13/04/2025
CHÚA NHẬT
LỄ LÁ Năm C
NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CHÚA VÀO GIÊ-RU-SA-LEM
(1) Linh mục chào giáo dân như thường lệ; nói ít lời
với giáo dân hoặc:
Anh chị em thân mến, chúng ta tụ họp nơi đây, để cùng toàn
thể Giáo Hội khai mạc tuần thánh tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua, tức là cuộc
thương khó và Phục Sinh của Ðức Ki-tô. Ðể chuẩn bị Tuần Thánh, trong suốt mùa
chay, chúng ta đã cầu nguyện, thống hối, chia sẻ tình thương và cơm áo cho
nhau.
Chúa nhật lễ lá hôm nay là ngày kỷ niệm Ðấng Cứu Thế vào
thành thánh Giê-ru-sa-lem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại cho loài người
ơn cứu độ, chúng ta hãy đem cả niềm tin mà hăng hái bước theo Người. Xin Người
ban ơn để chúng ta thông phần đau khổ Người đã chịu trên thập Giá, hầu được
chia sẻ vinh quang Phục Sinh và sự sống của Người.
(2) Linh mục đọc một trong hai lời nguyện sau đây:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thánh X hiến những
cành lá này, để chúng con cầm mà hoan nghênh Ðức Giêsu là Vua chúng con. Xin
ban cho mọi người chúng con đây là tín hữu Chúa được theo Người vào thành thánh
Giê-ru-sa-lem vĩnh cửu. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Hoặc:
Lạy Chúa, xin gia tăng lòng tin cho chúng con là những kẻ cậy
trông vào Chúa. giờ đây chúng con cầm những cành lá này, nghênh đón Ðức Ki-tô
khải hoàn vinh hiển. Xin Chúa thương nhận lời và ban cho chúng con được sống kết
hợp với Người như cành liền cây hầu sinh hoa kết quả. Người hằng sống và hiển
trị muôn đời.
(3) Linh mục thinh lặng rảy nước thánh trên lá. phát lá;
Công bố Tin Mừng:
Bài Phúc Âm: Lc 19, 28-4
“Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi trước lên Giêrusalem. Và xảy ra là khi
Người đến gần Bếtphaghê và Bêtania, giáp núi gọi là núi Cây Dầu, Người sai hai
môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các
con sẽ gặp con lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ; các con hãy mở dây mà dẫn
về. Và nếu có ai hỏi các con “Tại sao các ông mở dây?”, thì hãy nói thế này:
“Vì Chúa cần dùng đến nó”. Hai người được sai ra đi, và gặp lừa con đứng đó như
Chúa đã bảo. Hai ông đang mở dây lừa con, thì chủ nó hỏi r?ng: “Sao các ông mở
dây lừa con?” Hai ông đáp: “Vì Chúa cần đến nó”. Hai ông dắt lừa về cho Chúa
Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo
trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn
tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: “Chúc tụng Ðấng nhân danh
Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời”. Một vài người
biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: “Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn
đệ Ngài đi”. Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo cho các ông biết: nếu họ làm thinh, thì
những viên đá sẽ la lên”.
Ðó là lời Chúa.
(4) Sau Tin Mừng, tùy nghi giảng vắn tắt. Ðể bắt đầu cuộc
rước chủ tế kêu gọi:
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy noi gương dân thành
Giê-ru-sa-lem mà hoan hỷ lên đường nghênh đón Ðức Ki-tô.
(5) Thứ tự: người cầm hương; thánh giá có gắn lá; Linh mục
và giúp lễ; giáo dân tay cầm lá.
Hình thức thứ hai: Nhập lễ trọng thể
Giáo dân cầm cành lá trong tay tụ họp ngoài hay trong
chính nhà thờ. Chủ tế, giúp lễ và đại diện giáo dân đến một nơi đã dọn sẵn
ngoài cung thánh. (14) Ðang khi ấy hát Hoan hô Thái Tử… Rồi làm phép lá, công bố
Tin Mừng; sau đó tiến lên cung thánh cách trọng thể, trong khi ấy hát “xưa Chúa
vào thành thánh…”
Tới bàn thờ, chủ tế tuỳ nghi xông hương. Ðọc lời nguyện
nhập lễ, tiếp tục như thường.
Hình thức thứ ba: Nhập lễ đơn giản
Như thường lệ
THÁNH LỄ
Bài Ðọc I: Is 50, 4-7
“Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười,
nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”.
(Bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ Chúa)
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết
dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh
tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng
lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ
giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người
phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt
chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.
Ðó là lời Chúa.
Đáp ca: Tv 21, 8-9. 17-18a. 19-20. 23-24
Ðáp: Ôi Thiên
Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con? (c. 2a)
Xướng: Bao người
thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: “Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu
hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương”.
Xướng: Ðứng
quanh con là đàn ưng khuyển, một lũ côn đồ bao bọc lấy con. Chân tay con chúng
đều chọc thủng, con có thể đếm được mọi đốt xương con.
Xướng: Phần chúng
thì nhìn xem con và vui vẻ, đem y phục của con chia sẻ với nhau, còn tấm áo
dài, thì chúng rút thăm… Phần Ngài, lạy Chúa, xin chớ đứng xa con, ôi Ðấng phù
trợ con, xin kíp ra tay nâng đỡ.
Xướng: Con sẽ tường
thuật danh Chúa cho các anh em, giữa nơi công hội, con sẽ ngợi khen Người. “Chư
quân là người tôn sợ Chúa, xin hãy ca khen Chúa, toàn thể miêu duệ nhà Giacóp,
hãy chúc tụng Người, hãy tôn sợ Người, hết thảy dòng giống Israel!”
Bài đọc II: Pl 2, 6-11
“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ
phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính
mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách
thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết,
và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một
danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới
đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức
Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Pl 2, 8-9
Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết
trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh
hiệu vượt trên mọi danh hiệu.
Bài Thương Khó: Lc 22, 14 – 23. 56 (bài dài)
“Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.
C: Người đọc Chung, Thánh Sử; S. Người
đối thoại khác, hoặc Cộng đoàn. J: Chúa Giêsu
C. Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
theo Thánh Luca.
Ðến giờ, Chúa Giêsu vào bàn ăn với mười hai tông đồ và bảo
các ông:
J. “Thầy đã tha thiết ước ao ăn Lễ Vượt Qua này
với các con trước khi chịu khổ nạn. Thầy bảo các con, Thầy sẽ chẳng bao giờ ăn
lễ này nữa, cho đến khi lễ này được thực hiện trong nước Thiên Chúa”.
C. Rồi Người cầm chén, tạ ơn và phán:
J. “Các con hãy lãnh nhận chén này mà chia cho
nhau: Thầy bảo cho các con biết: Thầy sẽ không uống thứ nho này nữa cho đến khi
nước Thiên Chúa đến!”
C. Ðoạn Người cầm bánh và tạ ơn, bẻ ra và trao
cho các ông mà phán:
J. “Này là Mình Ta hiến ban vì các con, các con
hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.
C. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm
lấy chén mà phán:
J. “Chén này là Tân ước trong Máu Ta sẽ đổ ra vì
các con. Vả lại này tay kẻ nộp Ta đang ở gần Ta, ngay trên bàn này. Ðành rằng
Con Người sẽ ra đi như đã được ấn định, nhưng vô phúc cho kẻ nộp Người!”
C. Bấy giờ các ông bắt đầu hỏi nhau xem ai trong
nhóm họ là kẻ làm điều đó. Giữa các ông cũng xảy ra một cuộc tranh giành xem ai
trong họ được coi là cao trọng hơn hết. Nhưng Người bảo:
J. “Vua chúa các dân ngoại thì thống trị dân, và
những kẻ có quyền hành trên dân thì bắt dân gọi mình là ân nhân. Phần các con,
thì không như thế, vì ai cao trọng hơn các con thì hãy trở thành như người nhỏ
nhất, và kẻ làm đầu, hãy trở thành như người hầu bàn. Vì người ngồi ăn và kẻ hầu
hạ, ai trọng hơn, nào chẳng phải là người ngồi ăn ư? Thế mà Thầy, Thầy ở giữa
các con như người hầu hạ. Còn các con, các con đã kiên trì với Thầy trong các
cơn gian nan của Thầy, và Thầy xếp đặt nước trời cho các con như Cha Thầy đã xếp
đặt cho Thầy, để các con sẽ được ăn uống đồng bàn trong nước Thầy, và được ngồi
trên toà xét xử mười hai chi tộc Israel!”
C. Rồi Chúa nói:
J. “Simon, Simon, này ma quỷ đã đòi sàng các con
như sàng gạo, nhưng Ta đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin. Và phần con, khi
đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin”.
C. Ông thưa Người:
S. “Lạy Thầy, con sẵn sàng theo Thầy, dù vào tù
hay đi chịu chết”.
C. Nhưng Người đáp:
J. “Phêrô, Thầy bảo cho con biết: hôm nay khi gà
chưa gáy, con đã chối rằng không biết Thầy”.
C. Và Người bảo các ông:
J. “Khi Thầy sai các con đi không mang theo túi
tiền, không bị, không giày dép, nào các con có thiếu thốn sự gì không?”
C. Các ông thưa:
S. “Không thiếu gì cả”.
C. Vậy Người nói:
J. “Nhưng bây giờ ai có túi tiền, hãy cầm lấy,
ai có bị, cũng hãy làm như vậy, và ai không có gươm, thì hãy bán áo choàng mình
mà mua lấy gươm. Vì Thầy bảo các con hay: còn điều này chép về Thầy cũng cần phải
được ứng nghiệm: “Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác”. Vì mọi điều đã
chép về Thầy phải được hoàn tất”.
C. Các ông thưa Người:
S. “Thưa Thầy, này có hai thanh gươm đây”.
C. Và Người bảo:
J. “Ðủ rồi”.
C. Ðoạn Người ra đi lên núi cây ôliu như thường
lệ. Các môn đệ cũng đi theo Người. Ðến nơi, Người bảo các ông:
J. “Các con hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám
dỗ”.
C. Rồi Người đi xa các ông một quãng bằng ném một
hòn đá và quỳ gối cầu nguyện rằng:
J. “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cất chén này
xa con. Nhưng xin đừng theo ý con muốn, một theo ý Cha”.
C. Bấy giờ có thiên thần từ trời hiện ra an ủi
Người. Và lâm cơn hấp hối, Người cầu nguyện thiết tha hơn, và mồ hôi Người chảy
ra như những giọt máu rơi xuống đất. Cầu nguyện xong, Người đứng dậy, trở lại
chỗ các môn đệ, và thấy các ông còn đang ngủ vì buồn sầu. Người liền bảo:
J. “Các con ngủ ư? Hãy dậy và cầu nguyện, kẻo sa
chước cám dỗ”.
C. Người còn đang nói, thì này đây một lũ đông,
và một người trong nhóm Mười Hai là Giuđa dẫn đầu. Hắn lại gần Chúa Giêsu để
hôn Người. Chúa Giêsu bảo hắn:
J. “Giuđa, ngươi lấy cái hôn để nộp Con Người
ư?”
C. Thấy các sự sắp xảy ra, những kẻ đứng chung
quanh Người liền hỏi:
S. “Thưa Thầy, chúng con có nên dùng gươm mà
chém không?”
C. Và một người trong các ông chém tên đầy tớ thầy
thượng tế đứt tai phải. Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo:
J. “Thôi, đủ rồi”.
C. Và Người sờ vào tai người đầy tớ ấy mà chữa
cho y lành lại. Rồi Chúa Giêsu bảo các kẻ đến bắt Người gồm các thượng tế, trưởng
vệ binh đền thờ và kỳ lão rằng:
J. “Các ngươi cầm gươm giáo gậy gộc đi bắt Ta
như bắt tên cướp ư? Hằng ngày Ta ngồi trong đền thờ giữa các ngươi mà các ngươi
không bắt Ta. Nhưng đây là giờ của các ngươi và của quyền lực tối tăm”.
C. Chúng liền bắt Người và điệu tới nhà thầy thượng
tế. Còn Phêrô đi theo xa xa.
Họ đốt lửa ngay giữa sân và ngồi vòng quanh, Phêrô cũng ngồi
lẫn với họ. Một đứa đầy tớ gái thấy ông ngồi gần lửa, thì nhìn kỹ ông và bảo:
S. “Cả ông này cũng theo hắn”.
C. Nhưng ông chối và nói:
S. “Này chị, tôi đâu quen biết người ấy”.
C. Một lát sau, có người khác nhìn ông và nói:
S. “Chính ông cũng là người trong bọn đó”.
C. Nhưng Phêrô đáp:
S. “Này anh, đâu có phải tôi”.
C. Chừng một giờ sau, một người khác lại quả quyết
rằng:
S. “Ðúng ông này cũng theo người ấy: vì ông ta
cũng là người xứ Galilêa”.
C. Phêrô đáp:
S.“Này anh, tôi không biết anh muốn nói gì?”
C. Khi ông còn đang nói, thì lập tức gà liền
gáy. Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô. Bấy giờ Phêrô mới sực nhớ lời Chúa đã bảo
ông trước: Khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần. Phêrô liền ra ngoài và khóc lóc
thảm thiết.
Những kẻ canh giữ người, nhạo cười và đánh đập Người. Chúng
che mặt Người, vả mặt mà hỏi Người rằng:
S. “Hãy đoán xem ai đánh ngươi đó”.
C. Và chúng còn thốt ra nhiều lời khác nhục mạ
Người. Vừa sáng ngày, các kỳ lão trong dân, các thượng tế và các luật sĩ hội lại
và cho điệu Người ra trước công nghị mà nói:
S. “Nếu ông là Ðấng Kitô, hãy nói cho chúng tôi
hay”.
C. Người trả lời:
J. “Tôi có nói, các ông cũng chẳng tin tôi, và nếu
tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời và cũng chẳng tha tôi. Nhưng từ giờ đây,
Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng”.
C. Mọi người đều hỏi lại:
S. “Vậy ông là Con Thiên Chúa ư?”
C. Người đáp:
J. “Các ông nói đúng, Ta là Con Thiên Chúa”.
C. Bấy giờ họ nói:
S. “Chúng ta còn cần chứng cớ chi nữa? Vì chính
chúng ta cũng nghe y nói”.
C. Ðoạn tất cả bọn họ đứng dậy và giải Người đến
Philatô.
Họ bắt đầu tố cáo Người rằng:
S. “Chúng tôi đã thấy người này xúi giục dân nổi
loạn, ngăn cản nộp thuế cho Cêsarê, và còn tự xưng là Kitô Vua”.
C. Philatô bảo các thượng tế và đám đông rằng:
S. “Ta không thấy người này có tội gì”.
C. Nhưng họ cố nài rằng:
S. “Người này đã làm náo động dân chúng, giảng dạy
khắp xứ Giuđêa, bắt đầu từ Galilêa đến đây”.
C. Philatô vừa nghe nói đến Galilêa, liền hỏi
cho biết có phải đương sự là người xứ Galilêa không. Và khi đã biết Người thuộc
thẩm quyền Hêrôđê, quan liền sai giải Người cho Hêrôđê cũng có mặt tại
Giêrusalem trong những ngày ấy. Hêrôđê thấy Chúa Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ
lâu, ông ao ước thấy Người, bởi đã nghe nói về Người rất nhiều, và hy vọng xem
Người làm một vài phép lạ. Nhà vua hỏi Người rất nhiều lời, nhưng Người không
đáp gì hết. Trong khi ấy, các thượng tế và luật sĩ ở đó tố cáo Người dữ dội.
Còn Hêrôđê cùng các quan lính thì khinh dể và nhạo báng Người, đoạn khoác cho
Người một cái áo choàng trắng và gởi trả Người cho Philatô. Chính ngày đó,
Hêrôđê và Philatô trở thành bạn hữu, vì trước kia họ là thù địch với nhau.
Bấy giờ Philatô triệu tập các thượng tế, các thủ lãnh và dân
chúng lại, rồi bảo họ:
S.“Các ngươi đã nộp cho ta người này như một kẻ xúi
giục dân làm loạn, nhưng đây ta đã tra xét trước mặt các ngươi, và ta không thấy
người này phạm tội nào trong những tội các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng thấy
như vậy, vì ta đã cử các ngươi đến nhà vua và nhà vua cũng không thấy có chi
đáng tội chết cả. Vậy ta sẽ cho sửa phạt, rồi tha đi”.
C. Mỗi dịp lễ, quan tổng trấn phải phóng thích
cho họ một người tù. Vậy toàn dân đồng thanh kêu lên:
S. “Hãy giết người này, và tha Baraba cho chúng
tôi”.
C. Tên này vì dấy loạn trong thành và giết người,
nên đã bị tống ngục. Nhưng Philatô muốn tha Chúa Giêsu, nên lại nói với dân
chúng. Nhưng chúng càng la to hơn và nói:
S. “Hãy đóng đinh nó, hãy đóng đinh nó vào thập
giá!”
C.Lần thứ ba, quan lại nói với dân chúng:
S. “Người này đã làm gì xấu? Ta không thấy nơi
ông ấy có lý do để lên án tử hình. Vậy ta sẽ trừng phạt, rồi tha đi”.
C. Chúng lại la lớn tiếng, nhất định đòi đóng
đinh Người vào thập giá, và tiếng la hét của chúng càng dữ dội hơn. Philatô liền
tuyên án theo lời chúng yêu cầu. Vậy quan phóng thích tên đã bị cầm tù vì dấy
loạn và giết người, là kẻ mà chúng đã xin tha, còn Chúa Giêsu thì quan trao phó
để mặc ý chúng.
Khi điệu Người đi, chúng bắt một người xứ Xyrênê, tên Simon,
ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác thập giá theo sau Chúa Giêsu. Ðám đông dân
chúng theo Người, có cả mấy người phụ nữ khóc thương Người. Nhưng Chúa Giêsu
ngoảnh mặt lại bảo họ rằng:
J. “Hỡi con gái Giêrusalem, đừng khóc thương Ta,
hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi. Vì này, sắp đến ngày người
ta sẽ than rằng: “Phúc cho người son sẻ, phúc cho những lòng không sinh nở và
những vú không nuôi con”. Bấy giờ người ta sẽ lên tiếng với núi non rằng: “Hãy
đổ xuống đè chúng tôi”, và nói với các gò nổng rằng: “Hãy che lấp chúng tôi
đi”. Vì nếu cây tươi còn bị xử như vậy, thì gỗ khô sẽ ra sao?”
C. Cùng với Người, chúng còn điệu hai tên gian
ác nữa đi xử tử. Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập
giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu và một đứa bên tả Người. Bấy giờ
Chúa Giêsu than thở rằng:
J. “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không
biết việc chúng làm”.
C. Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Dân
chúng đứng đó nhìn xem, và các thủ lãnh thì cười nhạo Người mà rằng:
S. “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình
đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”.
C.Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống
và nói:
S. “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu
mình đi”.
C. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp,
La-tinh và Do-thái như sau: “Người này là vua dân Do-thái”. Một trong hai kẻ trộm
bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng:
S. “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và
cứu chúng tôi nữa”.
C. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng:
S. “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ
Thiên Chúa sao. Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng
với việc chúng ta đã làm, còn Ông này, Ông có làm gì xấu đâu?”
C. Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng:
S. “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến
tôi”.
C. Chúa Giêsu đáp:
J. “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi
sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
C. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền
bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền
thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa. Lúc đó Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:
J. “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay
Cha”.
C. Nói đoạn, Người trút hơi thở.
(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)
Thấy sự việc xảy ra, viên sĩ quan ca tụng Thiên Chúa rằng:
S. “Ông này quả thật là người công chính”.
C. Và tất cả dân chúng có mặt thấy cảnh tượng
đó, và chứng kiến những sự việc xảy ra, liền đấm ngực trở về.
Ðứng xa xa, có những kẻ quen biết Người, và mấy phụ nữ đi
theo Người từ xứ Galilêa, họ cũng chứng kiến. Tuy nhiên, có một công nghị viên
tên là Giuse, người tốt lành và công chính. Ông này đã không đồng ý với mưu
toan và hành động của các công nghị viên khác, ông quê ở thành Arimathia trong
xứ Giuđêa, chính ông cũng trông đợi nước Chúa. Ông đến gặp Philatô và xin xác
Chúa Giêsu. Ðoạn ông hạ xác Người xuống, liệm trong khăn và táng trong mồ đã đục
sẵn, nơi chưa táng xác ai. Hôm đó là ngày chuẩn bị và sắp bước sang ngày
Sabbat. Trong khi đó, những người phụ nữ đã đi với Người từ xứ Galilêa, cũng theo
đến xem mồ và xác Người được táng như thế nào. Rồi các bà về sửa soạn thuốc
thơm và dầu thơm. Nhưng trong ngày Sabbat, các bà nghỉ theo đúng luật.
Hoặc đọc bài vắn này: Lc 23, 1-49
C. Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
theo Thánh Luca.
Khi ấy, tất cả công nghị đứng dậy và giải Người đến Philatô.
Họ bắt đầu tố cáo Người rằng:
S. “Chúng tôi đã thấy người này xúi giục dân nổi
loạn, ngăn cản nộp thuế cho Cêsarê, và còn tự xưng là Kitô Vua”.
C. Philatô bảo các thượng tế và đám đông rằng:
S. “Ta không thấy người này có tội gì”.
C. Nhưng họ cố nài rằng:
S. “Người này đã làm náo động dân chúng, giảng dạy
khắp xứ Giuđêa, bắt đầu từ Galilêa đến đây”.
C. Philatô vừa nghe nói đến Galilêa, liền hỏi
cho biết có phải đương sự là người xứ Galilêa không. Và khi đã biết Người thuộc
thẩm quyền Hêrôđê, quan liền sai giải Người cho Hêrôđê cũng có mặt tại
Giêrusalem trong những ngày ấy. Hêrôđê thấy Chúa Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ
lâu, ông ao ước thấy Người, bởi đã nghe nói về Người rất nhiều, và hy vọng xem
Người làm một vài phép lạ. Nhà vua hỏi Người rất nhiều lời, nhưng Người không
đáp gì hết. Trong khi ấy, các thượng tế và luật sĩ ở đó tố cáo Người dữ dội.
Còn Hêrôđê cùng các quan lính thì khinh dể và nhạo báng Người, đoạn khoác cho
Người một cái áo choàng trắng và gởi trả Người cho Philatô. Chính ngày đó,
Hêrôđê và Philatô trở thành bạn hữu, vì trước kia họ là thù địch với nhau.
Bấy giờ Philatô triệu tập các thượng tế, các thủ lãnh và dân
chúng lại, rồi bảo họ:
S. “Các ngươi đã nộp cho ta người này như một kẻ
xúi giục dân làm loạn, nhưng đây ta đã tra xét trước mặt các ngươi, và ta không
thấy người này phạm tội nào trong những tội các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng
thấy như vậy, vì ta đã cử các ngươi đến nhà vua và nhà vua cũng không thấy có
chi đáng tội chết cả. Vậy ta sẽ cho sửa phạt, rồi tha đi”.
C. Mỗi dịp lễ, quan tổng trấn phải phóng thích
cho họ một người tù. Vậy toàn dân đồng thanh kêu lên:
S. “Hãy giết người này, và tha Baraba cho chúng
tôi”.
C. Tên này vì dấy loạn trong thành và giết người,
nên đã bị tống ngục. Nhưng Philatô muốn tha Chúa Giêsu, nên lại nói với dân
chúng. Nhưng chúng càng la to hơn và nói:
S. “Hãy đóng đinh nó, hãy đóng đinh nó vào thập giá!”
C. Lần thứ ba, quan lại nói với dân chúng:
S. “Người này đã làm gì xấu? Ta không thấy nơi
ông ấy có lý do để lên án tử hình. Vậy ta sẽ trừng phạt, rồi tha đi”.
C. Chúng lại la lớn tiếng, nhất định đòi đóng
đinh Người vào thập giá, và tiếng la hét của chúng càng dữ dội hơn. Philatô liền
tuyên án theo lời chúng yêu cầu. Vậy quan phóng thích tên đã bị cầm tù vì dấy
loạn và giết người, là kẻ mà chúng đã xin tha, còn Chúa Giêsu thì quan trao phó
để mặc ý chúng.
Khi điệu Người đi, chúng bắt một người xứ Xyrênê, tên Simon,
ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác thập giá theo sau Chúa Giêsu. Ðám đông dân
chúng theo Người, có cả mấy người phụ nữ khóc thương Người. Nhưng Chúa Giêsu
ngoảnh mặt lại bảo họ rằng:
J. “Hỡi con gái Giêrusalem, đừng khóc thương Ta,
hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi. Vì này, sắp đến ngày người
ta sẽ than rằng: “Phúc cho người son sẻ, phúc cho những lòng không sinh nở và
những vú không nuôi con”. Bấy giờ người ta sẽ lên tiếng với núi non rằng: “Hãy
đổ xuống đè chúng tôi”, và nói với các gò nổng rằng: “Hãy che lấp chúng tôi
đi”. Vì nếu cây tươi còn bị xử như vậy, thì gỗ khô sẽ ra sao?”
C. Cùng với Người, chúng còn điệu hai tên gian
ác nữa đi xử tử. Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập
giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu và một đứa bên tả Người. Bấy giờ
Chúa Giêsu than thở rằng:
J. “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không
biết việc chúng làm”.
C. Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Dân
chúng đứng đó nhìn xem, và các thủ lãnh thì cười nhạo Người mà rằng:
S. “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình
đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”.
C. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho
Người uống và nói:
S. “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu
mình đi”.
C. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp,
La-tinh và Do-thái như sau: “Người này là vua dân Do-thái”. Một trong hai kẻ trộm
bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng:
S. “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và
cứu chúng tôi nữa”.
C. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng:
S. “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ
Thiên Chúa sao. Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng
với việc chúng ta đã làm, còn Ông này, Ông có làm gì xấu đâu?”
C. Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng:
S. “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến
tôi”.
C. Chúa Giêsu đáp:
J. “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi
sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
C.Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao
trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ
xé ra làm đôi ngay chính giữa. Lúc đó Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:
J. “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay
Cha”.
C. Nói đoạn, Người trút hơi thở.
(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)
Thấy sự việc xảy ra, viên sĩ quan ca tụng Thiên Chúa rằng:
S. “Ông này quả thật là người công chính”.
C. Và tất cả dân chúng có mặt thấy cảnh tượng
đó, và chứng kiến những sự việc xảy ra, liền đấm ngực trở về.
Ðứng xa xa, có những kẻ quen biết Người, và mấy phụ nữ đi
theo Người từ xứ Galilêa, họ cũng chứng kiến.
Lễ Lá có một khởi đầu vui nhưng lại có một kết cục buồn. Khởi
đầu Ðức Giêsu long trọng vào thành Giêruxalem. Kết cục, Ðức Giêsu chịu kết án,
chịu khổ hình và chết trên thập giá. Con đường vào thành của Người là con đường
vinh quang vương giả. Nhưng con đường lên Núi Sọ lại là con đường của kẻ tội đồ.
Ðám rước tưng bừng ngày Lễ Lá mời gọi ta cùng tiến bước theo
Chúa.
Tiến bước theo Chúa để hiểu rằng hành trình không kết thúc tại
cổng thành Giêruxalem với đám đông ngưỡng mộ, với cành lá và quần áo trải thảm
đường đi, nhưng kết thúc trên Núi Sọ với thập giá, với những lời nhục mạ, với
hai tội nhân đồng hành. Ðức Giêsu không xưng vương trước đám đông cuồng nhiệt
nghênh đón, nhưng lại xưng vương trước mặt Philatô, khi tay đã bị trói, khi
thân thể đã tan nát không còn hình tượng con người, khi đã mất hết uy tín, đứng
trước vành móng ngựa như một phạm nhân. Danh hiệu là Vua chỉ được chính thức
ghi bằng chữ viết khi Người bị treo trên thập giá.
Hành trình của Chúa là một hành trình gian khổ. Ðích điểm chỉ
đạt tới sau khi đã từ bỏ tất cả, không phải chỉ là nhà cửa, y phục mà cả những
người thân, cả thành công, cả danh dự, cả mạng sống.
Tiến bước theo Chúa để chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của
lòng người. Cũng đám đông ấy, hôm trước vừa vung tay vung chân hoan hô Chúa,
hôm sau đã vội vung tay vung chân kết án Chúa. Cũng đám đông ấy hôm trước vừa
reo hò chúc tụng Chúa, hôm sau cũng vẫn reo hò, nhưng để buộc tội Chúa. Cũng
đám đông ấy, hôm trước vừa chen lấn nhau để nghênh đón Chúa, hôm sau đã xúm
đông xúm đỏ để hành hạ Chúa. Cũng đám đông ấy, hôm trước vừa cởi áo, chặt cành
lá lót đường Chúa đi, hôm sau đã lột áo Chúa, chặt cành gai cuốn lên đầu Chúa.
Tiến bước theo Chúa để dứt khóat lựa chọn cho mình một con
đường. Ðường vào Giêruxalem chỉ có một và rộng thênh thang. Mọi người đều tụ tập
và cùng chung lối bước. Nhưng đường lên Núi Sọ chật hẹp và chia ra muôn ngả. Mỗi
người đi theo con đường của mình. Ðường vào Giêruxalem đông vui và phấn khởi vì
mọi người ca hát tưng bừng. Nhưng đường lên Núi Sọ thật buồn thảm, chỉ có tiếng
roi vọt, tiếng than khóc, tiếng chửi rủa. Ðường vào Giêruxalem mọi người đều
theo Chúa, mọi người đều là môn đệ Chúa. Nhưng đường lên Núi Sọ chỉ còn ít người
theo Chúa. Có những người đã phản bội. Có những người đã trốn chạy. Có những
người đã chối bỏ Thày. Ðường vào Giêruxalem có con lừa chở Chúa. Nhưng đường
lên Núi Sọ Chúa phải vác thánh giá.
Ði theo Chúa trên đường vào Giêruxalem thì dễ dàng và vui vẻ.
Nhưng theo Chúa trên con đường Núi Sọ mới thật chông gai.
Nếu tôi có mặt ở đó, tôi sẽ dễ dàng hoà nhập vào đoàn người
cầm cành lá đón rước Chúa. Nhưng khi Chúa đi lên Núi Sọ, tôi sẽ rẽ sang đường
nào ? Tôi sẽ rẽ sang con đường phản bội của Giuđa ? Tôi sẽ rẽ sang con đường chối
Chúa của Phêrô ? Tôi sẽ rẽ sang những con hẻm in dấu chân trốn chạy của các môn
đệ ? Tôi sẽ phụ hoạ với đám đông kết án Chúa ? Hay tôi cũng theo quân lính đánh
đập Chúa ? Trước sau gì tôi cũng phải lựa chọn một con đường.
***
Lạy Chúa, xin cho con luôn tiến bước theo Chúa trên mọi nẻo
đường Chúa đi. Xin thêm sức cho con để con kiên trì theo Chúa trên đường lên
Núi Sọ. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Hãy so sánh đường vào thành Giêrusalem và đường lên Núi Sọ.
2. Nếu bạn có mặt ở Giêrusalem hôm ấy bạn sẽ làm gì?
3. Bạn dám có lập trường riêng hay bạn chỉ biết làm theo đám
đông?
--TGM. Giuse Ngô
Quang Kiệt
Chú giải về I-sai-a 50,4-7; Phi-líp-phê 2,6-11; Lu-ca 22,14—23,56
Sau năm tuần chuẩn bị, giờ đây chúng ta bước vào đỉnh cao của
mùa Chay và những gì chúng ta gọi là Tuần Thánh. Theo một cách nào đó, toàn bộ
tuần từ hôm nay cho đến Chúa Nhật Phục Sinh nên được xem như một đơn vị duy nhất—sự
trình bày của Mầu nhiệm Vượt qua. Mầu nhiệm Vượt qua này bao gồm sự đau khổ,
cái chết, sự phục sinh và sự thăng thiên của Chúa Giêsu vào vinh quang và việc
Chúa Thánh Thần được sai đến với các môn đồ của Chúa Giêsu để tiếp tục công việc
mà Người đã bắt đầu. Mặc dù, vì lý do phụng vụ và giáo lý, nó trải dài trong
khoảng thời gian bảy tuần, nhưng nó cũng nên được xem như một trải nghiệm duy
nhất không thể chia cắt. Tuần này chứng kiến đỉnh cao của sứ mệnh của Chúa
Giêsu Kitô, trong đó ý nghĩa sâu sắc nhất của cuộc đời Người được mở ra, và
trong đó giáo lý của Người được nhập thể trong chính lời nói và hành động của
Người.
Lễ mừng hôm nay (vì, lạ thay, những sự kiện khủng khiếp mà
chúng ta sắp được nghe thực sự là lý do để chúng ta ăn mừng) được chia thành
hai phần riêng biệt: đoàn rước lá và Thánh lễ chính thức. (Thánh lễ cụ thể mà bạn
tham dự có thể không bao gồm cả hai phần, vì nhiều giáo xứ chỉ cử hành phần đầu
tiên tại một trong các Thánh lễ trong ngày.)
Niềm vui và chiến thắng
Trong phần đầu tiên, bầu không khí chủ đạo là niềm vui, và lễ
phục trong phụng vụ hôm nay là màu đỏ chiến thắng chứ không phải màu tím như những
ngày khác của Mùa Chay. Và bài đọc từ Phúc âm trong phần đầu tiên này nhắc lại
cảnh Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách là Vua. Ngài được đám đông nồng
nhiệt chào đón, họ tung hô Ngài bằng những lời mà chúng ta vẫn dùng trong lời tựa
"Thánh, thánh, thánh..." của Lời nguyện Thánh Thể. Cảnh này rất quan
trọng, vì trong vài ngày nữa, Chúa Giêsu chiến thắng sẽ bị biến thành một đống
đổ nát của nhân loại:
Vì vậy, Chúa Giêsu đã
ra ngoài, đội mão gai và mặc áo choàng màu tím. Phi-lát nói với họ, “Hãy nhìn
người này!” [tiếng La-tinh, Ecce
homo!].
Khi chúng ta đi qua nhà thờ, với nhánh lá cọ (hoặc tương đương) trong tay,
chúng ta cũng có thể hát với sự nhiệt tình:
“Đấng Christ chiến thắng, Đấng Christ là vua, Đấng Christ là
người cai trị chúng ta”
(Christus vincit,
Christus regnat, Christus imperat).
Có một sự khác biệt trong trường hợp của chúng ta vì chúng
ta biết kết thúc của câu chuyện và những gì sắp xảy ra. Vì thế, chúng ta hát với
niềm tin thậm chí còn lớn hơn về sự vĩ đại của Chúa Jesus và nhận ra lý do tại
sao Ngài là Vua của chúng ta.
Nhưng ngay cả ở đây cũng có bóng tối. Vì không phải tất cả đều
trải áo mình xuống đất để Chúa Giê-su
bước qua hoặc vẫy cành cây. Kẻ thù của Ngài đang theo dõi và những gì họ thấy
chỉ khiến mong muốn nhìn thấy kết cục của Chúa Giê-su của họ trở nên cấp thiết hơn. Theo một cách nào đó, họ sẽ
thành công với sự tàn nhẫn đáng sợ để tiêu diệt Chúa Giê-su. Nhưng tất nhiên, họ cũng sẽ thất bại
hoàn toàn. Sự hiện diện của chúng ta ở đây hôm nay là bằng chứng đủ cho điều
đó.
Tâm trí của Chúa Kitô
Theo một cách nào đó, chìa khóa thực sự của Tuần Thánh được
đưa ra trong Bài đọc thứ hai hôm nay, có vẻ như là một bài thánh ca, được Thánh
Phaolô đưa vào trong lá thư của ngài gửi cho các Kitô hữu tại Phi-líp-phê, miền bắc Hy Lạp. Bài thánh ca
này diễn tả ‘tâm trí’, suy nghĩ của Chúa Giêsu, một tâm trí mà Thánh Phaolô
thúc giục chúng ta cũng phải có nếu chúng ta muốn đồng nhất hoàn toàn với Chúa
Giêsu như những môn đệ:
Hãy có cùng một tâm
trí như Chúa Kitô Giêsu…
(Phil 2,5)
Từ khóa trong đoạn trích của Thánh Phaolô hôm nay là “trống
rỗng”. Sự kenosis, hay sự trống rỗng,
này là cốt lõi của trải nghiệm của Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ nạn của Người.
Mặc dù Chúa Giêsu đồng nhất với bản chất của Thiên Chúa, Người
không nhấn mạnh vào địa vị của mình. Trước hết, Người đã mang lấy bản chất con
người của chúng ta theo nghĩa trọn vẹn nhất:
… Người đã chịu thử
thách trong mọi phương diện như chúng ta, nhưng không phạm tội. (Dt 4,15)
Nhưng hơn thế nữa, Người đã hạ mình xuống tận cấp độ thấp nhất,
tầng lớp thấp nhất của con người—người hầu, nô lệ. Đó vẫn chưa phải là kết
thúc. Ngài từ bỏ mọi phẩm giá con người, mọi quyền con người; Ngài từ bỏ chính
sự sống để chết, không phải bất kỳ hình thức chết “đáng kính” nào, mà là cái chết
của một tên tội phạm bị kết án trong sự xấu hổ, trần trụi và bị bỏ rơi hoàn
toàn.
Để hiểu được những đau khổ, cái chết và sự phục sinh của
Chúa Giêsu, người ta phải nắm bắt đầy đủ những gì Phaolô đang nói ở đây và
không chỉ nắm bắt mà còn phải hoàn toàn áp dụng nó vào suy nghĩ của mình để người
ta có thể chuẩn bị, với sự giúp đỡ của Chúa, để đi theo con đường chính xác như
vậy. Sự nhạy cảm bình thường của chúng ta đối với ngay cả những tổn thương nhỏ
nhặt cho chúng ta thấy chúng ta phải đi xa đến mức nào để có được “tâm trí của
Chúa”.
Với trọng tâm của hai bài đọc đầu tiên, giờ đây chúng ta
đã—hy vọng—chuẩn bị lắng nghe phiên bản Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu của Luca,
cho đến, nhưng không bao gồm đỉnh điểm của sự phục sinh.
Có quá nhiều điều để suy ngẫm
Mặc dù hiện nay đã có những nỗ lực để việc lắng nghe Cuộc khổ
nạn ít trở thành một bài kiểm tra sức bền hơn, nhưng thực sự có quá nhiều điều
để có thể tiêu hóa hoàn toàn khi chúng ta đứng nghe một hoặc ba người đọc. Có lẽ
chúng ta nên dành một khoảng thời gian ngắn sau đó trong ngày để xem xét kỹ hơn
về câu chuyện kịch tính này khi rảnh rỗi. Hoặc có lẽ chúng ta có thể tập trung
vào một đoạn văn cụ thể nói với chúng ta nhiều hơn vào thời điểm này.
Có:
• bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus với các môn đồ của Người—một
trải nghiệm vừa đắng vừa ngọt cho tất cả mọi người;
• Cuộc đấu tranh của Chúa Jesus với nỗi sợ hãi (thậm chí là
kinh hoàng) và sự cô đơn trong vườn, kết thúc bằng cảm giác bình yên và chấp nhận;
• Sự phủ nhận của Phê-rô về việc từng biết Chúa Giê-su, chính Chúa Giê-su mà ông vừa ăn tối cùng và là người
đã mời ông vào vườn;
• Nụ hôn của Giu-đa,
một môn đồ khác, đã niêm phong số phận của Chúa Giê-su, và dẫn đến sự hối hận cay đắng và tự tử;
• phiên tòa gian lận trước các nhà lãnh đạo tôn giáo và một
lần nữa trước Phi-la-tô khinh
thường, hoài nghi và sự xuất hiện ngắn ngủi trước Hê-rốt mê tín và sợ hãi;
• sự tra tấn, sỉ nhục và hạ nhục Chúa Giê-su;
• con đường đến Đồi Can-vê—những người phụ nữ khóc lóc và
Si-môn thành Xi-rê-nê miễn cưỡng;
• đám đông, rất ủng hộ vào Chủ Nhật, giờ cười và chế giễu;
• tên găng-tơ
giết người được hứa hẹn hạnh
phúc vĩnh cửu ngay ngày hôm đó;
• những lời cuối cùng về sự tha thứ và đầu hàng hoàn toàn
(trống rỗng) với Chúa Cha.
Vở kịch thực sự quá sức chịu đựng và thực sự cần phải được hấp
thụ từng sự cố một. Sẽ rất đáng để suy ngẫm xem tôi có thể thấy mình trong cảnh
nào trong số những cảnh này—với những nhân vật nào tôi có thể xác định được phản
ứng theo cách mà tôi có thể sẽ làm.
Chúa Giê-su—điểm nhấn
Trong tất cả những điều đó, Chúa Giê-su là trung tâm. Kẻ thù của Người làm
nhục Người, đánh đập và tra tấn Người. Những người lính làm một chiếc vương miện
bằng gai, một chiếc vương miện cho “Vua dân Do Thái” (một yếu tố của chủ nghĩa
phân biệt chủng tộc khinh miệt ở đây?), và Hê-rốt chế nhạo Người. Philatô, được đào tạo ở La Mã, cố gắng thực hiện
công lý một cách hời hợt, nhưng nỗi sợ hãi về sự nghiệp của ông đã chiến thắng.
Về phần mình, Chúa Giê-su không đánh trả; Người không la mắng; Người không buộc tội hay
đổ lỗi. Người cầu xin Cha mình:
… hãy tha thứ cho họ,
vì họ không biết mình đang làm gì.
Chúa Giê-su
có vẻ là nạn nhân, nhưng thực tế là trong suốt thời gian đó, Người là chủ nhân.
Người làm chủ tình hình vì Người làm chủ chính mình.
Vì vậy, khi chúng ta trải qua ngày này và tuần này, chúng ta
hãy nhìn thật kỹ vào Chúa Giê-su,
Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Chúng ta theo dõi, không chỉ để chiêm ngưỡng, mà còn
để học hỏi, và để thâm nhập vào tâm trí, suy nghĩ, thái độ và các giá trị của
Chúa Giêsu để chúng ta, trong những hoàn cảnh rất khác nhau của cuộc sống, có
thể bước đi theo bước chân của Người.
Nếu chúng ta muốn trở thành môn đồ của Người, Người mời gọi
chúng ta bước theo con đường của Người, chia sẻ những đau khổ của Người, noi
theo thái độ của Người, ‘làm trống rỗng’ bản thân, sống phục vụ người khác—nói
tóm lại, yêu thương người khác như Người yêu thương chúng ta. Đây hoàn toàn
không phải là lời kêu gọi sống một cuộc sống đau khổ và khốn khổ. Ngược lại, đó
là lời mời gọi sống một cuộc sống tự do, bình an và hạnh phúc sâu sắc. Nếu đó
là bất cứ điều gì khác, thì sẽ không đáng để cân nhắc.
https://livingspace.sacredspace.ie/lc061/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét