Trang

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

04-10-2012 :Thánh Phan-xi-cô Assisi (lễ nhớ)


Thứ Năm sau Chúa Nhật 26 Quanh Năm
Lc 10,1-12

Bài Ðọc I: (Năm II) G 19, 21-27
"Tôi biết rằng Ðấng Cứu Chuộc tôi hằng sống".
Trích sách ông Gióp.
Ông Gióp nói: "Hỡi các bạn hữu của tôi, ít ra các anh cũng thương xót tôi, thương xót tôi, vì tay Chúa chạm đến tôi. Tại sao các anh như Thiên Chúa bắt bớ hành hạ tôi vậy, và tại sao các anh no chán thịt tôi? Có ai ghi chép giùm lời tôi, có ai viết nó vào sách, dùng bút sắt ghi trên lá chì, hay dùng đục chạm vào đá?
"Vì tôi biết rằng Ðấng Cứu Chuộc tôi hằng sống và ngày sau hết tôi sẽ từ bụi đất sống lại, da sẽ bọc lại thân tôi, và trong xác thịt, tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tôi. Chính tôi sẽ nhìn thấy Người và mắt tôi sẽ trông thấy, chớ không phải ai khác: niềm hy vọng ấy đã chất chứa trong lòng tôi".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 7-8a. 8b-9abc. 13-14
Ðáp: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh (c. 13).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: "Hãy tìm ra mắt Chúa". - Ðáp.
2) Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong thịnh nộ, Chúa là Ðấng phù trợ con, xin đừng hất hủi con. - Ðáp.
3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. - Ðáp.

* * *

Alleluia: 1 Pr 1, 25
Alleluia, alleluia! - Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 1-12
"Sự bằng an của các con sẽ đến trên người ấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: "Bình an cho nhà này". Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.
"Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: "Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi". Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: "Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần". Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu sai từng hai người một đi trước Ngài để đến các thành thị, thôn xóm, chữa lành bệnh tật và loan báo Triều Ðại Chúa đang đến. Nhiệm vụ cần thiết cấp bách đến nỗi Ðức Giêsu căn dặn đừng mang theo bao bị, túi tiền, giày dép và đừng chào hỏi ai dọc đường. Ngài e ngại chúng ta vì lo lắng với hành trang nặng nề mà khó lòng chu toàn sứ vụ. Chúa kêu gọi sự nhiệt tâm với sứ vụ và tinh thần từ bỏ nơi người môn đệ Chúa.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, công việc truyền giáo là việc làm cấp thiết và là nhiệm vụ của tất cả những người Kitô hữu chúng con hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con biết ra đi, ra khỏi cái vị kỷ của mình để đến với mọi người, những người đã biết Chúa, những người chưa biết Chúa và những người chưa tin Chúa. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

 Tinh Thần Nghèo Khó Ðích Thực
(Lc 10,1-12)


 Suy Niệm:
Tinh Thần Nghèo Khó Ðích Thực
Có một nhà hiền triết đến nghỉ hè tại một thành phố nọ; ông vua của đô thị này thường tự hào mình là người giàu có nhất trần gian. Vốn là người siêu thoát mọi của cải trần thế, nhà hiền triết quyết định đến gặp cho được con người khoe khoang này. Khi nhà hiền triết vừa đến cung điện, nhà vua liền đưa ông đi một vòng và cho ông thấy tất cả sự giàu sang của mình. Nhà vua hỏi một cách huênh hoang:
Nhà ngươi nghĩ gì về tất cả sự giàu có của ta?
Nhà hiền triết cúi đầu giữ im lặng. Nhà vua lại hỏi tiếp:
Theo nhà ngươi, thì ai là người hạnh phúc nhất trần gian này?
Nhà hiền triết suy nghĩ một lúc rồi kể tên của những người Hy lạp mà có lẽ không ai biết đến, kể cả nhà vua. Nhận ra thái độ khiêu khích của nhà hiền triết, nhà vua liền nổi giận; ông yêu cầu nhà hiền triết phải giải thích ngay về thái độ ấy. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới thong thả nói:
Thưa ngài, không ai có thể được xem là hạnh phúc, khi trái tim người đó còn gắn bó với của cải vật chất. Ðiều này cũng giống như một cuộc hôn phối, của cải vật chất qua đi, người có của sẽ thành một người góa, mà người góa thì đương nhiên sẽ khóc lóc; hoặc giả như người có của cải qua đi, người đó cũng chẳng mang theo được một đồng xu nào, lúc đó cũng chỉ có khóc lóc mà thôi.
Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta về tinh thần nghèo khó đích thực. Cuộc sống nghèo khó của Chúa Giêsu là một chọn lựa: Ngài đã chọn sinh ra trong nghèo khó; Ngài đã lớn lên trong khó nghèo; và trong ba năm sống công khai, Ngài đã chọn lựa nếp sống nghèo khó. Khi sai các môn đệ đi rao giảng Nước Trời, Ngài cũng đã khuyến dụ các ông hãy sống khó nghèo. Ra đi hai tay không, người ta tiếp đón thì ở lại, người ta không niềm nở thì ra đi, giũ bỏ lại mọi thứ bụi trần, đó là hình ảnh của sự siêu thoát mà Chúa Giêsu luôn đòi hỏi ở những môn đệ của Ngài. Ðây không chỉ là điều kiện của những người môn đệ, những nhà truyền giáo hay các tu sĩ: nghèo khó là đồng phục của mọi người mang danh hiệu Kitô. Nghèo khó là bộ mặt đích thực của các nghĩa tử của Thiên Chúa, họ phải giũ bỏ tất cả để mặc lấy phẩm giá của những con người được tái sinh.
Trong thực tế, người Kitô hữu phải sống thế nào mới gọi là nghèo khó? Ðó là thắc mắc mà trong xã hội nào, ở thời đại nào, các Kitô hữu cũng có thể nêu lên. Phải chăng sống nghèo khó, họ phải từ bỏ mọi thứ của cải trần thế? Phải chăng về lý tưởng nghèo khó, Kitô giáo chủ trương bần cùng hóa xã hội? Thực tế, nghèo không hề mâu thuẫn với sự phát triển hay làm giầu tài nguyên vốn có trong thiên nhiên mà Kitô giáo luôn cổ võ và nâng đỡ. Kitô giáo vốn là sức mạnh tiên phong trong việc khai hóa và mở mang vào thời Trung Cổ tại Âu Châu; những khám phá khoa học và tiến bộ kỹ thuật ở khởi đầu đều phát xuất từ Kitô giáo, như vậy, phát triển hay làm giầu không hề mâu thuẫn với Tin Mừng.
Thế nhưng, làm thế nào để sống tinh thần nghèo khó theo Tin Mừng? Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy rằng tự nó, của cải vật chất không đương nhiên đem lại hạnh phúc cho con người, trái lại nó luôn có nguy cơ tha hóa và nô lệ hóa con người. Của cải vật chất vốn dễ làm cho con người trở nên mù quáng đối với bản thân cũng như trong quan hệ với tha nhân; và khi đã trở thành mù quáng, con người tôn của cải vật chất lên làm cứu cánh và tự giam mình trong vỏ ích kỷ. Như vậy, có tinh thần nghèo khó đích thực có nghĩa là luôn biết giữ khoảng cách đối với của cải vật chất, biết sử dụng nó như phương thế để tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời, như công bằng, bác ái, liên đới. Một cách cụ thể, có tinh thần nghèo khó đích thực là biết mưu cầu cho công ích, biết san sẻ với người túng thiếu, biết làm ra của cải, nhưng không thuộc về của cải.
Hơn bao giờ hết, người Kitô hữu chúng ta phải không ngừng suy nghĩ về ý nghĩa của tinh thần nghèo khó. Túng thiếu, nghèo đói, mà vẫn tin tưởng cậy trông và giữ bàn tay thanh sạch, chứ không bán đứng lương tâm để làm điều gian ác; may mắn hơn người khác vì được thịnh vượng, giầu có, mà vẫn biết mở rộng trái tim và bàn tay để chia sẻ cho người nghèo khó, đó là thể hiện của tinh thần nghèo khó đích thực. Trong một xã hội của chụp giựt và xâu xé lẫn nhau, một cuộc sống như thế chắc chắn là một chứng tá cao độ cho Nước Trời.

(Veritas Asia)
 hoặc đọc :


Ngày 4 tháng 10
Lễ Thánh Phanxicô Assisi
Lễ Nhớ
Thánh Phan-xi-cô


Bài Ðọc I: Gl 6, 14-18
"Nhờ cây Thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian. Vì chưng trong Ðức Kitô có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới. Nguyện chúc bình an và lòng thương xót đối với những ai rập theo quy tắc đó, và cho cả Israel của Thiên Chúa nữa. Từ nay trở đi, ước gì không ai làm phiền tôi nữa, vì tôi mang trong mình tôi dấu thánh của Chúa Giêsu. Anh em thân mến, nguyện ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng anh em. Amen.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của con (c. 5a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa, con thưa cùng Chúa: "Ngài là chúa tể con, Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con". - Ðáp.
2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Ðáp.
3) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! - Ðáp.

Alleluia: x. Mt 11, 25
Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 25-30
"Chúa đã giấu các điều ấy cùng kẻ khôn ngoan thông thái, và đã tỏ bày ra cho những kẻ bé mọn".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy.
"Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.
"Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".
Ðó là lời Chúa.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

04 Tháng Mười
Bí Quyết Trẻ Trung

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Phanxicô Assisi.
Sống cách chúng ta trên 7 thế kỷ, thánh Phanxicô Assisi vẫn mãi mãi để lại một hình ảnh trẻ trung. Chưa có vị thánh nào trong Giáo Hội được nhắc nhở, yêu mến như thánh nhân. Chưa có vị thánh nào đã gợi lên nhiều cảm hứng cho văn chương, nghệ thuật cho bằng thánh nhân. Chưa có vị thánh nào được các nhà chính trị, các nhà cách mạng ca tụng cho bằng thánh nhân.
Sứ điệp của thánh nhân siêu việt thời gian, bởi vì con người của thánh nhân là hiện thân của tuổi trẻ. Thật thế, suốt cả cuộc đời của mình, thánh Phanxicô Assisi luôn biết giữ một tâm hồn tươi trẻ. "Tuổi tác không phải là điều kiện thể lý cho bằng bầu khí của tâm hồn". Có lẽ thánh nhân không phải là người đã nói lên châm ngôn ấy, nhưng hẳn ngài đã sống theo châm ngôn ấy.
Ngài biết giữ mãi cho tâm hồn tươi trẻ bằng cách hạn chế tối đa các nhu cầu, bằng cách chống cự lại các ước muốn. Ngài đón nhận mọi sự. Không thắc mắc, không lo lắng, không buồn giận.
Những khám phá của khoa học tâm lý ngày nay, thánh Phanxicô Assisi đã từng biết và sống một cách trọn vẹn. Thật thế, để có một thể xác lành mạnh, một tâm hồn tươi trẻ, các nhà tâm lý học khuyên chúng ta như sau:
- Hãy tập yêu thích những gì không quá đắt giá.
- Hãy tập yêu thích việc đọc sách, chuyện vãn, nghe nhạc.
- Hãy tập yêu thích những thức ăn thanh đạm.
- Hãy tập yêu thích tiếng chim hót, sự hiện diện của thú vật, tiếng cười đùa rộn rã của trẻ em.
- Hãy tập yêu thích trồng trọt, làm việc tay chân.
- Hãy tập yêu thích ánh bình minh cũng như hoàng hôn, tiếng mưa rơi trên mái nhà cũng như cảnh tuyết rơi.
- Hãy tập yêu thích những nhu cầu đơn giản nhất.
- Hãy tập yêu thích công việc và cảm nhận được niềm vui khi làm tốt một công việc.
- Hãy tập yêu người, dù người không giống ta.
Không khí, ánh sáng, mặt trời, niềm vui, hạnh phúc, cuộc sống, con người: đó là những yếu tố cần thiết để tạo cho bầu không khí tươi trẻ trong tâm hồn. Phải chăng đó không là những yếu tố mà người ta cũng bắt gặp trong bài ca vạn vật của thánh Phanxicô Assisi?
Một tâm hồn luôn luôn tươi trẻ: đó không chỉ là một bí quyết để được hạnh phúc trên đời này, nhưng còn là một đòi hỏi đối với người Kitô. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: "Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những ai giống chúng. Ta nói thật với các con: nếu các con không đón nhận nước Trời như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".

(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 26 TN2
Bài đọc: Job 19:21-27; Lk 10:1-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Tất cả sự việc xảy ra trên đời đều có lý do; nhưng con người không luôn luôn hiểu được lý do đó. Con người thường dùng suy luận của mình để tìm ra lý do, và sau đó thay Chúa xét đóan tha nhân dựa trên những gì mình suy nghĩ (Ví dụ, biến cố 9/11 và tội lỗi của người Mỹ). Khi các môn đệ nhìn thấy người mù từ lúc mới sinh, các ông hỏi Chúa vì tội của anh ta hay của cha mẹ. Chúa trả lời chẳng phải tội của ai nhưng để cho Danh Chúa được cả sáng. Trong Phúc Âm, khi Chúa sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa truyền cho các ông đừng mang theo bị gậy dọc đường. Có thể nhiều người sẽ hỏi: Rồi lấy gì để sinh sống? Nhưng Chúa muốn các ông sống nhờ sự đáp trả của những người đón nhận Tin Mừng, và sự đáp trả này nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Niềm tin tưởng vững mạnh vào Thiên Chúa của ông Gióp.
1.1/ Niềm tin vào lòng thương xót Chúa thay vì lên án và xét xử tha nhân: Các bạn của ông Gióp nghĩ hình phạt là do tội gây nên; nên khi họ thấy ông phải chịu nhiều đau khổ, họ kết luận ông đã phạm tội. Nhưng sự quan phòng của Thiên Chúa không đơn giản như thế, chịu đau khổ không nhất thiết là vì đã phạm tội. Độc giả của Sách Gióp đã biết ngay từ đầu lý do tại sao ông Gióp phải chịu đau khổ trong khi ông Gióp và các bạn ông không hề hay biết: Đó là để chứng minh cho Satan biết Gióp yêu Thiên Chúa không phải vì được Chúa chúc lành trên con cái và tài sản. Satan cũng là một ví dụ của sự suy bụng ta ra bụng người, lấy những gì mình suy nghĩ và đem áp dụng cho Gióp. Khi thấy các bạn mình cứ chửi bới và buộc tội, ông Gióp nài xin lòng thương của các bạn nếu không hiểu và thông cảm được thì hãy để ông yên: “Xin thương tôi, xin thương xót tôi, hỡi các anh là những người bè bạn, vì chính tay Thiên Chúa đã đánh tôi! Tại sao các anh bắt chước Thiên Chúa mà đi săn đuổi tôi, và vẫn không thoả mãn?”
1.2/ Niềm tin tưởng vững mạnh vào Thiên Chúa của ông Gióp: Mặc dù phải chịu mất hết tài sản đã gầy dựng và mất hết tất cả các con cái, đồng thời phải chịu tất cả các bệnh tật phần xác và đau khổ tinh thần do các bạn thân mang tới; ông Gióp đã không bao giờ dám than phiền hay chửi Thiên Chúa như Satan chờ đợi. Trái lại, ông vẫn một mực tin tưởng nơi lòng thương xót Chúa: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất.
Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ.”

2/ Phúc Âm: Niềm tin của người rao giảng Tin Mừng.
2.1/ Chúa Giêsu sai 70 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng: Chúa Giêsu đã có kế họach cho việc rao giảng Tin Mừng. Theo kế họach này, ngòai Nhóm Mười Hai Tông Đồ, Chúa còn sai đi Nhóm Bảy Mươi như Luca tường thuật hôm nay vì “Muøa gaët thì nhiều, song thợ gaët thì ít. Vaäy, các con haõy xin Chuû muøa gaët sai thợ gaët ñeán trong muøa cuûa mình.” Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, các Tông Đồ và các môn đệ tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu. Các ông không chỉ rao giảng nhưng còn tiếp tục đào tạo thợ trong số những người nghe để rồi tiếp tục sai đi mãi. Cũng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, thợ rao giảng Tin Mừng sẽ được thưởng công từ người nghe để có phương tiện sinh sống.

2.2/ Những đặc tính cần có của người rao giảng:
 (1) Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Sống khó nghèo vì Tin Mừng và trông cậy hòan tòan vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu người rao giảng có quá nhiều hành lý, ông không muốn và cũng không thể đi xa.
(2) Chú trọng đến sứ vụ trước mặt: “Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.” Đây không phải là lời khuyên các môn đệ khinh thường tha nhân, nhưng lời khuyên các ông không nên để những việc nhỏ nhặt làm chia trí sứ vụ quan trọng trước mặt (2 Kgs 4:29).
(3) Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia: Việc cần thiết nhất là rao giảng chứ không phải tìm lợi nhuận và an tòan cá nhân.

2.3/ Bổn phận cần đáp trả của người nghe:
 (1) Tiếp đón người rao giảng: Người rao giảng mang Tin Mừng và sự bình an của Thiên Chúa đến cho chủ nhà, và chủ nhà cần mở rộng lòng đón tiếp những sứ giả mang Tin Mừng bằng cách cung cấp cho họ những gì cần thiết. Chúa Giêsu mong muốn có sự đáp trả nơi người lãnh nhận Tin Mừng cho các môn đệ của Ngài khi Ngài căn dặn các môn đệ: “Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công.”
(2) Hình phạt nếu từ chối không đón tiếp: Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: "Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần." Khi Tin Mừng được rao giảng, nhiệm vụ phải đáp trả được áp đặt trên người nghe. Nếu không đáp trả thích ứng, người nghe sẽ phải chịu trách nhiệm hòan tòan trong Ngày Phán Xét như Chúa đã báo trước: “Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Sôđôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mọi việc xảy ra trong vũ trụ đều có lý do; nhưng con người không luôn luôn hiểu những lý do này trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta đừng lấy những gì mình suy nghĩ làm tiêu chuẩn để xét xử và lên án tha nhân. Trong mọi trường hợp, chúng ta cần vững vàng tin tưởng vào lòng thương xót Chúa và lấy lòng nhân ái mà đối xử với tha nhân.
- Bổn phận của người rao giảng là sống khó nghèo cho sứ vụ rao giảng và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ ban cho của ăn qua những người lãnh nhận Tin Mừng.
- Bổn phận của những người nghe là phải tiếp đón tử tế các sứ giả mang Tin Mừng; nếu không sẽ phải chịu hình phạt trong Ngày Phán Xét.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di (Ngày 04 tháng 10)
Sứ điệp:Khôn ngoan của Thiên Chúa khác với khôn ngoan của loài người. Chỉ ai có tâm hồn khiêm cung nhỏ bé, biết phó thác cậy trông, mới khám phá ra những nẻo đường khôn ngoan dẫn đến phúc thật.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, theo tiêu chuẩn trần gian thì phúc cho ai lắm tiền nhiều bạc, phúc cho ai sống lâu mạnh khoẻ, phúc cho ai công thành danh toại. Xét cho cùng, đó là những ước mơ tốt lành của con người. Sự khôn ngoan loài người chỉ nghĩ đến thế. Nhưng Chúa còn hé mở cho con người một khung trời mới, một viễn tượng huy hoàng vượt xa giới hạn của kiếp người. Chúa dạy con đi tìm hạnh phúc Nước Trời với những thiện hảo mang tầm vóc vĩnh hằng. Tám mối phúc thật là nẻo đường dẫn đến hạnh phúc Nước Trời. Chỉ những ai biết trở nên bé mọn mới được Chúa mạc khải mầu nhiệm Nước Trời.
Lạy Chúa, đôi lúc con không tin những nẻo đường phúc thật đó. Con đã coi tiền bạc của cải quá trọng đến độ không dám dùng nó làm phương tiện phục vụ bác ái, con coi danh dự lớn quá khiến con không dám hy sinh một chút để giữ lại tình nghĩa anh em…
Lạy Chúa, hôm nay Chúa đang giới thiệu cho con cuộc đời thánh Phanxicô Át-xi-di, một con người nghèo khó bé mọn vì Nước Trời. Cả một gia tài kếch xù, người đời ai cũng ham thì Ngài lại chối từ, Ngài bỏ lại tất cả để được thanh thoát, Ngài đã trở nên người nghèo của Chúa. Trần gian bảo Ngài dại khờ, còn Chúa đánh giá Ngài khôn ngoan. Xin cho con biết noi gương thánh nhân, trở nên thanh thoát với danh lợi thú thế trần, để lòng con thảnh thơi theo Chúa mà không bận vướng. Xin cho con có tâm hồn nhỏ bé khiêm cung để học được sự khôn ngoan Nước Trời mà hoàn tất cuộc đời con. Amen.
Ghi nhớ :"Chúa đã giấu các điều ấy cùng kẻ khôn ngoan thông thái, và đã tỏ bày ra cho những kẻ bé mọn".

04/10/12 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Th. Phanxicô Átxidi
Lc 10,1-12 

SỨ MẠNG CỦA MỌI KITÔ HỮU
“Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác…” (Lc 10,1)
Suy niệm: Khởi đầu chương 10, Phúc Âm Luca ghi: Sau đó, Chúa chỉ định 72 người khác…” bởi vì trước đó Luca đã dành cả chương 9 thuật lại việc Chúa chọn Nhóm Mười Hai, để họ ở với Ngài, dạy dỗ họ, và rồi sai họ đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là ngoài Nhóm Mười Hai còn có những người khác cũng tin theo Chúa Kitô: họ cũng được kể là môn đệ và ở với Ngài và cũng được sai đi loan báo Tin Mừng. Sứ mạng thật cấp bách: “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” (c. 2), không thể khoán trắng cho Nhóm Mười Hai; trái lại, mọi môn đệ đều phải tham gia. Hơn nữa, họ không hành động riêng lẻ mà là cùng với nhau “từng hai người một” và cùng với các tông đồ, vì quả thật “bài sai” dành cho họ (cc. 3-11) xét về cơ bản cũng chính là “bài sai” dành cho các tông đồ (x. Lc 9,2-5).
Mời Bạn: Công đồng Vaticanô II minh định rằng việc loan báo Tin Mừng là ơn gọi và sứ mạng của mọi tín hữu chứ không phải của riêng các linh mục, tu sĩ. Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa năm 2010 cũng xác định “phương thế cụ thể” để loan báo Tin Mừng “trong bối cảnh xã hội hiện nay”  toàn Dân Chúa tích cực cộng tác với mọi người thiện chí,” để “cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống” (32)
Chia sẻ: “Bài sai” 72 môn đệ (Lc 10,3-11) giống và khác với “bài sai” 12 tông đồ (Lc 9,2-5) ở những điểm nào?
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho một người bạn/gia đình lương dân và loan báo Tin Mừng bằng đời sống bác ái trước khi nói với họ về Đức Giêsu.
Cầu nguyện: Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện… Amen.

Như chiên con.
Những lời dặn dò của Đức Giêsu ngày xưa, bây giờ vẫn còn giá trị. Chúng ta vẫn tiếp tục được sai vào các thành phố hôm nay... Được sai vào thành phố thế kỷ 21 để rao giảng, thật là một thách đố.
Suy nim:
Đức Giêsu sai các môn đệ của mình đi trước,
từng hai người một, vào mọi thành phố và mọi nơi Ngài sẽ đến.
Sứ mạng dọn đường này không dễ chút nào.
Đức Giêsu biết rõ những hiểm nguy và chống đối đang chờ đợi họ.
“Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói.” (c. 3).
Chiên con trở nên hình ảnh của người môn đệ,
yếu đuối, không có khả năng chống cự khi gặp sự tấn công hung hãn.
Chính Đức Giêsu cũng là Chiên Con được Thiên Chúa sai đi.
Chính Ngài cũng “như chiên bị đem đi làm thịt,
như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng” (Is 53, 7).
Người môn đệ được sai vào thế giới mãi mãi thấy mình mong manh,
trước thế lực tưởng như không thể thắng nổi của sự dữ.
Nhưng người môn đệ lại không được trang bị nhiều:
không túi tiền, không bao bị, không giầy dép,
dù đó là những điều bình thường thiết yếu cho một cuộc hành trình.
Chính vì thế họ buộc lòng phải cậy dựa vào người khác.
Mà không phải ai cũng có lòng, ai cũng vui vẻ đón nhận.
Như thế là chấp nhận liên tục bấp bênh,
liên tục cậy dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Nhà của các tín hữu là nơi hoạt động của người môn đệ.
Căn nhà là nơi các môn đệ được trú ngụ, được chia sẻ bữa ăn.
Họ sống gần gũi như người trong nhà, như người thợ làm việc.
Nếp sống giản dị và siêu thoát của họ phải được bày tỏ
qua việc chấp nhận mọi đồ ăn thức uống người ta dọn cho (cc. 7-8),
cũng như việc không đi tìm một căn nhà khác tiện nghi hơn (c. 7).
Ngoài ra các thành phố cũng là điểm đến của họ (cc. 8-12).
Nhưng dù là vào một căn nhà hay vào một thành phố (cc. 5. 8),
thái độ của người môn đệ đều rất tích cực và thân thiện.
Họ chúc bình an, chữa bệnh, loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Họ cũng khiêm tốn chấp nhận bị từ chối,
khi ơn bình an không được đón nhận, lời loan báo không được lắng nghe.
Những lời dặn dò của Đức Giêsu ngày xưa, bây giờ vẫn còn giá trị.
Chúng ta vẫn tiếp tục được sai vào các thành phố hôm nay.
Có biết bao người cần được chữa lành về thân xác, tinh thần,
với những thứ bệnh mới của thời đại được coi là văn minh.
Có bao người cần được nghe một lời đem lại cho đời họ chút hy vọng.
Được sai vào thành phố thế kỷ 21 để rao giảng, thật là một thách đố.
Làm sao ta có can đảm nói về Nước Trời cho những người vô tín,
và những người bị cuốn vào cơn lốc của vật chất và khoái lạc ?
Làm sao nói về Đấng Vô Hình khi nhiều người chỉ tin vào cái hữu hình ?
Người môn đệ hôm nay vẫn phải lại gần con người để chia sẻ cuộc sống,
như xưa các môn đệ xưa đã sống chung, ăn chung,
và làm việc như một người thợ để phục vụ.
Giáo Hội vẫn cần xin nhiều thợ hiền lành và can đảm để đến với thế giới.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


"Chúa đã giấu các điều ấy cùng kẻ khôn ngoan thông thái, và đã tỏ bày ra cho những kẻ bé mọn".

Cần trở nên bé mọn
Con người có thể khước từ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người; Ngài luôn mời gọi con người trở về để lãnh nhận ân sủng và sự thật của Ngài. Thiên Chúa mời gọi mọi người, không phân biệt, nhưng từ phía con người có thể có một trong hai thái độ: thái độ của những kẻ bé mọn khiêm tốn để cho Chúa dạy dỗ; và thái độ của những kẻ thông thái, tự cao, cho mình thuộc một nhóm nhỏ tách rời khỏi đại đa số dân chúng.
Những kẻ thông thái được Chúa Giêsu trực tiếp nhắm đến trong Tin Mừng hôm nay là nhóm Biệt Phái đang đứng trong hành lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo và chống đối Chúa. Họ đến với Chúa bằng con đường của sự thông hiểu về luật Môsê; họ cho rằng chỉ cần am tường lề luật Môsê trong Kinh Thánh cũng như trong truyền khẩu là con người có thể đến với Chúa: họ tự phụ mình biết Thiên Chúa, nhưng thực ra họ lìa xa Ngài.
Con đường Chúa Giêsu mạc khải để giúp con người đến với Thiên Chúa chính là Ngài, mà mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". Nếu cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, con người sẽ không gặp được Thiên Chúa, nhưng nếu để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, con người có thể đạt tới sự thông hiệp với Thiên Chúa và được cứu rỗi: "Lạy Cha, con chúc tụng Cha, vì điều Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha lại mạc khải cho những người bé mọn".
Chúng ta cần trở nên những người bé mọn theo tinh thần Phúc Âm, để cảm nếm và sống hòa hiệp với Thiên Chúa. Ðức tin Kitô giáo hướng dẫn chúng ta đến một con người cụ thể, một vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người, chứ không phải những lý lẽ thần học cao siêu. Một con người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông thái. Ðức tin là một hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả của sưu tầm trí thức của con người. Thánh Têrêsa Avila, tuy không học hành nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách tốt đẹp, đến nỗi đã được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quý báu giúp mọi thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không có ý loại bỏ những bậc thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh những ai cậy dựa vào sự thông thái rằng họ sẽ không đến được với Chúa, không có đủ điều kiện để lãnh nhận mạc khải của Chúa. Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp có sự hòa hợp giữa thông thái và đức tin Kitô giáo. Thánh Tôma Tiến sĩ là một điển hình. Nói chung, thái độ khiêm tốn để Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn.
Xin Chúa mở rộng tâm hồn chúng ta để lắng nghe Lời Chúa với tâm hồn khiêm tốn, mến yêu. Xin cho chúng ta biết sống theo sự soi sáng của Thánh Thần để đến với Chúa và anh em.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Kinh nghiệm thiêng liêng
Con người có thể khước từ Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người, không bao giờ ngưng mời gọi con người trở về lãnh nhận ân sủng và sự thật Người ban cho nhưng không: "Hết thảy những ai mệt mỏi và vất vả hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ, ủi an". Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người, không phân biệt một ai, nhưng từ phiá con người, khi đáp lại lời mời gọi của Chúa, mỗi người chúng ta có thể có một trong hai thái độ: thái độ đơn sơ, khiêm tốn đón nhận Chúa để cho Ngài hướng dẫn dạy dỗ; hoặc ngược lại, thái độ tự cao của kẻ cho mình là khôn ngoan, không cần đến Thiên Chúa.
Những kẻ khôn ngoan thông thái mà Chúa Giêsu nhắm đến trong đoạn Tin Mừng trên đây là những người biệt phái tinh thông Lề Luật và lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo của dân Israel. Có thể nói, những kẻ khôn ngoan thông thái này đến với Chúa bằng con đường hiểu biết, nhất là sự thông thái Lề Luật Môsê. Họ nghĩ rằng chỉ cần am tường những Lề Luật của Môsê là họ có thể đến với Thiên Chúa. Họ ỷ lại vào sự hiểu biết và sự tự phụ cho mình biết rõ Thiên Chúa, nhưng thật ra, họ đang xa lìa Ngài.
"Lạy Cha, con chúc tụng Cha là Chúa trời đất, vì Cha đã giấu những điều đó ngoài những kẻ khôn ngoan thông thái, nhưng lại mạc khải cho chúng con, những kẻ bé mọn". Mỗi người chúng ta cần trở nên bé nhỏ đơn sơ theo tinh thần Phúc Âm để cảm mến và sống mầu nhiệm Thiên Chúa. Ðức tin Kitô hướng ta đến gặp một con người cụ thể, một vì Thiên Chúa chấp nhận đến với con người. Ðức tin Kitô không dựa trên những lý lẽ thần học cao siêu. Ðức tin là một hồng ân cần được khiêm tốn đón nhận hơn là kết quả của cuộc sống sưu tầm trí thức.
Thánh Têrêsa Avila tuy không được học hành nhiều nhưng có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa. Thánh nữ đã trình bày những kinh nghiệm thiêng liêng của mình cách tốt đẹp đến độ Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên bố thánh nữ là tiến sĩ của Giáo Hội, bởi vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quý báu giúp các thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đoạn Tin Mừng hôm nay không có ý nói là Chúa Giêsu hoàn toàn loại bỏ những nhà thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh rằng những ai ỷ lại vào sự hiểu biết thông thái của mình, thì sẽ không đến được với Thiên Chúa. Không thiếu những trường hợp có sự hài hòa giữa sự thông thái và đức tin Kitô như thánh Thomaso thành Aquino. Trong mọi trường hợp, thái độ khiêm tốn chấp nhận để cho Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn.
Lạy Chúa,
Xin thương mở rộng tâm hồn cho con được lắng nghe Lời Chúa với hết lòng khiêm tốn và biết ơn. Xin thương giúp con sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để đến với Chúa và anh chị em một cách dễ dàng và sâu xa hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Đường lối cư xử của Chúa
Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết điều này, nhưng lại mắc khải cho những người bé mọn.” (Mt. 11, 25)
Không giống như mọi người
Thiên Chúa không hành động như phần đông người ta, không suy nghĩ như họ, không xét đoán theo cùng tiêu chuẩn như họ.
Đối với phần đông, quy luật chung vẫn là: “Mạnh được yếu thua.” Người giầu có nhiều cơ may thăng tiến, kẻ nghèo thì họa chăng mới được, người khôn ngoan thông thái được mọi người kính trọng, hạng thứ dân ít học vốn bị coi thường. Kẻ có tiền, có quyền giống như: “Miệng quan có gang có thép.” Kẻ trắng tay lý lẽ cũng không. Ai có địa vị, người ấy có quyền ăn quyền nói, kẻ thấp hèn lên tiếng chẳng ai nghe.
Nhưng đối với Chúa lại khác hẳn, kẻ làm đầu phải trở lên người rốt hết, người rốt hết sẽ lên kẻ đứng đầu. Người mạnh trở lên yếu, kẻ yếu được lên mạnh, những bậc khôn ngoan thông thái đã bị giấú không cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, trong khi những kẻ bé mọn lại được Chúa mặc khải cho những thực tại tuyệt vời ấy.
Lời tiên báo cho những kẻ bé mọn.
Khi thấy những người khôn ngoan thông thái bịt tai không nghe những lời giáo huấn của Chúa, còn những kẻ bé mọn lại dễ dàng tiếp nhận, Chúa Giêsu trong trạng thái hứng khởi, liền cất tiếng ngợi khen Cha.
Những kẻ bé mọn mà Phúc Âm nói đến ở đây, ta có thể gặp họ ở khắp nơi. Đó là những con người ít được học hành. Những người chẳng có địa vị cao trong xã hội, những người không thành đạt mấy trong cuộc đời, những người sống khiêm tốn. Họ có được sự nhạy bén để mở lòng ra đón nhận những sự thuộc về Chúa, một sự nhạy bén mà những người khác không có.
Nhưng những kẻ bé mọn của Phúc Âm cũng có thể là những người khôn ngoan và thông thái chân thật. Tuy nhiên không phải bất cứ người khôn ngoan thông thái nào cũng là chân thật cả. Mà chỉ có những ai không vênh vang kiêu hãnh về sự hiểu biết và khôn ngoan của mình mới là những người khôn ngoan thông thái chân thật. Chỉ có những người ấy mới có được tâm hồn của những kẻ bé mọn vậy.
J.Y.G

Một Vị Thánh Khó Nghèo (Lc 9, 57-62)
Nói về một vị thánh, đề cập đến cuộc đời của một con người là để hiểu biết về người đó: ca ngợi, bắt chước, noi gương người đó trong những việc làm tốt của họ. Thánh Phanxicô Assise là vị thánh của tình yêu. Người là một con người triệt để, vui tươi, trung thực. Cái trung thực của Người đã trở nên nét đẹp nhất của vị thánh thời danh. Sử gia Joseph Lortz đã từng nói:” Điều mà thế kỷ XX thiếu nhiều nhất là tính trung thực”. Thánh Phanxicô Assise là người đã làm rõ nét và sự nổi bật nét trung thực của con người. Chính sự thực tế, bền bỉ, sâu sắc của con người thánh Phanxicô Assise đã nói lên tình yêu của Ngài đặt nơi đâu? Ngài luôn muốn họa lại hình ảnh của một Giêsu Nagiarét khó nghèo, một vị vua tình yêu cao vời, nhưng lại sống chân thực không hoa mỹ, không hời hợt, không lòe loẹt. Thánh nhân đã sống hết mình, đã sống con người thực nhất của mình. Ngài đã tự ví mình như “một người điên kiểu mới giữa thế gian”.
Phanxicô điên vì Ngài nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa chan hòa khắp nơi, khắp chốn, khắp trời đất, khắp vũ trụ, nhưng tất cả đều xoay chung quanh Chúa Kitô. Vì chính Chúa Kitô là trung tâm của tất cả mọi sự trên trời dưới đất, trung tâm của lịch sử cứu rỗi con người. Thánh Phanxicô Assise muốn kéo mọi người lại với Chúa Giêsu vì Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi loài thọ sinh ( Col 1, 15-17).
Vào khoảng năm 1182, thánh nhân được sinh ra tại Assise trong một gia đình đạo đức. Cha Ngài là ông Bênađô là một thương gia tơ sợi nổi tiếng. Mẹ Ngài là bà Pica, một bà mẹ nổi tiếng đạo hạnh. Cả hai ông bà đã hun đúc Phanxicô trở thành vị thánh nổi tiếng thời danh. Thánh nhân đã được cảm hóa bởi câu Kinh Thánh:” Lạy Cha chúng tôi ở trên trời “. Bị bắt, bị cầm tù một năm, bị lâm trọng bệnh và được chữa lành, thánh nhân đã cảm nghiệm sâu xa lời Thiên Chúa. Ngài quyết định bỏ tất cả, sống cuộc đời hoàn toàn nghèo khó để nên giống Chúa Kitô năm 1206. Bị Cha già phản đối, dù rằng hiếu thảo là trên hết, nhưng Phanxicô Assise không dám chống lại ý Chúa. Ngài đã bán tất cả của cải của mình, phân phát cho những người nghèo khó và chỉ khoác trên mình một chiếc áo choàng cũ kỹ, rồi đi loan báo Tin Mừng cho Thiên Chúa. Con đường của Chúa huyền diệu. Ngài được chính Thiên Chúa thúc đẩy thành lập Dòng Anh em hèn mọn, khó nghèo. Rồi, Ngài lui về Alverne, một nơi cô tịnh, hoang sơ thuộc phía bắc Assise để suy niệm, ăn chay, cầu nguyện. Lúc xuất thần, thánh nhân nhìn thấy thiên thần Sêraphim và một cây thánh giá. Tỉnh dậy, Ngài thấy được Chúa in năm dấu thánh trên thân xác Ngài lúc đó vào năm 1224. Hai năm sau đó, Ngài lâm bệnh nặng. Trước khi ra đi về với Chúa, Ngài đã khuyên nhủ anh em trong Dòng:” Hãy sống khó nghèo và sống đức tin sâu xa vào Hội Thánh Chúa”. Ngày 04/10/1226, thánh nhân ra đi về với Chúa trong sự an bình và thánh thiện tuyệt vời. Đức Thánh Cha Grêgoriô đã tôn Ngài lên bậc hiển thánh.
Thánh Phanxicô đã sống khó nghèo tuyệt đối. Ngài muốn bắt chước Chúa, muốn noi gương đức Mẹ để sống cuộc đời khó nghèo. Do đó, Ngài đã kéo mọi người, kéo mọi vật, mọi thụ tạo lại gần Thiên Chúa. Ngài đã gọi nhân đức nghèo là” Bà Chúa nghèo”, Ngài đã gọi Mặt Trời là Anh Mặt Trời, Mặt Trăng là chị Mặt Trăng, thần chết là chị chết vv…Ngài muốn nói lên một thực tế là tất cả đều do Tình Yêu của Thiên Chúa. Trong Đức Kitô, mọi sự, mọi vật, mọi loài, kể cả con người đều hòa quyện nơi Tình Yêu của Chúa và như thế, tất cả đều trở nên bài ca tình yêu muôn thuở, cảm tạ tri ân Thiên Chúa Ba Ngôi.
Xin Chúa ban cho chúng con được bắt chước đời sống khó nghèo của thánh Phanxicô Assise mà biết lướt thắng vinh hoa phú quý để càng ngày càng gia tăng lòng yêu mến Chúa và cảm thông chia sẻ với anh chị em nghèo khó. Amen.
(Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi)


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
4 THÁNG MƯỜI
Thánh Phanxicô Assisi,
Một Kiến Trúc Sư Của Hoà Giải
Khuôn mặt Thánh Phanxicô Assisi đem lại cho cuộc hành trình nhân loại của chúng ta một sắc thái Kitô giáo. Ngài tranh thủ ơn phúc hòa bình của Phúc Âm, và qua đó ngài giúp những tâm hồn ly cách được hòa giải với Giáo Hội và xã hội.
Lối sống nghèo của Asissi thật vô cùng phong phú giữa những nẻo đường nên thánh của Kitô giáo. Không thể chối cãi rằng một trong những sứ điệp cảm kích – mà Thánh Phan-xi-cô vừa sống cách triệt để vừa tiếp tục làm vang dội trong lương tâm của con người thời đại – đó là nỗi khát khao bỏng cháy đối với hòa bình.
Sau khi toàn tâm dấn mình theo tiếng gọi của Thiên Chúa, ngài và các môn đệ đầu tiên của ngài rảo qua các thành thị, làng mạc. Thầy trò dừng lại ở các quảng trường và các khu dân cư, lặp đi lặp lại mấy tiếng hết sức đơn sơ nhưng vô cùng hàm súc: an bình và hạnh phúc. Mấy tiếng ấy được nói lên không chỉ đơn thuần như một điều khát khao, nhưng còn như một lời cam kết dấn thân thúc bách các thính giả của ngài, những người thường bị rơi vào tình trạng phân hóa và xung đột: tôn giáo này chống tôn giáo kia, thành phố này đối đầu với thành phố nọ, xung đột giữa các xóm thôn, các gia đình.
Ở nước Ý thời Trung Cổ có một từ ngữ được khơi lên và gây âm vang rất lớn, một từ rất đơn sơ tầm thường song cũng cưu mang rất nhiều sức mạnh, sức mạnh của Tin mừng. Đó là một từ của Thánh Phan-xi-cô Assisi. Ngài là một con người được Bà Chúa Nghèo yêu mến, một con người thực sự là anh em chân tình của bất cứ ai mà ngài gặp gỡ.
Người tu sĩ khiêm tốn này được những người đương thời đánh giá là “con người mới, được gởi xuống từ trời cao” (FF 1212). Trong tinh thần của Đức Kitô, ngài thậm chí tự nguyện trở thành nhịp cầu nối giữa Kitô giáo và Hồi giáo, đến độ ngài đã đi viếng thăm vua Ai cập, Melek-el-Kamel. Ngài mong muốn đảm nhận vai trò của một ngôn sứ đích thực để loan báo cho nhà vua sứ điệp của Con Thiên Chúa nhập thể.
Chúng ta có thể nói rằng thánh Phanxicô không chỉ là một sứ giả. Bởi hơn thế nữa, ngài là nhà xây dựng và là kiến trúc sư của hoà giải và hoà bình. Ngài nói: “Chúa đã mặc khải cho tôi lời chào mà chúng tôi vẫn sử dụng, đó là ‘Xin Chúa ban bình an cho bạn’” (FF 121). Tôma Celano, người viết tiểu sử của ngài, đã khắc họa dung mạo nghèo khó nơi ngài như sau: “Trong các bài giảng, trước khi chia sẻ lời Chúa cho mọi người, ngài luôn diễn tả khát vọng hòa bình, ngài nói: ‘Xin Chúa ban bình an cho anh chị em! Ngài loan báo sự bình an này cách chân thành cho mọi người nam cũng như nữ, cho tất cả những ai ngài gặp gỡ. Bằng cách đó, nhờ ân sủng Chúa, ngài thường thành công trong việc giúp cho những người chống lại hòa bình và chống lại ơn cứu độ của chính họ trở thành con cái của hoà bình và biết khát khao ơn cứu rỗi đời đời” (FF 359).
+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Phanxicô Assisi;G 19, 21-27; Lc 10, 1-12
LỜI SUY NIỆM: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” (Lc 10,3).
          Con chiên là một con vật hiền lành, không biết chống cự với bất cứ một con vật nào cả, chỉ cần một con sói nhỏ tấn công, con chiên sẽ trở thành mồi ngon cho nó. Chúa Giêsu khi Ngài sai chúng ta đi vào trong trần gian này, để loan báo cho toàn thể nhân loại biết: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”; kêu gọi mọi người sám hối, và tin vào Tin Mừng; đó là Tin Mừng  bình an, Tin Mừng được ơn tha tội, Tin Mừng được cứu độ, cũng đầy gian nguy. Nên mỗi người được Chúa sai đi phải biết: không tự sức mình mà làm được việc gì, nhưng phải tin vào Ngài. Đừng bám víu vào bất cứ điều gì và bất cứ ai. Hoàn toàn trông cậy vào sự sắp đặt của Ngài. Ngài sai đi, thì Ngài đã tiên liệu mọi sự cho chúng ta. Chính Ngài đã đến trong thế gian, Ngài đã sống, đã cảm nghiệm, đã chịu mọi thử thách, đã chiến đấu và đã thắng thế gian. Ngài luôn hiện hữu.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Thánh PHANXICÔ ASSISIS
(1181 - 1226)
Thánh Phanxicô sinh tại Assisi, miền Umbria, năm 1181. Ong Phêrô Bernadone là một thương gia giầu có, lúc sinh ra thánh nhân, ông đang ở Pháp, nên đã đặt tên cho Ngài theo tên quốc gia này. Thời thơ ấu, thánh nhân chịu ảnh hưởng nhiều bởi người mẹ nhiệt thành và khả ái. Ngài tỏ ra vui vẻ, mạo hiểm, quảng đại và bình dân. Dầu được chuẩn bị để theo nghề buôn bán như cha, Ngài vẫn thường mơ ước trở thành hiệp sĩ.
Năm 1201, Phanxicô tham gia cuộc chiến ở Perugia và bị bắt tù một năm. Kinh nghiệm đau xót này cùng với cơn bệnh ngặt nghèo là khởi đầu cuộc trở lại của Ngài. Dầu vậy, năm 1205, Ngài vẫn còn tham dự vào cuộc viễn chinh tại Apulia. Trong một giấc mơ, Phanxicô được Chúa Kitô mở lời kêu gọi phục vụ Người. Ngài trở về và hiến mình chăm sóc các bệnh nhân.
Ngày 16 tháng 4 năm 1206, Phanxicô lại nghe tiếng Chúa Kitô kêu gọi Ngài tái thiết đền thờ thánh Damianô. Luôn mau mắn và tận tâm, Phanxicô đã từ bỏ đời sống cũ và chấp nhận sống như một ẩn sĩ. Khi bị cha bỏ tù, rồi dẫn đến đức giám mục như một đứa con bất phục, thánh nhân đã từ khước mọi quyền lợi lẫn của cải, cả đến áo quần đang mặc nữa.
Hai năm sau, có lẽ vào ngày 24 tháng 2 năm 1209, Ngài nghe đọc đoạn Tin Mừng Mt 10,9 và thấy mình được ơn gọi đi rao giảng sự thống hối. Đây là giây phút quyết liệt. Thánh nhân cởi bỏ tu phục ẩn sĩ, mặc áo vải thô, thắt giây lưng và bắt đầu rao giảng Chúa Kitô. Có hai người bạn đi theo, Ngài cho họ một bản luật gồm ba câu thánh kinh Mt 20,21; 10,9 và Lc 9,23. Khi con số môn sinh lên tới 11, Ngài viết cho họ một bản luật vắn (bản Primitiva, nay đã thất lạc), và dân họ tới Roma để được Đức Giáo hoàng phê chuẩn.
Đức giáo hoàng Innocentê III, sau phút ngập ngừng, đã nhận ra nơi người giáo dân ngay thật và nhiệt tình này một tông đồ chân chính, và ban lời chuẩn nhận (tháng 6 năm 1210). Nhóm huynh đệ trở về Assisi. Họ sống trong những chiếc chòi ở Rivetortô. Gần Porziuncola và rao giảng sư thống hối trên khắp nước Ý. Đầy đơn sơ, họ làm đủ mọi việc và sống bằng nghề ăn xin. Chính sự đơn sơ như thiên thần của Phanxicô mà họ coi là hiền huynh và hiền mẫu, là gương sống hứơng dẫn họ trên đường thiêng liêng. Chưa có một tổ chức nào cả, với phép của Phanxicô, họ đi khắp nơi, như các anh em thống hối nghèo miền Assisi.
Năm 1212, Phanxicô khích lệ Clara, một thiếu nữ danh giá trong thành phố, thiết lập nhóm chị em sống đời nghèo khó và cầu nguyện ở nhà thờ thánh Damianô. Họ đã trở thành các bà nghèo khó và ngày nay gọi là các nữ tu Clara.
Không bao giờ Phanxicô muốn lập một "Hội dòng". Ngài chỉ muốn theo Chúa Kitô trong các sách Tin Mừng một cách hoàn toàn đến từng chữ viết. Dầu vậy, nhóm huynh đệ đã theo một hình thức tu dòng nào đó. Họ đọc kinh nhật tụng, ngủ và ăn chung như các tu sĩ. Khi nhóm huynh đệ đã tăng số cách lạ lùng, mau chóng, Phanxicô phải ủy quyền cho các người lãnh đạo mà Ngài gọi là "Hiền mẫu" hay là "tôi tớ" của các nhóm. Hàng năm các anh em họp nhau một lần tại Porziuncola.
Năm 1216, Phanxicô tham dự đám táng Đ. G.H Innocentê III và được Đức Honoriô IV ban ân xá cho thánh đường Perziuncola. Năm sau, Ngài được cảm tình của đức Hồng y Ugôlinô, là đấng sẽ trung tín bảo trợ Ngài mãivề sau.
Năm 1219. Nhóm huynh đệ tăng số đông đảo và phải chia thành nhiều tỉnh dòng. Cánh đồng truyền giáo đầu tiên của nhóm vượt qua rặng núi Alpes.
Chính Phanxicô, bất chấp những cân nhắc khôn ngoan, đã bỏ nước Ý để tham gia thập tự quân và đã đến gặp Sultan. Trong khi Ngài vắng mặt, nhóm huynh đệ gồm nhiều học viên mới, có học thức và thuộc hàng giáo sĩ, họ như con thuyền không lái và rơi vào cuộc khủng hoảng. Vấn đề chỉ giải quyết xong khi kêu mời Phanxicô trở về, nhờ tài khéo léo của Đức hồng y Ugôlinô, và nhóm phải chọn một khuôn mẫu thông thường của đời sống tu trì.
Trước sức ép liên tục, bây giờ Phanxicô phải viết một bản luật chi tiết hơn (bản Regula Prima) dầu vậy, bản luật này vẫn còn quá đơn sơ và đòi hỏi các người lãnh đạo mới của cộng đoàn về đàng thiêng lêng. Sau khi sửa lại, bản luật mới này được đức giáo hoàng Honoriô III chấp nhận năm 1223 (bản Rehula Secunda hay Bullata nay vẫn còn được xử dụng) Trong khi đó, Phanxicô trở nên yếu đau và lo âu. Ngài trao quyền quản trị nhóm huynh đệ cho người đại diện. Từ năm 1221, anh Elia đầy bí nhiệm đảm nhận chức vụ.
Chính Phanxicô lại lui vào trong núi. Ngày 14 tháng 9 năm 1224, sau một thời sống ẩn dật, Ngài đã được Chúa Kitô in dấu. Từ đây, bệnh tình Ngài tăng thêm và trở nên mù lòa hầu như hoàn toàn. Ngài được bốn anh em trung tín mang đi đây đó. Có lẽ vào năm 1224, Ngài đã viết "bài ca mặt trời". Năm 1226, Ngài viết chúc thư (testament) long trọng nhấn mạnh đòi buộc sống nghèo khó tuyệt đối, vâng lời luật dòng đến từng chữ viết và từ khước mọi đặc ân.
Ngày 02 tháng 10 năm 1226, sau khi viếng thăm Clara cùng các nữ tu và chúc lành cho thành Assisi, Ngài từ trần tại Porziuncola. Hai năm sau Ngài được bạn cũ là Ugôlinô bấy giờ là ĐGH grêgoriô IX tôn phong lên hàng hiển thánh. Năm 1228, xác Ngài được dời về mai táng tại đại giáo đường do anh Elia xây cất.
(Daminhvn.net)
+++++++++++++++++
 Ngày 04
Thánh phanxicô Átxidi
Mùa gặt dổi dào. Lời kêu gọi của Đức Kitô phải đến với nhiều người, đó là điều thật sự cần thiết. Hãy lắng nghe Thây nói với các bạn: "Hãy theo tôi"
ĐứcGioan-PhaolôII 
Những con đường đưa tới “niềm vui trọn vẹn”
 
Hãy yêu tha nhân như chính mình. Hãy có đức ái và đức khiêm nhường, hãy b thí, vì của b thí rửa tâm hồn khỏi vết nhơ tội lỗi.
Thật vậy, con người mất tất cả những gì họ để lại trong thế gian, trong khi họ đem đi giá trị của đức ái và những của b thí họ đã cho; họ sẽ được Thiên Chúa ban thưởng và trả công xứng đáng.
Chúng ta không được khôn ngoan, cũng không được thận trọng, theo xác thịt; nhưng, đúng hơn, chúng ta phải đơn sơ, khiêm nhường và trong sạch. Không bao giờ chúng ta được ước mun ở trên người khác, nhưng, đúng hơn, chúng ta phải là những đẩy t và phục tùng mọi người, vì Thiên Chúa.
Tất cả những ai hành động như vậy và kiên trì cho đến cùng, thì Thn Khí của Chúa sẽ ngự trên họ và làm nơi cư ngụ trong họ; họ sẽ là con của Cha trên trời, và là những hôn phu, những anh em và những người mẹ của Đức Giêsu Kitô.
Thánh Phanxicô Átxidi

Hạnh Các Thánh


Ngày 4 tháng 10
THÁNH PHANXICÔ ASSISI 
SÁNG LẬP DÒNG ANH EM HÈN MỌN
Chẳng khác gì ngọn hải đăng vĩ đại rực sáng lên giữa một bầu trời u ám, thánh Phanxicô quả là một sứ giả Thiên Chúa sai đến để đem cho thế giới công giáo thời trung cổ một nguồn sáng đức tin mãnh liệt giữa mọi sự như chìm sâu xuống vực thẳm đêm tối.
Phanxicô chào đời tại Assisi khoảng năm 1182, trong một gia đình quý phái. Cha ngài, ông Phêrô Bênađônê là một thương gia ngành tơ sợi rất có tiếng và mẹ ngài là bà Pica, một người rất đạo đức. Chính bà đã hun đúc Phanxicô thành một vĩ nhân của thời đại và đại thánh của Giáo hội. Ảnh hưởng của một bà mẹ thật sâu xa mạnh mẽ biết chừng nào.
Ông bà Bênađôniê được Chúa cho có một mụn con duy nhất. Ai có thể hiểu được lòng ông bà yêu thương, chiều chuộng Phanxicô lớn lao biết bao. Cậu con trai độc nhất ấy sống tràn ngập trong tình thương mến và trên rừng của núi bạc; thật có lẽ trên đời không còn ai có thể hạnh phúc hơn. Như bao thanh niên cùng giai cấp trưởng giả, Phanxicô đua đòi ăn chơi, luôn luôn tổ chức tiệc vui và những cuộc dạ hội ca vũ. Tuy nhiên, và đó là điều lạ lùng nhất, Phanxicô không bao giờ để mang tai tiếng hoặc là bê tha trong những cuộc truy hoan trái thuần phong mỹ tục.
Nhưng cuộc đời phù du! Đang lúc Phanxicô vui hưởng thanh bình với tất cả mọi hoan lạc của tuổi thanh xuân, thì bỗng một biến cố khốc liệt xảy tới: đám lê dân Assisi nổi lên chống lại phái trưởng giả. Đa thắng thiểu là lẽ dĩ nhiên, nhất là trong thời mà chiến sự chỉ là gậy gộc gươm giáo. Giai cấp trưởng giả, thất bại, Phanxicô cũng như nhiều người quý tộc khác bị cầm tù suốt một năm trời.
Trong thời gian tù đày, Phanxicô lại lâm bệnh nặng thập tử nhất sinh. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Người dùng cơn bệnh ấy để cải hóa Phanxicô. Bởi thế, sau khi hồi phục, chính ngài cũng phải ngạc nhiên vì tự cảm thấy như chán ghét tất cả những thú vui phù phiếm khi xưa, đồng thời tâm hồn như nhẹ nhàng muốn bay tới những khát vọng siêu nhiên: ngài muốn là hiệp sĩ của Thiên Chúa.
Mãn tù ra, Phanxicô gặp một người trước kia cũng thuộc giới trưởng giả nhưng nay đã bị bóc lột tất cả, ngài liền cởi bộ áo nhường cho người đó. Tối hôm ấy, giữa lúc giấc điệp mơ màng, Phanxicô như nghe tiếng Chúa phán bảo và hôm sau, tại Polêtê ngài lại nghe tiếng lạ đó bảo phải gấp về quê nhà.
Một buổi chiều hè năm 1205, Phanxicô mở đại tiệc thiết đãi bạn hữu. Tiệc xong, mọi người ra về mang theo một mùi men nồng nặc vừa đi vừa ca hát vang động cả một khu phố. Giữa bầu không khí ồn ào đó, Phanxicô bỗng cảm thấy tâm hồn bị lay động rất mạnh, một mãnh lực huyền bí ngọt ngào xâm chiếm cõi lòng ngài... Ngài dừng lại và đứng bất động một lúc lâu, như để đón nhận ơn Chúa đang xuống trong tâm hồn. Lúc đó, quả thực ngài được Chúa ban ơn thúc giục thay đổi cuộc đời.
Từ đó, tâm hồn Phanxicô rất hoang mang lo lắng, chưa biết ý Chúa định liệu thế nào, ngài chỉ còn cách hoặc vào thánh đường Assisi, hoặc tới hang Subasiô ăn năn cầu nguyện, cuối cùng ngài lên đường hành hương thủ đô Giáo hội. Sau nhiều ngày ăn chay cầu nguyện, một hôm, vừa ra khỏi vương cung thánh đường thánh Phêrô, ngài liền được ơn soi sáng, lập tức ngài gọi một người hành khất đến và xin hắn đổi cho bộ áo cũ rách. Từ đó, ngài quyết chí sống đời nghèo khó và tự nhận ơn kêu gọi của mình là: “Người nghèo khó hèn mọn”. Trở về Assisi, ngài đem tiền bạc của cải, phân phát cho những người nghèo khó, và từ đó, bạn bè quý hóa nhất của ngài là những người túng bấn nghèo khổ.
Một buổi chiều kia trên đường trở về nhà, Phanxicô bỗng gặp một người tàn tật, khắp mình đầy chốc lếch, ghẻ lở. Phản ứng đầu tiên là ngài muốn quay cương ngựa đi thẳng, nhưng nghe tiếng Chúa phán bảo trong lòng, ngài liền xuống ngựa đến gần người phong cùi và, với tấm lòng đầy xót thương, ngài liền kề môi hôn những mụn nhọt hôi thối của người ấy.
Được ít lâu, đang khi Phanxicô quỳ cầu nguyện trước ảnh chuộc tội, Thiên Chúa đã cho ngài biết thánh ý của Người qua tiếng phán bảo từ thánh giá vọng xuống như sau:
“Phanxicô, con Cha, con hãy trùng tu lại ngôi nhà của Cha vì nó sắp sụp đổ”. Lập tức bạn người nghèo, tôi tớ kẻ phong cùi liền đứng dậy quyết trở thành người xây dựng nhà Chúa. Về nhà, Phanxicô định ngưng tải tơ sợi ra chợ bán và đem dâng số tiền hàng đó cho cha xứ thánh Đamianô, nhưng cha xứ từ chối vì sợ phật ý ông Bênađônê. Sau một lúc suy nghĩ, Phanxicô nhất định để món tiền đó nơi cung thánh đồng thời xin cha xứ cho phép được ở lại giúp việc ngài.
Nghe tin đó, ông Bênađônê nổi giận đùng đùng, chạy đến nhà cha xứ thánh Đamianô để bắt Phanxicô về. Nhưng chí đã quyết, Phanxicô nhất định thoát ly gia đình để theo Chúa, ngài liền trốn vào một cái hang trong núi gần đó.
Đau khổ đến tuyệt vọng, ông Bênađônê quyết từ con, đồng thời bắt phải hoàn trả món tiền hàng hôm nọ. Trước mặt Đức Giám mục Guiđô, với cái nhìn khiêm tốn nhưng bừng lên một niềm khát khao thiên quốc, từ từ lột bỏ tất cả bộ y phục và với tất cả số tiền còn lại, ngài đem đặt trước mặt thân phụ mà nói rằng:
“Cho đến hôm nay, tôi vẫn gọi ông Phêrô Bênađônê là cha, và tôi xin hoàn lại ông ấy số tiền bạc và quần áo mà tôi giữ của ông ta. Còn từ nay tôi có thể nói rằng: tôi chỉ có một Cha ở trên Trời”.
Ít lâu sau, dân chúng thấy Phanxicô xuất hiện trên các đường phố thành Assisi, mình vận chiếc áo khổ tu, lưng thắt dây da, chân đi dép và ca những bài hát du dương để lôi cuốn quần chúng rồi quyên tiền để tu bổ lại giáo đường thánh Đamianô.
Ngày 24-02-1209, lễ kính thánh Matthia, Phanxicô đi dự lễ và nghe Phúc âm về sự thực hành đức khó nghèo. Lời Phúc âm khiến ngài quyết định hẳn thái độ sống: cởi bỏ áo choàng, giày dép, thắt lưng, đi chân không và chỉ mặc một áo dài, lưng thắt sợi dây thô. Tại các góc phố, cũng như bên các bờ giếng, dân chúng tụ lại nghe ngài giảng, ai nấy đều như bị cảm hóa qua lời nói thiết tha và đời sống khó nghèo của ngài.
Nhiều người hâm mộ và muốn bắt chước đời sống của ngài. Ngài vui lòng nhận tất cả những ai đến xin làm môn đệ, nhưng với hai điều kiện đơn giản song không dễ thực hành: bán hết của cải và đi gõ cửa ăn xin. Tưởng với điều kiện ấy sẽ không ai dám theo ngài, nhưng trái lại số môn đệ vẫn mỗi ngày một tăng. Có người cộng tác, ngài liền sai đi truyền giáo tại miền Ombria và Tuscia. Khi cộng đồng đã khá đông, Phanxicô liền nghĩ đến việc thảo hiến pháp dòng và sang Rôma xin Đức Giáo Hoàng châu phê.
Đức Giáo Hoàng tuy rất mến Phanxicô và hội dòng ngài lập, song vì các vị Hồng Y phản đối, nên chưa quyết định châu phê luật dòng ngài. Nhưng một đêm trong khi ngủ, Đức Giáo Hoàng chiêm bao thấy thánh đường Latêranô là đầu và là mẹ mọi thánh đường trong Giáo hội bị lay chuyển tận nền móng và sắp xụp đổ. Trong khi đó, một người dáng điệu khiêm tốn, mình vận một chiếc áo dài vải thô, đi chân không, lưng thắt sợi dây đến ghé vai vào tường, rồi lấy hết sức chống đỡ thánh đường khiến nó lại đứng thẳng và vững chắc hơn bao giờ hết.
Ngày hôm sau, Phanxicô lại được vời vào chầu Đức Giáo Hoàng để trình bày hiến pháp dòng lần nữa. Vừa thấy ngài, Đức Giáo Hoàng Innôxentê III hết sức xúc động, vì ngài nhận ra người đã chống đỡ đền thờ không ai khác mà chính là thầy dòng hèn mọn này. Đức Giáo Hoàng liền ôm lấy ngài chúc lành cho ngài và các anh em, đồng thời cho phép tiếp tục sống cuộc đời khó nghèo và truyền bá Phúc âm. Trước khi từ giã Rôma trở về nhà dòng tại Portiuncula, thầy Phanxicô được Đức hồng y Colonna truyền chức phó tế.
Về tới dòng, thầy Phanxicô và các anh em lại tiếp tục rao giảng Lời Chúa. Lời nói đi đôi với việc làm của các ngài quả đã lôi cuốn được nhiều linh hồn về với Chúa. Một hôm tại thánh đường Assisi, trong số thính giả có một thiếu nữ quý phái tên là Clara, sau khi nghe thầy Phanxicô giảng, liền quyết tâm dâng mình phụng sự Chúa Giêsu. Ít lâu sau, Anê em Clara cũng bước đi theo chị. Hai thiếu nữ này là những người tiên phong và nền tảng cho một hội dòng nữ: dòng thánh Clara, chính là tên chị Clara sau này đã trở thành một vị đại thánh.
Thánh Phanxico và vua Kamel

Vì sẵn có ý hướng làm tông đồ nhiệt thành của Chúa, nên nhân lúc nghĩa quân thánh giá đang tiến mạnh bên Đông phương, thầy Phanxicô liền muốn lợi dụng cơ hội đó, để truyền bá Phúc âm cho những người Hồi giáo. Mùa thu năm 1212, ngài xuống tầu tại Ancôna, nhưng một cơn phong ba thổi mạnh, đánh bạt tầu ngài vào bãi biển Dalmatia. Năm 1214, ngài lại muốn đi truyền giáo cho những người Hồi giáo tại Marốc, nhưng chẳng may ngài lại bị bệnh nặng phải nằm tại Tây Ban Nha. Sau khi bình phục, ngài liền đi Ai cập vào bệ kiến vua Melekel Kamel. Nhà vua ân cần tiếp đãi và chăm chú nghe ngài giảng, nhưng nhất định không tòng giáo. Thất vọng, thầy Phanxicô lên đường về Ý,.
Năm 1224, thầy Phanxicô lui về Alverna, một nơi hoang vắng cách nạm bắc thành Assisi độ 15 dặm để chuyên việc suy niệm và ăn năn đền tội. Ngày 14-9, lễ Suy tôn Thánh giá, đang khi suy ngắm, thầy Phanxicô ngất trí và nhìn thấy ở trên trời một nhân vật giống như thiên thần Sêraphim và một ảnh chuộc tội. Lúc tỉnh lại, ôi lạ lùng thay, chân tay và cạnh sườn ngài đã được in năm dấu thánh của Chúa Giêsu đóng đinh.
Lòng đầy mến yêu Thiên Chúa, thầy Phanxicô cất tiếng ca lên bài ca chúc tụng Thiên Chúa, Đấng tạo hóa của muôn loài, đó là “Bài ca mặt trời” mà lời lẽ vui tươi sốt sắng như sau:
“Ôi Chúa cao cả, toàn năng, chỉ mình Chúa đáng được chúc tụng, vinh quang, danh dự, và vinh phúc. Chỉ mình Chúa thôi, lạy Đấng chí cao, loài người không ai xứng đáng hết.
Lạy Chúa vinh danh Chúa, vì mọi loài tạo vật của Chúa, đặc biệt là anh mặt trời soi sáng ban ngày và chiếu rọi cho chúng con. Anh đẹp biết bao, sáng láng dường nào, anh là một chứng nhân của Chúa.
Lạy Chúa vinh danh Chúa, vì chị Hằng nga và các vì tinh tú Chúa đã tạo dựng chúng sáng láng mỹ miều trên bầu trời cao thẳm.
Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, vì anh gió, vì không khí, mây mù, sương sa.
Lạy Chúa, chúc tụng Chúa vì chị nước rất hữu ích, quý giá và tinh tuyền.
Lạy Chúa, vinh danh Chúa vì anh lửa, nhờ anh mà đêm tối được sáng, anh tươi đẹp, vui vẻ, uy hùng và mạnh mẽ biết bao.
Lạy Chúa, chúc tụng Chúa vì bà mẹ địa cầu đã nâng đỡ nuôi nấng và sinh sản muôn vàn hoa trái với những bông hoa thắm mầu xinh tươi…
Anh em hãy ca ngợi và chúc tụng Chúa, hãy cảm tạ và bước theo Người với cõi lòng đơn sơ, khiêm tốn”.
Ngoài “bài ca mặt trời” trên đây, thánh Phanxicô còn sáng tác một bản “Kinh nguyêïn Hòa bình” với những lời lẽ tha thiết và sốt sắng như sau:
“Lạy Chúa khoan nhân, xin dậy chúng con nhận biết yêu thương và phụng sự Chúa trong mọi người chẳng trừ ai.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con làm khí cụ bình an của Chúa: để con đem yêu thương vào nơi thù oán, đem tha thứ vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi bất thuận, đem sự thật vào chốn lỗi lầm, đem đức tin vào nơi nghi hoặc, đem cậy trông vào nơi tuyệt vọng, đem ánh sáng vào chốn tối tăm, đem yên vui vào nơi sầu thảm.
Lạy Chúa, hãy dạy chúng con: tìm an ủi người, hơn được người an ủi; tìm hiểu biết người, hơn được người hiểu biết; tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính lúc hiến thân, là lúc nhận lãnh, chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân, chính lúc tha thứ, là lúc được thứ tha, chính lúc chết đi là lúc sống lại cuộc đời bất diệt.
Hỡi Thần Linh Thánh Ái, hãy mở rộng cõi lòng chúng con và ban xuống trần gian bình an Chúa cho hết mọi người thiện chí”. Amen.
Thánh Phanxicô dọn mình chết trong một túp lều gần nơi sinh trưởng. Ngài xin các tu sĩ dòng đặt ngài nằm trần trụi trên mặt đất. Lúc này đây, ngài thật đúng là con người sinh ra trần trụi và khi chết cũng trần trụi.
Ngày hôm sau, khi người ta đọc cho ngài nghe bài thương khó trong Phúc âm thánh Gioan, thì thánh nhân lâm cơn hấp hối. Các thầy đặt ngài xuống đất và ngài xin lấy tro rắc trên mình ngài. Đoạn ngài xướng thánh vịnh 141: Tiếng con kêu thấu đến Chúa, rồi ngài tắt thở trong niềm hoan hỉ cậy trông.
Vương cung thánh đường thánh Phanxico ở Assisi

Năm 1228, thầy Phanxicô được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô tôn lên bậc hiển thánh và năm 1230, xác ngài được di chuyển từ nhà thờ thánh Giócgiô đến vương cung thánh đường thánh Phanxicô vừa được xây cất để dâng kính ngài. Thánh Phanxicô nghèo quả là một vị thánh có một không hai trong lịch sử các thánh. Quả vậy, không ai đã tỏ ra giống Chúa Giêsu cho bằng ngài. Ngài thật là một tấm gương vĩ đại về đức khó nghèo cho muôn thế hệ soi chung.
Lạy thánh Phanxicô, xin ngài cầu cho chúng con được can đảm để lướt thắng mọi cám dỗ vinh hoa và bền tâm bắt chước ngài, đừng ham mê tiền bạc giữa thế giới đầy tham lam gian trá này.
Thứ Năm 4-10

Thánh Phanxicô Assisi

(1182-1226)

T
hánh Phanxicô Assisi là một người nghèo hèn nhưng đã làm bàng hoàng và phấn chấn Giáo Hội bởi ngài sống sát với phúc âm--không trong ý nghĩa cực đoan, nhưng thực sự sống theo những gì Ðức Giêsu Kitô đã nói và hành động, một cách vui vẻ, không giới hạn và không một chút tự tôn.
Cơn trọng bệnh đã giúp chàng thanh niên Phanxicô nhận ra sự trống rỗng của một đời sống vui nhộn khi còn là người lãnh đạo nhóm trẻ ở Assisi. Sự cầu nguyện--thật lâu giờ và thật kham khổ--đã giúp ngài trút bỏ mọi sự để theo gương Ðức Kitô, đến độ ngài đã ôm lấy một người cùi mà ngài gặp trên đường. Ðiều đó nói lên sự tuân phục những gì ngài được thụ khải trong khi cầu nguyện: "Phanxicô! Mọi sự con yêu quý và khao khát qua thân xác thì đó chính là điều con phải khinh miệt và ghét bỏ, nếu con muốn biết ý định của Thầy. Và khi con bắt đầu thi hành điều này, tất cả những gì đối với con dường như ngọt ngào và đáng yêu sẽ trở nên quá quắt và cay đắng, nhưng tất cả những gì mà con thường hay tránh né sẽ trở nên thật ngọt ngào và cực kỳ vui sướng."
Từ thánh giá trong một nguyện đường bỏ hoang ở San Damiano, Ðức Kitô nói với ngài, "Phanxicô, hãy đi xây dựng nhà của Thầy, vì nó đã gần sụp đổ." Phanxicô trở nên một người hoàn toàn khó nghèo và là người lao động thấp hèn.
Chắc chắn ngài đã nghi ngờ ý nghĩa sâu xa của câu "xây dựng nhà của Thầy." Nhưng ngài không bằng lòng chấp nhận việc đi xin từng cục gạch về xây lại nguyện đường hoang phế ấy. Ngài từ bỏ tất cả những gì ngài có, ngay cả đống quần áo ngài cũng trao lại cho cha của mình (là người đòi Phanxicô bồi thường những gì ngài đã cho người nghèo), để ngài hoàn toàn thuộc về "Cha trên trời." Thời gian ấy, ngài bị coi là một người đạo đức "gàn dở", ngài đi ăn xin từng nhà khiến các bạn cũ phải buồn rầu và ghê tởm, và bị những người thiếu suy nghĩ nhạo cười.
Nhưng sự thực dần tỏ lộ. Người ta bắt đầu nhận ra rằng con người này đang cố gắng trở nên một Kitô Hữu đích thực. Ngài thực sự tin vào điều Ðức Kitô dạy: "Hãy đi công bố nước trời! Ðừng mang theo vàng bạc, tiền của trong túi, đừng mang theo bao bị, giầy dép, gậy gộc" (x. Luca 9:1-3).
Quy luật đầu tiên của Phanxicô cho những người muốn theo ngài là thu lượm tất cả những văn bản của Phúc Âm. Ngài không có ý thành lập một dòng tu, nhưng một khi tu hội thành hình, ngài đã bảo vệ và chấp nhận mọi hình thức tổ chức hợp lý cần thiết. Sự tận tụy và tuyệt đối trung thành với Giáo Hội của ngài quả thật là tấm gương sáng trong một thời đại mà nhiều phong trào cải cách dường như muốn phá vỡ sự hợp nhất của Giáo Hội.
Ngài bị giằng co giữa một đời sống tận hiến cho sự cầu nguyện và một đời sống tích cực rao giảng Tin Mừng. Và ngài đã quyết định theo đuổi đường lối sau, nhưng luôn luôn trở về sự tĩnh mịch bất cứ khi nào có cơ hội. Ngài muốn đến truyền giáo ở Syria và Phi Châu, nhưng trong cả hai trường hợp ngài đều bị đắm tầu và đau nặng. Ngài cũng cố gắng hoán cải các vua Hồi Giáo ở Ai Cập trong lần Thập Tự Chinh thứ năm.
Trong những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù và đau nặng. Hai năm trước khi chết, ngài được in năm dấu thánh, là những vết thương thực sự của Ðức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài.
Trong giờ phút cuối cùng, ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài Ca Anh Mặt Trời, "Ôi lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì người Chị Tử Thần." Ngài hát Thánh Vịnh 141, và khi đã đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần truồng trên mặt đất, giống như Ðức Giêsu Kitô.

Lời Bàn

Thánh Phanxicô Assisi trở nên nghèo hèn chỉ vì ngài muốn giống Ðức Kitô. Ngài yêu quý thiên nhiên vì đó là một công trình mỹ miều của Thiên Chúa. Ngài hãm mình phạt xác để có thể hoàn toàn phó thác cho thánh ý Chúa. Sự khó nghèo của ngài đi đôi với sự khiêm tốn, mà nhờ đó ngài hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Nhưng tất cả những điều ấy chỉ để dẫn vào tâm điểm của đời sống tâm linh của ngài: sống đời sống phúc âm, đã được tóm lược nơi lòng thương xót của Chúa Giêsu và được tỏ lộ cách tuyệt hảo nơi bí tích Thánh Thể.

Lời Trích

"Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con chúc tụng và ngợi khen Chúa, ở đây và trong toàn thể mọi nhà thờ trên toàn thế giới, vì qua thánh giá của Ngài, Chúa đã cứu chuộc nhân loại" (Thánh Phanxicô).




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét