U SẦU VÀ TÂM HỒN
Chúng ta nên nhìn vào những giai đoạn buồn bã và nặng nề
trong đời mình như thế nào? Chúng ta nên xử lý u sầu và những hệ lụy của nó như
thế nào?
Thường thì không ai trong chúng ta thích buồn, nặng nề hay
trầm cảm. Nhìn chung, chúng ta thích ánh nắng hơn bóng tối, hớn hở hơn u sầu.
Chính vì thế, chúng ta có khuynh hướng làm đủ mọi việc có thể để đánh tan u sầu,
để nặng nề và buồn bã tạm xa khỏi mình. Hầu như lúc nào chúng ta cũng chạy trốn
những cảm xúc làm đau buồn hay đe dọa chúng ta.
Hầu như chúng ta xem buồn bã, u ám, hoài niệm, cô đơn, u uất,
bồn chồn, hối tiếc, mất mát, sợ chết, sợ những góc tối trong tâm hồn, nặng nề
tâm hồn là những hệ quả tiêu cực tác động đến tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên, những
cảm xúc này có mặt tích cực giúp chúng ta giữ mối liên kết với tâm hồn.
Đơn giản, chúng giúp chúng ta liên kết với những phần trong
tâm hồn thường không được chúng ta chú ý đến. Tâm hồn chúng ta sâu sắc và phức
tạp, khi chúng ta muốn nghe những gì tâm hồn nói, chúng ta cần nghe trong mọi
tâm trạng cuộc sống, nhất là khi chúng ta thấy buồn và chênh vênh. Trong buồn
bã và u sầu, tâm hồn nói với chúng ta những điều mà chúng ta thường điếc đặc,
vì thế chúng ta nên xét mặt tích cực của u sầu.
Tiếc là, thời nay, chúng ta xem buồn bã và nặng nề tâm hồn
làm tổn hại đến sức khỏe, sức sống, xem đây là tình trạng không lành mạnh –
nhưng thường thì không phải vậy. Trong nhiều sách y khoa thời Trung cổ và Phục hưng,
u sầu được xem là một ơn cho tâm hồn, ơn chúng ta cần vượt qua trong những thời
điểm then chốt để có thêm chiều sâu và cảm thông. Dĩ nhiên, ở đây chúng ta
không nói đến trầm cảm lâm sàng, vốn thực sự là một tổn hại cho sức khỏe, nhưng
là các trầm cảm khác thấm nhập vào tâm hồn chúng ta, kéo chúng ta đi xuống.
Vì sao chúng ta cần trải qua một vài dạng u sầu nào đó để được
trưởng thành sâu sắc hơn?
Thánh Thomas Moore đã viết một thấu suốt sâu sắc về cách
chúng ta cần cẩn thận lắng nghe các xung lực và nhu cầu của tâm hồn: “Trầm cảm
cho chúng ta những phẩm chất rất giá trị mà chúng ta cần để trở nên con người
trọn vẹn. Nó cho chúng ta sức nặng khi chúng ta quá xem nhẹ đời mình. Nó cho
chúng ta một mức độ trầm trọng. Nó cũng làm chúng ta già đi, để chúng ta phát
triển một cách thích hợp, không giả vờ làm mình trẻ hơn tuổi thật. Nó làm chúng
ta lớn lên và cho chúng ta một loạt cảm xúc, tính cách chúng ta cần để đương đầu
với sự nghiêm trọng của cuộc đời. Trong hình ảnh của các văn bản y khoa, các
phép chữa bệnh thời Phục hưng, trầm cảm được mô tả là người đội chiếc mũ rộng
vành, đứng trong bóng tối, tay ôm đầu.”
Milan Kundera, nhà văn người Czech, trong tác phẩm kinh điển, Đời
nhẹ khôn kham, đã vọng lại lời của Thánh Thomas Moore. Têrêxa, nhân vật nữ
chính đã đấu tranh để hòa giải với cuộc đời khi cuộc đời quá nhẹ nhàng, quá
sáng sủa, quá tầm phào, khi cuộc đời dường như thiếu vắng sự lo lắng gợi lên
bóng tối, gợi lên cái chết. Vì thế Têrêxa luôn thấy nhu cầu cần một sự trầm trọng,
một sự nặng nề ra hiệu để thấy cuộc đời không chỉ đơn giản là những chuyện hớn
hở, thoải mái tốt đẹp. Với Têrêxa, nhẹ nhàng tương đương với nông cạn.
Trong nhiều văn hóa, và thực sự trong mọi tôn giáo lớn, các
giai đoạn u sầu và buồn bã được xem là những con đường cần thiết chúng ta phải
đi để đào sâu nhận thức và có được đồng cảm. Và đó có phải là một phần rất quan
trọng trong việc trải qua Mầu nhiệm Vượt qua trong kitô giáo đó sao? Chính Chúa
Giêsu khi chuẩn bị làm của lễ tối hậu cho tình yêu, Ngài đã phải đau đớn chấp
nhận không có con đường đến niềm vui Ngày Chúa nhật Phục sinh nếu không có sự nặng
nề của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày thứ Sáu tốt lành. Làm sao ngày thứ Sáu tốt
lành có thể tốt, nếu u sầu, buồn bã và nặng nề tâm hồn là những dấu hiệu nói rằng
chúng ta có gì đó không ổn?
Vì thế chúng ta nên nhìn vào những giai đoạn buồn bã và nặng
nề trong đời mình như thế nào? Chúng ta nên xử lý u sầu và những hệ lụy của nó
như thế nào?
Trước hết, điều quan trọng là xem u sầu (dù ở dưới dạng nào)
là một điều bình thường, có khả năng làm cho đời mình lành mạnh. Nặng nề
tâm hồn không nhất thiết là dấu chỉ bên trong chúng ta có gì đó không ổn. Đúng
hơn, và hầu như thường xuyên, đó là khi tâm hồn chúng ta kêu gào đòi chúng ta
chú ý, muốn được lắng nghe, cố giữ chúng ta theo một cách sâu sắc hơn, và nói
như Thánh Thomas Moore đã nói: đó là cố làm chúng ta sâu sắc hơn theo một cách
đúng đắn.
Nhưng để được như vậy, chúng ta cần chống lại hai cám dỗ đối
lập, cụ thể là đánh tan buồn bã hoặc đắm chìm vào buồn bã. Chúng ta cần cho u sầu
một thời hạn thỏa đáng, chỉ vậy thôi. Làm sao chúng ta có thể làm được? Tâm lý
gia người Mỹ James Hillman cho chúng ta lời khuyên: “Làm gì với nặng nề
của tâm hồn? Hãy cho nó vào vali và đem theo mình. Giữ nó gần mình, nhưng kiềm
chế, sẵn sàng dùng nhưng đừng để nó chiếm lấy mình.”
Những lời này giúp chúng ta hiểu hơn về thách thức của Chúa
Giêsu dành cho chúng ta: Nếu các con muốn làm môn đệ của Thầy, hãy vác
thập giá hằng ngày và theo Thầy.
Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét