05/12/2019
Thứ Năm tuần 1 mùa
vọng
BÀI ĐỌC I: Is 26, 1-6
“Dân công chính biết giữ sự
trung tín, hãy tiến vào”.
Trích sách Tiên tri
Isaia.
Ngày ấy, trong đất Giuđa, người ta hát khúc ca này: Sion là thành trì
kiên cố của chúng ta, có tường thành và hào luỹ che chở, hãy mở cửa, và dân
công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào. Sự sai lầm cũ đã qua đi, Chúa sẽ
bảo tồn sự hoà bình. Sự hoà bình, vì chúng ta trông cậy nơi Chúa.
Hãy trông cậy Chúa đến muôn đời, trông cậy Chúa, Đấng quyền năng mãi mãi.
Vì Người triệt hạ dân ở nơi cao, và hạ thấp những thành trì danh tiếng, Người hạ
nó sát đất, chà đạp nó thấu bụi tro. Bàn chân người nghèo khó bước đi, và kẻ bần
cùng sẽ đạp trên nó. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 117, 1 và
8-9. 19-21. 25-27a
Đáp: Chúc tụng Đấng
nhân danh Chúa mà đến! (c. 26a)
Hoặc đọc: Alleluia!
Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn
thuở. Tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa ở loài người; tìm đến nương
tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương. – Đáp.
2) Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa.
Đây là ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa
vì Chúa đã nghe tôi,và đã trở nên Đấng cứu độ tôi. – Đáp.
3) Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống
phồn vinh. Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu
phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi. – Đáp.
ALLELUIA: Is 40, 9-10
Alleluia, alleluia!
– Hỡi người giảng tin mừng, hãy mạnh dạn cất lớn tiếng: Này Chúa là Thiên Chúa
sẽ đến trong sức mạnh. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 7, 21.
24-27
“Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được
vào nước trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không phải tất cả những ai
nói với Ta, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa!’, là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực
hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời.
“Vậy ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người
khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão
có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền
đá. Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như
người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào
nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Người Khôn Ngoan Thi Hành
Ý Chúa
Ở bất cứ một xã hội nào, một quốc gia nào, một thời đại nào, người ta vẫn
trọng chữ "Tín", nghĩa là tin tưởng nhau, đặt trọn niềm tin ở nhau.
Ai cũng muốn sống chân thật, không lừa dối, phỉnh phờ... Khi tìm bạn để kết
nghĩa, ai cũng muốn sống với nhau bằng trái tim chân thành. Không lạ gì khi người
ta có quan niệm: "Một túp lều tranh, hai quả tim vàng". Người ta sợ
nhất những người ăn nói dẻo miệng, ăn nói ngọt ngào, vì ai cũng cho là "mật
ngọt chết ruồi". Những người có khoa ăn nói dễ thành công khi ngoại giao
tiếp xúc với bên ngoài nhưng không mấy ai kết thân trong tình nghĩa.
Và hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta một nhận xét: "Không phải những
ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa là được vào Nước Trời nhưng chỉ có những người thực
hiện ý Cha Ta ở trên trời". Chúa Giêsu cũng thường lên án những người Do
Thái bấy giờ: "Dân này thờ Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa
Ta".
Chúng ta đi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật để thờ phượng Thiên Chúa, thế
nhưng chúng ta đã không hẳn hoàn toàn nhớ đến Chúa. Chúng ta vẫn để ý những câu
chuyện đâu đâu, từ nhà đến phố chợ, từ công sở cho đến những việc giải trí.
Chúng ta không tìm hiểu Thánh Lễ là gì đối với những phần chính yếu trong Thánh
Lễ mang một ý nghĩa nào. Qua các phần đó, Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta
qua Giáo Hội. Chúng ta giữ đạo chứ chúng ta chưa sống đạo: giữ đạo tức là chúng
ta giữ các giới răn của Chúa như người thanh niên trong Tin Mừng thuật lại rằng:
"Khi anh đến xin cùng Chúa Giêsu nhân lành: Lạy Thầy, con phải làm gì để
được sống đời đời. Chúa Giêsu đã bảo anh ta: Hãy thờ phượng Thiên Chúa, hãy thảo
kính cha mẹ, chớ ngoại tình, chớ gian tham, chớ làm chứng dối... Người thanh
niên đó thưa: Lạy Thầy, những điều ấy tôi đã giữ từ thuở nhỏ. Chúa Giêsu liền
nói với anh: Vậy anh hãy về bán tất cả của cải rồi đến đây theo Ta. Vì nhiều của
cải nên anh không thể bỏ mà đi theo Ngài được". Như vậy anh thanh niên đó
đã giữ trọn lề luật cho chính bản thân mình mà thôi, còn đối với những người
khác, anh vẫn chưa thực hiện được việc yêu người.
Chúng ta cũng thế, chúng ta có thể giữ trọn Mười Ðiều Răn của Chúa, vẫn
không trộm cắp, không ngoại tình, vẫn đi nhà thờ theo luật Chúa dạy. Thế nhưng
người bên cạnh tôi không có gì ăn tối, tôi đang dư phần cơm nguội nhưng vẫn điềm
nhiên như chẳng liên can gì đến tôi. Trên đường đi đến nhà thờ dự thánh lễ là
nguồn mạch yêu thương, thế nhưng có người đang bị trúng gió ngã bên đường, liếc
mắt qua, nhìn lại không thấy ai tôi cũng nhanh chân bước vội vì sợ trễ thánh lễ.
Vào nhà thờ, người vào trước ngồi trên, chúng ta vẫn cứ ngồi cuối nhà thờ mặc
cho ai kêu gọi lên trên. Có lẽ chúng ta sợ Chúa phạt nên ngồi xa xa chăng.
Tình yêu Thiên Chúa cơ mà. Chúng ta sống đạo, sống luật Chúa trong tình
yêu thương. Thiên Chúa thực sự và gần anh chị em trong tâm tình con một Cha
chung trên trời, khi chúng ta cùng nhau đọc lời kinh Lạy Cha, có như thế chúng
ta mới thực sự sống đạo, có như thế chúng ta mới xây nhà trên đá được. Dù sóng
gió, bão táp của cuộc đời, ngôi nhà sống đạo của chúng ta vẫn vững bền, dù sóng
gió có lùa vào thì cũng không thể làm sập nổi, dù có mưa sa nước lũ, căn nhà đức
tin của chúng ta cũng không hề hấn gì, vì được bao bọc bằng tình thương quan
phòng của Thiên Chúa che chở. Ðó là người khôn ngoan mà Chúa Giêsu đã nói hôm
nay: "Ai nghe và giữ lời Ta nói đây mà đem ra thực hành thì giống như người
khôn ngoan xây nhà trên đá". Nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, đó là một
cần thiết cho mọi Kitô hữu. Và Chúa Giêsu còn quả quyết thêm: "Ai nghe và
giữ lời Ta thì là Mẹ Ta, là anh em Ta".
Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Mình Máu Thánh Chúa quan trọng như nhau.
Trong Thánh Lễ nhắc nhở cho chúng ta hai phần quan trọng nhất là Bàn Tiệc Lời
Chúa, Bàn Tiệc Mình Máu Chúa. Lời Chúa là của ăn bổ dưỡng tinh thần cho chúng
ta, Mình Chúa là của ăn thần linh nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Chúng ta cùng
nhau cầu xin Chúa cho chúng ta ý thức được điều đó.
Lạy Chúa, xin cho chúng con chuẩn bị mừng Chúa đến trong tâm tình yêu mến
và ý thức cảm nghiệm được thức ăn bổ dưỡng tâm linh cho chúng con, đó là thức
ăn Lời Chúa và Mình Máu Chúa. Amen.
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần I MV2
Bài đọc: Isa 26:1-6; Mt 7:21, 24-27.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cuộc đời
chúng ta phải được xây trên tảng đá vững chắc là Thiên Chúa.
Tất cả các mối liên hệ trong cuộc đời đều đòi phải có hai chiều: chiều
cho đi và chiều nhận lại. Ví dụ, Thánh Phaolô dạy, để có hạnh phúc trong mối
liên hệ vợ chồng: vợ phải vâng lời chồng và chồng phải yêu thương vợ. Càng đúng
hơn trong mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Nếu Ngài đã thương yêu, lo
lắng, mặc khải mọi sự cho con người được an bình hạnh phúc; con người phải biết
tin tưởng, cậy trông, và làm theo những gì Lời Chúa mặc khải. Nếu con người
không chịu đáp trả tình thương, vâng lời những gì Thiên Chúa dạy, và cứ làm
theo những gì họ muốn; làm sao họ có thể đạt được bình an và sống hạnh phúc?
Các Bài đọc hôm nay đều liên quan tới mối liên hệ giữa con người và Thiên
Chúa. Bài đọc I nói lên tất cả những gì Chúa đã chuẩn bị cho con người để có một
cuộc sống vững chắc. Phúc Âm nhấn mạnh tới bổn phận con người cần đáp trả lại;
phải thực hành Lời Chúa thì đời sống con người mới vững vàng, và không có chi
lay chuyển được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thương yêu và bảo vệ
Dân Ngài.
1.1/
Thiên Chúa là thành trì kiên cố: Jerusalem chính là tiêu biểu của thành trì này. Mặc dù Thiên Chúa đã để
cho quân đội Babylon xâm lấn và phá hủy Đền Thờ vì dân không chịu nghe theo những
gì Thiên Chúa dạy; nhưng chính Ngài sẽ cho tái thiết lại Đền Thờ và Thành
Jerusalem sau cuộc Lưu Đày. Tiên tri nói trước về ngày này: “Ngày ấy, trong xứ
Judah, người ta sẽ hát bài ca này: Chúng ta có thành trì vững chắc, Chúa đã đặt
tường trong luỹ ngoài để chở che.” Đền Thờ và tường Thành được hòan tất khoảng
20 năm sau khi dân Do-thái từ nơi lưu đày trở về.
Thiên Chúa đã chuẩn bị cho dân một thành trì vững chắc, nhưng dân phải
tin tưởng và làm theo những gì Ngài dạy, thì họ mới được sống an vui và hạnh
phúc. Tiên tri nói tiếp: “Mở cửa ra cho dân tộc công chính bước vào, một dân tộc
trọn niềm trung nghĩa. Lạy Chúa, Ngài quyết giữ cho dân được an cư lạc nghiệp,
vì họ tin vào Ngài.”
1.2/
Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm: Núi Đá thường được dùng để chỉ Núi Sion nơi mà Đền
Thờ và Thành Jerusalem được xây dựng trên đó; là một biểu tượng thường xuyên Cựu
Ước dùng để chỉ sự vững bền của Thiên Chúa. Chẳng hạn, trong Thánh Vịnh 18:2-3:
“Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá,
là thành luỹ, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho
con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.” Tiên
tri Isaiah khuyến khích dân đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Thiên Chúa: “Đến muôn đời,
hãy tin vào Đức Chúa: chính Đức Chúa là núi đá bền vững ngàn
năm.”
Không những xây dựng thành trì vững chắc cho dân ẩn náu, Thiên Chúa còn
triệt hạ quân thù, những kẻ mưu đồ ức hiếp dân. Quân thù này bao gồm cả những
vua quan của Do-Thái, những người lợi dụng quyền thế để ức hiếp dân nghèo. Đọan
văn kế tiếp có lẽ tiên tri ám chỉ biến cố xảy ra vào năm 587 BC, khi Babylon
triệt hạ Jerusalem và bắt vua quan của Judah đi lưu đày: “vì Người đã lật nhào
dân sống ở núi cao, thành trì kiên cố, Người đã triệt hạ, triệt hạ cho bình địa
chỉ còn là bụi đất. Nó sẽ bị chà đạp dưới chân, dưới chân người cùng khổ, dưới
gót kẻ yếu hèn.”
2/ Phúc Âm: Ai nghe những lời Thầy nói đây mà
đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.
2.1/
Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người không chỉ tòan lời nói: Nhiều người thích nói lời yêu
thương mặc dù những lời yêu thương không chân thành; nhiều người cũng thích
nghe những lời yêu thương mặc dù đó là những lời yêu thương giả dối, như lời của
một bài hát: “Tôi xin người cứ gian dối, cho tôi tưởng người cũng yêu tôi… Tôi
xin người cứ gian dối, nhưng xin người đừng lìa xa tôi!” Chuyện đó không thể xảy
ra với Thiên Chúa, vì Ngài yêu mến sự thật và có thể nhìn thấu suốt tâm hồn của
từng người. Chúa Giêsu cảnh cáo mọi người: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy:
“Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn
của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”
2.2/
Mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa phải được biểu tỏ qua việc nghe và giữ
Lời Chúa: Vì yêu
thương, Thiên Chúa săn sóc và quan tâm đến đời sống con người; Ngài muốn con
người được hạnh phúc và không muốn con người phải đau khổ. Là Đấng tạo thành
con người và điều khiển vũ trụ, Thiên Chúa biết rõ những gì lợi ích và những gì
gây đau khổ cho con người. Đó là lý do tại sao Ngài ban Lề Luật như hàng rào để
gìn giữ con người đừng vượt rào kẻo phải chịu đau khổ. Nhưng nếu con người dùng
tự do để không làm theo những gì Chúa dạy, con người phải lãnh nhận mọi khổ đau
của việc dùng tự do không đúng cách.
Ngòai Lề Luật, Thiên Chúa còn mặc khải cho con người những sự khôn ngoan
của Thiên Chúa qua tòan bộ Kinh Thánh. Con người cần phải học cho biết tất cả
những Lời này, và đem ra áp dụng trong cuộc sống, thì sẽ thóat mọi hiểm nguy cuộc
đời và được sống hạnh phúc. Chúa Giêsu dùng 2 hình ảnh trái ngược: xây nhà trên
đá và xây nhà trên cát để chỉ người khôn ngoan hay người ngu dại mà khán giả của
Ngài hiểu ngay:
(1) Người khôn ngoan: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực
hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão
táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.”
(2) Người ngu dại: “Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra
thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn
hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Mùa Vọng là thời gian cho mỗi người chúng ta nhìn lại mối liên hệ của
mình với Thiên Chúa, để xem coi mối liên hệ này đã tiến triển tới đâu, và làm
thế nào để cải tiến mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
– Một cách để nhìn lại là xét mình theo Lời Chúa dạy, chúng ta đã thực
hành những gì Chúa dạy chúng ta phải làm chưa: Mến Chúa trên hết mọi sự? Yêu
tha nhân và giúp đỡ họ như chính mình? Làm chứng cho Chúa bằng rao giảng Tin Mừng
và cuộc sống tốt lành?
– Nếu không sống mối liên hệ với Thiên Chúa, làm sao cuộc đời chúng ta có
thể an bình và hạnh phúc được? Đừng lạ khi thấy cuộc đời chúng ta đầy dẫy những
bi quan, đổ vỡ gia đình, chán người và chán đời.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
05/12/19 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Mt 7,21.24-27
LẠY CHÚA! LẠY CHÚA!
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! lạy Chúa! là
được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự
trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21)
Suy niệm: Linh mục Nguyễn Trọng Viễn, dòng Đa minh đã chỉ ra
năm căn bệnh trầm kha của Giáo hội Việt Nam. 1. “Đạo” sinh hoạt: Người Ki-tô hữu
thường sống đạo theo kiểu gắn đời mình vào trong những sinh hoạt giáo xứ, ít
quan tâm tương quan cá vị với Thiên Chúa… 2. “Đạo” kính sợ: Dễ thấy trách nhiệm
với Chúa nhưng lại khó nhận ra tình thương của Chúa… 3. “Đạo” thiêng liêng: Đức
tin được biểu lộ trong sinh hoạt tôn giáo, trong nhà thờ nhưng lại tách rời cuộc
sống, thiếu bác ái trong đời sống hằng ngày… 4. “Đạo” luân lý: Ít bận tâm đến nỗ
lực tu sửa và tập luyện nhân đức nhưng thường xuề xòa với các tính xấu của
mình… 5. “Đạo” thực dụng: quan tâm đến những lợi ích trong mọi sự, tính toán được
hay mất (danh dự, vật chất). Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể đến những căn bệnh
“nhẹ” khác như: bệnh sáo ngữ, bệnh hình thức, bệnh đoàn lũ và bệnh chủ quan nơi
tầng lớp giáo sĩ. Theo đạo không dừng lại ở việc “lạy Chúa”. Theo đạo là sống bạn
hữu với Đức Giê-su, Đấng Đang Sống.
Mời Bạn: Người khôn ngoan xây nhà trên đá. Chớ gì bạn và tôi
nhận ra sự khôn ngoan là neo tựa nơi đá tảng Giê-su, Đấng Đang Sống và sống tri
âm tri kỷ với Ngài. Đó là tâm tình “Lạy Chúa” đích thực.
Sống Lời Chúa: Tỉnh thức để nhận ra Chúa Giê-su vẫn đang dạy bạn sự
khôn ngoan.
Cầu nguyện: Lạy Chúa con! Lạy Thiên
Chúa của con! Xin dạy con sự khôn ngoan là thực hành lời Ngài dạy. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Xây trên nền đá (05.12.2019 – Thứ
Năm Tuần 1 MV)
Suy niệm:
Sau khi một cơn bão đi qua thành phố,
người ta ngạc nhiên khi thấy những căn nhà sụp đổ
lại là những công trình mới xây chưa được bao lâu.
Còn những công trình xưa lại hiên ngang đứng vững.
Cũng có khi sau một cơn dông,
một cây còn xanh bỗng nhiên ngã đổ.
Người ta lại gần và thấy ruột của cây đã bị mục từ lâu.
Dông bão làm lộ ra sự thật, vén mở chân tướng,
vì khi biển lặng, ai cũng có thể là hoa tiêu.
Đời con người tránh sao khỏi những dông tố.
Ai cũng mong xây căn nhà đời mình cho kiên cố vững vàng,
đứng được trước bão táp phong ba.
Nhà càng cao, nền càng phải chắc chắn.
Xây trên cát hay trên đá cho thấy ai dại, ai khôn.
Thầy Giêsu dạy các môn đệ biết thế nào là xây đời mình trên đá.
Đó là đem ra thực hành những lời Thầy dạy
mà họ đang nghe trong Bài Giảng trên núi (Mt 5-7).
Sống lời Thầy dạy là chọn đi vào con đường hẹp, ít người đi,
với những thách đố và thiệt thòi, những hiểm nguy và nhục nhã.
Chỉ ai dám sống như thế mới đứng vững khi dông bão bất ngờ ập tới.
Lúc ấy người bị coi là ngu vì sống lời Thầy, mới lộ ra là người khôn.
Vì lời của Thầy Giêsu diễn tả ý muốn của Cha trên trời,
nên thi hành lời Thầy cũng là thi hành ý muốn của Cha.
Đây là điều kiện cần thiết để được vào Nước Trời,
vì tuyên xưng trên môi Thầy Giêsu là Chúa, vẫn chưa đủ (c. 21).
Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng, mùa ngóng đợi Nước Chúa đến.
Đây là thời gian thuận tiện để suy nghĩ về cái nền của căn nhà mình,
cái nền của những công trình ta đang đầu tư xây dựng.
Có khi chúng ta thấy nó sao quá mong manh.
Chúng ta không đợi đến lúc dông bão mới gia cố nền móng.
Căn nhà của giáo xứ, giáo phận hay Giáo Hội cũng vậy.
Xây nhà cao tầng mà nền không chắc thì nhà dễ nghiêng.
Đối với ngôn sứ Isaia,
“Chính Đức Chúa là Đá Tảng bền vững ngàn năm” (Is 26, 4).
Tin vào Ngài, ta sẽ được bảo vệ chở che và thêm mạnh sức.
Ngoài Đức Chúa, chẳng có gì vĩnh hằng.
Cuộc sống hôm nay có vẻ ổn định hơn xưa.
Thật ra số phận con người hôm nay bấp bênh hơn nhiều.
Chỉ một sai sót nhỏ cũng kéo theo một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Chỉ một tranh chấp nhỏ cũng có thể làm bùng lên một cuộc chiến.
Hãy xây tương lai của xã hội và Giáo Hội trên Đá Tảng.
Hãy xây những dự tính của đời mình trên nền đá.
Nhờ đó những công trình của chúng ta trở thành vĩnh cửu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường
từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà
trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời
Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra
thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi
chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời
Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời
Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự
do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững
chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống
chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG MƯỜI HAI
Cuối Cùng Của Thời
Cũ – Đầu Tiên Của Thời Mới
Trong tất cả mầu nhiệm của ngài, Đức Ma-ri-a là thành viên ưu việt của
Giáo Hội. Chính Mẹ là người mở đường cho buổi khai nguyên của Giáo Hội. Mẹ gắn
bó chặt chẽ với Giáo Hội trong lịch sử cứu độ mà Mẹ hiện thân như một sự nhập
thể và một hình ảnh sống động của chính Giáo Hội, Hiền Thê Đức Kitô. Từ đầu cuộc
đời của Mẹ, Mẹ có tất cả sự sung mãn của ân sủng mà Đức Kitô ban cho Giáo Hội
Người.
Trong ánh sáng này, chúng ta nhớ lại chương 8 Hiến Chế Giáo Hội. Chú giải
quan điểm của Thánh Luca, văn kiện này của Công Đồng Vatican II nói với chúng
ta: “Sau một giai đoạn lâu dài chờ đợi, thời gian được viên mãn nơi ngài, Nữ Tử
cao quí của Sion, và kế hoạch cứu độ mới được thực hiện.” Ở mốc điểm quan trọng
này của lịch sử, Đức Ma-ri-a là chỗ kết nối giữa Cựu Ước và Tân Ước. Mẹ đại diện
cho sự chấm dứt của cộng đoàn It-ra-en đợi chờ Đấng Thiên Sai và đại diện cho sự
khởi đầu của Giáo Hội Đức Kitô mới được khai sinh. Mẹ vừa là sự thể hiện cuối
cùng và hoàn hảo của con cái Thiên Chúa sinh bởi Abraham dưới cơ chế Cựu Ước, vừa
là sự thể hiện đầu tiên và tuyệt đỉnh của con cái mới của Thiên Chúa được khai
sinh bởi Đức Kitô. Nơi Đức Ma-ri-a, chúng ta nhận ra các lời hứa, các điều báo
trước, các lời ngôn sứ của Hội Thánh trong Cựu Ước được hoàn thành. Với Mẹ,
chúng ta cũng nhìn thấy Giáo Hội của Tân Ước bắt đầu, không nhăn nheo tì tích,
trong sự sung mãn của ân sủng Thánh Thần.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 05/12
Is 26, 1-6; Mt 7,
21. 24-27.
LỜI SUY NIỆM: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào
Nước Trời đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, mới được vào mà
thôi.”
Chúa Giêsu cho
chúng ta biết lời cầu nguyện của đức tin không hệ tại “Lạy Chúa! Lạy Chúa!”,
nhưng là sẵn lòng thi hành thánh ý của Chúa Cha; mà thánh ý của Chúa Cha là
tình yêu cứu độ toàn thể nhân loại, nên trong cầu nguyện của mỗi người chúng ta
phải có sự quan tâm cọng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu.
Chúa cho chúng con biết chỉ có những người khi đang sống trên trần gian thực
hành đức ái không phân biệt một ai, mà chỉ vì người đó chính là Chúa thì sẽ được
vào Nước Trời. Xin cho chúng con luôn biết thực hiện đức bác ái mà Chúa đã truyền
dạy.
Mạnh Phương
05 Tháng Mười Hai
Thiện Nguyện
Hôm nay là ngày quốc tế những người thiện nguyện, được Liên Hiệp Quốc
thành lập năm 1985 và cử hành lần đầu tiên ngày 05 tháng 12 năm 1986. Ngày quốc
tế những người thiện nguyện vừa là một tưởng thưởng và biết ơn đối với không biết
bao nhiêu người đang âm thầm phục vụ không công những người đồng loại của mình,
vừa là một lời gọi dấn thân phục vụ.
Hiện nay, trên khắp thế giới có khoảng 35 cơ quan thiện nguyện chiêu mộ
và gửi người đi khắp nơi để phục vụ trong mọi lãnh vực: từ một cán sự y tá phục
vụ trong rừng già Phi Châu, đến các chuyên viên làm việc trong các dự án phát
triển tại các nước thuộc thế giới đệ tam, từ một thanh niên thiếu nữ âm thầm
làm việc tại các nước nghèo đến các chuyên viên tổ chức các cuộc lạc quyên: tất
cả đều được thúc đẩy bởi một ý chí: đó là phục vụ người anh em.
Ngày quốc tế những người thiện nguyện cũng là một bài ca dành cho một
nhân loại đã đạt được một bước tiến dài trong sự trưởng thành. Bên cạnh những
bước dật lùi vì chiến tranh, vì hủy hoại lẫn nhau, nhân loại vẫn cố gắng tiến
bước trong khát vọng và những nỗ lực nhân đạo. Bước tiến ấy còn tiếp tục là nhờ
ở tinh thần thiện nguyện, ý chí phục vụ
Ngày quốc tế thiện nguyện hôm nay không phải là phụ trương của những ngày
quốc tế khác rải rác trong suốt năm như ngày Hòa Bình thế giới, ngày sức khỏe,
ngày thực phẩm, ngày Giới Trẻ, ngày Môi Sinh, ngày Nhi Ðồng, ngày Phụ Nữ v.v…
Ngày hôm nay là khẳng định của một ý niệm nền tảng cho tất cả mọi ngày quốc tế
khác: ý niệm đó chính là tự nguyện phục vụ.
Ngày quốc tế những người thiện nguyện hôm nay không chỉ là ngày tưởng thưởng
và biết ơn đối với những người thiện nguyện. Ngày hôm nay là ngày của mỗi người
chúng ta, bởi vì chúng ta chỉ có thể sống trọn ơn gọi làm người khi chúng ta biết
tự nguyện sống cho người khác.
Chúa Giêsu là mẫu mực của thiện nguyện… Là Thiên Chúa, Ngài đã đến trong
thế gian để mặc lấy thân phận nghèo hèn của con người. Trở nên con người, Ngài
đã không sống giữa chốn giàu sang phú quý, nhưng đến với những con người nghèo
hèn nhất trong xã hội. Ngài đã phục vụ và phục vụ cho đến chết. Ngài đã đến để
làm cho bộ mặt thế giới này trở nên nhân bản hơn. Cùng với Ngài, hàng hàng lớp
lớp những con người dấn thân phục vụ tha nhân đã tô điểm cho bộ mặt thế giới được
thêm tươi tốt hơn. Quả thực, một thế giới không có những người sống và chết cho
tha nhân là một thế giới không có nhân tính… Chúng ta hãy tưởng tượng một thế
giới không có những thánh Phanxicô thành Assisi, không có những Mahatma Gandhi,
không có những Albert Schweitzer, không có những Têrêxa Calcutta, không có những
hội viên của Hội Chữ Thập Ðỏ… một thế giới như thế quả thực là một thế giới buồn
thảm. Một thế giới không có những bàn tay đưa ra để chia sẻ, để san sẻ, để đỡ
nâng, một thế giới không có những tấm lòng tử tế: một thế giới như thế quả thực
là một thế giới của chết chóc…
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét