29/08/2016
Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết.
Lễ nhớ.
* Thánh Gioan Tẩy Giả đã bị chém đầu ở
Makêron, gần Biển Chết, do lệnh của vua Hêrôđê Antipa. Cái chết của người, vị
Tiền Hô của Chúa Kitô, cho thấy rõ người có tâm hồn quả cảm như thế nào và người
đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa trọn vẹn ra sao. Khi chết cũng như khi
còn rao giảng, người đều làm chứng cho chân lý. Người quả là “ngọn đèn cháy
sáng” như lời Đức Giêsu đã nói.
Bài Ðọc I: Gr 1, 17-19
"Ngươi hãy nói cho họ biết tất cả
những điều Ta truyền dạy cho ngươi: Ðừng run sợ trước mặt họ".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Trong những ngày ấy, lời Chúa phán
cùng tôi rằng: "Ngươi hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy, và nói cho họ biết tất
cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi. Ðừng run sợ trước mặt họ, vì Ta không
làm cho ngươi kinh hãi trước mặt họ. Hôm nay Ta làm cho ngươi nên một thành trì
vững chắc, một cây cột bằng sắt, một vách thành bằng đồng trước mặt các vua
Giuđa, các hoàng tử, các tư tế và dân chúng xứ này. Họ sẽ chiến đấu chống
ngươi, nhưng họ không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát
ngươi".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15ab và 17
Ðáp: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa
công minh (c. 15a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương
nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời; theo đức công minh Chúa, xin cứu
nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu. - Ðáp.
2) Xin trở nên thạch động để con dung
thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Ðá Tảng, là chiến luỹ của
con. Lạy Chúa con, xin cứu con khỏi tay đứa ác. - Ðáp.
3) Bởi Ngài là Ðấng con mong đợi, thân
lạy Chúa! Lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con từ hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng
mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu, Chúa là Ðấng bảo vệ con; con
đã luôn luôn cậy trông vào Chúa. - Ðáp.
4) Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa
công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi
niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể (ra) những sự lạ của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Mt 5, 10
Alleluia, alleluia! - Phúc cho những
ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì nước trời là của họ. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 6, 17-29
"Con muốn đức vua ban ngay cho
con cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Marcô.
Khi ấy, Hêrôđê đã sai đi bắt Gioan và
giam ông trong ngục: nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã
cưới lấy. Vì Gioan bảo Hêrôđê: "Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh
mình". Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm
gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện,
và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe.
Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh
nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những
người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp
lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: "Con
muốn gì, cứ xin, trẫm sẽ cho", và vua thề rằng: "Con xin bất cứ điều
gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho". Cô ra hỏi mẹ: "Con nên xin
gì?" Mẹ cô đáp: "Xin đầu Gio-an Tẩy Giả". Cô liền vội vàng trở
vào xin vua: "Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt
trên đĩa". Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên
không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu
Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên
đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ.
Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy
xác ông và mai táng trong mồ.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm : Vị Thánh Can Đảm Và Cương Quyết
Những trang Tin Mừng của thánh sử
Marcô nói về Gioan Tẩy Giả quả thực gây ấn tượng mạnh cho những ai tìm gương một
vị thánh can đảm dám nói lên sự thật, mặc dầu khi biết rằng nói lên điều mình
phải nói sẽ nhận lại hậu quả không lường trước: “Vị Thánh đó là Gioan
Baotixita, vị ngôn sứ kiên cường không bao giờ sợ chết”. Phúc Âm của thánh
Marcô 6, 14 viết: “Vua Hêrôđê nghe biết về Đức Giêsu, vì Người đã nổi danh. Có
kẻ nói: “Đó là ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết chỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới
tác động nơi ông. “Kẻ khác nói: “Đó là ông Êlia”. Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một
ngôn sứ như một trong các ngôn sứ”. Vua Hêrôđê nghe thế liền nói: “Ông Gioan,
ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy!” (Mc 6, 14-16).
Những câu Tin Mừng của thánh Marcô
chúng ta vừa nghe trên đây minh chứng: “Vua Hêrôđê đang lo âu về sự hiện diện của
Chúa Giêsu và cho thấy sự tàn ác của một cường bạo Hêrôđê đã đang tâm truyền lệnh
chém đầu Gioan Tẩy Giả vì Người dám nói lên sự thật: Vua không được lấy vợ của
anh Ngài” (Mc 6, 18).
Đọc đoạn Tin Mừng 6, 17-29 của thánh
Marcô trong ngày lễ kính nhớ thánh Gioan Tẩy Giả chúng ta thấy thật chua xót và
mỉa mai. Cái chua xót bởi vì chỉ với một lời hứa với đứa con gái riêng của người
vợ loạn luân của mình bà Hêrôđia (Mc 6, 23). Vua sẵn sàng cho lệnh chém đầu
Gioan Tẩy Giả. Cái chua xót càng dâng cao khi Vua Hêrôđê cho thị vệ chém đứt đầu
Gioan Tẩy Giả và đặt trên mâm theo lời xúi giục của bà Hêrôđia (Mc 6, 24-25). Sự
việc càng mỉa mai hơn khi Vua vừa tỉnh vừa say và để hồn mình mê ly theo điệu
vũ của đứa con gái của bà Hêrôđia (Mc 6, 22). Đối với chúng ta đọan Tin Mừng của
thánh Marcô 6, 26 càng làm chúng ta ngao ngán vì con người dâm ô, bạo tàn và
chà đạp sự thật, chà đạp công lý và vượt trên cả pháp luật của đất nước mà
Hêrôđê trị vì: “Nhà Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề, và khách dự tiệc, nên không
muốn thất hứa với con gái Hêrôđia”.
Một lệnh truyền của một bạo Chúa trong
lúc say sưa chè chén với bọn bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê trong
ngày sinh nhật của mình (Mc 6, 21). Một lời hứa dựa trên cảm tính, hết sức thô
bạo và coi thường luật pháp của mình, Hêrôđê đã làm một việc hết sức tàn nhẫn,
giết chết một vị ngôn sứ vô tội để thỏa mãn thú tính đê hèn của mình. Cái chết
của Gioan Tẩy Giả đã là một lời cảnh tỉnh tất cả những ai quyết định thiếu khôn
ngoan, thiển cận, ích kỷ, đê hèn chỉ nghĩ tới mối lợi đê tiện của cá nhân mình
mà quên đi việc lớn lao hơn: “đại nghĩa”. Thánh Gioan Tẩy Giả đã chết đi nhưng
sự ra đi của Ngài được nâng cao trên đài danh vọng, danh vọng của những vị ngôn
sứ đích thực, những ngôn sứ dám nói lên sự thật, vì Gioan Tẩy Giả cũng đã chịu
cầm tù, đau khổ trong tù ngục, và chết để làm chứng cho những lời rao giảng của
mình.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã sống hoàn toàn
đúng nghĩa của một vị ngôn sứ chân chính, đích thực, Ngài đã hoàn toàn đáp trả
lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa: “Ngài đã không sợ hãi, lớn tiếng trước
mặt các Vua Chúa. Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý”. Thánh Gioan
Tẩy Giả đã vạch mặt chỉ tên mọi người sống bê tha, tội lỗi. Lời rao giảng sám hối
và phép rửa cải tà qui chánh, cải hoá nội tâm của Ngài đã nói lên một sự thực
muôn đời: “Tất cả đều phải sám hối và ăn năn”. Thánh nhân đã không chùn bước
trước những thế lực mạnh nhất lúc đó là Hêrôđê. Ngài đã can đảm nói lên việc
Hêrôđê cướp vợ của anh mình là Philíp, nàng Hêrôđia… Sự can đảm và cương quyết
của Ngài đã bị cường bạo đè bẹp bằng lời hứa thật đê hèn và thô bạo. Nhưng cái
chết của thánh Gioan Tẩy Giả đã minh chứng cho chân lý ngàn đời: “Sự thật sẽ giải
phóng tất cả”.
Gioan Tẩy Giả đã chết đi để bảo vệ cho
sự thật, minh chứng cho Chúa Giêsu: “Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”
(Ga 14, 6).
Gioan Tẩy Giả chỉ là vị ngôn sứ
dọn đường cho Chúa Cứu Thế: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, để dọn đường
cho Chúa đến” (Mc 1,23) và khi Đấng Thiên Sai đến, thánh nhân xác định rõ ràng:
“Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3, 30). Thánh Gioan Tẩy Giả
đã trở nên chứng nhân tuyệt vời và hoàn hảo nhất nơi Đức Kitô Giêsu.
Lạy Thánh Gioan Tẩy Giả, xin cầu bầu
cho chúng con trước ngai toà Chúa để niềm tin của chúng con được nâng cao hầu
chúng con luôn sẵn sàng đáp trả lại lời mời gọi của Chúa: “làm chứng nhân cho
Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời”. Amen.
Lm Nguyễn Hưng Lợi
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 22 TN2. Nhớ Thánh Gioan Tẩy Giả bị chém đầu.
Bài đọc: I Cor 1:26-31; Mk 6:17-29.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống yêu thương sẽ xây dựng gia đình và
xóa tan mọi hận thù.
Cha
ông chúng ta đã biết quá rõ giá trị của yêu thương trong cuộc sống gia đình và
cộng đoàn, khi nói: "Yêu nhau cau bảy bổ ba. Ghét nhau cau bảy bổ ra làm
mười." Hay "yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho
vừa." Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa khi Ngài dạy, toàn bộ của Lề Luật có thể
thu gọn vào hai giới răn: "mến Chúa yêu người." Trong Tin Mừng Gioan,
Chúa Giêsu khuyên nhủ các môn đệ: "Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng
yêu anh em như vậy ... Như Thầy yêu anh em thế nào, anh em cũng phải yêu thương
nhau như vậy ... Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh
em thương yêu nhau."
Các
Bài Đọc hôm nay tập trung trong nguyên lý yêu thương. Trong Bài Đọc I, thánh
Phaolô khuyên các tín hữu Corintô phải cố gắng yêu thương nhau, giữ hòa khí
trong cộng đồng, và làm việc để có của ăn sinh sống và để xây dựng cộng đồng.
Trong Phúc Âm, thánh Marcô tường thuật một gia đình giầu có thế lực, nhưng
không có yêu thương thành thật. Hậu quả là lối sống loạn luân và thanh toán lẫn
nhau trong gia đình: Herode cha có 5 đời vợ và đã giết 3 đứa con ruột của mình;
đến nỗi trong dân gian có câu vè: "làm con heo cuả Herode còn an tòan hơn
làm con ruột của ông." Herode con, người được nói tới hôm nay, lấy vợ của
anh mình. Gioan Tẩy Giả là người công chính, vì muốn sống và làm chứng cho sự
thật đã ngăn cản cuộc hôn nhân này, nên đã phải trả giá bằng cách bị chém đầu đặt
trên mâm để cô con gái trao cho một bà mẹ trắc nết và thủ đoạn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Thái độ tự tôn và tự
tin.
Corintô
là một thành phố nằm dọc theo bờ biển Peloponnesian về phía Tây Bắc, nơi thánh
Phaolô đã gặp Aquila và Priscilla và đã giảng dạy tại đây 18 tháng (x/c Acts
18:1-18). Sau này, thánh nhân đã viết hai thư tới họ (1 Cor và 2 Cor). Thành phố
hải cảng này nổi danh về giầu có và được hưởng một thời gian lâu dài về trật tự
xã hội và chính trị; một phần vì được điều khiển bởi những nhà chính trị tài giỏi
là những người biết tiên đóan những gì sẽ xảy ra và chuẩn bị kịp thời, một phần
vì nền kinh tế rất khác nhau và nghiêng nhiều về việc sản xuất. Thành phố nổi
tiếng về các đồ sứ, tơ lụa, đóng tàu, và kiến trúc.
Thánh
Phaolô chọn Corintô là một trong những nơi chính để giảng dạy mặc dầu ngài biết
rằng chỉ có những người nào có can đảm và chịu đựng lắm mới có thể sống sót.
Ngài đã chứng tỏ một sự tự tin nơi Thiên Chúa giữa bao yếu đuối của con người.
Vì là hải cảng nên có rất nhiều du khách và những du khách tới sẽ nhìn và nghe
những điều hay của thành phố và sẽ loan báo cho những người đồng hương khi trở
về quê hương của họ. Thánh nhân hy vọng những người tới nghe ngài rao giảng Tin
Mừng sẽ mang về rao giảng lại cho đồng hương của họ và vì thế Tin Mừng được rao
truyền rộng rãi hơn. Không giống như Athens là nơi rất khép kín và chống lại mọi
thay đổi; Corintô rất cởi mở, tìm tòi, và nhiệt thành đón nhận những tư tưởng mới.
Một
trong những nhược điểm của người khôn ngoan giầu có là thái độ tự tôn của họ
trước mặt Thiên Chúa và con người. Họ nghĩ khôn ngoan và giầu có họ có được là
hoàn toàn do công sức và cố gắng của họ. Một thái độ như thế là đánh cắp ơn huệ
của Thiên Chúa và khinh thường sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống. Thánh
Phaolô chất vấn họ: “Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa
kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có
mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại,
thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho
là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế
gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ
diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.”
Và
ngài dạy họ một thái độ đúng đắn cần thể hiện trước Thiên Chúa, thái độ tự tin
trong Chúa: “Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức
Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất
từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu
chuộc anh em, hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa.”
2/
Phúc Âm: Ngài không được
phép lấy vợ của anh ngài!
(1)
Gioan Tẩy Giả sống và chết cho sự thật: Đây là tấm gương sáng Gioan Tẩy Giả cho
chúng ta. Ông dám nói sự thật mà không sợ hãi bất cứ một quyền lực nào của thế
gian. Trong Tin Mừng Matthew, ông thẳng thắn đe dọa các Pharisees và Sadducees
khi họ đến để xin ông làm Phép Rửa: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các
ông cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các ông hãy sinh
hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: "Chúng
ta đã có tổ phụ Abraham." Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể
làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham. Cái rìu đã đặt sát gốc
cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa."
Trong trình thuật hôm nay, ông Gioan thẳng thắn bảo vua Herode: "Ngài
không được phép lấy vợ của anh ngài!" Vì vua Herode đã lấy bà Herodia, vợ
của người anh là Philíp. Hậu quả là vua sai lính bắt giam Gioan Tẩy Giả vào ngục
thất.
(2) Sự
hèn nhát của vua Herode Antipas.
+ Ông
là người loạn luân: đã lấy vợ của anh mình là Herode Philip.
+ Ông
sống theo sự giả trá: Tuy ông muốn nghe sự thật, nhưng không muốn bênh vực sự
thật. Trình thuật mô tả bản chất của ông: "Vua Herode biết ông Gioan là
người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà
vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.''
+ Khi
ông không dám sống theo sự thật, ông sẽ sống theo sự giả trá: "Nhân dịp mừng
sinh nhật của mình, vua Herode mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào
miền Galilee. Con gái bà Herodia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và
khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: "Con muốn gì thì cứ xin,
ta sẽ ban cho con." Vua lại còn thề: "Con xin gì, ta cũng cho, dù một
nửa nước của ta cũng được."
+ Giữ
lời hứa trong lúc say xỉn: Khi nghe cô con gái muốn xin đầu Gioan đặt trên đĩa,
nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không
muốn thất hứa với cô.
Lập tức,
vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở
trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.
(3) Mối
hận thù của bà Herodia: Bà căm thù ông Gioan vì cản trở cuộc hôn nhân của Bà,
và đợi có cơ hội là giết ông.
+ Bà
là người mẹ dạy con làm chuyện đê hèn: Công chúa mà khiêu vũ một mình trước bá
quan văn võ là điều xấu hổ. Chân tướng ác độc của Bà được tỏ lộ khi bảo con làm
chuyện thất nhân ác đức: xin đầu của một vị thánh đặt trên mâm.
+
Sóng trước đổ đâu, sóng sau theo đó, Salome, cô con gái của bà Herodia với
Herode Philip, sau này cũng loạn luân như mẹ: Cô lấy cậu mình, Philip the
Tetrarch, là con của Herode the Great và bà Cleopatra of Jerusalem.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta: Trên hết mọi sự, anh em hãy có nhân đức yêu
thương, vì đó là dây ràng buộc mọi điều toàn thiện. Chúng ta chỉ có nhân đức
này khi Thiên Chúa ngự trị trong gia đình chúng ta mà thôi.
- Nếu
không có yêu thương thành thật, gia đình chúng ta sẽ biến thành địa ngục như
gia đình Herode; và mọi người trong gia đình sẽ phải trả giá đắt về những hành
động của mình.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
29/08/16 THỨ HAI TUẦN
22 TN
Th. Gio-an Tẩy giả bị trảm quyết
Mc 6,17-29
Th. Gio-an Tẩy giả bị trảm quyết
Mc 6,17-29
Suy niệm: Vì một câu nói giữa ngất ngây cuộc vui,
Hê-rô-đê đã giết chết người mình nể trọng. Kẻ nói lời chân lý bị giết chết bởi
kẻ tưởng rằng mình có chân lý. Giá như hôm nay Hê-rô-đê có được cái đắn đo “uốn
lưỡi bảy lần trước khi nói” thì thảm kịch có lẽ đã không xảy ra. “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ
ban cho con”, cùng
câu nói này, đặt trên môi miệng của Chúa Giê-su thì phúc cho mọi nhà, nhưng đặt
trên môi miệng của Hê-rô-đê thì hoạ cho muôn dân. Lời nói phát xuất từ một tâm
hồn ích kỷ, hưởng thụ đem lại chia rẽ, chết chóc. Trái lại, Lời Chúa Giêsu xuất
phát từ tình yêu, được thúc đẩy bởi Thánh Thần, là Lời đem lại sự sống đời đời.
Mời Bạn: Đã
bao lần chúng ta có những lời nói tưởng như nói cho vui miệng, vô thưởng vô
phạt, lại trở thành hung khí giết chết những tâm hồn nhiệt huyết, cắt đứt tình
bạn, phân ly tình nghĩa vợ chồng! Đã bao lần, do thiếu đắn đo suy nghĩ, do nóng
giận mất khôn, chúng ta đã có những câu nói giết chết danh dự và nhân cách của
nhau!
Chia sẻ về
lời của thánh Giacôbê: “Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng
dùng cái lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên
Chúa… Thưa anh em, như vậy thì không được” (Gc 3,9-10).
Sống Lời Chúa: Trước
khi phát ngôn dừng lại một giây lát để tự nhắc nhở mình biết nói những lời xây
dựng tình yêu thương hiệp nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, “con người sống là vinh quang của Thiên Chúa” (Th.
I-rê-nê). Xin cho chúng con biết nói và hành động xứng với phẩm giá con người
để vinh quang Chúa được tỏ rạng.
Đầu Gioan Tẩy giả
Quyền lực được sử dụng như bạo lực, khiến người
lành phải chết oan. Chúng ta xin cho mình luôn có tự do, để mọi quyết định phù
hợp với ý Chúa.
Suy
niệm:
Ngày
sinh nhật của một người lại dẫn đến cái chết của một người khác.
Nếu
sự kiện xảy ra đúng như truyền thống mà Máccô nhận được và ghi lại
thì
thật là khủng khiếp.
Ai
có thể tưởng tượng nổi chuyện trong bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê,
một
cô bé dám bưng mâm, trên có cái đầu vừa bị chặt của một người,
máu
còn chảy ròng ròng, mắt đang nhắm hay mở?
Cô
bưng và vui vẻ trao cho mẹ cô.
Mẹ
cô sẽ bưng và trao cho ai cái đầu của Gioan, người mà bà căm ghét?
Bài
Tin Mừng hôm nay cũng cho ta một số kinh nghiệm của Hêrôđê.
Trước
hết là kinh nghiệm bị giằng co giữa cái tốt và cái xấu.
Hêrôđê
Antipas đã bắt ông Gioan tẩy giả và xiềng ông trong ngục.
Lý
do vì Gioan đã cản trở cuộc hôn nhân sai trái của ông với Hêrôđia.
Dầu
vậy Hêrôđê vẫn biết Gioan là người công chính thánh thiện,
vẫn
sợ ông và che chở ông khỏi sự trả thù của Hêrôđia (cc. 19-20).
Hêrôđê
còn lương tâm khi ông thích nghe Gioan nói, dù rất bối rối khi nghe.
Kế
đến là kinh nghiệm về sự thiếu chín chắn của Hêrôđê khi thề hứa.
Cái
gì đã xui khiến ông nói câu dại dột này với cô bé Salômê:
“Con
xin gì ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23)?
Bầu
khí cuồng nhiệt của bữa tiệc sinh nhật, hay điệu vũ đẹp mê hồn,
hay
rượu đã ngà ngà say, hay muốn chứng tỏ mình đầy quyền lực?
Hay
sự cộng hưởng của mọi yếu tố trên?
Có
những lời nói vội vã mà sau đó ta phải hối tiếc và trả giá.
Cuối
cùng là kinh nghiệm về sự mất tự do trước khi quyết định.
Khi
cô bé xin cái đầu của Gioan, Hêrôđê hẳn đã sửng sốt ngỡ ngàng.
Ông
buồn hết sức vì mình đã lỡ thề hứa như vậy (c. 26).
Ông
có thể rút lại lời đã nói không? Dĩ nhiên là có.
Nhưng
nỗi sợ đã khiến ông không dám làm.
Sợ
từ chối cô bé, làm cho cô buồn và mẹ cô nổi giận,
sợ
bị mang tiếng là nuốt lời trước mặt bá quan văn võ.
Nói
chung ông sợ mất danh dự của mình, mất thiện cảm của người khác.
Bởi
vậy, dù Hêrôđê thấy việc giết Gioan là điều sai trái,
ông
vẫn không dám xin rút lại lời thề thiếu suy xét của mình.
Cần
can đảm để giữ lời hứa, nhưng có khi cần can đảm hơn để không giữ.
Danh
dự hão của Hêrôđê được mua bằng máu của một vị ngôn sứ lớn.
Hêrôđê
đã can dự vào cái chết của Gioan.
Ông
chịu áp lực từ khách dự tiệc và mẹ con Hêrôđia.
Philatô
đã can dự vào cái chết của Đức Giêsu.
Ông
này chịu áp lực từ dân chúng và các thượng tế.
Cả
hai ông đều không có tự do, không có can đảm để tha cho người vô tội.
Cả
hai ông đều nghĩ đến mình, cái ghế của mình, danh dự của mình.
Quyền
lực được sử dụng như bạo lực, khiến người lành phải chết oan.
Chúng
ta xin cho mình luôn có tự do, để mọi quyết định phù hợp với ý Chúa.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sám
hối không phải là điều dễ dàng,
bởi
lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để
nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi
thấy Chúa là Đấng vô tội
mà
lại đứng chung với các tội nhân,
chờ
Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với
phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối
nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh
táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành
thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám
đi đến những hành động cụ thể,
và
chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng
xin đừng quên ban cho chúng con
niềm
vui của Giakêu,
hạnh
phúc vì được tự do và được yêu mến.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29
THÁNG TÁM
Một
Số Công Tác Đặc Biệt Được Phác Họa Bởi Thượng Hội Đồng Giám Mục
Cuối
kỳ Thượng Hội Đồng Giám Mục này, một số công tác chuyên biệt được đề ra một
cách ưu tiên là:
-
Công bố bản giáo luật cho các Giáo Hội thuộc nghi thức Đông Phương.
- Soạn
thủ bản giáo lý để được sử dụng cho Giáo Hội Công Giáo toàn cầu.
-
Nghiên cứu sâu xa về bản chất của các hội đồng giám mục được tổ chức theo cấp
quốc gia.
Ủy
Ban thư ký của Thượng Hội Đồng đã được mời gọi hợp tác trong việc triển khai một
kế hoạch thực hiện các đề nghị của Thượng Hội Đồng. Về giáo luật cho các Giáo Hội
Đông Phương, một ủy ban đặc biệt đang làm việc để đảm bảo rằng các Giáo Hội
Đông Phương đáng kính sẽ nhận được một bản giáo luật không chỉ tôn trọng các
truyền thống của các Giáo Hội này mà nhất là nhìn nhận vai trò và sứ mạng của
các Giáo Hội này trong tương lai của Giáo Hội phổ quát.
Chúng
ta hãy cầu nguyện cho tất cả các công việc này được hoàn thành nhờ sức mạnh và
sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
29 – 8
Thánh
Gioan Tẩy Giả, bị trảm quyết
Gr
1,17-19; Mc 6,17-29.
Lời
suy niệm: “Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại
thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức vua sai thị vệ
đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông Gioan ở trong
nguc.”
Hôm
nay Giáo Hội kính nhớ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết. Gioan Tẩy Giả, thánh
nhân là vị tiền hô của Chúa Cứu Thế, ông dọn đường cho Chúa Cứu Thế , bằng cách
kêu gọi mọi người sám hối để được ơn tha tội, Thánh nhân đã mạnh dạng lên án mọi
hành vi tội lỗi; trong đó có sự công khai khiển trách vua Hêrôđê về tội lấy vợ
của người anh là Philípphê. Thánh nhân đã bị nhà vua tống ngục, với sự trả thù
của bà Hêrôđia. Thánh nhân đã bị trảm quyết.
Lạy
Chúa Giêsu. Thánh Gioan Tẩy Giả đã bị trảm quyết vì đã sống và đã chết vì chân
lý. Xin Chúa ban cho chúng con được ơn sức mạnh và cam đảm để sống và chết vì
chân lý như thánh nhân.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
29-08
KÍNH
NHỚ CUỘC KHỔ NẠN THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
Ngày
29 tháng 8, Giáo hội kính nhớ việc thánh Gioan tẩy giả bị chặt đầu, nghĩa là cuộc
tử nạn của Ngài. Vị tiền hô lừng danh này từ thiếu thời, đã lui vào sa mạc để sống
khoảng 25 năm khổ hạnh. Vào tuổi 29, Ngài được lệnh từ trời cao sai đến bên bờ
sông Jordanô giảng phép thống hối và loan báo việc Đấng Thiên sai sắp tới. Khắp
nơi, người ta đến với Ngài.
Khi ấy,
Chúa Giêsu từ Galilê tới xin Ngài rửa cho. Danh tiếng Ngài lẫy lừng khiến người
Do thái sai sứ giả đến chất vấn Ngài, Ngài khiêm tốn trả lời: - Tôi không phải
là đức Kitô.
Họ hỏi lại : - Vậy thì là ai ?
Ông đáp : - Tôi là tiếng kêu trong sa mạc: hãy bạt lối Chúa đi.
Họ lại hỏi thêm: vậy tại sao ông dám thanh tẩy ?
Ông trả lời: phần tôi, tôi thanh tẩy bằng nước. Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép Ngài (Ga 1,19-27).
Họ hỏi lại : - Vậy thì là ai ?
Ông đáp : - Tôi là tiếng kêu trong sa mạc: hãy bạt lối Chúa đi.
Họ lại hỏi thêm: vậy tại sao ông dám thanh tẩy ?
Ông trả lời: phần tôi, tôi thanh tẩy bằng nước. Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép Ngài (Ga 1,19-27).
Rất mực
khiêm tốn, nhưng tiếng tăm Ngài đã thấu tai Hêrôdê. Ong vua này biết Gioan
"là người công chính và lành thánh nên vẫn che chở. Nghe ông thì Hêrôđê
đâm phân vân nhiều nỗi nhưng lại cứ thích nghe" (Mc 6,20). Hêrôdê bị Gioan
bắt lỗi về việc ông ta cưới Hêrôdia vợ của anh ông làm vợ mình. - Ông không được
phép lấy vợ của anh (Mc 1,8).
Lời
nói ấy phải trả giá bằng sự tự do. Gioan bị bắt tù. Nhưng việc tù tội của Gioan
không làm giảm cơn giận của người đàn bà tội lỗi. Bà ta quyết tìm cách giết
Gioan. Nhân một bữa tiệc Hêrôdê thết đãi tại hoàng cung, con gái mụ Hêrôdiađê
vào nhảy múa giúp vui, nhà vua vui thích lắm, và hứa cho bất cứ gì nó muốn, ra
hỏi người mẹ, nó trở lại hoàng cung và thưa: - Thần muốn Ngài ngự ban cho ngay
trên chiếc đĩa cái đầu của Gioan Tẩy giả ( Mc 6,25)
Buồn
phiền, nhưng vì đã lỡ thề hứa trước mặt quan khách, Hêrôđê đã sai thị vệ đi chặt
đầu thánh nhân. Cái chết của thánh Gioan tẩy giả xảy ra khoảng một năm trước cuộc
tử nạn của Chúa Giêsu.
(daminhvn.net)
29
Tháng Tám
Cái Chết Của Một Tiên Tri
Qua
lệnh truyền của một bạo chúa, một chiếc gươm gieo, một chiếc đầu rơi trong ngục
tối. Ðó là những diễn tiến đã kết thúc cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, một biến
cố mà Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm hôm nay.
Chúng
ta đã thấy một lời thề thiếu khôn ngoan, một quan niệm thiển cận về danh dự của
một bạo chúa cũng như lòng hận thù của một hoàng hậu lăng loàn đã đưa Gioan Tẩy
Giả vào cái chết. Nhưng đây là cái chết đã nâng ngài lên cao trên đài danh vọng,
danh vọng của các vị tiên tri đích thực, vì Gioan cũng bị đau khổ, giam cầm và
chết vì lời mình rao giảng.
Gioan
Tẩy Giả cũng đã tự ví mình là "tiếng kêu trong xa mạc: Hãy dọn đường lối
cho ngay thẳng" và ngài đã đóng trọn vai trò này qua việc tích cực rao giảng
và làm Phép Rửa thống hối. Tích cực vì ngài đã dám vạch mặt chỉ tên những vấp
phạm của tất cả mọi người, không nể nang, không khiếp sợ, kể cả những tội lỗi của
các vua chúa là những người nắm toàn quyền sanh sát thời bấy giờ, cụ thể là tội
loạn luân của vua Hêrôđê và hoàng hậu Hêrôđiađê.
Qua
đó, Gioan Tẩy Giả đã sống để nói lên sự thật và đã chết để bảo vệ sự thật: sự
thật về hiện tình của xã hội, sự thật về thực trạng của từng cá nhân và sự thật
về chính mình. Gioan tuyên bố rõ ràng ngài không phải là Ðấng Cứu Thế, nhưng chỉ
là người được kêu gọi để đóng vai trò Tiền Hô chuẩn bị cho ngày Ðấng Cứu Tinh sẽ
đến.
Mọi
Kitô hữu chúng ta cũng được kêu mời để đáp lại tiếng gọi. Và mặc dù không ai có
thể tái diễn vai trò của thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng mọi Kitô hữu phải tiếp diễn
sứ mệnh của ngài trong mọi hoàn cảnh mình đang sống. Ðó là sứ mệnh làm chứng
nhân cho Chúa Giêsu.
(Lẽ
Sống)
Lectio Divina: Thánh Gioan Tẩy Giả bị Trảm Quyết
Thứ
Hai, 29 Tháng 8, 2016
Mùa
Thường
Niên
1.
Lời nguyện mở đầu
Lạy
Cha chúng con,
Xin
Cha giúp cho chúng con đi tìm các giá trị
sẽ
mang lại cho chúng con niềm vui mừng lâu dài trong thế gian thay đổi này.
Trong
nỗi ước mong của chúng con về những gì Chúa đã hứa,
xin
cho chúng con nên một trong tâm trí và con tim.
Chúng
con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con Cha,
Đấng
hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,
Một
Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
2.
Phúc Âm – Máccô 6:17-29
Khi ấy,
Hêrôđê đã sai đi bắt Gioan và giam ông trong ngục: nguyên do tại Hêrôđia,
vợ của Philípphê, anh vua, mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan bảo Hêrôđê:
“Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình.” Phần Hêrôđia, nàng toan
mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết
ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua
rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe.
Dịp
thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần
trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái
nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua
liền nói với thiếu nữ ấy rằng: “Con muốn gì, cứ xin, trẫm sẽ cho”, và vua
thề rằng: “Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho.”
Cô ra
hỏi mẹ: “Con nên xin gì?” Mẹ cô đáp: “Xin đầu Gioan Tẩy Giả”.
Cô liền vội bàng trở vào xin vua: “Con muốn đức vua ban ngay cho con cái
đầu Gioan Tẩy Giả đặt trê đĩa.” Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có
các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn.
Và lập
tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền
đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem
cho mẹ. Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ.
3.
Suy Niệm
- Hôm nay chúng ta tưởng niệm cuộc
tử đạo của thánh Gioan Tẩy Giả. Tin Mừng cho biết ông Gioan Tẩy Giả bị giết
như thế nào, không có việc tố tụng pháp lý, trong một bữa tiệc, là nạn nhân của
sự thối nát và kiêu ngạo của vua Hêrôđê và triều đình của ông ta.
- Mc 6:17-20: Nguyên do ông
Gioan bị bỏ tù và bị giết. Vua Hêrôđê là một viên quan làm việc cho đế chế
La Mã, cai quản miền Paléstine kể từ năm 63 trước Công Nguyên. Hoàng đế
Xê-da (Ceasar) trị vì Đế Quốc La-Mã. Ông ta là người đứng đầu tất cả,
trong một chính quyền đương thời mà mọi nguồn lợi tức phải thuộc về Đế Chế và
thuộc về hoàng đế. Mối lo lắng của vua Hêrôđê là sự thăng quan tiến chức
và sự an nguy của mình. Đây là lý do tại sao ông ta đã khống chế bất kỳ một
hình thức quấy rối nào. Ông ta ưa được gọi là ân nhân của dân, nhưng
trong thực tế lại là một bạo chúa (xem Lc 22:25). Ông Flaviút Giôsépphê,
một tác giả thời bấy giờ, cho biết rằng lý do mà ông Gioan Tẩy Giả bị bỏ tù vì
vua Hêrôđê sợ rằng sẽ có một cuộc tổng nổi dậy hoặc cách mạng. Việc ông
Gioan Tẩy Giả lên tiếng tố cáo chống lại sự suy đồi đạo đức của vua Hêrôđê (Mc
6:18), là giọt nước làm tràn ly, và ông Gioan đã bị tống ngục.
- Mc 6:21-29: Âm mưu của
kẻ sát nhân. Ngày sinh nhật và tiệc thết đãi thịnh soạn, với đàn ca nhảy
múa và cuộc truy hoan là dịp để sát hại ông Gioan. Môi trường mà trong đó
kẻ có quyền thế trong vương quốc gặp gỡ nhau và trong đó các liên minh được
thành hình. Trong bữa yến tiệc có sự tham gia của “các quan đại thần
trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa”. Đây là môi
trường mà trong đó việc thảm sát ông Gioan Tẩy Giả đã được quyết định.
Ông Gioan, vị ngôn sứ, là một công tố viên sống vạch trần hệ thống nhũng lạm,
và đó là lý do mà ông đã bị trừ khử với lý do tư thù cá nhân. Tất cả điều
này cho thấy sự suy đồi đạo đức của Hêrôđê. Quá nhiều quyền lực tập trung
vào tay một kẻ không có khả năng kiềm chế được bản thân mình. Trong lúc
hào hứng của yến tiệc, của rượu ngon và của thịt béo, Hêrôđê đã trịnh trọng thề
hứa với người thiếu nữ, một vũ công. Một kẻ mê tín dị đoan như ông ta,
nhà vua nghĩ rằng ông ta phải giữ lời thề hứa. Đối với Hêrôđê, mạng sống
của người dân không có giá trị gì. Đây là cách mà Thánh Sử Máccô thuật lại
câu chuyện thật sự như nó đã xảy ra và cho các cộng đoàn nhiệm vụ đưa ra lời kết
luận.
- Hàm ý, bài Tin Mừng hôm nay cho
biết rất nhiều dữ liệu về thời Chúa Giêsu đã sống và về con đường mà quyền lực
đã được thực hành về phần quyền thế vào thời đó. Xứ Galilêa, quê hương của
Chúa Giêsu, dưới sự cai quản của Hêrôđê Antipát, con của Vua Hêrôđê Đệ Nhất, từ
năm thứ tư trước Công Nguyên đến năm 39 sau Công Nguyên, 43 năm dài! Trải
qua suốt thời gian Đức Giêsu tại thế, không có thay đổi trong chính phủ tại xứ
Galilêa! Hêrôđê là chúa tể tuyệt đối của tất cả mọi thứ, và đã không đưa
ra một báo cáo nào với bất cứ ai, ông ta đã tùy tiện theo ý mình. Con người
ông ta là kẻ kiêu ngạo, kém đạo đức, chuyên chế, không có bất kỳ một sự kiềm chế
nào từ phía dân chúng!
- Hêrôđê kiến tạo một kinh đô mới,
gọi là Tibêriađê. Cố đô Sépphori đã bị phá hủy bởi người La Mã để trả đũa
lại việc tổng nổi loạn. Điều này xảy ra khi Chúa Giêsu được khoảng bảy tuổi.
Tibêriađê, kinh thành mới, đã được khánh thành mười ba năm sau đó, khi Đức
Giêsu độ khoảng 20 tuổi. Kinh đô đã được đặt tên đó để lấy lòng Tibêriút,
Hoàng Đế La Mã. Tibêriađê là nơi xa lạ ở miền Galilêa. Đó là nơi mà
nhà vua, “triều đình”, các bá quan văn võ, các thân hào của miền Galilêa đã sống
(Mc 6:21). Các chủ đất, các binh sĩ, sĩ quan đã sống ở đó và có cả các
quan tòa, những kẻ mà nhiều lần đã vô cảm, và thờ ơ (Lc 18:1-4). Các loại
thuế và sưu và các nông sản của người dân đã bị chuyển tải về đó. Cũng tại
đó, Hêrôđê đã tổ chức các cuộc truy hoan chết chóc của ông ta (Mc
6:21-29). Sách Tin Mừng không nói về việc Chúa Giêsu đã tiến vào kinh
thành.
Trong
suốt 43 năm cầm quyền của Hêrôđê, một tầng lớp quan lại, trung thành với đường
lối của nhà vua, đã được tạo ra: các Kinh Sư, các thương gia, chủ đất, những
kẻ thu thuế chợ, những người thu thuế, quan quyền, vệ binh, quan tòa, người quảng
cáo, các chức sắc địa phương. Đa số những người này sống tại kinh thành
và được hưởng những đặc quyền mà Hêrôđê ban cho, ví dụ như được đặc miễn các
thuế má. Còn những người khác thì sống trong các làng mạc. Trong mỗi
làng hoặc phố thị luôn có một nhóm người thiên về chính quyền. Một số
Kinh Sư và người Biệt Phái bị ràng buộc vào hệ thống và chính trị của nhà
vua. Trong các sách Tin Mừng, các người Biệt Phái xuất hiện chung với những
người theo phái Hêrôđê (Mc 3:6; 8:15; 12:13), và điều này cho thấy đang có sự
liên minh giữa tôn giáo và các quyền lực dân sự. Đời sống của dân chúng
trong các thôn làng miền Galilêa bị kiểm soát rất chặt chẽ, bởi cả phe chính
quyền và lẫn tôn giáo. Cần phải có thật nhiều can đảm để bắt đầu một điều
gì đó mới mẻ, giống như ông Gioan và Chúa Giêsu đã làm! Điều tương tự đã
lôi cuốn người ta vào sự giận dữ của những người có đặc quyền, những kẻ thuộc về
giáo quyền cũng như những kẻ thuộc về chính quyền dân sự, tại cấp địa phương
cũng như cấp trung ương.
4.
Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Bạn có biết ai đã chết vì là nạn
nhân của sự tham nhũng và thống trị của kẻ mạnh không? Và tại đây, giữa
chúng ta, trong cộng đoàn chúng ta và trong Giáo Hội, có ai là nạn nhân của chế
độ chuyên chế hoặc của chế độ quá nhiều quyền lực không? Bạn hãy cho một
ví dụ.
- Mê tín dị đoan, tham nhũng, hèn
nhát đánh dấu sự thực thi quyền lực của vua Hêrôđê. Bạn hãy so sánh điều
này với việc thực thi quyền lực tôn giáo và quyền lực dân sự ngày nay, trong
nhiều tầng lớp của cả xã hội lẫn Giáo Hội.
5.
Lời nguyện kết
Con ẩn
náu bên Ngài, lạy CHÚA,
xin đừng
để con phải tủi nhục bao giờ.
Vì
Ngài công chính, xin cứu vớt và giải thoát con,
ghé
tai nghe và thương cứu độ.
(Tv
71:1-2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét