Trang

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

24-11-2016 : CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM - LỄ TRỌNG

24/11/2016
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM.
Bổn mạng của Giáo Hội Việt Nam.
Lễ Trọng


* Hôm nay, phụng vụ kính nhớ 117 chứng nhân tử đạo Việt Nam. Các vị đã được tôn phong chân phước trong bốn đợt: Năm 1900, đức giáo hoàng Lê-ô XIII tôn phong 64 vị; đức giáo hoàng Pi-ô X tôn phong 8 vị năm 1906 và 20 vị năm 1909. Năm 1912, đức giáo hoàng Pi-ô XII tôn phong 25 vị. Tất cả 117 vị đều được đức giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, kể từ lúc Tin Mừng bắt đầu được loan báo tại Việt Nam, thế kỷ XVI, cho đến cuộc bách hại khốc liệt thế kỷ XIX, đã có nhiều chứng nhân anh dũng cả người Âu lẫn người Việt hy sinh thân mình vì Chúa Kitô.
Hồ sơ phong thánh và Các Giờ Kinh Phụng Vụ đặc biệt chú ý đến các tên tuổi sau: Người Việt Nam: thánh Anrê Dũng Lạc, linh mục (+1839), thánh Tôma Trần văn Thiện, chủng sinh (+1838), thánh Phaolô Lê bảo Tịnh, linh mục (+1857), thánh Em-ma-nu-en Lê văn Phụng, giáo lý viên và người cha trong gia đình (+1859). Các tu sĩ Đaminh người Tây Ban Nha, thuộc Tỉnh Dòng Mân Côi: thánh Giêrônimô Hécmôxila Liêm, giám quản tông tòa địa phận Đông đàng ngoài (+1861), thánh Valentinô Beriô Ô-choa, giám mục (+1861) và một vị người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Pari, thánh Tê-ô-phan Vêna (+1861).

Bài Ðọc I: Kn 3, 1-9
"Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu".
Trích sách Khôn Ngoan.
Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).
Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. - Ðáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: "Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng". Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. - Ðáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa. - Ðáp.

(Khi mừng theo bậc Lễ Trọng thì có Bài Ðọc II này):
Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 17-25
"Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.
Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: "Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?" Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Pr 4, 14
Alleluia, alleluia! - Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, vì Thánh Thần Chúa sẽ ngự trên anh em. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 17-22
"Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Lòng Mến Hoàn Thành Mọi Sự
Ngày lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta vừa phải nghĩ đến đạo vừa phải nghĩ đến quê hương dân tộc. Chúng ta phải ao ước cho đạo được tốt đẹp trên đất nước no ấm hạnh phúc. Vì thế chúng ta phải đến với các tử đạo Việt Nam, bày tỏ nguyện vọng và ưu tư thao thức của chúng ta muốn tốt đời đẹp đạo, không phải chỉ để các ngài cầu bầu cho chúng ta, mà còn xin các ngài giúp đỡ để chúng ta luôn biết làm tốt các nghĩa vụ đạo đời. Và trước hết, chúng ta xin các ngài hướng dẫn để xem các bài đọc trong Kinh Thánh hôm nay muốn nói gì với chúng ta.

1. Số Phận Người Nhân Nghĩa
Muốn hiểu bài sách Khôn Ngoan, chúng ta hãy nhớ lại lịch sử dân Chúa sau lưu đày, tức là các thế kỷ ngay trước Chúa Giêsu giáng sinh. Con cái Israel ngày càng thấy không thể xây dựng lại một quốc gia Do Thái nề nếp nữa. Ngược lại chủ quyền càng ngày càng ở chặt trong tay ngoại bang. Dân tộc chỉ còn thống nhất về mặt tôn giáo, cho dù con cái Israel bị phân tán đi các nơi. Ở chỗ nào hội đường cũng mọc lên và trở thành trung tâm duy trì truyền thống. Tuy nhiên gia sản tinh thần của cha ông để lại cũng không hoàn toàn thoát khỏi những cuộc tấn công dọa dẫm của các luồng tư tưởng ngoại giáo. Ðã có nhiều người tử đạo để bênh vực đức tin của cha ông. Nhưng kết quả thế nào? Những cái chết ấy dường như vô ích, tôn giáo vẫn gặp khó khăn; và các luồng tư tưởng ngoại giáo có vẻ càng đắc thắng. Sự kiện này làm cho nhiều người suy nghĩ. Hơn nữa, nó trở thành một khủng hoảng tinh thần: có nên tiếp tục sống theo tôn giáo của cha ông không?
Sách Khôn Ngoan ra đời vào chính lúc có nhiều người đang tự hỏi như thế. Riêng trong đoạn trích đọc hôm nay, tác giả muốn trực tiếp nói với những kẻ đang nghi ngờ. Ông bàn về cái chết của các tử đạo; nói đúng hơn, về số phận những người sống theo nhân nghĩa.
Trước mặt người đời, những người công chính có vẻ thua thiệt. Vì khi còn sống họ bị kẻ dữ ăn hiếp; và khi qua đời, họ chẳng thấy tương lai. Ðặc biệt có những người còn bị chính kẻ vô đạo sát hại mà công lý dường như làm ngơ. Nơi mắt phường ngu xuẩn, tức là theo tâm tư những kẻ không tin tưởng, thì chính những người kia như đã chết tận tuyệt, vô ích và thiệt thân.
Nhưng tác giả nói, đó chỉ là bề ngoài, đúng theo lẽ thế gian. Chứ thật ra, hồn những người nhân nghĩa đang ở trong tay Chúa và đang hưởng phúc an bình. Khổ hình đã không đụng tới họ. Ðó chỉ là lò luyện cho vàng sáng thêm. Và sự chết chỉ đưa họ sang nơi tràn đầy bất tử. Hơn nữa, vào buổi Chúa viếng thăm chung thẩm, họ sẽ sáng rực, cùng Chúa xét xử chư quốc và cầm quyền trên các dân. Ðó mới thực sự là số phận Chúa dành cho những người được chọn.
Dĩ nhiên lý luận này không có ý nghĩa gì cả đối với người không có đức tin. Nhưng tác giả sách Khôn Ngoan hy vọng gợi lên được nhiều suy nghĩ cho mọi người. Ðối với chúng ta hôm nay mừng lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta không cần áp dụng những lời chân thật kia vào đời sống và sự chết của các ngài. Chúng ta đã công nhận giá trị và vinh quang của cuộc đời phấn đấu nơi các tử đạo. Cần thiết và hữu ích hơn, nếu chúng ta nghe những lời kia như tiếng nói của các tử đạo thúc giục và khuyến khích chúng ta đang sống hoàn cảnh hiện nay của Hội Thánh và của Dân Tộc.
Thời nào cũng vậy, muốn làm tốt đời đẹp đạo, mọi tín hữu của Chúa đều phải phấn đấu can đảm và quảng đại. Chính trong những hoàn cảnh khó khăn và thử thách, người ta mới dễ phân biệt ai đạo đức và cao thượng thật. Tư lợi trước mắt không lôi cuốn được người công chính đi vào những hành động bất xứng. Và gian khổ đớn đau không làm họ bớt cương quyết, chu toàn các nghĩa vụ của mình. Theo nhãn giới người phàm, cư xử như vậy là thiệt thòi; nhưng trước mắt tinh thần đó là những tấm gương sáng ngời.
Tuy nhiên nói thì dễ, làm thì khó. Xác thịt con người rất yếu đuối và các cám dỗ ở đời này cũng rất mạnh. Ðể giữ vững đức tin và lý tưởng của mình, để sống đạo và ăn ở nhân nghĩa, ý chí con người nhiều khi không đủ. Phải vận dụng niềm tin như tác giả sách Khôn Ngoan hôm nay.
Hơn nữa phải cầu xin ơn giúp đỡ. Các Thánh Tử đạo Việt Nam hiểu hoàn cảnh và tâm tư của những người muốn làm tốt đời đẹp đạo ở đất nước này hơn ai hết. Chúng ta chạy đến với các ngài; xin các ngài phù trợ; dùng chính gương sáng trong cuộc đời phấn đấu gian khổ của các ngài để thúc giục và nâng đỡ mình. Chúng ta sẽ cố gắng như các ngài, sẽ đi vào đường lối các ngài đã đi, sẽ thành công rực rỡ như chính các ngài ngày hôm nay ở trước mặt Chúa.
Thật ra mỗi khi thấy chúng ta đến với mình, các ngài sẽ không chấp nhận giữ chúng ta ở lại mãi với mình và chỉ nhìn vào mình. Các ngài sẽ đưa chúng ta đến với Chúa và nhìn vào Chúa. Thiên Chúa mới thật là ánh sáng và là sự sống của hết mọi người công chính. Nơi Người mới thật sự có nguồn trợ lực mạnh mẽ và hiệu nghiệm để sống nhân nghĩa ở đời. Hôm nay chính Người cũng muốn gặp và nói với chúng ta nơi Con Một yêu quý của Người qua bài Tin Mừng.

2. Tương Lai Người Công Chính
Tác giả Gioan thuật rằng: Hôm ấy Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem. Thiên hạ nô nức đón chào Người. Có nhiều người Hy Lạp, tức là lương dân cũng tìm cách gặp Người. Chúa Giêsu biết đã đến lúc cứu cả dân Do Thái lẫn Hy Lạp. Người thấy cuộc khổ nạn đã gần. Người không nhắc tới bài sách Khôn Ngoan đọc hôm nay. Người nhìn thử thách đau thương và sự chết sắp đến một cách khác hẳn. Người nói: Như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới sai hoa lắm quả.
Lối nhìn của Người vượt xa hẳn niềm tin của nhà hiền triết Do Thái. Nó tích cực và phong phú. Nó không nghĩ đến bản thân nhưng mưu tìm hạnh phúc cho nhiều người. Nó không chờ đợi được Thiên Chúa ân thưởng; mà muốn cùng Người đưa lịch sử đi xa hơn.
Hơn nữa, có thể nói rằng, ở đây Chúa Giêsu còn có vẻ mạnh mẽ khước từ mọi quan niệm lo cho bản thân. Người nói: "Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất; ai ghét sự sống mình nơi thế gian này thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời".
Thú thật các Thánh Tử đạo Việt Nam đã chú trọng đến lời của Chúa Giêsu hơn là lời của tác giả sách Khôn Ngoan. Niềm tin đời sau và phần thưởng dành cho người công chính, dĩ nhiên cũng đã giúp các ngài chịu chết vì đạo. Nhưng có thể nói đó chưa phải là động lực mạnh mẽ. Lời Chúa Giêsu nói hôm nay đã có ảnh hưởng mạnh hơn nhiều.
Các Thánh Tử đạo Việt Nam đã can đảm chịu đựng gian khổ và phấn đấu cho đến cùng không phải chỉ vì tin tưởng có đời sau và hạnh phúc đang chờ mình. Các ngài còn hy sinh một cách quảng đại và phấn khởi, khi nghĩ rằng máu tử đạo là hạt giống đức tin. Các ngài nghĩ đến chúng ta, những kẻ sẽ được đức tin nhờ việc tuyên đạo của các ngài. Cái nhìn đó làm phấn khởi lòng các ngài, khiến các ngài không những không sợ cho Hội Thánh đang bị bắt bớ bấy giờ mà còn mừng rỡ vì Hội Thánh còn được phát triển hơn.
Ngay đối với xã hội trần gian, các ngài cũng chỉ thấy những hy sinh và sự chết của mình đem lại hoa trái dồi dào. Nhiều bậc cha mẹ có cả đàn con nheo nhóc biết rằng chỉ một lời nói, hoặc một cử chỉ bỏ đạo, là lập tức đã đủ để đưa họ ra khỏi tù mà về săn sóc đàn con. Nhưng họ đã làm nức lòng con cái khi can đảm và quảng đại xưng đạo, biết rằng sự chết của họ chỉ là hạt giống gieo xuống đất để sinh hoa kết quả. Hết mọi tu sĩ, linh mục tử đạo thời bấy giờ cũng tin vào Lời Chúa nói hôm nay như thế. Họ không sợ mình chết đi sẽ hết người làm tông đồ. Ngược lại, họ chắc chắn việc mình xưng đạo sẽ tưới máu cứu chuộc cho cây nho Nhà Chúa. Và sẽ có nhiều tông đồ khác, tốt hơn mình nữa sẽ đến và sẽ xây dựng Hội Thánh rực rỡ hơn. Cả những người đang làm hành chánh và quân sự khi ấy cũng đã phấn khởi chấp nhận bản án trừng phạt kẻ có đạo, cho dù nhiều đồng nghiệp và đồng bạn khuyên nên giữ mạng sống mình để phục vụ. Những người ấy nghĩ rằng phục vụ tốt hơn cả là thí ban mạng sống mình cho người mình yêu thương.]
Chúng ta hôm nay không thể không nghĩ đến những điều ấy để cảm mến chí hy sinh quảng đại của các tử đạo; và nhất là để học với các ngài tinh thần và gương sáng dám hy sinh tất cả để phục vụ mưu tìm hạnh phúc cho người khác. Hằng ngày chúng ta có rất nhiều cơ hội để hy sinh cho người khác và cho dân tộc. Không cần phải nghĩ đến đời sau như tác giả sách Khôn Ngoan nói, cứ tin lời Chúa Giêsu và nhớ rằng mọi hạt giống hy sinh đều sai hoa kết quả.
Tuy nhiên chúng ta vẫn dám nói rằng cho dù các lý lẽ trên rất đẹp và rất mạnh, chúng vẫn chưa có sức mạnh đẩy các tử đạo ra pháp trường nếu không có những lời sau đây của Chúa Giêsu. Người nói: "Ai hầu hạ Ta, thì hãy theo Ta; và Ta ở đâu, kẻ hầu hạ Ta cũng sẽ ở đó. Mà ai hầu hạ Ta, thì Cha Ta sẽ tôn trọng nó". Người nói đang khi thấy rõ Người sẽ đi đâu. Con đường khổ nạn thập giá đang chờ Người bước vào. Người đã dứt khoát chọn đi con đường ấy.
Và Người gọi kẻ thờ phượng Người cũng phải đi theo đến nơi Người sẽ đến. Người buộc mọi môn đệ phải vác thập giá của mình mà đi theo. Người đã vác thập giá đi trước để môn đệ không hơn Thầy và để đầu đã đến đâu thì thân thể cũng đến đó.
Các Tử đạo là những tín hữu mang danh Chúa. Họ là môn đệ Người. Họ hiểu rằng Người đã yêu thương họ nên đã vác thập giá đến núi Sọ để chịu đóng đinh. Sự chết của Người nói lên Tình yêu vô vàn của Thiên Chúa. Họ muốn đáp trả tình yêu ấy thì khi phải chết, họ không ngại chết. Họ chết để đi theo Thầy; để giống như Thầy và để được như Thầy. Họ còn chết một cách hân hoan sung sướng vì tình yêu mạnh hơn sự chết. Họ chết vì yêu Chúa. Và mọi cuộc tử đạo đều được gọi là việc tuyên đạo hay là xưng đạo, tuyên xưng đức tin dĩ nhiên rồi, nhưng nhất là tuyên xưng lòng mến và tình yêu đối với Chúa Giêsu.
Lời tuyên xưng ấy chỉ làm được trong bầu khí tử đạo, nếu người ta sẵn sàng làm mọi lúc trong đời sống.
Thế nên chúng ta cần thâm tín về tình yêu của Chúa để chính lòng mến Người ban sức mạnh cho chúng ta khi gặp khó khăn thử thách. Và để làm công việc ấy chúng ta hãy nghe lời thư Phaolô.

3. Lòng Mến Hoàn Thành Mọi Sự
Thánh tông đồ suy nghĩ về ơn công chính hóa, tức là ơn được tha thứ tội lỗi để trở nên công chính, ơn được chịu phép rửa tội và trở nên Kitô hữu. Chúng ta đang có ơn ấy, nên hãy lắng nghe lời thánh tông đồ nhắn nhủ.
Người phân tích và thấy rằng khi công chính hóa chúng ta, Thiên Chúa đã tỏ ra lòng thương vô ngần.
Ðây là tình thương quyết liệt, không thay đổi nữa, không phải chỉ vì Thiên Chúa là Ðấng Trung tín, luôn giữ lời giao ước, nhưng nhất là vì đã thương ta lần này như vậy và đã phò ta đến như thế, thì không ai và không sức mạnh nào có thể khiến Người bớt lòng thương mà bỏ rơi chúng ta, Người phải thí ban Con Một của Người chịu chết cho ta và chết đau khổ như thế trên thập giá. Người đã không tiếc với chúng ta Người Con yêu quý của Người, thì sao Người không gia ân vạn sự cho chúng ta làm một với Người! Thiên Chúa đã thương chúng ta đến như thế thì Người không thể tiếc với chúng ta một điều gì kém hơn.
Còn Ðức Kitô, Ðấng đã chết cho chúng ta và bây giờ trở thành Ðấng cầu bầu cho chúng ta nơi Thiên Chúa. Người có thể hất hủi bỏ rơi chúng ta sao? Hẳn là không. Luôn luôn Ðức Kitô muốn yêu thương và gìn giữ chúng ta trong tình yêu của Người.
Vậy nếu Thiên Chúa và Ðức Kitô yêu thương chúng ta như thế, thì hỏi ai và sức mạnh nào có thể rứt chúng ta ra khỏi tình yêu ấy? Thật, chúng ta phải thâm tín rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ... dù bất cứ tạo vật nào, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Thế thì đáp lại, chúng ta cũng phải nói rằng: dù gian truân bĩ cực hay bắt bớ và đói khát... không gì sẽ làm chúng ta bỏ Chúa. Vì Người mà chúng ta sẵn sàng sát phạt suốt ngày kể như chiên lò sát, bởi lẽ trên tất cả những sự ấy chúng ta sẽ toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta.
Cuộc đời và sự chết của các Tử đạo Việt Nam là một bằng chứng cho những lời Phaolô. Thánh Minh, thánh Quý, thánh Tịnh, thánh Hy... hết mọi thánh chúng ta mừng lễ hôm nay đã có thể trở thành tử đạo là nhờ ở lòng mến Chúa. Ðến như cậu thánh Bột mới trên dưới mười tuổi cũng biết xưng đạo, là vì biết Chúa thương mình. Lòng mên Chúa đã ban sức mạnh và vinh quang đến cho các ngài.
Hôm nay chắc chắn các ngài đang muốn cho chúng ta được lòng mến đó. Ðặc biệt trong giờ thánh lễ này. Các ngài như đang muốn khuyên nhủ và thúc giục chúng ta tin vào mầu nhiệm Bàn thờ để thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta thế nào trong việc Con Chúa chịu chết và sống lại vì chúng ta.
Lời thư Phaolô phải làm chúng ta cử hành thánh lễ này tốt hơn mọi khi. Và thấm tình yêu Chúa rồi, chúng ta hãy lấy đời sống làm chứng tình yêu mạnh hơn sự chết. Không có gì khiến chúng ta từ khước hy sinh cho Chúa và vì Chúa.
Các Tử đạo Việt Nam sẽ giúp chúng ta trong công việc này. Các ngài sẽ tiếp sức cho chúng ta khi hoàn thành mọi nghĩa vụ đạo đời. Những khó khăn trước mắt, và ngay cả những thiệt thòi ở đời này, cũng không làm chúng ta nản chí sống nhân nghĩa và đạo đức. Không phải chỉ vì chúng ta tin tưởng ở đời sau và tin ở kết quả lâu dài, nhưng nhất là chúng ta đã cảm mến tình yêu thương của Chúa thì chúng ta sẽ chẳng tiếc gì với Người, kể cả sự sống. Chỉ một tinh thần như vậy mới xứng đáng là các con cháu của các Tử đạo Việt Nam, và mới làm chứng hôm nay chúng ta đã nhận được ơn phù trợ của các ngài.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Các Thánh Tử Đạo Việt-Nam
Bài đọc: II Mac 7:1, 20-23, 27b-29; Rom 8:31b-39; Lk 9:23-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự sống, tình yêu, và sự đau khổ
Sự sống, tình yêu, và đau khổ là ba mầu nhiệm khó hiểu trong cuộc sống con người; vì thế, không phải ai cũng hiểu đúng. Chẳng hạn khi nói về nguồn gốc của sự sống, có người cho là do cha mẹ, có người cho là tự nhiên, có người cho là từ Thiên Chúa. Hay khi phải định nghĩa tình yêu, có người định nghĩa "yêu là chết trong lòng một ít;" có người cho là "cùng nhìn về một hướng;" hay "yêu ai là muốn mọi sự tốt đẹp cho người ấy." Khi nói về đau khổ, quan niệm của nhà Phật cho "cần diệt dục để tránh đau khổ;" trong khi Kitô giáo quan niệm con người không thể tránh đau khổ, và nó cần thiết để con người chứng tỏ niềm tin yêu nơi Thiên Chúa.
Các Bài Đọc trong ngày Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay giúp chúng ta thấu hiểu tại sao các bậc tiền nhân của chúng ta sẵn sàng hy sinh thân mình để làm chứng cho Chúa. Trong Bài Đọc I, bà mẹ của bảy anh em nhà Maccabees xác tín: Thiên Chúa là Đấng ban sự sống và hơi thở cho con người. Ngài sẽ trả lại sự sống cho ai trung thành làm chứng cho Ngài. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người qua biến cố Nhập Thể của Đức Kitô, Người Con của Ngài; để gánh tội cho nhân loại. Một khi đã cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, không một ai hay một quyền lực nào có thể ngăn cản con người đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Đức Kitô mặc khải cho con người nghệ thuật sống theo thánh ý Thiên Chúa. Đây là cách sống duy nhất mang lại sự sống đầy tràn cho con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống.
1.1/ Ai ban cho con người hơi thở và sự sống? Vua Antiochus nghĩ mình có quyền trên sự sống của bảy anh em nhà Maccabees; nên bắt bảy anh em cùng với bà mẹ thay đổi tôn giáo bằng cách cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Moses cấm. Sách Khôn Ngoan còn nói rõ hơn: những kẻ ngông cuồng muốn tra tấn như thế để thử xem Thiên Chúa có đến cứu những ai tin cậy Ngài hay không!
Là con người, ai cũng ham sống và sợ chết; tại sao bà mẹ vẫn bình tĩnh khi chứng kiến bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày? Có phải người mẹ và bảy anh em nhà Maccabees khinh thường sự sống? Trình thuật hôm nay nói rõ lý do: Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà vẫn can đảm chịu đựng được là nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa.
Là người cưu mang tất cả các con, mà Bà lại nói với các con: "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình."
Theo niềm tin Kitô giáo, Thiên Chúa ban sự sống cho con người bằng các ban hơi thở và thần khí, Ngài có quyền chấm dứt sự sống của con người bằng cách rút hơi thở ra. Hơn nữa, Ngài còn có quyền ban lại sự sống đời đời cho con người, nếu họ trung thành làm chứng cho Ngài.
1.2/ Tình yêu mạnh hơn đau khổ và sự chết: Tình mẫu tử được con người ở mọi nơi và mọi thời ca tụng, vì sự hy sinh chịu đựng của người mẹ dành cho con mình. Rất nhiều bà mẹ đã hy sinh cuộc sống cả đời cho tương lai của con cái; và nếu có phải chết vì con, nhiều bà mẹ cũng sẵn sàng hy sinh để con được sống. Tuy nhiên, tình mẫu tử chỉ là phản ánh của tình yêu Thiên Chúa, chính Ngài đã phú bẩm tình yêu của Ngài vào các bà mẹ để họ sẵn sàng hy sinh cho con cái. Vì thế, khi phải chọn giữa Thiên Chúa và con cái, các bà chọn Thiên Chúa, vì các bà biết Thiên Chúa sẽ trả lại con cái cho các bà. Chúng ta cảm nhận được niềm tin này qua lời của bà mẹ nói với người con út: "Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ."
2/ Bài đọc II: Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô.
2.1/ Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người: được diễn tả rất hay và đầy đủ qua ngòi viết của thánh-sử Gioan: "Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Jn 3:16). Không phải chỉ Thiên Chúa Cha yêu thế gian, mà Người Con cũng yêu thế gian qua sự kiện Ngài sẵn sàng chấp nhận cái chết đau thương trên Thập Giá: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Jn 15:13). Tuy con người chưa bao giờ nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng khi nhìn lên Thập Giá, con người cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa. Thánh Phaolô rút ra hai hệ luận quan trọng từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa:
(1) Thiên Chúa không tiếc con người bất cứ điều gì: Thánh Thomas Aquinas nói: yêu ai là muốn mọi sự tốt lành cho người ấy. Thiên Chúa yêu con người và muốn cho con người mọi sự tốt lành như Phaolô diễn tả: "Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?" Ngài còn rất nhiều quà tặng cho con người, và quà tặng quí giá nhất là cho chúng ta được sống đời đời với Ngài trên Thiên Đàng.
(2) Tình yêu Thiên Chúa không quan tâm đến việc xét xử: Nhiều người sợ Thiên Chúa và coi Ngài như vị hung thần chỉ chờ con người phạm tội là ra tay trừng phạt. Phaolô hoàn toàn chống lại quan niệm này: "Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?" Thánh Gioan đồng ý với quan niệm này và cắt nghĩa rõ hơn: Con người xét xử chính mình khi không tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa: "Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa" (Jn 3:17-18).
2.2/ Tình yêu con người dành cho Thiên Chúa: Tình yêu chỉ hoàn hảo khi người được yêu chấp nhận tình yêu của người cho đi; nếu không, muôn đời nó chỉ là tình đơn phương. Để có thể đáp trả tình yêu Thiên Chúa, con người phải cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Trong cuộc tử đạo của vị thánh trẻ Anrê Phú Yên, ngài khuyên các tín hữu đang thương khóc ngài những lời cuối cùng: "Anh chị em: chúng ta phải lấy tình yêu để đáp trả tình yêu, lấy mạng sống để đáp trả mạng sống!" Nếu Đức Kitô đã yêu thương và chết cho chúng ta, đến lượt, chúng ta cũng phải yêu thương và chết để làm chứng tình yêu của chúng ta dành cho Ngài.
Chấp nhận hy sinh và chịu đau khổ là hai dấu chứng chắc chắn để bày tỏ tình yêu. Thánh Phaolô chắc chắn đã cảm nhận được tình yêu của Đức Kitô dành cho, nên đã đặt câu hỏi cho mình và cho các tín hữu: "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?"
Chấp nhận đau khổ không nhất thiết là hậu quả của tội lỗi một người gây ra. Như Đức Kitô, Đấng không bao giờ phạm tội, mà Thiên Chúa muốn Ngài gánh mọi hình phạt của tội lỗi con người. Noi gương Đức Kitô, các môn đệ của Ngài cũng phải chịu đau khổ để đền tội cho mình và cho mọi người, như có lời chép: "Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh" (LXT 43:23, RSV 44:22). Và thánh Phaolô kết luận: "không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta."
3/ Phúc Âm: Ai được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?
3.1/ Nghệ thuật sống trên đời: Biết sống là một nghệ thuật phải học, vì không phải ai cũng biết sống. Nhiều người tìm đọc cuốn Nghệ thuật Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie, vì ông dạy cho con người biết sống. Tuy nhiên, nếu so sánh sách này với sự dạy dỗ của Đức Kitô dành cho các môn đệ, những lời chỉ giáo của Đức Kitô vượt xa những khôn ngoan của con người.
(1) Ba điều kiện để làm môn đệ Đức Kitô: Đức Giêsu nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo."
- Từ bỏ chính mình: Đây có lẽ là điều khó làm nhất, vì nó đòi con người phải từ bỏ ý riêng của mình để sống hoàn toàn theo thánh ý Chúa trong mọi sự.
- Vác thập giá hằng ngày của mình: Thập giá hằng ngày là tất cả những bệnh tật, hiểu lầm, trái ý, thử thách do tha nhân và hoàn cảnh gây ra.
- Đi theo Đức Kitô: Con người không chỉ tiêu cực từ bỏ chính mình và vác thập giá suông; nhưng làm tất cả những điều đó cho một mục đích cao vời như Đức Kitô: đó là làm sao đem Tin Mừng cứu độ đến cho muôn người.
(2) Nghịch lý của đời sống: Nghệ thuật sống của Đức Kitô dạy không phải là một trong những cách để sống; nhưng là cách thức duy nhất cho những ai muốn sống cách sung mãn và có ý nghĩa, vì Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng: "Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy." Chúa có ý muốn nói: Nếu con người không theo nghệ thuật sống trên, mà chỉ sống theo ý riêng mình, họ sẽ mất mạng sống họ muốn giữ; nhưng nếu họ sống theo thánh ý Thiên Chúa bằng cách sống hy sinh như Đức Kitô, họ sẽ cứu được mạng sống họ.
3.2/ Hậu quả phải lãnh nhận của những người không biết sống: Sống làm sao sẽ gặt hái hậu quả tương xứng. Đối với những người chỉ biết vun quén cho mình để trở nên giàu có, Chúa nhắc nhở họ: "Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?" Điều Chúa muốn nói ở đây là phần rỗi linh hồn và cuộc sống đời sau.
Đối với những người không sống Lời Chúa và không làm chứng cho Ngài khi có dịp, Chúa cho họ biết hậu quả: "Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa là Đấng duy nhất có quyền trên sự sống: Ngài có quyền ban sự sống và có quyền lấy đi. Hơn nữa, Ngài còn có quyền cho lại sự sống đã mất và sự sống trường sinh.
- Thiên Chúa yêu thương con người với tình yêu không biên giới. Ngài cũng đòi chúng ta yêu thương Ngài và tha nhân như thế, cho dù có phải hy sinh đến tính mạng của mình.
- Hy sinh chịu đựng đau khổ vì Chúa là cách thức duy nhất chúng ta có thể làm để minh chứng tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

24/11/16 THỨ NĂM TUẦN 34 TN
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lc 9,20-26

Suy niệm: Mỗi lần đến lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta lại thấy lòng rộn lên niềm tự hào, hãnh diện vì sự kiên cường xả thân để minh chứng đức tin của cha ông mình. Trong số 118 vị tử đạo, có 21 vị là các nhà truyền giáo Châu Âu (11 đến từ Tây Ban Nha, 10 đến từ Pháp), hình như chúng ta thường ít để ý đến các vị này. Các ngài đã sẵn sàng rời quê hương, từ bỏ chốn phồn hoa, nếp sống văn minh, để đem giá trị của nền “văn minh tình thương, văn hóa sự sống” cho chúng ta. Một cách nào đó, các ngài thật sự đã “tử đạo” ngay khi quyết định lên đường. Vâng, các ngài đã không tiếc nuối, đã anh dũng ra đi rao giảng Tin Mừng.  Sống đức tin hôm nay là tiếp nối bước chân các ngài, can đảm đi ra khỏi chính mình để làm chứng cho Tin Mừng sự sống, để sống niềm tự hào là con cháu các vị anh hùng. Đó như  một lời tạ ơn Thiên Chúa và tri ân Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Mời Bạn: Ngày nay, bạn và tôi không dễ có cơ hội để đổ máu vì đức tin, nhưng được mời gọi sống đức tin ấy cách son sắt hằng ngày, để không hổ danh “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.”
Chia sẻ: Trong hoàn cảnh hiện tại, bạn cần làm gì, “ra đi” khỏi những điều gì để noi theo gương sáng của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam?
Sống Lời Chúa: Âm thầm và vui tươi đón nhận những hy sinh, từ bỏ nho nhỏ hằng ngày để theo Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng con mang ơn các ngài rất nhiều. Xin giúp chúng con hôm nay can đảm làm chứng nhân như các ngài.

Không thuộc về thế gian
Ơn gọi Kitô hữu đặt ta vào một thế đứng chênh vênh, thế đứng đòi phải trả giá. Tử đạo là cách làm chứng tuyệt vời trong thời bách hại. Trong thời kinh tế thị trường, cần có những cách làm chứng khác.


Suy nim:
“Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua,
lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước.
Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Ðức Kitô.”
Ðó là câu trả lời của ông Micae Hồ Ðình Hy
khi vua Tự Ðức mời ông giả vờ bước qua thánh giá.
Ông là người thanh liêm, được nhà vua hết sức tín cẩn,
cho phụ trách ngành dệt trong cả nước.
Nhưng ông cũng là một Kitô hữu xông xáo làm việc tông đồ.
Ông không thấy có gì xung khắc
giữa việc phục vụ đất nước với việc phục vụ Giáo Hội.
Khi quân Pháp bắn phá cảng Ðà Nẵng thì ông bị bắt,
bị kết án là khinh luật nước, chống lại triều đình.
Ông Hy đã chấp nhận cái chết một cách bình thản.
Trước khi chịu chém, ông còn xin hút một điếu thuốc,
hương vị cuối cùng của trần gian mà ông muốn nếm
trước khi nếm hương vị của thiên đàng vĩnh cửu.
Cuộc sống và cái chết của thánh Micae Hy
soi sáng cho đoạn Lời Chúa hôm nay.
Người Kitô hữu có hai đầu dây cần phải giữ.
“Như Cha đã sai Con đến trong thế gian,
Con cũng sai họ đến trong thế gian” 
(Ga 17,18).
Thế gian là nơi thánh Hy đã sống cho đến chết.
Thế gian là đất nước, là vua quan, là thứ dân...
Ngài đã yêu mến và sống tận tình cho thế gian đó.
Thế gian đã trở nên như máu thịt của người Kitô hữu
vì đó là nơi họ được Chúa sai đến để phục vụ,
và là nơi họ trở thành người Kitô hữu trọn vẹn.
“Họ không thuộc về thế gian,
cũng như Con không thuộc về thế gian”
 (Ga 17,16).
Ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian,
nghĩa là không hoàn toàn nghĩ và sống như thế gian.
Người Kitô hữu không coi thường mọi giá trị của xã hội,
nhưng họ có một thang giá trị riêng.
Họ biết đâu là những giá trị mà họ phải tôn trọng.
Nếu hy sinh những giá trị đó, họ sẽ đánh mất chính mình
và chẳng đóng góp được gì cho bộ mặt thế giới.
Họ là nhúm men vùi trong đống bột.
Men không được tách khỏi bột,
và men cũng không được biến chất thành bột.
Trong cả hai trường hợp, men đều trở nên vô ích.
Chúng ta vẫn bị cám dỗ buông một trong hai đầu dây.
Bỏ một trong hai đều làm mất căn tính của người Kitô hữu.
Ơn gọi Kitô hữu đặt ta vào một thế đứng chênh vênh,
thế đứng dễ ghét, thế đứng đòi phải trả giá.
Tử đạo là cách làm chứng tuyệt vời trong thời bách hại.
Trong thời kinh tế thị trường, cần có những cách làm chứng khác.
Người Kitô hữu vẫn bị cám dỗ bước qua lương tâm mình
để mua lấy chút địa vị, lợi nhuận, an toàn, thoải mái...
Thế gian không ở ngoài ta, thế gian ở ngay trong lòng ta.
Ước gì chúng ta dám chấp nhận thiệt thòi, phiền hà, mất mát,
khi can đảm làm chứng cho lòng tin và tình yêu.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.
Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG MƯỜI MỘT
Hòa Bình, Hoa Trái Của Sự Chuyển Hóa Nội Tâm
Chính Thiên Chúa là Đấng biến đổi trái tim con người, như Ngôn Sứ Eâdêkien đã diễn tả hùng hồn: “Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi, và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt” (Ed 36,26). Giáo Hội không ngừng công bố sự thật rằng hòa bình thế giới bắt rễ từ trong chính cõi lòng con người, từ trong lương tâm của mọi con người.
Hòa bình chỉ có thể là hoa trái của một cuộc chuyển hóa nội tâm, bắt đầu trong lòng của mỗi người và lan tỏa ra trong mọi xã hội tới mọi cộng đồng. Cộng đồng thứ nhất trong các cộng đồng chính là gia đình. Gia đình là cộng đồng đầu tiên được mời gọi sống hòa bình và cũng là cộng đồng đầu tiên được mời gọi tranh thủ hòa bình và hữu nghị cho hết mọi người trên thế giới này.
Đó là lý do tại sao suy tư hôm nay của chúng ta về hòa bình được tập chú vào gia đình. Chúng ta hy vọng rằng trong các tế bào căn bản này của xã hội sẽ có một niềm khát vọng mãnh liệt được sống hòa bình và hữu nghị với mọi con người.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 24 – 11
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam
Kn 3,1-9; Rm 8,31-39; Lc 9,23-26.

Lời suy niệm: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”
Càng gần đến ngày cuối năm phụng vụ, Chúa Giêsu càng kêu mời mỗi một người trong chúng ta cần phải gắn bó mình với Chúa Giêsu một cách thắm thiết hơn là: Từ bỏ chính minh – vác thập giá mình hằng ngày – đi theo Chúa. Để mạng sống của mình được bảo đảm sống trong vinh quang của Chúa Cha.
Lạy Chúa Giêsu. Các thánh Tử Đạo Việt Nam, đã liều mất mạng sống của mình vì Chúa, mà hôm nay chúng con đang mừng kính lễ các ngài. Xin cho dòng máu các thánh Tử Đạo Việt Nam làm trổ sinh nhiều qua trái đức tin trên đất nước của chúng con, trong đó có con và gia đình của chúng con.
(daminhvn.net)


24 Tháng Mười Một
Ðây Bài Ca Nghìn Trùng

Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, từ dạo Ðức Giêsu gục đầu tắt thở trên thập giá, cuộc sống và cái chết của Ngài đã trở nên một bài ca nghìn trùng, một bản tình ca muôn thuở nói lên mối tình Thiên Chúa yêu thương nhân loại, được thể hiện qua cái chết tự ý thực tình của Ngài để sống trọn từng chữ lời mình tuyên bố:
"Không có Tình Yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".
Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài ca nghìn trùng, bài ca muôn thuở của một cuộc đời sống cho tình yêu và một cái chết, chết cho cuộc tình. Vì thế, cuộc sống khó nghèo, khiêm tốn, lam lũ để dấn thân rao giảng Tin Mừng và cứu nhân độ thế của Ðức Giêsu phải kết thúc bằng cái chết tang thương, tất tưởi, cái chết đầy đau đớn, tủi nhục trên thập giá, để ngàn đời hai bàn tay bị đinh đâm thâu qua không thể nào nắm lại được nữa, nhưng muôn thuở một bàn tay luôn xòe ra như muốn nói: "Vâng, Con hoàn toàn yêu mến và vâng phục thánh ý Cha", và bàn tay kia luôn mở rộng như muốn nói: "Vâng, Ta chọn tình thương yêu và sẵn sàng phục vụ mọi người cho đến khi đổ giọt máu cuối cùng".
Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài ca nghìn trùng của cuộc sống dấn thân phục vụ được kết thúc trên thập giá để từ dạo ấy thập giá là biểu tượng cho một quy luật muôn thuở của Tin Mừng do Ðức Giêsu rao giảng: "Nếu hạt lúa gieo xuống đất không mục nát đi, nó cứ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó mục nát đi, nó sinh ra được nhiều hạt khác".
Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, đây bài ca tình thương muôn thuở được sướng lên để chờ đợi những câu đáp trả. Ngày hôm nay, nhân ngày lễ mừng thánh Andrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo, chúng ta hãy hân hoan dâng lên Thiên Chúa cuộc sống và cái chết vì đức tin, vì tình yêu của các bậc đàn anh, đàn chị, của chúng ta như những câu đáp lại điệp khúc bản tình ca của Chúa Giêsu: "Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".
Một điểm son nổi bật nhất trong những thành tích vẻ vang chứng tỏ niềm tin sắt đá được các thánh tử đạo Việt Nam ghi vào những trang sử của Giáo Hội là: Lòng tôn kính thập giá.
Không hiểu vì lý do gì mà các vua quan Việt Nam thời đó đã dùng thập giá làm phương tiện để thách đố niềm tin của các vị tử đạo. Họ gọi đó là "Quá khóa" để dùng thập giá vạch ranh giới giữa cái sống và cái chết. Nhưng trăm ngàn hình khổ đã không làm cho các vị anh hùng đức tin Việt Nam tự ý bước qua thập giá, dấu hiệu của Ðấng đã rao giảng và đã thực hiện lời mình xác quyết: "Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".
Không bước qua thập giá để chứng tỏ mình không chối bỏ đạo, không chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa, không chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với mình dù phải chịu tan xương nát thịt, dù phải chịu kìm kẹp, giam cầm, dù phải chịu voi dày ngựa xéo, dù phải chịu đầu rơi máu đổ, các vị tử đạo Việt nam đã nêu gương đáp lại tình yêu của Ðấng chết treo trên thập giá để:
- Nợ máu, các ngài đã trả bằng máu.
- Nợ tình, các ngài đã trả bằng tình.
- Nợ mạng sống, các ngài đã trả bằng những cái đứnng lặng im, không qua khóa, nhưng cái đứng bất động này là những cử chỉ hùng hồn dẫn các ngài đến cái chết vì một niềm tin, chết cho một cuộc tình như Ðức Giêsu đã nêu gương.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét