Trang

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Đại Hội Thánh Mẫu Học và Thánh Mẫu Quốc Tế lần thứ 24 kết thúc ở Fatima

Đại Hội Thánh Mẫu Học và Thánh Mẫu Quốc Tế lần thứ 24 kết thúc ở Fatima
Vũ Văn An9/22/2016


Đại Hội Thánh Mẫu Học và Thánh Mẫu Quốc Tế lần thứ 24 đã được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI ở Fatima từ ngày 6 tới ngày 11 tháng Chín vừa qua, với chủ đề: Fatima, 100 năm sau: Lịch Sử, Sức Điệp và sự Liên Hệ, dưới sự chủ tọa của Đặc Sứ Đức Giáo Hoàng, là Đức Hồng Y Jose Antonio Saraiva Martins, Tổng Trưởng hưu trí của Bộ Phong Thánh. Mục đích của Đại Hội là tổng hợp các sáng kiến do Đền Thánh Fatima khởi xướng nhằm cử hành lễ kỷ niệm đệ nhất bách chu niên Đức Mẹ hiện ra ở Fatima (1917-2017).

Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Thánh Mẫu Quốc Tế (PAMI) cùng với Đền Thánh Fatima đã mời 500 đại biểu gồm các khoa học gia và học giả trên khắp thế giới về Thánh Mẫu Học để nghiên cứu hàng loạt các lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima và xem xét các kết quả nghiên cứu nghiêm ngặt và có tính phê phán đối với các tài liệu đề cập tới các biến cố này.

Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện cùng với Đền Thánh Fatima mới đây đã cho công bố một tuyển tập các tài liệu có phê phán về Fatima trong các năm từ 1917 tới 1930.

Qua các diễn giả chính của mình, Đại Hội cố gắng phác thảo một số các dấu chỉ tiếp theo nhằm đào sâu sứ điệp, vì tính cô đọng trong nội dung của nó, và vì nó nói lên một “lời tiên tri” đầy hy vọng đối với Giáo Hội, đối với nhân loại và thế giới hiện nay. Công trình thâm hậu nhằm giải thích, đương đầu và cập nhật hóa này được tiến hành dưới ánh sáng và dựa vào các phúc trình do một số chuyên gia trình bầy trong các buổi họp toàn thể cũng như dựa vào các ý niệm do các nhóm làm việc đề xuất bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đức Cha Antonio Marto, người tham dự Đại Hội, đã tóm tắt diễn trình thảo luận bằng cách cho biết: Mối liên hệ mà Fatima có đối với thế giới, với lịch sử, với Giáo Hội và lịch sử chính trị “cho phép ta nói tới Fatima như một biến cố chính và đầy cảm kích trong Giáo Hội và trên thế giới. Lẽ dĩ nhiên, ta không thể coi các lần Đức Mẹ Fatima hiện ra như là Tin Mừng thứ năm ngang hàng với bốn Tin Mừng… Chúng chỉ là tiếng vang của các Tin Mừng mà thôi, một tiếng vang giúp duy trì đức tin và đức cậy của Giáo Hội và thế giới trong thời buổi bi đát này; có thể coi nó như một phần trong chức năng mạc khải tư. Trên hết, chúng là… một tia sáng chiếu rọi lịch sử thế giới, để chúng ta đừng ngã lòng.

Tổng cộng có tất cả 7 buổi nói chuyện chính. Buổi nói chuyện đầu tiên là của Giáo Sư Marco Daniel Duarte, sử gia và là giám đốc sở nghiên cứu và phổ biến của Đền Thánh Fatima. Ông cố gắng trình bầy một nhận thức luận về Fatima, bằng cách lắng nghe, kể chuyện, đọc và giải thích Fatima trong suốt một thế kỷ qua. Buổi nói chuyện thứ hai là của Cha Luciano Coelho Cristino. Cha trình bầy Ấn Bản Có Phê Phán Các Tài Liệu về Fatima từ năm 1917 tới năm 1930. Buổi nói chuyện thứ ba của Nữ Giáo Sư Cristina Sobral, thuộc Phân Khoa Văn Chương của Đại Học Lisbon: bà trình bầy cuộc nghiên cứu có phê phán của bà về “Các Ký Ức của Chị Lucia”. Buổi nói chuyện thứ tư của Nữ Tu Nhật Bản Luca Maria Ritsuko Oka, về Lòng Sùng Kính Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, đáp lại lời kêu gọi của ngài ở Fatima năm 1917. Cha Franco Manzi trình bầy bài nói chuyện áp chót về Nội Dung Thần Học của sứ điệp Fatima và việc giải thích chân chính về nó. Cha Antonio Escudero, Giáo Sư Thánh Mẫu Học tại Giáo Hoàng Đại Học Salesian ở Rôma, trình bầy buổi nói chuyện sau cùng về “Các Khía Cạnh Thánh Mẫu Học Phát Sinh từ Các Nguồn Fatima”.

Trọn bộ 117 tham luận nhỏ đã được trình bầy tại các buổi tập huấn vào buổi chiều bằng 10 ngôn ngữ khác nhau. Kết thúc các buổi tập huấn này là một nghị hội bàn tròn đặt dưới sự chủ tọa của Cha Salvatore Perrella OSM, Chủ Tịch Viện Giáo Hoàng Marinum ở Rôma và Cha Vincent Battaglia OFM, Chủ Tịch PAMI.

Mỗi ngày, một thánh lễ đặc biệt được cử hành bởi nhiều vị giám mục và hơn 100 linh mục tham dự Đại Hội. Kết thúc Đại Hội, mọi tham dự viên đã được dâng hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ tại Vương Cung Thánh Đường Mân Côi.

Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Thánh Mẫu

Nhân dịp này, thiết nghĩ nên tìm hiểu đôi điều về Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Thánh Mẫu Quốc Tế. Hàn lâm viện này bắt đầu với Dòng Anh Em Hèn Mọn (Phanxicô). Ngày 27 tháng Bẩy năm 1946, Cha Bề trên Cả của Dòng này thiết lập ra Commissio Marialis Franciscana (Ủy Ban Thánh Mẫu Dòng Phanxicô) tại Cao Đẳng Quốc Tế Thánh Antôn ở Rôma. Nhiệm vụ của Ủy Ban này là phối trí và cổ vũ các cuộc nghiên cứu để bênh vực học lý và lòng sùng kính Thánh Mẫu trong Dòng Anh Em Hèn Mọn. Các nghiên cứu này đặc biệt bàn tới Tín Điều Đức Mẹ Vô Nhiễm lúc ấy đang cử hành đệ nhất bách chu niên và Tín Điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời lúc ấy sắp được công bố. Vì lý do này, nhiều Đại Hội đã được tổ chức lấy việc Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời làm chủ đề.

Chủ Tịch đầu tiên của Ủy Ban là Cha Carlo Balic, người đang giữ chức Giáo Sư Nghiên Cứu Thánh Mẫu tại Giáo Hoàng Học Viện Antonianum. Qui chế đặc biệt của Ủy Ban được chấp thuận ngày 30 tháng Tư năm 1947 và qui chế này đòi thiết lập ra một Hàn Lâm Viện Thánh Mẫu ở Rôma.

Hàn Lâm Viện nói trên được trao nhiệm vụ tổ chức các cuộc tranh luận và hội nghị khoa học cũng như lo trông coi việc ấn hành “Bibliotheca Mariana” (Thư Viện Thánh Mẫu). Hàn Lâm Viện này đã được chính thức khánh thành ngày 29 tháng Tư năm 1947, dưới sự chủ tọa của Cha Bề Trên Cả Dòng Phanxicô, Pacifico Perantoni, trong Đại Hội Thánh Mẫu Đầu Tiên của Dòng Anh Em Hèn Mọn Ý Đại Lợi. Theo Qui Chế Đặc Biệt, Cha Bề Trên Cả, trong tư cách Chủ Tịch Danh Dự, có nhiệm vụ bổ nhiệm giám đốc cho Hàn Lâm Viện để làm việc chung với Ủy Ban.

Các hoạt động của Ủy Ban và của Hàn Lâm Viện giúp Cha Balic cơ hội quen biết nhiều thần học gia và học gỉa về Thánh Mẫu khắp thế giới. Chính trong những cuộc gặp gỡ này để bàn về mầu nhiệm Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời mà cha tiếp xúc được với các học giả Thánh Mẫu nổi tiếng trong thế giới Công Giáo và có cơ hội trao đổi ý tưởng và ý kiến, ghi nhận các điểm khác nhau, các điểm còn mơ hồ và ngay cả các điểm mâu thuẫn nhau. Tất cả những điều này kích thích cha biến Uỷ Ban và Hàn Lâm Viện thành một cơ chế quốc tế, mở ra cho mọi người, để phối trí các cuộc nghiên cứu Thánh Mẫu khắp nơi trên thế giới. Nhờ thế, Các Định Chế Thánh Mẫu Học sẽ có khả năng liên kết các cố gắng của họ cũng như trao đổi các ý nghĩ và nghiên cứu của họ về Thánh Mẫu Học.

Năm 1950, Hàn Lâm Viện Thánh Mẫu Quốc Tế (Academia Mariana Internationalis) được trình bầy với thế giới thần học cùng với việc cử hành Đại Hội Thánh Mẫu Học Quốc Tế lần thứ nhất và Đại Hội Thánh Mẫu Quốc Tế lần thứ tám. Các Đại Hội tiếp theo cho tới năm 1958 đã chứng minh được khả năng của định chế mới này trong việc tổ chức các đại hội quốc tế lớn lao. Vì cứ phải có phép đặc biệt mỗi lần tổ chức một Đại Hội Quốc Tế, nên Tòa Thánh đã được yêu cầu thiết lập một cơ quan thường trực để cổ vũ và điều hòa các Đại Hội Thánh Mẫu và Thánh Mậu Học Quốc Tế. Hàn Lâm Viện Thánh Mẫu đã được đề nghị đảm nhận vai trò này. Ngày 8 tháng Mười Hai năm 1959, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, bằng Tự Sắc Maiora in dies đã ban cho Hàn Lâm Viện tước hiệu “giáo hoàng”. Qua đó, ngài đã thiết lập trong Hàn Lâm Viện một Ủy Ban Thường Trực có nhiệm vụ tổ chức các Đại Hội Thánh Mẫu Học và Thánh Mẫu Quốc Tế. Ủy Ban này, với qui chế được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phê chuẩn, chính là Hội Đồng của Hàn Lâm Viện.

Việc làm của PAMI có hai mục đích: cổ vũ và ủng hộ các cuộc nghiên cứu có tính khoa học về Đức Mẹ, bất kể là suy lý hay có tính phê bình lịch sử, và tổ chức các Hội Nghị Thánh Mẫu định kỳ. Kết quả của các hội nghị này được hiệu đính và công bố trong các Tuyển Tập Thánh Mẫu Học, bất kể có tính chất lịch sử hay thần học.

Tính từ năm 1947 tới nay, 24 Đại Hội Thánh Mẫu Quốc Tế đã được tổ chức, phần lớn ở Âu Châu.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét