Tại Sao Đức Giêsu Bị Giết?
Lm Nguyễn Trung Tây
Cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là những sự kiện nền tảng,
mang ý nghĩa sâu sắc về thần học, lịch sử và xã hội. Tuy nhiên, một câu hỏi thường
được đặt ra, đâu là nguyên nhân đã dẫn đến cái chết của Đức Giêsu?
Theo như Marcus Borg và John Crossan, Chúa Giêsu bị kết án tử không chỉ vì lý
do tôn giáo mà còn vì những chỉ trích mạnh mẽ giai cấp lãnh đạo trong Đền Thờ,
những kẻ chuyên nghiệp trong việc áp bức và bóc lột người nghèo. Nhiều thần học
gia khác nhấn mạnh rằng, lời rao giảng về Nước Trời và tuyên bố Ngài là Con
Thiên Chúa, đã khiến các nhà lãnh đạo La Mã và Do Thái coi Người là một mối đe
dọa tới nền an ninh của Đế chế La Mã đương thời và tôn giáo Do Thái.
Sứ Vụ của Đức Giêsu
Đức Giêsu đến trần gian để loan báo Tin Mừng về Nước Trời. Điều này bao gồm những
nét căn bản sau đây:
– Thiên Chúa là cội nguồn của Tình Yêu. Ngài yêu thương thế gian vô điều kiện.
Bởi thế Ngài gửi Người Con xuống trần gian, không phải để luận phạt, nhưng để cứu
độ thế giới (Jn 3:16, 17).
– Trong hơn ba năm sứ vụ, qua giáo lý và hành động, Đức Giêsu trình bày một
cách cụ thể nét đặc thù của Thiên Chúa: Ngài là Thiên Chúa của người nghèo (Lk
4:16-20). Bởi thế Đức Giêsu luôn luôn đứng về phía người nghèo, người bị gạt ra
bên lề xã hội, người mất tiếng nói. Đồng thời Ngài cũng lên án những hành vi giả
hình của giới lãnh đạo tôn giáo, những người thường xuyên bóc lột và đàn áp người
nghèo trong xã hội.
– Đức Giêsu thách thức cung cách thờ phượng Thiên Chúa qua phương tiện vật chất
mang nét giả hình, hoặc lợi dụng danh thánh cho những lợi ích kinh tế. Bởi thế,
khi tiến vào Đền Thờ, Ngài đánh đổ bàn đổi tiền (Mc 11:15-18), một hành động mạnh
mẽ phản đối việc biến nơi thờ phượng thành trung tâm kinh tế bóc lột.
– Giáo lý của Ngài nhấn mạnh đến cốt lõi của phục vụ và tình yêu. Bởi thế, Ngài
đảo lộn quan niệm về quyền lực khi tuyên bố: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì
phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20:26). Và chính Ngài thực hiện điều này
ngay trong bữa Tiệc Ly.
Những điều cốt lõi vừa tóm gọn ở trên đã đặt Đức Giêsu vào thế đối đầu với hai
nhóm quyền lực trong xã hội thời đó, các nhà lãnh đạo Do Thái và chính quyền bảo
hộ La Mã. Các nhà thượng tế và lãnh đạo Do Thái cảm thấy bị đe dọa bởi giáo lý
của Đức Giêsu. Về phía chính quyền La Mã, họ e ngại Đức Giêsu có khả năng kích
động một cuộc nổi dậy.
Khi hiểu những điều cốt lõi này, độc giả Kinh Thnh sẽ nhận ra cuộc khổ nạn của
Ngài không phải là một sự kiện ngẫu nhiên, mà là hệ quả tất yếu của việc sống với
và liên tục rao giảng Sự Thật.
Trình Tự Tuần Thương Khó
Nếu Đức Giêsu chọn lựa chỉ sinh hoạt với sứ vụ rao giảng Tin Mừng ở Galilê và
vùng phụ cận, Ngài sẽ không đối diện với án tử, bởi Galilê là vùng đất của
Ngài. Giới lãnh đạo của Galilê, cả La Mã và Do Thái đều quen biết Ngài, nhờ
Ngài can thiệp khi cần. Thí dụ, viên sĩ quan La Mã đến gặp Ngài để cầu xin Đức
Giêsu chữa bệnh cho người đầy tớ (Lk 7:1-10, Mt 8:5-13), hay viên thủ lãnh Hội
Đường Do Thái Jairus cũng đến gặp Đức Giêsu xin Ngài chữa bệnh cho cô con gái
(Mk 5:21-24, 35-43, Lk 8:40-42, 49-56).
Người Do Thái ở Galilê rất nhiệt tình ủng hộ Đức Giêsu. Sau khi Ngài làm phép lạ
hóa 5 ổ bánh mì và 2 con cá ra nhiều nuôi sống đám đông 5 ngàn người đàn ông,
chưa tính phụ nữ và trẻ em, đám đông khi đó muốn tôn phong Đức Giêsu làm vua
(Jn 6:1-15; Mt 14:13-21, Mk 6:30-44, Lk 9:10-17). Bởi ảnh hưởng của Đức Giêsu,
giới lãnh đạo Do Thái ở Galilê cũng như từ kinh thành Giêrusalem nhiều lần đi
theo Ngài tìm cách hãm hại Ngài (Mk 3:6, Jn 7:1, Jn 11:53). Nhưng điều này bất
khả thi bởi cả hai, giới lãnh đạo và dân chúng Galilê đều ủng hộ Đức Giêsu.
Nhưng nếu Đức Giêsu rời bỏ khu vực Galilê, đi xuống kinh thành Giêrusalem, Ngài
sẽ phải đối đầu với giới lãnh đạo Do Thái, bởi giáo lý và cách hành xử của Đức
Giêsu đối với bộ luật Do Thái (Mt 23:1-36, Mk 7:1-13, Lk 11:37-54, Jn 8:31-59).
Và đúng như vậy, sau khi Đức Giêsu đi vào kinh thành Giêrusalem ngày Chúa Nhật,
chỉ trong vòng 6 ngày ngắn ngủi, sau những sinh hoạt sứ vụ tại đây, Ngài vác thập
giá lên đồi Golgotha.
– Chúa Nhật Lễ Lá: Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem trong sự hoan hô của dân chúng
(Mt 21:1-11, Mk 11:1-11, Lk 19:28-40, Jn 12:12-19).
– Thứ Hai tới Thứ Tư: Ngài tiếp tục giảng dạy và vạch trần bất công trong Đền
Thờ (Mt 21:12-17, Mk 11:15-19, Lk 19:45-48).
– Thứ Năm Tuần Thánh: Ngài tổ chức Bữa Tiệc Ly với các môn đệ (Mt 26:17-30, Mk
14:12-26, Lk 22:7-38, Jn 13:1-30).
– Đêm Thứ Năm: Bị Giuđa phản bội, Đức Giêsu bị bắt tại Vườn Cây Dầu và đưa ra
xét xử (Mt 26:47-56, Mk 14:43-50, Lk 22:47-53, Jn 18:1-11).
– Sáng Thứ Sáu: Quan Philatô kết án tử hình Đức Giêsu dưới áp lực của giới lãnh
đạo Do Thái (Mt 27:11-26, Mk 15:1-15, Lk 23:1-25, Jn 18:28-40).
– Trưa Thứ Sáu: Đức Giêsu chịu thọ hình, bị đóng đinh (Mt 27:32-44, Mk
15:21-32, Lk 23:26-43, Jn 19:17-27).
– 3 giờ chiều Thứ Sáu: Ngài trút hơi thở trên thập giá (Mt 27:45-50, Mk
15:33-37, Lk 23:44-46; Jn 19:28-30).
Dưới góc độ tôn giáo, xã hội, lịch sử, án tử của Chúa Giêsu có thể được xem là
kết quả của ba lý do chính yếu.
(1). Lý do Tôn giáo: Ngài bị coi là kẻ phạm thượng vì tuyên bố là Con Thiên
Chúa (Mt 26:63-65, Mk 14:61-64, Lk 22:66-71, Jn 10:30-33).
(2). Lý do Chính trị: Ngài bị cáo buộc muốn xưng vương, đe dọa chính sách bảo hộ
của đế chế La Mã trên vùng đất Do Thái (Lk 23:1-5, Jn 19:12-15).
(3). Lý do Xã hội: Ngài đứng về phía những người bị áp bức. Điều này gây mất
lòng giới thượng lưu. Đức Giêsu trở nên cái gai trong con mắt của giới lãnh đạo
(Lk 4:18-30, Mt 9:10-13, Mk 2:15-17).
Và thế là Đức Giêsu vác thánh giá, bị đóng đinh, và nhắm mắt chết đi vào lúc 3
giờ chiều.
Nhưng thật là bất ngờ! Cái chết của Ngài vào buổi chiều ngày thứ Sáu hôm đó
không phải là dấu chấm hết, nhưng lại là một khởi đầu (Mt 28:1-10, Mk 16:1-8,
Lk 24:1-12, Jn 20:1-18).
Ý Nghĩa Phục Sinh
Câu tuyên bố nổi tiếng của Đức Giêsu: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Jn 8:32)
không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng trong nhiều lãnh vực, mà còn thể hiện rõ
ràng Sứ Vụ của Ngài. Đó là, giới thiệu Sự Thật của và về Thiên Chúa đến trần
gian, dù phải đối diện với cái chết.
Khi Thiên Chúa phục sinh Đức Giêsu từ trong cõi chết, Ngài xác nhận giáo lý giảng
dạy của Đức Giêsu là Sự Thật. Và Sự Thật đã giải thoát Đức Giêsu trong ngôi mộ
đá khỏi Thần Chết. Bắt đầu từ Đức Giêsu, vòng quay thường nhật của trần gian,
sinh, bệnh, lão, tử dừng lại vòng quay thường tình từ những ngày đầu tiên của
nhân loại. Từ Đức Giêsu, vòng quay luân hồi không còn luân hồi, nhưng đi thẳng
một đường thẳng: Sinh, Bệnh, Lão, Tử, và Phục Sinh.
Bởi thế, ý nghĩa quan trọng nhất của biến cố phục sinh có liên quan đến ước mơ
về một đời sống vĩnh hằng của con người. Phân tích dưới lăng kính thần học, phục
sinh của Đức Giêsu là phục sinh cấu thành (constitutive resurrection). Nói một
cách khác, phục sinh của Đức Giêsu là một biến cố đã mở ra một kỷ nguyên mới
cho nhân loại. Bởi Đức Giêsu đã sống lại từ trong cõi chết, sự chết không còn
quyền năng trên Ngài nữa. Bởi phục sinh cấu thành của Đức Giêsu, bất cứ ai có
niềm tin vào Đức Giêsu, người đó cũng sẽ được sống lại như Ngài.
Trong lá thư thứ nhất gửi công đoàn Côrintô, Phaolô đã đề cập đến nét phục sinh
cấu thành này. Đối với Phaolô, biến cố phục sinh của Đức Giêsu là hoa trái đầu
tiên hứa hẹn nhiều hoa trái khác xuất hiện trên cây Phục sinh. Vì vậy, Phaolô
đã viết, “Nhưng thật ra, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, hoa trái đầu mùa của
những kẻ đã chết” (1Cor 15:20). Do đó, những ai tin vào Đức Giêsu Kitô và sự phục
sinh của Ngài cũng sẽ được sống lại vào ngày sau hết.
Khởi đầu từ biến cố Phục Sinh đầu tiên, nhân loại không còn phải đối mặt với cụm
từ nhị phân, “một thời để sinh ra và một thời để chết,” nhưng, “một thời để
sinh ra và một thời để phục sinh.” Tin vui này là tin vui nhất cho tất cả những
người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Vì tin vào Đức Giêsu Kitô, dù đã chết, chôn
trong mồ, người Kitô hữu cũng sẽ được sống lại như Ngài vào ngày sau hết.
Do đó, khi hát vang, “Alleluia, Ngài đã sống lại,” thật sự ra tín hữu Kitô cũng
đang hát vang cho một kỷ nguyên mới của chính họ, “Alleluia! Chúng ta sẽ được
phục sinh vào ngày sau hết.”□
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét