04/07/2018
Thứ tư tuần 13 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm
II) Am 5, 14-15. 21-24
"Ngươi hãy
mang đi xa Ta giọng hát, lời ca của ngươi, và hãy biểu lộ sự chính trực như suối
chảy mạnh".
Trích sách Tiên tri
Amos.
Các ngươi hãy tìm sự
lành, và đừng tìm sự dữ, để các ngươi được sống. Và như vậy, Chúa là Thiên Chúa
các đạo binh sẽ ở cùng các ngươi, như các ngươi đã nói. Các ngươi hãy ghét sự dữ,
và yêu sự lành, hãy lập công nơi cửa thành, như vậy có lẽ Chúa là Thiên Chúa
các đạo binh, sẽ thương xót những kẻ còn sót lại bởi chi tộc Giuse.
Ta khinh ghét và chê bỏ
những ngày lễ trọng của các ngươi. Ta không thèm ngửi mùi hương trong các kỳ hội
của các ngươi. Nếu các ngươi dâng cho Ta của lễ toàn thiêu và phẩm vật, Ta sẽ
không chấp nhận. Ta cũng không nhìn đến các lễ khấn tốt đẹp của các ngươi;
ngươi hãy mang đi cho xa Ta giọng hát, lời ca của ngươi. Ta sẽ không nghe tiếng
đàn ca của ngươi. Sự công minh sẽ biểu lộ như nước chảy, và sự chính trực như
suối chảy mạnh.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 49, 7. 8-9.
10-11. 12-13. 16bc-17
Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho biết ơn Thiên
Chúa cứu độ (c. 23b).
Xướng: 1) Hỡi dân tộc
của Ta, hãy nghe Ta nói; hỡi Israel, Ta sẽ chứng tỏ lời phản đối ngươi: Ta là
Thiên Chúa, Ðức Thiên Chúa của ngươi. - Ðáp.
2) Ta không khiển
trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt
Ta luôn. Ta không nhận từ nhà ngươi một con bò non, cũng không nhận từ đàn
chiên ngươi những con dê đực. - Ðáp.
3) Vì ta sở hữu mọi
muông thú sơn lâm, và muôn ngàn súc vật ở những miền non núi. Ta biết hết thảy
mọi giống chim trời, và động vật sống nơi đồng ruộng, Ta cũng rõ. - Ðáp.
4) Nếu Ta đói, Ta
không phải nói với ngươi, vì Ta là chủ địa cầu và mọi cái chứa đầy trong đó. Phải
chăng Ta thèm ăn thịt bò, hay là Ta thèm uống tiết dê ư? - Ðáp.
5) Tại sao ngươi ưa kể
ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta? Ngươi là
kẻ không ưa lời giáo huấn, và ném bỏ lời Ta lại sau lưng? - Ðáp.
Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia. -
Ước gì hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 8,28-34
"Ông đến lúc
này để hành hạ các quỷ".
Bài trích Phúc Âm theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên
thuyền sang bờ bên kia, đến miền Giêrasa, thì gặp hai người bị quỷ ám từ các mồ
mả đi ra, chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua đường ấy.
Và chúng kêu lên rằng:
"Lạy Ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây
để hành hạ chúng tôi trước hạn định sao?"
Cách đó không xa có một
đàn heo lớn đang ăn.
Các quỷ nài xin Người
rằng: "Nếu ông đuổi chúng tôi ra khỏi đây, thì xin cho chúng tôi nhập vào
đàn heo".
Người bảo chúng rằng:
"Cứ đi".
Chúng liền ra khỏi đi
nhập vào đàn heo.
Tức thì cả đàn heo, từ
bờ dốc thẳng, nhào xuống biển và chết chìm dưới nước.
Các người chăn heo chạy
trốn về thành, báo tin ấy và nói về các người bị quỷ ám. Thế là cả thành kéo ra
đón Chúa Giêsu. Khi gặp Người, Họ xin Người rời khỏi vùng của họ.
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm: Hai Mẫu Người
Chúa Giêsu đã đến với
con người. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy hai mẫu người, hai cách thức Chúa
đến với họ.
Mẫu người thứ nhất có
thể thấy được nơi hai người bị quỉ ám. Họ là những con người bị đẩy ra bên lề
xã hội và chính họ cũng không làm chủ được trí khôn của mình nữa, họ không còn
sống như một người bình thường và bị người ta xa lánh. Chúa Giêsu đến với họ một
cách bất ngờ, họ chưa kịp xin Chúa chữa lành; vả lại họ cũng không thể xin, vì
lúc đó họ đang bị quỉ ám. Thế nhưng, Chúa đã chữa lành họ, Ngài cho phép quỉ nhập
vào đàn heo gần đó. Một phép lạ xẩy ra làm rúng động những người dân trong thành.
Mẫu người thứ hai là
dân cư miền Gađara. Những người này có đời sống vật chất đầy đủ và tiện nghi,
nhưng dường như không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa đến với họ qua dấu lạ
chữa lành hai người bị quỉ ám mà từ lâu họ đã chối từ, và sự kiện đàn heo bị quỉ
nhập lao xuống biển chết chìm. Chúa Giêsu đã thực hiện dấu lạ để kéo chú ý của
người dân trong thành về việc Chúa đến, nhưng họ đã bỏ mất cơ hội để tiếp xúc với
Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Bởi vì, như Tin Mừng kể lại, sau khi gặp Ngài, họ
xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ. Họ làm thế vì sợ phải gánh chịu những thiệt
hại vật chất do sự hiện diện của con người lạ lùng này. Những lợi lộc hay những
thiệt thòi vật chất có thể làm cho con người khép kín tâm hồn, trở nên mù quáng
trước sự hiện diện yêu thương, bình an và cứu rỗi của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta
một tâm hồn thanh thoát, biết mở rộng để đón nhận những dấu chỉ sự hiện diện của
Chúa, để sẵn sàng đến gặp Chúa, sống với Chúa và trở thành dụng cụ hữu hiệu của
Chúa cho những người xung quanh.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần 13 TN2
Bài đọc: Amo
5:14-15, 21-24; Mt 8:28-34.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tìm điều lành chứ đừng
tìm điều dữ.
Để làm điều lành và
tránh điều dữ đòi con người phải biết rõ đâu là điều lành và đâu là điều dữ; nếu
không, có người đang làm điều dữ mà cứ nghĩ đó là điều lành. Thứ đến, để thúc đẩy
làm điều lành, con người cần biết rõ những lợi ích sẽ gặt hái được, và những
tai hại phải lãnh nhận khi làm điều gian ác. Để biết những điều này, con người
phải học hỏi; nhưng nhiều người nại lý do quá bận không học hỏi. Hậu quả là họ
phải lãnh nhận bao thiệt hại vì không biết.
Các bài đọc hôm nay
cho chúng ta một số ví dụ để nhận ra đâu là điều lành và đâu là những sự gian
ác. Trong bài đọc I, ngôn sứ Amos tuyên bố cho con cái Israel biết: Nếu họ muốn
được Thiên Chúa đoái thương bảo vệ, họ phải sống công bằng và bác ái với tha
nhân; nếu không, bao nhiêu lễ vật họ dâng tiến và các lễ nghi trong Đền Thờ họ
làm, chỉ là những điều trái mắt và không làm đẹp lòng Thiên Chúa. Trong Phúc
Âm, những người miền Gadarenes tuy nhận ra uy quyền trừ quỷ của Chúa Giêsu;
nhưng lại không muốn Ngài ở với họ, vì họ sợ phải chịu thiệt hại nặng nề. Họ
không nhìn ra những lợi ích khi Chúa Giêsu ở giữa họ. Họ coi trọng đàn heo hơn
là sự lành mạnh linh hồn của hai người anh em họ, và họ không hiểu những tai hại
khi sống với ma quỉ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy ghét điều dữ và chuộng điều lành.
1.1/ Sống công chính và
làm điều lành là hai điều kiện để được Thiên Chúa bảo vệ.
Điều không đúng mà nhiều
người lầm tưởng: Cứ là tín hữu, Thiên Chúa sẽ chúc lành và bảo vệ, mà không cần
phải tuân giữ những gì Ngài truyền dạy. Con cái Israel nghĩ Thiên Chúa sẽ chúc
lành và bảo vệ họ, vì họ là con cái của tổ phụ Giuse, người được Thiên Chúa bảo
vệ và chúc lành. Họ quên đi họ phải ăn ở tốt lành như cha ông họ mới được Thiên
Chúa đoái thương tới.
Giuse là cha của
Ephraim và Manasseh. Hai chi tộc này chiếm phần lớn các đất đai và dân cư của
vương quốc Israel; vì thế, không chỉ những người của hai chi tộc này tự nhận họ
là “con cháu của Giuse,” hay thuộc “nhà Giuse,” mà ngay cả những người thuộc
chi tộc khác trong vương quốc cũng nghĩ như thế.
“Nơi cửa công, hãy thiết
lập công lý” ám chỉ nhiều bất công đã xảy ra trong các vụ xử kiện của người
Do-thái, vua chúa và các quan án của Israel đã bị mua chuộc để xử bất công với
những người nghèo. Một ví dụ dẫn chứng điều này là vụ xử kiện được bày mưu bởi
bà hoàng hậu Jezebel để tố gian và ném đá chết ông Naboth, để tước đoạt vườn
nho của ông này.
1.2/ Đạo không chỉ là những
lễ nghi và lễ vật hy sinh bên ngoài.
Nhiều tín hữu và người
Do-thái vẫn tin họ có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng việc đi lễ và dâng lễ vật
hy sinh, mà không cần phải sửa đổi cuộc sống. Họ nghĩ một khi Thiên Chúa thấy họ
tham dự lễ nghi sốt sắng và bố thí chút tiền cho người nghèo, Ngài sẽ bỏ qua mọi
tội lỗi cho họ. Đây là một lỗi lầm tai hại mà Thiên Chúa vạch ra hôm nay qua lời
của ngôn sứ Amos: “Lễ lạc của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường; hội hè của
các ngươi, Ta chẳng hề thích thú... những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận,
chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng
hát om sòm của ngươi, Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.”
Để có thể thực hiện lẽ
phải, con người trước tiên cần phải biết học hỏi để biết lẽ phải. Lẽ phải ở đây
là sự thật được mặc khải từ Thiên Chúa trong Sách Thánh; chứ không phải những
tư tưởng hay cách sống của thời đại. Thứ đến, Thiên Chúa đòi con người không chỉ
biết lẽ phải, mà còn phải thực hiện lẽ phải; nghĩa là, phải thực thi tất cả những
gì Ngài dạy.
2/ Phúc Âm: Cả thành ra đón Đức Giêsu, và khi gặp Người, họ xin Người rời
khỏi vùng đất của họ.
2.1/ Chúa Giêsu đương đầu
với quyền lực ma quỉ: Trình thuật
Matthew kể: “Khi Đức Giêsu sang bờ bên kia của Biển Hồ đến miền Gadaranes, có
hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi
không ai dám qua lại lối ấy. Gặp Chúa Giêsu, chúng la lên rằng: "Hỡi Con
Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm
khổ chúng tôi sao?" Chúng ta cần chú ý hai điểm quan trọng sau:
(1) Thiên Chúa và ma
quỉ không thể ở chung: chỗ nào có sự hiện diện của Thiên Chúa, là không có
sự hiện diện của ma quỉ và ngược lại. Ma quỉ biết Thiên Chúa sẽ tiêu diệt chúng
vĩnh viễn trong Ngày Phán Xét. Thời gian trước ngày đó, chúng được quyền cám dỗ
con người. Đó là lý do chúng nhắc khéo Chúa Giêsu là "chưa tới lúc" để
Ngài tiêu diệt chúng.
(2) Kế hoạch của ma quỉ: Nhiều
người thắc mắc tại sao ma quỉ xin nhập vào đàn heo và tại sao chúng lại lao xuống
biển? Câu trả lời là chúng ta biết ma quỉ rất khôn ngoan, chúng đã có sẵn kế hoạch
để dân làng “mời” Chúa Giêsu đi khỏi!
2.2/ Sợ hãi mất lợi tức
làm dân thành quyết định thiếu khôn ngoan:
Trình thuật của
Matthew không cho biết số lượng của bầy heo lao xuống biển; trình thuật của
Marcô cho biết số lượng khoảng 2,000 con. Nhiều tác giả thắc mắc lý do tại sao
Chúa Giêsu cho quỉ nhập vào đàn heo để gây thiệt hại cho dân làng như vậy.
Chúng ta cần công bằng khi phán xét: Chúa Giêsu không phải là lý do chính gây
ra việc đàn heo lao xuống biển; ma quỉ là nguyên nhân chính và chúng có uy quyền
để gây ra thiệt hại cho đàn heo. Hơn nữa, mục đích của chúng khi gây thiệt hại
là để dân làng mời Chúa Giêsu đi khỏi, để chúng có dịp tác hại dân làng.
Đây chỉ là một ví dụ
trong muôn ngàn ví dụ dẫn chứng con người hành xử thiếu khôn ngoan và không
theo thứ tự ưu tiên của cuộc đời.
(1) Mời Đức Kitô ra khỏi
thành của họ: Mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người phải là mối liên hệ
được ưu tiên hàng đầu; thế mà vì lợi nhuận vật chất, dân làng mời Chúa Giêsu ra
khỏi làng của họ, để họ tiếp tục sống dưới ảnh hưởng của quỉ thần. Chúng biết
con người chỉ ham thích những lợi lộc thấp hèn và sẽ dễ dàng sa vào bẫy của
chúng. Một khi chúng đẩy được Thiên Chúa ra khỏi con người, họ sẽ thuộc về
chúng và làm theo những gì chúng muốn.
(2) Coi linh hồn và sự
an sinh của con người thua kém một bầy heo: Mối liên hệ giữa con người với
con người phải được đặt trên những lợi lộc vật chất; thế mà dân làng không vui
mừng vì hai con người được chữa lành khỏi quỉ từ nay không gây thiệt hại cho
dân làng nữa, nhưng buồn giận vì đàn heo bị thiệt hại!
Hai điều này cho thấy
dân làng đã hành xử thiếu khôn ngoan vì họ sợ bị thiệt hại vật chất nếu Chúa
Giêsu hiện diện. Họ không nhận ra những ơn lành sẽ đến với họ qua việc Chúa
Giêsu trục xuất quỉ thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Kính mến Thiên Chúa
và yêu thương tha nhân thành thật đòi chúng ta phải thể hiện trong cuộc sống,
chứ không phải chỉ đơn thuần biểu lộ qua những lễ nghi bên ngoài.
- Chúng ta phải quí trọng
linh hồn của tha nhân hơn là những lợi lộc vật chất, vì mọi của cải thế gian sẽ
qua đi trong khi chỉ có linh hồn tồn tại mãi mãi.
Lm. Anthony ĐINH
MINH TIÊN, OP.
04/07/2018
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Th. Ê-li-sa-bét Bồ Đào Nha
Mt 8,28-34
Th. Ê-li-sa-bét Bồ Đào Nha
Mt 8,28-34
TRỢ LỰC TÔNG ĐỒ
“Bấy giờ cả thành ra đón Đức Giê-su và khi gặp Người, họ xin
Người rời khỏi vùng đất của họ.” (Mt
8,34)
Suy niệm: Hai người bị một bầy quỉ
ám đi lang thang, quậy phá ở nghĩa địa, quá hung dữ không ai dám lại gần. Chúa
Giê-su đã trục xuất bầy quỉ ám nơi họ và cho nhập vào đàn heo; cả đàn lao xuống
biển. Dân làng chạy ra đón Đức Giê-su. Tưởng rằng họ sẽ cám ơn Chúa Giê-su vì
Ngài đã trả tự do cho hai người và đem lại cuộc sống yên lành cho xóm làng.
Nhưng khi gặp Chúa họ đã mời Chúa đi nơi khác. Họ không muốn tìm hiểu thêm về
giáo lý, quyền năng, sứ mệnh… của Chúa. Có lẽ vì thấy mất bầy heo, nên họ không
muốn chứa chấp Chúa nữa. Như thế họ đã xua đuổi một vị ân nhân, một sứ giả đem
Tin Mừng cho họ.
Mời Bạn: Xưa cũng như nay, môn đệ
Chúa Giê-su cũng bị xua trừ hất hủi như thế. Chúng ta khâm phục, trong thời kỳ
cấm đạo ở nước ta, nhiều tín hữu đạo hạnh, bất chấp lệnh nhà vua, sẵn sàng “chứa
chấp đạo trưởng”, tạo điều kiện tốt nhất cho các người làm tông đồ cho Chúa. Nhờ
những sự giúp đỡ âm thầm và can đảm của họ, đạo Chúa vẫn tồn tại và phát triển
giữa cơn sóng bách hại.
Sống Lời Chúa: Ngày nay, không còn những
cơn cấm đạo như ngày xưa, nhưng việc loan báo Tin Mừng không thiếu những hoàn cảnh
khó khăn cần được chia sẻ, giúp đỡ về tinh thần và vật chất. Tôi có thể làm được
gì để giúp một ai đó đang cần sự cộng tác của tôi?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Xin Chúa thương ủi an nâng đỡ những ai
làm tông đồ cho Chúa mà đang bị bách hại, cấm cách. Xin Chúa ban cho họ lòng
tin, cậy, mến Chúa vững vàng để họ trung thành với Chúa cho đến hơi thở cuối
cùng. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Đi đi! (Thứ Tư tuần
13 Thường niên - 04.7.2018)
Suy niệm :
Theo cha Gabriele
Amorth, vị trừ quỷ chính của giáo phận Rôma,
“số người bị quỷ ám đã
gia tăng rất nhiều.”
Trong vòng tám năm,
chính cha đã trừ cho hơn hai mươi ngàn trường hợp.
Con số kinh khủng này
hẳn là một nhắc nhở cho những ai nghĩ rằng
quỷ vắng bóng trong thế
giới của khoa học kỹ thuật,
quỷ chỉ là huyền thoại
của thế giới cách đây hai ngàn năm thời Đức Giêsu,
hay quỷ ám thật ra chỉ
là bệnh thần kinh vào thời y khoa chưa phát triển.
Trong cuộc hội kiến
vào tháng 8-1986, Đức Gioan Phaolô đã nói
sự hiện diện của quỷ
trong thế giới “ngày càng trở nên ghê gớm hơn
khi con người và xã hội
quay lưng với Thiên Chúa.”
Tin Mừng hôm nay là
trình thuật đầu tiên về trừ quỷ của thánh Matthêu.
Chuyện này đã được
thánh Maccô kể lại với nhiều chi tiết hấp dẫn hơn (Mc 5, 1-20).
Nhưng trong Matthêu,
khuôn mặt Đức Giêsu lại nổi bật hơn nhiều.
Ngài đã cùng với các
môn đệ qua bờ bên kia sau khi gặp cơn bão biển.
Khi Ngài đến vùng đất
của người Gađara, ở phía Đông Nam Hồ Galilê,
hai người bị quỷ ám từ
mồ mả đi ra, đến gặp Ngài (c. 28).
Mồ mả là nơi dành cho
người chết, nơi bị coi là nhơ uế, nơi của thần dữ.
Có hai nét giúp ta nhận
ra sự hiện diện của quỷ nơi những người bị ám.
Họ rất dữ tợn đến nỗi
không ai dám qua lại con đường ấy (c. 28).
Họ nhận biết ngay Đức
Giêsu là Con Thiên Chúa (c. 29).
Sức mạnh kinh khủng và
sự hiểu biết lạ lùng là thế mạnh của thần dữ.
Nhưng đây cũng là điểm
yếu của quỷ khi đứng trước Đức Giêsu.
Chính vì thế chúng hoảng
sợ khi thấy mình bị đe dọa:
“Chưa tới lúc mà ông
đã đến đây hành hạ chúng tôi sao?”
Đức Giêsu đến sớm quá
và khiến cho quyền lực của chúng phải sụp đổ.
Khi đọc bài Tin Mừng
này, chúng ta thường có nhiều câu hỏi.
Tại sao quỷ lại xin nhập
vào đàn heo? Tại sao Đức Giêsu lại đồng ý?
Đàn heo chết đuối thì
quỷ ra sao? Phải đền người chủ đàn heo thế nào?
Matthêu có vẻ không
quan tâm đến những câu hỏi ấy.
Điều ông quan tâm là
làm nổi bật quyền năng của Đức Giêsu.
Chỉ một lời Ngài phán:
“Đi đi!” là đuổi được quỷ ra khỏi hai người.
Nước Trời đến đem lại
bình an cho hai người quỷ ám ở trong mồ mả,
và cho những ai qua lại
lối đi ấy.
Không thấy các người
dân ngoại chăn heo kêu ca về chuyện mất đàn heo,
nhưng họ lại trở nên
những người loan báo cho dân thành về mọi chuyện.
Tiếc là dân thành đã
không muốn đón tiếp Ngài.
Quỷ hấp dẫn con người
bằng quyền lực và tri thức của chúng.
Nhưng thực sự chúng là
kẻ thù không đội trời chung của con người.
Chúng phân ly con người,
đẩy người sống vào mộ người chết,
biến con người thành mối
đe dọa cho con người (c. 28).
Chúng thích có mặt ở
đàn vật ô uế, thích gieo vãi sự ô uế khắp nơi (c. 31).
Xin Chúa cho ta thấy
được sự lộng hành của quỷ dữ trong thế giới hôm nay.
Và xin Chúa cứu ta khỏi
nanh vuốt của ác thần.
Lời nguyện:
Lạy Cha,
Thế giới hôm nay
cũng như hôm qua
vẫn có những người
bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một
người để tin;
vẫn có những người
đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình
đang sống;
vẫn có những người
bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền,
của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người
mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối
nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người
bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là
người phong…
Xin Cha cho chúng
con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng
thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản
thân chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn
Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG BẢY
Biến Cái Hỗn Mang
Thành Trật Tự
Trong nhiều bản văn,
Thánh Kinh ca ngợi sự quan phòng thần linh như là quyền bính tối cao của thế giới,
quyền bính đầy quan tâm đối với mọi tạo vật, nhất là đối với con người. Thiên
Chúa, trong tư cách là chủ nhân đầy tình yêu thương đối với tất cả những gì mà
Ngài đã tạo dựng, vẫn luôn luôn làm việc trong mọi sự.
Thiên Chúa, bằng sự
khôn ngoan đầy sức sáng tạo của Ngài, dự liệu mọi sự và làm việc trong mọi sự.
Sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt xa sự khôn ngoan và cẩn trọng của con người.
Thật vậy, Thiên Chúa – Đấng siêu việt trên mọi sự – làm cho thế giới có thể biểu
hiện trật tự lạ lùng theo ý Ngài ở nhiều cấp độ khác nhau.
Chính sự quan phòng và
khôn ngoan này của Đấng Tạo Hóa làm cho thế giới có thể vận hành như một vũ trụ
có hệ thống và trật tự chứ không phải như một mớ hỗn mang. “Chúa đã sắp xếp có
chừng có mực, đã tính toán và cân nhắc cả rồi” (Kn 11,20). Thánh Kinh trầm trồ
về sự khôn ngoan sáng tạo của Thiên Chúa.
Gương thánh nhân
4 Tháng Bảy
Thánh Elizabeth ở Bồ Ðào Nha
(1271-1336)
Thánh Elizabeth là một
công chúa Tây Ban Nha được gả cho vua Denis Bồ Ðào Nha khi mới mười hai tuổi.
Ngoài sắc đẹp và tính tình dễ thương, thánh nữ còn là một người sùng đạo, tham
dự Thánh Lễ hàng ngày.
Elizabeth là một người
vợ nết na thánh thiện, nhưng ông chồng, dù lúc ban đầu rất yêu mến vợ nhưng sau
đó ông là người đã gây nhiều đau khổ cho bà. Tuy là một nhà cầm quyền tốt,
nhưng ông không muốn bà siêng năng cầu nguyện cũng như luyện tập các nhân đức khác.
Thật vậy, bà có lòng thương người cách đặc biệt. Bà giúp đỡ của hồi môn cho các
cô gái nghèo khi đi lấy chồng và thành lập nhiều tổ chức từ thiện, gồm một bệnh
viện ở Coimbra, các nhà vãng lai cho khách đi xa, một trung tâm hoàn lương ở
Torres Novas, và một cô nhi viện. Chính bà cũng đích thân chăm sóc bệnh nhân.
Ngoài ra, với sự kiên nhẫn, bà còn chịu đựng sự bất trung của chồng và ngay cả
nuôi nấng các người con riêng của ông.
Có một lần, nhà vua
tin lời nói dối của một tiểu hầu, vì ganh tị, đã dựng chuyện xấu xa về bà
Elizabeth với các tiểu hầu khác. Tức giận, nhà vua sai tiểu hầu mà ông tin là
có tội đi đến lò vôi. Người thợ nung vôi được lệnh là quăng vào lò bất cứ tiểu
hầu nào đến đây đầu tiên. Chú tiểu hầu tốt lành vâng lệnh ra đi, không biết rằng
cái chết đang chờ trước mặt. Trên đường đi, theo thói quen, chú dừng chân tại một
nhà thờ để dự lễ, nhưng Thánh Lễ đã bắt đầu được một nửa, do đó chú ở lại dự
Thánh Lễ thứ hai. Trong khi đó, nhà vua sai tên tiểu hầu độc ác đến lò vôi để
xem xét tình hình. Và đó chính là tiểu hầu bị quăng vào lò lửa! Khi nhà vua biết
rõ câu chuyện, ông nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa đã gìn giữ chú tiểu hầu
tốt lành, trừng phạt kẻ gian dối, và chứng minh sự vô tội của Hoàng Hậu
Elizabeth.
Biến cố này đã giúp
nhà vua thay đổi lối sống tốt lành hơn. Ông xin lỗi vợ trước mặt mọi người và tỏ
lòng hết sức tôn trọng bà. Trong những ngày cuối đời của nhà vua, bà không rời
ông nửa bước, ngoại trừ khi đi lễ, cho đến khi ông được chết lành.
Sau đó, bà từ giã việc
triều chính để xin gia nhập tu viện dòng Thánh Clara Nghèo Hèn ở Coimbra. Sau
khi bị từ chối, bà gia nhập dòng Ba Phanxicô và dựng một mái nhà đơn sơ gần tu
viện. Trong mười một năm sau cùng, bà thi hành công việc bác ái nhiều hơn và sống
hãm mình đền tội.
Bà Elizabeth là gương
mẫu tuyệt vời về sự tử tế đối với người nghèo và là người hòa giải thành công
giữa các hoàng thân thái tử trong hoàng tộc và giữa các quốc gia.
Trích từ
NguoiTinHuu.com
4 Tháng Bảy
Củ Cà Rốt Của Tôi
Một lão bà nọ qua đời, được các Thiên Thần mang đến tòa
phán xét. Trong khi duyệt xét các hành động của bà lúc còn sống, Ðấng phán xét
đã không tìm thấy bất cứ một hành động bác ái nào, ngoại trừ có một lần bà đã
cho người ăn mày một củ cà rốt. Tuy nhiên, Ðấng phán xét tối cao đầy lòng nhân
từ cũng xem hành động ấy có đủ sức để mang người đàn bà lên Thiên Ðàng. Dĩ
nhiên, củ cà rốt sẽ được dùng như sợi xích vững để người đàn bà bám vào và leo
lên các bậc trong chiếc thang dẫn về Thiên Ðàng.
Người ăn mày cũng chết vào khoảng trong thời gian ấy. Anh
cũng được diễm phúc bám vào gấu áo của người đàn bà để được đưa lên Thiên Ðàng.
Một người khác cũng qua đời vào ngày hôm đó. Người này
cũng níu lấy chân của người hành khất. Không mấy chốc, chiếc thang bắt đầu từ củ
cà rốt mỗi lúc một dài ra đến gần như vô tận: mọi người đều níu kéo nhau để lên
Thiên Ðàng. Nhưng từ trên đỉnh thang nhìn xuống, người đàn bà bỗng châu mày khó
chịu. Bà thấy sợi dây mỗi lúc một dài, bà sợ nó sẽ căng ra rồi đứt chăng. Cho
nên trong cơn bực tức, bà cố gắng dành riêng cho mình củ cà rốt và la lên:
"Các người giang ra, đây là củ cà rốt của tôi".
Người đàn bà cố gắng giữ củ cà rốt cho riêng mình cho nên
sợi dây tạo nên chiếc thang bắc lên Trời bị đứt. Bà rơi nhào xuống đất và cả
đoàn người bám víu vào sợi dây ấy cũng rơi theo.
Một tác giả nào đó đã
nói như sau: "Nguyên nhân của tất cả các sự dữ trên trần gian đều bắt đầu
từ câu nói điều này thuộc về tội, điều kia thuộc về tôi".
Khi con người muốn chiếm
giữ cho riêng mình là lúc con người cũng muốn chối bỏ và loại trừ người khác.
Nhưng càng muốn chiếm giữ cho riêng mình, con người không những chối bỏ người
khác mà cũng đánh mất chính bản thân mình. Tình liên đới là điều thiết yếu cho
sự thành toàn của bản thân chúng ta. Càng ra khỏi chính mình để sống cho người
khác, chúng ta càng gặp lại bản thân, chúng ta càng lớn lên trong tình người.
Ðó là nghịch lý mà Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: "Ai mất mạng sống mình,
người đó sẽ tìm gặp lại bản thân". Hạnh phúc của bản thân chính là làm sao
cho người khác được hạnh phúc.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét