23/10/2016
Chúa Nhật tuần 30 thường niên năm C
KHÁNH
NHẬT TRUYỀN GIÁO
(phần I)
Bài Ðọc
I: Hc 35, 15b-17. 20-22a
"Lời
cầu nguyện của người khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây".
Trích
sách Huấn Ca.
Chúa
là quan án, Người không xem sao vinh quang loài người. Chúa không vì nể kẻ nghịch
với người nghèo khó, và Người nhậm lời kẻ bị áp bức kêu cầu. Người không khinh
rẻ kẻ mồ côi khẩn nguyện, cũng không khinh rẻ người goá bụa, khi nó bày tỏ lời
than van.
Nỗi hồn
đắng cay, của lễ được nhận, và tiếng kêu oan kíp thấu tầng mây. Lời cầu nguyện
của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho đến khi
lời nguyện nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Ðấng Tối Cao đoái nhìn.
Chúa sẽ không trì hoãn, Người sẽ xét đoán những người công chính và sẽ ra lời
phán quyết.
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 33, 2-3. 17-18. 19 và 28
Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa
đã nghe (c. 7a).
Xướng:
1) Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người.
Trong Thiên Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. -
Ðáp.
2)
Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người
hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. - Ðáp.
3)
Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương
giập nát. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Người, và phàm ai tìm đến
nương tựa nơi Người, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi. - Ðáp.
Bài Ðọc
II: 2 Tm 4, 6-8. 16-18
"Từ
đây triều thiên công chính đã dành cho cha".
Trích
thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con
thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến
đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức
tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng
phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy; nhưng không phải cho
cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện.
Lần đầu
tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người
đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh
cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân ngoại được
nghe: vậy cha đã thoát khỏi miệng sư tử. Chúa đã giải thoát cha khỏi mọi sự dữ
và cứu lấy cha để đưa vào nước Người trên trời. Nguyện chúc Người được vinh
quang muôn đời! Amen.
Ðó là
lời Chúa.
Alleluia:
Ga 14, 5
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai
đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 18, 9-14
"Người
thu thuế ra về được khỏi tội".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy,
Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính
và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người
biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 'Lạy
Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại
tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần
mười tất cả các hoa lợi của tôi'. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt
lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'.
Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất
cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng
lên".
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm:
Chúa Là Ðấng Chí Công
Lời
Chúa hôm nay muốn giáo huấn chúng ta về sự cầu nguyện. Ðúng hơn, Người muốn dạy
dỗ chúng ta về chính Người. Hiểu Người hơn, chúng ta sẽ biết cầu nguyện tốt
hơn; và nói chung, chúng ta sẽ biết sống đạo hoàn toàn hơn.
Thực
vậy, thánh Phaolô có thể sống đạo như trong thư hôm nay người viết, là vì người
đã hiểu Chúa như Kinh Thánh Cựu Ước cho biết và nhất là như chính Con Một Thiên
Chúa đã mạc khải cho chúng ta. Giáo lý của bài sách Huấn ca và dụ ngôn trong
bài Tin Mừng Luca sẽ giúp chúng ta hiểu Chúa hơn; và nhờ đó, chúng ta cũng sẽ
hiểu lời lẽ thắm thiết của thánh Phaolô.
1.
Chúa Là Ðấng Chí Công
Bài
sách Huấn ca thực ra không có những giáo lý khác thường. Nhiều tiên tri và có
thể nói hết mọi tác giả thời Cựu ước vẫn thường nói: Chúa là Ðấng nhân ái; Người
không tây vị nhưng vẫn để tai riêng nghe lời rên xiết của kẻ khó nghèo; Người
thi hành công lý khi phán xét chí công. Nhưng nếu đặt những tư tưởng này vào
văn mạch, và đọc những đoạn sách này với những trang trước sau, chúng ta sẽ thấy
tác giả Huấn ca muốn nói nhiều hơn những điều chúng ta vừa hiểu.
Ông vừa
đi du lịch về, sung sướng vì đã học được một sàng khôn. Với kinh nghiệm mới
này, ông đề cập đến vấn đề sôi bỏng thời bấy giờ, hay là các tế lễ nơi Ðền Thờ
có thật sự cần thiết và giá trị không? Việc tiếp xúc với văn minh Hy Lạp đã cho
người Do Thái thấy phải chăng mình đã chẳng quá thiên về tế tự và xao nhãng việc
suy nghĩ khôn ngoan?
Tác
giả không phủ nhận vai trò của việc dâng lễ, nhưng theo ông, người Do Thái nên
cố gắng trở về nguồn và nhận định: giữ lề luật, tức là dâng nhiều lễ tế; cẩn thủ
lịnh truyền tức là dâng lễ kỳ an. Và như vậy tư tưởng của ông đã góp phần vào
việc xây dựng đạo Do Thái thời sau lưu đày. Con cái Israel chú trọng vào việc
giữ luật và những người quan trọng trong dân này là luật sĩ.
Nhưng
tác giả vẫn đề cao cảnh giác. Chính việc giữ Luật cũng có thể nguy hiểm. Và tôn
giáo khi chú trọng đến Luật pháp có thể trở nên vụ luật, cũng như đã có thể trở
nên vụ hình thức khi quá coi trọng vai trò của tế tự. Lòng đạo đức chân thật
không phục vụ Luật pháp, đồng thời cũng không phục vụ bàn thờ. Nó chỉ phục vụ
Thiên Chúa. Người ở trên Luật pháp và lễ tế. Chúng ta cũng đừng mong lấy việc
giữ luật bề ngoài và các lễ dâng vụ lợi mà mua chuộc lòng Chúa.
Người
là Ðấng chí công. Người không tây vị theo nghĩa ở đây là không thể dùng các của
lễ bề ngoài và việc giữ luật một cách máy móc mà làm đẹp lòng người. Sự thờ phượng
chân thật Người ưa thích là lòng chân thành của người khó nghèo.
Ðoạn
sách Huấn ca hôm nay dùng nhiều hình thức của nhiều câu văn lặp đi nhắc lại chỉ
một ý tưởng: Thiên Chúa nghe lời người khó nghèo kêu xin. Ðó là của lễ được nhận...
Chúng
ta chỉ có một thắc mắc, kẻ khó nghèo tác giả nói đây là ai? Thuộc hạng người
nào? Ðoạn sách trích hôm nay nói đến kẻ nghèo, người oan, kẻ mồ côi, người góa
bụa, là những thành phần cô thân cô thế trong xã hội. Nhưng có thật tác giả nhắm
đến những người ấy và chỉ nhắm đến họ không? Hay đó chỉ là những hình ảnh văn
chương, những bộ mặt tiêu biểu thường được mọi tác giả Kinh Thánh dùng để nói đến
hạng người được Chúa chiếu cố và quan tâm cứu độ?
Có
nhiều đoạn văn khác làm chứng tác giả sách Huấn ca nghĩ nhiều nhất đến tất cả đồng
bào của ông, là con cái Israel thời bấy giờ. Họ phải phiêu bạt đi nhiều nơi, bị
dân ngoại chèn ép không nhận được pháp luật bảo vệ trong việc thờ phượng và giữ
luật của cha ông. Nhưng họ vẫn cố gắng trung thành với giao ước; vẫn thờ lạy Giavê;
vẫn khẩn cầu Danh Chúa. Ðó mới thật là kẻ nghèo, người oan, kẻ mồ côi, người
góa bụa. Lòng đạo đức của họ nhất định đẹp lòng Chúa và chắc chắn Người sẽ thi
hành công lý cho họ khi Ðấng chí công xét xử.
Như vậy,
tư tưởng của tác giả rất cổ điển và chính thống. Nó là giáo huấn của các tiên
tri. Nó là niềm tin hướng về cứu độ thiên sai của Do Thái giáo. Nó vừa chuẩn bị
vừa có thể gây trở ngại cho giáo huấn của Chúa Giêsu sau này, vì tuy nói đến địa
vị ưu việt của người nghèo khó, tác giả vẫn còn óc Do Thái và Cựu Ước: Ðồng hóa
người khó nghèo của Chúa với Dân Do Thái và hứa một sự phân xử cứu độ ở bình diện
trần gian khi Ðấng Thiên Sai đến. Những tư tưởng này sẽ được Ðức Giêsu sửa chữa,
như chúng ta cũng có thể thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.
2.
Chúa Ban Ơn Công Chính
Một
mình tác giả Luca thuật lại dụ ngôn này. Trong Matthêô, Marcô và Gioan chúng ta
không thấy câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện. Dĩ nhiên không phải
Chúa nói dụ ngôn nào thì cũng được cả bốn tác phẩm Tin Mừng ghi lại.
Riêng
Luca có một sở thích về dụ ngôn... Trong số chừng 50 dụ ngôn Chúa đã nói, Luca
ghi lại trên dưới 40. Ông không thể nào quên dụ ngôn hai người biệt phái và thu
thuế hôm nay, vì ông rất thích nói về cầu nguyện; mà hai người này đã lên Ðền
thờ cầu nguyện; Chắc là Luca đã cẩn thận theo dõi Lời Chúa kể. Nhờ vậy chúng ta
có bài dụ ngôn rất hay.
Trước
hết, tác giả Luca xác nhận: Ðức Giêsu đã nói dụ ngôn này với những kẻ tự tin rằng
mình là công chính và khinh miệt người khác. Những kẻ ấy là ai? Theo câu chuyện
tiếp theo chúng ta phải hiểu họ là các biệt phái thời Ðức Giêsu. Nhưng chúng ta
đừng vội mất cảm tình với họ, chúng ta nghĩ đến những người đã mạnh tay và to mồm
trong vụ án Chúa Giêsu; và chúng ta coi họ là những người xấu. Nhưng trước mặt
người thời bấy giờ và trước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, họ được kính trọng và
kính nể. Họ là những người như Luca vừa kể, được coi là công chính trong đạo cũ
vì không ai giữ luật pháp Môsê hơn họ. Chính việc tuân thủ, chấp hành luật pháp
rất cặn kẽ này làm cho họ tự tin, ý thức mình là công chính và khinh miệt người
khác... Họ biết mình "hoàn toàn" và ung dung giữ đạo, không mảy may sợ
phán xét của Chúa.
Hôm
nay, Ðức Giêsu nói dụ ngôn này với họ và cho họ, để họ suy nghĩ. Và vì thế bài
dụ ngôn không nhắm dạy cách thức cầu nguyện cho bằng muốn triệt hạ lòng tự tín,
phủ nhận một lối sống đạo, một sự công chính sai lầm và đề ra tinh thần đạo đức
thánh thiện thật... Chúng ta hãy nghe bài dụ ngôn.
Hai
người lên Ðền thờ cầu nguyện: một người là Biệt phái, người kia làm nghề thu
thuế; một người được xã hội kính trọng; người kia bị người đời đàm tiếu; một
người chấp hành luật đạo nghiêm chỉnh, người kia mang tiếng là tội lỗi. Người
Biệt phái nguyện rằng: "Lạy Chúa, tôi đội ơn Ngài vì tôi không như những
người khác, gian tham, bất lương, ngoại tình hay là như tên thu thuế kia. Mỗi
tuần tôi ăn chay hai lần, tôi nộp thuế thập phân về hết mọi vật tôi mua".
Người
ấy không nói ngoa. Ông ta không có tội mà người khác hay phạm. Cuộc đời ông
thánh thiện khác hẳn nếp sống của phường thu thuế. Tiêu cực như thế; còn tích cực
thì đừng bảo ông chỉ giữ luật; ông còn làm quá luật dạy, chứng tỏ ông sốt sắng
thánh thiện khác thường. Vì luật đâu có buộc ăn chay mỗi tuần hai lần và nộp
thuế thập phân về các hàng mua.
Ðó là
những hành vi khuyên và dành cho những người hoàn toàn. Sống được như vậy mà
không tạ ơn Thiên Chúa sao? Ông cám ơn Chúa vì ông đã công chính như vậy... Lời
nguyện của ông là lời kinh tạ ơn và tạ ơn là đúng.
Tuy
nhiên tác giả Luca vì quen để ý đến việc cầu nguyện, nên đã nhận ra những khuyết
điểm trong cách tạ ơn như vậy. Trước hết, tác giả lưu ý chúng ta thái độ dửng
dưng mà cầu nguyện của người Biệt phái. Tư thế "đứng" không có gì
đáng chê. Người thu thuế cũng sẽ đứng mà cầu nguyện. Nhưng có nhiều cách đứng.
Và cách đứng của người Biệt phái nói lên niềm tự tín, phấn khởi. Không có sự
kính sợ Chúa trong cách đứng của ông. Ông đến kể công chứ không cầu nguyện. Ông
quen phô trương sự công chính thánh thiện trước mặt người khác khi khua chuông
đánh trống lúc bố thí và cầu nguyện, nên cũng chỉ có thái độ phô trương công trạng
trước mặt Thiên Chúa...
Thật
ra, ông có để ý gì đến Chúa, mà chỉ quan tâm đến mình, đến sự nghiệp của mình.
Ông cầu nguyện nơi mình chứ không cầu nguyện với Chúa. Ông nói cho mình nghe và
cùng lắm cho người khác nghe, chứ đâu có cần Chúa biết, vì ông không chờ Người
ban cho hay làm gì cho ông cả. Ông cầu nguyện để thêm tự tín và phô trương, thế
thôi.
Ðang
khi ấy; người thu thuế đứng lẻn đàng xa, không dám, ngước mắt lên, nhưng đấm ngực
mà rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin khấng thương tôi là đứa tội lỗi". Người
ấy có thái độ kính sợ Chúa và khiêm nhường thống hối ăn năn. Chắc chắn, người ấy
không dám kể công vì có thể chẳng có công gì mà kể. Nhưng chúng ta cũng đừng ngạc
nhiên vì người ấy không kể tội ra. Có lẽ vì không cần thiết nữa: người biệt
phái đã kể rồi. Người ấy chỉ cần công nhận phán xét của người biệt phái... và
khi công nhận mình là đứa tội lỗi, chắc chắn người ấy coi việc kể tội là dư thừa...
Ðiều người ấy chú ý là tha thiết nài xin lòng Chúa khấng thương xót cho mình, thế
thôi.
Ðức
Giêsu bảo: Người thu thuế ra về thì được giải án tuyên công, tức là được công
chính hóa, khác với người biệt phái kia thì không. Phán quyết của Người không
làm chúng ta ngạc nhiên, vì chúng ta đã biết nhiều về giáo huấn của Người.
Nhưng chắc chắn nó đã làm những biệt phái và Do Thái thời ấy giật mình mà suy
nghĩ. Và họ sẽ chỉ có thể hiểu được nếu nhớ lại giáo huấn của Cựu Ước như chúng
ta đã thấy trong bài sách Huấn ca.
Người
ta đừng lấy lễ vật và việc giữ luật mà "hối lộ" Thiên Chúa. "Nỗi
hồn cay đắng là của lễ được nhận", tác giả sách Huấn ca đã viết như vậy
(35,16). Lòng đạo đức chân thành nằm nơi tâm hồn thống hối ăn năn. Chính Chúa
công-chính-hóa con người, chứ con người không thể là công chính. Nếu chúng ta
đã để ý thì thấy Chúa Giêsu nói dụ ngôn này "với những kẻ tự tín rằng mình
là kẻ công chính" để rồi chúng sẽ nhận ra mình không được công chính hóa;
đang khi kẻ thấy mình không công chính nhưng biết ăn năn hối cải và cầu xin
lòng thương xót thì được Chúa công chính hóa. Thành ra bài dụ ngôn đã kết luận:
"Kẻ nào nhấc mình lên sẽ bị hạ xuống; còn kẻ nào hạ mình xuống sẽ được nhấc
lên".
Câu kết
luận càng cho chúng ta thấy rõ bài học của bài Tin Mừng hôm nay. Chúa không ưa
kẻ tự tín. Họ không chờ ơn Người cứu độ. Ngược lại ai khiêm tốn cầu xin ơn tha
thứ, sẽ được Chúa nhận lời và ban cho ơn trở nên công chính.
Giáo
huấn của Chúa còn làm sáng tỏ bài sách Huấn ca. Nhờ ánh sáng Tin Mừng Chúa
Giêsu mang đến, chúng ta hiểu kẻ khó nghèo đích thực luôn được Chúa chiếu cố
nghe lời và thi hành công lý cho là mọi kẻ khiêm nhường như người thu thuế, nhận
rằng mình là đứa tội lỗi và khẩn thiết cầu xin ơn cứu độ. Họ cần được
công-chính-hóa chứ không đòi được nhìn thấy sự chí công của Chúa ở đời này. Những
tâm tình như vậy, chúng ta gặp thấy rõ ràng trong bài thư Phaolô hôm nay.
3.
Chúa Ðộ Vào Nước Trời
Thánh
Tông đồ bấy giờ không những đang ở tù, mà còn biết sắp được tử đạo. Như người
ta có thói quen đổ rượu (hoặc nước, hoặc dầu) trên của lễ trước khi dâng, máu
ngài cũng sắp đổ ra trên cái chết của ngài. Do đó giờ ra đi lên đường của ngài
đã đến.
Nhìn
lại cuộc đời, Phaolô thấy mình đã chiến đấu tốt, đã chạy đến cùng đích rồi.
Nhưng không vì vậy mà ngài tự tín, tự phụ vì ngài đã phấn đấu như thế chỉ để
kiên giữ lòng tin vào Chúa; và ngài đã chạy như vậy như thể dưới mắt quan sát
và trọng tài của Chúa. Ngài không làm gì cho mình, cũng như không phải để cho
ai xem. Ðối với ngài tất cả chúng ta đều như các lực sĩ nơi thao trường. Khán
giả duy nhất là Chúa, Ðấng phán xét chí công. Người sẽ ban triều thiên công chính
cho hết mọi người đã đầy lòng yêu mến trong cuộc trông đợi cuộc hiển linh của
Người mà chạy.
Như vậy
chỉ có Chúa là lẽ sống của Phaolô. Các phấn đấu của ngài là để được triều thiên
công chính. Ngài biết mình chưa là công chính. Sự công chính nằm nơi tay Chúa.
Người sẽ ban nó cho hết thảy những ai biết phấn đấu.
Phaolô
đã phấn đấu tốt, không phải với sức mình, nhưng hoàn toàn nhờ sức Chúa. Mới rồi
đây, khi bị đưa ra tòa để biện hộ, Phaolô đã trơ trọi. Chẳng một ai ủng hộ
ngài... Nhưng Chúa đã giúp sức. Và Phaolô đã ăn nói dạn dĩ làm chứng cho Chúa
và đã thoát nạn. Ngài tin chắc rằng Chúa còn ban ơn để cuối cùng Chúa sẽ cứu mà
độ ngài vào Nước Trời.
Và
như vậy từ đầu chí cuối Phaolô chỉ có những tâm tình khiêm cung của kẻ biết
mình yếu đuối mà thành khẩn trông cậy ơn Chúa... Ngài sống như kẻ "khó
nghèo" của Phúc Âm; và vì thế ngài không hề phàn nàn về người khác. Ngay
khi nhớ lại lúc bị mọi người bỏ rơi một cách bất công bất nhẫn, ngài cũng chỉ cầu
nguyện cho họ được ơn tha thứ. Ngài bắt chước "Ðấng Khó Nghèo" khi ở
trên thánh giá đã cầu nguyện cho kẻ giết mình. Ngài để lại cho chúng ta những
tâm tình thắm thiết trong lời di chúc hôm nay để Hội Thánh chúng ta muôn đời
suy nghĩ.
Chúng
ta ghi nhận lời ngài và luôn luôn ghi nhớ gương sáng của ngài. Nhờ đoạn thư hôm
nay của ngài, chúng ta hiểu Cựu Ước và Tân Ước hơn khi những sách này nói đến
tư cách khó nghèo của những người được Chúa chọn. Nhất là nhờ giáo huấn của
ngài bây giờ chúng ta biết đi vào thánh lễ với những tâm tình chân thật.
Ðây
không phải là lễ dâng bề ngoài, vì có thể nói bề ngoài chẳng có gì đáng kể.
Chúng ta đây là những người dâng lễ cũng chẳng công chính gì. Chúng ta giống
người thu thuế trong bài Tin Mừng hơn là giống người biệt phái. Chúng ta đến
đây không phải chỉ để cầu xin lòng thương xót Chúa.
Hơn nữa,
chúng ta còn muốn tham dự vào hành vi khó nghèo của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm
thánh giá. Chúng ta muốn được sự sống của Người để trong đời sống chúng ta học
với Người mà ở hiền lành khiêm nhường... Không những chúng ta sẽ đẹp lòng Chúa
mà còn giúp ích được cho đời. Ðó là điều chúng ta cầu nguyện cho nhau hôm nay
trong thánh lễ này.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Sir 35:12-14, 16-18; 2 Tim 4:6-8,
16-18; Lk 18:9-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm tin và những thái độ cần có khi cầu
nguyện với Thiên Chúa.
Làm
thế nào để lời cầu nguyện của một người được Thiên Chúa đoái nhận là chủ đề của
Lời Chúa tuần này. Trước khi cầu nguyện, con người phải có một số những hiểu biết
căn bản để rồi có thái độ thích hợp khi cầu nguyện: Thiên Chúa là quan tòa
không bao giờ thiên vị; mọi lời cầu xin sẽ được Thiên Chúa cứu xét; những gì
Thiên Chúa hứa Ngài sẽ giữ lời; con người không bao giờ có thể tự mình trở nên
công chính vì tất cả đều phạm tội; con người chỉ có thể công chính bằng đặt niềm
tin nơi Thiên Chúa và cố gắng tuân giữ các điều Ngài truyền dạy.
Các
bài đọc hôm nay dẫn chứng những hiểu biết căn bản này. Trong bài đọc I, tác giả
Sách Huấn Ca mô tả Thiên Chúa là một quan tòa chí công vô tư. Ngài bênh vực quyền
lợi cho kẻ bị áp bức, và nghe tiếng van nài của mẹ góa con côi. Trong bài đọc
II, Phaolô biết trước những gì sẽ xảy ra cho ông trong những ngày cuối đời tại
Rôma, ông sẽ bị bạn đồng hành bỏ rơi và bị ngược đãi bởi người Do-thái cũng như
nhà cầm quyền; nhưng ông vẫn một niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ bảo vệ
ông khỏi mọi nguy hiểm và đã sắm sẵn cho ông một triều thiên công chính trên trời.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kể một câu truyện để nhắc nhở các môn đệ thái độ phải
có khi cầu nguyện: đừng cậy dựa sức mình, đừng khinh thường tha nhân; nhưng phải
biết cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa và khiêm nhường thú nhận tội lỗi của
mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Thiên Chúa lắng nghe
mọi lời nguyện xin.
1.1/
Thiên Chúa là Đấng xét xử chí công vô tư.
Không
giống như các vua chúa hay những nhà lãnh đạo thế gian, họ thường xét xử theo
tình cảm và lợi lộc vật chất; Thiên Chúa là quan tòa chỉ xét xử theo sự thật.
Ngài không thiên vị ai, và cũng chẳng ai có thể mua chuộc Thiên Chúa.
Hơn nữa,
vì tất cả mọi người đều là con cái của Ngài, nên Ngài tỏ lòng quan tâm đặc biệt
đến những người cô thân cô thế. Tác giả Sách Huấn Ca liệt kê hai hạng người được
Thiên Chúa quan tâm đặc biệt:
(1)
Những người nghèo hèn bị đối xử bất công: “Người không vị nể mà làm hại kẻ
nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức.”
(2) Mẹ
góa, con côi: Vì họ không có chồng hay không có cha, Thiên Chúa sẽ bảo vệ họ khỏi
những kẻ lợi dụng: “Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay
tiếng than van của người goá bụa.”
1.2/
Thiên Chúa cứu xét mọi lời cầu nguyện.
Nhiều
người tự hỏi làm sao Thiên Chúa có thể nghe và cứu xét tất cả lời cầu nguyện của
con người; nhất là của những người thấp mũi bé miệng; những người không có công
trạng gì trước mặt Thiên Chúa? Nhiều lần chúng ta đã nói Thiên Chúa điều khiển
vũ trụ bằng cách dùng các thiên thần. Họ là những sứ giả mang lời cầu nguyện của
con người lên Thiên Chúa và chuyển những ơn lành từ Thiên Chúa xuống cho con
người. Sứ thần Raphael đã củng cố điều này khi nói cho Tobia hiểu kế hoạch của
Thiên Chúa cho gia đình ông.
Tác
giả Sách Huấn Ca cũng xác nhận Thiên Chúa nghe tất cả lời cầu nguyện của con
người và sẽ cứu xét từng trường hợp để có thể ban như lời con cái kêu xin. Khi
một người luôn làm theo ý Thiên Chúa kêu xin, Ngài sẽ đáp lời họ: “Kẻ phục vụ Đức
Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng
mây. Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm.”
Vì thế,
thái độ con người cần có khi cầu nguyện là kiên trì tin tưởng lời cầu nguyện của
mình sẽ được thiên thần mang lên trước thiên nhan Chúa. Ngài sẽ cứu xét từng
trường hợp và sẽ ban như ý họ kêu xin.
2/ Bài
đọc II: Giờ đây tôi chỉ còn
đợi triều thiên dành cho người công chính.
2.1/
Phaolô hoàn toàn tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.
Sau
khi đã làm chứng cho Đức Kitô tại Jerusalem, Ngài đã hiện ra với ông trong một
thị kiến ban đêm để an ủi và cho ông biết ông sẽ làm chứng cho Ngài tại Roma nữa;
đồng thời Ngài cũng cho ông biết những gian nan nguy hiểm đang chờ ông tại
Roma.
Phaolô
viết thư này cho môn đệ Timothy khi ông đang bị giam trong tù tại Roma, với mục
đích để khích lệ tinh thần cho Timothy sẵn sàng làm chứng cho Đức Kitô: “Còn
tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu
trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ
đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán
chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho
tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.”
Phaolô
không cho là ông xứng đáng với triều thiên dành cho người công chính bằng những
công việc ông làm; nhưng Phaolô muốn nhấn mạnh đến niềm tin trung thành nơi Đức
Kitô. Ngài là Thẩm Phán Chí Công, Ngài là Đấng sẽ tuyên bố Phaolô là người công
chính, và sẽ trao phần thưởng là triều thiên công chính cho ông.
Đoạn
văn này là bằng chứng cho những người hiểu lầm học thuyết của Phaolô khi ông
nói con người được công chính nhờ đặt niềm tin nơi Đức Kitô, mà không cần phải
làm gì để chứng tỏ niềm tin. Phaolô chứng minh niềm tin của ông vào Thiên Chúa
bằng việc hoàn tất sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại mà Đức Kitô đã trao
cho ông, và giờ đây, ông còn sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho Tin Mừng ông rao
giảng trên đất Rôma của Dân Ngoại.
2.2/
Phaolô có thể vượt qua mọi trở ngại là nhờ ông vững tin nơi Thiên Chúa.
Nhìn
lại cuộc đời rao giảng Tin Mừng của Phaolô, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về sự
kiên trì phi thường của ông, khi phải đương đầu với những đau khổ bên trong
cũng như bên ngoài, như trong trình thuật hôm nay, ông viết: “Khi tôi đứng ra tự
biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi.
Xin Chúa đừng chấp họ.” Tuy phải chịu đau khổ như thế, nhưng ông đã noi gương Đức
Kitô, chẳng những không trách cứ họ, mà còn cầu nguyện cho họ nữa.
Phaolô
nhận ra sức mạnh để chịu đựng và sự thành công trong việc rao giảng Tin Mừng
không đến từ con người yếu đuối của ông; nhưng nhờ ông đặt niềm tin trọn vẹn
nơi Đức Kitô. Ông viết: “Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi,
để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe
biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát
khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời.
Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. A-men.”
3/
Phúc Âm: Lạy Thiên Chúa,
xin thương xót con là kẻ tội lỗi.
Trước
hết, chúng ta cần chú ý: mục đích của Chúa Giêsu khi kể câu truyện này là muốn
răn dạy những người tự cho mình là công chính và khinh chê người khác.
3.1/
Thái độ của người Pharisee:
(1)
Tác phong của người Pharisee: Tác phong của một người nói lên rất nhiều về tính
khí của người đó. Trình thuật kể ông đứng thẳng trước thiên nhan của Thiên
Chúa, chứ không xấp mình đấm ngực như người thu thuế.
(2)
Hai cách ông làm để đề cao mình: nói xấu người khác và nói tốt về mình. Ông nói
xấu hay giảm giá trị của người khác khi ông cầu nguyện: "Lạy Thiên Chúa,
xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình,
hoặc như tên thu thuế kia.” Cầu nguyện là lúc con người nói chuyện của mình với
Thiên Chúa; chứ không phải là lúc để tố tội người khác. Có lẽ ông cám ơn Thiên
Chúa đã cho ông sức mạnh để ông trở thành người quá tốt như thế; nhưng đó không
phải là những gì Thiên Chúa muốn nghe. Ngài muốn ông nhận ra những khuyết điểm
của mình, chứ không muốn ông luận tội người khác, vì đó không phải là việc của
ông. Ông khoe thành tích của mình: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho
Chúa một phần mười thu nhập của con.” Việc khoe thành tích của ông chứng tỏ ông
không biết Thiên Chúa là ai. Ngài biết tất cả việc ông làm và ý hướng bên trong
của ông, Ngài không cần ông phải nhắc nhở. Việc ông đóng góp 10% cho Đền Thờ
cũng chỉ là dâng lại những gì Thiên Chúa ban cho ông. Nếu để ý lời cầu nguyện của
người Pharisee, chúng ta thấy ông không xin Thiên Chúa điều gì cả, ông chỉ tạ
ơn Chúa; nói đúng hơn ông chỉ khoe thành tích của ông với Thiên Chúa.
3.2/
Thái độ của người thu thuế:
(1)
Tác phong của người thu thuế: Ông đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt
lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương
xót con là kẻ tội lỗi.”
(2)
Ông biết ông là người tội lỗi. Ông biết ông không có công trạng gì trước mặt
Thiên Chúa. Ông hoàn toàn cậy dựa hoàn toàn vào lòng từ bi của Thiên Chúa.
3.3/ Kết
quả của việc cầu nguyện: Chỉ
có Thiên Chúa là Đấng nhận lời cầu nguyện của con người. Chúa Giêsu tuyên bố rõ
ràng kết quả: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà,
thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không.” Lý do được chấp nhận
hay từ chối: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ
được tôn lên."
Việc
tuyên bố ai là công chính hoàn toàn là việc của Thiên Chúa, vì không ai là người
không có tội. Con người được trở nên công chính là nhờ niềm tin vào Đức Kitô, Đấng
đã gánh tội cho con người và hòa giải con người với Thiên Chúa. Thái độ tự cho
mình là công chính gây ra rất nhiều nguy hiểm cho con người:
- Vì
thấy mình quá tốt lành nên họ không cần tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Thời
nào cũng có những loại người này: các Pharisees thời của Chúa Giêsu, Pelagism
hay Semi-Pelagism thời của thánh Augustine. Thánh Gioan khuyên nhủ các môn đệ của
Ngài: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và
sự thật không ở trong chúng ta... Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội,
thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta”
(1 Jn 1:8-10).
- Họ
không thấy có tội là vì chưa xét mình cẩn thận hay lương tâm đã quá chai đá đó
thôi. Nếu chịu khó xét mình cẩn thận, họ sẽ nhận ra họ cũng là tội nhân như bao
người khác.
- Khi
thấy mình hoàn hảo, họ dễ khinh thường và xét đoán người khác. Tật xấu này gây
cho họ nhiều bất an và phá hủy gia đình cũng như cộng đoàn của họ; vì họ luôn bắt
những người chung quanh phải sống theo tiêu chuẩn của họ, những gì mà họ nghĩ
là “hoàn hảo.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Lời
cầu nguyện với lòng thành tín làm theo ý Thiên Chúa chắc chắn sẽ được Ngài nhậm
lời. Không một lời cầu nguyện nào mà không được dâng lên trước tôn nhan Thiên
Chúa.
-
Chúng ta phải sẵn sàng đương đầu với mọi gian nan trong cuộc đời để làm chứng
cho Thiên Chúa. Ngài sẽ bảo vệ và cung cấp cho chúng ta sức mạnh cần thiết để
vượt qua.
-
Chúng ta cần phải có thái độ khiêm nhường khi cầu nguyện: nhận mình là người tội
lỗi và trông chờ ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
23/10/16 CHÚA NHẬT TUẦN
30 TN – C
Khánh Nhật Truyền Giáo
Lc 18,9-14
Khánh Nhật Truyền Giáo
Lc 18,9-14
Suy niệm: Chúng
ta không khó để nhận ra những hình thức quảng cáo hiện nay qua những kỷ lục như
đòn bánh tét dài nhất hay những tô phở lớn nhất… chỉ là sự khoa trương và thổi
phồng sự thật. Nếu quảng cáo là đem đến sự hiểu biết về một sản phẩm, thì đa
phần đang thổi phồng giá trị và cả sự lừa dối bằng những hình thức bắt mắt và
những mối lợi tưởng dễ dàng. Con người chúng ta thường bị cám dỗ kiêu ngạo và
tự mãn bởi những việc mình làm hay công đức mình nghĩ đã lập được. Chúng ta
quên mất thân phận thật của chính mình: Thân phận con người nhiều giới hạn, yếu
đuối và tội lỗi. Những gì được ban cho là do bởi Tình Yêu, sự thật chúng ta chỉ
là tội nhân và cần được lòng thương của Chúa cứu vớt.
Mời Bạn: Kiêu
ngạo là một mối tội lớn của con người, đã làm cắt đứt mối tương quan con người
với Thiên Chúa là Chủ trong thân phận của một thụ tạo. Chúng ta được mời gọi
luôn luôn có thái độ khiêm tốn và thống hối để nhận ra thân phận tội lỗi của
mình, để nhờ đó nhận được lòng xót thương của Thiên Chúa. Vì “Lời cầu nguyện trong sự khiêm nhường sẽ nhận
được lòng xót thương của Thiên Chúa” (ĐTC Phanxicô).
Sống Lời Chúa: Xét
mình để thấy hành vi nào hôm nay mình đã sống khoe khoang, giả hình và kiêu
ngạo. Quyết tâm ăn năn dốc lòng chừa, khiêm tốn xin Chúa tha thứ cho lỗi lầm ấy
và đến với Bí tích Hòa Giải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn để nhận ra mình yếu đuối và
tội lỗi. Con có là gì hay làm được gì cũng do bởi Chúa, để con biết mình luôn
được yêu thương và sống xứng đáng với tình yêu thương ấy.
ANH EM LÀ CHỨNG NHÂN (23.10.2016 – Chúa nhật
Truyền giáo)
Chúng ta không thể là những chứng nhân buồn.
Chính cuộc sống của ta phải đầy ắp niềm vui, sự lạc quan và sự sống của Chúa Phục
Sinh.
Suy niệm:
Sau khi phục sinh, Chúa
Giêsu đã làm một điều quan trọng,
đó là đào tạo những chứng
nhân.
Hội Thánh tương lai phải
được xây nền vững chắc
trên những con người có
kinh nghiệm cá nhân
về cái chết và sự phục
sinh của Ngài.
Chính vì thế Ngài đã hiện
ra cho Simon,
cho hai môn đệ về Emmau,
cho các tông đồ.
Ngài cho họ xem chân tay
và Ngài đã ăn bánh
để họ đừng nghi Ngài là
ma.
Hơn nữa Ngài còn soi sáng
cho họ
để họ hiểu những lời Kinh
Thánh nói về Ngài.
Các môn đệ đã là chứng
nhân, đã tử đạo
để làm chứng cho điều
mình xác tín.
Mỗi năm Hội Thánh dành
một ngày Chúa Nhật
để nhắc chúng ta nhớ đến
bổn phận của mình,
bổn phận truyền giáo cho
thế giới.
“Phải nhân danh Người mà
rao giảng cho muôn dân”
Chúng ta phải tiếp tục sứ
mạng của các tông đồ,
vinh dự đứng vào hàng ngũ
các chứng nhân.
Ðể truyền giáo, chúng ta
phải quen thân với Chúa Giêsu,
có kinh nghiệm gặp gỡ
Ngài thật sâu lắng,
sống cái chết của Ngài
mỗi ngày
và nếm được niềm vui phục
sinh Ngài ban tặng.
Ðể truyền giáo cần có
nhiều tình yêu:
tình yêu đối với Chúa
Giêsu và đối với con người.
Chính vì mến yêu Ngài
mà ta muốn Ngài được mọi
người nhận biết.
Chính vì mến yêu mọi
người
mà ta muốn chia sẻ hạnh
phúc mình đang hưởng.
Thế giới hôm nay đầy lạc
thú và hưởng thụ,
nhưng vẫn là một thế giới
buồn.
Buồn vì nạn phá thai, ly
dị, tự tử;
buồn vì hận thù, thất
vọng và lo âu.
Nhiều bạn trẻ tìm quên
trong vui chơi, nghiện ngập,
vì không thấy cuộc sống
có ý nghĩa.
Như thế truyền giáo là
loan báo tin vui
cho một thế giới buồn.
Ðức Thánh Cha đã nhắn nhủ
giới trẻ:
“Hội Thánh ủy thác cho
giới trẻ nhiệm vụ hô to lên
cho thế giới biết niềm
vui vì gặp được Ðức Kitô...
Hãy đi rao giảng Tin
Mừng giải thoát.
Hãy là những điều ấy với
tâm hồn hân hoan.”
Chúng ta không thể là
những chứng nhân buồn.
Chính cuộc sống của ta
phải đầy ắp niềm vui,
sự lạc quan và sự sống
của Chúa Phục Sinh.
Chỉ như thế chúng ta mời
hy vọng đáp ứng
những đòi hỏi gay gắt của
thế giới
đang bước vào đệ tam
thiên niên kỷ.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Đức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần
bên,
giúp họ quen biết Đức Giêsu
và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương
cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang
xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng
của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23
THÁNG MƯỜI
Một
Thế Kỷ Văn Minh
Tôi
cho rằng nếu sau này hậu thế nhớ lại và ghi nhận rằng thời đại này của chúng ta
là một thế kỷ văn minh, thì đó không phải do những tiến bộ về mặt văn hóa và kỹ
thuật mà nó đạt được, nhưng là do sự phát triển xã hội của chúng ta trong đó
thiện ích của con người được nêu thành mục tiêu để kiếm tìm. Vấn đề tìm nơi ăn
chốn ở cho hàng triệu người tị nạn trên thế giới ngày nay là vấn đề tiên quyết
trong một xã hội phát triển như thế.
Hồi ức
về những đau khổ mà nhân loại phải chịu đựng trong suốt thế chiến thứ hai phải
buộc chúng ta nhận thức sâu sắc về tính phi lý và kinh dị của tấn bi kịch ấy.
Trong cuộc chiến tranh kinh khủng nói trên, hàng triệu con người bị buộc phải
trốn chạy, phải rời bỏ nhà cửa và quê hương của mình. Để phòng tránh sự tái diễn
của tình trạng đau thương đó, chúng ta phải nỗ lực không mệt mỏi để giải quyết
những bất hòa chia rẽ, những cuộc xung đột ý thức hệ và những sự tranh giành
quyền lực. Phải dứt khoát vứt bỏ những não trạng ích kỷ phi nhân, chúng ta mới
có thể quảng bá được tinh thần tôn trọng con người. Và, cuối cùng, chúng ta sẽ
dựng xây được một nền văn minh trên cơ sở của tình yêu và sự thật, trên cơ sở của
sự hợp tác giữa mọi dân tộc trên mặt đất.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời
Chúa Trong Gia Đình
Ngày
23 -10
Chúa
Nhật XXX Thường Niên
(Chúa
Nhật Truyền Giáo)
Hc
35,15-17. 20-22; 2Tm 4,6-8. 16-18; Lc 18,9-14.
Lời
suy niệm “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”
Trong
tất cả mọi người chúng ta đều là người có tội, mỗi khi chúng ta đến với Chúa
trong tâm tình cầu nguyện cùng Chúa với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương
xót con là kẻ tội lỗi”, thì lời cầu nguyện này sẽ được Chúa thanh tẩy chúng ta
ngay lập tức. Như lời Chúa Giêsu đã nói với người thu thuế trong đoạn Phúc Âm
này: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được
nên công chính.” Bởi lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta thì rất lớn.
Lạy
Chúa Giêsu, trong mọi Thánh Lễ là cơ hội để chúng con nhận được sự tha thứ của
Chúa để nhận được sự bình an. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con
luôn biết thu xếp mọi công việc trong ngày, để đến tham dự thánh lễ hằng ngày,
để nhận được ơn tha thứ của Chúa đem lại sự bình an cho bản thân và gia đình.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
23-10
Thánh
GIOAN CAPISTRANÔ
Dòng
Phanxicô (1386 - 1456)
Cha của
Gioan là một nhà quí tộc người Pháp đã theo bá tước Anjon trong cuộc chinh
vương quốc Naples. Để ân thưởng cho lòng can đảm, ông đã được chiếm những lãnh
điạ rộng lớn. Ong định cư tại Caoistranô và qua đời sớm sau khi cưới một thiếu
nữ người Y. Gioan con của ông theo học tại Perugia đã gia nhập ngành thẩm phán.
Các
tài năng của thánh nhân đã khiến cho thánh nhân được coi như hoàng tử của các
luật gia. Được đặt làm nhà cầm quyền, thánh nhân hiểu rõ sự cao trọng trong sứ
mạng của mình: dửng dưng với những đe dọa của các lãnh chúa, Ngài quyết nâng đỡ
những người nghèo khó. Một cư dân quí phái giàu có muốn gả con cho Ngài. Tương
lai rực rỡ trước mắt Gioan khi bất ngờ định mệnh đổi khác. Lãnh trách nhiệm hoà
giải Perugia và Rimini, Ngài bị tố cáo là đã thiên tư, bị bắt giam ở Rimini...
trong một tháp canh.
Gioan
muốn tẩu thoát, bị gãy chân và nằm bẹp nhưng một hầm gia dưới đất. Trong tận
cùng đau khổ, một tu sĩ dòng Phanxicô xuất hiện mời gọi Ngài sống đời sống
nghèo khó và bác ái. Gioan đã nhiệt thành đáp lời. Vừa khi được phóng thích,
Ngài bán mọi của cải, từ hôn và đến với các tu sĩ dòng Phanxicô ở Perugia. Chân
phước Marcô thành Bergame nghi ngờ ơn gọi như vậy và đón nhận Ngài với những lời
chẳng hoà nhã chút nào: "các tu viện không phải nơi trú chân của những kẻ
lang thang hay chán đời. Phải có những thử thách khác để gia nhập một dòng tu. Tôi
chi nhận anh khi anh nói lời từ giã những phù vân thế tục mà tôi sẽ chỉ cho
anh".
Đây
là một lời giã từ lừng danh, một thử thách nổi tiếng thánh nhân phải chịu.
Perugia được chiêm ngưỡng nhà cầm quyền của họ riễu qua đường phố, quay ngược lại
trên lưng lừa ăn mặc rách rưới, đầu đội nón có ghi những tội của mình bằng chữ
lớn. Dân chúng nhạo cười, nhưng Gioan can đảm đón nhận mắng nhiếc.
Tại
nhà dòng, Gioan có một bậc thầy chỉ là trợ sĩ, anh Onuphre, người nghiên khắc lột
bỏ con người cũ của Ngài cách vĩnh viễn. Thêm vào những lời quở trách là những
nghiêm nghị. Nhưng những bất công dày và phải được bỉnh thản lãnh nhận, chẳng hạn
ngày kia anh em giặt đồ đang đợi cho nước bớt nóng. Bỗng anh Onuphre đi tới. Bỏ
qua mọi anh em khác, anh giận dữ phạt Gioan vì biếng nhác và lấy áo dài từ nước
nóng bỏng ra thải vào mặt Gioan. Đáp lại, Gioan khiêm tốn đến quì trước mặt
anh.
Viên
chức mãn nguyện còn tăng gấp đôi lòng nhiệt thành của Ngài trong những công việc
thấp hèn nhất, đồng thời vẫn học thần học thánh Bernadinô thành Sienua là thầy
dạy, thán phục vì những buớc tiến ngoại hạng của Người đã nói: "Gioan ngủ
mà học những điều mà người khác ngày đêm nỗ lực mới học được" Dường như
Ngài có sự hiểu biết thiên phú, là nhà thần học sâu sắc và sắp thành nhà truyền
giáo lớn của thời Ngài.
Gioan
rảo qua các tỉnh thuộc nước Ý và dẫn về cho Chúa hàng triệu những kẻ lạc giáo
và những tội nhân, Ngài đã thăm các dòng tu ở Đông phương, góp phần hiệp nhất với
người Armenia. Trở về Ngài nổi bật tại cộng đồng Florentinô và được đặt làm sứ
thần tại Sicile. Giữa những thành công rực rỡ. Gioan vẫn là con người cầu nguyện
và sám hối. Ngài xây dựng các tu viện, chống lại lạc giáo. Các bài giảng của
Ngài thật phi thường. Thiên Chúa rõ ràng bao bọc Ngài. Những người rối đạo lân
la để biết chỗ Ngài ở đâu. Giọng điệu của họ đủ cho thấy rõ số phận họ muốn
dành cho Ngài như thế nào. Gioan giản dị và êm ái trả lời: "Tôi đây".
Những người theo bè rối sững sờ và không làm gì hại Ngài.
Một
huyền thoại bình dân kể rằng: thánh nhân khi giã từ Assisiô với các bạn để hoàn
thành một sứ mệnh, bị từ chối không được chở qua sông gần Trévise vì người lái
xe đoán rằng: đám người nghèo này sẽ không trả tiền. Thánh nhân trải áo của
Bernađiô thầy mình trên sông. Nước sẽ rẽ ra và các tu sĩ qua bờ bên kia sông.
Đức giáo
hoàng đã sai Gioan qua Đức, Hungari, Bohemia, Balan. Cả thành ra đón Ngài, lão
già nhỏ bé khô khan kiệt sức nhưng vui tươi không mệt mỏi. Cả đoàn thính giả đã
nghe Ngài mỗi ngày. Sau đó người ta công khai đốt các cỗ bài, những hình ảnh
dâm ô, những đồ trang sức, mọi cái có hại cho tâm hồn.
Đây
là lửa hoả thiêu lâu đài của quỉ dữ. Ơ Bohemia sau một trong những bài giảng về
sự phán xét, thánh nhân đã gây hứng khởi cho hơn 100 thanh niên ôm ấp đời sống
tu trì. Các Đức giáo hoàng nối tiếp liên tiếp trao cho Ngài những sứ mệnh đặc
biệt.
Người
Hồi vừa mới xâm chiếm Constantinople. Mahomet tin rằng: mình là thủ lãnh Kitô
giáo. Không ông hoàng nào xem ra có thể ngăn cản nổi cuộc xâm lăng. Gioan
Capistranô nhận được lệnh của Đức giáo hoàng để cổ động đoàn quân thánh giá,
Ngài liên kết được 40 ngàn người và chọn Hunyade là một anh hùng làm thủ lãnh của
họ. Quân hung bạo bốn lần đông hơn chế nhạo. Belgrade đã bị chiếm. Mọi sự xem
ra đã mất hết. Gioan lao lên hàng đầu, tay cần kỳ hiệu và một thánh giá, khuyên
các binh sĩ hoặc thắng hoặc chết. Địch quân rút lui, thành lũy được cứu thoát.
Vài
tuần sau, Hunyade qua đời trong tay Gioan, người sống sót đã được lâu hơn ông
ta một chút. Ngài riến tới gần cái chết với sự bình thản hoàn toàn và các ông
hoàng đã thán phục sự can đảm của Ngài, bấy giờ phải bối rối trước sự khiêm tốn
của vị thánh khi hấp hối, công khai thú nhận các lỗi lầm của mình.
(daminhvn.net)
23
Tháng Mười
Cùm Chân Chó
Sách
Lã Thị Xuân Thu có chép một câu chuyện như sau: Nước Tề có người xem tướng chó
rất giỏi. Một người hàng xóm tới nhờ anh ta tìm cho một con chó biết bắt chuột.
Ít lâu sau, anh mang đến một con chó và nói: "Con chó này tốt lắm, ông cứ
dùng sẽ vừa ý".
Người
hàng xóm tin theo, nhưng mấy năm qua, con chó không bắt được con chuột nào cả.
Người hàng xóm phàn nàn, anh ta liền nói: "Con chó này tốt, nhưng nó chỉ
có tài săn bắt hươu nai, bây giờ muốn nó bắt chuột thì phải buộc chân sau nó lại".
Người hàng xóm đã nghe theo và quả nhiên con chó bắt chuột rất hay.
Có
cùm một chân lại, con chó mới có thể bắt được chuột. Phải chăng, đó không phải
là hình ảnh của rất nhiều người thành công trong những địa hạt lớn, trong những
công tác xã hội, trong những việc làm ở quy mô lớn, nhưng lại thất bại trong
gia đình hay trong chính cuộc sống cá nhân của mình. Người ta nghĩ rằng chỉ có
những công việc vĩ đại mới có giá trị. Người ta phân bua rằng việc trong nhà,
việc ở xó bếp là việc của đàn bà.
Thế
nhưng có ai nghĩ rằng hạnh phúc của gia đình tùy thuộc rất nhiều vào những công
việc xó bếp ấy. Và những công việc vô danh ấy cũng đòi hỏi nhiều hy sinh, nhẫn
nhục và tình yêu hơn tất cả những đại cuộc khác. Công việc càng nhỏ nhặt, càng
vô danh thì càng nhiều phiền toái và càng đòi hỏi nhiều phấn đấu hơn. Nếu không
bióêt cùm chân lấy một chân, nếu không biết hy sinh, nhẫn nhục, một người mẹ
trong gia đình không thể chịu đựng năm kia tháng nọ tất cả những phiền toái ấy.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét