Công bố văn kiện “Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu
Thế, Kỷ niệm 1700 năm Công đồng Đại kết Nicea”
Ngày 03/04, Ủy ban Thần học Quốc tế đã công bố văn kiện
“Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, kỷ niệm 1700 năm Công đồng Đại
kết Nicea (325-2025)”. Công đồng đã đi vào lịch sử vì Tín Biểu tuyên xưng đức
tin vào ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô và vào Một Thiên Chúa, là Cha, Con và
Thánh Thần. Nội dung được khai triển trong bốn chương nhằm mục đích thúc đẩy sự
hiệp nhất các Kitô hữu và tính Hiệp hành trong Giáo hội.
Vatican News
Vào ngày 20/5 tới đây, thế giới Kitô giáo sẽ kỷ niệm 1700
năm ngày khai mạc Công đồng Đại kết đầu tiên, diễn ra tại Nicea vào năm 325. Một
sự kiện đã đi vào lịch sử vì Tín Biểu trong đó thu thập, xác định và
công bố đức tin vào ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô và vào Một Thiên Chúa, Cha,
Con và Thánh Thần. Được hoàn chỉnh bởi Công đồng Constantinople vào năm 381,
Kinh Tin Kính Nicea đã trở thành thẻ căn cước của đức tin, được Giáo hội tuyên
xưng. Vì lý do này, Ủy ban Thần học Quốc tế đã quyết định dành một văn kiệu dài
gần bảy mươi trang cho công đồng do Hoàng đế Constantine triệu tập ở Tiểu Á, nhằm
nhắc lại ý nghĩa nền tảng của công đồng, nhấn mạnh các nguồn đặc biệt của Kinh
Tin Kính, trong viễn cảnh tái khởi động công cuộc loan báo Tin Mừng mà Giáo hội
được kêu gọi thực hiện trong sự thay đổi của thời đại. Một ý nghĩa quan trọng
khác của việc công bố văn kiện là việc kỷ niệm diễn ra trong Năm Thánh hy vọng
và các Kitô hữu ở cả phương Đông và phương Tây cùng cử hành Lễ Phục sinh trong
một ngày.
Vì những lý do này, văn kiện “Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên
Chúa, Đấng Cứu Thế, Kỷ niệm 1700 năm Công đồng Đại kết Nicea” không phải là một
bản văn thần học hàn lâm đơn thuần, nhưng là một sự tổng hợp có thể đồng
hành đức tin và chứng tá đức tin trong đời sống cộng đoàn Kitô. Ngoài ra, tại
Nicea, lần đầu tiên sự hiệp nhất và sứ vụ của Giáo hội được thể hiện ở mức độ
phổ quát trong hình thức thượng hội đồng, do đó trở thành điểm tham chiếu và
truyền cảm hứng cho tiến trình thượng hội đồng mà Giáo hội Công giáo đang thực
hiện hôm nay.
Văn kiện được chia thành 124 điểm, với 4 chương cùng với phần
giới thiệu có tựa đề “Vinh tụng ca, thần học và loan báo” và phần kết luận.
Một cách đọc vinh tụng ca của Tín Biểu
Chương đầu tiên “Một biểu thức cho ơn cứu độ: vinh tụng ca
và thần học về tín lý của Nicea”. Là phần quan trọng nhất, chương này cung cấp
một cách đọc vinh tụng ca của Tín Biểu, nhằm nhấn mạnh về ơn cứu độ và như thế
về Kitô học, Ba Ngôi và nhân chủng học, với chủ ý mang lại một động lực mới cho
hành trình tiến tới sự hiệp nhất của các Kitô hữu.
Nhấn mạnh ý nghĩa đại kết của đức tin Nicea, văn kiện bày tỏ
hy vọng về cử hành Lễ Phục sinh chung, điều chính Đức Thánh Cha đã nhiều lần hy
vọng. Về vấn đề này, số 43 nhấn mạnh năm 2025 này đối với tất cả các Kitô hữu
là “một cơ hội vô giá để khẳng định rằng những gì chúng ta có chung mạnh mẽ hơn
nhiều so với những gì chia rẽ chúng ta: tất cả cùng nhau, chúng ta tin vào
Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Chúa Kitô, người thật và Thiên Chúa thật, vào ơn cứu độ
trong Chúa Giêsu Kitô, theo Kinh Thánh được đọc trong Giáo hội và dưới sự thúc
giục của Chúa Thánh Thần. Cùng nhau chúng ta tin vào Giáo hội, vào Phép rửa,
sự phục sinh kẻ chết và sự sống đời đời.
“Chúng tôi tin như chúng tôi làm phép rửa; và chúng
tôi cầu nguyện như chúng tôi tin”
Nhưng đón nhận sự phong phú của Công đồng Nicea sau mười bảy
thế kỷ cũng có nghĩa là cảm nhận được cách Công đồng nuôi dưỡng và hướng dẫn đời
sống Kitô hữu hằng ngày. Đó là lý do tại sao chương hai, “Tín Biểu
Nicea trong đời sống các tín hữu” (số 48-69), với văn phong mang đậm
tính giáo phụ, khám phá cách phụng vụ và cầu nguyện đã được làm phong phú trong
Giáo hội sau sự kiện này, tạo thành một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử
Kitô giáo.
“Chúng tôi tin như chúng tôi làm phép rửa; và chúng tôi cầu
nguyện như chúng tôi tin”, văn kiện nhắc nhở, đồng thời khuyến khích mọi người
luôn kín múc từ “nguồn nước hằng sống” đó nội dung tín lý phong phú. Một nội
dung đã có vai trò quyết định trong việc thiết lập giáo lý Kitô giáo. Theo
nghĩa đó, văn kiện đào sâu việc tiếp nhận Kinh Tin Kính trong thực hành phụng vụ
và bí tích, trong giáo lý và giảng dạy, cũng như trong lời cầu nguyện và thánh
ca của thế kỷ IV.
Sự kiện thần học và Giáo hội
Như thế, chương ba “Nicea như một sự kiện thần học và Giáo hội”
(số 70-102), đào sâu cách Tín Biểu và Công đồng “làm chứng cho chính sự kiện của
Đức Giêsu Kitô, Đấng đã bước vào lịch sử, mở ra một lối tiếp cận chưa từng có với
Thiên Chúa và mang đến một sự biến đổi trong tư tưởng con người. Đồng thời,
Công đồng này cũng đánh dấu một bước ngoặt trong cách Giáo hội được tổ chức và
thực thi sứ vụ của mình.
Lần đầu tiên, các giám mục từ khắp thế giới Kitô giáo quy tụ
trong một Thượng Hội đồng. Lời tuyên xưng đức tin và các quyết định kỷ luật của
Công đồng được ban hành như những quy tắc mang tính quy phạm cho toàn thể Giáo
hội.
Sự hiệp thông và hợp nhất chưa từng có được khơi dậy trong
Giáo hội nhờ sự kiện của Chúa Giêsu đã được thể hiện cách hữu hình và hiệu quả
nhờ một cơ cấu mang tầm mức hoàn vũ. Nhờ đó, sứ vụ loan báo Tin Mừng về Đức Kitô
trên quy mô rộng lớn cũng nhận được một công cụ có thẩm quyền chưa từng có trước
đây (số 101).
Một đức tin mà tất cả đều có thể tiếp cận
Cuối cùng, trong chương thứ tư và cũng là chương cuối “Bảo vệ
một đức tin mà toàn thể dân Chúa có thể tiếp cận được” (103-120) văn kiện nhấn
mạnh “những điều kiện tạo nên sự đáng tin của đức tin được tuyên xưng tại
Nicea”, trong một giai đoạn của thần học cơ bản nhằm làm sáng tỏ bản chất và
căn tính của Giáo hội.
Giáo hội, với tư cách là “người giải thích đích thực chân lý
quy phạm của đức tin thông qua Huấn quyền”, không chỉ đóng vai trò bảo vệ đức
tin mà còn là người gìn giữ các tín hữu, đặc biệt là những người bé mọn và dễ bị
tổn thương nhất.
Theo Ủy ban Thần học Quốc tế, đức tin mà Đức Giêsu rao giảng
cho những người đơn sơ không phải là một đức tin giản lược, và Kitô giáo không
bao giờ tự xem mình là một hình thức bí truyền dành cho một nhóm ưu tú đã am hiểu.
Trái lại, dù Công đồng Nicea được khởi xướng bởi Hoàng đế Constantino, vẫn “là
một cột mốc quan trọng trong hành trình dài hướng đến tự do của Giáo hội, điều
vốn luôn là sự bảo đảm bảo vệ đức tin của những người yếu thế trước quyền lực
chính trị”.
Vào năm 325, lợi ích chung của Mạc Khải thực sự được đặt
“trong tầm tay” của tất cả các tín hữu, như giáo lý Công giáo khẳng định về
tính bất khả ngộ “trong việc tin” của toàn thể Dân Chúa đã chịu phép Rửa. Các
giám mục, dù có một vai trò đặc biệt trong việc xác định đức tin, không thể thực
hiện vai trò đó mà không hiệp thông với toàn thể Dân thánh Chúa, điều mà Đức
Giáo hoàng Phanxicô luôn nhấn mạnh.
Tính thời sự của Công đồng Đại kết đầu tiên
Trong phần kết luận, văn kiện đưa ra “một lời mời gọi cấp
bách” để “loan báo cho mọi người về Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của chúng ta hôm
nay”, khởi từ đức tin được tuyên xưng tại Nicea với nhiều ý nghĩa khác nhau.
Trước hết, tính thời sự của Công đồng và của Tín Biểu nảy
sinh từ đó nằm ở việc tiếp tục để cho mình “ngạc nhiên trước sự vô biên của Đức
Kitô, để tất cả đều được chiêm ngưỡng” và “làm sống lại ngọn lửa tình yêu của
chúng ta dành cho Người”, bởi vì “trong Chúa Giêsu, đồng bản tính với Chúa
Cha... chính Thiên Chúa đã liên kết với nhân loại mãi mãi”.
Thứ hai, điều này có nghĩa là không bỏ qua “thực tại”, cũng
không quay lưng trước “những đau khổ và những cú sốc đang giày vò thế giới và
dường như làm lung lay mọi hy vọng”, mà còn phải lắng nghe các nền văn hóa.
Thứ ba, điều này có nghĩa là phải đặc biệt lưu tâm đến “những
người bé nhỏ trong anh chị em của chúng ta”, bởi vì “những người bị đóng đinh
trong lịch sử chính là Đức Kitô ở giữa chúng ta”, nghĩa là “những người cần hy
vọng và ân sủng nhất”. Đồng thời, biết được những đau khổ của Đấng Chịu Đóng
Đinh, họ cũng trở thành “tông đồ, thầy dạy và nhà loan báo Tin Mừng cho những
người giàu có và sung túc”.
Cuối cùng, loan báo “với tư cách là Giáo hội” có nghĩa là “bằng
chứng tá của tình huynh đệ”, để thế giới thấy những điều kỳ diệu làm cho Giáo hội
trở thành “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”, là “bí tích cứu độ
phổ quát”, đồng thời truyền bá kho tàng Kinh Thánh mà Kinh Tin Kính diễn giải,
sự phong phú của lời cầu nguyện, phụng vụ và các bí tích phát sinh từ Bí tích Rửa
tội được tuyên xưng tại Nicea, cũng như ánh sáng của Huấn quyền.
Luôn hướng mắt về Đấng Phục Sinh, Đấng chiến thắng sự chết
và tội lỗi, chứ không phải chiến thắng những đối thủ, vì trong Mầu nhiệm Vượt
Qua không có ai là kẻ thua cuộc, ngoại trừ kẻ bại trận trong viễn cảnh cánh
chung, tức là Satan, kẻ gây chia rẽ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét