Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

14-10-2012 : CHÚA NHẬT XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm B


Chúa Nhật 28 Quanh Năm Năm B

Bài Ðọc I: Kn 7, 7-11
"Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không".
Trích sách Khôn Ngoan.
Tôi đã ước ao được ban sự hiểu biết, tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn.
Tôi yêu quý sự khôn ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, tôi lấy nó làm hơn được sự sáng, vì sự sáng của nó không hề tắt. Tất cả mọi sự tốt lành đều đến cùng tôi làm một với nó, và nhờ tay của nó, tôi được đoan chính không kể xiết.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 89, 12-13. 14-15. 16-17
Ðáp: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan (c. 14).
Xướng: 1) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chứ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. - Ðáp.
2) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin ban niềm vui thế cho những ngày Chúa hạ nhục chúng con, thế cho những năm chúng con mục kích nạn tai. - Ðáp.
3) Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 4, 12-13
"Lời của Chúa phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phơi trần và tỏ ra trước mắt của Ðấng mà chúng ta phải trả lẽ.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 17-27
"Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu trả lời: "Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ". Người ấy thưa: "Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ".
Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: "Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta". Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: "Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!" Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: "Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa". Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Như vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự".
{Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất".}
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu nhấn mạnh đến sự chọn lựa của một người đi theo Chúa: chọn của cải dưới đất hay kho tàng trên trời?
Người thanh niên trong bài Tin Mừng là một người giàu có và giữ nền đạo đức từ thuở nhỏ. Nhưng khi Ðức Giêsu đưa ra một điều kiện cao hơn: chia sẻ của cải cho tha nhân, thì anh ta chán nản bỏ đi. Ðức Giêsu cho chúng ta thấy: để được vào Nước Trời, không chỉ giữ đúng, giữ đủ các điều luật, không làm gì hại đến ai như anh nhà giàu kia, mà còn phải thực thi bác ái. Vì chỉ ai sẵn sàng nên nghèo khó về bản thân để mưu ích cho anh em mới xứng đáng đón nhận ơn cứu độ.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con muốn theo Chúa, muốn vào được Nước Trời, phải từ bỏ tất cả. Mỗi người chúng con đi theo Chúa nhưng vẫn muốn tích trữ cho mình thật nhiều của cải. Tiền của đời này là một trở ngại, biến chúng con thành nô lệ, ích kỷ và khó thoát ra được để đến với anh em. Xin cho chúng con hiểu rằng của cải trần gian chóng qua mau hết. Ðược Chúa, được Nước Trời mới là hạnh phúc đích thực. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Hãy Ði Theo Chúa
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm B
Khôn ngoan 7,7-11; Hipri 4,12-13; Marcô 10,17-30
Hằng tuần và có khi hằng ngày, chúng ta họp nhau lại đây cử hành thánh lễ để làm gì? Có lẽ cuối cùng chúng ta phải dựa vào các bài Thánh Kinh hôm nay để trả lời một cách thỏa đáng. Chúng ta muốn bắt chước vua Salomon đến đây cầu xin ơn khôn ngoan để biết sống ở đời. Và hơn nữa, chúng ta muốn như chàng thanh niên trong Phúc Âm xin Chúa chỉ đàng cho chúng ta như lời bài Thánh Thư hôm nay không? Do đó những bài Kinh Thánh chúng ta vừa nghe đọc, rất đáng suy nghĩ và phải được đem ra thực hành. Chúng ta hãy đọc lại.

1. Cầu Xin Ơn Khôn Ngoan
Bài sách Khôn ngoan cho chúng ta được nghe lại chính lời của Salomon. Ông nổi tiếng thông minh nhất đời, ít là theo ý kiến người Dothái. Không phải tự ông có sự khôn ngoan vượt bực ấy. Ông đã xin cùng Thiên Chúa và Người đã thương ban cho ông vì ông biết quý nó hơn hết mọi sự ở đời. Về điểm này ông đã nói đúng. Sách Các Vua quyển I còn kể (3,4-14): khi mới lên ngôi, Salomon đã đến Gabaon, một thánh điện nổi tiếng thời bấy giờ. Ông dâng có cả hàng nghìn tế vật lên Thiên Chúa. Người đã hiện ra với ông và hỏi ông xin gì? Ông khiêm tốn thú nhận mình còn trẻ trung mà phải cai trị một dân tộc "đông đúc"; nên ông không xin điều gì khác ngoài một lòng trí biết nghe lời Chúa để trị dân và phân biệt phải trái mà thôi. Ðiều ông xin đã đẹp ý Chúa và Salomon đã nhận được ơn khôn ngoan.
Câu đầu của đoạn sách hôm nay nhắc lại câu truyện ấy. Và những câu sau làm chứng Salomon đã nhớ kỹ những lời Chúa phán hôm ở Gabaon. Người bảo: vì ngươi đã xin sự khôn ngoan chứ không xin được sống lâu giàu bền hay là chiến thắng trên quân thù� nên Ta se cho ngươi một lòng trí khôn ngoan đến nỗi trước và sau ngươi không có ai trong thiên hạ khôn ngoan bằng ngươi. Salomon đã nhớ lời này. Ông hằng suy niệm. Và hôm nay trong đoạn sách Khôn ngoan chúng ta vừa nghe, ông lặp đi nói lại rằng ông quý sự khôn ngoan hơn hết. Sức khỏe và sắc đẹp, vàng bạc và ánh sáng, tất cả đều như cát mạt sánh với sự khôn ngoan. Ðược nó là có mọi sự vì nó nắm giữ mọi sự trong tay.
Ðối với Salomon, khôn ngoan là một sự gì rõ rệt. Ðó là tài cai trị dân theo đúng ý Chúa. Nói đúng hơn đó là ơn trung thành biết lắng nghe lời Chúa và hiểu ý Người để lãnh đạo dân. Sự khôn ngoan đó chắc chắn không dành cho mọi người. Và không phải ai ai cũng cần cầu xin ơn ấy. Khôn ngoan khuyên bảo hết thảy chúng ta ao ước sự khôn ngoan, thì nó muốn nói đến sự khôn ngoan nào?
Không dễ trả lời câu hỏi này đâu. Ðọc sách Khôn ngoan từ đầu tới cuối, chúng ta thấy tác giả không bao giờ định nghĩa sự khôn ngoan bằng những công thức cụ thể. Dường như khôn ngoan là một huyền nhiệm. Người ta phải cố gắng mon men tới gần. Và tùy như mức cải tạo thực hiện được khi tiến lên với đức khôn ngoan, người ta mới hiểu thêm được và lãnh nhận dần được ơn cao cả này. Cuối cùng chúng ta có thể nói, khôn ngoan chính là Thiên Chúa, là thần trí của Người, là sự sống của Người, không phải như một thực tại ở xa chúng ta, nhưng đang muốn đến với chúng ta để làm cho chúng ta nên khôn ngoan hơn, tức là thánh thiện hơn và do đó hạnh phúc hơn.
Ðó mới thật là sự khôn ngoan mà phụng vụ hôm nay mượn lời Salomon khuyên nhủ chúng ta hãy ao ước và cầu xin. Ðừng quý gì hơn nó vì chỉ có nó là hạnh phúc đầy đủ cho chúng ta. Nếu muốn cụ thể hơn, chúng ta hãy nói rằng sự khôn ngoan mà chúng ta phải cầu xin chính là ơn cứu độ mà Ðức Kitô đã mang đến, là chính Ðức Yêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã giáng sinh làm người. Chúng ta hãy nhìn Người trong bài Tin Mừng hôm nay.

2. Hãy Ði Theo Chúa
Thánh Marcô kể hôm ấy Ðức Yêsu đang đi đường. Người lên Yêrusalem để thụ nạn cứu thế và ban hạnh phúc cho mọi người. Một chàng thanh niên chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và thưa với Người như một bậc "tôn sư": "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời làm cơ nghiệp". Anh chưa thấy Người khác mọi bậc thầy và khác với mọi sư phụ. Anh tưởng Người cũng giống như bao luật sĩ hoặc nhà truyền đạo đã thay lượt nhau đến dạy đường khôn ngoan cho loài người. Có lẽ anh chỉ coi Người hơn họ một chút xíu thôi.
Nhưng Người không phải như vậy. Người không đến dạy sự khôn ngoan, nhưng là chính sự khôn ngoan nhập thể. Người không chỉ dạy đàng dẫn đến sự sống đời đời, nhưng có chính sự sống ấy để ban cho những ai biết đón nhận... Thế nên Người đã nhắc nhở anh nghĩ tới điều đó và phải nhận ra Người không phải là một bậc Thầy thông thường. Người bảo anh: "Sao ngươi nói Ta tốt lành? Không có ai tốt lành trừ phi có một Thiên Chúa". Nghĩa là nếu ngươi nói Ta là tốt lành, thì ngươi nên nhận ra thần tính ở nơi Ta; Ta là Thiên Chúa giáng trần. Thế nên lời Ta nói đây không phải là ý kiến của một luật sĩ hay của một nhà truyền đạo, nhưng là của chính Thiên Chúa. Và Người đã nhắc lại cho anh những giới răn trong Luật pháp. Chàng thanh niên vội thưa: "Lạy Thầy, mọi điều đó tôi đã giữ từ thuở bé". Lời anh nói làm chúng ta liên tưởng tới ý kiến của Phaolô phát biểu sau này: "Ðời tôi từ lúc thiếu thời... đã sống theo phái nhiệm nhặt trong tôn giáo chúng tôi...". Hoặc chúng ta cũng có thể nghĩ tới lời tự tín của người biệt phái nọ lên đền thờ cầu nguyện: "Lạy Thiên Chúa, tôi đội ơn Người, vì tôi không phải như những người khác... mỗi tuần tôi ăn chay 2 lần, tôi nộp thuế thập phân...".
Quả thật, chàng thanh niên đang đứng trước mặt Chúa Yêsu, là hình ảnh của biệt phái, của những con người tưởng rằng có thể chiếm được Nước Trời bằng cách giữ luật hoặc thi hàn các nguyên tắc khôn ngoan này, khôn ngoan khác. Ðức Yêsu nhìn chàng thanh niên ấy; Người muốn yêu những tâm hồn như vậy; Người muốn cứu độ họ thật sự. Người bảo anh ta: ngươi chỉ thiếu một điều: đi đi! Có gì thì đem bán hết mà chi kẻ khó, và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời, đoạn hãy đến theo Ta.
Thánh Marcô kể tiếp: "Người ấy sầm mặt xuống vì lời đó mà bỏ đi buồn rầu, vì nó có nhiều của". Có thể thánh nhân đã viết như vậy để chuyển ý sang đoạn văn sau nói về nguy hiểm do của cải, đối với Nước Trời. Ðúng hơn người đã áp dụng ý của Chúa vào trường hợp cụ thể của độc giả tác phẩm của người. Những người này là các tín hữu đã tin vào Ðức Kitô chứ không phải là các biệt phái nữa. Họ cũng phải giữ Lời Chúa. Và cho được như vậy phải biết áp dụng Lời của Người vào trường hợp của mình. Vậy lời của Người khi xưa, tức là lúc Người đang ở trần gian, đã trực tiếp nói với chàng thanh niên đã giữ các giới răn từ thuở bé, tức là vẫn tưởng rằng có thể dùng sức mình và theo sự khôn ngoan của mình mà được sự sống đời đời. Không, người ta phải từ bỏ mọi ảo tưởng đó, phải khước từ hết, phải bắt chước Salomon trông cậy nguyên vào Chúa. Người ta phải đi bán tất cả, từ bỏ tất cả vì Nước Trời, rồi đến đi theo Chúa.
Lời Ðức Yêsu nói với chàng thanh niên có giá trị tổng quát và triệt để. Chúng ta phải ghi nhớ tính cách tuyệt đối này. Người ta không được cậy dựa gì ngoài Chúa. Của cải chỉ là một diện phải từ bỏ, tuy là diện khá quan trọng.
Nhưng vì sao thánh Marcô lại chú ý đến diện này? Phải chăng như lời Tin Mừng Luca viết: "Biệt phái vốn tham tiền"? (16,14). Hay là tại vì ở thời Marcô viết sách Tin Mừng, của cải đã trở thành vấn đề trong đời sống đạo? Tín hữu phải tự đồng hóa mình với hạng "nghèo khó được rao giảng Phúc Âm". Như vậy sẽ không được giàu có sao? Và như vậy sẽ được gì?
Chúng ta có thể coi lời Phêrô hỏi Chúa hôm nay như phản ảnh tâm lý và những thắc mắc này. Và chúng ta thấy câu trả lời thật khôn ngoan. Kẻ bỏ mọi sự mà theo Chúa vẫn có mọi sự ở đời này và cộng thêm sự bị bắt bớ. Ðàng rằng chỉ có Marcô thêm chữ "bị bắt bớ" này vào câu trả lời của Chúa. Có lẽ vì hoàn cảnh đặc biệt của Hội Thánh thời Marcô viết tác phẩm Tin Mừng. Nhưng ai cấm chúng ta suy nghĩ rằng: theo thánh nhân, môn đệ của Chúa ở đời này không tất nhiên phải biến mình trở thành khố rách áo ôm. Như mọi người, họ vẫn có nhà để ở, áo để mặc, cơm để ăn, họ hàng bè bạn để tương giao... và còn có hơn vì tình huynh đệ và tương trợ trong Hội Thánh; nhưng họ hãy có như không có, hưởng như không hưởng, vì họ phải sống mầu nhiệm thập giá Ðức Kitô mà viễn tượng "bị bắt bớ" luôn nhắc nhở người ta phải có tinh thần từ bỏ tuyệt đối vì Nước Trời. Và của cải là diện khó từ bỏ, đến nỗi con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào được Nước Trời.
Các môn đệ của Ðức Yêsu đã ngạc nhiên trước những đòi hỏi như vậy. Họ sợ ít người có thể vào được Nước Thiên Chúa. Ðúng, với sức mình, với sự khôn ngoan của mình, loài người không làm gì được đâu. Nhưng, "mọi sự đều là có thể nơi Thiên Chúa"; tức là người ta phải trông cậy vào Chúa và chỉ trông cậy vào một mình Người mà thôi. Salomon đã có thái độ như vậy trong bài sách Khôn ngoan hôm nay... Còn chàng thanh niên kia, giống như các biệt phái, không muốn bỏ mọi sự và quan điểm của mình mà theo Chúa và thi hành Lời của Người. Tại sao vậy? Chúng ta hãy nghe lời thư Hipri.

3. Hãy Thi Hành Lời Chúa
Thư Hipri bàn rất nhiều và sâu sắc về chức tư tế trong đạo mới. Ðạo cũ tức là Dothái giáo có hàng tư tế đông đảo và lễ nghi sầm uất. Số lượng tế vật cùng khói hương và huyết chảy không thể tưởng tượng được. Nhưng tất cả để làm gì? Chỉ là một thất bại hoàn toàn; một bất lực không hơn không kém. Tội lỗi của dân chúng vẫn còn đó. Chính vì vậy mà Cựu Ước cứ phải dâng lễ không ngừng.
Trong Tân Ước trái lại, máu Ðức Yêsu đã rửa sạch mọi tội. Người chỉ dâng lễ một lần. Người đã đi vào cung thánh của chính bản tính Thiên Chúa qua mầu nhiệm tử nạn của Người. Người ta chỉ còn phải tham dự vào lễ tế vô giá ấy.
Nhưng đi vào lễ tế này sao được khi không để thân thể mình nát ra như chính của lễ hy sinh trên thập giá? Và phương tiện phân nát thân thể con người chính là Lời Chúa. Vì đây không phải là ý tưởng, mà là sự sống. Ðó là sự sống bởi trời xuống, đi vào thân xác con người, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi và đâm phập vào tận ranh giới hồn phách... cùng biện phân ra được tình và ý tưởng của lòng dạ. Người ta cứ xem Ngôi Lời đã thành nhục thể. Người đã sống một cuộc đời gian khổ như thế nào. Cuối cùng Người đã chết trên thập giá để trở thành của lễ cứu độ và trở nên vị Thượng tế của đạo mới. Người ta cũng phải để cho Lời Chúa thấm nhập tâm can... đóng đinh dục vọng và xác thịt vào thập giá. Có như vậy con người mới trở nên của lễ và mới tham dự vào chức tư tế của Ðức Kitô, mới được khỏi tội và ngang qua các tầng trời đi vào nơi yên nghĩ ở trong Thiên Chúa.
Cái lầm của đạo cũ là thái độ vụ hình thức, là não trạng tưởng rằng giữ được Luật pháp là có sự sống đời đời. Thật ra điều quan trọng là phải từ bỏ "sự sống của mình", của con người cũ ở nơi mình và nhận lấy sự sống mới đến từ Thiên Chúa. Salomon đã biết từ bỏ mọi sự để được sự khôn ngoan; Ðức Yêsu bảo người thanh niên phải đi bán tất cả để đến đi theo Người; tác giả thư Hipri khuyên chúng ta hãy để cho Lời Chúa thấm nhập biện phân tình và ý tưởng của lòng dạ. Ai sẵn sàng làm như vậy?
Chúng ta hãy chạy đến Thánh Thể, tham dự vào lễ tế của Ðức Kitô. Hãy hòa mình vào tâm tình xả kỷ cứu thế của Người. Hãy sống chân thật theo lương tâm và Lời Chúa dạy bảo và thôi lấy hình thức che đậy tâm can. Ai làm như vậy mà còn sợ sẽ không được sự sống đời đời? Ðó là người khôn ngoan hơn hết, hơn cả Salomon, vì ở đây nơi bàn thờ, còn có Ðấng trọng hơn Salomon và còn dạy đường khôn ngoan hơn Salomon. Chúng ta hãy đến và nhận lấy Người.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật 28 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Wis 7:7-11; Heb 4:12-13; Mk 10:17-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: 
Phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời?

Nhiều người biết rất rõ đích điểm của cuộc đời là cuộc sống hạnh phúc muôn đời bên Chúa; nhưng làm thế nào để đạt được đích điểm đó, có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho chỉ cần tin vào Đức Kitô là được cứu rỗi; có người cho chỉ cần đi lễ mỗi tuần, đọc kinh mỗi ngày; có người cho chỉ cần ăn ngay ở lành... Nhưng thánh Giacôbê nói: "đức tin không việc làm là đức tin chết." Chúa Giêsu cũng tuyên bố: ''không phải ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà được vào Nước Trời; nhưng chỉ có những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa.'' Và câu châm ngôn ăn ngay ở lành cũng rất tổng quát và mơ hồ: Nếu chỉ giản lược trong đời sống chỉ biết lo cho cá nhân hay gia đình mình, cuộc sống như thế có đủ đáp ứng lời mời gọi mà Chúa dạy các môn đệ trong Kinh Lạy Cha không? Một cách cụ thể, con người đã góp phần gì vào việc: xin cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời?
Các Bài Đọc hôm nay chú trọng đến câu hỏi: Phải làm thế nào để đạt được cuộc sống đời đời? và câu trả lời: "Phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa." Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan đề cao sự quan trọng của Đức Khôn Ngoan. Theo ông, Đức Khôn Ngoan đáng quý trọng hơn mọi sự trên trần gian này, vì hai lý do: (1) Có Đức Khôn Ngoan là có mọi sự; và (2) Chỉ có Đức Khôn Ngoan tồn tại muôn đời. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái đồng nhất Đức Khôn Ngoan với Lời Chúa, hay Ngôi Lời chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Không như khôn ngoan của thế gian, Lời Chúa luôn sống động, hiệu quả, và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi. Lời Chúa đòi con người phải suy tư, thúc đẩy con người phải hành động, và làm chứng cho con người trước tòa phán xét của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, khi được người thanh niên hỏi phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời, Chúa Giêsu tuyên bố: phải giữ tất cả các điều răn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi.
1.1/ Hiểu biết khôn ngoan đáng quí trọng hơn mọi sự: Theo truyền thống Do-thái, vua Solomon là "tác giả" của các Sách Khôn Ngoan; vì vua Solomon được coi là người khôn ngoan nhất trong lịch sử của nhân loại. Truyền thống kể lại truyện khi Thiên Chúa hỏi nhà vua muốn xin bất cứ gì, thì Thiên Chúa cũng ban cho. Vua Solomon không xin cho có uy quyền, cũng chẳng xin cho được giầu có, sức khỏe, sống lâu, hay bất cứ điều gì khác; nhưng chỉ xin cho được khôn ngoan để biết sống và cai trị dân. Thiên Chúa rất hài lòng với điều nhà vua xin; nên Ngài hứa sẽ ban cho vua Solomon được khôn ngoan đến độ không có ai trước và sau vua được khôn ngoan như thế.
+ Khôn ngoan quí trọng hơn vương quyền: Nắm giữ vương trượng, ngai vàng, mà không biết cách cai trị dân chúng; sớm muộn gì rồi vương quyền cũng vào tay người khác. Nếu có Đức Khôn Ngoan, vua sẽ biết lòng dân mong ước gì, và cai trị họ theo những điều họ mong ước, thì vương quyền sẽ tồn tại lâu dài, và vua không phải chịu trách nhiệm trước tòa phán xét của Thiên Chúa.
+ Khôn ngoan quí trọng hơn của cải: Vua Solomon thú nhận: ''Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất.'' Có giàu có đến đâu chăng nữa, mà không biết cách sống sao để được bình an và hạnh phúc, có lợi cho người sở hữu nó đâu. Thực tế chứng minh: nhiều người giàu có, nhưng vẫn không muốn sống, và có người còn tìm cách kết liễu đời mình nữa.
+ Khôn ngoan quí trọng hơn sức khỏe và sắc đẹp: Đây phải là bài học khôn ngoan cho nhiều người trong xã hội chúng ta, quá chú trọng đến việc tập luyện và nhịn ăn uống để có một thân thể cân đối đẹp đẽ và khỏe mạnh. Dĩ nhiên chúng ta không đả kích những điều đó không quan trọng; nhưng không đủ để mưu cầu hạnh phúc cho con người. Có đẹp đẽ khỏe mạnh đến đâu chăng nữa, rồi cũng úa tàn theo thời gian. Vua Solomon cho biết lý do ông quí trọng Đức Khôn Ngoan hơn: ''Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi.''
Nói tóm, vua Solomon đã suy nghĩ rất nhiều khi xin cho được Đức Khôn Ngoan, vì khi có Đức Khôn Ngoan là có tất cả: ''Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.''
1.2/ Làm sao để có Đức Khôn Ngoan? Khác với khôn ngoan của thế gian, ai muốn có phải cố gắng luyện tập; Đức Khôn Ngoan mà vua Solomon có được là do Thiên Chúa ban: "Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.''

2/ Bài đọc II: Đức Khôn Ngoan chính là Lời của Thiên Chúa.
2.1/ Đặc tính trổi vượt của Lời Chúa: Tác giả Thư Do-thái liệt kê các đặc tính của Lời Chúa như sau: "Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu  sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người."
(1) Sống động (zôn): Tất cả các tác phẩm nhân loại, dù hay đến đâu chăng nữa, cũng bị thời gian đào thải, vì không theo kịp đà tiến của nhân loại; nhưng Kinh Thánh lại khác, nó vẫn luôn sống động. Đã hơn hai ngàn năm qua, Kinh Thánh vẫn là Sách được nhiều người đọc nhất, vì nội dung của Kinh Thánh vẫn thích hợp và sống động với con người ở mọi thời và mọi nơi.
(2) Hữu hiệu (energês): Lời Chúa trong Kinh Thánh không phải chỉ là những lời để suy niệm; nhưng thúc đẩy và cung cấp năng lực cho con người hành động. Tiên-tri Isaiah nói rất hay về Lời Chúa như sau: "Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó" (Isa 55:10-11). Hai câu này chắc chắn áp dụng cho Đức Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa, khi Ngài xuống trần gian nhập thể để cứu chuộc con người. Hai câu đó cũng áp dụng cho chúng ta, vì tuy ơn cứu chuộc Đức Kitô đã dọn sẵn cho con người; nhưng nó phải hoạt động nơi chúng ta để mang lại ơn cứu chuộc cho cá nhân chúng ta.
(3) Sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: Như thanh gươm hai lưỡi có sức xuyên thủng cả hai bên, Lời Chúa sắc bén, có sức xuyên thủng bất cứ con người nào, cho dù những người lạnh lùng và chai đá nhất.
+ xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh: Truyền thống Hy-lạp tin con người là tập hợp của ba phần: tinh thần (pneuma), đời sống thể lý (psychê), và thân xác (sark). Psyche là đời sống thể lý của con người, cái mà con người có chung với các tạo vật khác; nhưng cái làm con người suy nghĩ và hành động khác nhau là tinh thần.
+ xuyên thấu chỗ phân cách sụn (harmos) với tuỷ (muelos): Nếu thanh gươm có thể tách rời sụn với tủy; Lời Chúa cũng có thể tách rời tinh thần ra khỏi đời sống thể lý của một người. Lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.
2.2/ Lời Chúa là chứng cớ phán xét con người: "Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ." Lời Chúa thúc đẩy con người phải hành động, các việc làm của con người sẽ là những bằng chứng tố cáo con người. Ví dụ, Gioan nói về việc con người phán xét chính mình như sau: "Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa" (Jn 3:17-18). Sự hiện diện của Đức Kitô buộc con người phải hành động: tin hay không tin vào Ngài; và tùy vào việc tin hay không tin, con người tự luận phạt chính mình. Con người không thể giữ thái độ trung dung, không chịu phản ứng, trước sự hiện diện của Đức Kitô trong cuộc đời.

3/ Phúc Âm: Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?
3.1/ Làm thế nào để đạt được đích điểm của cuộc đời: Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" Đức Giêsu đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hai điều Chúa đòi anh phải làm:
(1) Giữ các giới răn với tha nhân: ''Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ." Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ."
(2) Giữ các giới răn với Thiên Chúa: Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Điều Chúa Giêsu đòi hỏi anh ở đây không gì khác hơn giới răn thứ nhất: "Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự." Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.''
3.2/ Giàu có khó vào Nước Trời: Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa." Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: "Thế thì ai có thể được cứu?"
Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được."
(1) Điều Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là con người không được đặt của cải trên lòng mến Thiên Chúa, vì "của cải anh ở đâu, lòng trí anh ở đó." Nếu lòng trí đã đặt vào của cải, còn lòng trí đâu dành cho Thiên Chúa và các việc của Ngài? Chúng ta không nói của cải không cần thiết; nhưng chúng ta phải đặt đúng thứ tự của nó: sau Thiên Chúa và sau tha nhân.
(2) Phần thưởng cho những môn đệ của Đức Kitô: Thiên Chúa là Đấng uy quyền và thương yêu, Ngài không bao giờ bỏ đói những ai trông cậy và làm việc cho Ngài. Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.'' Khi các môn đệ đi theo Chúa, họ giả sử phải bỏ tất cả: nghề nghiệp, gia đình, nhà cửa, và mọi thứ tiện nghi; nhưng họ không chết đói, và họ có nhiều thời gian dành cho việc mở mang Nước Trời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
 - Chúng ta phải đặt đúng thứ tự ưu tiên trong cuộc đời: Thiên Chúa, tha nhân, và của cải vật chất. Đảo lộn thứ tự ưu tiên này sẽ gây bất an, chia rẽ, và làm cho con người mất hạnh phúc.
- Tin như nào sẽ sống như thế. Nếu chúng ta tin Đức Khôn Ngoan là điều đáng quí trọng hơn hết các giá trị vật chất, hãy cầu nguyện để xin Thiên Chúa cho chúng ta hiểu được Lời Chúa.
- Để đạt được cuộc sống đời đời, chúng ta phải giữ tất cả điều răn; chứ không chỉ giữ một số những gì chúng ta thích, và bỏ lơ những gì chúng ta không thích.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Chúa Nhật tuần 28 thường niên, năm B
Suy niệm: Ðức Giêsu nhấn mạnh đến sự chọn lựa của một người đi theo Chúa: chọn của cải dưới đất hay kho tàng trên trời?
Người thanh niên trong bài Tin Mừng là một người giàu có và giữ nền đạo đức từ thuở nhỏ. Nhưng khi Ðức Giêsu đưa ra một điều kiện cao hơn: chia sẻ của cải cho tha nhân, thì anh ta chán nản bỏ đi. Ðức Giêsu cho chúng ta thấy: để được vào Nước Trời, không chỉ giữ đúng, giữ đủ các điều luật, không làm gì hại đến ai như anh nhà giàu kia, mà còn phải thực thi bác ái. Vì chỉ ai sẵn sàng nên nghèo khó về bản thân để mưu ích cho anh em mới xứng đáng đón nhận ơn cứu độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con muốn theo Chúa, muốn vào được Nước Trời, phải từ bỏ tất cả. Mỗi người chúng con đi theo Chúa nhưng vẫn muốn tích trữ cho mình thật nhiều của cải. Tiền của đời này là một trở ngại, biến chúng con thành nô lệ, ích kỷ và khó thoát ra được để đến với anh em. Xin cho chúng con hiểu rằng của cải trần gian chóng qua mau hết. Ðược Chúa, được Nước Trời mới là hạnh phúc đích thực. Amen.
Ghi nhớ : "Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta".

14/09/12 CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN – B 
Mc 10,17-30 
ĐỪNG THIỆN CHÍ NỬA VỜI
“Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,21-22)
Suy niệm: Chúa Giêsu thực sự hài lòng, Ngài “đưa mắt nhìn và đem lòng yêu mến” người thanh niên vừa giàu của cải, đạo đức lại giàu thiện chí này: tuy anh đã chu toàn đầy đủ cả một chuỗi dài các luật lệ nhưng anh cũng cảm nhận mình mới đi được nửa đường trên con đường hoàn thiện. Anh còn muốn tiến xa hơn, đó là “được sự sống đời đời làm gia nghiệp.” Thế nhưng thiện chí của anh mới chỉ được nửa vời: Khi nghe Chúa nói về bước tiến quyết liệt để đạt được điều đó thì anh đã “sa sầm nét mặt” và rút lui. Mà lý do chỉ là “vì anh ta có nhiều của cải”!
Mời Bạn: Muốn nên hoàn thiện phải dám từ bỏ ý riêng để vâng theo thánh ý Chúa cách triệt để. Trong những hoàn cảnh xuôi thuận, chúng ta có thể tỏ ra mình là người ngoan đạo. Thế nhưng khi gặp tình huống phải lựa chọn: nếu muốn trung thành với niềm tin, với Tin Mừng, chúng ta phải từ bỏ một số những thuận tiện hay quyền lợi nào đó, liệu chúng ta có tránh được thái độ “sa sầm nét mặt” đáng tiếc này không?
Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm nào về “thiện chí nửa vời” như vậy trong đời sống đạo không? Mời bạn chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm sống theo đòi hỏi của Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, dù cho bị thiệt thòi, mất mát.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, có gì là của con mà không bởi do Chúa ban cho, xin cho con luôn xác tín điều này để con luôn biết sống cho đi trọn vẹn theo ý Chúa muốn. Amen.
Được gấp trăm
Theo Ðức Giêsu, ta sẽ được lại cả những điều đã mất. Cái được quan trọng nhất là được Ðức Giêsu. 
Suy nim:
Khi đọc bài Tin Mừng trên đây
ta nếm được nỗi buồn của Ðức Giêsu và của anh nhà giàu.
Ðức Giêsu buồn vì bị từ chối bởi người mà mình yêu mến,
Anh kia buồn vì có sự rạn nứt nơi bản thân.
Anh đã phấn khởi gặp Chúa, rồi ra đi đầy muộn phiền.
Thầy Giêsu đòi anh đúng điều anh muốn giữ lại,
vì của cải vốn là chỗ dựa của đời anh.
Anh sẵn sàng làm mọi điều Thầy đòi hỏi,
trừ việc bỏ chỗ dựa này.
Bây giờ anh thấy rõ hơn mình nô lệ cho điều gì.
Tiếc thay anh không có can đảm ra khỏi sự nô lệ này
dù anh vẫn khát khao sự sống đời đời.
Bi kịch của anh cũng là của chúng ta.
Ai trong chúng ta cũng từng bị giằng co
giữa ước mơ bay cao và sự kéo ghì của vật chất.
Của cải vật chất có sức hấp dẫn mãnh liệt.
Tôi làm chủ nó, nhưng sau đó nó lại làm chủ tôi
và trở thành thịt xương mà tôi không thể dứt bỏ.
Không chắc người giàu này sẽ bị luận phạt,
nhưng chắc chắn anh ta khó hạnh phúc.
Hạnh phúc chỉ đến với người dám sống theo ý Chúa.
Người có của khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!
Vào thời Ðức Giêsu, giàu có được coi là một phúc lành.
Vậy mà Ngài lại coi đây là một cản trở nguy hiểm.
Của cải dễ làm người ta khép kín trước Thiên Chúa
và nỡ tâm chà đạp lên quyền lợi anh em.
Tệ nạn tham nhũng, hối lộ ở Châu Á
là một thí dụ về nguy hiểm của tiền bạc.
Ðức Giêsu và các môn đệ đã sống nghèo,
sống như những người lữ hành, không chỗ cậy dựa,
để tín thác vào Cha và dễ dàng đến với anh em.
Theo Ðức Giêsu là chấp nhận tay trắng, bấp bênh.
Nhưng đừng quên theo Ngài cũng là trở nên giàu có.
Không phải sự giàu có do ích kỷ giữ lại,
nhưng là sự giàu có do mở ra trao hiến.
Không phải sự giàu có do tìm kiếm chiếm đoạt,
nhưng là sự giàu có đến như một quà tặng biếu không.
Theo Ngài không phải chỉ là bỏ nhà cửa, ruộng vườn,
bỏ những người thân yêu, bỏ đến cả mạng sống.
Theo Ngài còn là được gấp trăm ngay từ đời này,
và nhất là đời sống vĩnh cửu mai hậu.
Khi Phêrô ra khỏi hồ Galilê, với nghề đánh cá,
ông được biết những biển khơi mênh mông hơn nhiều.
Khi Phêrô bỏ lại cha mẹ, vợ con,
ông đứng đầu một cộng đoàn đông đảo là Hội Thánh.
Chắc Têrêxa Hài Ðồng không ngờ mình trở nên Thánh Sư.
Chắc Têrêxa Calcutta không ngờ đám tang của mình
sẽ có cả triệu người tham dự.
Theo Ðức Giêsu, ta sẽ được lại cả những điều đã mất.
Cái được quan trọng nhất là được Ðức Giêsu (x. Pl 3,8).

Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
LM.An-tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.

"Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta".


Tiền hay phong bì cũng được
Nói nhỏ với nhau mà nghe: ai cũng thích tiền. Tiền Việt, tiền Đô, Euro hay gì cũng được, miễn tiền là khoái rồi. Càng nhiều càng tốt. Cả ngoài xã hội lẫn trong Giáo Hội. Có ai mà không khoái tiền? Nhưng khoái tiền đâu phải tội. Chúa cho phép mà. Giáo Hội mà không có tiền thì lấy gì mà làm những việc bác ái? Lấy gì mà xây dựng nơi thờ tự? Nhưng có một điều quan trọng mà ta cần lưu ý, phải nhận thức rõ ràng: thích tiền đó là điều tự nhiên, nhưng không được MÊ TIỀN. Bởi khi đã mê tiền, nghĩa là đã bị đồng tiền mê hoặc, thì người ta đã trở thành nô lệ cho nó. Khi đã mê tiền, người ta sẽ nghĩ ra nhiều cách, kể cả những thủ đoạn, để kiếm cho được nhiều tiền. Giá Giuđa không bị tiền bạc mê hoặc thì có lẽ ông đã không phản bội Thầy. Câu chuyện hôm nay là một minh họa rất hay và rõ ràng về sức mạnh của đồng tiền. Đó là một thanh niên đạo đức, rất lễ phép khi đến trước mặt Chúa. Anh quỳ xuống và thưa: “Lạy Thầy nhân lành”. Rồi khi được tra vấn về đời sống đạo đức, anh đã trả lời với Chúa rằng anh đã có một đời sống đạo rất tốt. Anh đã được cha mẹ dạy dỗ ngay từ nhỏ về các giới răn của Thiên Chúa. Anh không ảo tưởng. Bởi đúng thực là thế. Vì sau khi nghe anh trả lời, Chúa Giêsu đã đưa mắt âu yếm nhìn anh và đem lòng yêu mến anh. Hạnh phúc biết bao, khi đời người được đón nhận lòng yêu thương của Chúa. Anh thanh niên ấy, đã đi đúng đường, trên con đường để nên hoàn thiện. Nhưng con đường anh đã và đang đi, mới chỉ dừng lại ở mặt bằng hoàn thiện cá nhân. Chúa muốn dắt anh lên cao hơn, về đỉnh cao của sự hoàn thiện. Đó là, anh phải vượt cao hơn chính mình. “Con hãy về nhà, bán hết của cải, phân phát cho người nghèo khó, rồi đến đây theo Ta”.
Khó quá! Đồng tiền liền khúc ruột. Nó là tiên, là Phật cơ mà! Nó là điểm tựa rất vững cho cuộc đời; là sự sống của cuộc sống anh. Bây giờ phải bỏ… Đời mình sẽ hụt hẫng, trắng tay. Tự ta lại bỏ ta rồi, tự ta làm khổ ta rồi. Anh xụ nét mặt nuối tiếc. Niềm tin của anh yếu quá! Anh quên mất một điều: được Chúa là được tất cả. Tiền bạc có là gì, nếu so với Chúa. Bởi mọi mỏ vàng, mỏ bạc, kim cương đều do Chúa tạo nên. Vậy nếu, anh đi theo Chúa, như Chúa bảo, anh sẽ nhận được sự an toàn to lớn gấp vô vàn sự an toàn của tiền bạc cho anh. Không phải là sức mạnh của tiền lớn, mà chính yếu là niềm tin của ta vào Chúa quá yếu đó thôi!
Gợi ý suy niệm
1- Bạn có tốt bằng người thanh niên đó chưa?
2- Với bạn, tiền quan trọng hay Chúa quan trọng hơn?
(Suy niệm của Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm - Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long Xuyên số 10 & 11/2012’)

Người Tự Do
"Vì anh có nhiều của cải"
Nhân cơ hội này Chúa Giêsu đã nói về tiền của. Ngài không lên án người có của. Ngài biết "đồng tiền nối liền khúc ruột", cần có tiền để sống, để giữ đạo nữa, "có thực mới vực được đạo". Nhưng Ngài lên án sự ham mê tiền bạc. Tiền của hay làm người ta ham mê dính bén. Tiền bạc hay làm cho lòng người ta đen bạc, khó vào Nước Thiên Ðàng. Chúa phán: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa". Câu nói ấy có nghĩa làm sao? Ðây là một từ ngữ Á đông để chỉ một việc làm rất khó. Sách Talmud của Do thái cũng có một thành ngữ tương tự: "Khó như con voi chui qua lỗ kim!"
Thật ra Chúa Giêsu không lên án người giàu cũng không chúc lành cho người nghèo. Những người "đàn bà thánh thiện" đi theo Chúa, họ là những người giàu có, đem tiền của trợ giúp Ngài và các môn đệ trong công việc truyền giáo, họ đâu bị kết án. Cũng như khi Maria, em của Martha và chị của Lagiarô, đem bình thuốc thơm mà Giuđa đánh giá đến 300 đồng (công nhật một người thợ thời ấy là một đồng), Ngài không chối bỏ cử chỉ yêu mến đó. Cũng như nhiều lần, Ngài đi dự những bữa ăn sang trọng của người biệt phái giầu có (Lc 7,36-38; Mc 14,3-9), hay những người thâu thuế có tiền (Lc 19,1-10). Vậy, Chúa lên án sự gì?
Ngài lên án những người không biết dùng tiền của, làm nô lệ tiền của. Thật khó cho người giầu, có thể trở nên một Kitô hữu chân thật khi họ coi đồng tiền là chúa tể. Ðiển hình là người thanh niên hôm nay, anh không dám hay không đành dấn thân theo chân Chúa, như Phêrô và các bạn ông đã làm.
Chỉ có những người có tinh thần nghèo khó Phúc Âm mới là những người tự do, những chứng chân thật sự và quả cảm. Phaolô nói: "Chúng tôi là những kẻ được coi là không mảy may, nhưng lại được mọi sự làm sở hữu" (IICor 6,10). Và chị Thánh Têrêxa nói: "Từ khi tôi từ bỏ mọi sự, tôi sống thật hạnh phúc, tôi như được sống lại".
Người từ bỏ tất cả được Chúa cho tất cả.
Thánh Giuse Corrodengo (1786-1842) là gương mẫu từ bỏ mọi sự, sống phó thác vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa. Mỗi ngày, tiền của người ta bố thí, còn dư bao nhiêu, người dạy đem chia sẻ cho người nghèo. Người điều khiển một cô nhi viện với 700 trẻ ở Turin (Ý). Một hôm giờ cơm đã gần đến mà nhà bếp xem ra chưa "động tĩnh" gì cả. vả lại túi tiền đã cạn. Chị nữ tu quản lý chạy vào báo động. Thánh nhân bảo: "Cứ cho các em sắp hàng vào nhà cơm như thường lệ". Rồi ngài chạy vào nhà thờ cầu nguyện. Bỗng dưng có tiếng chuông nhà khách vang reo. Một tiểu đội lính hớt hải chạy vào thưa: "Lạy cha, tiểu đoàn chúng con đi hành quân, gọi về cho ban ẩm thực biết sẽ không về kịp... Vậy xin cha nhận của ăn chúng con đã nấu sẵn, cho các em cô nhi!"
Thánh nhân qua đời lúc 56 tuổi, sau khi đã lập hai dòng nữ Bác Ái và hai dòng nam để tiếp tục công việc. Ngài được Ðức Piô XI tôn phong hiển thánh ngày 19-5-1934.
"Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm... mà không được gấp trăm ở đời này và đời sau được sự sống vĩnh cửu" (Mc 10,29-30).
Lm. Hồng Phúc.





Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
14 THÁNG MƯỜI
Loan Báo Tin Mừng,
Một Nhu Cầu Cấp Bách Và Toàn Diện
Công Đồng Vatican II, trong Sắc Lệnh Truyền Giáo, đã tổng hợp một cách tuyệt vời cả lý do lẫn trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Sắc Lệnh này đề cập đến các hoạt động truyền giáo của Giáo Hội : “Lý do của sứ mạng truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên Chúa, Ngài ‘muốn tất cả mọi người được cứu độ và được biết sự thật. Và sự thật là: Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất. Cũng chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đó là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, Đấng đã trao hiến chính mình làm giá chuộc cho mọi người’ (1Tm 2,4-6), và ‘không có ơn cứu độ nơi bất cứ ai khác’ (Cv 4,12). Do đó, mọi người phải trở về với Ngài sau khi đã nhận biết Ngài nhờ lời rao giảng của Giáo Hội, và phải kết hiệp mật thiết với Ngài cũng như với Giáo Hội là thân thể của Ngài qua Phép Rửa…”
“Đành rằng Thiên Chúa – bằng những cách thế chỉ một mình Ngài biết – có thể dẫn dắt những người có lương tâm ngay thẳng nhưng không biết Tin Mừng đến với đức tin – ‘bởi người ta không thể làm hài lòng Thiên Chúa được nếu không có đức tin’ (Dt 11,6); tuy nhiên, bổn phận tất yếu của Giáo Hội phải là rao giảng Tin Mừng, nghĩa là hoạt động truyền giáo của Giáo Hội luôn luôn còn đầy đủ tính khẩn thiết của nó – hôm nay và mãi mãi” (TG, 7).
Loan báo Tin Mừng là công việc thường xuyên của Giáo Hội. Nó luôn khẩn thiết và không bao giờ có thể chước miễn. Ơn cứu độ của con người luôn là vấn đề nóng bỏng. Đó là lý do tại sao Đức Phao-lô VI, trong Tông Huấn Evangelii nuntiandi, đã viết: “Người tông đồ phải hiến dâng tất cả thời giờ, tất cả sức lực, và nếu cần, hy sinh cả sự sống mình cho việc loan báo Tin Mừng” (EN, 5).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 14-10
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN;
Kn 7, 7-11; Dt 4, 12-13; Mc 10, 17-30.
LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện người thanh niên hỏi Chúa Giêsu: tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Sau khi trao đổi. Chúa Giêsu cho biết: “Anh chỉ thiếu một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21b)
          Đời sống của con người ai cũng muốn được sống cuộc sống hạnh phúc, nhất là đối với sự sống đời đời, nhưng mấy ai chịu sự đổi chác những cái riêng tư của mình, nhất là của cải vật chất mả mình đang chiếm hữu. Ai cũng biết sự sống của con người trên trần gian này dài lắm là trăm năm, và sự sống mai sau là vĩnh cửu, nhưng rồi với cái hữu hạn con người lại đầu tư vào đó rất nhiều, cả tâm trí, sức lực và thời gian, mà rồi khi nhắm mắt chẳng đem theo được gì. Trong lúc đó sự sống đời sau lại rất ít người quan tâm đến để đầu tư vào đó. Của cải chính là vật cản lớn nhất của con người khi phải đánh đổi sự sống đời này và đời sau. Hãy chọn một vị Chúa cho mình trong hiện tại, để được cùng sống mai sau.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
14 Tháng Mười
Lời Trăn Trối Của Người Mẹ

Thời cách mạng Pháp, người ta hay nhắc đến một khuôn mặt dữ tợn, chuyên săn lùng các linh mục: đó là đại úy Laly.
Ông đã gia nhập vào đảng Jacobins đi khắp nơi để reo rắc kinh hoàng cho dân chúng. Nhiều vị linh mục đã kín đáo đến khuyên nhủ để lôi kéo ông ra khỏi tội ác. Nhưng tất cả mọi cố gắng của người khác đều vô ích. Con người độc ác đó chỉ đáp lại bằng lãnh đạm và những lời lẽ thô tục.
Thế nhưng một hôm, khi mọi người tưởng như không còn một chút hy vọng, Laly đã lần mò đến một linh mục để xin xưng tội và hòa giải với Giáo Hội. Sau đó ông đã thú nhận: "Cả đời, ngày nào tôi cũng đọc một kinh Kính Mừng, theo lời trăn trối của mẹ tôi trước khi chết".
Có những câu ca dao, có những bài hát, có những bài học làm người, chúng ta tiếp thu ngay khi còn ngồi trên gối mẹ. Trí óc non dại của chúng ta chưa đủ khả năng để lĩnh hội ý nghĩa sâu xa của những bài học đó. Nhưng dần dà với thời gian, khi bắt đầu chúng ta biết suy nghĩ, những bài học đó trồi lên một cách trong sáng trong kiến thức của chúng ta. Có lẽ người mẹ nào cũng hiểu được giá trị của câu: "Dạy con từ thuở còn thơ...".
Mẹ Maria, Hiền Mẫu của chúng ta, vừa là một mẫu gương vừa là một nhà giáo dục tuyệt hảo trong Ðức Tin. Lời kinh dâng Mẹ mà chúng ta bập bẹ khi vừa biết nói là bài ca dao đẹp nhất không ngừng ngân vang trong cuộc sống Kitô chúng ta. Có thể, đôi lúc chúng ta cũng ngâm nga một cách máy móc, nhưng Mẹ vẫn có đó và Mẹ vẫn đeo đuổi, ấp ủ chúng ta trong Tình Yêu bao la của Mẹ.
(Lẽ Sống)

Ngày 14
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN 
Thánh Calittô I, giáo hoàng, tử đạo


Môi người đều có kinh nghiệm về sự lo lắng Chúng ta đi đâu? Ngày mai không chắc chắn. Anh thanh niên giàu có hỏi Đức Kitô, lại là người khôn ngoan. Khôn ngoan theo nghĩa Kinh Thánh là sùng đạo, là thuộc một tôn giáo, và sở hữu cả Nước Trời. "Anh tuân giữ tất cả các điều răn từ thuở nhỏ". Vậy phải xin gì nữa? Anh ta khôn ngoan, tuy nhiên loạn trí; anh ta còn mun hơn nữa: th liều vượt qua các "điều răn". Anh ta mun thừa kế Nước Trời và sự sng đời đời. Anh ta mun, không phải một cuộc sng phù hợp, mà một cuộc sng theo nhịp của Thiên Chúa, theo hơi thở của Thiên Chúa. Vậy là Người bắt anh ta theo đúng lời nói. Chúa coi trọng lời nói của chúng ta, khi lời đó đến từ trái tim. Không ai đủ chính trực và quảng đại, không ai có đủ tình yêu để đạt ti sự thành công hoàn toàn của cuộc đời. Nhưng mỗi người có thể quên mình để tiến bước trên những con đường của cuộc đời, nơi tình yêu Thiên Chúa chỉ còn là một với tình yêu của những người khác.
Tình yêu Thiên Chúa làm cho chúng ta nên những người xây dựng hoà bình, trong một thế giới rất cn hoà bình. Chính tình yêu làm cho chúng ta biết kính trọng và yêu mến mọi sinh vật, bắt đầu từ những người không được bảo vệ.. Chính tình yêu cho chúng ta hạnh phúc được phục vụ và yêu thương, khi đáp trả Tình yêu bằng tình yêu.

Đức Cha André Lacrampe
Ngày 14 tháng 10
THÁNH CALLIXTÔ I
GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO

Theo tiếng Hy lạp, Callixtô có nghĩa là rất đẹp. Đẹp hơn nữa vì nó là tên của một trong những vị Giáo Hoàng thời danh thế kỷ thứ III.
Đọc những điểm đại cương sau đây về đời sống của thánh Giáo Hoàng, chúng ta sẽ thấy rõ vẻ toàn năng của Thiên Chúa, Đấng không sự gì không làm được. Nếu khi còn sinh thời, Chúa Giêsu Kitô đã đào tạo những ngư phủ dốt nát thành những tông đồ thông minh; nếu sau khi về trời, Chúa đã cải hóa Phaolô từ kẻ bách hại cuồng nhiệt trở thành một chiến sĩ nhiệt huyết của đức tin, thì cũng thế, Chúa đã dẫn đưa Callixtô từ một thân phận nô lệ, một kẻ gian thương lên đến chức vị một chúa chiên đầy thánh thiện và bác ái...
Quả thế, ít vị Giáo Hoàng nào có một trang sử ly kỳ như tiểu sử của Đức Callixtô. Theo tài liệu của Hippôlitô, thì Đức Callixtô đầu tiên là một nô lệ của ông Capôphôrê, một tín hữu thuộc gia đình Cêsarê. Vì thấy Callixtô lanh lẹ và tinh khôn, ông Capôphôrê tín nhiệm và trao cho chức quản khố. Mấy năm sau, Callixtô mánh khéo chiếm đoạt và làm chủ ngân khố. Từ đó Callixtô trở nên giầu có và nghiễm nhiên là một kẻ buôn tiền xảo quyệt. Dư vốn, Callixtô xây một ngân khố mới tại khu hồ tắm công cộng, tức về phía nam Rôma. Nhưng mấy ai lưu manh mà thoát được lưới trời. Trong lúc hùn vốn buôn bán với nhiều kẻ tai mắt, hầu hết là các quả phụ quý tộc, Callixtô đã ăn chơi phóng túng đến nỗi sau cùng vỡ nợ và bị thưa trước tòa án. Vì quá sợ hãi, Callixtô đáp thuyền trốn đi Portô. Trên đường bôn tẩu, bất ngờ gặp ông Capôphôrê, Callixtô túng thế liền nhảy xuống sông tự tử. Nhưng người ta đã vớt Callixtô lên và bắt về làm nô lệ với công việc quay máy đá. Đến sau vì biết Callixtô còn nhiều tiền gửi nơi người Do thái, nên ông Capôphôrê quyết định phóng thích cho Callixtô để thảnh thơi lo việc trang trải công nợ. Callixtô vui mừng chạy đến hội đường đòi tiền người Do thái, những người này đã không trả tiền, còn bắt nộp cho đô trưởng Rôma là Fuscianô. Họ tố cáo Callixtô về tội phá rối trật tự chung và theo công giáo. Nhưng nhờ sự can thiệp của ông Capôphôrê, Callixtô không bị kết án về tội theo đạo công giáo, nhưng vì tội vỡ nợ mà thôi. Ông đô trưởng truyền đánh đòn Callixtô rồi đày đi làm phu mỏ tại Sarđinia, năm ấy là năm 188.
Hai năm sau, bà Marcia, một người công giáo thành tâm và là người thân cận của Hoàng đế Commođô biên thư xin Đức Giáo Hoàng Victôriô cho biết danh sách những người công giáo bị lưu đầy tại Sarđinia để bà tìm cách cứu thoát họ. Tuy sổ gửi đến không có tên của Callixtô, nhưng vì là người công giáo, nên ông cũng được hưởng đặc ân phóng thích. Biết Callixtô là một gian thương mà nhiều người đương bất mãn, nên để giữ hòa khí, Đức Victôriô điều đình cho ông được gửi đi làm việc tại Antium với một số lương tháng đủ sống. Vốn là con người có chí lập thân và biết cải thiện, Callixtô đã lợi dụng mười năm sống tại Antium để gây lại sự nghiệp, và nhất là trau dồi về văn hóa và tu đức. Ông đặc biệt nghiên cứu về Kinh thánh và thần học.
Hết mười năm, Callixtô biên thư về xin Đức Giêraphinô, người kế vị Đức Victôriô, cho trở về Rôma, và ghi tên nhập hàng đạc đức của địa phận. Sau một thời gian, Đức Giêraphinô chấp thuận cho Callixtô chịu chức Phó tế và đảm nhiệm việc quản trị nghĩa trang. Bấy giờ người công giáo có một nghĩa trang riêng trên đường Salaria. Với tài kinh doanh, thầy Callixtô đã xây thêm một nghĩa trang khác tại đường Appia. Với nghệ thuật kiến trúc mới mẻ, lại ở vào một vị trí thuận tiện, nên chẳng bao lâu nghĩa trang mới này trở nên sầm uất, lấn át nghĩa trang trước và mang tên là nghĩa trang Callixtô. Theo dòng thời gian, cùng với sự hoạt động âm thầm của ơn Chúa, Callixtô nô lệ, gian thương, phu mỏ và tiểu công chức xưa kia, đã dần dần trở thành một tu sĩ, một linh mục hoạt động, có nhiều uy tín với chính quyền và rất thông thạo thần học. Hơn thế, vì tín nhiệm tài đức của cha Callixtô, Đức Giêraphinô đã quyết định chọn ngài làm kế vị ngôi Giáo Hoàng, mặc dầu có nhiều linh mục không bằng lòng. Năm 217, Đức Giêraphinô tạ thế và Đức Callixtô lên thay quyền.
Lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Callixtô phải đương đầu với nhiều vấn đề khó khăn. Vấn đề thứ nhất thuộc tín lý. Ngài đã sáng suốt theo ơn Chúa bảo vệ tín điều Chúa Ba Ngôi: ngài kết án Sabelliô. Đối với ông Hippolitô, ngài không kết án minh nhiên, nhưng cảnh cáo chủ trương nguy hiểm của ông về Chúa Giêsu. Ông này có khuynh hướng về nhị nguyên thuyết. Đúng hơn, trong lúc các danh từ thần học chưa được xác định, Đức Callixtô quyết trung thành với đức tin các tông đồ truyền lại cho Giáo hội. Vấn đề thứ hai thuộc kỷ luật giáo hội. Nhiều người phản đối vì thấy ngài quá dễ dãi với các linh mục lập gia đình. Nhưng với lòng bác ái vị tha, Đức Callixtô đã âm thầm chịu đựng và tìm mọi cách làm vừa lòng mọi người, nhưng vẫn phù hợp với tinh thần Phúc âm. Từ khi nhập hàng giáo sĩ, nhất là từ khi lãnh sứ mệnh đại diện Thiên Chúa ở trần gian, Đức Callixtô tỏ ra một đời sống thánh thiện sâu xa. Ngài bắt chước các thánh phụ, luôn ăn chay và cầu nguyện. Theo sách giáo chủ, thì chính ngài đã ban cho sắc lệnh giữ chay các ngày thứ tư bốn mùa. Với đời sống hối cải và gương mẫu, Đức Callixtô đã có thể nói được như thánh Phaolô rằng: “Những cái từ trước đối với tôi là lợi lộc, nay vì Chúa Kitô, tôi coi là tai họa. Tôi coi tất cả chỉ là tai họa trước sự nhận biết cao cả của Chúa Kitô. Vì Người mà tôi hy sinh tất cả và coi mọi sự như phân bớn...” (Phil 3,7-9).
Đức Callixtô tạ thế năm 222. Tuy nhiên, ngài chết trong hoàn cảnh nào, bệnh tật hay tử đạo, chúng ta không thể xác quyết, mặc dầu ngay từ đầu, phụng vụ Giáo hội vẫn kính ngài như một vị thánh tuẫn giáo.
Lạy Chúa, Chúa biết chúng con nản lòng vì yếu đuối, vì những tội lỗi trong quá khứ. Nhưng việc Chúa làm đối với thánh Callixtô đã khích lệ chúng con rất nhiều. Xin Chúa vì gương sáng và lời bầu cử của thánh Callixtô chúng con mừng kính hôm nay, ban cho chúng con lòng tin mạnh mẽ, kiên trung tin vào sức mạnh của ơn Chúa để cải hóa đời sống chúng con trong niềm yêu Chúa chân thành.
14-10

Thánh Giáo Hoàng Callistus I

(c. 223?)

C
húng ta có được những dữ kiện xác thực về vị thánh này là từ người thù địch với ngài, đó là Hippolytus, vị giáo hoàng đối lập đầu tiên, sau này đã tử đạo. Nguyên tắc phủ định được áp dụng: Nếu Callistus có làm điều gì sái quấy, chắc chắn Hippolytus sẽ nhắc đến.
Callistus là một nô lệ trong đám gia nhân của triều đình Rôma. Ðược giao cho công việc giữ tiền của chủ, ngài đánh mất tiền, bỏ trốn và bị bắt. Sau khi phục dịch một thời gian, ngài được thả ra để tìm lại số tiền. Vì quá hăng say, ngài lại bị bắt vì cãi nhau trong đền thờ người Do Thái. Lần này ngài bị đầy đi làm hầm mỏ ở Sardinia. Sau đó ngài được thả về nhờ sự can thiệp của bà vợ bé của hoàng đế, và sống ở Anzio.
Sau đó ngài được giao cho công việc quản lý nghĩa trang của người Kitô ở Rôma, có lẽ đây là phần đất đầu tiên do Giáo Hội làm chủ. Ðức giáo hoàng phong cho ngài làm phó tế, coi ngài là bạn và là người cố vấn.
Về sau chính ngài được bầu làm giáo hoàng với đa số phiếu của hàng giáo sĩ và giáo dân ở Rôma, và do đó bị tấn công bởi Hippolytus, người thất cử, là người tự đặt mình là giáo hoàng đối lập đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Sự phân ly này kéo dài 18 năm.
Hippolytus được kính trọng như một vị thánh. Ngài bị lưu đầy trong thời kỳ cấm cách năm 235, và đã hòa giải với Giáo Hội. Ngài chết vì sự tra tấn ở Sardinia. Hippolytus tấn công Callistus về hai điểm -- học thuyết và kỷ luật. Dường như Hippolytus đã quá đáng khi phân biệt giữa Chúa Cha và Chúa Con (hầu như hai chúa), có lẽ vì ngôn ngữ thần học thời ấy chưa được rõ ràng. Ngài cũng kết án Callistus là quá khoan dung, vì những lý do có thể khiến chúng ta ngạc nhiên: (1) Callistus cho phép những người đã công khai sám hối về tội giết người, dâm dục và ngoại tình được Rước Lễ; (2) ngài hợp thức hóa hôn nhân giữa người nô lệ và người tự do -- trái với luật Rôma; (3) ngài cho phép truyền chức cho các ông đã lập gia đình hai hay ba lần; (4) ngài chủ trương tội trọng không phải là lý do đầy đủ để cách chức một giám mục; (5) ngài chủ trương chính sách khoan dung đối với những người đã từng chối đạo trong thời kỳ bách hại.
Ðức Callistus bị tử đạo trong cuộc nổi loạn ở Trastevere, Rôma, và là vị giáo hoàng đầu tiên (ngoại trừ Thánh Phêrô) được coi là tử đạo trong danh sách tử đạo tiên khởi của Giáo Hội.

Lời Bàn

Ðời sống của thánh nhân cho thấy con đường lịch sử của Giáo Hội, cũng như của một tình yêu chân chính, không bao giờ êm ả. Giáo Hội đã và đang phải trải qua những phấn đấu cam go để xác định các mầu nhiệm đức tin trong một từ ngữ, mà tối thiểu, phân biệt được với sự sai lầm. Về phương diện kỷ luật, Giáo Hội phải giữ được lòng thương xót của Ðức Kitô đối với sự khắt khe, trong khi vẫn giữ được lý tưởng phúc âm khi nói đến sự sám hối và kỷ luật tự giác. Mỗi một giáo hoàng -- đúng hơn mỗi một Kitô Hữu -- phải đi trên con đường khó khăn giữa sự khoan hồng "hợp lý" và sự nghiêm khắc "vừa phải".

Lời Trích

Ðức Giê-su nói về những người thời ấy, "giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ nói với nhau, 'Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không than khóc'. Vì ông Gio-an [Tẩy Giả] đến, không ăn không uống, thì chúng bảo: 'Ông ta bị quỷ ám'. Con Người đến, ăn uống như mọi người, thì chúng lại bảo: 'Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.'" (Matthew 11:16b-19a).

Lectio: Chúa Nht XXVIII Thường Niên (B)

Chúa Nht, 14 Tháng 10, 2012
Chúa Giêsu mi gi ngưi thanh niên giàu có
Gp trăm đi này, nhưng vi s ngưc đãi!
Mc 10:17-30


1.  Li nguyn m đu
Ly Chúa Giêsu, xin hãy sai Thn Khí Chúa đến giúp chúng con đc Kinh Thánh vi tâm tình mà Chúa đã đc cho các môn đ trên đưng Emmau.   Trong ánh sáng ca Li Chúa, đưc viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đ khám phá ra đưc s hin din ca Thiên Chúa trong ni đau bun v bn án và cái chết ca Chúa.  Vì thế, cây thp giá tưng như là s kết thúc ca mi nim hy vng, đã tr nên ngun gc ca s sng và s sng li.
Xin hãy to s thinh lng trong chúng con đ chúng con có th lng nghe tiếng Chúa trong s To Dng và trong Kinh Thánh, trong các s kin ca đi sng hng ngày và trong nhng ngưi chung quanh, nht là nhng ngưi nghèo khó và đau kh.  Nguyn xin Li Chúa hưng dn chúng con đ, ging như hai môn đ t Emmau, chúng con cũng s đưc hưng sc mnh s phc sinh ca Chúa và làm chng cho nhng ngưi khác rng Chúa đang sng hin hu gia chúng con như ngun gc ca tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cu xin vì danh Chúa Giêsu, con ca Đc Maria, Đng đã mc khi cho chúng con v Chúa Cha và đã gi Chúa Thánh Thn đến vi chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đc 

a)  Chìa khóa dn đến bài đc:
·      Bài Tin Mng ca Chúa Nht XXVIII Thưng Niên k v câu chuyn ca ngưi thanh niên tìm hi Chúa Giêsu v cách đ sng đi đi.  Chúa Giêsu cho anh ta câu tr li, nhưng ngưi thanh niên y không th chp nhn nó, vì anh ta rt giàu có.  S giàu sang cho ngưi ta mt loi an ninh và h rt khó mà t b s an ninh như thế Bi vì nhng ngưi như vy thì gn lin vi nhng thun li mà tài sn ca h mang li, h lo lng v vic bo v li ích ca h Ngưi nghèo khó không có nhng điu lo lng như thế và do đó thì t do hơn.  Nhưng cũng có nhng ngưi nghèo vi tâm tính giàu có.  H nghèo, nhưng không có “tinh thn nghèo khó” (Mt 5:3).  Không ch vì tài sn, mà ưc mun giàu có cũng có th thay đi ngưi ta và khiến cho h tr nên nô l cho ca ci thế gian này. Nhng ngưi như vy s thy khó mà chp nhn li mi gi ca Chúa Giêsu:  “Hãy đi bán nhng gì anh có mà cho ngưi nghèo, anh s đưc mt kho tàng trên tri.  Ri hãy đến theo Ta” (Mc 10:21).  Nhng ngưi như thế s không đi theo con đưng đ ngh bi Chúa Giêsu.  Tôi có th t b mi th vì Nưc Tri không?
·      Trong văn bn ca chúng ta, mt vài ngưi tìm gp Chúa Giêsu đ đưc nhng li khuyên:  ngưi thanh niên giàu có, các môn đ và Phêrô.  Trong bài đc, chúng ta hãy nhìn vào nhng mi bn tâm ca tng mi ngưi và vào câu tr li ca Chúa Giêsu cho h.
b)  Phn phân đon văn bn đ tr giúp cho bài đc:
Mc 10:17:   Điu kin cho nhng ai mun đi theo Chúa Giêsu  
Mc 10:18-19:  Câu tr li đáng ngc nhiên và đòi hi kht khe ca Chúa Giêsu  
Mc 10:20-21:  Cuc đi thoi gia Chúa Giêsu và ngưi thanh niên
Mc 10:22:  Ngưi thanh niên lo lng và không đi theo Chúa Giêsu
Mc 10:23-27:  Cuc nói chuyn gia Chúa Giêsu và các môn đ liên quan đến ngưi giàu có vào Nưc Tri
Mc 10:28:  Câu hi ca Phêrô
Mc 10:29-30:  Chúa Giêsu tr li

c) Tin Mng:
17 Khi y Chúa Giêsu va lên đưng, thì mt ngưi chy li quỳ gi trưc Ngưi và hi: "Ly Thy nhân lành, tôi phi làm gì đ đưc sng đi đi?" 18 Chúa Giêsu tr li: "Sao ngươi gi Ta là nhân lành? Chng có ai là nhân lành, tr mt mình Thiên Chúa. 19 Ngươi đã biết các gii răn: đng ngoi tình, đng giết ngưi, đng trm cp, đng làm chng gian, đng lưng gt; hãy tho kính cha m".
20 Ngưi y thưa: "Ly Thy, nhng điu đó tôi đã gi t thu nh". 21 By gi Chúa Giêsu chăm chú nhìn ngưi y và đem lòng thương mà bo rng: "Ngươi ch thiếu mt điu, là ngươi hãy đi bán tt c gia tài, đem b thí cho ngưi nghèo khó và ngươi s có mt kho báu trên tri, ri đến theo Ta". 22 Nhưng ngưi y nghe nhng li đó, thì s nét mt và bun ru b đi, vì anh ta có nhiu ca ci. 23 Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bo các môn đ rng: "Nhng ngưi giàu có vào nưc Thiên Chúa khó biết bao!" 24 Các môn đ kinh ngc vì nhng li đó. Nhưng Chúa Giêsu li nói tiếp và bo các ông rng: "Hi các con, nhng k cy da vào tin bc, tht khó mà vào nưc Thiên Chúa biết bao! 25 Con lc đà chui qua l kim còn d hơn ngưi giàu có vào nưc Thiên Chúa". 26 Các ông càng kinh ngc hi nhau rng: "Như vy thì ai có th đưc cu đ?" 27 Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: "Đi vi loài ngưi thì không th đưc, nhưng không phi đi vi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm đưc mi s". 28 Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rng: "Đây chúng con đã b mi s mà theo Thy". 29 Chúa Giêsu tr li rng: "Thy bo tht các con, chng ai b nhà ca, anh em, ch em, cha m, con cái, đng rung vì Thy và vì Tin Mng, 30 mà ngay bây gi li không đưc gp trăm đi này v nhà ca, anh em, ch em, cha m, con cái và rung nương, cùng vi s bt b, và đi sau đưc s sng vĩnh cu. Nhưng có nhiu k trưc nht s nên rt hết, và nhng k rt hết s nên trưc nht". 

3.  Giây phút thinh lng cu nguyn:
Đ Li Chúa có th thm nhp và soi sáng đi sng chúng ta.

4.  Mt vài câu hi gi ý:

Đ giúp chúng ta trong phn suy gm cá nhân.

a)  Đim nào trong bài Tin Mng này đánh đng bn nht?  Ti sao?
b)  Ngưi thanh niên lo lng v điu gì và cái gì đã đánh la anh ta?           
c)  Điu sau đây có ý nghĩa gì đi vi chúng ta ngày nay:  “Hãy đi bán tt c gia tài và đem b thí cho ngưi nghèo khó”?  Chúng ta có th thc hin điu này theo nghĩa đen không?
d)  Chúng ta hiu s so sánh gia cây kim và con lc đà ra sao?
e)  Chúng ta hiu như thế nào v vic đưc gp trăm đi này, nhưng cùng vi s bt b?
f)  Ngày nay chúng ta hiu và thc hành nhng li đ ngh ca Chúa Giêsu vi ngưi thanh niên giàu có bng cách nào?  

5.  Dành cho nhng ai mun đào sâu vào trong ch đ

a)  Bi cnh xưa và nay.

 Phn Tin Mng ca Chúa Nht tun này mô t vic hoán ci đang xy ra, th theo li kêu gi ca Chúa Giêsu, phi xy ra trong mi quan h ca chúng ta vi ca ci vt cht. Vì vy, đ hiu đưc đy đ tm quan trng ca li giáo hun ca Chúa Giêsu, chúng ta nên nh li bi cnh rng ln hơn trong đó tác gi Máccô đã đt viết nhng dòng ch này.  Chúa Giêsu đang trên đưng đến Giêrusalem, nơi Ngưi s b đóng đinh (xem Mc 8:27; 9:30,33; 10:1,17,32).  Ngưi sp sa hiến mng sng mình.  Chúa biết rng Ngưi sp sa b giết, nhưng Ngưi không chùn bưc.  Chúa phán:  “Con Ngưi đến không phi đ đưc ngưi ta phc v, nhưng là đ phc v, và hiến mng sng làm giá chuc muôn ngưi!” (Mc 10:45).  Thái đ này ca lòng trung thành và s tn hiến cho s v đưc nhn lãnh t nơi Chúa Cha đã khiến cho Ngưi có th thy nhng gì thc s quan trng trong cuc sng.
 Li đ ngh ca Chúa Giêsu luôn luôn có giá tr, vào thi Chúa Giêsu và vào thi tác gi Máccô cũng như trong thế kỳ th 21 ngày nay.  Chúng ging như nhng tm gương phn chiếu li nhng gì thc s quan trng trong cuc sng, hôm qua và ngày nay:  đ bt đu li t đu, vic xây dng Nưc Tri, đi mi mi quan h ca loài ngưi trên mi tng lp, gia chúng ta vi Thiên Chúa, cũng như vi ca ci vt cht.

b)  Li bình lun v văn bn

Mc 10:17-19:  Nhng gii răn và s sng đi đi
Có ngưi tìm đến và hi:  "Ly Thy nhân lành, tôi phi làm gì đ đưc sng đi đi?"  Tin Mng Mátthêu nói rng đó là mt thanh niên (Mt 19:20,22).  Chúa Giêsu tr li mt cách khá gay gt:  "Sao ngươi gi Ta là nhân lành? Chng có ai là nhân lành, tr mt mình Thiên Chúa!”  Đc Giêsu đã chuyn s chú ý t mình sang Thiên Chúa, vì Ngưi mun thi hành theo thánh ý Chúa Cha, đ mc khi chương trình ca Chúa Cha.  Sau đó, Đc Giêsu nói tiếp:  “Ngươi đã biết các gii răn: đng ngoi tình, đng giết ngưi, đng trm cp, đng làm chng gian, đng lưng gt; hãy tho kính cha m".  Ngưi thanh niên đã hi anh taphi làm gì đ đưc sng đi đi.  Anh ta mun sng gn vi Thiên Chúa!  Nhưng Chúa Giêsu ch nhc nh anh ta v nhng điu răn liên quan đến cuc sng gn vi tha nhân! Ngưi không đ cp đến ba điu răn đu tiên nói v mi quan h vi Thiên Chúa!  Đi vi Chúa Giêsu, chúng ta ch có th đưc sng gn vi Thiên Chúa nếu chúng ta sng gn vi tha nhân.  Chúng ta không nên t la di mình.  Cánh ca dn li đến Thiên Chúa là nhng ngưi chung quanh ta.  Không có cách nào khác!

Mc 10:20:  Vic tuân gi các gii răn có li ích gì?
Ngưi thanh niên thưa li rng anh ta đã tuân gi các gii răn t thu nh Nhng gì xy ra sau đó mi kỳ l Ngưi thanh niên mun biết cách đ đưc s sng đi đi.  Bây gi,cách đ đưc s sng đi đã và vn là: làm theo ý mun ca Thiên Chúa như đưc din đt trong các gii răn Điu này có nghĩa là ngưi thanh niên tuân gi các điu răn mà không biết lý do ti sao!  Anh ta không biết rng vic tuân gi các điu răn ca mình t thu nh là đưng dn đến Thiên Chúa, đến s sng đi đi.  Ngày nay nhiu ngưi Công Giáo không biết lý do ti sao h là ngưi Công Giáo.  “Tôi sinh ra Ý, tôi sinh ra Ái-nhĩ-lan, nên tôi là ngưi Công Giáo!”  Ch là mt thói quen!

Mc 10:21-22:  Chia s ca ci vi ngưi nghèo khó
Chúa Giêsu chăm chú nhìn ngưi y và đem lòng thương mà bo rng: "Ngươi ch thiếu mt điu, là ngươi hãy đi bán tt c gia tài, đem b thí cho ngưi nghèo khó và ngươi s có mt kho báu trên tri, ri đến theo Ta".  Chúa Giêsu đã không xét đoán ngưi thanh niên, cũng không phê phán anh ta, nhưng li kiếm cách giúp đ anh tiến thêm mt bưc na trong đi sng.  Vic hoán ci mà Chúa Giêsu đòi hi là mt vic đang xy ra.  Vic tuân gi các gii răn ch là bưc đu tiên trên bc thang đi xa hơn và cao hơn.  Chúa Giêsu đòi hi phi tiến thêm na!  Vic tuân gi các gii răn chun b cho chúng ta có th hoàn toàn quên mình vì tha nhân.  i Điu Răn là phương cách đ thc hành hoàn ho hai gii răn yêu thương Thiên Chúa và yêu thương tha nhân (Mc 12:29-31; Mt 7:12).  Chúa Giêsu đòi hi hơi nhiu, nhưng Ngưi yêu cu điu y vi rt nhiu yêu thương.  Ngưi thanh niên không đáp li li mi gi ca Chúa Giêsu và b đi bi vì “anh ta là ngưi có nhiu ca ci”.  

Mc 10:23-27:  Con lc đà và l kim
Sau khi ngưi thanh niên b đi, Chúa Giêsu bình phm v quyết đnh ca anh ta:  Nhng ngưi giàu có vào nưc Thiên Chúa khó biết bao!  Các môn đ kinh ngc.  Đc Giêsu lp li nhng gì Ngưi đã nói và thêm vào mt câu tc ng đưc dùng vào thi by gi đ nói v mt điu gì đó mà con ngưi không th làm đưc.  Con lc đà chui qua l kim còn d hơn ngưi giàu có vào nưc Thiên Chúa!  Mi dân tc có các câu thành ng và tc ng mà không th đưc hiu theo nghĩa đen.  Ví d, Ba-tây, đ bo mt ai đó đng nên quy ry ngưi khác, ngưi ta nói:  “Hãy đi tm đi!”  Nếu mt ngưi hiu câu nói này theo nghĩa đen thì ngưi y b nhm ln và không nhn thc đưc thông đip!  Chuyn con lc đà phi chui qua l kim cũng tương t như thế Không th nào xy ra đưc! 
Các môn đ đã kinh ngc v nhng li ca Chúa Giêsu!  Điu này có nghĩa là các ông đã không hiu câu tr li ca Chúa Giêsu nói vi ngưi thanh niên giàu có:  “Ngươi hãy đi bán tt c gia tài, đem b thí cho ngưi nghèo khó và ngươi s có mt kho báu trên tri, ri đến theo Ta!"  Ngưi thanh niên đã tuân gi nhng gii răn mà không hiu lý do ti sao. Điu tương t đang xy ra cho các môn đ Đi theo Chúa Giêsu, các ông đã b li đng sau mi th (Mc 1:18,20), mà không hiu biết lý do ti sao các ông đã t b tt c Nếu các ông hiu đưc lý do ti sao, thì các ông s không ngc nhiên li yêu cu ca Chúa Giêsu đến thế Khi ca ci hoc lòng mong mun đưc giàu có xâm chiếm trái tim và lòng mơ ưc ca con ngưi, thì ngưi ta khó mà hiu đưc ý nghĩa ca cuc sng và ca Tin Mng.  Ch có Thiên Chúa mi có th giúp mt ngưi như thế!  “Đi vi loài ngưi thì không th đưc, nhưng không phi đi vi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm đưc mi s”.
Khi Chúa Giêsu nói rng “ngưi giàu có vào nưc Thiên Chúa khó biết bao”, Ngưi không đ cp đến trưng hp đu tiên vào thiên đàng sau khi chết, mà là bưc vào cng đoàn chung quanh anh ta.  Cho đến ngày nay, rt khó biết bao cho mt ngưi giàu có b li tt c mi th và bưc vào mt cng đoàn giáo hi nh bé đơn sơ sng bên cnh nhng ngưi nghèo khó, cùng vi h, và do đó đ theo Chúa Giêsu.   

Mc 10:28-30:  Cuc đàm lun gia Chúa Giêsu và Phêrô
Ông Phêrô đã hiu đưc rng “đ vào nưc Thiên Chúa” cùng đng nghĩa như đi theo Chúa Giêsu trong s nghèo khó.  Vì vy, ông hi:  “Đây chúng con đã b mi s mà theo Thy.  Sau này chúng con s nhn đưc nhng gì?"  Mc dù đã b mi s, Phêrô vn còn mang tâm lý cũ.  Ông đã chưa hiu đưc ý nghĩa ca s phc v và tưng thưng Ông và các bn ca ông đã b mi s đ đưc nhn li mt cái gì đó:  “Sau này chúng con s nhn li đưc gì?”  Câu tr li ca Chúa Giêsu thì tưng trưng.  Ngưi gi ý rng các ông không nên mong mi s nhn li đưc bt kỳ điu gì, bt kỳ bo đm nào, hay bt kỳ thăng quan tiến chc nào.  Vâng, các ông s nhn đưc gp trăm!  Nhưng cùng vi s bt b đi này!   đi sau đưc s sng vĩnh cu mà ngưi thanh niên nói ti.  “Thy bo tht các con, chng ai b nhà ca, anh em, ch em, cha m, con cái, đng rung vì Thy và vì Tin Mng, mà li không đưc gp trăm đi này v nhà ca, anh em, ch em, cha m, con cái và rung nương - cùng vi s bt b - ngay bây gi,  đi sau, đưc s sng vĩnh cu.”

c)  Phn ph chú:

Chúa Giêsu và s la chn cho ngưi nghèo

Mt chế đng nô l đánh du tình trng ngưi dân min Galilêa vào thi Chúa Giêsu:  (i) Chế đ nô l chính tr ca vua Hêrôđê, đưc đế chế La Mã h tr, áp đt mt h thng khai thác và đàn áp toàn din; (ii) Chế đ nô l ca h thng tôn giáo chính thc, đưc duy trì bi nhng ngưi có thm quyn v tôn giáo thi y.  Bi vì điu này, gia đình, cng đoàn, gia tc đã b phân hóa và hu hết mi ngưi sng b khưc t, sng ngoài l, không nơi c đnh, không tôn giáo vá không xã hi.  Đ chng tr li s phân hóa này ca cng đoàn và gia đình, đã có mt s phong trào, trong đó, ging như Chúa Giêsu, đã th cách sng mi và chung sng vi nhau trong cng đoàn.  Nhng nhóm như phái Essence, nhng ngưi Bit Phái, và sau đó, nhng ngưi phái Nhit Thành, tt c h sng trong cng đoàn.  Tuy nhiên, trong cng đoàn ca Chúa Giêsu, có điu gì mi m và khác bit vi hai nhóm kia.  Đó là thái đ đi vi ngưi nghèo khó và nhng ngưi b gt ra ngoài xã hi.

Cng đng ngưi Bit Phái sng bit lp T ng “Pharisêu” có nghĩa là “riêng bit”.  H sng bit lp khi nhng ngưi không tinh sch Nhiu ngưi Bit Phái coi ngưi ta như nhng k dt nát và quân b nguyn ra (Ga 7:49), ti li ngp đu (Ga 9:34).  H đã không hc đưc gì nơi ngưi ta (Ga 9:34).  Mt khác, Chúa Giêsu và cng đoàn ca Ngưi sng gia nhng ngưi b khinh mit nhng k b xem là ô uế k thu thuế, ti nhân, gái điếm và ngưi phong cùi (Mc 2:16; 1:41; Lc 7:37).  Chúa Giêsu trông thy s phong phú và giá tr nơi h (Mt 11:25-26; Lv 21:1-4).  Chúa công b ngưi nghèo khó hnh phúc bi vì Nưc Tri thuc v h (Lc 6:20; Mt 5:3).  Ngưi xác đnh s v ca mình là “loan báo Tin Mng cho ngưi nghèo khó” (Lc 4:18).  Ngưi đã sng như ngưi nghèo khó.  Ngưi không s hu vt gì, ngay c viên đá gi đu (Lc 9:58).  Đi vi nhng ai mun đi theo mình, Chúa cho h mt s chn la:  Thiên Chúa hay là tin ca! (Mt 6:24).  Ngưi bo h hãy làm s chn la hưng v ngưi nghèo! (Mc 10:21).  S thanh bn đc trưng cho đi sng ca Chúa Giêsu và ca các môn đ Ngưi, cũng đã đc trưng cho s v ca Ngưi.  Trái vi các nhóm rao ging khav1 (Mt 23:15), các môn đ ca Chúa Giêsu không đưc mang theo mình mt th gì, không vàng, không bc, không mc hai áo, không bao b và không đi dép (Mt 10:9-10).  H phi tin tưng nơi s đón tiếp ca tha nhân (Lc 9:4; 10:5-6).  Và nếu các ông không đưc ngưi ta đón tiếp, h phi làm vic như mi ngưi khác và sng bng nhng gì ngưi ta dn cho (Lc 10:7-8).  Các ông phi săn sóc ngưi bnh tt và túng thiếu (Lc 10:9; Mt 10:8).  Sau đó các ông có th nói vi ngưi ta:  “Triu Đi Thiên Chúa đã đến gn các ông” (Lc 10:9).

Mt khác, khi nói v vn đ qun lý ca ci, điu mà đánh đng chúng ta trong các d ngôn ca Chúa Giêsu là s nghiêm túc mà Ngưi yêu cu trong vic x dng nhng ca ci này (Mt 25:21,26; Lc 19:22-23).  Chúa Giêsu mun tin ca phi đưc dùng đ phc v đi sng (Lc 16:9-13).  Đi vi Chúa Giêsu, nghèo khó không đng nghĩa vi si biếng và cu th Li chng khác bit này thiên v ngưi nghèo là nhng gì đã thiếu vng trong các phòng trào ph biến thi nhng ngưi Bit Phái, phái Essence và phái Nhit Thành. Trong Kinh Thánh, mi ln mt phong trào phát sinh đ lp li li Giao Ưc, thì nó li bt đu bng vic tái thiết lp quyn li ca ngưi nghèo và b ht hi.  Nếu không có điu này, thì bn Giao Ưc là điu không th thc hin đưc.  Do đó các tiên tri đã làm như thế và Đc Giêsu cũng làm như vy.  Ngưi lên án chế đ cũ nhân danh Thiên Chúa mà khinh r ngưi nghèo.  Đc Giêsu công b mt khi đu mi mà, nhân danh Thiên Chúa, tp hp li nhng k b loi tr Đây là ý nghĩa và lý do cho vic lng vào s mnh cng đoàn ca Đc Giêsu gia nhng ngưi nghèo khó.  Ngưi tìm hiu v ci ngun và m đu cho mt Giao Ưc Mi.  
   

6.  Thánh Vnh 15 (14)
Ngưi cư ng trong nhà Chúa! 
Ly CHÚA, ai đưc vào ng trong nhà Chúa,
đư
c trên núi thánh ca Ngài?

Là k
sng vn toàn, luôn làm điu ngay thng,
b
ng nghĩ sao nói vy,
mi
ng lưi chng vu oan, không làm hi ngưi nào,
ch
ng làm ai nhc nhã.
Coi khinh phư
ng gian ác, trng ai kính CHÚA TRI,
l
th mà b thit, thì cũng chng rút li,
cho vay không đ
t lãi, chng nhn quà hi l
mà h
i đến ngưi ngay.
Phàm ai làm nh
ng điu này
không h
nao núng chuyn lay bao gi.

7.  Li Nguyn Kết

Ly Chúa Giêsu, chúng con xin cm t Chúa v Li Chúa đã giúp chúng con hiu rõ hơn ý mun ca Chúa Cha.  Nguyn xin Thn Khí Chúa soi sáng các vic làm ca chúng con và ban cho chúng con sc mnh đ thc thi Li Chúa đã mc khi cho chúng con.  Nguyn xin chúng con, tr nên ging như Đc Maria, thân mu Chúa, không nhng ch lng nghe mà còn thc hành Li Chúa. Chúa là Đng hng sng hng tr cùng vi Đc Chúa Cha trong s hip nht vi Chúa Thánh Thn đến muôn thu muôn đi.  Amen.


Bài đọc 2 
Danh Ta thật cao cả giữa chư dân 
Trích bài chú giải của thánh Xy-ri-lô, giám mục A-lê-xan-ri-a, về sách ngôn sứ Khác-gai. 

Thời Đấng cứu độ chúng ta ngự đến, đã xuất hiện một Đền Thánh vinh quang, huy hoàng và cao trọng hơn bội phần so với Đền Thờ cũ. Càng thẩm định được sự khác biệt giữa phụng tự theo Luật cũ và phụng tự trong Đức Ki-tô theo Tin Mừng, giữa hình bóng và thực tại, thì người ta còn thấy điều đó rõ ràng hơn. 
Về điều này, tôi nghĩ có thể nói như sau : Xưa kia chỉ có một đền thờ và chỉ ở Giê-ru-sa-lem mà thôi ; trong đền thờ đó, một mình dân Ít-ra-en tiến dâng hy lễ. Nhưng sau khi Con Một Thiên Chúa đã làm người như chúng ta - vì Người là Đức Chúa, là Thượng Đế. Người giãi sáng trên ta, - thì từ đó, trái đất đầy dẫy những đền thánh, và có vô số những kẻ thờ phượng, biết kính tôn Thiên Chúa của muôn loài bằng những nghi lễ và hương thơm thiêng liêng. Tôi thiết nghĩ đó là điều ngôn sứ Ma-la-khi đã tiên báo nhân danh Thiên Chúa : Chúa phán : Ta là Đại Vương, danh Ta thật cao cả giữa muôn dân ; ở khắp nơi người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính danh Ta. 
Vậy, vinh quang của đền thờ cánh chung, tức là Hội Thánh thì lớn lao hơn : đó là điều có thật. Còn những ai lo lắng và vất vả xây dựng đền thờ này thì được Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, ban Đức Ki-tô là sự bình an cho mọi người làm tặng phẩm, làm món quà từ trời xuống,nhờ Người, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha. Thiên Chúa tuyên bố với những người ấy khi nói : Tại nơi này, Ta sẽ ban tặng bình an, bình an trong tâm hồn làm của riêng cho mọi người đóng góp xây dựng ngôi đền thờ này. Quả nhiên, nơi khác Đức Ki-tô cũng nói : Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Điều này ích lợi cho những người yêu mến Chúa thế nào thì thánh Phê-rô đã nói : Bình an của Đức Ki-tô, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng trí anh em. Ngôn sứ I-sai-a là người khôn ngoan từng cầu nguyện rằng : Lạy Đức Chúa, Ngài cho chúng con được an cư lạc nghiệp, vì hết mọi việc chúng con làm cũng nhờ Ngài mà được hoàn tất, bởi lẽ những ai đã một lần được Đức Ki-tô thương ban bình an thì dễ giữ linh hồn mình và có thể hướng dẫn tâm trí tập tành nhân đức cho đến cùng. Vậy, Chúa tuyên bố sẽ ban bình an cho bất cứ ai góp phần vào việc xây dựng đền thờ. Quả thật, hoặc họ là kẻ xây dựng Hội Thánh và được đặt lên làm người khải đạo trong nhà Thiên Chúa, cũng gọi là kẻ giải thích cho mầu nhiệm thánh ; hoặc họ là kẻ lo lợi ích cho linh hồn mình mà trở thành viên đá sống động và thiêng liêng vươn lên thành ngôi đền thánh, thành ngôi đền Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí. Con người như thế hẳn sẽ được hưởng mối lợi là có thể đạt tới ơn cứu độ chẳng khó khăn gì. 

Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng, ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin...
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách CN28TN-bản dịch của nhóm CGKPV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét