ĐTC Phanxicô: Chúng ta có giờ để
tiêu khiển nhưng không có giờ cho Chúa và tha nhân
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình tại Congo và mời gọi đừng
tích trữ của cải nhưng mở lòng ra với tha nhân
Hồng Thủy - Vatican
Sáng Chúa nhật hôm nay, Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng, Đức
Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ tại đền thờ thánh Phêrô nhân dịp kỷ niệm
25 năm thành lập văn phòng tuyên úy Công giáo Congo tại Roma.
Cộng đoàn Công giáo Congo Roma được thành lập năm 1994 và có
trụ sở tại nhà thờ Giáng sinh. Thánh lễ được cử hành theo nghi lễ Zair.
Nghi lễ Zair hay Congo
Nghi lễ Zair hay Congo, được Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích
phê chuẩn vào tháng 04/1988, là nghi lễ Roma bình thường nhưng được thích ứng với
các giá trị văn hóa của dân tộc Zair, ngày nay là Cộng hòa dân chủ Congo. Nghi
lễ nhắm giúp các tín hữu tham dự tích cực vào Thánh lễ với các chuyển động nhịp
nhàng và cử chỉ giơ tay hướng lên trời. Khi hát Kinh Vinh Danh, các thừa tác
viên vũ múa xung quanh bàn thờ.
Một số đặc tính chính yếu của Thánh lễ là kinh cầu các
thánh, có một vị trí quan trọng, được hát ngay từ đầu buổi cử hành. Các tín hữu
cũng khẩn cầu với tổ tiên, những người đang sống trong sự hiệp thông với Thiên
Chúa. Nghi thức thống hối và nghi thức chúc bình an được cử hành sau bài giảng.
Thánh lễ được cử hành cách sinh động với nhiều bài hát cùng
với tiếng trống và các nhạc cụ dân tộc, và tiếng huýt đặc trưng của Phi Châu. Đồng
tế trong Thánh lễ với Đức Thánh Cha có một số giám mục và hơn 100 linh mục
Congo, với sự tham dự của hơn 1000 tín hữu Congo đến từ khắp nước Ý.
Chúa Giêsu đến: sự hiện diện hy vọng và an ủi của chúng
ta
Trong bài giảng Đức Thánh Cha lưu ý đến động từ “đến”, xuất
hiện 3 lần trong các bài đọc hôm nay và bài Tin Mừng kết thúc với câu: “Con Người
đến” (Mt 24,22). Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu đến là nguồn cội niềm hy vọng của
chúng ta, là bảo đảm rằng Thiên Chúa đến an ủi chúng ta giữa những khổ cực nơi
trần gian, một niềm an ủi không phải bằng lời nói, nhưng là sự hiện diện, sự hiện
diện của Người đến giữa chúng ta.
Chúa đến, Chúa không để chúng ta cô đơn. Chúa đã đến từ 2000
năm trước và sẽ đến vào ngày sau hết, nhưng Chúa cũng đến hôm nay trong cuộc đời
của tôi, của bạn. Cuộc sống của chúng ta với những lo lắng, bấp bênh, được Chúa
viếng thăm. Nguồn vui của chúng ta: Chúa không mỏi mệt và sẽ không bao giờ mệt
mỏi đến viếng thăm chúng ta. Người mong ước đến thăm chúng ta.
Chúng ta là khách mời của Thiên Chúa
Dựa trên lời ngôn sứ Isaia trong bài đọc thứ nhất: các dân sẽ
đến và bảo nhau, nào ta cùng lên Núi Chúa, Đức Thánh Cha nhận định rằng không
chỉ có Chúa đến, mà cả chúng ta cũng đến. Ngài nói: “Chúng ta là khách
mời của Thiên Chúa và được Người chờ đợi, mong ước”. Chúa mời gọi chúng ta:
“Hãy đến, bởi vì nhà Ta có chỗ cho tất cả. Hãy đến, bởi vì trong tim Ta không
chỉ có một dân tộc, nhưng mọi dân tộc.”
Đức Thánh Cha nói với các tín hữu Congo rằng dù họ đến từ
xa, họ tìm được sự đón tiếp ở Ý, dù là với khó khăn và những điều không tưởng
trước được. “Nhưng đối với Thiên Chúa anh chị em luôn luôn là những người
khách mời được yêu quý. Và Giáo hội là nhà của Thiên Chúa. Do đó, ở đây anh chị
em hãy cảm thấy như ở nhà mình. Chúng ta đến để cùng nhau đi đến với Chúa và thực
hiện lời ngôn sứ Isaia: ‘Hãy đến, chúng ta bước đi trong ánh sáng của Chúa’”
(c.5).
Chủ nghĩa tiêu thụ là một thứ virus tấn công đức tin tận
gốc rễ
Đức Thánh Cha nhắc rằng có những người thích bóng tối của thế
gian hơn là ánh sáng của Chúa, như trong thời Noe. Họ xem cuộc sống chỉ giới hạn
ở các nhu cầu của mình, hài lòng với cuộc sống bằng phẳng, không có động lực. Họ
không “chờ” ai, chỉ mong có những thứ cho chính mình để tiêu xài.
“Chủ nghĩa tiêu thụ là một thứ virus tấn công đức tin tận
gốc rễ bởi vì nó làm chúng ta tin rằng cuộc sống chỉ dựa trên điều chúng ta có
và như thế chúng ta quên Thiên Chúa Đấng đang đến và đang ở gần chúng ta. Chúa
đến nhưng bạn lại đi theo những sở thích của mình: người anh em gõ cửa nhà bạn
nhưng bạn cảm thấy phiền phức. Đây là thái độ ích kỷ của chủ nghĩa tiêu thụ.”
Người ta phí phạm thời giờ trong những trò tiêu khiển
nhưng không có giờ dành cho Chúa và cho tha nhân
Đức Thánh Cha cảnh cáo: “Có một nguy hiểm làm tê liệt
trái tim, đó là dựa trên sự tiêu thụ, để cho mình trở nên nặng nề và con tim bị
mệt mỏi bởi các nhu cầu.” “Ngày nay người ta sống vì vật chất mà không biết nó
là gì; có nhiều của cải mà không làm điều tốt nữa, các ngôi nhà đầy của cải
nhưng thiếu vắng con cái. Người ta phí phạm thời giờ trong những trò tiêu khiển
nhưng không có giờ dành cho Chúa và cho tha nhân.” Khi người ta sống
vì vật chất thì không bao giờ thấy đủ, nhưng cảm thấy bị đe dọa, không thỏa
mãn, giận dữ.
Cầu nguyện và làm việc bác ái là kho báu quý nhất
Chúa Giêsu mời gọi tỉnh thức. Để tỉnh thức cần có hy vọng chắc
chắn rằng đêm đen sẽ không kéo dài mãi, hừng đông sẽ mau đến. Thiên Chúa đến và
ánh sáng của Người chiếu sáng ngay cả trong bóng tối dày đặc. Đức Thánh Cha nhắc
nhở: “Nhưng sự tỉnh thức chúng ta cần đó là chiến thắng cám dỗ cho rằng
ý nghĩa cuộc sống là tích trữ, khui bày sự giả đối rằng có nhiều của cải thì sẽ
hạnh phúc. Đặc biệt trong mùa Giáng sinh, cần chống lại ánh sáng lôi cuốn của
việc tiêu thụ và tin rằng cầu nguyện và làm việc bác ái không phải là lãng phí
thời gian nhưng là kho báu quý nhất.
Của cải quý giá nhất chính là hòa bình
Của cải quý giá nhất chính là hòa bình mà chúng ta chỉ có được
khi mở lòng mình ra với Thiên Chúa và tha nhân, như ngôn sứ Isaia nói “rèn giáo
mác nên liềm nên hái, biến gươm đào thành cuốc thành cày” và lời ngôn sứ cũng
được áp dụng cho hoàn cảnh của Congo: “nước này không còn vung kiếm chống lại
nước kia” và thôi học nghề chinh chiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét