24/09/2016
Thứ Bảy tuần 25 thường niên.
Bài Ðọc
I: (Năm II) Gv 11, 9 - 12, 8
"Trong những ngày thanh xuân, ngươi hãy nhớ đến
Ðấng Tạo thành ngươi; trước khi tro bụi sẽ trở về đất và hồn sẽ trở về cùng
Chúa".
Trích sách Giảng Viên.
Hỡi thiếu niên, hãy hân hoan trong thời niên thiếu
và tâm hồn ngươi hãy hưởng hạnh phúc trong những ngày thanh xuân, hãy sống theo
đường lối tâm hồn ngươi, và theo cái nhìn của mắt ngươi. Nhưng ngươi hãy biết rằng
Thiên Chúa sẽ xét xử ngươi về những điều đó. Ngươi hãy loại bỏ sự giận ghét khỏi
lòng ngươi, và hãy khai trừ sự gian ác khỏi xác thịt ngươi: vì tuổi trẻ và
khoái lạc đều là hư không.
Trong ngày thanh xuân, ngươi hãy nhớ đến Ðấng Tạo
thành ngươi, trước khi thời gian đau khổ tới và trước khi tới thời gian mà
ngươi sẽ nói: "Tôi không thích"; trước khi mặt trời, ánh sáng, mặt
trăng, tinh tú sẽ ra tối tăm, và trước khi mây đen kéo lại sau trận mưa, khi kẻ
giữ nhà run sợ, khi những kẻ anh dũng khiếp nhược, khi còn ít bà xay bột cũng
ngưng việc, khi mấy bà nhìn qua cửa sổ mà chẳng thấy gì, khi cửa phố phường
khép lại và tiếng cối xay nhỏ dần, khi người ta nghe tiếng chim kêu mà chỗi dậy
và tiếng hát của các thiếu nữ tắt dần đi, ở những nơi cao người ta run sợ và
trên đường đi người ta cũng khiếp đảm.
Hạnh đào sẽ trổ hoa, châu chấu sẽ béo mập, cây phong
điểu sẽ đâm chồi nảy lộc, vì con người sắp đi về nhà vĩnh cửu, và kẻ than khóc
rảo quanh mọi phố phường.
Trước khi dây bạc đứt tan, và bình vàng vỡ nát, chiếc
vò bể tan bên bờ suối, trục quay nước giếng gãy tan tành, và tro bụi sẽ trở về
đất, hồn sẽ trở về cùng Chúa, Ðấng đã tác tạo nó.
Giảng viên đã nói: Phù vân trên mọi phù vân, và mọi
sự đều là phù vân.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 89, 3-4. 5-6. 12-13. 14 và 17
Ðáp: Thân lạy
Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).
Xướng: 1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ
như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người
trở về bụi đất, Người phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người". - Ðáp.
2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi
sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều
nó bị xén đi và nó héo khô. - Ðáp.
3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con
luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ?
Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. - Ðáp.
4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của
Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con
được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con; sự nghiệp tay chúng con làm
ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 114, 13cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời
Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 9, 44b-45
"Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám hỏi
Người về lời ấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ðang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa
Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: "Phần các con, các con hãy
ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời".
Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh
hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Chấp Nhận Khổ Ðau
Có hai người đang bị dằn vặt với nỗi khổ đau của
mình. Họ tìm đến với một vị ẩn sĩ để xin ý kiến. Vị ẩn sĩ này giới thiệu họ đến
gặp một vị ẩn sĩ khác. Sau khi nghe họ giãi bày tâm sự, ông trả lời: "Tốt
hơn các anh hãy tìm đến một vị khác, tôi không có đủ tư cách để trả lời câu hỏi
đó, bởi vì cả đời tôi có bao giờ nhận điều xấu từ bàn tay Chúa đâu". Hai
người thanh niên chợt hiểu rằng khi con người vui vẻ đón nhận khổ đau, thì khổ
đau không còn là vấn đề nữa.
Trong Tin Mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn của
Ngài, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hãy đối đầu với khổ đau, nếu khổ
đau là thành phần thiết yếu của cuộc sống. Vấn đề không phải là chối bỏ hiện thực
của khổ đau hay tìm cách tránh né khổ đau, mà là đối đầu với nó. Chúa Giêsu đã
vạch ra cho chúng ta cách thế đối đầu với khổ đau, đó là chấp nhận khổ đau với
tình yêu. Ðau khổ mà không có tình yêu thì chỉ là hỏa ngục mà thôi.
Xem chừng tất cả các vấn đề của con người đều được gắn
liền với khổ đau. Vì không muốn chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao nhiêu
tội ác, vì không muốn hy sinh mà một người mẹ đang tâm giết đứa con trong lòng
mình, vì không muốn thấy người thân đau khổ mà người ta giết họ một cách êm dịu,
vì không muốn đối đầu với thực tại khổ đau mà người ta tìm quên trong men rượu,
ma túy và mọi thứ kích thích khác: hỏa ngục là như thế đó.
Chúa Giêsu đã đón nhận khổ đau, Ngài đã biến khổ đau
thành hiến lễ tình yêu, do đó khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân
loại. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác lấy thập giá mình mà đi theo Ngài.
Mỗi ngày có nỗi khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay không, bình an hay không,
là tùy con người có biết đón nhận khổ đau với tình yêu hay không.
Giữa muôn nghìn khổ đau và thử thách của cuộc sống,
xin Chúa cho chúng ta đón nhận tất cả với lòng tin yêu, phó thác và cảm tạ tình
yêu Chúa.
Veritas
Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 25 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Eccl
11:9-12:8; Lk 9:43-45.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống hiện tại với mục đích tương lai.
Trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine dẫn chứng hai
thái độ sống trong cuộc đời: một thái độ của con ve chỉ biết sống giây phút hiện
tại mà không cần biết tới tương lai sẽ ra sao; và một thái độ của con kiến sống
hiện tại nhưng luôn biết chuẩn bị cho tương lai. Khi mùa Đông tới, con ve mới
nhận ra mình hết thức ăn và sang nhà kiến vay mượn để ăn. Cuộc đời con người
cũng thế: có những người chỉ biết sống hiện tại mà không cần biết đến ngày mai;
có những người tuy vẫn sống vui vẻ với giây phút hiện tại nhưng luôn phòng bị
cho tương lai. Bài đọc I khuyên các tâm hồn trẻ biết sống hiện tại nhưng đừng
quên tương lai. Bài Phúc Âm tường thuật thái độ không muốn hiểu hay không muốn
đương đầu với của các Tông Đồ khi Chúa Giêsu tiên báo Cuộc Thương Khó của Ngài
lần thứ hai.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Sống hiện tại nhưng đừng quên tương lai.
Con người khi còn trẻ và mạnh khỏe ít ai nghĩ đến tuổi
già, đau yếu hay cái chết. Họ bận rộn để vui hưởng tuổi xuân và thỏa mãn những
đam mê xác thịt. Tác giả của Sách Giảng Viên không khuyên họ không được vui hưởng
tuổi xuân, nhưng lưu ý họ về 4 điểm sau đây:
(1) Bạn phải chịu trách nhiệm về mọi hành động của
mình vì Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử về tất cả mọi hành động bạn làm: Tuổi
trẻ là tuổi của háo thắng, muốn gì làm nấy; và không sợ bất cứ một quyền lực
nào ngăn cản họ không được làm. Nhưng rồi họ cũng phải đối diện với Thiên Chúa
và phải trả lời cho Ngài về các hành động của mình.
(2) Bạn cứ việc vui, nhưng hãy luôn tưởng nhớ Đấng
đã dựng nên mình; đừng chờ khi tuổi già đến rồi mới nghĩ tới Thiên Chúa: Nhiều
người trẻ có tư tưởng: vì Thiên Chúa là Đấng hay thương xót và tha thứ, nên cứ
việc phạm tội và vui hưởng cuộc đời. Khi nào họ về già, họ sẽ có nhiều thời giờ
để ăn năn trở lại. Nhưng họ quên đi rằng không phải về già rồi mới chết vì có
những cái chết rất trẻ. Hơn nữa, một khi họ đã nhấn mình quá sâu trong vũng bùn
tội lỗi, họ sẽ không dễ ăn năn trở lại. Một điểm tích cực là càng nhớ tới Thiên
Chúa bao nhiêu họ càng vui hưởng cuộc đời bấy nhiêu.
(3) Bạn phải đối diện với tuổi già: Khi còn trẻ, con
người không biết tuổi già sẽ ra sao. Cách tốt nhất để chuẩn bị cho tuổi già là
chăm sóc cha mẹ già. Bạn trẻ sẽ thấy được những cô đơn, sợ hãi, lo âu, bệnh tật
của họ: tai điếc, mắt mờ, tóc bạc, trí khôn nghễnh ngãng, tay chân run rẩy,
răng rụng. Sách Giảng Viên dùng thi ca để mô tả một số những cô đơn sợ hãi của
tuổi già:
Ngày ấy, cánh cửa ngó ra đường sẽ đóng lại, tiếng cối
xay bột từ từ nhỏ đi,
người ta trỗi dậy khi vừa nghe tiếng chim hót, và mọi
cô ca sĩ sẽ phải lặng thinh.
Ngày ấy, đường hơi dốc cũng làm người ta sợ, chân bước
đi mà lòng thật kinh hoàng. Ngày ấy, hoa hạnh đào nở ra trắng xoá, loài
châu chấu trở nên chậm chạp nặng nề, trái bạch hoa hết còn hương vị. Bởi
vì con người tiến đến nơi ở ngàn thu, bên đường đầy những người khóc than ai
oán.
(4) Bạn phải đối diện với tử thần: Đây là một điều
chắc chắn và không ai có thể thóat được. Sau cái chết là Ngày Phán Xét như đã
nói ở trên. Vì thế phải chuẩn bị cho ngày chết khi bạn còn đang sống, “Đừng chờ
đến khi chỉ bạc đứt, bình vàng vỡ, vò nước bể ngay tại hồ chứa nước, ròng rọc
gãy, vụt rơi xuống giếng sâu. Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất, khi
phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Người đã ban cho mình.”
2/
Phúc Âm: Chúa Giêsu tiên báo Cuộc Thương Khó của Ngài lần thứ hai.
Trước khi tiên báo cuộc Thương Khó lần hai, Chúa đã
Biến Hình cho các ông thấy trên núi và chữa lành một đứa trẻ bị kinh phong. Mục
đích của Chúa là để cho các ông xác tín niềm tin vào Thiên Chúa.
(1) Trong khi các Tông Đồ và mọi người đều kinh ngạc
trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa, chỉ có một điều Chúa quan tâm là làm
sao cho các Tông Đồ hiểu được kế họach cứu độ của Thiên Chúa qua con đường đau
khổ. Chúa tiên báo cuộc khổ nạn lần thứ hai với giọng điệu cương quyết:
"Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị
nộp vào tay người đời."
(2) Phản ứng của các Tông Đồ: Mặc dù lời tiên đóan lần
thứ hai của Chúa ngắn gọn hơn lần thứ nhất, nhưng thẳng thắn và đơn giản; các
ông vẫn không hiểu lời đó, vì “đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các
ông không nhận ra ý nghĩa.” Các ông không thể hiểu nổi một Thiên Chúa quyền uy
như thế mà lại chọn con đường đau khổ để cứu độ con người. Không thể hiểu nổi nhưng
các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy. Các ông sợ vì các ông không dám
đương đầu với cái chết của Chúa; và với cái chết của Ngài, hy vọng được cùng
Ngài thống trị sẽ tan thành mây khói.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Người biết lo liệu luôn biết sống hiện tại và biết
chuẩn bị cho tương lai. Vui hưởng tuổi xuân nhưng cũng đã chuẩn bị cho tuổi
già.
- Điều cần thiết là tập luyện để có một đức tin vững
chắc khi còn trẻ để có thể đương đầu với nghịch cảnh, tuổi già, và cái chết.
- Nếu đã biết và chuẩn bị trước, con người sẽ không
ngạc nhiên khi sự việc xảy ra và có thể đứng vững như người xây nhà trên đá; nếu
không con người sẽ ngạc nhiên và không thể đứng vững trước những sóng gió của
cuộc đời như người xây nhà trên cát.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
24/09/16 THỨ BẢY TUẦN
25 TN
Lc 9,43b-45
Lc 9,43b-45
Suy niệm: Ai cũng mong thông báo cũng như đón nhận tin
vui, tin mừng, chẳng ai muốn tin xấu, tin dữ cả. Thầy Giê-su cũng thế, Ngài đã
trải qua kinh nghiệm khó khăn ấy khi báo cho các môn đệ biết Người “sắp
bị nộp vào tay người đời.” Không chỉ một, mà đến ba lần tiên báo. Tuy
nhiên, các môn đệ thật sự không hiểu, bởi vì làm sao hiểu được khi các ông đang
chứng kiến bao việc kỳ diệu Thầy làm (x. Lc 9,43)? Làm sao các ông có thể chấp
nhận “đầu hàng,” trong khi ông nào cũng muốn được ngồi hai bên tả hữu của Thầy?
Chỉ sau biến cố Phục Sinh, khi tưởng chừng như Thầy đã “thất bại,” song hóa ra
thành công vinh quang, các ông mới sáng mắt ra với cái lý của việc Thầy chọn
con đường “bị trao nộp vào tay người đời.”
Mời Bạn: Con
đường thập giá của Đức Giê-su luôn là thách đố gay go với các môn đệ. Thái độ
thông thường của bạn là không hiểu, tránh né, muốn “thắng”, chứ không chịu
“thua.” Giáo Hội được thế quyền ưu đãi vẫn sướng hơn là tách biệt khỏi thế
quyền và bị ăn hiếp! Bạn vẫn quen nhìn nhiều biến cố xảy đến như một loại “tai
nạn” cho Giáo Hội, chứ ít khi nhận ra Chúa Thánh Thần đang thanh luyện Giáo
Hội. Bạn thích chưng diện, trang hoàng thập giá nhưng lại ngao ngán và từ chối
vác nó!
Chia sẻ kinh
nghiệm trong đời bạn về thập giá nở hoa, khi thập giá ấy được đón nhận cách
tích cực.
Sống Lời Chúa: Tập
kết hợp với Đấng chịu đóng đinh trong mọi nghịch cảnh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con lẽ khôn ngoan của con đường thập giá,
để con trung kiên bước theo Ngài và làm cho thập giá nở hoa. Amen.
Không hiểu lời đó
Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời
này, chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là
lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai.
Bài này nằm ngay sau
chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai.
Quyền năng trừ quỷ của Ngài
làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43).
Chính vào giây phút thành
công vẻ vang này,
Đức Giêsu lại bất ngờ
tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến.
“Con Người sắp bị nộp vào
tay người đời” (c. 44).
Một Giêsu đầy uy lực sẽ
phải lùi bước trước một thế lực khác.
Một Giêsu có quyền năng
cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua.
Hẳn lời tiên báo này đã
làm các môn đệ hết sức bối rối.
Thánh Luca nhấn mạnh đến
chuyện họ không hiểu:
“Nhưng các ông không hiểu
lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông,
đến nỗi các ông không
nhận ra ý nghĩa” (c. 45).
Điều gì đã che khuất ý
nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo
về việc mình sắp bị nộp,
phải chịu đau khổ và chịu chết?
Lý do đầu tiên có thể là
lòng ham muốn quyền lực.
Ngay sau đoạn Tin Mừng
này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề
ai là người lớn nhất
trong nhóm (c. 46).
Sau bữa Tiệc ly, Đức
Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27).
Việc phục vụ suốt đời này
lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.
Các môn đệ thì chỉ thích
làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ,
nên chẳng lạ gì nếu họ
không hiểu được con đường Thầy sắp đi,
con đường hẹp, nơi cái
tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.
Có lý do khác khiến các
môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy.
Đó là khi quá nôn nóng
mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang,
họ đã quên việc Thầy phải
trải qua khổ đau và cái chết trước đã.
Họ tưởng Nước Thiên Chúa
sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11),
và tưởng Thầy Giêsu sẽ
cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21).
Ngay sau khi Đức Giêsu
phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6):
“Có phải bây giờ là lúc
Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?”
Các môn đệ nóng lòng mong
đợi vinh quang cho Thầy,
thật ra là mong đợi vinh
quang cho chính họ.
Họ bị ám ảnh về quyền
lực, cũng là ám ảnh về vinh quang,
nên thất bại và cái chết
nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.
Như các môn đệ, chúng ta
cũng không hiểu được
làm sao một ngôn sứ như
Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu.
Chúng ta không chấp nhận
vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết,
trong chương trình cứu độ
của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).
Đức Giêsu đã phải soi
sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.
Chúng ta cũng phải đối
diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình.
Và chúng ta thường thấy
nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên.
Đau khổ mãi mãi là một
mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.
Kitô giáo đã không dạy ta
con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.
Đức Giêsu đã giang tay
đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung,
lập tức đau khổ ấy có ý
nghĩa và nở hoa.
Nơi thập giá chúng ta
thấy rõ nhất tình yêu vô lượng của Cha,
và tình yêu mênh mông của
Đức Giêsu đối với nhân loại.
Nơi thập giá chúng ta
thấy sự kinh khủng của tội ác con người,
và sự tha thứ vô bờ của
Thiên Chúa.
Như thế là ta đã bắt đầu
hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.
Thật ra các môn đệ chỉ
hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh.
Khi sống lại, Chúa Giêsu
cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa.
Khi được nếm trước mầu
nhiệm phục sinh ngay từ đời này,
chúng ta thấy dễ đón nhận
đau khổ hơn.
Hãy mạnh dạn hỏi Đức
Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài,
cuộc Thương Khó của cả
nhân loại và của chính bản thân tôi.
Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy
lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc
Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống
cuộc Vượt qua mỗi ngày
của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê
đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau
và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô
đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải
của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến
con có về người khác...
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can
đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và
thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an
và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống
mãnh liệt của Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24
THÁNG CHÍN
Một
Đức Tin Trưởng Thành Trong Đức Kitô
Qua
việc trao ban Bí Tích Thêm Sức, Giáo Hội đẩy đến mức viên mãn sự sống ân sủng
mà chúng ta đã tham dự vào nhờ Phép Rửa. Để điều này có thể trở thành một thực
tại sống động, chúng ta lặp lại những lời cam kết đức tin trong giao ước với
Thiên Chúa – là giao ước được ký kết vào ngày chúng ta lãnh nhận Phép Rửa.
Ngày
lãnh nhận Phép Rửa, những lời cam kết đó đã được cha mẹ và người đỡ đầu nói lên
thay cho chúng ta. Giờ đây chính chúng ta sẽ tuyên bố giao ước này. Chúng ta
tuyên bố từ bỏ Satan và tuyên xưng đức tin của mình. Chúng ta đạt đến một đức
tin cá nhân và trưởng thành vào Đức Ki-tô. Chúng ta có thể nói: “Đó là đức tin
của tôi!”.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 24 – 9
Gv
11, 9-12,8; Lc 9, 43b-45.
Lời
Suy niệm: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những
lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”
Chúa
Giêsu đã loan báo cho các Tông Đồ của Chúa biết: Con Người phải chịu đau khổ
nhiều, bị các kỳ mục cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi
dậy. Giờ đây Chúa mời gọi các ông lắng tai nghe cho kỹ: Con Người sắp bị nộp
vào tay người đời.
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa đã gạt bỏ thành công và vinh quang theo cách thế của thế gian,
nhưng lại vâng phục Chúa Cha chon lấy thập giá. Xin cho chúng con cũng sống và
vâng phục lời mời gọi của Chúa, là vác thập giá mình mà đi theo Chúa cho đến trọn
đời.
Mạnh
Phương
24
Tháng Chín
Hãy Có Ánh Sáng
Năm
1963, trên màn ảnh truyền hình, dân chúng Hoa Kỳ đang hồi hộp theo dõi hai phi
hành gia Armstrong và Aldrin đặt chân xuống mặt trăng, thì tại Houston thuộc tiểu
bang Texas, một cậu thanh niên tên là Thomas Franklin Caraway bị đưa lên ghế điện
vì tội cướp của, giết người... Cậu vừa lên 18 tuổi.
Trước
đó, trong thời gian chờ đợi bị xử tử, cậu đã đọc và nghiền ngẫm quyển kinh
thánh mà một người nào đó đã tặng cậu. Khi một ký giả hỏi cậu thích đoạn nào nhất,
cậu giở lại trang đầu quyển kinh thánh và đọc đoạn: "Hãy có ánh sáng và tức
thì ánh sáng đã có". Cậu lặp đi lặp lại: "Và đã có ánh sáng. Ngày
càng trôi qua, tôi càng nghĩ đến điều đó. Tất cả ý nghĩa của cuộc sống nằm ở
đó: ánh sáng đã che chở chúng ta khỏi những đêm dài tăm tối".
Giữa
bốn bức tường đen tối của nhà tù, Tình Yêu của Thiên Chúa đã đánh động được
Thomas. Không có sự dữ nào mà Thiên Chúa không thể biến thành sự thiện... Thiên
Chúa quyền năng không bao giờ mong muốn và tạo nên sự dữ cho con người, nhưng
Tình Yêu của Người mãnh liệt đến nỗi có thể biến sự dữ thành một cơ may phúc lộc
cho con người.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét