Nguồn...Franco Origlia/Getty Images
New York Times: Đức
Phanxicô và sự kết thúc của chế độ Giáo hoàng đế quốc
Vũ Văn An 22/Apr/2025
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã qua đời vào sáng sau lễ Phục sinh ở tuổi 88,
là một phiên bản của giáo hoàng tự do mà nhiều người Công Giáo đã tha thiết
mong muốn trong suốt triều đại dài của Đức Gioan Phaolô II và triều đại ngắn
hơn của Đức Bê-nê-đic-tô XVI — một người có thế giới quan được định hình và xác
định bởi Công đồng Vatican II và triều đại giáo hoàng của ngài đã tìm cách đổi
mới cuộc cách mạng của mình, một cuộc hiện đại hóa vĩ đại hơn nữa của Giáo Hội
Công Giáo.
Theo một cách nào đó, ít nhất, ngài đã thành công. Trong nhiều thế hệ, những
người theo chủ nghĩa hiện đại đã than thở về quyền lực quá lớn của giáo hoàng,
sự lỗi thời của một chính quyền quân chủ trong thời đại dân chủ, cách mà khái
niệm về sự bất khả ngộ của giáo hoàng đã đóng băng các cuộc tranh luận của Công
Giáo ngay cả khi thế giới đang tiến về phía trước. Về lý thuyết, Đức Phanxicô
cũng chia sẻ những mối quan tâm đó, hứa hẹn một giáo hội hợp đoàn và theo chiều
ngang hơn, theo kiểu đồng nghị hơn, theo thuật ngữ của nền hành chánh Công
Giáo. Trên thực tế, ngài thường sử dụng quyền lực của mình theo cùng một cách
như những người tiền nhiệm, để kiểm soát và ngăn chặn những hành vi đi chệch khỏi
thẩm quyền của mình — ngoại trừ lần này, mục tiêu là những người bảo thủ và
truyền thống bất đồng chính kiến thay vì những người cấp tiến và hiện đại hóa.
Nhưng chỉ bằng cách tạo ra hình thức xung đột mới lạ đó, trong đó những người
Công Giáo vốn quen ở cùng phe với Vatican đột nhiên thấy mình đối lập với thẩm
quyền của giáo hoàng, Đức Phanxicô đã giúp phi huyền bí thẩm quyền của chức vụ
của mình và làm suy yếu những tuyên bố áp đặt nhất của chức vụ đó.
Đó là bởi vì những người bảo thủ mà ngài làm lung lay niềm tin là những người
cuối cùng tin vào chế độ giáo hoàng đế quốc, những người bảo vệ sự huyền bí của
sự bất khả ngộ. Và bằng cách khuấy động nhiều người trong số họ nghi ngờ và bất
tuân, ngài đã đá bay trụ cột chính cuối cùng hỗ trợ cho một chế độ giáo hoàng mạnh
mẽ và để lại văn phòng của Thánh Phê-rô ở cùng vị trí với hầu hết các tổ chức
khác của thế kỷ 21: được ban cho quyền lực nhưng thiếu uy tín, nổi lên nhờ sức
lôi cuốn mà không có tính hợp pháp cơ bản, với các hành động được hiểu theo
nghĩa là phần thưởng cho bạn bè và hình phạt cho kẻ thù.
Hai cuộc nổi loạn, nói riêng, minh họa cho sự thay đổi này. Cuộc nổi loạn đầu
tiên là sự phản kháng liên tục đối với nỗ lực của giáo hoàng nhằm đàn áp, nhân
danh sự hiệp nhất của Công Giáo và tinh thần của Công đồng Vatican II, Thánh lễ
La tinh truyền thống của đức tin. Sau Công đồng Vatican II vào cuối những năm
1960, khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI làm lại phụng vụ của giáo hội, ngài đã tranh
thủ đủ sự tuân theo để có thể nhanh chóng đẩy Thánh lễ mà mọi người Công Giáo
trên thế giới đã lớn lên cùng vào chỗ tương đương với các hầm mộ — vào tầng hầm
nhà thờ, phòng khách sạn và nhà nguyện ly giáo.
Trong khi khi Đức Phanxicô mưu toan một cuộc đàn áp tương tự, đảo ngược các quyền
được Đức Bê-nê-đic-tô ban cấp, chỉ có các giám mục trung thành nhất của ngài thực
sự đồng ý, và tác động chính là khơi dậy sự phản kháng và khiếu nại, thu hút sự
chú ý của giới truyền thông mới đối với Thánh lễ La tinh cũ và tăng thêm uy tín
của chủ nghĩa truyền thống trong số những người Công Giáo trẻ tuổi.
Cuộc nổi loạn đáng chú ý thứ hai là trong số các giám mục, sau động thái thận
trọng của Vatican hướng tới việc cho phép một số loại phước lành cho các cặp đồng
tính. Đó là động thái cấp tiến rõ ràng cuối cùng của Đức Phanxicô, những nỗ lực
của ngài nhằm sử dụng thẩm quyền truyền thống để phục vụ cho các mục tiêu cấp
tiến. Và nó đã trở thành một trường hợp điển hình về giới hạn quyền lực của
giáo hoàng — vì nó đã gây ra sự từ chối đáng chú ý từ các giám mục châu Phi,
giáo hội bảo thủ của thế giới đang phát triển từ chối chủ nghĩa cấp tiến của thế
giới phát triển, điều này buộc Rome phải rút lui vào sự mơ hồ phòng thủ.
Vì tôi thường chỉ trích cách quản lý của Đức Phanxicô, hãy cho phép tôi đọc những
thay đổi này theo thuật ngữ của thuyết quan phòng. Chế độ giáo hoàng hùng mạnh
được tạo ra bởi hai thế lực lớn của thế kỷ 19: công nghệ di chuyển nhanh và
truyền thông giúp tập trung hóa việc ra quyết định ở Rome dễ dàng hơn và sự mất
đi quyền lực chính trị của Công Giáo, khiến các chính phủ thế tục mất hứng thú
trong việc gây ảnh hưởng đến việc quản lý nội bộ giáo hội. Nó đã dần dần bị phá
vỡ bởi một loạt các thay đổi hiện đại khác, từ phát minh ra thuốc tránh thai đến
sự trỗi dậy của internet — với hậu quả của Công đồng Vatican II và nỗi thống khổ
của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục như những chất xúc tác đặc biệt.
Những gì Đức Phanxicô đã làm, bằng cách làm sáng tỏ các nỗ lực giải quyết giáo
lý của các giáo hoàng trước đây và những người bảo thủ gây bất ổn như tôi, là
thêm một chất xúc tác khác vào quá trình này, đưa chúng ta nhanh hơn vào bối cảnh
của sự yếu kém về mặt định chế, thậm chí là bất lực, mà có lẽ cuối cùng chúng
ta sẽ đạt được ngay cả dưới thời các giáo hoàng bảo thủ hơn.
Sự yếu kém đó không tốt cho việc quản lý Công Giáo, cho khả năng của các giám mục
trong việc đưa ra sự hướng dẫn về mặt đạo đức và yêu cầu các nhà lãnh đạo thế tục
chịu trách nhiệm, cho cảm thức thống nhất về giáo lý đang được cho là định
nghĩa giáo hội Rôma.
Nhưng nó cũng mở ra những khả năng khác cho chứng ngôn của Ki-tô giáo và Công
Giáo. Khi tôi nhìn xung quanh những sự khuấy động gần đây về mối quan tâm tôn
giáo ở thế giới phương Tây, những cuộc trở lại đạo và những cuộc trở lại đạo tiềm
năng, điều đáng chú ý là các cuộc tranh luận lớn về chiến tranh văn hóa trong
50 năm qua dường như đã lắng xuống và các mô hình lâu đời của cuộc cách mạng cấp
tiến và sự phản kháng bảo thủ dường như không còn quan trọng đối với thời điểm
hiện tại.
Trong trường hợp Công Giáo, mọi người không đột nhiên trở thành người Công Giáo
vì những điều mà giáo hoàng đã làm hoặc đã nói, nhưng họ cũng không từ chối
Công Giáo vì họ từ chối các sắc lệnh của giáo hoàng hoặc mong muốn thay đổi
giáo lý. Thay vào đó, điểm yếu rõ ràng của Công Giáo như một định chế, sự phá vỡ
các ranh giới về thẩm quyền và sự tôn kính, dường như đã khiến một số người dễ
dàng coi Công Giáo như một tôn giáo, một lối sống và tìm thấy lối vào nhỏ bé của
họ.
Vì vậy, có lẽ loại giải cấu trúc đã xảy ra dưới thời Đức Phanxicô, mặc dù không
hoàn toàn theo cách mà nhiều người theo chủ nghĩa cấp tiến hy vọng, là điều cần
thiết theo sự quan phòng để tạo nên bối cảnh này — một bối cảnh mà thẩm quyền
cuối cùng sẽ cần được xây dựng lại nhưng, hiện tại, một bối cảnh mà một số trở
ngại đối với thông điệp của Ki-tô giáo dường như đã được loại bỏ.
Việc bầu Đức Phanxicô trở nên khả thi nhờ sự từ chức của Đức Bê-nê-đic-tô, vốn
là một động thái hiện đại hóa của một giáo hoàng bảo thủ, theo cách riêng của
nó gợi ý về một chức vụ giáo hoàng được phi huyền bí, mang tính đoàn thể
[corporate] hơn là tính gia phụ (paternal).
Là một người ngưỡng mộ Đức Bê-nê-đic-tô và là người chỉ trích Đức Phanxicô, tôi
vô cùng hối hận về quyết định đó; với tư cách là người quan sát mô hình lớn hơn
của lịch sử gần đây, tôi tự hỏi liệu khi từ bỏ gánh nặng của mình một cách vội
vã, Đức Bê-nê-đic-tô có khởi động một kỷ nguyên mới kỳ lạ nào đó không.
Nhưng bất kể sự thật của điều đó nghĩa là gì, điều rất quan trọng là Đức
Phanxicô đã không từ chức, rằng ngài đã để mình chết trong chức vụ, rất nhiều
trước công chúng, thể hiện sự yếu đuối của mình, thậm chí cho đến phút cuối
cùng. Bất kể những lựa chọn của ngài có ý nghĩa gì đối với vai trò định chế của
giáo hoàng, ngài đã đóng vai trò của người cha là Phê-rô cho đến cuối cùng. Xin
Chúa ban phước cho ngài vì điều đó, và xin cho Đức Phanxicô được yên nghỉ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét