06/07/2018
Thứ sáu đầu tháng, tuần 13 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm
II) Am 8, 4-6. 9-12
"Ta sẽ cho nạn
đói trên đất này: nhưng không phải là đói cơm bánh, mà là đói lời Chúa".
Trích sách Tiên tri
Amos.
Ðây Thiên Chúa phán:
"Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó và muốn tiêu diệt hết những
kẻ bần cùng trong cả nước. Các ngươi bảo: "Bao giờ qua tuần trăng mới để
chúng tôi bán hàng! Khi nào hết ngày Sabbath để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng
tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người
nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục
nát".
Chúa là Thiên Chúa
phán: "Ngày ấy Ta sẽ khiến mặt trời lặn ngay giữa chính ngọ, và sẽ khiến mặt
đất ra tối tăm giữa ban ngày. Ta sẽ làm cho các ngày đại lễ của các ngươi trở
nên ngày tang tóc, cho các bài ca trở thành lời khóc than. Ta sẽ lấy bao bố đặt
trên lưng các ngươi và khiến mọi người trọc đầu. Ta sẽ làm cho ngày ấy trở
thành như ngày tang mất con một, và sau cùng nó trở nên ngày cay đắng".
Thiên Chúa lại phán:
"Rồi đây sẽ đến ngày Ta cho nạn đói đến trên đất này, nhưng không phải là
đói cơm bánh hay khát nước đâu, nhưng là đói nghe lời Chúa. Người ta sẽ di chuyển
từ biển này qua biển nọ, từ bắc đến đông: họ đi vòng quanh tìm kiếm lời Chúa,
nhưng chẳng thấy.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 2. 10.
20. 30. 40. 131
Ðáp: Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi
lời do miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4, 4).
Xướng: 1) Phúc đức những
ai giữ lời Ngài nghiêm huấn, những người đó tận tâm tìm kiếm Ngài. - Ðáp.
2) Với tất cả tâm can
con tìm Chúa, xin chớ để con lạc xa chỉ thị Ngài. - Ðáp.
3) Sở dĩ linh hồn con
mòn mỏi, là vì luôn luôn khao khát thánh dụ của Ngài. - Ðáp.
4) Con đã chọn con đường
chân lý, con quyết tâm theo các thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
5) Này đây, con khao
khát huấn lệnh của Ngài; theo lượng công minh Ngài, xin cho con được sống. -
Ðáp.
6) Con há miệng để hút
nguồn sinh khí, và con ham muốn những chỉ thị của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! -
Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 9, 9-13
"Người lành mạnh
không cần đến thầy thuốc: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải là hy lễ".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi
ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo
ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi
Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi
đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy,
liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với
những người thu thuế và tội lỗi như thế?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng:
"Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông
hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải
là hy lễ". Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người
tội lỗi".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Bữa Tiệc Thân Hữu
Trong hầu hết các nền
văn hóa hiện hữu trên thế giới, bữa ăn là một thời điểm, một nghi lễ đặc biệt
trong đời sống con người. Con người thường chia giờ giấc trong ngày theo các bữa
ăn. Bữa ăn là giờ duy nhất trong ngày, trong đó mọi thành phần trong gia đình
có mặt bên nhau, do đó bàn ăn thường là biểu trương của hiệp nhất. Vì là giờ hiệp
nhất, nên bữa ăn cũng là giờ linh thiêng trong cuộc sống. Người ta vẫn nói:
"Trời đánh tránh bữa ăn". Bữa ăn là dấu chỉ của hiệp nhất, cho nên thời
xa xưa, thỏa ước giữa các bộ lạc cũng được ký trong bữa tiệc. Ngồi đồng bàn với
nhau có nghĩa là chấp nhận chia sẻ với nhau, chấp nhận tình thân hữu của nhau.
Bài Tin Mừng hôm nay
cho thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu. Phúc Âm thường
ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi, những
người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào là muốn chia sẻ, muốn
nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi đồng bàn với tất cả mọi
hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên Chúa nhân hậu
luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống
của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.
Chúng ta sẽ không ngạc
nhiên khi thấy Chúa Giêsu thường mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời:
"Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới". Nước Trời giống như một
tiệc vui. Tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ hay những
luật lệ cứng nhắc, mà là tôn giáo của tình yêu. Trích dẫn lời Tiên Tri Ôsê:
"Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế", Chúa Giêsu đả phá những
tôn giáo chỉ xây dựng trên những nghi lễ trống rỗng, mà quên đi cái lõi của tôn
giáo là tình thương.
Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu để
lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy
là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần
yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là trống rỗng
vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu
thương, chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta không chỉ nằm
trong bốn bức tường nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố chợ. Nơi nào
có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện diện, có
bình an, có Nước Trời.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 13 TN2
Bài đọc: Amo
8:4-6, 9-12; Mt 9:9-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: “Ta muốn lòng
nhân chứ đâu cần lễ tế.”
Nhiều tín hữu cho việc
giữ đạo chỉ giới hạn trong việc đi lễ mỗi tuần. Ra khỏi nhà thờ là họ trở về với
cuộc sống trần tục, và phải bon chen tranh giành để kiếm sống mà không cần biết
đến ai cả. Họ không biết rằng có một sự liên tục giữa những gì họ cử hành trong
nhà thờ và những gì họ sống giữa đời. Họ phải tìm cơ hội để thi hành những gì Lời
Chúa dạy trong nhà thờ: đem Tin Mừng đến cho muôn người, và phục vụ tất cả những
ai đang cần đến sự chăm sóc của họ.
Các bài đọc hôm nay muốn
nhấn mạnh đến việc con người phải giũ bỏ sự thờ phượng Thiên Chúa hời hợt bên
ngoài để mặc lấy sự hoán cải tâm hồn bên trong. Trong bài đọc I, ngôn sứ Amos tố
cáo con cái lối sống vụ hình thức của con cái Israel. Họ tuy giữ ngày Sabbath
bên ngoài; nhưng bên trong chỉ mong ngày đó qua sớm để họ còn tiếp tục làm giàu
bằng việc đối xử bất công với người nghèo. Ngôn sứ Amos nhắc nhở họ, điều quan
trọng là họ phải biết đói khát Lời Chúa và sống công chính, chứ không phải chỉ
miễn cưỡng giữ Luật trong khi tâm trí bày vẽ bao nhiêu cách thức để bóc lột dân
nghèo. Trong Phúc Âm, những người Biệt Phái đánh giá Chúa Giêsu qua hành động
bên ngoài, khi Ngài ngồi ăn với những người thu thuế và các kẻ tội lỗi. Chúa
Giêsu nhắc nhở họ điều làm đẹp lòng Thiên Chúa là lòng yêu thương tha nhân; chứ
không phải chỉ chú trọng đến việc giữ Luật cách hời hợt bên ngoài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ này, không phải đói bánh ăn,
cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe lời Đức Chúa.
1.1/ Nếu tội nhân không
hoán cải, họ sẽ phải lãnh nhận hình phạt tương xứng.
Ngôn sứ Amos tố cáo
hai tội chính con cái Israel đã xúc phạm đến Đức Chúa.
(1) Bất kính trong khi
thờ phượng: Họ tham dự phụng vụ cách miễn cưỡng, trong khi thân xác họ ở trước
tôn nhan Thiên Chúa; nhưng tâm hồn chu du mọi nơi. Họ nghĩ đến những việc sắp
làm để kiếm tiền, và mong ngày Sabbath chóng qua để họ làm chuyện đó. Họ tin
Thiên Chúa bằng môi miệng, và nghĩ họ chỉ cần giữ qua loa những lễ nghi bên
ngoài là đủ đẹp lòng Ngài; chứ họ không bao giờ nghĩ đến họ phải hoán cải và
thay đổi lối sông bất công với tha nhân. Điều này chứng minh họ chỉ thờ phượng
Thiên Chúa bên ngoài, còn tâm hồn họ xa Ngài vạn dặm. Họ không kể chi đến việc
tuân giữ Lề Luật “mến Chúa, yêu người” của Ngài.
(2) Lỗi đức công bằng:
Họ sáng chế ra những cách để làm giàu và đối xử bất công với những người nghèo
hèn khốn khổ như:
– Buôn bán điêu ngoa:
Họ “làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm, làm lệch cán cân để đánh lừa
thiên hạ.” Cái đấu có thể làm nhỏ lại bằng cách bóp méo, quả cân có thể nặng
thêm bằng cách hàn thêm chì dưới đáy, cán cân cũng có thể làm lệch bằng cách sửa
lại vị trí thăng bằng. Nói tóm, họ có cả trăm cách để thu nhập của cải về cho họ
mà không cần để ý đến tình trạng bi đát của người mua là mẹ góa con côi hay kẻ
nghèo khổ cơ bần.
– Coi trọng tiền bạc
hơn nhân phẩm: Họ dùng “tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng
khổ.” Khi con nợ không có tiền trả, họ xiết nợ bằng cách bắt con nợ phải làm nô
lệ cho họ.
– Lường gạt: Để lường
gạt người mua, họ có thể để trong thùng chứa những lúa gạo tốt bên trên trên,
trong khi bên dưới toàn lúa nát gạo mục.
Cả hai tội đều xúc phạm
đến Thiên Chúa vì những gì họ làm cho tha nhân là họ làm cho chính Ngài.
(2) Hình phạt tương xứng:
Hình phạt xảy ra cách bất ngờ và họ sẽ trở tay không kịp vì Đức Chúa sẽ làm cho
“mặt trời lặn giữa trưa, và khiến cho mặt đất tối sầm giữa lúc ngày đang sáng.”
Những lễ hội và ngày vui của họ sẽ trở thành u sầu tang tóc. Khi chứng kiến tai
ương xảy ra, mọi người phải tỏ lòng ăn năn thống hối bằng việc “phải quấn vải
thô và mọi mái đầu đều phải cạo trọc.”
1.2/ Đói khát lời Chúa: Con người thường có khuynh hướng sợ đói khát về thể xác,
nhưng rất ít khi chịu suy nghĩ tới sự đói khát tâm linh. Xét về thiệt hại, đói
khát tâm linh thiệt hại hơn nhiều vì nó làm cho con người sống vất vưởng, sống
không mục đích, và nhất là làm cho con người phải chết đời đời. Ngôn sứ Amos
tiên đoán: “Đây sắp đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng – Ta
sẽ gieo nạn đói trên xứ này, không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước
uống, mà là đói khát được nghe lời Đức Chúa.” Con cái Israel được nghe Lời Chúa
qua các ngôn sứ, vắng bóng ngôn sứ họ sẽ không đượa nghe Lời Chúa. Lịch sử Cựu
Ước chứng minh sự ứng nghiệm của lời tiên tri này; vì sau thời của ngôn sứ
Malachi (5th BC), cả gần 500 năm, con cái Israel không còn thấy bóng dáng của một
ngôn sứ nào trên đất nước của họ. Nếu khi còn ngôn sứ mà đời sống tâm linh của
con cái Israel còn tệ hại như thế, khi vắng bóng ngôn sứ, đời sống tâm linh của
các thế hệ tương lai còn bết bát tới chừng nào!
2/ Phúc Âm: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.”
2.1/ Phản ứng của những
người biệt phái: Đối với họ, những người thu
thuế như Matthew được coi như những người tội lỗi công khai như gái điếm, vì tiếp
tay với thế lực nước ngoài để bóc lột anh em mình. Vì thế, khi thấy Chúa Giêsu
ngồi đồng bàn với Matthew và các bạn đồng nghiệp của ông, những người Pharisees
nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế,
và quân tội lỗi như vậy?” Xét về phương diện con người, họ có lý do để phê bình
Chúa Giêsu, vì như các cha mẹ Việt Nam vẫn khuyên con “Gần mực thì đen, gần đèn
thì sáng.” Nhưng nhận xét này không thể áp dụng cho những người dày dạn kinh
nghiệm, bậc quân tử, và nhất là Chúa Giêsu.
2.2/ Phản ứng của Chúa
Giêsu: Ngài trả lời họ: “Người khoẻ mạnh
không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” Xét về phương diện thể lý, nếu một
bác sĩ sợ bị nhiễm trùng từ bệnh nhân, ông sẽ không muốn gần con bệnh để chữa
lành cho họ. Chúa Giêsu ví mình như người chữa bệnh tâm hồn, tuy Ngài ghê tởm tội
lội; nhưng Ngài phải gần gũi tội nhân để tìm cách đưa họ trở về.
Chúa Giêsu mời gọi họ
xét mình hai điều: Thứ nhất, Thiên Chúa yêu mến những ai có lòng thương xót hơn
là lễ tế họ dâng; vì lễ tế chỉ là xác những con vật vô hồn; nhưng lòng thương
xót mang về cho Thiên Chúa những con cái của Ngài. Thứ hai, nếu những người biệt
phái chịu xét mình cẩn thận, họ cũng là những người cần đến lòng thương xót của
Thiên Chúa. Chỉ vì kiêu ngạo và tự cho mình là công chính nên họ không cảm thấy
mình có tội; và như thế, họ sẽ không được hưởng lòng thương xót của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta không thể sống
đạo bằng cách chỉ tham dự cách hời hợt những lễ nghi bên ngoài bên ngoài, nhưng
phải thực sự hoán cải tâm hồn, biểu lộ qua cuộc sống công bằng và yêu thương.
– Chúng ta đừng đánh
giá tha nhân qua chức vụ hay những hành động bên ngoài; nhưng qua những ước
mong được học biết sự thật và hoán cải để sống cuộc đời tốt đẹp hơn.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
06/07/2018 – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Th. Ma-ri-a Gô-rét-ti, trinh nữ, tử đạo
Mt 9,9-13
CON CẦN ĐẾN CHÚA
“Ta muốn lòng nhân
chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà kêu gọi người
tội lỗi.” (Mt 9,13)
Suy niệm: Cha Mark Link kể chuyện một
cô bé chơi trò “ú tim” với các bạn. Cô bé tìm một chỗ thật kín để trốn. Thế
nhưng, em chờ mãi, năm phút, rồi mười phút sau, chẳng thấy ai chạy tìm mình.
Sau cùng, em mới phát hiện ra các bạn đã bỏ chơi, dẫn nhau đi nơi khác. Thấy em
ngồi khóc, một người lớn an ủi: “Cháu đã học được một bài học quý giá. Bài học
đó giúp cháu hiểu được cảm tưởng của Chúa khi chơi với loài người. Ngài chờ
loài người đến tìm Ngài, nhưng từ lâu con người đã nghỉ chơi, không còn tìm
Ngài nữa.” Chúa như vị lương y, tha thiết kiếm tìm chúng ta, những kẻ tội lỗi,
để chữa lành căn bệnh tội lỗi của ta, đưa ta bước vào sự sống hạnh phúc muôn đời.
Thế nhưng, thay vì đi tìm kiếm Chúa, ta lại lẩn tránh Ngài, khi ta không chịu
nhận ra mình là bệnh nhân cần thầy thuốc, là tội nhân cần ơn Ngài cứu độ.
Mời Bạn: “Nếu bạn bước một bước đi
tìm Chúa, thì Ngài nhảy mười bước đến tìm bạn” (Vô danh). Nhìn lại quá khứ để
thấy rằng bạn đáp lại tiếng Chúa mời gọi thì ít, nhưng từ chối rất nhiều lần,
và nhận ra Thiên Chúa kiên nhẫn biết bao khi chờ đợi sự chấp thuận “sáng nắng,
chiều mưa” của bạn.
Chia sẻ: Tôi có cảm nhận mình là kẻ có tội, cần đến với Chúa để được
chữa lành và cứu vớt không?
Sống Lời Chúa: Đấm ngực mình, ý thức mình
là kẻ có tội mỗi khi bắt đầu tham dự thánh lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa
không đến để kêu gọi người công chính, nhưng là kẻ tội lỗi. Xin cho con ghi nhớ
lời khích lệ ấy, và nhớ rằng con cần đến Chúa để can đảm trở về mỗi khi sa ngã.
(5 Phút Lời Chúa)
Đứng dậy đi theo
Chúng ta vẫn phải tiếp tục viết
các sách Tin Mừng cho thời đại hôm nay, phù hợp với não trạng và tâm thức của họ,
với nền văn hóa đương đại.
Suy niệm:
Thầy Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên khi họ đang làm việc.
Người thì đang quăng lưới ngoài khơi,
kẻ thì đang vá lưới trong thuyền (Mt 4, 18-22).
Khi Thầy gọi Mátthêu, anh cũng đang làm việc ở trạm thu thuế.
Anh đang ngồi, vững vàng trong nghề nghiệp của mình,
dù nghề của anh thường bị coi là nghề rất xấu.
Thầy Giêsu như tình cờ đi ngang qua bàn làm việc của anh.
Ngài chỉ nói một câu rất ngắn: “Anh hãy theo tôi!”
Mátthêu không đáp lại, nhưng anh trả lời bằng hành động.
Từ vị thế đang ngồi, anh bỏ dở công việc để đứng lên và theo Thầy.
Từ vị thế vững vàng, anh bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.
Từ vị thế của tội nhân, anh trở thành người môn đệ thân thiết.
Mátthêu nằm trong danh sách nhóm Mười Hai (Mt 10, 3).
Thầy Giêsu không sợ mất tiếng khi nhận anh vào nhóm.
Nhóm của Thầy không chỉ gồm những người thánh thiện,
nhưng có cả những tội nhân giàu lòng hoán cải.
Mátthêu có đóng góp gì cho nhóm Mười Hai không?
Nghề thu thuế với giấy bút có giúp gì cho các ngư phủ ít học không?
Trong nhóm Mười Hai, Mátthêu có chỗ đứng đặc biệt,
người thu thuế trở nên Tác giả sách Tin Mừng.
Mátthêu làm nghề bị đồng bào của ông khinh miệt,
vì nghề này dễ dẫn người ta đến chỗ lạm thu, bỏ tiền vào túi riêng.
Nghề này còn là một sỉ nhục vì cộng tác với ngoại bang bóc lột dân,
đụng chạm đến đồng tiền ô uế và tiếp xúc với dân ngoại.
Khi trở nên môn đệ của Thầy, Mátthêu đã trở nên người phục vụ đồng bào.
Ông dùng khả năng của mình mà viết sách Tin Mừng.
Đây là Tin Mừng lớn mà ông loan báo: Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia.
Không phải chờ gì nữa, Đấng Mêsia đã đến rồi!
Ngài làm trọn những lời đã được loan báo trong Cựu Ước.
Mátthêu đã tìm ra ngôn ngữ để nói với Dân Chúa, sao cho họ hiểu được.
Ông đã trình bày dung mạo Đức Giêsu cho người cùng thời với ông.
Chúng ta cũng phải có khả năng giới thiệu Đức Giêsu cho người thời nay,
nghĩa là biết, hiểu và nói được ngôn ngữ của thế giới,
để thế giới nghe và hiểu được.
Chúng ta vẫn phải tiếp tục viết các sách Tin Mừng cho thời đại hôm nay,
phù hợp với não trạng và tâm thức của họ, với nền văn hóa đương đại.
Đâu là khuôn mặt Đấng Cứu độ mà con người hôm nay ngóng chờ?
Con người thời nay khỏe mạnh về nhiều mặt,
nhưng vẫn là người đau ốm cần đến thầy thuốc (c. 12).
Họ mong mình được giải phóng khỏi điều gì?
Đức Giêsu Kitô có thể đáp ứng được những khao khát đó không?
Lời rao giảng và cuộc sống của chúng ta phải cho thấy
Đức Giêsu có thể chữa lành và đem lại một thế giới hạnh phúc.
Ước gì chúng ta có lòng nhân và sự bao dung như Đức Giêsu,
dám đồng bàn với con người hôm nay để dẫn họ đến bàn tiệc thiên quốc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả
năng bản thân
hay vào những phương tiện trần
thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm
đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lm Antôn Nguyễn
Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG BẢY
Đâu Là Vai Trò Của
Chúng Ta Trong Tư Cách Là Thụ Tạo?
Con người có một vai
trò đặc biệt trong việc phát triển thế giới. Và đó vốn là vai trò của con người
ngay từ thuở ban sơ. Vai trò đó cho thấy con người là gì trong tư cách là người
con được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài. Theo Sách Sáng Thế,
con người được dựng nên để “thống trị tạo vật” và để bắt mọi tạo vật “qui phục”
mình (St 1,28).
Bằng cách tham dự vào
quyền cai trị của Thiên Chúa trên thế giới, xét như là một chủ thể có lý trí và
tự do song vẫn đồng thời là một tạo vật, một cách nào đó chính con người trở
nên một “sự quan phòng”, theo cách diễn tả tuyệt vời của Thánh Tô-ma (Tổng Luận
Thần Học I,22,2&4). Con người được mời gọi để bảo vệ và cai quản mọi tạo vật
với một tình yêu và mối quan tâm mục tử. Cũng chính vì thế mà con người mang một
trách nhiệm đặc biệt đối với Thiên Chúa và đối với tạo vật.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 06/7
Thánh Maria Gôrétti
trinh nữ tử đạo
Am 8, 4-6.9-12; Mt
9, 9-13.
LỜI SUY NIỆM: “Sao Thầy các
anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức
Giêsu nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần.”
Chúa Giêsu không những chỉ kêu gọi một mình Mátthêu đi theo Người, mà Người còn
đồng bàn với những người bạn của Mátthêu, làm nghề thu thuế giống như Mátthêu,
mà người Pharisêu cho là hạng người tội lỗi và ô-uế. Nhưng đối với Chúa Giêsu,
Người tự ví Người như vị thầy thuốc và những con người đang đồng bàn với Người
là những bệnh nhân cần đến Người, và Người cần cận kề với họ để cứu chữa họ,
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn luôn ý thức mình là người tội lỗi cần đến
sự hiện diện của Chúa trong đời sống của chúng con như người mang trọng bệnh
trên thân xác mình, luôn cần thầy thuốc có mặt bên giường bệnh; để lấy lại được
bình an và sức khỏe để tiếp tục được sống trong an lành.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 06-07: Thánh
MARIA GORETTI
Đồng Trinh Tử Đạo
(1890 – 1902)
Thánh Maria Goretti
sinh ngày 16 tháng 10 năm 1890 tại Ancona. Cha mẹ Người là những người nhà quê
thất học. Vì hoàn cảnh nghèo túng, năm 1899, gia đình Ngài dời về sống trong một
nông trại ở làng Auziô, gần Neturô. Đây là một gia đình nghèo khó nhưng giầu
lòng tin đến độ chuyển núi dời non. Cha Ngài vào một hợp tác và sống chung
trong một nhà với một gia đình khác, ông cần cù vở đất trồng trọt để nuôi sáu
người con. Còn mẹ thánh nữ, bà rất mệt nhọc trong việc săn sóc đoàn con bé bỏng.
Nhưng gia đình can đảm
và thân mật này đã bị giao động khi người cha bất ngờ qua đời. Bà góa phụ
Assunta không biết nương tựa vào đâu và quyết định tiếp nối công việc nặng nhọc
vừa khởi sự. Bà giao các con nhỏ cho trưởng nữ mới 10 tuổi săn sóc. Maria, người
con gái ấy là một đứa trẻ hiền lành can đảm biết vâng phục. Thánh nữ thật là một
nguồn an ủi cho người mẹ hiền lành, nhưng cương quyết với các con. Dù còn trẻ
thánh nữ đã sớm trở thành một người nội trợ mới.
Hàng xóm của bà
Assunta, là gia đình Serenrlli, họ là những người có tinh thần phục vụ. Nhưng
Alessandrô lại chơi với các bạn bè xấu và ham đọc sách nguy hiểm. Nhiều lần anh
ta giúp đỡ Maria trong những việc nặng nhọc. Người ta có thể nghĩ là Alessandrô
đã cải tính sửa nết. Maria thì biết ơn và còn quá trong trắng để mà nghi ngờ.
Nhưng Alessandrô đã không ngần ngại đưa ra những đề nghị bỉ ổi, lại còn đe dọa
cô không được nói với ai, không hiểu biết gì, Maria Goretti cảm thấy nguy hiểm
phạm tội, và đã thú thực hết với mẹ. Run sợ cho tâm hồn còn tinh trong của con
bị hoen ố, bà Assunta đã dạy cho Maria cách thắng vượt sự dữ, đề phòng cho cô
khỏi mắc cơn nguy hiểm mà cô chưa biết đến. Maria Goretti hứa sẽ không bao giờ
nhượng bộ.
Maria mới 12 tuổi,
nhưng đã nẩy nở xinh đẹp. Alessandrô thúc bách, nhưng người thiếu nữ đã biết giữ
gìn và chống cự lại. Thảm cảnh diễn ra ngày 5 tháng 7 năm 1902. Sáng hôm đó, đợi
cho mọi người đi khỏi, Alessandrô tới gần ve vãn cô gái. Cầm dùi trong tay, anh
còn đe dọa: – Nếu cô không chịu, tôi sẽ giết cô.
Cô gái la lớn: –
Không, đó là việc tội Chúa cấm ! Anh sẽ phải vào hỏa ngục.
Không còn kềm được bản năng , Alessandrô lao vào con mồi, đâm cô hơn 14 nhát.
Không còn kềm được bản năng , Alessandrô lao vào con mồi, đâm cô hơn 14 nhát.
Tiếng kêu la của kẻ
hung bạo và của nạn nhân vang tới mọi người lân cận. Bà Assunta vội đưa người
con hấp hối của mình tới nhà thương ở Nettunô. Dọc đường Maria nói với mẹ:
– Mẹ ơi ! Anh đã muốn con phạm tội với anh con đã cự tuyệt.
– Mẹ ơi ! Anh đã muốn con phạm tội với anh con đã cự tuyệt.
Linh mục tới đầu giường
cô và nhắc lại cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá với lưỡi đòng, sự hối cải
của người trộm lành… rồi Ngài hỏi: – Marietta, con có tha thứ không ?
– Dạ tha, vì tình yêu Chúa Giêsu, chớ gì anh được lên thiên đàng với con.
– Dạ tha, vì tình yêu Chúa Giêsu, chớ gì anh được lên thiên đàng với con.
Alessandrô bị kết án
30 năm khổ sai. Tính hung hăng của anh càng tăng làm các bạn tù khiếp sợ. Tám
năm sau, một đêm đã làm biến đổi tất cả. Tội nhân mơ thấy Maria sáng chói giữa
vườn huệ và hái trao chàng một bông. Hôm sau anh viết lời thú tội, tự thú tất cả
cho Đức giám mục và kể lại cả giấc mơ cho Ngài. Anh đã hối hận. Từ ngày đó,
thái độ của anh rất gương mẫu. Năm 1929 anh được phóng thích. Năm 1937, quì dưới
chân bà Assunta, anh hỏi: – Bà có tha thứ cho con không ?
Và người mẹ thánh nữ
trả lời: – Nó đã tha cho con rồi, tôi làm khác sao được ?
Lễ Giáng sinh năm ấy, hai người cùng tiến lên bàn thờ rước lễ.
Lễ Giáng sinh năm ấy, hai người cùng tiến lên bàn thờ rước lễ.
Maria Goretti được
phong chân phước ngày 27 tháng 4 năm 1927. Đến ngày 24 tháng sáu năm 1930, trước
mặt người mẹ đã 87 tuổi, Maria Goretti được đức giáo hoàng Piô XII suy tôn lên
bậc hiển thánh.
(daminhvn.net)
06 Tháng Bảy
Thiên Chúa Trong Ánh Mắt
Theo một câu chuyện
cổ tích của người Nhật Bản, ngày xưa, có một đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc
bên cạnh một đứa con gái nhỏ. Người chồng là một hiệp sĩ samourai, nhưng anh chỉ
sống khiêm tốn trong một khu vườn nhỏ ở đồng quê. Người vợ là một người trầm lặng
đến độ nhút nhát. Chị không bao giờ muốn ra khỏi nhà.
Một hôm, nhân dịp lễ
đăng quang của Nhật hoàng, với tư cách là một hiệp sĩ, người chồng cảm thấy có
bổn phận phải về kinh đô để bái lạy quân vương. Sau khi đã làm xong nghĩa vụ của
một hiệp sĩ, anh ghé ra chợ mua quà cho vợ con. Riêng cho người vợ, anh mua một
tấm gương soi mặt bằng bạc…
Ðón nhận món quà,
ngời đàn bà bỡ ngỡ vô cùng: chị chưa bao giờ trông thấy một tấm gương, chị chưa
một lần nhìn thấy mặt mình. Do đó, vừa nhìn thấy mặt mình trong gương, người vợ
mới ngạc nhiên hỏi chồng: “Người đàn bà này là ai?”. Người đàn ông mỉm cười
đáp: “Mình không đoán được đó là gương mặt kiều diễm của mình sao?”.
Một thời gian sau,
người đàn bà lâm bệnh nặng. Trước khi chết, bà cầm tay đứa con gái và nói nhỏ:
“Mẹ không còn sống trên mặt đất này nữa. Sáng chiều, con hãy nhìn vào tấm gương
này và sẽ thấy mẹ”.
Sau khi người mẹ
qua đời, sớm tối, lúc nào đứa con gái ngây ngô cũng nhìn vào tấm gương và nói
chuyện với chính hình ảnh của nó. Nó nói chuyện với hình trong tấm gương như với
chính mẹ nó.
Ngày kia, bắt gặp đứa
con gái đáng nói chuyện với chính mình nó trong tấm gương, người cha tra hỏi, đứa
con gái mới trả lời: “Ba nhìn kìa, mẹ con không có vẻ mệt mỏi và xanh xao như
lúc bị bệnh. Mẹ lúc nào cũng trẻ và cũng mỉm cười với con”.
Nghe thế, người đàn
ông không cầm nổi nước mắt, nhưng không muốn cho nó biết sự thật, ông nói với
nó: “Nếu con nhìn vào gương để thấy mẹ con, thì ba cũng nhìn vào con để thấy mẹ
con”.
Tha nhân chính là tấm
gương phản chiếu gương mặt của chúng ta. Khi chúng ta lạc quan, khi chúng ta
vui tươi, khi chúng ta yêu đời, khi chúng ta hòa nhã chúng ta sẽ nhận ra nét đó
trên khuôn mặt của những người xung quanh. Trái lại, khi chúng ta cau có, khi
chúng ta giận dữ, khi chúng ta buồn phiền, khi chúng ta thất vọng, chúng ta
cũng sẽ thấy được những nét ấy trên gương mặt của người khác…
Tha nhân cũng chính là
hình ảnh của Thiên Chúa. Nếu đứa con có thể nhìn thấy gương mặt khỏe mạnh, vui
tươi của người mẹ trong tấm gương, nếu người cha nhìn thấy hình ảnh của người vợ
trong đứa con, thì với ánh mắt của tin yêu chúng ta cũng có thể nhìn thấy gương
mặt Tình Yêu của Thiên Chúa trong mọi người.
Có Thiên Chúa trong
ánh mắt, nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi người, chúng ta sẽ thấy rằng đời có ý
nghĩa, tha nhân không phải là hỏa ngục đáng xa lánh…
Chúng ta hãy nhìn vào
tấm gương của tha nhân với nụ cười của trẻ thơ để luôn luôn nhận ra được bộ mặt
Tình Yêu của Thiên Chúa trong mọi người.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét