Đức Thánh Cha Phanxicô
kính viếng Đức Mẹ Phần rỗi của dân thành Roma (Vatican Media)
Đức Giáo hoàng và bức ảnh Đức Mẹ Salus Populi Romani,
tình yêu của người con dành cho Mẹ
Trong một cuộc gặp gỡ với giới truyền thông, Đức Hồng y
Makrickas, Phó Giám quản của Đền thờ Đức Bà Cả, đã giải thích lý do tại sao Đức
Giáo hoàng Phanxicô chọn được chôn cất tại Đền thờ này: một dấu hiệu được truyền
cảm hứng từ Mẹ Thiên Chúa, được mô tả trong bức ảnh mà Đức Giáo hoàng đặc biệt
tôn sùng.
Isabella Piro - Vatican City
Chuyến viếng thăm cuối cùng. Chuyến viếng thăm đẹp nhất, bởi
vì nó vượt qua mọi rào cản của thời gian và không gian và trở thành biểu hiện của
đức tin vào sự Phục sinh. Đó là chuyến viếng thăm mà Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ
thực hiện vào thứ Bảy ngày 26 tháng 4 năm 2025, dưới chân bức ảnh Đức. Mẹ Salus
Populi Romani, bức ảnh Đức Mẹ mà truyền thống cho rằng do Thánh Luca vẽ và được
lưu giữ tại Đền thờ Đức Bà Cả. Tại đây, Đức cố Giáo hoàng sẽ được chôn cất, sau
Thánh lễ an táng do Đức Hồng y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng y đoàn,
chủ sự tại thềm Đền thờ Thánh Phêrô ở Vatican.
Di chúc của Đức Phanxicô
Như đã nêu trong di chúc, Đức Jorge Mario Bergoglio đã chọn
Vương cung thánh đường được xây dựng theo truyền thống vào thế kỷ thứ 4, trong
thời kỳ Giáo hoàng Liberio, làm nơi ở cuối cùng trên trái đất. Trong một giấc
mơ, Mẹ Thiên Chúa đã yêu cầu vị Giáo hoàng này xây dựng một nhà thờ ở nơi được
đánh dấu bằng một sự kiện kỳ diệu. Và vào sáng ngày 5 tháng 8 năm 358, giữa
mùa hè, một trận tuyết rơi phủ trắng Đồi Esquilino, đánh dấu chu vi của nơi thờ
phượng.
126 lần viếng thăm trong 12 năm Giáo hoàng
126 lần Đức Phanxicô đến kính viếng ảnh Đức Mẹ Salus Populi
Romani trong 12 năm Giáo hoàng: lần đầu tiên vào ngày 14 tháng 3 năm 2013, một
ngày sau khi ngài được bầu làm Người kế vị thứ 265 của Thánh Phêrô; lần cuối
cùng vào ngày 12 tháng 4 năm 2025, vào đêm trước Tuần Thánh; giữa vô số lời tri
ân trước và sau mỗi chuyến tông du và bốn lần nhập viện tại Bệnh viện đa khoa
“Gemelli”, diễn ra vào năm 2021, hai lần vào năm 2023 và cuối cùng là lần nằm
viện dài nhất, 38 ngày từ ngày 14 tháng 2 đến ngày 23 tháng 3 năm nay. Đức Giáo
hoàng đã muốn có chính ảnh Đức Mẹ này bên cạnh ngài trước Đền thờ Thánh Phêrô
vào ngày 27 tháng 3 năm 2020, trong buổi cầu nguyện Statio Orbis được ngài chủ
sự vào thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19.
Tại ngã ba đường của một cuộc hành trình
Vì vậy, ngày thứ Bảy 26/4/2025, Đức Giáo hoàng sẽ trở về dưới
chân Đức Trinh Nữ, tại đền thờ Liberio, là đền thờ nhỏ nhất trong bốn Đền thờ
Giáo hoàng, đền thờ duy nhất kính Đức Mẹ, đền thờ duy nhất chưa bao giờ bị phá
hủy và là ngôi đền thờ lâu đời nhất kính Đức Mẹ của Kitô giáo Tây phương. Đây
cũng là nơi gần nhất với nhà ga xe lửa Termini, một ngã ba đường của những con
người không ngừng di chuyển. Theo một cách nào đó, một ẩn dụ về Triều đại Giáo
hoàng của Bergoglio, luôn “đi ra” để gặp gỡ những người khác và gần với các
vùng “ngoại vi” về mặt địa lý và hiện sinh.
“Bông hồng vàng” năm 2023
Tại đây, trong nhà thờ nơi Thánh Inhaxiô thành Loyola, đấng
sáng lập Dòng Tên, nơi Đức Giáo hoàng thuộc về, đã cử hành Thánh lễ đầu tiên
vào đêm Giáng sinh năm 1538; tại đây, thánh tích của Nôi Thánh đã chào đón Chúa
Hài Đồng Giêsu lúc mới sinh được lưu giữ; từ giờ trở đi, Đức Phanxicô sẽ yên
nghỉ tại đây. Chính ngài đã nói điều này vào tháng 12 năm ngoái, trong một cuộc
phỏng vấn với Valentina Alazraki, một phóng viên người Mexico chuyên về
Vatican: "Tôi muốn được chôn cất tại Đền thờ Đức Bà Cả. Nơi này đã sẵn
sàng", ngài nói và nhấn mạnh lòng sùng kính mạnh mẽ của ngài đối với Đức
Trinh Nữ, ngay cả trước khi được bầu lên ngai tòa Thánh Phêrô. Ngài nói:
"Khi tôi ở Roma, tôi luôn đến đó vào sáng Chúa Nhật; tôi đã dành một chút
thời gian ở đó. Có một mối liên kết rất mạnh mẽ". Một lòng hiếu thảo cũng
được cụ thể hóa thông qua một “Bông hồng vàng” mà vào năm 2023 Đức Phanxicô muốn
tỏ lòng tôn kính với Đức Mẹ Salus Populi Romani.
Ngày 13 tháng 5 năm 2022
Quyết định của Đức Giáo hoàng đã chín chắn theo thời gian:
như Đức Hồng y Rolandas Makrickas, Phó Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả đã đưa tin với
giới truyền thông, "mọi chuyện bắt đầu từ cuộc gặp gỡ của chúng tôi với Đức
Thánh Cha vào tháng 5 năm 2022, khi trong số nhiều câu hỏi, câu hỏi về việc can
thiệp vào cấu trúc của Nhà nguyện Phaolô đã nảy sinh". Ngày diễn ra cuộc họp
đó là một ngày lễ Đức Mẹ tuyệt vời, ngày 13 tháng 5, ngày kính nhớ Đức Trinh Nữ
Maria Fatima. "Vào dịp đó", Đức Hồng y nhấn mạnh, "tôi đã nói với
ngài, vì ngài thường xuyên đến Đền thờ, liệu ngài có nên nghĩ đến việc xây dựng
lăng mộ của mình ở đây không". Lúc đầu, Đức Giáo hoàng "nói không, nhắc
lại rằng các Giáo hoàng được chôn cất tại Đền thờ Thánh Phêrô. Tuy nhiên, một
tuần sau, ngài gọi lại cho tôi và nói với tôi: 'Đức Mẹ đã bảo tôi: Hãy chuẩn bị
lăng mộ của con'". Và sau đó ngài nói thêm rằng ngài rất vui vì "Đức
Mẹ không quên tôi". “Ngài chỉ nói với tôi: 'Hãy tìm một nơi cho ngôi mộ của
tôi vì tôi muốn được chôn cất tại Đền thờ này”.
Gần bàn thờ Thánh Phanxicô
Đức Hồng y Makrickas cho biết Đức Giáo hoàng đã giải thích
ngay từ đầu rằng ngài không muốn được chôn cất bên trong Nhà nguyện Phaolô, nơi
có ảnh Đức Mẹ Phần rỗi của Dân thành Roma, "bởi vì các tín hữu đến đó phải
cầu nguyện với Chúa, tôn kính Đức Mẹ, chứ không phải nhìn vào lăng mộ của một
Giáo hoàng". Vì lý do này, ngôi mộ được chuẩn bị trong hốc của gian giữa
Nhà nguyện Phaolô và Nhà nguyện Sforza, một trong những nhà nguyện đầu tiên được
xây dựng trong Đền thờ. "Nơi này có vẻ phù hợp hơn vì một lý do khác nữa",
Đức Hồng y Makrickas nói tiếp, "bởi vì bên cạnh đó cũng có bàn thờ Thánh
Phanxicô. Vì vậy, nơi này có vẻ thực sự hoàn hảo".
Dưới cái nhìn yêu thương của Đức Mẹ
Vị Giáo hoàng quá cố cũng đã đưa ra cho vị Hồng y, khi đó là
giám mục và ủy viên đặc biệt của Hội đồng của Đền thờ, những chỉ dẫn về việc
xây dựng nơi chôn cất, những chỉ dẫn tương tự như những chỉ dẫn được ghi trong
di chúc của ngài. Đức Hồng y Makrickas nhận xét: "Ngài quan tâm đến việc
ngôi mộ của mình phải khiêm nhường và thiết yếu, giản dị như cuộc sống của
ngài. Vì lý do này, ngôi mộ chỉ mang dòng chữ khắc tên ngài, Franciscus và bản
sao của cây thánh giá đeo ngực mà ngài từng đeo, với kích thước lớn hơn. Một
chi tiết khác: ngôi mộ được làm bằng đá từ miền Liguria, có nguồn gốc từ vùng đất
của tổ tiên ngài", về dòng họ ngoại của ngài.
Một phong cách đơn giản và thiết yếu
Đức Hồng y nói tiếp: "Đây không phải là một ngôi mộ có
tính 'nghệ thuật', mà là một ngôi mộ đơn giản và thiết yếu. Hơn nữa, Đức Giáo
hoàng không muốn bất kỳ thay đổi nào về cấu trúc được thực hiện. Vì lý do này,
bia mộ nằm phía trên ngôi mộ vẫn còn: đó là một bia mộ lịch sử, bởi vì vào thời
Trung cổ, người ta cho rằng ảnh Đức Mẹ Salus Populi Romani ban đầu được đặt
phía trên cánh cửa đó".
Đức Hồng y kết luận khi cho biết tại Đền thờ này, bảy vị
Giáo hoàng khác đã an nghỉ, bao gồm Giáo hoàng đầu tiên dòng Phanxicô là Đức
Nichola IV, Giáo hoàng đầu tiên dòng Đaminh là Đức Pio V, và giờ là Giáo hoàng
Dòng Tên đầu tiên". Giáo hoàng cuối cùng được chôn cất tại đó trước Đức
Phanxicô là Đức Clemente IX, vào năm 1669.
Vì vậy, giờ đây, hài cốt của Đức Phanxicô sẽ được an nghỉ
bên cạnh ảnh Đức Mẹ Thiên quốc, được bảo vệ bởi ánh mắt yêu thương của Mẹ. Ngay
tại thời điểm này, tại Roma, Ngày Năm Thánh Thanh thiếu niên đang diễn ra - mặc
dù theo cách đơn giản hơn, như một dấu hiệu của sự tôn trọng: một dấu hiệu của
một Giáo hội trẻ trung và cảm động, giống như Giáo hội mà Đức Giáo hoàng
Phanxicô mong muốn và yêu mến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét