21/08/2016
Chúa Nhật tuần 21 thường niên năm C
(phần I)
Bài Ðọc I: Is 66, 18-21
"Chúng dẫn tất cả anh em
các ngươi từ mọi dân tộc đến".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Chúa phán: "Ta đã biết
các việc làm và tư tưởng của chúng; Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ:
chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta. Ta sẽ đặt nơi chúng một dấu lạ, Ta
sẽ sai một số trong những người được giải thoát đến các dân ngoài biển, bên Phi
châu và Lyđia, là những dân thiện xạ, đến Ý-đại-lợi và Hy-lạp, đến những hòn đảo
xa xăm, đến với những kẻ chưa nghe nói về Ta, và chưa thấy vinh quang của Ta.
Chúng sẽ rao giảng cho các dân biết vinh quang của Ta, sẽ dẫn tất cả anh em các
ngươi từ mọi dân tộc đến như của lễ dâng cho Chúa, họ cỡi ngựa, đi xe, đi võng,
cỡi la, cỡi lạc đà, đến núi thánh của Ta là Giêrusalem, khác nào con cái Israel
mang của lễ trong chén tinh sạch vào nhà Chúa, Chúa phán như thế. Trong những
dân đó, Ta sẽ chọn các tư tế, các thầy Lêvi: Chúa phán như vậy". Vì chưng
lời Chúa rằng: Cũng như Ta tạo thành trời mới, đất mới đứng vững trước mặt Ta
thế nào, thì dòng dõi ngươi và danh tánh các ngươi sẽ vững bền như vậy".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2
Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
Xướng: 1) Toàn thể chư dân, hãy
khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người. - Ðáp.
2) Vì tình thương Chúa dành cho
chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. -
Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 12, 5-7, 11-13
"Chúa sửa dạy ai là kẻ Người
yêu mến".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, anh em đã quên
lời yên ủi tôi nói với anh em, như nói với những người con rằng: "Hỡi con,
con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách
con; vì Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm
con". Trong khi được sửa dạy, anh em hãy bền chí. Thiên Chúa xử sự với anh
em như con cái: vì có người con nào mà cha không sửa phạt. Ngày nay, hẳn ai
cũng coi việc sửa dạy là nỗi buồn khổ, hơn là nguồn vui, nhưng sau này, nó sẽ
mang lại hoa quả bình an công chính cho những ai được sửa dạy. Vì thế, anh em
hãy nâng đỡ những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời. Ðường anh em đi,
anh em hãy bạt cho thẳng, để người què khỏi bị trẹo chân, nhưng được an lành.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu
mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến
và ở trong người ấy. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 13, 22-30
"Người ta sẽ từ đông chí
tây đến dự tiệc trong nước Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các
đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng:
"Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người
phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các
ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào và
đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: 'Thưa ngài,
xin mở cửa cho chúng tôi'. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các
ngươi từ đâu tới'. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: 'Chúng tôi đã ăn uống trước
mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi'. Nhưng chủ sẽ trả
lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều
gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta'. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp
và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài,
nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc
chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở
nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Gò mình hơn vào con đường
hẹp
Ngày lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời
hẳn còn để lại nhiều âm vang trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta cứ giữ lấy hình ảnh
về Ðức Mẹ lúc này đang hạnh phúc ở trên trời, để hiểu rõ các bài đọc Kinh Thánh
hôm nay. Bài sách Isaia không mô tả trước hạnh phúc chung cuộc dành cho mọi dân
tộc đó sao? Ðể đạt được hạnh phúc ấy, tức là được vào Nước Trời, bài Tin Mừng
hôm nay nói chúng ta phải đi qua cửa hẹp. Và kiểu nói này được bài thư Hípri giải
thích để chúng ta biết đi qua cửa hẹp tức là chấp nhận đi vào con đường nhiều
thử thách và phấn đấu.
Ðó là những quan niệm không lạ
lùng gì; nhưng phải đem ra thực hành và vì thế cần được suy nghĩ thấu đáo.
Chúng ta hãy bắt đầu với bài sách Isaia, rồi bài Tin Mừng và cuối cùng đến bài
thư Hípri.
1. Chúa Hứa Ban Nước Trời
Ðoạn sách Isaia hôm nay chấm hết
tác phẩm dầy những 66 chương mang tên một vị đại tiên tri. Nhiều người coi nó
như phần phụ lục, mãi sau này mới được đính vào toàn bộ tác phẩm đã được viết từ
lâu. Ðiều ấy không quan trọng, vì đàng nào đây cũng là một đoạn sách thánh, một
chương Lời Chúa, có giá trị mạc khải dẫn dắt đời sống chúng ta.
Chúa mở ra trước mắt chúng ta
chân trời của thời kỳ cánh chung, tức là sau hết. Người không phải chỉ là Chúa
của một dân tộc hay của riêng những kẻ giữ đạo của Người. Ngay từ câu đầu tiên
trong đoạn sách hôm nay, Người đã khẳng định chính Người linh động tư tưởng và
hành động của các dân tộc. Và như vậy Người làm chủ lịch sử.
Lịch sử này sẽ kết thúc ra sao,
thì đây là Lời Chúa: "Ta sẽ đến thâu họp tất cả các nước và các tiếng nói.
Chúng sẽ đến và sẽ thấy vinh quang của Ta". Lời nói rõ ràng, chắc chắn,
không cần mảy may chú thích. Chúng ta tin vào định mệnh tốt đẹp của các dân tộc.
Thiên Chúa đã hứa, đã muốn dân của mọi thứ ngôn ngữ chung cuộc sẽ được nhìn thấy
vinh quang của Chúa. Kiểu nói này có nghĩa rằng họ sẽ được hân hoan, hạnh phúc
khi Chúa đến trong vinh quang. Chính ánh sáng của Người sẽ xua đuổi mọi u sầu
đen tối ra khỏi họ. Hình bóng sự chết cũng sẽ phải lui đi. Và sự sống mới, sự sống
bắt nguồn từ ánh sáng vinh quang của Chúa sẽ làm cho mọi loài được sống lại.
Chúng ta có thể nghĩ đến quang cảnh của một buổi sáng. Ánh sáng mặt trời tỏa ra
đến đâu, đêm tối lui đi đến đó và tất cả tạo vật được hồi sinh trong hạnh phúc.
Hình ảnh này giúp chúng ta hiểu Lời Chúa vừa tuyên bố: mọi dân tộc sẽ nhìn thấy
vinh quang của Thiên Chúa để được sống mới mẻ và trường cửu.
Nhưng Chúa sẽ thâu nạp các dân tộc
lại bằng cách nào? Theo một kiểu trình bày rất quen thuộc trong giáo huấn của
các tiên tri, ở đây Isaia nói rằng: Chúa sẽ đặt một dấu hiệu giữa các dân tộc để
họ nhìn thấy mà đến. Ông không nói rõ dấu hiệu nào. Nhưng ai đọc Kinh Thánh nhiều
và nhất là biết tác phẩm của ông thì dấu hiệu mà Chúa sẽ đặt lên làm cờ hiệu
cho các dân tộc nhìn thấy để đến chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa là Giêrusalem
và núi Sion khi được Thiên Chúa viếng thăm và được rực sáng trong ánh sáng vinh
quang của Người, là dân còn sót lại sau thử thách luyện lọc, là Hội Thánh Chúa
Kitô, là chính Ðức Kitô vinh hiển phục sinh... Từ ngày cây Thánh giá được dựng
lên trên một quả đồi ở Sion và Giêrusalem, Thiên Chúa đã đặt một dấu hiệu giữa
các dân tộc để chiếu giãi ánh vinh quang của Người cho họ được nhìn thấy.
Tuy nhiên chưa đủ. Chúa còn sai
những người trong số dân còn sót lại sau thử thách tinh luyện mà ở đây tác giả
gọi là những kẻ "thoát nạn", đi đến các nước. Tức là Chúa sẽ sai các
thánh của Người đến với các dân tộc, để những tông đồ này nói cho mọi dân về
Chúa, để những kẻ chưa bao giờ thấy vinh quang của Chúa, thì nay được thấy và
được sống.
Không phương trời nào không được
Chúa sai tông đồ đến. Cả những đảo xa xôi nhất và những miền rừng rú mà thổ dân
còn sống bằng nghề cung tên. Bất cứ nơi nào cũng sẽ được nghe nói về Chúa và thấy
vinh quang của Người. Các dân tộc sẽ trở nên như anh em của người rao giảng
Phúc Âm. Họ sẽ tuôn về với Chúa như các đoàn người tiến về Giêrusalem. Họ đi
cáng, đi lạc đà, đi đủ mọi thứ phương tiện. Họ giống như các người Do Thái đang
mang lễ dâng lên bàn thờ. Hơn nữa, Chúa còn chọn trong đoàn người đang tiến lên
đó những tư tế và Lêvi mới cho Người.
Chắc hẳn khi viết câu này, Isaia
có lẽ chỉ nghĩ đến các người Do Thái kiều cư nơi dân ngoại tiến về Giêrusalem
vào các dịp lễ. Và trong bọn họ sẽ có những kẻ được chọn làm tư tế. Nhưng vì lời
Isaia là lời tiên tri, nên chúng ta có thể hiểu tất cả theo mạc khải của Chúa
Giêsu. Và chúng ta sung sướng nghĩ rằng các lời tiên tri của sách Isaia quả thật
hướng lòng trí chúng ta về thời cánh chung. Thiên Chúa chọn Ðức Giêsu với thánh
giá và Hội Thánh của Người làm cờ hiệu cho các dân tộc. Người sai các tông đồ mới
đã thoát nạn thế gian và tội lỗi đến nói với các nước về Chúa và Tin Mừng cứu độ.
Các dân tộc sẽ hân hoan đứng lên tiến về với Chúa. Người làm cho họ trở nên
vương quốc tư tế của Người...
Một viễn tượng như vậy không làm
nức lòng chúng ta sao? Ðó thật là những "lời an ủi", danh từ mà người
ta vẫn dùng để nói về các lời Isaia trong các chương sau cùng nơi tác phẩm của
ông. Tuy nhiên vẫn có những người đọc sách thánh mà không hiểu. Họ không dám
tin hoàn toàn vào Lời Chúa. Não trạng ấy Ðức Giêsu đã bắt gặp khi Người đang
hành trình truyền giáo, như bài Tin Mừng hôm nay kể. Chúng ta hãy xem Người dạy
dỗ như thế nào?
2. Người Ta Phải Ði Vào Ðường Hẹp
Tác giả Luca không nói rõ cho
chúng ta biết hôm ấy là ngày nào và Ðức Giêsu đang ở chặng đường nào. Chỉ biết
Người đang rảo qua các làng mà dạy dỗ và hành trình lên Giêrusalem. Tác giả
Luca dùng cuộc đi đường này để thuật lại những Lời Chúa giáo huấn cho các môn đệ
và cho tất cả chúng ta trên đường đi về Nước Trời. Tác giả cho có một người đến
hỏi Chúa: "Thưa Ngài, có ít người được cứu thôi phải không?". Người hỏi
ấy là ai, chúng ta không cần biết. Ông ta nói lên tâm trạng của một số người và
có thể nói của nhiều người nữa. Thời bấy giờ - cũng như thời nay - người ta hay
tranh luận với nhau xem số người được cứu nhiều hay ít vì trong mạc khải có chỗ
nói Chúa sẽ cứu các dân tộc, nhưng cũng có chỗ viết: Ơn cứu độ chỉ dành cho những
kẻ thoát nạn. Người ta tranh luận với nhau như thế để làm gì? Nếu cuối cùng chẳng
phải chỉ là để thỏa mãn tính tò mò? Hoặc hơn nữa, để có một lời hứa lạc quan,
tránh cho người ta phải nỗ lực phấn đấu?
Ðức Giêsu hiểu não trạng ấy. Người
không để ai lợi dụng mình. Ở đây cũng như ở mọi chỗ khác, khi thấy người ta tò
mò muốn biết về tương lai để sống ỷ lại, Ðức Giêsu vẫn từ chối trả lời. Về số
người được cứu rỗi, cũng như về ngày giờ cứu độ, và về chỗ ngồi bên hữu hay bên
tả Nước Trời, tất cả những điều ấy nằm trong bí mật của Thiên Chúa. Người không
cho biết kẻo chúng ta trở nên những kẻ thụ động. Lời hứa cho chúng ta đã rõ
ràng, phương hướng cứu rỗi đã được đề ra; được rỗi hay không cũng còn tùy ở mỗi
người. Ðức Giêsu chỉ có the �thương người ta bằng cách giới thiệu đường lối cứu độ rõ ràng
hơn. Thế nên Người bảo: "Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào".
Lời nói này đã được xác định
thêm trong câu Người nói tiếp: "Một khi gia chủ dạy khóa cửa rồi và các
ngươi đứng ngoài gõ cửa... xin mở... thì sẽ được đáp lại; Ta không biết các
ngươi từ đâu đến".
Như vậy, chúng ta có thể hình
dung Nước Trời như là nhà của Chúa. Lúc này cửa nhà ấy đang mở để chúng ta vào.
Nhưng nó hẹp. Người ta phải cố gắng mà lách vào; kẻo khi chủ nhà đứng lên và
đóng cửa lại, không ai còn vào được nữa. Chúng ta có thể hình dung hơn nữa: Nước
Trời là nhà Chúa đang mở tiệc cưới. Người ta phải mau mau đi qua cửa hẹp mà
vào, kẻo đến khi khai tiệc, cửa sẽ đóng lại và không ai ra vào nữa.
Nhưng vẫn có những kẻ sẽ không
vào được. Họ là ai? Ở đây tác giả Luca nói: đó là những người đã ăn uống ở trước
mặt Chúa và đã thấy Người đi lại giảng dạy nơi phố xá của họ, nhưng vẫn làm điều
tàn ác. Ðó là người Do Thái đồng hương, đồng thời với Ðức Giêsu mà không đổi đời
theo lời Người giảng dạy. Họ sẽ bị xua đuổi ra khỏi nhà đang có các tổ phụ và
các tiên tri vui hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Họ sẽ bị tống ra ngoài, nơi sẽ
có khóc lóc và nghiến răng; đang khi ấy những kẻ bên Ðông bên Tây, tức là dân
ngoại lại được vào dự tiệc Nước Trời. Há chẳng chứng nghiệm lời ca dao tục ngữ
này sao? Có những người cuối sẽ lên đầu hết và có những kẻ đầu hết sẽ nên cuối
hết? Không phải hết mọi người trước hết được nghe Lời Chúa, tức là người Do
Thái đều bị xua đuổi. Nhưng có những kẻ trong bọn họ vì không thi hành Lời Chúa
nên sẽ bị đuổi ra, để nhường chỗ cho những người cuối hết, là dân ngoại nghe Lời
Chúa sau dân Do Thái mà trở lại. Những người lương dân ấy sẽ lên trước hết
trong Nước Thiên Chúa.
Ðiều này đã đúng ngay thời Ðức
Giêsu, vì đang khi rất nhiều người Do Thái không tin Người, thì có những kẻ
lương dân lại được lòng tin. Nhưng điều ấy còn rõ ràng hơn nữa ở thời Luca, vì
đang khi các dân ngoại chen chúc nhau đi vào Hội Thánh, phần lớn người Do Thái
vẫn có thái độ thù nghịch. Vì sao?
Ðức Giêsu đã nói: Vì họ không
chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào. Cửa hẹp đây, dĩ nhiên là các đòi hỏi của đức
tin. Nhưng chúng ta sẽ có lý hơn khi nhớ chính Ðức Giêsu đã tự nói mình là cửa
chiên. Ai muốn được cứu độ phải tin vào Người và đi qua Người, qua mầu nhiệm tử
nạn phục sinh của Người, để đến với Chúa Cha. Người Do Thái không tin ở Người
nên ở ngoài Hội Thánh là nhà Chúa; đang khi các dân tộc thực hiện lời sách
Isaia, thấy Ðức Giêsu và Hội Thánh của Người là cờ hiệu Thiên Chúa, đã dựng lên
để cứu thế, đang chen chúc nhau đi vào Nước Trời.
Nhưng trong kế hoạch cứu độ, những
gì dân Chúa đã sống, từng Kitô hữu cũng phải kinh nghiệm. Và vì thế ai ai cũng
phải chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào sản nghiệp Chúa đã hứa ban cho các dân tộc.
Và cửa hẹp của chúng ta, theo lời thư Hípri, là những thử thách hàng ngày.
3. Chúng Ta Phải Tu Chỉnh Lại
Quả vậy, đời sống con người quá
nhiều đau thương, đời sống Kitô giáo lại thêm nhiều thử thách khác, vì đức tin
con người không biết lướt thắng đau thương sẽ thất bại; và người Kitô hữu không
vượt qua được thử thách sẽ mất sản nghiệp Nước Trời mà Chúa đã hứa ban.
Ðộc giả của thư Hípri đang gặp
thử thách. Tác giả viết thư này để an ủi và khích lệ họ. Người đã nại đến gương
sống đức tin của các tổ phụ; đặc biệt Người đã bảo họ hãy ngắm nhìn Ðức Giêsu
trong mầu nhiệm tử nạn phục sinh. Những thử thách họ đang chịu chưa đến nỗi làm
cho phải đổ máu mà! Hãy còn là những chiến đấu nhỏ thôi. Và như vậy, họ nên nhớ
lại lời sách châm ngôn: "...Chúa thương ai, Người muốn sửa dạy; con nào
Người nhận, Người mới cho đòn".
Thật ra, mới nghe, chúng ta có
thể coi thường một lời an ủi như thế. Nó phản ánh một kinh nghiệm thông thường:
con người lớn lên cần phải giáo dục và giáo dục đòi sửa dạy. "Vì còn gì là
con, kẻ người cha không dạy?". Nhưng điều rất tự nhiên trong gia đình lại
khó được chấp nhận ở môi trường khác. Và đó là cảm tưởng của chúng ta những khi
gặp đau khổ. Chúng ta thấy Chúa không an ủi được chúng ta. Chúng ta phàn nàn vì
sao Ngài không chăm sóc chúng ta hơn? Tác giả thư Hípri nghĩ rằng: Chính những
lúc ấy chúng ta đã quên Chúa là Cha. Người đã chọn chúng ta giữa muôn muôn người
làm con cái Người. Thế thì Người phải sửa dạy chúng ta hơn. Chúng ta phải gặp
thử thách hơn những người khác. Không như vậy, làm sao có thể nói chúng ta là
con cái Chúa? Và nếu Chúa không sửa dạy, thì làm sao, chúng ta có thể lớn lên
làm người trong đời sống Kitô hữu?
Ðàng khác bị sửa dạy thì trước mặt
không vui nhưng sau này sẽ thấy lợi ích. Ðây cũng còn là một kinh nghiệm loài
người. Nhưng tác giả Hípri đã hướng dẫn chúng ta suy nghĩ sang bình diện đạo đức.
Ông nói: Lợi ích của sửa dạy là hoa quả bình an công chính. Con cái Chúa có thể
cảm thấy mau lẹ hơn con cái loài người; vì có thể nói ngay khi chấp nhận thử
thách người Kitô hữu đã thấy nó như mầu nhiệm tử nạn chứa chấp mầu nhiệm phục sinh,
đang khi con cái trong nhà có thể chưa mau mắn nhận ra lợi ích của việc cha mẹ
sửa dạy. Các tín hữu khi chấp nhận đau khổ với tinh thần đạo đức sẽ thấy ngay
được bình an công chính.
Nói như vậy có phải để chúng ta
ao ước thử thách không? Tác giả thư Hípri không đi quá xa như vậy. Ông rất chân
thực, và chỉ đưa ra một câu kết luận: chúng ta hãy dùng thử thách để chạy thẳng
tắp trên đường đạo đức, chứ đừng đi dệu dạo nữa. Ông muốn nói, vì chúng ta còn
hai lòng và chưa hoàn toàn trong đời sống thánh thiện, nên Chúa gởi thử thách đến
sửa dạy. Chúng ta hãy tỉnh ngộ đi vào đường ngay. Thử thách sẽ sinh ra bình an
công chính. Chúng ta sẽ thành thân hơn và đạt tới những điều Chúa hứa.
Người đã hứa tương lai và đời sống
tốt đẹp cho chúng ta như bài sách Isaia đã nói. Người còn xác định phải qua cửa
hẹp để vào hạnh phúc. Những thử thách gặp phải trong đời sống đạo đức nhắc nhở
chúng ta gò mình hơn vào con đường hẹp. Chúng ta chấp nhận, sẽ thấy hạnh phúc.
Giáo huấn này không phải chỉ rõ
trong Lời Chúa hôm nay, nhưng còn cụ thể hơn nữa trong mầu nhiệm Thánh Thể.
Ở đây, chúng ta cử hành lễ Vượt
qua của Ðức Giêsu, để kết hợp với cuộc tử nạn của Người, chúng ta mong đạt được
các hiệu quả của việc Người phục sinh. Chúng ta phải có tinh thần muốn đi vào
con đường hẹp trong thánh lễ này là dâng mình và dâng đời sống làm hy lễ cho
Thiên Chúa. Chúng ta có thê� không thực hành tinh thần ấy sau khi dâng lễ sao? Ngược lại, chắc
chắn chúng ta sẽ có tinh thần đi vào con đường hẹp nhiều hơn để được vào Nhà
Chúa và bàn tiệc của Người sau này cùng với tất cả các dân tộc.
(Trích dẫn từ tập sách Giải
Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô
Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI
CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 21 Thường
Niên, Năm C
Bài đọc: Isa 66:18-21; Heb 12:5-7, 11-13; Lk 13:22-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự cần thiết của kỷ luật và hình
phạt.
Kỷ luật và hình phạt có cần thiết trong việc giáo dục con người
không? Nhiều người nghĩ không cần, vì con người có tự do, có khôn ngoan, và trưởng
thành đủ để biết cách cư xử; chỉ một điều cần là cắt nghĩa cho con người biết nẻo
chính đường ngay. Nhiều người khác cho rất cần vì con người không luôn hành động
theo những gì mình biết là tốt, vì còn mang tính yếu đuối xác thịt trong mình.
Lịch sử và kinh nghiệm cho thấy con người không luôn làm những điều họ biết là
tốt lành, nhưng lại làm những điều họ biết là dữ. Tất cả các quốc gia trên thế
giới hiện nay đều có những luật lệ và hình phạt cho những ai vi phạm luật lệ.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật
sự quan trọng của sửa phạt và kỷ luật. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah nhận ra
tầm quan trọng của biến cố lưu đày. Nó giúp những người còn sót lại nhận ra tội
lỗi và quay trở lại với tình thương Thiên Chúa. Nó cũng giúp cho ơn cứu độ được
mở cho mọi người ở khắp nơi trên thế giới, chứ không giới hạn trong vòng của
dân tộc Do-thái nữa. Trong bài đọc II, tác giả Thư Do-thái xác tín việc sửa dạy
bởi Thiên Chúa là điều cần thiết để mọi người được lãnh nhận ơn cứu độ. Nếu
Thiên Chúa không sửa phạt, con người sẽ có nguy cơ xa lìa Thiên Chúa đời đời.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu xác nhận: Nước Trời không phải dễ vào; nhưng chỉ dành
cho những ai sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng. Người tín hữu trên danh hiệu
hay người tín hữu thích sống cuộc đời dễ dãi và buông thả sẽ không được vào Nước
Trời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ta sẽ đặt giữa họ một dấu hiệu và sai những kẻ sống sót của họ đến
các dân tộc.
1.1/ Ơn cứu độ chỉ dành cho những
ai được tinh luyện và được mở rộng đến mọi người.
Biến cố mất nước và lưu đày xa
quê hương phải xảy ra, vì con cái Israel đã lìa xa Thiên Chúa để chạy theo thờ
phượng các thần của ngoại bang và không tuân giữ những luật lệ của Ngài, mặc dù
các ngôn sứ đã cảnh cáo trước nhiều lần. Nếu Thiên Chúa không sửa phạt, họ sẽ
chết trong tội của họ. Việc Thiên Chúa sửa phạt con cái Israel là để tinh luyện
họ, chứ không phải để tiêu diệt, dù những kẻ cứng lòng vẫn phải chết trong tội
của họ. Khi sống cực khổ nơi lưu đày, một số còn sót lại giữa họ nhận ra tội lỗi
của họ và tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, nên đã quay trở về với tình
thương đích thực và được cứu thoát.
Biến cố lưu đày cũng là một dấu
chỉ để ơn cứu độ được lan tràn tới mọi dân tộc trên địa cầu. Ngôn sứ Isaiah có
lẽ là người đầu tiên Thiên Chúa cho nhận ra tính phổ quát của ơn cứu độ. Thiên
Chúa không chỉ cứu thoát dân tộc Do-thái mà còn dùng những người Do-thái sống
sót để mang Tin Mừng cứu độ đến cho mọi dân tộc. Khi những người này đã nhận ra
tình thương của Thiên Chúa, họ sẽ trở thành những người loan báo cho tình
thương của Ngài.
Những địa danh được nhắc đến hôm
nay “Tarshish, Put, Lut, Tuval, Giavan” là những nơi xa lạ, chỉ được đề cập đến
lần đầu tiên trong Sách Sáng Thế 10:2-6. Tất cả những dân tộc này chưa hề được
nghe nói đến Đức Chúa và chưa hề thấy vinh quang của Ngài; nhưng họ cũng sẽ được
đón nhận Tin Mừng cứu độ và rao giảng Tin Mừng này cho các dân tộc khác.
1.2/ Cách thức thờ phượng Thiên
Chúa sẽ đổi khác:
(1) Lễ phẩm dâng tiến Thiên Chúa
không còn là chiên dê nữa, nhưng là những con người tin yêu Thiên Chúa. Đức
Chúa phán: “giống như con cái Israel mang lễ phẩm trên chén dĩa thanh sạch đến
Nhà Đức Chúa, người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân
tộc về làm lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa - đưa bằng ngựa, xe, võng cáng, lừa và lạc
đà - về trên núi thánh của Ta là Jerusalem.”
(2) Người làm việc trong Đền Thờ:
không còn giới hạn trong dân tộc Do-thái và chi tộc Lêvi nữa, vì “trong bọn họ,
Ta sẽ chọn lấy một số làm tư tế, làm thầy Lêvi - Đức Chúa phán như vậy.”
Tất cả những gì được tiên báo bởi
ngôn sứ Isaiah đã trở thành hiện thực khi Đức Kitô đến, tuy Jerusalem trên trời
vẫn là trung tâm điểm của mọi dân tộc, nhưng việc thờ phượng Thiên Chúa mở rộng
khắp nơi, chứ không còn giới hạn trong Thành Jerusalem của người Do-thái nữa.
2/ Bài đọc II: Đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách.
2.1/ Cần thiết của việc sửa dạy: Dạy dỗ và sửa phạt là hai yếu tố cần thiết của việc giáo dục, vì
con người không luôn nhận ra điều tốt lành từ điều sai trái, và không luôn làm
những điều tốt phải làm. Khi người cha phải sửa phạt con, ông không làm vì ghét
bỏ hay để thỏa mãn cơn giận của ông, nhưng vì thương yêu nên ông không muốn con
ông phải hứng chịu những đau khổ nặng hơn, hay để đề phòng nguy hiểm của cái chết
sẽ xảy đến trong tương lai.
Sửa dạy là dấu chứng tỏ tình yêu
của người cha đối với con mình; không chịu sửa dạy chứng minh sự vô trách nhiệm
của người cha. Nhiều người con đã oán hận cha vì đã không chịu sửa dạy họ khi
còn nhỏ, để giờ đây họ bị lâm vào tình trạng tứ đổ tường hay phải chịu giam cuộc
đời trong nơi lao tù.
Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín
hữu Do-thái phải nhớ những điều này khi chịu đau khổ: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời
Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa
dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên
trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con.
Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?”
2.2/ Hậu quả của việc sửa dạy: Chúng ta có thể chia làm hai:
(1) Hậu quả gần: Người con có thể
tức giận và ghét cha ngay lúc bị sửa dạy, vì con người không thích bị giam mình
trong kỷ luật và hình phạt; nhưng thích tự do và dễ dãi.
(2) Hậu quả xa: Người con sẽ
mang ơn cha khi học hành thành đạt và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc
đời.
Thánh Phaolô cắt nghĩa: “Ngay
lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau
đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công
chính.”
Trên bước đường lên trọn lành,
đau khổ là điều không thể thiếu cho các tín hữu, vì:
(1) Đau khổ làm con người trở nên
mạnh mẽ trong niềm tin vào Thiên Chúa: Lửa thử vàng, gian nan thử nhân đức. Nếu
không có đau khổ, làm sao một người chứng minh đức tin của họ vào Thiên Chúa. Mỗi
lần chịu đau khổ, người tín hữu sẽ cảm thấy đức tin vào Thiên Chúa ngày càng mạnh
hơn.
(2) Đau khổ cơ hội để tập luyện
các nhân đức: Khi con người phải sống trong đau khổ, con người dễ gia tăng đức
ái, vì họ biết thông cảm với những ai cùng hoàn cảnh, ví dụ: chịu bệnh. Đau khổ
cũng giúp con người rèn đức kiên nhẫn, người kiên trì trong đau khổ sẽ dễ thành
công...
(3) Đau khổ chữa lành các vết
thương phần hồn là tội lỗi: Khi phải chịu đau khổ, con người có thời gian để hồi
tâm, nhận ra tội lỗi, và ăn năn trở lại để được Thiên Chúa tha thứ.
Vì thế, các tín hữu: “Hãy khuyên
nhủ nhau chịu đựng đau khổ trên tiến trình trở nên trọn lành... hãy làm cho những
bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. Hãy sửa đường cho thẳng mà
đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành.”
3/ Phúc Âm: Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào.
3.1/ Vào Nước Trời dễ hay khó? Có ít nhất 3 câu trả lời:
(1) Có nhiều người cắt nghĩa vì
Thiên Chúa là Cha nhân từ, không muốn một người con nào phải hư đi, nên sai Con
Một của Ngài đổ máu để tha thứ mọi tội lỗi cho con người, nên họ kết luận:
Thiên Chúa sẽ cứu tất cả mọi người. Đây là thuyết “cứu độ phổ quát”
(Universalism). Giáo Hội kết án học thuyết này, vì tuy ơn cứu độ được dâng tặng
cho mọi người, nhưng không phải mọi người đều đón nhận. Thiên Chúa sẽ không cứu
những người không muốn được cứu, vì làm như thế là vi phạm tự do của họ.
(2) Nhiều người khác cho chỉ cần
“tin” vào Đức Kitô là đủ, như thánh Phaolô dạy trong Thư Rôma và Thư Galat. Các
việc tốt lành của con người không có sức mạnh để đem lại ơn cứu độ nên con người
chẳng cần phải “làm.” Nếu họ chịu đọc hai Thư này cách chính xác và khách quan,
họ sẽ thấy thánh Phaolô đòi cả đức tin lẫn việc làm.
(3) Nhiều lần trong Tin Mừng,
Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự khó khăn của việc vào Nước Trời như: “Con lạc đà
chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” “Nếu ai muốn theo
Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác Thập Giá của mình hằng ngày mà theo.” Hay trong
trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu trả lời: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà
vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”
Nói cách khác, nếu một người không sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, người ấy
sẽ không được cứu độ.
Con người có khuynh hướng thích
dễ dãi nên dễ chấp nhận hai giả thuyết (1) và (2); nhưng họ phải cẩn thận vì họ
sẽ phải trả giá cho việc “đánh bạc” này. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống,
vì nói như Phúc Âm hôm nay: “một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà
anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho
chúng tôi vào!” Ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ
đâu đến!””
3.2/ Vào Nước Trời không chỉ dựa
trên việc biết Chúa hay biết những gì Ngài dạy.
Bấy giờ anh em mới nói:
"Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng
dạy trên các đường phố của chúng tôi.” Nhưng ông sẽ đáp lại: "Ta không biết
các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất
chính!”
Kitô hữu chỉ trên danh hiệu hay
chỉ sống đạo bằng những hình thức hời hợt bên ngoài sẽ không bao giờ đạt được
ơn cứu độ. Câu trả lời của ông chủ không đề cập đến việc biết ông; nhưng nhấn mạnh
đến việc “làm” điều bất chính.
Ơn cứu độ cũng không dựa trên việc
có địa vị này hoặc có uy quyền khác, nhưng được mở rộng cho tất cả những người
thành tậm thiện chí tin tưởng nơi Thiên Chúa và thực thi những điều Ngài dạy.
Vì thế, chúng ta đừng quá tự mãn với quyền lực, danh vọng, địa vị, và tiền của
đời này, vì "có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu
sẽ xuống hàng chót."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Không có gì quan trọng hơn là đạt
được cuộc sống đời sau, chúng ta đừng để bất cứ điều gì ngăn cản chúng ta đạt
được mục đích này.
- Thiên Chúa là Cha nhân từ sẽ
dùng mọi cách để chúng ta được sống đời đời với Ngài, trong đó cả việc sửa phạt,
chúng ta hãy khôn ngoan để nhận ra, vâng lời làm theo, và biết sửa trị các lỗi
lầm.
- Danh xưng Kitô hữu không đủ
cho chúng ta đạt tới Nước Trời; nhưng chúng ta cần phải đáp ứng những đòi hỏi của
Tin Mừng. Chúng ta đừng dễ rơi vào bẫy của ma quỉ để chọn lựa những đạo nào đòi
hỏi việc giữ luật ít, hay không cần giữ luật, hay chỉ cần giữ đạo tại tâm.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
21/08/16 CHÚA NHẬT 21 TN – C
Lc 13,22-30
Lc 13,22-30
Suy niệm: “Tấm
thẻ thông hành” giúp ta trở thành người đứng đầu trong Nước Trời có ghi dòng
chữ sau: “Người đã chiến đấu qua cửa hẹp và hạ mình phục vụ.” Chiến đấu qua cửa hẹp là điều kiện phải có để được cứu rỗi, được vào
Nước Trời. Hạ mình phục vụ là phẩm chất cần có để được làm lớn trong Nước
Thiên Chúa. Cuộc chiến của ta trước hết là với cái tôi, cái bản ngã của chính
mình; chiến trường là chính trong nội tâm sâu thẳm của mình. Cái tôi, cái bản
ngã ấy luôn muốn bành trướng lấn át người khác, cũng như thích thoải mái, an
nhàn, hưởng thụ ích kỷ, ngại con đường hẹp của thập giá. Con đường chẳng mấy ai
muốn đi ấy lại là con đường sống, con đường dẫn đến thứ hạng ưu tiên trong Nước
Trời.
Mời Bạn: Chẳng
ai muốn mình là người đứng sau, họa chăng là khi phải lội qua con nước nguy
hiểm. Mọi người ai cũng muốn được tôn lên hàng đầu nhưng lại thích đi đường
tắt, đường rộng, đường vui… Còn Chúa Giêsu lại muốn ta dấn bước trên con đường
hẹp Ngài đã đi, để đưa tới hạnh phúc, vinh quang. Bạn có muốn tin và bước đi
trên con đường này cùng với Ngài không?
Sống Lời Chúa: “Theo
ai nên cẩn thận.” Đó là lời khuyên của bậc thức giả. Chúa cũng muốn ta đặt trọn
cuộc đời ta cho Ngài bởi chỉ nơi Ngài ta mới có thể được cứu thoát.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con muốn theo Ngài thì phải bước vào con
đường hẹp, muốn làm đầu thì phải phục vụ, phải làm người rốt hết. Xin cho con
kiên vững đến cùng trên con đường hẹp này, để con được sự sống hạnh phúc vĩnh
cửu như Chúa hứa.
Cửa hẹp
Suy Niệm
Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp.
Cửa hẹp khi thi vào đại học.
Cửa hẹp khi đi xin việc làm.
Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới.
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều.
Cửa hẹp mà vào được mới quý.
Nếu thiên đàng có cửa,
thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi.
“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24),
vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14).
Cửa hẹp khi thi vào đại học.
Cửa hẹp khi đi xin việc làm.
Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới.
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều.
Cửa hẹp mà vào được mới quý.
Nếu thiên đàng có cửa,
thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi.
“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24),
vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14).
Chiến đấu ở đây là chiến đấu với
chính mình,
với cái tôi cồng kềnh của mình,
nặng nề vì những vun vén cá nhân,
phình to vì tự hào và tham vọng.
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp
nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá.
Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại,
khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em.
Cần có một cái tôi như trẻ thơ
mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng
nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng.
Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ,
cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại.
Ðể “người lớn” trở nên hồn hậu như trẻ thơ,
cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4).
Ðây thật là một cuộc chiến với chính mình.
Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.
với cái tôi cồng kềnh của mình,
nặng nề vì những vun vén cá nhân,
phình to vì tự hào và tham vọng.
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp
nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá.
Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại,
khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em.
Cần có một cái tôi như trẻ thơ
mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng
nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng.
Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ,
cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại.
Ðể “người lớn” trở nên hồn hậu như trẻ thơ,
cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4).
Ðây thật là một cuộc chiến với chính mình.
Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.
Nhiều người Do Thái đến chậm,
khi cửa đã đóng.
Họ gõ cửa và đòi vào.
Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc,
bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Ðức Giêsu,
và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy.
Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt
đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ:
“Ta không biết các anh từ đâu đến!”
Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy,
dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm…
Chúa vẫn không quen biết chúng ta
vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình.
Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.
Họ gõ cửa và đòi vào.
Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc,
bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Ðức Giêsu,
và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy.
Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt
đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ:
“Ta không biết các anh từ đâu đến!”
Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy,
dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm…
Chúa vẫn không quen biết chúng ta
vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình.
Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc
chiến đấu liên tục.
Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ.
Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại.
Cứu độ là một ơn Chúa ban,
nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận.
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa,
nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên:
“Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”
Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ.
Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại.
Cứu độ là một ơn Chúa ban,
nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận.
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa,
nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên:
“Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều
kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21 THÁNG TÁM
Chuẩn Mực Của Hoạt Động Con Người
Chúng ta đọc thấy trong Hiến Chế
Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vatican II: “Hoạt động của con người phát xuất
từ con người nên qui hướng về con người… Nếu được hiểu cho đúng, thì sự phát
triển đáng giá hơn mọi của cải có thể thu tích được. Giá trị con người hệ tại ở
“cái mình là” hơn hệ tại ở “cái mình có”. Cũng vậy, tất cả cái gì con người làm
để đạt tới một mức độ công bình cao hơn, một tình huynh đệ rộng lớn hơn và một
trật tự nhân đạo hơn trong các tương quan xã hội, đều quí trọng hơn các tiến bộ
kỹ thuật, bởi vì, các tiến bộ ấy tuy có thể cung cấp chất liệu cho sự thăng tiến
con người, nhưng tự chúng mà thôi không thể thực hiện được công cuộc thăng tiến
ấy…
“Đây là tiêu chuẩn của hoạt động
con người: mọi hoạt động con người phải phù hợp với lợi ích đích thực của nhân
loại theo như ý định và ý muốn của Thiên Chúa, lại phải giúp con người, cá nhân
cũng tập thể, trau dồi và thực hiện ơn gọi phổ quát của mình” (MV 35; 59).
Cũng chính Hiến Chế trên tuyên bố:
“Trật tự xã hội và tiến bộ của nó phải luôn luôn nhằm ích lợi của các nhân vị,
bởi vì trật tự của muôn vật phải lệ thuộc vào trật tự của các nhân vị chứ không
ngược lại. Trật tự xã hội phải phát triển mỗi ngày một hơn, phải đặt nền tảng
trên chân lý, xây dựng trong công bình, nuôi sống nhờ tình yêu. Thánh Thần
Chúa, Đấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với
sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này” (MV 26).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John
Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 21 – 8
Chúa Nhật XXI Thường niên
Is 66,18-21; Dt 12,5-7.11-13; Lc
13,22-30.
Lời suy niệm: Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít có phải
không? Người bảo họ: Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho
anh em biết: sẽ có nhiều người tìm cách vào mà không thể được.”
Ơn cứu độ của Thiên Chúa rộng mở
cho tất cả mọi người. Nhưng không phải là chuyện đương nhiên hay là tự nhiên mọi
người có được, nhưng phải có ân ban của Thiên Chúa với sự đón nhận một cách
chân thành và luôn luôn phải chiến đấu với chính mình để đáp lại lời mời gọi của
Thiên Chúa. Sống đúng với Tin Mừng.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người
trong chúng con được ơn thông hiểu Lời Chúa và ơn sức mạnh để chúng con chiến đấu
với chính mình, vượt thắng những cám đỗ để được sống trong tình yêu của Chúa.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 21-08
Thánh PIÔ X
GIÁO HOÀNG (1835 - 1914)
Thánh Piô X giáo hoàng tên thật
là Giuseppe Melchierre Sartô, sinh tại làng Riese miền Venetia, ngày 02 tháng 6
năm 1835. Cha Ngài ông Giovanni Battista Sartô thành hôn với mẹ Ngài là bà
Margherita Samon, nhỏ hơn ông tới một nửa số tuổi. Vì vậy lên 17 tuổi, Ngài đã
mồ côi cha. Làm nghề chạy giấy của xã, ông Giovanni Battista làm cha một gia
đình nghèo túng. Chết đi ông cũng lại một gia đình càng túng quẫn hơn nữa. Tuy
nhiên nhờ lòng đạo đức của cả hai ông bà mà gia đình này đã góp phần đào tạo
nên một vị thánh lớn cho Giáo hội.
Ngay từ nhỏ, học tại trường
làng, Giuseppe đã tỏ ra có nhiều triển vọng, Ngài luôn là một học sinh giỏi đứng
đầu lớp học. Theo phong tục thời đó, dù đã vào ban giúp lễ từ hồi 7 tuổi, mãi tới
năm 11 tuổi, Giuseppe mới được rước lễ lần đầu. Những ngày tháng mong đợi có lẽ
đã khiến Ngài khi lên giáo hoàng sau này, đã cho phép trẻ em được rước lễ vỡ
lòng khi vừa tới tuổi khôn và nhiệt tình cổ võ lòng tôn sùng bí tích Thánh Thể.
Trước bàn thờ Đức Mẹ, dịp rước lễ lần đầu, Giuseppe đã khấn dâng mình cho Chúa.
Từ lâu rồi Ngài đã nuôi ý định
này nhưng không dám tỏ bày với cha mẹ. Nhưng khi biết được ý định của con, mẹ
Ngài đã hết sức tán thành, cha Ngài ngập ngừng vì thấy gia đình nghèo túng,
nhưng rồi cũng quảng đại vâng theo ý Chúa. Mọi người đều vui mừng vì quyết định
của Giuseppe, nhất là cha sở Riese. Cha phó dạy tiếng Latinh cho Ngài. Khi đã đủ
lực theo bậc trung học ở Castelfrancô cách Riese 7 cây số ngàn. Suốt 4 năm trời
Ngài thường vác giầy trên vai, để tiết kiệm, và đi bộ tới trường rồi lại đi bộ
về nhà. Chính lý tưởng làm linh mục là sức mạnh giúp Ngài kiên trì như vậy.
Hết 4 năm tại Castelfrancô, năm
1850, Giuseppe lên đại chủng viện Padua. Gia đình Giuseppe nghèo, cha sở xin được
cho Ngài một học bổng, giáo dân trong họ hằng năm quyên tiền giúp đỡ Ngài. Thật
là những nghĩa cử cao đẹp đối với một ơn gọi. Năm 17 tuổi, ông thân sinh qua đời,
Giuseppe muốn bỏ về giúp mẹ và săn sóc cho 7 đứa em. Lại một nghĩa cử cao đẹp
khác vun trồng cho ơn gọi Giuseppe chín mùi: mẹ Ngài không chấp nhận ý kiến, mà
quyết tâm dâng con cho Chúa. Trong nếp sống nghèo khó nhưng lại giàu lòng quảng
đại ấy, Giuseppe đã tiến tới chức linh mục ngày 28 tháng 9 năm1858, lúc 23 tuổi.
Sau ngày mở tay tại quên nhà,
cha Giuseppe đi nhận phó xứ Tombolo, chín năm sau Ngài được bổ nhiệm làm chính
xứ Salzano. 17 năm làm phó xứ rồi chính xứ, cha Giuseppe sống đời hy sinh tận tụy
với giáo dân, nhất là với những người nghèo khó. Không hề ao ước danh vọng,
Ngài lại được chiếu cố, được tín nhiệm vào chức vụ cao hơn. Đức Giám mục
Trevise mời Ngài về làm chưởng ấn toà giám mục, kiêm nhiệm chức vụ giám đốc chủng
viện.
Luôn luôn Ngài thi hành các chức
vụ bề trên giao phó một cách chu đáo.
Năm 1884, đức Lêô XIII, Đấng mà
Ngài sẽ kế vị đặt Ngài làm giám mục cai quản điạ phận Mantua, Ngài muốn từ khước
nhưng đã vâng lời và quyết nên mọi sự cho mọi người. - Dân chúng sẽ thấy tôi
luôn kiên trì trong chức vụ, luôn hiền từ và đầy bác ái.
Ôm hôn mẹ hiền, Ngài cho mẹ em
chiếc nhẫn giám mục của mình. Mẹ Ngài cũng sung sướng cho Ngài xem chiếc nhẫn
cưới của mình và nói : - Không có chiếc nhẫn của mẹ thì chẳng có chiếc nhẫn của
con.
Phải thật nhân đức mới có thể đường
dầu với tình trạng đáng thương của giáo phận: chủng viện gần như trống rỗng,
dân chúng chịu ảnh hưởng của tâm điểm, thệ phản thuyết phóng túng nên lòng đạo
đức sa sút, chẳng còn nhiệt tâm gì với việc tông đồ, với đời sống nội tâm. Sợ
hãi, nhưng đức cha Sartô bắt tay ngay vào việc canh tân. Ngài đi kinh lý khắp
điạ phận rộng lớn.
Những cuộc tiếp xúc thường xuyên
và thân mật này đã tạo nên những bước tiến cụ thể. Khi mùa gặt đã tới, Ngài lên
tiếng kêu gọi cho ngân quỹ vơi cạn của chủng viện và được đáp ứng quảng đại.
Ngài triệu tập một hội nghị để trao đổi và để đón nhận các ý kiến. Ngài luôn lo
bảo vệ sự toàn vẹn đức tin và không muốn chấp nhận sự sống nhượng bộ khi không
được phép : - Người ta phải tranh đấu nơi thanh thiên bạch nhật.
Công việc ngày một nhiều, nhưng
Ngài vẫn thường xuyên thăm viếng các giáo xứ. Buổi sáng kia tới nhà thờ một họ
đạo, Ngài thấy giáo dân đứng chờ trước toà giải tội, Ngài vào ngồi tòa, khiến
cha sở tới nơi phải bối rối. Trợ giúp hàng giáo sĩ về luân lý lẫn tài chánh đó
là nét đặc trưng trong chức vụ của Ngài.
Mỗi hoạt động của vị giám mục
thánh thiện đều tạo thành tiếng vang. Năm 1893, Đức Leo XIII đặt Ngài làm hồng
y giáo chủ Vevetia. Lần này Ngài mau mắn vâng lời.
- Khi vị đại diện Chúa Kitô mở lời,
không phải là lúc để nghiệm xét, mà là vâng phục. Không được phép cân nhắc lệnh
truyền để tìm giảm thiểu mức độ vâng phục...
Đức Hồng y tiếp tục cùng một
chương trình canh tân. Ngài xây dựng nhiều thánh đường, cô nhi viện, chủng viện
và một phân khoa giáo luật. Ngài can đảm thiết lập thông tấn xã công giáo. Ngài
đến nhà thờ và tranh đấu cho việc tông trọng luật Chúa.
Ngày 08 tháng 7 năm 1903, đức
Lêô XIII từ trần. Đức Hồng y giáo chủ Sartô phải đi vay tiền mua vé về họp mật
nghị bầu giáo hoàng. Trong mật nghị, Đức Hồng y Puzyna cai quản Krakow cho biết
hoàng đế nước Áo phủ quyết Đức Hồng y Rampella quốc vụ khanh của Đức Lêô XIII mới
từ trần. Cuộc bỏ phiếu đầu 1 tháng 8, Đức Sarto chỉ được 5 phiếu. Đức Hồng y
Gibbons người Mỹ xin Ngài đừng phủ quyết cuộc bầu cử và đến cuộc đầu phiếu thứ
7 ngày 4 tháng 10, Ngài được 50/62 (vì sự kiện trên, sau này người ra hiến chế
Comomissum Nobis để ngăn chận mọi mưu toan chính trị tìm khuynh đảo các cuộc bầu
cử giáo hoàng).
Sau kết quả cuộc bầu cử, Đức hồng
y niên trưởng đến hỏi: - Chúng tôi đã nhân danh Thiên Chúa tiến cử Ngài làm
giáo hoàng, Ngài có ưng thuận không ?
Sau giây phút yên lặng trong nước
mắt giàn dụa, Ngài nghẹn ngào trả lời ?
- Ước gì tôi không phải uống chén này, nhưng mong sao ý Chúa được nên trọn.
- Ước gì tôi không phải uống chén này, nhưng mong sao ý Chúa được nên trọn.
Thấy câu trả lời chưa rõ, Đức hồng
y niên trưởng hỏi lại lần nữa và Ngài trả lời : - Tôi xin nhận như nhận một
thánh giá.
- Vậy Ngài muốn nhận tên gì ?
- Vì tôi phải chịu khổ nên tôi nhận tên của những vị đã phải đau khổ. Tôi nhận tên là Piô.
- Vậy Ngài muốn nhận tên gì ?
- Vì tôi phải chịu khổ nên tôi nhận tên của những vị đã phải đau khổ. Tôi nhận tên là Piô.
Thế là cuộc bầu cử giáo hoàng đã
xong. Lễ đăng quang được cử hành ngày 09 tháng 8 năm 1903. Trong thông điệp đầu
tiên, E Supreni Apostolatus ngày 04 tháng 10 năm 1903 Ngài công bố: "Nếu
người ta muốn hỏi chúng tôi một châm ngôn phát xuất tự đáy lòng, tôi sẽ luôn
nói rằng: canh tân mọi sự trong đức Kitô".
Suốt triều đại giáo hoàng, Đức
Piô X đã thực hiện châm ngôn ấy. Ngài cho phép các trẻ em nhỏ rước lễ sớm khi vừa
tới tuổi khôn và khuyến khích việc rước lễ hàng ngày. Với thông điệp Pascendi
ngày 08 tháng 9 năm 1908 kết án thuyết duy tâm. Ngài sửa lịch và sách nguyện,
canh tân thánh nhạc và truyền dùng trong cả Giáo hội, Ngài thiết lập các viện
nghiên cứu âm nhạc và kinh thánh tại Roma. Ngài khởi đầu công cuộc hệ thống hóa
giáo luật...
Về phương diện chinh trị, Ngài tạo
ra sự dễ dàng trong việc liên lạc giữa Giáo hội và vương quốc Ý. Khi tổ chức lại
các bộ và các toà án, cùng giáo triều Roma, tông hiến Sapienti Consiliô năm
1908 cho thấy dấu hiệu sẫn sàng chấp nhận việc để mất các quốc gia của Giáo hội,
cũng không cần đến cơ cấu cai trị dân sự làm khuôn mẫu. Ngay từ năm 1905 Ngài
đã cương quyết từ khước hoà ước Napolêon và chấp nhận sự phân biệt Giáo hội với
quốc gia vì biết rằng sự nghèo khó của Giáo hội Pháp là có lợi hơn.
Giữa những công chuyện hóc búa
này, Đức Piô X không bao giờ thực sự cảm thấy mình được ở nhà. Ngài là "tù
nhân ở Vaticanô". Một lần tiếp xúc với các bạn cũ, Ngài bật khóc : - Xem
người ta đưa tôi lên ghế này đây.
Tìm lại nếp sống cũ, Ngài đưa
các em về Roma để giặt ủi và may vá đồ. Khi đau bệnh, Ngài xin linh mục là cháu
cho rước lễ. Ngài còn đưa cả cha tuyên úy và người nấu ăn từ Venetia về. Thích
sống thanh đạm, Ngài bỏ các nghi thức nhỏ nhặt và nhiều truyền thống nặng hình
thức khác. Khi Ngài qua đời người ta còn thấy trong túi áo Ngài những vật của một
học sinh: con dao nhỏ và mẫu bút chì.
Năm 1914 vào năm thứ 11 sau khi
Đức piô được bầu làm giáo hoàng, Au Châu lâm vào cảnh chiến tranh. Ngài ngã bệnh,
Ngài dâng lễ cuối cùng, ngày lễ Mông Triệu và qua đời ngày 20 tháng tám, người
ta nói rằng: Ngài bị vỡ tim vì lo buồn cho nhân loại, 9 năm sau đã bắt đầu hồ
sơ phong thánh và ngày 03 tháng 6 năm 1951 Ngài được phong chân phước, ngày 29
tháng 5 năm 1954, sau 40 năm qua đời Ngài được phong hiển thánh.
(daminhvn.net)
21 Tháng Tám
Kẻ Thù Trong Mơ
Ðời Trang Công, nước Tề, có một
người đàn ông nọ đêm nằm cứ thấy chiêm bao có một người to lớn, mặc áo vải quần
gai, đeo gươm đi vào tận nhà ông mắng chửi, rồi lại nhổ vào mặt mà đi... Ông ta
giật mình tỉnh dậy, ngồi suốt đêm, bực dọc, không tài nào ngủ lại được.
Sáng hôm sau, ông nói chuyện với
một người bạn với lời lẽ như sau: "Từ thuở nhỏ đến giờ, tôi vốn là một người
hiếu dũng, đến nay đã 60 tuổi rồi, chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đêm hôm qua,
có người đã đến làm nhục tôi. Tôi quyết tìm cho kỳ được kẻ ấy để báo thù. Nếu
tìm thấy nó thì tốt, bằng không chắc tôi phải chết mất".
Kể từ sáng hôm ấy, ngày nào ông ta cũng cùng với người bạn ra đứng ngoài đường để rình cho được kẻ thù trong giấc mơ. Ba ngày trôi qua, nhưng ông ta vẫn chưa thấy được kẻ thù.
Kể từ sáng hôm ấy, ngày nào ông ta cũng cùng với người bạn ra đứng ngoài đường để rình cho được kẻ thù trong giấc mơ. Ba ngày trôi qua, nhưng ông ta vẫn chưa thấy được kẻ thù.
Ðã tức tối vì bị kẻ thù làm nhục,
nay lại hậm hực thêm vì không tìm thấy kẻ thù, ông ta trở về nhà uất người lên
và chết.
Nhà diễn giả hùng biện nhất của
đế quốc La Mã là Cicero có nói: "Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của
chính mình". Câu chuyện của người nằm mơ thấy kẻ thù, để rồi đi tìm kẻ thù
và cuối cùng, tự hủy hoại chính mình phải chăng không là một minh họa cho câu
nói của Cicero. Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình, bởi vì con
người tự tạo cho mình kẻ thù để tự tiêu diệt chính mình.
Chúa Giêsu không đến để chối bỏ
sự hận thù, nhưng trái lại bày tỏ bộ mặt thực của nó và đánh bại nó. Thù hận là
dấu chỉ sự thống trị của Satan, kẻ thù đúng nghĩa nhất. Chính Satan gieo sự thù
hận trong lòng người và đặt con người vào thế chống đối và tiêu diệt nhau.
Chúa Giêsu đã đánh bại kẻ thù ấy
bằng chính cái chết yêu thương tha thứ của Ngài. Chỉ có yêu thương và tha thứ mới
có thể là thứ khí giới tiêu diệt được kẻ thù. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta thứ
khí giới ấy. Ngài đã không ngừng nói với chúng ta: "Hãy yêu thương kẻ thù
ngươi, hãy làm ơn cho kẻ thù ghét ngươi".
Nếu con người là kẻ thù khủng
khiếp nhất của chính mình, thì quả thực chúng ta phải bắt đầu tiêu diệt nó ngay
chính trong chúng ta. Chính khi chúng ta cưu mang cừu hận là lúc chúng ta tự tạo
nên kẻ thù và tự tiêu diệt chính mình. Chính khi chúng ta khước từ tha thứ và
làm ơn cho những kẻ thù ghét hãm hại chúng ta, là chính lúc chúng ta tự giam
hãm trong hận thù để rồi tự hủy hoại chính mình.
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét