26/10/2016
Thứ Tư tuần 30 thường niên.
Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 6, 1-9
"Không phải phụng sự loài người, nhưng là tôi tớ
của Ðức Kitô".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Hỡi những kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ trong
Chúa: đó là lẽ phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, đó là giới răn thứ nhất kèm
theo lời hứa rằng "để ngươi được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu".
Còn phần anh em là những kẻ làm cha mẹ, anh em chớ
làm cho con cái anh em tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng theo lời dạy bảo và
khuyên răn của Chúa.
Hỡi những kẻ làm nô lệ, hãy vâng phục các chủ nhân,
với lòng tôn sợ, kính nể, và chân thành như vâng phục Ðức Kitô: không phải vâng
phục chiếu lệ trước mắt, như để lấy lòng người ta, nhưng như những tôi tớ của Ðức
Kitô, tận tâm vâng theo thánh ý Thiên Chúa, hãy chí thú phục vụ, như phục vụ
Thiên Chúa, chớ không phải loài người: vì biết rằng hễ ai làm điều gì lành, sẽ
được Chúa ban trả sự lành, dầu kẻ ấy là nô lệ hay tự do. Phần anh em là những
chủ nhân, anh em hãy cư xử như vậy đối với họ, chớ doạ nạt, vì biết rằng Chúa của
họ cũng là Chúa của anh em ngự trên trời: Người không tây vị một ai.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 13cd-14
Ðáp: Chúa
trung thành trong mọi lời Ngài phán (c. 13c).
Xướng: 1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi
Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài, Thiên hạ hãy nói lên vinh
quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.
2) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và
vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền
Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Ðáp.
3) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và
thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và
cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 135
Alleluia, alleluia! - Xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy
long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 13, 22-30
"Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong
nước Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa
giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải
chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng:
"Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều
người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó
các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: "Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng
tôi". Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: "Ta không biết các ngươi từ đâu
tới". Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: "Chúng tôi đã ăn uống trước mặt
Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi". Nhưng chủ sẽ
trả lời các ngươi rằng: "Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những
kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta".
Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất
cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó
các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí
nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên
trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Hãy Vào Qua Cửa Hẹp
Câu hỏi mà một người vô danh đặt ra cho Chúa Giêsu
đang khi Ngài trên đường lên Giêrusalem, đó cũng là câu hỏi thông thường nơi
các trường phái của các vị thông luật thời Chúa Giêsu, và là câu hỏi như muốn
giới hạn số lượng những người vào Nước Chúa: "Thưa Thầy, phải chăng ít người
được cứu thoát?" Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không nhằm đến số lượng
nhưng là hướng tới một bình diện khác, tức là phẩm chất của những kẻ muốn vào
Nước Chúa: họ phải qua cửa hẹp và cố gắng vào đúng lúc, khi còn thời giờ thuận
tiện, đừng cậy dựa vào những liên hệ hời hợt bên ngoài với Chúa. Ơn cứu rỗi được
Thiên Chúa trao ban cho mọi người: những kẻ trong dân Chúa chọn và cả những kẻ ở
ngoài, bởi vì Chúa Giêsu đã đến để dẹp bỏ mọi hàng rào ngăn cách, thiên hạ sẽ từ
đông, tây, nam, bắc đến dự tiệc trong Nước Chúa.
Ðặc tính phổ quát của ơn cứu rỗi không được hiểu
theo phạm trù số lượng, nghĩa là không phải mọi người tự động đều được cứu rỗi.
Sự cộng tác từ phía con người là điều cần thiết. "Hãy vào qua cửa hẹp",
hẹp, vì nó đòi con người phải từ bỏ nhiều. Hình ảnh cậu bé Charlie trong phim
hoạt hình, đứng trước cửa, ôm trên người rất nhiều thứ; cậu muốn bước ra ngoài
chơi với bạn bè, nhưng lại không muốn bỏ những thứ đang chồng chất trên người
mình; cậu bé bực tức nói lớn: "Làm sao tôi có thể bước qua cửa này được?".
Nhiều người Kitô hữu chúng ta cũng có thể hành xử như vậy: vừa muốn vào Nước
Chúa, vừa muốn giữ lấy mọi thứ không phù hợp với Nước Chúa; muốn vào Nước Chúa,
nhưng lại không thực hành giáo huấn của Ngài, không canh tân đời sống của mình.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã ban ơn cứu rỗi cho mọi
người. Xin cho chúng ta biết từ bỏ những gì không cần thiết, nhất là những gì mất
lòng Chúa, để chúng ta có thể bước qua cửa hẹp trở về Nhà Chúa.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 30 TN2
Bài đọc: Eph 6:1-9;
Lk 13:22-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mối liên hệ tốt đòi phải có 2 chiều.
Con người thường hay đòi hỏi tha nhân phải thế này
phải thế kia, nếu không được như ý mình thì chê trách tha nhân là không biết điều;
nhưng ít khi chịu xét mình xem chính mình đã đối xử đúng đắn với tha nhân chưa?
Tất cả các mối liên hệ tốt đẹp đều đòi phải có 2 chiều như cha ông chúng ta
khuyên: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.”
- Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô liệt kê những gì con
người phải làm để có mối liên hệ tốt giữa cha mẹ và con cái, cũng như giữa chủ
nhân và nô lệ.
- Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mối liên hệ
giữa con người và Thiên Chúa: không phải chỉ biết Chúa là đủ, nhưng còn phải biết
hy sinh chiến đấu vào qua cửa hẹp để làm chứng cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mối
liên hệ tốt đòi phải có 2 chiều.
1.1/ Liên hệ giữa cha mẹ và con cái:
- Bổn phận làm con: Thánh Phaolô liệt kê 2 bổn phận
chính của kẻ làm con:
(1) Vâng lời: “Hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của
Chúa, vì đó là điều phải đạo.” Đây là giới răn thứ bốn trong Thập Giới. Để cha
mẹ có thể chu tòan sứ vụ Chúa giao, con cái phải vâng lời cha mẹ.
(2) Tôn kính: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn
thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất
này.” Sách Đức Huấn Ca còn dạy: “Ai tôn kính cha thì đền bù tội lỗi, ai thảo
kính mẹ sẽ thu được kho tàng.”
- Bổn phận làm cha mẹ: Thánh Phaolô cũng liệt kê 2
điều chính:
(1) Đừng làm cho con cái tức giận: Những điều sau
đây có thể làm con cái tức giận: nói không đúng sự thật, bắt con làm điều vô lý
hay làm điều mà mình không muốn làm, không làm gương sáng cho con, khinh thường
và hay so sánh con mình với con người, không thương yêu và săn sóc con.
(2) Khuyên răn và sửa dạy: là bổn phận chính yếu
Thiên Chúa sẽ xét xử cha mẹ như Tiên tri Êzêkiel nói: Nếu vì cha mẹ không
khuyên răn và sửa dạy mà con cái hư đi thì Thiên Chúa sẽ đòi nợ máu cha mẹ; nếu
cha mẹ khuyên răn sửa dạy hết điều mà con cái vẫn hư, tội là do nơi con cái
(Eze 33:7-9).
1.2/ Liên hệ giữa chủ nhân và nô lệ: Phải hiểu lời khuyên này trong bối cảnh lịch sử của thời đó để đừng
lên án Thánh Phaolô phò chế độ nô lệ. Trong xã hội thời ấy, nô lệ được đa số
con người chấp nhận; và chủ nhân có tòan quyền định đọat số phận những nô lệ của
mình. Cho dẫu vậy, Thánh Phaolô vẫn chú trọng đến mối liên hệ 2 chiều.
- Phận nô lệ: Có lẽ Thánh Phaolô chủ trương mọi quyền
hành đến từ Thiên Chúa cho lợi ích con người nên Ngài khuyên các nô lệ phải bắt
chước Chúa Kitô như Ngài đã vâng lời Chúa Cha (Phil 2:5-11):
(1) Vâng lời: “Kẻ làm nô lệ, hãy vâng lời những người
chủ ở đời này với thái độ run rẩy và sợ sệt, với lòng đơn sơ, như vâng lời Đức
Kitô. Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng như nô
lệ của Đức Kitô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa.”
(2) Vui lòng phục vụ: “Hãy vui lòng phục vụ như thể
phục vụ Chúa, chứ không phải người ta. Anh em biết đấy: ai làm việc tốt, sẽ được
Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do.”
- Phận làm chủ: Theo phong tục thời ấy, người nô lệ
không có quyền đòi bất cứ điều gì nơi chủ, nhưng những chủ nhân theo Đức Kitô
phải làm 2 điều sau cho nô lệ của mình:
(1) Đối xử tử tế: Nếu các nô lệ đã hết tình phục vụ
chủ thì chủ cũng phải đối xử tử tế với họ: phải đối xử với họ theo tình người,
chứ không coi họ là những đồ vật để xử dụng.
(2) Đừng dọa nạt: “Chúa của họ cũng là Chúa của anh
em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai.” Trong thân thể của Đức Kitô, mọi
người đều bình đẳng (Gal 3:28).
2/ Phúc Âm:
Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.
2.1/ Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp
mà vào: Đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự hủy diệt:
Không có kỷ luật, không thể thành công. Điều này không những đúng cho cá nhân
mà còn đúng cho cả tập thể.
- Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những người được
cứu thoát thì ít, có phải không?"
- Người bảo họ: "Hãy chiến đấu để qua được cửa
hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không
thể được. Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở
ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!” thì
ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!””
Nguy hiểm của quan niệm dễ dãi: Vì tình thương bao la nên sau cùng Chúa sẽ cứu
hết (Universalism).
2.2/ Nước Trời dành cho những ai nghe và giữ những gì
Chúa dạy, không phải chỉ biết Ngài mà thôi:
(1) Tiêu chuẩn phán xét: Con người nhấn mạnh đến cái
biết, Chúa nhấn mạnh đến việc làm.
26 Bấy
giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và
ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.”
27 Nhưng
ông sẽ đáp lại: "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt
ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”
Nguy hiểm: Chỉ cần biết và tin Chúa là đủ (Tin Lành)
(2) Thực tế phũ phàng: Con cháu trong nhà và những kẻ
quyền thế bị lọai ra ngòai.
- Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong
Nước Thiên Chúa.
- Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những
kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả các mối liên hệ tốt đều đòi hỏi phải có cả
2 chiều: liên hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa chủ nhân và nô lệ, giữa con người
và Thiên Chúa.
- Phải chiến đấu để vào Nước Trời qua cửa hẹp, vì đường
rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự diệt vong.
- Chúng ta phải luôn nhớ: Thiên Chúa không những là
Thiên Chúa của tình thương mà còn là Thiên Chúa của công bằng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
26/10/16 THỨ TƯ TUẦN 30
TN
Lc 13,22-30
Lc 13,22-30
Suy
niệm: Khi nói về ngày giờ “Con Người sẽ đến,” Chúa Giê-su
không cho biết ngày nào giờ nào mà ra chỉ thị “hãy sẵn sàng” (Lc 12,40); cũng
vậy khi được hỏi về số lượng những người được cứu thoát, Ngài dùng hình ảnh “cửa hẹp” với yêu cầu “Hãy chiến đấu!” “Cửa” dẫn đến hạnh
phúc thì “hẹp” vì để đi tới đó chỉ có một Con Đường là Chúa Giê-su, Đấng Cứu
Độ duy nhất (x. Cv 4,12) và vì con đường Chúa đã đi qua để cứu độ nhân loại
chính là con đường thập giá. Đi con đường thập giá với Chúa Ki-tô chắc chắn
không phải là một cuộc dạo chơi, mà là một cuộc chiến đấu, cuộc chiến đến giọt
máu cuối cùng.
Mời Bạn: Đường vào Nước Trời
không rộng thênh thang để người ta tha hồ thoả mãn những đam mê tội lỗi. Trái
lại đó là cả một cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại cái tôi kiêu ngạo, ích
kỷ, tham lam. Để đạt chiến thắng cuối cùng trong ngày cánh chung, phải chiến
đấu từ bây giờ trong cuộc sống hiện sinh này. Nếu không, cánh cửa sẽ đóng lại
trước mắt chúng ta với lời tuyên án khủng khiếp: “Cút đi cho khuất mắt
ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.”
Sống Lời Chúa: Hãy lấy Lời Chúa làm vũ khí để chiến đấu
chống lại ma quỷ: “…binh giáp vũ khí của Thiên Chúa,… lưng thắt đai là
chân lý,… mang áo giáp là sự công chính,.. chân đi giày là lòng hăng say loan
báo Tin Mừng,… cầm khiên mộc là đức tin,… đội mũ chiến là ơn cứu độ,… tay cầm
gươm của Thần Khi, tức là Lời Thiên Chúa” (x. Ep 6,10-17).
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, xin cho con
biết nỗ lực chiến đấu không ngừng để quyết đi qua cửa hẹp là hy sinh, thương
xót, phục vụ và sẻ chia hầu đem lại cho con hạnh phúc, bình an và Nước Chúa
ngay đời này và đời sau. Amen.
Cửa
hẹp
Cứu độ là một ơn Chúa ban, nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa
tay đón nhận
Suy niệm:
Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp.
Cửa hẹp khi thi vào đại học.
Cửa hẹp khi đi xin việc làm.
Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới.
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều.
Cửa hẹp mà vào được mới quý.
Nếu thiên đàng có cửa,
thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi.
“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24),
vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt
7,14).
Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình,
với cái tôi cồng kềnh của mình,
nặng nề vì những vun vén cá nhân,
phình to vì tự hào và tham vọng.
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp
nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá.
Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại,
khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em.
Cần có một cái tôi như trẻ thơ
mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng
nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng.
Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ,
cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại.
Ðể “người lớn” trở nên hồn hậu như trẻ thơ,
cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4).
Ðây thật là một cuộc chiến với chính mình.
Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.
Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng.
Họ gõ cửa và đòi vào.
Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc,
bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Ðức Giêsu,
và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy.
Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt
đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ:
“Ta không biết các anh từ đâu đến!”
Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy,
dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh
tâm...
Chúa vẫn không quen biết chúng ta
vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình.
Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục.
Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ.
Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại.
Cứu độ là một ơn Chúa ban,
nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận.
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa,
nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên:
“Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG MƯỜI
Kiểu Mẫu Và Nguồn Mạch Tối Thượng Của Hiệp Nhất
Mối hiệp nhất liên kết các Kitô hữu vào một thân thể,
đó là mối hiệp nhất bắt nguồn từ Thiên Chúa. Mẫu thức tối thượng của sự hiệp nhất
này là Thiên Chúa Ba Ngôi, là sự hiệp thông của Ba Ngôi Vị Thần Linh – Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chính vì thế Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong bữa
Tiệc Ly: " Cũng như, lạy Cha, Cha ở trong con, và con ở trong Cha, con cầu
xin để họ nên một trong chúng ta" (Ga 17, 21).
Tất cả những người nhờ cùng một đức tin và cùng một
Phép Rửa, đã trở nên con cái Thiên Chúa, đều được mời gọi đi vào trong mối hiệp
nhất này. Thánh Phaolô nói: "Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái
Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô" (Gl 3,26). Vì thế nhờ đức tin, chúng ta
là con cái Thiên Chúa trong Đấng là Con Một của Thiên Chúa Cha. Chúng ta phải
hiệp nhất trong nguồn hiệp nhất tối thượng này: mối hiệp nhất thần linh giữa
Chúa Con với Chúa Cha. Rồi, Chúa Cha và Chúa Con đã tuôn tràn Thánh Thần xuống
trên Giáo Hội.
Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn tất cả những người
đã chịu Phép Rửa, thúc đẩy họ tin tưởng cầu xin và thưa lên: "Abba, Cha
ơi!". Như Công Đồng Vatican II đã dạy: "Chúa Thánh Thần – Đấng cư ngụ
trong lòng các tín hữu và cai quản toàn thể Giáo Hội – tạo ra sự hiệp thông kỳ
diệu của các tín hữu và hiệp nhất tất cả trong Đức Kitô cách mật thiết đến nỗi
Ngài chính là nguyên lý hiệp nhất của Giáo Hội. Ngài phân phát vô số các ân sủng
và các sứ vụ khác nhau (1Cr 12, 4-11) và làm cho Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô
nên phong phú bằng nhiều ân huệ, ‘nhờ đó các thánh được chuẩn bị làm công việc
phục vụ, là xây dựng thân thể Chúa Kitô’ (Eph 4, 12).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 26 -10
Ep 6,1-9; Lc 13,22-30.
Lời suy niệm “Hãy chiến đấu để được qua cửa hẹp mà vào,
vì tôi nói cho anh em biết: sẽ có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”
Nước Chúa luôn rộng mở đón nhận tất cả mọi người có
thiện chí ngay lành, nhưng muốn được bước vào cánh cửa này Chúa Giêsu mời gọi mỗi
người phải chiến đấu đi vào cửa hẹp. Cửa hẹp đòi hỏi con người luôn phải biết
gò mình lại, cần phải ép xác, đôi mắt mở to ra để nhìn và thấy rõ từng bước tiến
của mình, để không thể va chạm dẫm chân lên người anh em.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang mời gọi chúng con chiến đấu
để qua được cửa hẹp mà vào Nước Chúa. Xin cho chúng con vâng nghe tiếng Chúa
cùng chiến đấu, dẫn đưa nhau qua cửa hẹp mà Chúa đang mời gọi.
Mạnh Phương
26 Tháng Mười
Xin Cho Con Ðược Thay Ðổi Chính Con
Một triết gia Ấn Ðộ đã nhìn lại quãng đời đi của
mình như sau: Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện
duy nhất mà tôi dâng lên Thượng Ðế là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để
thay đổi thế giới.
Ðến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng một nửa
đời tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu
nguyện với Thượng Ðế: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được biến cải tất cả những
người con đã gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình con, bạn bè con. Và như vậy là
đủ cho con mãn nguyện rồi.
Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng
còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận thức rằng tôi đã khờ dại biết
chừng nào. Giờ này, tôi chỉ còn biết cầu nguyện như sau: Lạy Chúa, xin ban cho
con ơn được thay đổi chính con.
Nếu tôi biết cầu nguyện như thế ngay từ lúc đầu, thì
tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua.
Người xưa đã có lý khi dạy chúng ta: tu thân, tề
gia, trị quốc, bình thiên hạ... Theo trật tự của cuộc cạch mạng, thì cách mạng
bản thân là điều tiên quyết.
Một nhà cách mạng nào đó đã nói: chỉ cần 10 người
như thánh Phanxicô thành Assisi thì cuộc diện thế giới sẽ thay đổi. Cuộc cách mạng
đầu tiên mà bất cứ vị thánh nào cũng khởi sự đó là cách mạng bản thân.
Chúa Giêsu đã chuẩn bị 3 năm sống công khai bằng 30 năm âm thầm, 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện... Và lời kêu gọi đầu tiên của Ngài là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Chúa Giêsu đã chuẩn bị 3 năm sống công khai bằng 30 năm âm thầm, 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện... Và lời kêu gọi đầu tiên của Ngài là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Ai trong chúng ta cũng biết câu châm ngôn: Thà thắp
lên một ngọn đèn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối. Nếu mỗi người, ai cũng
đốt lên ngọn đèn của mình, nếu mỗi người, ai cũng đóng góp phần ít ỏi, nhỏ mọn
của mình, thì có lẽ thế giới này sẽ bớt lạnh lẽo hơn vì lòng ích kỷ... Không ai
nghèo đến nỗi không có gì để cho người khác. Chúng ta hãy bắt đầu bằng món quà
nhỏ mọn, có khi vô danh của chúng ta. Một giọt nước nhỏ là điều không đáng kể
trong đại dương, nhưng nếu không có những giọt nước nhỏ kết tụ lại, thì đại
dương kia cũng sẽ chỉ là sa mạc khô cằn.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét