Trang

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

12-10-2012 : THỨ SÁU TUẦN XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Sáu sau Chúa Nhật 27 Quanh Năm
* * *


Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 3, 7-14
"Những ai cậy dựa vào đức tin, sẽ được chúc phúc với Abraham, con người tin tưởng".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, anh em hãy nhận biết rằng: những ai cậy dựa vào đức tin, thì họ là con cái của Abraham. Thực Kinh Thánh thấy trước rằng Thiên Chúa sẽ dùng đức tin làm cho các dân ngoại được công chính, nên đã tiên báo cho Abraham rằng: "Nơi ngươi tất cả dân ngoại sẽ được chúc phúc". Vậy những ai cậy dựa vào đức tin sẽ được chúc phúc với Abraham, con người tin tưởng.
Thực ra, những người cậy dựa vào lề luật, họ mắc phải điều vô phúc, vì có lời chép rằng: "Vô phúc những ai không trung thành với những điều ghi trong Sách Luật, để thi hành những điều đó". Ðàng khác, không ai được công chính hoá trước mặt Chúa bởi lề luật, đó là điều hiển nhiên, vì lẽ rằng: "Người công chính sẽ sống bởi đức tin". Lề luật không căn cứ ở đức tin, nhưng là "Ai thực hành những khoản ấy, sẽ nhờ đó mà được sống".
Ðức Kitô đã cứu chuộc chúng ta khỏi điều vô phúc của lề luật, bởi Người đã vì chúng ta, biến thành điều vô phúc, như lời chép rằng: "Hễ ai bị treo trên cây gỗ, đều là vô phúc", để phúc lành của Abraham được chuyển tới các dân ngoại trong Ðức Giêsu Kitô, hầu chúng ta nhờ đức tin mà lãnh nhận Thánh Thần Chúa đã hứa".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).
Xướng: 1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi! - Ðáp.
2) Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Người muôn đời tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Ðấng nhân hậu từ bi. - Ðáp.
3) Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. Chúa tỏ cho dân Người thấy công cuộc quyền năng của Người, hầu ban cho họ được phần sản nghiệp của chư dân. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời, và vinh quang trên các tầng trời! - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 11, 15-26
"Nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, (lúc Chúa Giêsu trừ quỷ), thì có mấy người trong dân chúng nói rằng: "Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ". Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống.
Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: "Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.
"Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tán hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.
"Khi thần ô uế ra khỏi người nào, thì nó đi dông dài những nơi khô ráo, tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng không tìm được, nên nó nói rằng: "Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi". Khi đến nơi, nó thấy nhà đó đã được quét sạch và sắp đặt ngăn nắp. Bấy giờ nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu mạc khải rõ sứ mệnh của Ngài khi Ngài dùng quyền năng mà trừ quỷ. Ngài đến để bảo vệ và bênh vực chúng ta, cứu chúng ta thoát khỏi ách thống trị của ma quỷ và tội lỗi.
Ðức Giêsu còn cho ta biết thêm: ma quỷ là kẻ thù rất mạnh thế, chúng luôn tìm cách lôi kéo trói buộc chúng ta bằng đủ mọi mưu chước. Vì thế, chúng ta cần tỉnh táo và sáng suốt trước những thử thách.

Cầu Nguyện:
Lạy Cha, Chúa Giêsu Con Cha, đã dạy chúng con phải cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ. Giữa cuộc sống đầy hấp dẫn và lôi kéo của thế trần. Xin cho chúng con cũng biết noi gương Ngài: Luôn gắn bó với Cha, cầu nguyện cùng Cha. Ðể chúng con được sức mạnh chiến thắng trong cuộc chiến với ma quỷ. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
 (Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Nương Tựa Vào Chúa
(Lc 11,15-26)
Suy Niệm:
Nương Tựa Vào Chúa
Dù với công thức dài như ở Tin Mừng Matthêu hay ngắn gọn nơi Tin Mừng Luca, Kinh Lạy Cha được kết thúc bằng câu: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ". Nhắc nhở các môn đệ cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ, Chúa Giêsu cũng muốn nói đến một thực tại luôn có mặt trong thế giới này để làm hại con người, đó là sự dữ hay ma quỉ. Ở bên cạnh con người, nhưng ma quỉ không hiện nguyên hình, mà lại mượn chính hình dạng con người để quyến rũ và lôi kéo con người đến điều ác.
Ðó cũng là sự kiện đã xảy ra như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay: sau khi Chúa Giêsu chữa cho một người bị quỉ ám được khỏi, trong đám đông có mấy người nói rằng Ngài đã nhờ thế của quỉ vương Beelzebul mà trừ quỉ. Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này để mạc khải về Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa đã đến và trong đó có bóng dáng của ma quỉ. Một Phêrô vừa được khen thưởng vì đã tuyên xưng đúng tước hiện của Chúa Kitô, thì lập tức đã bị khiển trách là Satan khi ông căn ngăn Chúa Giêsu lên Yêrusalem để chịu khổ nạn.
Chúa Giêsu đã đến để chiến thắng ma quỉ và tội lỗi, đồng thời Ngài cũng đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải có một thái độ dứt khoát: "Ai không theo tôi, là chống tôi, và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán". Hình ảnh người võ trang canh giữ nhà của mình là một lời mời gọi những kẻ theo Chúa biết hoàn toàn đặt tin tưởng, phó thác vào Ngài. Tìm một người hùng mạnh để canh giữ cho mình được an toàn thì có ai bằng Thiên Chúa; kiếm một nơi ẩn náu trước những tấn công của kẻ thù, thì có đâu vững chắc cho bằng núp bóng dưới cánh tay Ngài.
Chúng ta phải tìm nơi nương tựa mạnh mẽ, vững chắc, vì ma quỉ như sư tử luôn gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé, làm hại chúng ta. Một lần thất bại, nó không nản lòng, nó sẽ trở lại với một lực lượng hùng mạnh hơn. Bởi đó, chúng ta phải kiên trì trong lời cầu nguyện: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ". Cám dỗ là vũ khí ma quỉ dùng để đánh bại chúng ta, nhưng chúng ta vẫn không nao núng, nếu biết đứng vững trong đức tin để chống cự và biết ẩn núp dưới sự che chở của Chúa.
Nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta luôn kiên vững trong niềm xác tín đó.
(Veritas Asia)

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Sáu Tuần 27 TN2
Bài đọc: Gal 3:7-14; Lk 11:15-16.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Nên công chính nhờ đức tin

Làm sao con người có thể trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa là trọng tâm của Thư gởi tín hữu Galat. Đối phương của thánh Phaolô cho rằng con người có thể trở nên công chính bằng việc giữ trọn vẹn các Lề Luật. Thánh Phaolô cho rằng con người chỉ có thể trở nên công chính bằng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Hiểu câu trả lời của thánh Phaolô rất cần cho sự đối thọai giữa Kitô Giáo và Do Thái Giáo cũng như Hồi Giáo.
Chỉ có Thiên Chúa và những ai Thiên Chúa ban cho mới có quyền trên quỷ. Chúa Giêsu trừ quỷ bằng ngón tay của Thiên Chúa. Điều này chứng minh cho mọi người thấy Ngài là Thiên Chúa; thế mà một số người lại cho Ngài nhờ thế của tướng quỷ Bêel-zebul mà trừ quỷ. Kẻ khác lại đòi thêm dấu lạ từ trời trước khi có thể tin vào Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nên công chính nhờ đức tin
1.1/ Abraham nên công chính nhờ đức tin hay bằng thi hành những gì Thiên Chúa dạy? Đây là lý luận chính của của cả Phaolô và những người Do-Thái vì cả hai đều tin vào Abraham.
Cách tốt nhất để hiểu một nguyên tắc là xem nó áp dụng làm sao vào một người. Vì thế, thánh Phaolô hướng lòng các tín hữu Galat vào tổ phụ Abraham. Ông là người mà Thiên Chúa đã làm một lời hứa vĩ đại là qua ông tất cả các dân tộc trên địa cầu sẽ được chúc lành (Gen 12:3). Ông là người mà Thiên Chúa đã chọn cách đặc biệt là bạn tâm phúc của Ngài. Bằng cách nào Abraham đã làm hài lòng Thiên Chúa? Chắc chắn là không bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật vì ở thời gian đó chưa có Luật (Luật chỉ xuất hiện từ thời ông Môsê trở đi). Ông Abraham đã làm hài lòng Thiên Chúa bằng việc tin tưởng hòan tòan vào tất cả những gì Chúa nói với ông.
Ai là con cháu hay giòng dõi của Abraham? Người Do-Thái tin họ là giòng dõi đích thực của Abraham theo di truyền và hãnh diện vì điều này làm họ khác biệt với các Dân Ngọai. Phaolô không tin như thế, ngài tuyên bố: “Những ai dựa vào đức tin, những người ấy là con cái ông Áp-ra-ham. Đàng khác, Kinh Thánh thấy trước rằng Thiên Chúa sẽ làm cho Dân Ngoại nên công chính nhờ đức tin, nên đã tiên báo cho ông Áp-ra-ham tin mừng này: Nhờ ngươi, muôn dân sẽ được chúc phúc. Như vậy, những kẻ dựa vào đức tin thì được chúc phúc làm một với ông Áp-ra-ham, người có đức tin.” Vì thế, các tín hữu Galat là con cháu đích thực của tổ phụ Abraham vì họ đã tuyên xưng đức tin của họ vào Thiên Chúa; chứ không cần phải giữ Luật mới có thể trở thành con cháu của Abraham.
1.2/ Lề Luật đặt con người dưới lời nguyền rủa: Lý luận của Phaolô sau đây sẽ đưa đối phương vào góc tường và hết đường trốn thóat. Ngài nói: giả sử anh quyết định anh sẽ nên công chính trước mặt Thiên Chúa bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật của Ngài; đâu là hệ quả mà anh phải gánh chịu: Trước tiên, anh phải thực hành những gì Luật dạy; nếu không anh phải chịu các hậu quả của nó. Thứ đến, anh phải giữ tất cả những gì Luật dạy; và từ xưa tới giờ, chưa có ai dám vỗ ngực tự xưng mình đã giữ trọn vẹn tất cả mọi Lề Luật. Vì thế, “những ai dựa vào những việc Luật dạy phải làm thì đều chuốc lấy lời nguyền rủa, vì Kinh Thánh viết: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ không bền chí thi hành tất cả những gì chép trong sách Luật” (Dt 27:26).
Kinh Thánh có lời ngược lại: “Người nào mà trở nên công chính với Chúa bằng đức tin sẽ thực sự sống” (Hab 2:4). Vì thế, không ai được nên công chính trước mặt Thiên Chúa nhờ Lề Luật. Chỉ còn một cách nên công chính trước mặt Chúa là bằng con đường đức tin. Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống. Dĩ nhiên, những ai thực hành trọn vẹn những điều Lề Luật dạy, thì nhờ đó sẽ được sống; nhưng thực tế cho thấy không ai có thể đi theo con đường ấy cả.
1.3/ Đức Ki-tô đã cứu chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa bởi Lề Luật: Vì mọi người đã vi phạm Luật, nên hậu quả là mọi người phải chết; nhưng ai có thể cứu con người khỏi chết? Đó chính là nguyên nhân tại sao Con Thiên Chúa nhập thể và chịu chết thay cho mọi người.
 (1) Khi Ngài chịu treo trên Thập Giá: Đức Ki-tô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ! (Dt 21:23).
 (2) Dân Ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho ông Abraham: Như thế, nhờ Đức Giêsu Kitô, các Dân Ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho tổ phụ Abraham; và để nhờ đức tin, mọi người nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa tức là Thánh Thần.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu trừ quỷ bằng ngón tay Thiên Chúa.
Chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu trừ quỷ, có 3 phản ứng của con người:
- Có mấy người vì ghen tương bảo: "Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-el-dê-bun mà trừ quỉ." Đối với hạng người này, Chúa hỏi họ 2 câu: (1) Nếu Ta dựa thế quỉ vương Beelzebul mà trừ quỉ, thì con cháu các ngươi nhờ ai mà trừ quỉ; (2) Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?
- Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. Phép lạ Chúa làm là để khơi dậy niềm tin. Nếu đã chứng kiến phép lạ rồi mà vẫn chưa tin thì chẳng có gì bảo đảm sẽ tin khi chứng kiến phép lạ nữa. Hơn nữa, đức tin dựa trên phép lạ sẽ không bền vững.
- Đa số đám đông đều tin vào Ngài vì họ tin chỉ Thiên Chúa mới có thể làm được phép lạ như vậy.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Không một ai trong chúng ta có thể trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa bằng việc giữ cẩn thận các giới răn vì không ai có thể giữ tất cả mọi điều.
- Chúng ta chỉ có thể trở nên công chính bằng cách tin vào Chúa Giêsu Kitô, chính Ngài đã chịu chết thay cho chúng ta; và nhờ Ngài chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa và lãnh nhận mọi ơn cần thiết cho đời này và đời sau.
- Khi chứng kiến những việc kỳ diệu của người khác làm, chúng ta hãy thành thật khen ngợi tài năng của họ. Đừng để tính kiêu ngạo ghen tương làm mờ mắt khiến chúng ta khinh thường họ hay phủ nhận những gì họ đã làm.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ Sáu tuần 27 thường niên
Sứ điệp: Chúa Giêsu dùng quyền năng Thiên Chúa xua trừ ma quỷ và thực hiện triều đại Thiên Chúa. Ai thuộc về Thiên Chúa phải xa lánh tội lỗi và ma quỷ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng uy quyền Thiên Chúa cứu chữa bao kẻ bệnh tật, xua trừ ma quỷ. Con xác tín rằng Chúa đến khai mở một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Thiên Chúa cứu độ loài người. Chúa đến thiết lập một triều đại mới và vĩnh tồn, triều đại Thiên Chúa. Từng việc Chúa làm, từng lời Chúa nói, đều tỏ lộ quyền năng và tình thương cứu độ Chúa dành cho con. Lạy Chúa, con xin dâng lời cảm tạ và chúc tụng Chúa đến muôn đời.
Lạy Chúa, khi Chúa khai mở thời đại cứu độ cũng là lúc Chúa chấm dứt thời kỳ của ma quỷ. Nhưng chúng vẫn chưa hoàn toàn chịu khuất phục quyền uy Chúa. Chúng vẫn còn muốn khuấy động và gieo rắc vào lòng mọi người sự thù hằn, chống đối và phản nghịch Chúa. Có người đã coi Chúa như một thầy ma thuật, lấy quyền tướng quỷ để trừ quỷ, có kẻ đã đòi những dấu lạ như thách thức quyền năng Chúa. Ma quỷ vẫn còn đó, chúng ghen tức với hạnh phúc và ơn cứu độ dành cho chúng con. Chúng vẫn luôn tiếp tục gây chia rẽ, thù hằn, chống đối giữa chúng con với Thiên Chúa, giữa chúng con với nhau ngay trong thế giới hôm nay.
Lạy Chúa, xin biểu lộ quyền năng giúp con thắng vượt mọi mưu chước ma quỷ. Xin cho con ơn thức tỉnh ngay với bản thân để đừng khi nào  con cố tình phạm tội, hay đồng lõa với cơn cám dỗ. Xin cứu con khỏi mọi sự dữ. Amen.
Ghi nhớ : "Nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi".
12/10/12 THỨ SÁU TUẦN 27 TN
Lc 11,15-26 


THÁI ĐỘ TRƯỚC NHỮNG NGƯỜI ĐỘC MIỆNG
“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Lc 11,15-16)
Suy niệm: Gán những phép lạ tốt lành Chúa Giê-su thực hiện cho chúng có nguồn gốc từ quỉ Bêendêbun, đó quả là một lời xuyên tạc hiểm độc. Đối lại, Chúa Giêsu cho thấy không có gì phải làm ầm ĩ. Một cách bình thản, Ngài đưa ra những lập luận lành mạnh và vững chắc để bẻ gãy những lời nguỵ biện kia: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn… Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?” Nhưng, phản bác những lời xuyên tạc kia chưa phải là mối bận tâm lớn nhất của Chúa, trọng tâm duy nhất của Ngài đó là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.”
Mời Bạn: Tôi có cái nhìn đầy thành kiến “trông cò ra quạ”, nhìn những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa ra biểu hiện của quỷ Bêendêbun hay không? Tôi có xu hướng xét đoán ý xấu cho người khác không? Mặt khác, ơn gọi và sứ mạng của người môn đệ Chúa là loan báo Tin Mừng trước tiên bằng đời sống của mình giữa thế gian, tôi đã phản ứng thế nào khi làm điều tốt mà lại bị người khác công kích, xuyên tạc?
Sống Lời Chúa: Nhìn ngắm thật kỹ mẫu gương của Chúa Giê-su hôm nay. Mỗi khi tôi định nói xấu về ai hoặc tôi bị ai nói xấu hãy nhớ lại thái độ này của Chúa và xin ơn bắt chước Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã biến tội lỗi chúng con thành dịp để ban cho chúng con điều tốt đẹp nhất, đó là ơn cứu độ. Xin giúp con biết bắt chước Chúa để con có thể khám phá những điều tốt đẹp nơi anh em con.
Ngón tay Thiên Chúa
Chúng ta không đứng ngoài cuộc chiến giữa Đức Giêsu với Xatan. Chúng ta cùng chiến đấu với Giêsu cho một thế giới không còn tội ác, một thế giới không còn bạo lực, bất công...
Suy nim:
Nếu đời người là một cuộc chiến đấu không ngừng
thì Đức Giêsu khi sống ở đời, cũng không tránh khỏi cuộc chiến ấy.
Cha sai Ngài đến để khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian.
Để làm việc đó, Nước của Xatan cần bị triệt tiêu.
Cuộc đối đầu giữa Đức Giêsu và Xatan là điều không tránh khỏi.
Ngay trước khi bắt đầu sứ vụ,
Đức Giêsu đã phải đối diện với những mồi chài khôn khéo của Xatan.
Và Ngài đã thắng, đã bắt Xatan phải xéo đi cho khuất mắt (Mt 4, 10).
Khi làm việc Cha giao, khi gần gũi với con người,
Đức Giêsu thấy rất rõ sự hiện diện đầy quyền lực của tên tướng quỷ.
Xatan và Nước của nó chi phối và tác động trên con người.
Đức Giêsu là Đấng giải phóng con người khỏi nô lệ bởi Xatan.
Một công việc không ai chối cãi được của Ngài là trừ quỷ.
Nhưng có nhiều cách giải thích chuyện trừ quỷ của Ngài.
Có người coi Đức Giêsu đã trừ quỷ dựa vào thế lực của Bêendêbun.
Bêendêbun là một vị thần xứ Canaan, ở đây được coi là Xatan.
Không thể nào tướng quỷ lại giúp Ngài diệt các quỷ nhỏ của hắn.
Nếu thế Nước của Xatan chẳng thể nào tồn tại đến nay (c. 18).
Đức Giêsu khẳng định mình dùng ngón tay Thiên Chúa để trừ quỷ (c. 20).
Chỉ cần chút quyền năng Thiên Chúa cũng đủ để xua đuổi ác thần,
và khai mở Nước Thiên Chúa giữa lòng thế giới.
Chúng ta thường quên Xatan là nhân vật có thật và hùng mạnh,
có vũ trang đầy đủ để canh giữ lâu đài của hắn cho an toàn (c. 21).
Nhưng Đức Giêsu chính là người hùng mạnh hơn và thắng được hắn.
Ngài có khả năng tước vũ khí và phân chia chiến lợi phẩm (cc. 21-22).
Cuộc chiến của Đức Giêsu chống lại Ác thần vẫn còn kéo dài đến tận thế.
Có những lúc chúng ta tưởng Xatan là kẻ hùng mạnh hơn,
và dường như thế giới nằm dưới móng vuốt của hắn.
Nhưng chiến thắng cuối cùng thuộc về Đức Giêsu, khi Ngài quang lâm.
Chúng ta không đứng ngoài cuộc chiến giữa Đức Giêsu với Xatan.
Chúng ta cùng chiến đấu với Giêsu cho một thế giới không còn tội ác,
một thế giới không còn bạo lực, bất công, thất vọng, muộn phiền,
một thế giới không còn khổ đau, bệnh tật, đói nghèo, mất hướng.
Đứng hẳn về phía Giêsu, đi với Giêsu, thu góp với Giêsu:
đó là chọn lựa của người Kitô hữu (c. 23).
Ngay cả khi đã trục xuất được quỷ dữ khỏi đời mình,
và khi ngôi nhà đời mình đã được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi,
ta cũng phải hết sức cảnh giác, vì có nguy cơ quỷ trở lại.
Sự trở lại này có thể còn kinh khủng hơn trước (c. 26).
Có vẻ quỷ thích ở lại với con người hơn là lang thang nơi hoang mạc,
nên căn nhà tâm hồn của chúng ta cần được bảo vệ bằng lũy hào Lời Chúa.
Xin Đức Giêsu dạy chúng ta biết cách nhận diện kẻ thù,
biết cách đuổi Xatan ra khỏi đời mình và ngăn không cho nó trở lại.
Cầu nguyn:
Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con.
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.
Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.
Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị biệt, thành kiến,
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.
Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi".

Quyền Năng Trên Quỉ Dữ
Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện là một dấu chỉ để mạc khải nước Thiên Chúa và tình thương giải phóng của Thiên Chúa đối với con người. Nhưng mọi dấu chỉ đều lưỡng vị, hai nghĩa và người ta có thể giải thích cách này hay cách khác, tùy theo tâm hồn họ như thế nào. Thiên Chúa chấp nhận để cho con người làm như vậy là vì Ngài kính trọng tự do của người chứng kiến và giải thích dấu chỉ. Ðó là điều đã xảy ra và được kể lại trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại trên đây.
Nhiều người kính phục quyền năng giải phóng và tình thương nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện nơi và qua hành động của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, vài người khác thì giải thích xấu đi, cho rằng Chúa Giêsu cấu kết với quyền lực của quỷ vương để trừ quỷ con. Nhưng giải thích như vậy không hợp lý gì cả. Lòng gian tà và ý xấu muốn bôi nhọ Chúa Giêsu làm cho họ ra mù quáng và lý luận không còn hợp lý nữa. Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy khuyết điểm này với những lời như sau: "Vương quốc nào chia rẽ thì sẽ bị tan rã. Giờ đây, nếu Satan cũng chia rẽ thì làm sao chúng đứng vững được". Giải thích duy nhất đúng là qua dấu lạ đó mà nhìn nhận Ðấng thực hiện dấu lạ có quyền năng trên quỷ dữ và như thế là Nước Thiên Chúa và hành động giải phóng của Ngài đã đến giữa con người trước mặt họ.
Ðể chấp nhận lời mạc khải của Chúa và trong trường hợp này, lời giải thích của Chúa Giêsu về ý nghĩa của dấu lạ Chúa vừa thực hiện, con người cần nhờ đến ánh sáng siêu nhiên hướng dẫn, cần có đức tin, cần có sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Ðây là điều mà những kẻ thù của Chúa Giêsu không có được đức tin là hồng ân của Thiên Chúa, chứ không phải là kết luận của suy tư. Vì thế, trước dấu lạ Chúa Giêsu thực hiện, con người không nhất thiết có thể nhìn nhận ý nghĩa của dấu lạ đó và tuyên xưng đức tin. Nếu đức tin là kết luận của suy tư lý trí thì trước dấu lạ Chúa thực hiện, mọi người đều đã tin Chúa hết cả rồi.
Con người cần khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa ban cho ơn đức tin, để có thể nhận ra ý nghĩa của dấu lạ và được củng cố trong đức tin. Trước dấu lạ của Chúa, con người chỉ có một trong hai thái độ: tin hay không tin; chấp nhận hay chối từ mà thôi. Và một khi đã tin rồi, người đồ đệ cần phải góp phần của mình để bồi dưỡng thêm cho đức tin, góp phần làm cho đức tin được phát triển, được vững mạnh hơn. Nếu không, tình trạng bị mất đức tin sau đó sẽ trở thành tồi tệ hơn trước khi tin Chúa, ma quỷ tấn công trở lại mạnh mẽ hơn muôn vạn cho đến bảy lần hơn.
Ðể hiểu rõ một ai thì cần phải yêu mến người đó và thường xuyên trao đổi với người đó. Ðối với Chúa Giêsu cũng vậy, để biết Chúa nhiều hơn, thì cần phải yêu mến Ngài và có những trao đổi thường xuyên với Ngài qua việc cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa. Ðể có thể luôn luôn đứng về phe Chúa, luôn luôn trung thành theo Chúa thì không có cách nào tốt hơn là hữu hiệu hơn là sống thân mật kết hiệp với Chúa qua việc cầu nguyện và lắng nghe lời Ngài. Ðiều này đòi hỏi chúng ta phải luôn sám hối, hoán cải, để có thể cùng với Chúa mà chiến thắng sức mạnh thần dữ muốn chiếm đoạt chúng ta theo phe chúng.
Lạy Chúa là Cha chúng con.
Chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con đức tin. Xin thương ban xuống tràn đầy Chúa Thánh Thần trên chúng con để chúng con được củng cố mỗi ngày một thêm trong đức tin.
Lạy Chúa.
Xin gia tăng đức tin cho chúng con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Không thuận là chống
“Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.” (Lc. 11, 23)
Đó là lý luận đơn giản. Người ta không thể vừa thuận vừa chống cùng một lúc. Người ta tố cáo Đức Kitô lấy quyền quỷ mà trừ quỷ! Thưa quý vị, quý vị nếu có một chút thông minh, quý vị sẽ thấy rõ đó là cuộc nội chiến ghê gớm của Satan. Thiên Chúa nhân lành đã làm rất nhiều để chống lại Satan và bè lũ của nó. Muốn diệt chúng hoàn toàn, Chúa chỉ để chúng đánh nhau từ trong nội bộ là xong. Nhưng khốn nỗi, không bao giờ Ngài làm thế.
Không, không phải Đức Kitô nhờ tướng quỷ Bendêbút mà trừ quỷ. Người Aramê đã gọi Bendêbút là “chúa phân bớn” “chúa ruồi nhặng”. Những tiếng khinh bỉ đó không bao giờ dám gán cho Đức Kitô. Nhưng những kẻ dám gán cho Người rất quỷ quyệt, tuy nhiên họ lại ngu dốt đến nỗi cho thấy họ đã tự mâu thuẫn với chính mình!
Chính nhờ ngón tay Thiên Chúa có ý nghĩa là sức mạnh của Thiên Chúa mà Đức Kitô hành động. Vì từ nay đi, nhờ Người triều đại Thiên Chúa đã tiếp tục trị đến trong thế gian. Satan không thể nào chống được Con Thiên Chúa. Nó đã rình mò thám thính thử đến thuê mướn Người lúc ăn chay 40 ngày trong sa mạc. Người mạnh hơn nó trên thế gian, từ nay chính Người là Đấng Thiên Sai Cứu Thế! Người đến cứu độ nhân loại. Người ở lại đây, không bỏ đi nữa. Ai ở với Người và không chống lại Người thì được bảo vệ và được nâng đỡ mãi mãi trong tình yêu của Người.
Nhưng xin chú ý, chú ý! Người ta có thể thuận theo Người, thành thật chọn Người, muốn theo Người tới cùng, bằng mọi giá, tin cậy núp bóng Người luôn luôn! Nhưng đừng tưởng Satan không còn nữa, thời của nó đã trôi vào quá khứ, nó không còn thể chống lại loài người nữa; chối quyền lực của nó thì liều mình đi đến sa ngã thất bại. Nó còn hoạt động hơn bao giờ hết! nó biết lừa cơ hội để khai thác những yếu đuối sâu sa của chúng ta một cách đáng sợ! những làn sóng ngầm của sự dữ lôi cuốn thế giới chúng ta là chứng cớ rõ ràng có bàn tay lầm ngầm của ma quỷ. Sự đánh thức những bản năng hạ đẳng nhất của nhân loại là dấu chỉ chắc chắn quỷ đang có mặt giữa chúng ta! đừng sợ, đừng đánh thức những thú hạ đẳng đó, dù thần dữ không bao giờ đầu hàng, nhưng hãy tin cậy vững mạnh vào Đức Kitô vì Người đã chiến thắng thế gian; Phần chúng ta phải sáng suốt đi theo Người.
GF.
  



Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
12 THÁNG MƯỜI
Muối Và Ánh Sáng Cho Trần Gian.
Trước khi được tung vào khắp thế giới, các Tông Đồ đã cùng với Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, cầu nguyện và chờ đợi để đón nhận Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã hứa gởi Thánh Thần, Đấng Phù Trợ, đến đưa dẫn các Tông Đồ vào toàn bộ chân lý và ban cho các ngài ân sủng để đáp lại tiếng gọi của Tin Mừng. Thật vậy, phải có sức mạnh của Thánh Thần, Giáo Hội mới có thể soi sáng cho mọi người. Chỉ nhờ Thánh Thần, Giáo Hội mới có thể trở thành muối và ánh sáng cho trần gian (Mt 5, 13-14). Chỉ nhờ Thánh Thần, Giáo Hội mới có thể canh tân và cứu độ mọi người, đem họ đến cùng Chúa Kitô.
Khi Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin lần đầu tiên được chính thức thành lập, đó cũng là giai đoạn sôi động của những khám phá lớn lao về các vùng đất mới. Những thế giới mới mở ra vẫy gọi bước chân các nhà truyền giáo của Giáo Hội. Và nhu cầu thiết lập một cơ chế để phục vụ cho mục đích rao giảng Tin Mừng trở thành cấp thiết hơn bao giờ.
Ngày nay, chúng ta đang ở trong một thời đại khác hẳn. Công cuộc thám hiểm trái đất đã hoàn tất. Tất cả các lục địa đều đã mở ra sẵn sàng đón nhận sứ điệp của Tin Mừng, với những giáo hội tươi trẻ và đầy triển vọng. Một mùa gặt bội thu đang mời gọi những thợ gặt có khả năng là ánh sáng và muối cho trần gian.
Hai ngàn năm lịch sử Giáo Hội, xét về mặt địa dư thì Tin Mừng đã được loan báo cho toàn thể thế giới. Nhưng trong bối cảnh sứ vụ loan báo Tin Mừng của mình, Giáo Hội không quên bổn phận thăng tiến con người, phát triển xã hội và bảo vệ các quyền của con người.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 12-10
Gl 3, 7-14; Lc 11, 15-26.
LỜI SUY NIỆM: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc11,23)
          Chúa Giêsu đang khẳng định với mỗi chúng ta. Nếu suốt đời sống của mỗi chúng ta không chịu đi theo Ngài là chống đối Ngài. Trước khi đi theo Ngài, mỗi người chúng ta phải học biết về Ngài, và sự học biết này phải liên lỉ suốt cuộc đời của chúng ta chứ không phải chỉ một thời gian nào đó, hay những điều nào đó rồi cho là đã đủ. Những giáo huấn của Ngài, mỗi người chúng ta không chỉ học thuộc và hiểu mà thôi, nhưng còn phải tin và sống. Biết bao nhiêu người, họ thông suốt cả Cựu Ước và Tân Ước, nhưng họ vẫn là những kẻ vô thần. Bởi họ biết mà không tin và không sống với những gì đã biết. Mỗi người chúng ta phải tự kiểm mình lại, chúng ta đang cùng đi với Ngài hay là những kẻ chống đối Ngài.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
12 Tháng Mười
Người Nữ Tu Khó Tính

Thánh nữ Têrêxa hài đồng Giêsu được trao phó cho công việc trông coi một chị nữ tu già bị bất toại. Người nữ tu già này nổi tiếng là một người khó tính trong nhà dòng. Têrêxa phải dìu bà đi từng bước. Một chút thiếu sót cũng đủ cho Têrêxa bị trách móc. Bà không một lần nói lên một tiếng cám ơn. Thế nhưng Têrêxa vẫn luôn tỏ ra vui tươi hồn nhiên và chịu đựng tất cả vì thánh nữ yêu mến Chúa và vì Tình Yêu Chúa, thánh nữ yêu mến người nữ tu già đáng thương này.
Tình yêu đối với Chúa thường không tỏ hiện bên ngoài. Dấu hiệu bên ngoài của tình yêu mến đối với Chúa chính là yêu mến tha nhân. Và chúng ta chứng tỏ tình yêu đối với tha nhân không những bằng lời nói nhưng nhất là bằng hành động, bằng sự nhẫn nhục, tha thứ và cảm thông.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 12


Thiên Chúa không thể bắt buộc con người đón nhận tình yêu của Người. Vì như vậy, không còn tự do, cho nên không còn tình yêu.
Để thoát khỏi bế tắc này, Thiên Chúa đến gặp con người trong bản chất người của họ, nghĩa là trong tình trạng bản thể hoá thân. Sách Sáng Thế đã diễn tả điều này, khi kể: Sau sự "sa ngã" của người đàn ông và của người đàn bà, Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, gọi con người và hỏi: "Ngươi ở đâu?" (St 3,8-9). Không phải chỉ có con người mới “tìm kiếm Thiên Chúa, may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người" (Cv 17,27). Trước hết, chính Thiên Chúa đi tìm con người (Lc 15,4 -7).
Thiên Chúa luôn "hoạt động" trong nơi sâu kín của trái tim con người. Quả thế, ở gốc rễ của mỗi con người, có một hành động vĩnh cu của tình yêu làm cho họ xuất hiện trong cuộc sng. Hành động này hoàn toàn không liên quan đến lương tâm và ý muốncủa con người. Nó đứng đầu tiên. Hành động đó, nghĩa là tình yêu đó, Thiên Chúa không bao giờ ly lại. Nói cách khác, Thiên Chúa luôn hiện diện nơi mỗi con người. Chúa biết họ, nhân cách hoá họ, luôn nhìn họ qua tình yêu sáng tạo. Con người không bao giờ có thể có lợi thế hơn sự hiện diện của Thiên Chúa nơi họ.
Jean Civelli

Ngày 12 tháng 10
THÁNH SÊRAPHINÔ TRỢ SĨ
DÒNG THÁNH PHANXICÔ

Montegranarô ngày nay là một làng nhỏ nằm trên miền cao nguyên tỉnh Ascoli Picenô, thuộc nước Ý. Dân cư ở đây được chừng năm ngàn rưởi người. Nhờ cảnh trí ngoạn mục và dân chúng làm ăn trù phú Montegranarô là nơi dừng chân của rất nhiều du khách. Tuy nhiên, lý do chính yếu khiến Montegranarô được nhiều người chú ý chỉ vì nơi đây còn là tổ quán của một vị thánh thời danh, thánh Sêraphinô.
Cũng chính trong lũy tre xanh đầm ấm này, một cậu bé tên là Felix, tiếng la tinh có nghĩa là “Hạnh phúc” đã chào đời vào đầu mùa xuân năm 1540. Gia đình Felix không mấy sung túc; cha cậu làm thợ hồ, còn mẹ thì buôn bán hàng vặt ở chợ làng. Vì thế Felix không được may mắn cắp sách đi học như nhiều trẻ đồng tuổi; trái lại, cậu phải nhận công tác chăn chiên đỡ cho gia đình. Cảnh đời vất vả ấy, tuy vậy, vẫn không làm mất vẻ hồn nhiên của cậu bé có tiếng là ngoan ngoãn nhất làng. Dù sớm phải lặn lội với đoàn chiên, bè bạn với những trẻ mục đồng, Felix vẫn giữ được vẻ vui tươi trong sạch, nết na và thật thà như một thiên thần. Người trong làng ai cũng đồng ý khen cậu như vậy. Dầu sao nét trổi vượt hơn cả trong cuộc đời thơ ấu của Felix là lòng yêu mến Thánh Thể. Ban ngày, lúc chăn chiên cậu hái nhiều hoa để chiều về, khi xong việc dọn dẹp nhà cửa rồi, cậu đem hoa đến dâng cho Chúa Giêsu Thánh Thể và quỳ hằng giờ trước nhà chầu. Với đôi mắt đăm chiêu, đôi môi tươi vui, cậu yên lặng quỳ trước bàn thờ, nghiêm trang như một thiên thần...
Nhưng rồi một biến cố bất ngờ xảy đến phũ phàng phủ tấm khăn tang lên đầu Felix. Cha mẹ cậu đã lần lượt lâm bệnh và từ trần nội trong vòng hai tháng, để cậu lại cho một người anh cả tàn nhẫn. Thực vậy, sau ngày cha mẹ mất, Felix phải sống với người anh cả. Sáng ngày cậu phải lùa bày chiên ra đồng chăn dắt cẩn thận, tối về lại phải canh thức bên lò bánh nóng nực. Không còn thời giờ tới nhà thờ viếng Chúa, Felix vô cùng đau khổ. Thêm vào đó Felix còn hay bị anh đánh mắng và nhiều khi cho ăn đói mặc rách. Nhiều lần Felix có ý định bỏ nhà trốn đi, nhưng nghĩ đến lòng yêu Chúa và đức nhẫn nhục mà mẹ đã dạy khi còn nhỏ, Felix lại trấn tĩnh được mình và quyết chí ở lại với anh. Từ đó, mỗi tối khi ngồi canh lò bánh, Felix xin một người bạn giúp mình học và đọc Phúc âm. Cậu đã học thuộc được những câu Kinh thánh dưới đây và thường dùng làm đề tài suy niệm tối sáng:
“Các con đừng thu tích những của cải dưới đất, vì mối mọt có thể làm hư và kẻ trộm đào ngạch lấy mất, nhưng hãy tích trữ những của cải trên trời, ở đó, không có sâu bọ làm hư, không có kẻ trộm đào ngạch lấy được”.
“Của các con ở đâu thì lòng các con ở đó” (Mt 6,19-22).
“Các con chớ quá bận tâm về của ăn áo mặc; cũng đừng quá lo về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai, cái khó ngày nào sẽ đủ cho ngày ấy. Vậy trước hết các con hãy lo tìm nước Thiên Chúa, còn những sự khác Người sẽ ban cho các con sau” (Mt 6,25)...
Được khích lệ bởi Lời Chúa, Felix không những can đảm chịu mọi vất vả, bị hành hạ trong nhà anh, mà còn nẩy ra một ý tưởng muốn hiến thân sống theo gương khó nghèo và khiêm hạ của thánh Phanxicô. Ý tưởng đó mỗi ngày một mãnh liệt và cương quyết.
Thực vậy, Chúa không bao giờ phụ lòng kẻ muốn thành tâm bước theo con đường nhỏ hẹp của Người. Không bao lâu sau Felix đã được như sở nguyện, vì hai năm sau cậu đã được anh cho phép vào dòng. Sau một thời gian tập luyện, cậu được mặc áo dòng và đổi tên là Sêraphinô. Danh từ này trong Kinh thánh (Is 6,2) có ý ám chỉ những bậc thiên thần được hầu cận Đức Giavê. Áp dụng vào trường hợp của thầy, người ta bảo thầy rất quý chuộng những công việc giúp bàn thờ như lau chùi, đốt đèn chầu, nến, chưng hoa... Ngoài ra, khi giúp lễ, thầy còn rất sốt sắng lạ thường. Theo cuốn truyện còn lưu lại trong dòng thánh Phanxicô, thì nhiều lần thầy Sêraphinô được ơn xuất thần ngay khi đang giúp lễ. Vì những lý do đó, bề trên đã chọn đặt tên cho thầy là Sêraphinô vậy.
Ngoài công việc bàn thờ, thầy Sêraphinô còn ưa chọn những việc hèn hạ nhất trong nhà. Thầy làm vừa nhanh nhẹn, vừa cẩn thận hơn mọi anh em. Thầy còn có tài đặc biệt về cách làm vườn như cấy rau, trồng cây và gieo lúa. Càng làm việc cần mẫn, thầy càng âm thầm kết hợp với Chúa như lời thầy thường nói với anh em: “Tôi chỉ kể là đã làm được một việc, khi tôi làm việc ấy mà lòng trí tôi kết hợp khăng khít với Chúa”.
Chính nhờ sự kết hợp ấy, Chúa đã thông ban sự khôn ngoan thông thái cho tôi tớ của Người. Vì thế, mặc dầu mù chữ, thầy Sêraphinô vẫn có thể làm được những việc kết quả không kém những anh em có học lực uyên bác. Người ta kể rằng: thầy đã thuộc lòng rất nhiều lời Kinh thánh, giảng thuyết rất hùng hồn và đúng tín lý, ngay cả trong những vấn đề khúc mắc nhất trong đạo. Thầy còn có khoa dạy giáo lý rất hấp dẫn và thích hợp với tâm trí thính giả không kém thánh tổ Phanxicô. Bàn về đức tính hồn nhiên của thầy, một tác giả đã viết: “Thầy tuy nhiều tuổi và luôn làm việc vất vả, nhưng tinh thần vẫn luôn luôn vui tươi. Tay chân làm việc, lòng trí hướng về Chúa, và môi miệng vui cười niềm nở. Đó là những nét sáng ngời trong đời sống thầy Sêraphinô. Thầy đã thừa hưởng được tính vui trẻ của thánh Philipê Nêri”.
Không kể những lần được ơn ngất trí mà nhiều người đã được mục kích tỏ tường, thầy Sêraphinô còn được ơn làm nhiều phép lạ. Điều đáng chú ý là những người thụ hưởng ơn lạ của ngài thường là những trẻ em mồ côi và nghèo khổ như chính ngài hồi còn thơ ấu. Số phép lạ Chúa đã dùng qua thánh nhân có tới hằng trăm. Sau đây chỉ là vài trường hợp tượng trưng:
Một hôm, trên đường đi dạy giáo lý ở một họ đạo về, thầy gặp một em bán bánh ngồi khóc bên vệ đường. Thầy đứng lại hỏi thăm tại sao em khóc. Em trả lời: “Em bị kẻ cướp lấy hết bánh và sợ về bị mẹ đánh!” Không hỏi thêm, thầy Sêraphinô liền quỳ xuống, hai tay bưng giỏ bánh sốt sắng nguyện cầu. Lạ thay, chỉ vài phút sau, giỏ trống liền đầy bánh thơm ngon và có vẻ còn nhiều hơn trước nữa. Thầy đứng dậy, trao giỏ bánh cho em bé rồi tiếp tục về nhà, miệng còn ngâm nga bài ca ‘Te Deum’. Lần khác, đang khi làm vườn, thầy thấy người ta phá cửa nhà dòng ùa chạy vào và la lối ầm ĩ. Thầy chạy lại hỏi truyện thì được biết, một hầm rượu vừa bị nổ làm thiệt mạng nhiều phu khuân rượu. Như được ơn Chúa thôi thúc, thầy xin phép bề trên, theo họ đến tận nơi xảy ra tai nạn. Thầy quỳ xuống cầu nguyện giữa năm xác chết đặt ngổn ngang. Sau hai giờ cầu nguyện, thầy lần lượt đến đặt tay lên mỗi xác chết và nói: “Nhân danh Thiên Chúa toàn năng, ngươi hãy hồi sinh lại để đem an vui đến cho mọi người”. Nguyện đoạn, lập tức các tử thi lần hồi nóng lên, tỉnh lại và rồi lành mạnh như không xảy ra tai nạn gì. Trong số năm người được hồi sinh này, có ba thanh niên mồ côi cha mẹ, một người góa vợ và một người bị điếc từ khi mới sinh.
Nếu trước mắt người đời ơn làm phép lạ là phần thưởng Chúa ban cho kẻ khiêm nhường thánh thiện, thì trái lại, với thánh Sêraphinô ơn trọng ấy là nguyên do thúc đẩy ngài phải khiêm hạ hơn. Thầy thường nói: “Khiêm tốn không phải chỉ là nhân đức tôi phải tập vì là môn đệ của cha tổ, mà còn vì những lời dạy nghiêm nhặt của Chúa trong Phúc âm”. Vì thế, suốt đời thầy sống rất khiêm nhường. Nhân đức ấy đạt đến mức độ thẳm sâu, nhất là khi thầy biết mình gần chết. Lúc ấy thầy xin phép bề trên cho gặp từng anh em trong nhà và quỳ gối xin lỗi từng người. Thầy qua đời tại Acôli cuối năm 1604, hưởng thọ 64 tuổi.
Để kỷ niệm cái chết êm ái và lòng sùng mộ của giáo dân đối với thầy, người ta khắc trên bia mộ ngài lời Kinh thánh sau đây: “Xác các vị thánh nghỉ yên trong sự bằng an của Thiên Chúa và tên các ngài tồn tại đến muôn đời” (Ac 44,14).
Vì lòng sùng mộ của giáo dân và những sự lạ hằng xảy ra trên mộ ngài, năm 1610, Đức Phaolô V cho phép đốt đèn đêm ngày trên mộ ngài, và năm 1728, Đức Bênêđitô XIII truyền đem hài cốt thánh nhân về kính tại làng Montegranarô, và đến năm 1767, Đức Clêmentê XIII truy phong ngài lên bậc hiển thánh.
Thứ Sáu 12-10

Thánh Seraphin ở Montegranaro

(1540-1604)
S
inh trong một gia đình nghèo ở Ý, khi còn nhỏ Seraphin phải đi chăn cừu và ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Sau khi cha mẹ qua đời, ngài bị người anh đối xử cách tệ hại, Seraphin đã gia nhập dòng Capuchin lúc 16 tuổi và khiến nhiều người kinh ngạc vì sự khiêm tốn và độ lượng của ngài.
Phục vụ như một thầy trợ sĩ, Seraphin theo gương Thánh Phanxicô ăn chay, mặc áo nhặm và đối xử tử tế với mọi người. Ngài muốn theo gương Thánh Phanxicô cả về vấn đề truyền giáo, nhưng cha bề trên không chọn ngài trong công việc này.
Mỗi ngày, Seraphin trung thành dành ba giờ đồng hồ để cầu nguyện trước Thánh Thể. Những người nghèo đến gõ cửa tu viện đều được ngài ân cần tiếp đón. Mặc dù cuộc đời của ngài thật bình dị, ngài đã đạt được chiều kích tâm linh đáng kể và làm được nhiều phép lạ.
Thánh Seraphin từ trần ngày 12-10-1604, và được phong thánh năm 1767.

Lời Bàn

Ðối với nhiều người ngày nay, công việc làm không có ý nghĩa gì khác hơn là để kiếm tiền cho cuộc sống. Có bao người nghĩ rằng chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa trong việc chăm sóc trái đất này, như được viết trong sách Sáng Thế? Những công việc của Thánh Seraphin không có gì là kinh thiên động địa mà rất tầm thường, nhưng ngài đã thi hành với một tinh thần phi thường.

Lời Trích

Trong cuốn Brothers of Men, Rene Voillaume của tu hội Tiểu Ðệ Ðức Giêsu nói về công việc tầm thường và sự thánh thiện: "Giờ đây sự thánh thiện này [của Chúa Giêsu] được thể hiện trong mọi hoàn cảnh thông thường của đời sống, của công việc, của gia đình và xã hội làng mạc, và đó là một xác định rõ ràng rằng các sinh hoạt tẻ nhạt và không ai biết đến thì hoàn toàn thích hợp với sự tuyệt hảo của Con Thiên Chúa." Ngài viết, người Kitô tin tưởng rằng "sự thánh thiện của con cái Thiên Chúa thì có thể đạt được trong mọi hoàn cảnh bình thường của một người nghèo hèn và buộc phải làm việc để sinh sống."

Bài đọc 2 
Sự tiến bộ về đạo lý của Ki-tô giáo 
Trích bài huấn dụ thứ nhất của thánh Vinh-sơn Lê-ranh, linh mục.

Phải chăng trong Hội Thánh của Đức Ki-tô không có tiến bộ nào về đạo ? Hẳn là có và có rất nhiều.
Thật vậy, ai là kẻ ghen với loài người và nghịch với Thiên Chúa mà dám ra sức ngăn cản các điều ấy ? Thực sự đó phải là một tiến bộ về đức tin, chứ không phải là một biến đổi. Quả thế, đặc tính của tiến bộ là mỗi vật phải phát triển mà vẫn là chính mình, còn đặc tính cái biến đổi là một vật đó thay hình đổi dạng từ cái này sang cái khác. 
Vậy, sự hiểu biết, thông hiểu và khôn ngoan của mỗi người cũng như mọi người, của cá nhân cũng như của toàn thể của Hội Thánh phải lớn lên, phải tiến triển rộng rãi và mạnh mẽ trải qua các giai đoạn tuổi tác và thời đại, nhưng mỗi thứ chỉ trong loại của mình, tức là theo cùng một đạo lý, cùng một ý nghĩa và cùng một tư tưởng. Đạo của tâm hồn phải phỏng theo quy luật của thể xác : mặc dù trải qua năm tháng, các yếu tố thể xác có biến đổi và phát triển, nhưng chúng vẫn tồn tại y nguyên như trước. Có sự khác biệt lớn giữa tuổi hoa niên và tuổi lão thành, nhưng chính những người bây giờ là lão thành thì trước kia đã là thiếu niên. Tuy vóc dáng và tác phong của cùng một người, nhưng bản thân và nhân vị vẫn chỉ là một. 
Các bộ phận của trẻ thơ măng sữa thì nhỏ, của thanh niên thì lớn, nhưng chính những bộ phận ấy vẫn là một. Trẻ nhỏ có bao nhiêu đốt xương thì người lớn cũng có bấy nhiêu. Nếu bộ phần nào được hình thành trong tuổi già, thì chúng đã tiềm ẩn nơi bào thai rồi, khiến cho không cái gì mới mẻ sau này xuất hiện nơi người già mà trước đó đã không tiềm tàng nơi con trẻ. 
Bởi đó, không có hồ nghi điều gì nữa là quy luật tiến bộ này thật chính đáng và ngay thẳng, quy tắc tăng trưởng này thật hoàn hảo và tuyệt mỹ, nếu các bộ phận và hình thể mà Đấng Hoá Công khôn ngoan đã phác hoạ trước nơi con trẻ luôn luôn được kiện toàn cùng với số tuổi nơi người lớn. 
Nếu có một người nào biến đổi thành một hình tượng khác với loại của mình, hoặc tăng thêm hay giảm bớt bộ phận, thì tất nhiên toàn thân phải chết hoặc ra kỳ dị hay yếu đi ; cũng vậy, đạo lý Ki-tô giáo phải theo những quy luật tiến bộ này, là với năm tháng, đạo lý được củng cố, với thời gian được lan rộng, với tuổi tác nên thâm thuý. 
Thuở xưa, cha ông chúng ta đã gieo hạt giống đức tin trong thửa đất này của Hội Thánh, thật là vô cùng bất công và không xứng hợp, nếu chúng ta là con cháu các ngài, thay vì gặt lúa miến là chân lý đích thực, lại lượm cỏ lùng là sai lầm tai hại. Trái lại, nếu đầu và đuôi không khác nhau thì chúng ta cũng gặt được mùa lúa miến là đạo lý từ hạt lúa miến lớn lên nhờ việc tổ chức dạy đạo ; ngoài ra có một cái gì đó từ những hạt giống đầu tiên phát triển theo dòng thời gian, nay được chăm sóc và mọc lên tươi tốt. Cả hai điều đó thật là đúng và hợp lý. 

Lời nguyện 
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắn rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin…
 
(trích bài đọc giờ Kinh Sách Thứ Sáu Tuần 27 TN-bản dịch của nhóm CGKPV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét