chúng sống với sự hận thù, chúng học được thói thích đánh nhau.
Nếu chúng sống với những lời chế nhạo, chúng học được thói nhút nhát.
Nếu chúng sống với sự chê bai, chúng học được mặc cảm tội lỗi
Nếu chúng sống với sự bao dung, chúng học được tính nhẫn nhục
Nếu chúng sống với sự khuyến khích, chúng học được lòng tự tin.    
Nếu chúng sống với lời khen, chúng học được cách thưởng thức cái hay của người.
Nếu chúng sống với sự lương thiện, chúng học được tính công bình.
Nếu chúng sống với sự che chở an toàn, chúng học được lòng tin cậy.
Nếu chúng sống với sự chấp nhận, chúng học biết yêu thích chính mình.
Nếu chúng sống với tình thương, chúng học được cách tìm thấy Chúa trong cuộc đời. (Anon, “Children learn what they live”)
5. Bà mẹ thánh thiện và đảm đang thành Luân Đôn
Đầu thế kỷ XX này, tại Luân Đôn, có một gia đình công nhân vừa nghèo khó lại vừa đông con : cả thảy 13 đứa ! Bố của chúng phải đi làm việc suốt ngày ở xí nghiệp. Bà mẹ ở nhà làm nghề phụ và lo việc nội trợ. Dù đầu tắt mặt tối, bận bịu suốt ngày suốt đêm, nhưng bà Vaughan vẫn vui vẻ thay mặt chồng dạy dỗ con cái học giáo lý, tập luyện chúng có tinh thần đạo đức, khuyên chúng chịu khó học tập, lao động, và đặc biệt trưa nào rửa chén bát xong bà Vaughan cũng đến nhà thờ chầu Chúa một giờ.
Láng giềng ai cũng lấy làm lạ và hỏi bà : “Một bầy con 13 đứa, bận rộn sáng tối, mà sao trưa nào chị cũng đi chầu Thánh Thể ?” Bà tươi cười bảo : “Thấy một bầy con lúc nhúc, ăn bữa mai chạy gạo bữa hôm, tôi lo lắm. Hơn thế chúng còn đến trước trường học, theo bạn bè rủ rê đi chơi hoặc ra phố phường xa hoa, do đó nhiều nguy hiểm, tôi càng thao thức hơn. Thành thử mỗi ngày dầu bận việc đến đâu, tôi cũng bỏ ra một giờ để chầu Chúa, sốt sắng xin Người ban ơn cho vợ chồng tôi nuôi nấng các cháu hằng ngày dùng đủ và dạy dỗ chúng nên người đạo đức”.
Chúa đã nhận lời và ân thưởng cho lòng tin cùng sự hy sinh của bà Vaughan : trong 13 người con, một người làm Hồng Y Tổng Giám Mục giáo phận Luân Đôn, một người khác làm Tổng Giám Mục, hai người làm Linh mục, hai nam tu sĩ, hai nữ tu sĩ, còn 5 người ở thế gian lập gia đình lưu truyền nòi giống, sống cuộc đời đạo đức thánh thiện. (ĐHY NVT, Trên đường lữ hành)
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo Hội, là vườn ươm hạt giống đức tin, là trường đào tạo tông đồ, là nơi rèn luyện nhân cách. Nhân ngày lễ kính Thánh Gia Thất, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện cho hết mọi gia đình.
1- Hội Thánh luôn xác nhận tầm quan trọng của gia đình, và tìm hết mọi cách để bảo vệ đời sống hôn nhân và gia đình, khỏi bị tội lỗi làm hoen ố. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các gia đình công giáo / luôn biết tuân theo lời giáo huấn của Hội Thánh.
2- Những biến động xã hội trên thế giới ngày nay / gây ra biết bao xáo trộn trong đời sống gia đình / làm lung lay tận gốc rễ nền tảng của xã hội và Giáo Hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho tất cả các gia đình vượt qua được những thử thách gian nan / để luôn sống trong hạnh phúc và an bình.
3- Giáo dục đầu tiên trong gia đình hết sức quan trọng / vì giúp hình thành nhân cách cũng như dời sống đạo nơi trẻ em / và cha mẹ là những thầy dạy không ai có thể thay thế được / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các bận cha mẹ / biết luôn quan tâm đến việc giáo dục đức tin và nhân bản cho con cái / bằng lời nói cũng như bằng gương tốt.
4- Một gia đình hạnh phúc là một gia đình biết sống lời Thánh Phaolô dạy trong thư Côlôxê : “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái / vì đó là mối dây liên kết tuyệt hảo”. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các gia đình trong giáo xứ chúng ta / biết luôn cố gắng sống trọn vẹn lời Thánh Phaolô đã dạy.
CT : Lạy Chúa, Thánh Gia Nadarét quả là một gương mẫu tuyệt hảo cho tất cả các gia đình công giáo về đời sống tin cậy mến cũng như đời sống lao động cần cù. Xin cho chúng con biết luôn noi gương Thánh Gia, sống một cuộc đời đẹp lòng Chúa, và nên gương sáng cho những người chưa nhận biết Chúa. Chúng con cầu xin…
VI. TRONG THÁNH LỄ
– Trước kinh Lạy Cha : Chúng ta không chỉ là thành phần của những gia đình tự nhiên theo xác thịt, mà còn thuộc về một gia đình chung mà Thiên Chúa là Cha. Trong tình nghĩa anh chị em nhau, và trong tâm tình hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha chung, chúng ta hãy cùng nhau dâng lên Ngài lời kinh sau đây.
– Sau kinh Lạy Cha : “Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, đặc biệt là sự ganh ghét, đố kỵ, chia rẽ làm tổn hại tình yêu thương giữa các con cái Cha trong cùng một gia đình, xin đoái thương ban cho những ngày chúng con đang sống được bình an…”
– Trước lúc rước lễ : “Đây Chiên Thiên Chúa… Phúc cho những ai được Thiên Chúa là Cha mời đến dự bàn tiệc thánh trong gia đình của Chúa”
VII. GIẢI TÁN
Trở về với nếp sống gia đình, anh chị em hãy cố gắng sống với nhau cho thật tốt, theo gương Thánh Gia Nadarét.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Lễ Thánh Gia Thất (A)
Sunday 29 December, 2019
Lectio Divina | Lectio Divina Năm A
Cuộc chạy trốn sang Ai Cập và trở về Nagiarét
Mt 2:13-23


1.  Bài Đọc
a)  Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa, Đấng Tạo Dựng trời đất và là Cha của chúng con, Chúa đã sai Con Một Chúa, Đấng đã hiện hữu trước bình minh của thế gian, phải nên giống như chúng con trong tất cả mọi việc qua việc nhập thể của Người trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria do bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.  Xin Chúa hãy sai cùng một Thần Khí ban sự sống đến trên chúng con, để chúng con có thể trở nên ngoan ngoãn với công việc thánh hóa của Chúa hơn bao giờ hết, để cho bản thân chúng con được biến đổi một cách nhẹ nhàng bởi cùng Chúa Thánh Thần và nên giống như Đức Kitô, Con Một Chúa, anh của chúng con, Chúa Cứu Thế và là Đấng Cứu Chuộc chúng con.
b)  Bài Phúc Âm theo thánh Mátthêu:
13 Sau khi các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông:  “Hãy thức dậy, đem hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai-Cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm hài nhi để sát hại Người.”  14 Ông thức dậy, đem hài nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-Cập đang lúc ban đêm. 15 Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng:  “Ta gọi Con Ta ra khỏi Ai-Cập.”  16 Bấy giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ.  17 Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói:  18 Tại Rama, người ta nghe những tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhen than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.  19 Khi Hêrôđê băng hà, thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ, bên Ai-Cập 20 và bảo:  “Hãy chỗi dậy, đem con trẻ và mẹ Người về đất Israel; vì những người tìm hại mạng sống Người đã chết!”  21 Ông liền chỗi dậy, đem con trẻ và mẹ Người về đất Israel.  22 Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđêa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó.  Được báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa, 23 và lập cư trong thành gọi là Nagiarét: để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng:  Người sẽ được gọi là Nagiarêô.
c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào lòng và soi sáng đời sống chúng ta.
2.   Suy Gẫm
a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc: 
Tin Mừng của thánh Mátthêu đã được gọi là “Tin Mừng Nước Trời”.  Mátthêu mời gọi chúng ta suy nghĩ về việc Vương Quốc Nước Trời sắp đến.  Có một số người đã thấy trong cấu trúc sách Tin Mừng của ông tường thuật một bộ trường bi kịch gồm có bảy màn nói về sự sắp xuất hiện của Vương Quốc này.  Bộ trường bi kịch bắt đầu với việc chuẩn bị cho sự ra đời của Vương Quốc trong con người của cậu bé Đấng Cứu Thế và kết thúc với sự ra đời của Vương Quốc trong sự đau khổ và chiến thắng của cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.
Đoạn Tin Mừng được đưa ra để cho chúng ta suy gẫm là một phần được gọi là màn đầu tiên nơi Mátthêu giới thiệu với chúng ta con người của Đức Giêsu như là việc thực hiện những lời của Kinh Thánh.  Tin Mừng của Mátthêu là Tin Mừng thường trích dẫn lời Cựu Ước để cho thấy rằng trong Đức Kitô, lề luật và các lời tiên tri đã được ứng nghiệm.  Chúa Giêsu, sự ứng nghiệm và hoàn thiện của Kinh Thánh, đến thế gian để tái lập Vương Quốc Nước Trời đã được công bố trong giao ước của Thiên Chúa với dân Người.  Với sự ra đời của Đức Kitô, giao ước này không còn được chỉ dành riêng cho dân Do-Thái mà được mở rộng ra cho tất cả mọi dân tộc.  Mátthêu viết Tin Mừng cho cộng đoàn Kitô hữu gốc Do-Thái, bị bách hại bởi hội đường, và mời gọi Tin Mừng được mở rộng ra cho các dân ngoại.  Ông là người ký lục khôn ngoan biết cách phân biệt từ kho tàng của mình những gì cũ và mới.  Tin Mừng của ông đã được viết lần đầu tiên bằng tiếng Aramaic và sau đó được chuyển ngữ sang tiếng Hy-Lạp.
Đoạn Tin Mừng Mt 2:13-23 là một phần của chương nói về sự Giáng Sinh và thời thơ ấu của “Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Abraham” (Mt 1:1).  Chúa Giêsu thuộc dòng dõi của dân Do-thái nhưng Người cũng thuộc dòng dõi của cả nhân loại.  Trong gia phả của Người, chúng ta thấy có những ảnh hưởng của cả dân ngoại (Mt 1:3-6).  Sau Đức Maria, mẹ Người, những người đầu tiên được gọi để đến bái lạy Đức Cứu Thế hài nhi là những nhà đạo sĩ (Mt 2:11).  Với ánh sáng của Người, Đức Cứu Thế thu hút những đạo sĩ tìm đến Người và ban cho họ ơn cứu rỗi (Mt 2:1-12).  Các nhà đạo sĩ nhận được ơn cứu rỗi này, không giống như Hêrôđê và các dân bối rối của thành Giêrusalem (Mt 2:3).  Ngay từ lúc sinh ra, Chúa Giêsu đã bị đàn áp bởi các kẻ thủ lãnh của dân tộc Người và đồng thời khơi dậy những kinh nghiệm thương đau của dân Người.
Ngay từ lúc sinh ra, Chúa Giêsu đã làm khơi dậy những kinh nghiệm đau thương của dân Người trong cuộc sống lưu đày, bị hạ nhục lần nữa và lần nữa.  Phúc Âm cho chúng ta thấy điều này bằng cách kể lại cho chúng ta biết về việc chạy trốn sang Ai Cập và cuộc tàn sát những trẻ thơ vô tội. Bộ trường bi kịch của những sự kiện này mở ra trước chúng ta trong các chi tiết sau đây:
i)  Thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong giấc mộng sau khi các đạo sĩ ra đi, và cuộc chạy trốn sang Ai Cập (Mt 2:13-15).
ii)  Vua Hêrôđê biết mình bị các đạo sĩ đánh lừa và sai quân đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem (Mt 2:16-18).
iii)  Cái chết của vua Hêrôđê và cuộc trở về “bí mật” của Thánh Gia không về lại Bêlem mà lánh sang xứ Galilê (Mt 2:19-23).
Chủ đề các vị vua ra tay tàn sát những kẻ mà họ sợ thì rất thông thường trong lịch sử của mỗi triều đại vua chúa.  Ngoài cảnh vua Hêrôđê lùng kiếm để sát hại hài nhi Giêsu ra, trong Kinh Thánh phần Cựu Ước, chúng ta cũng tìm thấy những câu chuyện tương tự.  Trong sách Samuel quyển thứ nhất, vua Saul, người đã bị Đức Chúa từ chối, lo sợ Đavít và tìm cách sát hại ông (1Sm 15; 18; 19; 20). Bà Mikhan và ông Giônathan đã giúp Đavít chạy thoát (1Sm 19; 20).  Lần nữa trong sách Các Vua quyển thứ nhất, vua Salômôn trong tuổi già của mình, đã bất trung với Thiên Chúa của cha ông và với một trái tim hoang đàng, đã làm những điều tội lỗi dưới con mắt của Thiên Chúa (1V 11:3-13).  Vì lý do này, Thiên Chúa đã xui khiến cho có một người đối nghịch chống lại vua Salômôn (1V 11:14), Hađát là người dưới triều đại vua Đavít đã chạy trốn sang Ai Cập lánh nạn (1V 11:17).  Một người đối nghịch khác với vua Salômôn là Gia-róp-am cũng đã trốn chạy sang Ai Cập khi nhà vua muốn tìm cách giết ông (1V 11:40).  Những sự nguy hiểm như thế của một vương quốc suy thoái.  Trong sách Các Vua quyển thứ hai, lần này trong bối cảnh thành Giêrusalem bị vây hãm, “Ngày mồng mười, tháng mười, năm thứ chín dưới triều đại [vua Na-bu-cô-đô-nô-xo]” (2V 25:1) năm 589, chúng ta đọc thấy thành Giêrusalem bị cướp phá và cuộc lưu đày biệt xứ lần thứ hai của người dân vào năm 587 (2V 25:8-21).  Những người dân “còn sót lại trong xứ Giuđêa” (2V 25:22) bị đặt dưới quyền cai trị của Gơđan-gia-hu, người được vua Na-bu-cô-đô-nô-xo đặt làm tổng trấn.  “Ông Ít-ma-en […] và cùng với mười người […] giết chết ông Gơđan-gia-hu cũng như các người Giuđêa và Canđê đang cùng ở với ông”.  Sau đó vì sợ người Canđê, họ chạy trốn sang đất Ai-cập (2V 25-26).  Trong sách của tiên tri Giêrêmia, chúng ta cũng tìm thấy câu chuyện của Uria “Cũng có một người nữa đã tuyên sấm nhân danh Đức Giavê” (Gr 26:20).  Uria đã trốn sang Ai-cập vì vua Giơ-hô-akim đang tìm cách giết ông.  Cuối cùng nhà vua đã tìm thấy ông ở Ai-cập và đã giết ông (Gr 25:20-24).
Với những sự kiện này như là bối cảnh cho cuộc chạy trốn của Thánh Gia vào đất Ai-cập; Mátthêu cho chúng ta thấy Đức Giêsu, từ thuở còn rất thơ ấu, như đã tham dự vào vận mệnh của dân tộc Người.  Đất Ai-cập, đối với Chúa Giêsu, trở thành một nơi lánh nạn, như đã từng được dùng cho các tổ phụ xưa kia:
–  Abraham “xuống trú ngụ ở Ai-cập trong thời gian đó, vì nạn đói hoành hành trong xứ” (St 12:10).
–  Giuse đã bị đe dọa bởi các anh mình, những người đã tìm cách giết cậu vì lòng ghen tị, và sau đó bán cậu cho những người lái buôn đã đưa cậu vào đất Ai-cập và bán cậu lại cho Pô-ti-pha (St 37:12-36).
–  Israel (Giacóp) đi đến Ai-cập theo lời mời của con trai ông là Giuse (St 46:1-7).
–  Gia đình của Israel (Giacóp) đi đến Ai-cập để định cư tại đó (St 46-50; Et 1:1-6).
Mátthêu xoay qua trích dẫn ngược lại từ sách tiên tri Hôsê 11:1 “Từ Ai-cập Ta đã gọi Con Ta về”, và giải thích như là nếu Thiên Chúa đã gọi Con của Người là Đức Giêsu phải trốn sang Ai Cập (Mt 2:15).  Ý nghĩa nguyên thủy của Hôsê là Thiên Chúa đã gọi Con của Người là Israel rời khỏi đất Ai-cập để bắt đầu một quốc gia mới.  Cuộc trốn chạy của Chúa Giêsu vào đất Ai-cập và việc tàn sát những trẻ vô tội tại Bêlem nhắc nhớ chúng ta việc dân Israel bị đàn áp ở Ai-cập và việc tàn sát tất cả những bé trai mới sinh (Xh 1:8-22).
Lời tiên tri được áp dụng vào vụ giết hại những người vô tội được trích ra từ sách an ủi gồm các chương 30 và 31 của sách tiên tri Giêrêmia. Tiếng than khóc được nối kết với lời hứa của Chúa an ủi bà Rakhen, vợ ông Giacóp (vợ ông Israel), mẹ của Giuse, người mà theo thánh truyền được chôn cất gần Bêlem, và hứa với bà rằng bà sẽ được đền bù vì sự than khóc của bà cho những người con sẽ không còn trở về nữa (Gr 31:15-18).
Khi họ trở về từ Ai-cập sau khi vua Hêrôđê băng hà, thánh Giuse quyết định sang lập cư ở xứ Galilê trong thành Nagiarét.  Chúa Giêsu sẽ được gọi là Nagiarêô (Cv 24:5).  Ngoài việc chỉ ra tên của một thành, tên này cũng có thể nói đến như “một nhánh nhỏ”, đó là “neçer” của sách tiên tri Isaia 11:1.  Hoặc nó có thể ám chỉ phần còn lại của Israel, “naçur”  (xem Is 42:6).
b)  Những câu hỏi cho phần suy gẫm cá nhân:
i)  Điều gì trong đoạn Tin Mừng này của Mátthêu đánh động bạn nhất?
ii)  Vương Quốc Nước Trời có ý nghĩa gì đối với bạn?
iii)  Vương Quốc Nước Trời khác với các vương quốc trần thế như thế nào?
iv)  Mátthêu giới thiệu với chúng ta về con người của Đức Giêsu như là Đấng trở thành một người chịu cùng một số phận với dân của Người.  Bạn hãy đọc đoạn Tin Mừng được trích dẫn trong phần chìa khóa dẫn đến bài đọc để suy gẫm và cầu nguyện về các sự kiện về dân riêng của Chúa, với những người mà Chúa Giêsu đã tự gắn bó.  Những tình trạng gì tương tự trong thế giới chúng ta?  Hãy tự hỏi chính bạn rằng bạn có thể làm được gì để cải thiện các điều kiện nơi bạn sống và làm việc, đặc biệt là nếu chúng không đúng với Vương Quốc Nước Trời.
3.  Cầu Nguyện
a)  Cầu nguyện cá nhân trong thinh lặng.
b)  Kết thúc buổi “đọc sách thánh trong tinh thần cầu nguyện” (Lectio Divina) với lời nguyện này:
Lạy Cha nhân từ, xin Cha cho chúng con có thể noi theo gương Thánh Gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse để chúng con có thể luôn được bền vững trong các  thử thách của đời sống cho đến ngày khi chúng con có thể được chung hưởng vinh quang của Cha trên Nước Trời.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô là Chúa chúng con.  Amen.
4.  Chiêm Niệm
Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em.  (Cl 3:15)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét