Trang

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIII : PHÁT BIỂU CỦA GIÁO CHỦ ANH GIÁO


Thượng hội đồng: phát biểu của Giáo Chủ Anh Giáo

Hôm qua, ngày 11 tháng 10, tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Tân Phúc Âm Hóa, Giáo Chủ Anh Giáo, Tổng Giám Mục Tiến Sĩ Rowan Williams, đã có lời phát biểu thật đầm ấm như sau: 

Kính thưa Đức Thánh Cha, kính thưa các nghị phụ, thưa anh chị em trong Chúa Kitô, thưa các bạn

1. Tôi rất hân hạnh được Đức Thánh Cha mời lên tiếng trong Thượng Hội Đồng này: như Thánh Vịnh Gia từng viết “Anh em xum họp một nhà bao là tốt đẹp bao là vui tươi”. Cuộc tụ họp các giám mục trong Thượng Hội Đồng vì lợi ích của dân thánh Chúa Kitô là một trong những định chế nâng đỡ sự lành mạnh của Giáo Hội Người. Và ngày hôm nay, chúng ta không thể quên cuộc tụ họp vĩ đại “anh em một nhà” là Công Đồng Vatican II, một công đồng đã làm rất nhiều cho sự lành mạnh của Giáo Hội và giúp Giáo Hội phục hồi thật nhiều năng lực để công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô một cách hữu hiệu trong thời đại ta. Đối với rất nhiều người thuộc thế hệ của tôi, kể cả ở bên ngoài Giáo Hội Công Giáo Rôma, Công Đồng ấy là một dấu chỉ của hứa hẹn lớn lao, một dấu chỉ cho thấy Giáo Hội đủ mạnh để tự đặt cho mình những câu hỏi hắc búa xem liệu nền văn hóa và cơ cấu của mình có thích đáng đối với trách vụ chia sẻ Tin Mừng với tâm thức phức tạp, đôi khi nổi loạn, luôn luôn bất an của thế giới hiện đại hay không. 

2. Xét về nhiều phương diện, Công Đồng Vatican II là một tái khám phá sự quan tâm và lòng say mê truyền bá phúc âm, tập chú không những vào việc canh tân chính đời sống của Giáo Hội mà còn cả tính khả tín của nó trên thế giới nữa. Các bản văn như Lumen Gentium Gaudium et Spes đã đặt để một viễn kiến mới mẻ và hân hoan về việc làm thế nào để thực tại bất biến Chúa Kitô đang sống trong Nhiệm Thể của Người trên mặt đất qua hồng ân Chúa Thánh Thần có thể nói một ngôn ngữ mới với xã hội thời ta và cả với những người thuộc các tín ngưỡng khác. Năm mươi năm sau, điều không ngạc nhiên là ta vẫn còn vật lộn với khá nhiều những câu hỏi như thế và với nhiều hệ luận của Công Đồng; và theo tôi, quan tâm của Thượng Hội Đồng này về việc tái phúc âm hóa là một phần của cuộc khám phá liên tục do gia tài Công Đồng để lại. 

3. Nhưng một trong các phương diện quan trọng nhất của thần học Công Đồng Vatican II là việc canh tân nền nhân học Kitô Giáo. Thay thế cho quan điểm tân kinh viện đôi khi khá căng thẳng và giả tạo về việc ơn thánh và tự nhiên liên hệ ra sao trong cấu trúc nhân bản, Công Đồng đã xây dựng trên những cái nhìn thông sáng vĩ đại của một nền thần học muốn quay về với những nguồn cổ xưa và phong phú hơn, tức nền thần học của những thiên tài linh đạo như Henri de Lubac, người từng nhắc ta nhớ ý nghĩa thực sự khi Kitô Giáo tiên khởi và Trung Cổ nói tới nhân loại như đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và nói tới ơn thánh như sức mạnh hoàn thiện và hiển dung hóa hình ảnh ấy, một hình ảnh đã quá lâu bị cái phi nhân thường tình của chúng ta bao phủ. Dưới sự soi sáng ấy, công bố Tin Mừng là công bố rằng cuối cùng ta đã có thể làm người nhân bản một cách thích đáng: đức tin Công Giáo và Kitô Giáo quả là một nhân bản thuyết đích thực, nói theo thuật ngữ của một thiên tài khác thuộc thế kỷ vừa rồi, Jacques Maritain. 

4. Ấy thế nhưng de Lubac mới là người hiểu rõ điều trên muốn nói gì. Ta không thay thế trách vụ phúc âm hóa bằng một chiến dịch “nhân bản hóa”. Ông đặt câu hỏi: “Nhân bản hóa trước khi Kitô giáo hóa ư? Nếu việc này thành công, Kitô Giáo sẽ tới quá trễ: chỗ đứng của nó sẽ bị lấy mất. Và ai dám nghĩ rằng Kitô Giáo không có giá trị nhân bản hóa?” De Lubac đã viết như thế trong tuyển tập tuyệt diệu của ông “Các Nghịch Lý Của Đức Tin”. Chính đức tin sẽ lên khuôn công việc nhân bản hóa và công trình nhân bản hóa sẽ trống rỗng nếu không có câu định nghĩa về nhân loại được đưa ra trong Adong Thứ Hai. Phúc âm hóa, dù là cũ hay mới, đều phải bắt rễ trong niềm tin tưởng sâu xa rằng ta có một số phận nhân bản khác biệt để chứng tỏ và chia sẻ với thế giới. Có rất nhiều cách để chi tiết hóa điều này, nhưng một cách vắn tắt, tôi muốn được cô đọng vào một khía cạnh đặc biệt. 

5. Làm nhân bản trọn vẹn phải là được tái tạo theo hình ảnh nhân tính của Chúa Kitô; mà nhân tính này chính là “dịch bản” nhân bản hoàn hảo nhất mối liên hệ của Chúa Con đời đời với Chúa Cha muôn thuở, một mối liên hệ tự hiến cho nhau đầy yêu thương và thờ kính, một tràn đổ sự sống cho Người Khác. Như thế, nhân tính mà ta đang lớn lên trong Chúa Thánh Thần, nhân tính mà ta đang tìm cách chia sẻ với thế giới như hoa trái ơn cứu chuộc của Chúa Kitô chính là một nhân tính chiêm niệm. Thánh Edith Stein từng nhận định rằng ta bắt đầu hiểu được thần học khi ta coi Thiên Chúa như “thần học gia đầu hết”, như người thứ nhất nói lên thực tại sự sống thần linh, vì “mọi nói năng về Thiên Chúa đều đòi có việc Thiên Chúa nói về chính Người trước”; một cách loại suy, ta có thể nói rằng ta bắt đầu hiểu được chiêm niệm khi ta coi Thiên Chúa là người chiêm niệm đầu hết, là khuôn mẫu trường cửu của việc chú ý vô vị kỷ tới Người Khác, một sự chú ý không đem lại sự chết mà là sự sống cho chính bản ngã mình. Mọi sự chiêm niệm về Thiên Chúa đòi trước đó phải có việc Thiên Chúa tự biết và tự ngắm nhìn mình một cách chăm chú và đầy hân hoan trong đời sống Ba Ngôi. 

6. Chiêm niệm như Chúa Kitô từng chiêm niệm là mở lòng ra đón nhận sự viên mãn mà Chúa Cha muốn đổ đầy vào trái tim ta. Với tâm trí trở thành tĩnh lặng và sẵn sàng tiếp nhận của ta, với những tưởng tượng tự vẽ của ta về Thiên Chúa và về ta được dẹp bỏ, cuối cùng ta sẽ tới điểm bắt đầu lớn lên. Và khuôn mặt ta cần tỏ ra với thế giới là khuôn mặt của một nhân tính không ngừng lớn lên trong yêu thương, một nhân tính hân hoan và dấn thân nhờ vinh quang của điều ta đang mong đợi đến nỗi ta sẵn sàng khởi đầu cuộc hành trình khôn nguôi để tìm đường vào sâu hơn trong nó, vào sâu hơn tâm điểm của sự sống Ba Ngôi. Trong 2Cor 3:18, Thánh Phaolô nói tới việc “với khuôn mặt hết bị che phủ, phản ảnh được vinh quang Thiên Chúa” ta sẽ được hiển dung bằng một ánh quang càng ngày càng rạng rỡ hơn. Đó là khuôn mặt ta muốn bày tỏ với các anh chị em đồng nhân bản của ta. 

7. Và khi mưu tìm điều đó, ta không đi tìm một thứ ‘trải nghiệm tư riêng’, một thứ trải nghiệm làm ta cảm thấy yên ổn hay thánh thiện. Ta mưu tìm nó vì trong sự chăm nhìn đến quên mình ánh sáng Thiên Chúa trong Chúa Kitô, ta học được cách biết nhìn nhau và nhìn toàn bộ sáng tạo của Thiên Chúa. Trong Giáo Hội sơ khai, người ta hiểu rõ điều này: ta cần tiến từ cái hiểu và cái nhìn về chính mình, một cái hiểu và cái nhìn vốn dạy ta phải nghiêm trị các bản năng và thèm muốn xấu xa, để tiến qua sự ‘chiêm ngắm tự nhiên’ vốn nhận ra và tôn kính sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong trật tự thế giới và giúp ta nhìn thực tại tạo dựng theo bản chất thực sự của chúng trong tầm nhìn của Thiên Chúa, chứ không theo cách ta có thể sử dụng hay thống trị được chúng. Và từ đó, ơn thánh sẽ hướng dẫn ta bước vào nền thần học đích thực, tức thinh lặng chiêm ngắm Thiên Chúa, vốn là mục tiêu của mọi hình thức làm môn đệ của chúng ta. 

8. Trong viễn tượng này, chiêm niệm không phải chỉ là một loại sự việc được Kitô hữu thực hành: nó chính là chìa khóa mở cả cầu nguyện, phụng vụ, nghệ thuật lẫn đạo đức học, chìa khóa đưa ta vào yếu tính của nhân tính đổi mới, một nhân tính có khả năng nhìn thế giới và mọi chủ thể khác trong thế giới với thái độ tự do, tự do thoát khỏi các tập quán chỉ biết hướng về mình, tham lam vơ vét, thoát khỏi cái nhìn méo mó do chúng mà ra. Nói một cách mạnh dạn hơn, chiêm niệm là giảp đáp tối hậu duy nhất cho thế giới ảo và điên loạn mà các hệ thống tài chánh và nền văn hóa quảng cáo cũng như các xúc cảm hỗn loạn và bất tra vấn của ta đang khuyến khích ta cư trú. Học thực hành chiêm niệm là học biết điều ta cần để sống đích thực, chân thực và đầy yêu thương. Đây là một vấn đề có tính cách mạng sâu xa. 

9. Trong cuốn tự truyện của mình, Thomas Merton mô tả một kinh nghiệm không lâu sau khi ông gia nhập đan viện, nơi ông sẽ sống suốt cuộc đời còn lại của mình (Elected Silence, tr.303). Lúc ấy ông bị cúm và phải nằm bệnh xá ít ngày và, ông bảo, ông cảm thấy “một niềm vui bí ẩn” vì biến cố này giúp ông cơ hội cầu nguyện, và “làm mọi điều tôi muốn làm, mà không phải chạy khắp chốn để trả lời chuông gọi”. Ông buộc phải nhìn nhận rằng thái độ này cho thấy: “Mọi thói xấu của tôi… đã lẻn theo vào đan viện với tôi và đã cùng mặc áo dòng với tôi: tham ăn tham uống linh đạo, thèm khát linh đạo, hãnh diện linh đạo”. Nói cách khác, ông vẫn cố gắng sống cái lối sống Kitô hữu với trang bị xúc cảm của một ai đó vẫn còn tha thiết đi tìm thỏa mãn cá nhân. Đây quả là lời cảnh cáo mạnh mẽ: ta cần hết sức thận trọng trong việc phúc âm hóa của mình không những chỉ thuyết phục người ta qui cho Thiên Chúa và đời sống tinh thần mọi hoài mong kịch tính, phấn khích và tự khen mình mà xưa nay ta thường qui về chính mình trong cuộc sống hàng ngày. Điều này còn được phát biểu mạnh mẽ hơn nữa cả mấy thập niên trước bởi học giả Mỹ về tôn giáo là Jacob Needleman, trong cuốn sách gây tranh cãi và đầy thách thức của ông tựa là Lost Christianity: Lời Thiên Chúa nói với những con người nhân bản “chưa hiện hữu”. Nghĩa là: muốn đáp ứng một cách tự hiến đối với các đòi hỏi của Tin Mừng, ta phải biến đổi toàn bộ bản ngã ta, cả cám xúc, tư tưởng lẫn tưởng tượng. Trở lại với đức tin không đơn giản chỉ có nghĩa là thủ đắc một mớ tín điều, mà là trở nên một con người mới, một con người hiệp thông với Thiên Chúa và người khác nhờ Chúa Giêsu Kitô. 

10. Chiêm niệm là yếu tô nội tại trong diễn trình biến đổi này. Học cho biết nhìn lên Chúa mà không tìm thoả mãn tức khắc cho chính mình, học cho biết truy tìm và hiểu rõ các thèm khát và mơ tưởng ở trong tôi, là để Thiên Chúa là Thiên Chúa, và do đó là để cho lời cầu nguyện của Chúa Kitô, để cho mối liên hệ của chính Thiên Chúa với Thiên Chúa, sống động trong tôi. Cầu xin Chúa Thánh Thần là cầu xin Ngôi Ba Thiên Chúa bước vào tinh thần tôi và ban cho tôi sự minh mẫn tôi cần có để nhìn rõ tôi đang ở đâu trong cảnh nô lệ cho các thèm muốn và mơ mộng của mình, đồng thời ban cho tôi sự nhẫn nại và tĩnh lặng khi ánh sáng và tình yêu Thiên Chúa chiếu rọi cuộc sống nội tâm của tôi. Chỉ khi nào những điều ấy bắt đầu xẩy ra, tôi mới được giải thoát khỏi quan điểm chỉ biết nhìn ơn Chúa như một loạt sự vật mà tôi cần có để làm mình được hạnh phúc, hay để thống trị người khác. Và khi diễn trình đó bắt đầu khởi động, tôi sẽ được tự do hơn, nói theo kiểu nói của Thánh Augustinô (Confessions IV.7), để “yêu những con người nhân bản theo lối nhân bản”, yêu họ không phải vì những điều họ hứa hẹn với tôi, yêu họ không như thể họ ở đó để cung cấp cho tôi sự yên ổn và thoải mái lâu dài, mà như những đồng tạo vật mỏng dòn được bao bọc trong tình yêu Thiên Chúa. Như trên đã nói, tôi khám phá ra cách biết nhìn người khác và các sự vật khác trong tương quan của họ với Thiên Chúa, chứ không với tôi. Chính ở đây, công lý và tình yêu đích thực mới có gốc rễ. 

11. Bộ mặt nhân bản mà Kitô hữu muốn phơi bày với thế giới là bộ mặt có vóc dáng của nền công lý và tình yêu ấy, và do đó, là bộ mặt được tạo hình nhờ chiêm niệm, nhờ khoa thinh lặng và xa lánh những đối tượng vốn tìm cách nô dịch nó, xa lánh các bản năng bất tra vấn vốn tìm cách phỉnh gạt nó. Nếu phúc âm hóa là việc trình bày với thế giới khuôn mặt nhân bản “không bị che phủ”, khuôn mặt phản ảnh khuôn mặt Chúa Con hướng về Chúa Cha, thì nó phải mang theo mình một cam kết nghiêm chỉnh để phát huy và nuôi dưỡng việc cầu nguyện và thực hành này. Không cần phải nói rằng không nên coi biến đổi bên trong quan trọng hơn hành động cho công lý; đúng hơn, cần nhấn mạnh rằng sự minh mẫn và nghị lực ta cần có để thực thi công lý buộc ta phải dành chỗ cho sự thật, cho thực tại Thiên Chúa bước vào. Nếu không, việc ta tìm kiếm công lý và hòa bình sẽ trở thành một thao tác khác của ý chí con người, chịu ảnh hưởng của chính việc con người tự lừa dối mình. Hai lời kêu gọi ấy không thể tách rời nhau, chúng là lời kêu gọi “cầu nguyện và hành động công chính” như vị tử đạo Thệ Phản Dietrich Bonhoeffer vốn gọi, trong bài viết trong tù năm 1944 của ông. Cầu nguyện chân thực sẽ thanh tẩy mọi động lực, công lý chân thực là việc cần thiết để chia sẻ và giải thoát nơi người khác nhân tính ta đã khám phá được trong cuộc gặp gỡ chiêm niệm của mình.

12. Ngày nay, những người biết ít và ít quan tâm tới các định chế và hàng giáo phẩm của Giáo Hội thường lại bị lôi cuốn và chịu thách thức bởi những cuộc đời biết biểu lộ một điều gì đó của cái biết và quan tâm này. Các cộng đồng tôn giáo mới mẻ và đổi mới đang vươn rộng cánh tay hữu hiệu ra để giao tiếp với những con người chưa bao giờ biết tín ngưỡng hay từng bỏ xó tín ngưỡng cho thành trống rỗng và mòn chán. Khi lịch sử Kitô Giáo của thời ta được viết ra, liên quan tới Âu Châu hay Bắc Mỹ, dù không những ta sẽ thấy việc làm chứng tại các nơi như Taizé hay Bose quan trọng và chủ yếu như thế nào, nhưng còn cả việc làm chứng tại các cộng đồng có tính truyền thống hơn từng trở thành tâm điểm cho việc thăm dò nhân tính một cách rộng rãi và sâu sắc hơn là thói quen xã hội cho phép. Các hệ thống linh đạo vĩ đại như Sant’Egidio, Focolare, Comuione e Liberazione (Hiệp Thông và Giải Phóng), cũng biểu lộ cùng một hiện tượng; chúng dành chỗ cho một viễn kiến nhân bản sâu sắc vì trong nhiều cách thế khác nhau, các hệ thống này đều đề xuất ra các lối sống cá nhân và cộng đoàn nhằm để cho thực tại Giêsu trở thành sống động trong ta. 

13. Và, như các điển hình trên đã chứng tỏ, sự lôi cuốn và thách thức ta đang đề cập ở đây có thể đem lại các dấn thân và phấn kích dọc dài qua hết mọi hệ phái tuyên tín lịch sử. Ngày nay, ta đã quen thuộc với việc nói đến tầm quan trọng nhất thiết của phong trào đại kết thiêng liêng (spiritual ecumenism); nhưng không được hiểu đây là việc đối nghịch thiêng liêng với định chế, cũng không phải là việc thay thế các dấn thân chuyên biệt bằng cảm thức chung chung về một thứ tình đồng đạo Kitô Giáo mơ hồ. Nếu ta có được sự hiểu biết cứng cáp và phong phú về ý nghĩa chân thực của từ “thiêng liêng”, vốn bắt nguồn từ những hiểu biết thông sáng của Thánh Kinh như các hiểu biết trong đoạn thư thứ 2 gửi tín hữu Côrintô đã trích dẫn trên đây, ta sẽ hiểu đại kết thiêng liêng là việc cùng nhau tìm cách nuôi dưỡng và duy trì khoa chiêm niệm với hy vọng sẽ vén mở được khuôn mặt của nhân tính mới. Và càng duy trì khoảng cách giữa các Kitô hữu của các tuyên tín khác nhau, thì khuôn mặt trên càng ít thuyết phục được ai hơn. Một tháng trước đây, tôi có dịp nhắc tới phong trào Focolare: quí vị hẳn còn nhớ: đòi hỏi căn bản trong nền linh đạo của Chiara Lubich là “làm cho bạn trở nên một”, một với Chúa Kitô chịu đóng đinh và bị bỏ rơi, qua Người, một với Chúa Cha, một với tất cả những ai được mời gọi bước vào sự hợp nhất này và do đó, một với những nhu cầu thâm hậu nhất của thế giới. “Những ai sống hợp nhất… sẽ sống bằng cách tự để mình luôn thẩm thấu ngày một hơn vào chính Thiên Chúa. Họ luôn lớn lên trong việc xích gần lại Chúa… Và càng xích gần Chúa, họ càng xích gần lại trái tim anh chị em mình” (Chiara Lubich: Essential Writings, tr.37). Thói quen chiêm niệm sẽ tước bỏ mọi mặc cảm tự tôn thiếu suy nghĩ đối với các tín hữu khác và các suy diễn coi mình chả có gì để học hỏi nơi họ. Bao lâu thói quen chiêm niệm giúp ta coi mọi cảm nghiệm như một ân ban, ta luôn nên tự hỏi xem anh chị em ta có gì chung với ta, ngay cả anh chị em vì cách này hay cách khác phân rẽ với chúng ta hay với những gì chúng ta coi là cần để được hiệp thông trọn vẹn. “Bao là tốt đẹp bao là vui tươi…”.

14. Trong thực hành, điều này có thể có nghĩa: bất cứ nơi nào có sáng kiến vươn bàn tay mới mẻ ra chào đón công chúng Kitô đã bỏ đạo hay hậu Kitô Giáo, thì nơi đó nên có những cố gắng nghiêm chỉnh giúp những vươn cánh ấy đặt được nền tảng trên các thực hành chiêm niệm đại kết chung. Song song với phương cách nổi bật trong đó Taizé từng khai triển ra “nền văn hóa” phụng vụ quốc tế mà đại đa số tín hữu có thể sử dụng, một hệ thống như Cộng Đồng Thế Giới Suy Niệm Kitô Giáo (the World Community for Christian Meditation, tắt là WCCM), vốn có gốc rễ và đoàn viên mạnh nơi Dòng Biển Đức, cũng mở ra nhiều khả thể tươi mát mới ở đây. Quan trọng hơn nữa, cộng đồng này còn hết sức cố gắng biến thực hành chiêm niệm ngang tầm với của trẻ em và giới trẻ, và điều này cần được khuyến khích hơn nữa. Tại các trường học ở Đại Anh, sau khi được tận mắt chứng kiến cảnh trẻ em sốt sắng đáp ứng lời mời gọi suy niệm của truyền thống này, tôi tin rằng tiềm năng của việc dẫn đưa giới trẻ vào sâu trong đức tin quả là rất lớn lao. Và đối với những người đã lạc xa việc đều đặn thực hành đức tin bí tích, các nhịp điệu và thực hành của Taizé hay của WCCM thường là đường trở về với trái tim và lò sưởi bí tích. 

15. Trong các thực hành trên, điều mà người thuộc đủ loại tuổi công nhận là khả thể được sống một cách nhân bản hơn, sống với ít não trạng thủ đắc vơ vét hơn, sống với nhiều không gian cho tĩnh lặng hơn, sống với hoài mong được học hỏi, và trên hết, sống với ý thức rằng có một niềm vui vững chắc và bền bỉ cần được khám phá ra trong khoa tự quên mình, một khoa thật khác xa với việc được thỏa mãn xung động này hay xung động nọ ngay lúc này. Nếu việc phúc âm hóa của chúng ta không mở cửa cho những điều đó, nó liều mình chỉ tổ cố gắng duy trì đức tin trên căn bản một mớ những thói quen nhân bản không được biến cải, với tất cả những hậu quả quen thuộc mà Giáo Hội vốn đã phải nhìn một cách không vui như bao định chế phàm trần nào khác, lo lắng, bận bịu, đua tranh và khống chế. Theo một nghĩa hết sức quan trọng, công cuộc phúc âm hóa đích thực của ta sẽ luôn là việc tái phúc âm hóa chính chúng ta trong tư cách Kitô hữu, một tái khám phá tại sao đức tin của ta lại khác biệt, lại có tính hiển dung, một tái khám phá ra nhân tính mới mẻ của chính chúng ta.

16. Và dĩ nhiên, nó diễn ra một cách hữu hiệu nhất khi ta không đặt kế hoạch hay đang vật lộn để có nó. Xin một lần nữa trở lại với de Lubac: “Người đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của thời mình là một ai đó không trước nhất tìm cách đáp ứng chúng” (Đã dẫn, tr.111-112); và “người tìm thành thật, thay vì tìm sự thật trong việc quên mình, giống như người tìm cách tự tách mình ra khỏi thay vì mở lòng mình ra cho yêu thương” (tr.114). Kẻ thù của mọi việc công bố Tin Mừng là chỉ biết đến mình và theo định nghĩa, ta không thể vượt thắng được kẻ thù này bằng cách chỉ biết đến mình nhiều hơn. Ta phải trở lại với Thánh Phaolô và tự hỏi: “Ta đang nhìn đâu đây?” Có phải ta đang lo âu nhìn các vấn nạn của thời nay, những dị bản khác nhau của lòng bất trung hay các đe dọa đối với đức tin và luân lý, sự yếu kém của định chế? Hay ta đang nhìn vào Chúa Giêsu, vào khuôn mặt không bị che phủ của hình ảnh Thiên Chúa mà dưới ánh sáng của khuôn mặt này ta có thể nhìn thấy hình ảnh khác đang phản chiếu nơi ta và nơi người hàng xóm của mình?

17. Một cách đơn giản, điều trên nhắc ta nhớ rằng phúc âm hóa luôn là một tuôn trào từ một điều gì khác, từ hành trình của môn đệ tiến tới trưởng thành trong Chúa Kitô, một hành trình không được tổ chức bằng cái tôi tham vọng nhưng là kết quả của ơn Chúa Thánh Thần đánh động và lôi kéo trong ta. Trong việc chúng ta xem sét làm thế nào để một lần nữa ta có thể làm cho Tin Mừng của Chúa Kitô trở thành quyến rũ một cách lôi kéo đối với mọi người nam nữ thời ta, tôi hy vọng ta sẽ không bao giờ quên làm nó thành quyến rũ đối với chính chúng ta, với mỗi người chúng ta trong các thừa tác vụ khác nhau của mình. Nên tôi xin chúc qúy vị vui tươi trong các cuộc thảo luận này, không phải chỉ minh mẫn hay hữu hiệu trong việc đặt kế hoạch, mà cả niềm vui vì lời hứa được nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô, và vì viễn tượng được thấy ứng nghiệm niềm vui hiệp thông với nhau tại đây và bây giờ.
Vũ văn An (vietcatholic.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét