Trang

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Mẹ Têrêsa và giải Nobel Hòa Bình 1979

Mẹ Têrêsa và giải Nobel Hòa Bình 1979
Vũ Văn An8/23/2016

Năm 1979, Ủy Ban Nobel của Na Uy đã quyết định trao giải Nobel về Hòa Bình cho Mẹ Têrêsa.

Khi quyết định như trên, Ủy Ban Nobel thừa nhận công trình của Mẹ trong việc trợ giúp nhân loại đau khổ. Năm 1979 là năm thế giới đặc biệt chú ý tới số phận trẻ em và người tỵ nạn (dĩ nhiên có người tỵ nạn Việt Nam!), và đây chính là các đối tượng mà Mẹ Têrêsa đã dành nhiều thập niên để giúp đỡ một cách hoàn toàn vô vị lợi.

Ủy Ban đặc biệt nhấn mạnh tới tinh thần đã gợi hứng cho các hoạt động của Mẹ và là tinh thần vốn mô tả sống động thái độ bản thân và phẩm tính nhân bản của Mẹ.

Ủy Ban cho rằng các cố gắng xây dựng nhằm diệt trừ nghèo đói và bảo đảm cho nhân loại một cộng đồng an toàn và tốt đẹp hơn nên bắt chước tinh thần của Mẹ Têrêsa trong việc tôn trọng giá trị và phẩm giá của con người cá thể.

Trong nghi lễ trao giải thưởng Nobel cho Mẹ Têrêsa tại Oslo, Thụy Điển, ngày 10 tháng 12, năm 1979, Giáo Sư John Sanness, Chủ Tịch Ủy Ban Nobel Na Uy, sau khi lược thuật lại các nhân vật trước đây được lãnh giải, đã nhấn mạnh rằng: có nhiều cung cách trao giải thưởng này, nhưng tất cả đều tập chú vào mục tiêu hòa bình và tình huynh đệ.

“Và khi trao giải thưởng Nobel về Hòa Bình năm 1979 cho Mẹ Terêsa, Ủy Ban đã đặt ra một câu hỏi có tính tiêu điểm như sau: Có phải bất cứ nỗ lực xây dựng chính trị, xã hội hay trí thức nào, trên bình diện quốc tế hay quốc gia, dù hữu hiệu và hợp lý bao nhiêu, dù các người chủ đạo của nó có duy lý tưởng và có đầy nguyên tắc bao nhiêu đi chăng nữa, cũng chỉ có thể cho chúng ta một căn nhà xây trên cát, nếu tinh thần của Mẹ Têrêsa không linh hứng người xây và giúp tinh thần ấy ngụ cư trong tòa nhà của họ?”

Dĩ nhiên, tinh thần ấy, ngoài nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời ra, Mẹ Têrêsa đã thêm vào điều thứ bốn: “Hết lòng và tự ý phục vụ những người nghèo khổ nhất”.

Giáo Sư Chủ Tịch nhắc lại sự phát triển mau chóng của tinh thần trên, lan qua ít nhất hơn 20 quốc gia, ngoài Ấn Độ và Bangladesh. Và cho tới năm 1979, vài triệu người đã hưởng được sự giúp đỡ của tinh thần này. Tuy nhiên, khi quyết định trao giải thưởng, Ủy Ban không hẳn tập chú vào các dữ liệu thống kê, không so sánh các dữ liệu này với những dữ liệu của các tổ chức hoặc cơ quan khác. Nhưng Ủy Ban lưu ý tới tinh thần từng thấm nhiễm công trình của Mẹ. Tinh thần này “bộc phát từ thái độ sống căn bản và cá tính hết sức đặc biệt của Mẹ Têrêsa. Thái độ và cá tính này rõ ràng bắt nguồn từ đức tin Kitô Giáo của Mẹ. Mẹ tiếp nhận tin đầu tiên về việc trao Giải Thưởng Hòa Bình với những lời lẽ sau: ‘Tôi chấp nhận giải thưởng nhân danh người nghèo. Giải thưởng này nhìn nhận thế giới người nghèo. Chúa Giêsu từng nói: ‘Ta đói, Ta trần truồng, Ta vô gia cư’. Nhờ phục vụ người nghèo, tôi đã phục vụ Người”.

Theo Giáo Sư, Mẹ đã chỉ lặp lại điều Mẹ từng nói nhiều lần trước đó rằng “Chúng ta đang thực sự chạm đến thân thể Chúa Kitô nơi người nghèo. Nơi họ, chúng ta đang nuôi ăn Chúa Kitô đói khát, chúng ta đang mặc quần áo cho Chúa Kitô trần truồng, chúng ta đang cho Chúa Kitô vô gia cư trú ngụ”. Hoặc: “khi tôi rửa các vết thương của người phong cùi kia, tôi cảm thấy tôi đang chăm sóc chính Chúa”. Mẹ thấy Chúa Kitô trong mọi phàm nhân, và dưới mắt Mẹ, điều này khiến con người trở nên thánh thiêng.

Bác ái tôn trọng nhân phẩm

Giáo Sư cho rằng dấu ấn chuyên biệt trong việc làm của Mẹ là “lòng tôn trọng cá nhân và giá trị cùng phẩm giá của họ. Người cô đơn nhất và người tả tơi nhất, người kiết xác đang hấp hối, người phong cùi bị bỏ rơi, tất cả đã được Mẹ và các nữ tu của Mẹ tiếp đón bằng một niềm cảm thương ấm áp không hề coi thường ai, dựa trên lòng tôn kính Chúa Kitô nơi con người”.

“Hơn bất cứ ai khác, Mẹ đã thành công đem ra thực hành sự kiện được thừa nhận này là: các ơn phúc được ban bố kiểu de haut en bas (từ trên xuống dưới), theo đó, người nhận có cảm giác phải lệ thuộc một chiều và nhục nhã vào người cho, thực ra làm tổn hại tới phẩm giá nhân vị của người nhận đến nỗi chỉ tạo ra cay đắng và thù hận chứ không phải hòa hợp và bình an”.

“Mẹ đã đạt đến một thái độ tương quan giữa người cho và người nhận có thể loại bỏ hết sự phân biệt về ý niệm thường được đa số người ta chấp nhận. Dưới mắt Mẹ, người mà người ta vốn cho là nhận, cũng là người cho, và là người cho nhiều hơn cả. Cho, cho đi một điều của chính mình, là điều đem lại niềm vui thực sự, và người được phép cho là người nhận được ơn phúc qúy giá nhất. Nơi người khác chỉ thấy thân chủ hay khách hàng, Mẹ thấy những người cùng làm việc, một tương quan không đặt căn bản trên việc mong chờ được biết ơn ở người kia, mà đặt căn bản trên việc hiểu và tôn trọng nhau, và trên sự tiếp xúc đầy tình người ấm áp và phong phú hóa”.

Vượt trên mọi rào cản

Kitô Giáo của Mẹ Têrêsa không phải là thứ Kitô khép kín. Mẹ là Kitô hữu điển hình nhưng Mẹ làm việc với và cho người thuộc mọi tôn giáo; “Mẹ là một người Âu Châu giữa những người Ấn Độ, nhưng điều này không hề gây trở ngại, và có lẽ sẽ chính xác hơn khi nói rằng việc làm phát xuất từ tinh thần của Mẹ đã thắng vượt mọi trở ngại”.

Giáo Sư nhắc lại lời của Tổng Thống Cộng Hòa Ân Độ năm 1972 rằng “Mẹ Têrêsa là một trong những linh hồn giải phóng đã vượt lên trên mọi rào cản tạo nên do chủng tộc, tôn giáo, và quốc tịch. Trong thế giới nhiễu loạn ngày nay, càng ngày càng bị khốn khổ bởi tranh chấp và hận thù, đời sống được sống và công việc được thực hiện bởi những người như Mẹ Têrêsa đem lại niềm hy vọng mới cho tương lai nhân loại”.

Giáo sư cũng trích dẫn lời một nhà báo Ấn mới viết về Mẹ: “Các nữ tu với cung cách thanh thản, áo sari, biết các ngôn ngữ địa phương của họ… đã đạt tới chỗ biểu tượng hóa được không những điều tốt đẹp nhất trong đức ái Kitô Giáo của họ, mà cả điều tốt đẹp nhất trong nền văn hóa và văn minh Ấn Độ nữa, từ Buddah tới Gandhi, các thánh nhân vĩ đại, các nhà tiên tri, những người yêu nhân loại vĩ đại có lòng cảm thương và ân cần vô bờ bến đối với người kém may mắn: điều mà Shakespeare gọi là đức tính thương xót”.

Nghèo khổ tâm linh

Linh Mục Kolodiejchuk, thỉnh nguyện viên án phong thánh của Mẹ, cho rằng nét đặc biệt nơi Mẹ Têrêsa và nói chung của Dòng Truyền Giáo Bác Ái không hẳn tập chú vào việc trợ giúp người nghèo theo nghĩa vật chất mà thôi. Tập chú của Mẹ là những con người không được yêu thương, ước muốn và chăm sóc, những con người nghèo khổ về phương diện tâm linh.

Đấy vốn là nhận định của Giáo Sư John Sanness, khi ông quả quyết: “Mẹ Têrêsa có lần nói rằng ‘suốt 20 năm làm việc giữa người ta, tôi càng ngày càng hiểu ra rằng không được ước muốn là căn bệnh tệ hại nhất người ta từng cảm nghiệm xưa nay’. Mẹ tin rằng căn bệnh tồi tệ nhất hiện nay không phải là bệnh cùi hay ho lao, mà đúng hơn là cảm giác không được ước muốn, không được chăm sóc và bị mọi người bỏ rơi”.

“Chính những người gặp số phận này, những người nghèo nhất trong số người nghèo, là những người đầu tiên tìm được sự ấm áp và che nắng che mưa nơi Mẹ Têrêsa. Ý hướng của Mẹ là bảo đảm để những người này hưởng được cảm giác được chào đón và nhìn nhận như là con người có nhân phẩm riêng và quyền được tôn trọng”.

Về ảnh hưởng quốc tế của tinh thần Têrêsa Calcutta, Giáo Sư nhắc lại nhận định của cựu chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới và cũng là người mạnh mẽ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam, Robert MacNamara, rằng: “Mẹ Têrêsa xứng đáng lãnh giải Nobel về Hòa Bình vì Mẹ cổ vũ hòa bình một cách căn để nhất, bằng cách xác nhận tính bất khả xâm phạm của nhân phẩm”.

Diễn văn của Mẹ Têrêsa 

Dịp này, Mẹ Têrêsa đã đọc một bài diễn văn với câu mở đầu như sau:

“Chúng ta hãy cùng nhau cám ơn Thiên Chúa vì dịp may đẹp đẽ này trong đó, chúng ta hết thẩy được công bố niềm vui loan truyền hòa bình, niềm vui yêu thương nhau và niềm vui nhìn nhận rằng những người nghèo nhất trong các người nghèo đều là các anh chị em của chúng ta”.

Sau đó, Mẹ mời cử tọa cùng đọc Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi với Mẹ. Rồi nói tiếp:

“Thiên Chúa yêu thương thế giới đến nỗi đã ban Con của Người và Người ban Người Con Ấy cho một trinh nữ, Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, và lúc Người Con này chào đời, Trinh Nữ đã vội vàng ban Người cho người khác. Nhưng lúc đó, Trinh nữ làm gì? Ngài làm công việc của một nữ tỳ, chỉ thế thôi. Chỉ loan truyền niềm vui yêu thương phục vụ ấy thôi. Còn Chúa Giêsu Kitô thì yêu thương qúy vị và yêu thương tôi, Người hiến sự sống Người cho chúng ta và như thể như thế chưa đủ, Người nói tiếp: Hãy yêu như Thầy đã yêu chúng con, như Thầy đang yêu thương chúng con bây giờ; nhưng chúng ta phải yêu thương ra sao, yêu thương bằng cách cho đi. Vì Người đã cho ta sự sống của Người. Và Người tiếp tục cho đi, Người tiếp tục cho đi ngay ở đây, khắp nơi trong đời ta và trong đời người khác.

Chết cho chúng ta chưa đủ với Người, Người muốn chúng ta yêu thương nhau, thấy Người ở trong nhau, đó là lý do khiến Người nói: Phúc cho người có lòng trong sạch, vì họ sẽ thấy Thiên Chúa.

Và để chắc chắn chúng ta hiểu điều Người muốn nói, Người dạy ta rằng vào giờ chết, ta sẽ bị phán xét về việc ta đã đối xử ra sao với người nghèo, người đói, người trần truồng, người vô gia cư, và Người biến Người thành người đói, người trần truồng, người vô gia cư, không chỉ đói cơm bánh, mà đói yêu thương, không chỉ trần truồng vì thiếu áo mặc, mà còn trần truồng vì mất nhân phẩm, không chỉ vô gia cư vì thiếu căn phòng để sống, mà còn vô gia cư vì bị lãng quên, không được yêu thương, không được chăm sóc, không là ai đối với ai cả, quên cả thế nào là tình yêu nhân bản, thế nào là đụng chạm nhân bản, thế nào là được một ai đó yêu thương, và Người nói rằng: các con làm bất cứ điều gì cho một trong các anh em bé nhỏ của Thầy này là các con làm cho Thầy.

Trở nên thánh thiện đối với tình yêu trên quả là điều đẹp đẽ, vì sự thánh thiện không phải là một xa xỉ phẩm của một số ít người, nhưng là bổn phận của mỗi người chúng ta, và nhờ tình yêu này, chúng ta có thể trở nên thánh thiện. Đối với tình yêu thương nhau này và hôm nay khi tôi lãnh giải thưởng này, bản thân tôi quả là người hết sức bất xứng, và tôi, vì từng thề khấn khó nghèo để hiểu người nghèo, tôi đã chọn sự nghèo khó của người ta. Nhưng tôi rất biết ơn và hạnh phúc được nhận nó nhân danh những người đói khát, những người trần truồng, những người vô gia cư, qùe quặt, mù lòa, phong cùi, tất cả những người cảm thấy không được ước muốn, yêu thương, chăm sóc, bị quăng bỏ ra ngoài xã hội, những người đã trở thành gánh nặng cho xã hội và bị mọi người hạ nhục.

Nhân danh họ, tôi chấp nhận giải thưởng. Và tôi chắc chắn rằng giải thưởng này sẽ đem tới một tình yêu hiểu biết nhau giữa người giầu và người nghèo. Đây là điều Chúa Giêsu vốn nhấn mạnh rất nhiều, đây là lý do khiến Chúa Giêsu xuống trần gian, để công bố tin mừng cho người nghèo. Và qua giải thưởng này cũng như qua tất cả chúng ta đang tụ họp nhau nơi đây, chúng ta muốn công bố tin mừng cho người nghèo rằng Thiên Chúa yêu thương họ, chúng ta yêu thương họ, họ là một ai đó đối với chúng ta, cả họ nữa cũng đã được dựng nên bởi cùng một bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, để yêu thương và được yêu thương”.

Mẹ cho rằng "người nghèo của chúng ta là những người vĩ đại, đáng yêu, họ không cần sự thương hại và thiện cảm của chúng ta, họ cần tình yêu hiểu biết của chúng ta. Họ cần chúng ta tôn trọng; họ cần điều này: chúng ta cư xử với họ một cách xứng đáng. Và tôi nghĩ đấy là điều họ cần hơn cả". Mẹ kể lại câu truyện Mẹ đem từ đường phố về một người đầy giòi, chỉ còn bộ mặt là tương đối sạch sẽ. Ấy thế nhưng khi được đem về căn nhà dành cho người hấp hối, ông đã nói câu này: “tôi đã sống như một con vật ở ngoài phố, nhưng giờ đây tôi sẽ được chết như một thiên thần, được yêu thương và chăm sóc”. Sau đó, ông đã qua đời một cách tốt đẹp. “Ông đã về nhà Chúa, vì chết chỉ là về nhà Chúa. Và ông đã hưởng được tình yêu ấy, được ước muốn, được yêu thương, được là một ái đó với một ai đó vào giây phút cuối cùng, mang mãi niềm vui ấy trong đời mình”.

Nhân dịp này, Mẹ đề cập tới nạn phá thai: “Tôi muốn chia sẻ với tất cả qúy vị nhân tố hủy diệt hòa bình hơn cả đó là tiếng kêu của đứa trẻ vô tội chưa sinh ra. Vì nếu một bà mẹ có thể sát hại chính đứa con còn ở trong bụng mình, thì còn gì để qúy vị và để tôi không giết lẫn nhau? Ngay trong Thánh Kinh cũng đã có lời này: Dù người mẹ có thể quên con mình, thì Ta cũng sẽ không quên con. Ta đã khắc ghi con trong lòng bàn tay Ta. Dù người mẹ có thể quên, nhưng ngày nay hàng triệu trẻ em chưa sinh đang bị sát hại. Và chúng ta không nói gì. Trên báo chí, qúy vị đọc số người này người nọ bị giết, bị diệt, nhưng không ai nói đến hàng triệu trẻ nhỏ từng được tượng thai cùng lúc với qúy vị và tôi, để hưởng sự sống của Thiên Chúa, và chúng ta không nói gì, chúng ta cho phép nó diễn ra. Đối với tôi, những quốc gia nào hợp pháp hóa phá thai là những quốc gia nghèo nàn nhất. Họ sợ trẻ nhỏ, họ sợ các trẻ chưa sinh, và đứa trẻ phải chết vì họ không muốn nuôi thêm một đứa trẻ, giáo dục thêm một đứa trẻ, đứa trẻ phải chết”.

Nhắc lại niềm vui của Gioan Tẩy Giả, trong bụng mẹ, nhẩy mừng vì nhận ra Hoàng Tử Hòa Bình tới thăm, Mẹ kêu gọi “Và hôm nay, tại đây, chúng ta hãy làm một cuộc cách mạng mạnh mẽ, chúng ta sẽ cứu mọi trẻ nhỏ, mọi trẻ nhỏ chưa sinh, cho các em cơ hội được sinh ra. Và điều chúng tôi đang làm, chúng tôi đang chống phá thai bằng việc nhận con nuôi, và Thiên Chúa nhân lành chúc phúc cho việc làm này một cách tốt đẹp đến nỗi chúng tôi đã cứu được hàng ngàn trẻ em, và hàng ngàn trẻ em tìm được mái ấm, nơi các em được yêu thương, được ước muốn, được chăm sóc. Chúng tôi đã đem rất nhiều niềm vui tới những mái nhà không có con và do đó, hôm nay, ở đây, tôi xin Đức Vua trước mặt tất cả qúy vị, những người đến từ nhiều quốc gia khác nhau, tất cả chúng ta hãy cầu xin để được ơn can đảm ủng hộ trẻ em chưa sinh, đem lại cho trẻ em cơ hội yêu thương và được yêu thương và tôi nghĩ với ơn thánh của Thiên Chúa chúng ta sẽ đem lại hòa bình cho thế giới”.

Mẹ nói với cử tọa rằng Na Uy giầu có, khó có những gia đình thiếu cơm bánh, nhưng chắc chắn có những gia đình có người “không được ước muốn, yêu thương, chăm sóc, bị bỏ quên, không có tình yêu”. Theo Mẹ, "tình yêu bắt đầu từ nhà và tình yêu muốn chân thực phải làm ta đau". Mẹ kể lại câu truyện cậu bé Ấn Giáo 4 tuổi ở Calcutta, nghe tin Mẹ không có đường, đã về nói với cha mẹ sẽ nhịn ăn đường trong ba ngày để có đường biếu Mẹ Têrêsa. Mẹ nhận định: em bé này “đã yêu bằng một tình yêu lớn lao, em đã yêu đến lúc nó làm em đau. Và đây là điều tôi muốn đề xướng với qúy vị, để qúy vị thương yêu nhau cho tới lúc nó làm qúy vị đau, nhưng qúy vị đừng quên rằng còn rất nhiều trẻ em, rất nhiều người nam nữ không có những điều qúy vị có. Và xin qúy vị nhớ thương yêu họ cho tới lúc tình yêu này làm qúy vị đau”.

Cái đau trên người nghèo cũng nêu gương cho ta. Mẹ thuật lại cho cử tọa nghe câu truyện: “một tối kia, có người đến cho tôi hay có một gia đình Ấn Giáo với 8 đứa con chưa có gì ăn đã khá lâu và yêu cầu tôi giúp đỡ họ. Tôi liền mang cơm đến cho họ ngay, và kìa người mẹ, kìa khuôn mặt những đứa nhỏ, mắt sáng lên vì đói. Bà mẹ lãnh cơm từ tay tôi, chia đôi và đi ra ngoài. Khi bà trở lại, tôi hỏi bà: bà đi đâu vậy? Bà làm gì vậy? Và câu bà trả lời tôi là: họ cũng đói. Bà biết nhà hàng xóm, một gia đình Hồi Giáo, cũng đói.

“Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả, không hẳn bà ấy cho họ cơm, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn hết là trong sự đau khổ của bà, trong cái đói của bà, bà còn biết một ai khác đang đói, và bà có can đảm chia sẻ, chia sẻ yêu thương”.

Mẹ kết luận: “Và đó là điều tôi muốn nói, tôi muốn qúy vị thương yêu người nghèo, và đừng bao giờ quay lưng với người nghèo, vì khi quay lưng với người nghèo, qúy vị quay lưng với Chúa Kitô. Vì Người đã tự biến Người thành người đói ăn, thành người trần truồng, thành người không nhà, để qúy vị và tôi có cơ hội thương yêu Người, vì Thiên Chúa ở đâu? Thiên Chúa thương yêu chúng ta ra sao? Nói rằng: lạy Chúa, con thương yêu Chúa không đủ, mà phải nói: lạy Chúa, con thương yêu Chúa ở đây. Tôi có thể vui hưởng điều này, nhưng tôi xin hy sinh. Tôi có thể ăn đường này, nhưng tôi xin hy sinh nó. Nếu tôi có thể ở lại đây suốt ngày suốt đêm, qúy vị sẽ ngạc nhiên (được nghe) những điều đẹp đẽ của người ta trong việc chia sẻ niềm vui cho đi. Thành thử, tôi cầu xin cho qúy vị để sự thật sẽ đem lời cầu nguyện vào gia đình qúy vị, và nhờ lời cầu nguyện, chúng ta sẽ tin rằng Chúa Kitô ở trong người nghèo. Và khi tin thật như thế, chúng ta sẽ bắt đầu thương yêu. Và khi thương yêu cách tự nhiên, chúng ta sẽ ráng làm một điều gì đó. Trước nhất trong gia đình, rồi hàng xóm, rồi khắp nước và khắp thế giới. Và chúng ta hãy cùng nhau chung lời cầu nguyện, xin Thiên Chúa ban can đảm cho chúng ta để chúng ta bảo vệ trẻ em chưa sinh ra, vì trẻ em là quà phúc vĩ đại nhất Thiên Chúa ban cho gia đình, cho quốc gia và cho toàn thế giới. Xin Thiên Chúa chúc phúc cho qúy vị!”



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét