Trang

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Có thật là Tòa Thánh không nhượng bộ Trung Hoa?

Có thật là Tòa Thánh không nhượng bộ Trung Hoa?
Vũ Văn An9/26/2016

Theo nguồn tin ngày 26 tháng Chín, từ Rôma, trung tuần tháng này, Đức Hồng Y Parolin đã có cuộc gặp gỡ các sứ thần Tòa Thánh tụ về Rôma dự Năm Thánh. Và trong cuộc gặp gỡ này, khi được hỏi về hiện tình các cuộc thương thuyết với Trung Hoa, ngài đã cung cấp cho các vị một số thông tin đáng lưu ý.

Ngài xác nhận rằng cuộc thương thuyết hiện đang tiến hành chỉ liên quan tới vấn đề bổ nhiệm các giám mục, chứ không liên quan tới việc tái lập các liên hệ ngoại giao, và cuộc thảo luận của hai bên hiện đang diễn ra giữa các viên chức trung cấp của đôi bên: về phía Tòa Thánh, là thứ trưởng ngoại giao, Antoine Camilleri, và thứ trưởng bộ truyền giảng Tin Mừng, Tadeusz Wojda.

Theo phán đoán của Đức Hồng Y Parolin, điều đáng lưu ý là lần đầu tiên kể từ khi Cộng Sản chiếm quyền, nay Trung Hoa đã sẵn sàng để Tòa Thánh có một vai trò trong việc bổ nhiệm các giám mục.

Thực vậy, từ khi họ nắm quyền, đảng Cộng Sản Trung Hoa vốn có tham vọng thiết lập ra một Giáo Hội tùng phục họ và tách rời khỏi Rôma, với các giám mục được chính họ bổ nhiệm và phong chức không cần sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, lệ thuộc “Hội Công Giáo Ái Quốc Trung Hoa”, một điều bị Đức Bênêđíctô XVI coi là “không thể hòa giải” với tín lý Công Giáo.

Do đó, đây là một Giáo Hội “chính thức” sắp tới chỗ ly giáo. Song song là Giáo Hội “hầm trú” do các giám mục không được Bắc Kinh thừa nhận cai quản và tuyệt đối trung thành với Đức Giáo Hoàng và phải trả một giá rất cao do việc hầm trú này: đàn áp, canh chừng, bắt giam, bắt cóc.

Trong số hơn một trăm giám mục đang hoạt động ở Trung Hoa hiện nay, có khoảng 30 vị “hầm trú”.

Các vị “chính thức” là các vị được thụ phong bất hợp pháp nhưng sau đó ít nhiều đã giao hòa với Rôma hoặc được thụ phong với sự thừa nhận của cả Rôma lẫn Bắc Kinh. Số này có khoảng 70 vị.

Và còn 8 vị nữa tuy được chế độ thừa nhận, nhưng bị Tòa Thánh không những coi là bất hợp pháp mà còn bị vạ tuyệt thông nữa.

Cái chết của Đức Cha Vincent Zhu Weifang, Giám Mục giáo phận Wenzhou, đầu tháng này, cho thấy rõ tính phức tạp của hiện tình Giáo Hội ở Trung Hoa. Wenzhou vốn “nổi tiếng” gần đây vì là nơi các viên chức Cộng Sản đã cho tháo gỡ các cây thánh giá.

Giáo phận Wenzhou có một lịch sử chia rẽ rõ nét giữa hai cộng đồng Công Giáo ở đây. Người ta ước lượng rằng có khoảng 100,000 tín hữu trong cộng đồng “chính thức” và khoảng 50,000 tín hữu trong cộng đồng “hầm trú”. Các linh mục được phân phối đồng đều giữa hai cộng đồng, và con số vào khoảng 50 vị tất cả.

Được tấn phong năm 2009 sau 20 năm bị giam cầm và cưỡng bức lao động, Đức Cha Zhu được chính phủ công nhận vào năm 2010. Nhưng Tòa Thánh đặt bên cạnh ngài một giám mục “hầm trú”, tên Peter Shao Zhumin, làm phó giám mục với quyền kế vị.

Thành thử, để ngăn cản vị này tiếp nhận quyền lãnh đạo giáo phận, nhà cầm quyền Cộng Sản đã bắt cóc ngài cùng với 3 linh mục của ngài, không để cho ngài cử hành nghi lễ an táng vị tiền nhiệm. Thêm vào đó, họ còn cử một trong các người được họ che chở là Ma Xianshi, đứng đầu các linh mục “chính thức”, như thể muốn bổ nhiệm vị này làm giám mục mới.

Chính trong bối cảnh trên, Đức Hồng Y John Tong, Tổng Giám Mục Hồng Kông, hồi tháng Tám, đã phác họa các điều khoản có thể được Rôma và Bắc Kinh thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục. Giọng điệu của vị Hồng Y này hòa dịu hơn giọng điệu của vị tiền nhiệm là Đức Hồng Y Joseph Zen Zekiun, người vốn cho rằng Tòa Thánh có những nhượng bộ không thể chấp nhận được.

Thỏa thuận lần này sẽ có thể như sau: nhà cầm quyền Bắc Kinh được quyền chọn và đề cử mọi giám mục mới, trong khi Rôma có năng quyền phủ quyết bất cứ ứng viên nào mình không muốn.

Về mặt chính thức, mọi ứng viên mới sẽ được hội đồng giám mục Trung Hoa đề cử. Chỉ có điều, hội đồng này hiện là con đẻ của đảng cộng sản, hoàn toàn bị chế độ khống chế, không hề có sự tham gia của một giám mục “hầm trú” nào, và chủ tịch hội đồng này là một trong 8 vị giám mục bị phạt vạ tuyệt thông.

Do đó, cho dù được Tòa Thánh chấp thuận, người ta sợ rằng mọi giám mục mới dù gì cũng sẽ chịu sự kiểm soát kìm kẹp của các nhà cầm quyền cộng sản.

‘Sợ hãi và run rẩy” cho Giáo Hội là các lời lẽ chính Đức Hồng Y Parolin nói ngày 27 tháng Tám về “các hy vọng và kỳ vọng đối với các phát triển mới trong các mối liên hệ giữa Tòa Thánh và Trung Hoa” trong một hội nghị kỷ niệm nhà ngoại giao vĩ đại của thế kỷ 20 trên đất Trung Hoa, Đức Hồng Y Celso Costantini:

“Theo tôi, điều quan trọng là phải nhấn mạnh tới ý niệm này: các liên hệ mới mẻ và tốt đẹp với Trung Hoa mà ta hằng mong mỏi, trong đó, có liên hệ ngoại giao, nếu Chúa muốn!, không phải là một mục đích tự tại hay một ước nguyện phải đạt cho bằng được theo nghĩa thành công “thế gian”, nhưng được cân nhắc và theo đuổi, không phải là không sợ hãi và run rẩy vì đây là lợi ích của Giáo Hội, vốn thuộc về Thiên Chúa, bao lâu chúng được “điều hành”, tôi xin nhắc lại, vì lợi ích của người Công Giáo Trung Hoa, vì lợi ích của toàn thể nhân dân Trung Hoa và vì sự hòa hợp của toàn bộ xã hội, nhân danh hòa bình”.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh đoan chắc với các sứ thần tụ tập ở Rôma rằng tất cả tùy ở sự quyết định của Đức Giáo Hoàng liên quan tới tính thích đáng của mọi ứng viên mới của chức giám mục.

Ngài nhắc lại rằng việc bổ nhiệm sẽ tùy thuộc ở Đức Giáo Hoàng.

Do đó, ngài cũng mặc nhiên xác nhận rằng các nhà cầm quyền Trung Hoa sẽ đề cử các ứng viên, qua hội đồng giám mục Trung Hoa. Về phương diện này, ngài nói rằng một số vấn đề chủ yếu cần được giải quyết trước khi ký thỏa thuận.

Vấn đề thứ nhất liên quan tới 30 giám mục “hầm trú”, các vị này phải được chính phủ Trung Hoan thừa nhận và được hội nhập vào hội đồng giám mục Trung Hoa.

Vấn đề thứ hai liên quan tới số phận 8 giám mục “chính thức” nhưng bị Tòa Thánh phạt vạ tuyệt thông. Ngài cho biết cả 8 vị này đều đã xin Toà Thánh giải vạ. Nhưng để xứng đáng được giải vạ, các giám mục này phải tuyên thệ trung thành vô điều kiện với Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội.

Lơ lửng trên đầu các giám mục này còn có lời tố cáo họ có con và nhân tình. Nếu có bằng chứng, họ sẽ bị giáo luật chế tài. Thành thử khó lòng 8 vị này mau chóng được hưởng sự “khoan hồng” mà người ta cho là Đức Phanxicô vốn dự phóng cho Năm Thánh Thương Xót này.

Và càng khó mà đoán được việc các nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ có phản ứng gì nếu bất cứ vị nào trong 8 vị giám mục này tiếp tục bị vạ tuyệt thông hay bị chế tài theo giáo luật.

Ngoài ra, người ta cũng không rõ nhà cầm quyền Cộng Sản Trung Hoa sẽ sẵn sàng tới đâu trong việc chính thức thừa nhận các giám mục “hầm trú”.

Tóm lại, thoả thuận này, vì phục vụ “lợi ích của Giáo Hội, vốn thuộc về Thiên Chúa”, chắc chắn sẽ phức tạp hơn nhiều và xa vời hơn người ta tưởng hay sợ hãi.

Và việc công bố mới đây về dự thảo qui định mới đối với các hoạt động tôn giáo ở Trung Hoa lại càng có lý do để người ta kém hy vọng hơn. Các qui định này nhằm nhiều trừng phạt hơn các qui định hiện nay, khi nói tới “các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp” và “các viên chức ngoại quốc”. Đây là một cú đấm mạnh vào Giáo Hội hầm trú tại Trung Hoa.

Một trong các chỉ trích của Đức Hồng Y Zen chống lại các viên chức của Tòa Thánh là: đáp ứng Trung Hoa bằng chính sách bình thường hóa quan hệ “phá sản” của Đức Hồng Y Agostino Casaroli thời Chiến Tranh Lạnh với các quốc gia trong khối Cộng Sản Đông Âu.

Về phương diện trên, Đức Bênêđíctô XVI nhận định trong cuộc phỏng vấn thành sách phát hành trong tháng Chín này như sau:

“Điều rõ ràng là chính sách của (Đức Hồng Y) Casaroli, dù được thi hành với ý hướng tốt nhất, vẫn đã là một thất bại. Phương thức mới được Đức Gioan Phaolô II theo đuổi là hoa trái của kinh nghiệm bản thân ngài, tiếp xúc với các thế lực này. Thành thử, lẽ dĩ nhiên, ta không thể hy vọng chế độ sẽ sụp đổ ngay tức khắc, nhưng điều hiển nhiên là, thay vì hoà giải và chấp nhận thỏa hiệp, ta phải mạnh mẽ chống lại nó. Đây là viễn kiến căn bản của Đức Gioan Phaolô II, một viễn kiến được tôi chia sẻ”. 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét