Trang

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

30-10-2012 : THỨ BA TUẦN XXX MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Ba sau Chúa Nhật 30 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 5, 21-33
"Mầu nhiệm này thật lớn lao; trong Ðức Kitô và trong Hội Thánh".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Ðức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Ðức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Ðấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Ðức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy.
Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo, hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền.
Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Ðức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. "Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình: và cả hai nên một thân xác". Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh. Dù sao, mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như bản thân mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5
Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (c. 1a).
Xướng: 1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra, bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. - Ðáp.
2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thấy nội cung nhà bạn, con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. - Ðáp.
3) Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Thiên Chúa. Nguyện Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 13, 18-21
"Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó".
Người lại phán rằng: "Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Sự phát triển của Nước Thiên Chúa được ví như một hạt cải: tuy hạt nhỏ bé nhưng được nảy mầm và lớn lên phi thường. Cũng vậy, như nắm men vùi vào ba đấu bột, nắm men có sức mạnh làm dậy tất cả đấu bột. Hạt cải và nắm men nhỏ bé, nhưng đưa đến kết quả ngoài sức tưởng tượng. Nước Thiên Chúa cũng có sức mạnh để phát triển, làm sung mãn và biến đổi được tất cả như vậy.

Cầu Nguyện:
Giáo Hội, từ một nhúm nhân là Mười Hai vị Tông Ðồ làm nền tảng, ngày nay đã lan rộng ra khắp năm châu bốn bể. Giáo Hội đã dâng lên Thiên Chúa bao vị thánh, bao mẫu gương thiện hảo đang làm biến đổi thế giới.
Xin Chúa giúp mỗi người chúng con ý thức từng lời nói, hành động nhỏ bé của chúng con, để như men, như hạt cải được lớn lên cho Nước Trời mau lan rộng trong tâm hồn mọi người. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Sức Mạnh Nội Tại Của Nước Chúa
(Lc 13,18-21)
Suy Niệm:
Sức Mạnh Nội Tại Của Nước Chúa
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm hai dụ ngôn về Nước Trời: hạt cải và nắm men. Cả hai dụ ngôn làm nổi bật khởi điểm khiêm tốn nhỏ bé của Nước Chúa so với sự hoàn thành cuối cùng.
Dụ ngôn hạt cải nhấn mạnh sự phát triển theo chiều rộng: từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây to, đến độ chim trời có thể đến làm tổ được. Dụ ngôn nắm men được đem trộn vào bột nhấn mạnh đến chiều sâu, tức phẩm chất của Nước Chúa: từ một chút men có thể làm dậy cả khối bột. Cả hai dụ ngôn đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh chỉ được nhìn thấy bằng đức tin mà thôi. Thật thế, khi kể hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu không nhằm đến diễn tiến Nước Chúa đang xảy ra như thế nào trong lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào lúc cuối lịch sử: mặc cho những thử thách, những ngăn trở, Nước Chúa dù được bắt đầu một cách khiêm tốn nhỏ bé, nhưng chắc chắn sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.
Hai dụ ngôn: Hạt Cải và Nắm Men trong bột, gởi đến chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi phải đương đầu với trở ngại, thử thách trong đời sống đức tin. Nhìn thấy những điều tiêu cực luôn xảy ra trong Giáo Hội và trên thế giới, chúng ta có thể tự hỏi: Những hạt cải giá trị Kitô liệu còn có thể mọc lên và phát triển trong một thế giới ngày càng bị tục hóa và bị nhiễm tinh thần đối nghịch với Thiên Chúa không? Một chút men Lời Chúa có đủ sức thu hút và biến đổi con người nên tốt hơn không? Ðã hơn 2,000 năm kể từ khi Con Thiên Chúa nhập thể làm người và thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại qua cái chết trên Thập giá, nhưng thử hỏi nhân loại ngày nay có tốt đẹp hơn ngày xưa không?
Nếu suy nghĩ theo lý luận tự nhiên, chúng ta có thể dễ dàng rơi vào thất vọng. Tuy nhiên, những lời của Chúa Giêsu qua hai dụ ngôn trên đây không cho phép chúng ta bi quan ngã lòng. Chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước Chúa sẽ như thế nào nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác vào đó, bằng sự cầu nguyện và dấn thân làm những gì có thể với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.
Xin Chúa mở rộng con mắt đức tin chúng ta, để chúng ta nhìn thấy tác động âm thầm của tình yêu Chúa trong những biến cố hằng ngày. Xin cho chúng ta luôn kiên trì trong thử thách và luôn hy vọng vào Chúa trong mọi sự.

(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 30 TN2
Bài đọc: Eph 5:21-33; Lk 13:18-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
 Dùng những gì Chúa ban để mở rộng Nước Chúa.

Quà tặng là con dao hai lưỡi: nó có thể sinh lợi cho chủ nhân và giúp ích cho tha nhân, nhưng nó có thể giết chết chủ nhân và làm hại tha nhân. Điều quan trọng là phải biết nhận ra tiềm năng và xử dụng món quà đó cách thích hợp.
Trong Bài đọc I: Thánh Phaolô ví liên hệ vợ chồng như mối liên hệ giữa Hội Thánh và Đức Kitô. Ngài dùng hình ảnh đầu và thân thể để nói lên mối liên hệ mật thiết này. Như thân thể không thể sống thiếu đầu và đầu cũng không thể sống thiếu thân thể, Hội Thánh không thể tồn tại nếu thiếu Đức Kitô và vợ chồng cũng không thể tồn tại nếu sống thiếu nhau.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng 2 hình ảnh, hạt cải và nắm men, để nói lên tiềm năng của Nước Trời. Nếu con người biết nhận ra và xử dụng những quà tặng Thiên Chúa ban, họ sẽ không những đạt được Nước Trời mà còn giúp cho Nước Trời được mở rộng đến mọi người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Kitô là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho Hội Thánh.
1.1/ Chồng/vợ là quà tặng Thiên Chúa ban: Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ và Ngài ban cho mỗi người những món quà khác nhau: có những cái mà nam có nhưng nữ không có, và ngược lại; nhưng nếu những món quà của cả hai cộng lại thì sẽ có tiềm năng đem lại những kết quả quá lòng mong đợi con người. Để những quà tặng này được phát triển tối đa và sinh ích cho cá nhân cũng như gia đình, Thánh Phaolô nhấn mạnh đến 2 nhân đức không thể thiếu và phải đi đôi với nhau:
(1) Vâng lời: Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh. Như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô trong mọi sự, người vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.
(2) Yêu thương: Người làm chồng hãy yêu thương vợ như Đức Kitô yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình; yêu vợ là yêu chính mình. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.
Hai nhân đức này không thể thiếu trong mái ấm gia đình; nếu thiếu một là gia đình sẽ không hạnh phúc. Làm sao người vợ có thể vâng lời chồng, nếu người chồng không biết yêu thương vợ: tối ngày chỉ biết say xỉn hay nướng tiền cần chi tiêu trong gia đình vào những canh bạc? Cũng thế, làm sao chồng có thể yêu thương người vợ nói gì cũng cãi, tối ngày chỉ biết mua sắm trưng diện thay vì biết tiết kiệm để lo cho gia đình? Để đạt hạnh phúc, Thánh Phaolô khuyên: “Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.”
1.2/ Đức Kitô là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho Hội Thánh: Thánh Phaolô ví mối liên hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh mật thiết như mối liên hệ vợ chồng và là một mầu nhiệm thật cao cả. Trong mối liên hệ này, Đức Kitô là chồng và Hội Thánh là vợ. Hai nhân đức cần thiết cho mối liên hệ này:
(1) Vâng lời: Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau, và tòan thể Hội Thánh tùng phục Đức Kitô, vì chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh. Người là Đầu và Hội Thánh là thân thể của Người.
(2) Yêu thương: Đức Kitô yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh. Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và Lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền.
Hội Thánh phải vâng lời Đức Kitô vì Ngài là con đường duy nhất dẫn mọi người tới Thiên Chúa. Hơn nữa, chính Ngài đã chứng tỏ tình yêu cho Hội Thánh bằng việc Nhập Thể để giáo huấn và bằng Cuộc Thương Khó để gánh tội cho mọi người.

2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban cho con người có tiềm năng làm cho Nước Chúa được mở rộng.
2.1/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình: Hạt cải bên Palestine không phải là hạt sinh rau cải, nhưng có thể trở thành cây lớn: Mấy điều chúng ta cần chú ý:
(1) Hạt cải bé nhỏ nhưng có tiềm năng thành cây lớn: Giống như một hạt cải bé nhỏ nhưng Thiên Chúa đã cho nó một tiềm năng để trở thành cây lớn; Nước Thiên Chúa cũng vậy, khởi sự từ một nhóm người Do-Thái bé nhỏ hay từ Nhóm Mười Hai, nay đã chiếm khỏang 1/5 dân số thế giới và vẫn còn đang tiếp tục lan rộng cho đến tận cùng trái đất.
(2) Hạt cải trước khi thành cây phải mục nát đi trước khi nẩy mậm và vươn thành cây lớn; nếu không nó sẽ trơ trọi một mình. Nước Thiên Chúa cũng thế: Để có thể lan rộng, cần có những người sẵn sàng chấp nhận đau khổ để cho Nước Chúa được mau đến.
(3) Khi thành cây, chim trời làm tổ trên cành được: Tiềm năng được ban cho để sinh lợi cho Thiên Chúa, chứ không ích kỷ giữ cho mình. Như cây cải cung cấp chỗ ở cho chim trời, con người cũng phải dùng ơn thánh Thiên Chúa ban để bảo vệ những người yếu ớt bé nhỏ, chứ không chỉ biết lo lắng cho mình. Nếu ai cũng chỉ biết vun xới cho mình thì Nước Thiên Chúa lan tràn thế nào được?
2.2/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột: Men là bột cũ được giữ lại để dùng làm bánh sau này; công dụng chính của men là làm dậy bột.
(1) Nắm men tuy bé nhỏ nhưng có tiềm năng làm nổi ba thúng bột: Giống như hạt cải bé nhỏ, Thiên Chúa cũng cho men một tiềm năng để làm dậy những khối bột lớn. Và cũng tương tự như thế về Nước Thiên Chúa.
(2) Con người phải chu tòan sứ vụ làm dậy men của mình bằng lời giảng và cuộc sống chứng nhân để mọi người trông thấy và tin vào Thiên Chúa. Người này làm men cho người khác và cứ như thế, Nước Thiên Chúa được mở rộng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Trước tiên chúng ta phải nhận ra những quà tặng Thiên Chúa ban và tiềm năng lớn lao có thể trở thành của chúng;
- Thứ đến, chúng ta cần biết phát triển tiềm năng của những quà tặng này;
- Sau cùng, phải biết dùng trong việc mang ích lợi cho bản thân và làm cho Nước Chúa mỗi ngày một mở rộng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ Ba tuần 30 thường niên
Sứ điệp:  Nước Thiên Chúa hiện nay tuy nhỏ bé, nhưng vẫn không ngừng lớn lên và đang âm thầm biến đổi thế giới. Người Kitô hữu phải biết hy vọng và góp phần làm cho Tin Mừng ảnh hưởng sâu rộng trong thế giới hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hai nghìn năm đã qua từ ngày Chúa đến trần gian để thực hiện công việc cứu độ. Thế mà con thấy kết  quả dường như quá nhỏ bé. Bất công hận thù vẫn còn đó, tội và đau khổ vẫn gia tăng. Dường như Nước Thiên Chúa đang bị thu hẹp, và Tin Mừng chưa biến đổi được thế giới. Đôi lúc lòng tin của con chẳng còn vững vàng.
Lời Chúa hôm nay đã khơi dậy trong con niềm hy vọng vào tương lai. Chúa đã mở mắt con để con nhận ra Nước Chúa vẫn đang tăng trưởng, dù âm thầm, nhưng rất mạnh mẽ. Lời Tin Mừng mà Chúa gieo vào trần gian, ban đầu còn hạn hẹp nơi nhóm Tông đồ, nhưng nay đã được công bố khắp nơi, hơn nữa đang thấm nhập vào đời sống con người và biến đổi thế giới. Tình yêu của Chúa, hoạt động cứu độ của Chúa, ban đầu chỉ là những việc nhỏ bé, nhưng nay đã ăn sâu trong lòng người và đang lớn dần trong xã hội.
Lạy Chúa, xin Chúa giữ lòng con luôn tin tưởng, xin đừng để con thất vọng và mất kiên nhẫn. Xin giúp con biết góp phần làm dậy men Tin Mừng trong cuộc sống. Xin cho con biết sống Tin Mừng   hằng ngày. Con tin rằng những việc tốt con làm, dù chỉ là việc âm thầm nhỏ bé, nhưng sẽ lan rộng và biến đổi gia đình con và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Xin Chúa giúp con can đảm sống Tin Mừng. Dù Tin Mừng có bị người đời chê là bảo thủ, khe khắt, ngược đời, nhưng con tin rằng Tin Mừng sẽ là niềm hy vọng cho nhân loại. Muôn dân sẽ đến núp bóng và làm tổ trên cành cây của Nước Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to".

30/10/12 THỨ BA TUẦN 30 TN
Lc 13,18-21 

LÀ MEN TRONG BỘT
“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho tới khi tất cả dậy men.” (Lc 13,21)
Suy niệm: Nước Thiên Chúa không đến một cách ầm ĩ như một biến cố thấy được từ bên ngoài. Trái lại nước đó “giống như chuyện nắm men trong bột”: Giống như men bị chôn vùi giữa thúng bột, Nước Thiên Chúa bị chôn vùi giữa lòng thế giới. Giống như men, dậy lên cách âm thầm, tuy ít, nhưng lại có khả năng biến đổi cả thúng bột nhiều hơn nó gấp bội, Nước Thiên Chúa cũng biến đổi thế giới từ bên trong, bằng chính những nhân tố của thế giới.
Mời Bạn: Dụ ngôn men trong bột đề ra một linh đạo thích hợp đặc biệt với tính cách trần thế của người giáo dân. Người giáo dân làm chứng cho Tin Mừng không phải bằng cách tách ra khỏi thế giới, nhưng bằng cách đi vào giữa lòng thế giới, dùng chính đời sống hằng ngày của mình để thánh hoá bản thân và nhờ đó thánh hoá thế giới. Không phải thời gian bạn ở trong nhà thờ, nhưng là chính thời gian bạn ở gia đình, ở trường học, ở nhà máy, xí nghiệp, v.v… mới chiếm phần lớn cuộc sống của bạn. Là men trong bột, sứ mạng của người môn đệ Chúa Kitô là thực thi giáo huấn Tin Mừng ngay trong những bổn phận của mình tại gia đình, trong môi trường học hành làm việc hằng ngày của mình.
Sống Lời Chúa: Chọn một việc bạn thường làm hằng ngày để thực hiện với tất cả ý thức và ý muốn làm thật tốt để vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,… xin cứ dùng con làm tất cả, cho mọi người được hạnh phúc an vui. Còn phần con, xin gửi hết nơi Ngài là tình yêu và lẽ sống của con.
(trích Lời kinh đẹp nhất thiên niên kỷ, trang 5-6)
Lớn lên và trở thành
 Làm cho Nước Thiên Chúa lớn lên và thâm nhập vào thế giới hôm nay, đó không phải chỉ là chuyện của Thiên Chúa. Đó là chuyện của từng Kitô hữu chúng ta. 
Suy nim:
Hai dụ ngôn trên đây tỏ ra lạc quan và hy vọng.
Nước Thiên Chúa đã được Đức Giêsu khai mở và loan báo.
Nước ấy cần có thời gian để lớn lên, để tác động trên con người.
Chắc chắn kết quả cuối cùng sẽ rất tốt đẹp.
Một người đàn ông ném vào khu vườn của mình một hạt cải nhỏ bé.
Ông có ước mơ mong mỏi gì không?
Vậy mà theo thời gian, hạt cải ấy đã lớn lên và trở thành một cây.
Cây vững đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành của nó được (c. 19).
Đức Giêsu muốn làm nổi bật sự phát triển mạnh mẽ của Nước Trời.
“Lớn lên và trở thành” là một tiến trình do Thiên Chúa dẫn dắt.
Bất chấp những khó khăn trong hiện tại, Nước Trời vẫn cứ lớn lên,
để rồi sẽ là nơi trú ngụ cho nhiều người ở khắp nơi tìm đến.
Một phụ nữ lấy men và vùi nó vào một lượng bột rất lớn.
Men không nhiều, lại được vùi sâu, nên có vẻ như không hiện hữu.
Nhưng trong thực tế, men đã có đó rồi và đang tác động trên bột.
Với thời gian, men làm cả khối bột dậy men.
Bấy giờ sức biến đổi của men mới được mọi người nhận biết.
Khối bột lên men đã sẵn sàng trở nên những ổ bánh ngon lành.
Đức Giêsu làm nổi bật sức mạnh của Nước Thiên Chúa
trong việc biến đổi thế giới này từ bên trong.
Chính sự tiếp xúc trực tiếp, sự thâm nhập của men vào bột
đã tạo ra sự biến đổi kỳ diệu ấy.
Những lời giảng của Đức Giêsu đã vang lên từ hai mươi thế kỷ.
Nước Thiên Chúa đã được Ngài khai mở và vun trồng mãi đến nay.
Kitô giáo vẫn là một tôn giáo lớn, chiếm một phần ba dân số thế giới.
Nhưng có những lúc chúng ta có cảm tưởng như nó bị chựng lại.
Khi có nhiều nhà thờ phải bán đi vì không có người đi lễ Chúa nhật,
khi các chủng viện hay dòng tu trở nên vắng vẻ, già nua,
khi ở nhiều nơi số linh mục thiếu một cách trầm trọng,
khi tỷ lệ tăng của Kitô hữu không bằng với tỷ lệ tăng của dân số thế giới.
Kitô giáo có tương lai không? Kitô giáo có thể bị tàn lụi không?
Những câu hỏi đó làm nhiều người bận tâm và lo lắng.
Hai dụ ngôn của Đức Giêsu hôm nay đem lại cho ta niềm lạc quan.
Nhưng đó không phải là thứ lạc quan vô trách nhiệm.
Làm cho Nước Thiên Chúa lớn lên và thâm nhập vào thế giới hôm nay,
đó không phải chỉ là chuyện của Thiên Chúa.
Đó là chuyện của từng Kitô hữu chúng ta.
Để hạt cải thành cây, cần một chút chăm bón.
Ai trong chúng ta cũng là một nhúm men nhỏ được vùi trong đống bột,
đống bột của trường học hay công ty, của một tập thể hay cộng đồng.
Làm sao để men của chúng ta tạo ra những tác dụng tốt?
Không cần phải làm những việc lớn lao để thay đổi bộ mặt thế giới.
Chỉ xin làm một nhúm men nhỏ để đến với những người tôi gặp hôm nay.

Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to".

Sức Mạnh Của Nước Thiên Chúa
Hôm nay Giáo Hội chúng ta được mời gọi suy niệm các câu 18-21 của chương 13 Phúc Âm theo thánh Luca, kể lại hai dụ ngôn ngắn của Chúa Giêsu về Nước Trời giống như hạt cải và giống như men được trộn với bột. Cả hai dụ ngôn đều làm nổi bật điểm khởi đầu khiêm tốn nhỏ nhoi của Nước Chúa so với sự hoàn thành cuối cùng.
Dụ ngôn về hạt cải nhấn mạnh đến sự phát triển theo chiều ngang, theo thể lượng từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây có cành lá to lớn đến nỗi chim trời có thể đến đậu vào được; và dụ ngôn thứ hai về chất men được đem trộn vào bột, nhấn mạnh đến chiều sâu, đến phẩm chất sâu xa của Nước Chúa từ chất men có thể làm dậy cả thúng bột.
Cả hai đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh mà chúng ta nhìn thấy nhờ đức tin mà thôi. Không có đức tin chúng ta sẽ không vượt qua được những thử thách xem ra như đang cản trở sự phát triển của Nước Chúa trên trần gian này. Chúng ta cũng lưu ý thêm là khi kể hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu không nhằm đến diễn tiến đang xảy ra của Nước Chúa như thế nào trong dòng lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào cuối cùng của lịch sử. Mặc cho những thử thách, những ngăn trở Nước Chúa dù được bắt đầu một cách hết sức khiêm tốn, nhỏ nhoi nhưng chắc chắn cuối cùng sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.
Hai dụ ngôn trên của Chúa Giêsu gởi đến mỗi người chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi chúng ta phải đương đầu với những trở ngại, những thử thách trong đời sống đức tin, khi chúng ta nhìn thấy những điểm tiêu cực không ngừng xảy ra trong Giáo Hội, trong Nước Chúa.
Những hạt cải giá trị Kitô liệu còn có thể mọc lên và phát triển trong một thế giới càng ngày càng bị trần tục hóa, càng ngày càng nhiễm tinh thần đối nghịch với Thiên Chúa hay không? Chất men lời Chúa có đủ sức mạnh thu hút con người và biến đổi con người trở nên tốt hơn hay không? Gần hai ngàn năm rồi, kể từ khi Con Thiên Chúa xuống thế thực hiện công việc cứu chuộc nhân loại qua cái chết trên thập giá và sống lại nhưng thử hỏi, nhân loại ngày hôm nay có tốt hơn ngày xưa không? Nếu suy luận theo cái lý tự nhiên, theo những toan tính phàm trần có thể chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào thất vọng. Nhưng lời dạy của Chúa Giêsu qua dụ ngôn trên không cho phép chúng ta bi quan ngã lòng, chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước Chúa sẽ hoàn tất như thế nào nhưng hàng ngày chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa dạy và cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Chúng ta hãy cầu nguyện và dấn thân làm tất cả những điều mình có thể với ơn Chúa soi sáng.
Lạy Chúa,
Xin mở rộng đôi mắt niềm tin chúng con để chúng con được nhìn thấy những tác động âm thầm của tình yêu Chúa trong những biến cố hàng ngày. Xin thương ban cho chúng con được kiên trì trong những thử thách và luôn luôn hy vọng vào Chúa trong mọi sự.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Nước Trời Là Gì?
Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.
Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Lc. 13, 19-21)
Sau khi nói về ngày nước Thiên Chúa đến, Đức Giêsu muốn dân chúng hiểu rằng triều đại nước Chúa không phải là tai biến lớn của vũ trụ như các ngôn sứ loan báo. Ngày phán xét như Người đã nói trên, nhưng bắt đầu triều đại Thiên Chúa thì giác quan không thể thấy được. Đức Giêsu chỉ giới thiệu nước Thiên Chúa bằng những hành động chữa lành các bệnh tật và giải thoát khỏi thần dữ. Đó là những dấu chỉ nước trời. Qua dấu chỉ đó cho ta biết triều đại Thiên Chúa chính là sự sống đời đời trong con người và trong Giáo hội. Sự sống lành mạnh, không còn bệnh tật, đau khổ, chết chóc, sự sống thánh thiện, không còn dấu vết của sự dữ, của quỷ thần xấu xa tội lỗi.
Phát triển của sự sống nước trời
Hạt cải đen sấp sỉ lớn bằng đầu mũi kim khâu, ở bờ hồ Giê-nê-sa-rét. Cây nó cao lớn từ hai mét năm mươi đến ba mét (8-9 bộ). Lúc đầu, nó nhỏ nhất, bé bỏng nhất, lớn lên thật đáng ngạc nhiên, nếu vườn được trồng cấy quang đãng và tưới bón kỹ.
Đời sống đời đời trong mỗi Kitô hữu như hạt cải nhỏ bé được lớn lên nhờ ánh sáng lời Chúa, sức nóng ấm áp của tình yêu Thiên Chúa và nước hằng sống của Thánh Thần, như thế, nó có thể lớn lên tới mức cho “chim trời đến làm tổ trú ẩn”. Nghĩa là cho các nhân đức sinh sôi nảy nở, được chở che và nuôi sống.
Sự sống dậy men, lan rộng
Ban chiều, bà nội trợ lấy nắm men trộn vào ba mươi ký lô bột (ba đấu). Sáng hôm sau, tất cả khối bột đã dậy men và chuẩn bị đặt vào lò.
Hành động của Thiên Chúa trong Giáo hội cũng thế: Không thể thấy, không thể cảm được, lời Đức Giêsu thông ban sự sống cho mọi người qua nắm tay của các môn đệ cũng không thể thấy, không thể cảm được. Những người đó đang phát triển theo quyền năng biến đổi của men hằng sống và truyền thông sức mạnh đó sang người khác. Và cứ thế lan rộng, không gì có thể ngăn cản khối người đang phát triển đó. Chính vì thế, nước Thiên Chúa tiếp tục lớn mạnh, nhưng chẳng trông thấy sức sống mạnh mẽ đó từ khi khởi đầu cho đến tận thế. Chỉ có người đã nhận được sự khôn ngoan của Thiên Chúa nhờ đức tin, trong khiêm tốn và phó thác cho hành động của lời Chúa, mới có thể am tường được nước trời đã đến và ngày giờ đút lò sắp tới.




Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
30 THÁNG MƯỜI
Tình Yêu Vượt Qua Mọi Rào Chắn
Giáo Hội bước đi trên con đường tình yêu và chân lý. Trong tình yêu, Giáo Hội nhận ra mọi người đều là con cái Thiên Chúa, là anh chị em bình đẳng trong phẩm giá, bất kể địa vị xã hội, chủng tộc, tôn giáo của họ là gì. Trong chân lý, Giáo Hội vượt qua tình trạng nô lệ cho sự sai lầm, đạt được sự tự do mới mẻ trong tâm trí. Thật vậy, không thể có rào cản nào phong tỏa tình yêu Thiên Chúa.
Tiên vàn chúng ta, trong tư cách là những người Kitô hữu, phải không ngừng tín nhiệm vào sức mạnh của thập giá – để chiến thắng tội lỗi và giao hoà thế gian với Thiên Chúa. Như tôi đã nhấn mạnh trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình 1986: “Các Kitô hữu, được soi sáng bởi đức tin, nhận biết rằng sở dĩ thế giới này trở thành một đấu trường xâu xé, căng thẳng, thù địch, bế tắc và bất bình đẳng (thay vì là một nơi của tình huynh đệ chân thành), thì đó chính là vì tội lỗi, nghĩa là vì sự rối loạn luân lý của con người. Kitôhữu cũng biết rằng ân sủng của Đức Kitô không ngừng được ban tặng cho thế giới, và ân sủng ấy có thể biến đổi tình trạng này của nhân loại, bởi vì “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng chứa chan” (Rm 5, 26).
Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta nên một, như Ngài và Chúa Cha là một. Trong hiệp thông với Giáo Hội, chúng ta kết hiệp với Đức Giêsu và tìm được sức mạnh và nguồn cảm hứng để vượt qua mọi rào cản và chia rẽ, và xây dựng những mối hiệp nhất mới mẻ và chặt chẽ hơn: Mối hiệp nhất trong các gia đình và giáo xứ, mối hiệp nhất trong các giáo hội địa phương, và giữa các giáo hội thuộc những nghi lễ khác nhau; mối hiệp nhất trong hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu và với Giám Mục Rôma.
Thế giới đang chờ đợi những chứng từ sống động về đức tin và tình yêu của chúng ta. Như Công Đồng Vatican II nói: “Tất cả các tín hữu hãy nhớ rằng, họ càng cố gắng sống theo Tin Mừng, họ sẽ càng thăng tiến và sống triệt để hơn sự hiệp nhất giữa các Kitôhữu” (Sắc lệnh về Đại kết, 7). Tất cả chúng ta cố gắng để nên một trong sự hiệp nhất với Đức Kitô Giêsu và với Giáo Hội Ngài.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 30-10
Ep 5, 21-33; Lc 13, 18-21.
LỜI SUY NIỆM: Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn, để diễn tả về Nước Trời, cả hai dụ ngôn, Chúa đều đưa ra những vật rất gần gũi với con người đó là hạt cải được gieo vào lòng đất và men được vùi vào trong đống bột. Khởi sự ban đầu Nước Trời là bé nhỏ như thế nhưng với thời gian, nó sẽ lớn lên và chim trời đến đậu và làm tổ trên đó. Như chúng ta đều biết, Giáo hội tiên khởi rất nhỏ bé so với toàn thể thế giới, gồm một tập thể tông đồ nhỏ bé về nhiều mặt, lại gặp rất nhiều thử thách, máu các ngài đã đổ xuông trên khắp thế giới để loan báo truyền Tin Mưng cho nhân loại. Hạt giống Tin Mừng đã đem lại bóng mát cho biết bao nhiêu dân tộc trên thế giới, đem lại biết bao hạnh phúc cho con người, nhất là những con người đang bị gạt ra bên ngoài xã hội, những con người nghèo đói, Tin Mừng đã và đang đòi lại công bằng và công lý cho họ, đòi lại sự tôn trong nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền cho hết mọi người trên trần gian này. Chúng ta cần phải sống trong sự trao ban tình yêu và bình an cho nhau, để tỏa bóng mát cho đời.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
30 Tháng Mười
Viên Ðá Quý


Edith Stein, đó là tên của một người đàn bà mà chúng ta thường nghe nhắc đến nhiều lần nhân chuyến viếng thăm lần thứ hai của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Tây Ðức năm 1987.
Stein theo tiếng Ðức có nghĩa là đá. Ðây không phải là một viên đá tầm thường, nhưng là một viên ngọc quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của hận thù, chiến tranh. Viên ngọc quý Stein đã được gọt đẽo và nung nấu trước tiên trong sự dửng dưng vô tôn giáo của những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế chiến.
Lên 14 tuổi, Edith Stein đã mất hòa toàn niềm tin vào Thiên Chúa của tổ phụ Arbaham. Nhưng cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa con người đến ngõ cụt của cuộc sống. Nhưng chính khi đứng trước bức tường tưởng chừng như khôg thể vượt qua được, Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài ra để nâng con người lên. Ðó là điều đã xảy ra cho Edith Stein khi cô chứng kiến gương kiên nhẫn của một người thiếu phụ Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi người chồng thân yêu, người đàn bà ấy vẫn lấy Ðức Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau khổ, thử thách... Edith Stein thú nhận: Thập giá của Ðức Kitô đã đem lại sức mạnh kiên hùng cho người phụ nữ và do đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của cô.
Trong ánh sáng của thập giá Ðức Kitô, Edith Stein đã tìm lại được niềm tin vào chính Thiên Chúa của người Do Thái... Nhưng ánh sáng đó đã gắn liền với cả cuộc đời còn lại của cô như một định mệnh: Giữa những đổ vỡ và tàn ác của chiến tranh, Edith đã tìm lại được định hướng cho cuộc đời. Thánh giá đã được gắn liền với tên cô từ đó: Têrêxa Benedicta Della Croce, Têrêxa được thập giá chúc lành.
Thập giá của Ðức Kitô mà cô đã vác lấy qua cái chết đau đớn trong lò hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc quý có giá trị cứu rỗi cho cả một dân tộc mà cô hằng yêu mến.
Ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá. Ðã mang tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc sống với tất cả gánh nặng của thập giá... Tại sao Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ? Mãi mãi dường như con người sẽ không bao giờ tìm được câu giải đáp cho vấn đề đau khổ. Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề.
Trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường dẫn đến sự sống. "Hãy vác lấy thập giá và theo Ta", đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và thất vọng.
(Lẽ Sống)
Ngày 30


Đáng lẽ, câu hỏi này không cần được đặt ra. Vâng, tôi là sứ giả, một cách sâu sắc, chủ yếu, căn bản, với tư cách là Kitô hữu. Tôi là sứ giả, với tư cách là người đã chịu phép Rửa, được chìm ngập trong Đức Kitô, được mặc ly ánh sáng của Người. Tôi là sứ giả, bởi vì sứ điệp được đặt trong chiếc bình đất sét là chính tôi, như một ân sủng, như một quà tặng không đáng được, cho không: đó là một sứ điệp sng, chứ không phải là một cuốn sách. Là chính Đức Kitô, là Thiên Chúa làm người, chết, sng lại và lên trời; nhờ Người, tôi có sự sống, sự chuyển động và tn tại.
 
Tôi có phải là sứ giả của Chúa không? Vâng, tôi là sứ giả. Nhưng không phải một cách tự động, như thể không phải làm gì. Thiên Chúa cần sự cộng tác của tôi. Tất cả chúng ta là tông đ, nghĩa là những người được sai đi. Mỗi người chúng ta, dù thuộc về một phong trào tông đ hay không, cũng được mời gọi đi trao sứ điệp. Không phải chỉ trao sứ điệp, mà còn phải truyền đi với sự trong sáng và động lực, để những người khác sng và làm cho nhiều người cũng sng sứ điệp đó. Sứ điệp này là một sứ điệp của hy vọng và niềm vui: Đức Kitô là sự sng của chúng ta. Bất chấp mọi bất ngờ, bất chấp sự yếu đui của chúng ta, sứ điệp này vang lên từ hai ngàn năm trong toàn vũ trụ. Đến lượt chúng ta phải truyền sứ điệp này xa hơn.

Đức Cha Pierre Farine
Hạnh Các Thánh

Ngày 30 tháng 10
THÁNH ANGÊLÔ ACRI DÒNG ANH EM HÈN MỌN
(1730)

Lời Chúa phán trong Phúc âm: “Không có ơn Cha, các con không thể làm gì được” (Ga 4,5) đã giúp các thánh nhân nhận sự yếu đuối của mình và tín nhiệm thành thực vào Chúa, vì “Ơn Chúa vẫn đủ cho các ngài” (II Cr 12,9). Và như thế chúng ta không lạ gì cũng là con người yếu hèn, các thánh lại làm được những việc lạ lùng ngoài sức tưởng tượng của con người. Tất cả các ngài đều nói được như thánh Phaolô rằng: “Tôi làm được mọi sự trong Đấng nâng đỡ tôi”(Pl 4,13). Và đó cũng là bài học tóm tắt đời sống tu đức của thánh Angêlô Acri mà Giáo hội kính nhớ hôm nay.
Thánh nhân chào đời ngày 16.10.1669, tại tỉnh Acri gần thành Napôli. Cha mẹ ngài là những người dân lương thiện, giầu lòng bác ái nhưng lại lâm cảnh nghèo nàn vất vả. Vì thế, lúc bé Angêlô tuy cũng được cha mẹ cho đi học, nhưng ngoài việc học ra, cậu còn phải chăn chiên và giúp việc nhà. Đến năm 18 tuổi, vì cảm mến lối sống khó nghèo của các anh em Dòng Hèn Mọn, Angêlô ngỏ ý với cha mẹ muốn được theo ơn kêu gọi vào dòng đó. Chiều ý con, ông bà Angêlô ưng thuận ngay. Nhưng nhập dòng chưa được bao lâu, Angêlô chán nản vì luật dòng quá nghiêm nhặt; thầy xin bề trên cởi áo dòng để trở về với đời sống cũ. Trở về thế gian rồi, Angêlô lại cảm thấy như tiếng Chúa vẫn theo đuổi mình. Vì thế, sau một tuần tĩnh tâm, ngài lại đến gõ cửa xin nhập dòng lần thứ hai. Cha bề trên vẫn vui vẻ tiếp nhận. Dầu vậy, chưa đầy hai tháng, Angêlô buộc lòng lại phải lên xin bề trên cho xuất dòng! Thấy vậy, cậu ruột của Angêlô là một linh mục thánh thiện, hết sức giúp cháu tìm biết ơn Chúa gọi. Nhờ đó sau hai năm thử thách, tâm hồn Angêlô mới lấy lại được quân bình và thầy sung sướng bước vào tu viện lần cuối cùng lúc 21 tuổi.
Từ nay Angêlô cảm thấy yên hàn sung sướng như nai khát gặp suối nước trong. Thầy chuyên cần học tập và tu luyện nhân đức để bù lại những ngày bất định khi xưa. Mười năm sau, thầy được gọi chịu chức linh mục và lĩnh sứ mạng đi rao giảng Phúc âm. Sứ mạng đó sẽ đem đến cho ngài biết bao hy sinh và tủi nhục. Thực vậy, trong những năm đầu đi giảng, ngài hay bị thính giả la ó vì bài giảng của ngài buồn chán và khó hiểu. Thất bại điển hình nhất là lần cha giảng mùa chay tại nhà thờ thánh Gêorgio năm 1702. dĩ nhiên không phải vì cha không dọn bài giảng cẩn thận, nhưng vì cha kém trí nhớ, lại nhút nhát. Vì thế, lần đầu tiên giảng tại đây, cha phải bỏ dở bài giảng lộn xộn, chưa được kết thúc! Thấy thế, bề trên dòng đòi cha về tu viện. Cha vui vẻ trở về nhận lỗi với bề trên. Tuy nhiên cha không khỏi những lúc buồn tủi vì thấy mình bất tài, và như thiếu ơn Chúa! Ngày đêm cha cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ, nhất là cho biết thánh ý Người. Một hôm đang cầu nguyện, cha nghe tiếng bảo: “Angêlô, con đừng sợ, Cha sẽ ban cho con ơn rao giảng, từ nay, việc làm của con không còn vô ích như trước nữa”. Sợ hãi, cha Angêlô hỏi lại: “Nhưng Người là ai?” – “Ta là Đấng Hằng Hữu. Từ nay về sau, con nên giảng thuyết bằng lời văn đơn sơ, rõ ràng để mọi người có thể hiểu lời con”. Cha Angêlô sung sướng đến ngất đi một hồi lâu, và chính giờ phút xuất thần đó, cha đã nhận biết điều Chúa muốn: từ nay cha chỉ chuyên giảng Kinh thánh và về Thánh giá. Cũng từ đó, thay vì ngồi viết từng mấy chục trang, cha quỳ trước nhà chầu, dọn bài giảng bằng cầu nguyện và suy gẫm. Cha múc lấy trong Thánh kinh những chân lý, những bài học cần thiết cho đời sống dân quê! Và quả nhiên từ đó lời giảng thuyết của cha vừa bổ ích cho đám dân quê ít học, vừa là món ăn tinh thần mới mẻ cho những người học thức!
Mùa chay năm 1706, Đức Hồng Y Pignatelli mời cha Angêlô đến giảng tuần đại phúc tại nhà thờ thánh Elôysiô thuộc thành phố Napôli. Cử tọa hầu hết là những người có địa vị trong thành. Họ hết sức khen ngợi và thán phục bài giảng của cha về cả nội dung lẫn hình thức. Cha Angêlô khiêm tốn dâng những lời khen ấy cho Thiên Chúa. Cũng vì lòng khiêm tốn và trong mọi việc không tìm vinh danh cho mình, nên cha mới có can đảm chịu đựng hành động ghen tương của cha xứ coi nhà thờ thánh Elôysiô. Cha này vì thấy giáo dân chê bai mình giảng kém hơn cha Angêlô, đã nổi xung và theo lòng tự ái cha cấm cha Angêlô không được phép trở lại giảng lần thứ hai, và cũng không được dâng lễ tại nhà thờ ấy nữa. Không ngần ngại, cha Angêlô vâng lời và trẩy đi ngay. Hay tin ấy, Đức Hồng y quở mắng cha xứ và cho người đi mời cha Angêlô về Napôli.
Lần khác, cha Angêlô cũng giảng bằng lời văn bình dị như mọi khi. Trong cử tọa có những người vì đến nghe theo tính tò mò hơn là muốn nhận Lời Chúa, đã bất mãn vì lời văn quá đơn sơ nhạt nhẽo của cha. Thậm chí có một luật sư đã la lên bằng một giọng khiếm nhã. Cha Angêlô bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Cho tới khi bỏ tòa cha mới kêu gọi: “Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đọc một kinh Kính mừng cầu nguyện cho một người sẽ gặp tai nạn rùng rợn khi ra khỏi nhà thờ này”. Mọi người đều bỡ ngỡ. Riêng luật sư vô lễ đã cười ồ lên và cho đó là lời tiên tri ngớ ngẩn! Nhưng chỉ nửa giờ sau, mọi người đều kinh ngạc và khâm phục nhân đức của cha Angêlô khi chính mắt họ chứng kiến tai nạn bất ngờ xẩy đến cho nhà luật sư ngạo nghễ kia ngay trước cửa thánh đường. Ông vấp chân ngã và bị một que nhọn đâm lòi mắt!
Mấy năm sau, từ địa vị một người canh cổng tu viện Acri, cha Angêlô được chọn làm bề trên tỉnh dòng. Tuy nhiên cha vẫn được tiếp tục đi rao giảng.
Kèm theo lời giảng có sức đánh động tâm hồn người nghe, nhiều khi Chúa còn ban cho cha quyền làm phép lạ để lời cha thêm hiệu lực. Năm 1711, tại Têrra Nova cha Phanxicô Bonifarti ngã bệnh nặng và được cha Angêlô đến chữa khỏi bằng những giọt nước thánh.
Say mê rao giảng Chúa Kitô chịu tử nạn, cha Angêlô đã làm cho các thính giả cảm động không ít. Có lần nghe cha giảng về “Mầu nhiệm khổ giá”, mọi người đều khóc nức nở. Ngài giảng không phải bằng lời, nhưng còn bằng chính cả đời sống: “Đời cầu nguyện, suy gẫm và chay tịnh. Cha yêu mến thánh giá đến nỗi sau mỗi tuần đại phúc ở một nơi xa lạ nào đó, cha hết sức vận động tìm địa điểm trồng tại đó một cây thánh giá làm như di vật để lại cho cả miền. Người ta kể: tại Menđicinô, cha đã vác một cây thánh giá rất nặng lên ngọn núi cao. Khi dựng lên rồi, thánh giá tỏa ánh sáng và ánh sáng lạ đó chữa nhiều người khỏi bệnh.
Năm 1729, khi đi giảng ở Castrovillani, cha cùng đi với thầy Anrê. Tới nơi kia phải đi qua sông, nhưng rủi thay, nước sông dâng lên cao làm cho bao nhiêu người phải quay bước. Thầy Anrê ái ngại nhìn nước sông chảy cuồn cuộn và phân vân không biết qua làm sao! Hiểu ý thầy, cha Angêlô cười nói: “Thầy đừng sợ, cứ tin tưởng vào Chúa mà bước đi”. Yên tâm, thầy Anrê bước đi theo cha Angêlô và sang bên bờ bình yên!
Chúa còn ban quyền cho cha Angêlô làm nhiều phép lạ khác, những phép lạ đó đều quy vào mục đích: hoặc giúp cha thắng vượt mọi cản trở để giúp đỡ kịp thời những người bệnh tật, hấp hối hoặc đến đúng giờ những nơi xa xôi mà ngài phải rao giảng.
Sau những năm dầy công truyền giáo và làm nhiều phép lạ khác; cha Angêlô bỗng nhiên bị mù mắt. Nhưng Chúa lại làm phép lạ cho ngài sáng mắt hầu dâng lễ và đọc kinh nhật khóa trong những ngày sau cùng của đời sống. Ngày 30.10.1730, cha lại ngã bệnh và cơn bệnh lần này đã cất mạng sống của cha. Cha qua đời tại tu viện tỉnh Acri và hưởng thọ 70 tuổi. Đức Giáo Hoàng Lêô XII đã cất cha lên bậc chân phước năm 1825.
Thứ Ba 30-10

Thánh An-phông-sô Rodriguez

(1532 -1617)

A
n-phông-sô sinh ở Segovia, Tây Ban Nha, con của một người buôn bán len sợi giầu có. Khi còn nhỏ, An-phông-sô thường gặp Cha Phêrô Favre (sau này là chân phước) và một linh mục dòng Tên khác, họ là những người thường tạm trú qua đêm ở nhà người cha ruột của An-phông-sô. Dần dà, chính Cha Phêrô Favre là người đã chuẩn bị cho An-phông-sô rước lễ lần đầu.
Vào lúc 14 tuổi, cùng với người anh, An-phông-sô được theo học với các linh mục dòng Tên, nhưng chưa được một năm sau, hai anh em được gọi về nhà để giúp trông coi cơ sở thương mại của gia đình sau cái chết bất ngờ của người cha. Vào lúc 23 tuổi, một mình An-phông-sô trông coi cơ sở buôn bán tơ sợi và, vài năm sau đó ngài lập gia đình và được một trai hai gái.
Khi kỹ nghệ tơ sợi xuống dốc thê thảm, nhiều thảm kịch cũng xảy đến cho An-phông-sô qua những cái chết bất ngờ của hai cô con gái, của vợ và của mẹ trong vòng ba năm liên tiếp. Sau khi bán hết cơ sở thương mại, An-phông-sô ngưng hoạt động, về sống với hai cô em gái và đứa con trai nhỏ. Chính trong quãng thời gian này An-phông-sô học được cách cầu nguyện và chiêm niệm từ hai cô em. Ngài thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, và sống một đời khổ hạnh. Khi đứa con trai từ trần, An-phông-sô, giờ đã gần 40 tuổi, quyết định gia nhập dòng Tên và tìm mọi cách để được thu nhận vào dòng ở Segovia. Vì cao tuổi, sức khỏe yếu kém và thiếu nền tảng học vấn nên khó cho ngài được thu nhận vào đời sống tu trì, nhưng An-phông-sô rất kiên nhẫn, ngài trở lại trường học tiếng Latinh. Sau cùng, cha bề trên đồng ý nhận An-phông-sô làm thầy trợ sĩ. Sáu tháng sau, ngài đến làm việc ở trường dòng Tên ở Majorca. Ở đây ngài giữ việc gác cửa.
Trong vòng 45 năm kế đó, thầy An-phông-sô trung thành với nhiệm vụ của mình trong khi dành thời giờ để cầu nguyện và chiêm niệm. Ngài nổi tiếng về sự vâng phục và hãm mình, cũng như sùng kính Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Một linh mục dòng Tên phải kêu lên, "Thầy đó không phải là một người bình thường -- thầy là một thiên thần!" Các giáo sĩ, giới trưởng giả, giới chuyên nghiệp, giới thương mại cũng như người nghèo tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh. Một trong những người ấy là Cha Phêrô Claver, sau này được phong thánh và là vị Tông Ðồ của Người Nô Lệ Da Ðen. 
Trong những năm cuối đời, thầy An-phông-sô bị đau khổ vì bệnh tật và sự khô khan tinh thần. Sau cùng, trước khi từ trần, ngài được rước Mình Thánh và bỗng dưng mọi đau khổ tâm thần cũng như thể xác tan biến. Sau khi trìu mến nhìn đến các tu sĩ đứng quanh giường, ngài hôn thánh giá và lớn tiếng kêu tên Chúa Giêsu, ngài trút hơi thở cuối cùng vào ngày 31 tháng Mười, 1617. Tang lễ của ngài có nhiều thành phần tham dự, ngoài những người nghèo và bệnh tật còn có phó vương Tây ban Nha, giới quý tộc và các giám mục. Ngài được phong thánh năm 1888, cùng lúc với Thánh Phêrô Claver.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét