Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Mùa Vọng trong âm nhạc: Bẩy điệp xướng bắt đầu bằng chữ Ôi


Mùa Vọng trong âm nhạc: Bẩy điệp xướng bắt đầu bằng chữ Ôi
Vũ Văn An

Từ ngày 17 tháng 12 cho tới ngày vọng Lễ Giáng Sinh, lúc đọc bài Ngợi Khen trong Phụng vụ các Giờ Kinh theo nghi lễ Rôma, bẩy điệp xướng đã được hát, mỗi điệp xướng một ngày, tất cả đều bắt đầu bằng lời khẩn cầu Chúa Giêsu, dù Người không bao giờ được nêu đích danh.

Theo Sandro Magister, các điệp xướng này rất cổ xưa, có từ thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, khoảng năm 600.

Ở đầu mỗi điệp xướng, theo thứ tự, Chúa Giêsu được khẩn cầu như Khôn Ngoan, Chúa, Rễ, Chìa Khóa, Vừng Đông, Đức Vua, Emmanuen. Tiếng Latinh lần lượt là Sapientia, Adonai, Radix, Clavis, Oriens, Rex, Emmanuel.

Điều thú vị là nếu đọc từ cuối đọc trở lui, các vần đầu Latinh của những chữ này sẽ là "ERO CRAS” có nghĩa là: "Ta sẽ ở đó vào ngày mai”. Quả là lời công bố Chúa sẽ đến. Đầy đủ ý nghĩa Mùa Vọng. Thực thế, điệp xướng cuối cùng được hát vào ngày 23 tháng 12, và ngày hôm sau, với kinh chiều thứ nhất, Lễ Giáng Sinh sẽ bắt đầu.

Các điệp xướng được gợi hứng bởi các bản văn Cựu Ước loan báo Đấng Mêxia. Nhưng với một nét đặc biệt: 3 điệp xướng cuối cùng bao gồm những kiểu nói chỉ có thể giải thích bằng ánh sáng Tân Ước.

Điệp xướng "O Oriens" (Ôi Vừng Đông) dành cho ngày 21 tháng 12 rõ ràng ám chỉ Ca Khúc của ông Dacaria ở Chương 1, Tin Mừng Luca, tức Ca khúc "Benedictus" (chúc tụng): “Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần”.

Điệp xướng "O Rex" (Ôi Đức Vua) dành cho ngày 22 tháng 12 khiến ta nhớ tới một đoạn trong bài tụng ca Chúa Giêsu ở chương 2 thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô: “Người đã tác tạo đôi bên [Do thái và dân ngoại] thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người".

Điệp xướng "O Emmanuel" (Ôi Emmanuen), dành cho ngày 23 tháng 12, kết thúc bằng lời khẩn cầu "Dominus Deus noster" (Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con): vốn là lời khẩn cầu hoàn toàn của các Kitô hữu, vì chỉ những người theo chân Chúa Giêsu mới nhìn nhận Đấng Emmanuen là Chúa và là Thiên Chúa của họ.

Sau đây là trọn bản văn của bẩy điệp xướng, bằng tiếng Latinh và tiếng Việt với các tham chiếu Cựu và Tân Ước ở trong ngoặc đơn.

*

I – 17 tháng 12

O SAPIENTIA, quae ex ore Altissimi prodiisti,
attingens a fine usque ad finem fortiter suaviterque disponens omnia:
veni ad docendum nos viam prudentiae.

Ôi Đức Khôn Ngoan, Đấng vốn phát sinh từ miệng Đấng Tối Cao (Huấn ca 24:3), Ngài đã vươn xa đến tận cùng trái đất, và sắp đặt mọi sự một cách đầy quyền lực và dịu dàng (Kn 8:1): xin Ngài hãy đến và dạy chúng con đường khôn ngoan (Cn 9:6).

II – 18 tháng 12

O ADONAI, dux domus Israel,
qui Moysi in igne flammae rubi apparuisti, et in Sina legem dedisti:
veni ad redimendum nos in brachio extenso.

Ôi Lạy Chúa (Xh 6:2, Bản Phổ thông), Đấng lãnh đạo nhà Israel, Đấng từng hiện ra với Môsê trong bụi gai bốc lửa (Xh 3:2) và trên Núi Xinai đã ban cho ông lề luật (Xh 20): Xin Ngài hãy đến và giải thoát chúng con bằng cánh tay mạnh mẽ của Ngài (Xh 15:12-13).

III – 19 tháng 12

O RADIX Iesse, qui stas in signum populorum,
super quem continebunt reges os suum, quem gentes deprecabuntur:
veni ad liberandum nos, iam noli tardare.

Ôi Rễ Jessê, từng đứng làm dấu chỉ cho muôn dân (Is 11:10), vua chúa trái đất đều im lặng trước mặt Ngài (Is 52:15) và các dân nước khẩn cầu Ngài: xin Ngài hãy đến giải thoát chúng con, xin Ngài đừng chậm trễ (Hbc 2:3).

IV – 20 tháng 12

O CLAVIS David et sceptrum domus Israel,
qui aperis, et nemo claudit; claudis, et nemo aperit:
veni et educ vinctum de domo carceris, sedentem in tenebris et umbra mortis.

Ôi Chìa Khóa Đavít (Is 22:23), vương trượng nhà Israel (St 49:10), Đấng đã mở thì không ai khép được; Đấng đã khép thì không ai mở được: xin Ngài hãy đến, hãy giải thoát người đang bị giam giữ nơi tăm tối và trong bóng tử thần(Tv 107:10, 14).

V – 21 tháng 12

O ORIENS, splendor lucis aeternae et sol iustitiae:
veni et illumina sedentem in tenebris et umbra mortis.

Ôi Vừng Đông, sự huy hoàng của ánh sáng muôn thuở (Kn 7:26) và là mặt trời công lý (Mlk 3:20): xin Ngài hãy đến và rọi chiếu những ai đang nằm nơi tăm tối và trong bóng tử thần(Is 9:1; Lc 1:79).

VI – 22 tháng 12

O REX gentium et desideratus earum,
lapis angularis qui facis utraque unum:
veni et salva hominem quem de limo formasti.

Ôi Vua muôn dân (Grm 10:7) và là niềm khát khao (Hg 2:7), đá góc của họ (Is 28:16), Đấng kết hợp người Do Thái và dân ngoại thành một (Eph 2:14): Xin ngài hãy đến và cứu vớt con người Chúa đã tạo nên từ bụi đất (St 2:7).

VII – 23 tháng 12

O EMMANUEL, rex et legifer noster,
expectatio gentium et salvator earum:
veni ad salvandum nos, Dominus Deus noster.

Ôi Emmanuen(Is 7:14), Vua và đấng ban lề luật của chúng con (Is 33:22), niềm hy vọng và cứu rỗi của các dân tộc (St 49:10; Ga 4:42): Xin Ngài hãy đến cứu vớt chúng con, Ôi Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con (Is 37:20).


Nhân cách hoá Đức Khôn Ngoan

Nhân bình luận về điệp xướng đầu trong 7 điệp xướng trên, Cha Jacob Bertrand Janczyk, dòng Đa Minh, cho rằng việc nhân cách hóa Đức Khôn Ngoan đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc triển khai cái hiểu của chúng ta về Chúa Kitô.

Cha cho hay Đức Khôn Ngoan chắc chắn thuộc lãnh vực kiến thức hay kinh nghiệm trong việc phán đoán đúng. Nhưng trong Thánh Kinh, nó còn đóng một vai trò quan trọng hơn nữa. Suốt trong Cựu Ước, Đức Khôn Ngoan đã được nhân cách hóa, đóng một vai trò trong sáng thế (Kn 9:1-6), dạy dỗ lề luật (Br 4:1-4) và che chở cùng cứu vớt người chính trực (Kn 10:1-9).

Việc nhân cách hóa Đức Khôn Ngoan và ngữ vựng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc khai triển cái hiểu của chúng ta về Chúa Kitô. Hãy đọc thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô 1:8-4:21, trong đó, Chúa chúng ta được hiểu là Đức Khôn Ngoan vốn được tiên báo từ lâu ấy. Thánh Phaolô viết “Chúa Kitô, quyền lực của Thiên Chúa và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr. 1:24).

Chính Chúa Kitô là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là chính Đức Khôn Ngoan, là Ngôi Lời (Ga 1:1), và cũng chính một Chúa Kitô này được tiên tri Isaia gọi là Đấng “Kế sách điệu kỳ, khôn ngoan tuyệt diệu!” (Is. 28:29) và là Đấng lãnh nhận thần trí khôn ngoan của Chúa (xem Is. 11:2).

Nhưng khi Lễ Giáng Sinh sắp đến, tại sao ta lại khẩn cầu Đức Khôn Ngoan, chứ không phải “Thiên Chúa Toàn Năng?” hay “Hoàng tử Hòa bình”? Thánh Lêô Cả trong bài giảng về ngày này năm 450 cho ta một ánh sáng:

“Chính bằng tình yêu Thiên Chúa đã tái định hình chúng ta giống hình ảnh Người. Để Người tìm thấy nơi ta hình ảnh lòng tốt của Người, Người ban cho ta chính các phương thế nhờ đó ta có thể thi hành các việc chúng ta đang làm – bằng cách thắp sáng ngọn đèn tâm trí ta và nung đốt ta bằng ngọn lửa tình yêu của Người, để chúng ta yêu thương không những Người mà cả bất cứ điều gì Người yêu mến nữa”.

Có câu phương châm vĩ đại này “Bạn không thể yêu mến điều bạn không biết”. Các tiên tri của Israel, Thánh Phaolô, Thánh Lêô, và điệp xướng “Ôi” hôm nay đều tiết lộ cho ta chân lý này. Chúng ta trung thành vang vọng lại lời lẽ của Isaia và khẩn cầu Chúa Kitô dưới danh hiệu “Đức Khôn Ngoan” vì Người quả là ánh sáng xua tan bóng tối tâm trí ta để ta nhận biết Người, yêu mến Người, và cuối cùng, được hài nhi quấn trong tã này cứu rỗi. Ôi Đức Khôn Ngoan, xin Ngài hãy đến và dạy chúng con đường khôn ngoan!

Vừng Đông đang tới

Marge Fenelon cũng suy tư về các điệp xướng trên. Theo bà, mỗi năm, từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 12, ta thấy có sự thay đổi nhỏ trong các bài đọc thánh lễ hàng ngày. Các Tin Mừng lấy từ các trình thuật tuổi thơ của Thánh Mátthêu và Thánh Luca, nhắc ta nhớ rằng Chúa Giêsu sắp sinh ra. Các bài đọc thứ nhất thường lấy từ Cựu Ước và được chọn tương ứng với bài Tin Mừng.

Thí dụ, ngáy 19 tháng 12 chẳng hạn, bài đọc một lấy từ chương 13 của Sách Thủ Lãnh. Trong đó, Manôác, vợ 1 người thuộc chi tộc Đan, vốn không con, được một thiên thần loan báo bà sẽ thụ thai và sinh một con trai. Quả tình sau đó bà đã hạ sinh một con trai và đặt tên cho con là Samsôn, người sau này trở thành một chiến binh lừng danh của Israel.

Trong Tin Mừng cùng ngày, ta được nghe câu chuyện Thiên thần hiện ra với Ông Dacaria, một tư tế thuộc chi tộc Giuđa và là anh em rể của Đức Maria thành Nadarét. Thiên thần tiên báo người vợ hiếm muộn của Dacaria là Êlidabét sẽ thụ thai và sinh một con trai. Người con trai ấy mang tên Gioan và trở thành tiên tri vĩ đại nhất, loan báo Đấng Mêxia sẽ đến.

Cả 8 ngày trước Lễ Giáng Sinh đều có việc liên kết giữa bài đọc một và bài Tin Mừng như thế. Chưa hết, trong 8 ngày này, còn có việc hát các điệp xướng “Ôi” trong các buổi đọc Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Các điệp xướng này dùng các hình ảnh đẹp đẽ cổ xưa của thời Cựu Ước.

Tất cả đều đáng yêu, nhưng theo Fenelong, điệp xướng đáng yêu nhất là “Ôi Vừng Đông”.

O ORIENS, splendor lucis aeternae et sol iustitiae:
veni et illumina sedentem in tenebris et umbra mortis.

Ôi Vừng Đông, sự huy hoàng của ánh sáng muôn thuở (Kn 7:26) và là mặt trời công lý (Mlk 3:20): xin Ngài hãy đến và rọi chiếu những ai đang nằm trong tối tăm và bóng tối sự chết (Is 9:1; Lc 1:79).

Vừng Đông là mong chờ một ngày mới, nó mang lại sự tốt lành của Thiên Chúa và rọi sáng thế giới. Một khi Vừng Đông đã ló rạng, không điều gì có thể còn ẩn khuất vì mặt trời xua tan bóng tối. Vừng đông rực rỡ phủ đầy trái đất thứ ánh sáng chói chang, làm cho cả điều bất khả trở thành khả hữu.

Dĩ nhiên, còn một khía cạnh nữa. Các điệp xướng “Ôi” là các ẩn dụ về Chúa Kito, mỗi điệp xướng ca tụng một phẩm tính đáng khâm phục của Người. Khi chúng ta lấy các hình ảnh kỳ diệu áp dụng vào Chúa Kitô, chúng ta có những vần thơ hy vọng và đầy yêu thương.

Vừng Đông Rực Rỡ xuất hiện để soi sáng đường chúng ta đi và đổ đầy linh hồn chúng ta bằng các ơn cứu rỗi. Mặt Trời chói lọi mang lại khích lệ cho người chính trực và lột mặt nạ con đường khuất nẻo của những kẻ sống trong bóng tối. Người kết án những ai chọn bóng tối sự chết và loan báo sự sống cho những ai tìm sự chói lọi của Người.

Người là, và luôn sẽ là, Vừng Đông Rực Rực Rỡ.

Và Người đến để giải thoát ta khỏi gọng kìm sự ác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét