Cái chết vô tội của Chúa Giêsu trên thập giá cúu rỗi
mọi người
Từ đầu cho đến cuối cuộc đời
mình Chúa Giêsu đã vén mở Lòng Thương Xót, việc nhập thể vĩnh viễn và không thể
lập lại tình yêu của Thiên Chúa Cha. Khi chết trên thập giá, vô tội giữa hai kẻ
tội phạm, Ngài chứng nhận rằng ơn cứu rỗi của Thiên Chúa có thể đến với bất cứ
ai, trong bất cứ điều kiện nào, cả trong điều kiện tiêu cực và đau đớn nhất.
Chúa Giêsu thật sự là gương mặt lòng thương xót của Thiên Chúa Cha.
ĐTC đã nói như trên với hơn
60.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung
sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong số các phái đoàn hành hương đến từ Á châu
cũng có nhóm 50 tín hữu giáo phận Vinh do ĐC Nguyễn Thái Hợp hướng dẫn.
Trong bài huấn dụ ĐTC quảng
diễn đề tài sự tha thứ trên thập giá. Ngài nói: các lời Chúa Giêsu nói trong cuộc
Khổ Nạn đạt tột đỉnh trong sự tha thứ. Chúa Giêsu tha thứ: “Lậy Cha xin tha cho
họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Chúng không phải chỉ là lời nói,
vì chúng trở thành một cử chỉ cụ thể trong việc tha thứ cống hiến cho “người trộm
lành” ở bên cạnh Ngài. Thánh sử Luca kể lại vỉệc hai người có tội bị đóng đanh
với Chúa Giêsu, và hướng tới Ngài với hai thái độ trái nghịch nhau.
Người thứ nhất nguyền rủa
Ngài, như dân chúng đã nguyền rủa Ngài, như các thủ lãnh của dân làm, nhưng người
đàn ông đáng thương này, bị thúc đẩy bởi sự thất vọng nói: “Ông không phải là Đấng
Kitô sao? Hãy cứu chính mình và cứu chúng tôi nữa!” (Lc 23,39). Tiếng kêu này
làm chứng cho sự âu lô của con người trước mầu nhiệm của cái chết và ý thức thê
thảm rằng chỉ có Thiên Chúa có thể là câu trả lời giải thoát: vì thế
không thể nào nghĩ rằng Đấng Cứu Thế, Đấng Thiên Chúa gửi đến lại có thể ở trên
thập giá, mà không làm gì để tự cứu lấy mình. Họ đã không hiểu điều này. Họ đã
không hiểu mầu nhiệm hiến tế của Chúa Giêsu. Và ĐTC giải thích:
Nhưng trái lại, Chúa Giêsu đã
cứu thoát chúng ta bằng cách ở lại trên thập giá. Chúng ta tất cả đều biết rằng
thật không dễ “ở lại trên thập giá”, trên các thập giá bé nhỏ của cuộc sống mỗi
ngày. Nhưng Ngài, trên thập giá lớn này, trên sự khổ đau lớn lao này, đã ở lại
như vậy, và trên đó Ngài đã cứu chúng ta; trên đó Ngài đã cho thấy sự toàn năng
của Ngài, và trên dó Ngài đã tha thứ cho chúng ta.
Và trên đó thành toàn việc
trao ban tình yêu thương của Ngài và nảy sinh ra ơn cứu rỗi luôn mãi cho chúng
ta. Khi chết trên thập giá, vô tội giữa hai kẻ tội phạm, Ngài chứng nhận rằng
ơn cứu rỗi của Thiên Chúa có thể đến với bất cứ ai, trong bất cứ điều kiện nào,
cả trong điều kiện tiêu cực và đau đớn nhất. Ơn cứu rỗi của Thiên Chúa là cho tất
cả mọi người, không ai bị loại trừ. Nó được cống hiến cho tất cả. Vì thế Năm
Thánh là thời gian của ân sủng và lòng thương xót đối với tất cả mọi người, tốt
lành cũng như ác độc, những người khỏe mạnh cũng như những người đau khổ. Anh
chị em hãy nhớ tới dụ ngôn Chúa Giêsu kể về lễ cưới của con một người quyền thế
của trái đất: khi các kẻ đã được mời không muốn đến dự tiệc, ông nói với các đầy
tớ: “Hãy ra ngoài các ngã tư đường và tất cả những người tìm thấy hãy mời vào dự
tiệc cưới (Lc Mt 22,9). Tất cả mọi người đều được mời: người tốt cũng như kẻ xấu.
Giáo Hội không phải chỉ cho các người tốt, hay những người xem ra là tốt, hoặc
tin là mình tốt; Giáo Hội là cho tất cả mọi người, cả một cách ưu tiên cho những
người xấu, bởi vì Giáo Hội là lòng thương xót. Và thời gian của ân sủng và lòng
thương xót này nhắc nhớ chúng ta rằng không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi
tình yêu của Thiên Chúa (x. Rm 8,39). Với người bị đóng đinh trên giường
bệnh nhà thương , với người sống bị nhốt trong một nhà tù, với tất cả những ai
bị kẹt trong bẫy của chiến tranh, tôi xin nói: hãy nhìn Đấng bị đóng đanh;
Thiên Chúa ở với chúng ta, Ngài ở với chúng ta trên thập giá và Ngài tự
hiến cho tất cả mọi người như Đấng Cứu Độ, cho tất cả chúng ta. Với những người
đau khổ nhiểu tôi xin nói Chúa Giêsu đã bị đóng đanh cho anh chị em, cho chúng
ta, cho tất cả mọi người. Hãy để cho sức mạnh của Tin Mừng thấm nhập con
tim anh chị em và an ủi anh chị em, trao ban cho anh chị em niềm hy vọng và sự
chắc chắn thâm sâu rằng không có ai bị loại trừ khỏi ơn tha thứ của Ngài. Nhưng
anh chị em có thể hỏi tôi: “Thưa cha, xin hãy nói cho con biết cái người đã làm
những điều xấu xa nhất trong đời, có khả thể được tha thứ không?” Có chứ! Có:
không ai bị loại trừ khỏi ơn tha thứ của Thiên Chúa. Họ chỉ phải sám hối đến gần
Chúa Giêsu và với ước muốn được Ngài ôm vào vòng tay”
ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:
Đó đã là kẻ bất lương thứ nhất. Người thứ hai là “ông trộm lành”. Các lời ông
nói là một mẫu gương sám hối tuyệt vời, một giáo lý tập trung nơi việc học xin
lỗi Chúa Giêsu. Trước hết ông huớng tới bạn của ông: “Mày không kính sợ Thiên
Chúa gì cả sao, mày là người đã bị kết án cùng một hình phạt?” (Lc 23,40). Như
thế ông ta đã nêu bật điểm khởi hành của lòng sám hối: đó là việc kính sợ Thiên
Chúa. Nhưng không phải sự sợ hãi Thiên Chúa, không! Không phải sự sợ hãi, nhưng
là lòng kính trọng phải có đối với Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Thiên Chúa. Đó là
sự kính trọng hiếu thảo, vì Ngài là Cha.
Người trộm lành nhắc tới thái
độ nền tảng rộng mở cho sự tin tường nơi Thiên Chúa: ý thức về sự toàn năng và
lòng lành vô tận của Ngài. Chính sự kính trọng tin tưởng này giúp dành khoảng
không cho Thiên Chúa và tín thác nơi lòng thương xót của Ngài.
Thế rồi người trộm lành tuyên
bố sự vô tội của Chúa Giêsu, và công khai xưng thú lỗi lầm của mình: “Chúng ta
chịu như thế này là xứng đáng với việc đã làm. Còn ông này đâu có làm điều dữ
nào” (Lc 23.24).
Như vậy Chúa Giêsu ở đó trên
thập giá để ở với các người có tội: qua sự gần gũi ấy Ngài cống hiến cho họ ơn
cứu rỗi. Điều gây vấp phạm cho các thủ lãnh và ông trộm thứ nhất, cho những người
ở đó và chế nhạo Chúa Giêsu, điều này trái lại là nền tảng đức tin của ông trộm
lành. Và như thế người trộm lành trở thành chứng nhân của Ơn Thánh; điều không
thể nghĩ tới đã xảy ra: Thiên Chúa đã yêu thương tôi đến độ đã chết trên thập
giá cho tôi. Chính đức tin của người này là hoa trái ơn thánh của Chúa Kitô:
đôi mắt của ông chiêm ngắm nơi Đấng bị đónh đanh tình yêu của Thiên Chúa đối với
ông, là kẻ tội lỗi nghèo nàn. Đúng thế, ông đã là kẻ ăn trộm, đã là một kẻ trộm,
đã ăn trộm suốt đời. Nhưng sau cùng, hối lỗi vì những điều mình đã làm, khi
nhìn Chúa Giêsu tốt lành và thương xót như vậy, ông đã thành công ăn trộm cả nước
trời nữa: ông này thật là một người ăn trộm giỏi!
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:
Người trộm lành sau cùng trực tiếp hướng tới Chúa Giêsu, bằng cách khẩn nài sự
trợ giúp của Ngài: “Lậy ông Giêsu, xin hãy nhớ tới tôi khi Ngài vào nước của
Ngài” (Lc 23,42). Ông gọi tên Ngài, “Giêsu” với lòng tin cậy và tuyên
xưng ý nghĩa của tên gọi là “Chúa cứu”. Đó là tên của Chúa Giêsu. Ông ta
xin Chúa Giêsu nhớ tới mình. Có biêt bao là dịu dàng và nhân bản trong kiểu diễn
tả này! Đó là nhu cầu của con người không bị bỏ rơi, mong ước Thiên Chúa
luôn luôn gần gũi nó. Trong cách thức này một người bị kết án tử trở thành
gương mẫu của kitô hữu tín thác nơi Chúa Giêsu. Một người bị kết án tử là mẫu
gương cho chúng ta, một mẫu gương cho một người, cho một kitô hữu tín thác nơi
Chúa Giêsu, và cũng là gương mẫu của Giáo Hội biết bao lần khẩn nài Chúa trong
phụng vụ bằng cách nói: “Xin Chúa hãy nhớ … Xin Chúa hãy nhớ tới tình yêu của
Chúa …”
Trong khi ông trộm lành nói tới
tương lại: “Khi nào Ngài sẽ vào trong nước của Ngài”, thì câu trả lời của Chúa
Giêsu không phải chờ đợi, Ngài nói ở thì hiện tại: “hôm nay con sẽ ở cùng ta
trên thiên đàng” (v. 43). ĐTC giải thích:
Trong giờ trên thập giá, ơn cứu
rỗi của Chúa Kitô đạt tột đỉnh của nó là lời Ngài hứa với ông trộm lành
vén mở việc thành toàn sứ mệnh của Ngài: đó là cứu các người tội lỗi. Mở đầu sự
vụ của mình trong hội đường ở Nagiarét Chúa Giêsu đã công bố “sự giải thoát cho
người tù tội” (Lc 4,18); tại Giêricô trong nhà người thu thuế tội lỗi Dakêu
Ngài đã tuyên bố rằng “Con Người – nghĩa là Ngài - đến để kiếm tìm và cứu
vớt những gì đã hư mất” (Lc 19,9). Trên thập giá, hành động cuối cùng xác nhận
việc thực hiện chương trình cứu độ. Từ đầu cho tới cuối cuộc đời Ngài đã mạc khải
Lòng Thương Xót, đã mạc khải sự nhập thể vĩnh viễn và không thể lập lại tình
yêu thương của Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu thật sự là gương mặt lòng
thương xót của Thiên Chúa Cha. Và ông trộm lành đã gọi Ngài bằng tên “Giêsu”.
Đây là một khẩn cẩu ngắn gọn, và tất cả chúng ta có thể làm biết bao lần trong
ngày: “Giêsu”, “Giêsu”, một cách đơn sơ. Và xin anh chị em hãy làm như thế suốt
ngày.
ĐTC đã chào các đoàn hành
hương đến từ nhiều giáo phận của các nước Âu châu, Bắc Mỹ cùng như châu Mỹ La
tinh. Từ Phi châu có các đoàn hành hương Algeria, Nam Phi, trong khi từ Á châu
có các nhóm hành hương Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nam Hàn, Nhật Bản và
Việt Nam.
Ngài cầu chúc chuyến hành
hương Roma và việc bước qua Cửa Thánh đem lại cho họ cũng như gia đình họ nhiều
phước lành và ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Trong số các nhóm hành hương
cũng có tín hữu vùng bị động đất đo ĐC Giovanni D’ Ercole hướng dẫn, phái đoàn
tham dự viên Tuần gia đình Italia, các tín hữu tổng giáo phận Potenza và những
người bị sa thải mất việc làm đo ĐGM sở tại hướng dẫn. Ngài cầu mong giới hữu
trách tìm ra giải pháp cho vấn đề việc làm. Ngoài ra cũng có các tham dự viên tổng
tu nghị của các nữ tu dòng ba Capucino Thánh Gia, hiệp hội người già đi xe đạp,
nhiều đoàn hành hương giáo phận khác, cũng như giới trẻ, người đau yếu và các
đôi tân hôn. ĐTC cầu mong thánh Vinh Sơn de Paoli
kích thích giới trẻ biết thực
hiện các dự án tương lai trong cuộc đời ho, người đau yếu biết nhìn lên Chúa
Kitô chịu đóng đanh để thánh hiến các khổ đau của mình, và các đôi tân hôn luôn
biết rộng mở cho ơn sự sống và trợ giúp người nghèo.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với
Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét