Trang

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

19-10-2012 : THỨ SÁU TUẦN XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Sáu sau Chúa Nhật 28 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 1, 11-14
"Chúng tôi trước kia đã trông cậy vào Ðức Kitô, và anh em được ghi dấu Thánh Thần".
Trích thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, trong Ðức Kitô, chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, và anh em (là con cái Israel) cũng được tiền định theo ý định của Ngài là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trước kia đã trông cậy vào Ðức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, được ca ngợi vinh quang Ngài.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 1-2. 4-5. 12-13
Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình! (c. 12b).
Xướng: 1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa! Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. - Ðáp.
2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực; địa cầu đầy ân sủng của Chúa. - Ðáp.
3) Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Từ trời cao Chúa nhìn xuống, Người xem thấy hết thảy con cái người ta. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Dt 4, 12
Alleluia, alleluia! - Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và ý muốn của tâm hồn. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 1-7
"Mọi sợi tóc trên đều các con cũng đã được đếm cả rồi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: "Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà.
"Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy.
"Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Bài Phúc Âm hôm nay là bài học gồm những lời chỉ dạy của Ðức Giêsu cho các môn đệ của Ngài.
Bài học được bắt đầu với lời cảnh cáo về sự giả hình, dối trá, nơi những biệt phái và thông luật. Nhưng nó cũng không loại trừ đâm rễ nơi những ai không hết lòng cảnh giác. Còn người môn đệ phải rao loan Tin Mừng cho mọi nơi, nhưng với một thái độ yêu thương, khiêm nhường. Và cuối cùng là lời an ủi, khuyến khích của Ðức Giêsu để làm cho các môn đệ của Ngài luôn can đảm, tín thác.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Ðường, là sự Thật. Chúng con, người môn đệ của Chúa cũng phải luôn đi trong sự thật. Thành thật trong tâm hồn, thành thật trong lời nói và thành thật trong hành động của chúng con. Chính cách sống chân thành của chúng con là một lời loan báo về Chân Lý là chính Chúa. Ðể sống theo sự thật, chắc chắn chúng con sẽ phải trả giá. Nhưng chúng con tin tưởng Chúa luôn đồng hành và trợ giúp chúng con. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Các Con Ðừng Sợ
(Lc 12,1-7)
Suy Niệm:
Các Con Ðừng Sợ
Thánh Justinô là một triết gia nổi tiếng của Kitô giáo vào thế kỷ thứ 2; ngài đã bị bắt giam tại Rôma cùng với một số Kitô hữu khác, vì tội tuyên truyền tôn giáo trong trường học do ngài điều khiển. Ra trước tòa, khi được hỏi về hành động của mình, thánh nhân dõng dạc tuyên bố:
- Suốt đời tôi, tôi đã đi tìm kiếm chân lý; tôi đã nghiên cứu sâu xa các triết lý Ðông Phương, Hy Lạp và Rôma; thế nhưng cuối cùng tôi đã tìm được giáo thuyết chân thật.
Quan tòa liền hỏi giáo thuyết chân thật đó là gì ? Thánh nhân giải thích:
- Thưa là giáo thuyết của Chúa Giêsu Nazaret, giáo thuyết này nhằm giải phóng chúng ta khỏi các ngẫu tượng và dạy chúng ta thờ phượng một Thiên Chúa độc nhất, hằng sống và chân thật, là Ðấng tạo thành trời đất, là Ðấng cứu rỗi nhân loại.
Quan tòa lại hỏi:
- Vậy ông là một Kitô hữu ư?
Thánh nhân liền tuyên xưng:
- Phải, tôi là một Kitô hữu và tôi lấy làm vinh dự được làm Kitô hữu cùng với các bạn tôi đây.
Quan tòa ra lệnh cho thánh nhân và các bạn của ngài phải tế thần, thánh nhân trả lời một cách cương quyết:
- Chúng tôi không tôn thờ ngẫu tượng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi là những người vô thần. Chúng tôi thờ lạy một Thiên Chúa thiêng liêng, Cha của Chúa Giêsu. Một người có đầu óc lành mạnh không thể từ bỏ tôn giáo chân thật để chạy theo một tôn giáo giả.
Thấy không thể thuyết phục được thánh nhân bỏ đạo, quan tòa ra lệnh đánh đòn rồi xử trảm thánh nhân và các bạn.
Ðứng trước cái chết, ai cũng run sợ. Chúa Giêsu đã không thoát khỏi tâm trạng ấy: Ngài run sợ đến toát mồ hôi máu. Vậy đâu là sức mạnh giúp Chúa Giêsu thắng vượt sự sợ hãi ấy? Thưa, chính là sự kết hiệp với Chúa Cha. Niềm tín thác vào sự hiện diện và tình yêu của Chúa Cha đã giúp Chúa Giêsu thắng vượt mọi thử thách và yếu hèn trong thân phận làm người.
Ðó cũng là bí quyết của tất cả các thánh tử đạo. Sách Công vụ Tông Ðồ kể lại đầy đủ chi tiết cái chết của vị tử đạo tiên khởi là thánh Stêphanô. Thánh nhân cũng phải trải qua những giây phút kinh hãi như chính Chúa Giêsu; nhưng sách Công vụ Tông đồ mô tả thái độ của ngài như sau: "Ngài được đầy Thánh Thần, đăm đăm nhìn trời cao thấy vinh quang của Thiên Chúa và thấy Chúa Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa". Chỉ bằng một ánh mắt luôn hướng về trời cao như thế, con người mới có thể lướt qua thử thách và sợ hãi. Thánh Justinô đã có được sự bình thản trước cái chết, bởi vì ngài luôn tin tưởng vào Thiên Chúa hằng sống và chân thật.
Nhìn lại cung cách của một số vị tử đạo, chúng ta có được sức mạnh của Lời Chúa trong đời sống con người. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay tập trung vào hai chữ: "Ðừng sợ" được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần. Ðây chính là một mệnh lệnh của Chúa Giêsu chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng. Trong biến cố Truyền tin, thiên sứ đã nói với Ðức Maria: "Ðừng sợ". Khi Chúa Giêsu sinh ra, các thiên sứ đã loan báo tin vui bằng lời trấn an các mục đồng: "Ðừng sợ". Ðây là công thức sẽ được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần với các môn đệ, và cao điểm là lúc Ngài tuyên bố: "Các con đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian".
Khi được bầu làm Giáo Hoàng, trong diễn văn đầu tiên tại quảng trường thánh Phêrô, Ðức Gioan Phaolô II đã dõng dạc tuyên bố: "Ðừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô". Thật thế, khi con người mở rộng cửa cho Chúa Kitô, khi con người để Chúa Kitô sinh động trong tâm hồn, khi con người chỉ sống bằng sự sống của Chúa Kitô, thì lúc đó con người sẽ lướt thắng được mọi sợ hãi, và chỉ lúc đó, con người mới có thể lên tiếng công bố Lời Chúa cho mọi người.
Nguyện xin sức sống của Chúa Kitô tràn ngập tâm hồn chúng ta, để cả cuộc đời chúng ta trở thành lời ca tụng Chúa trước mặt mọi người.
 (Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 28 TN2
Bài đọc: Eph 1:11-14; Lk 12:1-7.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Tin vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa

Trong cuộc sống, chúng ta rất hoang mang sợ hãi và không dám hành động nếu chúng ta không biết những gì sẽ xảy đến trong tương lai. Nhưng nếu biết trước những gì sẽ xảy ra, chúng ta sẽ không sợ hãi và tự tin hơn để tiến tới. Ví dụ: nền kinh tế của thế giới ngày nay. Trong cuộc đời của con người cũng vậy, nếu không biết đích điểm cuộc đời và những gì sẽ xảy ra sau khi chết, con người sẽ dễ dàng hoang mang và sợ đủ mọi thứ; nhưng nếu biết đích điểm cuộc đời và những gì xảy ra sau khi chết, con người sẽ không còn hoang mang sợ hãi và sẵn sàng chấp nhận những gì xảy đến trong cuộc đời ngay cả chấp nhận cái chết. Các Bài đọc hôm nay chỉ cho chúng ta thấy sự Quan Phòng và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, để giúp chúng ta luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa và biết cách hành động khi phải đương đầu với những thử thách của cuộc đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tin vào Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa
Đọan văn chúng ta đang nghiên cứu vẫn thuộc Bài Thánh Ca chúng ta đã phân tích hôm qua (Eph 1:1-14). Vài điểm cần lưu ý khi chúng ta đọc đọan văn này: khi dùng chủ từ “chúng tôi,” Thánh Phaolô có ý ám chỉ người Do-Thái; khi dùng chủ từ “anh em,” thánh nhân muốn ám chỉ các tín hữu Dân Ngọai. Điểm chính trong đọan văn hôm nay là thánh Phaolô muốn chỉ cho mọi người thấy: trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, Ngài không chọn tất cả mọi người một lúc, nhưng chọn người Do-Thái trước. Sau đó, Thiên Chúa mở rộng Kế Họach Cứu Độ đến tất cả mọi dân mọi nước.
1.1/ Thiên Chúa chọn người Do-Thái đầu tiên: Kinh nghiệm cho thấy hầu hết mọi kế họach, nếu muốn thành công, phải bắt đầu từ một số nhỏ, rồi mới lan rộng từ từ đến số lớn hơn. Lý do là vì huấn luyện số nhỏ dễ dàng hơn là huấn luyện đám đông; và số nhỏ này, sau khi được huấn luyện, sẽ trở thành những cán bộ nòng cốt giúp cho việc phát triển được dễ dàng hơn. Thiên Chúa cũng thế, Ngài đã chọn người Do-Thái làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người. Ngài đã huấn luyện và chuẩn bị cho họ là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô. Tất cả các Tông Đồ và môn đệ của Chúa Giêsu đều là người Do-Thái.
1.2/ Thiên Chúa mở rộng sự lựa chọn đến các Dân Ngọai: Sau khi Chúa Giêsu đã chọn và huấn luyện họ, Ngài sai họ đi đến với các người Do-Thái khác và với các Dân Ngọai. Bổn phận của các Tông Đồ và các môn đệ là làm cho muôn dân nhận biết Thiên Chúa và Kế Họach Cứu Độ của Ngài qua 2 việc:
 (1) Qua việc rao giảng Tin Mừng: Đây là cách duy nhất giúp cho muôn dân nhận biết Chúa. Tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với con người đã được Đức Kitô mặc khải cho các môn đệ của Ngài. Giờ đây họ truyền lại cho Dân Ngọai tất cả những gì họ đã học được nơi Đức Kitô như lời Thánh Phaolô loan báo: “Trong Đức Ki-tô, cả anh em nữa, anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em.”
(2) Qua việc đóng ấn Thánh Thần: Sau khi đã nghe và học biết về Thiên Chúa và về Kế Họach Cứu Độ của Ngài, Dân Ngọai có tự do chọn lựa để tin hay không tin. Nếu họ tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô, họ được đóng ấn Thánh Thần qua Phép Rửa Tội và chính thức trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa. Ấn tín Thánh Thần chứng minh 2 điều: Chúa muốn con người tin nơi Ngài và con người có thể làm được với sự trợ giúp của Thánh Thần (Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa mà không do Thánh Thần thúc đẩy).
Một khi đã tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô và được đóng Ấn Tín Thánh Thần, con người được bảo đảm để hưởng mọi đặc ân và gia nghiệp của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “Thánh Thần như bảo chứng (arrabon) phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc.” Bảo chứng này giống như món tiền cọc đặt khi đi mua nhà; một khi đã đặt tiền cọc, căn nhà đó thuộc quyền sở hữu của người mua dù chưa trả hết tiền.

2/ Phúc Âm: Tin vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa
2.1/ Tránh cuộc sống gỉa hình như các Kinh-sư: Mặc dù các Kinh-sư là những người hiểu biết và tuyên xưng đức tin của họ nơi Thiên Chúa, nhưng cuộc sống giả hình của họ đã không chứng minh sự hiểu biết và niềm tin của họ vào Ngài. Nếu họ hiểu biết Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự thì làm sao họ có thể giấu Ngài lối sống gỉa hình của họ. Vì thế, Chúa Giêsu dặn các môn đệ phải đề phòng: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.”
2.2/ Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác: Khuynh hướng của con người là ham sống và sợ chết; nhưng nếu con người hiểu những gì sẽ xảy ra sau khi chết, con người sẽ dễ dàng chấp nhận cái chết hơn. Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ biết những điều này: “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy.” Vì thế, nếu phải chấp nhận cái chết để làm chứng cho Chúa, thì con người cũng phải làm vì biết họ sẽ nhận lại cuộc sống trong Vương Quốc đời sau.
2.3/ Tin vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa: Ngòai cái chết, con người còn lo sợ về những nhu cầu sinh sống hay bệnh tật. Chúa Giêsu dạy các môn đệ cũng phải vứt đi những lo sợ này và tin tưởng hòan tòan nơi tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài bảo các ông: “Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Không hiểu biết, thiếu hiểu biết, hay hiểu biết sai là những nguyên nhân làm cho đức tin con người lung lạc và hay lo sợ viển vông. Chúng ta cần học hỏi để hiểu biết sự Quan Phòng và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.
- Có những điều xảy ra trong cuộc đời trong sự Quan Phòng của Thiên Chúa, nhưng ngòai sự kiểm sóat của con người: bệnh tật, già yếu, sự chết… Con người có lo sợ cũng chẳng thóat khỏi, chi bằng phó thác hòan tòan vào tình yêu Thiên Chúa và Kế Họach Cứu Độ của Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************

Thứ Sáu tuần 28 thường niên
Sứ điệp: Chúng ta có những nỗi băn khoăn lo lắng cho ngày hôm nay, và cũng có những âu lo sợ hãi cho ngày mai, Thiên Chúa biết rõ tất cả. Ngài sẽ trợ giúp chúng ta vượt qua những trở ngại ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trước mặt Chúa, con không phải chỉ là con số vô danh, mất hút trong số sáu tỷ người trên thế giới, nhưng con là một cá nhân riêng biệt, được Chúa biết đến, được Chúa quan tâm và yêu thương vô vàn. Điều này làm con an tâm cho số phận mình và luôn tin tưởng phó thác nơi lòng thương yêu quan phòng của Chúa. Chúa chăm sóc cả đến những tạo vật nhỏ bé nhất. Chúa nhớ đến những con chim bé bỏng. Chúa quan tâm đến những vật rất tầm thường. Chúa để ý đến mọi sự…, huống chi là con. Lạy Chúa, con xin cảm tạ lòng thương vô biên Chúa.
Lạy Chúa, với lòng tin tưởng ấy, con  hoàn toàn phó thác nơi  Chúa cuộc đời con. Bởi vì khi sống điều Chúa dạy, con sẽ phải đối diện với bao thử thách, con sẽ gặp những khó khăn từ chính bản thân mình. Những vui buồn sướng khổ có thể dẫn con lạc hướng. Con cũng gặp những đe dọa từ phía những người khác. Con bị cản ngăn sống Lời Chúa, con bị chê cười khi thực hiện điều Chúa dạy. Nhưng Chúa ơi, con luôn đặt mình trước mặt Chúa để chỉ sống theo ý Chúa mà thôi. Con không sợ những đe dọa kia, con cũng không sợ người khác, nhưng con chỉ kính sợ một mình Chúa là Đấng xét xử con.
Lạy Chúa, con tin rằng Chúa thương yêu con cách riêng tư. Xin Chúa giúp con can đảm thực hành điều Chúa dạy như một đáp trả tình thương ấy. Amen.
Ghi nhớ :"Mọi sợi tóc trên đều các con cũng đã được đếm cả rồi".

19/10/12 THỨ SÁU TUẦN 28 TN
Th. Phaolô Thánh giá, linh mục
Lc 12,1-7 

KHÔNG THỂ CHE GIẤU!
“Không có gì che giấu mà không bị lộ ra.” (Lc 12,2)
Suy niệm: Khi nhắc đến Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nhiều người sẽ nhớ câu nói của ngài:“Đừng sợ!” Ngài đã lặp lại lời của Chúa Giêsu để củng cố đức tin, nung nấu niềm hy vọng cho các Kito hữu. Thế nhưng, bản tính yếu nhược của chúng ta là vẫn cứ sợ. Chúa Giêsu đến giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ này. Ngài nói với chúng ta: “Đừng sợ” sống theo Lời Chúa thì đi ngược dòng đời, đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác! “Đừng sợ” vì Thiên Chúa, Đấng có toàn quyền trên xác hồn của ta, lại là Cha nhân hậu, yêu thương săn sóc quan phòng. Nhỏ bé, không có giá trị gì như chim sẻ còn được Chúa chăm sóc, huống chi con người. Ngay cả bao nhiêu sợi tóc của con người cũng được Ngài đếm cả rồi!
Mời Bạn: “Không có gì che giấu mà không bị lộ ra.” Bạn có tin lời đó của Chúa Giêsu không? Một việc sai trái, bạn có thể che giấu trước mặt mọi người, nhưng có một người biết rõ bạn, đó là Chúa. Chúa biết mọi sự, nhưng cách sửa lỗi của Chúa là dùng lời của Ngài mời gọi chúng ta đến với chân lý, yêu chuộng lẽ phải, thuộc về sự thật. Bạn có dám “liều mình” một lần nói hết những nỗi sợ cho Chúa không?
Chia sẻ: Những thiệt hại nào xảy đến với tôi, khi tôi sống trong sợ hãi?
Sống Lời Chúa: Một trong những cách giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi là nói sự thật về mình với Chúa nơi tòa giải tội.
Cầu nguyện: Lạy Chúa! người ta đã tìm cách giết hại người rao giảng Lời Chúa, nhưng Lời ấy hôm nay vẫn đến được với chúng con. Quả thật, không có gì che giấu mà không bị lộ ra. Xin cho chúng con mạnh dạn sống theo Lời Chúa dạy, để không còn sợ hãi. Amen.

Môn đệ và bạn hữu
Thầy Giêsu còn khuyên các môn đệ đừng sợ... Phải sợ chính Thiên Chúa, Đấng có quyền ném anh em vào hỏa ngục. Các vị tử đạo đều tin, hiểu và sống các câu Tin Mừng này.
Suy nim:
Trước một đám đông kinh khủng chen lấn để đến gần Ngài,
Thầy Giêsu vẫn muốn ngỏ lời trước hết với các môn đệ dấu yêu.
Lần duy nhất trong Tin Mừng Nhất lãm, Thầy gọi họ là bạn hữu (c. 4).
Thầy dặn dò họ cảnh giác kẻo lây nhiễm men của người Pharisêu,
đó là thái độ đạo đức giả (c. 1).
Thái độ này luôn bao hàm một che giấu nào đó về sự thật,
khiến người nhìn bên ngoài dễ bị đánh lừa bởi những mặt nạ đạo đức.
Việc che giấu khéo léo này có thể xuôi chèo mát mái một thời gian.
Nhưng đối với Thầy Giêsu, nó không thể kéo dài mãi.
Sớm muộn gì sự thật cũng sẽ lộ diện, như chiếc kim trong bọc thò ra.
“Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra,
không có gì bí mật mà sẽ không bị người ta biết” (c. 2).
Nếu con người mãi mãi không biết, thì Thiên Chúa vẫn biết.
Chúng ta có thể tránh được máy kiểm tra nói dối của người đời,
nhưng không tránh được cái nhìn xuyên thấu tâm can của Thiên Chúa.
“Tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày;
điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà” (c. 3).
Như thế điều tưởng như không thể lọt ra ngoài, điều kín như bưng,
vẫn có thể bị đưa ra ánh sáng,
mặt nạ bị rơi xuống, và bản chất thật của con người được vén mở.
Đây là một lời đe dọa, hay đúng hơn, một lời khuyên hãy sống thực lòng.
Thầy Giêsu còn khuyên các môn đệ đừng sợ.
Chuyện bị bách hại và sát hại là chuyện có thể xảy ra.
Chuyện ấy sẽ xảy ra với Thầy và với các môn đệ nữa.
Điều quan trọng là đừng sợ kẻ sát nhân lấy đi mạng sống thân xác (c. 4).
Dù mạng sống thân xác thật đáng quý, đáng trọng,
nhưng con người không phải chỉ có thân xác hay chỉ là thân xác.
Thầy dạy cho các môn đệ biết phải sợ ai (c. 5).
Phải sợ chính Thiên Chúa, Đấng có quyền ném anh em vào hỏa ngục.
Các vị tử đạo đều tin, hiểu và sống các câu Tin Mừng này.
Họ đã chịu bao đớn đau nhục hình và cái chết thân xác,
nhưng họ đã tránh được hỏa ngục, và được đón vào lòng Thiên Chúa.
Kitô hữu phải đối diện với những thách đố cam go.
Lúc chịu bách hại lại tưởng mình bị Thiên Chúa bỏ rơi, ruồng rẫy.
Chim sẻ là thức ăn rẻ tiền cho người nghèo,
tiền lương một ngày mua được những 40 con chim sẻ.
Nếu Thiên Chúa không quên một con sẻ nào,
thì Ngài lại càng không thể quên được những người bạn của Con Ngài.
Nếu từng sợi tóc của chúng ta đã được Thiên Chúa biết,
thì chuyện mạng sống của ta hẳn được Ngài quan tâm hơn nhiều.
Hãy để lòng mình bình an vì sống không gian dối, nên không sợ bị lộ.
Hãy để lòng mình bình an vì cái chết chẳng phải là dấu chấm hết.
Hãy hạnh phúc vì biết mình là môn đệ và là bạn hữu của Thầy Giêsu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được ơn khôn ngoan
để con biết sợ điều phải sợ.
Cho con đừng sợ những đe dọa đến thân xác, tiếng tăm,
nhưng biết sợ mất đi vĩnh viễn toàn bộ con người mình.
Cho con đừng sợ những kẻ làm hại con ở đời này,
nhưng biết sợ phải xa Đấng yêu con và muốn con hạnh phúc mãi.
Xin giải phóng con khỏi những nỗi sợ đã ăn sâu vào cuộc sống,
những nỗi sợ ngấm ngầm mà chính con không dám thú nhận,
những nỗi sợ làm con chẳng bao giờ được tự do và an vui.
Nhờ đó con dám sống thật sự là mình,
tươi tắn và hồn nhiên, nhẹ nhàng và không lo lắng.
Xin dạy con ngắm những bông hoa dại vệ đường
để thấy chúng được điểm trang lộng lẫy,
và ngắm chính mình mỗi ngày,
để thấy vẻ đẹp nơi mình như một quà tặng của tình yêu.
Xin dạy con ngắm đàn chim sẻ ríu rít buổi sáng,
để biết mình chẳng nên quá lo về chuyện cơm áo gạo tiền,
nhưng nên phó thác như em thơ ngồi trong lòng mẹ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đặt đời mình trong tay Cha.
Xin cho con cũng đặt đời con trong tay Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Mọi sợi tóc trên đều các con cũng đã được đếm cả rồi".

Men Pharisiêu
Ðoạn Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay là những câu đầu tiên trong chương 12 Phúc Âm theo thánh Luca. Nơi chương này, tác giả quy góp lại những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ, mặc dù đám đông dân chúng đang hiện diện nơi đó không bị loại ra bên ngoài. Như chúng ta đọc thấy ngay câu thứ nhất của chương 12: “Dân chúng qui tụ quanh Chúa đông đảo đến độ dẫm chân lên nhau. Họ đến để nghe Lời Chúa giảng dạy và được gặp Chúa”. Tuy nhiên nơi câu kế tiếp (tức câu thứ hai), tác giả sách Phúc Âm cho thấy là Chúa Giêsu chú ý nhiều hơn đến các môn đệ, nên ghi thêm chi tiết: “Chúa Giêsu bắt đầu nói trước hết với các môn đệ”, lời giảng của Chúa Giêsu là cho tất cả mọi người nhưng đối với các môn đệ thì càng có giá trị bắt buộc nhiều hơn nữa.
Nếp sống mà Chúa muốn cho các môn đệ Ngài sống là hoàn toàn mới mẻ, khác với nếp sống của những biệt phái và thông luật bị Chúa nặng lời khiển trách trước đó: “Các con hãy giữ mình đừng bị men Pharisiêu tức sự sống giả hình”. Các môn đệ Chúa sẽ dấn thân sống sự thật và phục vụ cho sự thật với hết lòng thành thật.
Những hành động, nếp sống hàng ngày của môn đệ cần phải phù hợp với tâm hồn bên trong, không thể nào che đậy giấu diếm tâm hồn xấu xa mãi được, không gì ẩn khuất bên trong mà không bị lộ ra; nhưng không phải chỉ có nếp sống thành thật không mà thôi. Nếp sống đó là một chứng tá công khai cho Chúa: “Ðiều tốt tự nhiên được loan truyền phổ biến”. Ðiều các môn đệ nghe, nhận lãnh từ Chúa cần được loan báo cho mọi người. Người Kitô môn đệ Chúa không thể giấu diếm tài năng, những nén bạc Chúa ban cho mà cần phải rao giảng trên mái nhà, công khai cho mọi người được biết. Nếp sống chứng tá này không phải là điều dễ dàng đối với Chúa cũng như đối với các môn đệ. Sự hăm dọa và bách hại đã không thiếu trong đời sống của môn đệ làm cho các ngài nhiều khi phải có thái độ im lặng làm ngơ, không dám lên tiếng trình bày sự thật, làm chứng cho sự thật.
Chúa Giêsu khuyên các môn đệ hãy can đảm và tin tưởng vào sự chăm sóc của Thiên Chúa: “Chúng con đừng sợ những kẻ chỉ làm hại được trên thể xác, nhưng hãy có lòng kính sợ Chúa”. Ðây là sự kính sợ của lòng yêu thương con thảo đối với Thiên Chúa Cha, là Ðấng luôn luôn hiện diện với con người, với những môn đệ: “Này, Ta sẽ ở cùng chúng con mỗi ngày cho đến tận thế”. Lo sợ trước những thử thách, những bách hại, là phản ứng tự nhiên của con người, nhưng Chúa Giêsu muốn cho chúng ta vượt qua những phản ứng tự nhiên này bằng tình yêu mạnh mẽ đối với Chúa.
Lạy Chúa,
Chúng con cảm tạ Chúa vì đã muốn và huấn luyện chúng con trở thành những chứng nhân của Chúa nhưng chúng con tự nhiên lo sợ trước những thử thách. Xin thương giúp chúng con tin tưởng vào lời Chúa và sẵn sàng tuân theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Chúa, sống đức tin và niềm hy vọng trong mọi hoàn cảnh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Nhưng Chân Lý Đã Chiến Thắng
“Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác, và sau đó không làm gì được hơn nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: Anh em hãy sợ Đấng ấy.” (Lc. 12, 4-5)
Dân chúng chen lấn xô đẩy nhau chung quanh không thể chú ý được nên trước hết Đức Giêsu bắt đầu nói với các môn đệ, Người gọi các ông bằng bạn hữu vì Người bày tỏ những mầu nhiệm Thiên Chúa cho các ông. Nhưng phải coi chừng đừng sợ chi!
Những biệt phái giả hình nhấn mạnh đến hình thức giữ đạo bên ngoài không đặt nền tảng trên tình yêu Thiên Chúa. Đức Giêsu lưu ý các môn đệ phải loại bỏ lối giữ đạo đó. Những khuynh hướng thầm kín nhất của con tim muốn bộc lộ bằng lời nói và hành động một cách tự nhiên và như thế dễ hời hợt sai lầm. Vậy không nên để nó điều đình với chân lý, dù để được kết quả rực rỡ.
Cũng không phải quan tâm lựa chọn nơi chốn mình tuyên xưng đức tin, Các môn đệ phải làm chứng liên tục luôn luôn mọi nơi mọi chỗ; dù trong hầm tối hay mộ hang toại đạo, dù trong phòng khách hay nơi bàn giấy, dù trong tù ngục hay trại lính, bằng cách rỉ tai đến cách công khai, đều có thể giúp làm chứng cho chân lý. Dù bằng cách nào, chân lý sẽ tự bộc lộ ra giữa ban ngày, không có chi ngăn cản được.
Hãy làm chứng đừng sợ
Chắc hẳn, như các ngôn sứ, các môn đệ phải liều mất mạng khi làm chứng, nếu kính sợ Thiên Chúa, thì không còn sợ chết nữa. Chính Chúa sẽ ban sự sống đời đời cho các ông. Chỉ sợ Ngài là Đấng có quyền giết rồi lại ném vào lửa ngục. Vậy Thiên Chúa đáng kính sợ hơn mọi công an cảnh sát chìm, hơn mọi kẻ hành quyết công chúng. Nhưng Đức Giêsu không đối lập hai thứ sợ hãi, Thiên Chúa là tình yêu và luôn săn sóc những kẻ bé mọn yếu hèn, nên càng có lý do tin tưởng Ngài yêu thương họ. Chính vì trông cậy vững chắc vào lòng thương yêu của Chúa mà các môn đệ phải sống làm chứng cho tình yêu của Ngài.
Lời Đức Giêsu nói với tất cả các bạn hữu của Người, những người đã chịu phép rửa của Hội thánh ở mọi nơi mọi thời, điều quan trọng là phải sống xứng đáng với ơn gọi để trở nên làm con Chúa Cha, chứ đừng thỏa hiệp với thế gian vì sợ hay vì kính tin nó.
Mọi Kitô hữu phải luôn nhớ rằng mình đang sống dưới ánh mắt của Thiên Chúa.
RC.





Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
19 THÁNG MƯỜI
Chứng Từ Của Tình Yêu Huynh Đệ
Sau khi ghi nhận những công việc xuất phát từ tình yêu lớn lao dành cho Chúa Kitô trong trái tim của người phụ nữ này – một tôi tớ nhỏ bé của Thiên Chúa – tôi liên tưởng đến giáo huấn mà Tông Đồ Phao-lô đã viết cho các tín hữu Philipphê: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau” (Pl 2,1-2).
Phải chăng những lời này của vị Tông Đồ Dân Ngoại chỉ dành cho giáo đoàn ở Philipphê? Hay chỉ gởi cho giáo hội ở Calcutta? Không! Đó là những lời được gởi cho toàn thể Giáo Hội ở mọi nơi trên thế giới, gởi cho mọi người Kitô hữu! Có thể nói, đó là những lời được gởi cho mọi tín đồ thuộc mọi niềm tin tôn giáo, cho tất cả những con người thiện chí. Đó là một chứng từ của tình yêu huynh đệ: “Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được nên trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,2-3).
Đừng! Chúng ta đừng bao giờ hành động theo hướng nuôi dưỡng hận thù, bất công, hoặc gây ra đau khổ! Đừng bao giờ hành động để chạy đua vũ trang! Đừng bao giờ hành động theo hướng áp bức các dân tộc yếu kém! Đừng bao giờ hành động theo những dạng trá hình của chủ nghĩa đế quốc và những ý thức hệ bất nhân chà đạp tinh thần người ta.
Cuối cùng, hãy cho phép những người thấp cổ bé miệng được lên tiếng nói! Hãy cho phép những người nghèo của Mẹ Têrêsa – cũng như mọi người nghèo trên thế giới – được lên tiếng nói! Bởi tiếng nói của họ chính là tiếng nói của Đức Kitô! Amen.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 19-10
Thánh gioan Brêbeup Linh mục;
Ep 1, 11-14; Lc 12, 1-7.
LỜI SUY NIỆM: “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa” (Lc 12,4).
          Chúa Giêsu cho chúng ta biết: Tất cả chúng ta là bạn hữu của Ngài, như chúng ta đã sống tình bạn với một ai đó; trong tâm tình bạn hữu thì luôn muốn cho bạn của mình những điều tốt lành nhất, hơn cả chính mình. Đồng thời Chúa Giêsu cũng cho chúng ta biết: mỗi một người trong chúng ta đều có trách nhiệm phải loan báo Tin Mừng. Trong việc loan báo Tin Mừng sẽ gặp nhiều khó khăn và thử thách, có thể bị người ta giết chết bản thân mình, Nhưng Ngài bảo đừng sợ, đừng sợ nhũng con người, những tập thể giết chết thân xác mình, rồi sau đó chẳng làm hơn những gì họ đã  làm. Phải sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục. Chúa còn cho chúng ta biết giá trị của mỗi chúng ta còn lớn hơn loài chim sẻ rất nhiều, trong khi loài chim sẻ bé nhỏ như vậy, thế mà Thiên Chúa không bỏ quên chúng, trong khi chúng ta là con người, mang hình ảnh của Ngài  Mỗi người đều có quyền tự do hoàn toàn để chọn lựa và quyết định cho số phận của mình ngay ở đời này lẫn đời sau. Mọi sự lựa chọn,  sẽ có ân thưởng hay sẽ bị án phạt
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân

19 Tháng Mười
Ôi Giêsu, Ôi Giêsu!

Jeanne D'Arc, một cô gái quê, đã nghe theo tiếng gọi từ trời cao để cầm quân đánh đuổi người Anh ra khỏi đất Pháp. Nhờ chiến thắng này, hoàng tử Charles đã được đăng quang làm vua nước Pháp.
Nhưng sau đó trong một trận chiến khác, Jeanne D'Arc bị bại trận, cô bị người Anh bắt giữ và kết án hỏa thiêu. Trong những giờ phút cuối cùng cô chỉ còn trơ trọi một mình: người mẹ thân yêu ở cách xa ngàn dặm, vua Charles không muốn bỏ tiền ra để chuộc cô, các tướng lãnh và binh lính đã từng sát cánh bên cô cũng đã bỏ chạy trốn hết. Chỉ còn lại âm thanh lúc nào cũng trung thành với cô: đó chính là tiếng kêu của cô.
Trong cơn đau đớn cùng cực, người thiếu nữ đã kêu lớn: "Ôi Giêsu, ôi Giêsu!". Quả thật, dù lòng người có bội bạc phôi pha, Chúa Giêsu vẫn luôn ở với cô và luôn an ủi đỡ nâng cô.
Tin tưởng là tiếp tục yêu mến cho dù trong từng phút giây ta có bị người đời bỏ rơi, phản bội. Yêu là tin rằng ta có thể trung thành trước những bất trung của người khác và những thăng trầm của cuộc sống. Chúng ta đứng vững trong niềm tin vì cho dù xung quanh ta không còn một bóng người, Thiên Chúa vẫn luôn ở đó.
(Lẽ Sống)
Ngày 19
                 
Thánh Isaác Giogơ, linh mục, và các bạn, tử đạo
Thánh Phaolô Thánh Giá, linh mục
Thánh Gioan Bơrêbớp, linh mục
 
Tình yêu, mà tôi được mòi sông, giông như tình yêu trong trái tim Thiên Chúa.
Marc Donzé
 
Xin hiệp nht con với Chúa, không chia lìa,
 
Thánh Isaác Giogơ
 
Lạy Chúa Giêsu, Đấng con mun yêu mến với niềm vui thúc đẩy con, ngay từ bây giờ, con xin dâng lên Chúa máu của con, thân xác và cuộc sống của con.
Con chỉ mun chết cho Chúa thôi, nếu Chúa cho con ơn đó, bi vì Chúa đã chết cho con.
Xin cho con biết sng, để được Chúa ban cho con ơn được chết một cách có lợi như thế.
Vâng, lạy Thiên Chúa là Đng Cứu độ con, con sẽ nhận chén đau khổ từ tay Chúa và con sẽ cầu khẩn thánh danh:
Giêsu, Giêsu, Giêsu!
 
Thánh Gioan Bơrêbốp
Hạnh Các Thánh

Ngày 19 tháng 10
THÁNH PHAOLÔ THÁNH GIÁ LINH MỤC
THÁNH GIOAN BRÉBEUF LINH MỤC
THÁNH ISAAC JOGUES LINH MỤC VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO
THÁNH PHAOLÔ THÁNH GIÁ LINH MỤC
(1694-1755)

Ít có biến cố đẹp mắt để ghi lại cuộc đời của Phaolô Pranes Đaniel. Ngài dành trọn đời cho cầu nguyện, sám hối và tôn sùng cuộc tử nạn của Chúa. Ngài là dụng cụ phổ biến lòng tôn sùng này với dòng tu ngài thiết lập: “DÒNG THƯƠNG KHÓ”. Ngài sinh tại Ovađa, miền bắc Italia, năm 1694, trong một gia đình trung lưu đạo đức. Dầu cuộc sống ngài cho tới tuổi 15 đã diễn ra như cuộc sống bình thường của người kitô hữu, nhưng vào thời kỳ này, ngài đã trải qua một loạt trở ngại khiến ngài dâng trọn đời cho việc cầu nguyện, hãm mình: ngài quỳ gối lâu giờ, thực hành những việc phạt xác, như ngủ trên đất và ăn chay liên tục, nhờ đó gây ảnh hưởng rất nhiều đối với những người đương thời, khiến nhiều người đi tu dòng hay làm linh mục triều.
Vào năm 20 tuổi, việc gia nhập đạo quân Venitia để bảo vệ Kitô giáo chống lại người Hồi giáo, nhưng sau một thời gian, lý tưởng ngài đã khác. Ngài đã trở lại đời sống cầu nguyện hãm mình.
Sáu năm qua đi và đến lúc 26 tuổi, ngài mới thấy rõ hơn chuỗi ngày tương lai của mình trong một loạt các thị kiến. Ngài hiểu rằng mình phải lập một dòng tu đặc biệt tôn sùng “cuộc khổ nạn Chúa Giêsu”. Trước hết, ngài đã bắt đầu nếp sống mà tu sĩ dòng Thương Khó sẽ phải sống, trong khi phác thảo một quy luật gửi về Rôma xin phê chuẩn. Sau một ít khó khăn, luật này đã được chuẩn nhận. Ngài và em mình là Gioan Tẩy Giả đã lập dòng ở Montê Argentarô và nhận những tập sinh đầu tiên. Đức Bênêđictô XIV đã buộc giảm nhẹ đôi chút sự khắc khổ trong đời sống tu và đi rao giảng trong các miền lân cận. Phaolô là một nhà truyền giáo nhiệt thành rao giảng cuộc Thương Khó Chúa khắp nơi, và gây được nhiều cuộc trở lại. Những năm cuối đời, ngài đã lập dòng các nữ tu Thương Khó. Bấy giờ ngài đã được dân chúng coi như là một vị thánh và mỗi khi đi qua đâu, ngài phải chịu đựng đám đông, những người lo kiếm miếng vải áo ngài làm thánh tích, họ chạm tới ngài hay xin ngài chữa bệnh hoặc một ân huệ nào khác... Ngài qua đời ngày 18.10.1755 vào tuổi 80 và được phong thánh khoảng năm 1865.
Điều lạ lùng là vị thánh người Italia này không hề rời xa quê hương mình sinh trưởng, lại rất quan tâm tới việc trở lại của nước Anh mà ngài biết đến rất ít. Ngài nói: “Nước Anh luôn ở trước mặt tôi, và nếu nước Anh trở lại Công giáo thì ích lợi cho Giáo hội vô kể”. Dầu bản thân ngài đã không thể đi bước tích cực nào để cải tiến vấn đề, cũng cần ghi lại rằng: sáu mươi lăm năm sau, khi ngài qua đời, một tu sĩ dòng Thương Khó, anh Đaminh Barbeni đã tới nước Anh và trở thành dụng cụ đưa Jobn Henry Newman và nhiều người khác nữa về hiệp thông với Giáo hội. Như thế là góp phần vào việc phục hồi đạo công giáo tại xứ sở này.

-o0o-
* THÁNH GIOAN BRÉBEUF LINH MỤC
* THÁNH ISAAC JOGUES LINH MỤC VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO

Việc truyền giáo cho thổ dân Bắc Mỹ (Canađa và Hoa kỳ) được Tòa thánh trao cho dòng Tên nước Pháp từ năm 1632. Nhưng ngay từ năm 1608, hai tu sĩ dòng Tên đã đến giảng đạo tại miền Tân Scốtlen (Nova Scotia), công việc bị ngưng lại vì cuộc chiến tranh Anh- Pháp dành nhau thuộc địa. Năm 1632, Canađa liên kết với Pháp và Tòa thánh trao cho dòng Tên đảm trách việc truyền giáo cho thổ dân, như nói trên, mới lập được một trung tâm tại Ruebee.
Vì thiếu nhân sự và hoàn cảnh khắc nghiệt, các tu sĩ dòng Tên tập trung vào mấy bộ lạc thuộc dân Hurons trên lãnh thổ Canađa. Dân Hurons sống gần hai sắc dân thù nghịch nhau sâu sắc là Algonguin ở Canađa và Iroquois ở Hoa kỳ. Iroquois là dân rất hiếu chiến, thường ỷ thế người Hòa lan để đánh phá dân Hurons. Nhiều nhà thừa sai đã trả giá cho sứ mạng truyền giáo bằng mạng sống mình, trong đó có tám vị mà chúng ta kính nhớ hôm nay.
Trước hết là ba vị tử đạo tại Auresville, bang Neu You, Hoa kỳ là:
* Thánh Rênatô Goupil, một thanh niên thiện nguyện theo giúp các thừa sai, sinh năm 1608 tại Angens, tử đạo ngày 29.9.1642.
* Thánh Isaac Jogues, một linh mục, sinh năm 1607 tại Orléans, tử đạo ngày 18.10.1646.
* Thánh Gioan Lalande, một thanh niên thiện nguyện, sinh năm 1622 tại Dieppe, tử đạo ngày 10.10.1646.
Tiếp đó là năm linh mục tử đạo tại Midland ngày nay ở Canađa:
* Thánh Antôn Danill, sinh năm 1601 tại Dieppe, tử đạo ngày 07.4.1648.
* Thánh Gioan Brébeuf, sinh năm 1593 tại Bayeuse, tử đạo ngày 16.3.1649.
* Thánh Gabruis Lallement, sinh năm 1610, tại Paris, tử đạo ngày 17.3.1649.
* Thánh Carôlô Garnies, sinh năm 1606 tại Paris, tử đạo ngày 07.12.1649.
* Thánh Noel Chabanel, sinh năm 1613 tại Mendes, tử đạo ngày 08.12.1649.
*
* *
Tiếp nhận vùng truyền giáo năm trước thì năm sau, 1633, linh mục bề trên dòng Tên tại Pháp là Phaolô Le Jeune cùng với hai linh mục Brébeuy và Daniel mạo hiểm đến Ennemond Massé. Các nhà tiên phong này rút được một kinh nghiệm là: khi theo thổ dân Algonaguin đi săn bắn, lời rao giảng của các vị bị phá hoại vì dân da đỏ ra reo hò, chế diễu bằng những từ độc ác đặt ngang với những từ chỉ đức tin công giáo. Cha Le Jeune cũng nhận ra bốn yếu tố tệ hại nhất trong đời sống thổ dân da đỏ là: lạnh, nóng, khói và chó. Trong một căn lều chật ních đàn ông đàn bà túm tụm với nhau tránh rét, họ đốt lửa sưởi cháy bừng bừng tỏa ra những làn khói khét lẹt, gây nên tật mù lòa, bên cạnh một đàn chó hôi hám và rất dữ. Tình trạng đó khiến ông nêu lên nhận sét này: “Những lương dân da đỏ bất hạnh sống ở thế gian trong đám khói mù mịt, để rồi chôn vùi cuộc sống vĩnh cửu trong lửa cháy bừng bừng”.
Cha Le Jeune kết luận: không hy vọng truyền giáo được, nếu không đến với những bộ lạc đã định cư. Trong vùng bấy giờ chỉ có dân Hurons đã định cư ở phía đông đại hồ Hurons, và đã liên kết với người Pháp. Các cha quyết định lập trung tâm truyền giáo tại đó. Dân Hurons bấy giờ gần hơn hai chục nghìn người, chia đồng đều thành ba mươi làng, mỗi làng chừng bảy trăm người. Năm 1634, các cha Brébeuf và Đaniel đã hòa đồng được với sắc dân đó. Họ là những người lịch sự, nhưng trừ trẻ em và những người hấp hối, họ hầu như không thể trở lại đạo được. Họ coi công giáo chỉ là đạo của người da trắng. Họ hỏi: “Lên thiên đàng, các ông có săn bắn, có chiến tranh không, có mừng hội lễ không?” Được trả lời là không, họ đáp lại: “Thế thì chúng tôi không lên đâu. Nhàn cư vi bất thiện mà”. Ngoài ra, các vị truyền giáo còn nhận thấy họ có những tập tục trái hẳn với nếp sống công giáo, chẳng hạn: khi cưới xin, các chàng trai phải tranh đấu với nhau đến mất mạng mới được nhà gái bằng lòng gả con; hành hạ kẻ thù chiến bại; và ăn thịt người. Nhưng các vị quyết định tập trung họ lại, không những coi họ là đồng minh, mà còn hy vọng khuyến khích họ kết hôn với dân gốc Pháp.
Quyết định này được coi là sáng suốt. Năm 1638, hai linh mục nữa được gửi đến tăng cường, đó là Carôlô Gornien và Isaac Jogus. Dân da đỏ Iroquois bắt đầu tỏ ra thù nghịch với các thừa sai dòng Tên, coi các vị như những nhà phù thủy đến nguyền rủa dân tộc họ. Khi thấy bóng áo dài của các vị vừa in trên nền tuyết trắng, trẻ em đã khóc thét lên, như là bị đói, bị bệnh dịch tễ. Thời gian đó, cha Gioan Brébeuf thị kiến thấy một thập giá vĩ đại từ miền đất của dân Iroquois đến với mình. Khi được hỏi thập giá ấy giống gì, cha đã trả lời: “Nó to lớn đủ để đóng đinh tất cả chúng ta”.
*
* *
Đó có thể là một thị kiến tiên báo, và lời cha nói có thể là một sứ ngôn nói trước những gian nan đang chờ đón các vị. Thật vậy, ba mươi năm trước, dân Iroquois đã bị lực lượng Pháp đánh bại. Từ đó họ vẫn nuôi căm hờn với người Pháp, trong đó có cả các thừa sai. Tháng 8 năm 1642, Jogues và Goupil đi với một nhóm thổ dân từ Québu, đem thực phẩm cần thiết về cho các vị thừa sai và những người dân nghèo đói. Họ bị dân Iroquois tấn công và bắt giữ. Dân này gặm tay họ như một đàn chó dại, rút hết móng tay, và mỗi khi dẫn đi qua làng nào, bắt họ phải chạy giữa hai hàng người để bị đánh đập. Họ còn bị hành hạ vì than đỏ đã cháy, giáo mác đâm chọc, cắt xẻo để diễu cợt. Họ bị chết dần trong một bầu không khí quỷ quái: bị thiêu sống rồi phân thây phát làm thức ăn cho mọi người...
Rênatô Gougil bị hành hạ tồi tệ nhất. Sau cùng người ta lấy búa chẻ đầu anh vì anh đã dám rửa tội cho một em bé. Jogues thì bị giam giữ nhiều tuần với một bản án tử hình treo. Cuối năm 1643, cha đã trốn được về Pháp nhờ mấy nhà buôn Hòa lan giúp đỡ. Năm 1644, ngài lại trở lại trụ sở truyền giáo; chính quyền Pháp ở Canađa gửi ngài làm một sứ giả đến với dân Iroguis trong thời gian tạm hưu chiến ngắn. Kết quả việc cha trở lại này là đáng khích lệ. Cha đem theo Gioan Lalanda. Nhưng một vụ mất mùa xảy ra, và một cái hộp gặp thấy trong đồ vật của cha Gioan; người Iroquois cho đó là hộp chứa chất gây tai họa. Thế là cả hai cùng bị bắt, bị hành hạ và bị giết.
*
* *
Nhưng về phía dân Hurons thì đã bắt đầu đón nhận đức tin công giáo. Tinh thần họ hoảng loạn vì những cuộc tấn công liên lỉ của dân Iroquois. Các cuộc tử đạo lại kế tiếp xảy ra. Ngày 04.7.1648, pháo đài chính của giáo xứ thánh Giuse bị Iroquois phá hủy, linh mục Antôn Đaniel đã ở đây liên tục bốn năm, đem được chừng 26 ngàn người về lập thành giáo xứ. Hôm đó, lúc dân Iroquois phá hủy pháo đài thì cha vừa làm lễ xong. Cha bảo đám người bảo vệ cha, tiễn đi và nói: “Tôi sẽ cứ ở lại đây, chúng ta sẽ gặp nhau trên thiên đàng”. Măïc nguyên lễ phục, cha tiến ra gặp người Iroquois. Họ bỡ ngỡ nhìn cha một lát, rồi đồng loạt bắn tên vào cha. Họ xúm vào bắt cha tắm mặt vào máu cha và ném xác cha vào ngôi nhà thờ đang bốc cháy.
Mùa xuân năm sau, người Ironquois tăng gấp đôi lực lượng đánh phá dân Hurons. Họ đem một nghìn người tấn công vào làng Saint Luis, bắt hai linh mục Brébeuf và Lallement. Cha Brébeuf bị hành hạ ghê rợn, kiệt sức, chết sau bốn tiếng đồng hồ. Họ nung đỏ những chiếc rìu, xếp thành một vòng quanh cổ ngài. Một người Hurons bội giáo uống máu ngài; trái tim ngài được dành cho thủ lĩnh của họ nhấm nháp. Cha Lallement ốm yếu, cũng sống được sau 17 giờ bị hành hạ mới chết.
Còn sót lại hai vị trong đoàn vị thừa sai. Người Iroquois gào lên đòi mạng sống hai vị khi họ đến khủng bố sắc dân Trobaccô sống tại thung lũng núi Blue. Họ tấn công giáo xứ Saint Jeon vào tháng 12.1469. Cha Carôlô Garmin bị giết lúc ngài cố gắng giải tội cho một giáo dân da đỏ hấp hối. Là công dân của đô thành ánh sáng Paris, nhưng ngài từng đã phải sống bằng rễ cây và trái sồi, lội ba bốn dặm dưới nước nóng mùa hè qua miền đất hận thù để rửa tội cho một người da đỏ sắp chết. Còn lại một mình Noel Chabemel. Cha chán ngán trước tình trạng thảm khốc của miền truyền giáo, nhưng cũng tự tuyên thệ sẽ trụ lại đó cho đến chết. Ngay hôm sau ngày cha Carôlô Garmin bị giết, một giáo hữu Hurons bội giáo đã giết chết cha, với miền đất cuồng tín rằng chính công giáo đã gây ra số phận đau khổ của quê hương anh ta. 
*
* *
Cuộc truyền giáo cho người dân da đỏ Hurons, như vậy ở bước đầu thật là gian khổ, chỉ thấy chán nản, thất vọng và loạn lìa. Tuy vậy, mồ hôi, nước mắt và máu của các vị thừa sai ấy đã thay đổi nếp sống của dân da đỏ, dầu về sau còn hoang dã nhưng đã hết độc ác. Và đã gây được một cộng đoàn tín hữu da đỏ nhiệt thành, trong đó có nữ trinh chân phúc Kateri Tekakuitha mà Giáo hội Mỹ châu hiện nay kính vào ngày 14 tháng 7.
Các vị thừa sai tử đạo nói trên được Đức Piô XI phong thánh năm 1930. Trước kia chỉ kính nhớ tại địa phương, sau này Đức Phaolô VI đã truyền kính chung trong cả Giáo hội vào ngày hôm nay.
Thứ Sáu 19-10

Các Thánh Tử Ðạo Bắc Mỹ Châu


Isaac Jogues (1607-1646): Thánh Isaac Jogues và các bạn là những người tử đạo đầu tiên của Bắc Mỹ Châu. Khi còn là một linh mục dòng Tên trẻ tuổi, ngài là một người có học thức và văn hóa, dạy văn chương ở Pháp. Nhưng ngài đã từ bỏ công việc này để phục vụ người da đỏ Huron ở Tân Thế Giới, vào năm 1636 ngài và các bạn, dưới sự lãnh đạo của Cha Jean de Brebeuf, đã đến Québec. Thời ấy, người Huron thường hay giao chiến với người Iroquois, và chỉ sau vài năm Cha Jogues và các linh mục khác đã bị người Iroquois bắt và cầm tù trong 13 tháng. Các lá thư và nhật ký của ngài cho thấy các ngài đã bị đưa từ làng này sang làng khác, bị đánh đập, bị tra tấn và buộc phải nhìn thấy cảnh những người Huron trở lại đạo bị xẻo thịt và giết chết.
Một cơ hội bất ngờ đã giúp Cha Isaac Jogues vượt thoát đến Hòa Lan, và ngài trở về Pháp với những chứng tích của sự tra tấn. Những ngón tay bị cứa, bị bầm dập và bị cháy nám. Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII đã cho phép ngài cử hành Thánh Lễ với bàn tay tàn tật: "Thật hổ thẹn nếu một vị tử đạo của Ðức Kitô không được phép uống Máu Thánh Ðức Kitô." Sau khi được chào đón như một vị anh hùng, người ta nghĩ Cha Jogues có thể nghỉ ngơi và và sống an nhàn cho đến tuổi già. Nhưng nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng lại thúc giục ngài trở về với ước mơ ban đầu. Trong một vài tháng sau, ngài lại dong buồm sang truyền giáo cho người Huron.
Vào năm 1646, Cha Jogues và Cha Jean de Lalande đến phần đất của người Iroquois với sự tin tưởng rằng người da đỏ sẽ tôn trọng hiệp ước hòa bình mới được ký kết. Nhưng ngay lập tức, các ngài đã bị phe gây chiến Mohawk bắt giữ, và vào ngày 18-10 Cha Jogues đã bị tra tấn bằng rìu và bị chặt đầu. Cha Jean de Lalande bị chết vào ngày hôm sau ở Ossernenon, một làng gần Albany, Nữu Ước.
Một trong các vị thừa sai dòng Tên tử đạo đầu tiên là Cha Rene Goupil, là người cùng với Cha Lalande đã hy sinh mạng sống như của tế lễ. Ngài bị tra tấn cùng với Cha Isaac Jogues, và bị chém bằng rìu vì đã làm dấu Thánh Giá trên trán các trẻ em.

Thánh Jean de Brebeuf (1593-1649): Jean de Brebeuf là một linh mục dòng Tên người Pháp, đến Gia Nã Ðại lúc 32 tuổi và làm việc ở đây trong vòng 24 năm. Khi nước Anh xâm chiếm Québec năm 1629 và trục xuất các linh mục dòng Tên thì ngài trở về Pháp, và bốn năm sau ngài trở lại hoạt động. Lúc ấy, người Huron bị dịch đậu mùa và người thầy thuốc của họ đổ lỗi cho các cha dòng Tên, nhưng Cha Jean vẫn ở lại đó.
Ngài đã soạn bộ giáo lý và tự điển tiếng Huron, và được nhìn thấy 7,000 người trở lại đạo trước khi ngài từ trần. Ngài bị người Iroquois bắt và sau bốn giờ tra tấn dã man, ngài đã trút hơi thở cuối cùng ở Sainte Marie, gần Georgian Bay, Gia Nã Ðại.
Cha Anthony Daniel, cũng phục vụ cho người Huron và bị người Iroquois giết chết vào ngày 4 tháng Bảy, 1648. Thi thể của ngài bị ném vào nhà nguyện và sau đó bị đốt cháy.
Thầy Gabrien Lalemant, sau khi chịu chức bốn cũng đã hy sinh mạng sống cho người da đỏ. Cùng với Cha Brebeuf, ngài bị tra tấn cho đến chết.
Cha Charles Garnier bị bắn chết khi ngài rửa tội cho các trẻ em và người dự tòng trong một cuộc tấn công của người Iroquois.
Cha Noel Chabanel bị giết trước khi được gọi về Pháp. Ngài thấy thật khó khăn để thích ứng với đời sống truyền giáo. Ngài không thể học được tiếng thổ âm, và ghê tởm thức ăn và đời sống của người da đỏ, và ngài cảm thấy tinh thần thật khô khan trong thời gian ở Gia Nã Ðại. Tuy nhiên ngài đã giữ lời hứa ở lại đây cho đến chết trong sứ vụ truyền giáo.
Tám vị linh mục dòng Tên tử đạo đầu tiên ở Bắc Mỹ Châu này đã được phong thánh vào năm 1930.

Lời Bàn

Ðức tin và đặc tính anh hùng đã in sâu niềm tin nơi thập giá Ðức Kitô trên quê hương Mỹ Châu. Giáo Hội Bắc Mỹ được phát sinh từ dòng máu tử đạo. Nhưng liệu chúng ta có còn hăng hái để giữ thập giá ấy vươn cao giữa chúng ta hay không? Chúng ta có còn can đảm để làm chứng cho đức tin đã ăn sâu nơi chúng ta, làm chứng cho Tin Mừng của thập giá cứu độ nơi gia đình, sở làm, và ngoài xã hội hay không?

Lời Trích

"Tôi tín thác vào Thiên Chúa là Ðấng không cần đến sự giúp đỡ của chúng ta để hoàn thành công trình của Người. Mỗi một nỗ lực của chúng ta là để giúp lập công và trung tín với Người, vậy chúng ta đừng làm hư hại công trình của Người bằng những khiếm khuyết của chúng ta" (trích từ lá thư Thánh Isaac Jogues gửi cho một linh mục bạn ở Pháp, ngày 12-9-1646, một tháng trước khi ngài tử vì đạo).

Bài đọc 2 
Ngày 19 tháng 10: Thánh Gio-an Bơ-rê-bớp, linh mục và thánh I-xa-ác Gio-gơ, linh mục và các bạn, tử đạo.
Hai vị thánh này là thủ lãnh của tám tu sĩ Dòng Tên người Pháp, đã bị giết vì Chúa Ki-tô ở Bắc Mỹ vào thế kỷ thứ XVII. Thánh I-xa-ác Gio-gơ chịu tử đạo ở miền đất người I-rô-qua (Miền đất gần tiểu bang Niu Y-oóc ngày nay) ngày 18 tháng 10 năm 1647, còn thánh Gio-an đệ Bơ-rê-bớp vào ngày 16 tháng 10 năm 1648 trong miền đất người Hu-rông.
Lạy Chúa Giê-su, chớ gì con chỉ chết cho một mình Chúa, vì Chúa đã đoái thương chịu chết cho con 
Trích nhật ký thiêng liêng của thánh Gio-an Bơ-rê-bớp, linh mục, tử đạo.

Trong suốt hai ngày, con luôn cảm thấy mình có một ước ao mãnh liệt là được tử đạo và chịu mọi cực hình mà các vị tử đạo đã từng phải chịu. 
Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Chúa và là Đấng cứu độ con, con có thể làm gì để đền đáp những hồng ân Chúa đã ban tặng cho con ? Từ tay Chúa, con sẽ đón nhận chén khổ đau của Chúa và kêu cầu Thánh Danh. Lạy Chúa Giê-su là Đấng cứu độ con, con xin hứa trước mặt Chúa Cha hằng có đời đời và Chúa Thánh Thần, trước mặt Mẹ rất thánh của Chúa và hiền phu vô cùng thanh khiết của Mẹ là thánh Giu-se, trước mặt các thiên thần, các tông đồ và tử đạo, trước mặt cha thánh I-nha-xi-ô và Phan-xi-cô Xa-vi-ê của con, con thực sự xin khấn cùng Chúa : Với sức mạnh Chúa ban, con sẽ không bao giờ trốn chạy hồng ân tử đạo, mà nếu một ngày nào đó, Chúa lấy lòng thương xót hải hà mà khấn ban cho người tôi tớ vô cùng bất xứng này của Chúa. 
Vì thế, con tự buộc mình là trong suốt quãng đời còn lại, con sẽ không bao giờ muốn được phép hay tự do trốn tránh cơ hội được chết và đổ máu ra cho Chúa, trừ khi con xét thấy lúc bấy giờ con hành động cách khác thì sẽ mang lại vinh quang lớn hơn cho Chúa. Ngoài ra, con còn đoan hứa với Chúa điều này nữa là khi con bị cái chết hành hạ, con sẽ lãnh nhận nó từ tay Chúa với tất cả niềm vui và sự sung sướng trong tâm hồn. Và vì thế, lạy Chúa Giê-su đáng mến của con, nhờ tình yêu mãnh liệt thức đẩy, bây giờ con xin dâng hiến máu huyết của con, thân xác và sự sống của con cho Chúa ; con chỉ muốn chết cho một mình Chúa, nếu Chúa ban cho con ân huệ đó, vì Chúa đã đoái thương chịu chết cho con. Xin giúp con sống thế nào để đáng được lãnh nhận ơn này là được chết một cách thật hạnh phúc. Nhờ thế, lạy Thiên Chúa và lạy Đấng Cứu Độ của con, từ tay Chúa, con sẽ đón nhận chén khổ đau của Chúa và kêu cầu Thánh Danh ; Giê-su, Giê-su, Giê-su !
Lạy Thiên Chúa của con, con đau khổ biết bao khi Chúa chưa được nhận biết, khi miền đất man di này chưa hoàn toàn trở lại với Chúa, khi tội lỗi chưa bị đẩy lui khỏi họ. Vâng, lạy Thiên Chúa của con, nếu tất cả mọi cực hình, những cực hình tàn bạo ghê gớm mà các tù nhân trong miền này phải chịu, ập xuống trên mình con, thì con rất sẵn sàng hiến thân chịu thay cho họ, một mình con sẽ hứng chịu tất cả. 

 Lời nguyện 
Lạy Chúa, Chúa đã sai hai thánh Gio-an và I-xa-ác cùng các bạn đi rao giảng Tin Mừng, và cuối cùng các ngài đã hy sinh mạng sống để thánh hoá Giáo Hội miền bắc Mỹ châu ngay từ những bước đầu. Xin nhận lời các ngài cầu thay nguyện giúp mà cho Giáo Hội khắp mọi nơi luôn được mùa trên cánh đồng truyền giáo. Chúng con cầu xin...
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách ngày 19/10-bản dịch của nhóm CGKPV)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét