Trang

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

GIÁO LÝ TÍN LÝ (Lm.An-tôn TRẦN VĂN TRƯỜNG)


GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 1: TÔI TIN 

GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 1: TÔI TIN š›

Trang web giaolyductin hân hạnh giới thiệu đến độc giả loạt bài TÍN LÝ của Linh mục Antôn Trần Văn Trường (Đà Nẵng) dành cho lớp 9. Kính mời quý độc giả cùng theo dõi.
1. Tại sao nói “Tôi tin” ?
Không nói : “chúng tôi tin”, như trong các kinh Phụng Vụ mà lại nói “tôi tin”, vì đây là lời tuyên xưng Đức Tin của người có đủ trí khôn.
Đức Tin chân chính, thực sự, phải là Đức Tin của chính mình, của cá nhân mình, không thể ai tin thay cho mình được. Thánh Kinh thuật lại nhiều câu truyện chứng tỏ Đức Tin như thế.
Như những người ở Samaria, sau khi nhờ người đàn bà ra lấy nước ở giếng Jacob…, giới thiệu Chúa Giêsu và được nghe chính Chúa giảng dạy, họ đã nói với bà :
“Bây giờ không phải vì bà nói mà chúng tôi tin nữa ; chính chúng tôi đã được nghe Ngài nói và bây giờ chúng tôi biết Ngài chính là Đấng Cứu Thế !” (Ga 4,42).
Các tông đồ cũng vậy, sau 3 năm theo Chúa, nghe Chúa giảng dạy, chứng kiến mọi việc Chúa làm, các ngài đã được như Chúa Giêsu nhận định :
“Con đã tỏ danh Cha cho những người mà Cha đã trao cho con… Bây giờ thì chúng biết rằng mọi sự Cha ban cho Con đều là do Cha…, chúng thực sự đã xác nhận là Con bởi Cha mà ra và chúng đã tin là Cha đã sai con”(Ga 17,6-8).
Thánh Phaolô cũng đã đạt tới niềm tin như vậy, khi ngài viết cho môn đệ Timôtê của ngài :
“Tôi biết tôi tin vào ai, và tôi xác tín rằng Đấng ấy có đủ quyền năng để bảo tồn kho tàng của tôi cho tới Ngày đó” (2 Tm 1,12).
Qua ba đoạn Thánh Kinh trên, chúng ta có thể ghi nhận điều này : Đức Tin Công Giáo chính là “Tôi tin”!
“Tôi” : chứ không phải ai khác thay tôi !
“Tôi” : một chủ thể độc lập sáng suốt, sẵn sàng lãnh mọi trách nhiệm, mọi hậu quả về lập trường, về hạnh kiểm của tôi, chứ không phải sống dựa, sống gửi !
“Tôi” : sẵn sàng hoạt động truyền bá niềm xác tín nơi Sự Thật, Sự Thiện mà tôi đã gặp được ! Sẵn sàng hành động để cải tạo, xoay chiều mọi sự theo chiều hướng Sự Thật mà tôi biết rõ đó là Sự Thật duy nhất và cho mọi người !
“Tin” là “biết”, là “xác nhận”, là “xác tín” đấy chính là Sự Thật ! “Thật” cho trí khôn nhận định, suy nghĩ ; “Thật” cho tâm hôn khát vọng, tìm kiếm, vui hưởng, an nghỉ ; “Thật” cho đời sống thực tế của con người với bao ngả đường quyến rũ, với trăm hình vạn trạng, với khả năng tiến bộ gần như vô biên ! Vì Đấng tôi tin là “Sự Sung Mãn” (Cl 1,19), “mọi vật hữu hình, vô hình, mọi Uy Quyền, Vương Chức, Bá Chủ, Quyền Năng : tất cả đều đã được dựng nên bởi Ngài và cho Ngài” (Cl 1,16) “đời này hay đời sau”(Ep 1,21) “trên Trời hay dưới đất” (Ep 1,10).
Con người “tin” là con người nắm chắc sự Thật và là sự Thật hoàn toàn đầy đủ, nên không bị như gió cuốn chạy theo các tư tưởng, các lý thuyết, các dụ dỗ (Ep 4,14 ; Cl 2,8) dù là cho thần thánh trên trời xuống nói (Gl 1,8). Trái lại, con người đó “đi trong ánh sáng” (Ga 8,12) và sống vui an hưởng  “mạch nước trong mát phát xuất tự trong tâm hồn” vững một niềm tin (Ga 7,37).
Chúng ta học Giáo lý, chúng ta được những người đại diện Giáo Hội, nhân danh Giáo Hội dẫn chúng ta  tìm gặp Lời Chúa trong Thánh Kinh : chính chúng ta  nghe chính Chúa nói, chúng ta biết việc chính Chúa làm!
Chúng ta phải cố gắng suy nghĩ, nhận định như những người lớn, “trưởng thành”, để làm sao chúng ta  có thể nói như các người ở thành Samaria trên kia : Bây giờ, không phải Ba Má, người đỡ đầu nói tin thay tôi như lúc nhỏ…, nhưng là chính tôi đã nghe Chúa nói trong Thánh Kinh, và tôi tin, tôi biết, tôi xác nhận, tôi xác tín!
2. Tôi tin gì ?
Nếu tìm lại trong Thánh Kinh từ đầu với Ông Tổ của Đức Tin là Abraham, thì chúng ta thấy những “người tin” đã tin khác nhau, tuỳ như Chúa mạc khải cho họ !
Abraham tin Chúa có thể thực hiện lời hứa bất chấp mọi trái ngược bề ngoài, trong vụ tế lễ Isaac (St 15,6).
Maisen tin Chúa trợ giúp để lướt thắng mọi trở ngại trong việc đưa dân Chúa ra khỏi Ai Cập (Xh 3,12).
Dân Israel tin Chúa bênh vực mình như Dân riêng của Chúa (Đnl 26,5-9).
Các Tiên Tri là những người nhắc nhủ cho Dân Chúa luôn giữ một niềm tin vững chắc vào một mình Chúa là Đấng có thể cứu được Dân Chúa mà thôi ; mọi hư thần khác đều bất lực ! Lòng tin tưởng vào Chúa che chở bênh vực này tạo nên lòng kính yêu Chúa, khát khao Chúa, và sự an vui sống với Chúa (Thánh vịnh).
Các người suy nghĩ và hoạt động thì tin vào Chúa thưởng phạt đời này và nhất là đời sau(Khôn ngoan, Macabê).
Bước sang Tân Ước, niềm tin Cựu Ước được bổ túc bằng những mạc khải do Chúa Giêsu : về thân thế Đức Kitô Đấng Thiên Chúa sai đến, Đấng Cứu Thế là chính Ngài, và về Chúa Ba Ngôi Cha, Con và Thánh Thần trong Chương Trình Cứu Độ.
Đức Tin các Tông Đồ, các giáo hữu tiên khởi và cũng là của cả Giáo Hội cho đến ngày nay, chính là Đức Tin của  Cựu Ước được hoàn bị do Chúa Giêsu.
Các bản tuyên xưng Đức Tin, các bản Kinh Tin Kính có trong Giáo Hội từ đầu cho tới nay đều phản ảnh Đức Tin đó.
Đức Tin gồm 2 phần :
-       Tin Thiên Chúa Ba Ngôi.
-       Và tin Đấng Thiên Chúa sai là Đức Kitô (Ga 17,3)
Hai phần này được quảng diễn nhiều hay ít, nhấn mạnh phương diện này hay phương diện khác, đó là những yếu tố tạo thành vô số những bản tuyên xưng Đức Tin và Kinh Tin Kính.
Trong số các Kinh Tin Kính, có 3 bản ngày nay được dùng đến nhiều. Đó là : Kinh Tin Kính quen gọi là của các Tông Đồ, Kinh Tin Kính của công đồng Nicée-Constantinople đọc trong Thánh Lễ, bản thề chống Tân Phái do Đức Giáo Hoàng Piô X đặt ra mà các Tân Linh Mục, Giám Mục, các Giáo Sư Chủng Viện, Đại Học của Giáo Hội… phải đọc trước khi chịu chức hay nhận chức.
Chương trình giáo lý này quảng diễn Kinh Tin Kính các Thánh Tông Đồ sẽ giúp ta hiểu rõ : Tôi tin gì ?
Đề tài trao đổi
Phải làm gì để có một Đức Tin cá nhân thật ?
Nếu tin thật, ta sẽ phải sống thế nào ?
______

BÀI 2: NỀN TẢNG ĐỨC TIN CÔNG GIÁO š›
Tại sao tôi tin theo đạo Công Giáo ?
1. Ý thức về lý do Đức Tin :
Rất thường khi tiếp xúc với người ngoài Công Giáo, chúng ta mới có ý thức rõ ràng về lý do Đức Tin của chúng ta.
Vì sinh trưởng trong một gia đình Công Giáo, được rửa tội từ khi còn nhỏ ; lớn lên, bầu không khí đạo giáo trong gia đình như thấm nhập vào con người một cách vô ý thức, chúng ta như “tự nhiên có đạo”. Đến tuổi dậy thì, óc ương ngạnh ưa chống đối để đòi lấy quyền tự lập của một nhân phẩm đang thành hình, đôi khi cũng có đặt những nghi vấn tôn giáo. Thế nhưng nếp sống gia đình, nếp sống xứ đạo lại dần dần phủ lấp và tiêu tan luôn những gì gọi là chống đối hay đi ngược, đi ngoài nếp sống đó ! Thế là ta lại trở về với thứ đạo giáo gần như “hồn nhiên” ! Nhất là khi đến lúc mà nghề nghiệp sinh kế chiếm trọn óc suy tư, tìm tòi, sáng kiến của ta, khoảng từ 40 tuổi trở lên : con người lúc đó như suy nghĩ hết mọi sự trừ ra đạo giáo ! Sinh hoạt tôn giáo, lễ lạy kinh kệ…, lúc đó làm là vì khung cảnh xã hội đưa đẩy, vì thói quen nề nếp trong con người, vì một thứ nhu cầu tôn giáo lúc mạnh lúc yếu…
Thế nhưng giả sử có những lần gặp người ngoại Đạo nói trái Đạo của mình, thì rất thường lại chỉ phản ứng tự vệ dựa vào tâm tình hơn là sự thật : tâm tình tức giận vì nói xấu Đạo, hay tâm tình bao dung hỉ xả : đạo ai nấy giữ, đạo nào cũng tốt v.v…
Thiết tưởng phải là một tâm hồn truyền giáo thực sự, là “men sống”, là “muối mặn”, một tâm hồn luôn nhớ lời Chúa dạy :
“Ai không đi với Ta là chống Ta, ai không xây dựng với Ta là phá hoại” (Lc 11,23).
Hoặc một tâm hồn không cầu an thứ bình an “ru ngủ”trong nguy hại, trong tầm thường, một tâm hồn luôn gây thức tỉnh bằng hành động, bằng chống đối (Lc 12,51-53 ; Mt 10,34-36), tâm hồn đó kèm theo một tình yêu tha nhân tha thiết, mong cho mọi người tiến bộ phát triển về phương diện tôn giáo, tâm hồn đó mới thực sự luôn ý thức rõ ràng về lý do Đức Tin của mình.
Vì lý do tại sao tin, không phải chỉ để cho đời sống đạo của riêng mình được phát triển tâm linh, mà còn là sức thúc đẩy tôi đến với anh em để giúp họ thấy nếu chưa thấy, thấy rõ hơn nếu còn mơ hồ !
2. Lý do Đức Tin Công Giáo :
Có thể phân chia thành 2 loại hợp với 2 giai đoạn tiến bộ của con người tìm kiếm.
-          Giai đoạn hướng về Đức Tin Công Giáo.
-          Giai đoạn tìm hiểu để có Đức Tin Công Giáo.
(trong ngôn ngữ Truyền Giáo gọi là : giai đoạn Tiền Rao Giảng và Rao Giảng, và giai đoạn Dự Tòng).
Loại lý do Đức Tin Công Giáo thuộc giai đoạn thứ nhất thường rất gần với Đạo Tự Nhiên Độc Thần do trí khôn suy luận nhận định về những biến cố trong đời sống, hoặc về hiện hữu của vạn vật (Rm 1,20 ; Kn 13,1-9).
Loại lý do thuộc giai đoạn thứ hai mới trực tiếp và đặc biệt thuộc Đức Tin Công Giáo. Đạo Công Giáo không phải là Đạo Tự Nhiên, do trí khôn suy luận theo cách lập luận trừu tượng. Đạo Công Giáo khởi đầu từ công việc Chúa can thiệp vào lịch sử một cách dứt khoát và mạnh mẽ bằng cách cho chính Con Một của Ngài, cũng làThiên Chúa như Ngài, là một với Ngài, xuống thế trở thành loài người sống trong lịch sử loài người và vạn vật. Chính việc Thiên Chúa can thiệp mạnh mẽ  vào lịch sử này tạo nên một trật tự mới, một cách nhìn mới: Đấng Tạo Hoá không còn là đối tượng của Đạo Tự Nhiên, nhưng là Chúa Cha, Cha Chúa Giêsu và Cha chúng ta ; trật tự và vẻ đẹp vạn vật thiên nhiên không còn là một môi trường hoạt động của khoa siêu hình học, nhưng là gia tài của Cha ta ban cho ta mà ta vui hưởng với tất cả tình cảm mến của người con yêu đối với người Cha nhân từ ; và sau hết, lịch sử cùng với muôn vật trong đó sẽ không còn nằm trong trật tự tự nhiên, nhưng là được hướng về cùng đích mới do sức mạnh của việc Chúa Nhập Thể, đó là “Trời mới Đất mới”.
Lý do đưa đến niềm tin như thế, Niềm Tin là Đức Tin Công Giáo, không thể dựa vào suy luận của lý trí, của triết học ! Nhưng là dựa hoàn toàn vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế.
Chúa Giêsu chính là căn bản Đức Tin Công Giáo.
Chấp nhận Chúa Giêsu chính là nhận được Đức Tin Công Giáo, từ chối hay không biết Chúa Giêsu, sẽ không thể có được Đức Tin Công Giáo.
Vậy những lý do nào đưa ta đến việc chấp nhận Chúa Giêsu ? (và đấy cũng là lý do để có Đức Tin).
Sách Công Vụ Tông Đồ cho ta lý do thứ nhất, đó là lý do chứng nhân (Cv 1,8 ; 1,21-22 ; 2,32). Chứng nhân đầy đủ, đứng đắn, trong đời sống thường ngày cũng như trong trường hợp tố tụng, chính là lý do để ta tin. Đời sống xã hội con người dựa vào “chứng nhân”…
Sách Phúc Âm nhất lãm thường hay đối chiếu việc Chúa Giêsu làm với Cựu Ước, gợi cho ta một lý do khác đó là lý do được Thánh Kinh báo trước. Điều gì xẩy ra đúng như đã báo trước, đó là một lý do để tin : một nhân vật đến theo như ngày giờ và thể thức loan báo và chuẩn bị, thì tôi có lý để tiếp nhận nhân vật đó !
Nhưng đặc biệt nhất là Phúc Âm thứ tư, Phúc Âm Đức Tin, Thánh Gioan đã nói rõ ràng về lý chứng Thánh Kinh trên (Xem Ga 5, 39.45-47) và còn thêm lý chứng của Chúa Cha đó là các phép lạ Chúa Giêsu làm        (Ga 6,27 ; 5,3-6 ; 10,37-38) ; lý chứng của Thánh Gioan Tẩy Giả , vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước (Ga 5,31-35) ; và sau hết là lý do do chính lời Chúa Giêsu giảng dạy : Chúa Giêsu quả quyết rất nhiều lần Ngài là : Đấng Thiên Chúa sai đến (Ga 10,36 ; 17,8…) ; là một với Chúa Cha (Ga 7,28-29 ; 10,30.38…) Nếu sự thật không đúng như lời Ngài nói, thì Ngài quả một tên lừa bịp, phạm thượng, lộng ngôn…, hay là một người mất trí điên khùng… Nhưng như vậy thì làm sao hợp với lòng đạo đức sâu đậm, sự đứng đắn lạ thường, và một trí khôn sáng suốt bình tĩnh có một không hai của Ngài !?
Trên đây là những lý do của Đức Tin Công Giáo. Và cũng là những lý do để biện hộ cho Đức Tin Công Giáo mà những tác giả các sách hộ giáo vẫn trình bày từ xưa đến nay.
Những lý do đó chính Chúa Giêsu cũng đã dùng để khuất phục người ta chấp nhận Chúa, và ai không chấp nhận thì hết đường chối cãi và bản án luận phạt kể là đãy án rồi (Ga 9,39-40 ; 8,24). “Con người Giêsu” quả thực đã trở thành “hòn đá vấp phạm”, “hòn đá góc tường” không thể trốn tránh được : nhận Ngài thì được cứu thoát, không nhận Ngài thì sẽ bị luận phạt (Lc 20,18; 2,34), tan tành cả sự khôn ngoan thông thái (1 Cr 1,19-25).
Đề tài trao đổi
1.      Tại sao lại nói : Chúa Giêsu là nền tảng Đức Tin Công Giáo ?
2. Đạo Công Giáo khác với Đạo tự nhiên thế nào?
3. Tại sao chúng ta buộc phải tin theo Chúa Giêsu?
______


 BÀI 3 ĐỨC TIN CÔNG GIÁO LÀ MỘT ƠN CHÚA 
1.      Nhận định về Đức Tin

Chúng ta cùng ôn lại đoạn 9 của Phúc Âm theo Thánh Gioan. Đây là câu truyện phép lạ Chúa làm cho người mù từ khi mới sinh thấy được. Và kết quả là người mù được sáng mắt thể xác, và nhất là anh ta đã nhận ra Chúa Giêsu (Ga 9,38) ; trái lại, những người Pharisiêu sáng mắt thể xác, nhưng trở thành mù tâm hồn(Ga 9,39). Và Chúa coi cái mù tâm hồn này là do chính họ và đó là một tội (Ga 9,41).

Quả thực, cùng đứng trước cùng một sự lạ hiển nhiên : một người ăn xin mù từ khi lọt lòng mẹ, nay chốc lát được xem thấy…, và người làm sự lạ đó không dùng thuốc men hay dụng cụ y khoa nào, có chăng là chút bùn bôi vào mắt (một thứ làm cho mù thêm thì có !) để rồi đi rửa ở giếng Siloe, một giếng công cộng, nước thường, chẳng làm sáng mắt được ai bao giờ!… Đứng trước sự kiện đó, người ăn mày dốt nát nhận ra : Người mở mắt người mù nhất định phải là do Thiên Chúa mà đến và có quyền năng của Thiên Chúa, Đấng toàn năng là chủ mọi sự ! (Ga 9,33). Trái lại những người Pharisiêu cố chấp không biết suy nghĩ nhận định gì hơn là chiều theo tính tự ái nhục mạ anh mù (Ga 9,34).

Kết quả : anh mù tin, còn người Pharisiêu không tin, cố chấp !

Nhận định về câu truyện trên hay những câu truyện khác giống vậy, ví dụ truyện Lazarô được sống lại (Ga, 11), chúng ta có thể kết luận :
a.    Đức Tin không phải là hậu quả tất yếu, hay máy móc : thấy sự lạ, nghe nói đúng, là tin ! Nhưng là còn tuỳ thuộc sự tự do của con người nữa. Chính sự tự do của con người này là nguyên nhân trực tiếp của Đức Tin.
b.    Đức Tin là một ơn Chúa ban : Chúa đi trước, Chúa đề nghị…, nhưng con người có thể từ chối, cản lại ; và đấy chính là gốc rễ của tội.

2.      Đức Tin là ơn Chúa ban

Tại sao chúng ta lại nói Đức Tin là Ơn Chúa ? Và nói như vậy, ta phải hiểu thế nào ?
Trước hết ta không thể đi vào cái vòng luẩn quẩn : vì Đức Tin là Ơn Chúa ban, tôi không có được Đức Tin là vì Chúa không ban ơn Đức Tin, để rồi kết luận : nên tôi cũng chẳng có tội gì !

Sở dĩ luẩn quẩn như vậy chỉ vì chưa hiểu rõ “Đức Tin là Ơn Chúa” thế nào ?
Đức tin là Ơn Chúa vì :
-          Chính Chúa là Đấng cao cả như thế mà đã đoái hoài đến tôi : nói truyện với tôi, tỏ cho tôi biết Ngài, biết ý định của Ngài, và hơn hết là tỏ tình yêu thương tôi và yêu cầu tôi tin Ngài !
Trong đời sống con người với con người, cách cư xử như thế chẳng phải là một ân huệ sao ?
-       Người làm Trung Gian giữa Chúa và loài người, chính đó còn là một Ơn Chúa ! hay là hiện thân của Ơn Chúa ! Địa vị Trung Gian này, đặc biệt và hoàn hảo nhất phải kể Chúa Giêsu : Ngài là Trung Gian để tỏ Thiên Chúa cho ta, mà còn là Trung Gian để thực hiện những điều Chúa tỏ ra nữa.

Vì thế, Chúa Giêsu trở thành đối tượng của Đức Tin. Mà chính Chúa Giêsu là Ơn Chúa :
“Một con trẻ đã được ban cho ta” (Is 9,5) ; “Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban cho trần gian Con Một Ngài”(Ga 3,16).
-          Đức Tin chứa đựng bao hồng ân : làm nghĩa tử Chúa, hưởng gia tài Chúa, sống lại vinh hiển…
Đức Tin là Ơn Chúa xét theo cả nguồn gốc lẫn hậu quả ! Và đó là một ơn hoàn toàn ban nhưng không; Chúa không ban ta không thể có Đức Tin được ! Nếu Chúa Con không xuống thế, nếu Chúa không lập ý định yêu thương về loài người, làm sao ta tin được ? Vì có đối tượng đâu mà tin ?
Và ở đây, ta cần nhớ câu Chúa Giêsu nói với người đàn bà ở Samaria : “Nếu Chị biết Ơn Chúa !” (Ga 4,10).
“Ơn Chúa” đây là Ơn Đức Tin, mà ở cuối đoạn Phúc Âm đã nói tới (Ga 4,42).

3.      Những cản trở đón nhận Đức Tin

Ơn Chúa ban, nhưng là ban cho con người có tự do, và Chúa tôn trọng sự tự do đó, vì Chúa đã dựng nên sự tự do.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa và cũng là hiện thân của Ơn Đức Tin, đã ăn ở thế nào trong việc đề nghị Đức Tin cho nhân loại ?
Chúa đi rao giảng tối ngày, Chúa làm những sự lạ để dẫn chứng : ai tin, Chúa bằng lòng, khen, thưởng (Mt 15,28 ; 16,17 ; Lc 7,9…) ; ai không tin, Chúa trách móc la rầy (Mt 11,20-24 ; Ga 8,24…) ; chưa tin, Chúa dẫn chứng lập luận (G 7,18 ; 5,39 ; Lc 24,27…) ; cố chấp không tin, Chúa lên án (Mt 21,18-19.23-33) và Chúa khóc thương than vãn (Mt 23,37-39 ; Lc 19, 41-44).

Tóm lại, đối với Chúa, con người thực sự có tự do, mặc dầu Chúa vẫn biết trước cái tự do ấy sẽ như thế nào: Chúa biết trước Phêrô sẽ chối Chúa 3 lần, Giuđa sẽ phản bội, các môn đệ bỏ Chúa trốn đi…

Vì thực sự có tự do, nên con người thực sự có trách nhiệm, thực sự có tội hay có công.

Vậy cái gì đã làm cho con người không chấp nhận Ơn Đức Tin do Chúa đề nghị ?
Dụ ngôn “người gieo giống” (Mt 13,4-8.18-23) đã nói rõ những nguyên nhân cản trở việc chấp nhận đó : tính nhẹ dạ, hay thay đổi, thiếu bền chí, rồi tiền tài, danh vọng, bận tâm lo việc đời, quyến rũ của khoái lạc. Chỗ khác Chúa nói thẳng : “Các người tin sao được, vì các người ham danh vọng loài người ?! (Ga 5,44)

Về tiền tài cũng thế (Mt 19,16-24). Dụ ngôn các người được mời dự tiệc tìm cách thoái thác (Lc 14,16-20) cũng giúp ta thấy thực trạng những con người từ chối Đức Tin : con người bận tâm để ý đủ mọi chuyện, trừ ra tiếng gọi Đức Tin !

Đề tài trao đổi
1. Dụ ngôn “người gieo giống” giúp chúng ta phải sống Đức Tin thế nào ?
2. Giúp người khác có được Đức Tin (truyền giáo) ta cần phải lưu ý những điều gì ? 
_______

BÀI 4 ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN 
Đức Tin Công Giáo là một Sứ Điệp của đời sống con người. Nghĩa là, không phải là một sự thật lý thuyết trừu tượng, nhưng là một sự thật thực tế, cụ thể, mang kết quả cho chính đời sống ta, bản thân ta.
Con người đau khổ tâm hồn và thể xác, con người đang bị ức hiếp bất công, đang khát khao sống công bằng, sống yên vui…, con người đó sẽ được thoả lòng toại nguyện (Mt5,4-10 : 8 Mối Phúc Thật) ; con người bị bệnh tật hoành hành : phong cùi, bất toại, đau yếu, đui, què, câm điếc…, con người đó được chữa lành và còn được hứa một cuộc sống tái tạo toàn diện (các Phép Lạ, ơn Phục Sinh) ; con người bị nô lệ ma quỷ, tội lỗi…, con người sẽ được giải thoát (Mc 12,28 ; Lc 13,16) ; con người đó khát khao trường sinh bất tử, khát khao hạnh phúc hoàn toàn và bất tận, con người đó sẽ hoàn toàn mãn nguyện ! Đức Tin Công Giáo chính là “biết”, “nhận”, “xác tín” tất cả điều Chúa nói kia là thật, là bảo đảm vững chắc ! Vì thế chờ đợi trong tin tưởng và an vui (Rm 8,18).
Đức Tin Công Giáo đâu có phải lý thuyết suông ! đâu có phải là những điều chỉ có trong trí khôn suy tư của con người ! đâu có phải những điều có hay không có, nhận hay không nhận, đời sống con người vẫn chẳng sao !
Vì thế, Đức Tin sống là Đức Tin thực ! Một Đức Tin không diễn tả trong đời sống, đó không phải là Đức Tin Công Giáo thực sự.
Trên đây là nói về Đức Tin đối với chương trình ý định của Thiên Chúa về loài người : Chúa tỏ cho tôi biết ý định như thế, tôi tin là Chúa nói thật và Chúa sẽ làm thật.
Còn nếu xét về chính Thiên Chúa, Đấng mạc khải, là đối tượng cho Đức Tin, thì cũng vậy : Thiên Chúa của Đức Tin Công Giáo đâu có phải chỉ là “Ông Chúa”, là “nguyên nhân cuối cùng” của nhà triết học ! Để rồi, trí khôn tôi chỉ có thể thấy một cách lờ mờ như một khái niệm của Siêu Hình Học mà đa số nhân loại không đạt tới được !
Thiên Chúa của Đức Tin Công Giáo là Thiên Chúa của Chúa Giêsu : Thiên Chúa như Chúa Giêsu giảng dạy, Thiên Chúa như Chúa Giêsu là hiện thân :
Ai thấy Ta là thấy Cha Ta”(Ga 14,9) “Cha Ta chính là Đấngcác người thường gọi là Thiên Chúa của các người” (Ga 8,54).
Như vậy, Đức Tin Công Giáo đối với Thiên Chúa vẫn trực tiếp thuộc về đời sống, có những mối liên lạc sống động : cảm mến, biết ơn, kính yêu, vâng lời… như chính Chúa Giêsu là gương mẫu. Và nếu Chúa là Cha tất cả mọi người, yêu thương mọi người, thì đối với người khác tôi phải có những mối liên hệ yêu thương.
Đức Tin Công Giáo ở đây cũng vẫn không thể quan niệm được nếu Đức Tin đó không phải là Đức Tin sống.
2
Tuy nhiên, sống thì ai cũng sống, nhưng kiểu cách sống mỗi người một khác. Đời sống Đức Tin cũng vậy. Chẳng vị thánh nào giống hệt vị thánh nào ! Kiểu cách sống Đức Tin cũng có trăm hình vạn dạng, tuỳ theo khuynh hướng tính tình của con người.
Ngay trong Thánh Kinh cũng thế, biết bao kiểu mẫu sống Đức Tin !
Nhưng nếu các nhà chuyên về khoa tâm lý thực tế đã phân biệt và chia loại các mẫu người theo các mẫu tính tình, và điều đó đã giúp ích nhiều, thì đối với đời sống Đức Tin, ta cũng có thể phân biệt xếp loại theo các mẫu chính : như “mẫu Phêrô” mẫu con người bộp chộp, quảng đại, hiếu động…, “mẫu Gioan” con người trầm lặng, dễ cảm, thích nhìn ngắm… Hoặc mẫu các Thánh Sử Phúc Âm : Mat-thêu ưa dẫn chứng ; Mac-cô nhìn sao nói thế, sống động, cụ thể ; Lu-ca điều tra, để ý nói cho đẹp, vừa ý vừa lòng ; Gioan sống đã, rồi nói cảm nghĩ ra sau !
Đối với đời sống Đức Tin thực sự thiết tưởng hai mẫu đời sống cần lưu ý, vì năng gặp trong Giáo Hội xưa nay, đó là “Mẫu Phaolô” và “Mẫu Giacôbê”.
Hai mẫu đó nổi tiếng vì là hai kiểu lập luận gần như đối chát nhau về Đức Tin : cả hai cùng nại đến ông tổ Abraham, nhưng mỗi người dẫn chứng một cách !
Phaolô chủ trương : trở thành công chính do lòng tin!
Giacôbê chủ trương: trở thành công chính do việc làm!
Vô tình hay có ý thức, ngày nay trong Giáo Hội vẫn có “những Giacôbê” và “những Phaolô” ! Tuy nhiên, nếu nhận định cho kỹ, chúng ta sẽ thấy hai khuynh hướng đó cần cả hai và bổ túc cho nhau.
Khuynh hướng Phaolô :
Đặt nặng vấn đề nội tâm, và nội tâm đây là lòng tin : Tin vào “Mầu Nhiệm Chúa Kitô”, tức chương trình ý định của Thiên Chúa dấu kín từ ngày xưa nay được biểu lộ và thực hiên trong Chúa Kitô. Chương trình đó là tái tạo mọi sự trong Con Một của Chúa, tuyển chọn loài người làm nghĩa tử trong Con Một Chúa nhờ Chúa Thánh Thần. Tư tưởng này được trình bày đầy đủ trong phần mở đầu của 2 Bức Thư được coi như là cao điểm của tư tưởng Phaolô, đó là Rm 1,1-7 và Ep 1,3-14.
Chính niềm tin vào Mầu Nhiệm Chúa Kitô nầy làm cho ta nên công chính và được cứu rỗi (Rm 10,9-10) ; cũng như Abraham già, không con, tin lời Chúa hứa cho con…, và khi có con rồi, Abraham tin Chúa có cách làm cho đông con cháu, dù phải vâng lời Chúa tế lễ con… Chính lòng tin vào Chúa đó làm cho Abraham nên công chính ; ngày nay chúng ta cũng vậy, lòng tin của ta vào Chúa Kitô là chương trình tuyệt vời của Thiên Chúa…, lòng tin đó cũng làm cho ta nên công chính (Rm 4,23-25) Sự công chính do Thiên Chúa đề nghị cho ta chính là lòng tin nơi Chúa Kitô (Rm 3,22).
Phần luân lý, hạnh kiểm, việc làm… đối với Phaolô là vấn đề hậu quả của niềm tin kia.
Ta phải sống tử tế…, vì ta đã nhờ Phép Rửa Tội chết cho tội cùng với Chúa Giêsu, để sống cho Thiên Chúa…, (Rm 6,2-4), vì để giống Cha chúng ta là Thiên Chúa (Ep 5,1-2), vì Chúa Giêsu đã yêu chúng ta (Rm 8,37) ; ta yêu nhau vì Chúa yêu anh em ta (Rm 14,15)…
Phaolô biết tất cả những cám dỗ, yếu đuối, giằng co, chiến đấu nội tâm…, nhưng Phaolô nắm vững niềm tin chờđợi ngày Phục Sinh của thể xác (Rm 7,24-25 ; 8,18-23).
Tóm lại, có thể nói khuynh hướng Phaolô là nhìn tới phía trước, nhìn vào những gì Thiên Chúa đã hứa và bảo đảm trong Chúa Kitô, và nhờ đó có sức để sống, để hoạt động, để chiến đấu (Pl 3,13-14). Cũng như em học sinh nhìn đến tương lai tốt đẹp do mảnh bằng đem lại…, nên cố gắng học hành, vượt mọi quyến rũ, cản trở.
Khuynh hướng Giacôbê :
Đây là khuynh hướng tu đức lập công. Trọng tâm không đặt ở cuối đường sẽ tới. Nhưng là đặt ở thực trạng đời sống con người chiến đấu với tính nết xấu, tội lỗi hiện tại : tính trọng phú khinh bần (Gc 2,1-9), rồi bao tai hại do cái lưỡi vô kỷ luật (Gc 3,1-12), các tội lỗi đức bác ái (Gc 4,1-12)… Đây có thể nói là một loại Sách Khôn Ngoan Cựu Ước viết theo ánh sáng Tân Ước.
Vì đổi trọng tâm đời sống Đức Tin như thế, nên đời sống của Abraham được nhìn theo lăng kính khác :
Abraham được nên công chính do việc vâng lời Chúa, hy sinh tế lễ chính con yêu dấu của mình là Isaac ! (Gc 2,21) Quy luật chung cho đời sống Đức Tin là : “Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết” (Gc 2,26), và “con người nên công chính do việc làm” (Gc 2,24).
Cả hai khuynh hướng vừa nói đều có tình trạng quá khích : khi “nội tâm” trở thành lý do để miễn “việc làm”, và khi “việc làm” trở thành lý do để tự mãn (như Pharisiêu Lc 18,11-12) hay trở thành việc thuần tuý bề ngoài hoặc thuần tuý xã hội tự nhiên !… Thường thường quá khích bên nọ sẽ cảnh tỉnh quá khích bên kia !
Nếu giữ được cương vị đúng đắn, hai khuynh hướng trên đều tốt và cần cho những người có tính tình am hợp.
Đề tài trao đổi
Hai khuynh hướng sống Đức Tin trên, bạn thấy bạn hợp khuynh hướng nào ? Tại sao ?
Tại sao Đức Tin thực sự phải là Đức Tin sống ?
 _______

BÀI 5: TIN KÍNH

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta nói : “Tin Kính”, chứ không nói : “tin có”. Đạo Công Giáo không phải chỉ là “Đạo Hữu Thần” (tin có Thiên Chúa…), nhưng còn là “Đạo Kính Thần” (Thờ Kính Thiên Chúa) đúng mức.
Có những người, những lý thuyết chủ trương có Thần, có Chúa, nhưng ông Chúa ông Thần đó không để tâm gì đến loài người chúng ta, chẳng cần gì loài người ; nên loài người chỉ cần sống “đạo làm người” là đủ !
Đạo Công Giáo tuyên xưng niềm tin khác hẳn : “Tôi tin Kính”. Nghĩa là tôi tin và tôi tôn kính Chúa ! Thờ phượng Chúa ! Kính yêu Chúa! Sẵn sàng làm theo ý Chúa!
1. Tại sao Đạo Công Giáo lại có niềm Tin như vậy ?
Vì Đức Tin Công Giáo đâu có dựa vào suy luận của trí khôn hay khám phá của con người ! Đức Tin Công Giáo dựa vào Mạc Khải của Thiên Chúa trong lịch sử. Nên khi nói lên niềm tin, người Công Giáo không chỉ nói lên sự tin vào thực hữu của Thiên Chúa (có Chúa hay không ?). Nhưng là nói lên niềm tin của mình đối với tất cả những điều Thiên Chúa tỏ ra cho loài người qua trung gian Chúa Giêsu Kitô.
Chính vì thế, Đức Tin Công Giáo không phải để trả lời câu : Đạo Công Giáo hữu thần hay vô thần ?!… Vì như ta thấy, cả Kinh Tin Kính đều bao gồm những sự kiện lịch sử, y như Chúa đã tỏ ra dần dần trong thời gian : đời sống Chúa Giêsu Kitô, sự nghiệp biến cố trong đời Ngài, Giáo Hội Ngài lập, lời hứa đời sống vĩnh cữu…
Niềm tin Công Giáo kèm theo ngay một thái độ rõ ràng : “Tôi tin Kính” !
2. Thái độ đó thế nào ?
Thánh Kinh đã lên án gắt gao những người tin, biết Thiên Chúa, mà không có thái độ tương xứng.
Rm 1,21: lên án “những người biết Chúa, mà không dành cho Chúa vinh danh và lời cảm tạ xứng đáng”.
Chính Chúa Giêsu trong Phúc Âm cũng lên án :
“Nếu Ta không đến, nếu Ta không nói với chúng, thì chúng không có tội ; nhưng bây giờ thì chúng không thể chữa mình được nữa”(Ga 15,22).
Đức Tin phải kèm theo thái độ !
Thái độ của người Công Giáo gói ghém trong chữ “Kính” đặt sau chữ “tin”, có thể diễn tả ra bằng 2 cách : Sống phụng vụ và sống hành động.
Sống phụng vụ: lòng tin kính Thiên Chúa được diễn tả bằng lời ca ngợi Thiên Chúa cực thánh, cực hoàn hảo, toàn năng, toàn ái…, và đối với loài người, dựa theo tất cả những điều Thiên Chúa đã ban bố trong chương trình tạo dựng và cứu chuộc, lòng tin kính sẽ diễn ra trong sự nhìn nhận quyền tuyệt đối của Thiên Chúa và sự biết ơn, lòng thần phục và trông cậy tuyệt đối của con người vào Thiên Chúa.
Sống hoạt động: lòng tin kính Thiên Chúa sẽ được diễn tả trong sự chấp nhận và tận hiến đời mình để thực thi ý Thiên Chúa như Ngài đã tỏ cho biết.
Nói cách khác, nếu niềm tin Công Giáo là niềm tin vào Mạc Khải của Thiên Chúa trong lịch sử, thì niềm tin đó có những tính cách của các sự kiện được mạc khải.
Mạc khải của Chúa trong lịch sử là mạc khải một chương trình hạnh phúc cho nhân loại do tình yêu vô biên của Thiên Chúa thực hiện và hứa hẹn bảo đảm trong Chúa Kitô. Vậy Niềm Tin vào Mạc Khải đó nhất định là đi đôi với sự vui mừng, ngợi khen, cảm mến Thiên Chúa để rồi diễn tả bằng sự sẵn sàng sống theo như ý Thiên Chúa.
Đức Tin Công Giáo luôn đi kèm với Đức Cậy, Đức Mến là vì thế !
Đề tài trao đổi
Người ngoài Kitô giáo tin Trời và người Kitô giáo tin Thiên Chúa, khác nhau thế nào ?
Tại sao Đức Tin, Cậy, Mến lại luôn đi với nhau ?
___________

BÀI 6 ĐỨC CHÚA TRỜI
“Đức Chúa Trời”, “Thiên Chúa” hay “Chúa”, đôi khi “Thượng Đế”, “Đấng Tối Cao”… : đó là những chữ chúng ta thường dùng để gọi Đấng là Chúa Tể tạo dựng muôn loài, Đấng đã tỏ mình ra cho loài người theo như Thánh Kinh.
Trong lịch sử, lúc Đạo Công Giáo vừa du nhập vào Việt Nam, vấn đề dùng chữ gì để chỉ Đấng Đạo Công Giáo thờ, đã là một vấn đề rất gay go !
Các vị Thừa Sai người ngoại quốc, không phải là không biết đến chữ “Chúa”, “Thiên Chúa” hay “Thượng Đế”…! Nhưng vấn đề là làm sao để đừng lẫn lộn Thiên Chúa của Đức Tin Công Giáo, với Thiên Chúa của đạo Khổng chẳng hạn ! Vì nếu lẫn lộn, thì làm sao có thể có vấn đề trở lại Đạo Công Giáo được ?! Vì cả hai bên đều tin có Thiên Chúa, có Ông Trời mà ! Dân Việt đâu có phải là dân vô thần !
Cho tới ngày nay, còn hiếm gì người lẫn lộn Chúa nọ Chúa kia, và vì thế không thể hiểu được tại sao Đạo Công Giáo bắt người ngoài trở lại Đạo ?
Cái mới mẻ của Đạo Công Giáo phải làm sao diễn tả được ngay trong danh xưng của Vị Thần của mình, và đừng gây lẫm lẫn ! Đó là mối bận tâm của các Tông Đồ Phúc Âm.
Lúc đầu, khuynh hướng của đa số Thừa Sai, là chấp nhận danh từ được phiên âm chữ “Deus” tiếng Latinh để lập thành một chữ hoàn toàn mới, đó là “Chúa Dêu”. Như ta còn thấy trong các kinh cổ thời đầu của Giáo Hội Việt Nam. Ngày nay, Đạo Công Giáo đã quá rõ ràng đối với người Việt Nam nên chữ “Chúa”, “Thiên Chúa”… có một nội dung, một ý tứ khác với chữ “Ông trời” “Trời” của các tôn giáo khác. Chính vì thế, vấn đề danh từ không còn quan hệ như lúc đầu nữa.
Thực sự, vấn đề danh xưng Thiên Chúa không phải là vấn đề riêng gì ở Việt Nam. Ngay trong chính Thánh Kinh cũng đã có vấn đề đó.
Vấn đề Tên Chúa trong Thánh Kinh :
Như chúng ta biết, Thánh Kinh chính là lịch sử Đạo Độc Thần, Đạo thật ! Đạo đó phải được tách biệt ra khỏi các thứ đạo khác, như vàng thật đối với vàng giả. Vàng đối với những thứ rõ ràng không phải là vàng, như đất, đá, sắt, chì… thì rất dễ phân biệt và chẳng ai lầm lẫn. Nhưng vàng thật với vàng giả, đạo thật với đạo không thật, Chúa thật với Chúa giả, phân biệt cho được và dùng danh từ cho đúng để tránh được sự lầm lẫn, đấy  là vấn đề.
Vị Chúa thật đã chọn Abraham ra khỏi quê quán dân tộc của ông, để bắt đầu từ ông gây dựng một Đạo thật, tôn thờ Chúa thật, Vị Chúa đó đã không có một danh xưng nào ngoài danh xưng: “Chúa của Abraham, Isaac và Giacop” hay “Chúa của tổ phụ các người” (Xh 3,6; Mt 22,32 ; Cv 3,13).
Đối với Maisen, người có trách nhiệm thiết lập dứt khoát Do Thái giáo như là một Đạo duy nhất thật, vì tôn thờ một Vị Chúa duy nhất thật (Xh 19,5 ; Dnl 6,4; Is 44,6; 45,5-6), Maisen cũng đã bận tâm vấn đề Danh Xưng thực sự của Chúa. Bên bụi gai cháy một cách lạ lùng, Maisen đã cả dám hỏi đích danh Chúa : Thiên Chúa của Cha ông chúng, nhưng chúng hỏi tên Ngài là gì? (Xh 3,13) Và Chúa đã trả lời bằng một kiểu nói mà sau đã trở thành Tên riêng của Chúa (Xh 3,14). Chúa nói : “Ta là Ta”, “Ta là Đấng Ta đang là” (nguyên văn Do Thái là : “Ehyéh asher éhyéh”) ; và vì động từ dùng trong câu đó có hai nghĩa : “là” hay “có”, nên có thể dịch : “Ta là đấng có” ; khuynh hướng triết học dịch là : “Ta là Đấng vốn có, bản tính là có”, vì thế có thể dịch “Ta là Đấng Tự Hữu” ; nhưng theo ý nghĩa Thánh Kinh : “Ta là Đấng có” phải hiểu là : “Ta là Đấng có thật” chứ không như các “hư thần” không có thật, chỉ là đá, gỗ do tay loài người làm ra…(Gr 2,27 ; 10,1-6 ; Is 40,19-20…).
Chữ “Giavê” (Yahveh, hay “YHVH”) là động từ “là” hay “có” ở câu trên, nhưng phiên sang ngôi thứ ba, và có nghĩa : “Đấng là”, “Đấng có”.
Như thế, Danh Xưng mà Maisen đã hỏi Chúa và Chúa đã trả lời, Danh Xưng đó có thể hiểu theo hai nghĩa:
Nghĩa thứ nhất, Chúa không có Danh Xưng : vì cách trả lời : “Ta là Ta”, tức là từ chối không nói tên của mình ra.
Lý do Chúa không nói tên Chúa có thể vì Chúa không muốn để Dân Chúa xử dụng tên Chúa, theo kiểu nhiều thổ dân ở miền đó, để bắt chẹt Chúa. Nhưng cũng là vì lý do đơn sơ là Chúa không có tên ! Không có tên, vì Ngài là Đấng duy nhất có, ngoài Ngài tất cả đều hư vô (Is 45,6 ; Ga 1,3). Như vậy, “Ta là Ta” có nghĩa : Có ai như Ta đâu ! Ta có thể tự diễn tả bằng gì được, ngoài ra bằng chính Ta !… Qua kiểu nói đó chúng ta có thể ý thức được tính cách siêu việt tuyệt đối của Vị Chúa thật.
Nghĩa thứ hai và theo khuynh hướng Triết Học, Chúa có thể có một tên, đó là “Đấng Tự Hữu” (như nhiều khi ngày nay chúng ta dùng). Nhưng tên đó diễn tả đặc tính của Chúa hơn là tên thật. Theo khuynh hướng Thánh Kinh, như đã nói ở trên, Chúa quả quyết : Ngài là Chúa có thật, Chúa thực sự, chứ không phải hư thần !
Tóm lại, dựa vào Thánh Kinh, ta thấy vấn đề tên Chúa vẫn còn y nguyên. Tuy nhiên, điều đó vẫn không cản trở Dân Do Thái coi chữ “YAHVEH” (YHVH) là “Bốn chữ” cực thánh, đến nỗi không dám đọc đúng, mà phải đọc trại là : “Giêhôvah” ! Nhưng đồng thời cũng không cản trở các Thánh Ký sau khi đi đày về ; đặc biệt là một hai thế kỷ trước Chúa Giêsu, đã bỏ chữ “Chúa Giavê” có vẻ quá riêng tư cho Dân Do Thái, để dùng những chữ khác có thể diễn tả được ý tưởng phổ quát cho mọi dân tộc : vì Chúa thật là Chúa muôn dân chứ đâu có phải chỉ là Chúa dân Do Thái, mặc dù Ngài đã trao cho dân Do Thái một sứ mệnh đặc biệt !
Đấy cũng là lý do để Tân Ước (ví dụ : Kinh Lạy Cha), và Giáo Hội ngày nay không nhất thiết phải dùng chữ “Yahveh” để chỉ Chúa thật, Chúa của Đạo Công Giáo. Tuy nhiên với ý thức dần dần sau cuộc Phục Sinh lên Trời của Chúa Giêsu, và việc Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội Công Giáo đã có được một Tên đặc biệt nhất không thể lầm lẫn với bất cứ Chúa nào : Đó là “Cha, Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Sau này Thần Học gọi chung một danh từ : “Chúa Ba Ngôi”.
Kết luận, các Danh Xưng trong ngôn ngữ các Dân Tộc ngày nay, cũng như Danh Xưng đặc biệt nhất trong Thánh Kinh, “Chúa Giavê”, cũng đều có tính cách tương đối : đó không phải là Tên Chúa theo nghĩa thông thường về tên gọi, nhưng chỉ là những danh từ loài người ước định với nhau dùng để chỉ Vị Chúa thật thôi.
Điều đó vẫn không cản trở việc ta phải tuân giữ Giới Răn II : Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ ! Vì danh từ nào cũng vẫn chỉ là một tiếng kêu ước định của loài người ; nhưng nếu là tiếng kêu chúng ta đã ấn định dành cho Chúa thật, thì ta phải kính trọng tiếng kêu đó, cũng như ta kính trọng chính Chúa.
Trái lại, với tên “Giêsu”, thì sự thể lại khác : đó là tên Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Thiên Thần đã nói rõ ràng cho Thánh Giuse : phải đặt tên đó cho Con trẻ (Mt 1,21). Tên đó có sức cứu thoát mọi người (Cv 4,12) nên người Kitô hữu được rửa tội nhân danh Giêsu (Cv 2,38).
Điều nhận định sau hết, và cũng là trở lại vấn đề tên “Đức Chúa Trời”, hay chữ nho “Thiên Chúa” rất am hợp với kiểu diễn tả của Phúc Âm : “Đấng ngự trên Trời” (Mt 5,16.48 ; 6,9).
Đề tài trao đổi
Ø      Chúa của chúng ta có tên và không có tên như thế nào ? Bạn hãy trình bày rõ ràng như bạn hiểu.  
_____________
GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 7: LÀ CHA
Trong bản tuyên xưng Đức Tin : “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha”, hai chữ “Là Cha” đây có ý nghĩa gì ? Diễn tả niềm tin gì ?
1. Dựa vào các bản cổ và ngắn hơn của kinh Tin Kính các Tông Đồ, chúng ta có thể biết được ý tứ chính của hai chữ “Là Cha”.
“Là Cha” đây nhất định không thể hiểu theo nghĩa thông thường : Thiên Chúa yêu thương ta như người Cha thương con ! Ý tứ hai chữ đó ở đây sâu xa hơn nhiều : chúng ta tin Đức Chúa Trời “Là Cha” thực sự, chứ không phải chỉ theo nghĩa bóng !
Vì bản cổ của Kinh Tin Kính : phần thứ nhất dành cho việc tuyên xưng Đức Tin vào Chúa Ba Ngôi : Cha, Con và Thánh Thần. Đấy cũng là một ý thức quan hệ nhất của Giáo Hội tiên khởi : Giêsu Kitô quả thực là Con Thiên Chúa theo nghĩa thực sự và đầy đủ của chữ “Con”, nghĩa là đồng bản tính với Chúa Cha. Ý niệm về Ba Ngôi Thiên Chúa càng rõ ràng và mạnh mẽ thêm dưới áp lực của các bè rối xoay quanh thân thế Chúa Giêsu. Việc cử hành phụng vụ đã nhanh chóng hưởng thụ công việc ý thức mạnh mẽ này. Thay vì Rửa Tội “nhân danh Chúa Giêsu” (Cv 2,38), từ rất sớm đã được đổi thành Rửa Tội “nhân danh Cha, Con và Thánh Thần” (Mt 28,19).
Sau phần tuyên xưng Đức Tin về Chúa Ba Ngôi, mới đến phần tuyên xưng Đức Tin về Chúa Kitô và công việc của Ngài.
Trong bản Kinh Tin Kính các Tông Đồ như ta đọc ngày nay, phần thứ hai nói về Chúa Kitô, đã chen lấn sang phần thứ nhất. Vì thế mà phần tuyên xưng Đức Tin về Chúa Ba Ngôi không còn rõ ràng nữa, vì đoạn nói về Chúa Con quá dài so với đoạn Chúa Cha và Thánh Thần!
“Là Cha”, chính là khởi đầu cho phần tuyên xưng Đức Tin về Thiên Chúa Ba Ngôi ! Đức Tin đó có thể diễn tả vắn tắt thế này : Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là : Cha, Con, Thánh Thần !
Nhờ Chúa Giêsu (Ga 1,18), từ lời giảng dạy (Ga 6,45-46; 10,25-38) cho đến cách Ngài cầu nguyện (Ga 17), ăn ở (Ga 4,34 ; 5,17), chúng ta biết được :
Đấng mà ta vẫn gọi là Thiên Chúa (Ga 8,54), là Đấng Tạo Dựng (Mt 5,45 ; 6,25-34), Đấng ấy là một Vị Cha, vì Ngài có một Con (Ga 5,19-23 ; 20,17) mà Ngài đã sinh ra từ thuở đời đời (Ga 1,1.2.14.18).
Dựa vào mạc khải trên, do chính Con Chúa nói, chúng ta ngày nay có được niềm tin : Thiên Chúa là Cha, theo đúng nghĩa chữ “Cha”. Niềm tin mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính : “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha”.
Thiên Chúa là Cha, Cha của Chúa Con đã xuống thế là Chúa Giêsu, nhưng cũng còn là Cha chúng ta, Cha theo một nghĩa khác nhưng là Cha thật. Vì chúng ta đã tiếp nhận Con Một của Ngài xuống thế, nên chúng ta được trở nên Con Thiên Chúa (Ga 1,12 ; 1 Ga 3,1-2).
2. Quan niệm “Cha – Con thực sự” ở nơi Thiên Chúa quả thực là một mạc khải đặc biệt của Tân Ước. Nhưng cũng như nhiều Tín Điều khác, Tín Điều này đã bắt đầu từ trong Cựu Ước và tiến triển dần theo sư phạm giáo dục của Thiên Chúa.
Vì quả thực bên cạnh các đạo giáo do trí óc loài người bày vẽ tưởng tượng ra cùng với các vị Thần sinh sống theo kiểu loài người : cũng phối hợp để rồi sinh con đẻ cái, cũng có đời sống tình dục…, một mạc khải vội vàng không chuẩn bị về “Cha–Con Thiên Chúa” có thể đưa đến ngộ nhận ghê gớm ! Vì trí óc con người nặng nề và đầy ẩn khuất về tình dục, đâu có dễ dàng chấp nhận ngay ý niệm “Cha–Con” thuần thiêng, siêu việt, và hoàn hảo ! Ngay ý niệm về Thiên Chúa thuần thiêng, siêu việt, khác hẳn loài người, mà còn phải một thời gian lâu lắc hàng ngàn năm Dân Chúa mới lĩnh hội được !
Thánh Kinh đã cho thấy công việc chuẩn bị lâu dài kiên nhẫn đầy khôn ngoan của Thiên Chúa để loài người đón nhận mạc khải về “Thiên Chúa Cha–Con” như thế nào.
Chúng ta có thể ghi nhận 2 cuộc chuẩn bị song song với nhau : cuộc chuẩn bị để ta nhận Thiên Chúa là Cha thực sự vì Ngài sinh ra một Con thực sự ; và cuộc chuẩn bị để ta nhận Thiên Chúa là Cha ta hơn mọi người Cha dưới thế, vì Ngài đã làm cho ta thành con Ngài còn hơn cha mẹ phần xác ta.
Cả hai cuộc chuẩn bị đều bắt đầu bằng khái niệm “Cha–Con” trần thế (vì cũng dùng một danh từ Cha–Con). Nhưng cuộc chuẩn bị thứ nhất kết thúc bằng mạc khải : “Thiên Chúa là Cha thực sự vì đã sinh ra Chúa Con thực sự” ; còn cuộc chuẩn bị thứ hai kết thúc bằng mạc khải “Thiên Chúa nhận chúng ta là nghĩa tử của Ngài trong Con Một Ngài là Chúa Giêsu”.
Cuộc chuẩn bị trước bắt đầu bằng việc Thiên Chúa bênh vực săn sóc Israel như Cha thương Con (Xh 4,22). Thiên Chúa như người Cha cứu chuộc Israel (Xh 6,6). Tư tưởng “Thiên Chúa là Cha Israel” được các tiên tri quảng diễn sâu rộng (Is 1,2 ; Hs 11,1-4 ; Gr 3,19-20 ; 31,20) và được thêm giàu ý do việc móc nối với công việc tạo dựng (Is 64,7) và so sánh với tình Cha con thể xác (Is 63,16 ; Tv 27,10 ; 103,13).
Tư tưởng Thiên Chúa là Cha đã thu hẹp vào Israel (Chúa yêu thương Israel hơn mọi dân tộc khác). Tư tưởng “Cha Thiên Chúa” đó còn tiếp tục thu hẹp với quan niệm Chúa là Cha đặc biệt đối với các vị xét xử dân (Quan Án) (Tv 82,6 ; 58,1) và nhất là đối với các Vua, kể từ Đavít và con cháu Đavit (2 Sm 7,14). Cùng với lời hứa Đấng Cứu Thế sẽ là con cháu Đavít, “Thiên Chúa là Cha” sẽ càng được hiểu một cách đặc biệt đối với “người con cháu Đavít” này, vì Ngài là Đấng Cứu Thế. Các lời tiên tri càng làm cho ý nghĩa này trở nên khắng khít (1 Cr 17,13 ; Tv 89, 27-38; 2,7). Thế là mọi sự đã được chuẩn bị sẵn sàng để chính Con Thiên Chúa xuống thế nói cho ta biết sự thật hoàn toàn, kèm theo ấn tín của Thiên Chúa tức cuộc Phục Sinh vinh hiển (Cv 2,32-36).
Cuộc chuẩn bị thứ hai bắt đầu từ liên hệ Cha–Con thể xác ; Israel là con cháu Abraham (St 12,2) cùng với nghi lễ gia truyền (Phép Cắt Bì) và lời chúc lành hiệu nghiệm của Cha già trước khi chết (St 27,1…; 49,1…).
Thế nhưng, liên hệ thể xác dần dần đã bị lu mờ trước liên hệ tinh thần : Abraham là Cha tất cả mọi người tin như Ông (St 12,3) ; Gioan Tẩy Giả nói rõ :
“Từ hòn đá Chúa có thể tạo nên con cháu Abraham” (Mt 3,9)
Chúa Giêsu cũng quả quyết không kém (Ga 8,9), Thánh Phaolô còn phân biệt :
Israel thật” không phải là Israel theo thể xác (Rm 9,6).
Một khái niệm về “Cha tinh thần hơn Cha thể xác” đã thành hình, Mạc Khải chỉ cần quả quyết dứt khoát rõ ràng : Thiên Chúa chọn chúng ta làm nghĩa tử trong Con Một Ngài, và để thực hiện Ngài đã ban cho ta Chúa Thánh Thần để giúp tâm hồn ta có những tâm ý của người Con Thiên Chúa (Rm 8,15-16), đang khi chờ đợi về hưởng gia tài của Cha ta trên Trời (Rm 8,17) cùng với Anh Cả chúng ta là Chúa Giêsu (Rm 8,29).
Đề tài trao đổi
Khi chúng ta đọc : “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha”, chúng ta có ý tuyên xưng niềm tin gì ? Bạn hãy dựa vào Thánh Kinh để chứng minh niềm tin đó.
______________
GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 8: PHÉP TẮC VÔ CÙNG
Lòng tin tưởng trông cậy tuyệt đối vào Chúa, đó là một điều Chúa đòi hỏi trước hết nơi chúng ta. Vì đó là biểu hiện lòng tôn giáo sâu xa nhất, vì am hợp với địa vị và tư thế của Chúa là Chúa tể duy nhất (Is 45, 5-6; Jo 17,3). Và cũng chính vì thế mà điều Chúa mạc khải cho chúng ta trước hết về Chúa, là cho chúng ta thấy Chúa là Đấng có quyền phép, là Đấng toàn năng như thế nào… Vì lòng tin tưởng trông cậy tuyệt đối chỉ có thể đặt vào Đấng có quyền năng thực sự hoàn toàn mà thôi !
1. Mạc khải về Chúa toàn năng
a.      Cựu Ước
Từ ông tổ của dân Chúa, ông Abraham, Thiên Chúa đã tỏ mình ra như là một Đấng muốn sao được vậy: “Bằng giờ sang năm, Sara vợ ông sẽ có một đứa con trai” (St 18,10).
Mặc dầu 2 ông bà Abraham lúc đó đã già rồi và vẫn son sẻ (Rm 4,18-22). Ông Abraham đã tin lời Chúa. nhưng để niềm tin đó được thực sự tuyệt đối, Chúa ra lệnh cho Abraham giết đứa con duy nhất đó làm của lễ (St 22,1-19)… Abraham quả thật đã đạt tới niềm tin tuyệt đối vào Đấng có quyền năng để thực hiện lời hứa dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển dù bây giờ theo sự tính toán của loài người là không có thể ! Nếu có phải tuyên xưng Đức Tin, Abraham cũng sẽ nói như ta ngày nay: “tôi tin kính Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng !”.
Nhưng đặc biệt một biến cố đã ghi những nét sâu đậm nhất trong Cựu Ước, để Dân Chúa luôn nhớ Chúa là Đấng Toàn Năng không ai sánh bằng, đó là biến cố Xuất Ai Cập: Chúa cứu cả một dân tộc, dân Chúa chọn, ra khỏi cảnh nô lệ một nước khác.
Các bút tích ghi lại sự kiện vĩ đại và kỳ diệu đó đã cho thấy rõ dân Chúa đã thuộc bài học kinh nghiệm về Chúa là Chúa toàn năng thế nào: Xh 6,1+6; Dnl 4,34; 5,15; 7,19; 26,8…
Các tiên tri vì thế đã dễ dàng ca ngợi và nhắc lại cũng như quảng diễn thêm đề tài mà đã được chính Maisen ca hát. Đề tài: Chúa là sức mạnh và sự cứu thoát ta: Xh 15,1-21; Is 12,1-6; 35,1-10; 41,8-20. Các tiên tri đã ca ngợi quyền năng của Chúa qua hình ảnh: “Chúa các cơ binh” (Yahveh Sabaot) (Is 6,3; Gr 5,14; Tv 24,10), và quyền năng của Chúa trên mọi dân tộc (Gr 46,51).
Mạc khải về “Chúa toàn năng” đã là mạc khải chính yếu của Cựu Ước, và như là một phương diện khác của mạc khải về “Chúa duy nhất”. Vì nếu chỉ mình Chúa là Chúa thật, thì ai hay sự gì có thể cản trở được ý muốn của Chúa ?
b. Tân Ước
Bước sang Tân Ước chúng ta thấy mạc khải về Toàn Năng của Chúa có một sắc thái khác hẳn: sắc thái đã được báo trước trong cuộc Chúa hiện ra với Tiên Tri Elia qua cơn gió hiu hiu dịu dàng, đi sau bão táp, động đất, lửa cháy bừng bừng… (1 V 19,9-13). Chúa của Tân Ước vẫn là Chúa toàn năng uy quyền :
vì : “sức mạnh Đấng Tối Cao sẽ bao phủ bà” (Lc 1,35)
vì : “Thiên sứ là “Gabriel” nghĩa là “sức mạnh” của Chúa”  (Lc 1,26)
vì : “Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại… đã vung cánh tay ra oai thần lực” (Lc 1,49.51).
Nhưng sự oai phong toàn năng của Chúa được mặc lấy hình thức hiền lành khiêm nhu trong Chúa Giêsu (Mt 11,29). Chúa Giêsu đã làm những sự lạ lùng (phép lạ) một cách hết sức bình thản khiêm tốn!
Tuy nhiên nhận định lại cho kỹ, sức mạnh của Thiên Chúa trong Tân Ước đã được mạc khải vượt xa Cựu Ước rất nhiều ! Vì là sức mạnh có sức cải tạo toàn diện loài người và vạn vật trong sức Phục Sinh con người và vũ trụ để tiến tới “Trời Mới Đất Mới” (Rm 8,18-25; Kh 21,1). Nên không lại gì Thánh Phaolô định nghĩa Phúc Âm là “sức mạnh của Thiên Chúa” (Rm 1,16).
2. Niềm tin vào Cha “phép tắc vô cùng”
Khi chúng ta nói: “tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng”, chúng ta có ý nói lên sự phán đoán của trí khôn, sự chấp thuận của lòng muốn đối với những mạc khải về những kỳ công của Chúa tỏ ra cho chúng ta trong lịch sử.
Vì Chúa là Đấng quyền phép, toàn năng như thế, nên chúng ta tin vào Chúa tuyệt đối: tin như Abraham (Dt 11,8-19), như Isaia (Is 43,10-12) ! Tin và phó thác như Đức Mẹ Maria : “Này tôi là tôi tá Chúa ! Tôi xin vâng như lời Thiên Sứ Chúa truyền dạy !” (Lc 1,38).
Và nhất là như Chúa Giêsu : “Xin làm theo ý Cha” (Mt 26,39), “Con xin trao phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Đề tài trao đổi
Chúng ta tin Chúa quyền phép, vì chúng ta đã thấy Chúa làm được những việc gì ?
Tại sao chúng ta có thể sống phó thác trong tay Chúa ?
________________
 BÀI 9: DỰNG NÊN 

GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 9: DỰNG NÊN

1. Đức tin về tạo dựng
a. Nhận định về đức tin tạo dựng
Tín điều về tạo dựng là một tín điều đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ lý trí và đức tin, mỗi bên cứ đi theo đường lối riêng biệt của mình, nhưng sau cùng đi đến cùng một kết luận. Có thể nói đây là một tín điều nằm giữa ranh giới lý trí và đức tin.
Đang khi các nhà biện giáo dựa vào những kết luận của khoa học để chứng minh có Thiên Chúa tạo dựng, thì tín đồ Công Giáo vẫn có thể dựa hoàn toàn vào Lời Chúa để tuyên xưng đức tin: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời dựng nên trời đất !”.
Tính cách đặc biệt của đức tin về tạo dựng, vừa tự nhiên vừa siêu nhiên này, đã cho ta thấy tại sao vấn đề tạo dựng trở thành vấn đề căn bản cho tôn giáo và lòng đạo đức.
“Căn bản cho tôn giáo”, vì tại đây mà con người trở thành hữu thần hay vô thần: Nếu nói là trời đất này tự nhiên mà có, thì đó là vô thần, vô tôn giáo, còn nếu nhìn nhận trời đất này do một trí khôn siêu phàm suy định và một ý muốn toàn năng thực hiện thì đó là hữu thần, là tôn giáo !
“Căn bản cho lòng đạo đức”, vì mọi thứ quan niệm và diễn tả về tôn giáo, về thế giới thế giới thần linh đều bắt nguồn từ những thực hữu thuộc trời đất được tạo dựng này: tuy như kinh nghiệm đã sống trong trời đất này, mà ta hiểu được và sống được các tâm tình tôn giáo. Ý niệm về Cha Thiên Chúa, làm sao có được, nếu không có người cha trần thế ? Tình yêu siêu nhiên làm sao sống được, nếu không có kinh nghiệm tình yêu trần thế?… Dĩ nhiên quan niệm về “Cha”, về “Tình yêu” đó phải được loại bỏ mọi bất toàn, mọi hữu hạn một khi muốn mang áp dụng trong thế giới siêu nhiên, thế giới thần linh. Điều mà các nhà triết học gọi là “đường lối tương tự” và “đường lối chối bỏ”: “giống mà không giống”, “như vậy mà không như vậy”…; Thiên Chúa là Cha nhưng không như Cha trần thế; tình yêu ví như tình yêu cha con, bạn hữu, vợ chồng… nhưng lại không phải như ở trần thế. Cũng như toàn thể tạo vật của Chúa, nên phản ánh sự tốt đẹp của Chúa, nhưng không phải là Chúa ! Đấng Tạo Dựng phải hoàn hảo hơn tạo vật chứ !!

b. Căn bản đức tin về tạo dựng
Đức tin về tạo dựng dựa trên hai căn bản :
Ø      Căn bản của lý trí tự nhiên
Ø      Và căn bản của mạc khải
- Căn bản của lý trí tự nhiên đã được chính Thánh Kinh công nhận (Rom 1,20; Sag 13,1-9) và Giáo Hội xác nhận rõ ràng (Công Đồng Vatican I, khoá III 24-4-1870, xem Denzinger số 1785, 1806). Đấy cũng là điều mà các nhà hộ giáo từ xưa đến nay vẫn làm.
Căn bản lý trí đó có thể diễn tả vắn tắt: chính nhờ sự quan sát, suy luận, học biết về vụ trụ hiện hữu này mà ta biết được Đấng Tạo Hoá ! Đấng Tạo Hoá ta không thấy, nhưng ta thấy công việc của Ngài, công việc chỉ mình Ngài làm được…, công việc đó đòi ta, nếu là người phục thiện, phải nhìn nhận có Ngài và nhìn nhận Ngài là Đấng khôn ngoan và quyền phép ! Nếu cố chấp không nhìn nhận Ngài, thì quả ta tự mâu thuẫn với mình: nhân danh lý trí để phi bác lý trí !
Tuy nhiên, có một nhận định quan hệ về vấn đề này:
Lý trí nói đây phải hiểu là lương tri con người, cái ‘lương tri’ mà mọi người lớn đều có, chứ không nhất thiết phải là lý trí suy luận siêu hình, mà chỉ một số người có học thức mới có được !
Đàng khác, chúng ta đừng quên, trí khôn con người sau khi phạm tội, đã gặp rất nhiều cản trở để sinh hoạt đầy đủ đúng đắn, cũng như ý chí bị lôi cuốn giành giựt bởi nhiều đam mê, khiến con người không phải luôn luôn thấy điều phải thấy và làm điều phải làm (Rom 7,14-23).
Dầu vậy, theo tinh thần lời xác nhận của Thánh Kinh và của Công Đồng Vatican I trên, ta có thể nói mà không sai là: có lúc này hay lúc khác trong đời người, và nhiều lúc như vậy, con người có đủ điều kiện để thấy và sống theo điều mình cần phải thấy và sống. Vì nếu không có như vậy, thì người vô thần đâu có tội (Jo 9,41) và đâu có đáng lên án gắt gao như thế (Rom 1,20).
- Căn bản của mạc khải: về mạc khải ta có nhiều bằng chứng khác nhau:
Ø      Những đoạn quả quyết rõ ràng: St 1,1-2,4a và 22b-25 về công trình tạo dựng.
Ø      Những đoạn công nhận lý lẽ của khoa hộ giáo trên: Rm 1,20 ; Kn 13,1-9.
Ø      Những đoạn diễn tả tâm tình sống niềm tin tạo dựng: Mt 6,25-34 ; Gv 16,26; 17,14; và các Thánh Vịnh 8 (về tạo dựng);  9,1-7 (về mặt trời); 29 (cơn giông); 90 (về con người); đặc biệt 104 (về huy hoàng của tạo dựng theo St 1); 148 (lời ca tạo dựng); 149 (Chúa toàn năng).
Ø      Sau hết là các phép lạ Cựu Ước, Tân Ước, Chúa chứng tỏ Ngài là chủ, là tác giả muôn loài và luật tự nhiên.
Thế giá của mạc khải trên đây mới thực sự là căn bản vững chắc cho đức tin của ta về tạo dựng.
N.B.Cần lưu ý về đoạn sách Sáng Thế kể trên. Đây là một lối trình bày đặc biệt và có một dụng ý đặc biệt. Đoạn 1,1-2,4a là đoạn trình bày công việc tạo dựng với dụng ý Chúa cũng làm việc 6 ngày và nghỉ ngày thứ 7. Công việc trong 6 ngày được phân phối cho đều: 3 ngày đầu tạo cơ cấu căn bản, 3 ngày sau dành cho việc trang trí trong cơ cấu căn bản kia:
1.    Ngày đêm                              mặt trời, mặt trăng, tinh tú 4
2.    Bầu trời nước trên dưới        chim cá 5
3.    Đất nổi khỏi nước                 loài vật sống trên đất; người 6

Đoạn 2,4b-25: đoạn này chú trọng đến con người: cách cấu tạo nên người, nam, nữ, đời sống con người tiên khởi.
Qua những cách diễn tả mộc mạc ngây thơ của con người chất phác thời xưa trong đoạn 2,4b-25, cũng như qua cách trình bày có hệ thống và dụng ý rõ ràng của đoạn 1,1-2,4a tác giả sách Sáng Thế đã chuyển được tới chúng ta niềm tin căn bản: Chúa là Đấng tạo dựng muôn loài, trong đó đặc biệt có loài người Chúa thương và để ý cách riêng, thương đến nỗi Ngài cho tất cả mọi sự Ngài đã dựng nên !

2. Hậu quả của đức tin tạo dựng
a. Độc thần, độc tôn tuyệt đối
Nếu ta tin có Đấng Tạo Dựng, thì trong trời đất này và đối với loài người, có “Ông Chủ” rõ ràng ! Ta vào một ngôi nhà có Chủ, một quốc gia có chủ quyền, thì việc thứ nhất là phải nghĩ tới “Chủ” và đừng ăn ở như nhà, nước, “vô Chủ” ! Độc thần, độc tôn là vậy ! Tôn giáo nào, chủ thuyết nào, mà không nhìn nhận Đấng Tạo Hoá, nhất định là thiếu sót và thiếu sót căn bản !
Mà nếu là “Chủ” trời đất và loài người, như Đấng Tạo Hoá là Chủ, nghĩa là “Chủ tuyệt đối”, thì nhất định không thể chấp nhận được mê tín, dị đoan… !

b. Tạo dựng là căn bản cho lòng đạo đức, hay tâm tình tôn giáo
Theo quy luật vững chắc của Thần Học, “Siêu nhiên đòi phải có tự nhiên làm căn bản”, chúng ta tới vô hình nhờ hữu hình ! Lòng đạo đức sống tôn giáo của ta không thể không nhờ tạo vật !
Chính Chúa Thánh Thần với ơn học biết và ơn khôn ngoan sẽ giúp ta thấy Thiên Chúa qua tạo vật và chiêm ngưỡng Ngài qua kinh nghiệm sống với tạo vật.
Đề tài trao đổi
Ø     Niềm tin “Chúa dựng nên trời đất”, dựa vào lý trí thế nào ? Và dựa vào Lời Chúa mạc khải thế nào ?
 BÀI 10: TRỜI ĐẤT
I.      XÉT CHUNG VỀ VẠN VẬT
Trong Kinh Tin Kính các Tông Đồ, hai chữ “trời đất” được dùng để chỉ hết mọi sự vật Chúa dựng nên. Nhưng Kinh Tin Kính đọc trong Thánh Lễ (của Công Đồng Nicée – Constantinople), chúng ta đọc rõ hơn : “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”.
Câu “muôn vật hữu hình và vô hình” nói rõ những gì chứa trong hai chữ “trời đất” : “Hữu hình” là tất cả những gì thấy được, những gì là vật chất ; “vô hình” là những gì  không phải là vật chất, nhưng là thiêng liêng, thuần thiêng !

1. “Muôn vật hữu hình”
Tất cả những gì là vật chất, hữu hình đều đã do Chúa dựng nên ! Tinh tú trên Trời hay các sự vật dưới đất và chính trái đất tất cả đều do Chúa dựng nên. Và dựng nên rồi, Chúa khen đẹp ! (St 1)
Đức Tin Công Giáo loại hẳn mọi thứ chủ thuyết coi vật chất là đớn hèn xấu xa, do một nguyên nhân xấu sinh ra, song song với một nguyên nhân tốt là nguồn gốc cho tinh thần (xem Thuyết Nhị Nguyên, Manichéisme…)
Sự hãm mình, tu đức cũng không được đi đến chỗ khinh chê thể xác. Ngược lại, vật chất cũng có thể tỏ cho ta biết Thiên Chúa vì chúng cũng diễn tả sự tốt lành của Thiên Chúa ; như tảng đá vững chắc, mạch nước trong mát, ánh sáng, bánh nuôi, gió hiu hiu hay cơn bão táp, lửa cháy  v.v…
Tất cả đều là những sự vật đã được chính Mạc Khải dùng để nói về Chúa.
“Muôn vật” đã được Chúa dựng nên cùng một lúc tiềm tàng trong một loại vật chất tiên khởi (thuyết Biến Hoá) hay đã được dựng nên dần dần trong thời gian (kiểu như trình bày trong Thánh Kinh) ? Đó là vấn đề các nhà khoa học cũng như thần học tự đặt ra, và chúng ta vẫn được tự do tìm kiếm ! Điều quan hệ là dù theo kiểu cách nào muôn vật vẫn lệ thuộc Chúa qua việc tạo dựng.
Vấn đề khác : vật chất này có thể tồn tại đời đời không ? Hay sẽ có ngày tận thế, ngày bị tiêu diệt ? Thực sự, theo nguyên tắc, vấn đề đó hoàn toàn theo ý Chúa ! Nhưng chúng ta cũng có thể biết được phần nào qua Mạc Khải.
Ngày tận thế mà hiểu là huỷ diệt thế giới vật chất hữu hình này đi, cho nó trở lại cái không trước ngày tạo dựng, ngày “tận thế” đó chắc không có ! Những  kiểu nói: “mặt trời ra tối tăm, mặt trăng mất sáng, sao trên trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời rung chuyển” (Mt 24,29) không thể hiểu theo nghĩa khoa thiên văn học ngày nay được : “Thánh Kinh không nói tới ngày “tận thế huỷ diệt”. Trái lại Thánh Kinh nói tới ngày “Tận Thế tái tạo”, ngày “Con Người sẽ đến trên mây Trời trong vinh quang” (Mt 24,30 ; Act 1,11) để phán xét, để tái tạo con người và trời đất (Rm 8,19-23 ; Cl 1,20 ; Kh 21,1 ; Is 65,17).
Như thế “muôn vật hữu hình” này sẽ không bị huỷ bỏ, nhưng sẽ được tái tạo. Tái tạo thế nào ta không biết rõ ! Chỉ biết xác Chúa Giêsu sống lại là xác trước của Ngài, nhưng được tái tạo, chứ không phải là xác lạ.

2. “Muôn vật vô hình”
Ngoài thế giới hữu hình vật chất này, còn có một thế giới vô hình mà loài người từ xưa đến nay đều vẫn tin tưởng mặc dầu là mơ hồ, pha trộn nhiều dị đoan. “Thế giới vô hình” này không hẳn là “Thế giới Thiên Chúa”, nhưng là thế giới của những loài thiêng không có xác, song có khả năng hoạt động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới hữu hình. Các loài thiêng trong thế giới vô hình đó đôi khi được tưởng tượng như mặc lấy hình nọ hình kia, thường là những Quái vật : rồng, rắn thần, cá thần to lớn lạ thường, xuất hiện bất thần (G 3,8 ; Tv 74,14 ; Is 27,1) v.v… Tóm lại, là tất cả thế giới ma quỷ, hay thần thánh, với bí ẩn, linh thiêng, đáng sợ…
Đức Tin Công Giáo kể cả thế giới vô hình đó, theo mực độ có thật, vào công việc tạo dựng của Thiên Chúa. Vì mọi cái hữu đều do Chúa dựng nên. Chúa không dựng nên, thì không có bất cứ một sự vật, thuộc bất cứ một hình thức “có” nào ! Mà hễ Chúa dựng nên là tốt ; Xấu là do tạo vật !
Thánh Kinh nói rất nhiều đến thế giới vô hình này: đó là sự hiện hữu các thiên thần, ma quỷ và hồn con người sau khi chết.

a.      Về thiên thần :
Cựu Ước cũng như Tân Ước chẳng những nói đến các ngài như là loài có thật, mà còn nói tên, nói công việc các ngài làm. Is 6,2 : nói thần “Séraphim” chầu trước toà Chúa ; Tv 18,11 ; Xh 25,18-22 : nói tới thần “Chérubim” ; rồi “Michael” là thần che chở Dân Israel (Dn 10,13 ; 12,1) ; “Raphael” là thần chữa Tobia (Tb 12,15) ; “Gabriel” thần đưa tin cho Đức Maria (Lc 1,28). Rồi Thiên Thần báo mộng cho Giuse (Mt 2,13+19), hiện ra trong ngày Chúa sống lại (Ga 20,12), Thiên Thần vui mừng trên trời (Lc 15,10) thiên thần bản mệnh (Mt 18,10) ; thiên thần hiện ra ngày Chúa về Trời (Cv 1,10) ; bênh vực Thánh Phêrô (Cv 5,19).
Thánh Phaolo còn kể thêm 5 hạng Thiên Thần (Cl 1,16). Nhưng đặc biệt, vì có sự đề cao sai lạc về các thiên thần như ở Côlôsê, nên Thánh Phaolô đã phản ứng mạnh mẽ về địa vị Chúa Kitô vượt trên các Thiên thần (Ep1,10 ; 1,20-21 ; Cl 1,15-16 ; 2,10).
Tóm lại theo Thánh Kinh, tuy ngày tạo dựng các thiên thần không được nói tới, nhưng các ngài thực sự lệ thuộc và phụng mệnh Thiên Chúa.

b.     Về ma quỷ :
Ma quỷ là những loài thiêng như thiên thần, chúng là những thiên thần sa ngã phản bội Chúa (Công Đồng Latran IV Denz 4,28). Chúng chuyên môn phá hoại làm ngược chương trình tốt lành của Chúa, tuy vẫn sợ Chúa như Chủ của chúng
Ma quỷ xuất hiện ngay từ trang đầu của Thánh Kinh dưới hình con rắn cám dỗ Eva (St 3,1 ; Kn 2,24; Ga 8,44 ; Kh 20,2). Nhưng phải chờ Tân Ước chúng ta mới có ý niệm rõ ràng hơn về ma quỷ. Quả thực, với sự xuất hiện của Chúa Giêsu đến tiêu diệt Nước Quỷ (Mc 1,24) để lập Nước Chúa (Mt 12,28), ma quỷ như bó buộc phải xuất hiện đương đầu với Chúa và Chúa coi việc xua đuổi ma quỷ  như là một việc chính của Chúa (Lc 13,32). Đến cuối đời Chúa, ma quỷ mới thật là thảm bại (Ga 12,31 ; 16,11). Tuy nhiên, ma quỷ vẫn chưa bị giam hãm hoàn toàn, Chúa cho Giáo Hội quyền trừ quỷ (Mc 6,7) và Giáo Hội đã thi hành (Cv 8,7 ; 19,11-14), Giáo Hội còn tiếp tục xua đuổi quỷ qua các công việc của chúng như phù phép, thờ quấy… (Cv 13,8 ; 1Cr 10,20-22, Kh 9,20). Chỉ “ngày sau hết”, ma quỷ mới thực sự bị giam hãm hẳn (Kh 20,10).

c.       Về ngục kẻ chết
Niềm tin con người có hồn thiêng bất tử vốn là một niềm tin từ ngàn xưa và thuộc mọi dân tộc. Các nghi lễ dành cho người chết nói lên niềm tin đó. Nhưng hồn thiêng đó sau khi con người chết sẽ thế nào ? Sống làm sao ? Ở đâu ? Đó là những vấn đề con người vẫn như mò mẫm trong đêm tối !…
Thánh Kinh cho ta thấy mạc khải dần dần về vấn đề này : Từ “ngục” (Shéol) chung cho mọi người chết không phân biệt lành dữ (St 37,35 ; Tv 89,49), cho đến Thiên Đàng, Hoả Ngục, Luyện tội ngày nay ; từ một đời sống leo lét không hoạt động, không hiểu biết…, (Gv 9,10 ; G 10,21), cho đến đời sống vinh hiển của kẻ lành, đau khổ của kẻ dữ như niềm tin Công Giáo !
Tuy nhiên vấn đề vẫn chưa thoã mãn hoàn toàn sự muốn tìm hiểu của con người : chính cái chết vẫn còn là một bí nhiệm ám ảnh con người suy tư, huống hồ là “đời sống” sau khi chết, đời sống bất toàn của một trong hai thành phần căn bản để tạo thành một con người. Ấy là chưa nói đến ảnh hưởng xã hội của nhưng người tin tưởng ở ngoài Kitô giáo.
Thế giới hồn thiêng những người chết quả là một thành phần của thế giới vô hình ! Sự tin tưởng vào thế giới đó đủ mãnh liệt để tạo nên rất nhiều thứ tôn giáo… Riêng ở Việt Nam là Đạo Ông Bà, Đạo thờ các Vong hồn, Đồng bóng…
Đức Tin Công Giáo bao trùm cả phần thế giới vô hình này : Linh hồn con người do Chúa trực tiếp dựng nên mỗi khi con người bắt đầu có trong lòng mẹ. Và sau khi  chết linh hồn con người vẫn hoàn toàn thuộc quyền Thiên Chúa.

NB.Tại các dân tộc giầu tâm tình đạo giáo, và trình độ văn hoá kém cỏi, niềm tin vào thế giới vô hình rất mạnh mẽ và rất lộn xộn, thần tốt xấu, hồn người chết, sức mạnh thiên nhiên… tất cả đều không rõ ràng và tạo thành một cái gì đáng sợ, luôn đe doạ ám ảnh con người !
Người ta đã lợi dụng cái yếu điểm của Niềm Tin lộn xộn vô lý này, để đả kích luôn mọi thứ Vô Hình, mọi thứ Tôn Giáo !… Đúng là “trượt vỏ dưa, thấy vỏ dừa cũng sợ” !
Nhưng đàng khác, thế giới thiên thần ma quỷ và hồn người chết vẫn còn đầy bí ẩn dù đối với trình độ Mạc Khải Công Giáo hiện nay. Khoa Thiên Thần Học và ma quỷ học vẫn còn là một phần khó khăn của Thần Học Công Giáo.

II.   Riêng loài người
Thánh Kinh đã dành cho con người một chỗ đặc biệt trong công việc tạo dựng muôn loài. Điều đó cũng chả lạ gì vì Thánh Kinh đã được viết ra do loài người (dưới sự hướng dẫn của Ơn Linh Ứng) và cho loài người. Đàng khác, loài người được Chúa đặt làm chủ muôn vật mà !
Hai câu truyện nói về tạo dựng loài người ; chúng ta ghi nhận :
·      Câu truyện thứ nhất (St 1,1-2,4a) kể lại những điều sau đây :
-          Chúa dựng nên loài người nam và nữ.
-          Chúa dựng nên họ giống hình ảnh Chúa
-          Chúa đặt loài người làm chủ muôn vật mà Chúa đã dựng nên trước đó.
-          Chúa muốn cho loài người truyền sinh
-          Không nói gì đến cách thức Chúa dựng nên họ.
·     
Trái lại câu truyện thứ hai (St 2,4b-25) dừng lại và tả tỉ mỉ cách thức Chúa dựng nên con người : Chúa lấy đất nặn hình người, Chúa ban hơi thở (sự sống)…, Sau đó, Chúa mới tạo vườn Địa Đàng, để con người coi giữ, và Chúa ban giới răn. Và Chúa dựng nên loài vật cũng do đất. Cuối cùng Ngài dựng nên người nữ do một phần cơ thể của người nam, để làm bạn với người nam.
Đàng sau những hình ảnh “tả chân” đó ta ghi nhận:
§      Việc Chúa tạo dựng nên loài người nam nữ.
§      Việc thống nhất loài người (người nữ do người thứ nhất mà ra).
§      Vì thế, có lệ thuộc và liên hệ giữa nam nữ
§      Việc Chúa để ý lo cho loài người  (nơi ở, có bạn đỡ buồn, khuyên bảo cách ăn ở để được hạnh phúc).
§      Loài vật thuộc quyền loài người (bằng việc người đặt tên cho chúng)
§      Sự ngay thẳng chính trực về tình dục (ông bà ở trần truồng không e thẹn)

Cả hai truyện đều nói đến loài người ăn hoa quả rau cỏ, chứ không nói đến việc ăn thịt loài vật, cũng như loài vật ăn thịt nhau ! Việc ăn thịt này mãi đến sau Đại Hồng Thuỷ, Chúa mới nói tới (St 9,2-5). Phải chăng tác giả có dụng ý về chi tiết này để diễn tả sự bằng an yên ổn trật tự của đời sống Địa Đàng mà chỉ đến thời sau mới mong gặp lại được (Is 11,6-9)
Những điểm chính được ghi nhận rõ ràng ở cả hai câu truyện tạo dựng loài người trên đều có giá trị chính xác thuộc Đức Tin Công Giáo. Còn cách dẫn chứng hay những hình ảnh để diễn tả là những điều phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh xã hội, văn hoá, lịch sử…, vì thế không thuộc nền tảng vững chắc của Đức Tin.
Ví dụ như vấn đề “người bởi Khỉ mà ra”, nếu chấp nhận có sự can thiệp của Chúa, thì không có gì trái ngược Đức Tin. Vì việc Chúa lấy đất mà nặn thành hình người, đó chỉ là cách diễn tả thôi ! Quả vậy, nếu đất vật chất không có sự sống, mà Chúa còn làm nên con người được, huống hồ từ xác con khỉ ?! Thuyết “tạo dựng một lần” (nói trên kia) của thánh Augustinô chắc không lạ lối lập luận đó !
Ngay như đối với “thuyết Đa Nguyên” (nhiều ông tổ) Giáo Hội cũng chỉ đòi hỏi có một điều là không được phá sự thống nhất của nhân loại, đặc biệt, trong vấn đề Tội Tổ Tông và Ơn Cứu Chuộc !

Đề tài trao đổi
1.       Bạn nghe nói hoặc thấy người ta lên đồng bóng, bạn hãy giải thích Đức Tin Công Giáo về điều này.
2.       Thờ Ông Bà thế nào thì được phép, vì hợp Đức Tin Công Giáo, thế nào thì không ?
3.       Tại sao người sống mạnh mẽ Đức Tin vào Chúa Tạo Dựng, không còn sợ hãi tà ma ám ảnh, hoặc hồn ma bắt hại...?

BÀI 11 TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ CON MỘT ĐỨC CHÚA CHA CÙNG LÀ CHÚA CHÚNG TÔI 

 Bài này nói về bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô ; nói cách khác, Đức Giêsu Kitô chính là Thiên Chúa
Như đã nói ở bài 7 trước đây, phần thứ hai của Kinh Tin Kính hiện nay chính là phần tuyên xưng Đức Tin về việc Con Thiên Chúa xuống thế, mà các bản cổ của Kinh Tin Kính đã đặt sau phần tuyên xưng Đức Tin về Chúa Ba Ngôi. Như thế, bản kinh hiện nay đã sát nhập phần tuyên xưng Đức Tin về Ngôi Hai tức Chúa Con trong Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi với phần tuyên xưng Đức Tin về Mầu Nhiệm Nhập Thể, nghĩa là thay vì nói : “Tôi tin kính trong Thiên Chúa, Chúa Con, tức là Ngôi thứ Hai Thiên Chúa”, hoặc đặt vào niềm tin đầy đủ về Chúa Ba Ngôi : “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha, Con, Thánh Thần” ; thay vì tuyên xưng niềm tin như vậy, bản kinh Tin Kính ngày nay lại nói : “Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa (Trời) chúng tôi”, và tiếp theo đó là các sự việc của đời sống Chúa Giêsu.

Chúng ta sẽ có hai vấn đề để nhận định :
·                                 Con người lịch sử có tên là Giêsu còn gọi là Kitô.
·                                 Con người đó chính là Con Thiên Chúa và là Thiên Chú

1. Con người lịch sử “Giêsu Kitô”
Ngài có tên là “Giêsu” (Giavê cứu) nhưng người ta còn gọi Ngài là “Kitô”. Chữ “Kitô” là phiên âm theo tiếng phiên dịch Hy Lạp, còn chữ gốc (Do Thái) là “Messhiah”. “Messhiah” cũng như “Kitô” có nghĩa là “Người được xức dầu, được tấn phong”. Tiếng Việt thường dịch chữ “Messie” (do chữ Messhiah) là “Đấng Cứu Thế”, còn chữ “Kitô” thì để y vậy, và nếu có dịch thì lại dịch là “Đấng được xức dầu” ! Đang khi hai chữ nghĩa như nhau !
Vậy Đấng mà ngày nay chúng ta gọi là Chúa Giêsu Kitô, chúng ta tôn thờ Ngài như Thiên Chúa.  (Ga 5,23). Chúa Tạo Dựng (Ga 1,3), Đấng đó là một người đã từng có trong lịch sử loài người, sinh sống như ta. Các sử gia đạo, đời đều có nói về Ngài như những nhân vật khác trong lịch sử :
·                                 Ông Tacite, sử gia sinh ở kinh đô Rôma (55-120) có viết : “Chữ “Kitô hữu” bởi chữ “Kitô”, tên một người bị xử tử đời quan toàn quyền Pontiô-Pilatô” (“Tài liệu lịch sử” 3,15)
·                                 Ông Suétone sử gia La Mã (sinh quãng năm 75, chết quãng năm 160) có kể lại vụ hoàng đế Claudiô trục xuất những người Do Thái ra khỏi thủ đô La Mã vì cuộc lộn xộn “nhân vụ ông Kitô” (“Tiểu sử Claudiô”, số 25)
 
·                                 Ông Pline le Jeune, một nhà văn La Mã (sinh năm 62, chết quãng năm 113, bạn của hoàng đế Trajan trong một bức thư (số 10) có nói tới một bài ca suy tôn ông Kitô như một vị Chúa Tể.
·                                 Ông Flaviô Josèphe sử gia Do Thái (37-95), có nói tới ông Giacôbê là “anh ông Giêsu mà người ta còn gọi là Kitô” (“Tài liệu cổ học Do Thái”, đoạn 20, số 9). Các sách Talmuds của Do Thái cũng nói ám chỉ tới Đức Kitô.
Đó là các tài liệu sử học ngoài Kitô giáo.
Còn các tài liệu trong Kitô giáo thì có rất nhiều. Tài liệu cũ nhất về đời sống Đức Kitô ta có hiện nay là thư của Thánh Phaolô viết vào năm 55 (1Cr 11,23) và tài liệu đó nói rõ là dựa vào một tương truyền chắc chắn của cả một cộng đoàn (Xem Gl 1,15-19). Các thư khác của Thánh Phaolô cũng cho ta biết về dòng dõi Đức Kitô (Rm 1,3 ; Gl 1,19 ; 3,16), cái chết của Ngài (1Cr 2,2 ; Pl 2,8), cuộc Phục sinh của Ngài (1Cr 15,3-8).
Sau các tài liệu của Phaolô, là 4 quyển Phúc Âm. Đây cũng là tài liệu lịch sử vừa nhiều, vừa có thế giá vào bậc nhất, vì dựa vào các nhân chứng trực tiếp của Chúa Giêsu, các nhân chứng là cột trụ cho Giáo Hội tiên khởi. Tuy nhiên, ta không thể coi Phúc Âm như một quyển sách sử theo nghĩa đời nay. Tác giả Phúc Âm đã không có ý viết lịch sử, mà chỉ có ý lôi kéo người khác chấp nhận Đạo của mình bằng cách ghi lại một số lời giảng dạy của Chúa và một số việc Chúa làm hoặc những biến cố xảy ra hợp với lời giảng dạy.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể ghi nhận được những nét căn bản chắc chắn sau đây về tiểu sử Đức Giêsu :
Giêsu có mẹ tên là Maria, Ngài sinh ở Bethléem,   một vài tháng hay 1, 2 năm trước khi Vua Hérode Cả chết (vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm thứ 4 trước Tây Lịch kỷ nguyên) ; lớn lên ở trong gia đình chừng 30 năm, và mọi người vẫn coi Ngài là một người thường ; khởi đầu đời sống công khai do Phép Rửa của Gioan, tiếp theo là một cuộc tĩnh tâm trên rừng vắng ; ra hoạt động như một vị tiên tri, ở Galilêa trước rồi ở Judêa ; chọn 12 môn đồ, huấn luyện cách riêng để tiếp tục công việc của Ngài ; Ngài giảng về một Nước (Thiên Chúa) mà chính Ngài là người sáng lập ; Ngài cả quyết Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến và kín đáo cho thấy Ngài không phải chỉ là người thường mà còn là Con Một Thiên Chúa; để minh chứng lời giảng dạy của Ngài, Ngài dẫn chứng Thánh Kinh và làm phép lạ ; Ngài gặp phải sự chống đối ghen ghét của nhóm biệt phái ngày càng quyết liệt, để rút cục, Ngài bị chúng đưa đến cái chết đóng đinh ; được mai táng trong mồ cẩn thận, nhưng đến sáng sớm ngày thứ ba (tính từ ngày chết) Ngài sống lại như lời Ngài nói trước, và sau một vài lần hiện ra với các môn đồ, Ngài đã rời bỏ họ hẳn.
Nếu nhận xét kỹ hơn về con người của Ngài, thì ta thấy Ngài thực sự là một người như ta ; Ngài làm việc chân tay (Mc 6,3), Ngài có bạn thân : các môn đệ, đặc biệt là Gioan (Mc 10,24 ; Ga 21,7), Lazarô và 2 chị em ông… Ngài cảm đau khổ thể xác và nhất là tinh thần (Mc 3,21 ; Lc 4,16-30 ; Mt 14,31). Trí khôn rất sắc bén ; ý chí đanh thép, cương quyết, không chấp nhận cuộc sống lừng chừng, nhưng là phải dấn thân trọn vẹn ; tuy nhiên rất dịu dàng tế nhị, yêu trẻ nhỏ, thương người đau khổ, hèn yếu, nhân từ đối với tội nhân và thông cảm sự yếu đuối của loài người (Lc 15,11-32); một lòng đạo đức sâu xa = chỉ biết Chúa Cha, sống chết vì Chúa Cha.
Tuy nhiên, càng đi sâu vào con người của Ngài, ta càng thấy không thể chỉ xếp Ngài vào hàng loài người : Ngài còn hơn là một người !
Vì Ngài đòi hỏi phải yêu kính Ngài hơn cha mẹ, hơn cả bản thân mình, Ngài tỏ ra Ngài là chủ muôn vật : truyền sóng gió yên là yên, muốn khỏi bệnh là bệnh gì cũng phải khỏi tức khắc…, đặc biệt là Ngài làm phép lạ khác với các Thánh : không cần cầu xin Thiên Chúa trước, trái lại quyền làm phép lạ là do chính nơi Ngài ! Sau hết, Ngài nói nhiều điều sẽ là phạm thượng ghê gớm nếu sự thật không như Ngài nói : “Ai thấy Ngài là thấy Thiên Chúa, vì Ngài và Chúa là một ! Chúa làm việc luôn Ngài cũng thế ! Chúa tha tội, Ngài cũng tha tội ! Chúa lập ngày thứ bảy, Ngài bảo Ngài là chủ ngày thứ Bảy ! Ngài đòi tôn kính Ngài cũng như tôn kính Chúa (Ga 5,23) ! Ngài dùng những hình ảnh vẫn được dùng cho Thiên Chúa, để dùng cho Ngài như “ngự đến trên mây Trời” (Mt 26,64) ! Và có thể nói Ngài đã “tử đạo” vì Ngài xưng nhận Ngôi Vị Thiên Chúa của Ngài (Mt 26,25-66).

2. Con người lịch sử Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa và là Thiên Chúa
Bản tuyên xưng Đức Tin Công Giáo nói lên rõ ràng điều này : “Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi”.
Tín điều đó bao gồm 2 ý tưởng chính này :
·                                 Thiên Chúa có 1 Người Con Một (nên Thiên Chúa là “Cha”thật sự), người Con Một Thiên Chúa đó chính là Đức Giêsu Kitô đã xuất hiện trong lịch sử Do Thái cách đây hơn 2000 năm
·                                 Giêsu là con thật sự của Thiên Chúa Cha thật sự, nên đồng bản tính với Thiên Chúa Cha, Giêsu Kitô cũng là Thiên Chúa!

Vì thế, tín điều này hiểu ngầm 2 vấn đề khác cũng thuộc Đức Tin, đó là :
·                                 Trong Thiên Chúa có một Ngôi Vị là Cha và một Ngôi Vị khác là Con (Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con).
·                                 Trong Chúa Giêsu có hai bản tính : bản tính loài người do Đức Maria sinh ra ; và bản tính Thiên Chúa do Chúa Cha ban cho khi sinh Ngài ra từ thuở đời đời. Bản tính Chúa Con cũng chính là Bản tính của Chúa Cha : vì Chúa Con và Chúa Cha là một ; Một Chúa mà Ba Ngôi.
Nếu tìm trong Thánh Kinh (Tân Ước), ta sẽ dễ nhận ra dấu vết của sự tiến triển dần dần để tới niềm tin rõ ràng về Bản Tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu, cũng như liên lạc của Ngài với Thiên Chúa Cha, mặc dù Tân Ước như ngày nay, đã được viết vào thời kỳ mà ý thức  về Thiên tính và Ngôi Vị Thiên Chúa của Chúa Kitô đã được kể là dứt khoát và rõ ràng rồi !
Đại khái như câu Phêrô nói : “Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), so sánh với những câu do Mac-cô và Lu-ca ghi lại thì chỉ có : “Thầy là Đức Kitô” thôi (Mc 8,24 ; Lc 9,20). Cũng một trường hợp giống thế ! Mt 14,33 so sánh với Mc 6,51-52 : Trong Mat-thêu thì các môn đệ nhân ra Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa” ; còn trong Mac-cô thì chưa! Nhận định này có thể cho ta kết luận : Thánh Phêrô có thể chỉ có ý nói : “Con Thiên Chúa” theo nghĩa Cựu Ước về Đấng Cứu Thế (dòng dõi Đavit) là Con Thiên Chúa ; hoặc giả có hơn như thế, thì cũng chỉ là một chớm nở chốc lát về ý thức “Con Thiên Chúa” theo nghĩa Đức Tin của Phêrô sau ngày Hiện Xuống và của Giáo Hội hiện nay. Điều đó không cản trở người viết Phúc Âm, vào lúc Giáo Hội có ý thức đầy đủ (vào quãng năm 70) như nói ở trên, để có ý hiểu theo nghĩa chặt chẽ của chữ “Con Thiên Chúa” trong câu của Thánh Phêrô.
Để kết luận và cũng để lược lại vấn đề, chúng ta có thể nói : kiểu cách tuyên xưng Đức Tin về Ngôi Hai Thiên Chúa như trong Kinh Tin Kính hiện nay, là một lối “trở về nguồn gốc” Thánh Kinh : chúng ta biết được Thiên Chúa Con, ngôi vị thứ Hai trong Thiên Chúa, là nhờ Chúa Giêsu Kitô tỏ cho ta biết chính Ngài là Chúa Con, đồng bản tính với Chúa Cha. Để đáp lại Mạc Khải đó, ta tuyên xưng trực tiếp : “Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô là Con Một Chúa Cha cũng là Chúa chúng tôi”.
Tư tưởng phản tỉnh thực sự và cũng là ý thức thật sự, được diễn tả trong đoạn đầu của Phúc Âm thứ tư (Ga 1,1-2), trong Phụng Vụ Rửa Tội “Nhân danh Cha, Con và Thánh Thần” (Mt 28,19) và trong Thần Học của Giáo Hội về Chúa Ba Ngôi.

Đề tài trao đổi
1.       Dựa vào chỗ nào trong Thánh Kinh để chúng ta biết được Chúa Giêsu có 2 bản tính
2.       Ban hãy chứng minh dựa Thánh Kinh, Đức Giêsu không phải chỉ là người.

BÀI 12 BỞI PHÉP ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN MÀ NGƯỜI XUỐNG THAI SINH BỞI BÀ MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH

Nhận định chung : Nếu chúng ta mở Thánh Kinh và đọc Lc 1,26-38 thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy Tín Điều học hôm nay phát xuất từ đâu ? Có thể nói, câu trong Kinh Tin Kính này đã dùng nguyên văn của Thánh Kinh : “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần”= “Chúa Thánh Thần, xuống trên bà và quyền phép Đấng Tối Cao bao phủ bà” (Lc 1,35) ; “Người xuống thai sinh bởi bà Maria” = “Bà sẽ thụ thai và sinh một người con trai” (Lc 1,31) ; “Trọn đời đồng trinh” = “tôi không biết người nam” (Lc 1,34).
Chúng ta có thể diễn tả vắn tắt Tín Điều trên bằng 4 chữ : “Mầu nhiệm Nhập Thể”, và cũng là điều Thánh Gioan đã ghi rõ ràng, vắn tắt : “Ngôi Lời đã nhập thể” (Ga 1,14).
Để giúp hiểu Tín Điều chúng ta sẽ tìm hiểu 3 điểm sau đây.

1. Con Một Chúa xuống thế làm người
Đây là một điều rất khó chấp nhận đối với Dân Do Thái, Dân đã được chọn để đón nhận và bảo tồn Mạc Khải, cũng như đối với văn hoá Hy Lạp, nền văn hoá tiến bộ và phổ thông nhất thời đó.
Đối với Do Thái, tư tưởng “Chúa thành người” được coi như trái ngược hẳn với quan niệm Chúa cực siêu việt, cực thánh, như đã được Mạc Khải trong Cựu Ước.
Đối với Hy Lạp vốn coi khinh thể xác, vật chất, tư tưởng “Chúa làm người” vừa phi lý, vừa không cần !
Chúng ta có thể áp dụng lời Thánh Phaolô vào chỗ này:
   “Đối với Do Thái, là điều vấp phạm : đối với Hy Lạp là điên rồ” ! (1Cr 1,23b)
Thế nhưng, Chúa quan phòng và khôn ngoan đã dành mạc khải Mầu Nhiệm Nhập Thể, và đi theo là Mầu Nhiệm Phục Sinh thể xác, vào đúng lúc mà những hoàn cảnh tâm lý con người xem như không thuận tiện để đón nhận và lĩnh hội !
Quả vậy, những người vốn tự nhiên không sẵn sàng chấp nhận mà sau đó lại chấp nhận và rao giảng những sự việc “trái ngược” với tâm lý tự nhiên của mình, đấy mới là điều bảo đảm sự có thật khách quan thực sự ! Các tông  đồ không sẵn sàng tin Thiên Chúa làm người, mà sau cũng đã rao giảng Chúa Giêsu là Chúa thật sự ! là “Chúa nhập thể”! Và lại giảng cho một thế giới nhận văn minh Hy Lạp !… Cuộc thất bại của Phaolô ở Nhã Điển thực là một điển hình, nhưng cũng là một bảo đảm cho Sự Thật (Cv 17,32). Cũng như lòng cứng tin của Tôma trước tin nói Chúa sống lại (Ga 20,24-28).
Vậy, mầu nhiệm “Con Chúa xuống thế làm người” thật sự như thế nào ?
“Con Chúa”, như bài trước đã nói, cũng là chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng toàn năng phán một lời muôn vật đều có ! Đấng duy nhất đó bây giờ trở thành một trong các loại chính Ngài đã dựng nên ! một người!
Một người thật sự, chứ không phải “bóng dáng” như các bè rối thời đầu Giáo Hội chủ trương (Thuyết Khả Tri).
Một người hoàn toàn, chứ không phải thiếu hồn (như bè rối của Ariô), thiếu “trí” (như chủ thuyết Apollinaire), thiếu ý chí, thiếu khả năng hoạt động, thiếu “tự lập” (thuyết Độc thể).
Nhưng con người thật sự, hoàn toàn đó lại thật sự kết hợp nên một với Con Một Thiên Chúa, đến nỗi chỉ có một chủ thể : Chúa Giêsu Kitô, hay Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Mọi công việc con người sinh bởi Đức Maria làm, thì cũng chính là việc của Ngôi Hai Thiên Chúa làm. Chúa Giêsu nói :
   “Chúa Cha làm gì, Ta cũng làm điều đó (Ga 5,19)
   “Chúa Cha ở trong Ta, Ta ở trong Chúa Cha” (Ga 10,38)
   “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha” (Ga 13,9)
   “Chúa Cha và Ta là một” (Ga 10,30)
   “Mọi cái Chúa Cha có cũng là của Ta” (Ga 16,15)…
Và cũng chính Chúa Giêsu đó nói :
 “Hãy để mặc Chị, chính vì để dùng vào ngày mai táng Ta, mà Chị giữ dầu thơm này!” (Ga 12,7)
 “Một người trong các con sẽ nộp Ta!” (Ga 13,21b)
“Con Người cũng phải bị treo lên” ( Ga 13,14)
“Tâm hồn Ta bị xao xuyến” (Ga 12,27)
Giáo Hội dựa vào những lời đó và nhiều lời khác giống vậy để kết luận : Trong Chúa Giêsu có hai bản tính riêng biệt, không lẫn lộn với nhau, đó là Bản Tính Thiên Chúa và bản tính loài người ; hai bản tính đó thuộc về một Ngôi Vị duy nhất, đó là Ngôi Hai Thiên Chúa. Sự kiện Ngôi Hai Thiên Chúa kết hợp với một bản tính loài người, đấy chính là Mầu Nhiệm Nhập Thể, Mầu Nhiệm Con Chúa làm người.
Sự kiện một con người được nâng lên một địa vị tối cao đến trở thành của riêng Thiên Chúa, nên một với Ngôi Hai Thiên Chúa, sự kiện này có một hậu quả vĩ đại và toàn diện đối với cả loài người (do những liên hệ trong cùng một loài với nhau) và đối với cả thế giới tạo vật (vì những liên hệ đối với loài người). Ơn Cứu Chuộc loài người và nói rộng hơn nữa, mọi ơn Chúa ban cho mọi thụ tạo đều khởi nguồn từ sự kiện Nhập Thể này (Ep 1,1-14).  Sự kiện Nhập Thể chính là tột đỉnh hoạt động ngoại tại của Thiên Chúa, và cũng là vinh dự tột đỉnh của toàn thể tạo vật.
 2. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần
Như đã nói ở bài 11, vì phần tín điều về Chúa Giêsu chen lẫn vào phần tín điều về Chúa Ba Ngôi trong Kinh Tin Kính, nên tuy chưa nói về Ngôi Thứ Ba: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần” mà đã phải nói đến Chúa Thánh Thần ở đây rồi ! Vì những điều nói về Chúa Thánh Thần trong bài này, cần phải được tìm hiểu rõ hơn ở bài dành riêng cho Ngài sau này.
Chúa Thánh Thần hiện diện trong Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Chúa Cha ; cũng như “Thần Trí Chúa bay lượn trên nước tiên khởi” (St 1,2) ngày Thiên Chúa tạo dựng mọi loại bằng Ngôi Lời của Ngài (Ga 1,3) ; hoặc Chúa Thánh Thần từ nơi Chúa Cha đến sẽ làm chứng về Chúa Con (Ga 15,26) : tất cả đều cho ta thấy hoạt động của Thiên Chúa là hoạt động của Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi Thiên Chúa cùng tạo dựng, cùng cứu thế, cùng thánh hoá ; tuy công việc tạo dựng thường được coi như việc của Chúa Cha cách riêng, việc cứu thế của riêng Chúa Con và việc thánh hoá của riêng Chúa Thánh Thần.
Nếu nhìn chung trong suốt đời sống của Con Thiên Chúa Nhập Thể, chúng ta còn thấy Chúa Thánh Thần hiện diện ở nhiều lần khác nữa. Và có thể nói như Thánh Phaolô : “Thần trí Chúa Giêsu” hay “Chúa Thánh Thần” là một (Gl 4,6-7 và Rm 8,14-17).
Riêng ở đây công việc tác tạo nên bản tính nhân loại của Chúa Giêsu trong lòng Đức Maria đã được kể như là công việc của Chúa Thánh Thần (Lc 1,35). Và nếu nói theo kiểu thông thường, thì đây là một phép lạ do Chúa Thánh Thần : một trinh nữ thụ thai mà không cần người nam. Đấy cũng là điều mà Thánh Kinh có ý cho ta thấy khi nói đến : “Sức mạnh Đấng Tối Cao” (Lc 1,35) và “không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc 1,37).
 3. Mẹ của Con Chúa xuống thế là Đức Trinh Nữ Maria
Để được trở nên một người thật và thuộc về loài người thật, Con Thiên Chúa xuống thế phải do một người trong loài người sinh ra. Người được Chúa chọn đó là Đức Maria thuộc dòng dõi vua Đavit (theo tương truyền trong Giáo Hội). Thánh Kinh không nói tới dòng dõi của Đức Maria, vì Thánh Kinh bận tâm đến phương diện pháp lý, tức theo phía cha dù chỉ là cha nuôi (Mt 1,1-16 ; Lc 3,23-38).
Thiên Chúa có thể trực tiếp dựng nên một bản tính nhân loại như Chúa đã dựng nên con người nguyên thuỷ, ông Adong. Nhưng như thế, con người của Con Thiên Chúa xuống thế, đâu có thuộc về loài người này. Và công việc nhập thể cũng chẳng phải là nhập thể theo đầy đủ ý nghĩa!
Chúng ta có thể thắc mắc tại sao Chúa không chọn cả cha cả mẹ ở trần gian này, mà lại phải làm một phép lạ “Người Mẹ đồng trinh” ?
Đấy chỉ là một thắc mắc thuần lý thuyết, vì sự việc đã xẩy ra rồi ! Lý do, chúng ta chỉ có thể suy luận với nhau thôi. Nhiều Giáo  Phụ nghĩ là, vì Chúa Giêsu chỉ muốn có một Cha ở trên trời !… Chúng ta có thể nghĩ : vì nếu con người Chúa Giêsu cần phải do loài người sinh ra để có thể là loài người thật sự, nhưng con người Giêsu cũng còn phải là hiện thân của Ơn Chúa ban (Is 9,5 ; Ga 3,16) ! Để thể hiện phương diện thứ hai này một cách đặc biệt, Thiên Chúa đã làm phép lạ bằng cách trực tiếp tạo dựng bào thai con người Giêsu.
Chúa Giêsu đã sinh ra bởi Đức Maria, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa : Đức Maria vì thế là Mẹ Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đầu Giáo Hội : Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, Mẹ chúng ta : vì chúng ta, Giáo Hội, là Nhiệm Thể Chúa Giêsu.
Vinh dự đó cắt nghĩa những ơn đặc biệt Chúa ban cho Đức Maria, và cũng cắt nghĩa lòng tôn kính mến yêu đặc biệt Giáo Hội dành cho Đức Maria.
 Đề tài trao đổi
1.       Bạn hãy giải thích theo Thánh Kinh Chúa Giêsu vừa là Chúa vừa là người.
2.       Chúng ta tôn thờ Chúa Giêsu có phải chỉ vì Ngài là vị Giáo Chủ Đạo Công Giáo cũng như anh em Phật tử  tôn thờ vị Giáo Chủ là Đức Phật không ? Nếu không, thì tại sao ?

BÀI 13 CHỊU NẠN ĐỜI QUAN PONTIÔ PILATÔ, CHỊU ĐÓNG ĐINH TRÊN CÂY THÁNH GIÁ CHẾT VÀ TÁNG XÁC XUỐNG NGỤC TỔ TÔNG 

 Nhận định chung : Một lần nữa chúng ta nhận thấy kinh Tin Kính các Tông Đồ gần với nguồn Thánh Kinh như thế nào ! Đó là một bản kinh ghi nhận những biến cố lịch sử, chưa suy nghĩ, chưa nhận định hay phản tỉnh thần học. Đây là một điểm khác các bản kinh Tuyên Xưng Đức Tin sau này, kể cả bản kinh khá cổ kính đọc trong Thánh Lễ của Công Đồng Nicée-Constantinople.
Theo cách diễn tả thần học, tín điều học hôm nay có thể nói vắn tắt là : “Mầu Nhiệm Cứu Thế” ! cũng như bài trước là “Mầu Nhiệm Nhập Thể”.
“Mầu Nhiệm Cứu Thế” đây hiểu theo nghĩa hẹp, như sẽ trình bày dưới đây ; vì theo nghĩa đầy đủ, công việc Cưú Thế thực sự bắt đầu ngay từ việc Nhập Thể, và hoàn tất bằng việc Phục Sinh của toàn Nhiệm Thể Chúa Kitô, tức Giáo Hội những người được chọn, trong Trời Mới Đất Mới, nhà Thiên Chúa ở vĩnh viễn với nhân loại.
Trong bài về “Mầu Nhiệm Cứu Thế” hôm nay, chúng ta nhận định phần chính yếu là “Cuộc tử nạn cưú thế” của Đức Kitô, và các chi tiết phụ đó là : chết vì đóng đinh, chết thời quan toàn quyền Pontiô Pilatô, táng xác trong mồ, xuống ngục tổ tông.
 1. Cuộc tử nạn cứu thế của Chúa Kitô
Cuộc tử nạn của Chúa Kitô được chính Ngài nói tới rất nhiều, nhờ đấy ta biết được ý nghĩa chính xác của cuộc tử nạn cứu thế của Ngài.
Trong ba lần báo trước cuộc tử nạn của Ngài (Mt 16,21 ; 17,22 ; 20,18), cũng như lúc mà cuộc tử nạn bắt đầu trong vườn Giệt (Mt 26,54.56) và cả sau khi từ cõi chết sống lại (Lc 24,25-27.44.46), Chúa Kitô luôn luôn coi cái chết đau khổ và nhục nhã của Ngài như là một điều đã được ấn định trước, được loan báo trước, mà bây giờ bổn phận Ngài là phải thi hành đúng như thế để Thánh Kinh (báo trước) được thi hành trọn vẹn (Mt 26,56), Chúa Kitô coi đó như là một điều kiện tiên quyết để được vinh hiển (Lc 24,26) là mục đích của đời Ngài (Ga 12,27), vì đó là ý muốn của Cha Ngài (Ga 18,11).
Vậy Thánh Kinh đã loan báo trước như thế nào ?
Chúng ta có thể lược tóm vào bốn ý niệm sau đây :
·                                 Ý niệm Cứu Chuộc
·                                 Ý niệm Đền TộI
·                                 Ý niệm Giao Ước
·                                 Ý niệm kính tin Chúa tuyệt đối.
 a. Ý niệm cứu chuộc
“Cứu sống” bằng cách “chuộc” lại, chuộc bằng tiền (“mua lại”) bằng lễ vật. Nghi lễ đặc biệt nhất về vấn đề này là Nghi lễ Chuộc Con Đầu Lòng (Xh 13,13-15). Vì con đầu lòng thuộc về Chúa (Xh 13,1-2). Nghi lễ này càng thêm giá trị và ý nghĩa khi được móc nối với việc Chúa giết hại các con đầu lòng Ai Cập và tha con đầu lòng các nhà Do Thái có bôi máu chiên trong ngày Vượt Qua (Xh 12). Sau này Isaia nói :
Chúa đã chuộc Israel bằng “giá” Nước Ai Cập…, vì Israel có “giá” trước mặt Chúa…; Chúa chuộc, nên Israel thuộc về Chúa(Is 43,1-7).
 b. Ý niệm Đền Tội :
Máu chiên máu bò thường được dùng trong các nghi lễ Đền Tội (Lv 16,14-16). Vì máu tượng trưng sự sống mà tội nhân nhìn nhận mình đáng phải mất, con vật làm hy lễ sẽ thế mạng cho.
Trong bài ca của Vị Tôi Tớ Thiên Chúa, Isaia đã nói đến “Người Tôi Trung” bí nhiệm của Thiên Chúa sẽ chết thay cho chúng ta (Is 53, 5.8).
 c. Ý niệm Giao Ước
Trong các nghi lễ giao ước quan trọng đều có điều kiện mạng sống được đặt ra : mỗi bên giao ước đều cam kết giữ lời Giao Ước dù phải chết, hoặc nếu không giữ, thì đáng chết. Để diễn tả điều đó, người ta dùng mạng sống hay máu loài vật, gọi là Máu Giao Ước (kiểu gần như “bức huyết thư” ta nói ngày nay) (St 15,7-11 ; Xh 24,5-8)
 d. Ý niệm kính tin Chúa tuyệt đối
Abraham đã trở thành ông tổ mọi tín hữu vì lòng tin kính một cách tuyệt đối trong việc tế lễ Isaac (St 22,1-19).
Bốn ý niệm cô đọng các lời loan báo của Thánh Kinh về cuộc hiến tế Tân Ước, Chúa Kitô đã ý thức rất rõ và đã thực hiện đầy đủ trong cuộc tử nạn của Ngài. Chính vì thế, lúc Chúa tắt thở trên Thánh Giá, màn che nơi Cực Thánh trong Đền Thờ bị xé bỏ (Mt 27,51), để chỉ sự thay thế hoàn toàn mọi hình bóng tiên báo của Cựu Ước bằng sự thật Tân Ước.
Chúa Kitô đã chuộc chúng ta bằng giá rất đắt, giá máu Ngài (1 Cor 6,20 ; Ep 1,7 ; Mt 20,28); Chúa Kitô là “Chiên Vượt Qua” thật (1 Cor 5,7) : Chúa Kitô là của lễ đền tội chúng ta bằng máu của chính Ngài (Dt 9,11-14), Ngài chính là Tôi Tớ của Đức Giavê mà Tiên Tri Isaia đã nói (Cv 8,32-35); trong Bữa Tiệc Ly chính Chúa Kitô đã trao các Môn Đệ chén Máu Giao Ước mới (Mt 26,28) ; và sau hết cuộc tế lễ Isaac vốn được Giáo Hội từ xưa coi như là hình ảnh cuộc tự hiến của Chúa Kitô (Dt 11,19), và Chúa Kitô vẫn coi cuộc tử nạn như là tột đỉnh lòng kính yêu Chúa Cha (Ga 14,31).
Chúa Kitô đã hoàn toàn thực hiện các lời loan báo của Thánh Kinh ; mà còn đi xa hơn nữa ! Vì Ngài đã nhờ cuộc tử nạn của Ngài mà đưa nhân loại đến chỗ làm Con Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần (Rm 8,14.16), và hòa giải cả mọi tạo vật với Thiên Chúa nữa (Ep 1,10).
 2. Vài vấn đề khác
a. “Đời quan Pontiô-Pilatô”.
Ông quan đại diện chính quyền bảo hộ La Mã này nổi tiếng nhờ vụ án Chúa Kitô. Ông làm đại diện cho Hoàng Đế Tibêriô từ năm 26-36. Thường ông ở thành Césarée, nhưng ông hay lên Giêrusalem vào các dịp lễ lớn của Do Thái, nhất là Lễ Vượt Qua. Ngoài Phúc Âm ra, còn nhiều sử gia khác nói tới ông, như Philon, Fl. Joseph, Tacite. Ông là một con người cứng đầu, tham nhũng và khinh người ; chính vì vậy, ông đã gây nhiều căm hờn nơi dân thuộc địa… Chúa Giêsu có nói tới một vụ tàn sát không rõ căn duyên của ông (Lc 13,1). Sau cùng, ông bị cách chức cũng là tại sinh sự và đàn áp vô cớ người Samari.
Đối với vụ án Chúa Kitô ông đã tỏ ra là một vị chánh án rành tâm lý. Ông đã chỉ muốn hạ nhục người Do Thái bằng bản án này. Nhưng Do Thái ranh mãnh đánh vào yếu điểm của ông bằng cách kéo danh dự Hoàng Đế vào vụ án và vì thế địa vị của ông bị đe dọa (Ga 19,12-16) nên ông đã phải nhượng bộ mặc dù ông biết rõ ràng Chúa Giêsu vô tội. Sở dĩ dân Do Thái phải chạy đến ông, vì dưới chế độ bảo hộ lúc đó, Do Thái không có quyền tuyên án tử hình (Ga 18,31).
 b. “Chịu đóng đinh trên Thập Giá”
Đây là một tử hình đau khổ và nhục nhã, nên có luật cấm không được áp dụng cho công dân La Mã. Nạn nhân sau khi bị đánh đòn, sẽ bị điệu ra pháp trường vai vác khổ giá (thanh ngang của thập giá) tay bị trói luôn vào khổ giá. Đến nơi, nạn nhân nằm dưới đất, người ta lấy đinh đóng qua cổ tay vào khổ giá, rồi dựng nạn nhân dậy, nâng lên và đóng khổ giá vào cột chôn sẵn. Sau đó bắt chéo hai chân, chân trái bên trên, đóng một đinh suốt qua hai bàn chân. (Thói quen La Mã đóng mỗi chân một đinh). Còn bản án (kể tội nạn nhân) thì nạn nhân phải mang nơi cổ trên đường đi đến pháp trường. Sau khi đóng đinh, bản án sẽ được treo trên đầu nạn nhân. Bản án của Chúa Kitô là : “Giêsu Nazareth Vua Dân Do Thái” và được viết bằng ba thứ tiếng Do Thái, Hy Lạp, La Tinh (Ga 19,19). (Thường viết tắt ở các ảnh Thánh Giá là : INRI do bốn chữ la tinh Iesus Nazarenus Rex Iudeorum = “Jesus người Nazareth, Vua của các người Do Thái).
Nạn nhân sẽ chết vì ngạt thở sau khi các bắp thịt bị co rút rất đau đớn ; nạn nhân thường cố gắng đứng thẳng lên để bớt sức kéo hai tay và thở được một chút. Chính vì thế muốn nạn nhân chóng chết, người ta đánh dập hai ống chân nạn nhân (Ga 19,32).
Áo quần nạn nhân là thuộc quyền các lính thi hành bản án. Theo tục Do Thái, nạn nhân còn được mặc một thứ quần đùi.
Trở lại bản án đóng đinh, lại một lần nữa, những điều Thánh Kinh đã nói trước, điều phải được linh nghiệm. Dân Do Thái có thể giết Chúa bằng cách ném đá (Ga 8,5) hoặc xô Ngài xuống vực thẳm (Lc 4,29) khỏi cần đến tòa án Philatô. Nhưng không, Thánh Kinh đã nói Con Người sẽ bị treo lên (Ds 21,8-9 ; Ga 3,14) ; “Chúng sẽ chia nhau áo Ngài” (Tv 22,19 ; Ga 19,23-24). Chính Chúa Giêsu cũng biết rõ ràng như vậy (Ga 18,32; 3,14).
 c. Táng xác 
Nói đến an táng xong xuôi là nói lên con người ấy đã chết thực sự. Chúa Giêsu đã chết thật : không chết vì đóng đinh ngạt thở (Ga 19,33) thì cũng phải chết vì lưỡi đòng đâm thấu tim (Ga 19,34-35).
Ông Giuse  người Arimathie đã xin được phép mai táng Chúa Giêsu, Phúc Âm nói tới thuốc thơm ướp xác (Lc 23,56 ; Ga 19,39)nhưng chắc chắn không phải là ướp xác thực sự theo kiểu Ai Cập tức là phải moi óc, moi phổi tim, ruột gan ra, ngâm nước thuốc, rồi nhét thuốc thơm vô. Công việc đòi hỏi cả tháng trời mới xong…! Nhưng đây chỉ là một lối làm đơn giản, để thuốc thơm áp ngoài thân thể rồi lấy vải quấn lại (Ga 19,40). Rồi đặt xác ấy trên một bệ đá trong ngôi mồ khoét ngang vào đá, rồi lăn một tảng đá lấp cửa mồ lại (Mt 27,60).
 d. “Xuống ngục tổ tông” :
“Ngục tổ tông” là nơi ở của những người đã chết (St 37,35 ; 1 Sm 2,6 ; Tv 89,49). Vì thế nói “xuống ngục tổ tông” có thể hiểu đơn sơ là “chết thật, chết hẳn” vì xuống ở với những người chết rồi.
Dân Do Thái tin, ai xuống ngục đó không thể ra khỏi đó được (G 7,9) và tưởng tượng cửa ngục được canh gắc cẩn mật, khóa chốt rất kỹ… Chúa Giêsu đã dùng “Cửa Ngục Chết” để tượng trưng cho sức mạnh ghê gớm (Mt 16,18).
Chúa Giêsu sống lại là vượt ngục đó : sức mạnh ghê gớm ngục đó cũng không giữ Ngài lại nổi (Cv 2,24). Và một khi Ngài thắng được “Cửa Ngục Chết”, Ngài mang đến cho mọi người công chính đã chết và sẽ chết một ơn giải thoát khỏi cái chết để gặp lại sự sống (Cl 1,18 ; 1 Cr 15,20-22.26). Ngài cũng ban quyền thắng “Ngục Chết” cho chính Giáo Hội (Mt 16,18) vì Giáo Hội có quyền tha tội, dẫn con người từ chỗ chết trong tội lỗi, đến chỗ sống trong Ơn Nghĩa.
 Đề tài trao đổi
1.       Thánh Kinh đã nói trước về cái chết của Chúa Giêsu thế nào ?
2.       Chúa Giêsu đã thực hiện Thánh Kinh trong cái chết của Ngài thế nào ?



GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 14 NGÀY THỨ BA BỞI TRONG KẺ CHẾT MÀ SỐNG LẠI 

š›Nhận định chung
Một con người có tên là Giêsu Kitô đang sống như bao người khác như ta ngày nay, bị án tử hình, chết, chôn rồi sống lại, sống lại không như đời sống trước nữa, tuy cũng như con người xưa, cũng xác, cũng hồn, cũng kiểu ăn nói trước, nhưng nay tất cả đã được biến đổi nên như loài thiêng ; và bước vào một đời sống khác hẳn đời sống con người trần thế này, đời sống ngoài những điều kiện thời gian và không gian.
 Đó là nội dung Tín Điều ta tìm học hôm nay.
 Ta nhận thấy trong những nét được mô tả trên có những nét mà khoa học lịch sử có thể ghi nhận được như: có một người tên là Giêsu Kitô ở nước Do Thái, người đó sống thế nào, chết thế nào… chôn thế nào…, và sau đó không còn trong lịch sử nữa, kể cả cái xác ở trong mồ cũng không còn.
 Tất cả những sử gia trung trực hay nếu là đồng thời, mọi nhà báo săn tin đứng đắn đều có thể ghi nhận được rõ ràng ; cảnh sát, tòa án nếu cần cũng có thể điều tra tới nơi tới chốn.
 Nhưng cũng có những nét vượt quá phạm vi của một sử gia, của một cuộc điều tra cảnh sát, đó là một thế giới khác thế giới này, một nếp sống không lệ thuộc không –  thời – gian, một nhận thức về tôn giáo thuần túy, một niềm tin !
 Lịch sử hay tòa án nào có nói gì về việc “Bà” hiện ra ở Lộ Đức với Bernadette là Đức Mẹ Maria ? Hay về việc Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa ?… Vì các tiêu chuẩn để nhận định những sự việc đó vượt phạm vi của khoa học thực nghiệm ! Có cùng lắm là sử gia ghi lại lời người này nói thế này, thế nọ…, hoặc như sử gia Pline le Jeune ghi lại bài ca của một số người tự xưng là đồ đệ Ông Giêsu Kitô, bài ca suy tôn Ông là Chúa Tể !
 Nhận định như vậy rồi, bây giờ chúng ta đề cập tới Tín Điều : Chúa Phục Sinh.
 1. Sự kiện lịch sử về việc Chúa sống lại
Chúng ta sẽ lần lượt bàn tới hai dữ kiện sau đây
- Tài liệu lịch sử ghi chép về việc Đức Giêsu Phục Sinh
- Giáo Hội Kitô giáo từ đầu cho tới ngày nay
 a. Những tài liệu lịch sử
 Tài liệu lịch sử có thể kể :
- Tài liệu nói về cái chết thực sự của Đức Giêsu
- Ngôi mộ trống, không còn xác
- Những chứng nhân của các cuộc hiện ra
 a.1. Tài liệu nói về cái chết thực sự của Đức Giêsu
Đức Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử đó là điều mà ta đã học trong bài 11 trước đây. Con người đó, dĩ nhiên cũng như mọi con người khác, dù có nói đến hay không, đã có ngày chết ! Nếu không chúng ta sẽ có một ông Bành Tổ sống gần hai nghìn tuổi và còn sống nữa !!! Phương chi cái chết của con người đó đã được nhiều sử gia nói tới và nói với chi tiết rõ ràng mà ngày nay chúng ta cũng thấy nhất định như vậy là phải chết ! (Ga 19,34 ; Mc 15,37)
 Ấy là chưa nói đến cái chết này được theo dõi và kiểm sóat chặt chẽ do số người chủ mưu, có quyền hành và đầy căm phẫn (Mc 15,29-32 ; Mt 27,62-66).
 Vì thế, những giả thuyết cho là Đức Giêsu chưa chết thật, nhưng chỉ là xỉu đi, đều là tưởng tượng và mơ hồ!
 a.2. Ngôi mộ trống không còn xác
Một điều mà cả bốn Phúc Âm đều thuật lại, mỗi Phúc Âm một cách, đó là xác Đức Giêsu không còn trong mộ (Mt 28,6 ; Mc 16,6 ; Lc 24,6 ; Ga 20,2). Xác không còn, nhưng lại còn khăn liệm (Ga 20,5-7).
 Và điều thứ nhất các người chứng kiến nghĩ tới đó là : xác bị ăn trộm ! Chứ chả ai nghĩ tới sống lại ! Rồi phía môn đệ thì hoảng hốt sợ hãi, chạy đến tận nơi xem xét sự tình (Ga 20,3-4). Nhưng nếu ăn trộm thì ai ăn trộm ? Ăn trộm mà còn có giờ tháo gỡ khăn liệm cuốn lại đàng hoàng?! (Ga 20,7).
 Maria Magdalena thì nghĩ “bên kia” ăn trộm (Ga 20,2.15), còn bên lính gác mộ thì phao tin các môn đệ ăn trộm (Mt 28,13). Nhưng nếu phía môn đệ ăn trộm thì phải cắt nghĩa làm sao việc qua mắt lính gác, việc các môn đệ hoảng sợ, nhất là việc các môn đệ can đảm, liều chết giảng Chúa sống lại sau này, đang khi các ngài quê mùa, chất phác không thuộc hạng lừa bịp, đồng thời chả được lợi lộc gì, bị đe dọa liên miên, sau cùng đã chết vì điều mình giảng !
 Còn nói phía kẻ thù Đức Giêsu ăn trộm…, thì không hiểu việc ăn trộm đó có ích gì mà chỉ thấy hoàn toàn trái ngược với điều họ sợ trước (Mt 27,64).
 Có thứ người giàu tưởng tượng nghĩ rằng : vụ động đất nói tới trong Mt 27,51 sẽ còn tiếp tục nuốt mất xác!… Nhưng có điều lạ, là nếu dựa Thánh Kinh mà nói vậy thì sẽ cắt nghĩa thế nào vụ khăn liệm quấn quanh xác còn lại? Rồi có thứ nứt nẻ đất thế nào mà mộ đá còn, chỉ xác mất ?
 Có người khác tỏ ra thông thạo lịch sử chủ trương : lạc xác chứ không phải mất xác ! Lạc xác, vì theo họ xác các nạn nhân tử tội thường được quăng xuống một hố chung !… Thế nhưng không hiểu tác giả thuyết này sẽ viện lẽ gì để ngang nhiên vứt bỏ những đoạn trong Phúc Âm nói về việc chôn cất hẳn hoi và có đầy đủ chi tiết đứng đắn hợp với một tài liệu lịch sử ?
 Như vậy, giả thuyết “ăn trộm”, giả thuyết “động đất”, giả thuyết “hố chung” đều không đứng vững, vậy xác Đức Giêsu đi đâu ? Nếu không muốn nhận sống lại thì chỉ còn cách nói như trên kia, Đức Giêsu chưa chết, sau cơn xỉu, Ngài tỉnh lại rồi tìm cách ra khỏi mồ!
 Thế nhưng, ngoài cái khó khăn cắt nghĩa chưa chết…, còn vấn đề sau đó Đức Giêsu đi đâu ? làm gì ?… Cả một phong trào lừa bịp thiên hạ nói Ngài sống lại, phong trào phạm thượng dám tôn vinh Ngài lên ngang hàng Thiên Chúa của các môn đệ sau đó, hỏi một con người đạo đức thánh thiện hoạt động như Đức Giêsu có thể ngồi yên để các môn đệ của mình làm vậy sao ? Rồi chính các môn đệ có đủ khả năng để lừa bịp như vậy không ?
 Đến đây chúng ta có thể kết luận một cách thẳng thắn là : nói như Phúc Âm là hợp lý, hợp khoa học nhất ! Mặc dù nhiều điều trong Phúc Âm vượt quá giới hạn của khoa học thực nghiệm !
 a.3. Những nhân chứng thấy Ngài sống lại :
Đối với những sự việc chúng ta không thấy được (hoặc vì ở xa, đã qua hay thuộc một thế giới khác) thì chúng ta dựa vào sự đứng đắn hợp lý của các chứng nhân. Các chứng nhân đó chính là lý chứng lịch sử.
 Việc Đức Giêsu chết thật và không còn xác ở trần gian này là điều ta vừa chứng minh là đúng sự thật. Sự việc Ngài sống lại và đi vào một thế giới khác, thì đó là việc vượt quá tầm vóc của khoa học lịch sử. Nhưng những chứng nhân nói là đã thấy Ngài sống trong thế giới khác, những chứng nhân đó vì là người còn sống ở đời này như ta, nên thuộc phạm vi sử học.
 Nghĩa là ta có thể đặt vấn đề : chứng nhân đó có đáng tin hay không ? Đáng tin hay không đáng tin, điều đó tùy thuộc sự đứng đắn, sự thánh thiện và “khả năng” của người làm chứng. Chữ “khả năng” đây hiểu là “không bị lừa”, “không lầm”, “không bệnh hoạn nhất là bệnh hoạn tâm lý”, trái lại có “đủ điều kiện để làm chứng điều mình làm chứng”.
 Các chứng nhân đặc biệt là các tông đồ, thực sự đã hội đủ những điều kiện đó. Đời sống luân lý và đạo đức đặc sắc của các ngài chứng minh các ngài là những chứng nhân đứng đắn, thánh thiện nữa ! Không thể bảo các ngài bịa chuyện đánh lừa một cách qui mô và đối với một vấn đề quan trọng như thế.
 Còn nói các ngài bị lừa, thì ai lừa các ngài ? chả lẽ Đức Giêsu (đứng đắn và thánh thiện hơn các ngài gấp bội) ?! Chả nhẽ kẻ thù Đức Giêsu ?! Mà nếu bị lừa, sao không bị lật tẩy trong một vấn đề dễ bị lật tẩy như vậy?!
 Chỉ còn vấn đề bị lầm, lầm vì yên trí, vì tưởng tượng, vì bệnh hoạn !
Đây là vấn đề mà một số người đã tận lực khai thác. Họ nói các môn đệ vì quá thương nhớ Thầy nên mơ hay tưởng tượng thấy Thầy sống lại !… Rồi một người mơ, hai người mơ… Cứ vậy lây sang nhau.
 Nhìn vào thực tế như trong Phúc Âm ghi lại, thì có lẽ ta phải nói : người nghĩ ra cái thuyết trên mới chính là người “mơ”!
 Các môn đệ là những người lao động làm nghề chài lưới, đâu có phải là hạng hay mơ màng ! Dễ tin chuyện tưởng tượng ! (Mc 16,11-13 ; Ga 20,25) Chúa phải trách họ cứng lòng tin (Lc 24,25 ; Mc 16,14)). Gặp Chúa hiện ra, điều họ nghĩ đầu tiên là : “ma!” (Lc 24,37) chứ đâu có phải là như chuyện nhớ thương quá rồi nhìn gà hóa quạ! Rồi tưởng tượng gì mà cả bao nhiêu người tưởng tượng cùng một lúc và y như nhau ! Sách “Tông Đồ Công Vụ” nói có lần hơn 500 người thấy cùng lúc  (Cv 15,6) !
 Đàng khác, có thể nói, Chúa Giêsu đã phải huấn luyện các môn đệ, để các môn đệ tin thật đúng là Ngài đã sống lại, Chúa giải thích Thánh Kinh (Lc 24,27) ; Chúa làm lại những cử chỉ quen thuộc xưa : “bẻ bánh” (Lc 24,30); kêu tên “Maria!” (Ga 20,16). Chúa để cho các môn đệ kiểm soát vết thương ở chân tay, cạnh sườn (Ga 20,27). Tuy Chúa vẫn hướng về tương lai và chúc phúc cho nhữg kẻ không thấy mà tin (Ga 20,29).
 Cũng nên nói, những sự khác nhau về nơi chốn, cách thức… những lần hiện ra, không phải là bằng chứng để phi bác tất cả một sự kiện lịch sử Phục Sinh, một sự kiện còn dựa trên nhiều nền tảng khác có giá trị hơn nhiều ! Nhưng chỉ là biểu hiện cho thấy có nhiều tương truyền khác nhau và độc lập với nhau ! Và điều đó, xét về một phương diện,càng gia tăng giá trị lịch sử của sự kiện Phục Sinh. Vì nhiều nhân chứng vừa giống nhau, vừa khác nhau có giá trị hơn là một hay nhiều nhân chứng giống y như nhau để rồi người ta có quyền nghĩ là “sao y” bản chính !
 Tóm lại, tài liệu ghi nhận những nhân chứng đã thấy Chúa sống lại, quả thật là một tài liệu có giá trị lịch sử đáng tin cũng như những phần khác của sách Phúc Âm.
 Sau hết, có thể thêm vào phần chứng nhân này, một “chứng nhân” theo một nghĩa đặc biệt, nhưng có một thế giá vô song, đó là chính Đức Kitô : Ngài là chứng nhân cuộc Phục Sinh của chính Ngài, vì Ngài biết tương lai, nên Ngài nói rõ Ngài sẽ sống lại (Mt 16,2; Ga 10,17). Đức Kitô không thể nói không đúng vì thế giá đặc biệt của Ngài.
 b. Giáo Hội Kitô giáo từ đầu cho tới ngày nay
Nhìn lại lịch sử, chúng ta phải công nhận như một nhận xét của một nhà bình luận độc lập kia : không thể cắt nghĩa được đám cháy vĩ đại Kitô giáo ngày nay, mà lại không cần có một mồi lửa tiên khởi đó chính là cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.
 Giáo Hội Kitô giáo chính là một bằng chứng lịch sử cho sự kiện Phục Sinh của Đức Kitô.
 Qua nhiều bài giảng trong Giáo Hội sơ khởi (Cv 2,22-32 ; 3,12-15 ; 4,8-10) chúng ta nhận thấy sự kiện Phục Sinh quả là trung tâm lời rao giảng của các Tông Đồ, và số những người xin tòng giáo cũng hoàn toàn vì “Giêsu Nazareth đã sống lại”.
 Ngay từ  năm 36, Thánh Phaolô đã lãnh nhận một tương truyền, được coi như kinh Tin Kính thời đó, trong Giáo Hội. Tương truyền đó gồm : “Đức Kitô đã chết vì tội ta như lời Thánh Kinh, đã chôn trong mồ và sống lại ngày thứ ba như lời Thánh Kinh ! Ngài đã hiện ra với Céphas, rồi với mười một tông đồ…” (1 Cr 15,17).
 Chính sự kiện Đức Kitô Phục Sinh đã phát sinh ra Giáo Hội Kitô giáo. Và cho đến ngày nay Mầu Nhiệm Phục Sinh vẫn là nền tảng của Kitô giáo. Không có Giêsu Phục Sinh không thể có Kitô giáo, Đạo Kitô giáo sẽ không còn !
 Lời Thánh Phaolô xưa kia đã đúng, ngày nay vẫn đúng và sẽ còn đúng mãi :
“Nếu Đức Kitô không sống lại, Đức Tin anh em rỗng không”(1 Cr 15,17).
 2. Đức Tin về Chúa Phục Sinh
 a. Khoa Thần Học ơn Cứu Rỗi dựa trên Mầu Nhiệm Phục Sinh
Sau khi chính Ngài được kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh trên đường Đa-mát (Cv 9,1-6), cuộc kinh nghiệm quyết định đã làm Ngài “tái sinh” như đứa con sinh thiếu tháng (Cv 15,8) và ảnh hưởng đến suốt đời Ngài, Thánh Phaolô đã trở thành một nhà thần học về Ơn Cứu Rỗi xây dựng từ căn bản Mầu Nhiệm Phục Sinh.
 Tư tưởng của Ngài tập trung vào hai điểm: Thân thế Đức Kitô và Phép Rửa Tội.
- Cuộc Phục Sinh đã làm cho Đức Kitô thành “Chúa Tể” trong Vinh Quang Chúa Cha (Pl 2,9-11) để thực hiện tất cả chương trình ý định của Thiên Chúa từ ngàn xưa, về nhân loại và về hoàn vũ (Cl 1,18-20 ; Ep 1,20-23).
- Chúa Kitô trong cái chết và sống lại của Ngài, đã trở nên gương mẫu và nguyên nhân thực hiện gương mẫu cho tất cả mọi tín hữu : Bí Tích Rửa Tội thực hiện điều đó ! “Rửa Tội” hay nói cho đúng nghĩa chữ : “Dìm mình” xuống giếng Rửa Tội là chôn mình vào trong mồ, trong cái chết cùng với Chúa Kitô, và ra khỏi giếng Rửa Tội là như Chúa Kitô sống lại ra khỏi mồ ! Và tất cả đời sống người Kitô hữu là sống Mầu  Nhiệm đó : chết cho tội, sống cho Chúa ! (Rm 6,1-11). Chúng ta bắt đầu ngay từ bây giờ sự sống mới, sự sống Phục Sinh.
 b. Mầu nhiệm Phục Sinh
Nếu sự kiện Phục Sinh rất am hợp với công việc Tạo Dựng con người có xác hồn kết hợp nên một vật sống, và cả xác lẫn hồn đều do Chúa dựng nên ; vì thế ơn Cứu Độ con người phải ảnh hưởng đến cả con người toàn diện, nghĩa là cả hồn lẫn xác !
 Nếu sự kiện Phục Sinh là một đích cùng mà đời sống người Kitô hữu cũng như toàn thể hoàn vũ hướng tới (Rm 8,19-23).
 Sự kiện Phục Sinh không phải vì thế mà thôi là một “Mầu Nhiệm” theo nghĩa căn bản của chữ. Nghĩa là chúng ta vẫn chưa hiểu Phục Sinh sẽ thế nào ? Cái gì trong xác sẽ Phục Sinh ? Cái gì sẽ tồn tại ? Và cuộc biến đổi sẽ thế nào ?… Phương chi còn “Trời Mới Đất Mới” ?
 Thực sự chúng ta chỉ nắm được hai đầu giây:
“Xác thịt như ta đang có bây giờ không thể vào Nước Trời được”(1 Cr 15,50) và “Thần linh Chúa sẽ ban sự sống cho chính thể xác chết của ta” (Rm 8,11).
 Hai đầu giây đó nối liền với nhau thế nào do một cuộc “Biến Đổi” gọi là “Phục Sinh”, đó là điều còn đầy bí nhiệm!
 Chúng ta chỉ biết là thực sự đã xảy ra nơi Chúa Kitô Sống lại, Mầu Nhiệm ta học hôm nay.
 Đề tài trao đổi
- Phục Sinh như chúng ta thấy nơi Chúa Kitô, trả lời mọi khát vọng của con người như thế nào ?
- Bạn hãy dẫn chứng cho thấy việc Chúa Giêsu sống lại là việc có thật.

GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 15 LÊN TRỜI NGỰ BÊN HỮU ĐỨC CHÚA CHA PHÉP TẮC VÔ CÙNG 

Đức Giêsu được lên với Thiên Chúa (Lên Trời), được Thiên Chúa trao cho Vương Quyền của Ngài (ngự bên hữu Đức Chúa Cha), nên Đức Giêsu toàn năng toàn quyền (phép tắc vô cùng).
Nói cách khác, bài hôm nay chúng ta sẽ học về việc Thiên Chúa tôn vinh Đức Giêsu, hay dùng một hình ảnh: Đức Giêsu toàn thắng vinh qui.
“Lên Trời” vì thế gắn liền với “Phục Sinh” và là một tiếp tục đương nhiên phải có. Đàng khác, xét về phương diện thực hữu, sau khi sống lại, Chúa Kitô đã thực sự sống trong thế giới thần linh, “thế giới của Thiên Chúa” rồi ! Câu nói “Ta chưa về cùng Cha Ta” (Ga 20,17) đó chỉ là một kiểu nói cho loài người sống trong không thời gian.
 1. Ý nghĩa việc Lên Trời
Thánh Kinh cho chúng ta nhiều ý nghĩa về việc Lên Trời của Chúa Kitô:
- Lên Trời như là một cuộc tôn vinh Chúa Kitô sau khi đã hoàn tất chương trình ý định của Thiên Chúa bằng cuộc tử nạn đau khổ nhục nhã để cứu thế (Pl 2,6-11 ; Cv 2,22-36 ; Lc 24,26).
- Với ý thức về Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, việc Lên Trời được kể lại như là việc trở lại tình trạng vinh hiển cũ của Con Thiên Chúa, sau thời gian che ẩn do việc Nhập Thể (Ga 6,62 ; 17,5).
- Việc Lên Trời còn được gắn liền với việc Trở Lại (Quang Lâm) để hoàn tất nơi mọi người Ơn Cứu Chuộc (Cv 1,11) : Chúa đi để “dọn chỗ” cho chúng ta (Ga 14,2) : dọn bằng cách ban Chúa Thánh Thần xuống để giúp ta ăn ở xứng đáng để có thể sống trong nhà Cha ngày Ngài trở lại trần thế.
- Thánh Phaolô còn cho ta một ý nghĩa khác nữa của việc Lên Trời : Chúa Kitô ngự trị như là một vị Chúa Tể trên tất cả mọi thụ tạo vô hình hay hữu hình, thần thánh, loài người và muôn vật… và ban phát nguồn ơn Cứu Độ và sinh lực cho tất cả (Ep 1,20-21 ; Cl 2,15 ; 1 Tm 3,16 ; Ep 4, 10).
- Sau hết, thư Do Thái coi việc Lên Trời như việc Chúa Kitô tiến vào Đền Thờ hoàn hảo vĩnh cữu với Của Lễ Hòa Giải vô giá… để chuyển cầu cho chúng ta (Dt 1,3-13 ; 4,14 ; 6,20 ; 9,24).
 2. Thể thức trình bày (Văn thể, bố cục)
 a. Đọc tài liệu
Trong bốn Thánh Ký, chỉ có hai Thánh Ký nói về việc Lên Trời, đó là Mac-cô và Lu-ca. Còn Mat-thêu thì kết thúc Phúc Âm ở cuộc hẹn hò trên núi ở Galilêa (miền Bắc) ; đang khi Gioan thì kết sách bằng cuộc đi dạo nói chuyện tâm sự ở bờ hồ Tibêriade, và cho biết là tám ngày sau khi sống lại Chúa còn hiện ra với các môn đệ (Ga 20,29) và lần hiện ra ở hồ Tibêriade là lần thứ ba (Ga 21, 14).
Trong hai Vị nói tới, thì Mac-cô nói rất vắn tắt, không nói rõ chỗ nào và sau khi sống lại bao lâu ? Còn về Lu-ca, thì đọc sách Phúc Âm ta có cảm giác Chúa Lên Trời ngay ngày Sống Lại (Lc 24) và ở gần Bêthania, nhưng theo Tông Đồ Công Vụ, thì ta biết Chúa Lên Trời sau khi sống lại 40 ngày (Cv 1,3) và chỗ Lên Trời là núi Cây Dầu (gần Giêrusalem) (Cv 1,12).
Về văn thể, ta cần đặt những đoạn văn đó vào hoàn cảnh lịch sử của nó, ta mới hiểu đúng được ý nghĩa sự việc.
Trước hết là kiểu nói “Lên Trời”, “Xuống Thế” : Nếu chúng ta hiểu “Trời” là “nơi Chúa ngự trị”, còn “thế” là “cõi trần” của chúng ta, và “lên, xuống” theo nghĩa Kính Chúa thì đặt Chúa ở trên còn ta ở dưới, hiểu như vậy thì kiểu nói “lên Trời, xuống thế” chả còn đặt thành vấn đề nữa ! (Như Kinh Lạy Cha hoặc Ga 3,13 ; 20,17).
Nhưng cái làm một số người ngày nay thắc mắc là cách hiểu theo nghĩa đen : “trời” là trời xanh, có tinh tú, có mặt trời, có mặt trăng…; và đem quan niệm tiến bộ về thiên văn của thế kỷ này áp dụng vào những kiểu nói thời xưa, mà nhiều khi rất gần những kiểu nói thi sĩ ngày nay : “Chúa nghiêng trời để bước xuống (Tv 144,5 ; St 17,22 ; Tv 104,3 ; Is 63,19).
Thế nhưng còn cái hiện tượng “Chúa lên trời có mây che” đàng hoàng, kể trong Tông Đồ Công Vụ 1,9 thì sao ? Phải chăng đó chả là hiện tượng máy bay hay nhất là hỏa tiễn ngày nay ? Và “Trời” đó chả đúng là “Trời” theo nghĩa đen ?
Có thể ! Nhưng chắc chắn người Do Thái thời đó không phải chỉ hiểu theo nghĩa đen như ta hiểu ngày nay. Nói “có thể”, vì rất có thể sự việc Chúa Lên Trời đã xảy ra như vậy thật, cũng như phép lạ Chúa đi trên mặt nước (Mt 14,25). Nhưng không phải Dân Do Thái khi nhìn hay nghe hiện tượng đó, mà chỉ hiểu theo nghĩa đen ! Vì nếu vậy, mắc mớ gì Thầy Cả Thượng Phẩm xé áo và tuyên bố là nói phạm thượng khi Chúa Giêsu nói : Ngài “sẽ đến trên mây trời” (Ga 26,64) ?
Khi Thánh Lu-ca kể lại sự việc Chúa Lên Trời  với chi tiết “đám mây che”, “tiếng thiên thần phán”…, không phải tác giả viết theo kiểu phóng sự nhà báo ngày nay, nhưng là theo cách thức của nhà thần học Thánh Kinh, “đám mây”, “thiên sứ” vốn là thuộc thành phần các yếu tố tạo khung cảnh cho Thiên Chúa tỏ mình ra trong Thánh Kinh (Xh 24,15-16 ; Lc 9,7 ; Dn 7,13 ; Mt 24,80 ; Kh 1,7). Những yếu tố đó có trong cuộc Đức Kitô về Trời, tức là nói  Đức Kitô là Thiên Chúa .
Sự kiện “bay lên khỏi đất” hoặc “bay lên Trời” là để nói Chúa về nơi Chúa ở trước (Trời là nhà Cha Ngài, Chúa không còn ở dưới trần thế như từ ngày Ngài Giáng Sinh cho đến hôm đó nữa)
Còn vấn đề “nơi” Chúa ở, “nhà” Cha, “Trời”… thực sự là nơi nào ? ở đâu ? chỗ nào ?
Điều đó thực sự không ai biết được ! và cũng chẳng hiểu được ! Đó chỉ là kiểu nói, là khái niệm của loài người, cho loài người, loài bị lệ thuộc vào không thời gian ! Thiên Chúa thiêng liêng (Ga 4,24) đâu có bị lệ thuộc vào không gian thời gian, mà nói chuyện nơi chốn ! Còn thế giới vật chất này sẽ được “biến đổi”, như xác ta và cả Trời Đất trong ngày sau hết do Sức Mạnh của Chúa Phục Sinh    (Ga 6,40 ; Kh 21,1.5), chúng ta biết được phần nào nơi xác Chúa Kitô sau ngày Sống Lại ! Lúc đó có cần nơi chốn, có còn kích thước không gian không ? Ai biết ! Ngay vấn đề vũ trụ này vô cùng hay có giới hạn ? Ngoài giới hạn đó là cái gì ? Mà chả lẽ có thứ con số vô cùng ?!… Đó là những vấn đề hiện thế mà làm ta điên đầu rồi ! Phương chi thế giới mai hậu, nay chưa có !
 b. Ý tứ thực sự cần ghi nhận
Giữa ngày Phục Sinh và ngày Lên Trời có một quãng cách thời gian, tuy Mầu Nhiệm Thăng Thiên theo nguyên tắc gắn liền với Mầu Nhiệm Phục Sinh. Quãng cách này trong thực tế, ta thấy có một ý nghĩa, đó là: nhờ khoảng thời gian đó, thời gian mà Chúa Giêsu Phục Sinh còn tiếp tục ở gần các môn đệ phần nào như xưa, để giúp các ngài có một ý niệm (mặc dầu không thể diễn tả được !) về cái thực hữu mới, thực hữu của thế giới Phục Sinh. Ý niệm này rất quan hệ vì Phục Sinh là cùng đích để người Kitô hữu tiến tới, và cũng là kết quả huy hoàng mà Chúa Kitô đã đoạt được bằng cái chết đau khổ (Lc 24,26) bằng cả đời sống đạo hạnh của Ngài (Dt 5,7-8 ; Pl 2,7-8). Cái thực hữu đó, cuộc sống Phục Sinh đó, dù là một thực hữu siêu việt không diễn tả được ở đời này, nhưng các môn đệ không thể chỉ biết được một cách mập mờ, chốc lát, trái lại, các ngài cần phải biết rõ, có kinh nghiệm nữa ! Có vậy các ngài mới thực sự là nền tảng cho Đức Tin của ta ngày nay.
Ấy là chưa nói đến những việc khác Chúa Kitô làm trong thời gian đó : việc đặt nền tảng vững chắc cuối cùng cho Giáo Hội của Ngài: trao quyền lãnh đạo thực sự cho Phêrô (Ga 21,15-17) ; trao quyền tha tội thực sự cho các tông đồ (Ga 20,22-23) ; cho lệnh khởi hành công cuộc chinh phục thế giới cho Phúc Âm (Mc 16,15-16). Thánh  Lu-ca kể lại vắn tắt là Chúa nói chuyện với các môn đệ “về nước Thiên Chúa” (Cv 1,3).
Sau thời gian cần thiết để hoàn thành những sự việc đó, Chúa Giêsu đã nói về Cha Ngài như lời Ngài nói:
“Ta về với Cha Ta cũng là Cha của các con, với Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa của chúng con”(Ga 20,17).
Các môn đệ vui mừng chờ ngày Chúa Thánh Thần được ban xuống như lời Chúa Giêsu hứa (Cv 1,4-5) và nhất là chờ ngày Chúa Giêsu trở lại (Cv 1,11 ; Kh 22,20).
Sự kiện Chúa lên Trời như Tông Đồ Công Vụ kể lại (Cv 1,9) chỉ là dấu chỉ hữu hình nằm trong bối cảnh trên: từ nay Chúa Giêsu không ở với các môn đệ như trước nữa, vì Ngài về nhà Cha để “dọn chỗ” cho ta. Tuy nhiên Ngài vẫn ở với các môn đệ bằng cách khác (Mc 16,20; Mt 28,20)
 Đề tài trao đổi
1. Bạn thử trả lời vấn nạn : “Chúa lên Trời ! Nhưng theo khoa học, trái đất cũng ở trên trời, vậy tại sao Chúa lại bỏ trái đất để về Trời?
2. Ngày nay Chúa vẫn còn ở với ta thế nào? Mặc dầu Thánh Kinh nói Chúa về Trời chưa trở lại?
3. Bao giờ Chúa trở lại?


GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 16 BỞI TRỜI LẠI XUỐNG PHÁN XÉT KẺ SỐNG VÀ KẺ CHẾT 

Nhận định
Tín điều trên gồm hai yếu tố tách biệt trong thời gian, nhưng sau lại liên kết mật thiết với nhau. Đó là :
·                                 Cuộc phán xét mọi người do Thiên Chúa, để thưởng hay phạt
·                                 Cuộc trở lại trần gian của Đức Kitô (Ngày Quang Lâm) để phán xét
Cựu Ước đã nói đến yếu tố thứ nhất. Và Tân Ước đã lặp lại điều Cựu Ước nói nhưng là để móc nối với yếu tố thứ hai. Nói cách khác “Ngày của Đức Giavê” đã trở thành “Ngày phán xét chung do Chúa Kitô trong Ngày Quang Lâm”.
Để giúp ta hiểu sâu rộng tín điều học hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu căn bản Thánh Kinh nói về “Ngày của Đức Giavê” (hay vấn đề Phán Xét trong Cựu Ước) và “Ngày Quang Lâm” (hay vấn đề Phán Xét trong Tân Ước)
NB: “Kẻ sống và kẻ chết” nghĩa là những người đang sống lúc Chúa đến và những người đã chết từ trước (1 Tx 4,15)
 1. Ngày của Đức Giavê
Theo Thánh Kinh “Ngày của Đức Giavê” là ngày Chúa của Israel sẽ đến để xét xử thưởng phạt : xét xử thưởng phạt Israel theo sự trung tín với Giao Ước hay không ; rồi xét xử các dân tộc khác theo sự đối xử với Dân của Chúa thế nào, có nhận quyền phép Chúa hay không?
 “Ngày của Đức Giavê” vì thế sẽ là “ngày  Giận dữ” (Is 2,9-11 ; Ca liên xướng Lễ Mồ), “Ngày ghê sợ” vì là ngày phạt tội (Am 5,18) “Ngày hạch tội” (Hs 4,1). Còn về phía người lành, vô tội, thì là ngày vui mừng (Tv 96,11-13 ; 98,7-9).
 Nhưng “Ngày của Đức Giavê”  còn là ngày do Đấng Cứu Thế, Vua hòa bình thiết lập (Is 9,5-6 ; 11,6-8), ngày Chúa tái tạo Dân Chúa từ nội tâm (Gr 31,31-34 ; Ed 36,26-27) đến thể xác (Ed 37,1-14), và cả trời đất nữa (Is 65,17 ; 66,22). Nhưng trước đó sẽ có cuộc thử thách lớn lao, một cuộc đua tài giữa Lành và Ác…, tiếp theo là cuộc Phán Xét của Thiên Chúa (Dn 7,15-27). Trong cuộc Phán Xét cuối cùng này, ta thấy xuất hiện một nhân vật bí nhiệm:
 “Con Người tiến tới Thiên Chúa để lãnh nhận mọi vương quyền” (Dn 7,13-14)
 Với phong trào Thánh Vịnh và sách Khôn Ngoan, với ý thức về trách nhiệm và thưởng phạt cá nhân (Ed 14,12 ; 18,1-4), chứ không phải chung toàn dân, từng dân…, chúng ta cũng nhận thấy tư tưởng “Ngày Đức Giavê” đến xét xử được áp dụng phần nào trong phạm vi từng cá nhân (Tv 43,1 ; 62,13 ; 35,24). Song tất cả đều là cuộc xét xử để bênh vực người công chính bị áp bức.
2. Ngày Quang lâm
 Hình ảnh “Con Người” bí nhiệm trong Dn 7,13-14 vào thời sau hết, được lấy lại trong Tân Ước dưới hai hình thức khác nhau :
·                                 Hình thức đã xảy ra và đang xảy ra.
·                                 Hình thức sẽ xảy ra vào ngày Quang Lâm.
 Vì “Con Người” tiên báo trong sách Daniel chính là Chúa Kitô. Vậy Chúa Kitô đã đến, “thời sau hết” đã đến (Dt 1,2; Cv 2,17) cùng với các điềm lạ trên trời (Cv 2,20).
 Cuộc Phán Xét cũng đã bắt đầu : Nước quỉ (hiện thân điều Ác) đã bắt đầu bị Chúa Kitô phá tan tành (Mt 4,1-11;13,41-42;12,28-30 ; Mc 1,24 ; Lc 11,21 ; Ga 12,31).
 Chúa Kitô là Thiên Chúa hiện thân cũng đã dứt khóat phân xử tội phúc : Ga 3,18-19 ; Mt 10,32 ; 11,22.24 ; 24,51 ; 25,12.30 ; 22,13. Chúa chúc phúc : Mt 5,3-12, hay nguyền rủa : Mt 23,13-32.
 Nhưng Chúa Kitô sẽ còn đến lại (Ngày Quang Lâm) (Cv 1,11) để hoàn tất nước Cha Ngài (1 Cr 15,28), sau một cuộc Phán Xét tối hậu và toàn diện do chính Ngài chủ tọa (Mt 24,30;25,31;Cv 10,42;17,31;2 Tm 4,1;1 Pr 4,5) vì Chúa Cha đã trao quyền xét xử cho Ngài (Ga 5,22.27). Trong bài nói về ngày Phán Xét cuối cùng, Chúa Giêsu đã nhắc lại mọi điềm đã được báo trước trong sách Daniel : thời gian thử thách đấu tranh trước ; kẻ chết sống lại (Dn 12,2 ; Ga 5,28-29), điềm trời, “Con Người” đến trên mây trời (Mt 24,15-31).
Qua những điều mạc khải trong Thánh Kinh, chúng ta ghi nhận :
·                                 Cuộc xét xử của Thiên Chúa nằm trong lịch sử do sự hiện diện của Chúa Thánh Thần (Ga 16,8-11).
·                                 Một cuộc xét xử cuối cùng trong Ngày Sau Hết.
·                                 Có cuộc xét xử riêng qua các dụ ngôn dạy phải tỉnh thức vì giờ chết bất ngờ (Mt 24,45-51 ; 25,1-13 ; 14,30).
·                                 Có hai số phận sau khi sống lại : thưởng hay phạt (Thiên Đàng, Hỏa Ngục).
·                                 Về luyện ngục, Thánh Kinh không nói rõ (1Cr 3,15), nhưng Công Đồng Lyon (1274) Florence (1445) Trente (1545-1563) đã nói rất rõ.
·                                 Một “thế giới mới”, một “nhân loại mới” sau cuộc chung thẩm ! Nước Chúa  hoàn hảo.
Đề tài trao đổi
1. “Ngày Quang Lâm” là ngày gì? Tại sao chúmg ta chờ ngày đó?
2. Những ai vui ai sợ ngày đó? Tại sao?

GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 17 TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN 

 Nhận định chung :
a. Như đã nói trước đây khi học về Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con  (bài 7 và 11), bài hôm nay thuộc phần Tuyên Xưng Đức Tin về Chúa Ba Ngôi. Vì thế, nếu phải nói cho rõ Tín Điều học đây, chúng ta phải nói :
“Tôi Tin Kính Đức Chúa Thánh Thần là Một Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa như Chúa Cha và Chúa Con”.
Hoặc theo cách diễn tả vắn tắt mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi:“Tôi Tin Kính Đức Chúa Trời là: Cha Con và Thánh Thần”
Như thế có nghĩa là : Chúa Thánh Thần cũng phải được tôn thờ như Chúa Cha hay Chúa Con ; nhưng Chúa Thánh Thần không phải Chúa Cha và Chúa Con ; nghĩa là nếu công việc tạo dựng, công việc là nguồn gốc phát sinh, được đưa về Chúa Cha ; công việc Cứu Thế được coi như việc Chúa Con ; thì Chúa Thánh Thần cũng sẽ có một công việc được coi như việc của Ngài. Chúng ta sẽ xem sau đây.
 b. Về tên “Chúa Thánh Thần” : “Thần” là Thần trí, tinh thần, tâm thần. “Thánh Thần” là Thần trí thánh, tinh thần, tâm thần thánh. “Chúa Thánh Thần” là do Mạc Khải ta biết được: “Thần trí thánh trong Thiên Chúa là một Ngôi Vị như Ngôi Cha, Ngôi Con, nên ta gọi Ngài là “Chúa Thánh Thần”.
 1.      Mạc Khải về Chúa Thánh Thần
Nếu tìm lại nguồn gốc tiếng mà Thánh Kinh dùng để gọi Ngôi Ba Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ phải trở lui xa hơn là chữ “Thần trí” hay tâm thần của tiếng Việt.
Tiếng Thánh Kinh (tiếng Do Thái, Hy Lạp và La Tinh)dùng để gọi Ngôi Ba có nghĩa gốc là “hơi thở của vật sống” (St 6,17; Tv 104,29-30; G 27,3) hay “gió” (St 3,8;Tv 104,3-4). Hơi thở thay đổi tùy theo tinh thần : tức giận, buồn… (St 41,48 ; 45,27 ; Tl 8,3). Hơi thở vì thế được dùng làm biểu dương cho mọi tinh thần, phần linh thiêng sống động trong con người, “hơi thở” lúc đó đồng nghĩa với “linh hồn” như ta nói ngày nay (Tv 31,6). Ở đây ta gặp được nghĩa gốc trong tiếng Việt : “Thở dài”, “thở ngắn”, “thở hổn hển”…, rồi “tắt thở”.
Thế nhưng, “tinh thần” dần dần như được nhân cách hóa. Lý do vì có những lúc đương sự như không làm chủ được tinh thần mình. Tinh thần được coi như một “sức mạnh vô hình” từ ngoài tới. Chính “tinh thần” này xâm nhập các vị lãnh đạo Dân Chúa : Các Án Quan (Tl 3,10 ; 11,29 ; 14,6), các Vua (1 Sm 11,6 ; 16,13), cả Đấng Cứu Thế được tiên báo (Is 11,2). Nhưng đặc biệt nhất là các Tiên Tri (Ed 11,5 ; Nh 9,30 ; Dc 7,12). Sách Khôn Ngoan nói : “Thánh Thần” huấn luyện (Kn 1,5) “Thánh Thần” chan hòa vũ trụ (Kn 1,7). Các Tiên Tri còn loan báo thời Giao Ước Mới, Thiên Chúa ban “Thần Trí” của Ngài cho ta (Ed 36,27 ; Ga 3,1-2).
Thế là công việc chuẩn bị của Cựu Ước cho việc Mạc Khải về Ngôi Ba Thiên Chúa đã đầy đủ, mà đồng thời vẫn bảo tồn được căn bản Độc Thần.
Với Tân Ước, công việc Mạc Khải về Chúa Thánh Thần sẽ hoàn toàn. Nhưng cũng như Mạc Khải về Chúa Con (bài 11), ý thức rõ ràng về “Thánh Thần” hoặc “Thần Trí” như là một Ngôi Thiên Chúa như ta có ngày nay, đã tiến triển từ từ, và không có phân điểm rõ ràng lúc nào là lúc ý thức đó dứt khóat.
Một hiện tượng đặc biệt là Ngày Hiện Xuống (Cv 2,1-4), ngày nhận sức mạnh từ trên ban xuống (Lc 24,49) : “Gió Mạnh”, nghĩa gốc nguyên thủy (Tv 104,3-4), “Lửa” : là những yếu tố thường xuyên trong những lần Thiên Chúa hiện ra. Các môn đệ đầy Thánh Thần nói tiếng lạ… (Cv 2,4), Thánh Phêrô coi như lời tiên tri Giô-en nói về thời sau hết, đã được thực hiện (Ge 3,1-5 ; Cv 2,16) ; Các Ngài họat động theo Thánh Thần (Cv 6,3 ; 9,17 ; 11,24-28 ; 13,9) ; hoặc chống lại Thánh Thần (Cv 7,51) chữ Thánh Thần dùng trên đây thực sự đã khác nghĩa Cựu Ước, nghĩa là để chỉ một ngôi vị chưa?
Rất có thể  khác rồi ! Nhưng chưa rõ ràng !
Muốn “là một ngôi vị” rõ ràng, chúng ta phải tìm ở những đoạn coi Thánh Thần ngang như một ngôi vị khác (Cv 5,32;15,28), Thánh Thần nói (Cv 10,19; Mt 10,20;Ga 15,26-27)hoặc sai phái (Cv 13,2.4). Hoặc trong thư Thánh Phaolô:  1 Cr 3,16; 5,19; 12,13; 2 Cr 1,22; 5,5 ; Gl 4,6-7 ; Rm 8,14-17)
NB : Công Đồng Constantinople I đã xác định (chống với bè rối do Macedonius cầm đầu) Thánh Thần là một Ngôi Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là nguồn sống siêu nhiên.
Và sau đó, Giáo Hội cũng có dịp giải thích rõ là Chúa Thánh Thần do Chúa Cha và Chúa Con mà ra (Ga 14,16; 16,13-15).
 2.      Chúa Thánh Thần trong chương trình của Thiên Chúa về loài người
Ngày nay, với mạc khải đầy đủ về Chúa Ba Ngôi, cách riêng về Chúa Thánh Thần là Ngôi Thứ Ba, chúng ta có thể nhìn ngược lại giòng lịch sử chương trình của Thiên Chúa, để nhận ra vị trí Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần đã hiện diện ngay từ nguyên thủy: Ngài hiện diện trong việc tạo dựng (St 1,2), Ngài là sự sống cho con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa (St 2,7). Sau đó Ngài đặc biệt ở với Israel, “con cả” của Chúa, Dân Riêng của Chúa : Ngài hướng dẫn các vị lãnh đạo, đặc biệt là các tiên tri như lời tuyên xưng trong Kinh Tin Kính Nicée: “Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy”. Chính Ngài hướng dẫn các Thánh ký ghi chép Thánh Kinh, cũng như chuẩn bị công việc đón nhận Đấng Cứu Thế.
Khi Chúa Giêsu đến, Chúa Thánh Thần đã có mặt thường xuyên trong cuộc đời Chúa Giêsu : lúc đầu thai     (Mt 1,20), dâng vào Đền Thờ (Lc 2,26), khai mạc đời sống công khai (Mt 12,28 ; Lc 4,14), cả với các môn đệ Chúa Giêsu (Lc 12,11-12).
Ngược lại chính Chúa Giêsu đã nói về địa vị Chúa Thánh Thần trong chương trình Thiên Chúa về loài người :
Chúa Thánh Thần là nguồn sống (Ga 4,10 ; 14,26) ; Chúa Thánh Thần sẽ cho ta biết sự thật đầy đủ (Ga 14,26 ; 16,13) ; Chúa Thánh Thần giúp các môn đệ, cùng các môn đệ làm chứng về Chúa Giêsu (Ga 16,8-11 ; 15,26-27) ; Chúa Thánh Thần sẽ thay thế Chúa Giêsu ở với ta (Ga 14,16-18).
Vì thế, chúng ta cần sống theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để có thể sống làm con Chúa (Rm 8,14-16).
Chính Chúa Thánh Thần sẽ làm cho ta được sống lại như Chúa Giêsu (Rm 8,11) ; cũng chính Ngài làmcho ta mong chờ tới ngày sống lại (Rm 8,23), ngày Chúa Giêsu trở lại để hoàn tất chương trình Thiên Chúa (Kh 22,17).
 Đề tài trao đổi
1. Bạn hãy tìm những đoạn Thánh Kinh nói về Thánh Thần là một Ngôi Thiên Chúa.
2. Chúa Thánh Thần làm những gì cho ta ?


GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 18 TÔI TIN CÓ HỘI THÁNH HẰNG CÓ Ở KHẮP THẾ NÀY š› 

Nhận định chung
Câu Kinh trên có thể diễn tả theo ngôn ngữ hiện nay : “Tôi tin có Giáo Hội Công Giáo”.
Tại sao phải tin có Giáo Hội Công Giáo ?
Giáo Hội Công Giáo có trơ trơ ra đó : Các người Công Giáo, rồi các vị lãnh đạo, các cơ sở, các tổ chức, các nghi lễ…!
Thấy đó, cần gì phải tin nữa ?
Không ! Tín Điều học hôm nay có ý tuyên xưng niềm tin vào “Mầu Nhiệm” Giáo Hội Công Giáo, mà Hiến Chế “Ánh Sáng muôn dân”, một văn kiện căn bản của Công Đồng Vatican II đã nói lên rõ ràng.
“Mầu Nhiệm” Giáo Hội bắt nguồn từ khởi nguyên Giáo Hội, tức là Ý Định của Thiên Chúa, và cứu cánh của Giáo Hội, tức tình trạng hoàn tất Ý Định của Thiên Chúa. Ý Định đó đã được Thánh Phaolô diễn tả một cách độc đáo trong Ep 1,3-14, hoặc một cách sâu sắc khác hẳn trong Ga 15-17, và cô đọng trong Thánh Giá Chúa Kitô và cuộc Phục Sinh của Ngài.
Thực sự, muốn hiểu Giáo Hội hiện nay, điều tối cần là không được quên nguồn gốc cũng như cứu cánh của Giáo Hội ! Nếu không để ý đến điều đó, người ta sẽ chỉ biết cái vỏ bề ngoài của Giáo Hội thôi, và coi Giáo Hội là một tổ chức xã hội không hơn không kém. Điều mà bao người thời nay đã lầm lẫn, và tai hại nhất, là chính người thuộc về Giáo Hội, nằm trong Giáo Hội cũng rất dễ bị lầm lạc như vậy !
 1. Nguồn gốc Giáo Hội
Giáo Hội Chúa Kitô một mặt hướng về phía trước và coi tất cả những hình ảnh, những điều loan báo do các Tiên Tri nay đã được thực hiện đầy đủ nơi Giáo Hội ; một mặt hướng về phía sau và chờ đợi ngày Chúa Kitô trở lại để hoàn tất những gì Ngài đã bắt đầu.
“Những hình ảnh, những điều loan báo” về Giáo Hội Chúa Kitô, chính là đời sống Dân Chúa trong Cựu Ước:
·                                 Một Dân được triệu tập và thành hình do lòng nhân từ của Thiên Chúa trong cuộc Xuất Hành vĩ đại sau lễ Vượt Qua (Xh 1,1…) và lễ Công Bố Lề Luật Giao Ước Núi Sinai, với việc “đóng ấn” của Máu hy vật (Xh 19,16-20 ; 21 ; 24,3-8).
·                                 Một Dân tiến về Đất Hứa dưới sự hướng dẫn và nuôi nấng săn sóc của Chúa qua trung gian Mai-sen.
·                                 Một Dân được các Tiên Tri thanh lọc bằng lời giảng dạychỉ giáo để chuẩn bị tiếp nhận Đấng Chúa hứa. Đấng sẽ tái tạo Dân Chúa trên căn bản hoàn vũ (Is 49,5-6).
·                                 Một Dân mà trong thực tế, qua những biến cố do Chúa hướng dẫn, đã thực sự được luyện lọc để tiến tới một tôn giáo theo tinh thần, bằng các cuộc Đi Đầy, và sẵn sàng mở rộng cửa đón nhận các khả năng mới của các dân tộc… bằng cách liên hệ với thế giới La Hy qua phong trào các sách Khôn Ngoan, mà đồng thời không quên Sứ Mệnh đặc biệt của Dân Chúa chọn (Sách Macabê, Ga 4,22).
 Tất cả những hình ảnh ấy đã trở thành Sự Thật nơi Chúa Giêsu và Giáo Hội Ngài lập ; một Giáo Hội hình thành qua biến cố Phục Sinh và Hiện Xuống. Phúc Âm cũng như Tông Đồ Công Vụ đã chứng minh rõ ràng biến cố này (Cv7,1-53)
 2. Cứu cánh của Giáo Hội
Một phương diện, Chúa Giêsu với Giáo Hội của Ngài chính là “thời sau hết” của chương trình Thiên Chúa (Cv 2,14-36 ; Gr 3,1-5). Nhưng theo một phương diện khác, Giáo Hội Chúa Kitô vẫn đang hướng về tương lai.
Vì quả thật, hoa quả đầu mùa (là Chúa Giêsu và Mẹ Maria) đã được gặt hái đưa về kho lẫm trên Trời (Mt 13,30; 1 Cr 15,20), nhưng còn chúng ta mới chỉ lãnh nhận “quả đầu mùa” Thánh Thần, chúng ta còn rên xiết chờ đợi… (Rm 8,18-27), và kêu lên Đấng sẽ phải trở lại: “A! Vâng! Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến” (Kh 22,20); Chúa Giêsu đến để hoàn tất Giáo Hội trong một cuộc tái tạo toàn diện “Trời Mới Đất Mới”.
Đang khi chờ đợi, ai có trách nhiệm lo chu toàn trách nhiệm (Mt  24,45-51), phải luôn luôn sẵn sàng (Mt 25,1-13), và mọi “nén bạc” Chúa trao phải lo phát triển đúng mức (Mt 25,14-30). Chúng ta có thể tóm tắt : Mầu NhiệmGiáo Hội là Mầu Nhiệm chương trình Yêu Thươngcủa “Đấnglà Tình Yêu” (1 Ga 4,8) muốn tiến tới một cuộc thôngban sự tốt lành Tình Yêu vô biên của Ngài cho tạo vật, ngày một nhiều hơn, cho đến một mực độ trọn vẹn : thực hiện thực sự trong Chúa Kitô và từ Chúa Kitô sang Giáo Hội qua các Bí Tích, đặc biệt là Phép Rửa Tội và Thánh Thể : Giao Ước, yêu thương Israel… rồi Chúa Kitô và Giáo Hội.
Đề tài trao đổi
1. Giáo Hội Công Giáo đã được báo trước trong Cựu Ước  thế nào ?
2 . Bạn hãy so sánh một bên Dân Israel, một bên Giáo Hội 

GIÁO LÝ TÍN LÝ: BÀI 19 CÁC THÁNH THÔNG CÔNG 
š›
Nhận định
Đây là một Tín Điều thêm sau này vào Kinh Tin Kính các Tông Đồ ; rất có thể lần thứ nhất là vào thế kỷ V hay VI tại Pháp.
Anh em Tin Lành không chấp nhận Tín Điều này, vì họ cho như thế là ngược với trách nhiệm cá nhân và có vẻ vật chất hóa sự thánh thiện ; đàng khác, nhiều tác giả coi việc cầu xin các Thánh (hậu quả của Tín Điều này) là một thứ Đa thần trá hình !…
 1.     Ý nghĩa Tín Điều
Theo Giáo Hội Công Giáo, Tín Điều “Các Thánh thông công” có ý nói lên niềm tin vào sự liên lạc siêu nhiên mật thiết, sống động giữa các phần tử trong Giáo Hội, còn sống hay đã qua đời mà vẫn còn giữ được ơn nghĩa với Chúa, như các thánh trên Trời, các linh hồn ở luyện ngục. Nói cách khác, Giáo Hội Công Giáo quả quyết: giữa ba Giáo Hội: chiến đấu, vinh hiển và đau khổ, có một mối liên hệ siêu nhiên mật thiết với nhau! Tiếng “các thánh” dùng ở đây là dùng theo nghĩa căn bản : những người được ơn thánh hóa, Ơn Nghĩa (2 Cr 13,12).
Tín Điều này là căn bản cho việc tôn kính và cầu xin các Thánh, việc cầu nguyện hy sinh cho các linh hồn nơi luyện ngục và việc cầu nguyện cho nhau. Đàng khác, cũng còn là căn bản cho lý thuyết về Ơn Xá. Vì chính tại mối liên hệ mật thiết giữa các thánh, ta và các linh hồn ở luyện ngục, mà ta mới có thể xin lễ, làm việc lành, cầu nguyện cho nhau được, và mới có thể nhờ công nghiệp của nhau được !
Căn bản Thánh Kinh sau đây giúp ta hiểu và nhất là vững niềm tin hơn nữa !
 2.    Căn bản Thánh Kinh
Ngoài căn bản mối liên đới tự nhiên rất mật thiết về đồng loại trong loài người với nhau, mối liên đới mà trật tự siêu nhiên chẳng những không loại bỏ mà còn đòi hỏi, đặc biệt như trong lý thuyết về Ơn Cứu Chuộc bằng Nhập Thể. Mối liên hệ còn mở rộng ra cả giữa mọi loài thụ tạo với nhau : Thiên Thần cũng vui vì tội nhân trở lại (Lc 15,10), mọi tạo vật chờ ngày giải thoát “con cái Chúa” (Rm 8,19-21) để được vào “Trời Mới Đất Mới” (Kh 21,1).
Sự liên hệ mật thiết giữa các phần tử trong Giáo Hộicòn có những nền tảng thật vững chắc trong Thánh Kinh.
a.    Trước hết là mối liên hệ của mọi “công dân” trong Nước Trời, Nước Chúa (Mt 4,23 ; 5,3 ; 6,10), Nước đó chính là Giáo Hội Chúa xây trên Phêrô (Mt 16,18-19) ; rồi nếu Thiên Chúa là Cha thì chúng ta là Anh Em trong gia đình (Mt 6,9) cùng hưởng gia nghiệp Cha (Rm 8,17) ; mối liên hệ giữa các tín hữu là mối liên hệ gia đình Cha trên trời
Đàng khác, Thánh Kinh nhấn mạnh đến lòng yêu thương bác ái không ranh giới và tha thiết đến như thế nào ! Gương mẫu yêu thương đó chính là Chúa Giêsu (Ga 15,12) Đấng đã chết cho ta, trở nên của nuôi ta, nên một với ta ! Như vậy mối liên lạc giúp đỡ, chuyển cầu, thông phần công nghiệp… cho nhau tại sao lại không có được ?!
 b.    Nhưng đặc biệt nhất, sự thông công giữa các “thánh” dựa trên sự liên kết chặt chẽ mỗi người tín hữu với Chúa Kitô. Sự liên kết chặt chẽ đến nỗi Thánh Phaolô đã ví với sự liên kết trong một cơ thể ! (1 Cr 12,12-27). Dù Thánh Phaolô có ý nói hay không có ý nói “Nhiệm Thể Chúa Kitô”, tư tưởng Thánh Phaolô vẫn là một !
Chúng ta đã nên một với Thân Thể phục sinh Chúa Kitô nhờ Phép Rửa Tội (1 Cr 12,13) và Phép Thánh Thể (1 Cr 10,16) : chúng ta là những phần trong một cơ thể ! Chúa Kitô là Đầu, Giáo Hội là thân thể Chúa (Ep 5,23.30 ; Cl 1,18.24). Nên Chúa coi các tín hữu như là chính Chúa (Cv 9,5).
Đề tài trao đổi
1. Tại sao chúng ta mừng lễ và cầu nguyện với các thánh? Xin lễ cầu hồn ?
2. Bạn hãy diễn tả như bạn hiểu mối liên hệ giữa mọi tín hữu có ơn nghĩa Chúa với nhau dù còn sống hay đã qua đời.

GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 20 TÔI TIN PHÉP THA TỘI 

Nhận định
Chữ  “Phép tha tội” làm cho ta nghĩ ngay tới Bí Tích Giải Tội như ngày nay. Nhưng Kinh Tin Kính đọc trong Thánh Lễ : “Tôi tin có một Phép Rửa để tha tội” cho ta thấy rõ hơn ! Đàng khác, nếu gọi Kinh Tin Kính  các Tông Đồ là vì phản ảnh lời giảng dạy của các Tông Đồ, thì đọc Tông Đồ Công Vụ, ta thấy : tín điều này còn phải hiểu rộng hơn nữa !
 Vì thế, có thể dịch tín điều trên là : “Tôi tin có sự tha tội” (dịch sát La ngữ) hoặc “Tôi tin có ơn tha tội” cũng như “tôi tin có Hội Thánh… có sự thông công giữa các tín hữu” (các thánh).
 1. Các tông đồ giảng ơn tha tội trong Chúa Kitô
 Sau khi loan báo Tin Mừng Phục Sinh, các Tông Đồ luôn kết bài giảng bằng việc kêu gọi : “Sám hối, trở lại, lãnh phép Rửa để được ơn tha tội” (Cv 2,38), hoặc “Sám hối trở lại để được xóa tội” (Cv 3,19) hoặc “tin vào Đức Kitô để được cứu” (Cv 4,12), “được ơn tha tội” (Cv 10,43 ; Mc 16,16).
 Quả thật, danh xưng “Giêsu” tước hiệu “Cứu Thế” (Giêsu=Thiên Chúa cứu) (Mt 1,21 ; 1,31.77 ; Ga 4,42) của Đức Kitô đủ nói lên sứ mạng căn bản của Ngài liên quan với “Ơn Tha Tội” thế nào ? Ngài thí mạng sống làm của lễ đền tội (Mt 20,28), đổ máu ra để có ơn tha tội (Mt 26,28). Chính Chúa đã tha tội (Lc 7,48-50 ; Ga 8,11 ; Lc 23,43) đặc biệt để ý và thương xót người có tội (Mt 9,13 ; 21,31 ; Lc 15,7), ăn uống với họ (Mt 9,11 ; 11,19), bênh vực họ nữa (Lc 7,44-47 ; 15,32). Trước khi về Trời, Chúa còn ban cho Giáo Hội quyền tha tội để tiếp tục ban phát Ơn Tha Tội (Ga 20,23).
 2. Tha tội là tha gì ?
 Muốn hiểu “Ơn tha tội”, ta phải biết tội là gì ?
 Ở đây, chúng ta không có ý nói về cả cái quá trình của ý niệm về tội lỗi, ý niệm đã là một yếu tố căn bản của Mạc Khải trong Thánh Kinh ; chúng ta cũng không có ý tìm hiểu tội theo ý niệm siêu hình.
 Nhưng chỉ ôn lại ít nhiều kiểu diễn tả của Tân Ước để giúp ta có ý niệm xác đáng về tội. Ơn tha tội, chính là ngược lại ý niệm tội.
·             Tội là một món nợ phải trả (Mt 28,23-35; Lc 7,41-50) Tha tội là tha nợ (Mt 6,12)
·             Tội là mỗi lần sa ngã (Mt 5,29-30)
·             Tội là một vết nhơ (Mt 23,26-28 ; Kh 7,14)
·             Tội làm mất sự sống, hạnh phúc (Mt 7,13) ; làm cho con người phải chết (Rm 5,12), bệnh hoạn đưa tới chết, là hình ảnh sự chết (Lc 5,23). Tha tội, cứu khỏi tội, là mang sự sống tới (Ga 10,10b)
·             Tội làm sa hỏa ngục (Mt 10,28)
·             Tội là bỏ nhà Cha (Lc 15)
·             Tội là rơi vào vòng nô lệ (Ga 8,34)
·             Tội làm trở nên con cái ma quỉ (Ga 8,41.44)
·             Tội là không nhìn nhận Chúa Giêsu (Ga 8,24;9,39-40)
·             Tội là làm ngược Chúa Thánh Thần (Ga 16,8-9)
·             Sau hết, tội đã thống trị tất cả mọi người (Rm 3,9-20; Gl 3,22)
NB : chúng ta nên ghi nhận đặc biệt : “Tội là không nhìn nhận Chúa Giêsu”. Đây là điểm đặc sắc của Tân Ước và của Phúc Âm thứ tư cách riêng (Ga 1,1-18).
 “Tôi tin có Ơn Tha tội”, chính là lời tuyên xưng niềm tin vào sự hiệu nghiệm của công ơn Cứu Chuộc của Đức Kitô, niềm tin tưởng và chờ đợi tất cả những gì Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta, mà tội đã là một cản trở không cho ta lãnh nhận !
 Nhưng “tôi tin có ơn tha tội” đặc biệt trong hiện tại! Nghĩa là ơn tha tội được ban phát do Giáo Hội của Chúa, đặc biệt qua các Bí Tích Rửa Tội, Giải Tội và Xức Dầu (khi khẩn cấp).
 Đề tài trao đổi
1. Bạn hãy giải thích câu “Trong Chúa Kitô chúng ta có ơn tha tội”.
2. Ơn tha tội hiện nay được ban phát trong Giáo Hội thế nào?



GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 21 TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI NGÀY SAU SỐNG LẠI 
š›
Nhận định
 Theo nguyên văn bản Kinh Tin Kính La ngữ (bản Việt là bản phiên dịch) phải dịch là : “Tôi tin có sự sống lại của thể xác”. Chữ ngày sau thêm vào đây có lẽ là do ảnh hưởng chữ “ngày sau hết” mà Chúa Giêsu đã nói nhiều lần khi hứa cho ta sống lại (Ga 6,40.44.54).
Đàng khác, nếu mang so sánh với Kinh Tin Kính trong Thánh Lễ, chúng ta sẽ thấy mối bận tâm về “xác thịt” (sống lại) không còn, mà chỉ nói : “sự sống lại của người chết”. Phải chăng sự nhấn mạnh đến “xác thịt” (sống lại) là để nhắc rõ cho những người nhận ảnh hưởng văn hóa thời đó (coi thể xác như ngục tù cần phá hủy của hồn thiêng) nhớ rõ là thể xác cũng được Chúa cứu chuộc? Hay chữ “xác thịt” ở đây chỉ đơn sơ là kiểu nói của Do Thái để thay cho “loài người”? (Ga 1,14).
 1. Thánh Kinh nói gì về cuộc Phục Sinh của con người ?
a.      Về sự kiện Phục Sinh
Chúng ta ghi nhận những điểm này : Chúa Thánh Thần ở trong ta chính là nguyên nhân làm cho ta cũng được sống lại như Chúa Kitô (Rm 8,11) nên gọi Chúa Thánh Thần là “quả đầu mùa” (Rm 8,23) là “Của cầm” (Ep 1,14). Việc Chúa Kitô đã sống lại chính là bảo đảm chắc chắn có sự sống lại của người chết ( 1 Cr 15,12-22) ; sách Khải Huyền nói :
“Biển sẽ trả lại những người chết nó vẫn giữ, Tử Ngục (Âm Phủ) cũng trả lại những người chết nó giam giữ” (Kh 20,11-15) ; Phúc Âm Thánh Gioan ghi lại :“Có ngày những người nằm trong mồ sẽ ra khỏi mồ theo tiếng gọi của Con Người” (Ga 5,28-29) và nữa: “Ai tin Chúa Con sẽ được sống đời đời và Chúa Con sẽ cho nó sống lại ngày sau hết” (Ga 6,40-44).
 b.      Về quang cảnh sống lại
Thánh Phaolô có nói tới, nhưng là bằng kiểu cách thuộc loại thể văn Khải Huyền: có kèn đồng thổi, có tiếng thiên thần, rồi đi lên mây gặp Chúa trên không trung… (1Tx 4,15-17 ; 1 Cr 15,52).
 c.       Về bản chất sống lại
Thánh Phaolô chỉ nói tới xác người lành sống lại sẽ được biến đổi ; biến đổi thế nào tùy ý Chúa! Thánh Phaolô chỉ dẫn chứng là Chúa dựng nên nhiều thứ thể xác khác nhau và kết luận sẽ có “thể xác thiêng liêng”. Có lẽ Thánh Phaolô lúc đó có trong óc kinh nghiệm trên đường Đa-mát (Cv 9,1…) và liên tưởng tới những lần Chúa hiện ra sau khi sống lại mà Ngài đã được nghe nói tới (1 Cr 15,5-7).
Còn tác giả sách Khải Huyền thì diễn tả theo lối văn Khải Huyền : Ao lửa…, Giêrusalem mới…, Trời Mới Đất Mới… (Kh 20, 11-15 ; 21,22).
 d.     “Mầm mống” sự sống lại
Theo Thánh Phaolô, sự kiện Phục Sinh đã khởi đầu trong ta ngay từ bây giờ do Bí Tích Rửa Tội (Cl 3,1-4 ; Rm 6,11). Thánh Gioan coi việc yêu thương nhau chính là dấu chỉ “ta đã qua sự chết tiến vào sự sống” (1 Ga 3,14).

2. Thực trạng Phục Sinh
Như bài 14 trước đây chúng ta đã nhận định về Mầu Nhiệm Phục Sinh như là một Mầu Nhiệm theo nghĩa gốc của chữ…, nhân dịp nói về sự Phục Sinh của Chúa Kitô.
Ở đây, đến lượt Phục Sinh của chúng ta, lại một lần nữa chúng ta quay nhìn về thực trạng đời sống của chính chúng ta trong thế giới được tái tạo do Ơn Phục Sinh của Chúa.
Với Ơn Phục Sinh, chúng ta biết chắc chắn chúng ta sẽ thoát khỏi đời sống “sống sót”, kéo dài, trong “Ngục Tổ Tông” (Tv 89,49 ; Ga 7,9 ; Gv 9,10 ; Ga 10,21…) hoặc chốn “Âm Phủ” hay cảnh đi lang thang… như niềm tin mãnh liệt của các dân tộc Đông Phương cách riêng !… Chúng ta cũng khỏi còn tiếc xót đời này hay sợ chết… như những người không tin tưởng (1 Tx 4,13) ! Chúng ta cũng khỏi cần chạy đi cầu cứu niềm tin nơi đạo giáo này hay chủ thuyết khác (Ep 4,14), chạy theo vị cứu tinh này hay vị cứu tinh nọ (Mt 24,23-24).
Nhưng Ơn Phục Sinh không làm cho ta thành những “Ông Thần” (kiểu như thành Phật khi vào Niết Bàn) ! Ơn Phục Sinh không làm cho loài hữu hạn thành Đấng Vô Biên ! Vì Chúa Kitô Phục Sinh đã “trở về với Cha của Ngài và cũng là Cha của chúng ta, Chúa của Ngài và cũng là Chúa của chúng ta” (Ga 20,17).
 Đề tài trao đổi
Niềm hy vọng, sự chờ đợi lớn nhất của người Kitô hữu là gì? Bạn hãy nói rõ bạn dựa vào đâu để chờ đợi như vậy?


GIÁO LÝ TÍN LÝ. BÀI 22 TÔI TIN HẰNG SỐNG VẬY 

“Tôi tin có đời sống vĩnh cửu” ! Đây là điều khoản cuối cùng của bản Tuyên Xưng Đức Tin Công Giáo các Tông Đồ. “Đời sống vĩnh cửu” đây trước hết là một đời sống sẽ không hết, không chếtbao giờ nữa ; nhưng cũng còn là một đời sống hạnh phúc hoàn toàn, vì là đời sống Phục Sinh trong nhà Cha trên Trời, chứ không phải chỉ sống kéo dài lay lắt…, kiểu như niềm tin linh hồn bất tử ở dưới âm phủ !
 “Không chết” và “hạnh phúc hoàn toàn”, đó là hai ý niệm gắn liền với nhau của “Đời Sống Vĩnh Cửu” theo niềm tin Công Giáo.
 1. Chúa là nguồn mọi sự sống
 Sách Sáng Thế (1-2) cho ta thấy Chúa là nguồn gốc mọi sự sống : Chúa cho vật này sống thế này, vật kia sống thế nọ… ; Ngài ban phát sự sống theo như ý muốn. Tác giả Thánh Vịnh 104 (câu 29.30) sau này đã diễn tả tuyệt hảo :
“Chúa quay mặt đi, muôn loài khiếp sợ, Chúa rút hơi thở (sự sống), là chúng chết liền và trở về bụi đất. Chúa trả lại hơi thở, chúng được tạo sinh, và thế là Chúa cải tạo mặt đất!”
 Riêng đối với loài người, Chúa ban sự sống hoàn toàn hơn mọi vật : ngoài sự sống sinh hồn như cây cối, động hồn như loài vật, Chúa còn ban sự sống linh hồn như loài thiêng. Đây chính là điểm mà Thánh Kinh nói : Chúa dựng nên loài người giống hình ảnh Chúa ! Vì linh hồn bất tử, Thánh Kinh diễn tả ý niệm đó qua hình ảnh “Cây Sự Sống” Chúa trồng cho loài người giữa vườn Địa Đàng (St 2,9.22) và lời Chúa đe sẽ “phải chết”, nếu không vâng lời Chúa (St 2,17 ; 3,3). Nếu cứ sống như Chúa chỉ bảo, thì loài người đâu có phải chết, vì Chúa ban Ơn Bất Tử (=Cây Sự Sống) rồi.
 Thế nhưng loài người đã sa ngã… : án lệnh là “Sẽ chết !” (St 3,19 ; Rm 5,12 ; Kn 2,24), và “Cây Sự Sống” bị truất hữu (St 3,24).
 Loài người từ ngày đó mơ tưởng trường sinh bất tử…! (Xem các khát vọng tôn giáo của loài người, các bùa bả, phù chú… rồi cả những lời cầu chúc, các thần thoại “Đào Tiên”, “Đào Nguyên”, “Vườn Đào”, “Cực lạc”, “Chín Suối”…! Hay cố gắng khoa học tìm cách chống bệnh già của các tế bào !…), và cố bám víu vào đời sống dù chỉ kiếpphù du và đầy đau khổ (St 3,17-19) : Con người sẵn sàng hy sinh mọi thứ để cứu mạng sống ! Và khi tạm có, con người lo cho cuộc sống đó hạnh phúc tốt đẹp hơn mãi.
 Cái chết kè kè, luôn luôn đe dọa bằng đủ mọi thứ bệnh hoạn nguy hiểm đau khổ càng gia tăng khát vọng sống ! Sống mãi và sống hạnh phúc ! Con người văn minh tuyệt đỉnh thế kỷ 21 này, hay con người còn đang bán khai chậm tiến, khát vọng sống vẫn là khát vọng sâu sa nhất, thấm thía nhất, mãnh liệt nhất !
 2. Chúa hứa ban lại sự sống Vĩnh Cửu và vì thế “Tôi tin có sự sống Vĩnh Cửu” cho loài người
 Chúa Giêsu đến, là để mang lại cho ta sự sống Vĩnh Cửu!
 “Chúa Cha… ban Con Ngài cho thế gian, để thế gian… được sự sống đời đời” (Ga 3,16) ; “Lời hứa của Thiên Chúa với anh em : đó là hứa cho đời sống Vĩnh Cửu” (1 Ga 2,25) ; “Ai chiến thắng, ta cho ăn quả Cây Sự Sống” (Kh 2,7b). Chúa ban cho ta sự sống vĩnh cửu, sự sống đó ở trong Con Chúa (1 Ga 5,11 ; Ga 17,2 ; Rm 6,23 ; 7,24).
 Chính Chúa Giêsu cũng nói :
“Ta đến để chúng được sống, và sống dồi dào hơn” (Ga 10,10b)      “Ta là bánh ban sự sống không chết bao giờ” (Ga 6,48-54.58)
 Vậy chúng ta phải làm gì để được sự sống vĩnh cửu đó?
 Phải tin nhận Thiên Chúa và Đấng Thiên Chúa sai đến là Đức Kitô (Ga 17,3) ; hay vắn tắt : Tin vào Con Thiên Chúa (Ga 3,16 ; 6,35.40 ; 20,31 ; 11,25-26), Đấng bị treo lên (Ga 3,15), Đấng ban nước hằng sống (Ga 4,14). Nước Thánh Thần (Ga 7,38-39), Đấng ban Phép Rửa để tái sinh trong nước và Thánh Thần (Ga 3,3). Vì thế phải tuân giữ lời Chúa dạy, nhất là về luật yêu thương (1 Ga 3,15) các điều răn của Chúa (Lc 10,25-28) vì như vậy ta sẽ được ở trong Chúa để có sự sống như cành nho và cây nho (Ga 15,5-6.10.12). Sau hết phải trung tín với Chúa đến liều chết (Ga 12,15). Vì chết rồi Ngài sẽ cho sống lại, vì Ngài là Sự Sống lại (Ga 11,25-26). Vì ngoài Chúa Kitô ra không ai có thể cứu sống được chúng ta (Cv 4,12)
 Ngày nay, với cuộc Phục Sinh Lên Trời của Chúa, chúng ta đã biết Đời Sống Vĩnh Cửu Chúa sẽ ban cho ta là một Đời Sống thực sự bất tử và hoàn toàn hạnh phúc thế nào.
 Đề tài trao đổi
Chúa hứa ban đời sống vĩnh cửu cho ta, phải chăng chỉ có việc ngồi yên chờ đợi, hay ta còn phải làm gì ? Ta cộng tác thế nào để thực sự được Đời Sống Vĩnh Cửu?


GIÁO LÝ TÍN LÝ - PHỤ LỤC A (LỄ CÁC THÁNH) 

 Mừng Lễ Các Thánh, ta quay nhìn về những người đã có thời sống như ta : hưởng ánh sáng mặt trời như ta hôm nay, thở khí trời như ta hôm nay..., nhưng hiện giờ họ đã tới đích. Họ là những người không đi trật đường (1 Cr 9,26 ; 2 Tm 4,7) ; họ đã tới đích phải tới !
Nhìn lại phía ta đang sống, sống cùng với anh em ta, đang quay cuồng với thực tại của đời sống với bao đam mê... : Ta tự hỏi rồi Vũ trụ này sẽ đi về đâu ? Loài người này sẽ đi về đâu ? Phải chăng, muốn thành thánh như các vị thánh, chỉ có thể khi ta như những con người đơn độc được may mắn văng ra khỏi chiếc xe chở cả nhân loại gắn liền với thế giới vạn vật ngoại tại ? Thế vậy “chiếc xe vĩ đại” chạy theo giòng thời gian kia sẽ lôi kéo số nhân loại còn lại, cùng với muôn vật đi về đâu ? Có một đích nào phải tới không ? Đích đó liên hệ với các vị thánh ta kính hôm nay thế nào?
Đây là một lối nhìn toàn diện của Đức Tin Công Giáo. Ta thường bị ảnh hưởng của thuyết cá nhân chủ nghĩa : các thánh cũng như mỗi người chúng ta chỉ có liên lạc đơn độc với Chúa, với Đích Cùng của con người ! Mà quên ơn Cứu Độ cho Dân Chúa như một tập thể, cho nhân loại như là thực thể cộng đồng và thực thể đó gắn liền với thế giới vạn vật ngoại tại như cách nhìn của Thánh Kinh (Rm 8,19-22; Ep 1,10; Kh 21,1-8 ; Is 11,6-9).
 1. Vũ trụ này sẽ đi về đâu? Loài người này sẽ đi về đâu?
 Khi nhìn qua ống kính khoa học ta mới thấy thế giới vạn vật tuyệt vời  đến độ nào ? Quả là những kỳ công của Chúa cực khôn ngoan và toàn năng !
Tuyệt vời vì tinh vi, tài tình : một con kiến chạy lăng xăng tìm mồi, một bông hoa mầu sắc tuyệt diệu, một hạt muối kết tinh đúng kiểu... Ấy là chưa nói đến những luật vật lý về điện lực tạo ra đủ thứ máy móc về âm thanh, hình ảnh, ánh sáng, sức nóng, sức lạnh, sức lao động v.v... cho tới cách sắp đặt tuyệt diệu chứa sức mạnh vô song của hạt nguyên tử !
Tuyệt vời vì con số nhiều, vì kích thước khổng lồ thách thức mọi trí tưởng tượng ! Ngày nay với kỷ nguyên không gian chớm nở, con người chập chững  bước đầu của con đường vạn vạn lý, ngàn ngàn dặm... khi con người thứ nhất đặt chân lên mặt trăng, chúng ta cứ tưởng là mình mơ ! Nhưng nếu không mơ, mà sự thật đó không phải mơ, thì... !
Nhưng đấy mới chỉ là con người lý trí quan sát nhất định ! Nếu chúng ta thử để mình cảm vạn vật nữa!... Với cảnh say đắm dật dờ dưới ánh trăng, hay tung tăng bơi lội trong dòng nước mát, hoặc đắm chìm trong suối nhạc, lạc theo những âm thanh, ngập chìm trong ánh sáng muôn mầu...
Lúc đó ta hãy tự hỏi : vạn vật này đi về đâu ? Vạn vật tuyệt vời này Chúa đã dựng nên cho loài người, vạn vật đó sẽ trở thành vô ích đối với loài người, vì Chúa sẽ hủy bỏ chúng đi? Vì Chúa sẽ đưa loài người ra xa chúng? Hay là chúng sẽ được Chúa bảo tồn, được Chúa vì loài người và cho loài người, làm cho chúng thành “Trời Mới Đất Mới”?
Nhưng còn chính Loài người ?
Một loài có thể tóm gọn vào trong mình rất nhiều những tuyệt vời của vạn vật do sự hiểu biết, yêu thích và tập luyện.
Con người quả là bông hoa của vũ trụ vô hồn ! Con người với bao cao quý, bao vẻ đẹp làm ta say mê hơn tất cả vũ trụ bao la ! Mà con người lại là một loài hứa hẹn có thể tiến bộ thêm gân như vô cùng ! Bao phát minh khoa học ! Bao tiến triển và suy tư ! Bao sâu sắc, tinh tế, sung túc về tâm tình !...
Nhưng cũng con người tuyệt phẩm trong vạn vật đó, luôn khắc khoải về số phận mình, về hạnh phúc mình !
Con người đó ! Cái Loài người đó ! Sẽ đi về đâu ?
 2. Ấn Độ giáo, Phật giáo bảo loài người sẽ đi vòng quanh, đi luẩn quẩn, vì là “luân hồi”...
 Thiên Chúa Giáo, Kitô Giáo cho biết rõ đích tới của vạn vật cũng như của loài người.
Muôn loài bởi Chúa dựng nên, và Chúa là Chúa khôn ngoan làm việc có mục đích chứ không phải người khùng làm việc mà không có ý định gì. Mục đích của Chúa chính là đích tới cho tạo vật.
Trong Thánh Kinh Chúa đã tỏ cho ta thấy đích cùng đó !
Chúa Giêsu sẽ trở lại (Ga 14,3 ; Cv 1,11) vào ngày giờ Ngài ấn định (Cv 1,7) để lập Nước Thiên Chúa (1 Cr 15,24) hoàn hảo thánh thiện (Ep 1,4.10) với cuộc Phục Sinh của thể xác con người (Ga 6,39) và cuộc tái tạo của muôn vật (Rm 8,19-21) đó là “Trời Mới Đất Mới” (2 Pr 3,13 ; Kh 21,1).
Nói cách khác, tạo vật này sau khi đã bị chúc dữ do tội loài người, ông chủ của chúng (St 3,17) đã được Chúa Cứu Thế đến cứu bằng cách chẳng những tái lập tình trạng cũ, mà còn đưa đến tột đỉnh  của sự tốt đẹp mà tạo vật có thể lãnh nhận được (Ga 10,10), đó là Ơn Phục Sinh thánh thiện vinh hiển của loài người trong ơn Nghĩa Tử (Rm 8,17) và cuộc tái tạo muôn vật (Kh 21,5) trong ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu, ngày sau hết !
Trong khi chờ đợi, và thời gian sẽ còn kéo dài, cho tới “Ngày sau hết” nói trên, chúng ta sẽ làm gì ? Nhất định chúng ta không thể ngồi yên trông chờ một cách thụ động : cũng như ơn cứu chuộc của ta đâu có phải chỉ là việc của Chúa, trái lại còn là việc của ta nữa: ta phải cộng tác thực sự với Ơn Chúa.
“Trời Mới Đất Mới” sẽ còn là việc của ta, cũng như cuộc Phục Sinh vinh hiển đòi ta cố gắng sống theo như Chúa dạy. Không phải mọi người lành dữ đều Sống lại Vinh Hiển, lên Trời hưởng gia tài Chúa Cha ! Nhưng muốn được sống lại làm Con Chúa trong nhà Cha, chúng ta phải thực hiện ý Cha (Mt 7,21).
Trời Đất này đã vì tội con người mà bị chúc dữ (St 3,17; Rm 8,20), cũng như thân xác con người đã vì tội của chính mình mà phải chết. Bấy giờ trong công việc tái tạo cùng với Ơn Chúa, con người phải nỗ lực cộng tác để đưa thân xác đên cuộc Phục Sinh và muôn vật đến Trời Mới Đất Mới! Cuộc Phục Sinh cá nhân, mỗi người phải thực hiện hằng ngày trong đời sống (Rm 6,11-14); “Trời Mới Đất Mới” mỗi người sẽ phải đóng góp phần của mình bằng hành động thực hiện một xã hội công bằng bác ái hơn, tươi đẹp hơn, phát triển hơn.
Các thánh trên Thiên Đàng đã thi hành phần cộng tác Chúa ấn định riêng cho các Ngài. Còn phần của ta, Chúa chờ ta hoàn tất : ta gặt hoa trái các thánh gieo, nhưng để rồi lại gieo hạt giống khác cho mùa gặt của thế hệ sau ta : cả kẻ gieo, người gặt, đều được vui mừng khi tới ngày mùa toàn diện (Ga 4,36 ; Mt 13,30.39)
Công cuộc phát triển trần thế mà Giáo Hội, từ sau Công Đồng Vatican II, đã phát huy mạnh mẽ trên thế giới hợp lực với muôn vàn người thiện chí theo ơn Chúa soi sáng trong Lương Tâm (Rm 2,14-15), công cuộc Phát Triển đó phải được đặt vào trọng tâm viễn tượng “Trời Mới Đất Mới”.
Chúng ta đừng quên, Ơn Cứu Chuộc chúng ta chỉ thực sự hoàn tất với cuộc Phục Sinh thể xác ngày sau hết trong một Trời Mới Đất Mới (Rm 8,23-24; Kh 21,1-5) ngày Chúa Giêsu trở lại trần gian này.
 Đề tài trao đổi
   Bạn hãy nói rõ ràng, tại sao Chúa để bạn sống ở trần gian này? Để bạn làm gì cho bạn? Và cho nhân loại?





GIÁO LÝ TÍN LÝ - PHỤ LỤC B (LỄ GIÁNG SINH) 

š›Để tìm hiểu cách diễn tả của Thánh Gioan về việc Con Chúa xuống thế như “ánh sáng chiếu vào đêm tối” (Ga 1,5) thì trước hết chúng ta tìm hiểu “Ánh Sáng” trong Thánh Kinh có ý tứ thế nào ? Sau đó chúng ta mới tìm hiểu tình trạng “Ánh Sáng chiếu vào đêm tối”.
 1. “Ánh Sáng” trong Thánh Kinh
Trước hết là một quả quyết căn bản : ánh sáng do Chúa dựng nên (St 1,3), mặt trời là nguồn Ánh Sáng như ta có ngày nay, cũng do Chúa dựng nên (St 1,16). Như thế là loại bỏ mọi thứ thần thoại về Thần Ánh Sáng, thần Mặt Trời !
Là tạo vật Chúa dựng nên đầu tiên, vì thế Ánh Sáng đặc biệt phụng vụ Chúa trong những lần Chúa xuất hiện, hoặc dưới hình lửa cháy (St 15,17 ; Xh 19,18 ; Ed 1,13), hoặc như áo che phủ Chúa (Tv 104,2), hoặc như phản ảnh giúp ta diễn tả Chúa (Tv 4,7) diễn tả ơn Chúa (Ds 6,25 ; Tv 31,17).
Được hưởng ánh sáng (Chúa dựng nên) có nghĩa là sinh ra ở đời (G 3,16) còn sống (Tv 56,14), và ngược lại chết là cõi tối tăm (G 10,22). Ánh sáng và sự sống vì thế liên hệ với nhau.
Ánh sáng cho ta thấy mọi sự : sự hiểu biết, sự thật giúp trí khôn ta thấy các vấn đề ; vì thế sự hiểu biết do lời dạy dỗ cho biết sự thật, cũng được coi như ánh sáng, và người dạy sự thật là người ban sự sáng (Is 42,6 ; 49,6).
Do liên hệ “ánh sáng – sự sống”, “ánh sáng – sự thật” mà các Tiên Tri tả thời cứu thế sau này là thời đầy ánh sáng. Đấng Cứu Thế là Ánh Sáng soi muôn dân (Is 9,1) chỉ có ngày mà không có đêm tối (Dcr 14,7). Chính Thiên Chúa sẽ là nguồn Ánh Sáng cho Dân Ngài (Is 60,19-20), lời xét xử của Chúa là ánh sáng muôn dân (Is 51,4).
Chúa Giêsu đến, và những lời Tiên Tri về thời Cứu Thế đã ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu :
Ngài là Ngôi Lời ban sự sống, ánh sáng cho muôn loài     (Ga 1,4-5)
 2. “Ánh Sáng chiếu vào đêm tối”
Thánh Gioan công bố “Ánh Sáng lớn mà dân đi trong đêm tối đã thấy” của Is 9,1 nay đã thành sự thật ! Chúa Giêsu đến trong thế gian như ánh sáng chiếu vào đêm tối ! Tất cả những sự việc xảy ra trong đời Chúa Giêsu, cho chính Ngài hay cho loài người chúng ta, đều giống hệt như “Ánh Sáng của Thiên Chúa chiếu vào đêm tối loài người”.
Ánh Sáng là sự sống do Chúa Giêsu mang xuống. (Ga 1,4)
Đêm tối là sự chết do tội loài người gây nên. (Rm 5,12)
Hai ý niệm : “Sáng – Sống” và “Tối – Chết”, được loan báo trong Cựu Ước, bây giờ là sự thật trong đời sống Đức Kitô. Cụ già Si-mê-on cũng báo tin sự thật đó, khi cụ nói :
“Con trẻ này sẽ đưa đến sự sa ngã và sự chỗi dậy cho nhiều người” (Lc 2,34)
 Chúng ta có thể dễ dàng theo dõi những hậu quả của “Ánh Sáng chiếu vào đêm tối”.
 Ánh Sáng phá tan đêm tối : cho con người từ tối tăm vào ánh sáng (Ga 12,46 ; 1 Pr 2,9 ; Cl 1,13), kêu gọi con người từ bỏ việc tối tăm (2 Cr 6,14 ; Ep 5,11) mặc lấy phương tiện sự sáng (Rm 13,12), vì ánh sáng soi cho biết đường đi (Ga 11,9-10 ; 12,35) biết việc mà làm (Ga 9,4) ; đường đưa tới sự sống (Ga 8,12). Chính Chúa Kitô là  Ánh Sáng thế gian (Ga 9,5 ; 8,12). Chính Chúa là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống (Ga 14,6). Lời Chúa là Sự Thật (Ga 17,17), Chúa có lời ban Sự Sống (Ga 6,68). Ai đón nhận Chúa, nghe lời Chúa, yêu thương, người đó sống trong ánh sáng (1 Ga 2,10-11), trở thành con cái sự sáng (Ga 12,36 ; 1 Tx 5,5), con cái Chúa (Ga 1,12).
 Nhưng Ánh Sáng cũng cho thấy mọi bí ẩn trong tâm hồn con người (Lc 2,32-35), cho thấy rõ việc xấu tốt, những người xấu cố chấp sẽ xa lánh ánh sáng (Ga 3,19 ; 8,9). Họ là những người cố tình mù, sống trong tối tăm tội lỗi (Ga 9,40). Họ ghét Ánh Sáng (Ga 3,20) và tìm cách hủy diệt Ánh Sáng (Ga 8,40 ; 19,15). Nhưng Chúa Phục Sinh đã trở thành nguồn sáng bất diệt, những người ghét ánh sáng, ưa tối tăm, chỉ còn cách đi vào đêm tối (Ga 13,30 ; Lc 22, 53 ; Mt 25,30).
 Đề tài trao đổi
Chúa Giêsu là ánh sáng cho thế gian như thế nào ? Bạn Bạn hãy trình bày theo như bạn hiểu. Bạn hãy cố gắng nói đầy đủ hết sức.

Lm An tôn Trần Văn Trường (gp Đà Nẵng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét