Nền văn minh của thần tiền sẽ sụp đổ
Sự trụy lạc chính là tội phạm thượng, ví như thành Babylon,
nơi ấy “không có Thiên Chúa” mà chỉ có “thần tiền bạc, thần của cải, thần lợi dụng”.
Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Ngài nhắc mọi người nhớ rằng, trong tuần cuối của Năm Phụng Vụ, Hội Thánh mời gọi
chúng ta nghĩ về ngày tận cùng của thế giới và ngày kết thúc của mỗi người
chúng ta.
Đức Thánh Cha diễn giải khởi đi từ bài đọc trích sách Khải
Huyền (Kh 18:1-2.21-23, 19:1-3.9a). Trong đó có ba tiếng nói vang lên.
Tiếng hô chiến thắng của thiên thần
Đầu tiên là tiếng hô lớn của thiên thần từ trời: “Sụp đổ rồi,
sụp đổ rồi, thành Babilon vĩ đại!” Vì Babilon đã đã trở nên sào huyệt của những
thứ ô uế và làm cho bao tâm hồn ra hư hỏng.
Sống trụy lạc là lối sống phạm thượng, sự trụy lạc là tội phạm
thượng. Vì trong thế giới trụy lạc, ví như thành Babilon, không có Thiên Chúa mà
chỉ có thần tiền, thần giàu sang, thần lợi dụng bóc lột. Và điều ấy đã quyến rũ
bao người. Nhưng vào những ngày cuối cùng, nền văn minh kiểu này sẽ sụp đổ, và
tiếng hô lớn của thiên thần vang lên: “Sụp đổ rồi!” Nó sụp đổ cùng với những
cám dỗ của nó. Đế chế của hư danh, của phù vân, của kiêu căng sụp đổ, giống như
ma quỷ suy sụp.
Lời ca khen của dân Chúa
Tiếng nói thứ hai là tiếng tung hô mà đoàn người đông đảo
vang lời ngợi khen Chúa: “Thiên Chúa ta thờ là Đấng cứu độ, Đấng vinh hiển uy
quyền!” Đó là tiếng hô của dân Chúa, của những người tuy tội lỗi nhưng không trụy
lạc, mà đi tìm ơn tha thứ, tìm ơn cứu rỗi nơi Chúa Giêsu Kitô.
Những người này vui mừng khi thấy niềm vui của chiến thắng
cuối cùng. Họ vang lời thờ lạy Chúa. Không chỉ có tiếng hô chiến thắng của
thiên thần về sự sụp đổ của vương quốc tối tăm, mà còn có lời tung hô ngợi khen
của đông đảo dân Chúa. Đối với các Kitô hữu, không dễ để có được lòng tôn thờ
này. Thật là tốt mỗi khi chúng ta cầu xin điều gì đó, nhưng không dễ để chúng
ta có một lời cầu nguyện ngợi khen Chúa. Bạn cần học lối cầu nguyện này. Học
ngay từ bây giờ và không học trong sự vội vàng hấp tấp. Thật là đẹp trong lối cầu
nguyện tôn thờ trước Thánh Thể. Một lối cầu nguyện thật đơn sơ: “Lạy Chúa! Ngài
là Thiên Chúa. Con chỉ là đứa con nghèo hèn nhưng được Ngài yêu thương.”
Tiếng mời gọi dịu êm của Thiên Chúa
Tiếng nói thứ ba là lời thì thầm. Thiên thần bảo hãy viết:
“Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới của Con Chiên!” Lời mời của Chúa
không phải là tiếng nói ồn ào nhưng là tiếng nói dịu êm. Tiếng ấy nhẹ êm giống
như khi Thiên Chúa nói với ngôn sứ Êlia. Đó là vẻ đẹp của tiếng nói rót vào cõi
lòng trong sự êm dịu. Khi Thiên Chúa nói với các tâm hồn, tiếng của Ngài tựa
như chuỗi âm thanh lặng thinh. Lời mời dự tiệc cưới của Con Chiên chính là lời
chung cục, là ơn cứu độ của chúng ta.
Những người được vào dự tiệc, theo như dụ ngôn Chúa Giêsu kể,
là những người ở ngã tư đường của tốt xấu, đui mù, điếc lác, què quặt, tất cả
chúng ta đều là tội nhân nhưng có đủ khiêm tốn mà thưa lên rằng: Con đầy tội lỗi,
xin Chúa cứu con! Nếu chúng ta có tâm hồn như thế, Thiên Chúa sẽ mời chúng ta,
và chúng ta sẽ nghe thấy tiếng thì thầm của Ngài trong lòng chúng ta, để mời gọi
chúng ta đến dự tiệc.
Bài Tin Mừng theo thánh Luca (21:20-28) kết thúc với câu
Chúa Giêsu nói: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, tức là khi hư danh phù
vân kiêu căng bị sụp đổ, thì anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em
sắp được cứu chuộc”. Đó là lúc anh em được mời vào dự tiệc cưới của Con Chiên.
Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để biết đợi chờ tiếng mời gọi ấy, để chúng ta
chuẩn bị tâm hồn mà lắng nghe tiếng mời gọi này: Hãy đến, hãy đến, đến đây, hỡi
người đầy tớ trung tín – tuy tội lỗi nhưng tín trung – hãy đến, đến dự tiệc của
Chủ anh!
Tứ Quyết SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét