Trang

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

14-07-2018 : THỨ BẢY - TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN


14/07/2018
Thứ Bảy tuần 14 thường niên.


Bài Ðọc I: (Năm II) Is 6, 1-8
"Lưỡi tôi nhơ bẩn, mắt tôi trông thấy Ðức Vua, Người là Chúa các đạo binh".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Năm vua Ozias băng hà, tôi nhìn thấy Thiên Chúa ngự trên ngai cao, và đuôi áo của Người phủ đền thờ. Các Thần Sốt Mến đứng trước mặt Người, mỗi vị có sáu cánh: hai cánh che mặt, hai cánh phủ chân và hai cánh để bay. Các vị đó luân phiên tung hô rằng: "Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn thể địa cầu đầy vinh quang Chúa!" Các nền nhà đều rung chuyển trước tiếng tung hô, và Ðền thờ đầy khói.
Tôi nói rằng: "Vô phúc cho tôi, tôi chết mất! Vì lưỡi tôi nhơ bẩn, mắt tôi trông thấy Ðức Vua, Người là Chúa các đạo binh". Nhưng lúc đó có một trong các Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy đỏ mà ngài đã dùng cặp gắp từ trên bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói: "Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi ngươi được xoá bỏ, tội của ngươi được tha thứ". Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo: "Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho Chúng Ta?" Tôi liền thưa: "Này con đây, xin hãy sai con".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5
Ðáp: Chúa làm Vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).
Xướng: 1) Chúa làm Vua, Ngài đã mặc thiên oai, Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai. - Ðáp.
2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở; tự đời đời vẫn có Chúa. - Ðáp.
3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin; lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn đời. - Ðáp.
  
Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 24-33
"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Môn đệ không hơn thầy, và tôi tớ không hơn chủ mình. Môn đệ được bằng thầy, tôi tớ được bằng chủ mình thì đã là khá rồi. Nếu họ đã gọi chủ nhà là Bêelgiêbul thì huống hồ là người nhà của Ngài. Vậy các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
"Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
"Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:  Ðừng sợ người đời
Mahatma Gandhi, nhà tranh đấu bất bạo động cho quyền con người và nền độc lập của Ấn Ðộ, đã có lần nhắn nhủ các môn sinh như sau: "Sự thật và tình thương sẽ chiến thắng. Hãy suy nghĩ điều đó và hành động theo sự thật và tình thương. Ðừng bao giờ dùng bạo lực đáp trả bạo lực, vì làm như thế là bắt chước lối sống man rợ của những người dùng bạo lực. Khi dùng bạo lực, những người đó cho thấy nỗi thất vọng và trạng thái thú hóa của họ. Chúng ta hãy sống như con người. Những người dùng bạo lực có thể đánh đập và giết chết thân xác chúng ta, nhưng không thể giết được tinh thần và quyền lợi của chúng ta, họ không thể giết được sự thật. Sự thật và tình thương sẽ chiến thắng. Hãy suy nghĩ kỹ và hãy sống theo sự thật và tình thương, bởi vì nếu sống theo bạo lực và hận thù, thì thế giới sẽ trở thành mù lòa".
Ðã từng vào tù ra khám, đã từng bị đánh đập hành hung, con người đã nói những lời trên đây chưa một lần tỏ ra sợ sệt. Ngày 30/01/1948, ông ngã gục vì nhát gươm của một người quá khích. Cái chết của ông là một cụ thể hóa của chính chủ trương bất bạo động mà ông đã đề ra.
Sẵn sàng chết để làm chứng cho sự thật và tình thương với niềm tin vào sự bất tử của linh hồn con người, Mahatma Gandhi dù chưa phải là Kitô hữu, nhưng đã sống theo lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay, đó là sống hiên ngang, không sợ hãi trước các cường lực sự dữ, không sợ hãi những người chỉ giết được thân xác, nhưng không làm gì được linh hồn; sống trung thực với phẩm giá của con cái Chúa, không để mình rơi vào tình trạng hóa thú và nô lệ cho bạo lực: "Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, mà không giết được linh hồn".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào thực tế cuộc sống và tỏ ra thái độ phù hợp với người có lòng tin. Từ chuyện phải vất vả kiếm sống đến chuyện tương lai của con cái và những khó khăn trong việc sống đạo, chúng ta được mời gọi để múc lấy ánh sáng của Tin Mừng và chiếu dọi vào những thực tế ấy. Là người Kitô hữu, tôi phải sống những thực tại ấy thế nào? Lý tưởng của tôi là tìm mọi cách để có nhiều của cải vật chất hay là tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính trước?
"Môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ". Chúa Giêsu đã đi con đường của nghèo khó, thua thiệt, bách hại, thập giá, tha thứ và tha thứ cho đến cùng. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ đề ra cho chúng ta một lý tưởng, một con đường để đi theo, Ngài chính là con đường, là sự thật và là sự sống. Chúng ta tin rằng nếu chúng ta kết hiệp với Ngài, chúng ta sẽ được sức mạnh của Ngài để thắng vượt mọi gian nan thử thách. Chúng ta cũng tin rằng bên kia những hao mòn và chết chóc trong thân xác, tâm hồn chúng ta sẽ được mãi mãi kết hiệp với Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 14 TN2, Năm Chẵn
Bài đọcIsa 6:1-8; Mt 10:24-33.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ngôn sứ phải nói những gì Thiên Chúa truyền.
Các bài đọc hôm nay tập trung trong ơn gọi ngôn sứ và những gì ngôn sứ phải làm. Trong bài đọc I, Isaiah tường thuật ơn gọi ngôn sứ của chính mình. Ơn gọi ngôn sứ bắt nguồn từ Thiên Chúa, không do bởi con người, nhưng họ có tự do đáp trả. Họ được thánh hiến và giáo huấn trước khi được sai đi để làm phát ngôn viên cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ những gì phải làm và những gì không được làm trước khi sai các ông lên đường.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa gọi Isaiah làm ngôn sứ cho Ngài.
1.1/ Ngôn sứ nhận thức được sự thánh thiện của Thiên Chúa và tội lỗi của mình.
Ngôn sứ Isaiah hoạt động tích cực tại Jerusalem trong 4 đời vua: Uzziah, Jotham, Ahaz và Hezekiah. Triều đại của vua Uzziah cai trị trong 50 năm chấm dứt một triều đại an lành và hạnh phúc. Từ đó trở đi, các vua Judah kế tiếp và toàn thể dân chúng cũng chẳng khác gì các vua của Israel. Họ sống kiêu ngạo xa Thiên Chúa, sống hưởng thụ, và sống bất công với người nghèo.
Một trong những điểm đặc biệt trong Sách của ngôn sứ Isaiah là muốn làm nổi bật sự thánh thiện của Thiên Chúa và sự tội lỗi của con người. Trình thuật hôm nay là một điển hình. Thị kiến hôm nay có lẽ xảy ra trong Đền Thờ Jerusalem. Hình ảnh các Seraphim có 6 cánh rất phổ thông trong các quốc gia vùng Cận Đông. Khi các Seraphim tung hô “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” các Ngài tuyên dương sự thánh thiện tuyệt đỉnh của Thiên Chúa, không một ai trên bầu trời này thánh thiện như Ngài. Đền Thờ tỏa khói mịt mù nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa với loài người, như Ngài đã từng hiện diện với con cái Israel trong Cột Mây và Lều Hội Ngộ, khi họ lang thang 40 năm trong sa mạc.
Khi nhận diện ra sự thánh thiện vô cùng của Thiên Chúa cũng là lúc Isaiah nhận ra sự tội lỗi bất xứng của mình, đến nỗi Isaiah phải thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!” Truyền thống Do-thái tin không một ai nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống (Exo 33:20). Isaiah tin chắc ông sẽ phải chết nếu Thiên Chúa không can thiệp.
1.2/ Ngôn sứ được thánh hiến bằng lửa: Trình thuật kể: “Một trong các thần Seraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ.” Thánh hiến bằng than hồng có lẽ là một hành động biểu trưng cho sự thánh hiến tâm hồn của Isaiah. Chính hành động này đã làm cho ngôn sứ Isaiah được sạch tội và khỏi phải chết, như lời sứ thần Seraphim tuyên bố: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội.” Miệng lưỡi của ngôn sứ là khí cụ quan trọng nhất trong sứ vụ của ngôn sứ; có lẽ đây là lý do sứ thần đưa hòn than ấy chạm vào miệng ngôn sứ.
Ơn gọi ngôn sứ là ơn gọi hoàn toàn tự nguyện: Thiên Chúa gọi và người được gọi đáp trả. Thiên Chúa mời gọi ngôn sứ qua việc đặt câu hỏi: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Isaiah được sự thúc đẩy từ bên trong đã mạnh dạn thưa: “Dạ, con đây, xin sai con đi.”
2/ Phúc Âm: Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày.
2.1/ Ba thái độ phải có của người môn đệ Đức Kitô: Để trở thành môn đệ trung thành của Đức Kitô, một người phải có ba thái độ sau:
(1) Sẵn sàng chấp nhận gian khổ: “Nếu họ bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” Người môn đệ Đức Kitô chắc chắn sẽ bị người đời bắt bớ, vì họ đã từng bắt bớ và giết Ngài. Chúa Giêsu muốn các môn đệ Ngài phải nhớ rõ điều này: “Trò không hơn thầy, đầy tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, đầy tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Beel-zebul, huống chi là người nhà.”
Trong khi rao giảng hay làm việc tông đồ, người môn đệ chắc chắn sẽ gặp những người phê bình, chống đối, đe dọa và bắt bớ. Lý do đơn giản là người môn đệ nói những điều người đời không muốn nghe, và sự thật thì hay mất lòng. Một vài ví dụ dẫn chứng: người môn đệ nói phải tuyệt đối trung thành trong ơn gọi gia đình đang khi khán giả ngồi dưới đã từng ly dị; người môn đệ dạy phải hy sinh để báo hiếu cha mẹ đang khi khán giả gởi cha mẹ vào các viện dưỡng lão; người môn đệ dạy phải sinh con cái cho nhiều đang khi khán giả không muốn sinh thêm con.
(2) Không được sợ hãi người đời: Nếu người môn đệ sợ làm người đời mất lòng, sợ bị phê bình hay bị chống đối, người môn đệ sẽ không dám nói sự thật mà ông được kêu gọi để rao giảng; ngược lại, ông sẽ tìm cách nói những gì mà khán giả thích, cho dẫu những điều này không phải là những gì Chúa dạy. Đó là lý do Chúa Giêsu răn dạy các môn đệ: “Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.”
Khi làm chứng cho sự thật, các môn đệ sẽ phải trả giá đắt, có thể phải hy sinh cả tính mạng như trường hợp của các thánh tử đạo; nhưng các ngài sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho sự thật, vì các ngài tin Thiên Chúa sẽ trả lại thân xác vinh quang, và cho linh hồn các ngài được sống đời đời.
(3) Phải tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa: Để dạy các môn đệ điều này, Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ: Thứ nhất, chim sẻ: Ngài nói: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” Thứ hai, tóc trên đầu: Ngài nói: “Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.” Tóc trên đầu con người quá nhiều và rụng xuống hàng ngày. Nếu một sợi tóc vô nghĩa rơi xuống hàng ngày như vậy còn được Thiên Chúa quan tâm tới, huống hồ là số phận của những người môn đệ Chúa.
Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, đau khổ là phương tiện Thiên Chúa dùng để thử thách niềm tin yêu của con người dành cho Ngài. Nếu con người sợ hãi và trốn tránh đau khổ, con người không chứng minh niềm tin yêu của họ dành cho Ngài.
2.2/ Phần thưởng cho những môn đệ sống trung thành và làm chứng cho sự thật: Chúa Giêsu nói rõ ràng với các môn đệ: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” Ngược lại, “Ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” Người nào không dám tuyên xưng danh Thầy mình, không dám nói những sự thật Thầy dạy, người ấy không phải là môn đệ Đức Kitô. Trong Ngày Chung Thẩm, Đức Kitô cũng không nhận những người như thế trước mặt Cha của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Ngôn sứ phải nói những gì Thiên Chúa truyền, cho dù lời ấy người đời không thích. Khi người ngôn sứ nói ngược lại những lời Thiên Chúa truyền, ông tuyên án cho chính mình.
– Mỗi tín hữu đều nhận ơn gọi làm ngôn sứ cho những người có trách nhiệm. Chúng ta phải chu toàn bổn phận được giao bằng việc trao ban cho tha nhân những lời dạy của Ngài. 
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


14/07/2018 – THỨ BẢY TUẦN 15 TN
Th. Ca-mi-lô Len-li   Mt 10,24-33
VUI SỐNG THEO SỰ THẬT
“Vậy các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết.” (Mt 10,26)

Suy niệm: “Thật thà, thẳng thắn, thường thua thiệt. Luồn lách, lươn lẹo lại lên lương”, điều mà các bạn trẻ ngày nay vẫn thường truyền miệng, đã trở thành một thứ ca dao tục ngữ thời hiện đại, bởi vì nó không chỉ là chuyện giễu cợt mà còn phản ánh một thực tại đau lòng trong đời sống xã hội ngày nay. Rất nhiều người coi đó như những thủ đoạn cần thiết để tiến thân, tạo nghiệp. Tuy nhiên, chống lại với não trạng đó, Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ vui sống trong sự thật. Nghĩa là dám đón nhận đau khổ, bắt bớ, và thập giá để luôn vui sống trong Sự Thật và loan truyền Sự Thật ấy đến muôn người. Đó là những người môn đệ đích thực, luôn sống trong bình an, ân sủng, và quan phòng của Thầy. Không những thế, Chúa Giê-su còn khẳng định, những người đó sẽ được chính Ngài tuyên xưng trước mặt Cha trong ngày sau hết.
Mời Bạn: Sống trong một xã hội mà sự giả dối đã ăn sâu vào trong lối sống nếp nghĩ, đến độ sự trung thực vắng bóng ngay cả trên bục giảng, thậm chí học sinh tiểu học cũng biết phải gian dối thế nào để có những con điểm đẹp đẽ, – sống trong một xã hội như thế, – bạn có xác tín vào lời Chúa rằng “Sự thật sẽ giải phóng bạn” (Ga 8,32)? Mời bạn “sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là đầu” (Ep 4,15).
Sống Lời Chúa: Quyết tâm luôn sống thật, nói thật như Lời Chúa dạy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, “thuốc đắng đã tật, sự thật mất lòng”, xin cho con biết đón nhận và vui sống sự thật dù điều đó có đau lòng con.
(5 Phút Lời Chúa)


Thứ Bảy tuần 14 Thường niên B (14.7.2018): "Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác" (Mt 10, 24-33)
Suy niệm

Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu nhắc chúng ta đừng lo (c.19).
Hôm nay ba lần Ngài nhắc chúng ta đừng sợ kẻ bách hại (c. 26. 28.31).
Cuộc sống con người bị trói buộc bởi những nỗi sợ,
có lý và vô lý, đến từ bên ngoài hay từ bên trong trái tim.
Càng văn minh con người càng có nhiều nỗi sợ mới.
Nỗi sợ làm người ta mất tự do, mất bình an, mất vui…

Đừng sợ, Simon, khi Thầy gọi anh đi theo (Lc 5, 10).
Đừng sợ khi Thầy đi trên mặt nước mà đến (Mt 14, 27).
Đừng sợ sau khi thấy Thầy được biến hình (Mt 17, 7).
Đừng sợ, Giairô, dù con gái ông đã chết (Mc 5, 36).

Nỗi sợ có vẻ gắn liền với phận người mong manh.
Nhưng Đức Giêsu muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi nỗi sợ.
Có người môn đệ sợ bị mất mạng, đến nỗi không dám rao giảng,
không dám tuyên nhận Thầy trước mặt người đời.
Đức Giêsu mời các môn đệ nói công khai giữa ban ngày, trên mái nhà,
điều mình nghe Thầy thì thầm trong đêm khuya (c. 27).
Họ không được giữ riêng cho mình điều đã lãnh nhận.
Đừng sợ cái giá phải trả cho việc rao giảng, làm chứng cho Thầy,
vì có điều gì còn quý hơn cả sự sống thân xác nữa (c. 28).
Trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng sợ chết, vì Ngài còn quá trẻ.
Nhưng Ngài đã không để cho nỗi sợ thắng mình,
khi dám nói tiếng “xin vâng”, buông đời mình trong tay Cha.

Cha lo cho cả những sinh vật bé nhỏ, tưởng như vô giá trị.
Chim sẻ là thức ăn rẻ tiền nhất vào thời Đức Giêsu.
Tiền lương một ngày mua được ba chục con chim sẻ.
“Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha” (c. 29).
Cả đến sợi tóc trên đầu chúng ta cũng được Thiên Chúa đếm (c. 30).
Dù một sợi cũng được Thiên Chúa giữ gìn (Lc 21, 18).
Chính vì thế người Kitô hữu được giải phóng khỏi những nỗi sợ đeo đẳng.
Họ chẳng còn sợ ai, ngoài Thiên Chúa.

Vấn đề không phải là trở nên vô cảm, không biết sợ là gì.
Nhưng là biết sợ ai.
“Mày cùng chịu một án phạt mà không biết sợ Thiên Chúa ư?”
Anh trộm lành đã nói với người kia như vậy (Lc 23, 40).
Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những nỗi sợ vu vơ,
để chúng ta được tự do, biết lo điều phải lo, biết sợ điều phải sợ.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG BẢY
Được Trao Ban Những Ân Sủng Đặc Biệt
Được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài, con người là tạo vật hữu hình duy nhất mà Đấng Tạo Hóa “nhắm đến vì chính nó” (MV 24). Thiên Chúa – Đấng cai quản thế giới với sự khôn ngoan và quyền lực siêu việt của Ngài – trao cho con người mục tiêu để đạt đến trong cuộc sống này. Nhưng con người cũng là một cứu cánh nơi tự thân mình, không giống như các tạo vật khác. Con người cần đạt đến sự thành toàn trong tư cách là một nhân vị được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài.
Được làm cho phong phú với một ân huệ đặc biệt – và cũng là một trách nhiệm – con người có quan hệ mật thiết với mầu nhiệm quan phòng thần linh. Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy trong Sách Huấn Ca: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người… Ngài mặc cho nó sức mạnh… để chúng thống trị muông chim cầm thú. Ngài ban cho chúng trí khôn, lưỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ. Ngài làm cho chúng đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu. Ngài đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Ngài… Ngài còn ban kiến thức cho chúng, và cho thừa hưởng luật đem lại sự sống” (Hc 17,1.3.5-7.9).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 14/7
Is 6, 1-8; Mt 10, 24-33.
LỜI SUY NIỆM: “Trò không hơn Thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như Thầy, tớ được như chủ, đó là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bêendêbun, huống chi là người nhà.”
            Chúa Giêsu đang cảnh báo với mỗi người chúng ta hôm nay, điều đã xãy ra cho Người thì mỗi người Kitô hữu nhiệt thành cũng phải biết, để chờ đón xãy ra cho chính mình khi sống và làm việc tông đồ. Nên mỗi người tín hữu phải can đảm, đừng có sợ, bởi chúng ta có chân lý và đứng về phía chân lý, mỗi người chúng ta đang được mang theo trên mình sứ điệp do chính Chúa Giêsu trao ban, để loan báo cho muôn dân.
            Lạy Chúa Giêsu. Thật là hạnh phúc cho chúng con, khi được làm con cái Chúa trong phép Rửa Tội. Xin cho tất cả chúng con luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa để luôn sống đức tin và làm vinh danh Chúa, nơi chốn mà Chúa đã đặt để cho chúng con.
Mạnh Phương



Gương Thánh Nhân
Ngày 14-07: Thánh CAMILLÔ LELLIS
Linh Mục – (1550 – 1614)
Thánh Camillô Lellis là con của ông Gioan Laliis, một hiệp sĩ danh giá trong quân đội của Chales-Quint. Mẹ Ngài thuộc vào một gia đình thời danh nhất ở Neples. Từ những năm đầu thời hôn nhân, họ có được một người con, nhưng lại bị cất đi ngay, khi đứa bé còn ở trong nôi. Lúc bà Lellis 60 tuổi, sau bao lời cầu hôn khẩn thiết, bà đã sinh ra Camillô vào ngày 25 tháng 5 năm 1550. Khi đang mang thai, bà đã thấy mộng con trẻ mang trên ngực một hình thánh giá, có vô số trẻ em theo sau. Mộng thấy vậy, bà lo sợ rằng mình sẽ sinh hạ một người con làm đầu bọn cướp, Camillô mới sinh ra ít lâu thì mồ côi mẹ. Chưa được 6 tuổi, Ngài lại mồ côi cha. Do những tai họa này, việc giáo dục Camillô bi bỏ mặc.
Những buổi đầu đời của con trẻ đã chứng thực điều lo sợ của người mẹ là đúng. Camillô biếng nhác và phóng túng, lao mình vào cuộc chơi. Đến tuổi 19, Ngài theo đuổi binh nghiệp và năm năm sau Ngài xuất ngũ.
Người thanh niên này phung phí hết tài sản và lâm cảnh cùng quẫn, phải làm phụ hồ cho công trình xây cất nhà cho các cha Phanxicô. Tại Fermô, Ngài gặp hai thầy dòng và mến phục nết đạo đức khiêm tốn của hai vị. Tự đáy lòng, Camillô nguyện một ngày kia sẽ nhập dòng. Bỏ binh nghiệp, Ngài đến nhà dòng Phanxicô ở Aquila. Một người cậu của Camillô giữ cổng nhà dòng này. Camillô kể lại cho ông nghe tất cả những gì đã qua và xin được mặc áo dòng. Cha giữ cửa biết rõ quá khứ đau lòng của cháu, muốn thử thách ơn kêu gọi bất ngờ này đã từ khước trong một thời gian.
Camillô lại rơi vào cơn rối loạn. Ngài trở nên bất hạnh đến nỗi phải đi ăn xin cùng với một người lính cùng khốn khổ như Ngài. Ngày lễ thánh Anrê năm 1574, Ngài ăn xin ở cửa nhà thờ Manfredonia. Một lãnh chúa đi qua. Ong thương tình đề nghị Camillô làm việc cho nhà dòng. Camillô nhận lời, ngày kia trước lời khuyên nhủ của một cha dòng, Ngài động lòng và bật tiếng khóc.
– Lạy Chúa, thật là khốn cho con. Tại sao con biết Chúa trễ quá ? Sao con có thể giả điếc làm ngơ trước bao nhiêu lời mời gọi của Chúa như vậy được. Xin Chúa tha thứ cho con là đứa tội lỗi khốn nạn. Xin hãy cho con đủ thời gian đền bù tội lỗi của con.
Lúc đó Camillô 25 tuổi. Ngài xin nhập dòng ngày hôm đó và được nhận vào tập viện. Nhưng một mụn nhọt ở chân mở miệng, Ngài phải đi chữa trị. Lành bệnh Ngài trở lại dòng, nhưng mụn nhọt lại mở miệng. Các bác sĩ cho rằng ung nhọt này vô phương chữa trị. Ngài được nhận vào một bệnh viện nan y ở Roma. Nơi đây Camillô nhận ra ơn gọi của mình. Ngài thấy các nhân viên được trả lương như vô tâm trước nỗi đau đớn của các bệnh nhân. Ngài tận tụy phục vụ các bệh nhân ngày đêm. Ngài còn qui tụ các bạn thành một để thực hành đức ái nữa. Trên ngực họ đeo một thánh giá đỏ. Công việc nặng nề và các bạn Ngài thường tỏ ra lo lắng. Camillô nhắc cho họ lời của thánh Catarina thành Siêna:
– Hãy lo cho ta và ta sẽ lo lắng cho con.
Camillô được đặt cai quản nhà thương, lệnh Ngài đưa ra là:
– Hãy phục vụ bệnh nhân như phục vụ chính Chúa Giêsu vậy.
Để phục vụ hữu ích hơn, Ngài đã theo lời khuyên của Đức Hồng Y Taragi để tiến tới chức linh mục. Nhưng trở ngại quá lớn, vì học thức Ngài còn quá kém. Một thị kiến đã giúp Ngài can đảm thắng vượt mọi khó khăn. Ngài thấy Chúa Kitô đưa tay ra nói:
– Camillô, con đừng sợ chi, cha sẽ giúp đỡ con và ở cùng con.
32 tuổi, Ngài không mắc cỡ khi ngồi với các em nhỏ để học vần Latinh. Sự kiên trì đã giúp người kinh viện này vượt qua mọi khó khăn. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1584, Camillô thụ phong linh mục và dâng thánh lễ đầu tiên tại nhà thờ thánh Giacôbê. Vài tháng sau, Ngài được trao phó cho cai quản nhà thờ Đức Bà hay làm phép lạ.
Tại đây, Ngài thiết lập một tu hội. Anh em qui tụ quanh Ngài dấn thân phục vụ những người hấp hối ở bất cứ nơi nào. Họ luôn trung thành với lời khuyên của Ngài: – Hãy hồi tâm để dâng lên những lời kinh nguyện tắt và các bạn sẽ được nâng đỡ đặc biệt bên cạnh các bệnh nhân. Chớ gì họ biết cầu xin ơn tha thứ, biết dâng cái chết của họ hợp với sự chết của Chúa Giêsu Kitô và xin Người đón nhận linh hồn họ vào lòng nhân từ Người.
Năm 1586, Đức giáo hoàng Sixtô V chấp thuận chương trình của Ngài. Năm 1588, Ngài được gọi đến lập tu viện ở Nappples. Nơi đây Ngài đã thực hiện những hành vi đức ái kỳ diệu đối với các nạn nhân của một cơn dịch hạch.
Năm 1591, Đức giáo hoàng Grêgôriô XV đã nâng tu hội của Ngài thành dòng tu, ngoài ba lời khấn còn có lời khấn thứ tư là hiến thân phục vụ nhân loại đau khổ, dầu bởi bất cứ bệnh tật nào. Dòng thánh Camillô phổ biến khắp nước Ý và còn phổ biến sang cả Pháp, Tây Ban Nha.
Con người số tu sĩ và nhà dòng ngày một nhiều. Tuy nhiên, lòng tin tưởng của Camillô vào Chúa quan phòng thật vô bờ. Các chủ nợ lo âu hỏi Ngài: – Bao giờ cha mới trả hết nợ cho chúng tôi ?
Ngài trả lời: – Đừng sợ gì Thiên Chúa quyền năng không gởi cho chúng ta món tiền nào sáng mai sao ?
Các chủ nợ cười nói: – Thời phép lạ đã qua rồi.
Nhưng rồi vài ngày sau, Ngài được những túi tiền lớn đủ để trả nợ. Sự quan phòng cho thấy rằng các phép lạ có mãi cho những ai phó thác cho Chúa.
Khi tuổi cao, Camillô vẫn không giảm bớt những phục vụ bên cạnh các người đau khổ. Thấy vậy, các bệnh nhân nói: – Cha nghỉ đi kẻo té ngã mất.
Nhưng các Ngài trả lời: – Này các con, cha là nô lệ của các con, cha phải làm mọi sự có thể làm được để phục vụ các con.
Đi từ giường này tới giường khác, Ngài tự nhủ:
– Hạnh phúc tôi mong đợi lớn lao đến nỗi mọi đau khổ đều thành niềm vui của tôi.
Kiệt sức vì công việc và đau đớn, Camillô Lellis chỉ còn là một bộ xương. Khi thấy giờ chết tới gần, Ngài vui sướng:
– Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: nào ta đi về nhà Chúa.
Được đưa về phòng, Ngài còn nói trong nước mắt: – Lạy Chúa, con biết con là một tội nhân ghê gớm. Nhưng xin hãy cứu con nhờ lòng nhân lành Chúa.
Ngày 14 tháng 7 năm 1614 Camillô Lellis qua đời. Năm 1746, Đức giáo hoàng Bênêdictô đã suy tôn Ngài lên bậc hiển thánh.
(daminhvn.net)



14 Tháng Bảy
Tự Do Ðích Thực
Trong tập thơ mang tựa đề Gitanjali, thi hào Tagore đã có bài thơ về tù nhân như sau:
“Hỡi tù nhân, hãy nói cho ta hay ai đã xiềng xích ngươi. Tù nhân đáp, thưa chính là chủ tôi. Tôi đã muốn thắng vượt mọi người, bằng của cải và quyền lực, cho nên tôi đã vơ vét vào kho tàng của tôi tất cả tiền bạc của chủ. Mệt mỏi vì cuộc chạy đua theo tiền của tôi, cuối cùng tôi đã thiếp ngủ ngay trên chính giường của chủ tôi. Khi thức dậy, tôi thấy mình đã bị giam hãm ngay trên kho tàng của tôi.
Hỡi tù nhân, hãy nói cho ta hay ai đã rèn chiếc xích sắt này cho ngươi. Tù nhân đáp: tôi đã muốn giam hãm tất cả thế giới, vì như thế tôi sẽ được tự do và không còn ai quấy rầy. Ngày đêm, tôi đã dùng lửa, búa và chiếc dũa để rèn sợi xích này. Khi nó được hoàn thành, và chiếc mốc cuối cùng được nối lại, tôi đã để cho sợi xích giam hãm cả cuộc đời của tôi, khiến không có gì bẻ gãy được”.
Năm 1989, nước Pháp đã mừng kỷ niệm 200 năm cuộc cách mạng 1789. Cùng với việc lật đổ chế độ quân chủ, bản tuyên ngôn nhân quyền được công bố ngày 04 tháng 8 năm 1789 đã đánh dấu một bước dài của nhân loại tiến đến tự do, dân chủ.
Nhưng oái oăm thay, người ta đã nhân danh tự do để chống lại tự do và phạm không biết bao nhiêu tội ác đối với con người. Nhân danh tự do, Robespierre đã giết hại 25 ngàn người cũng như cấm chế nhiều quyền tự do trong đó cơ bản nhất là quyền tự do tôn giáo.
Lịch sử cũng đã được lập lại trong rất nhiều cuộc cách mạng sau này. Mới đây tại Trung Quốc, người ta đã nhân danh tự do dân chủ để đạp đổ Nữ Thần Tự Do và sát hại không biết bao nhiêu người đòi tự do.
Nhân danh tự do để chối bỏ tự do của người khác, nhân danh quyền con người để chà đạp quyền sống của người khác: đó là thảm trạng của không biết bao nhiêu cuộc cách mạng trong thời đại ngày nay. Chính khi con người chối bỏ tự do và chà đạp quyền sống của người khác là cũng chính lúc con người tự giam hãm mình trong nô lệ, nô lệ cho quyền lực, nô lệ cho tiền bạc, nô lệ cho bất an… Lắm khi con người tự rèn lấy cho mình xích xiềng để tự chói lấy mình. Nhà tù ấy, sợi xích ấy chính là lòng tham lam nơi con người: tham lam tiền của, tham lam quyền lực, tham lam danh vọng.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét