Trang

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

27-09-2016 : THỨ BA - TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN - THÁNH VINH SƠN PHAO LÔ, Linh Mục - Lễ Nhớ

27/09/2016
Thứ Ba tuần 26 thường niên
Thánh Vinh sơn Phaolô, linh mục.
Lễ nhớ.

* Thánh nhân sinh năm 1581 tại Gát-côn, nước Pháp. Người làm linh mục rồi đi Pa-ri phục vụ một giáo xứ. Người sáng lập Tu Hội Thừa Sai để giúp đào tạo các giáo sĩ và nâng đỡ những người nghèo. Được thánh nữ Lu-y Ma-ri-lắc cộng tác, người đã lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Người là gương mẫu hoàn hảo về việc sống đức bác ái như Chúa Kitô dạy, luôn sẵn sàng cứu giúp những người cùng khốn. Người nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi bất cứ ai đang gặp đau khổ. Người qua đời tại Pa-ri năm 1660.

Bài Ðọc I: (Năm II) G 3, 1-3. 11-17. 20-23
"Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực?"
Trích sách ông Gióp.
Gióp mở miệng nguyền rủa ngày mình sinh ra và nói rằng: "Hãy biến đi, ngày tôi đã sinh ra, và đêm có lời phán: 'Con người chịu thai'. Tại sao tôi không chết trong lòng mẹ? Tại sao tôi không tắt thở ngay khi mới sinh ra? Tại sao có đầu gối đỡ lấy tôi và có vú cho tôi bú?
"Chẳng như vậy thì bây giờ tôi được ngủ yên, và an nghỉ trong giấc điệp làm một với các vua chúa, với các quan quyền trên mặt đất, là những kẻ xây cất cho mình những lăng tẩm thanh vắng, hay là cùng với các công hầu lắm vàng nhiều bạc chất đầy nhà. Sao tôi không giống như thai sảo được giấu đi, để tôi không còn sống, hoặc như các trẻ không được xem thấy sự sáng. Nơi ấy kẻ hung ác hết khuấy phá, và kẻ mỏi mệt được yên nghỉ.
"Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực, và ban sự sống cho những kẻ phải cay đắng trong tâm hồn? Những kẻ ấy mong chết mà lại không được chết, họ như những người đào mỏ tìm vàng. Khi họ tìm thấy nấm mồ, họ vui mừng hớn hở. Người chẳng tìm được lối đi, thì Thiên Chúa lấy sự tối tăm vây bọc nó tư bề".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 87, 2-3. 4-5. 6. 7-8
Ðáp: Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa (c. 3a).
Xướng: 1) Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, ban ngày con kêu van, ban đêm con than thở trước thiên nhan Ngài. Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng con kêu. - Ðáp.
2) Vì tâm hồn con đau khổ ê chề, và mạng sống con đã gần kề âm phủ. Con bị liệt vào số những kẻ đang bước xuống mồ, con đã trở nên như người tàn phế. - Ðáp.
3) Giường nằm của con kề những người đã chết, như giường của người bị giết nằm trong nấm mồ, họ là những người mà Chúa không còn nhớ tới, và họ không còn được Ngài săn sóc yêu thương. - Ðáp.
4) Ngài đã đặt con trong lỗ huyệt sâu, trong nơi u tối, trong vực thẳm. Cơn giận Chúa đè nặng trên người con, và Chúa vùi lấp con dưới sóng cả ba đào. - Ðáp.

Alleluia: Tv 18, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, giới răn Chúa làm hoan lạc tâm can, mệnh lệnh Chúa sáng soi con mắt. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 51-56
"Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?" Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: "Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta". Và các Ngài đi tới một làng khác.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ra Khỏi Chính Mình

Ðể lại một tên tuổi, có được một danh thơm tiếng tốt, đó vốn là ước mơ chung của mọi người. Tuy nhiên, được người khác trân trọng nhắc nhớ và mến thương hay không là tùy cách sống của mỗi người. Nói chung, cuộc đời hy sinh cho người khác, dù chỉ là hy sinh âm thầm cũng luôn được nhớ đến. Phải chăng đó không là ao ước của cố nhạc sĩ Văn Cao khi ông nói: "Tôi không đi qua tôi, tôi để lại gì? Tôi sẽ để lại gì nếu tôi chỉ khư khư giữ cho riêng mình? Nhưng nếu tôi có ra khỏi tôi, có trao ban chính mình, thì điều tôi để lại chính là bản thân tôi; bản thân tôi tìm gặp đã đành, mà đó cũng là quà tặng tôi để lại cho đời".
Có thể đó cũng là ý nghĩa chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng hôm nay. Nếu mỗi tác giả Tin Mừng có một sợi chỉ xuyên suốt nối kết các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu, thì theo sự trình bày của thánh Luca, sợi chỉ xuyên suốt cuộc đời Chúa Giêsu chính là cuộc hành trình lên Giêrusalem. Với thánh Luca, cuộc đời Chúa Giêsu là một hành trình ra đi không ngừng để đạt tới đích điểm là Giêrusalem, nơi gặp gỡ chung cục giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo Do thái cũng như chính quyền Roma. Giêrusalem là cao điểm của cuộc song đấu giữa quyền lực sự dữ và tình yêu diễn ra trong con người Chúa Giêsu. Giêrusalem, xét cho cùng, chính là cái chết đang chờ đợi Chúa Giêsu; đi lên Giêrusalem có nghĩa là giáp mặt với cái chết, là đi đến tận cùng của thân phận làm người.
Nếu đã đón nhận cái chết như tột đỉnh của cuộc hành trình, thì dĩ nhiên điều kiện tiên quyết của người ta ra đi là phải kiên nhẫn trước thất bại. Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ của Ngài bài học về sự kiên nhẫn trước thất bại ấy khi các ông bị những người Samari khước từ. Giacôbê và Gioan tưởng có thể sai khiến lửa từ trời xuống để tiêu diệt những kẻ chống các ông; tuy nhiên, trung thành với giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu nhắc nhở cho các ông bài học về yêu thương nhẫn nại mà họ phải có ngay cả với kẻ thù của mình.
Ra đi, hay nói theo ngôn ngữ của Văn Cao "đi qua khỏi mình" chính là biết thắng vượt những chướng ngại do lòng ích kỷ và hận thù có thể giăng mắc trên lối đi. Cái chết chỉ thực sự có ý nghĩa và giá trị khi nó là một cái chết vì yêu thương; cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu như vậy cũng là một cuộc hành trình của yêu thương. Chỉ có yêu thương mới giúp con người thắng vượt được chính mình, chỉ có yêu thương mới giúp con người nhìn xuyên suốt qua bên kia thất bại, khổ đau.
Cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu là một cuộc hành trình không ngừng. Cùng với Ngài, chúng ta luôn được mời gọi từ giã con người cũ tội lỗi và ích kỷ để tiến về con người mới của ân sủng và yêu thương. Chông gai thử thách vẫn luôn có đó, nhưng chúng ta tin rằng có Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta và phần thưởng đang chờ đợi chúng ta chính là niềm vui được lớn lên và tìm gặp lại bản thân mỗi ngày một cách sung mãn hơn.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 26 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Job 3:1-3, 11-17, 20-23; Lk 9:51-56.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ.
Khi gặp trái ý hay đau khổ trong cuộc đời, con người thường có 3 khuynh hướng:
(1) Trách Thiên Chúa hay trách Trời: bắt con người phải đau khổ như những lời mở đầu của Truyện Kiều: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen … Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”
(2) Trách tha nhân: Có thể là cha mẹ, “Đời cha ăn mặn đời con khát nước.” Có thể là tha nhân như triết gia hiện sinh J.P. Sastre nói: “Tha nhân là hỏa ngục.” Hay như phản ứng của 2 Tông Đồ Giacôbê và Gioan hôm nay: muốn lửa từ trời xuống thiêu rụi các thành của Samaria.
(3) Trách chính mình: đã sinh ra dưới một ngôi sao xấu như ông Gióp hôm nay.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phản ứng của ông Job: than thân trách phận!
1.1/ Ông Gióp ước mong mình không có mặt trong cuộc đời. Nhiều người cho những lời ông Gióp nguyền rủa ngày chào đời của ông: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời, cũng như đêm đã báo: Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi!” là một lời nguyền rủa Chúa; nhưng nếu xét kỹ chúng ta không thấy ông ám chỉ Chúa. Đúng ra, đây là những lời than thân trách phận của một người chưa tìm ra nguyên nhân của đau khổ trong cuộc đời.
1.2/ Ông Gióp ước mong mình được chết. Nếu sống trong cuộc đời con người chỉ thấy tòan những đau khổ thì chết là một sự giải thóat. Chúng ta cần lưu ý Sách Gióp cũng như các Sách Khôn Ngoan được viết vào khỏang thế kỷ 5 – 2 BC, và chịu ảnh hưởng rất nhiều của nền văn minh Hy-Lạp. Họ coi thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn nên chết là giải thóat linh hồn khỏi xác, và sẽ không còn phải chịu đau khổ nữa. Đối với người Do-Thái, niềm tin vào cuộc sống đời sau và làm sao để đạt được cuộc sống đó chưa rõ nét cho tới khi được mặc khải bởi Chúa Giêsu. Đó là lý do tại sao ông nói: “Chẳng vậy thì giờ đây tôi đã không hiện hữu, khác nào thai nhi chết yểu bị đem chôn, hay trẻ sơ sinh không nhìn thấy ánh sáng. Tại đó, kẻ hung tàn không còn quấy phá nữa, cũng tại đó người kiệt sức lại được nghỉ ngơi.”
1.3/ Ông Gióp không hiểu nguyên do của đau khổ: Vì không hiểu mục đích của cuộc đời nên ông Gióp cũng chẳng tìm ra được ý nghĩa của cuộc đời. Con người sống trong cuộc đời này để làm gì? Chẳng lẽ để chịu đau khổ? Nếu sống chỉ để chịu đau khổ thì chết tốt hơn. Ông không tìm ra được những câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi này: “Sao Người lại ban ánh sáng cho kẻ khốn cùng, ban sự sống cho ai nuốt cay ngậm đắng? Họ là những người mong chết mà không được, tìm cái chết hơn cả tìm kho báu. Họ phấn khởi mừng vui, hân hoan vì tìm thấy phần mộ. Sao lại ban ánh sáng và sự sống cho kẻ chẳng biết mình đi đâu, cho kẻ bị Thiên Chúa giam hãm tư bề?”
2/ Phúc Âm: Phản ứng của hai ông Giacôbê và Gioan: muốn tiêu diệt đối phương.
2.1/ Người Do-Thái và người Samaria: Cách tốt và ngắn nhất nếu đi từ Galilea tới Jerusalem là băng ngang qua Samaria; nhưng hầu hết các người Do-Thái đều tránh dùng lối đó vì giữa hai bên có một mối thù không đội trời chung. Người Do-Thái dùng hai lối khác đi lên Jerusalem: hoặc đi đường ven biển hoặc đi dọc theo sông Jordan đến Jericho rồi đi lên Jerusalem. Người Samaria tìm đủ mọi cách để ngăn cản không cho người Do-Thái đi ngang qua lãnh thổ của họ như ta thấy hôm nay: Dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Jerusalem.
2.2/ Phản ứng của Giacôbê và Gioan: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?" Đây là phản ứng thông thường của người Do-Thái dành cho Dân Ngọai. Các ông nghĩ Chúa Giêsu đã khiêm nhường hạ mình xuống để vào làng và để rao giảng Tin Mừng cho họ, thế mà họ lại từ chối không đón nhận; vì vậy họ không đáng được nghe Tin Mừng và cũng không đáng sống vì đã từ chối Con Thiên Chúa.
2.3/ Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài quay lại quở mắng các ông. Tiêu diệt đối phương không phải là cách tốt nhất để giải quyết xung đột nhưng làm cho họ trở thành bạn thì sẽ giải quyết mọi vấn đề. Khi A. Lincoln bị phê bình là quá mềm dẻo trong cách đối xử với kẻ thù và được nhắc nhở bổn phận của ông là diệt trừ họ, ông trả lời: “Chẳng phải tôi tiêu diệt kẻ thù khi tôi làm họ trở thành bạn hữu?” Chương 4 của Phúc Âm Gioan tường thuật Chúa Giêsu đã hóan cải người phụ nữ xứ Samaria thành nhà truyền giáo đầu tiên trước cả các Tông Đồ. Sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật sau cuộc tử đạo đầu tiên của Phó Tế Stephen, Philip đi giảng ở Samaria, chữa trị nhiều người, và làm cho nhiều người tin vào Chúa Giêsu (Acts 8:4-8). Nếu các Tông Đồ đã khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy các thành Samaria, thì làm sao kiếm được các tín hữu tin vào Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta may mắn hơn ông Gióp vì đã được Chúa Giêsu mặc khải cho biết mục đích của cuộc đời và làm sao để đạt tới đích điểm đó. Đau khổ trái ý trong cuộc đời cần thiết để thanh luyện và chứng tỏ niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa.
- Chúng ta không thể hiểu nổi hết kế họach của Thiên Chúa vì nhiều giới hạn của con người. Vì thế, khi gặp trái ý hay thử thách, chúng ta cần phải bắt chước gương Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Các Ngài giữ những sự ấy và suy niệm trong lòng; thay vì than thân, trách phận hay tiêu diệt đối phương.
- Tiêu diệt đối phương không phải là cách để giải quyết xung đột, nhưng biến họ thành bạn là cách hay nhất để tiêu diệt mọi xung đột.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

27/09/16 THỨ BA TUẦN 26 TN
Th. Vinh-sơn Phao-lô, linh mục  
Lc 9,51-56


Suy niệm: Tính nóng nảy và ngạo mạn khiến hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an suýt chút nữa mất khôn. Nóng nảy muốn trả đũa, thiêu đốt đám dân làng Sa-ma-ri-a không đón tiếp Chúa Giê-su, coi thường các môn đệ; ngạo mạn vì nghĩ rằng lẽ ra với một người danh tiếng như Thầy mình, người dân ở đây phải ra nghênh tiếp vì ngưỡng mộ. Chúa Giê-su quở trách hai ông, vì chuyến vi hành của Ngài lên Giê-ru-sa-lem lần này là để chịu đau khổ vì yêu thương con người, lẽ nào trên đường đi Ngài không bày tỏ lòng thương xót ấy. Trong kinh Cải Tội Bảy Mối, sự hờn giận đứng ở giữa. Hờn giận dễ dẫn đến thái độ thiếu khiêm tốn, mất bình tĩnh, nóng nảy đòi trả đũa những ai coi thường mình. Nói theo Thánh Phao-lô, lòng bác ái phải bao hàm sự nhẫn nhục, hiền lành (1Cr 13,4).
Mời Bạn: Một trong những điểm sáng của lòng thương xót nơi Chúa Giê-su là “chậm bất bình và giàu ơn cứu độ.” Tính kiên nhẫn, dẹp bỏ sự tức giận, nóng nảy không chỉ là điểm son của các nhà ngoại giao, nhưng còn phải là của các môn đệ Chúa Ki-tô. Bạn làm gì để sống Năm Thánh Lòng Thương Xót theo dung mạo Chúa Ki-tô: chậm bất bình, bớt nóng giận, thêm kiên nhẫn?
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín và nỗ lực sống câu Lời Chúa: “Hãy học cùng Ta vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là mẫu gương thương xót cho con. Xin ban cho con lòng hiền lành, giúp con vượt qua tính nóng giận, mong trả đũa, để xây dựng bầu khí yêu thương huynh đệ trong cộng đoàn con. Amen. 

Nhất quyết lên Giêrusalem
Như các môn đệ, chúng ta cũng thích thi thố quyền lực. Chúng ta cũng thích dùng lửa khi có lửa trong tay. Chúng ta không chấp nhận một Kitô giáo có vẻ yếu đuối, chịu lép vế.


Suy nim:
Sống là lên đường.
Hai lần tiên báo về cái chết sắp đến
cho thấy Đức Giêsu biết rõ con đường mình sắp đi,
và những gì sẽ xảy ra ở cuối đường (Lc 9, 22. 44).
Bị bắt, bị nộp, bị loại bỏ, bị giết chết,
là những điều tự nhiên ai cũng gớm ghét, sợ hãi và muốn né tránh.
Đức Giêsu cũng vậy, vì Ngài mang trọn phận người như ta.
“Đức Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem” (c. 51).
Lên Giêrusalem là một quyết định đắn đo và nghiêm túc,
cũng là một chọn lựa tự do và can đảm của Đức Giêsu,
bởi lẽ lên đó là chấp nhận đối diện với cái chết bi đát.
Giêrusalem là trung tâm hoạt động của các nhà lãnh đạo Do Thái giáo,
những người đang âm mưu bắt được Đức Giêsu để thủ tiêu.
Muốn được sống yên thân, Đức Giêsu chỉ cần đừng lên thành đô ấy,
chỉ cần giới hạn hoạt động của mình ở Galilê.
Lên Giêrusalem trong tình thế dầu sôi lửa bỏng như bây giờ
là làm một cuộc Xuất Hành mới (Lc 9, 31), đầy bất trắc hiểm nguy.
Nhưng Đức Giêsu không sợ đến với nơi Cha muốn mình đến:
“Hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi,
vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13, 33).
Giêrusalem là nơi Đức Giêsu hiến mình qua cái chết vì vâng phục,
nhưng Giêrusalem cũng là nơi Ngài được phục sinh và rước lên trời (c. 51).
Tin Mừng Luca coi việc lên Giêrusalem như một hành trình dài (9, 51-19, 27).
Ngài cố ý đi ngang qua vùng đất của người Samari.
Giữa người Do Thái và người Samari có sự xung khắc.
Người Do Thái khinh người Samari, người Samari thù người Do Thái.
Chính vì thế khi biết nhóm Thầy trò lên đường đi Giêrusalem dự lễ,
người dân một ngôi làng Samaria đã từ chối tiếp đón.
Giacôbê và Gioan, từng được Thầy gọi là con của thiên lôi (Mc 3, 17),
đã muốn xin cho mình được chia sẻ quyền năng trừng phạt của Thầy.
Họ muốn làm như ngôn sứ Êlia ngày xưa (2 V 1, 10. 12),
“khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy bọn chúng” (c. 54).
Nhưng Thầy Giêsu, người dẫn đầu, đã quay lại quở mắng hai ông.
Ngài chẳng bao giờ dùng quyền lực để trừng phạt kẻ từ chối mình.
Ngài sống điều Ngài đã giảng cho các môn đệ (Lc 6, 29).
Làm sao có thể giết người khác chỉ vì họ không đón nhận mình?
Quyền lực của Thiên Chúa không đe dọa, không áp đặt,
cũng không bóp chết tự do mà Ngài đã ban cho con người.
Sự bao dung của Đức Giêsu cho ta thấy sự bao dung của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể học được nhiều điều từ thái độ này.
Như các môn đệ, chúng ta cũng thích thi thố quyền lực.
Chúng ta cũng thích dùng lửa khi có lửa trong tay.
Chúng ta không chấp nhận một Kitô giáo có vẻ yếu đuối, chịu lép vế.
Thầy Giêsu và các học trò đã đi sang làng khác (c. 56).
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng
trước mọi biến cố của cuộc sống,
khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung, bất tín
nơi những người con tin tưởng cậy dựa.
Xin giúp con gạt mình sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc người khác,
giấu đi những nỗi phiền muộn của mình
để tránh cho người khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con thêm mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ không bực bội,
làm con rộng lòng tha thứ,
chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút kém đi
vì chịu ảnh hưởng của con,
không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng hành của con
trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một lời yêu thương.
Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen.
(dịch theo Learning Christ)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG CHÍN
Được Xức Dầu Là Được Tăng Lực
Đức Giám Mục, chung quanh có các linh mục hữu trách cộng đoàn giáo xứ, kêu xin Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người chúng ta ân sủng của Ngài: “Xin ban cho họ… thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, trần trí suy biết và đạo đức, xin ban cho họ đầy lòng kính sợ Chúa”.
Lời cầu nguyện ấy được nối tiếp bởi việc xức dầu thánh. Đức Giám Mục đã kêu xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở thành đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Thực vậy, Con Thiên Chúa đã làm người để dẫn dắt mọi người đến sự viên mãn của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Ngài không ngừng ban tặng cho con cái loài người. Đây là Đức Kitô, Đấng Mêsia, có nghĩa là Đấng được xức dầu. Người là Đấng đầu tiên được Thánh Thần xức dầu và thông ban sức mạnh. Qua Bí Tích Thêm Sức, bằng một cách thế đặc biệt, chúng ta trở thành người thông dự trong Thánh Thần mà Đức Kitô đã mang đến cho chúng ta.
Đức Giám Mục vừa xức dầu trên trán những người lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức vừa cầu nguyện: “Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”, và từng người đáp lại: “Amen” (ước gì được như vậy). Sau đó Đức Giám Mục chào những người lãnh nhận Bí tích Thêm Sức: “Bình an của Chúa ở cùng con !” (Ga 20,19). Đây chính là những lời mà Đức Kitô Phục sinh đã nói khi Ngài ban Thánh Thần cho các tông đồ. Vâng, chúng ta hãy hoan hỷ trong ân sủng mà Chúa Thánh Thần đang trao ban các bạn trẻ của chúng ta. Chúa Thánh Thần là nguồn suối bình an của Thiên Chúa vọt lên trong con người và đem lại cho họ sự sống đời đời. Hãy chúc tụng Thiên Chúa !
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 27 – 9
Thánh Vinh Sơn Phaolô, linh mục.
G 3, 1-3.11-17.20-23; Lc 9, 51-56.

Lời Suy niệm: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không? Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò qua làng khác.”
Trước thái độ của Giacôbê và Gioan đối với dân làng Samari. Chúa Giêsu đã không bằng lòng, Người đã quở trách các ông. Bởi đối với Người trong mọi sự phải lấy tình thương và sự khoan dung mà đối xử.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cất khỏi lòng chúng con những lời chỉ trích lên án, nhưng ban cho mỗi người trong chúng con luôn có con mắt yêu thương, khoan dung khi nhìn mọi sự và mọi người đang sống chung quanh chúng con, để làm đẹp lòng Chúa và sinh ích lợi cho chúng con.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
NGÀY 27-09 THÁNH VINHSƠN PHAOLÔ - LINH MỤC (1581 - 1660)

Gia đình Phaolô là những nông dân tại Pouy, gần Dax. Vincentê sinh năm 1581 là con thứ ba trong gia đình sáu người con. Trong những ngày còn thơ ấu, Ngài lo chăn cừu cho cha. Giữa miền đồi lộng gió này, Vincentê đã trải qua nhiều giờ trong ngày để chiêm ngắm cảnh đồng quê và hướng lòng lên cùng Chúa. Thời gian này cũng cho Ngài những kinh nghiệm đầu tiên về số phận của người dân quê. Từ đó, lòng bác ái sớm nẩy nở trong tâm hồn Vincentê. Có lần thu góp được 30 xu, số tiền đáng kể đối với Ngài, nhưng Ngài đã tặng tất cả cho những người cùng khốn. Lần khác trên đường tới nhà máy xay Ngài âm thầm lấy một số bột bố thí cho người nghèo.
Thấy con mình có lòng bác ái lại thông minh, ông Gioan đệ Phaolô quyết hy sinh cho Vincentê theo ơn gọi làm giáo sĩ. Vincentê theo học các cha dòng Phanxicô tại Dax. Nhưng để tiếp tục chương trình đại học của Vincentê, cha Ngài đã phải bán bầy cừu lo cho tương lai của con. Dầu vậy, khi học thần học tại Toulouse, Vincentê cũng vừa lo học vừa lo dậy kèm tư gia kiếm tiền bớt gánh nặng cho gia đình.
Sau khi thụ phong linh mục trong hai năm trời Vincentê biến mất. Cho đến ngày nay người ta vẫn không biết rõ trong thời gian này Vincentê ra sao. Người ta kể lại rằng có một góa phụ tại Toulouse đã công đức tất cả tài sản của bà. Trên đường từ Marseille tới Narbonne để nhận gia tài Ngài đã bị bọn cướp bắt bán cho một ngư phủ. Không quên nghề Ngài lại bị bán cho một người hồi giáo làm thợ kim hoàn. Sau cùng Ngài lại bị rơi vào tay một người phản đạo tên là Gautier. Nhờ đời sống thánh thiện cha đã cải hóa được ông. Chính ông đã đưa cha trở lại đất Pháp. Năm sau, ông theo cha đi Roma và vào hội bác ái để đền tội cho đến ngày qua đời.
Từ đây, cha Vincentê bắt đầu thi hành chức vụ linh mục của Ngài. Ngài được chỉ định làm tuyên úy cho nữ hoàng Marguerrite de Valois. Lúc này, cha Vincentê có dịp quen biết cha Phêrô Berulle, Đấng sáng lập dòng giảng thuyết và sau này làm Hồng y. Dưới ảnh hưởng của cha Phêrô Bérulle, cha Vincentê bắt đầu nhiệt tình sống đời hy sinh nhiệt tình. Theo lời khuyên của Ngài, cha Vicente nhận làm tuyên úy cho gia đình Gondi. Hướng dẫn một số một nông dân trong vùng này, Vincentê đã khám phá ra tình trạng phá sản về tôn giáo và luân lý. Chính sự dốt nát và biếng nhác của nhiều giáo sĩ là duyên cớ gây nên tình trạng này. Ngài quyết tâm sửa đổi thực trạng.
Vincentê đã trở nên bạn của người nghèo và dùng mọi phương tiện khả năng có được để hoạt động nhàm tái tạo cuộc sống luân lý và tôn giáo của họ. Một thử nghiệm nhỏ như một linh mục quản sở tại Chatillon les Dober cho Ngài thấy rõ vấn đề còn rộng lớn hơn nhiều. Dầu nỗ lực cải tiến họ đạo, Ngài vẫn ưu tư cho công cuộc được bành trướng rộng rãi hơn. Trở lại Paris với sự trợ giúp của bà Gondi Ngài bắt đầu công cuộc nâng đỡ cảnh khốn cùng bất cứ ở nơi đâu, Ngài tổ chức "hội bác ái" trên khắp đất Pháp cung cấp áo xống thuốc men cho người nghèo khổ hết sức rợ giúp những nô lệ bị bắt chèo thuyền từ Paris tới Marseille. Ngài thành lập một hội dòng Lazarits với mục đích truyền đạo cho dân quê và đào tạo giáo sĩ. Từ hội dòng bác ái ấy còn mọc lên hội nữ tử bác ái mà y phục của họ toàn thế giới biết đến như là biểu tượng của lòng bác ái nối liền với danh hiệu Vincentê.
Một linh mục nhà quê đã trở nên quan trọng đối với toàn quốc từ căn phòng tại xứ thánh Lazane Ngài bành trướng ảnh hưởng ra khắp nước Pháp, tới Balan, Ý, Hebrider Madagascar và nhiều nơi khác nữa. Nữ hoàng Anne d'Austria nhiếp chính cho tới khi vua Luy lên cầm quyền đã hỏi ý Ngài trong việc đặt giám mục chống lại Mazania, Ngài đã không ảnh hưởng được tới đường lối của vị giám mục này lại còn bị khổ vì ông khi nội chiến xảy ra.
Ngài quyên góp để hàn gắn những tàn phá do cuộc chiến xảy ra tại Loraine. Ngài lo chuộc các nô lệ tại Bắc Phi. Các nỗ lực trên cùng với các nhu cầu và việc quản trị hội dòng ngày càng mở rộng đã giam Ngài tại phòng riêng xứ thánh Lazane. Ngày lại ngày bận bịu viết thơ cho các Giám mục lẫn Linh mục nghèo khổ, cho biến cố vị vọng lẫn nhu cầu nghèo khổ trong nước. Các thư tín của Ngài hợp thành một tuyển tập làm say mê người đọc vì trong đó pha trộn những ưu tư cho nước Chúa lẫn đức bác ái ngập tình người.
Các thư tín và các bài giảng thuyết của Vincentê cho thấy Ngài là một trong những nhà phục hưng của Giáo hội Pháp thế kỷ XVI. Những cuộc tĩnh tâm Ngài tổ chức tại St. Lazane cho các tiến chức và những cuộc tĩnh tâm hàng tháng Ngài tổ chức cho các giáo sĩ tại Paris (có cả những khuôn mặt lớn tham dự như De Rotz, Bossuet...) cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của Ngài trong cuộc chấn hưng đạo đức .
Năm 1660, cha Vincentê ngã bệnh liệt giường và đau đớn vì bệnh tật Ngài vẫn vui tươi tin tưởng : - Chúa còn phải chịu hơn tôi gấp bội.
Đối diện với cái chết Ngài bình tĩnh : - 18 năm qua, mỗi tối tôi vẫn dọn mình chết. Ngày 27 tháng 9 năm 1660, cha Vincentê từ trần và được tuyên thánh năm 1737.
(daminhvn.net)


27 Tháng Chín
Tuyên Úy Của Tù Nhân
Hôm nay là ngày kính nhớ thánh Vinh Sơn đệ Phaolô. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 17, linh mục Vinh Sơn được cử đi làm tuyên úy cho các tù khổ sai bị trói vào những cột chèo lớn trên các thuyền buồm của đế quốc Pháp. Với bản chất nóng nảy, hiếu thắng, cục mịch... cộng với những phản ứng thô lỗ mà có lẽ vị linh mục tuyên úy đã bị tiêm nhiễm trong suốt thời kỳ ở với tù nhân, cha Vinh Sơn đã được một nữ bá tước ra mời làm trưởng nhóm của một số linh mục đang phục vụ như những thừa sai giữa giới nghèo trong khắp nước Pháp... Cha Vinh Sơn đã chấp thuận lời đề nghị.
Một khúc quanh lịch sử không những bắt đầu với cha mà còn cho cả Giáo Hội nữa: các linh mục dòng thánh Vinh Sơn đệ Phaolô mà chúng ta thường gọi là các cha Lazaristes đã ra đời từ đó. Ngoài ba nhân đức thông thường ma các tu sĩ phải khấn giữ, họ còn cam kết phục vụ hoàn toàn cho giới nghèo.
Thời gian sau, với sự cộng tác của chị Louise de Marillac, cha Vinh Sơn đã thiết lập dòng Nữ Tử Bác Ái cũng đeo đuổi cùng một mục đích: đó là phục vụ người nghèo... Cha Vinh Sơn đã định nghĩa dòng nữ này như sau: nhà dòng của họ là nhà thương, nhà nguyện của họ là nhà thờ giáo xứ, khu nội cấm của họ là các ngả đường phố xá.
Chúc thư và cũng là tinh thần của thánh Vinh Sơn đệ Phaolô được chứa đựng trong các lá thư của ngài. Chúng ta hãy đọc qua một đoạn sau đây: "Hãy cố gắng bằng lòng ngay giữa những điều làm cho chúng ta bất mãn. Hãy giải thoát tâm trí con khỏi những điều đang làm con giao động. Chúa sẽ lo liệu cho mọi sự... Cha van xin con, hãy tín thác nơi Chúa. Con sẽ có mọi sự tâm hồn con khao khát".
Chúa Giêsu đã bắt đầu bằng con số không: Ngài nghèo đến nỗi không có nơi gối đầu. Thế nhưng ngày nay, khi nhìn vào Giáo Hội, người ta nghĩ ngay đến quốc gia Vatican, với một bảo tàng viện phong phú nhất, với những vương cung thánh đường lộng lẫy, với những cuộc biểu dương rầm rộ. Người ta cũng có thể nhìn vào các tòa giám mục đồ sộ.
Các vị sáng lập dòng cũng thường bắt đầu với con số không. Nhưng ngày nay, có ai chối cãi được rằng những cơ sở lớn mà người ta thường thấy trong các đô thị lại thuộc về các hội dòng.
Giáo Hội và cách riêng các hội dòng có phục vụ người nghèo và có thuộc về người nghèo không?... Có lẽ, nhiều hội dòng mà mục đích nguyên thủy là phục vụ người nghèo và sống nghèo, cần phải đấm ngực tự thú rằng mình đã quá đi xa tinh thần của Ðấng sáng lập... Sống nghèo trước hết đó là sống tín thác vào Chúa quan phòng. Có thể nói đó là nhân đức trỗi vượt và cũng là mẫu số chung của các vị thánh: phó thác hoàn toàn vào Tình Yêu của Chúa.
Chúa kêu mời chúng ta chớ có lo lắng thái quá về ngày mai. Càng lo lắng, con người càng nuôi dưỡng sự tham lam và càng thiếu lòng tin tưởng vào Chúa. Lòng tin của chúng ta được đo lường bằng chính sự phó thác vào Chúa.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét