31/08/2016
Thứ tư tuần 22 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 3, 1-9
"Chúng tôi là những người phụ tá của Thiên Chúa, còn anh em
là cánh đồng của Thiên Chúa, là toà nhà của Thiên Chúa".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi không thể nói với anh em như với những người
thiêng liêng, nhưng với những người xác thịt, những trẻ nhỏ trong Ðức Kitô. Tôi
đã cho anh em uống sữa, chứ không cho của ăn, vì bấy giờ anh em chưa ăn được,
nhưng cả bây giờ, anh em cũng chưa ăn được, vì hãy còn là người xác thịt. Bởi
chưng ở giữa anh em, có sự ghen tương và tranh giành, thì anh em không phải là
xác thịt, và sống như người phàm đó sao? Vì khi còn có người nói rằng:
"Tôi thuộc về Phaolô". Kẻ khác nói: "Tôi thuộc về Apollô",
thì anh em không phải là người phàm đó sao?
Vậy Apollô là gì? Phaolô là gì? Tất cả chỉ là những người giúp
việc, mỗi người tuỳ theo ơn Chúa đã ban, nhờ họ mà anh em đã tin. Tôi trồng,
Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng chẳng là gì cả, người
tưới cũng chẳng là gì cả, nhưng chỉ Thiên Chúa, Ðấng làm cho mọc lên, mới đáng
kể. Kẻ gieo và người tưới đều là một. Mỗi người sẽ lãnh công theo sự khó nhọc của
mình. Vì chúng tôi là những người phụ tá của Thiên Chúa: còn anh em là cánh đồng
của Thiên Chúa và là toà nhà của Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 12-13. 14-15. 20-21
Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình
(c. 12b).
Xướng: 1) Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa
chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Tự trời cao Chúa nhìn xuống, Người xem thấy hết
thảy con cái người ta. - Ðáp.
2) Tự cung lâu của Người, Người quan sát, hết thảy mọi người cư
ngụ địa cầu. Người đã tạo thành tâm can họ hết thảy, Người quan tâm đến mọi việc
làm của họ. - Ðáp.
3) Linh hồn chúng tôi mong đợi Chúa, chính Người là Ðấng phù trợ
và che chở chúng tôi. Bởi vậy lòng chúng tôi hân hoan trong Chúa, chúng tôi tin
cậy ở thánh danh Người. - Ðáp.
Alleluia: 2 Tm 1, 10b
Alleluia, alleluia! - Ðấng Cứu Chuộc chúng ta là Ðức Giêsu Kitô,
đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết, và chiếu soi sự sống. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 4, 38-44
"Ta còn phải rao giảng Tin Mừng cho các thành khác, bởi
chính vì thế mà Ta đã được sai đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà
Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy.
Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà
chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau
những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng
bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng:
"Ông là Con Thiên Chúa". Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì
chúng biết chính Người là Ðức Kitô.
Ðến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền
đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo
họ rằng: "Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành
khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến". Và Người giảng dạy trong
các hội đường xứ Giuđêa.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Chữa Trị Bệnh Tật
"Chúng ta hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa"
đó là lời phát biểu của Mẹ Têrêsa Calcutta để gián tiếp chấp nhận lời yêu cầu của
một số ký giả và những người làm phim muốn làm một cuốn phim tài liệu trình bày
những công việc từ thiện do Mẹ và các Nữ tu Dòng Thừa sai bác ái thực hiện. Từ
mấy chục năm nay, tinh thần và tình yêu của Mẹ Têrêsa đối với những người đau
khổ bệnh tật đã được lan ra khắp nơi trên thế giới, như một tiếp tục công tác
chính Chúa Giêsu đã thực hiện mà chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm
nay.
Thuật lại biến cố Chúa Giêsu chữa bệnh bà mẹ vợ ông Simon và nhiều
người khác, thánh sử Luca ghi lại: "Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có
người nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền, đều đưa tới Ngài. Ngài đặt
tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ". Những dòng kế tiếp cho thấy Chúa
Giêsu có uy quyền trên sự dữ. Ở đây sự dữ xuất hiện dưới hai hình thức: bệnh tật
và ma quỉ. Chúa Giêsu ra lệnh và quở mắng để chế ngự, nhưng Ngài không tiêu diệt
chúng. Ngoài ra, trong nhiều cơ hội khác, Chúa Giêsu làm gương bằng sự ân cần của
Ngài đối với các bệnh nhân, kể cả những người mang chứng bệnh khiếp sợ nhất lúc
bấy giờ là bệnh phong cùi.
Trong giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: Ngài đồng
hóa mình với những người bệnh tật, những người nghèo đói, những kẻ sa cơ lỡ bước,
những người bị cầm tù. Ngài nói: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một
trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính
Ta". Qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đem lại cho
đau khổ và bệnh tật ý nghĩa và giá trị cứu rỗi.
Xin cho công trình giải phóng và cứu rỗi của Chúa được nhiều người
quảng đại dấn thân tiếp tục. Xin cho đôi mắt đức tin chúng ta sáng suốt để nhận
ra Chúa nơi những người đang cần được giúp đỡ.
Veritas
Asia
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Tư Tuần
22 TN2
Bài đọc: 1 Cor
3:1-9; Lk 4:38-44.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lối sống
theo Thánh Thần và lối sống theo xác thịt.
Kinh Thánh không chỉ dạy những gì cao siêu khó hiểu nhưng còn
liên quan đến những sinh họat bình thường hằng ngày, không chỉ dạy những gì thuộc
lãnh vực tinh thần mà còn cả những gì thuộc lãnh vực thể xác. Nói tóm, không có
một vấn nạn nào liên quan tới con người mà không được đề cập đến. Bài đọc I nói
về những tật xấu; trong khi Phúc Âm đề cao những tính tốt của con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lối sống theo Thánh Thần và lối sống theo xác thịt.
Thánh Phaolô trong thư gởi Corintô phân biệt rõ ràng hai lối sống:
lối sống theo Thánh Thần và lối sống theo xác thịt. Lối sống thứ nhất đẹp lòng
Thiên Chúa, lối sống thứ hai cần phải sửa đổi để con người có thể ngày càng kiện
toàn hơn. Bài đọc hôm nay đề cập nhiều đến lối sống theo xác thịt, ít nhất là 2
điểm chính:
(1) Ghen tương cãi cọ: Khi thấy người khác hơn mình hay khi người
ta có được những cái mình không có, con người thường nói xấu để hạ bệ nhau hay
tranh cãi để tố cáo nhau. Khi làm những điều này là con người đang để cho tính
xác thịt chi phối làm chia rẽ gia đình và cộng đoàn. Bao lâu còn sống theo tính
xác thịt, con người không thể tiếp thu những bài học để sống theo Thánh Thần.
Thánh Phaolô chỉ cho thấy những điều này đang xảy ra giữa các tín hữu của ngài:
“Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con
người sống theo Thánh Thần, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt,
như với những trẻ nhỏ trong Đức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho
dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không
chịu nổi, vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa
anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống
theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao?”
(2) Vây cánh kéo bè: Một khi không đạt được những ham muốn xác
thịt trên bằng cố gắng cá nhân, con người có khuynh hướng chọn những người cùng
ham muốn những điều đó về phe của mình, rồi cùng tìm cách làm sao để có thể đạt
được những ham muốn thấp hèn đó. Một trong những thủ đọan là dồn phiếu bầu cho
một người và người này sau khi đắc cử phải tìm cách để thỏa mãn những đòi hỏi của
họ. Thánh Phaolô khiển trách: “Khi người này nói: "Tôi, tôi thuộc về ông
Phaolô," và người khác: "Tôi, tôi thuộc về ông Apollo," thì anh
em chẳng là người phàm tục sao?” Nếu một cộng đòan bị tính xác thịt chi phối
như thế, làm sao có thể tồn tại và làm những gì Thánh Thần muốn?
Thánh Phaolô chỉ cho họ một lối sống cao hơn theo Thánh Thần: Điều
quan trọng nhất phải làm trong cuộc đời là làm sao cho mọi người có được niềm
tin vào Thiên Chúa, và làm cho đức tin này ngày càng phát triển mạnh; chứ không
phải sống để vơ vét cho mình những danh vọng, uy quyền, và các mối lợi vật chất.
Mỗi người lãnh đạo hay rao giảng chỉ là khí cụ của Chúa dùng trong một thời
gian hay một hòan cảnh nhất định để góp phần trong công cuộc rao giảng Tin Mừng.
Người cần thiết nhất làm cho đức tin lớn mạnh là chính Thiên Chúa. Thay vì tập
họp thành bè đảng để chọn người lãnh đạo làm theo ý riêng mình, họ phải để
Thánh Thần hướng dẫn để lựa chọn những người có khả năng để hướng dẫn cộng
đoàn, rồi chính họ cũng phải tích cực cộng tác với người lãnh đạo, trong sứ vụ
rao truyền và củng cố đức tin cho Dân Chúa.
2/ Phúc Âm: Mọi người đều góp phần trong việc chữa lành những tật bệnh trong
cuộc sống.
(1) Gương sáng của Chúa Giêsu: Ngài vất vả từ sáng đến tối để chữa
lành cả phần hồn lẫn phần xác của mọi người. Vừa hoàn tất việc giảng dạy để mở
mang kiến thức cần thiết cho cuộc sống phần hồn trong hội đường, Ngài về nhà
Simon với mục đích để kiếm gì ăn và nghỉ ngơi phần xác; nhưng của ăn không thấy
mà trước mắt bà nhạc của Simon và bao nhiêu người bệnh đang chờ để quấy rầy
Ngài. Thay vì nổi nóng trước những điều trái ý, Ngài chữa bệnh cho Bà nhạc và tất
cả mọi người. Và khi đám đông tìm Ngài và muốn giữ Ngài lại kẻo Ngài bỏ họ mà
đi, Ngài nói với họ: "Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho
các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó."
(2) Gương sáng của Bà nhạc mẫu của Simon: Chỉ với hai câu tường
thuật ngắn ngủi đã dạy cho chúng ta bài học phải làm khi đã thọ ơn: “Lúc ấy, bà
mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giêsu cúi xuống gần
bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất. Tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các
ngài.” Bà không nấu ăn cho Chúa, cho con và các môn đệ được là vì Bà đang bị sốt.
Nhưng sau khi đã được Chúa chữa lành, Bà đã không nại lý do mới lành bệnh cần
được nghỉ ngơi cho lại sức; nhưng lập tức chỗi dậy để phục vụ Chúa và các môn đệ.
Bà là gương sáng cho mọi người noi theo vì tất cả mọi người đều có bổn phận phải
đóng góp thì cuộc sống gia đình và cộng đoàn mới bình an ổn định được. Cuộc sống
sẽ xáo trộn và thiệt thòi nếu Chúa Giêsu vừa lo giảng dạy, vừa chữa lành, vừa nấu
ăn, vừa phục vụ!
(3) Gương sáng của mọi người: Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ.
Dân chúng xin Ngài chữa bệnh cho Bà nhạc Simon, và lúc mặt trời lặn, tất cả những
ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Tuy không chữa bệnh
được nhưng đám đông có công tìm thầy và mang những người bệnh tới cho Chúa để
được chữa lành. Trong cuộc sống hằng ngày, con người cần có thái độ đoàn kết
này để giúp nhau vượt qua những trở ngại. Đừng ích kỷ quay đi trước những đau
khổ của tha nhân, vì “nay người mai ta.” Nếu mình quay đi trước những khổ đau của
đồng loại, ai là người sẽ giúp mình trong những lúc mình phải đương đầu với đau
khổ?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không những cần biết chế ngự các tật xấu mà còn phải
phát huy những tính tốt trong đời sống hằng ngày.
- Nếu đã thọ ơn Chúa và thánh Phaolô trong việc nhận ra những
giá trị tinh thần và được chữa lành, đừng ích kỷ quay đi, nhưng phải tiếp tục
làm ơn cho người mình đã thọ ơn hay cho người khác.
- Đức tin phải là điều quan trọng nhất của chúng ta khi còn sống
ở đời này. Đừng hy sinh đức tin cho những lợi lộc thấp hèn như danh vọng, uy
quyền, những lợi lộc vật chất để kéo bè làm chết ngạt sự phát triển đức tin của
mình cũng như của tha nhân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
31/08/16 THỨ TƯ TUẦN 22 TN
Lc 4,38-44
Lc 4,38-44
Suy niệm: Lời nói một khi đã ăn sâu vào tâm trí, ta khó
mà ra khỏi ảnh hưởng của lời ấy được. Lời ấy có thể hình thành tương lai của
một em bé, cũng như có thể phá hủy cuộc sống của người trưởng thành. Lời con
người có sức mạnh tiềm ẩn như vậy, huống chi lời của một vị Thiên Chúa! Đức
Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, đã cho thấy sức mạnh của Lời Thiên Chúa
ấy khi làm dân chúng ngạc nhiên về lời giảng dạy đầy uy quyền của Ngài. Đầy uy
quyền vì không dựa vào thế giá của các ráp-bi danh giá hay của người xưa, mà chỉ
dựa vào chính uy tín của bản thân mình. Đầy quyền năng và uy lực vì chỉ cần một
mệnh lệnh “Câm
đi, hãy xuất khỏi người này!” là
quỷ dữ phải tuân lệnh ngay lập tức.
Mời Bạn: “Một
giọt mực cũng đủ làm cho cả triệu người phải suy nghĩ” (nhà thơ G. Byron). Lời Đức Giê-su trong Tin
Mừng không chỉ khiến ta phải suy nghĩ, nhưng còn giúp ta đạt được sự sống đời
đời. Lời đầy uy quyền ấy có thể khử trừ các thứ quỷ ham hưởng thụ, dâm ô, bạo
lực, gian dối ra khỏi tâm hồn bạn. Lời đầy uy quyền ấy có thể vực bạn ra khỏi
tình trạng chán nản, thất vọng. Bạn sẽ làm gì để lời uy quyền ấy phát huy sức
mạnh nơi bạn?
Sống Lời Chúa: Tôi
dành vài phút đọc và suy niệm Lời Chúa theo lịch phụng vụ hằng ngày, và áp dụng
Lời ấy trong đời sống của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa có lời ban sự sống đời đời, lời dẫn
con đến hạnh phúc vĩnh cửu, lời đem lại niềm vui cho cuộc sống hôm nay. Xin cho
con cũng biết điều chỉnh cách ứng xử của con theo Lời hằng sống ấy.
Phải loan báo Tin Mừng
Con người hôm nay cũng bị đau yếu về nhiều mặt.
Mong mỗi tông đồ hôm nay cũng có khả năng chữa lành như Thầy Giêsu.
Su
y
niệm:
Sáng
ngày sabát Đức Giêsu đã giảng dạy ở hội đường Caphácnaum.
Lời
của Ngài đầy uy quyền và uy lực.
Lời
ấy đã trục được quỷ khỏi một người đàn ông (Lc 4, 31-37).
Có
lẽ đến trưa, Đức Giêsu rời khỏi hội đường để về nhà ông Simôn.
Tiếc
thay bà mẹ vợ của ông lại bị sốt nặng, nằm một chỗ.
Người
ta yêu cầu Ngài chữa cho người phụ nữ này.
Ngài
đã lại gần và cúi xuống trên bà.
Ngài
quát mắng cơn sốt như đã quát mắng thần ô uế (c. 39).
Lập
tức cơn sốt phải rút lui.
Bà
có thể đứng dậy được để phục vụ cơm nước cho Đức Giêsu và môn đệ.
Một
lần nữa, chúng ta lại thấy sức mạnh của Lời Ngài.
Ngài
chữa bệnh cho người phụ nữ chỉ bằng một lời ra lệnh.
Bệnh
tật, dù nhẹ đi nữa, cũng làm phiền con người,
làm
cản trở mọi sinh hoạt bình thường, và làm con người mất tự do.
Đức
Giêsu đã nâng dậy một người đang nằm, mất sức làm việc.
Khi
mặt trời lặn, lúc đã hết ngày sabát là ngày lễ nghỉ,
người
ta mới đem cho Ngài những người bị đau đủ thứ bệnh.
Ngài
chữa cho họ bằng cách đặt tay trên từng người (c. 40).
Đức
Giêsu cúi xuống và chạm vào nỗi đau của từng thân xác.
Không
rõ khi nào Ngài dừng tay để đi ngủ.
Chỉ
biết khi trời hừng sáng, Ngài đã thức dậy ra đi, đến một nơi vắng vẻ.
Hẳn
là Ngài cần chút thinh lặng, để xa đám đông, để gặp gỡ Cha,
Ngài
cần dâng cho Cha một tuần mới đang đến.
Đức
Giêsu không chỉ mê phục vụ cho đám đông,
Ngài
còn mê ở một mình, mê cầu nguyện, mê chỗ vắng.
Nhưng
các đám đông hối hả đi tìm Ngài, vì nhiều người cần chữa bệnh.
Khi
bắt được Ngài, họ không cho Ngài lìa bỏ họ (c. 42).
Thành
công và tiếng tăm, thiện cảm và sự thân quen gần gũi,
là
những điều có thể giữ chân người tông đồ.
Trước
sự chèo kéo của những người đau yếu đang thực sự cần Ngài,
Đức
Giêsu vẫn muốn giữ cho mình sự tự do của người được Cha sai.
Ngài
nhìn thấy cánh đồng mênh mông của thế giới.
Ngài
hiểu là mình không được phép dừng chân ở một chỗ, để đặt trụ sở.
Ngài
biết là mình được mời gọi lên đường mỗi ngày.
Đâu
phải chỉ có thành Caphácnaum hay Nadarét hay vùng Galilê.
“Tôi
còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa
cho
các thành khác nữa, vì tôi được sai cốt để làm chuyện đó” (c. 43).
Chữ phải đến
như một mệnh lệnh từ Cha, kéo Đức Giêsu đi không nghỉ.
Ngài
vượt qua bao biên giới của gia đình, làng quê, tỉnh thành…
Rồi
có ngày việc loan báo Tin Mừng sẽ trải dài đến tận cùng thế giới.
Khi
chữa lành cho con người, Đức Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa đến.
Con
người hôm nay cũng bị đau yếu về nhiều mặt.
Mong
mỗi tông đồ hôm nay cũng có khả năng chữa lành như Thầy Giêsu.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin
ban cho chúng con
tỏa
lan hương thơm của Chúa
đến
mọi nơi chúng con đi.
Xin
Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng
Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin
Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để
chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin
Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để
những người chúng con tiếp xúc
cảm
nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin
cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không
phải bằng lời nói suông,
nhưng
bằng cuộc sống chứng tá,
và
bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
31 THÁNG TÁM
Đâu Là Vai Trò Riêng Của Các Hội Đồng Giám Mục Cấp Quốc
Gia?
Các hội đồng giám mục quốc gia đã trở thành một thực tại sống động,
cụ thể trên mọi miền thế giới. Thượng Hội Đồng nhận thấy nhu cầu cần đào sâu sự
hiểu biết thần học nhất là nền tảng tín lý của những tổ chức này. Các tổ chức
này đã có nhiều đóng góp rất giá trị cho công việc của Giáo Hội tại những quốc
gia khác nhau. Điề này thật đáng khích lệ. Nhưng sự phát triển và tầm mức ảnh
hưởng ngày càng tăng của các tổ chức này cũng làm bật lên những vấn đề về tín
lý và mục vụ trong Giáo Hội. Chúng ta tự hỏi: Các hội đồng giám mục nên phát
triển như thế nào? Đâu là vai trò của các tổ chức này trong đời sống Giáo Hội?
Chính Công Đồng Vatican II – trong Sắc Lệnh về các giám mục và về
vai trò quan trọng của các giám mục trong đời sống Giáo Hội – đã thúc đẩy việc
đào sâu nhận hiểu về nền tảng tín lý của các hội đồng giám mục quốc gia. Trong
Bộ Giáo Luật, cũng có đề cập đến các hội đồng giám mục này. Giáo luật tuyên bố
rằng các giám mục “liên kết với nhau thực hiện một số chức năng để thăng tiến
những thiện ích mà Giáo Hội cung ứng cho con người. (GL 447).
Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần tác động mạnh mẽ nơi các hội
đồng giám mục quốc gia – để mọi quốc gia trên trái đất này có thể được chăm sóc
mục vụ hữu hiệu và được lớn lên trong đức tin.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong
Gia Đình
Ngày 31 – 8
1Cr 3,1-9; Lc 4,38-44.
Lời suy niệm: “Đức Giêsu ra khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simon. Lúc ấy, bà mẹ vợ
ông Simon đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giêsu cúi xuống gần bà,
ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất; tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các
ngài.”
Đối với Chúa Giêsu, bất cứ ai đặt trọn niềm tin vào Người mà cầu
xin bất cứ điều gì cho bản thân mình hay cho người khác với tình thương chân thật,
đều được Người hiện diện, nhậm lời và ban cho những ơn cần thiết để vui sống mà
phục vụ.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn biết cầu nguyện cho mình
và cho người anh em, và khi nhận được ơn lành của Chúa thì biết tạ ơn với cung
cách phục vụ lẫn nhau.
Mạnh Phương
31 Tháng Tám
Ốc Ðảo Hòa
Bình
Cách Giêrusalem khoảng 30 cây số, một số người Do Thái và Ả Rập
đã tình nguyện sống chung với nhau trong một ngôi làng mà người Do Thái gọi là
Nevé Shalom, còn người Ả Rập thì gọi là Wahat as Salam: cả hai tiếng đều có
nghĩa là "Ốc đảo hòa bình".
Năm 1978, khi mới thành lập, ngôi làng Hòa Bình này chỉ có một
gia đình. Một năm sau, con số đó lên đến năm và hiện nay, có tất cả 15 gia đình
vừa Do Thái vừa Ả Rập chung sống với nhau. Tổng cộng dân số của ngôi làng Hòa
Bình này hiện nay là 70 người. Tất cả đều đeo đuổi một mục đích chung là minh
chứng rằng người Do Thái và người Ả Rập có thể sống chung với nhau mà vẫn tôn
trọng sự khác biệt của nhau.
Người sáng lập ngôi làng này là cha Bruno Hussar, một linh mục
công giáo năm nay 78 tuổi. Cha ngài là một người Pháp gốc Do Thái và mẹ ngài là
một người Hungary cũng gốc Do Thái. Cả hai đều là những người Do Thái khổ đạo.
Năm lên 22 tuổi, ngài đã trở lại công giáo và xin tu trong viện Ðaminh. Cha
Bruno Hussar tuyên bố với tất cả xác tín như sau: "Trong Kinh Thánh người
ta đọc được lời này: Dân Ta sống trong một ốc đảo hòa bình. Cố gắng cảm thông
là điều có thể làm cho những người Do Thái và Ả Rập xích lại gần nhau, cũng như
chính những người Kitô có thể đến gần với những người Hồi Giáo và vô thần".
Ước vọng của các phụ huynh của 33 trẻ em sinh ra trong ngôi làng
Hòa Bình này là thấy chúng được giáo dục chung với nhau. Do đó, họ đã cho xây một
vườn trẻ chung, một trường mẫu giáo chung, một trường tiểu học chung, nơi đó
các trẻ em Do Thái và Ả Rập đều có thể nói một lúc hai thứ tiếng. Một người cộng
tác viên của cha Bruno cho biết như sau: "Ngay từ lúc nhỏ, các trẻ em đã
có thể làm quen với hai nền văn hóa một lúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là
các em sẽ đánh mất nền văn hóa của mình, trái lại càng ý thức về nguồn gốc của
mình cũng như càng tôn trọng người khác".
Ðể bảo tồn văn hóa của mình, các gia đình trong ngôi làng Hòa
Bình này cũng xây nhà theo sở thích của họ. Nhưng những căn nhà này không thuộc
quyền sở hữu của họ. Tất cả đều chọn lựa sống một cuộc sống gần như tập thể:
tuy trình độ khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều đồng ý một mức lương giống
nhau. Mỗi ngày, mọi dân cư trong ngôi làng này dùng điểm tâm và ăn trưa chung với
nhau.
Người phụ tá của cha Bruno Hussar nói rằng: "Ngồi đồng bàn
để nói chuyện với nhau thay vì giữ những thành kiến riêng, điều đó giúp thay đổi
thái độ rất nhiều".
Cũng như trong tinh thần đó, từ 10 năm qua, 15 gia đình trong
ngôi làng Hòa Bình này đã tổ chức được rất nhiều cuộc gặp gỡ cho giới trẻ Do
Thái và Ả Rập. Người ta cũng đã nghĩ đến một nhà cầu nguyện chung, chung không
những cho người Do Thái và Ả Rập, mà còn chung cho những người không tín ngưỡng
nữa...
Thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối...
Những người dân cư trong ngôi làng Hòa Bình trên đây, hẳn đã thấy được vết dầu
loang của Hòa Bình mà họ đã tung ra. Một ánh lửa được đốt lên sẽ không bao giờ
tàn lụi một cách vô ích. Nó sẽ lan ra và khơi dậy những ngọn lửa mới.
Tình yêu là điều có thể có giữa con người. Hòa bình là điều mà
con người có thể xây dựng nếu con người biết tin tưởng nhau, biết chấp nhận
nhau, biết tôn trọng sự khác biệt của nhau...
Trong phạm vi nhỏ bé của một tổ, của một khu phố, của một xóm
làng, liệu những người Kitô chúng ta có thể xây dựng được một ngôi làng Hòa
Bình với nhau không?...
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét