Trang

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

11-07-2018 : THỨ TƯ - TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN - THÁNH BÊNÊĐICTÔ, VIÊN PHỤ - Lễ Nhớ


11/07/2018
Thứ Tư tuần 14 thường niên
Thánh Bênêđictô, viện phụ.
Lễ nhớ.


* Chào đời quãng năm 480 tại Noóc-xi-a (Um-ri-a). Sau một thời gian theo học ở Rôma, Bênêđictô rút lui vào một hang ở Xu-bi-a-cô và bắt đầu sống đời ẩn sĩ, chiêu mộ các đồ đệ rồi chuyển đến Montê Cátxinô. Tại đây, người lập một đan viện thời danh, chính người soạn tu luật cho đan viện. Sau này tu luật mang tên người được phổ biến khắp châu Âu, nên người được mệnh danh là “Tổ phụ của nếp sống đan tu ở phương Tây”. Người qua đời ngày 21 tháng 3 năm 547. Từ cuối thế kỷ 8, người đã được kính nhớ vào ngày 11 tháng 7. Ngày 24 tháng 10 năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 ra tông thư “sứ giả hòa bình” (Pacis nuntius), đặt người làm bổn mạng toàn châu Âu.

Bài Ðọc I: (Năm II) Hs 10, 1-3. 7-8. 12
"Ðây là lúc phải tìm kiếm Chúa".
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Israel là cây nho xanh tốt, hoa trái xứng hợp với nó. Ðất càng màu mỡ, thì càng thêm các tượng thần. Lòng dạ chúng phân đôi, giờ đây chúng sẽ đền tội. Chúa sẽ đánh vỡ các tượng thần và phá tan các bàn thờ của chúng. Bấy giờ chúng sẽ nói: "Chúng ta không có vua, vì chúng ta không kính sợ Chúa: và nhà vua sẽ làm gì cho chúng ta?"
Samaria đã làm cho vua mình qua đi như bọt nước. Những nơi cao dựng tượng thần sẽ bị phá huỷ: Ðó là tội lỗi của Israel! Cây ké và gai góc sẽ mọc trên bàn thờ chúng. Chúng sẽ nói với núi non rằng: Hãy che lấp chúng ta đi. Chúng sẽ nói với đồi rằng: Hãy đổ xuống trên chúng ta cho rồi! Các ngươi hãy gieo rắc sự công chính và sẽ gặt mùa nhân từ. Các ngươi hãy khai khẩn những khu đất mới: Ðây là lúc phải tìm kiếm Chúa, khi Người đến, Người sẽ dạy dỗ sự công chính cho các ngươi.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 104, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn (c. 4b).
Xướng: 1) Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. Hãy tự hào vì danh thánh của Người; tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. - Ðáp.
2) Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa; hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ, và những điều miệng Ngài phán quyết.- Ðáp.
3) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Người; hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Người kén chọn. Chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Người bao trùm khắp cả địa cầu. - Ðáp.
  
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 1-7
"Các con hãy đến cùng chiên lạc nhà Israel".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.
Ðây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.
Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: "Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: 'Nước Trời đã gần đến'".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chọn Các Tông Ðồ
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở về cội nguồn của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðể thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng Tin Mừng. Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông Ðồ và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Ðấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo Hội.
Chúa Kitô quả thật đã thành lập một Giáo Hội hữu hình có phẩm trật, phẩm trật ấy hiện hữu không ngoài mục đích tiếp tục sứ mệnh Ngài đã ủy thác cho các Tông Ðồ. Do đó, tiếp nhận quyền bính trong Giáo Hội cũng chính là chấp nhận quyền bính mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Ðồ. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội tông truyền, điều đó không chỉ có nghĩa là Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ, mà còn có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận quyền bính mà các Tông Ðồ đã truyền lại cho các đấng kế vị, tức Giám mục đoàn mà thủ lãnh là Ðức Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô. Ðây chính là nền tảng sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không thể nói đến hiệp thông khi một Giám mục đứng riêng rẽ bên ngoài Giám mục đoàn để truyền dạy những điều nghịch đức tin và luân lý của Giáo Hội, và cũng không còn là hiệp thông khi một tín hữu không tuân giữ quyền giáo huấn của Giám mục đoàn và của thủ lãnh Giám mục đoàn là Ðức Giáo Hoàng.
Dân chủ vốn là một phạm trù dễ bị lạm dụng. Ngay tại những nước có dân chủ thực sự, thì hai chữ "dân chủ" cũng bị lạm dụng không kém. Khi một luật pháp bất công như luật cho phép phá thai chẳng hạn được số đông bỏ phiếu tán thành, phải chăng đây không phải là một lạm dụng của trò chơi dân chủ. Giáo Hội luôn đề cao tinh thần dân chủ đích thực, nhưng Giáo Hội không hề là một chế độ dân chủ, trong đó các thành phần có thể bỏ phiếu chọn người lãnh đạo hoặc tán thành một khoản luật. Giáo Hội cũng chẳng là một tổ chức mà người ta có thể xếp vào bất cứ chế độ nào. Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa Kitô, chân lý chúng ta phải tuyên xưng là do Chúa Kitô mạc khải và ủy thác cho các Tông Ðồ, và truyền lại cho các đấng kế vị các ngài. Luật phải giữ cũng chính là luật của Chúa Kitô đã ủy thác cho các Tông Ðồ và các đấng kế vị các ngài. Tiêu chuẩn cho biết một thành phần Giáo Hội có hiệp thông với Giáo Hội hay không, là tinh thần tuân phục đối với quyền bính của những đấng kế vị các Tông Ðồ.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta tinh thần khiêm tốn, để luôn luôn biết đón nhận và tuân phục giáo huấn của Ngài được ủy thác cho các Tông Ðồ và Giáo Hội. Xin Chúa gìn giữ Giáo Hội được hiệp thông quanh đấng kế vị thánh Phêrô mà Chúa đã đặt làm thủ lãnh Giáo Hội.
Veritas Asia



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 14 TN2, Năm Chẵn
Bài đọcHos 10:1-3, 7-8, 12; Mt 10:1-7.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đừng ăn trộm công ơn của Thiên Chúa.
Trong cuộc đời, ai cũng ghét kẻ vô ơn; nhưng còn có tội nặng hơn tội vô ơn là lấy của người khác làm của mình hay gán ơn ấy cho người không làm. Ví dụ: một người Thiên Chúa ban cho làm ăn phát đạt lại nghĩ là do tài khéo của họ, hay gán cho ông “thần tài” mà họ đã dâng hương cúng bái. Ngôn sứ Hosea dùng chữ nặng hơn để diễn tả hạng người này: họ làm điếm đã không được tiền thì chớ, lại còn lấy tiền của chồng cho khách (Hos 2:7-10). Ngôn sứ có ý muốn nói: Thiên Chúa đã ban mọi thứ cho Israel, họ lại nghĩ thần Baal đã ban cho họ và họ dùng những của cải Thiên Chúa ban để xây dựng đền thờ và dâng hương cúng bái thần Baal.
Các bài đọc hôm nay muốn chúng ta nhận ra tất cả những gì chúng ta có là do Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta cần biết nhận ra và đáp trả cho tương xứng. Trong bài đọc I, ngôn sứ Hosea phơi bày tội lỗi của con cái Israel. Họ là những người “một lòng hai dạ:” một tay nhận của Thiên Chúa ban tặng, một tay dâng kính cho thần Baal. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chọn lựa, huấn luyện và ban quyền cho các tông đồ trước khi sai các ông ra đi rao giảng để mang các linh hồn về cho Thiên Chúa. Nếu các ông mang được linh hồn nào trở về, đó là công ơn của Thiên Chúa chứ không phải của các ông. Các ông chỉ là khí cụ Thiên Chúa dùng để giảng lời Thiên Chúa. Vì thế, các ông cần tránh hai thái độ: muốn người khác trả ơn mình hay cho mình là người đã cứu linh hồn người khác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy gieo công chính, rồi sẽ gặt được tình thương.
1.1/ Càng trở nên giàu có con người càng sống xa Thiên Chúa: Một điều quá hiển nhiên là con người sống rất gần gũi với Thiên Chúa khi họ nghèo đói, trong đau khổ hay tuyệt vọng. Nhiều người cầu xin và hứa hẹn nếu Thiên Chúa cứu họ thoát hiểm nguy, họ sẽ dành trọn cuộc đời để thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Nhưng khi đã vượt qua đau khổ và trở nên phú túc giàu sang, họ nghĩ họ chẳng cần tới Thiên Chúa nữa. Họ hãnh diện và tôn thờ những gì họ có và cho những gì họ gặt hái được là do công sức của họ. Tuy họ không dám nói công khai là họ từ bỏ Thiên Chúa; nhưng lòng trí họ xa rời Thiên Chúa để gắn bó vào với các thứ thần: uy quyền, danh vọng, tiền của, thỏa mãn xác thịt. Ngôn xứ Hosea gọi họ là thứ người “lòng một dạ hai.”
Điều này đã xảy ra cho con cái Israel. Ngôn sứ Hosea nhận xét: “Israel vốn là một cây nho sum sê, hoa trái thật dồi dào phong phú. Nhưng hoa trái càng nhiều, chúng càng dựng thêm các bàn thờ ngẫu tượng; đất nước càng giàu sang, chúng càng làm thêm những cột thần lộng lẫy.”
Tại sao những điều này xảy ra? Có nhiều lý do nhưng có lẽ lý do trên hết là tội kiêu ngạo và muốn hưởng thụ. Con người muốn chính họ là vua, là Chúa cho chính họ; chứ không muốn nghe lời bất cứ ai, và cũng không muốn người khác bắt họ phải làm điều họ không muốn. Ngôn sứ Hosea nhận định: Bây giờ chúng lại nói: “Chúng tôi không có vua.” Vì Đức Chúa, chúng còn không kính sợ, thì nếu có vua, liệu ông làm gì được cho chúng? Nhiều người chối bỏ Thiên Chúa không phải vì họ không biết có Thiên Chúa, nhưng để khỏi phải làm theo những điều Ngài truyền; vì những điều Thiên Chúa truyền ngăn cản việc hưởng thụ của họ.
1.2/ Thiên Chúa phải sửa phạt để đưa con người trở lại: Nếu con người biết ơn và trả nghĩa Thiên Chúa khi họ được giàu sang hạnh phúc, Thiên Chúa không cần phải sửa phạt; nhưng vì con người “lòng một dạ hai,” nên Thiên Chúa phải sửa phạt để họ nhận ra họ không thể sống thiếu Thiên Chúa và ăn năn quay về. Sửa phạt, như thế, là một điều cần thiết và biểu lộ tình thương; nếu không, Thiên Chúa sẽ mất những người con Ngài dựng nên.
Khi Thiên Chúa ra tay sửa phạt, con người sẽ nhận ra tội lỗi và lối sống hoang tưởng của họ. Họ sẽ xấu hổ, sợ hãi và không dám đối diện với tình thương cao cả của Ngài, Ngôn sứ Hosea diễn tả trạng thái này như sau: Bấy giờ chúng sẽ nói với núi đồi: “Phủ lấp chúng tôi đi!” và với gò nổng: “Hãy đổ xuống trên chúng tôi!”
Để tránh tình cảnh sẽ xảy ra, chúng ta hãy học bài học lịch sử như Hosea dạy: “Hãy gieo công chính, rồi sẽ gặt được tình thương… Đây là thời kiếm tìm Đức Chúa.” Nếu đang sống trong đầy đủ hạnh phúc, chúng ta hãy biết cám ơn Thiên Chúa và xử dụng những gì Ngài ban cho nên. Nếu đang thiếu thốn đau khổ, chúng ta hãy cầu xin cho vượt qua nếu đẹp ý Ngài.
2/ Phúc Âm: Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.
2.1/ Chúa ban cho các Tông-đồ mọi quyền năng để phân phát cho dân chúng.
Trong sự quan phòng rất khôn ngoan, Chúa Giêsu không làm việc một mình; nhưng Ngài chọn các Tông-đồ để huấn luyện, ban quyền năng, và ủy thác cho sứ vụ tiếp tục loan truyền Tin Mừng đến mọi người. Noi gương Chúa Giêsu, Giáo Hội trải qua bao thế hệ vẫn tiếp tục sứ vụ này: một mặt không ngừng rao giảng Tin Mừng đến mọi dân tộc, một mặt lo đào tạo hàng giáo sĩ, ban quyền năng, và sai đi, để họ có thể tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho thế hệ tương lai. Nhìn lại lịch sử của Giáo Hội, chúng ta không còn gì nghi ngờ về sự hiện diện luôn của Đức Kitô trong Giáo Hội.
2.2/ Tập hợp của các môn đệ Chúa Giêsu: “Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Zebedee và ông Gioan, em của ông; ông Philíp và ông Bartholomeo; ông Tôma và ông Matthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Alphê và ông Tađêô; ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Iscariot, là chính kẻ nộp Người.”
– Nhìn vào danh sách các Tông-đồ, điều đầu tiên chúng ta nhận ra là những con người tầm thường, chẳng có gì nổi bật so với tiêu chuẩn của thế gian, đấy là chưa kể đến yếu đuối, tội lỗi. Điều này chứng minh: sức mạnh và uy quyền hoàn toàn của Thiên Chúa. Ngài giúp con người tầm thường làm những việc phi thường.
– Con người thường hay chọn những người cùng một sở thích hay tính tình giống nhau. Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ có tính tình khác nhau, nhiều khi đến chỗ xung khắc: một Phêrô nhanh nhẩu nói năng phải ở với Gioan thâm trầm, ít nói; một Simon nhiệt thành chống lại uy quyền ngoại bang phải ở với Matthew, người thu thuế cho ngoại bang; một Thomas từ chối không tin tất cả lời chứng Chúa đã sống lại và hiện ra của tất cả Tông-đồ khác. Thế mà Thiên Chúa có thể làm cho các ông dẹp khác biệt cá nhân, để sống chung và cùng nhau thi hành sứ vụ Ngài trao.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta đừng bao giờ ăn trộm công ơn của Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trong cuộc đời, và luôn biết đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng lối sống công chính và yêu thương tha nhân.
– Chúng ta hãy luôn thờ phượng và sống gần gũi với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh: khi nghèo khó cũng như lúc sang giầu, khi bình an cũng như lúc gian nan khốn khó. 
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


11/07/2018
THỨ TƯ TUẦN 14 TN
Th. Bê-nê-đi-tô, viện phụ
Mt 10,1-7

TẤT CẢ ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
“Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10,7)

Suy niệm: Thánh Phan-xi-cô Át-si-di một hôm gọi một thầy cùng với mình đi giảng đạo. Hai người rảo qua các đường phố rồi trở về nhà. Thầy đó hỏi thánh nhân vì sao ngài nói đi giảng đạo mà không giảng dạy gì. Thánh Phanxicô trả lời: ngay trong lúc đi đường ngài đã giảng đạo rồi. Chúa Giê-su dạy các môn đệ đến với “các chiên lạc nhà Ít-ra-en” thế mà chưa đến “nhiệm sở,” các ông đã phải rao giảng ngay khi đi dọc đường. Và Chúa còn truyền lệnh cho dù người nghe có đón nhận Lời hay không thì cũng phải nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,11). Các ông phải sẵn sàng bỏ lại mọi thứ hành trang cồng kềnh, giã từ những mối quan hệ vô bổ để có thể tập trung tất cả cho việc loan báo Tin Mừng.
Mời Bạn: Tất cả cho việc loan báo Tin Mừng nghĩa là từ việc bạn mua sắm, ăn mặc, hay làm công việc nghiệp vụ chuyên môn của bạn cho đến việc bắt tay chào hỏi một người quen, thậm chí việc bạn nhai một miếng cơm, uống một ngụm nước, v.v… tất cả đều có thể biến thành một hành động loan báo Tin Mừng nếu như những việc đó chuyển tải sứ điệp “Nước Thiên Chúa đã đến gần.” Nếu chỉ khi nào bạn lên tiếng rao giảng mới là loan báo Tin Mừng thì cả đời bạn, bạn có loan báo được bao nhiêu?
Chia sẻ: Kiểm điểm xem những sinh hoạt trong nhóm của bạn đã nói lên được sứ điệp nào của Tin Mừng chưa.
Sống Lời Chúa: Chú ý làm tốt một công việc thường ngày với ý chỉ cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết thao thức trước cảnh “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít,” và xin sai con đi làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)


Mười hai tông đồ (11.7.2018 –Thứ tư Tuần 14 Thường niên)

Suy nim:
Đức Giêsu đã cần mười hai bạn trẻ cộng tác với mình,
để làm mục tử cho đàn chiên, làm thợ gặt cho mùa lúa chín vàng,
làm tông đồ cho một nước Paléttin nhỏ bé.
Ngài chia sẻ cho họ uy quyền mình có và sứ vụ mình làm (c. 1).
Con số mười  hai gợi nhớ mười hai chi tộc Ítraen ngày xưa.
Giáo Hội Ngài thiết lập sẽ là Ítraen mới, đặt nền trên mười hai bạn trẻ.
Chúng ta khó hình dung khuôn mặt riêng của mỗi vị tông đồ,
nhưng ta biết tên của họ qua các sách Tin Mừng, dù có chút dị biệt.
Họ có cá tính và cuộc đời riêng, nhưng đều được gọi bởi Thầy Giêsu,
và được Thầy sai đến với dân tộc mình là Ítraen (c. 6).
Tin Mừng Mátthêu kể tên nhóm Mười Hai theo từng cặp.
Simôn Phêrô đứng đầu danh sách, còn Giuđa Ítcariốt thì đứng cuối.
Chỉ sau này ta mới biết Simôn sẽ chối Thầy và Giuđa sẽ phản bội.
Có những cặp anh em ruột: Simon và Anrê, Gioan và Giacôbê.
Có người làm nghề thu thuế cho quân đô hộ: Mátthêu.
Có người lại muốn dùng vũ trang giải phóng đất nước: Simôn nhiệt thành.
Có ba người được coi là môn đệ thân tín: Phêrô, Gioan và Giacôbê.
Nói chung đa số là những người ít học thức, làm nghề đánh cá.
Được sai đi thật là một thách đố đối với họ.
Họ có làm nổi những việc Thầy giao không?
Vào thời Đức Giêsu, rao giảng “Nước Trời đã đến gần” là điều không dễ.
Để người ta tin chuyện đó, cần phải minh chứng bằng hành động cụ thể,
như chữa lành bệnh hoạn và khử trừ thần ô uế.
Vào thời nay, rao giảng Tin Mừng Nước Trời lại càng không dễ.
Rao giảng vẫn phải đi kèm với các việc phục vụ con người.
Lập một bệnh xá, bắc một cây cầu, đào một giếng nước,
giúp trẻ em nghèo đến trường, đưa người cai nghiện về lại với cộng đoàn,
cho các cô gái lầm lỡ có chỗ sinh con và nuôi con…
Giáo Hội đã làm nhiều việc và vẫn còn bao nhu cầu mới mẻ.
Nhưng có một việc mà xã hội hôm nay không biết là mình đang cần,
đó là được giải phóng khỏi những thần ô uế mới đang ám ảnh con người.
Mười Hai tông đồ ngày xưa đã đi khắp mảnh đất Paléttin,
và đã đặt chân đến những vùng đất mới.
Thế giới hôm nay rộng hơn và phẳng hơn xưa.
Chúng ta được Đấng Phục sinh sai đến mọi dân tộc (Mt 28, 20).
Các phương tiện truyền thông ngày nay giúp ta dễ dàng làm chuyện đó.
Nhưng chúng ta vẫn không được quên, trên quê hương Việt Nam
gần 80 triệu đồng bào chưa đón nhận Tin Mừng.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Đức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
11 THÁNG BẢY
Con Đường Tiến Tới Thành Toàn
Sự quan phòng bao trùm một cách đặc biệt những tạo vật được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài – tức con người. Con người nhận được “sự tự trị của những hữu thể thụ tạo” trong ý nghĩa đầy đủ nhất theo diễn tả của Công Đồng Vatican II (MV 36). Nhưng không chỉ con người mà thôi – vì còn phải kể đến các tạo vật có bản tính tinh thần thuần túy nữa. Nhưng chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề này sau – vấn đề liên quan đến thế giới vô hình.
Trong thế giới hữu hình, đối tượng đặc biệt của sự quan phòng thần linh là con người. Theo ngôn ngữ của Công Đồng Vatican II, “con người là tạo vật duy nhất trong thế giới được Thiên Chúa yêu thương vì chính nó” (MV 24). Vì thế, “con người không thể hoàn thành chính mình nếu không chân thành trao hiến chính mình” (MV 24).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 11/7
Thánh Bênêđíctô Viện phụ
Hs 10, 1-3.7-9.12; Mt 10, 1-7.

LỜI SUY NIỆM: Anh em đừng đi về phía dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn hết hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. Dọc đường hãy rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần.”
            Ngày hôm nay, mỗi Kitô hữu cũng đang mang trên mình một lệnh truyền của Chúa Giêsu, như xưa các môn đệ của Chúa Giêsu đã nhận lãnh và đã ra đi. Ngày xưa ấy khi các Tông Đồ khởi đầu sứ vụ của mình, vì còn quá mới mẻ, còn quá ít dân sự, nên Chúa Giêsu đã khoanh vùng để các Tông Đồ dễ thành công mang lại hoa trái cho Giáo Hội. Nhưng với hơn hai ngàn năm qua, Giáo Hội đã phủ khắp hoàn cầu, thì không còn phải khoanh vùng nữa, nhưng tất cả phải lên đường, như Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi. “chúng ta không thể là những chiếc xe hơi đời mới đầy đủ tiện nghi mà lại nằm trong Gara, nhưng cần phải đem ra sử dụng dù có bị trầy xướt còn hơn là trở nên vô dụng.”
            Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con được đầy ơn Chúa Thánh Thần, nhờ đó chúng con có thêm sức mạnh, sự khôn ngoan, để chúng con can đảm xông pha trên mọi nơi, mọi chốn, để đem Tin Mừng đến cho mọi người và mọi môi trường sống trong xã hội hôm nay.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 11-07: Thánh BÊNÊĐITÔ
Tu Viện Trưởng (480 – 547)

Thánh Bênêditô, tổ phụ các dòng tu bên tây phương, sinh khoảng năm 480 tại Nursia. Hai nguồn chính về cuộc đời thánh Bênêđitô là cuốn Dialogne (đối thoại) của thánh Grêgôriô Cả và cuốn qui luật của chính thánh nhân. Cuốn Dialogne thâu thập các phép lạ được coi là do thánh nhân thực hiện. Giá trị của các phép lạ này tùy theo thẩm quan và theo cách thức phê phán của mỗi người, nhưng cung ứng cho chúng ta những sự kiện quí giá. Cha mẹ Ngài có lẽ thuộc vào hàng quí tộc ở miền quê. Ngài lớn lên tại gia đình. Năm 14 tuổi, Ngài được gửi tới Roma để bổ túc việc học hành. Các độc giả ngày nay có thể ngạc nhiên khi thấy có chị vú nuôi Cyrilla của Ngài đi theo.
Sự suy đồi của Roma làm cho người thiếu niên nhà quê này khiếp sợ. Dầu có vú nuôi đi theo, thánh nhân trốn khỏi kinh thành hai hay ba năm sau đó. Ngài biết rằng: Thiên Chúa muốn gọi mình sống đời tu trì. Cùng với vài người đạo đức, Ngài lưu lại ít lâu ở Enfide, cách Roma 35 dặm. Sau đó một mình lên đường, Ngài tìm sống đời ẩn dật tu trì. Tại Subianô, Ngài gặp một ẩn sĩ tên là Rômanô, vị ẩn sĩ hỏi: – Bạn ơi, bạn đi đâu vậy ?
– Tôi trốn thế gian và đi tìm cô tịch.
Rômanô khen ngợi ý định đạo đức của thánh nhân, khuyên Ngài hãy kiên trì và ban cho những lời khuyên nhủ quí báu. Thầy cho Ngài một bộ áo nhà tu, là một tấm da cừu và chỉ cho Ngài một cái hang. Nhận bộ áo nhà tu, Bênêditô lần mò tới cái hang ở giữa triền dốc Montê Calvô. Ngài đã giam mình ở đó 3 năm, thinh lặng cầu nguyện và ăn chay hãm mình. Thực phẩm Ngài dùng là rễ cây và ít mẩu bánh thầy Romanô gởi tới bằng một cái thúng cột giây thả xuống.
Quỉ dữ tức giận vì các nhân đức của thầy dòng trẻ tuổi. Chúng dùng nhiều chước cám dỗ để lôi kéo Ngài bỏ sa mạc trở về thế gian. Ngài thường làm dấu thánh giá để xua đuổi các cơn cám dỗ. Một lần kia bị cám dỗ nghịch với đức trong sạch, Ngài liền cởi áo và lăn mình vào bụi gai đến chảy máu ra. Từ đó tư tưởng xấu hoàn toàn bị đè nén và không còn khuấy khuất Ngài nữa.
Tuy nhiên, các mục đồng đã khám phá ra Ngài và danh thơm nhân đức của Ngài đã lan rộng. Một tu viện gần đó mời Ngài về làm bề trên. Nhưng khi muốn chỉnh đốn những lạm dụng và muốn áp dụng một qui luật, Ngài đã bị một số thầy dòng bực tức khó chịu. Họ còn đi đến quyết định hãm hại người khác nữa. Đến bữa ăn thánh Bênêditô làm dấu thánh giá trên chén rượu như thói quen, chén liền vỡ tan. Ngài nói với họ: – Xin Chúa tha thứ cho các anh. Tại sao các anh làm như vậy ? Tôi đã chẳng nói với các anh rằng: chúng ta không thể sống chung được với nhau là gì ? Vậy các anh hãy đi tìm một bề trên khác hợp ý các anh hơn.
Rồi thánh nhân tìm lại cô tịch để sống thân mật một mình với Thiên Chúa. Dầu vậy danh tiếng của thánh nhân lan rộng tới Roma. Ngài không thể sống cô độc một mình được nữa. Nhiều người tìm đến xin làm môn đệ Ngài. Tiếp nhận họ, Ngài đã phải thiết lập 12 tu viện nhỏ. Có những gia đình quí phái mang con đến gởi thánh nhân. Chúng ta phải kể đến trong số này hai thiếu niên Placidê và Maurô là những người sau này đã trở nên các vị thánh.
Nhân đức các phép lạ của thày dòng cao cả này đã gây nên nỗi ghen tức và cả đến việc vu oan nữa. Thánh Grêgôriô cho chúng ta biết rằng: vì bị một linh mục ghen ghét xua đuổi, Bênêditô phải dời bỏ Subianô. Thi sĩ Marcô lại nói rằng: Ngài đã được Chúa gọi đến Cassinô. Dầu sự thực có thế nào đi nữa, thì vào khoảng giữa năm 520 và 530, thánh Bênêditô cùng với vài người bạn đã rời bỏ Subiacô tới Cassinô. Trên núi Cassinô có một ngôi đền cổ và một cánh rừng dâng kính thần Apollô. Ngài rao giảng Tin Mừng cho dân cư vùng này và phá rừng khai hoang. Sau khi triệt hạ ngôi đền cổ, Ngài đã thiết lập hai nhà nguyện kính thánh Gioan tẩy giả và thánh Martinô. Đó là nguồn gốc của tu viện nổi danh Montê Cassinô.
Thánh Bênêditô đã sống tại đây cho tới hết đời. Cũng tại đây, Ngài đã trước tác một bộ luật dòng ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tu trì của Giáo hội. Theo luật sống này, một ngày của tu sĩ được phân phối cho ba hoạt động chính là cầu nguyện, học hành và lao động.
Mọi hoạt động của thánh nhân đều nhằm thi ân. Người ta còn kể lại nhiều phép lạ Ngài đã thực hiện. Chẳng hạn như Ngài chữa cho nhiều người phong hủi, trừ quỉ và làm cho nhiều người chết sống lại, Ngài còn được ơn thấu suốt bí mật tâm hồn và bí mật về tương lai. Chúng ta ghi lại giai thoại về cuộc tiếp xúc giữa thánh nhân với vua Totila. Nhà vua muốn kiểm chứng tin đồn rằng: thánh nhân biết được những điều bí mật. Ông cho biết mình sẽ đến thăm thánh nhân. Nhưng thay vì đích thân đến, ông lại sai một viên chức tên là Riggon, ăn mặc như nhà vua và có đoàn tùy tùng đông đảo. Thánh nhân vẫn ngồi khi thấy ông tới và nói với ông: – Con ơi ! Cởi áo ra đi. Nó không phải là của con,
Đến luợt Tôtila, ông đến thăm người của Chúa, ông quỳ mọp dưới chân thánh nhân, nhưng đã ngạc nhiên khi nghe Ngài nói: – Hãy giảm bớt những bất công đi, bởi vì ông đã gây quá nhiều sự dữ. Ong sẽ tiến vào Roma, cai trị trong chín năm. Năm thứ 10 ông sẽ từ trần.
Lời tiên báo của thánh nhân đã được thể hiện đầy đủ. Ngài còn cho biết rằng tu viện Monte Cassinô sẽ bị tàn phá. Lời tiên báo này cũng đã xảy ra. Năm 590, tu viện bị người Combarde cướp phá. Năm 1943, bọn đồng minh tàn phá dữ dội tu viện.
Thánh nhân tiếp tục làm nhiều phép lạ, do lòng bác ái thúc đẩy. Vào cuối đời, Ngài được thị kiến, thấy địa cầu chói sáng và linh hồn của thánh Germain được các thiên thần đưa về trời.
Ngài cũng đã thấy linh hồn của em mình là thánh nữ Scolastica về trời như vậy. Bốn mươi ngày sau cái chết của người em gái thánh nhân cho biết về cái chết của em mình. Sau khi đào mộ cho mình, thứ bảy ngày 21 tháng 3 năm 543 Ngài từ trần như lời loan báo trước.
(daminhvn.net)


11 Tháng Bảy
Một Quy Luật Ðơn Sơ

Hôm nay Giáo hội tôn kính nhớ thánh Bênêđictô, bổn mạng của toàn thể Châu Âu.
Vào cuối thế kỷ thứ 5, đế quốc La Mã bị lung lay vì cuộc xâm lăng của những người mà thế giới Kitô tại Âu Châu gọi là dân man di.
Một người thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc tại miền trung nước Italia muốn trốn thoát khỏi cuộc loạn nhiễu nhương ấy, cho nên đã leo lên ngọn núi Subiaco để dìm mình trong cuộc sống ẩn dật. Chính giữa nơi thanh tịnh thoát tục ấy mà chàng đã nghe được tiếng Chúa phán trong tâm hồn: có nhiều giá trị của đế quốc La Mã cần phải được bảo tồn. Càng ra sức làm việc để đem lại sự thống nhất và văn minh cho các dân xâm lược ấy.
Lấy những thôi thúc ấy làm lý tưởng cho cuộc sống, Bênêđictô, người thanh niên quý tộc ấy đã quy tụ xung quanh mình một số người đồng chí hướng và thiết lập tu viện đầu tiên tại Montecassino.
Chàng đã nói với Mauro, Placido và những người môn đệ đầu tiên như sau: “Chúng ta giam mình trong bốn bức tường kiên cố không phải là để xa cách những người khác, nhưng là để tiếp nhận từ trên cao ánh sáng của Chúa và thông đạt cho thế giới, để học hỏi một cách sâu xa hơn nền văn minh vừa Kitô giáo vừa nhân bản và làm cho nền văn minh ấy chiếu sáng giữa những người anh em của chúng ta. Tôn chỉ của chúng ta là thập giá và cái cày, bởi vì một dân tộc chỉ có thể phát sinh và lớn lên với sự cầu nguyện, nghiên cứu học hỏi và lao động”.
Những điểm chính trong quy luật của chúng ta là: Hát bảy lần một ngày để ca tụng Chúa và làm cho màn đêm tăm tối cũng được ấm cúng với lời ca tụng này. Thứ đến, mỗi ngày bỏ ra nhiều giờ để lao động ngoài đồng áng, học hỏi những sự trên trời và dịch lại những tác phẩm cổ điển. Sau cùng, phục vụ nhau như những người anh em của nhau, nhất là tại bàn ăn, là nơi vừa nghe đọc sách vừa thưởng thức chút rượu.
Vị thánh đã đưa ra chút quy luật đơn sơ trên đây đã được chọn làm bổn mạng của toàn thể Âu Châu, bởi vì nền văn minh của Kitô giáo hiện nay, nền văn minh nhân bản của thế giới ngày nay đã phát sinh từ chính lý tưởng cao quý ấy: sống chung trong yêu thương để ca tụng Chúa và phục vụ con người.
Giữa cơn khủng hoảng của đời sống tu trì như người ta đang chứng kiến hiện nay tại hầu hết các nước Tây phương, người ta lại thấy một dấu hiệu đầy hy vọng: các tu viện sống đời chiêm niệm vẫn tiếp tục thu hút thanh niên thiếu nữ. Giữa một thế giới dư dật, nhưng trống rỗng, hơn bao giờ hết, người ta càng ngày càng cảm thấy có nhu cầu phải cầu nguyện, phải sống kết hợp với Chúa.
Ðời sống tu trì, dù bất cứ dưới hình thức nào đi nữa, cũng không là một lẩn trốn đầy sợ hãi trước thế gian… Người tu sĩ đích thực xa lánh thế gian, chứ không xa lánh con người. Người tu sĩ đích thực xa lánh sự sa đọa của thế gian, để rồi lại kiến tạo một xã hội nhân bản hơn, dễ thở hơn, dễ sống hơn.
Ðó không chỉ là sứ mệnh của người được Chúa chọn cho cuộc sống chiêm niệm và cầu nguyện, mà cũng là sứ mệnh của mọi người Kitô. Người tín hữu Kitô luôn được mời gọi để thoát tục, để đi ngược lại tinh thần của thế tục, để tiêu diệt nơi mình những sức mạnh của sự dữ để ra sức kiến tạo một thế giới đáng sống hơn. Sống giữa thế giới, nhưng không thuộc về thế gian: đó là thế đứng của người Kitô. Ơn gọi và sứ mệnh của họ là kiến tạo Nước Chúa nghĩa là xây dựng những giá trị vĩnh cửu ngay trên chính những cái chóng qua ở đời này.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét