Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2025

07.04.2025: THỨ HAI TUẦN V MÙA CHAY

 

07/04/2025

Thứ Hai tuần 5 mùa Chay năm C

 


Bài Ðọc I: Ðn 13, 1-9. 15-17. 19-30. 33-62 (Bài dài)

“Ðây tôi phải chết, dù tôi không làm điều họ vu khống cho tôi”.

Trích sách Tiên tri Ða-ni-en.

Trong những ngày ấy, có một người đàn ông ở Ba-by-lon tên là Gio-a-kim cưới bà vợ tên là Su-san-na, con của Khen-ki-gia, bà rất xinh đẹp và có lòng kính sợ Chúa, vì cha mẹ bà là những người công chính, đã dạy con cho biết giữ luật Mô-sê. Lúc đó Gio-a-kim rất giàu có, ông có một khu vườn gần nhà ông, các người Do-thái năng lui tới nhà ông, vì ông là người đáng kính hơn mọi người khác.

Năm đó, người ta đã đặt lên hai vị thẩm phán trong dân. Chúa đã phán về những kẻ ấy rằng: “Sự gian ác phát sinh từ Ba-by-lon bởi những vị thẩm phán kỳ lão, là những người xem ra như cai quản dân chúng”. Các ông năng lui tới nhà ông Gio-a-kim, nên tất cả những ai kiện tụng, thì tìm gặp các ông ở đó. Ðến trưa, khi dân chúng trở về nhà, bà Su-san-na vào đi bách bộ trong vườn của chồng. Hai vị kỳ lão thấy bà mỗi ngày đi bách bộ trong vườn, thì phải lửa dục mê đắm; hai ông mất lương tâm, không còn muốn đưa mắt nhìn lên trời và không còn muốn nhớ đến sự xét xử công minh.

Hai ông chờ ngày thuận tiện, lúc bà Su-san-na vào vườn như hôm trước và hôm trước nữa, bà chỉ dẫn theo hai cô thiếu nữ, bà muốn tắm trong vườn, vì trời nóng bức. Lúc bấy giờ ở đó không có ai, ngoài hai vị kỳ lão đang ẩn núp và ngắm nhìn bà. Bà nói với hai cô thiếu nữ rằng: “Hãy mang dầu và thuốc thơm cho ta, rồi đóng cửa vườn lại để ta tắm”.

Khi hai cô thiếu nữ ra khỏi vườn, hai vị kỳ lão đứng lên, tiến lại gần bà Su-san-na và nói: “Kìa cửa vườn đã đóng hết; không ai trông thấy ta đâu, chúng tôi say mê bà, bà hãy chấp nhận lời yêu cầu của chúng tôi và hiến thân cho chúng tôi. Nếu bà không chấp nhận, chúng tôi sẽ làm chứng nói bà phạm tội với một thanh niên, và vì đó, bà đã bảo các cô thiếu nữ ra khỏi vườn”.

Bà Su-san-na thở dài và nói: “Tôi phải khốn cực tư bề; nếu tôi hành động như thế, tôi phải chết, và nếu tôi không hành động như thế, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà tôi phải tay các ông mà không làm điều gì phạm tội trước mặt Chúa thì hơn!” Ðọan bà tri hô lên, nên hai vị kỳ lão cũng kêu lên tố cáo bà. Và một trong hai ông chạy ra mở cửa vườn. Khi người nhà nghe tiếng kêu la trong vườn, liền đổ xô ra cửa để xem coi việc gì đã xảy ra. Khi nghe hai vị kỳ lão kể lại, thì các đầy tớ rất lấy làm hổ thẹn, vì thiên hạ không khi nào nghe nói như thế về bà Su-san-na.

Ngày hôm sau, khi dân chúng tụ họp tại nhà ông Gio-a-kim, chồng bà Su-san-na, hai vị kỳ lão cũng đến, lòng đầy những ý nghĩ bất chính để tố cáo bà Su-san-na cho người ta giết bà. Hai ông nói với dân chúng: “Các người hãy đi tìm bà Su-san-na, con ông Khen-ki-gia, vợ của ông Gio-a-kim”. Người ta liền sai đi bắt bà, bà đến với cả cha mẹ, con cái và tất cả họ hàng. Nhưng tất cả họ hàng và mọi kẻ biết rõ bà đều khóc lóc.

Khi hai vị kỳ lão ra đứng giữa dân chúng, hai ông đặt tay lên đầu bà. Bà Su-san-na thì khóc lóc, ngước mắt lên trời, vì tâm hồn bà tin tưởng nơi Chúa. Hai vị kỳ lão nói: “Khi chúng tôi đi bách bộ một mình trong vườn, bà này đi vào với hai đứa tớ gái. Bà bảo hai đứa đóng cửa vườn lại, rồi đi ra. Bấy giờ một chàng thanh niên đã ẩn núp trong vườn tiến tới gần bà và phạm tội với bà. Lúc đó chúng tôi núp ở góc vườn, nhìn thấy tội ác, chúng tôi liền chạy đến bắt quả tang hai người đang phạm tội. Chúng tôi không bắt được chàng thanh niên, vì anh ta khoẻ mạnh hơn chúng tôi, nên đã mở cửa tẩu thoát. Còn bà này chúng tôi bắt được, chúng tôi gạn hỏi chàng thanh niên đó là ai, nhưng bà không muốn nói cho chúng tôi biết. Ðó là điều chúng tôi xin làm chứng”. Dân chúng tin lời hai ông nói, vì hai ông là bậc kỳ lão trong dân và là thẩm phán, nên họ lên án tử hình cho bà.

Bấy giờ bà Su-san-na kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa hằng hữu, Ðấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con”.

Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa trẻ tên là Ða-ni-en. Trẻ này kêu lớn rằng: “Còn tôi, tôi không vấy máu bà này”. Mọi người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: “Lời mi nói có ý nghĩa gì?” Ðứa trẻ ra đứng giữa mọi người và nói: “Hỡi con cái Ít-ra-en, các ngươi ngu muội thế sao, khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ Ít-ra-en? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà”.

Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Ða-ni-en: “Này, em hãy ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc kỳ lão”. Ða-ni-en liền nói với họ: “Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho”.

Khi hai ông đứng xa nhau, Ða-ni-en gọi ông thứ nhất đến và nói: “Hỡi lão già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm, ông đã xét xử bất công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán: “Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính”. Vậy nếu ông thấy bà Su-san-na phạm tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây chò”. Ða-ni-en liền nói: “Ðúng là ông nói dối. Ðây sứ thần Chúa được lệnh phân thây ông”. Ða-ni-en cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Ða-ni-en nói với ông này rằng: “Hỡi dòng giống Ca-na-an, chớ không phải dòng giống Giu-đa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế đối với các thiếu nữ Ít-ra-en, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu nữ Giuđa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây sồi”. Ða-ni-en liền nói: “Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa, tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông”.

Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những kẻ trông cậy vào Chúa. Ðoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Ða-ni-en đã minh chứng rằng hai ông đã vu khống, họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ khác. Chiếu theo luật Mô-sê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người vô tội khỏi đổ oan.

Ðó là lời Chúa.

 

Hoặc đọc bài ngắn nàyÐn 13, 41c-62

Trích sách Tiên tri Ða-ni-en.

Trong những ngày ấy, dân chúng lên án tử hình bà Su-san-na. Bấy giờ bà Su-san-na kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa hằng hữu, Ðấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con”.

Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa trẻ tên là Ða-ni-en. Trẻ này kêu lớn rằng: “Còn tôi, tôi không vấy máu bà này”. Mọi người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: “Lời mi nói có ý nghĩa gì?” Ðứa trẻ ra đứng giữa mọi người và nói: “Hỡi con cái Ít-ra-en, các ngươi ngu muội thế sao, khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ Ít-ra-en? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà”.

Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Ða-ni-en: “Này, em hãy ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc kỳ lão”. Ða-ni-en liền nói với họ: “Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho”.

Khi hai ông đứng xa nhau, Ða-ni-en gọi ông thứ nhất đến và nói: “Hỡi lão già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm. Ông đã xét xử bất công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán: “Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính”. Vậy nếu ông thấy bà Su-san-na phạm tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây chò”. Ða-ni-en liền nói: “Ðúng là ông nói dối. Ðây sứ thần Chúa được lệnh phân thây ông”. Ða-ni-en cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Ða-ni-en nói với ông này rằng: “Hỡi dòng giống Ca-na-an, chứ không phải dòng giống Giu-đa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế đối với các thiếu nữ Ít-ra-en, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu nữ Giu-đa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây sồi”. Ða-ni-en liền nói: “Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa, tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông”.

Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những kẻ trông cậy vào Chúa. Ðoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Ða-ni-en đã minh chứng rằng hai ông đã vu khống; họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ khác. Chiếu theo luật Mô-sê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người vô tội khỏi đổ oan.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con 

Xướng: Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Xướng: Ngài dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. – Ðáp.

Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương. Ðầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

 

Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6, 2b

Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.

 

Phúc Âm: Ga 8, 1-11

“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giê-su lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Mô-sê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giê-su cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giê-su với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giê-su đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giê-su bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Ðó là lời Chúa.

 

(Trong năm C, khi bài Tin Mừng trên đã được đọc ở Chúa Nhật, thì hôm nay đọc bài Tin Mừng dưới đây:)

Phúc Âm: Ga 8, 12-20

“Ta là sự sáng thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giê-su nói với những người biệt phái rằng: “Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống”.

Những người biệt phái nói: “Ông tự làm chứng cho mình, nên chứng của ông không xác thực”.

Chúa Giê-su trả lời: “Cho dầu Ta tự làm chứng về Ta, thì chứng của Ta cũng xác thực, vì Ta biết rõ Ta từ đâu tới và đi về đâu. Còn các ông, các ông không biết Ta từ đâu tới, cũng chẳng biết Ta đi đâu. Các ông đoán xét theo xác thịt; còn Ta, Ta không đoán xét ai. Hoặc nếu Ta có đoán xét, thì sự đoán xét của Ta cũng xác thực, bởi vì không phải chỉ có mình Ta, nhưng còn có Cha Ta là Ðấng đã sai Ta. Vả lại trong luật của các ông có ghi: Chứng của hai người thì xác thực. Ta tự làm chứng về Ta, và Ðấng đã sai Ta, là Chúa Cha, cũng làm chứng cho Ta nữa”.

Họ nói: “Cha của ông đâu?” Chúa Giê-su trả lời: “Các ông không biết Ta, cũng chẳng biết Cha Ta. Nếu các ông biết Ta thì cũng sẽ biết Cha Ta”.

Chúa Giê-su nói những lời trên gần nơi để Kho Tiền, khi Người giảng dạy trong đền thờ. Thế mà không ai bắt Người, vì chưa đến giờ Người.

Ðó là lời Chúa.

 


Chú giải về Đa-ni-en 13,1-9.15-17.19-30.33-62 hoặc Đa-ni-en 13,41-62

Hai chương cuối của Sách Đa-ni-en không thuộc kinh điển Do Thái. Những truyện ngắn trong hai chương này ban đầu có thể là về một Đa-ni-en hoặc những Đa-ni-en nào đó, khác với nhân vật chính trong phần chính của cuốn sách. Các văn bản này hiện chỉ còn bằng tiếng Hy Lạp, nhưng có lẽ ban đầu được biên soạn bằng tiếng Do Thái hoặc tiếng Aram. Chúng không xuất hiện trong các kinh thánh không phải của Công giáo, nhưng Giáo hội Công giáo luôn đưa chúng vào danh sách các tác phẩm được soi dẫn.

Các chương này chứa hai câu chuyện nổi tiếng, một là về Susanna, người bị buộc tội ngoại tình một cách sai trái, và câu chuyện còn lại về những sự kiện dẫn đến việc Đa-ni-en bị ném vào hang sư tử.

Một sự thận trọng nhất định thường dẫn đến việc câu chuyện về Susanna bị loại bỏ hoặc thay thế bằng một văn bản vô hại hơn (hoặc tệ hơn, nó bị loại bỏ vì quá dài bởi những người cử hành nghĩ rằng phụng vụ duy nhất tốt là một phụng vụ ngắn!). Nhưng như Đức Hồng Y Newman đã từng nói:

“Chúng ta không thể viết một tác phẩm văn học vô tội về con người tội lỗi.”

Điều này cũng đúng với Kinh Thánh. Chỉ trong bối cảnh tội lỗi yếu đuối của mình, chúng ta mới có thể cảm nhận trọn vẹn sự vĩ đại và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Hoàn cảnh của Susanna cần được giải thích đôi chút vì tùy thuộc vào những câu được chọn cho Bài đọc thứ nhất, phần đầu của câu chuyện có thể không có trong bài đọc của chúng ta. Chuyện kể về hai người đàn ông dâm đãng và một người phụ nữ đã có chồng ngây thơ (Susanna) bị dẫn vào một cái bẫy thông minh mà dường như không có lối thoát. Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn bảo vệ sự chính trực của mình bất chấp nguy cơ bị vu cáo là không chung thủy với chồng, và trong một xã hội thậm chí còn ít tha thứ hơn trong những vấn đề này so với xã hội của chúng ta. Trên thực tế, toàn thể cộng đồng, sau khi nghe bằng chứng từ hai người đàn ông, đã sẵn sàng ném đá cô vì tội ngoại tình và thể hiện điều này bằng cách đặt tay lên đầu người phụ nữ.

Chắc chắn bà đã bị ném đá đến chết nếu "cậu bé tên Đa-ni-en" không xuất hiện. Phần còn lại của câu chuyện là sự mô tả về tính chính trực, ý thức công bằng và sự sáng suốt của ông. Thông qua cuộc thẩm vấn thông minh và tách biệt của mình đối với những người buộc tội người phụ nữ, ông chứng minh họ là những kẻ nói dối và sự tương phản rõ rệt giữa hai cây được đề cập - một cây khá nhỏ và cây kia rất cao và hùng vĩ - chỉ làm rõ hơn sự mâu thuẫn trong bằng chứng của hai người đàn ông. Theo luật, cuối cùng họ sẽ phải nhận hình phạt mà ban đầu dành cho người phụ nữ.

Trọng tâm của câu chuyện dài và đầy kịch tính này thực sự tập trung vào Đa-ni-en, vào nhận thức và sự khôn ngoan của ông, và vào ông như một nhà đấu tranh cho công lý. Ngược lại, phụng vụ Phúc âm thánh Gioan (Ga 8,1-11, đọc hôm qua vào Chúa Nhật tuần thứ 5 Mùa Chay năm C và hôm nay trong năm A và B) kể lại câu chuyện về một trường hợp ngoại tình khác rất khác. Đó là tình huống mà người phụ nữ rõ ràng có tội, nhưng vẫn giành được sự tha thứ hoàn toàn của Chúa Giêsu.)

Khi đọc cả hai câu chuyện, chúng ta có thể suy ngẫm về tần suất chúng ta phán xét người khác, đặc biệt là trong lĩnh vực tình dục. Ngoại tình là một chủ đề rất phổ biến xuất hiện trong nhiều câu chuyện trong Kinh thánh, cũng như hình phạt tử hình được đưa ra. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng không phải ai cũng phạm tội ngoại tình và điều này không nên bị bỏ qua.

 


Chú giải về Gio-an 8,12-20

Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng lời Chúa Giêsu nói:

Tôi là ánh sáng của thế gian.

Đây là một trong bảy câu tuyên bố “TA LÀ” mà Chúa Giêsu đưa ra trong Phúc âm thánh Gioan.* Khi Chúa Giêsu sử dụng thuật ngữ “TA LÀ”, đó không chỉ là một phiên bản của động từ “là”. Nó nhắc lại cái tên mà Chúa đã ban cho khi Mô-sê, bên bụi cây cháy, hỏi giọng nói mà ông nghe thấy để nhận dạng mình. Tiếng Do Thái thường được dịch là “TA LÀ ĐẤNG TA LÀ”. Các nhà triết học và thần học sau này sẽ thấy trong tuyên bố này Chúa tự nhận mình là sự tồn tại thuần khiết và là nguồn gốc của mọi thứ tồn tại. Chúa Giêsu cũng tuyên bố sử dụng thuật ngữ này và đã làm như vậy bảy lần trong Phúc âm của Thánh Gioan. Tương tự như vậy, nó xuất hiện trong những bối cảnh khác, như khi Chúa Giê-su tự nhận mình là Đấng Mê-si-a với người phụ nữ Sa-ma-ri (xem Gio-an chương 4).

Trong Lời mở đầu của Phúc âm thánh Gioan, tác giả cũng nói:

Mọi vật đều nhờ Người mà có,

và nếu không có Ngài thì không một vật gì được tạo thành.

Điều đã hình thành trong Người chính là sự sống,

và sự sống là ánh sáng cho mọi người. (Gio-an 1,3-4)

Chúng ta phải bước đi trong ánh sáng đó, và khi chúng ta phản chiếu Chúa Giêsu trong chính mình, chúng ta cũng phải là ánh sáng của thế gian. Sau khi truyền giảng Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu nói với các môn đồ của Ngài:

Các con là muối cho đất…Các con là ánh sáng cho thế gian. (Mát-thêu 5,13-14)

Nhưng lời chứng của Chúa Giêsu bị một số người Pharisiêu phản đối vì họ cho rằng không có nhân chứng nào khác cho lời Người nói. Chúa Giêsu phản bác rằng Ngài biết mình đang nói gì trong khi những người nghe Ngài không biết gì về nguồn gốc thực sự của Ngài. Theo như họ biết, ông là con trai của một người thợ mộc ở Nazareth. Họ nhìn Ngài theo quan điểm của con người và trái ngược với những gì họ thấy, Chúa Giê-su không đơn độc. Có một nhân chứng ủng hộ Ngài, đó chính là Cha của Ngài.

Theo quan điểm của con người, họ hỏi Cha của Ngài ở đâu. Chúa Giêsu nói với họ rằng họ không biết Người (tức là không biết danh tính thực sự của Người) và cũng không biết Chúa Cha. Nếu họ thực sự biết Chúa Giêsu, họ cũng sẽ biết Chúa Cha vì đối với những người biết, Chúa Giêsu là tấm gương phản chiếu của Chúa Cha. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu sẽ nói với Phi-líp-phê:

Bất cứ ai thấy Ta là thấy Cha. (Gio-an 14,9)

Do đó, điều rất quan trọng đối với chúng ta là phải biết Chúa Giêsu một cách sâu sắc, vì qua Người, chúng ta đến với Thiên Chúa, và trong Người, chúng ta bắt đầu hiểu được đôi điều về bản chất của Thiên Chúa. Chúng ta chủ yếu thực hiện điều đó theo hai cách: đắm mình vào Kinh thánh và cầu nguyện.

Nếu chúng ta chưa làm tốt một trong hai điều này, Mùa Chay là thời điểm tuyệt vời để bắt đầu. Có thể đã là tuần thứ năm, nhưng để đến gần Chúa hơn thì không bao giờ là quá muộn.

_________________________________

*Bảy câu tuyên bố “TA LÀ” trong Phúc âm của Gio-an là:

TA LÀ Bánh Sự Sống (6:35,48)

TA LÀ Ánh Sáng của Thế Gian (8:12)

TA LÀ Cổng (10:7)

TA LÀ Người Chăn Chiên Nhân Lành (10:11)

TA LÀ Sự Sống Lại và Sự Sống (11:25)

TA LÀ Đường Đi, Chân Lý và Sự Sống (14:6)

TA LÀ cây nho thật (15:1)

 

https://livingspace.sacredspace.ie/monday-of-week-5-of-lent-year-c-gospel/

 


Suy Niệm: Khủng hoảng niềm tin do không hiểu Lời Chúa

Tin Mừng hôm nay Thánh sử Gioan thuật lại đoạn đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái, cụ thể hơn là giữa Chúa Giêsu và những người Pharisiêu. Cuộc đối thoại không đưa đến kết quả khả quan và cũng không giải quyết được những vấn đề còn khúc mắc; bởi vì những người Do Thái không hiểu cũng không nỗ lực tìm cách hiểu đúng được mạc khải của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu mạc khải về thiên tính của Ngài một đàng, người Do Thái hiểu và tìm kiếm Chúa Giêsu đàng khác. Cha Anthony de Mello Dòng Tên có kể lại một câu chuyện thú vị rất phù hợp với bối cảnh của đoạn Tin Mừng hôm nay như sau:

Một hôm, những người hàng xóm thấy một thanh niên đốt đèn lúi húi tìm kiếm vật gì đó ở ngoài sân. Đồng cảm với anh, những người hàng xóm tốt bụng đã phụ anh tìm kiếm chiếc chìa khóa mà anh đã đánh rơi. Sau một hồi chú tâm tìm kiếm mà không thấy, mọi người hỏi: “Anh đã làm rơi chìa khóa ở đâu?”. Người thanh niên trả lời: “Tôi làm rơi chìa khóa ở trong nhà”. Mọi người sững sờ hỏi: “Tại sao anh lại tìm ở đây?” Người thanh niên trả lời: “Tôi tìm ở ngoài sân cho dễ vì ở đây sáng hơn và không vướng các khe kẹt của bàn ghế”.

Người Do Thái cũng như anh thanh niên trong câu chuyện trên và cũng có thể là mỗi người trong chúng ta. Chúng ta khủng hoảng đức tin vì chúng ta không hiểu giáo lý của Chúa và nhiều khi chúng ta cố tìm kiếm Chúa theo ý của mình. Chúng ta tìm Chúa ở nơi không có Ngài. Chúng ta không hiểu và không cảm nghiệm được Thiên Chúa vì chúng ta không nghe cho thấu Lời Ngài.

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu mạc khải: "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống". Người Do Thái không hiểu và đáp: "Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của ông không thật!"  Chúa Giêsu mạc khải: “…Tôi biết tôi từ đâu tới và đi đâu…”, Tôi không xét đoán ai cả, cũng không xét đoán theo kiểu người phàm mà xét đoán theo đúng sự thật… Chúa Giêsu còn mạc khải thêm về chính Ngài trong tương quan với Thiên Chúa Cha và Ngài cũng nói đến sứ mạng Thiên Sai mà Ngài phải chu toàn. Nhưng tất cả những điều ấy đều trở nên tối tăm vô nghĩa đối với những người Do Thái.

Không hiểu hết các mạc khải của Chúa Giêsu sẽ dẫn đến tình trạng không tin và không yêu mến Chúa. Đối với chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng dễ đi vào khủng hoảng mất đức tin nếu chúng ta không hiểu về Chúa Giêsu. Đối với những người chưa nhận biết Chúa họ sẽ không tin theo nếu họ không được giới thiệu về Chúa và không hiểu rõ về Ngài. Đối với những người Do Thái, một trong những lý do quan trọng khiến họ đi đến căng thẳng và muốn treo Chúa Giêsu lên thánh giá cũng vì họ không hiểu được các điều Chúa nói.

Ước gì mọi thành phần trong Hội Thánh cũng khát khao học hỏi Lời Chúa, để hiểu được điều mà Chúa muốn mạc khải. Ước gì mọi thành phần trong Hội Thánh cũng ý thức được sứ vụ phải loan giảng Lời Chúa cho muôn dân. Ước gì mỗi chúng ta cũng ý thức rằng: chúng ta sẽ được củng cố đức tin nếu chúng ta chăm chú học hỏi Lời Chúa.

Lạy Chúa,

Với khoa học hiện đại, với phương tiện mới, lăng kính mới.

Nhân loại ngày càng khám phá ra những điều kỳ diệu.

Thế nhưng, chúng con lại ít có cái nhìn mới,

với phương tiện mới mãi mãi là lời Chúa mạc khải.

Xin cho chúng con hiểu được các lời mạc khải của Chúa,

để chúng con tin yêu, phó thác và luôn sống cho Chúa.

Chúng con sẽ không ngừng khám phá những điều kỳ diệu, những giá trị cao cả

(tinvuixuanloc.vn)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét