Các nguyên thủ, lãnh đạo chính trị trên thế giới tưởng nhớ
Đức Thánh Cha Phanxicô
Những lời chia buồn về sự ra đi của Đức Thánh Cha Phanxicô
đang vang lên từ mọi nơi trên thế giới, chứng minh cho lòng yêu mến vượt biên
giới và tín ngưỡng. Từ những lời chia buồn của tổng thống Ý, tổng thống Pháp,
cho đến lời chia buồn của tổng thống Mỹ, tổng thống Argentina, ... tất cả đều
tưởng nhớ Đức Thánh Cha Phanxicô đáng kính như một con người của đức tin, hòa
bình, tình yêu, một người dấn thân cho công lý và bênh vực người nghèo.
Vatican News
Lời chia buồn từ Ý
Tổng thống Ý, ông Sergio Mattarella, viết trong một tuyên bố
được đăng trên trang web của dinh Quirinale: "Tôi vô cùng đau buồn khi biết
tin Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời và cảm nhận được khoảng trống lớn lao do mất
đi một người mà đối với tôi luôn là điểm tham chiếu". Ông nói thêm:
"Cái chết của Đức Giáo hoàng Phanxicô gây ra nỗi đau và cảm xúc trong người
dân Ý và trên toàn thế giới. Giáo huấn của ngài đã gợi lại thông điệp Tin Mừng,
tình liên đới giữa con người, bổn phận gần gũi với những người yếu thế nhất, sự
hợp tác quốc tế, hòa bình trong nhân loại. Lòng biết ơn đối với ngài phải được
chuyển thành trách nhiệm làm việc, như ngài đã liên tục làm, vì những mục tiêu
này".
Trong khi đó, bà Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã viết:
"Tôi đã có vinh dự được tận hưởng tình bạn, lời khuyên và sự dạy dỗ của
ngài, những điều không bao giờ sai ngay cả trong những lúc thử thách và đau khổ.
Trong các suy niệm của Đàng Thánh Giá, ngài nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của
ân sủng, thứ làm cho mọi thứ phát triển trở lại và có khả năng hòa giải những
gì đối với con người là không thể hòa giải. Và ngài một lần nữa yêu cầu thế giới
can đảm thay đổi hướng đi, đi theo con đường không hủy diệt, nhưng vun trồng, sửa
chữa, bảo vệ".
Anh quốc liên đới với Giáo hội
Từ Anh quốc, Đức Tổng giám mục Stephen Cottrell của York,
lãnh đạo lâm thời Giáo hội Anh giáo, đã đưa ra một tuyên bố trong đó ngài nhắc
lại những lời mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với ngài trong một cuộc gặp gỡ
năm 2023: "Chúng ta cùng nhau bước đi, chúng ta cùng nhau làm việc, chúng
ta cùng nhau cầu nguyện". Một cụm từ mà theo Đức Tổng Giám mục, tóm tắt
triều đại Giáo hoàng của Đức Giáo hoàng Phanxicô, "nhận thức được những
chia rẽ hiện diện trong Giáo hội", nhưng đồng thời sẵn sàng lắng nghe và
thiết lập "một tiến trình hiệp hành", đại diện cho "di sản lâu
dài cho Giáo hội Công giáo Roma và cho tất cả chúng ta".
Và trong một thông điệp được ban hành từ Điện Buckingham,
thay mặt cho hoàng hậu Camilla, Vua Charles III cũng đã bày tỏ lòng tôn kính đối
với Đức Giáo hoàng Phanxicô và nhắc lại "lòng trắc ẩn" và dấn thân đại
kết của ngài. Quốc vương Anh nhắc lại "xác tín" của Đức Giáo hoàng rằng
"việc chăm sóc Thụ tạo là biểu hiện hiện sinh của đức tin", có thể
"tìm thấy tiếng vang trong nhiều người trên khắp thế giới". Hai tuần
trước, Vua Charles và hoàng hậu đã gặp Đức Thánh Cha trong chuyến thăm riêng tới
Vatican bên lề chuyến đi tới Roma.
Các nguyên thủ Châu Âu tưởng nhớ Đức Phanxicô
Nhiều thông điệp khác cũng được gửi đến từ các tổ chức chính
trị châu Âu. Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, viết trên mạng X
rằng các tín hữu "có thể tìm thấy sự an ủi khi suy nghĩ rằng di sản của Đức
Giáo hoàng Phanxicô sẽ tiếp tục hướng dẫn tất cả chúng ta hướng tới một thế giới
công bằng, hòa bình và nhân ái hơn".
Tổng thống Cộng hòa Pháp, Emmanuel Macron, viết trên mạng xã
hội: "Từ Buenos Aires đến Roma, Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn Giáo hội mang
lại niềm vui và hy vọng cho những người nghèo nhất trong số những người nghèo.
Để đoàn kết mọi người với nhau và với thiên nhiên. Mong rằng hy vọng này sẽ
luôn trỗi dậy không ngừng cả sau khi ngài qua đời".
Thủ tướng Đức Friedrich Merz cũng viết: "Đức Phanxicô sẽ
được nhớ đến vì sự tận tụy không mệt mỏi của ngài đối với những thành viên yếu
thế nhất của xã hội, đối với công lý và hòa giải. Sự khiêm nhường và đức tin
vào lòng thương xót của Chúa là những nguyên tắc chỉ đạo của ngài".
Thông điệp của Tổng thống Ucraina Volodymyr Zelensky cũng viết
về Đức cố Giáo hoàng Phanxicô: "Ngài biết cách mang lại hy vọng, xoa dịu nỗi
đau thông qua lời cầu nguyện và thúc đẩy sự hiệp nhất. Ngài cầu nguyện cho hòa
bình ở Ucraina và cho người dân Ucraina. Chúng ta cùng thương tiếc với những
người Công giáo và tất cả Kitô hữu đã tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần từ Đức Giáo
hoàng Phanxicô".
Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong một điện thư gửi tới
Vatican và được đăng trên trang web của Điện Kremlin, đã viết về Đức Thánh Cha
Phanxicô: Một “con người phi thường”, một “người bảo vệ vĩ đại cho công lý và
nhân loại”, người “thúc đẩy đối thoại giữa Giáo hội Công giáo Roma và Giáo hội
Chính thống giáo Nga”. Ông Putin nhấn mạnh rằng ngài là Giáo hoàng có uy tín quốc
tế to lớn với tư cách là "người phục vụ trung thành của giáo huấn Kitô
giáo, một tu sĩ và chính khách thông thái, một người bảo vệ nhất quán các giá
trị cao cả của chủ nghĩa nhân văn và công lý", đồng thời nhắc lại rằng
"trong suốt thời gian làm Giáo hoàng, ngài đã tích cực thúc đẩy sự tương
tác mang tính xây dựng giữa Nga và Tòa Thánh".
Những lời phân ưu từ Châu Mỹ
Từ ngoài Châu Âu, nhiều nguyên thủ và lãnh đạo chính trị
cũng ca ngợi Đức cố Giáo hoàng như con người của hòa bình, một người đấu tranh cho
công lý và người nghèo. Tại Hoa Kỳ, tổng thống Trump viết trên mạng xã hội
Truth Social: " Giáo hoàng Phanxicô, xin hãy yên nghỉ! Xin Chúa chúc lành
cho ngài và tất cả những ai yêu mến ngài!". Ông đã ra lệnh treo cờ rủ một
ngày để thể hiện lòng tôn kính đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô và tưởng nhớ
ngài. Ông giải thích rằng lệnh này là một dấu hiệu tôn trọng để tưởng niệm Đức
Thánh Cha Phanxicô. Lệnh này được áp dụng cho Nhà Trắng và tất cả các tòa nhà
và khuôn viên công cộng, tại tất cả các đồn quân sự và trạm hải quân, trên tất
cả các tàu hải quân và tại tất cả các đại sứ quán.
Về phần cựu Tổng thống Joe Biden, ông cũng ca ngợi Đức cố
Giáo hoàng Phanxicô là "một Giáo hoàng cho mọi người", "Giáo
hoàng của người dân", và "một ánh sáng đức tin, hy vọng và tình
yêu". Ông viết trên mạng xã hội X: “Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ được nhớ đến
như một trong những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất thời đại chúng ta, và
tôi cảm thấy tốt hơn khi được biết ngài”.
Ông viết thêm: “Trong nhiều thập kỷ, ngài đã phục vụ những
người dễ bị tổn thương nhất trên khắp Argentina và sứ mạng phục vụ người nghèo
của ngài không bao giờ ngừng lại. Là một Giáo hoàng, ngài là một mục tử yêu
thương và là một người thầy thúc giục chúng ta, người đã tiếp cận với nhiều tín
ngưỡng khác nhau. Ngài đã ra lệnh cho chúng ta đấu tranh vì hòa bình và bảo vệ
hành tinh của chúng ta khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu. Ngài đã ủng hộ những người
không có tiếng nói và quyền lực. Ngài đã khiến tất cả mọi người cảm thấy được
chào đón và được Giáo hội nhìn nhận. Ngài đã thúc đẩy công bằng và chấm dứt đói
nghèo và đau khổ trên toàn cầu”.
Từ Nam Mỹ, Tổng thống Argentina, Javier Milei, cũng là người
đồng hương với Đức cố Giáo hoàng, đã viết trên mạng xã hội rằng "bất chấp
những khác biệt mà ngày nay có vẻ rất nhỏ", việc có thể gặp Giáo hoàng
"với lòng tốt và sự thông thái của ngài" là "một vinh dự thực sự".
Tổng thống Brazil Lula Inácio da Silva cũng viết trên mạng
xã hội X rằng Đức Phanxicô “với sự giản dị, lòng dũng cảm và sự đồng cảm” của
mình luôn đặt mình “bên cạnh những người cần sự giúp đỡ nhất: người nghèo, người
tị nạn, người trẻ, người già và nạn nhân chiến tranh và mọi hình thức định kiến”.
Từ Á châu và Úc châu
Từ Ấn Độ, tổng thống Narendra Modi đã nhắc lại trên mạng xã
hội về cuộc gặp gỡ của ông với Đức cố Giáo hoàng và "sự dấn thân của ngài
đối với sự phát triển bao gồm mọi người và cho toàn thế giới. Tình cảm của ngài
dành cho người dân Ấn Độ sẽ luôn sống mãi".
Từ Úc châu xa xôi, thủ tướng Úc Anthony Albanese phát biểu
trong bài phát biểu được truyền hình toàn quốc rằng tất cả cờ sẽ được treo rủ tại
các tòa nhà chính phủ vào thứ Ba (22/4/2025) để tỏ lòng tôn kính với Đức cố
Giáo hoàng. Ông Albanese nói: “Đối với người Công giáo Úc, ngài là một nhà vô địch
tận tụy và là một người cha yêu thương. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã sống đức tin
và ơn gọi của mình bằng lời nói và hành động. Ngài thực sự là nguồn cảm hứng”.
Những thông điệp từ Trung Đông
Từ Thánh Địa cũng không thiếu những thông điệp tưởng nhớ Đức
Thánh Cha Phanxicô. Tại Thánh Địa, Tổng thống Israel, Isaac Herzog, đã gửi lời
chia buồn tới thế giới Kitô giáo và đặc biệt là tới các cộng đồng Kitô giáo tại
Đất Thánh. Ông Herzog viết trên mạng xã hội X, "Là một người có đức tin
sâu sắc và lòng nhiệt thành vô bờ bến", Đức Phanxicô "đã cống hiến cuộc
đời mình để an ủi người nghèo và kêu gọi hòa bình trong một thế giới đầy xáo trộn".
Ông hy vọng rằng lời cầu nguyện của Đức cố Giáo hoàng về việc chấm dứt xung đột
ở Trung Đông "và cho phép các con tin được trả tự do sẽ sớm được đáp lại".
Trong khi đó, ông Mahmoud Abbas, chủ tịch Chính quyền
Palestine, đã gửi lời chia buồn tới Vatican sau sự ra đi của Đức cố Giáo hoàng
Phanxicô, người mà ông gọi là "biểu tượng của lòng khoan dung, tình yêu
thương và tình huynh đệ" và "một người bạn thực sự của hòa bình và
công lý".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét