Ủy ban Phụng Tự lưu ý
khi cử hành nhiều lần nghi thức Tam Nhật Vượt Qua tại một nhà thờ
Khi cử hành các nghi
thức Tam nhật Vượt Qua hai lần tại một nơi thánh, cần lưu ý về thời gian và
cách thức thực hiện
I. Thẩm quyền cho phép cử hành nhiều lần
Qua sắc lệnh Prot. N. 105/25 của Bộ Phụng tự và Kỷ luật
các Bí tích ban hành ngày 22/02/2025, theo cách thức ngoại lệ, việc “cử hành
nhiều lần Nghi thức Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa và Canh thức Vượt Qua”
trong cùng một nhà thờ hoặc cùng một nhà nguyện thuộc thẩm quyền cho phép của Bản
quyền địa phương tại Việt Nam.
Về việc cử hành Thánh lễ Tiệc Ly vào chiều thứ Năm Tuần
Thánh, luật hiện hành đã quy định: do nhu cầu mục vụ, Bản quyền địa phương có
thể cho phép cử hành một lễ khác tại cùng một nhà thờ hoặc nhà nguyện, vào giờ
ban chiều, và trong trường hợp hết sức cần thiết, cũng có thể cho cử hành vào
buổi sáng (x. Sách lễ Rôma [1992], “Thánh Lễ Tiệc Ly”, số 1;
x. Thư Luân lưu về việc Chuẩn bị và Cử hành Đại Lễ Phục Sinh [1988],
số 47).
Như thế, các Giám mục giáo phận có thể cho phép chung hoặc từng
trường hợp cụ thể việc cử hành nhiều lần các nghi thức Tam nhật Vượt Qua tại một
nhà thờ trong giáo phận.
II. Những điều cần lưu ý khi cử hành
Khi cử hành các nghi thức Tam nhật Vượt Qua hai lần tại một
nơi thánh, cần lưu ý về thời gian và cách thức thực hiện:
1. Các Thánh lễ Tiệc Ly được cử hành vào ban chiều hoặc vào
buổi sáng khi được phép.
Việc kiệu và chầu Mình Thánh Chúa chỉ nên thực hiện sau
Thánh lễ cử hành lần thứ hai.
2. Nghi thức Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa có thể cử
hành vào giờ thuận tiện cho việc qui tụ giáo dân, từ sau 12 giờ trưa hay vào
ban tối nhưng đừng trễ hơn 9 giờ đêm (x. Thư Luân lưu, số 63).
Chỉ dùng một Thánh giá duy nhất trong nghi thức kính thờ nhằm
diễn tả được trọn vẹn ý nghĩa biểu tượng của nghi thức (x. Thư
Luân lưu, số 70).
3. Tất cả cử hành Canh thức Vượt Qua được cử hành về đêm,
nên phải bắt đầu lúc chập tối; và phải kết thúc trước rạng đông ngày Chúa Nhật
(x. Sách Lễ Rôma, “Canh Thức Vượt Qua”, số 3).
Trong nghi thức Thắp nến Phục sinh, chỉ một cây nến mới và đủ
lớn được sử dụng để diễn tả Chúa Kitô là Ánh Sáng soi chiếu thế gian (x. Thư
Luân lưu, số 82).
III. Cử hành Canh thức Vượt Qua hai lần
Ý nghĩa viên mãn của Đêm Canh thức Vượt Qua mang tính chất đợi
trông cuộc quang lâm cánh chung của Chúa (x. Thư Luân lưu, số 80).
Nghi thức gồm bốn phần với nhiều yếu tố khác nhau mang tính biểu tượng. Khi cử
hành cần tuân giữ diễn tiến của các phần theo sách phụng vụ ấn định, không được
theo sáng kiến riêng mà thay đổi tùy tiện (x. Thư Luân lưu, số 81).
Khi đã có phép của Tông Tòa, theo cách thức ngoại lệ, Canh
thức Vượt Qua được cử hành nhiều lần tại một nơi thánh nhưng cho cộng đoàn tham
dự khác nhau, nên việc lập lại các nghi lễ quan trọng với một chút điều chỉnh
là cần thiết nhằm bảo toàn vẻ đẹp và tính chân thật của các dấu chỉ cũng như
tính toàn vẹn của Đêm Canh Thức.
Hướng dẫn cụ thể:
- Phần “Phụng vụ Lời Chúa” và “Phụng vụ Thánh Thể” không có
gì thay đổi trong cả hai lần cử hành.
- Phần “Phụng vụ Ánh sáng” và “Phụng vụ Thánh tẩy” có thay đổi
một chút giữa hai lần cử hành, trong phạm vi phụng vụ cho phép như sau:
1. Phụng vụ Ánh sáng (x. SLRM [1992], “Canh Thức
Vượt Qua”, số 7-19):
a) Trong cử hành lần thứ nhất: giữ toàn bộ các nghi thức từ
số 7-19 như thường lệ.
b) Trong cử hành lần thứ hai:
i- Nếu có một cây nến mới sẽ sử dụng trong mùa Phục sinh cho
một nhà thờ hay nhà nguyện không cử hành Đêm Canh Thức thì cũng có thể thực hiện
đầy đủ theo các số từ 7-19.
ii- Nếu nến Phục sinh đã được chuẩn bị và làm phép trong cử
hành thứ nhất thì bỏ qua các số 10-12, nghĩa là thắp sáng và kiệu nến Phục sinh
ngay sau khi làm phép lửa như ở số 9.
Lưu ý: Trong cả hai trường hợp nêu trên,
theo Nghi thức của Sách lễ Rôma 2002, linh mục chủ sự thắp sáng nến của mình từ
lửa Nến Phục sinh ngay sau lời tung hô “Ánh sáng Chúa Kitô” và lời đáp của cộng
đoàn “Tạ ơn Chúa” lần thứ nhất.
2. Phụng vụ Thánh tẩy (x. SLRM [1992], “Canh Thức
Vượt Qua”, số 37-47): Nghi thức làm phép giếng rửa tội (hoặc làm phép nước rửa
tội) và nếu có nghi thức khai tâm Kitô giáo nên được sắp xếp trong lần cử hành
muộn hơn.
Phụng vụ Thánh tẩy được thực hiện cụ thể như sau:
a) Trong cử hành lần thứ nhất (phần lớn dành cho thiếu nhi):
cử hành ngay các nghi thức từ số 45-47: tức là tiến hành làm phép nước (số 45),
mọi người đứng với nến sáng trong tay, lặp lại lời tuyên xưng đức tin khi lãnh
nhận bí tích Thánh tẩy (số 46), rồi linh mục rảy nước thánh cho cộng đoàn (số
47).
b) Trong cử hành lần thứ hai: Tại các nhà thờ giáo xứ, nếu
không có giếng rửa tội thì nên đặt một bình nước trên cung thánh và làm phép nước
rửa tội để dùng cho bí tích Thánh tẩy trong mùa Phục sinh (x. số 37).
Việc làm phép giếng rửa tội (hoặc làm phép nước rửa tội) và
nếu có rửa tội được thực hiện đầy đủ theo các nghi thức từ số 37-44.
Sau nghi thức rửa tội (và thêm sức), hoặc nếu không, thì sau
khi làm phép nước rửa tội, mọi người đứng và cầm nến cháy trong tay, lặp lại lời
tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy (số 46), rồi chủ tế đi rảy
nước thánh trên dân chúng (số 47).
Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét