Trang

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

30-08-2016 : THỨ BA - TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

30/08/2016
Thứ ba tuần 22 thường niên


Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 2, 10b-16
"Con người xác thịt không hiểu được những sự thuộc về Thánh Thần của Thiên Chúa, còn con người thiêng liêng đoán xét được mọi sự".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Thánh Thần thấu suốt mọi sự, cả những điều thâm sâu của Thiên Chúa. Vì ai trong loài người biết được những sự thuộc về con người, nếu không phải là thần trí của con người ở trong người ấy? Cũng vậy, không ai biết được những sự thuộc về Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa? Phần chúng ta, chúng ta đã không nhận lãnh tinh thần thế tục, nhưng nhận lãnh Thánh Thần bởi Thiên Chúa, để chúng ta nhận biết những sự Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Những điều đó, chúng tôi giảng dạy không phải bằng những lời khôn ngoan của loài người, nhưng bằng giáo lý của Thánh Thần, giãi bày những điều thiêng liêng cho những người thiêng liêng. Con người xác thịt không hiểu được những sự thuộc về Thánh Thần của Thiên Chúa, bởi nó cho là điên rồ và không thể hiểu biết được, vì điều đó phải được xét đoán theo cách thiêng liêng. Còn con người thiêng liêng đoán xét được mọi sự, và kẻ ấy không bị ai đoán xét. Vì nào ai biết được tư tưởng của Chúa, để dạy dỗ Người? Nhưng phần chúng ta, chúng ta có tư tưởng của Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 8-9. 10-11. 12-13ab. 13cd-14
Ðáp: Chúa công minh trong mọi đường lối (c. 17a).
Xướng: 1) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.
3) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng, và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Ðáp.
4) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. - Ðáp.

Alleluia: 1 Ga 2, 5
Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 4, 31-37
"Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: "Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa". Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: "Hãy câm đi và ra khỏi người này". Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm hại gì nó. Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: "Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra". Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Lời Nói và Cuộc Sống
Ðược bầu làm Bề trên cộng đoàn, một Tu sĩ nọ đến hỏi một vị ẩn sĩ nổi tiếng khôn ngoan và thánh thiện:
- Thưa cha, thế nào là một bài giảng hay?
Vị ẩn sĩ trả lời:
- Một bài giảng hay phải là bài giảng có nhập đề và kết luận hay, nhất là phần nhập đề và kết luận càng gần nhau càng tốt.
Khi nói đến khoảng cách giữa nhập đề và kết luận trong một bài giảng, hẳn vị ẩn sĩ muốn nói đến sự trung thực của lời nói. Một lời nói được xem là trung thực khi giữa lời nói và thực tế không có khoảng cách, nhưng có sự thống nhất giữa lời nói và cuộc sống.
Lời nói vốn là phạm trù cơ bản nhất trong Kitô giáo. Ở khởi đầu Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng hoạt động đầu tiên của Thiên Chúa là nói, nhưng khi Thiên Chúa nói thì liền có vạn vật. Không có khoảng cách giữa lời của Thiên Chúa và hành động của Ngài. Lời của Thiên Chúa là lời chân thật, nghĩa là luôn được thể hiện bằng hành động và có hiệu quả. Khởi đầu Tin Mừng của ngài, thánh Gioan cũng xác quyết: "Từ khởi thủy đã có Lời và Lời đã hóa thành nhục thể". Nơi Chúa Giêsu, lời là thực tế, nghĩa là không có khoảng cách giữa lời Ngài và cuộc sống của Ngài. Và đó có thể là ý tưởng mà Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta.
Chúa Giêsu giảng dạy như Ðấng có uy quyền. Uy quyền ấy không phải là thứ uy quyền được áp đặt trên người khác. Uy quyền của Chúa Giêsu phát xuất từ chính sự thống nhất giữa lời nói và hành động của Ngài: Ngài chỉ cần nói với tên quỉ câm: "Câm đi, hãy ra khỏi người này", thì phép lạ liền xẩy ra. Những người chứng kiến phép lạ đã thấy được sự khác biệt giữa lời giảng dạy của Chúa Giêsu và của các Luật sĩ đương thời.
Phép lạ của Chúa Giêsu cũng là một lời giảng dạy. Thật thế, sứ điệp trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu chính là sự giải phóng. Ngài không chỉ nói về sự giải phóng, mà còn chứng thực cho những người nghe Ngài biết được thế nào là giải phóng. Phép lạ người câm được giải thoát mang một ý nghĩa đặc biệt đối với Chúa Giêsu: giải phóng trước tiên là giải phóng con người khỏi xiềng xích của dối trá. Chúa Giêsu đã có lần nói với người Do thái: "Sự thật sẽ giải phóng các ngươi".
Lời Chúa là lời chân thật. Ước gì lời ấy giải thoát chúng ta khỏi mọi thứ xiềng xích của dối trá, để lời tuyên xưng và cuộc sống của chúng ta luôn được thống nhất. Trong một xã hội đầy trói buộc và dối trá thì chứng tá cuộc sống là lời nói có giá trị nhất.

Veritas Asia



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 22 TN2
Bài đọc: 1 Cor 2:10-16; Lk 4:31-37.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vai trò quan trọng của Thánh Thần trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vai trò quan trọng của Thánh Thần trong việc giúp hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
1.1/ Thánh Phaolô dùng sự lọai suy dễ hiểu để cắt nghĩa sự cần thiết của Thánh Thần trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa: “Vậy ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa.” Ngài muốn nói có những nỗi ưu tư sâu kín trong mỗi người mà người khác không bao giờ hiểu nổi trừ thần trí của mỗi người. Cũng vậy có những mầu nhiệm nơi Thiên Chúa mà con người không thể hiểu nổi trừ Thánh Thần của Thiên Chúa.
Chính vì điều này mà Chúa Giêsu nói với Phêrô khi ông tuyên xưng Chúa Kitô là Con Thiên Chúa: “Này anh Simon con ông Jonah, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17). Hay thánh Phaolô đã khẳng định: “Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa mà không do Thánh Thần hướng dẫn” (I Cor 12:3b). Chính nhờ Thánh Thần mà chúng ta có thể hiểu những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.
1.2/ Thánh Thần giúp người rao giảng hiểu biết và trình bày những mầu nhiệm này. Trước khi có thể rao giảng những mầu nhiệm của Thiên Chúa, người rao giảng cần phải được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để hiểu những mầu nhiệm này, vì không ai có thể cho cái mình không có. Sau khi hiểu rồi, họ còn phải đựơc sự hướng dẫn của Thánh Thần trong cách trình bày những mầu nhiệm này cho người nghe: “Để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thánh Thần. Chúng tôi dùng những lời lẽ Thánh Thần linh hứng để diễn tả thực tại thuộc về Thánh Thần.”
1.3/ Thánh Thần giúp người nghe hiểu và sống Lời Chúa. Thánh Thần không chỉ tác động trên người rao giảng mà còn phải tác động trên người nghe; nếu không, người nghe sẽ không hiểu hay hiểu sai những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thánh Phaolô quả quyết điều này: “Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thánh Thần phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thánh Thần Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thánh Thần mới có thể xét đoán. Nhưng con người sống theo Thánh Thần thì xét đoán được mọi sự, mà chẳng có ai xét đoán được người đó.”
Và ngài kết luận sự cần thiết của Thánh Thần trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa như sau: “Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa, để chỉ vẽ cho Người? Còn chúng tôi, chúng tôi biết được tư tưởng của Đức Kitô.” Điều xác quyết này cho thấy Thánh Thần của Chúa Kitô cũng là Thánh Thần giúp thánh Phaolô và các người rao giảng hiểu được những gì Chúa Kitô trình bày, và cũng là Thánh Thần sẽ trợ giúp cho những người nghe thì họ mới có thể hiểu được các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Quỉ ô uế luôn sợ hãi sự hiện diện của Thánh Thần.
2.1/ Lời của Chúa Kitô là lời có uy quyền vì được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Khi nghe người rao giảng trình bày, khán giả có thể nhận ra giá trị những lời của họ. Càng hiểu biết về các lãnh vực chuyên môn bao nhiêu, khán giả càng dễ nhận ra giá trị của diễn giả trình bày về lãnh vực chuyên môn đó bấy nhiêu. Vì thế, không lạ gì khi Chúa Giêsu xuống Capernaum, một thành miền Galilee, vào ngày Sabath, để giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.
2.2/ Phản ứng của quỉ thần ô uế:
Đối ngược với sự hiện diện của Thánh Thần là quỉ thần. Nếu Thánh Thần giúp con người hiểu biết những mầu nhiệm của Thiên Chúa thì quỉ thần sẽ tìm cách tiêu diệt để con người không thể hiểu những mầu nhiệm này. Người Ai-Cập tin có tất cả 36 thứ quỉ thần luôn chờ đợi để vào qua các giác quan và tác hại nơi con người: quỉ câm, quỉ điếc, quỉ dâm dục… Quỉ ô uế trong Phúc Âm hôm nay có thể hiểu là quỉ dâm dục, chúng biết và khiếp sợ uy quyền của Chúa Giêsu: "Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!"
Trước tiên chúng ta cần tin tưởng: Quỉ thần chỉ có uy quyền trên con người chứ không bao giờ có uy quyền trên Thiên Chúa và những người được Thiên Chúa gìn giữ. Chúa tiêu diệt quỉ thần bằng hai cách:
(1) Trừ quỉ bằng uy quyền của Thiên Chúa: như Phúc Âm hôm nay tường thuật. Ngài quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh.
(2) Lời Chúa: Trong Cựu Ước, nhất là trong các biến cố tường thuật việc Chúa gọi các tiên tri, Ngài tiêu diệt sự ô uế nhơ bẩn bằng cách đặt Lời Ngài vào miệng tiên tri Jeremiah (Jer 1:9), hay bắt Ezekiel há miệng ăn sách Lời Chúa (Eze 3:2). Một khi đã có Lời Chúa là có sự hiện diện và uy quyền của Thiên Chúa. Cũng vậy, trong Tân Ước, các Tông Đồ và các môn đệ cũng được thanh tẩy bằng Lời Chúa. Một khi đã có những Lời này là có sự hiện diện và uy quyền của Thánh Thần của Thiên Chúa, các ông có thể khai trừ quỉ bằng những Lời này. Không lạ gì khi mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: "Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!"

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
(1) Sự hiện diện cần thiết của Chúa Thánh Thần trong việc hiểu biết và loan truyền các mầu nhiệm của Thiên Chúa là chuyện có thật. Nếu các nhà rao giảng lơ là với sự cần thiết của Chúa Thánh Thần thì chẳng lạ gì khi không thấy hiệu quả của lời rao giảng của họ: chỉ là nước đổ đầu vịt mà thôi!
(2) Sự hiện diện của quỉ thần trong đời sống là chuyện có thật chứ không phải chuyện giả tưởng. Đức Giáo Hoàng đương kim Benedictô đang cảnh cáo về việc coi thường sự hiện diện của quỉ thần trong đời sống con người.
(3) Chúng ta có thể tiêu diệt quỉ thần bằng cách để cho Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

30/08/16 THỨ BA TUẦN 22 TN
Lc 4,31-37

Suy niệm: Lời nói một khi đã ăn sâu vào tâm trí, ta khó mà ra khỏi ảnh hưởng của lời ấy được. Lời ấy có thể hình thành tương lai của một em bé, cũng như có thể phá hủy cuộc sống của người trưởng thành. Lời con người có sức mạnh tiềm ẩn như vậy, huống chi lời của một vị Thiên Chúa! Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, đã cho thấy sức mạnh của Lời Thiên Chúa ấy khi làm dân chúng ngạc nhiên về lời giảng dạy đầy uy quyền của Ngài. Đầy uy quyền vì không dựa vào thế giá của các ráp-bi danh giá hay của người xưa, mà chỉ dựa vào chính uy tín của bản thân mình. Đầy quyền năng và uy lực vì chỉ cần một mệnh lệnh “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” là quỷ dữ phải tuân lệnh ngay lập tức.
Mời Bạn: “Một giọt mực cũng đủ làm cho cả triệu người phải suy nghĩ” (nhà thơ G. Byron). Lời Đức Giê-su trong Tin Mừng không chỉ khiến ta phải suy nghĩ, nhưng còn giúp ta đạt được sự sống đời đời. Lời đầy uy quyền ấy có thể khử trừ các thứ quỷ ham hưởng thụ, dâm ô, bạo lực, gian dối ra khỏi tâm hồn bạn. Lời đầy uy quyền ấy có thể vực bạn ra khỏi tình trạng chán nản, thất vọng. Bạn sẽ làm gì để lời uy quyền ấy phát huy sức mạnh nơi bạn?
Sống Lời Chúa: Tôi dành vài phút đọc và suy niệm Lời Chúa theo lịch phụng vụ hằng ngày, và áp dụng Lời ấy trong đời sống của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa có lời ban sự sống đời đời, lời dẫn con đến hạnh phúc vĩnh cửu, lời đem lại niềm vui cho cuộc sống hôm nay. Xin cho con cũng biết điều chỉnh cách ứng xử của con theo Lời hằng sống ấy.

Lời có uy quyền
Thế giới hôm nay dễ bị tấn công và thống trị bởi các thần ô uế. Thần ô uế có mặt ở khắp nơi, và có sức hấp dẫn mê hoặc con người.


Suy nim:
Phép lạ đầu tiên được kể trong Tin Mừng Luca là một phép lạ trừ quỷ,
diễn ra tại hội đường Caphácnaum vào một ngày sabát (c. 31).
Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng, và họ sửng sốt trước lời dạy của Ngài,
bởi lẽ lời của Ngài là lời đầy quyền uy (c. 32).
Quyền uy làm sửng sốt ấy đến từ con người Ngài,
vì Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Trong hội đường ngày hôm đó, có một người bị quỷ thần ô uế nhập.
Anh ta tự nhiên la to, vì thấy mình bị đe dọa: “Ông Giêsu Nadarét,
chuyện chúng tôi can gì đến ông ? Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?”
Sự hiện diện và lời dạy quyền uy của Đức Giêsu, làm quỷ xuất đầu lộ diện.
Nhưng nó sợ, muốn tránh Ngài trong cuộc chiến không cân sức.
Quỷ biết rõ đối thủ có sức tiêu diệt mình là ai.
Nó biết được điều mà dân chúng không biết về căn tính của Đức Giêsu.
Ngài không phải chỉ là ông Giêsu ở Nadarét,
mà còn là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 34).
Có một sự đối lập gay gắt giữa thần ô uế và Đấng Thánh tinh tuyền.
Đức Giêsu trừ thần ô uế chỉ bằng một lời quát mắng (c. 35).
“Câm đi, hãy xuất ra khỏi người này !”
Ngài không cho quỷ nói lên danh tánh của Ngài,
vì Ngài không muốn sự thật được nói lên bởi miệng những kẻ dối trá.
Lời truyền lệnh của Ngài khiến thần ô uế phải xuất ra.
Nó không còn được ở lại hay có quyền gì trên người này nữa.
Quỷ vật anh ngã xuống, xuất ra, nhưng lại không làm hại được anh.
Người trong hội đường kinh ngạc, không vì chuyện Đức Giêsu trừ quỷ,
nhưng vì họ thấy uy quyền và uy lực nơi lời nói của Ngài (c. 36).
Lời nói ra như một mệnh lệnh, và quỷ phải vâng nghe.
Thế giới hôm nay dễ bị tấn công và thống trị bởi các thần ô uế.
Thần ô uế có mặt ở khắp nơi, và có sức hấp dẫn mê hoặc con người.
Ô uế nơi thân xác, nơi trí tưởng tượng, nơi những ám ảnh không ngơi.
Ô uế trở thành một thứ văn hóa, xâm nhập vào mọi ngõ ngách,
chi phối mọi lối nghĩ và lối hành xử của con người.
Chúng ta phải nhìn nhận sức mạnh của thần ô uế trong thế giới hôm nay.
Rất nhiều bạn trẻ đã phải thú nhận mình không đủ sức kháng cự lại.
Đức Giêsu cho chúng ta niềm tin vào sự chiến thắng.
Sự hiện diện của Ngài làm thần ô uế không thể giấu mặt.
Sự thánh thiện của Ngài làm nó phải run sợ cúi đầu.
Uy quyền và uy lực nơi Lời quát mắng của Ngài khiến nó phải tháo lui.
Hãy để cho Đức Giêsu thánh thiện có chỗ trong đời chúng ta.
Hãy tin vào sức mạnh giải phóng của Lời Ngài.
Hãy để Lời Ngài nâng chúng ta dậy và cho chúng ta được tự do.
Một người ở trong hội đường hay nhà thờ cũng có thể bị thần ô uế ám.
Chúng ta mong Chúa cho ta khả năng trục được sự ô uế ra khỏi đời ta.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, S

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG TÁM
Hướng Tới Một Giáo Lý Sáng Tỏ
Công việc chuẩn bị cho Sách Giáo Lý Công Giáo toàn cầu phản ảnh ước muốn của các nghị phụ về việc giải quyết dứt khoát một số giáo huấn và diễn dịch đức tin không am hợp với huấn quyền của Giáo Hội. Các nghị phụ nhận ra nhu cầu thiết yếu phải có sự sáng tỏ và chắc chắn về giáo lý để bác bỏ các sai lầm như thế.
Nhằm mục tiêu đó, Thượng Hội Đồng đã đề nghị phải có một bản tổng lược tất cả các giáo thuyết Công Giáo cơ yếu liên quan đến đức tin và các vấn đề luân lý. Mục đích của chúng ta là sao cho bản giáo lý này có thể phục vụ như một điểm qui chiếu cho mọi sách giáo lý được biên soạn bởi các địa phương khác nhau trên thế giới. Đây không phải là lần đầu tiên các mục tử của Giáo Hội đòi hỏi phải có sự sáng tỏ hơn trong việc hướng dẫn đức tin. Điều này đã được đề cập một cách đặc biệt trong Thượng Hội Đồng giám mục 1977. Trong Tông Huấn Catechesi tradendae, tôi cũng đã mời gọi các Thượng Hội Đồng giám mục “kiên trì và quyết liệt đảm nhận công việc rất quan trọng là hình thành được sách giáo lý có chất lượng và am hợp với nội dung cốt yếu của mạc khải.”
Chúng ta mong muốn thế hệ mới của chúng ta có một đức tin vững chãi đặt nền trên chân lý Đức Kitô. Chúng ta hãy cầu nguyện cho sách giáo lý quan trọng này sẽ hướng dẫn tất cả chúng ta trên khắp thế giới đến một sự hiểu biết sáng tỏ về chân lý. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến và soi trí mở lòng cho chúng con.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 30 – 8
1Cr 2,10-16; Lc 4,31-37.

Lời suy niệm: “Người xuống Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày Sabát, người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.”
Trong cuộc sống của người Kitô hữu luôn cần gắn kết đời sống mình với Lời Chúa; những ai đã gắn kết một cách liên lỉ sẽ nhận ra uy quyền của Người thể hiện qua mọi hoàn cảnh sống của mình; giúp cho mình thấy được ơn ban của Người mà tạ ơn Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho chúng con luôn nhận ra quyền năng tình thương và sự tha thứ của Chúa để chúng con luôn biết tạ ơn và vui sống với nhau.
Mạnh Phương


30 Tháng Tám
Ban Phát Không Ngừng
Trong một câu chuyện ngắn, văn hào Tolstoi của Nga đã ghi lại mẩu đối thoại của 3 người khách bộ hành như sau:
Mệt mỏi vì đường xa, ba người bộ hành đã dừng lại nghỉ chân bên một dòng suối trong vắt. Trong những giây phút thoải mái bên cạnh dòng suối, mỗi người mới phát biểu về lợi ích của nó.
Người thứ nhất lên tiếng: "Còn gì sung sướng bằng gặp được một dòng suối mát bên vệ đường! Nước suối trong vắt không những làm cho chúng ta được tươi mát, nhưng còn mời gọi chúng ta sống thành thật với nhau".
Người bộ hành thứ hai góp ý: "Dòng suối chảy như không ngừng muốn nói với tôi: Hỡi loài ngơừi, hãy làm việc! Hãy làm việc không ngừng để làm cho thế giới được tốt đẹp hơn".
Người bộ hành thứ ba, sau một phút trầm ngâm, mới thốt lên: "Những gì các bạn vừa phát biểu đều đúng cả. Nhưng còn có một điều quan trọng hơn nữa mà tôi muốn chia sẻ cho các bạn. Các bạn hãy nhìn kìa, dòng suối này chảy không ngừng. Nó ban phát không ngừng, nó ban phát cho tất cả mọi người mà không đòi hỏi một sự đáp trả nào... Mỗi người chúng ta hãy sống cao thượng như thế".
Sự sống đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho chúng ta sức sống của Ngài, Tình Yêu của Ngài, mà không đòi hỏi một điều kiện nào nơi chúng ta.
Thiên Chúa chỉ muốn thông ban, Thiên Chúa chỉ muốn san sẻ và Ngài chờ đợi chúng ta cũng sống như thế. Nguồn suối đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta, nhờ đó chúng ta được sống một cách tươi mát, luôn mời gọi chúng ta cũng hãy ban phát không ngừng.
Thánh Thần là ân ban của Thiên Chúa... Người Kitô nhận lãnh Thánh Thần cũng hãy trở thành ân ban của Thiên Chúa cho người khác. Càng trao ban, càng phân phát, người Kitô càng tìm gặp lại chính mình.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét