Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

30-10-2016 : (phần II) CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN năm C

30/10/2016
Chúa Nhật tuần 31 thường niên năm C
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 31 thường niên - Năm C
CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN C
Kn 11,22-12,1; 2 Tx 1,11-2,2; Lc 19,1-10
Chủ đề: Đức Giêsu tìm gặp và biến cải đời ta
 “Thiên Chúa xót thương hết mọi người” 
(Kn 11,22)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Từ đoạn Tin Mừng thật đẹp ghi lại cảnh gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Giakêu tại thành Giêricô và kết thúc là một sự biến cải cuộc đời của ông, chúng ta có thể đọc được sứ điệp nổi bật mà cả ba bài đọc của Chúa Nhật 31 thường niên hôm nay muốn gởi đến cho chúng ta: “Thiên Chúa xót thương hết mọi người” (Kn 11,22).
1. Bài đọc I (Kn 11,22-12,1)
Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta một đoạn của sách Khôn ngoan, diễn tả tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với con người chúng ta. Tác giả đã ví thân phận con người khi đứng trước Đấng Tạo hóa thật nhỏ bé, chỉ tựa “hạt gạo trên bàn cân” hay “giọt sương sa trên mặt đất lúc rạng đông” (11,22).
Dù nhỏ bé như thế, nhưng “Thiên Chúa đã hằng thương xót hết tất cả mọi người”, không chừa một ai. Không những thế, Ngài lại còn “nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải” (11,23).
Vậy tại sao Thiên Chúa lại yêu thương loài thụ tạo bé nhỏ và tội lỗi như chúng ta nhiều như thế? Tác giả sách Khôn ngoan đã đưa ra một lý do rất đơn giản, nhưng thật nền tảng, đó là: “nếu như Chúa ghét bỏ loài nào, thì Ngài đã chẳng dựng nên” (11.24).
Vì thế, do bởi tình yêu này, đứng trước tội lỗi và sự phản nghịch của con người, Thiên Chúa vẫn “tốt lành và hiền hậu”. Ngài “từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa” (12,2).
2. Bài đọc II (2 Tx 1,11-2,2)
Vậy dựa vào đâu mà Thiên Chúa lại tin tưởng và kiên nhẫn chờ đợi sự biến đổi của con người tội lỗi chúng ta?
Thánh Phaolô tông đồ trong đoạn trích từ thư thứ hai gởi tín hữu Thêxalônica đã trả lời cho chúng ta: Thiên Chúa, một khi đã đoái thương và kêu gọi chúng ta làm nghĩa tử, thì chính Ngài sẽ làm cho chúng ta trở nên xứng đáng với ơn gọi đó, bằng cách dùng quyền năng của Ngài mà kiện toàn chúng ta, đặc biệt là nhờ Đức Giêsu và ân sủng của Đức Giêsu (x. 2Tx 1,11-12).
3. Bài Tin Mừng (Lc 19,1-10)
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Giakêu trong bài Tin Mừng hôm nay như là một sự minh chứng cụ thể cho những điều được tuyên bố trong bài đọc I và II: Thiên Chúa xót thương hết mọi người. Qua Đức Giêsu Kitô, Ngài sẽ tìm gặp và biến cải đời chúng ta.
Tin Mừng kể về thân phận Giakêu như hạt gạo và sương mai trong bài đọc I. Ông là một người thấp bé; không chỉ vậy, ông lại là một người thu thuế, mà còn là đầu sỏ, và lại là một người giàu có, và chắc chắn là bất chính. Với những đặc tính này chắc chắn ông sẽ bị liệt vào hạng tội lỗi, hạng bị khinh miệt tột cùng trong xã hội lúc bấy giờ. Và như thế chắc chắn ông sẽ không có có cơ hội nào để đứng cùng với đám đông trong mọi sự kiện.
Thấp bé về thể lý có thể chấp nhận được, nhưng thấp bé về nhân cách, về thân phận, chắc chắn sẽ làm con người xa rời đám đông, xa rời cộng đồng. Đó là những thách đố và chướng ngại không dễ gì vượt qua.
Nhưng vì khao khát muốn gặp gỡ Đức Giêsu, Giakêu đã không quản chướng ngại đời mình, tận dụng cơ hội và khéo léo chọn cho mình một giải pháp hay: đó là giải pháp chạy trước và trèo lên cây vả,  một giải pháp “hiệp thông từ xa”, vừa an toàn tránh khỏi đám đông, nhưng lại vừa thỏa mãn ước mơ của đời mình, đó là gặp Chúa.
Trong bối cảnh tưởng chừng như rất bi đát của một con người với một niềm hy vọng mong manh nhỏ bé, thì tác giả Luca lại tường thuật cho ta một bức tranh trái ngược với những điều xảy ra tiếp theo: đó là một bức tranh rất lạc quan và đầy niềm vui hoán cải. Đức Giêsu nhìn lên Giakêu. Thay vì truy vấn danh tính và thân phận, nhất là lỗi lầm của người ẩn mình mà ta hay thường làm, Chúa Giêsu lại im lặng bỏ qua và nói một câu đầy ân sủng làm mọi người bất ngờ:  "Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (19,5).
Trái ngược với thái độ mở lòng và đầy yêu thương của Đức Giêsu với Giakêu, đám đông ở đây lại khinh miệt và càm ràm: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ” (19,7).
Nhưng dường như Đức Giêsu và Giakêu không quan tâm lắm đến đám đông thị phi, vẫn tiếp tục tiến trình đối thoại, hoán cải và trao ban. Giakêu thì trao ban niềm vui hoán cải và tài sản của ông: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (19,9). Đức Giêsu thì trao ban ơn cứu độ và một thông điệp xót thương quan trọng của Thiên Chúa: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (19,10).
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Thiên Chúa hằng xót thương hết mọi người. Vậy, là thụ tạo bé nhỏ của Ngài, tôi có cảm nghiệm được Chúa vẫn đang ân cần yêu thương tôi không?
2. Thiên Chúa đã đi ngang qua đời Giakêu và biến đổi ông. Vậy tôi có nhận ra những lần Thiên Chúa đi ngang qua đời tôi, qua Lời Chúa, qua Thánh Thể, hay qua các vị đại diện của Ngài, với lời mời gọi tôi biến cải cuộc đời không?
3. Thay vì cứ phải co mình và than trách số phận và hoàn cảnh, tôi có như Giakêu, mạnh dạn vượt qua những trở ngại đời mình để đến với Chúa và gặp gỡ Ngài không?
4. Là con cái Chúa, tôi có chia sẻ phẩm tính yêu thương tốt lành của Ngài với hết mọi người, nhất là đối với những người tôi cho là “Giakêu” không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất. Những người thành tâm tìm kiếm chân lý sẽ được Chúa ban ơn cứu độ. Tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, chúng ta cùng hiệp lời cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ vụ diễn tả dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa cho thế giới. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục, và mọi thành phần dân Chúa luôn ý thức thực thi sứ vụ cao quí ấy qua những nỗ lực “tân phúc âm hóa” đời sống xã hội và gia đình.
2. Chúa nói với ông Giakêu: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc và quốc gia chưa được đón nhận đức tin, xin cho các nhà lãnh đạo tại đó có thêm thiện chí và những chính sách phù hợp để người dân có điều kiện lắng nghe và đón nhận Tin Mừng cứu độ.
3. “Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người lầm lạc tội lỗi, cách riêng những bạn trẻ đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nền văn minh sự chết, biết tin tưởng cậy trông vào lòng thương xót Chúa, quyết tâm hoán cải và tích cực làm lại cuộc đời.
4. Kitô hữu được mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết ý thức và hoàn tất ơn gọi của mình qua việc chu toàn bổn phận hằng ngày, luôn nỗ lực sống đức ái với mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ thiếu thốn.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha từ bi nhân hậu, xin thương nhận lời chúng con thành tâm kêu cầu và giúp chúng con khi sống ở đời biết lo tìm kiếm và sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ Cha ban qua Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

SCĐ CHÚA NHỰT XXXI TN C
Chủ đề :
Chúa cứu vớt người tội lỗi

Ông Dakêu (Lc 19,1-10)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I : "Chúa nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải"
- Đáp ca : "Chúa là Đấng chậm giận và giàu tình thương"
- Tin Mừng : "Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất"

I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Bài Tin Mừng hôm nay sẽ cho ta thấy Chúa Giêsu đi tìm và cứu vớt một người tội lỗi là ông Dakêu. Chúa cũng đi tìm và cứu vớt chúng ta nếu chúng ta mở rộng cửa lòng cho Chúa vào.
Chúng ta hãy mở rộng cửa lòng mình và bắt đầu Thánh lễ.
II. Gợi ý sám hối
- Rất nhiều lần Chúa đứng trước cửa lòng chúng con và gõ cửa, nhưng chúng con đã không mở ra.
- Chúa biết chúng con nhiều tội lỗi và Chúa chờ chúng con sám hối để Chúa tha. Nhưng chúng con vẫn thờ ơ.
- Nhiều lần Chúa nhìn chúng con và lên tiếng kêu gọi chúng con như Chúa đã nhìn và kêu gọi ông Dakêu. Nhưng chúng con không đáp lại.

III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Kn 11,22--12,2)
Nhìn lại lịch sử, tác giả sách Khôn ngoan khám phá được đường lối hành xử của Thiên Chúa : Ngài đối xử rất khoan hồng đối với những người tội lỗi.
Tác giả cũng thấy được lý do của cách hành xử ấy : "vì Chúa yêu sự sống" và không muốn ai phải chết. Bởi thế "những ai sa ngã, Ngài sửa dạy từ từ… để họ bỏ điều ác".
2. Đáp ca (Tv 144)
Ca tụng lòng nhân từ của Chúa : "Ai quỵ ngã Chúa đều nâng dậy. Kẻ bì đè nén, Ngài cho đứng thẳng lên"
3. Tin Mừng (Lc 19,1-10)
Mở đầu câu chuyện, ông Dakêu được mô tả là kẻ tội lỗi : thu thuế (lại còn "đứng đầu những người thu thuế") và lo thu tích của cải ("và là người giàu có") - Cuối câu chuyện, ông thay đổi hẳn : "Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này" ; phân phát tài sản cho người nghèo (là điều Chúa Giêsu thường khuyên làm. x. Lc 12,33-34 16,1-8 16,9-13 v.v.) ; đền bù những thiệt hại đã gây cho người khác.
Có hai nhân tố tạo nên sự thay đổi đó :
            - một là những cố gắng của chính Dakêu : "tìm cách xem" mặt Chúa Giêsu, "chạy tới phía trước", "leo lên một cây sung để xem Chúa Giêsu".
            - hai là lòng nhân từ của Chúa Giêsu : Ngài "nhìn lên" ông, Ngài gọi ông "xuống mau đi", Ngài đưa đề nghị đến nhà ông "Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông". Chúa Giêsu tự giới thiệu là "Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất".
4. Bài đọc II (2 Tx 1,11--2,2)
Ở giáo đoàn Thêxalônica, một số tín hữu cho rằng ngày tận thế đã gần đến. Vì thế họ đâm ra lười biếng không muốn làm việc nữa.
Thánh Phaolô viết thư khuyên tín hữu đừng tin vào những luận điệu ấy.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Ông Giakêu hoán cải trở lại
Câu chuyện được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay có nhiều tình tiết diễn biến như một vở kịch sinh động. Vậy chúng ta hãy theo dõi lần lượt những diễn biến đó.
- Khởi đầu nhân vật thứ nhất xuất hiện. Đó là Chúa Giêsu. Ngài đang đi trên lộ trình ngang qua thành Giêricô để tiện về thành Giêrusalem. Ngài chỉ đi như vậy thôi hay là còn có một mục đích nào khác nữa không ? Câu chót của đoạn Tin Mừng này cho thấy Chúa không phải chỉ đi lang thang, mà có mục đích rõ ràng, đó là để "tìm cứu vớt những gì đã hư hỏng".
- Tới phiên nhân vật thứ hai xuất hiện, đó là ông Giakêu, một người giàu có nổi tiếng ở thành phố Giêricô này. Ông làm giàu nhờ nghề nghiệp của ông, trưởng ban thu thuế. Dĩ nhiên nếu chỉ có đồng lương hàng tháng thì ông không giàu như vậy được. Sở dĩ ông giàu là vì ông đã gian lận trong việc thu thuế. Ai cũng coi ông là một kẻ tội lỗi. Phần Giakêu dù giàu nhưng vẫn thấy thiếu thốn một cái gì đó trong tâm hồn, ông đang muốn tìm cái đó thì hay tin có Chúa Giêsu đang đi ngang qua thành phố. Ông vội vàng chạy tới để mong gặp được Ngài. Nhưng dân chúng thì đông, mà ông thì thấp lùn không thể nhón gót lên mà thấy Ngài được, nên ông trèo lên một cây sung cho dễ nhìn.
- Xin hãy chú ý nghĩa của những chi tiết này : Chúa Giêsu đang đi tìm người tội lỗi, và người tội lỗi cũng đang đi tìm Chúa. Hai bên gặp nhau và ơn cứu rỗi được thực hiện. Ơn Cứu rỗi là kết quả của sự găp gỡ của 2 phía : phía Chúa và phía người tội lỗi. Nếu Chúa không đi tìm thì chẳng ai được cứu rỗi. Nhưng dù Chúa có tìm mà người tội lỗi không đáp lại thì cũng chẳng có ơn cứu rỗi. Phải có sự hợp tác của cả 2 phía.
- Khi hai nhân vật ấy gặp nhau, thì ai lên tiếng trước ? Thưa là Chúa Giêsu. Ngài nhìn lên cây sung và nói với Giakêu. Xin chú ý lần nữa, chi tiết Chúa Giêsu lên tiếng trước cũng có ý nghĩa lắm : mặc dù ơn cứu rỗi là sự hợp tác giữa 2 phía, nhưng sáng kiến khởi đầu là từ phía Chúa.
- Chúng ta hãy theo dõi tiếp câu chuyện. Chúa Giêsu lên tiếng trước, nhưng Ngài nói gì ? Chúa nói "Ông Giakêu ơi, xuống mau đi vì hôm nay tôi cần đến trọ ở nhà ông". Lại một lần nữa xin chú ý : Chúa Giêsu quả là người tế nhị. Chúa muốn giúp ông Giakêu nhưng lại nói là Chúa cần ông giúp đỡ. Tế nhị là ở chỗ đó, để sau đó ông Giakêu không ngại nhận sự giúp đỡ của Chúa.
- Bây giờ tới nhóm nhân vật thứ ba, là quần chúng. Khi họ nghe Chúa Giêsu nói là muốn đến ở trọ nhà một tên thu thuế tội lỗi như vậy thì họ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng : không lẽ nào một người thánh thiện như Chúa Giêsu mà lại đến ở nhà một người tội lỗi như ông Giakêu sao ?
- Phần ông Giakêu thì quá mừng rỡ trước đề nghị của Chúa Giêsu. Ông tức khắc có một quyết định là từ nay sẽ chấm dứt lỗi làm ăn tội lỗi cũ. Ông sẽ lấy phân nửa tài sản của ông để bố thí cho những người nghèo. Còn đối với những người đã bị ông gian lận tiền bạc thì ông sẽ đền cho họ gấp bốn. Chúng ta nên biết rằng theo luật đạo Do thái ai phạm tội lỗi đức công bình mà muốn được tha thì tùy mức tội nặng nhẹ mà phải đền bù với mức độ khác nhau : nhẹ thì đền trả đủ số và cộng thêm 1/5 ; nặng thì phải đền gấp đôi. Ông Giakêu xin đền gấp bốn nghĩa là ông tự thú tội ông quá năng. Còn theo luật Rôma thì đối với những tội trộm cắp công khai thì phải đền gấp bốn. Ông Giakêu xin đền gấp bốn tức là ông cũng thừa nhận mình là một tên tội lỗi công khai. Cho nên quyết định của ông vừa là khiêm nhường, vừa là công bình vừa là bác ái.
- Nhưng khi Giakêu chịu bỏ ra phân nửa tài sản đó bố thí cho kẻ nghèo, lại sẵn sàng đền gấp bốn cho những ai bị ông làm thiệt hại thì tính ra số tiền ông phải bỏ thật quá nhiều. Ông làm như vậy có phải là quá đáng không ? Hay hỏi cách khác : ông có tiếc vì phải bỏ quá nhiều như vậy không ? Thưa chắc chắn là không, vì chính ông tự nguyện làm như thế. Vả lại cái mà ông bỏ đi so với cái mà ông nhận được, tức là ơn tha thứ, thì chẳng thấm tháp vào đâu cả. Cho nên ông không hề tiếc. Hơn nữa, cuộc trở lại nào mà không phải từ bỏ.
- Chúng ta hãy dừng lại ở tư tưởng chót này : Bất cứ cuộc trở lại nào cũng đòi phải từ bỏ. Một người từ trước tới giờ không có đạo, tin vào đủ thứ mê tín dị đoan, nay trở lại theo đạo thì phải từ bỏ tất cả những mê tín dị đoan ấy chỉ còn tin vào một mình Chúa duy nhất mà thôi. Một người bấy lâu nay không giữ đạo, sống bê tha tội lỗi, nay muốn ăn năn trở lại thì cũng phải từ bỏ con đường tội lỗi cũ. Đó là những cuộc trở lại lớn. Còn những cuộc trở lại nhỏ hơn thì cũng thế, cũng phải từ bỏ. Từ trước tới giờ, anh làm ăn bằng những mánh khóe gian lận, nay anh muốn trở lại sống tốt thì tức nhiên anh phải bỏ những món tiền gian lận ấy. Chứ không thể nào vừa muốn sống đàng hoàng mà vừa tiếp tục những kiểu làm ăn gian lận cũ được. Hay từ trước tới giờ anh quen nhậu nhẹt rượu chè say sưa, làm cho gia đình buồn khổ, làm cho phẩm cách mình bị hạ thấp, nay anh muốn sống tử tế lại thì đương nhiên anh phải bỏ tật rượu chè say sưa ấy. Có một số người ghiền rượu đã nói rằng : bỏ rượu thì nếu cố gắng một chút chắc sẽ bỏ được, nhưng cái khó là như người ta nói, muốn bỏ rượu thì phải bỏ bạn luôn. Gương từ bỏ hết sức quảng đại của ông Giakêu là câu trả lời cho thắc mắc đó : Nếu thực tình muốn sống đàng hoàng hơn, thì phải thực sự bỏ rượu, mà nếu vì bỏ rượu mà mất bạn, thì cũng phải đành mất vậy thôi. Bởi vì chân lý đã được nêu rõ trong bài Tin Mừng này : bất cứ cuộc trở lại nào, dù lớn dù nhỏ, cũng đòi ta phải từ bỏ hết.
Niềm vui sướng của ông Giakêu khi trở lại là một niềm vui rất lớn. Lớn đến nỗi ông trở thành một con người hết sức hào phóng, quảng đại bỏ đi hơn phân nửa tài sản của mình mà cũng không tiếc. Nếu chúng ta trở lại từ những gì xấu xa khuyết điểm cũ của ta để sống đàng hoàng tử tế hơn, thì chắc chúng ta cũng sẽ hưởng được niềm vui sướng to lớn như vậy trong tâm hồn. Nhưng, như Tin Mừng hôm nay dạy, bất cứ cuộc trở lại nào cũng đòi hỏi phải từ bỏ. Vậy, trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa ban thêm ơn giúp chúng ta can đảm từ bỏ, để chúng ta được vui mừng trong niềm vui trở lại.
* 2. Có một cái nhìn như thế
Nhiều đệ tử đang theo học Thiền định dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Một người trong bọn họ thường hay thức dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thoả thích.
Một đêm kia, Sengai đi giám thị phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết rằng Sengai là chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra việc mình đã làm, anh ta hoảng sợ, nhưng Sengai nhẹ nhàng bảo :
- Sáng sớm hôm nay trời lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy ?
Từ đó, người đệ tử ấy không bao giờ bỏ ra ngoài ban đêm nữa. Anh chuyên tâm học tập và trở thành người đệ tử gương mẫu của thầy Sengai.
*
Thiên Chúa không những tế nhị, dịu dàng, và nhân từ như thầy Sengai mà Người còn khoan dung, tha thứ và yêu thương những con người tội lỗi.
Ông Gia kêu là một trưởng ty thuế vụ thành Giêricô, một người giàu có vì lạm thu bất chính. Ông bị liệt vào số những kẻ tội lội, bị khai trừ và khinh bỉ. Chúa Giêsu không nhìn ông bằng con mắt ấy, Người ngước nhìn ông đang ngồi trên cây sung ; một cái nhìn thân thiện, có sức cảm hoá tâm hồn ; một cái nhìn nhân từ như không thấy tội gì trong ông. Chính cái nhìn đầy chân tình và yêu thương ấy đã khiến ông nhìn lại chính mình và quyết tâm đổi mới.
Người nói với ông : "Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !" (Lc 19,5). Hạnh phúc quá bất ngờ : Người không chỉ biết ông đang ở trên cây mà còn biết cả tên ông. Người không chỉ muốn đến thăm mà còn xin ở lại nhà ông. Ông chỉ có một ao ước nhỏ nhoi là được nhìn thấy Người, nhưng Người lại cho ông cả một ân huệ lớn lao vượt quá lòng ông mong ước. Ông chỉ muốn thấy kẻ đã chữa cho anh mù Báctimê là người thế nào, nhưng chính Đấng ấy lại chữa lành đôi mắt tâm hồn ông.
Vâng, chính đôi mắt tâm hồn ông đã bừng sáng, để ông không chỉ thấy một con người bình thường trước mặt, nhưng còn thấy Người chính là Đấng ban ơn cứu độ, đầy lòng nhân từ và xót thương ; để ông không chỉ thấy tiền bạc là tất cả nhưng còn thấy cần chia sẻ và trao ban. Ông đã quá vui mừng hứa với Chúa : "Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19,8). Và chúa chỉ chờ có thế, để nói với mọi người : "Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham" (Lc 19,9). Thật vậy, ở đâu có Chúa hiện diện là có ơn cứu độ, ở đâu có ơn cứu độ là có sự tha thứ. Ông Giakêu đã được thứ tha để được nhận lại làm con cái Ápraham, con cái của lòng tin, con cái của Thiên Chúa.
Và chắc chắn, không ai có thể ngăn cản ông ngồi đồng bàn với Chúa, trong bữa tiệc hân hoan ngay sau đó. Chắc chắn, ông Gia kêu không còn giàu có như trước nữa, nhưng ông sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Chắc chắn thân xác ông vẫn lùn như xưa, nhưng tâm hồn ông đã cao thượng hơn gấp bội. Những người được Chúa "tìm đến và cứu chữa" bao giờ cũng trỗi vượt trong nhân cách và kiên vững trong lòng tin.
*
Lạy Chúa, có rất nhiều người cần chúng con nhìn họ với cái nhìn của Chúa. Có rất nhiều người mong chúng con ghé thăm.
Xin cho chúng con một tấm lòng khoan dung như Chúa, và một tâm hồn quảng đại như Giakêu, để cả thế giới này trở nên con cái Ápraham, và được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa. Amen.
* 3. Hoán cải bằng con tim
Chắc hẳn Dakêu đã nghe người ta nói nhiều điều tốt về Chúa Giêsu. Nhưng ông muốn chính mình gặp Ngài, lý do thứ nhất là để xem tướng mạo Ngài ra sao, và lý do thứ hai quan trọng hơn là để biết con người của Ngài thế nào.
Hôm đó cũng có rất đông người muốn nhìn thấy Chúa Giêsu. Họ ở cạnh Ngài, họ bao quanh Ngài. Còn Dakêu thì không đến gần được, ông phải trèo lên một cây sung. Thế mà Chúa Giêsu lại đặc biệt để ý tới ông. Thật sung sướng khi được người khác để ý tới.
Tuy nhiên, để ý tới ai không hẳn chỉ là để chăm sóc hay khen ngợi người đó. Nếu người đó là kẻ xấu thì có thể người ta để ý tới để mà dò xét hay khiển trách. Dakêu là người xấu, nhưng Chúa Giêsu để ý tới ông không phải để khiển trách. Ngài dừng lại và nhìn lên ông. Dakêu hiểu là Chúa Giêsu quan tâm đến ông. Được để ý tới là sung sướng, được quan tâm lại càng sung sướng hơn.
Chúa Giêsu còn nói với Dakêu nữa. Đặc biệt là Ngài không nói một lời nào về những tội lỗi của ông. Thay vào đó Ngài gọi đích danh ông "Này ông Dakêu". Rồi Ngài gọi ông xuống "Xuống mau đi". Ngài còn ngỏ ý muốn đến trọ nhà ông "Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông". Điều này không ai ngờ. Dakêu không ngờ, mà tất cả mọi người có mặt ở đó cũng không thể ngờ một người đạo đức như thế mà lại đến trọ nhà một người tội lỗi công khai. Dakêu sung sướng quá, "Ông vội vàng trèo xuống và mừng rỡ đón rước Ngài". Ban đầu ông chỉ mong nhìn được Chúa Giêsu một cái thôi. Bây giờ ông được nhìn Ngài mặt đối mặt và sắp được ở chung với Ngài ngay trong nhà của ông nữa.
Dakêu đã biết chẳng những tướng mạo mà cả con người của Chúa Giêsu. Ông còn biết được tâm hồn dạt dào yêu thương của Ngài nữa.
Và khi nhìn thấy tâm hồn Chúa Giêsu rồi, Dakêu cũng nhìn lại tâm hồn của ông : một tâm hồn đầy tội lỗi. Ông thấy đời mình bấy lâu nay như một sa mạc khô cằn, thế mà hôm nay Chúa Giêsu lại đến, như một cơn mưa rào.
Thế là Dakêu hoán cải. Cuộc hoán cải thể hiện bằng những hành động cụ thể : đền bồi tất cả những thiệt hại đã gây ra cho người khác, và phân chia tài sản mình cho những người nghèo. Đây không phải là hoán cải chỉ bằng ý muốn mà bằng cả con tim : Dakêu đã biết xót xa cho những người bị ông làm thiệt hại, và biết yêu thương những người nghèo khổ. Đây chính là sự hoán cải thật, vì con tim có hoán cải thì cuộc đời mới hoán cải thật.
Con tim của Dakêu hoán cải nhờ Chúa Giêsu đã để ý tới ông, quan tâm ông, đối xử nhẹ nhàng với ông. Goethe đã viết : "Hãy đối xử với một người như người ấy , và người ấy sẽ xấu hơn. Hãy đối xử với người ấy như người ấy phải là, hoặc như người ấy muốn là, và người ấy sẽ tốt hơn. Bởi vì những ước muốn trong chúng ta chính là phần tốt nhất của con người chúng ta".
Chúa Giêsu hiểu rằng những việc làm xấu của Dakêu không phải là toàn phần con người của ông ; Ngài hiểu trong ông còn có phần tốt, phần muốn làm điều tốt và có khả năng làm những điều tốt ấy. Ngài đã khơi lên chính cái phần tốt ấy.
Cuộc hoán cải của Dakêu là hoán cải con tim, là hướng con tim về điều tốt.
Cũng giống như Dakêu, trong con người chúng ta cũng có phần tốt mặc dù có thể phần tốt ấy xưa nay bị những việc xấu chèn ép và chưa phát huy ra. Hãy hoán cải con tim bằng cách để Chúa để ý đến ta, quan tâm ta, nói với ta, trọ trong tim ta và đánh động con tim ta.
* 4. Từ đứng nhìn đến tham dự
Nhiều khi chúng ta xem Tivi, thấy những cảnh nghèo, cảnh khổ, cảnh tai nạn… Chúng ta cảm động. Nhưng chỉ một thoáng thôi. Sau đó tới phần chiếu phim, chúng ta say sưa theo dõi chuyện phim, những xúc động kia đã tan biến đâu mất. Nghĩa là chúng ta thường là khách bàng quan, là khán giả.
Ông Dakêu cũng thế. Hôm đó ông muốn làm khán giả. Ông trèo lên một cành cây để nhìn xuống. Ở vị trí đó, ông có thể nhìn Chúa Giêsu và nhìn mọi người mà không bị ai nhìn ông. Ông là một người ngoài cuộc, không cùng đám đông đi theo Chúa Giêsu. Cũng như trước đó ông đã là một người ngoài cuộc : ông giàu có, đầy đủ, không cần đến ai, cũng không muốn dây dưa làm chi đến đa số người khác nghèo nàn thiếu thốn.
Nhưng điều gì đã xảy ra ? Chúa Giêsu gọi Dakêu xuống, Ngài ngỏ ý đến trọ nhà ông. Nghĩa là Ngài kéo ông ra khỏi tư thế khán giả bàng quan để nhập cuộc và tham gia. Và như chúng ta thấy, Dakêu đã tham gia tích cực như thế nào.
* 5. Dakêu, tấm gương hoán cải
Câu chuyện về ông Dakêu có nhiều chi tiết giúp chúng ta hiểu thế nào là hoán cải thật :
- Ông tích cực đi tìm Chúa : "Ông chạy tới phía trước, leo lên một cây sung".
- Khi nghe tiếng Chúa gọi, ông đã nhanh chóng và vui mừng đáp lại : "Ông vội vàng tụt xuống"
- Ông còn "vui mừng đón rước Ngài về nhà".
- Ông nhìn nhận tội lỗi của mình và còn thứ nhận trước mặt mọi người.
- Ông đền bù những thiệt hại mình gây cho kẻ khác
- Hơn nữa, Ông còn lấy tài sản bố thí cho người nghèo.
Hoán cải thật là từ bỏ những tội lỗi, quảng đại đáp lại tiếng Chúa và tổ chức lại đời sống mới.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. Người yêu thương và muốn cứu rỗi hết thảy mọi người. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin :
1. Hội thánh là đoàn chiên của Đức Kitô / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử luôn noi gương Người / mà đối xử nhân từ với các con chiên lạc đã thật lòng sám hối ăn năn.
2. Ông Dakêu tìm cách để xem cho biết Chúa Giêsu là ai / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang đi tìm Chúa / đều được Người chỉ lối đưa đường / trong cuộc hành trình tìm về nguồn chân thiện mỹ.
3. Trong đời sống thường ngày / lúc nào cũng có những người bị đồng loại của mình khinh dể / cô lập / và đối xử tệ bạc / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai là nạn nhân của áp bức bất công / được Chúa thương nâng đỡ ủi an.
4. Ý thức thân phận tội lỗi của mình / và quyết tâm đổi mới đời sống nên hoàn thiện hơn / là điều mà mọi Kitô hữu cần quan tâm thực hiện / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta hiểu được điều đó / và cố gắng thực hiện trong đời sống đức tin thường ngày.
Chủ tế : Lạy Chúa, không ai trong chúng con là hoàn toàn trước mặt Chúa. Vậy xin Chúa ban cho chúng con biết noi gương Chúa mà có một cái nhìn khoan dung đối với lỗi lầm của anh chị em mình. Chúng con cầu xin :
VI. Trong Thánh Lễ
- Trước kinh Lạy Cha : Chúng ta hãy đọc kinh Lạy Cha trong tâm tình của ông Dakêu, xin Thiên Chúa là Cha tha thứ những tội lỗi của chúng ta và giúp chúng ta hoán cải thật lòng.
VII. Giải tán
Anh chị em đã thấy ông Dakêu sau khi hoán cải đã rất rộng rãi đem tài sản mình phân chia cho người nghèo. Anh chị em cũng hãy cố gắng noi theo gương chia xẻ ấy.

----
Bài đọc thêm
THƯ 2 THÊXALÔNICA
* Bài đọc II các Chúa nhật 31-33
A. Hoàn cảnh và mục đích
Thư này viết sau thư 1 Côrintô.
Sau khi đọc thư thứ nhất, nhiều người ở giáo đoàn Thêxalônica tưởng ngày tận thế sắp đến nên chẳng tha thiết làm việc gì nữa, vì có làm cũng vô ích mà thôi. Vì muốn sửa lại hiểu lầm đó nên giọng điệu thư thứ hai không còn âu yếm như thư 1 Tx nữa.
B. Bố cục
            - Lời chào                                                      1,01-02
            - Lời tạ ơn Chúa                                            1,03-04
            - Nội dung :
            . Việc thưởng phạt cuối cùng                      1,05-10
            . Lời cầu nguyện cho tín hữu                      1,11-12
            . Bàn về ngày tái lâm                                   2,01-12
            . Khuyên sống kiên trì                     2,13-3,5
            . Cảnh cáo thói ăn không ngồi rồi  3,06-15
            - Kết                                                               3,16-18
C. Ý tưởng chính : nói rõ hơn về ngày tận thế
            Phần chủ yếu của thư này là 2,1-12 và 3,6-15
            Như đã nói trên, thư thứ nhất đã tạo hiểu lầm rằng sắp tận thế nên một số tín hữu đâm ra lười biếng không làm việc, do đó mà giáo đoàn bị mất trật tự.
            Phaolô cho họ biết rằng : đừng bộp chộp hấp tấp đoán rằng ngày đó sắp đến, bởi vì sẽ có một dấu hiệu báo trước về ngày đó, đó là gian truân thử thách. Nhiều người cho rằng gian truân thử thách đã có rồi vì giáo đoàn đang bị bách hại. Nhưng Phaolô cho rằng sự bách hại đó chưa phải là gian truân thử thách chính, nên chưa phải là dấu hiệu báo trước. Gian truân thử thách mang tính dấu hiệu báo trước là những khó khăn do Tên phản Kitô gây ra. Chỉ sau đó thì mới tới ngày Chúa tái lâm.
            Điều quan trọng là trong khi chờ đợi ngày ấy, mọi người vẫn phải siêng năng làm việc và duy trì trật tự trong giáo đoàn. Cho dù luôn hướng tới tương lai, tín hữu không được sao lãng hiện tại.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật XXXI Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 30 Tháng 10, 2016

Sự hoán cải của Giakêu   
Lc 19:1-10 

1.  BÀI ĐỌC

a)  Lời nguyện mở đầu

Lạy Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng Trời Đất và là Cha của tất cả các con cái Abraham, xin ban cho chúng con ánh sáng của Thần Khí Chúa để chúng con có thể phục vụ Chúa một cách tốt đẹp và xứng đáng, xin ban cho chúng con có thể đi theo những bước chân của Lời Chúa và để các hành động cử chỉ của chúng con có thể phản ảnh rằng chúng con là môn đệ của Đức Giêsu, Đấng đã xuống thế làm người vì tình yêu chúng con và vì sự cứu rỗi của chúng con.

b)  Phúc Âm:
Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, 2 thì kìa, có một người tên là Giakêu xuất hiện; ông là thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có.  3Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé.  4 Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.  5 Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng:  “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại nhà ngươi.”  6 Ông vội vàng trèo xuống và vui vẻ đón tiếp Người.  7 Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng:  “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi.”  8 Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng:  “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn.”  9 Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng:  “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham.  10 Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất.”

b)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

2.  SUY GẪM

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Trong câu chuyện Phúc Âm, thánh Luca ưa thích cho thấy lòng thương xót của Đức Giêsu đối với những người tội lỗi và đoạn Tin Mừng Lc 19:1-10 là một ví dụ điển hình.  Câu chuyện về sự hoán cải của Giakêu nói cho chúng ta biết rằng không có một tình trạng con người nào mà không thích hợp với ơn cứu độ:  Chúa Giêsu nói rằng:  Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi vì người này cũng là con cái Abraham (Lc 19:9).  Lời mở đầu của chương 19 được đưa ra sau khi Chúa Giêsu dạy cho chúng ta những giáo lý và thái độ sống trong chương 18.  Trong chương đó, chúng ta thấy có dụ ngôn về người Biệt Phái là kẻ phán đoán và người Thu Thuế là kẻ đang khiêm nhu hạ mình trước mặt Thiên Chúa và van xin sự tha thứ (Lc 18:9-14).  Kế đến, có cảnh Chúa Giêsu đón chào các trẻ thơ, cảnh báo các môn đệ rằng nước Thiên Chúa là của những ai giống như trẻ thơ…  ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào (Lc 18:16-17).  Ngay sau đó, Chúa Giêsu nói với nhà thủ lãnh giàu có là kẻ muốn có được sự sống đời đời (Lc 18:18) rằng ông ta cần phải bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo để theo Chúa Giêsu và có được một kho tàng trên trời (Lc 18:22).  Sau đó là giáo lý của Chúa Giêsu về sự giàu có là một trở ngại cho sự cứu rỗi và sự hứa hẹn một phần thưởng cho những ai từ bỏ tất cả vì lợi ích của Nước Thiên Chúa (Lc 18:24-30).  Những phần này của chương 18 dường như dẫn chúng ta đến câu chuyện việc hoán cải của Giakêu.  Trước câu chuyện của Giakêu chúng ta có hai bản văn chứa các chi tiết quan trọng:

  1. Lời tiên báo lần thứ ba về cuộc thương khó, nơi Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng bây giờ chúng ta sẽ lên Giêrusalem (Lc 18:31).  Dường như thánh Luca muốn sắp đặt mọi thứ trong bối cảnh của việc đi theo Chúa Giêsu; và
  2. Việc chữa lành người mù tại Giêricô, người đã kêu khẩn cùng Chúa Giêsu, mặc dù đám đông đã ngăn cản anh ta đến gần Chúa ( Lc 18:35-39).  Một lần nữa, Chúa Giêsu đem đến ánh sáng cho đôi mắt tối tăm và nói rằng đức tin đã chữa người đàn ông mù này (Lc 19:42).  Sau khi anh ta nhìn thấy được, người mù đã đi theo Chúa Giêsu và tôn vinh Thiên Chúa (Lc 18:43).

Hai đoạn văn này cùng với những đoạn trước đây làm sáng tỏ câu chuyện trở lại của Giakêu.  Trong câu chuyện này, chúng ta thấy có các chi tiết đáng ngạc nhiên đã được hiện diện trong các đoạn văn nêu trên:

  1. Giakêu là một người giàu có và là thủ lãnh những người thâu thuế – Lc 19:2
  2. Ông ta tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá – Lc 19:3
  3. Ông ta thấp bé – Lc 19:3
  4. Đám đông lên án Giakêu:  người tội lỗi – Lc 19:7
  5. Việc bố thí của cải cho kẻ khó – Lc 19:8
  6. Lời công bố của Chúa Giêsu rằng ơn cứu độ đã đến nhà của Giakêu – Lc 19:9

Giakêu, một người thấp bé, giàu có và là thủ lãnh của những người thu thuế, đón tiếp Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ.  Ông ta hạ mình và ăn năn về quá khứ của mình và do đó tìm thấy ơn cứu độ từ Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, người Samaritanô nhân lành (Lc 10:29-37) Đấng đã đến với chúng ta để tìm và cứu những gì đã mất (Lc 19:10).  Đây là một chủ đề thân yêu của Luca và chúng ta tìm thấy điều này trong các phần khác của câu chuyện Phúc Âm của ông (ví dụ: Lc 15: 11-31).

b)  Một vài giây phút cho việc suy gẫm cá nhân:

Bạn hãy đặt mình trong thinh lặng trước Lời của Chúa và suy gẫm đoạn Tin Mừng được trình bày trong chìa khóa dẫn đến bài đọc này.  Bạn hãy tự hỏi mình:

  1. Sự nối kết giữa những văn bản này là gì?
  2. Ơn cứu độ mang ý nghĩa gì đối với bạn?
  3. Giakêu, một người thấp bé, cho thấy sự sẵn lòng đón tiếp Chúa bằng cách trèo lên cây sung.  Sự tò mò của ông ta đã được đền bù bằng chuyến thăm viếng của Chúa Giêsu.  Bạn sẽ làm gì để chứng tỏ sự sẵn lòng đón tiếp ơn cứu độ của Thiên Chúa?
  4. Hành động của Giakêu nhắc nhớ chúng ta lòng tò mò của Môisen thúc giục ông bước tới bụi gai đang cháy.  Ở đó Môisen cũng đã tìm thấy ơn cứu độ.  Bạn có đã tìm cách gặp Chúa chưa?  Bạn có đã cảm thấy bị lôi cuốn bởi Người không?
  5. Chúa Giêsu đến với Giakêu trong sự tội lỗi của ông và vào nhà ông để Người mang đến cho ông ơn cứu độ.  Bạn đã bị trói buộc với tội lỗi ra sao?  Bạn có sẽ để cho Chúa đến với bạn, vào trong căn nhà tối tăm ấy không?        

3.  CẦU NGUYỆN

a)  Lời cầu nguyện của cộng đoàn:

Thân lạy Chúa, Đấng ở cùng Con Chúa đã đến để tìm và cứu những gì đã mất, xin hãy làm cho chúng con xứng đáng với lời kêu gọi của Chúa:  xin hãy hoàn thành mọi ước nguyện của chúng con một cách vĩnh viễn, để chúng con có thể biết cách đón tiếp Chúa một cách vui vẻ vào nhà chúng con để chia sẻ của cải thế gian và của thiên đàng.  Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.  Amen.

b)  Giây phút thinh lặng:
cho các lời nguyện cá nhân.

4. CHIÊM NIỆM

Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi! 
(Tv 15/16:11)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét