Trang

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

Noel – lễ hội và hội lễ


Noel – lễ hội và hội lễ
(ANSA)

‘Mùa Giáng Sinh đang đến’! Cách nói này đã phổ biến mỗi độ Đông về; và nó trở nên bình thường trong tâm thức của hầu hết mọi người trên thế giới, không phân biệt tuổi tác, văn hoá hay tôn giáo. Nghĩa là, Noel không còn chỉ là một ‘Thánh Lễ’, mà đã trở thành một ‘mùa’, một dịp lễ hội, thậm chí là lễ hội thuộc hàng lớn nhất của nhân loại. Vì là lễ hội, Noel trở thành mùa của sự nhộn nhịp: nhộn nhịp của buôn bán, nhộn nhịp của trang trí, nhộn nhịp của âm nhạc, nhộn nhịp của tiệc tùng, vv. Chính vì thế, nhiều Ki-tô hữu cảm thấy khó chịu khi nghĩ đến việc một Thánh Lễ bị biến thể thành một lễ hội mang đầy tính thế tục như thế; và đã có không ít người kêu gọi tẩy chay tất cả những hình thức mang tính ‘hội’ đó. Tuy nhiên, thiết tưởng chúng ta cần bình tâm để phân định về hiện tượng ‘hoà trộn’ giữa lễ và hội như thế, hầu thấy rõ hơn những nét tiêu cực và cả những điểm tích cực của nó.
Khắc Bá, SJ - CTV Vatican News
Trước hết, cần phải xác định rằng sự hoà trộn giữa lễ nghi tôn giáo và lễ hội thế tục không phải là một hiện tượng mới mẻ, mà, có thể nói, nó đã diễn ra ngay từ khởi đầu của lịch sử văn minh nhân loại. Hầu hết các lễ hội thế tục đều có nguồn gốc từ thần thoại và tôn giáo, vốn gắn liền với những thực hành cổ xưa để nối kết con người với thần linh; và ngược lại, các lễ nghi tôn giáo cũng ‘tiến hoá’ từ những tính chất và đặc điểm của các lễ hội thế tục, hay vay mượn từ những di sản văn hoá nào đó. Vì thế, hầu hết các lễ nghi kiểu này đều mang cả hai khía cạnh nói trên, tức là, trong lễ có hội, và trong hội có lễ. Chúng ta có thể lấy chính lễ-hội Giáng Sinh làm ví dụ. Thật vậy, ngoại trừ nghi thức phụng vụ thánh lễ Giáng Sinh, hầu hết các thông tin và ‘tập tục’ đi kèm của lễ này đều không có nguồn gốc từ các khẳng định thần học. Ví dụ, Kinh Thánh không cung cấp cho ta manh mối nào để xác định rằng ngày sinh của Đức Giê-su là 25 Tháng Mười Hai. Tuy nhiên, vào năm 221, sử gia Công giáo Sextus Julius Africanus đã xác định ngày này là Lễ Giáng Sinh, và dần dà được chấp nhận rộng rãi trong toàn Giáo hội. Sở dĩ như vậy, vì nó từng là ngày lễ hội phổ biến ở Đế quốc La Mã, dùng để tôn vinh ngày Đông Chí, vốn là biểu tượng cho sự hồi sinh của mặt trời sau khi Mùa Đông đi qua và mùa Xuân đang dần tới. Với luận điểm thần học rằng Đức Giê-su là Mặt Trời Công Chính, chẳng lạ gì khi Giáo hội ‘rửa tội’ cho Lễ Hội Mặt Trời, biến nó thành ngày mừng kính Con Thiên Chúa giáng trần!
Trở lại với tình trạng Lễ-Hội Giáng Sinh hiện nay: như đã nói trên, bên cạnh tính chất lễ nghi phụng vụ của Ki-tô giáo, Noel hiện đã trở thành một lễ hội dành cho mọi người, với rất nhiều những khía cạnh hội hè và thế tục.
Sự hòa trộn này có thể chứa đựng những yếu tố tiêu cực nào? Có lẽ điểm trừ lớn nhất là nó khiến nhiều Ki-tô hữu, nhất là những tâm hồn nhạy cảm, có cảm giác rằng Giáng Sinh đang bị thương mại hoá, và phần hội đang lấn át phần lễ. Những trang trí ăn theo mùa Noel nơi các cửa hiệu hàng hoá, các loại nhạc lấy chủ đề Noel nhưng được phối xập xình theo các điệu nhạc thế tục, vv., làm cho nhiều người cảm tưởng Lễ Giáng Sinh đang bị lợi dụng, và phần thánh thiêng của nó đang bị bóp nghẹt. Tệ hơn, có người thấy Lễ Giáng Sinh như thể đang mất dần căn tính Ki-tô giáo. Nhiều người nhớ đến lễ hội này chính yếu vì nó tạo ra một kỳ nghỉ, kỳ vui chơi, như một trong nhiều lễ hội khác diễn ra quanh năm, chứ họ không chú tâm mấy đến chuyện nó là một thánh lễ quan trọng trong đức tin Ki-tô giáo.
Tuy nhiên, hiện tượng nào cũng có tính đa chiều của nó! Hình thức lễ-hội Noel cũng vậy: bên cạnh những biểu hiện tiêu cực, nó có những nét tích cực nhất định. Thứ nhất, nó giúp ‘phổ biến rộng rãi’ thánh lễ và tinh thần Giáng Sinh đến mọi người, mọi nơi trên thế giới. Nếu không trở thành một lễ hội, hẳn không nhiều người biết đến Giáng Sinh như bây giờ.
Thứ nữa, một lễ hội chân chính tự nó là một điều tốt lành. Bản chất của lễ hội là để quy tụ, để đưa con người vào một thời gian và không gian ngoại thường, khác với khung cảnh đời sống hằng ngày. Nó giúp con người trải nghiệm chung với nhau những khoảnh khắc đặc biệt; và điều này vừa giúp con người thấy tính nối kết cộng động, vừa giúp họ kinh nghiệm về những khía cạnh phong phú và sinh động khác của cuộc sống.
Thêm vào đó, lễ hội Giáng Sinh từ lâu đã trở thành dịp của trao ban và nhận lãnh. Bắt đầu từ Thế kỷ Mười Bảy, nhất là từ Bắc Mỹ, người ta đã hình thành thói quen trao và tặng quà cáp cho những người thân nhân hay bạn bè nhân dịp Giáng Sinh. Hình tượng của Ông Già Noel cũng đã trở nên quen thuộc trong tâm trí trẻ nhỏ, và giúp xây dựng tâm thức hồn nhiên, thánh thiện cho các em.
Cuối cùng, Giáng sinh cũng là dịp để trở về và nghỉ ngơi bên gia đình. Ở các nước Phương Tây, Giáng Sinh tựa như Tết Nguyên Đán nơi một số nước Đông Á: đây là thời gian đặc biệt để mọi người trong gia đình quy tụ, nghỉ ngơi và vui chơi với nhau. Vì thế, có thể nói, đây cũng là lễ hội của gia đình.
Như thế, chúng ta thấy bản thân lễ-hội Giáng Sinh có thể tạo ra những nguy cơ tiêu cực, nhưng cũng có thể chứa đựng nhiều cơ hội tích cực. Tất cả tuỳ thuộc vào mức độ vận dụng của con người. Vậy, chúng ta nên ứng xử thế nào trước mối căng thẳng này? Thiết tưởng, khôn ngoan và tinh thần Ki-tô giáo không khuyến khích chúng ta chọn lối tiếp cận cực đoan là tẩy chay phần ‘hội’ của nó. Lý do là tất cả những điều tích cực trên của lễ hội rất gần gũi, tương thích với tinh thần và đức tin Ki-tô giáo. Chẳng phải chính Đức Ki-tô cũng đã dùng phương pháp ‘hội nhập’ khi Ngài nhập thể đó sao? Ngài không bảo chúng ta nhất thiết phải ‘dẹp bỏ’ mọi con đường đang có để xây mới một con lộ thẳng băng. Thay vào đó, Ngài mời gọi chúng ta ‘chỉnh trang, dọn dẹp, sửa lối cho thẳng’ những con đường đang đi (Mt 3,3). Chẳng phải mong muốn của Thiên Chúa là quy tụ mọi người, giúp chúng ta sống tương quan với nhau cách tận căn trong tình thương của Người hay sao? Và chẳng phải chính Đức Giê-su đã tự hiến mình trở thành qùa tặng cho nhân loại, để mọi người có thể đón nhận và trao ban cho nhau hay sao?
Vì vậy, thiết tưởng chúng ta chỉ cần đẩy mạnh thêm những điểm tích cực của lễ hội và hướng chúng vào tinh thần thiêng liêng chân chính, đồng thời cố gắng tránh đi những điều thái quá gây nguy cơ tiêu cực, thì lễ hội Noel sẽ thực sự trào tràn niềm vui Giáng Sinh theo đúng tinh thần Ki-tô giáo. Thực thế, ngay cả trong khung cảnh của khu phố sầm uất, khi những giai điệu của ‘Đêm Thánh Vô Cùng’, của ‘Đêm Noel’ cất lên, chắc hẳn tâm hồn người nghe – bất kể họ là ai – đều được đổ đầy một cảm xúc đặc biệt: cảm xúc gặp gỡ với một sự thánh thiêng nào đó. Hay, việc được chung tay cùng nhau làm hang đá đã là một niềm vui lớn lao cho tất cả mọi người tham gia, và cho cả những ai đến chiêm ngưỡng, không quan trọng việc nó là một hang đá đơn sơ và trang nghiêm trong ngôi thánh đường, hay được trang hoàng lộng lẫy trong một khu trung tâm thương mại.
Tất nhiên, điều quan trọng hàng đầu là chúng ta phải chú trọng phần phụng vụ thánh lễ Giáng Sinh một cách đúng mực hết mức có thể. Nếu nói lễ hội mở ra không gian đặc biệt cho con người để trải rộng nét phong phú của cuộc sống và tính nối kết cộng động, thì Thánh Lễ là đỉnh cao của sự mở ra đó, vì Phụng vụ Thánh Lễ là biến cố tạo nên không gian thánh thiêng, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa, nơi sự hữu hạn được tham dự vào thế giới vĩnh cửu. Vì vậy, chính Phụng vụ Thánh Lễ ‘thánh hoá’ và tạo ý nghĩa cho mọi khía cạnh khác của đời sống con người.
Tất một lời, Thiên Chúa không bắt con người thực hiện một nghi lễ vì bản thân Ngài, mà vì Ngài muốn đưa con người, với tất cả những khía cạnh thế tục của nó, được dự phần vào sự thánh thiêng của mầu nhiệm vĩnh cửu. Trong cuộc dự phần đó, Thiên Chúa không đòi ta cắt bỏ mọi khía cạnh nhân bản và văn hoá, mà mời gọi ta cộng tác để chính chúng cũng được ‘thánh hoá’, được chúc phúc. Nếu thực thi tinh thần đó, lễ-hội Noel có thể trở thành biến cố ân sủng đích thực, nơi đời sống con người được giao hoà với Thiên Chúa; và đó là ý nghĩa nền tảng của Giáng Sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét