30/09/2016
Thứ sáu tuần 26 thường niên
Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội
Thánh.
Lễ nhớ
* Thánh nhân sinh quãng năm 340 tại
Xơtriđôn, Đanmaxia. Người đến Rôma học văn chương và đã lãnh bí tích Thánh Tẩy
tại đó. Người sang Đông phương và làm linh mục. Trở lại Rôma, người làm thư ký
cho Đức Giáo Hoàng Đamaxô. Thời gian này, người bắt đầu dịch Sách Thánh sang tiếng
La tinh và cổ võ nếp sống đan tu. Nhưng nhất là người đã sống 35 năm cuối đời ở
Bêlem, gần cái hang nơi Đức Giêsu ra đời. Ở đây, người cầu nguyện hãm mình,
chăm chỉ nghiên cứu, dịch và chú giải Kinh Thánh. Người qua đời ở Bêlem năm
420.
Bài Ðọc I: (Năm II) G 38, 1. 12-21; 39,
33-35
"Ngươi có xuống tận đáy biển và đi bách bộ
dưới vực thẳm không?"
Trích sách ông Gióp.
Từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời ông Gióp rằng:
"Sau khi ngươi đã sinh ra, ngươi có ra lệnh cho bình minh, và chỉ chỗ cho
rạng đông không? Ngươi có cầm giữ các phần cuối cùng trái đất, và xua đuổi khỏi
địa cầu bọn gian ác không? Mặt đất trở nên như đất sét có đóng ấn và trải ra
như chiếc áo. Bọn gian ác bị tước mất sự sáng, và cánh tay giơ cao bị bẻ gẫy.
"Ngươi có xuống tận đáy biển, và đi bách
bộ dưới vực thẳm không? Cửa tử thần có mở ra cho ngươi và ngươi có nhìn thấy tối
tăm không? Ngươi có xem xét chiều rộng địa cầu không? Nếu ngươi đã hiểu biết,
hãy chỉ mọi sự cho Ta. Sự sáng ở đàng nào và sự tối tăm ở nơi đâu, để ngươi dẫn
dắt cả hai đến địa giới của chúng, và hiểu biết đường lối nhà chúng? Bấy giờ
ngươi có biết ngươi sẽ sinh ra không? Và ngươi có biết rõ số ngày đời ngươi
không?"
Ông Gióp thưa lại cùng Chúa rằng: "Con
nói lơ đãng, thì con trả lời thế nào được? Con để tay trên miệng con. Con đã
nói một lần, chớ chi con đừng nói! Và lần thứ hai, con không nói thêm gì nữa".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 138, 1-3. 7-8. 9-10. 13-14ab
Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng
dẫn con trong đường lối đời đời (c. 24b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ
con, Ngài biết con, lúc con ngồi, khi con đứng. Ngài hiểu thấu tư tưởng con tự
đàng xa, khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết, Ngài để ý tới mọi đường lối
của con. - Ðáp.
2) Con đi đâu để xa khuất được thần linh của
Chúa? Con trốn đâu cho khỏi thiên nhan Ngài? Nếu con leo được lên trời, thì
cũng có Ngài ngự đó; nếu con nằm dưới âm phủ, thì đây cũng có mặt Ngài. - Ðáp.
3) Nếu con mượn đôi cánh của hồng đông, và bay
đến cư ngụ nơi biên cương biển cả, tại nơi đây cũng bàn tay Chúa dẫn dắt con,
và tay hữu Ngài nắm giữ con. - Ðáp.
4) Chính Ngài đã nặn ra thận tạng con, đã dệt
ra con trong lòng thân mẫu. Con ngợi khen Ngài đã tạo nên con lạ lùng như thế,
vì công cuộc của Ngài thật diệu huyền. - Ðáp.
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều
vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 10, 13-16
"Ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã
sai Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho
ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã
xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc
áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô
và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi.
"Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải
chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa
ngục.
"Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai
khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai
Thầy".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Nguy Cơ Của Những Tiện Nghi Vật Chất
Có một hiện tượng chung tại các nước đang phát
triển, đó là người dân nghèo từ thôn quê đổ xô ra thành thị. Tại đô thị dễ tìm
được công ăn việc làm, đời sống nhiều tiện nghi, thú tiêu khiển cũng nhiều hơn.
Nhưng hiện tượng đô thị hóa nào cũng có mặt trái của nó: người dân đưa nếp sống
thôn dã lên thành thị, giao thông tắc nghẽn, việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè, trật
tự công cộng không được tôn trọng, và trầm trọng hơn vẫn là đời sống luân lý đạo
đức xuống cấp, nạn phạm pháp gia tăng.
Thời Cựu Ước, các Tiên tri đã không ngừng lên
tiếng cảnh cáo dân chúng về cuộc sống đồi bại tại các đô thị. Chúc dữ các đô thị
vốn là một đề tài quen thuộc trong lời rao giảng của các Tiên tri. Dường như có
hai lý do khiến các Tiên tri lên án các đô thị: Một đàng các Tiên tri muốn nhắc
nhở dân chúng về cuộc sống du mục trong sa mạc, tại đó họ đã nghe được tiếng
Chúa và đã kết ước với Ngài, cuộc sống càng đơn giản, con người càng dễ kết
thân với Chúa; nhưng đàng khác, nhận thấy cuộc sống đồi bại của các thành phố
ngoại giáo trong vùng, các tiên tri muốn cảnh cáo dân chúng về mối nguy cơ có
thể chạy theo một cuộc sống như thế. Sự đồi bại nguy hiểm nhất mà các Tiên tri
không ngừng lên án một cách gắt gao, đó là việc tôn thờ ngẫu tượng và nếp sống
vô luân của thị dân, điển hình nhất là của các đô thị sa đọa là Sôđôma, Gômôra,
Babylon, Tyrô, Siđôn.
Trong Tin Mừng hôm nay, theo truyền thống các
tiên tri Cựu Ước, Chúa Giêsu cũng nêu đích danh ba thành phố có nếp sống sa đọa
nằm dọc theo bờ hồ, đó là Cozazin, Betsaiđa và Capharnaum. Những tiện nghi vật
chất khiến con người dễ trở thành câm điếc trước Lời Chúa. Con người được tạo dựng
không phải để sống đơn độc một mình, do đó, cô đơn vốn là điều con người sợ nhất,
thành ra đi vào quan hệ với người khác là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của
con người. Cuộc sống đô thị với nếp sống ồn ào náo nhiệt của nó dễ tạo cho con
người cái cảm tưởng rằng ở đó họ dễ đi vào quan hệ với người đồng loại.
Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, cuộc sống
càng xô bồ, con người càng dễ rơi vào cô đơn. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở
con người rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể mang lại bí quyết cho sự
thông hiệp đích thực của con người, nghĩa là giúp cho con người ra khỏi nỗi cô
đơn của mình; bí quyết đó chính là Lời của Ngài. Thật thế, khi con người sống kết
hiệp với Chúa, thì dù có sống một mình, nó cũng sẽ không cảm thấy cô đơn; lại nữa,
khi sống kết hiệp với Chúa, con người sẽ cảm thấy được thúc đẩy để đến với anh
em của mình. Con người không thể kết hiệp với Chúa mà có thể khước từ người anh
em của mình, và ngược lại, bất cứ một quan hệ chân thành nào với người anh em,
cũng luôn gia tăng sự kết hiệp con người với Thiên Chúa.
Dù muốn hay không, những thay đổi trong cuộc sống
do kinh tế thị trường mang lại không thể không ảnh hưởng đến cuộc sống đức tin
của người Kitô hữu. Thật ra, cuộc sống đức tin không phải là một sinh hoạt phụ
trong cuộc sống chúng ta; đức tin phải là chiều kích bao trùm toàn bộ cuộc sống
của chúng ta: chúng ta là Kitô hữu trong mọi nơi, mọi lúc, mọi sinh hoạt, mọi
hoàn cảnh. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước nguy cơ có
thể tách biệt niềm tin với những sinh hoạt hàng ngày và dần dà đẩy niềm tin ra
bên lề cuộc sống. Niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là Thánh Lễ Chúa Nhật, một vài sinh
hoạt trong khuôn viên giáo đường, một số kinh kệ trong gia đình, chứ không ăn
nhập gì đến cuộc sống mỗi ngày; niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là một món đồ trang
điểm cho cuộc sống và cần thiết cho một số dịp nào đó trong năm, chứ không liên
hệ gì đến đòi hỏi công bằng bác ái, liên đới mà chúng ta phải thực thi hằng
ngày.
Nguyện cho Lời Chúa luôn là động lực thúc đẩy
và hướng dẫn chúng ta trong mọi sinh hoạt và quan hệ hằng ngày của chúng ta, để
trong khi mưu cầu cho cuộc sống, chúng ta luôn tìm gặp Chúa trong tha nhân và
trong mọi biến cố.
Veritas
Asia
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ
Sáu Tuần 26 TN2, Năm Chẵn
Bài
đọc: Job 38:1, 12-21, 33-35; Lk 10:13-16.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết Chúa – biết mình
Napoléon đã tuyên bố một câu bất hủ: “Biết người,
biết ta: trăm trận trăm thắng.” Nhiều người chẳng những đã không biết mình mà
còn mù tịt về Thiên Chúa. Hậu quả là con người thường có khuynh hướng lấy những
gì mình biết mà áp dụng cho Thiên Chúa; vì thế, con người dễ kiêu ngạo và khinh
thường Thiên Chúa, khinh thường những người làm việc cho Thiên Chúa, và lọai
Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời. Các Bài đọc hôm nay dạy cho chúng ta những trường
hợp phải tránh.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự quan phòng của
Thiên Chúa trong vũ trụ
Con người có thể nhận ra sự hiện diện, sự khôn
ngoan và uy quyền của Thiên Chúa qua việc quan sát thiên nhiên. Thánh Thomas
Aquinô đã dùng những nguyên lý rất khoa học để chứng minh những điều này: Ví dụ,
theo nguyên lý nhân quả: Vật gì có là phải có người làm cho có; mà vũ trụ thực
sự hiện hữu; vì thế phải có người dựng nên vũ trụ. Chúng ta gọi Người đó là
Thiên Chúa. Cũng theo nguyên lý này: sự vật càng tinh vi bao nhiêu thì người
sáng chế ra nó càng khôn ngoan bấy nhiêu; nhìn vào hệ thống thái dương hệ, nhìn
vào thân thể con người với các bộ phận tinh vi và họat động hòa điệu với nhau;
chúng ta có thể nhận ra sự khôn ngoan và uy quyền của Thiên Chúa. Thánh Phaolô
cũng khẳng định điều này: “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật
là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những
gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu
và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con
người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể
tự bào chữa được” (Rom 1:19-20).
Thiên Chúa cũng nhắc nhở cho ông Gióp những điều
này:
(1) Qua những gì xảy ra trên trời: “Trong cả đời
ngươi, đã có lần nào ngươi từng ra lệnh cho buổi sáng, chỉ định vị trí cho hừng
đông, để hừng đông nắm chắc mười phương đất, giũ cho sạch hết bọn gian tà?”
(2) Qua những gì xảy ra dưới biển cả và đáy vực
sâu: “Có bao giờ ngươi đã đến tận nguồn biển cả và lang thang ở đáy vực sâu? Có
ai từng mở cho ngươi lối vào âm phủ và ngươi thấy được cửa dẫn tới âm ty? Có
khi nào ngươi hiểu mặt đất rộng chừng nào? Nếu ngươi biết hết mọi điều đó thì cứ
nói đi!”
(3) Qua sự hiện diện của ánh sáng và bóng tối:
“Con đường nào dẫn đến nơi ở của ánh sáng, đâu là nơi bóng tối cư ngụ, để ngươi
đưa nó đến miền nó ở, và nhận ra đường về nhà nó? Điều này, hẳn ngươi biết rõ,
vì khi ấy, ngươi đã chào đời, và đời ngươi đã qua bao năm tháng!”
(4) Qua những qui luật của trời đất: “Liệu
ngươi có biết được quy luật của trời, có ấn định được ảnh hưởng của trời đối với
đất? Liệu tiếng ngươi có vọng thấu tầng mây, khiến trên ngươi cả khối nước trời
đổ xuống?”
2/ Phúc Âm: Biết mình để đừng kiêu ngạo
(1) Hai thành của Do-Thái, Chorazin và
Bethsaida: Sử gia Eusebius và thánh Jerome định vị Chorazin là một thành phố nằm
cách Capernaum 2 dặm về phía Bắc. Vì nó nằm trên ngọn đồi nên từ đây một người
có thể nhìn xuống Capernaum và Biển Hồ. Thành phố này rất phồn thịnh cho tới thế
kỷ 2 AD. Tuy Phúc Âm không tường thuật Chúa rao giảng hay làm phép lạ ở
Chorazin, nhưng có lẽ vì thành rất gần Capernaum nên đã nghe những gì Chúa giảng
và chứng kiến những gì Chúa làm. Bethsaida, tiếng Do-Thái có nghĩa là “nhà của cá.”
Thành này nằm ở phía Tây của Hồ Tiberias. Đây là chỗ sinh sống của các Tông Đồ
Phêrô, Anrê, và Philip, và cũng là nơi Chúa thường xuyên lui về để nghỉ ngơi
(Mk 6:45, Lk 9 :10, Jn 1:44, 12:21). Tại đây, Chúa làm phép lạ chữa người mù
(Mk 8:25) và chữa mẹ vợ của Phêrô (Mt 8 :14, Mk 1 :30).
(2) Hai thành của Dân Ngọai, Tyre và Sidon:
Hai thành này nằm dọc theo bờ biển Mediteranean về phía Bắc của Do-Thái là
Lebanon hiện giờ. Vì nằm trên bờ biển và là nơi giao thông giữa Á Châu và Âu
Châu nên hai hải cảng này rất phồn thịnh. Trong suốt cuộc đời rao giảng của
Chúa, chỉ có 2 Thánh Ký Matthew và Mark tường thuật một lần Chúa Giêsu đi đến
Tyre và Sidon (Mt 15:21, Mk 7:30) và làm phép lạ một lần: chữa con gái người
đàn bà Dân Ngọai Canaanite, sau khi đã khen ngợi đức tin của bà (Mt 15:28, Mk
7:30). Tuy không được Chúa Giêsu đến rao giảng và không được chứng kiến những
phép lạ Chúa làm như các thành khác của người Do-Thái; nhưng mỗi khi nghe nói
Chúa rao giảng những thành trì gần nơi họ ở, họ kéo nhau tới để lắng nghe Chúa
giảng; và niềm tin của người đàn bà xứ Canaanite đã làm Chúa ngạc nhiên.
Khi so sánh giữa 2 thành của Do-Thái (Chorazin
và Bethsaida) với 2 thành của Dân Ngọai (Tyre và Sidon), Chúa đã phải thốt lên:
"Khốn cho ngươi, hỡi Chorazin! Khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa! Vì nếu các
phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tyre và Sidon, thì họ đã mặc áo vải
thô từ lâu, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vì thế, trong Ngày Phán Xét,
Tyre và Sidon sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi.”
(3) Capernaum được nhắc tới 16 lần bởi cả 4
Thánh Ký. Matthew và Mark tường thuật Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng của
Ngài sau khi bị cám dỗ trong sa mạc tại Capernaum (Mt 4:13, Mk 1:21); Ngài thường
xuyên trở lại đây rao giảng (Mk 2:2, Lk 4:31); và diễn từ quan trọng nhất về Bí
Tích Thánh Thể được nói trong hội đường của người Do-Thái tại đây (Jn 6). Nơi
đây Chúa đã làm rất nhiều phép lạ (Lk 4:23): chữa lành người đầy tớ của viên Đại
Đội Trưởng (Mt 8:5, Lk 7:10); chữa người bị quỉ ám (Mk 1:26, Lk 4:33); chữa
lành người bất tọai (Mk 2:12); làm phép lạ đầu tiên cho nước hóa thành rượu tại
Cana, rất gần Capernaum (Jn 2:11); chữa con trai của một công chức (Jn 4:52); bắt
sóng biển phải im lặng (Jn 6:21). Nhưng cũng tại Capernaum Chúa gặp rất nhiều
thử thách và chống đối (Mt 17:24, Mk 2:7). Dân chúng tại Capernaum đã được nghe
Chúa giảng nhiều lần và chứng kiến rất nhiều phép lạ Ngài làm, nhưng họ vẫn cứng
lòng, kiêu ngạo không chịu tin vào Ngài; đó là lý do tại sao có những lời của
Chúa hôm nay: “Còn ngươi nữa, hỡi Capernaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận
trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!”
(4) Hậu qủa của sự chấp nhận hay khước từ các
môn đệ: Chúa Giêsu tuyên bố: "Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ
anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy."
Điều này cho chúng ta thấy sự quan trọng của các môn đệ. Chúa Giêsu đã ban cho
các ông tất cả những gì cần thiết cho việc rao giảng Tin Mừng trước khi sai các
ông đi. Các ông là đại diện cho Chúa Giêsu giống như Chúa Giêsu là đại diện cho
Thiên Chúa; người được sai đi có đầy đủ uy thế và quyền hành như người sai đi.
Chúng ta thường có khuynh hướng coi nhẹ những người đại diện, xem họ không có
uy quyền bằng chủ nhân của họ. Chúng ta đừng quên những lời tường thuật của các
môn đệ có khả năng làm Thiên Chúa khen thưởng hay đánh phạt chúng ta.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải học biết về Thiên Chúa để hiểu
biết đường lối của Ngài và tránh được kiêu ngạo. Đừng có thái độ “ếch ngồi đáy
giếng.”
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
30/09/16 THỨ SÁU TUẦN 26 TN
Th. Giê-rô-ni-mô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 10,13-16
Th. Giê-rô-ni-mô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 10,13-16
Suy niệm: Ta thường nghĩ rằng đối nghịch với yêu là
ghét. Nhưng kỳ thực còn hơn thế nữa; dửng dưng, lãnh đạm, không quan tâm đã là
thù ghét, là đối nghịch với yêu rồi. Khi không yêu thích thì người hay vật dù
có đó ngay trước mắt ta mà vẫn như không có, chẳng lọt được vào “mắt xanh” của
ta. Khi không còn yêu nhau, người ta không còn quan tâm đến sự hiện diện của
nhau, không còn nhạy bén với nhu cầu của nhau nữa. Đức Giê-su nói rằng khốn cho
các thành ven bờ hồ Ga-li-lê không phải vì họ ghét Chúa, xua đuổi Ngài, mà vì
thái độ dửng dưng, thờ ơ với Tin Mừng. Đối với họ, lời rao giảng, phép lạ Ngài
làm lôi cuốn thật đấy, kỳ diệu thật đấy, nhưng chẳng chút gì liên quan đến họ.
Họ cảm thấy không cần hoán cải, thay đổi đời sống, vì họ không chú ý đến Ngài.
Mời Bạn: “Tôi
thích sự điên rồ của lòng nhiệt thành hơn là thái độ dửng dưng của sự khôn
ngoan” (A.
France). Lòng nhiệt thành yêu mến Chúa thúc đẩy bạn hăng hái, đôi khi hơi điên
rồ trong việc thể hiện đức tin hay loan báo Tin Mừng. Trái lại, lối sống thế
tục lại xui khiến bạn dửng dưng, thờ ơ với việc chung, nguội lạnh trễ nải trong
việc thờ phượng Chúa. Bạn chọn thái độ nào?
Sống Lời Chúa: Khi
thức dậy buổi sáng mỗi ngày, tôi sẽ chọn một ý tưởng tích cực trong Tin Mừng
làm châm ngôn sống trong ngày ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xin lỗi Chúa vì đã bao lần thờ ơ, dửng dưng
trước Lời Chúa mời gọi qua những trang Tin Mừng, hay lời giảng dạy của các chủ
chăn. Xin giúp con nhiệt thành hơn trong việc thờ phượng Chúa, nhiệt tâm hơn
trong tình yêu thương nhau.
Khốn cho ngươi
Sám hối là trả lại chỗ cho Đức Giêsu trong mỗi
góc phố vắng, là giữ cho thành phố xanh-sạch-đẹp theo nghĩa thiêng liêng nhất.
Suy niệm:
Tin Mừng hôm nay kể lại
một kinh nghiệm không vui của Đức Giêsu,
Kinh nghiệm của một người
tận tụy với công việc tông đồ
nhưng sau thời gian dài
chờ đợi, kết quả lại không như ý.
Đức Giêsu là người vùng
Galilê, hẳn Ngài yêu vùng đất này.
Ngài thường lui tới những
thành phố quanh Hồ Galilê.
Khoradin, Bếtsaiđa,
Caphácnaum nằm trong số đó.
Ngài đã rao giảng nhiều
về sám hối (7, 36-50; 13, 1-5; 19, 1-10),
và Ngài cũng làm bao phép
lạ kèm theo để gọi mời hoán cải.
Có thể nhiều người bị
đánh động khi nghe lời Ngài giảng
và bị thu hút bởi các
phép lạ Ngài làm.
Nhưng đối với Đức Giêsu,
như thế vẫn chưa đủ.
Tất cả vẫn chỉ là hời hợt
của cảm xúc bên ngoài.
Điều Ngài đòi hỏi là biến
đổi tận căn bên trong cuộc sống.
“Khốn cho ngươi, hỡi
Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa!
Đức Giêsu đau đớn thốt
lên như thế khi phải so sánh hai thành phố trên
với hai thành phố dân
ngoại tội lỗi là Tia và Xiđôn (Is 23; Ed 26-28).
Hai thành phố ở Galilê
chẳng đổi gì mấy dù đã biết Ngài từ lâu.
Dân ở đây sẽ bị xét xử
nghiêm khắc hơn trong cuộc phán xét.
Thành phố Caphácnaum cũng
chẳng khá hơn,
dù đây là nơi Đức Giêsu
hay lui tới để phục vụ (Lc 4, 23. 31-37 ; 7,10).
Ngài đặt thẳng câu hỏi
với thành phố này về tương lai của nó (c. 15).
Đừng mong được nâng đến
tận trời, nhưng sẽ bị xuống tận âm phủ!
Đức Giêsu có kinh nghiệm
về thất bại trong việc tông đồ.
Ngài cũng nhắc các môn đệ
về chuyện đó (Lc 10, 10-12).
Không được tiếp đón, bị
từ khước, không được người ta nghe (c.16),
thậm chí có khi bị bách
hại, bị vu khống, bị giết chết.
Đó là những điều người
môn đệ tín trung vẫn thường gặp,
vì Thầy của họ đã trải
qua và vượt qua.
Trong bài Tin Mừng hôm
nay Đức Giêsu nói chuyện với các thành phố,
những nơi thân quen, đã
mang dấu chân Ngài.
Ngài lấy làm tiếc vì
những gì Ngài làm chưa thấm vào bề sâu,
chưa tạo ra được những
thay đổi nơi lòng thành phố.
Một sám hối thật sự không
phải chỉ là một sám hối cá nhân,
nhưng là sám hối nơi sinh
hoạt của cả một thành phố.
Nếu hôm nay Ngài đến với
thành phố của chúng ta Ngài sẽ nói gì?
Ngài có chỗ không, ở mọi
nơi người Kitô hữu đang sống,
đang làm việc, đang học
hành, đang vui chơi, đang cầu nguyện?
Sám hối là trả lại chỗ
cho Ngài trong mỗi góc phố vắng,
là giữ cho thành phố
xanh-sạch-đẹp theo nghĩa thiêng liêng nhất.
Ước gì chúng ta biết xây
dựng quanh ta
những khoảng không gian
tràn ngập sự hiện diện của Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
việc tông đồ của con phải
là việc tông đồ diễn tả lòng tốt.
để khi thấy con, người ta
phải nói:
“vì anh này tốt quá, nên
đạo của anh phải là đạo tốt.”
Và nếu có ai hỏi con
tại sao con lại hiền lành
và tốt như thế,
con sẽ trả lời
vì con là tôi tớ của một
đấng tốt hơn con nhiều.
“Mong sao bạn biết được
Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!”
Con muốn sống thật tốt,
để người ta có thể nói:
“nếu tôi tớ mà tốt như
vậy,
thì Chủ sẽ tốt đến ngần
nào ?”
Chân phước Charles
Foucauld
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy
Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG CHÍN
Chúng Ta Vẫn Ở Lại Với Chúa Giêsu Trong Thánh
Thể
“Thầy là cây nho … ai ơ ûlại trong Thầy thì sẽ
sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Đức Kitô ở lại trong chúng ta qua Bí Tích Thánh
Thể. Chúa Giêsu mời gọi ta ở lại trong Ngài, lời mời gọi này nhắc chúng ta nhớ
một chân lý khác mà Ngài đã đề cập trong bối cảnh diễn từ về Bánh Hằng Sống.
“Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta, sẽ được sống đời đời” (Ga 6,56). Đức Giêsu đã
nói như thế với đám đông.
Bản văn song song này cho chúng ta thấy rằng
trong biểu tượng cây nho có chứa đựng ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta
hiểu ra cách thế để mình ở lại trong Đức Giêsu, Cây Nho Thật: đó là đón nhận
Ngài làm của ăn của uống cho mình. Thánh Thể chính là Chúa Giêsu ở lại giữa
chúng ta một cách thực sự. Ngài thực sự hiện diện với chúng ta, ngay cả dù
chúng ta thấy có vẻ như Ngài hiện diện qua các dấu chỉ bí tích là bánh và rượu.
Thực ra những dấu chỉ ấy không đem lại cho
chúng ta niềm vui được cảm giác Ngài, nhưng chúng bảo đảm với chúng ta rằng
Ngài đang hiện diện trọn vẹn giữa chúng ta. Qua bí tích này, Chúa Giêsu trở
thành lương thực mọi nơi và mọi thời cho linh hồn người ta. Và chúng ta là những
người được hưởng dụng. Chúng ta hãy tiến tới với bàn tiệc của Chúa để lãnh nhận
thứ lương thực quí giá này.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời
Chúa Trong Gia Đình
Ngày 30 – 9
Thánh Giêrônimô, linh mục tiến sĩ Hội Thánh.
G 38, 1.12-21.40,3-5; Lc 10, 13-16.
Lời Suy niệm: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ
anh em là khước từ Thầy, mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy. Hãy
mừng vui vì tên anh em được ghi trên trời.”
Lời Chúa là đường dẫn con người đi đúng hướng
để gặp lại Chúa Cha. Và Chúa Giêsu đã mời gọi mỗi người trong chúng ta mạnh dạn
cùng lên đường đem Lời Chúa đến với mọi người. Lời Chúa luôn có sự hiện diện của
Người.
Lạy Chúa Giêsu, thật khủng khiếp nếu chối bỏ lời
mời gọi của Chúa, và thật hạnh phúc khi chúng con biết đón nhận Lời Chúa. Xin
cho mỗi người trong chúng con, nghe hiểu Lời Chúa và đem ra thực hành để tên của
chúng con được ghi trên trời.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
NGÀY 30-09 THÁNH HIÊRÔNIMÔ - LINH MỤC, TIẾN SĨ
HỘI THÁNH (340 - 420)
Thánh Hiêrônimô chào đời khoảng năm 340 tại
Stridon gần Aquila, miền tam biên giữa Dalmatia, Pannonia và Italia. Tên đầy đủ
của Ngài là Eusêbiô Hiêrônimô Sôphrôniô. Dường như Ngài thuộc một gia đình giàu
có và được giáo dục đầy đủ về văn chương, theo thường lệ dành cho các thiếu
niên thượng lưu thời đó. Trước hết Ngài đã theo học tại Stridon rồi sau đó tại
Roma với nhà văn phạm thời danh Donatô, Ngài đã học để viết văn Latin cho tuyệt
diệu tinh ròng và chính xác. Bởi đó Ngài say mê các tác phẩm cổ, dầu sau này
Ngài coi chúng như một thứ cám dỗ.
Trong một bức thư gởi cho Eustochium, Ngài có
kể lại một giấc mơ khi nằm tại bệnh viện Antiochia. Trong giấc mơ Ngài thấy
mình phải đến trước vị quan án. Ngài tự xưng mình là Kitô hữu, nhưng quan án trả
lời : - Ngươi không phải là Kitô hữu. Ngươi là đồ đệ Cicêrô. Kho tàng ngươi ở
đâu thì lòng ngươi cũng ở đó. Mà kho tàng của ngươi là các thứ tác phẩm của
Cicêrô.
Sau đó Ngài bị đánh đòn và hứa sẽ từ bỏ các
tác phẩm trần tục này.
Thánh Hiêrônimô được giáo dục để trở thành
Kitô hữu và luôn coi trọng tôn giáo. Dầu vậy 19 tuổi Ngài mới lãnh bí tích rửa
tội ở Roma vào ngày Phục sinh năm 366. Khi viếng thăm Trier, sau khi hoàn tất
việc học ở Roma, Ngài hiểu biết ít nhiều về lối sống khổ hạnh, có lẽ do thánh
Athanasiô bị lưu đày tới và đã quyết rằng đó là ơn gọi của Ngài. Ngài gia nhập
một cộng đoàn linh mục và giáo dân tại Aquileia năm 370. Cộng đoàn bị tan vỡ vì
một cuộc tranh chấp nào đó.
Năm 375, Hiêrônimô đi về hướng đông với mấy
người bạn, tới miền tổ đời khổ hạnh Kitô giáo. Sau khi dừng lại ở Antiochia ít
lâu, Ngài đến sống trong sa mạc Chalcis như một ẩn sĩ, nơi dây Ngài "không
có bè bạn nào khác ngoài bò cạp và hoang thú". Ngài khổ cực vì bệnh tật mà
nhất là các cơn cám dỗ. "Trong đầu óc tôi thường thấy mình giữa đám gái nhảy".
Và Ngài khóc thương rằng: "Một người chết yểu trong xác thịt như vậy mà ngọn
lửa thèm muốn còn cháy lên dữ dội".
Để kiềm chế óc tưởng tượng, sau khi đã xử phạt
xác mà không được, Ngài chú tâm học tiếng Do thái. Như vậy Ngài đã khởi đầu
công trình chính yếu trong đời làm học giả nhiệt thành giải thích thánh kinh.
Năm 378, Ngài trở lại Antiochia và đến với
Constantinople để học thánh kinh với nhà thần học lừng danh là thánh Gregôriô
thành Nazian. Năm 382, Ngài đến Roma và trở thành thư ký của Đức giáo hoàng
Đamasô. Tại đây Ngài bắt đâu công trình hệ trọng về thánh kinh. Ngài hiệu đính
các bản dịch Latinh về Phúc âm và thánh vịnh. Ngoài ra Ngài cũng hăng hái khích
lệ phong trào sống khổ hạnh giữa các phụ nữ Roma.
Nỗ lực này đã gây nên một số chống đối của một
số giáo sĩ Roma. Chống lại, Ngài đã viết những dòng sống dộng: - "Cái gì
sơn phết lên khuôn mặt người Kitô hữu. Các miếng cao dán đầy tham vọng này là dấu
chỉ của đầu óc thiếu trong sạch. Làm sao có thể nói được rằng một phụ nữ khóc
than tội mình mà nước mắt họ cầy luống trên cặp má tô vẽ của họ. Hạnh phúc
trông đợi gì từ thiên đàng khi mà cầu khẩn Chúa, họ lại chường mặt ra cho đấng
tạo thành không còn nhận diện được họ nữa ?"
Do những lời quở trách này mà Ngài trở nên xa
lạ với dân gian. Sau cái chết của thánh Damasô, Ngài lại lui về phương đông
(năm 348).
Một nhóm phụ nữ đã sống dưới sự hướng dẫn của
Ngài đã theo Ngài, đứng đầu là thánh nữ Paula với con Ngài là thánh nữ
Eustochium. Họ lập thành một nhóm các tu viện gần đại giáo đường Giáng sinh tại
Bêlem, tại đây thánh Hiêrônimô đã trải qua những ngày an bình hạnh phúc cuối đời,
Ngài cũng dự phần vào nhiều cuộc tranh luận dữ dội. Một trong các cuộc tranh luận
ấy là cuộc tranh luận giáo thuyết của Origen. Nhưng công cuộc lớn lao nhất của
đời Ngài ... chính là công cuộc Ngài đã chuẩn bị từ sa mạc Chalcis, đã khởi sự
từ Roma, công cuộc phiên dịch thánh kinh ra tiếng Latinh. Dựa vào công trình
này mà thế giá Ngài tồn tại mãi trong Giáo hội công giáo, cũng như sự thánh thiện
của Ngài có được một bằng chứng hùng hồn.
Toàn bộ thánh kinh bằng tiếng Latinh, gọi là bản
phổ thông đều được thánh Hiêrônimô phiên dịch hay nhuận đính trừ các sách: Khôn
ngoan, Huấn ca, Baruch và hai sách Macabê. Ngài thực hiện bản dịch thứ nhất đã
làm tại Roma, chính bản dịch thứ hai này nằm trong bản dịch thánh kinh phổ
thông và được Giáo hội dùng trong phụng vụ giờ kinh.
Thánh Hiêrônimô qua đời bình an tại Belem ngày
30 tháng 9 năm 420. Thánh Paula và Eustochium đã chết trước Ngài. Thi thể Ngài
được chôn cất với họ trong nhà thờ Giáng sinh, nhưng sau này được đưa về Roma
và nay đang được chôn cât tại đề thờ Đức bà Cả.
(daminhvn.net)
30 Tháng Chín
Tình
Thương Ðáp Trả Hận Thù
Bà Coretta King, vợ của cố mục sư Martin
Luther King, đã ghi lại trong quyển hồi ký của bà như sau:
Martin ra trước cửa nhà. Một cách nào đó, đây
là giờ phút quan trọng nhất của cuộc đời của anh.
Trước đó vài hôm, một quả bom đã được quăng
vào nhà. Vợ và con anh suýt bị sát hại. Ðây là thử thách đầu tiên nặng nề nhất
mà anh phải chịu đựng. Ðồng thời nó cũng là trắc nghiệm để xem anh có thể sống
nguyên tắc Kitô và thuyết bạo động mà anh hằng rao giảng không. Anh xuất hiện một
cách bình thản trước đám đông người da đen đang sôi sục hận thù.
Khi anh vừa giơ tay lên làm hiệu thì mọi tiếng
động bỗng như dừng lại. Anh đã chiếm lĩnh được tâm hồn mọi người, từ những người
đứng tuổi đến các bạn trẻ bốc đồng nhất, từ các cảnh sát viên cho đến những người
sợ hãi đang đứng nép bên các bậc thang trước cổng nhà.
Với một giọng nói bình tĩnh, nhẹ nhàng, anh
khuyên nhủ mọi người như sau:
"Vợ tôi và con gái tôi vẫn bình an. Tôi
xin anh em hãy trở về nhà và hãy buông khí giới. Chúng ta không thể giải quyết
vấn đề bằng bạo động. Chúng ta phải yêu thương những người da trắng anh em của
chúng ta, dù họ có làm gì cho chúng ta đi nữa. Chúng ta phải làm cho họ hiểu rằng
chúng ta yêu thương họ thật sự. Chúng ta phải sống như thế đó: nghĩa là lấy
tình thương đáp trả hận thù".
Lời kêu gọi trên đây của mục sư Luther King và
cái chết của ông là một bản sao trung thành nhất của Tin Mừng: đó là Tin Mừng của
Ðấng yêu thương và yêu thương cho đến chết trên thập giá...
Vào tù ra khám, bị đòn vọt, trải qua trăm
nghìn gian lao khốn khổ do những người không tiếp nhận Tin Mừng gây ra, thánh
Phaolô vẫn có thể khuyên nhủ các tín hữu Roma như sau:
"Hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành
chứ đừng chúc dữ. Hãy vui với kẻvui, hãy khóc với kẻ khóc. Cùng nhau tâm đầu ý
hợp. Ðừng qúa cao vọng về mình. Trái lại, hãy biết bỏ mình, chuộng phần yếu
kém... Ðừng lấy ác báo ác: điều thiện trước mắt mọi người, hãy cố quan tâm. Hãy
sống an hòa với mọi người... Anh em thân mến, hãy sống an hòa với hết thảy mọi
người. Ðừng báo oán. Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng
dữ".
Ước gì những lời khuyên nhủ trên đây trở thành
khuôn vàng thước ngọc trong mọi giao tiếp và gặp gỡ của chúng ta với mọi người.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét