28/08/2016
Chúa Nhật tuần 22 thường niên năm C
(phần I)
Bài Ðọc I: Hc 3, 19-21. 30-31
"Con hãy hạ mình, thì con sẽ
được đẹp lòng Chúa".
Trích sách Huấn Ca.
Hỡi con, con hãy thi hành công
việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng
làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì
chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải
tôn vinh Chúa.
Tai hoạ dành cho kẻ kiêu căng
thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng
không biết. Người thông minh suy ngắm trong lòng lời dụ ngôn, chăm chỉ nghe là
kỳ vọng của người khôn ngoan.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 67, 4-5ac. 6-7ab. 10-11
Ðáp: Ôi Thiên Chúa, do lòng nhân hậu, Chúa đã chuẩn bị chỗ định
cư cho kẻ cơ bần (x. c. 11b).
Xướng: 1) Những người hiền đức mừng
rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa họ mừng vui sung sướng. Hãy hát mừng Thiên
Chúa, hãy đàn ca danh Người, hãy sửa sang đường lối cho Ðấng ngự giá qua hoang
địa. - Ðáp.
2) Là Cha kẻ mồ côi, là Ðấng
bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo
nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt.
- Ðáp.
3) Ôi Thiên Chúa, Ngài làm mưa
ân huệ xuống cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi Thiên
Chúa, đoàn chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn bị
cho kẻ cơ bần. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 12, 18-19. 22-24a
"Anh em tiến đến núi Sion
và thành trì của Thiên Chúa hằng sống".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, không phải anh
em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão
táp hoặc tiếng kèn, và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với
họ lời nào nữa. Trái lại, anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa
hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng
đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Ðấng phán
xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng
Ðấng trung gian của giao ước mới là Ðức Giêsu.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa,
xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời.
- Alleluia.
Phúc Âm: Lc 14, 1. 7-14
"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải
hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat
Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét
Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ
ngôn này rằng:
"Khi có ai mời ngươi dự tiệc
cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời
dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng:
'Xin ông nhường chỗ cho người này'. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ
rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời
ngươi đến, nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên'. Bấy giờ ngươi sẽ
được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ
xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".
Rồi Người lại nói với kẻ đã mời
Người rằng: "Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em,
bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã
được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què
quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả
lễ khi những người công chính sống lại".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Hãy học với Chúa Giêsu mà ở khiêm nhường và hiền lành trong lòng
Tuần lễ
trước, Chúa đã dạy chúng ta phải đi qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. Và tác giả
thư Hípri đã giúp chúng ta nhận thấy các thử thách và khó khăn xảy đến cho người
tín hữu đang mở ra trước mắt họ con đường hẹp mời họ đi vào. Nhưng đó chỉ là một
cách áp dụng, một khía cạnh của con đường hẹp. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy
một khía cạnh khác và một cách áp dụng mới. Chúa dạy chúng ta phải khiêm nhường.
Thoạt nghe chúng ta có thể nghĩ đây là một giáo huấn đơn sơ; nhưng đọc kỹ các
bài Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ thấy đó là bài học rất sâu xa. Chúa dùng lời
nói và kiểu nói thông thường của loài người, nhưng lại muốn gợi đến những mầu
nhiệm thâm thúy. Chúng ta hãy xin ơn soi sáng để hiểu ra ý Chúa.
1. Hãy Ở Khiêm Hạ
Bài
sách Huấn ca cho chúng ta những lời khuyên thực tế. Tác giả là Ben Sira, và vì
thế tác phẩm của ông còn được gọi là Siracide. Chúng ta xét đến nội dung và nhất
là công dụng của cuốn sách và đặt tên cho nó là Huấn ca, vì lẽ đặc biệt từ thời
thánh Cyprianô nói thường được Giáo hội dùng để giáo huấn tân tòng (và vì thế
trong tiếng Pháp nó còn được gọi là: Ecclesiastique, tức là sách để Giáo hội
dùng để dạy dỗ). Nội dung của nói quả thật có giá trị huấn luyện.
Tác giả
là một người Do Thái đạo đức, khả giả, và khôn ngoan ở thời Hy Lạp đô hộ, tức
là vào khoảng năm 200 năm trước Chúa Giêsu giáng sinh. Ông thấy văn minh Hy Lạp
đang chi phối đời sống của dân Chúa. Triết lý Hy Lạp cũng đang len lỏi vào tâm
tư của nhiều người. Ben Sira không bài ngoại nhưng cân nhắc. Ông suy nghĩ đắn
đo. Ông thấy Lời Chúa vẫn trổi vượt. Làm sao để đồng bào của ông cũng thâm tín
như vậy? Ben Sira mượn lối văn khôn ngoan, đi từ những kinh nghiệm thực tế, suy
nghĩ theo lương tri và nhận ra ơn cứu độ chỉ có nơi Lời Chúa mạc khải. Ông viết
các suy tư vụn vặt của ông ra giấy trắng mực đen, để dạy dỗ con cháu và môn
sinh trung thành với Lời Chúa. Ông đem Lời Người vào thực tế, hòa hợp sự khôn
ngoan triết học với chân lý mạc khải, làm ra quyển sách có giá trị này để dạy dỗ
người đời.
Hôm
nay trong đoạn sách vừa nghe, tác giả khuyên chúng ta hãy ở khiêm hạ. Các bản dịch
không nhất trí với nhau về mọi từ ngữ; nhưng ý chính vẫn được tôn trọng. Ben
Sira khuyên rằng: trong mọi sự, kể cả trong giàu có và lúc thế lực, chúng ta
hãy ở khiêm hạ. Tư thế của ông cho phép ông khuyên như vậy mà không sợ bị phản
đối: vì ông cũng là người giàu có và có thế lực. Kinh nghiệm cho ông thấy rằng
cả khi có tiền có quyền, tốt hơn cứ ở khiêm hạ vì hai lẽ: vừa đẹp lòng người vừa
đẹp lòng Chúa.
Người
ta vẫn thích thái độ khiêm hạ, vì nó nói lên lòng kính trọng kẻ khác và ý chí
nhẫn nhục không muốn đè bẹp một ai nhưng chờ đợi sự hiểu biết của mọi người. Nó
gây được lòng thiện cảm của mọi người đang khi vẫn làm cho mọi người thấy khả
năng đích thực của người có thế lực. Người có khả năng càng nhiều khiêm hạ bao
nhiêu càng dễ thành công bấy nhiêu vì khả năng của họ chinh phục được cả lòng
người nữa. Còn đối với Thiên Chúa, thái độ khiêm hạ của con người là cớ để Chúa
càng mở rộng lòng rộng rãi đối với họ. Người thấy họ bé nhỏ trước mặt mình, nên
Người càng thương và càng muốn ban ơn. Chính vì vậy mà tiên tri Sôphônia đã
nhìn thấy Dân Chúa sau này gồm toàn những người khiêm hạ, tức là những người
khó nghèo được đầy ơn vì họ biết mình hèn hạ ở trước mặt Chúa nên được Người đổ
đầy ơn Cứu độ (3,12). Chúng ta ngày nay còn hiểu rõ giá trị của thái độ khiêm hạ
này hơn nữa vì chính Ðức Giêsu đã dạy: Hãy học với Ta mà ở hiền lành và khiêm
nhường trong lòng (Mt 11,28-30).
Thế là
từ một nhận xét theo kinh nghiệm thấy rằng con người cư xử khiêm hạ luôn luôn
được mọi người chấp nhận, tác giả sách Huấn ca tìm thấy giá trị sâu xa của thái
độ ấy nằm trong Lời Chúa, và mạc khải của Người. Chính Người muốn huấn luyện
dân được tuyển chọn nên những con người hiền lành và khiêm nhường để được chấp
nhận trong thời kỳ cứu độ. Viễn tượng này làm cho lời khuyên khiêm hạ của tác
giả có giá trị bất khả kháng vì hết mọi con cái Israen thời bấy giờ không sợ gì
hơn bị loại khỏi những con số được cứu vớt.
Tuy
nhiên tác giả còn muốn triển khai thêm. Ông cho thấy nết xấu ngược lại, tức là
tính kiêu ngạo là một thứ bệnh nan trị. Nó là thứ cây xấu đã đâm rễ từ trong
lòng người ta, thì hành vi ngôn ngữ hết thảy của họ đều xấu xa tội lỗi. Ông có
thể đã nghĩ đến thái độ của Pharaô kiêu căng cố chấp nên đã đi từ thảm hại này
đến thẩm hại khác. Có lẽ ông cũng đã nghĩ nhiều hơn đến thái độ của dân Do Thái
trong suốt lịch sử cứng đầu cứng cổ và lòng dạ chai đá đối với Lời Chúa. Ông
nghĩ rằng con người có tư cách, sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng lãnh được Lời Hứa
của Người phải là kẻ khôn ngoan có thái độ môn sinh, biết nhận xét thực tại
nhưng nhất là biết lắng nghe Lời. Hai thái độ này làm cho người ta biết sống và
đạo đức. Người ta phải học hỏi và quan sát thực tế, nhưng nhất là phải để Lời
Chúa hướng dẫn tâm tư. Một con người như vậy sẽ đẹp lòng Chúa và không sợ sai lầm.
Họ là người khôn của Nước Trời, vượt xa sự khôn ngoan của thế gian.
Lời của
Ben Sira đã đem đạo vào đời. Quan niệm và tư tưởng của ông còn rất mới. Tuy
nhiên chúng ta sẽ thấy trong bài Tin Mừng, Ðức Giêsu còn dạy dỗ cụ thể và sâu
xa hơn nữa, làm chứng Tân Ước sẽ kiện toàn Cựu Ước.
2. Hãy Hạ Mình Xuống
Theo
thánh Luca, hôm ấy là ngày Sabát; người ta vừa đi lễ vừa nghỉ ngơi. Các gia
đình ăn uống khá hơn ngày thường. Và người ta dễ mở tiệc đãi khác, vậy, một đầu
mục Biệt phái mời Ðức Giêsu đến dùng bữa tại nhà ông. Có lẽ ông cũng chẳng có
thịnh tình đặc biệt gì đối với Người. Nhiều người Biệt phái khác cũng đã mời
Người dùng bữa (Lc 7,36; 11,37; 14,1). Họ đều muốn dò xét xem Người là con người
thế nào. Nên có nhiều Biệt phái và Luật sĩ cũng được mời đến ăn để tiếp chuyện
Người.
Theo
thông lệ, khi mời các bậc "thầy" đến dùng bữa, người ta muốn nghe biết
đạo lý của các Ngài. Ðức Giêsu vẫn được tôn là "Thầy", nên hôm nay
trăm mắt cũng đổ dồn vào Người để đón nghe lời đạo lý. Nói đúng ra, hôm nay đã
có cớ để Ðức Giêsu mở miệng phát biểu. Có một người mắc bệnh thủy thủng đứng
trước mặt Người. Người hỏi các Luật sĩ và Biệt phái: có được chữa bệnh ngày hưu
lễ không? Họ không muốn trả lời. Nhưng Người đã cho người kia được khỏi bệnh, để
làm chứng - hay nói đúng hơn, để gợi lên ý tưởng - Người là Ðấng Cứu Thế đã đến
ở giữa họ. Người muốn chữa lành tâm tư tội lỗi của mọi người.
Thế
nên thấy Luật sĩ và Biệt phái luôn chọn chỗ nhất, chỗ cao nơi bàn ăn cũng như
nơi hội đường, Ðức Giêsu nhớ đến những câu trong bộ sách Khôn ngoan, đặc biệt mấy
lời trong sách Huấn ca và Châm ngôn nói rằng: Ông lớn mời con, con hãy ở xa, để
ông càng xích lại mời (Hc 13,9); Con đừng xin địa vị cao sang với Vua Chúa
(7,4); Trước mặt vua, con chớ nên vênh váo và đừng ngồi vào chỗ của kẻ quyền
cao; bởi, được người ta nói: "xin mời lên đây" thì tốt hơn là bị hạ
xuống trước mặt vương công (Cn 25,6-7). Ít ra những lời Ðức Giêsu nói với Biệt
phái và Luật sĩ hôm nay đã phản ánh và làm dội lại lập trường khôn ngoan được
ghi trong Sách thánh. Người ta có thể thấy Người cũng có lập trường chính thống
và họ không thể phản đối Người. Hơn nữa Người đã nhắc lại cho người ta và cho
những người "kiêu ngạo nhất" giáo lý của sách Huấn ca dạy mọi người
hãy ở khiêm hạ. Và Người đã áp dụng giáo lý ấy vào một trường hợp cụ thể và cho
những con người cụ thể.
Chúng
ta có thể hỏi: Không biết các Luật sĩ và Biệt phái có khó chịu khi nghe những lời
như vậy không? Nhưng rõ ràng Ðức Giêsu đã muốn dùng lối văn gián tiếp, kiểu văn
khôn ngoan của thời đại; nên họ có khó chịu cũng không đến nỗi nào.
Người
cũng dùng một kiểu nói như vậy để hướng về phía chủ nhà đã mời Người. Ông ta
cũng muốn được nghe một lời nào cho riêng mình, theo như tâm lý của mọi người
khi mời một bậc thầy đến dùng bữa để được nghe lời khôn ngoan. Người dạy:
"khi nào thết tiệc, ngươi hãy mời những kẻ ăn mày, tàn tật, què quặt, đui
mù; và ngươi sẽ có phúc, vì họ không có gì báo đền ngươi lại. Bởi chưng ngươi sẽ
được báo đền khi kẻ lành sống lại".
Ðây
cũng còn là những điều dạy trong luật pháp, nhưng hoặc không rõ, hoặc bị quên
lãng. Ðức Giêsu đã triển khai giáo huấn của sách Thứ luật nói rằng "Cuối mỗi
ba năm, ngươi sẽ đem ra tất cả thập phân về hoa lợi của ngươi năm ấy và ngươi sẽ
cất lại trong cổng thành ngươi; để Lêvi, người không có phần hay cơ nghiệp
chung với ngươi, và khách cư ngụ, cùng mồ côi quả phụ ở trong cổng thành ngươi
sẽ đến; họ sẽ ăn và được no nê; ngõ hầu Thiên Chúa của ngươi chúc phúc cho
ngươi trong mọi công việc ngươi làm" (14,28). Ðiều mà luật pháp dạy làm cứ
mỗi ba năm Ðức Giêsu nói hãy làm bất cứ lúc nào. Và khi luật pháp bảo cứ để sẵn
đó cho người ta đến dùng, Ðức Giêsu bảo hãy đi mời người ta lại; cuối cùng luật
pháp hứa cho người ta được đền bù ở đời này, Ðức Giêsu nói sẽ được báo đáp ở đời
sau. Ðức Giêsu đã chẳng lặp lại ý nguyên luật pháp; Người đã triển khai, kiện
toàn và đưa luật pháp lên bình diện đạo đức thiêng liêng hơn.
Nhưng
như vậy chúng ta chỉ mới nhìn sự việc đúng lúc xảy ra trong cuộc đời của Ðức
Giêsu khi Người còn tại thế. Thánh Luca khi viết lại bài Tin Mừng hôm nay đã có
một kinh nghiệm mới hơn. Người đang sống trong Hội Thánh mà vẫn nhìn thấy Hội
Thánh cử hành bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta sẽ không hiểu hết ý của Người nếu dừng
câu chuyện lại ở thời Ðức Giêsu. Qua câu chuyện ấy, chúng ta còn phải đón nhận
giáo huấn của thánh Luca về bàn tiệc Thánh Thể và Hội Thánh.
Khi mở
đầu bữa ăn bằng việc chữa lành một người bị thủy thủng, Ðức Giêsu không muốn bữa
ăn Người dự nên bữa tiệc cánh chung và cứu thế hay sao? Thiên Chúa, trong ngày
cứu độ, sẽ chữa lành mọi tật bệnh và tội lỗi của loài người và đưa họ vào tiệc
cưới muôn đời của Người. Nếu thế thì không thể có những người kiêu ngạo, tự phụ,
tự mãn ở bàn tiệc này, nhưng khi thay vào chỗ của họ là những kẻ khó nghèo, tàn
tật, què quặt, đui mù.
Thế
nên những người đã được đưa vào bàn tiệc như vậy vừa phải có tinh thần khiêm hạ,
vừa phải có lòng quảng đại vô vị lợi. Chỉ khi nào như vậy, các bàn tiệc Thánh
Thể mới diễn tả được bữa ăn tiệc ly của Chúa. Ngày dùng bữa tiệc ấy, Người đã hạ
mình như thế nào để rửa chân cho môn đệ và Người đã trao ban rộng rãi vô vị lợi
làm sao khi phó nộp thân thể mình làm của ăn và của uống!
Suy
nghĩ như vậy, các bài Kinh Thánh chúng ta vừa đọc mới thật sự ý nghĩa; và mới
giúp chúng ta đi sang bài thư Hípri.
3. Hãy Tiến Lại Gần
Tác giả
đang nói những lời "an ủi". Người so sánh số phận dân cũ và dân mới.
Tôn giáo thời nào cũng đưa người ta đến gần Thượng đế. Nhưng ngày xưa ở núi
Sinai, dân Cựu Ước đã tiến lại gần núi thánh mà rụng rời. Quang cảnh trời long
đất lở, sấm chớp hãi hùng làm cho con cái Israen phải xin với Môsê làm sao để
Thiên Chúa đừng nói thẳng với họ kẻo họ chết hết. Xin Người cứ dùng ông mà mạc
khải tôn ý. Ðạo cũ vì thế không thể thoải mái được. Ðó là giai đoạn còn luyện lọc
thanh tẩy.
Nhưng
đạo mới không còn như vậy nữa. Tất cả đã thay đổi. Chúng ta ngày nay đã được tiến
lại gần núi Sion và Giêrusalem thiên đài, tức là đã được đưa sang một thế giới
khác, thế giới thiêng liêng của Thiên Chúa hằng sống. Các yếu tố thiên nhiên vật
chất như lửa, mây, sấm, chớp không còn nữa. Người tín hữu lúc này được bao vây
toàn bằng những thực tại thiêng liêng: nào là cộng đoàn những trưởng tử đã được
đăng ký trên trời, tức là cộng đoàn các tín hữu đã được ghi danh vào sổ hằng sống,
nào là vạn vạn thiên thần trong ngày đại hội. Nhất là người theo đạo mới đã được
tiến lại gần ngai ân sủng là chính Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người nhưng vô
cùng khoan dung rộng rãi với con cái, nhờ Ðấng trung gian mới là Ðức Giêsu đã đổ
máu rửa sạch tội lỗi chúng ta.
Ðó là
thế giới đức tin của người tín hữu. Họ đã được đưa vào từ ngày chịu phép Thánh
Tẩy; và ngày nay mỗi khi đến gần bàn thờ để cầu nguyện và cử hành Thánh Thể họ
lại được đưa vào thế giới thiêng liêng cao cả ấy. Thân phận của họ như vậy thì
các chỗ ngồi và ngôi thứ ở trần gian này còn đáng quan tâm nữa không? Nói đúng
hơn, ơn Chúa đã đưa con người vào thế giới thiêng liêng tốt đẹp như vậy để họ
thấy phải đem thực hiện tương tự như thế trong đời sống trần gian. Nơi đó con
người được hòa đồng với mọi người trong tình bác ái tốt đẹp và quảng đại, thì họ
cũng phải thi hành những tinh thần ấy khi sống trong xã hội với mọi người.
Nếu những
điều kiện chúng ta vừa nói trên đây là đúng, thì chúng ta hãy nghĩ đến công việc
chúng ta đang làm. Chúng ta đang ở gần bàn thờ. Chúng ta sắp hiệp thông trong
thánh lễ. Ðây không phải là bàn tiệc Nước Trời sao? Ở đây không được có óc biệt
phái, nhưng phải hòa hợp.
Hơn nữa,
phải xem gương Ðức Giêsu hạ mình và xả thân rất quảng đại. Chúng ta có thể nào
dự lễ sốt sắng rồi về nhà lại sống phân biệt ích kỷ? Các bài Kinh Thánh hôm nay
đưa chúng ta vào thánh lễ, thì thánh lễ phải đưa chúng ta vào đời sống, để tinh
thần khiêm hạ, xả kỷ không phải chỉ là lời khuyên nhưng trở thành nếp sống đạo
mới của chúng ta theo gương Ðức Giêsu, Ðấng đã dạy chúng ta hãy học với Người
mà ở khiêm nhường và hiền lành trong lòng; và đã mở cửa Nước Trời và bàn tiệc
Nước Trời nguyên cho những người như vậy.
(Trích dẫn từ tập sách Giải
Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô
Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 22 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Sir 3:17-18, 20, 28-29; Heb
12:18-19, 22-24a; Lk 14:1, 7-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khiêm nhường tự hạ để giúp đỡ kẻ yếu kém.
Kiêu ngạo là một khuynh hướng dường
như có sẵn trong con người, chỉ chờ cơ hội để bộc phát. Tội nguyên tổ là một ví
dụ điển hình, vì muốn bằng Thiên Chúa, nên bà Evà đã bất tuân lệnh của Ngài và
ăn trái cấm. Hậu quả của tội kiêu ngạo làm cho con người xa cách Thiên Chúa, chịu
biết bao đau khổ, và sau cùng phải chết. Từ đó đến nay, tội này càng ngày càng
tác hại khốc liệt trong thế giới con người, làm cho con người xa cách Thiên
Chúa, hận thù chồng chất, gia đình ly tán, và ngăn cản con người đạt tới đích
điểm của cuộc đời.
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta
một phương thuốc hiệu nghiệm để chữa bệnh kiêu ngạo là luyện tập để có nhân đức
khiêm nhường. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca dạy con phải có nhân đức
khiêm nhường để được Thiên Chúa và tha nhân yêu mến. Càng làm lớn càng phải
khiêm nhường để được Thiên Chúa chúc phúc và tha nhân cộng tác trong việc điều
hành và học được những bài học quí giá trong cuộc đời. Trong bài đọc II, tác giả
Thư Do-thái dạy các tín hữu phải có thái độ kính sợ Thiên Chúa và yêu thương Đức
Kitô. Không có Đức Kitô, con người tội lỗi không thể đến gần Thiên Chúa; nhưng
vì nhờ máu của Đức Kitô đổ ra, con người được thanh tẩy và hòa giải với Thiên
Chúa, và họ có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn
đệ luôn có thái độ khiêm nhường trong cách cư xử và phục vụ, vì Thiên Chúa yêu
thích và ban ơn cho những người như thế.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Những ích lợi đạt được do việc biết sống khiêm nhường.
1.1/ Thiên Chúa yêu thích kẻ khiêm
nhường.
Tác giả Sách Huấn Ca khuyên con:
“Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách khiêm nhu, thì con sẽ được mến
yêu hơn những người rộng lượng cho đi. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như
thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.”
Người khiêm nhường là người biết
con người thực của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.
Người khiêm nhường biết định giá đúng công ơn của Thiên Chúa đổ xuống trên họ;
trong khi kẻ kiêu ngạo đánh cắp công ơn Thiên Chúa làm của mình. Người khiêm
nhường biết họ chỉ là loài thọ tạo do Thiên Chúa tạo dựng nên, họ biết khôn
ngoan của họ không thể nào so sánh với Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khôn ngoan,
họ biết uy quyền phát xuất từ Thiên Chúa và Ngài có thể lấy đi bất cứ lúc nào,
họ biết mọi của cải là do Thiên Chúa ban cho nhân loại hưởng dùng. Vì thế, họ
luôn vâng lời và giữ cẩn thận những điều Thiên Chúa truyền dạy, không lên mặt
kiêu căng hay thực thi quyền hành với tha nhân, và không cậy dựa vào của cải của
mình. Vì luôn biết đánh giá và sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa, người
khiêm nhường sẽ được Thiên Chúa quí yêu, chúc lành, và bảo vệ trong suốt cuộc đời.
1.2/ Những lợi ích khác của người
khiêm nhường
(1) Tha nhân yêu thích kẻ khiêm
nhường: Người khiêm nhường càng ngày càng thêm bạn hữu; trong khi người kiêu ngạo
càng ngày càng thêm kẻ thù. Trong việc lãnh đạo, họ được cấp trên thương mến và
cấp dưới vâng lời, vì họ luôn đối xử với tha nhân xứng hợp với nhân phẩm và địa
vị của họ.
(2) Khiêm nhường giúp một người
nhìn thấy những khôn ngoan và cái hay của người khác để học hỏi và thăng tiến;
trong khi người kiêu ngạo lấy mình làm thước đo người khác, khi đã cảm thấy quá
đủ, họ sẽ không cần phải học nơi người khác.
(3) Người khiêm nhường nhìn thấy
tất cả các tật xấu của họ cần sửa đổi, vì thế càng ngày càng tiến trên đường
nhân đức; trong khi người kiêu ngạo không nhìn thấy mình có gì cần sửa, nên
càng ngày càng lún sâu trong tội.
(4) Người khiêm nhường ưa thích
lắng nghe, vì thế càng ngày họ càng có kiến thức hơn; trong khi kẻ kiêu ngạo vội
vàng muốn phô trương. Nói mãi rồi cũng có ngày cạn tàu ráo máng.
2/ Bài đọc II: Thái độ thích ứng của con người khi đứng trước Thiên Chúa.
2.1/ Con người không là gì cả trước
mặt Thiên Chúa.
Tác giả Thư Do-thái nhắc lại cuộc
thần hiện của Thiên Chúa trên núi Sinai, với mục đích nhắc nhở cho các tín hữu
nhận ra sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa Thiên Chúa và con người, để rồi con
người phải biết kính sợ Thiên Chúa. Nếu Ngài không cho phép, không ai có thể
nhìn thấy Ngài mà còn sống, không ai có thể nghe những lời Thiên Chúa phán ra.
“Anh em đã chẳng tới một quả núi
sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố, có tiếng kèn vang
dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt
ra với họ nữa, vì họ không chịu nổi mệnh lệnh sau đây: Ngay cả thú vật đụng đến
núi, cũng phải bị ném đá. Cảnh tượng hãi hùng đến mức ông Moses phải nói: Tôi
kinh hoàng và run rẩy!”
Ông Moses là người đã từng có
kinh nghiệm với Thiên Chúa, mà còn cảm thấy hãi hùng như thế, huống hồ gì một
con người thường. Có lẽ điều gây thiệt hại nhất cho con người là thái độ khinh
thường Thiên Chúa và những lời giáo huấn của Ngài. Khinh thường Thiên Chúa cũng
dẫn tới thái độ tự mãn và kiêu ngạo: coi mình như ông trời mà không cần nghe và
giữ những gì Thiên Chúa dạy.
2.2/ Con người chỉ có thể tới với
Thiên Chúa qua Đức Kitô.
Tác giả Thư Do-thái không muốn
các tín hữu coi Thiên Chúa như một hung thần để rồi phải sợ hãi Ngài; nhưng họ
có thể đến với Thiên Chúa như một người Cha yêu thương, qua trung gian của Đức
Kitô: “Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu của
Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Abel.”
Đức Kitô đã rửa sạch tội cho con
người nhờ máu của Người đã đổ ra trên Thập Giá. Ngài hòa giải con người với
Thiên Chúa và mang lại ơn cứu độ cho con người.
Với Đức Kitô, con người không
còn phải sợ hãi Thiên Chúa nữa; nhưng có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Tuy nhiên,
con người vẫn không được có thái độ “gần chùa gọi bụt bằng anh.” Với Đức Kitô,
con người được mời gọi tới dự tiệc vui là núi Sion, nơi Thiên Chúa ngự trị, và
thành Jerusalem trên trời.
3/ Phúc Âm: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn
lên.
3.1/ Người khiêm nhường chọn chỗ rốt
hết.
Khuynh hướng con người là muốn
được người khác kính nể và cho là người quan trọng, một trong những cách thức tỏ
mình ra là ngồi chỗ trên hết. Chúa Giêsu dạy các môn đệ đề phòng thói quen này
bằng cách kể một câu truyện như sau: "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng
ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi
người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông
nhường chỗ cho vị này.” Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái
lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải
đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho.” Thế là anh sẽ được vinh dự trước
mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình
xuống sẽ được tôn lên."
Có nhiều lý do đàng sau lời
khuyên khôn ngoan của Chúa Giêsu:
(1) Con người không thể tự đánh
giá mình hay đòi sự tôn trọng trong mối liên hệ với người khác; nhưng phải để
cho tha nhân đánh giá và tỏ sự tôn trọng với mình. Khi tham dự tiệc cưới, chúng
ta không biết người chủ mời những ai và mối liên hệ của chủ tiệc với họ. Tự động
ngồi chỗ quan trọng nhất là ảo tưởng kiêu ngạo của chúng ta, nghị rằng mình có
thế giá với gia chủ. Thái độ này sẽ bị mất mặt khi bị gia chủ mời xuống.
(2) Người khiêm nhường nhìn nhận
mình không phải là trung tâm điểm mà người khác phải hướng về, vì trong thế
gian còn biết bao người hơn mình về sự khôn ngoan, kiến thức, uy quyền và tài
năng.
(3) Chỗ rốt hết là chỗ an toàn
nhất, vì không ai có thể đẩy mình đi đâu được nữa. Khi đã chọn chỗ rốt hết, người
khiêm nhường để cho tâm hồn được bình an vì không phải lo tranh giành chỗ và địa
vị với người khác. Người kiêu ngạo sẽ cảm thấy bất an khi người khác được trọng
vọng hơn mình.
3.2/ Khiêm nhường giúp đỡ kẻ khó
nghèo.
Một thói quen khác nữa của con
người là họ có khuynh hướng mở tiệc đãi gia đình, họ hàng và bạn bè. Khi mở tiệc,
họ thường hay mời những người đồng vai vế hay còn tính chuyện để nhờ vả họ
trong tương lai. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ phải ý thức việc mở tiệc của
mình. Dĩ nhiên, Chúa không cấm việc mở tiệc chung vui với gia đình; nhưng nếu
chúng ta nhắm tới ích lợi, thì chúng ta đừng chỉ nhắm ích lợi đời này.
(1) Phần thưởng đời này: Đức
Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn
tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ
cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.”
(2) Phần thưởng đời sau: “Trái lại,
khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ
không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ
trong ngày các kẻ lành sống lại."
Trong chương 25 của Tin Mừng
Matthew, Chúa Giêsu xác định rõ: “những gì chúng ta làm cho những người bé mọn,
chúng ta làm cho Ngài.” Thiên Chúa sẽ trả công cho chúng ta về những gì chúng
ta làm cho một trong những người bé mọn nhất.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần phải ý thức tất cả
những gì chúng ta sở hữu là của Thiên Chúa ban. Người kiêu ngạo đánh cắp công
ơn của Thiên Chúa và sống xa lánh Ngài.
- Chúng ta cần yêu thương và
giúp đỡ những anh chị em yếu kém, vì họ cũng là con của Cha trên trời và là anh
chị em của chúng ta.
- Người khiêm nhường sẽ dễ dàng
sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân. Họ sẽ được Thiên Chúa và
tha nhân quí mến, đồng thời sẽ gặt hái được rất nhiều kết quả cả đời này và đời
sau. Họ sẽ sống bình an trong đời này và đạt tới Nước Trời mai sau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên,
OP
28/08/16 CHÚA NHẬT TUẦN
22 TN – C
Lc 14,1.7-14
Lc 14,1.7-14
Suy
niệm: Việc mời mọc có qua có
lại là chuyện thường tình trong mối giao tế xã hội. Chúa Giê-su không có ý dạy
chúng ta phải phá đổ các giềng mối vốn góp phần duy trì tôn ti trật tự cho các
quan hệ xã hội. Lời Chúa cảnh báo chúng ta về mặt trái của việc mời mọc tiệc
tùng: để “trả nợ miệng”, để tạo quan hệ làm ăn “hòn đất ném đi, hòn chì ném
lại”… Chúng ta phải coi chừng mình đang đánh mất điều cốt yếu, đó là “sống có
tình” với nhau, một thứ tình cảm vô vị lợi, biết nhắm đến lợi ích cao nhất cho
người khác chứ không phải thứ tình cảm chỉ biết vun quén, tích góp cho mình,
hoặc cho những người thân thuộc với mình.
Mời Bạn: Đức Giê-su dạy chúng
ta một lối xử thế mới, lối xử thế của Nước Trời. Là người, thì dù giàu sang hay
nghèo hèn, dù là già hay trẻ, tất cả đều có một phẩm giá cao quý. Không được
phân biệt đối xử. Hơn nữa, phải phục vụ lẫn nhau. Mà phục vụ là “miễn phí”, là
không cần được báo đáp. Lương bổng cho việc phục vụ là hạnh phúc Nước Trời; và
đó mới là phúc thật. Mời bạn áp dụng ngay thuật xử thế Nước Trời mà Đức Giê-su
vừa dạy đây.
Chia sẻ: Những ai là người “tàn
tật, đui mù, què quặt” mà bạn phải phục vụ?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm ít nhất
một việc phục vụ nhỏ cho người đang sống gần bạn nhất.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con
biết sống quảng đại… Biết cho đi mà không cần tính toán… Biết hy sinh mà không
chờ một phần thưởng nào, ngoài việc nhận biết con đã làm theo thánh ý Chúa.
Amen.
(Thánh I-nha-xi-ô)
CHỖ CUỐI
Khiêm tốn không phải là giả vờ tự hạ để được nâng
lên... Khiêm tốn là biết mình đã nhận tất cả từ Chúa, và lớn lên mỗi ngày nhờ
tha nhân.
Suy niệm:
Phần lớn những cuộc tranh chấp ở đời
thường xoay quanh những chiếc ghế.
Lúc đầu, ghế tượng trưng cho chức vụ, chức
năng.
Dần dần, nó tượng trưng cho chức quyền,
chức tước.
Ai cũng thích ghế cao và bảo vệ ghế của
mình.
Người Pharisêu thích ngồi ghế danh dự
trong hội đường.
Giacôbê và Gioan thích ngồi hai bên tả hữu
Thầy Giêsu.
Philatô cho đóng đinh Ðức Giêsu vô tội,
vì ông sợ mất ghế.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy các khách
dự tiệc
cứ chọn ghế nhất mà ngồi.
Con người vẫn bị ám ảnh bởi những chiếc
ghế.
Chiếu trên, chiếu dưới chẳng phải là
chuyện xưa ở đình làng.
Ngày nay vẫn có những bạn trẻ
cố kiếm được mảnh bằng và chỗ làm lương
cao
để ung dung hưởng thụ một chỗ đứng trong
xã hội.
“Ai tôn mình lên, dù lộ
liễu hay kín đáo,
sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống.
Ai thực tâm hạ mình xuống qua
việc phục vụ,
sẽ được Thiên Chúa tôn lên.”
Ðức Giêsu mời ta vượt qua thói háo danh,
để sống khiêm tốn.
Khiêm tốn không phải là giả vờ tự hạ để
được nâng lên.
Khiêm tốn không phải là coi thường mình
hay sợ người khác.
Khiêm tốn không phải là rụt rè, không
dám nhận trách nhiệm.
Khiêm tốn là biết mình đã nhận tất cả từ
Chúa,
và lớn lên mỗi ngày nhờ tha nhân.
Người khiêm tốn không sợ chức vụ cao hay
ghế nhất.
Chiếc ghế không phải là mục đích họ cần
chiếm được,
nhưng là phương tiện để phục vụ mọi người.
Chức vụ cho họ cơ hội cúi xuống thật gần
với nỗi đau của nhân loại đang chờ họ
giúp đỡ.
Người khiêm tốn không tự tìm vinh quang
cho mình,
họ hồn nhiên vô tư để Thiên Chúa tự do định
liệu.
Chúng ta dễ đánh giá người khác dựa trên
ghế của họ.
Nhưng một người quét đường có lương tâm
còn giá trị hơn một giám đốc tham ô lãng
phí.
Ðức Giêsu nói đến việc chọn khách để mời
ăn.
Ngài khuyên nên mời những kẻ nghèo khó,
tật nguyền,
hơn là mời những người ruột thịt, thân
quen, giàu có.
Ngài đưa chúng ta vượt qua óc tính toán
vụ lợi,
để đi vào thế giới của những người bất hạnh.
Chúng ta thường thích giao du với người
có thế giá,
có học thức, có của cải, để dễ nhờ vả
khi cần.
Chính vì thế xã hội vẫn còn nhiều người
bị bỏ rơi,
vì nghèo túng, kém cỏi về mọi mặt.
Hãy ra khỏi thế giới quen thuộc của
mình,
để đến với những người cần chúng ta hơn.
Bao trẻ em ở vùng xa cần giáo viên.
Bao bệnh viện ở các huyện cần bác sĩ.
Ước gì chúng ta hạnh phúc khi cho không
tính toán
vì thấy mình đã nhận được gấp trăm điều
mình cho.
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống
đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói
nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị
chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm
giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy
hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm
tin.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của
Chúa:
“Các con hãy cho họ ăn đi.”
Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho
Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì
Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG TÁM
Bên Thềm Thiên Niên Kỷ Thứ Ba
Một vấn đề quan trọng khác mà
các nghị phụ Thượng Hội Đồng đặc biệt ưu tư, đó là nhu cầu huấn luyện và đào tạo
các linh mục tương lai. Giáo Hội của thiên niên kỷ thứ ba sẽ được ủy thác trong
tay và trong sự săn sóc mục vụ của những thế hệ linh mục mới. Đời sống và sứ vụ
của họ phải là một sự diễn dịch sống động các giáo huấn của Công Đồng. Họ phải
đảm nhận trách nhiệm lớn lao – đó là triển khai các giáo huấn của Công Đồng
trong đời sống của dân Thiên Chúa.
Tiếng gọi đại kết cũng là một tiếng
gọi hết sức thúc bách. Thực vậy, các nghị phụ nhấn mạnh vai trò của Công Đồng
Vatican II trong việc thúc đẩy phong trào đại kết. Chúng ta chứng kiến những bước
tiến chắc chắn và đều đặn hướng về hiệp nhất, một số kết quả đầy triển vọng đã
bắt đầu hiện lộ ra. Tôi đã tham dự buổi cầu nguyện cùng với mười quan sát viên
đến từ các nhóm và các Giáo Hội khác nhau để tham gia vào cuộc đối thoại thần học
với Giáo Hội Công Giáo.
Tất cả những vấn đề ấy nằm ở
trung tâm ưu tư của Thượng Hội Đồng, và đã dấy lên một sự hưởng ứng sôi nổi. Một
lần nữa, Thánh Thần đã nói với Giáo Hội với “tiếng nói như nước lũ” (Kh 1,15;
2,7.11.17.29; 3,6.13.22). Chúng ta hãy chú ý lắng nghe Ngài.
Bản Báo Cáo Chung Kết của Thượng
Hội Đồng là một tổng hợp quan trọng các suy tư và các điểm nhắm cho tương lai
mà mọi người được kỳ vọng hướng tới. Đây không phải là những từ ngữ suông. Đây
là một nỗ lực mời gọi cầu nguyện, lắng nghe và áp dụng. Đây là những hướng dẫn
cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội trong những năm cuối cùng của thiên niên kỷ
thứ hai. Chúng ta hãy lắng nghe Thánh Thần.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John
Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 28 – 8
Chúa Nhật XXII Thường niên
Hc 3,19-21.30-31; Dt
12,18-19.22-24; Lc 14,1.7-14.
Lời suy niệm: “Vì phàm ai tôn mình
lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Chúa Giêsu luôn muốn tất cả con
cái của Người cần phải có đức tính khiêm nhường; chính đức tính này giúp cho mỗi
người trong chúng ta được Thiên Chúa yêu thương nhiều hơn. Có những lúc Người
còn muốn mỗi người chúng ta phải trở lại mà nên như một em nhỏ. Người có đức
tính khiêm nhường, sẽ giúp nhận ra một thực tế: Dầu mình có biết thì còn có nhiều
người biết hơn mình, và luôn biết so sánh mình với những người đạo đức hoàn hảo
để cố gắng một ngày được tốt hơn.
Lạy Chúa Giêsu. Trong bản tính tự
nhiên của con người luôn muốn đứng đầu và đứng trên người khác. Xin Chúa ban
cho chúng con được ơn đức tính khiêm nhường để chiến thắng sự kiêu ngạo trong
lòng chúng con.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 28-08
Thánh AUGUSTINÔ
Giám mục Tiến Sĩ Hội Thánh (354
- 430)
Thánh Augustinô sinh ngày 13
tháng 11 năm 354 tại Thagaste miền Numidia nay là Souk-Akras nước Algeria. Ông
Patricô, cha ngài là một tiểu nông và là nghị viên thành phố. Ong là lương dân
và chỉ theo đạo vào lúc cuối đời. Mẹ Ngài là thánh Monica đã nhờ kinh nguyện,
lòng nhẫn nại và tình yêu không biết mệt mỏi đã cải hoá con. Theo thói quen thời
đó, Augustinô thuộc vào số những ứng viên lãnh phép rửa tội, nhưng lại trì hoãn
để tránh nguy cơ phạm tội, Ngài chỉ được thánh Ambrosiô rửa tội cho sau khi trở
lại vào tuổi 32.
Augustinô đã theo học những lớp
về văn chương tại Thagaste và Madaura, cuối cùng Ngài theo học khoa tu từ tại
Carthage. Đời sống luân lý của Ngài vào thời kỳ này không đến nỗi tồi tệ mà có
lẽ khá hơn nhiều những thanh niên cùng thời và chúng ta không nên gắt gao kết
án lối cư xử của Ngài theo sát chữ viết trong cuốn "tự thuật", chắc
chắn Ngài có một tình nhân và trung tín với nàng cho tới năm 385. Ngài đã có với
nàng một người con tên là Adcodatus cũng vào thời này Ngài trở thành người theo
phái Manichêô.
Năm 383, Augustinô đến Roma dạy
tu từ và năm 384 có được một địa sở tại Milan. Lúc này Ngài đã thấu suốt được
thuyết Manichêô và rơi vào tình trạng nghi nan bất định. Tại Milan Ngài có dịp
tiếp xúc với vị giám mục thời danh của giáo phận nầy là thánh Ambrosiô. Các bài
giảng của thánh nhân cho Ngài thấy lần đầu tiên rằng Ngài có thể tin vào Thánh
Kinh như sự giải thích của Giáo hội mà không phải hy sinh sự hiểu biết của
mình. Ngài còn đọc sách của những nhà tân học phái Platôn như Plotinê và Per
phyry, Những sách đã chữa cho Ngài khỏi thuyết duy vật của Manichêô và đưa Ngài
vào triết học linh thiêng hơn, phù hợp với mạc khải Kitô giáo.
Augustinô đã xác tín về sự chân
thật của Kitô giáo vẫn chưa đi đến bước quyết định, cho tới tháng 9 năm 386 khi
Ngài trải qua một kinh nghiệm bất ngờ nhưng được chuẩn bị từ trước. Ngài đã
trình bày kinh nghiệm ấy trong cuốn VIII bộ "tự thuật". Đây là cuộc
trở lại Kitô giáo lẫn cuộc sống khổ hạnh đã theo đuổi bậc trọn lành. Bỏ nghề,
Ngài lui về Cassiciacum, gần Milan, cùng thánh nữ Monica mẹ Ngài và Adeodatus
con Ngài, với một số bạn bè. Tại đây, Ngài bắt đầu viết và xuất bản một số tác
phẩm và trau dồi về triết học, những tác phẩm đầu tiên của Ngài.
Ngài được thánh Ambrosiô rửa tội
vào lễ phục sinh năm 387 rồi cùng mẹ và các bạn trở về Phi Châu. Thánh nữ
Monica qua đời trên đường về tại Ostia. Tại Phi Châu theo lời khuyên của Đức
Cha Valêriô địa phận Kippô, Ngài xin làm linh mục và được thụ phong năm 391.
Năm 395, Ngài được tấn phong làm giám mục phụ tá và chẳng bao lâu sau lên kế vị
đức cha Valêriô làm giám mục Hippô. 35 năm còn lại, Ngài bận rộn với công việc
mệt nhọc của một giám mục địa phận, đồng thời vẫn dành giờ để trước tác. Ngoài
tác phẩm được biết nhiều là bộ "tự thuật" còn nhiều tác phẩm thần học
của Ngài (gồm 96 cuốn không kể các bài giảng và thư tín) đã mang lại sức sống
mãnh liệt cho Giáo hội thời đó lẫn ngày nay.
Thánh Augustinô sống đời tu viện
với hàng giáo sĩ và làm mọi sự để khích lệ việc canh tân các cộng đoàn tu sĩ.
Hai bài giảng về đời sống khổ hạnh trong cộng đoàn và một bức thư dài về các
nguyên tắc mà Ngài viết cho các cộng đoàn nữ tu do Ngài thành lập và em Ngài là
bề trên tiên khởi, làm thành "luật thánh Augustinô".
Thánh Possidiô bạn Ngài đã viết
một bản tường thuật rất hay về đời giám mục của thánh Augustinô. Bản tường thuật
này cho thấy Ngài là một người rất nhân bản, dễ thương và giàu lòng bác ái, tận
tụy phục vụ cộng đoàn, thích sống nghèo khó nhưng lại hiếu khách. Chỉ có một điều
Ngài không thể tha thứ được là gương mù tại bàn ăn. Ngài luôn dấn thân vào việc
bệnh vực Giáo hội chống lại các người theo lạc giáo như những người theo phái
Manichêô, Phômatô, Pêlagiô. Cuộc tranh luận với Pêlagiô đã để lại những bút
tích của thánh Augustinô về ơn thánh. Với ảnh hưởng lớn lao trong Giáo hội sau
này. Dầu nhiệt tâm chống lại lạc thuyết, thánh Augustinô vẫn luôn lịch sự và
thân ái khi đối thoại với các người theo lạc giáo.
Thánh Augustinô đã sống để chứng
kiến cuộc xâm lược man rợ của người Vandal vào Phi Châu bắt đầu từ năm429. Ngày
28 tháng 8 năm 430 Ngài từ trần, hưởng thọ 76 tuổi, Ngài không để lại chúc thư
vì không có tài sản gì. Nhưng kể từ khi qua đời tới nay, di sản tư tưởng của
Ngài được ghi nhận là phong phú nhất sau thánh Phaolô.
(daminhvn.net)
28 Tháng Tám
Con Yêu Chúa Quá Muộn Màng
"Lạy Chúa, con yêu mến Chúa
quá trễ: Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung.
Con yêu mến Chúa quá trễ: Chúa ở
bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm
Chúa ở đó.
Chúa hiện diện ở trong con nhưng
con không sống ở trong Chúa. Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa.
Chúa đã gọi tên con, Chúa đã lớn
tiếng kêu gọi con, Chúa đã đâm thủng đôi tai giả điếc làm ngơ của con.
Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi
và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con.
Chúa thở ra hơi thơm ngào ngạt,
con hít vào và con khao khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con luôn cảm thấy
nung nấu được hưởng sự bình an của Chúa".
Trên đây là một đoạn trong quyển
"Tự Thú" của thánh Augustinô, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay.
Sau khi ăn năn trở lại, ngài đã nhận lãnh Phép Rửa vào năm 33 tuổi, chỉ sau đó
3 năm ngài được phong chức linh mục, 5 năm sau đó được đề cử làm giám mục thành
Hippone.
Duyệt qua cuộc sống của thánh
Augustinô, chúng ta có thể nói: Ngài là một tội nhân đã trở thành thánh nhân nhờ
được Thiên Chúa đến gõ cửa lòng bằng câu nói mạnh mẽ của thánh Phaolô: "Ðừng
sống theo dục tình và lạc thú dâm ô, nhưng hãy mặc lấy Ðức Giêsu Kitô".
Và kể từ đó, có thể nói được là
Tình Yêu Thiên Chúa không bao giờ buông tha ngài, trái lại tạo trong tâm hồn
ngài một sự khắc khoải và khao khát để đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của
Thiên Chúa.
Ngoài lời mời gọi và thôi thúc của
Tình Yêu Thiên Chúa, quãng đầu cuộc đời của Augustinô, một tội nhân trở thành
thánh nhân, có lẽ được vẽ lại bằng những nét chấm phá và những bàn tay cộng tác
với ơn Chúa trong việc hoán cải như sau:
Trước tiên, cường độ của sức sống
nơi ngài trên con đường thụt lùi xa lìa Thiên Chúa cũng như cường độ mãnh liệt
hơn của sức sống ấy trên con đường tiến về Thiên Chúa.
Tiếp đến, những dòng nước mắt sầu
đau và những kinh nguyện thành tâm của mẹ ngài, bà thánh Mônica dâng lên Thiên
Chúa trong kiên tâm, bền chí ròng rã bao năm trời.
Và sau cùng là sự hướng dẫn tận
tình của thánh Giám Mục Ambrôsiô.
Tất cả những yếu tố trên cộng lại
đã giúp chuyển tình yêu cuộc sống thành một cuộc sống cho và vì Tình Yêu, như
thánh nhân đã tự thú trong đoạn sách được trích dẫn ở trên: "Lạy Chúa, con
yêu mến Chúa quá trễ, ôi vẻ đẹp của ngàn xưa, nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát,
trẻ trung".
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét