Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

Dẫn nhập vào Văn Kiện Tự Do Tôn Giáo của Ủy Ban Thần học Quốc Tế


Dẫn nhập vào Văn Kiện Tự Do Tôn Giáo của Ủy Ban Thần học Quốc Tế
Vũ Văn An

Như đã loan tin trong bài Cầu nối thần học và huấn quyền (http://www.vietcatholic.net/News/Home/Article/253442), nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, Ủy Ban Thần học Quốc tế đã cho công bố 1 tài liệu quan trọng đó là Tự do Tôn giáo vì Thiện ích của Mọi người.

Văn kiện trên mới chỉ được công bố trên trang mạng chính thức của Tòa Thánh bằng ba thứ tiếng Ý, Tây Ban Nha và Pháp, chưa có bản tiếng Anh. Chúng tôi dựa vào bản tiếng Pháp của Tòa Thánh để chuyển sang Việt ngữ.

Tuy nhiên, trước khi đi vào chính bản văn của văn kiện, chúng tôi mời qúi độc giả đọc bài nhận định của Massimo Faggioli, giáo sư thần học tại Đại học Villanova, tựa là “A Postscript to Dignitatis Humanae” (Viết Tiếp vào Tuyên Ngôn Dignitatis Humanae) (https:www.commonwealmagazine.org).

Đã hơn năm mươi năm kể từ khi Vatican II kết thúc ngày 8 tháng 12 năm 1965, và một số văn kiện công đồng hiện đang cho thấy số tuổi của chúng. Một trong những văn kiện này là tuyên ngôn về tự do tôn giáo, Dignitatis humanae, một văn kiện công đồng vốn chịu khá nhiểu ảnh hưởng của Hoa Kỳ, và trước hết, ảnh hưởng của Cha John Courtney Murray, Dòng Tên.

Ngày 26 tháng Tư vừa qua, Vatican đã cho công bố một điều mới mẻ về chủ đề này, “Tự do Tôn giáo vì thiện ích của mọi người. Một cách tiếp cận thần học đối với các thách đố ngày nay”. Ban hành bởi Ủy ban Thần học Quốc tế (các thành viên được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Giáo lý Đức tin), tài liệu tám mươi bảy đoạn này là kết quả của công việc bắt đầu vào năm 2014 và kết thúc vào năm ngoái. Nó đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn vào ngày 21 tháng 3 để công bố và hiện tại, chỉ có sẵn bằng tiếng Ý (Các đoạn trích dẫn trong bài này là bản dịch của riêng tôi.)

“Tự do tôn giáo vì thiện ích của mọi người” xây dựng trên những tầm nhìn thần học thông sáng của Dignitatis humanae, thí dụ, sự cần thiết phải cập nhật giáo huấn giáo hoàng trước đây (đặc biệt dưới thời Đức Piô IX) vốn thù địch đối với tự do tôn giáo, và tính ưu tiên của giáo lý và gương sáng của Chúa Giêsu như một hướng dẫn cho giáo huấn của Giáo Hội về chủ đề này. Tài liệu mới này đi theo các bước chân của Vatican II khi “bác bỏ mưu toan biến quyền lực chính trị thành công cụ cho chủ nghĩa cải đạo (đoạn 8). Trích dẫn “‘lối giải thích cải cách’ của Đức Bênêđíctô XVI về việc cải cách trong liên tục tính với một Giáo Hội duy nhất”, (đoạn 27), tài liệu mới khai triển chi tiết các giáo huấn của Dignitatis humanae cho các xã hội đã trở nên thế tục hóa hoặc đa dạng hơn kể từ Vatican II.

Tài liệu được ngỏ cùng cả các nhà lãnh đạo của Giáo Hội (các giáo phẩm và các nhà trí thức) lẫn các nhà lãnh đạo thế tục: cả hai phải giúp phát triển loại hiểu biết về tự do tôn giáo nào có khả năng cổ vũ việc chung sống hòa bình giữa các tôn giáo và các bản sắc tôn giáo và sắc tộc khác nhau.

Dù phê phán thời hiện đại tự do, tài liệu không mời gọi người Công Giáo nhìn trở lui thế giới Kitô giáo để tiếc nhớ.

Tài liệu mời gọi các nhà thần học đạt tới một quan niệm về tự do tôn giáo phù hợp với thời đại của chúng ta: “Việc khai triển chi tiết một cách chính xác tư tưởng về tự do tôn giáo trong phạm vi công cộng kêu gọi nền thần học Kitô giáo nghiên cứu sâu sắc tính phức tạp văn hóa của trật tự dân sự ngày nay để ngăn chặn việc thoái hóa hướng tới nền thần trị, về phương diện lý thuyết (đoạn 13). Để bảo vệ tự do tôn giáo cho mọi người, Giáo Hội Công Giáo không chỉ theo đuổi lợi ích định chế của riêng mình hoặc tìm kiếm các lợi thế đặc biệt; thực thế, nó bác bỏ việc được xác định “như chủ thể tư lợi đua tranh để khẳng định các đặc quyền của mình” (các đoạn 52-53). Giáo Hội không phải là một cơ chế vận động hành lang.

Tài liệu kêu gọi các người đọc nó ý thức được tầm ảnh hưởng đối với quyền tự do tôn giáo của các phương tiện truyền thông mới và các phương tiện truyền thông xã hội, thường sử dụng bản sắc tôn giáo để thao túng người ta, chơi trò khích nhóm này loại bỏ nhóm kia (đoạn 55). Cũng có một lời nhắc nhở rằng trong các giáo huấn của chính Chúa Giêsu, chúng ta thấy có sự phân biệt giữa thẩm quyền chính trị dân sự và lãnh đạo tôn giáo. Tài liệu cảnh báo chúng ta tránh việc đơn giản hóa tư tưởng của Thánh Augustinô về nhà nước và chính trị: “Thay vì chê bai nhà nước, bằng ý tưởng cho rằng cam kết tối cao của nhà nước để bảo đảm hòa bình trần thế có liên hệ với vận mệnh của hòa bình được Thiên Chúa hứa ban trong cuộc sống vĩnh cửu, Thánh Augustinô khôi phục lại cho nhà nước tính toàn vẹn trong các chức năng của nó” (đoạn 59).

Các phần dành cho vai trò của nhà nước cung cấp một phê phán đáng kể đối với trật tự tự do, nhắm vào “nỗi ám ảnh về một tính trung lập hoàn toàn đối với các giá trị” (đoạn 45). Ủy ban gọi đây là “một hình thức ‘toàn trị mềm’ làm cho khu vực công cộng dễ bị tổn thương trước sự lan tràn của chủ nghĩa hư vô đạo đức” (đoạn 4). Tài liệu bác bỏ cả nền thần trị lẫn mô hình đa văn hóa bất khả tri tước mất khỏi các tôn giáo chức năng hòa giải hợp pháp của họ trong xã hội dân sự (đoạn 53). Ủy ban nhấn mạnh sự mâu thuẫn nội bộ giữa điều tự cho là tính trung lập của nhà nước và chủ nghĩa thế tục: “nhà nước có xu hướng đảm nhiệm hình thức ‘mô phỏng theo lối thế tục' quan niệm thần trị của tôn giáo, một quan niệm vốn quyết định tính chính thống và sai lạc về tự do nhân danh viễn kiến chính trị - cứu rỗi của xã hội lý tưởng: quyết định một cách tiên thiên bản sắc hoàn toàn thuần lý, hoàn toàn dân sự, hoàn toàn nhân bản của xã hội. Ở đây, chủ nghĩa tuyệt đối và chủ nghĩa tương đối của nền luân lý tự do này sa vào một cuộc xung đột với các hậu quả của việc loại trừ [tôn giáo] một cách không tự do chút nào trong phạm vi công cộng, ngay bên trong tính trung lập tự cho là tự do của nhà nước” (đoạn 63).

Dù nó phê phán thời hiện đại tự do, tài liệu này không mời người Công Giáo nuối tiếc nhìn lại Thế giới Kitô giáo: “Việc cưỡng chế của tôn giáo nhà nước, một thứ tôn giáo từng được đề xuất tại một thời điểm nhất định trong lịch sử châu Âu để ngăn chặn các thái quá của những điều được gọi là 'chiến tranh tôn giáo' dường như đã được thay thế trong sự biến hóa hiện thời của nguyên tắc công dân, một nguyên tắc ngụ hàm tự do lương tâm” (đoạn 70). Thật vậy, tài liệu nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc bảo vệ tự do tôn giáo, mà cả trong việc bảo vệ các công dân khỏi các lạm dụng tự do tôn giáo: “Thẩm quyền chính trị, người duy trì trật tự công cộng, có nhiệm vụ bảo vệ các công dân, nhất là những người yếu nhất, chống lại khuynh hướng bè phái của một số chủ trương tôn giáo (thao túng tâm lý và cảm xúc, bóc lột kinh tế và chính trị...). Trong số các đòi hỏi chính đáng của lý trí, trong các hệ luận chính trị-pháp lý của nó, chúng ta có thể bao gồm, trong những năm gần đây, tính tương hỗ hòa bình của các quyền tôn giáo, bao gồm cả quyền tự do trở lại đạo” (đoạn 70). Đây là một vấn đề mới, một vấn đề mà Vatican II đã không dự ứng: “Không còn là vấn đề áp dụng tự do tôn giáo chỉ liên quan tới tôn giáo của người khác mà thôi, mà còn liên quan tới việc phê phán chính tôn giáo của mình. Tình huống này đặt ra các vấn đề tế nhị phải cân bằng trong việc áp dụng tự do tôn giáo” (đoạn 80).

Khi tìm cách cổ vũ sự cân bằng trên, tài liệu bác bỏ cả chủ nghĩa duy tuyên tín (confessionalism) lẫn thuyết thế quyền (laïcité) kiểu Pháp: “Nhà nước không thể có tính thần trị, hay vô thần, hay 'trung lập'... đúng hơn, nó được kêu gọi thực thi một 'tính thế tục tích cực' [laicità positiva] hướng tới các hình thức xã hội và văn hóa biết bảo đảm mối liên hệ cần thiết và cụ thể của pháp trị (rule of law) với cộng đồng hữu hiệu của những người có quyền có các quyền lợi” (đoạn 86). Các quyền tự do tôn giáo (số nhiều) của các tôn giáo khác nhau phải được giữ ở thế cân bằng với lợi ích chung: “Nhà nước không thể chấp nhận những cách hiểu khác nhau về tự do tôn giáo, biến chúng thành luật pháp, mà không xem xét kỹ tác động của chúng đối với lợi ích chung” ( đoạn 44).

Khi Vatican II kết thúc, chủ nghĩa tự do phương Tây vẫn còn khá thân thiện với Kitô giáo. Ngày nay, không còn trường hợp ấy nữa: chủ nghĩa thế tục đã trở nên hung hăng hơn và ít chịu thỏa hiệp hơn.

“Tự do tôn giáo vì thiện ích của mọi người” là một tài liệu toàn diện nhất được Vatican phê chuẩn về tự do tôn giáo kể từ Vatican II. Trong năm mươi năm qua, các nguyên tắc thần học đã không thay đổi, nhưng bối cảnh thì có. Các mối liên hệ giữa các tôn giáo, giữa chủ nghĩa thế tục và bản sắc tôn giáo, giữa Giáo Hội và nhà nước, giữa các thành viên của mọi nhóm tôn giáo (bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo) và các nhà lãnh đạo phẩm trật của họ, tất cả những điều này đã thay đổi kể từ năm 1965. Trong tài liệu này, chúng ta thấy các nhà thần học Công Giáo đọc lại Tuyên Ngôn Dignitatis humanae dưới ánh sáng các phát triển gần đây: cuộc “phục thù của Thiên Chúa” từ cuối thập niên 1970, điều gọi là luận đề “cuộc đụng độ của các nền văn minh”, xuất hiện trở lại sau ngày 9/11 và các tác động của những đợt di cư hàng loạt trên bản đồ tôn giáo.

Khi Vatican II kết thúc, chủ nghĩa tự do phương Tây vẫn còn khá thân thiện với Kitô giáo. Ngày nay đó không còn là trường hợp nữa: chủ nghĩa thế tục đã trở nên hung hăng hơn và ít thoả hiệp hơn. Trong cùng thời kỳ này, trong Kitô giáo, đã có sự hồi sinh nền thần học và chính trị hậu tự do và hậu thế tục. Ủy ban Thần học Quốc tế cung ứng một phân tích mới mẻ về cuộc tái đàm phán diễn ra giữa Giáo Hội và nhà nước, trong đó điều vốn được gọi là các vấn đề sự sống vẫn đóng một phần quan trọng. Nhưng việc đàm phán lại này không còn có thể xảy ra một cách song phương nữa. Ngay cả tại các nước, trong lịch sử, vốn được coi là Công Giáo, cuộc đàm luận, giờ đây, cũng buộc phải liên quan đến các cộng đồng tôn giáo khác, nhất là Hồi giáo. Nhà nước tuyên tín có thể là một điều của quá khứ ở phương Tây, nhưng ở phần còn lại của thế giới, không phải như thế. Như ở Trung Đông chẳng hạn, nó không như thế, hay ngay ở bờ rìa châu Âu (hãy xem chính phủ Erdoğan ở Thổ Nhĩ Kỳ).

“Tự do tôn giáo vì thiện ích của mọi người” cung cấp một phê phán Công Giáo đối với các kỳ vọng giữ trung lập của nhà nước tự do, nhưng nó cũng cảnh cáo chống lại phản ứng thần trị đối với các kỳ vọng này. Chủ trương thế quyền hung hăng (aggressive laïcité ) và chủ nghĩa tân toàn vẹn Công Giáo (neo-integralism) không phải là hai lựa chọn duy nhất có sẵn. Tài liệu nêu rõ sự cần thiết phải xem xét lại và sửa đổi các nền tảng luân lý và thần học của nhà nước tân quốc gia đa nguyên hiện đại, nhưng phải trong cố gắng cứu nó khỏi những khuynh hướng tồi tệ nhất của chính nó. Vai trò của nhà nước trong việc bảo đảm ích chung và bảo vệ tự do tôn giáo nay dường như quan trọng hơn bao giờ hết khi các phẩm trật tôn giáo chính thức có ít quyền kiểm soát đối với tôn giáo hơn trước đây. Nhưng cũng giống như bản sắc tôn giáo đang vượt khỏi và vượt quá tầm kiểm soát của Giáo Hội và tôn giáo có tổ chức, quyền lực chính trị ngày nay cũng đang vượt khỏi và vượt quá tầm kiểm soát của các nhà nước quốc gia. Trong lịch sử lâu đời của phương Tây, “thể thánh thiêng” được để nguyên cho Giáo Hội định chế còn quyền lực thì phần lớn được thực thi thông qua nhà nước. Giáo Hội và nhà nước trước đây bị khóa kín trong một loại hôn nhân cưỡng ép, nhưng bây giờ họ hoàn toàn tách biệt và ra xa lạ đối với nhau. Đây là sự thay đổi lớn từ thời Vatican II, và là lý do khiến Dignitatis humanae cần được cập nhật.

Kỳ tới: Chính Văn Kiện "“Tự do Tôn giáo vì thiện ích của mọi người. Một cách tiếp cận thần học đối với các thách đố ngày nay”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét