21/12/2019
Thứ Bảy tuần 3 mùa vọng
BÀI ĐỌC I: Dc 2, 8-14
“Đây người tôi yêu đến, nhảy
qua núi”.
Bài trích sách Diễm
Ca.
Tiếng người tôi yêu,
đây người đến, nhảy qua núi, băng qua đồi. Người tôi yêu giống như nai rừng, ví
tựa hươu con. Đó, người đứng sau vách nhà chúng tôi, ngó qua cửa sổ, nhìn vào
chấn song.
Này người tôi yêu nói
với tôi: “Hãy chỗi dậy, mau lên, bạn tình ta! Bồ câu ta, kiều nữ ta, hãy đến!
Vì tiết đông đã qua, mưa phùn đã dứt. Trăm hoa đua nở trên đất chúng ta. Thời cắt
tỉa đã đến, tiếng chim gáy véo von trên đất chúng ta. Cây vả sinh trái đầu mùa,
vườn nho trổ hoa thơm ngát. Hãy chỗi dậy, bạn tình ta, người đẹp ta, hãy đến!
“Bồ câu ta trong hốc
đá, trong kẹt ghềnh, hãy cho ta thấy mặt mình, tiếng mình hãy thánh thót ở tai
ta, vì tiếng mình êm ái, nét mặt mình xinh tươi”. Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài này: Xp 3,
14-18a
“Chúa là Vua Israel ở giữa
ngươi”.
Trích sách Tiên tri
Xôphônia.
Hỡi thiếu nữ Sion, hãy
ngợi khen! Israel hỡi, hãy reo mừng! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy sung sướng và
hết lòng hân hoan!
Chúa đã rút án phạt
ngươi, đã xua đuổi quân thù. Chúa là Vua Israel ở giữa ngươi, ngươi không còn
lo sợ tai hoạ nào. Ngày ấy có tiếng bảo Giêrusalem: đừng sợ! và Sion, chớ buông
thả đôi tay! Chúa là Thiên Chúa ngươi ở giữa ngươi, sẽ sung sướng vui mừng vì
ngươi, sẽ thinh lặng trong niềm mến thương ngươi, sẽ hân hoan chúc mừng ngươi,
như trong ngày đại lễ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 32, 2-3.
11-12. 20-21
Đáp: Người hiền đức,
hãy hân hoan trong Chúa, hãy ca mừng Người bài ca mới! (c. 1a và 3a).
Xướng: 1) Hãy ngợi
khen Chúa với cây đàn cầm, và đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng
Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran. – Đáp.
2) Ý định của Chúa tồn
tại muôn đời; tư tưởng lòng Người còn mãi đời nọ sang đời kia. Phúc thay quốc
gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. –
Đáp.
3) Linh hồn chúng ta
mong đợi Chúa, chính Người là Đấng phù trợ và che chở chúng ta. Bởi vậy lòng
chúng ta hân hoan trong Chúa, chúng ta tin cậy ở thánh danh Người. – Đáp.
ALLELUIA:
Alleluia, alleluia!
– Lạy Vầng Đông, là ánh sáng muôn dân và là mặt trời công chính, xin hãy đến
chiếu soi những kẻ ngồi trong tối tăm và trong bóng sự chết! – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 1, 39-45
“Bởi đâu mà tôi được ơn này, là
Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, Maria chỗi dậy,
vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria
và chào bà Isave, và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng
trong lòng bà; và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà
được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu
tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài
nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán
cùng Bà sẽ được thực hiện”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Bởi Ðâu Tôi
Ðược Mẹ Chúa Viếng Thăm
Với cuộc sống con
người, ai ai trong chúng ta cũng mang lấy tâm trạng muốn cho mình tích trữ được
nhiều thứ của cải: của cải vật chất và của cải tinh thần. Của cải vật chất như
được giàu sang, được uy quyền. Ai lại chẳng muốn được như câu nói mà người ta
thường đùa với nhau: "Ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật" và cuối
cùng là "đám tang Việt Nam".
Ở nhà Tây, vì tiện
nghi đầy đủ. Ai lại không khen các món ăn của Tàu nổi tiếng là ngon. Người đàn
bà Nhật chiều chuộng chồng mình không ai lại không cảm thấy không kính phục. Và
đám tang Việt Nam chúng ta với bao nhiêu nghi thức đầy cảm động gợi lên tâm
tình của người còn sống đối với người thân yêu đã khuất. Ai trong chúng ta lại
chẳng muốn được quyền uy, đi đâu có tiền hô hậu ủng, đưa đón rước sách, mọi người
nhìn bằng cặp mắt kính nể, thán phục.
Về của cải tinh thần,
ai lại không mơ ước trên phương diện nghệ thuật mình sáng tác, những bản nhạc
thời danh như Bach, Bethoven, Mozart, hoặc thành những khoa học gia nổi tiếng về
không gian chế ra bom B1-B2 và hỏa tiễn lên cung trăng đầu tiên như Volgra người
Ðức gốc Do Thái. Và biết bao nhiêu mơ ước, biết bao nhiêu tham vọng khác nữa ở
trong mỗi một con người nhỏ bé của chúng ta.
Ðó là tâm trạng tâm lý
thường tình của con người mà thôi. Nó không tốt mà cũng không xấu, khi chủ ý đặt
mục đích và phương tiện tốt thì nó tốt, còn khi chúng ta dùng để tự kiêu, ngạo
mạn và làm hại người khác thì nó xấu. Có một điều quan trọng nhất của người
Kitô hữu chúng ta đó là khi chúng ta xin đức tin cùng Hội Thánh trong ngày lãnh
nhận Bí Tích Rửa Tội, được rước Chúa vào trong tâm hồn, chúng ta khư khư giữ lấy
Chúa ích kỷ riêng cho mình, không mang Thiên Chúa đến cho người khác.
Thiên Chúa chúng ta là
một kho tàng vô giá, một kho tàng tích chứa tình yêu vô bờ bến, một kho tàng
tích chứa bình an thực sự, và là một kho tàng tích chứa sự khôn ngoan tuyệt đối.
Một kho tàng quí giá vô cùng như vậy thế mà chúng ta đã không biết lợi dụng để
mang đến cho mọi người, để rồi tha nhân không nhìn ra khuôn mặt Thiên Chúa yêu
thương qua cuộc sống của chúng ta. Vì thế, những người vấp ngã, những người gặp
hiểm nguy khó khăn trong cuộc sống, họ không gặp được Thiên Chúa bình an, Thiên
Chúa hy vọng và Thiên Chúa hạnh phúc. Những người hoang mang lạc lối trên đường
đời chúng ta đã không chỉ cho họ đến với Thiên Chúa là Ðấng thông minh, khôn
ngoan tuyệt vời. Thiên Chúa đau khổ biết bao khi chúng ta đã không mang Chúa đến
cho tha nhân.
Và hôm nay Chúa Giêsu
muốn nói với chúng ta qua gương mẫu Mẹ Maria, chính Mẹ đã nhận được diễm phúc
mang Con Chúa trong lòng, để rồi Mẹ đã vội vã lên đường mang Chúa đến cho người
chị họ là bà Isave. Nhờ đó, thánh Gioan Tẩy Giả nằm trong bụng mẹ cũng được
chia sẻ niềm vui ấy. Ðó là bài học quí hóa nhất cho cuộc sống chúng ta, người
con cái của Thiên Chúa đã nhận biết Chúa, đã mang Chúa trong tâm hồn, không ích
kỷ giữ riêng Chúa cho mình nhưng cùng chia sẻ niềm vui ơn cứu rỗi đó cho mọi
người xung quanh.
Lạy Chúa, trong Mùa Vọng
này, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con tâm tình sốt sắng đón nhận Chúa đến để
sự bình an của Chúa thực sự ngự trị trong tâm hồn chúng con. Lạy Chúa, như xưa
Mẹ Maria đã đem Chúa đến cho bà chị họ là bà Isave, thì nay xin Chúa cho chúng
con luôn biết hăng say đem Chúa đến cho mọi người qua cuộc sống hiền hòa, yêu
thương, tha thứ trong niềm tin yêu hy vọng và lạc quan, vì Chúa đến và vui
thích ở giữa dân Người. Amen.
(Trích trong ‘Suy Niệm
Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 21 tháng 12 MV
Bài đọc: Cant
2:8-14; Lk 1:39-45.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa viếng
thăm Dân Ngài.
Cuộc đời con người
trên dương thế là những chuỗi ngày kết tụ bằng hạnh phúc và đau khổ, đoàn tụ và
ly tán, yêu thương và ghen ghét, tha thứ và hận thù… Con người chỉ hoàn toàn hạnh
phúc, vui mừng, và bình an khi con người biết ăn năn trở lại và hoàn toàn thuộc
về Thiên Chúa, như tình trạng vô tư nguyên thủy khi con người chưa biết đến tội
lỗi. Khi phải sống lưu đày xa Thiên Chúa, cả Thiên Chúa và con người đều đau khổ;
vì Ngài dựng nên con người để chung hưởng tình yêu và hạnh phúc với Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong niềm vui mừng khi con người được Thiên Chúa đến viếng thăm. Trong
Bài Đọc I, Sách Diễm Tình Ca mô tả nỗi vui mừng và sung sướng khi một người con
gái được tình quân tới viếng thăm. Trong Cựu Ước, nhiều tác giả đã so sánh mối
liên hệ giữa Thiên Chúa và con người nóng bỏng và mật thiết như tình yêu giữa
hai vợ chồng: Thiên Chúa là chồng và Israel là vợ (x/c Hos 1-3, Isa 62:5, Jer
3:1-10, Eze 16, 23). Sự bội phản của con người được ví như một người làm điếm,
nhưng Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ và không ngừng tìm kiếm đưa con người trở lại
với tình yêu ban đầu. Trong Phúc Âm, thánh sử Luca tường thuật sự thăm viếng độc
nhất vô nhị Thiên Chúa dành cho con người: bề ngoài là cuộc thăm viếng của Đức
Mẹ dành cho người chị họ Elisabeth, bề trong là cuộc gặp gỡ giữa Đấng Thiên Sai
và Dân Ngài, được tượng trưng qua sự hiện diện Gioan Tẩy Giả, người tiên tri cuối
cùng của Cựu Ước.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: “Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây
nào!”
1.1/ Cuộc hò hẹn của hai
con người đang yêu nhau: Khi đang yêu, đôi bạn
muốn thường xuyên ở bên nhau để được nhìn thấy và nghe tiếng của nhau. Trình
thuật hôm nay nói lên nỗi vui mừng của người con gái khi chờ đợi người yêu đến
viếng thăm: “Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới, nhảy
nhót trên đồi, tung tăng trên núi. Người yêu của tôi chẳng khác gì linh dương,
tựa hồ chú nai nhỏ.”
1.2/ Nỗi đau khổ khi hai
người phải xa nhau và niềm vui khi được xum họp.
(1) Nỗi đau khổ và nhớ
thương khi phải chờ đợi người yêu một thời gian dài: Tác giả diễn tả nỗi đau khổ
một cách vắn gọn: “Tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi.”
Mùa Đông tượng trưng cho sự chờ đợi dai dẳng, lạnh lẽo, và đau buồn. Người con
gái mong chờ cho những ngày mùa Đông chấm dứt để gặp mặt người yêu. Đây cũng là
tâm trạng của con người khi phải lưu đày và sống xa Thiên Chúa: con người phải
làm lụng vất vả và phải chịu đựng mọi đau khổ, vì không còn được sống trong
vòng tay yêu thương và bảo vệ của Thiên Chúa. Con người mong được Thiên Chúa
ghé mắt nhìn đến và ra tay giải thoát. Thiên Chúa cũng chẳng vui sướng gì khi
phải lìa xa con người. Ngài luôn tìm mọi dịp để hoán cải và đưa con người trở về.
(2) Niềm vui và hạnh
phúc khi hai người được xum họp: Khi mùa Đông lạnh giá qua là mùa Xuân nắng ấm
tới. Lòng người con gái vui mừng vì sắp được gặp lại người yêu. Trời đất và các
tạo vật cũng thay đổi như cùng chung vui với sự trùng phùng của hai người: “Sơn
hà nở rộ hoa tươi và mùa ca hát vang trời về đây. Tiếng chim gáy văng vẳng trên
khắp đồng quê ta. Vả kia đã kết trái non, vườn nho hoa nở hương thơm ngạt
ngào.” Nỗi mong muốn được gặp mặt và nghe tiếng của nhau sau bao năm trường xa
cách được biểu tỏ qua lời yêu thương của tình quân nói với người yêu: “Dậy đi
em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào! Bồ câu của anh ơi, em ẩn
trong hốc đá, trong vách núi cheo leo. Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe
tiếng, vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng.”
2/ Phúc Âm: “Tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã
nhảy lên vui sướng.”
2.1/ Mẹ Maria lên đường
thăm viếng chị họ Elisabeth: ”Hồi ấy, bà
Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Judah. Bà vào
nhà ông Zachariah và chào hỏi bà Elisabeth.” Nhìn bề mặt, đó là cuộc thăm viếng
giữa con người với con người; nhưng nhìn bề trong, đó là cuộc thăm viếng của
Thiên Chúa dành cho con người. Đây là cuộc thăm viếng có tính cách lịch sử, vì
Thiên Chúa đã chuẩn bị biến cố này lâu năm, ngay từ khi con người sa ngã trong
vườn Địa Đàng. Con người khao khát cuộc thăm viếng này; vì nhờ nó, con người được
Thiên Chúa đổi vận mạng: từ chỗ phải chết đến chỗ sống muôn đời, từ chỗ bị lưu
đày đến chỗ được vào Đất Hứa, từ chỗ phải xa cách Thiên Chúa đến chỗ được đoàn
tụ với Ngài muôn đời.
Bà Elisabeth có được
hai niềm vui lớn: Thứ nhất, Bà phải chịu cảnh góa bụa đau khổ và tai tiếng của
người đời sau bao năm không có con; nhưng Thiên Chúa đã thay đổi cuộc đời Bà,
cho Bà được mang thai Gioan Tẩy Giả trong lúc cả hai ông bà đã quá tuổi sinh
con. Thứ hai, Bà được Mẹ Thiên Chúa tới viếng thăm, vì Người Con Mẹ Maria sắp sửa
sinh ra sẽ mang lại ơn cứu độ cho Bà và cho muôn người.
2.2/ Chúa Giêsu thăm viếng
Gioan Tẩy Giả.
(1) Bà Elisabeth nhận
ra Người Con Maria đang mang trong lòng là Đấng Cứu Thế: Điều kỳ lạ là Mẹ Maria
chưa nói lời gì với Bà Elisabeth cả; trình thuật chỉ nói: “Khi Bà Elisabeth vừa
nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn
Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ
nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu
Chúa tôi đến với tôi thế này?” Nguyên do của việc nhận ra là sự hiện diện của
Chúa Thánh Thần trong Bà Elisabeth và Gioan Tẩy Giả nhảy mừng. Thánh Thần là Thần
Sự Thật, Ngài giúp cho cả hai mẹ con Bà Elisabeth nhận ra Đấng Thiên Sai. Bà
Elisabeth và Gioan Tẩy Giả tượng trưng cho gia đình nhân loại trong Cựu Ước,
vui mừng khi được Đấng Thiên Sai đến viếng thăm. Bà Elisabeth biết rõ lý do tại
sao Đức Mẹ thật có phúc: “vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã
nói với em.”
(3) Gieo trong đau
thương sẽ gặt trong vui mừng: Hai người đàn bà vui mừng vì hai người con sắp được
sinh ra là Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả; nhưng đau khổ và chia ly chẳng bao lâu
sẽ xảy ra không những cho Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả mà còn cho hai bà mẹ. Tại
sao Thiên Chúa yêu thương lại để những đau khổ và chia ly xảy ra trong cuộc đời
chúng ta? Có lẽ câu hỏi chúng ta phải đặt lại: Tại sao chúng ta lại nhẫn tâm
khinh thường tình yêu Thiên Chúa, cha mẹ, và những người đã yêu thương chúng ta
trong cuộc đời? Tại sao chúng ta không quan tâm đến những lo lắng và đau khổ của
họ? Khi chúng ta tìm được câu trả lời này, chúng ta đã hiểu được mầu nhiệm của
tình yêu và của đau khổ. Chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa: những
đau khổ, chia ly, than khóc trên đời này chỉ tạm thời chóng qua; khi được về với
Thiên Chúa, mọi đau khổ và ly tan sẽ chấm dứt.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa yêu
thương con người, Ngài đau khổ khi chúng ta sống xa cách Ngài; và mừng rỡ nhảy
mừng khi chúng ta quay trở lại với Ngài. Đau khổ xảy ra khi chúng ta khinh thường
tình yêu của Thiên Chúa, của cha mẹ, và của tha nhân dành cho chúng ta; niềm
vui có được khi chúng ta biết nhận ra và trân quí những tình yêu đó.
– Khi xa Thiên Chúa,
con người chìm đắm trong đau khổ và làm nô lệ cho tội lỗi; khi trở về với Ngài,
con người được bình an, hạnh phúc, và phục hồi mọi sự đã mất. Một khi đã trở về
với Thiên Chúa, chúng ta hãy sống kết hiệp mật thiết với Ngài, để đừng bao giờ
lìa xa Ngài nữa. Chúng ta hãy thưa với Ngài: Emmanuel! Xin Chúa hãy ở với con
luôn mãi.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
21/12/2019 – THỨ BẢY TUẦN 3 MV
Lc 1,39-45
NGƯỜI ĐƯỢC CHÚC PHÚC
“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang
cưu mang cũng được chúc phúc.” (Lc 1,42)
Suy niệm: Bà Ê-li-sa-bét không chỉ
nhận biết hạnh phúc mình đang hưởng là được “Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi”. Bà
còn khen ngợi “những người” đến viếng thăm mình là người được chúc phúc. Quả thật,
Đức Ma-ri-a đã được sứ thần chào kính “Bà đầy ân phúc” và “người con em đang
cưu mang” mới thật là nguồn mạch mọi phúc lành. Biết mình được chúc phúc và ca
ngợi người khác được Chúa chúc phúc, đó chính là cung cách sống của Ki-tô hữu,
người đã đón nhận Tin Mừng và đồng thời, có sứ mạng loan báo Tin Mừng đó.
Mời Bạn: Bốn hôm nữa chúng ta mừng
lễ Đấng Cứu Thế Giáng Sinh. Đó là hồng phúc cho cả nhân loại. Lời ca tụng mang
đầy tính tiên tri của bà Ê-li-sa-bét nhắc nhở chúng ta mừng lễ với một chiều
kích nội tâm sâu xa, chứ không dừng lại ở những hào nhoáng bên ngoài của lễ
Giáng Sinh. Nơi ấy, ta gặp được chính Con Thiên Chúa, để tạ ơn, để ngợi khen
Ngài là nguồn mạch mọi ơn phúc cho chúng ta. Một khi nhận ra phần phúc Chúa ban
cho mình, chúng ta cũng được mời gọi cùng với Mẹ dấn thân phục vụ để chia sẻ phần
phúc đó cho tha nhân, để họ nhận ra rằng họ cũng được Chúa yêu thương và chúc
phúc.
Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay bạn sẽ gặp gỡ
những ai? Bạn sẽ làm gì để biến ít là một trong những cuộc gặp gỡ ấy thành một
cơ hội giúp họ nhận ra họ cũng là những người được Thiên Chúa yêu thương và
chúc phúc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con biết bám chặt lấy Chúa để
con luôn cảm thấy hạnh phúc khi sống đời Ki-tô hữu, và để con hăng say loan báo
tình yêu Chúa cho anh em con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Thân mẫu
Chúa tôi đến với tôi
Suy niệm :
Trong những ngày cuối cùng của mùa Vọng,
Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm về cuộc gặp gỡ
giữa hai người mẹ: Chị Maria và bà Êlisabét,
giữa hai thai nhi: Ðức Giêsu và Gioan Tẩy Giả.
Một cuộc gặp gỡ chan chứa niềm vui.
Niềm vui của chị Maria với bước chân vội vã
băng qua những vùng đồi núi trập trùng xứ Giuđê.
Chị không đi một mình trên đường xa,
vì chị tin có một mầm sống đang lớn lên trong chị.
Chị chỉ mong cho mau đến nhà bà Êlisabét
để phục vụ bà trong những ngày gần sinh nở.
Niềm vui bất ngờ của bà chị họ sau lời chào của Maria.
Bà ngây ngất trước hồng ân mà cô em mình đã nhận được.
Bà tràn ngập hạnh phúc vì được Thân Mẫu Chúa đến thăm.
Êlisabét cảm thấy đứa con trong dạ cũng nhảy mừng.
Dường như bà quên cả niềm vui riêng tư,
để chỉ còn nhớ đến niềm vui cứu độ cho cả dân tộc.
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu khí của Thánh Thần.
Thánh Thần vẫn tác động trên chị Maria.
Thánh Thần tràn đầy bà Êlisabét.
Thánh Thần đã hoạt động nơi thai nhi Gioan (Lc 1,15).
Chị Maria đem đến niềm vui cho nhà ông Dacaria
vì chị mang lại Ðấng ban Tin Mừng cứu độ.
Chị đem đến sự phục vụ khiêm hạ
vì chị cưu mang Ðấng đến để phục vụ.
Khi được trở nên nữ tỳ của Thiên Chúa,
chị Maria đã sống như nữ tỳ của con người.
Chị có phúc vì chị được chọn làm Mẹ Ðấng Cứu Thế,
chị còn có phúc vì chị đã tin rằng
Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với chị.
Chúng ta chiêm ngắm Ðức Giêsu đang lớn dần trong lòng mẹ.
Ngài tăng trưởng như mọi người.
Những nhịp đập đầu tiên của trái tim nhỏ bé,
những nét riêng tư đầu tiên của khuôn mặt.
Con Thiên Chúa đã mang quả tim và khuôn mặt người phàm.
Từ khi Ngôi Lời được cưu mang trong dạ mẹ,
không ai có quyền khinh rẻ một thai nhi,
vì mỗi thai nhi đều mang khuôn mặt của Con Thiên Chúa;
không ai được coi thường người phụ nữ,
vì Thiên Chúa đã muốn Con mình được một trinh nữ sinh ra.
Cầu nguyện :
Lạy Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ
tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.
Xin ban cho con quả tim đơn sơ,
mau quên những nỗi buồn phiền.
Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,
dịu dàng để cảm thông.
Một quả tim trung thành và quảng đại.
không quên ơn, không báo oán.
Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn.
yêu mà không mong được yêu lại,
hân hoan xóa mình đi
để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.
Một quả tim vĩ đại và bất khuất,
không khép lại trước những vô ơn,
không chán nản trước người lạnh nhạt.
Một quả tim khắc khoải
lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,
quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,
vết thương chỉ lành
khi được sống với Ngài trên trời. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21 THÁNG MƯỜI HAI
Dọn Chỗ Cho Chúa
Trong Lòng Ta
Trong Mùa Vọng, chúng
ta được ân sủng thúc giục để có tâm tình đức tin trong lòng và có niềm mong đợi
của tất cả những ai đợi trông Chúa, tất cả những ai tin và yêu mến Đức Giêsu.
Con đường Mùa Vọng như thế giúp làm cho đức tin của chúng ta nên sinh động
trong khi chúng ta không ngừng suy niệm và được bồi dưỡng bằng Lời Chúa. Đối với
người Kitô hữu, đây sẽ là điểm qui chiếu đầu tiên và nền tảng cho đời sống tâm
linh của mình, một đời sống phải được bồi dưỡng bằng kinh nguyện tôn thờ và ca
tụng Thiên Chúa. Trong số những kinh nguyện này, Benedictus của Dacaria, Nunc
dimittis của Simêon, và nhất là Magnificat của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a là những
kinh nguyện kiểu mẫu vô song.
Tâm tình đức tin bên
trong của Mùa Vọng được củng cố nhờ việc chúng ta lãnh nhận các bí tích, nhất
là bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, tinh luyện và ban dồi dào ân sủng Đức Kitô
cho chúng ta. Các bí tích ấy làm cho chúng ta trở thành con người mới, theo như
lời Chúa Giêsu dạy: “Hãy sám hối!” (Mt 3,2).
Từ viễn tượng này,
chúng ta thấy rằng trong tư cách là Kitôhữu, mọi ngày đều có thể là một Mùa Vọng
cho mình. Bởi vì chúng ta càng thanh tẩy linh hồn mình, chúng ta sẽ càng dọn
nhiều chỗ hơn cho tình yêu của Thiên Chúa chiếm ngự tâm hồn ta. Rồi Đức Kitô sẽ
có thể đến và sinh hạ trong ta.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 21/12
St 2, 8-14; Lc 1,
39-45.
LỜI SUY NIỆM: “Em thật có
phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Gần ngày Đại Lẽ Giáng Sinh, Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng: “Đức
Maria viếng thăm bà Êlisabét”. Giáo Hội muốn nhắc nhở mỗi người trong chúng ta
đều phải có tâm tình vui mừng hớn hở. cùng nhau ca tụng lòng Chúa Thương Xót.
Lạy chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con có đức tin, tin rằng Chúa đã
chọn từng người trong chúng con, và dặt từng nơi chốn một, để thực hiện thánh ý
của Chúa. Xin cho chúng con luôn thực hiện đức ái đối với mọi người trong mọi
hoàn cảnh.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 21-12: Thánh
PHÊRÔ CANISIÔ
Linh Mục Tiến Sĩ Hội
Thánh
(1521 – 1579)
Thánh tiến sĩ Phêrô
Canisiô thường được gọi là vị tông đồ thứ hai của nước Đức. Ngài chào đời 8
ngày tháng 5 năm 1521 tại Nijmegen. Cha Ngài là người công giáo, 9 lần làm thị
trưởng Nijmegen. Ông gửi Ngài tới phại học Cologne lúc Ngài 15 tuổi. Nơi ấy
Ngài gặp được một vị linh mục trẻ thánh thiện Nicolaus van Esch. Chính vị linh
mục này đã đưa Canisiô vào nhóm người trung thành với công giáo được hình thành
để chống lại Hermann van Wied, vị tổng giám mục đã sang hàng ngũ Luthêrô.
Canisiô được nhóm chọn
để tiếp xúc với hoàg đế và tổng giám mục, và việc thoái vị của tổng giám mục đã
tránh cho người công giáo Phineland một thảm họa. Ít lâu sau đó, Canisiô gặp được
chân phước Phêrô Faber, một trong các bạn tiên khởi của thánh Inhaxiô và được
hướng dẫn linh thao. Trong cuộc tĩnh tâm này, Ngài đã tìm được giải đàp cho vấn
nạn Ngài tự đặt cho mình làm sao phụng sự Chúa tốt đẹp nhất và nâng đỡ Giáo hội
công giáo đang bị tấn công ?
Ngài gia nhập dòng
Tên, thụ phong linh mục năm 1546 và sớm lừng danh do việc ấn hành các tác phẩm
của thánh Cyrillô thành Giêruslem và của thánh Leo cả. Năm 1547 Ngài tham dự
công đồng Tridentinô như là đại diện của giám mục Augsburg.
Năm 1549, Ngài được gọi
về Roma và lãnh nhận trách nhiệm truyền giáo cho nước Đức, điều sẽ trở thành
công trình của đời Ngài. Trong cuộc chinh phục của bá tước Bavaria, Canisiô và
hai cha dòng Tên khác được chọn để dạy thần học tại đại học Ingolstadt. Chẳng
bao lâu, Ngài được đặt làm viện trưởng đại học, rồi sau đó, do sự can thiệp của
vua Ferdinand, Ngài được gởi đi thi hành cũng một nhiệm vụ tại đại học Vienna,
Ngài thành công mỹ mãn đến nỗi nhà vua đã cố đưa Ngài lên chức tổng giám mục. Dầu
đã từ chối vinh dự này, Ngài cũng được gọi để quản nhiệm địa phận trong khoảng
một năm.
Vào thời kỳ này, tức
năm 1555, Ngài đã cho ra cuốn “giáo lý” thời danh, một trong những phụng vụ lớn
lao nhất của Ngài cho Giáo hội. Với lối trình bày trong sáng và bình dị giáo
thuyết công giáo, cuốn sách này đáp ứng nhu cầu và chống lại sức tàn phá do cuốn
“giáo lý” của Luthênô. Tính cho đến cuối thế kỷ XVII, cuốn sách được xuất bản
hơn 400 lần và được chuyển dịch sang 15 ngôn ngữ.
Từ Vienna, Canisiô qua
Bohemia là nơi Giáo hội ở trong điều kiện tuyệt vọng. Chống lại, Ngài đã thiết
lập một học viện ở Praha, sau trở thành đạihọc. Năm 1556, được đặt làm giám tỉnh
miền nam nước Đức, Ngài lập trường học cho trẻ em tại 6 thành phố và tự nhận
trách vụ cung ứng cho nước Đức các linh mục được đào luyện tốt. Thực hiện điều
này Ngài thiết lập các chủng viện và gửi người trẻ đi tu nghiệp thường xuyên ở
Roma.
Du hành trong nước Đức,
thánh Canisiô không ngừng rao giảng lời Chúa. Trước hết, Ngài tiếp xúc với những
người lãnh đạm hay thù nghịch. Nhưng lòng nhiệt thành và sự thông hiểu của Ngài
quá rõ đến nỗi đám đông kéo đến chật ních các nhà thờ để nghe giảng. Trong 7
năm liền, Ngài là người giảng thuyết chính thức của nhà thờ chính toà Augsburg
và được coi như vị tông đồ của thành phố này. Mỗi khi qua một nhà thờ miền quê
vắng bóng chủ chăn, Ngài thường dừng lại để giảng dạy và ban các phép bí tích.
Dường như Ngài không
thể nào kiệt sức được. Ngài nói với vài người đã tố cáo Ngài làm việc quá độ rằng:
– “Nếu bạn phải làm việc quá nhiều, với sự trợ lực của Chúa, bạn sẽ tìm giờ để
làm cho hết”.
Một hình thức tông đồ
khác là viết thơ. Các pho sách in thư từ của Ngài dày hơn cả ngàn trang giấy.
Như thánh Bernardô Clairvaux, Ngài dùng phương tiện này để khích lệ, quở trách
và hướng dẫn mọi hạng người. Theo nhu cầu của cả Giáo hội hay của từng cá nhân
đòi hỏi. Ngài đã viết thư cho Đức Thánh cha, cho nhà vua, cho các giám mục, cho
các hoàng tử, cho linh mục và giáo dân. Nơi nào thư từ không đủ, Ngài đưa ra một
sức mạnh do ảnh hưởng cá nhân. Chẳng hạn trong một cuộc họp giữa công giáo và
Thệ phản ở Worms năm 1556, đã phải nhờ đến ảnnh hưởng của Ngài; mà người công
giáo mới có thể hiệp nhất chống lại những mời mọc của Thệ phản để thỏa hiệp với
những điều thuộc về nguyên tắc.
Ở Balan năm 1558, Ngài
đã kiểm soát được một đe dọa mới chớm nở đối với niềm tin cổ truyền của xứ sở.
Và trong cùng một năm ấy, Ngài đã nhận được lời cám ơn của Đức Piô IV về tài
ngoại giao của Ngài trong việc hàn gắn sự bất hoà giữa Đức Thánh Cha và hoàng đế.
Năm 1561, Ngài được trao phó để công bố các sắc lệnh của công đồng Tridentinô tại
nước Đức.
Ít lâu sau, Ngài được
kêu gọi để trả lời cho cuốn Kenturies của Magdeburg. Tác phẩm đầu tiên và tồi tệ
nhất của lịch sử “Thệ phản giáo” tấn công Giáo hội công giáo trong mức độ rông
rãi và những bóp méo lịch sử đòi nhiều người mới có thể trả lời đầy đủ được. Dầu
vậy, thánh Canisiô đã vạch ra đường lối với hai tác phẩm của Ngài là: – “Lịch sử
thánh Gioan Tẩy giả” và “Đức trinh nữ Maria khôn sánh”
Từ năm1580 tới khi qua
đời năm 1597, Ngài đã cực nhọc và đau khổ nhiều ở Thụy Sĩ. Sáu năm cuối, Ngài
nhẫn nại chịu dựng và cầu nguyện lâu giờ tại học viện Fribourg, vì bây giờ, sức
khỏe tàn tạ không cho phép Ngài có thể hoạt động tích cực nữa.
Chẳng bao lâu sau khi
Ngài qua đời, ngày 21 tháng 12 năm 1597 mộ Ngài đã được tôn kính. Nhiều phép lạ
đã diễn ra nhờ lời chuyển cầu của Ngài. Ngài là duy nhất đã được tuyên thánh và
tuyên dương làm tiến sĩ Hội Thánh vào cùng một ngày, ngày 21 tháng 6 năm 1925.
(daminhvn.net)
21 Tháng Mười Hai
Rạn Nứt Trong Tâm Hồn
Một ông vua giàu có
nọ rất keo kiệt và hà khắc đối với thần dân. Thành ra, tất cả mọi người đều oán
ghét ông.
Một hôm ông ra lệnh
cho quan tể tướng tiến hành việc thu thuế hằng năm. Nhưng quan tể tướng cho biết:
“Năm nay mùa màng hư hại, dân chúng đang chết đói, họ không thể nào nộp thuế được”.
Nhưng nhà vua vẫn một
mực cho tiến hành việc thu thuế và yêu cầu quan tể tướng dùng tất cả tiền thuế
để sửa sang cung điện và nội thành. Quan tể tướng đi một vòng xung quanh cung
điện, nơi nào cũng có sự rạn nứt, nhưng sự rạn nứt sâu xa hơn vẫn là sự bất mãn
và ta thán của người dân.
Thế là, năm đó,
thay vì tiến hành lệnh của vua, quan tể tướng đã cho người đi khắp nơi và loan
báo như sau: “Năm nay, nhà vua miễn thuế cho tất cả mọi người”. Nghe thế, ai
cũng vui mừng vỡ lở. Khắp nơi, tuy đói kém, ai ai cũng làm tiệc ăn mừng.
Trở lại triều đình,
quan tể tướng thông cáo với nhà vua rằng với số tiền thu thuế được, ông đã cho
làm những tu sửa cần thiết nhất.
Ngày hôm sau, quan
tể tướng mời nhà vua và đoàn tùy tùng đi tham quan một vòng xung quanh những
nơi mà ông báo cáo đã được tu sửa. Vừa ra khỏi cung điện, nhà vua đã được dân
chúng tung hô vạn tuế không dứt lời. Nhìn đám đông vui mừng phở lở, nhà vua mới
quay sang quan tể tướng để hỏi lý do của ngày hội này. Quan tể tướng mới giải
thích như sau: “Tâu bệ hạ, ngày lễ hôm nay được tổ chức là để đánh dấu những tu
sửa quan trọng trong cung điện. Trước khi tiến hành việc thu thuế, hạ thần đã
đi tham quan một vòng, hạ thần nhận thấy rằng những rạn nứt đáng kể nhất không
phải là những rạn nứt trên tường thành của cung điện mà chính là trong lòng người
dân. Người dân không thể vui mừng được vì từ bao lâu nay, họ không còn thấy được
lòng tốt nữa. Ðó là lý do đã khiến hạ thần tuyên bố miễn thuế cho họ trong năm
nay”.
Nghe thế, nhà vua mới
sực tỉnh lại và nhận ra thái độ keo kiệt hà khắc của ông. Ông nhìn xuống đám
đông dân chúng đang hân hoan vẫy chào, lòng ông cảm thấy xúc động. Lần đầu
tiên, người ta thấy nụ cười của vui tươi và yêu thương nở trên môi ông.
Người Việt Nam chúng
ta có lẽ đã quá quen thuộc với hai chữ đổi mới. Năm kia qua tháng nọ, lúc nào
người ta cũng hô hào “đổi mới”, nhưng đâu vẫn vào đó: đói khổ vẫn còn đó, dốt
nát vẫn còn đó, lạc hậu vẫn còn đó, tù đày khốn khổ vẫn còn đó… Ðiều đó xem ra
cũng dễ hiểu, người ta chỉ vá víu để hàn gắn những rạn nứt bên ngoài, còn rạn nứt
thâm sâu nhất là rạn nứt trong tâm hồn mình, thì người ta không bao giờ nghĩ tới.
“Ðổi mới” là trọng tâm
của sứ điệp Kitô Giáo chúng ta. Khai mở sứ vị công khai của Ngài, Chúa Giêsu đã
kêu gọi: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng”. Sự hoán cải mà Chúa Giêsu đề ra là
hoán cải tâm hồn, hoán cải con tim, hoán cải tư duy, hoán cải cái nhìn.
Sự hoán cải ấy không
phải là công việc của một ngày, một tháng, một năm, mà là công trình của cả một
cuộc đời. Bao lâu còn mang lấy danh hiệu Kitô, thì bấy lâu người tín hữu vẫn
còn được mời gọi để hoán cải.
Sự hoán cải ấy cũng
không chỉ là cố gắng riêng tư của người tín hữu mà là tác động của chính Chúa.
Chính Ngài mới có thể tác tạo cho con người một trái tim mới, một quả tim biết
yêu thương. Sự đổi mới mà người tín hữu Kitô không ngừng đeo đuổi trong cả cuộc
sống của mình chính là cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa những cố gắng riêng tư của mình
và sự tác tạo của Chúa.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét