Trang

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

GIỚI THIỆU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO


Giới thiệu: Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo
Nhân dịp Năm Đức Tin
GIỚI THIỆU SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO


Sau 20 năm bế mạc Công đồng Vaticanô II, Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo (viết tắt: SGLCHTCG) đã được soạn thảo theo ước nguyện và những chỉ dẫn của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới (1985). SGLCHTCG là bản văn chính thức về những giáo huấn của Hội Thánh Công giáo, trình bày cách tổng quát về toàn bộ giáo lý. Cuốn giáo lý này là một tổng hợp có hệ thống và đầy đủ nhất kể từ sau Công đồng Trentô. Đây là bản văn chính thức của huấn quyền liên quan đến các vấn đề đức tin và luân lý. Có bốn yếu tố chủ chốt làm nên ấn bản này: Thánh Kinh, Giáo Phụ, Phụng vụ và Huấn quyền. 

Với Tông hiến “Fidei Depositum - Kho tàng Đức Tin” (11/10/1992), Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố cuốn sách này và ấn bản đầu tiên bằng tiếng Pháp đã được công bố. Qua Tông thư “Laetamur Magnopere - Chúng ta vui mừng lớn lao” (15/8/97), bản La ngữ ra đời và là Ấn bản mẫu Editio typica quy chuẩn cho mọi ấn bản.

Vì SGLCHTCG có những giá trị quý giá trong lãnh vực đức tin và luân lý, nên việc học hỏi cuốn sách này là một trong những đòi hỏi căn bản của Năm Đức Tin. Đức Thánh Cha Bênêđictô đã nhắn nhủ mọi thành phần dân Chúa như sau: “Năm Đức Tin phải biểu lộ sự dấn thân chung tái khám phá và học hỏi nội dung cơ bản của đức tin ở trong Sách Giáo Lý này, trong đó có một tổng hợp có hệ thống. Thực vậy, ở đây, ta thấy nổi bật sự phong phú của giáo huấn mà Giáo Hội đã đón nhận, gìn giữ và trao tặng trong hai ngàn năm lịch sử của mình. Từ Kinh Thánh tới các Giáo Phụ, từ các vị Tôn Sư thần học cho đến cách Thánh qua các thế kỷ, Sách Giáo Lý cống hiến một ký ức trường kỳ về bao nhiêu cách thức Giáo Hội suy niệm về đức tin và tạo nên sự tiến triển trong đạo lý để mang lại sự chắc chắn cho các tín hữu trong đời sống đức tin của họ” (Tự sắc “Porta Fidei – Cánh cửa đức tin”, số 11).

Trước khi trình bày cuốn giáo lý mới này, chúng ta cùng tìm hiểu về danh từ giáo lý và các Sách Giáo Lý trước đây trong lịch sử Giáo Hội.

1. DANH TỪ “GIÁO LÝ” 

Danh từ “giáo lý” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ đại: κατηχισμός, trong đó kata

= “xuống” + echein = “âm thanh”, nghĩa là “âm thanh đi xuống” (vào tai, tức là để truyền bá), do động từ katecheô có nghĩa: rung lên, phát ra âm thanh, nói hay giảng bằng miệng, giảng giải những nguyên tắc cơ bản. Từ này được áp dụng vào Kitô giáo với ba ý nghĩa: Lời giảng dạy, trình bày giáo thuyết Kitô giáo; sách trình bày giáo thuyết Kitô giáo hay là sách giáo lý; sự thật mà cuốn sách này đưa ra. Các sách giáo lý thường được trình bày dưới dạng các câu hỏi đáp cho dễ nhớ, được phát triển và sử dụng cách có hệ thống bên Tây Phương Kitô giáo; còn bên Đông Phương, trừ số ít trường hợp ngoại lệ, việc đào tạo các dự tòng được thực hiện một cách riêng lẻ. 

Câu định nghĩa về giáo lý của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn “Catechesi tradendae - Dạy giáo lý”, đã được SGLCHTCG trích lại như sau: “Thuật ngữ dạy giáo lý đã được dùng để gọi toàn bộ các nỗ lực của Hội Thánh nhằm đào tạo các môn đệ, nhằm giúp người ta tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và nhờ tin như vậy mà được sống nhân danh Người […]; là giáo dục đức tin cho trẻ em, thanh niên và người lớn, đặc biệt qua việc giảng dạy giáo lý Kitô giáo, thông thường được tiến hành một cách có tổ chức và hệ thống, với mục đích dẫn đưa tín hữu đến cuộc sống Kitô hữu sung mãn” (số 4-5). 

Trong Tân Ước, chúng ta có một số ví dụ về việc giảng dạy giáo lý, như những gì xảy ra vào ngày Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,14-41), việc gia nhập đạo của một số người, như bà Lyđia (16,13-15), viên thái giám người Êtiôpê (8,26-40), viên cai ngục ở Philipphê (16,25-34)… Trong các thế kỷ đầu tiên Kitô giáo, đã xuất hiện các trường học để nghiên cứu và giảng dạy giáo lý, đặc biệt tại Châu Phi (Ai Cập và Carthage). Những giáo lý viên nổi tiếng phải kể đến Giustinô, Irênê, Tertullianô, Ôrigênê và Augustinô… 

2. CÁC SÁCH GIÁO LÝ TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI 

- Thời Giáo Hội sơ khai: Đã có các công thức ngắn gọn về đức tin, những bản tuyên xưng đức tin. Sách Didaché là một ví dụ điển hình về hình thức sách giáo lý, được biên soạn tại Syria cuối thế kỷ I, nhằm chuẩn bị cho các dự tòng chuẩn bị đón nhận Bí tích Thánh Tẩy và hướng dẫn đời sống cộng đoàn. 

- Thời các Giáo Phụ: Xuất hiện các thủ bản phổ thông về đức tin để trình bày giáo lý cho các dự tòng. Đầu thế kỷ V, do yêu cầu của một giáo lý viên, Thánh Augustinô đã viết cuốn De catechizandis rudibus, gồm 27 chương sách giáo lý, trong đó ngài đã cố gắng giúp các tín hữu đào sâu đức tin của mình, khởi đi từ lịch sử cứu độ và kết thúc với sự phục sinh của Đức Kitô, tột đỉnh niềm vui của giáo lý viên và việc dạy giáo lý. 

- Thời Trung Cổ: Vào thế kỷ IX, sách giáo lý mang tên Disputatio puerorum per interrogationes et responsiones đã được biên soạn cho trẻ em dưới hình thức hỏi thưa, với nội dung về lịch sử cứu độ, giáo lý về các bí tích, Kinh Tin Kính và Kinh Lạy Cha. Đây là cuốn giáo lý đưa ra một phương pháp mang tính sư phạm, là tiền đề cho các cuốn giáo lý sau này. Cuốn này được sử dụng rộng rãi cho đến thế kỷ XII.

Vào thế kỷ XII, Phêrô Lombarđô đã soạn cuốn Liber Sententiarum được gọi là cuốn “giáo lý”, đề cập đến những vấn đề căn bản của đức tin, được chia thành bốn phần: về bản tính Thiên Chúa, về sáng tạo và tội lỗi, về mầu nhiệm nhập thể, ân sủng và về các bí tích. 

Giữa thế kỷ XIII, Thánh Tôma Aquinô đã đưa ra một lược đồ cho việc dạy giáo lý như sau: a. về những điều phải tin (Kinh Tin Kính); b. về những điều phải xin (Kinh Lạy Cha); c. về những điều phải làm (Thập Điều); và d. về những ân sủng cho đời sống Kitô hữu (các bí tích). 

Năm 1357, Đức Tổng Giám mục giáo phận York, Anh quốc, đã xuất bản cuốn Lay Folks Catechism – Sách Giáo lý cho người giáo dân, bao gồm Kinh Tin Kính, các bí tích, hai giới luật yêu thương, bảy mối tội đầu và bảy nhân đức trụ. Cuốn này sử dụng rộng rãi, song ngữ La-Anh, trong đó, lần đầu tiên thuật ngữ “giáo lý” được sử dụng. 

Năm 1368 xuất hiện cuốn Catechismus Maior gửi đến hàng giáo sĩ để giảng dạy cho giáo dân vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ. 

Năm 1429 Công đồng Tortôsa cho ra đời một bản toát yếu giáo lý, trình bày ngắn gọn giáo lý Kitô giáo. 

Năm 1555, quyển “Tổng luận giáo lý Kitô giáo” của Thánh Phêrô Canasiô xuất bản.

Thời kỳ Công đồng Trentô, Sách Giáo Lý Rôma (hay Sách Giáo Lý của Công đồng Trentô hoặc Sách Giáo Lý của Đức Piô V) đã được xuất bản năm 1566, dành cho mọi thành phần dân Chúa, cách riêng giúp các cha xứ giảng dạy hữu hiệu hơn để chống lại ảnh hưởng của người Cải Cách đang lan tràn. 

- Thời Hiện Đại: Đầu thế kỷ XX, vào năm 1905, Thánh Giáo Hoàng Piô X đã cho ban hành Sách Giáo Lý mang tính phổ quát, dạng hỏi thưa, trình bày những điều cần thiết để các tín hữu dễ dàng nắm bắt các yếu tố căn bản về đức tin Kitô giáo. Ban đầu được phổ biến trong giáo phận Rôma, gọi là Sách Giáo Lý Chính Yếu, sau được sử dụng khắp nước Ý và lan tràn khắp nơi trong Giáo Hội. 

3. SÁCH GIÁO LÝ HIỆN NAY 

a. Giai đoạn chuẩn bị

Tháng 10 năm 1985, Thượng Hội đồng Giám mục đề nghị biên soạn Sách Giáo Lý hay một bản toát yếu tất cả giáo lý Công giáo để trở thành bản quy chiếu cho các sách giáo lý ở các Giáo Hội địa phương, thuộc các ngôn ngữ và văn hoá khác nhau. Thượng Hội đồng Giám mục cũng mong muốn cuốn giáo lý này phải được thêm vào những yếu tố của Thánh Kinh và Phụng vụ mà các cuốn giáo lý trước đây còn hạn chế. 

Ngày 10 tháng 7 năm 1986, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quyết định bổ nhiệm một Ủy ban gồm mười hai Hồng y và Giám mục, đứng đầu là Đức Hồng y Joseph Ratzinger. Uỷ ban này được hỗ trợ bởi một ủy ban soạn thảo, một văn phòng và một ban biên tập. 

b. Giai đoạn biên soạn

Ủy ban đã làm việc ròng rã trong hơn năm năm, tham khảo ý kiến các chuyên gia chuyên ngành, từ tất cả các quốc gia trên thế giới. Uỷ ban nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 15 tháng 11 năm 1986, trong đó, đã tập trung vào các yếu tố cấu thành bản văn sách giáo lý: bản chất, mục đích, đặc điểm, đối tượng, thời gian để hoàn tất. 

Năm 1987 khảo sát hai lược đồ đề nghị và trong tháng 12 đã đi đến một dự thảo sơ bộ có tham khảo ý kiến 40 chuyên gia quốc tế.

Tháng 2 năm 1989, Ủy ban bắt đầu xem xét một dự thảo của sách giáo lý Công giáo, và bản dự thảo xin sửa đổi này đã được gửi đến tất cả các giám mục trong tháng 11. Những góp ý của các giám mục sẽ trình lên Uỷ ban vào cuối tháng 5 năm 1990.

Trong những tháng từ tháng 6 đến tháng 10, Uỷ ban đã xem xét, đánh giá các câu trả lời góp ý kiến và xin sửa đổi từ các giám mục trên thế giới. Về căn bản, các giám mục đã: a. đồng ý muốn có một bản văn giáo lý chung cho toàn thể Giáo Hội Công giáo, như là bản văn chuẩn mực cho việc tham chiếu để biên soạn các sách giáo lý quốc gia và các giáo phận; b. đánh giá tích cực bản dự thảo qua hơn 24.000 đề xuất đóng góp ý kiến. 

Từ tháng 11 đến tháng 9 năm 1990, dưới tác động kết quả các ý kiến góp ý của các giám mục, một bản thảo mới của SGLCHTCG đã ra đời dựa trên hai bản thảo, bản đề nghị và bản xin sửa đổi. Bản thảo mới này đã được xem xét bởi Uỷ ban nhóm họp vào tháng 10 cùng năm và trở thành bản thảo lần thứ bảy kể từ khi bắt đầu vào công việc biên soạn.

Bản thảo cuối cùng được hoàn thành vào thời gian từ tháng 11 năm 1991 đến tháng 2 năm 1992. Ngày 14 tháng 2 năm 1992, Uỷ ban hoàn thành công việc của mình với việc cho ra đời bản thảo cuối cùng này. 

c. Giai đoạn công bố 

Ngày 30 tháng 4 năm 1992, bản thảo cuối cùng SGLCHTCG đã hoàn thành chờ chuẩn y và ngày 25 tháng 6 năm đó, Đức Giáo Hoàng đã phê chuẩn bản tiếng Pháp SGLCHTCG.

Sau đó, một uỷ ban liên ngành đã xem xét đến các đề nghị xin sửa đổi để phản ánh tốt hơn nội dung SGLCHTCG và để làm cho chân lý đức tin sáng tỏ hơn trong ngôn ngữ và nội dung giáo lý. Công việc này cần một thời gian nhất định và ngày 15 tháng 8 năm 1997, qua Tông thư “Laetamur Magnopere – Chúng ta vui mừng lớn lao”, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Ấn bản mẫu Editio tipica bằng La ngữ SGLCHTCG, được dùng như là bản quy chiếu cho tất cả những ấn bản khác, hay những bản dịch đã có và sẽ có trong tương lai. 

Sau Công đồng Vaticanô II và sau những năm tháng dành cho việc soạn thảo, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, giờ đây, Giáo Hội có được bản trình bày mới và có thẩm quyền về đức tin tông truyền qua ấn bản SGLCHTCG này. Quả thật, như Tông hiến “Fidei Depositum - Kho tàng Đức tin” đã nói: SGLCHTCG là phương thế có giá trị và hợp pháp để phục vụ cho sự hiệp thông Giáo Hội, là bản tham chiếu chắc chắn có thẩm quyền cho việc giảng dạy đức tin và là bản văn quy chiếu an toàn đích thực cho việc soạn thảo những sách giáo lý địa phương (x. số 4). 

Sau 20 năm SGLCHTCG bắt đầu được soạn thảo, ngày 28 tháng 6 năm 2005, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã cho công bố Bản toát yếu SGLCHTCG. Với 598 câu hỏi đáp, bản toát yếu này là một tổng hợp trung thành và chắc chắn SGLCHTCG. Bản toát yếu này mang tính chất ngắn gọn, sáng sủa và đầy đủ, chứa đựng mọi yếu tố chính yếu và căn bản của đức tin Hội Thánh, tạo thành cuốn thủ bản, cho phép mọi người, dù tin hay không, có thể có được một cái nhìn toàn diện về đức tin Công giáo. 

d. Nội dung

SGLCHTCG được chia thành bốn phần chính, tương ứng với những lề luật căn bản cho đời sống trong Đức Kitô. 

- Phần thứ nhất: “Tuyên xưng đức tin” (tóm tắt trong Kinh Tin Kính), gồm một tổng hợp cơ bản về Lex credenti – Luật đức tin, được Hội Thánh tuyên xưng, rút ra từ Kinh Tin Kính của các Thánh Tông đồ, được bổ túc bằng bản Kinh Tin Kính của hai Công đồng Nicêa và Constantinôpôli. 

- Phần thứ hai: “Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo” (tóm tắt trong Kinh Bảy Phép Bí tích), trình bày các yếu tố căn bản của Lex celebrandi – Luật cử hành. Mầu nhiệm Kitô giáo được cử hành trong phụng vụ nhất là nơi các bí tích để các tín hữu được tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. 

- Phần thứ ba: “Đời sống trong Đức Kitô” (tóm tắt trong Kinh Mười Điều Răn), nhắc nhớ lại Lex vivendi – Luật sống, đó là một sự dấn thân trong hành động và các lựa chọn luân lý, lòng trung thành với đức tin mà các tín hữu tuyên xưng và cử hành. Đây là lời mời gọi các tín hữu hành động sao cho phù hợp với phẩm giá là con cái Chúa. 

- Phần thứ tư: “Kinh nguyện Kitô giáo” (tóm tắt trong Kinh Lạy Cha), trình bày một tổng hợp về Lex orandi – Luật cầu nguyện. Người Kitô hữu được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa trong kinh nguyện. 

Cách phân chia này đã trở thành truyền thống, điều mà Sách Giáo Lý của Thánh Giáo Hoàng Piô V đã theo, có liên hệ chặt chẽ với nhau trong sự thống nhất tuyệt vời về mầu nhiệm Thiên Chúa, kế hoạch cứu độ, cũng như vị trí trung tâm của Chúa Giêsu Kitô. 

Như vậy, SGLCHTCG theo một cấu trúc dựa trên bốn khía cạnh của đời sống chúng ta trong Đức Kitô: Những gì chúng ta tin (Kinh Tin Kính), những điều chúng ta cử hành để hiệp thông vào điều chúng ta tin (phụng vụ, các bí tích), những điều chúng ta hành động dựa theo điều chúng ta tin (Thập Điều) và chúng ta cầu nguyện theo những gì chúng ta tin (Kinh Lạy Cha). Do đó, cấu trúc SGLCHTCG làm cho sách này thích hợp để tiến hành những công tác căn bản của việc huấn giáo trong suốt những chặng đường khác nhau của đời sống Kitô hữu. 

Trong Tự sắc “Porta Fidei – Cánh cửa đức tin”, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã nói: “SGLCHTCG, qua cấu trúc của mình, trình bày sự phát triển đức tin và đề cập đến cả những đề tài chính của đời sống hằng ngày. Trang này sang trang khác, chúng ta khám phá thấy rằng điều được trình bày trong Sách Giáo Lý không phải là một lý thuyết, nhưng là một cuộc gặp gỡ với Đấng sống trong Giáo Hội. Thực vậy, sau khi tuyên xưng đức tin, sách này đi đến phần giải thích đời sống bí tích, trong đó Chúa Kitô hiện diện, hoạt động và tiếp tục xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nếu không có phụng vụ và các bí tích thì việc tuyên xưng đức tin sẽ không hiệu quả, vì thiếu ơn thánh nâng đỡ chứng tá của các tín hữu Kitô. Cũng vậy, giáo huấn của Sách Giáo Lý về đời sống luân lý có một ý nghĩa quan trọng nếu được đặt trong tương quan với đức tin, phụng vụ và kinh nguyện” (số 11).

e. Đặc điểm chung

SGLCHTCG có mục đích giúp hiểu biết đức tin cách sâu xa hơn, nhờ đó đức tin được trưởng thành, đâm rễ vào cuộc sống và biết làm chứng cho đức tin ấy (x. SGLCHTCG, số 23). Theo cuốn Chỉ dẫn chung về dạy giáo lý của Bộ Giáo Sĩ ban hành ngày 15 tháng 8 năm 1997 các số từ 121-130, chúng ta có thể đưa ra một số đặc điểm chung SGLCHTCG như sau: 

- Trình bày giáo huấn của Hội Thánh về tín lý và luân lý một cách có hệ thống, dưới ánh sáng của Công đồng Vaticanô II và Truyền Thống Hội Thánh. 

- Cổ võ sự hiệp nhất của Hội Thánh bằng cách giúp các phần tử của Hội Thánh tuyên xưng Đức Tin một cách đầy đủ và mạch lạc. 

- Cung cấp cho tất cả các tín hữu một trình bày sáng sủa, chính xác và đáng tin cậy về những điều Hội Thánh tin. 

- Điểm tựa vững vàng để tra cứu cho việc dạy giáo lý, cũng như để tham khảo trong việc soạn thảo các sách giáo lý địa phương, bao gồm hoàn cảnh lịch sử và văn hóa địa phương. 

- Thích hợp cho toàn thể Hội Thánh trên khắp thế giới. 

e. Một số chiều kích căn bản

- Chiều kích thần học: SGLCHTCG mang chiều kích mạc khải tròn đầy của Chúa Ba Ngôi trong sự Nhập Thể của Ngôi Hai nơi cung lòng Rất Thánh Đức Trinh Nữ Maria. Trọng tâm của sách là Con Thiên Chúa Nhập Thể, Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì thế đây là cuốn giáo lý mang tính quy Kitô. 

- Chiều kích nhân học: Mầu nhiệm về con người được vén mở qua mầu nhiệm Nhập Thể. Giờ đây, con người được mời gọi hiệp thông với Chúa Kitô, nên đồng hình đồng dạng với Ngài để thông phần vào sự sống của Thiên Chúa. 

- Chiều kích Hội Thánh: Trước hết, SGLCHTCG có liên hệ mật thiết với Công đồng Vaticanô II trong nguồn gốc, sự phát triển và thành quả. Thứ đến, chiều kích Hội Thánh được thể hiện qua bản văn chính thức, phổ quát và thống nhất, trong đó Hội Thánh trình bày những điều mình tin, cử hành, sống và cầu nguyện. 

- Chiều kích Thánh Kinh: SGLCHTCG phong phú về các trích dẫn Lời Chúa chứa đựng trong Thánh Kinh và trình bày Lời Chúa trong toàn bộ chân lý mặc khải. SGLCHTCG đưa ra những thành quả lớn lao của khoa chú giải Thánh Kinh, trong nguyên tắc giải thích, sự thống nhất đồng bộ, dưới ánh sáng Công đồng Vaticanô II, đem đến một kho tàng đức tin quý giá và tinh tuyền, giúp các tín hữu tiếp cận và cầu nguyện bằng Thánh Kinh, gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, trung tâm của toàn bộ Sách Thánh. 

- Chiều kích Giáo Phụ: SGLCHTCG trích dẫn nhiều tư tưởng Giáo Phụ, những điều mà các ngài đã giảng dạy, cử hành và thực hành trong quá khứ, giúp làm sáng tỏ và củng cố đức tin hôm nay. 

- Chiều kích mục vụ: SGLCHTCG trình bày cách dễ hiểu, sáng sủa, kèm theo một số ảnh thánh được rút ra từ di sản phong phú của nghệ thuật thánh. Sách được gửi đến các tín hữu, nhưng cũng dành cho hết mọi người thuộc mọi tôn giáo và điều nổi bật nhất, nòng cốt nhất, là lòng yêu thương. Đây là nét đặc thù trong giáo lý Kitô giáo: “Kitô giáo không có nguồn gốc nào khác ngoài tình yêu và cũng không có mục đích nào khác ngoài tình yêu” (SGLHTCG 25).

Lm. Giuse Phạm Quốc Điêm10/25/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét