25/12/2019
THỨ TƯ
Lễ GIÁNG SINH
Lễ Trọng. Lễ HỌ. Cầu
cho giáo dân.
(phần II)
Phụng vụ Lời
Chúa: Chúa Nhật Giáng Sinh, năm A
LỄ GIÁNG SINH
Is 52,7-10; Dt 1,1-6; Ga 1,1-18 (Lễ ban ngày)
CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Khác với lễ đêm Giáng sinh, khi tường thuật biến cố sinh hạ Đức Giêsu tại Bêlem, phụng vụ thánh lễ Giáng sinh ban ngày với ba bài đọc rất hay lại dẫn dắt chúng ta vào trong mầu nhiệm thâm sâu của biến cố Con Thiên Chúa làm người.
1. Bài đọc I
Tiên tri Isaia
trong bài đọc I đã công bố ngày Thiên Chúa ngự đến Sion: “Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì ĐỨC CHÚA an ủi dân Ngài, và cứu chuộc Giêrusalem”. Quả thật, đại lễ Giáng sinh được xem như là niềm vui và ủi an khôn tả cho tất cả mọi người chúng ta: Thiên Chúa đã tỏ bày cách gần gũi với chúng ta, thậm chí còn ở giữa chúng ta với hình hài của một hài nhi.
“ĐỨC CHÚA an ủi dân Ngài”. Điều này mạc khải tình yêu thâm sâu của Thiên Chúa. Nơi Ngài tràn đầy lòng trắc ẩn cho dân Ngài ngay cả khi họ bị luận phạt vì chính tội lỗi của mình.
“Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan tin…” Isaia làm cho chúng ta phải ngưỡng mộ và khâm phục những sứ giả của tin mừng, những người loan tin bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ. Sau này, chính các thiên thần tại cánh đồng Bêlem cũng loan tin như thế: đó là tin mừng bình an: “bình an dưới thế cho người thiện tâm”, và tin mừng ơn cứu độ: “hôm nay Đấng cứu thế đã sinh ra cho chúng ta, Ngài là Đức Kitô, Đức Chúa”.
2. Bài đọc II
Bài đọc II trích thư gởi tín hữu Do thái đã cho chúng ta thấy sự vĩ đại của hài nhi này: đó chính là Con Thiên Chúa. Không như thời xa xưa, Thiên Chúa phán dạy qua trung
gian của các tôi tớ Ngài, hay các ngôn sứ, nhưng giờ Ngài phán dạy bằng chính Con Một của Ngài. Mặc dù Hài nhi tại Bêlem chưa nói được bằng lời để chúng ta nghe được, nhưng Ngài nói với chúng ta bằng chính sự hiện diện của Ngài. Ngài nói với chúng ta cách hùng hồn về tình yêu của Thiên Chúa và về kế hoạch cứu độ của Ngài.
Tiếp đến tác giả thư Do Thái đã tóm lại toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa sẽ được thực hiện nơi người Con. Chính Ngài sẽ tẩy xóa tội lỗi và sẽ lên ngự bên hữu Đấng cao cả trên trời. Tác giả đã nhấn mạnh nhân phẩm của người Con, còn cao trọng hơn cả các thiên thần. Ngài là người con khiêm hạ của nhân loại, nhưng thực tế chính là Con Thiên Chúa. Chưa có vị thiên thần nào mà Thiên Chúa đã nói: “Con là Con Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”, nhưng Ngài chỉ nói với chính hài nhi này. Và Ngài còn khẳng định: “Ta sẽ là Cha Ngài, và chính Ngài sẽ là Con Ta”, và “mọi thiên thần Chúa phải thờ lạy Ngài”.
3. Bài Tin Mừng
Tiếp nối đề tài từ thư gởi tín hữu Do Thái, bài Tin Mừng phát triển thêm và khẳng định rằng trẻ thơ này thật sự là Lời của Thiên Chúa; từ khởi thủy, Ngài vốn dĩ ở bên Thiên Chúa. Lời này là một sự biểu lộ hoàn hảo về Thiên Chúa, và như thế cũng chính là Thiên Chúa. Trong kinh
Tin kính chúng ta tuyên xưng Ngài rằng: “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật…”.
“Ở nơi Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”. Lời Thiên Chúa là ánh sáng cho chúng ta. Nếu chúng ta không đón nhận Ngài, chúng ta ở mãi trong đêm tối, và như thế chúng ta sẽ không thể bước đi theo đường lối chính trực của Thiên Chúa.
Ở đây ta thấy nổi bật đề tài đón nhận và đáp trả:
“Ánh
sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không đón
nhận ánh
sáng”; “Ngài đã đến nhà họ [dân được tuyển chọn], nhưng người của họ chẳng chịu đón nhận”; “Thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài”.
Thiên Chúa chiếu tỏ ánh sáng của Ngài, nghĩa là Ngài muốn thông ban sự sống của chính Ngài. Ngôi Lời đã làm người, mang lấy phận người, nhưng Ngài đã được đón tiếp như thế nào? Đây là điều quan trọng. Thiên Chúa đã làm tất cả để đến với thân phận nhân loại chúng ta, và chúng ta cũng phải làm một điều gì đó để đến với Ngài.
Ngày lễ Giáng sinh này, với tâm tình biết ơn, chúng ta cùng canh tân cuộc sống mình, biết tháp nhập vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, và chúng ta cũng biết đón nhận hài nhi vào trong chính cuộc sống của mình, để Ngài làm chủ trong mọi quyết định của đời ta, và như thế chúng ta sẽ hướng tới một cuộc sống công bình, bác ái và an vui.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Chiêm ngắm hài nhi nơi máng cỏ Bêlem, tôi tự hỏi: tôi đã thật sự đón nhận Ngài vào trong đời sống của tôi chưa? Hay tôi sống mà chẳng có chút mối liên hệ thật sự nào với Ngài? Tôi cần phải đón nhận hài nhi này với tất cả niềm tin, cậy, mến và cần để Ngài soi dẫn để bước theo hành trình Ngài chỉ lối, hay tôi đang theo sở thích và con đường của riêng tôi?
2. “Tuy nhiên,
những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”. Con Thiên Chúa làm người để cho tôi được làm con Thiên Chúa. Vậy tôi đã tận dụng hồng ân này trong cuộc sống của tôi để quyết tâm trở thành một người con thật sự của Chúa giống như Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, luôn làm theo thánh ý Cha trên trời?
3. “Từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”. Tôi đã nhận lãnh biết bao ơn lành trên cuộc sống của tôi, và tôi sẽ tiếp tục được như thế nhờ hài nhi này. Vậy tôi có tâm tình gì với Chúa khi mỗi ngày sống trong ân nghĩa thánh?
4. “Đẹp thay bước chân người loan tin”. Một khi cảm nghiệm sự cao cả của mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người và ban muôn ơn thiêng cho tôi, tôi có sẵn sàng những bước chân tôi để loan Tin mừng cho những người anh chị em bằng chính đời sống của tôi không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã sai Con Một của Người xuống thế để cứu chuộc chúng ta. Trong tâm tình hân hoan cử hành mầu nhiệm Giáng sinh, chúng ta cùng dâng lời cảm tạ chúc tụng Chúa và tha thiết cầu xin:
1. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị chủ chăn cùng mọi thành phần trong Hội Thánh, luôn là dấu chỉ sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay, bằng một đời sống dấn thân phục vụ.
2. “Vào thời sau hết này, Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia biết quan tâm phục vụ lợi ích của dân chúng theo các giá trị Tin mừng, để mọi người trên thế giới được vui hưởng thái bình hạnh phúc.
3. “Bình an dưới thế cho người Chúa thương.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người nghèo khổ, khuyết tật, và các trẻ em kém may mắn, luôn được nhiều người yêu thương giúp đỡ, để họ cảm nhận được cách cụ thể niềm vui và bình an của mầu nhiệm giáng sinh.
4. “Ai tiếp nhận Ngôi Lời, thì Người ban cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho từng người trong cộng đoàn chúng ta được dồi dào ân sủng của Hài nhi Giêsu, và luôn sống xứng danh là con cái Thiên Chúa trong môi trường sống của mình.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhận những ước nguyện của cộng đoàn chúng con và ban ơn nâng đỡ, giúp chúng con hết lòng tin yêu và luôn sống theo giáo huấn của Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lectio Divina: Lễ Chúa Giáng Sinh
Thứ Tư, 25 Tháng 12, 2019
Lời tựa của Tin Mừng
theo Thánh Gioan
Ga 1:1-18
1. Lời nguyện mở đầu
Trong bóng tối của một đêm không trăng sao,
một đêm vô nghĩa
Lạy Chúa, Ngôi Lời hằng sống,
như một lằn sét trong cơn bão của sự lãng
quên,
đã bước vào bên trong phạm vi nghi ngờ
trong cái vỏ của hữu hạn mong manh
để che dấu ánh sáng.
Ngôi Lời được tạo bằng sự thinh lặng và bình
thường,
Ngôn ngữ loài người của Chúa, sứ giả các bí mật
của Đấng Tối Cao:
giống như cái lưới được quăng vào vùng biển chết
chóc
để đi tìm nhân loại thêm một lần nữa, đang đắm
mình trong những âu lo vô ích của mình,
và khai hóa họ, kẻ bị tước đoạt, bởi ánh sáng
thu hút của sự tha thứ.
Lạy Chúa, Đại Dương của Hòa Bình và bóng mát của
sự Vinh Quang muôn đời,
con xin dâng lời cảm tạ:
Vùng biển yên tĩnh trên bờ của con đang chờ đợi
làn sóng, con muốn đi tìm Chúa!
Và nguyện xin tình bằng hữu huynh đệ bảo vệ
con
khi màn đêm buông xuống trên nỗi ước vọng của
con về Chúa. Amen.
2. Bài Đọc
a) Phúc
Âm:
1 Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời: Ngôi Lời ở với
Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. 2
Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy. 3 Mọi vật đều do Người làm nên, và không có
Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác
thành. 4 Ở nơi Người vẫn có sự sống, và
sự sống là sự sáng của nhân loại; 5 sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã
không tiếp nhận sự sáng. 6 Có một người
được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. 7
Ông đã đến như một người chứng, để ông minh chứng về sự sáng, hầu cho mọi người
nhờ ông mà tin. 8 Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự
sáng. 9 Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi
tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này.
10 Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế
gian đã không nhận biết Người. 11 Người
đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. 12 Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người,
thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào
danh Người. 13 Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt,
cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra. 14 Và Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, và Người
đã cư ngụ giữa chúng tôi. Và chúng tôi
đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như
của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.
15 Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: “Đây là Đấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi nhưng xuất hiện trước tôi,
vì Người có trước tôi.” 16 Chính do sự
sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. 17 Bởi vì Chúa ban lề luật qua Môisen, nhưng
ơn thánh và chân lý thì ban qua Đức Giêsu Kitô.
18 Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Đấng ngự
trong Chúa Cha sẽ mạc khải cho chúng ta.
b) Giây
phút thinh lặng:
Hãy để cho Lời Chúa vang vọng trong chúng ta.
3. Suy gẫm
a) Một
vài câu hỏi để suy gẫm:
- Thiên
Chúa là ánh sáng đã quyết định xua tan bóng tối của loài người bằng cách làm
cho mình trở thành mù lòa. Người mù từ
thuở mới sinh (xem Ga 9:1-41): mù lòa là tình trạng của anh ta lúc được tạo
ra. Cử chỉ tượng trưng của Chúa Giêsu
trong việc lấy bùn bôi lên mắt người bị mù từ lúc mới sinh trong Phúc Âm Gioan,
nói lên sự mới mẻ của hóa thân: Đó là cử chỉ của sự sáng tạo mới. Người mù có đôi mắt vẫn còn được bao phủ bởi
bùn của sự sáng tạo, được yêu cầu làm một hành động không phải của đức tin mà
là hành động của sự vâng lời: đi đến hồ Silôê, có nghĩa là “được sai đi”. Đấng “được sai đi” là Chúa Giêsu. Liệu chúng ta có thể tuân theo Lời Chúa đến với
chúng ta mỗi ngày không?
- Người
mù trong Tin Mừng của Gioan là người nghèo khó: anh ta không kỳ vọng điều gì và
không xin điều gì. Chúng ta thường sống
trong sự mù lòa hằng ngày, cam chịu rằng chúng ta không xứng đáng với những
chân trời tốt đẹp hơn. Chúng ta có thể
thấy rằng mình cũng chẳng có gì vì thế món quà của Thiên Chúa cũng chính là của
chúng ta nữa, một món quà của sự cứu chuộc nhục thể, nhưng hơn hết cả đó có phải
là món quà của ánh sáng và đức tin không?
- “Lề
luật được ban qua Môisen, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Đức Giêsu
Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa;
nhưng chính Con Một Chúa, Đấng ngự trong Chúa Cha sẽ mạc khải cho chúng ta” (Ga
1:17-18). Kiến thức về những gì xảy ra
trong câu chuyện của đời sống chúng ta dẫn chúng ta ra khỏi sự mù lòa của tự phụ
và chiêm ngưỡng ánh sáng tỏa sáng trên khuôn mặt của Con Thiên Chúa. Mắt của chúng ta, tràn ngập ánh sáng, được mở
ra cho các sự kiện. Đến khi nào thì
chúng ta sẽ có thể nhìn thấy Thiên Chúa ở giữa chúng ta?
b) Chìa
khóa dẫn đến bài đọc:
Gioan là người có thể nhìn thấy ánh sáng chiếu
soi, đã thấy, đã nghe và đã chạm vào ánh sáng.
Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời: luôn luôn hướng về tình yêu của Chúa Cha,
Ngôi Lời đã trở thành lời giải thích đích thực của Chúa Cha, lời giải thích duy
nhất (Ga 1:18), sự mặc khải về tình yêu của Người. Trong Ngôi Lời là sự sống và sự sống là ánh
sáng, nhưng bóng tối đã không chào đón ánh sáng. Trong Cựu Ước, sự mặc khải về Ngôi Lời là sự
mặc khải về ánh sáng: điều này tương ứng
với sự sung mãn của ơn thánh, ân sủng của ơn thánh, đã ban cho chúng ta trong
Chúa Giêsu, sự mặc khải tình yêu vô biên của Thiên Chúa (Ga 1:4-5, 16). Toàn bộ chứng tá của Cựu Ước là một nhân chứng
cho ánh sáng: từ Abraham đến Gioan Tẩy
Giả, Thiên Chúa sai các nhân chứng đi đến sự sáng của Người. Gioan Tẩy Giả là người cuối cùng trong số những
người này: ông công bố ánh sáng sắp sinh vào trong thế gian và nhận ra trong
Chúa Giêsu là ánh sáng đã được trông đợi từ lâu (Ga 1:6-8, 15).
Lời của Thiên Chúa (Dabar IHWH) là phương tiện
truyền thông của Thiên Chúa với loài người, đã xảy ra với tất cả những người mà
Thiên Chúa đã gọi và đến với những ai mà Lời Chúa đã đến (Is 55:10-11). Như thánh Augustinô đã nói: Lời Chúa là ánh sáng thật sự.
Lời được phán ra từ miệng Thiên Chúa, nhưng vẫn
giữ được đầy đủ hiệu lực, và đó là Đấng tạo ra và duy trì thế giới. Lời này, đã được viết ra và lưu truyền, được
xác định trong bộ sách Torah (Ngũ Thư của Môisen) viết cho dân Do Thái, cùng với
sách Khôn Ngoan, là toàn bộ sự mặc khải của Thiên Chúa: Thánh Luật ban xuống từ Sion, và từ
Giêrusalem, lời Đức Chúa phán truyền (Is 2:3).
Ngôi Lời (tiếng Aramaic: Memra) là khái niệm
được dùng bởi Gioan đi từ chữ “Dabar” đến chữ “logos”: trong bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước “targum”,
Ngôi Lời có chức năng sáng tạo, nhưng hơn hết cả chức năng mặc khải được nói đến
một cách đặc biệt qua hình ảnh của ánh sáng.
Trong quyển Targum Neophiti, bài thơ nổi tiếng về bốn đêm trong sách Xuất
Hành 12:42 được viết như sau: “Đêm đầu
tiên là khi Đấng Giavê tỏ mình trên toàn thế giới để tạo dựng nó: Thế giới là
sa mạc và trống rỗng, và bóng tối bao trùm vực thẳm. Và Lời của Thiên Chúa là ánh sáng chiếu rọi.” Trong bản thảo Targum Jerushalaim 110 viết rằng: “Với Lời của Thiên Chúa chiếu soi và làm sáng
tỏ”.
Sách Kinh Thánh diễn giải theo kiểu Midrash nhấn
mạnh rằng lề luật có trước thế gian, đó là sự sống, đó là ánh sáng: “Những lời của bộ sách Ngũ Thư Torah là ánh
sáng cho thế gian” (Midrash Dt Rabba 7:3).
Chỉ có ái nữ của Thiên Chúa, Ngũ Thư Torah đã được viết bằng lửa đen
trong ngọn lửa trắng, ngồi trong lòng Thiên Chúa khi Thiên Chúa đang ngự trên
ngai vinh quang của Người (trích Midrash về Tv 90:3).
Ánh sáng Ngôi Lời trở nên hiện hữu trong thế
gian. Tất cả là sự sống trong Người: Ngôi Lời chiếm vị trí của Ngũ Kinh Torah. Các dấu chỉ thì siêu việt, và hơn cả một sự
thay thế, chúng ta thấy đó là một sự thực hiện.
Nếu đối với người Do Thái, Ngũ Kinh Torah là ái nữ của Thiên Chúa, thì
Gioan cho thấy rằng cô ấy là Ngôi Lời mà ngay từ thuở nguyên thủy đã ở cùng
Thiên Chúa, là Thiên Chúa. Ngôi Lời này
trở thành nhục thể: con người, mỏng dòn, hạn chế, hữu hạn, đặt vinh quang của
Người trong thân xác loài người. Người
đã hạ Lều (Skené) của mình, xuống thế, ở giữa chúng ta, Người đã trở thành sự
hiện diện của Thiên Chúa (Shekinah) ở giữa chúng ta, và Người đã cho thấy vinh
quang của Người, sự hiện diện tràn ngập của Thiên Chúa đối với loài người. Vinh quang Thiên Chúa ngự trong Lều Nhà Tạm của
người Do Thái trong cuộc di cư khỏi đất Ai Cập (Xh 40:34-38), là ngự trong đền
thờ (1V 8:10), giờ đây ngự trong nhục thể của Con Thiên Chúa. Điều này thực sự là điều Thiên Chúa tỏ mình
ra. Sự hiện diện của Thiên Chúa đã có thể
thấy được, bởi vì sự hiện diện của Thiên Chúa (Shekinah) là Đức Kitô, nơi có sự
hiện hữu và vinh quang của Thiên Chúa.
Có một Đấng đã nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa: Đó là Đức Chúa Con duy nhất đầy ân sủng và
chân lý; Người đến để mặc khải cho chúng ta nhan thánh của Chúa Cha, Người là Đấng
suy nhất có thể làm được điều này bởi vì Người có sự hiện hữu của mình trong
lòng Chúa Cha. Từ sự sống sung mãn này
đưa đến việc tạo dựng mới. Môisen đã đưa
ra lề luật. Đức Kitô ban cho ân sủng và
chân lý, tình yêu và lòng trung tín.
Trong Chúa Con, chúng ta có thể chiêm ngắm Thiên Chúa mà không hư mất bởi
vì bất cứ ai nhìn thấy Chúa Con cũng nhìn thấy Chúa Cha: Chúa Giêsu là lời giải thích Kinh Thánh, lời
tường thuật của sự sống siêu nhiên.
Và nơi mặc khải là thân xác của Người. Đây là lý do tại sao thánh Gioan đã cho biết
thời điểm thực hiện: “Chúng tôi đã được
nhìn thấy vinh quang của Người” (Ga 1:14), khi tại “thời điểm của vinh quang”
chỉ có bóng tối. Ánh sáng được dấu ẩn
khi nó dâng hiến sự sống của mình vì tình yêu nhân loại, yêu cho đến tận cùng,
không giới hạn, tôn trọng quyền tự do của con người để đóng đinh Tác Giả của sự
sống vào Thập giá. Thiên Chúa được tôn
vinh tại thời điểm của cuộc Thương Khó:
một tình yêu viên mãn, dứt khoát, vô biên; một tình yêu được thể hiện
ngay cả khi phải đối diện với những hậu quả cùng cực của nó. Đây là sự mầu nhiệm của ánh sáng trở thành
con đường trong bóng tối, bởi vì tình yêu giống như bóng tối của đêm đen khi đời
sống trở nên thân thiết hơn và những lời của người chết đi để được sống trong
hơi thở lời của người được yêu; sự sáng ở trong tình yêu đem lại ánh sáng trong
giờ bị tước quyền sở hữu, giờ mà khi một người tự hiến thân mình để tìm lại được
chính mình trong vòng tay của sự sống.
4. Cầu nguyện
Hỡi Giêrusalem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục,
và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa
ban cho ngươi;
hãy khoác vào mình áo choàng công chính của
Thiên Chúa;
và đội lên đầu triều thiên vinh quang
Đấng Vĩnh Hằng ban tặng.
Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu
thấy hào quang rực rỡ của ngươi.
Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi
là "Bình-an-xây-dựng-trên-công-chính",
và "Vinh-quang-phát-xuất-từ-lòng-kính-sợ-Thiên-Chúa".
Vùng lên, Giêrusalem hỡi,
hãy đứng ở nơi cao, và hướng nhìn về phía đông:
Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp
về
theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy.
Được Thiên Chúa nhớ đến, chúng hớn hở mừng
vui.
Xưa chúng bị quân thù áp giải,
phải rời ngươi, không xe không ngựa.
Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi,
chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi
một ngai vàng.
Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao
và gò nổng có tự lâu đời,
phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng
phiu,
để Israel tiến bước an toàn
dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa.
Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại
quế trầm
sẽ toả bóng che rợp Israel,
vì Thiên Chúa sẽ dẫn Israel đi trong hoan lạc,
dưới ánh sáng vinh quang của Chúa,
cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.
(Sách Barúc 5:1-9)
5. Chiêm Niệm
Lạy Chúa Cha của ánh sáng, con dâng lên Chúa với
toàn thân xác con. Sau khi trải qua những
thời gian tốt lành và những thời gian sa vào tội lỗi, cuối cùng con đã hiểu, bởi
vì kinh nghiệm của con, rằng một mình con, con chỉ hiện hữu trong bóng đêm và sự
tăm tối. Không có ánh sáng của Chúa, con
không thể thấy bất cứ điều gì. Thật thế,
Chúa là nguồn sống; Chúa, Vầng Thái Dương của công lý, Người mở mắt con, Chúa
là con đường dẫn đến Chúa Cha. Hôm nay
Chúa đã ngự đến giữa chúng con, Ngôi Lời đời đời, giống như ánh sáng đi qua các
trang của lịch sử để cống hiến cho nhân loại những món quà ân sủng và niềm hoan
lạc trong sa mạc đói khát và trống rỗng:
bánh và rượu của Danh Thánh Chúa, vào lúc trên thập giá sẽ trở nên những
dấu hiệu rõ rệt cho tình yêu trọn vẹn, xin hãy cho chúng con được sinh ra với
Chúa để từ đó phần sinh hoa trái là Giáo Hội, là cái nôi của sự sống Chúa cho
chúng con. Giống như Đức Maria, chúng
con ước ao được ở cạnh Chúa để học hỏi bắt chước được nên giống như Bà, Đấng đầy
ân sủng từ Đấng Tối Cao. Và khi các lều
của chúng con sẽ chào đón đám mây của Chúa Thánh Linh trong ánh sáng rực rỡ của
Ngôi Lời lần nữa, chúng con sẽ hiểu sự Vinh Quang của Nhan Thánh Chúa và chúng
con sẽ được ân phúc trong một sự im lặng chiêm ngưỡng mà không còn có sự do dự
nào nữa trước vẻ đẹp của Đấng đang ngự cùng Chúa, Ngôi Lời hằng sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét