Trang

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

20-05-2015 : THỨ TƯ TUẦN VII MÙA PHỤC SINH

20/05/2015
Thứ Tư sau Chúa Nhật VII Phục Sinh


Bài Ðọc I: Cv 20, 28-38
"Tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa, Ðấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô nói với các trưởng giáo đoàn Êphêxô rằng: "Các ông hãy thận trọng, và săn sóc đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt các ông làm giám quản điều khiển giáo đoàn của Chúa đã được Người cứu chuộc bằng máu. Phần tôi, tôi biết rằng sau khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập giữa các ông, chúng không dung tha đoàn chiên; và ngay giữa các ông sẽ có những kẻ ăn nói xảo trá nổi dậy để lôi kéo các môn đồ theo họ. Vì thế, các ông hãy tỉnh thức, và nhớ rằng trong ba năm trời, đêm ngày tôi không ngừng sa lệ mà khuyên bảo từng người. Và bây giờ, tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, Người là Ðấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp làm một với tất cả mọi người đã được thánh hoá. Tôi đã không ham muốn bạc, vàng, hay y phục của ai hết, như chính các ông đã biết. Những đồ gì tôi và những kẻ ở với tôi cần dùng, thì chính hai bàn tay này đã làm ra. Bằng mọi cách, tôi đã chỉ bảo cho các ông rằng phải làm việc như vậy, để nâng đỡ những người yếu đuối, và ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã phán: "Cho thì có phúc hơn là nhận"."
Nói xong, ngài quỳ xuống cầu nguyện với mọi người. Ai nấy đều khóc lớn tiếng, và ôm cổ Phaolô mà hôn, họ đau buồn nhất là vì lời ngài vừa nói rằng họ sẽ không còn thấy mặt ngài nữa. Rồi họ tiễn đưa ngài xuống tàu.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 67, 29-30. 33-35a. 35b-36c
Ðáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, xin tỏ ra quyền năng của Chúa. Ôi Thiên Chúa, xin củng cố sự việc Chúa đã làm cho chúng con! Vì thánh đài của Chúa ở Giêrusalem, các vua sẽ tiến dâng Ngài lễ vật. - Ðáp.
2) Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa, hãy xướng lên bài ca mừng Chúa, mừng Ðấng ngự giá qua cõi trời, cõi trời ngàn thu! Kìa Ngài lên tiếng, tiếng nói quyền năng: "Các ngươi hãy nhìn biết quyền năng Thiên Chúa". - Ðáp.
3) Oai nghiêm Ngài chiếu giãi trên Israel, và quyền năng Ngài trên cõi nước mây. Từ thánh điện của Ngài, Thiên Chúa đáng tôn sợ. Thiên Chúa của Israel, chính Ngài ban cho dân Ngài được quyền năng và mãnh lực. - Ðáp.

Alleluia: Mt 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 17, 11b-19
"Ðể chúng được nên một như Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: "Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.
"Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Thánh Trong Chân Lý
Khi đọc đoạn Phúc Âm trên, chúng ta thấy Chúa Giêsu cầu nguyện nhiều lần và có lần như thánh Luca kể lại "Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm". Phúc âm đã kể lại một vài câu kinh ngắn mà Chúa Giêsu cầu nguyện, chỉ có lần này thánh Gioan kể lại câu kinh rất dài và tỉ mỉ của Chúa Giêsu. Ðiều đặc biệt hơn nữa là khi nói đến cầu nguyện, chúng ta nghĩ là mình cùng cầu nguyện với Chúa Giêsu và cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu. Còn ở đây, chính Chúa Giêsu cầu nguyện và cầu nguyện vơí Chúa Cha cho chúng ta, cho các tông đồ và những người theo Chúa sau này. Phải! Chúa Giêsu cầu nguyện cho các tông đồ lúc bấy giờ, đồng thời Ngài còn cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài trong tương lai. Ngài cũng cầu nguyện cho chúng ta khi chúng ta nghe những lời dạy của các tông đồ và các Ðấng kế vị các tông đồ và Ngài cũng cầu nguyện cho tất cả những người theo đạo Chúa Giêsu. Người nói: "Con không chỉ cầu cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ họ mà tin vào Con".
Tại sao Người cầu nguyện cho các Tông đồ? Vì Người sắp về cùng Cha Người, các tông đồ còn ở lại, các ông đã được Ngài sống ở bên và gìn giữ. Bây giờ Người ra đi, nhưng họ còn ở lại trên trần gian để tiếp tục sứ mệnh của Người. Người lo cho họ là phải, vì Người nói rằng: "Bởi họ không thuộc về thế gian này nên thế gian ghét họ" (Ga 15,18); các tông đồ còn phải bị bắt bớ, nhất là Người e ngại họ phải sa ngã.
Vậy Người xin điều gì với Chúa Cha? Ðiều gì làm Ngài bận tâm hơn hết cho các Tông đồ lúc đó và cho ta sau này? Thì đây Người đã cầu nguyện ba lần:
* Cầu cho họ được hiệp nhất trong tình thương.
* Cầu cho họ khỏi bị bách hại.
* Cầu cho họ được thánh hiến trong sự thật.
- Thứ nhất: Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các tông đồ được hiệp nhất trong tình thương "Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ chúng nhờ danh Cha mà Cha đã ban cho Con để chúng nên một như Chúng Ta" (Ga 17,11.21-23). Người muốn cho họ hiệp nhất trong tình thương để khi nhìn họ, người ta biết được họ là môn đệ của Người "cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là nếu các con yêu thương nhau" (Ga 13,35), đó là cách tín nhiệm Người hơn hết.
Tình thương ấy phải vô điều kiện và cao thượng, tình thương mà Người đã biểu lộ là yêu đến chết và dám chết cho người mình yêu "không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống cho người mình yêu" (Ga 15,13). Và nếu biết rằng yêu là dám chết cho người mình yêu, thì ở đây yêu là đưa người mình yêu được hiểu biết và nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa, để nhờ đó được hạnh phúc trọn vẹn, tức là được hưởng sự sống đời đời. Chúa Giêsu cũng nêu gương hiệp nhất để họ noi theo, đó là gương hiệp nhất giữa Ngài và Thiên Chúa Cha: "Lạy Cha Chí Thánh, xin hiệp nhất để họ nên một như Chúng Ta là một".
- Thứ đến: Chúa Giêsu cầu nguyện để gìn giữ cho các Tông đồ và chúng ta sau này khỏi bị ác hại bởi thần dữ. Nói đến ác thần và sự dữ, Chúa Giêsu không những nhớ đến chúng ta phải chịu những đau khổ thử thách hay kể cả bị bắt bớ, vì Người đã biết và nói trước "thế gian ghét anh em, vì Thầy đã chọn anh em và tách anh em ra khỏi thế gian, vì thế mà thế gian ghét anh em" (Ga 15,18-21). Sống trong tội lỗi là mất thân tình với Thiên Chúa, là xa rời Thiên Chúa, như vậy là phá vỡ sự hiệp thông vơí Chúa và trong Chúa.
- Sau đó, Người cầu cho họ được thánh hiến trong sự thật: "Xin Cha dùng Chân Lý Cha mà cho họ nên thánh, Lời Cha tức là Chân Lý, Cha đã sai Con xuống thế làm sao, Con cũng sai họ đến cùng thế gian như vậy. Chính vì họ mà Con đã tự thánh hiến, ngõ hầu họ cũng được thánh hiến trong Chân Lý" (Ga 17,17-19). Chữ "thánh hiến" ở đây đa số các nhà bình giải Thánh Kinh hiểu là thánh hóa và hiến tế Chính Chúa Giêsu hiến thánh chính mình làm lễ vật để kính tiến lên Chúa Cha.
Người được thánh hiến, tức là được xức dầu để làm công việc Chúa Cha sai đi là thánh hóa và cứu chuộc chúng ta, chúng ta cũng được thánh hóa và hiến tế, cũng nhận ba chức vụ là thánh hóa, tư tế và vương quyền để làm nhiệm vụ thánh hóa chính mình và thánh hóa tha nhân. Thánh hiến nhờ Sự Thật và trong Sự Thật. Sự Thật đó là gì? Là Sự Thật của Thiên Chúa, là Cha nhân từ đầy yêu thương, Ngài muốn cho con cái mình được cứu rỗi. Sự thật chúng ta rất yếu đuối vì bị ảnh hưởng của tội lỗi, nhưng nếu chúng ta thật lòng nhìn nhận và tôn thờ Thiên Chúa thì chúng ta sẽ lãnh nhận được ơn Chúa cứu chuộc.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa hứa sẽ gởi Chúa Thánh Thần là thần Chân Lý và Sự Thật ở với chúng con luôn mãi, xin Chúa hãy sai Thánh Thần đến và ở trong chúng con, ân ban cho chúng con ba điều mà Chúa Giêsu đã dạy là xin ban cho con, cho tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội được gìn giữ trong tình thương, được hiệp nhất trong Thánh Thần và được thánh hiến trong Sự Thật. Amen.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần VII PS
Bài đọc: Acts 20:28-38: Jn 17:11-19.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nỗi quan tâm của mục tử khi phải rời bỏ đoàn chiên của mình.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã từng phân biệt người mục tử tốt lành khác với người chăn chiên. Các Bài Đọc hôm nay đi xa hơn, khi nói lên mối quan tâm của những người mục tử tốt lành lo lắng cho đoàn chiên khi ông phải xa cách đoàn chiên mình. Người mục tử tốt lành không những lo chăm sóc, dạy dỗ, và bảo vệ đoàn chiên khi còn sống; mà còn kiếm người bảo vệ và săn sóc chiên khi biết mình sắp qua đời. Người chăn chiên có tốt lắm cũng chỉ săn sóc và bảo vệ chiên khi còn sống, ông không quan tâm đến đoàn chiên khi phải từ giã cuộc đời.
Trong Bài Đọc I, Thánh Phaolô giao đoàn chiên mình cho những kỳ mục tại Ephesô. Ngài muốn họ hãy chăm sóc đòan chiên một cách vui vẻ và vô vị lợi, bảo vệ họ khỏi những nanh vuốt của quỉ dữ và của thế gian. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cầu nguyện và đặt đoàn chiên dưới sự che chở của Chúa Cha. Ngài cầu xin Chúa cha thánh hiến các môn đệ của Ngài trong sự thật, và gìn giữ họ khỏi thế gian và ác thần.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lời căn dặn của Phaolô cho các kỳ mục tại Ephesus trước khi về Jerusalem.
1.1/ Họ phải ý thức bổn phận cao quí và quan trọng của họ: Đó là họ phải bảo vệ món quà vô giá là đức tin của họ và của đoàn chiên. Phaolô khuyên nhủ họ: "Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình." Để bảo vệ đức tin, Phaolô nêu bật hai điều quan trọng hơn cả:
(1) Họ phải bảo vệ sự thật giữa bao điều giả trá: Phaolô biết rõ tầm quan trọng của việc biết sự thật, và sự nguy hiểm của bao điều giả trá, từ kinh nghiệm mục vụ của mình. Ông cảnh giác giới lãnh đạo: "Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đoàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng." Đoàn chiên còn ngây thơ, non dại; chúng chưa biết tất cả sự thật. Vì thế, bổn phận của các mục tử là không ngừng dạy dỗ đòan chiên để chúng biết nhận ra sự thật giữa bao sự gian xảo.
(2) Họ phải canh thức và khuyên nhủ: Các con chiên không luôn nghe tiếng chủ: có con ham chơi rồi đi lạc, có con cứng đầu chống lại cần phải sửa phạt; nhưng người mục tử tốt lành không bao giờ bỏ rơi bất cứ con nào. Vì thế, việc chăm sóc đòan chiên đòi người mục tử phải để ý tới từng cá nhân khi có thể, như Phaolô trưng dẫn kinh nghiệm của mình: "Vì vậy anh em phải canh thức, và nhớ rằng, suốt ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ."
1.2/ Những điều quan trọng khác:
(1) Sức mạnh của Lời Chúa: Nhận ra sự khẩn thiết của việc biết sự thật như đã nêu trên, Phaolô chỉ cho họ biết kho tàng khôn ngoan của Lời Chúa: "Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến." Lãnh đạo khôn ngoan cần đặt căn bản trên Lời Chúa, và xây dựng trên niềm tin vào Thiên Chúa.
(2) Phần thưởng của người mục tử không dựa trên những lợi lộc vật chất: Khác với những nhà lãnh đạo thế gian, họ quan tâm đến địa vị, uy quyền, và những lợi lộc vật chất; người lãnh đạo dân Chúa phải biết hy sinh cách vô vị lợi, và cố gắng sinh sống bằng bàn tay của mình, như Phaolô đã làm: "Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp." Dĩ nhiên, đó là điều lý tưởng; nhưng như Chúa Giêsu dạy và Phaolô nói sau này: "thợ làm vườn đáng được trả công." Hơn nữa, việc khai mở và nuôi dưỡng đức tin phải được ưu tiên hơn việc kiếm kế sinh sống.
(3) Hãy lo lắng cho những người yếu kém: "Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận." Trong đoàn chiên, sức mạnh và khả năng của mỗi con chiên khác nhau; người mục tử cần chú ý hơn đến những con chiên yếu ớt, bệnh tật.
Khi đã khuyên bảo xong, ông Phaolô cùng với tất cả các anh em quỳ gối xuống cầu nguyện. Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu.
2/ Phúc Âm: Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.
2.1/ Chúa Giêsu biết sự nguy hiểm cho các môn đệ khi sống trong thế gian.
Chúa Giêsu biết đã đến giờ Ngài phải bỏ thế gian, nên Ngài tâm sự với Chúa Cha: "Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha." Giờ Chúa Giêsu phải rời bỏ các môn đệ, cũng là giờ mà các ông phải đương đầu với quyền lực của thế gian một mình. Ngài biết hậu quả sẽ nghiêm trọng chừng nào, như Ngài đã từng nói với các môn đệ: "Họ sẽ tiêu diệt chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác." Nhìn lại kết quả việc chăn chiên của mình, Chúa Giêsu hãnh diện nói với Chúa Cha: "Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh."
Thế gian sẽ ghét bỏ và truy tố các môn đệ như họ sắp ghét bỏ và truy tố Chúa Giêsu. Lý do là vì cả Chúa Giêsu và các môn đệ không thuộc về thế gian. Ngài muốn cho các ông biết rõ điều này; để các ông không ngạc nhiên khi điều đó xảy đến.
2.2/ Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ: Biết những nguy hiểm sẽ xảy đến cho các môn đệ như thế, Ngài cầu xin Chúa Cha ban cho các ông những điều quan trọng sau:
(1) Xin Chúa Cha bảo vệ các môn đệ khỏi ác thần: "Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian." Chúa Giêsu không xin "cất các môn đệ khỏi thế gian;" nhưng Ngài xin "gìn giữ họ khỏi ác thần." Các ông phải ở lại thế gian để tiếp tục sứ vụ rao giảng của Ngài.
(2) Xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ trong sự thật: Giống như Phaolô, Chúa Giêsu biết nguy hiểm của sự sai lạc: "Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật." Sự thật đây là Lời Kinh Thánh và những lời tâm huyết Chúa Giêsu vừa dạy dỗ họ. Ngài biết mọi hành động sai bắt đầu từ sự hiểu biết sai; vì thế, hiểu biết sự thật là điều không thể thiếu cho các môn đệ của Chúa.
Cả hai điều cầu xin này đều được Chúa Cha ban cho các môn đệ qua việc ban Thánh Thần. Ngài là thần sự thật, Ngài sẽ giúp các ông nhận ra sự thật và sẽ hướng dẫn các ông tới tất cả sự thật. Ngài cũng là người bảo vệ và giúp các ông có sức mạnh làm chứng nhân cho Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi người chúng ta đều được kêu gọi để trở thành mục tử nhân lành: hoặc một số người con như bậc làm cha mẹ, hoặc một số đông như bậc linh mục, giám mục. Chúng ta phải lo cho đoàn chiên không chỉ lúc còn sống, mà còn cả khi chúng ta phải rời bỏ họ.
- Người mục tử nhân lành phải xây dựng đời mình trên đức tin và Lời Chúa. Họ phải làm hết cách sao cho đoàn chiên có một đức tin vững mạnh và hiểu biết Lời Chúa cách sâu xa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

20/05/15 THỨ TƯ TUẦN 7 PS
Th. Bê-na-đi-nô Xi-ê-na, linh mục
Ga 17,11b-19

Suy niệm: 1. Chúa Giê-su thánh hiến chính mình Ngài cho chúng ta: Đức Giê-su là sự thật. Ngài là lời của Thiên Chúa. Chính Ngài đã dùng lời của Ngài để thánh tẩy, hướng dẫn và soi sáng chúng ta, để chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Ngài thánh hiến chính mình Ngài cách tuyệt đỉnh bằng hy tế thập giá mà giờ đây vẫn tiếp diễn qua hy tế thánh thể trên bàn thờ. 2. Chúng ta được thánh hiến cho Chúa trong sự thật :Người đã cầu xin Thiên Chúa Cha thánh hóa cho chúng ta trong sự thật của Người. Bí tích Rửa tội cho chúng ta tham dự vào thế giới thần linh của Thiên Chúa. “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ” (Gn 17,17).
Mời Bạn tự xét mình: - Qua Bí Tích Rửa Tội, bạn được thánh hiến để làm con Chúa, bạn đã sống đúng vai trò là con cái Chúa, hay bạn chạy theo thế gian, xác thịt mà quên sự thật của mình là con cái sự sáng không? - Chính Chúa Giê-su là sự thật, là Lời của Thiên Chúa. Mỗi khi đọc lời Chúa, bạn đã cảm nhận và yêu mến Người chưa? – Bạn có siêng năng lãnh nhận Thánh Thể là chính Chúa Giê-su thánh hiến mình Ngài cho chúng ta để chúng ta cũng được thánh hiến nhờ kết hiệp với Ngài?
Sống Lời Chúa: Nhắc nhủ mọi người trong gia đình chuyên cần đọc Lời Chúa và rước Thánh Thể để được thánh hiến cho Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã xin Chúa Cha thánh hiến chúng con bằng lời chân lý Chúa. Xin cho chúng con biết sống theo sự thật để luôn được thuộc trọn về Chúa.

Xin Cha gìn giữ họ 
 Đời người Kitô hữu chẳng an toàn, vì họ được sai vào thế gian. Thế gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi họ phải đến, phải đằm mình vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu. 

Suy nim:
Chúng ta đang sống trong một thế giới tự nhận là khoa học kỹ thuật,
trong đó dường như Thiên Chúa vắng mặt,
và Quỷ dữ, Ác thần, Satan cũng không có chỗ.
Thật ra, cả Thiên Chúa lẫn Satan đều có mặt trong thế giới này.
Con người sống trong thế giới là chịu sự lôi kéo của cả hai.
Khi dâng lời cầu nguyện lúc sắp trở về với Cha,
Đức Giêsu ý thức hơn khi nào hết quyền lực có thật của quỷ dữ
đang tác động trên các môn đệ còn sống ở trần gian.
Chính vì thế Ngài khẩn khoản xin Cha gìn giữ họ khỏi Ác thần (c. 15).
“Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ… Con đã canh giữ họ…” (c. 12).
Gìn giữ các môn đệ là việc Đức Giêsu đã làm trong suốt sứ vụ,
và Ngài đã không để ai trong họ phải hư mất, trừ Giuđa.
Những sói dữ bao giờ vẫn có, chúng khuấy phá đàn chiên.
Mục tử Giêsu đã không để ai cướp được chiên khỏi tay mình,
và trong cuộc chiến đấu này, Ngài đã dám hy sinh mạng sống (Ga 10, 11).
Bây giờ Ngài xin Cha tiếp tục gìn giữ các môn đệ (c. 11b),
là đoàn chiên của Cha mà Cha đã ban cho Ngài chăm sóc.
Vì Thiên Chúa là Cha chí thánh đối với Đức Giêsu (c. 11b),
nên Cha có khả năng làm cho các môn đệ nên thánh.
Thánh thiện là thuộc tính của Thiên Chúa Cha,
nhưng Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6, 69),
và Đấng Phù Trợ được gọi là Thánh Thần (Ga 14, 26).
Thánh thiện là nét chung của Ba Ngôi, tách biệt Ba Ngôi khỏi thế giới,
dù thế giới vẫn là đối tượng để Ba Ngôi luôn cùng nhau hướng về.
Ba Ngôi vẫn muốn chia sẻ sự thánh thiện của mình cho thế giới.
“Các ngươi phải nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11, 44).
Đức Giêsu xin Cha thánh hóa các môn đệ (c. 17),
nhờ Thánh Thần mà Cha sắp ban xuống trên họ.
Làm cho các môn đệ nên thánh chính là tách biệt họ ra khỏi thế gian,
với lối suy nghĩ và hành động, với những giá trị riêng của nó.
Thánh hóa môn đệ chính là làm cho họ không thuộc về thế gian nữa,
để như Đức Giêsu, họ thuộc về Cha trọn vẹn (c. 16).
Nhưng tách biệt khỏi thế gian lại không có nghĩa là cất họ khỏi đó (c. 15),
và giữ họ an toàn trong tháp ngà bảo đảm.
Đời người Kitô hữu chẳng an toàn, vì họ được sai vào thế gian (c.18).
Thế gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi họ phải đến,
phải đằm mình vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu.
“Các con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt 5, 13).
Được thánh hóa, được tách khỏi thế gian, chính là để được sai vào đó.
Nếu không được thánh hóa, không thuộc về Chúa, thì khi được sai vào,
ta sẽ chẳng biến đổi được thế gian, và sẽ bị nó nuốt chửng.
Cầu nguyn:

Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
20 THÁNG NĂM
Một Lời Hứa Được Hoàn Thành
“Đấng Bảo Trợ – là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy – Ngài sẽ dạy cho anh em mọi điều và sẽ nhắc anh em nhớ lại tất cả những gì Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26). Đức Kitô thốt lên những lời này vào buổi chiều hôm trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn và lãnh nhận cái chết thập giá, buổi chiều Người chia tay với các Tông Đồ. Chúng ta ôn lại những lời này trong Mùa Phục Sinh. Chính trong Mùa Phục Sinh mà lời hứa về Chúa Thánh Thần sẽ được hoàn thành trọn vẹn.
Ngay buổi chiều sau khi sống lại, Đức Kitô đã trao ban Thánh Thần cho các Tông Đồ tụ họp trong căn gác thượng. Người nói với họ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22). Người mang Thánh Thần – như một quà tặng – đến cho Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần sẽ được mặc khải xung quanh các biến cố của Lễ Ngũ Tuần – cũng như trong tư cách là một quà tặng trao ban cho Giáo Hội. Trong những ngày này và những tuần lễ này, tất cả chúng ta được mời gọi cảm nghiệm đặc biệt về mối gắn kết giữa Lễ Phục Sinh và Lễ Hiện Xuống. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa tiếp tục đổ tràn Thánh Thần của Ngài xuống trên Dân Ngài.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 20 - 5
Thánh Bernarđinô Sieena, linh mục
Cv 20, 28-38; Ga 17, 11b-19.

LỜI SUY NIỆM: “Lạy Cha chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha, mà Cha đã ban cho Con, để họ nên một như chúng ta”.
Chúa Giêsu đang cầu nguyện cùng Chúa Cha; Người xin chính Chúa Cha gìn giữ mỗi người trong chúng ta, trong chính Danh của Ngài; đồng thời Người cũng trình bày với Chúa Cha ước muốn của Người là: tất cả chúng ta là những người đã được Chúa Cha ban cho Người, đều được nên một trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con cảm tạ Chúa. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết cọng tác với Chúa trong lời cầu xin này, để chúng con được vui hưởng hạnh phúc đời đời trong Nước Chúa.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 20-05: Thánh BERNADINÔ thành Siêna
Linh mục (1380 - 1444)

Thánh Bernadinô xuất thân từ gia đình quý phái Abbizeschi thành Siêna. Ngài sinh ngày 8 tháng 9 năm 1380 tại Massa Ma-rittima, là nơi thân phụ Ngài làm thống đốc. Nhưng khi mới ba tuổi, Ngài phải mồ côi mẹ, và 6 tuổi phải mồ côi cha, Ngài được giao phó cho các bà Dì ăn sóc.
Các dì thay thế người mẹ quá cố của Bernadiô để nuôi dưỡng và săn sóc con trẻ về mọi phương diện, nhất là trong đời sống trọn lành. Từ nhỏ, Bernadinô đã có một lòng bác ái đặc biệt với người nghèo. Một lần kia, dì Biana đuổi một người ăn xin vì hết thực phẩm. Bernadinô đau đớn nài nỉ: - Vì tình yêu Chúa, ta hãy cho người này cái gì, bằng không cháu sẽ không ăn gì hôm nay, cháu thà nhịn đói còn hơn phải thấy ông ta còn đói.
Và bà dì đã vui vẻ bố thí cho người ăn xin này.
Trẻ Bernadinô rất yêu mến nhà thờ và sùng kính Đức Trinh Nữ. Mỗi thứ bảy Ngài ăn chay để kính mẹ. Hơn nữa, Ngài quyết giữ tâm hồn trong trắng như thiên thần không hề tham dự vào các trò chơi thô kệch, đỏ mặt khi nghe lời nói nhơ bẩn. Một lần có đứa vộ lại đề nghị chuyện tục tĩu, Ngài đã đấm thẳng vào mặt nó, khiến lắm kẻ ngạc nhiên. Sau này Ngài cũng phản ứng tương tự đối với một phụ nữ lẳng lơ.
Với một tâm hồn trong trắng như vậy, Bernadinô đã tỏ ra thông minh đặc biệt khi theo học ở Siêna. Năm 12 tuổi, Ngài được gởi tới Vienna để theo học văn chương và giáo luật. Năm 17 tuổi, Ngài gia nhập hội "Anh em Đức Mẹ" phục vụ bệnh nhân Scala. Bốn năm sau, xảy ra một cơn dịch hạch. Tại nhà thờ Sancta mỗi ngày có tới vài chục người chết. Ngài săn sóc họ và cũng bị nhiễm bệnh, Bernadinô say sưa tận tụy phục vụ làm cho nhiệt tâm của Ngài lan sang tâm hồn các bạn. Ngài lao mình vào giữa nguy hiểm để săn sóc bệnh nhân và chôn cất người chết. Ngài thoát chết, nhưng đã ngã bệnh hầu kiệt sức và không bao giờ hồi phục hoàn toàn.
Sáng ngày 08 tháng 9 năm 142, sau khi giúp đỡ một người Dì cả điếc lác trong một cơn bệnh cuối cùng, Bernadinô đã phân phát hết tài sản cho người nghèo rồi gia nhập dòng thánh Phanxicô. Năm 1404, Ngài thụ phong linh mục, tiếp đến là khoảng 12 năm Ngài sống ẩn dật, nhưng sau đó là những ngày tháng đi rao giảng, không biết mệt mỏi khắp nước Ý.
Nhận biết rõ tư tưởng thần học sâu sắc của con người khiêm tốn Bernadinô, bề trên buộc Ngài phải từ bỏ nếp sống ẩn dật để đi rao giảng lời Chúa cho dân chúng. Thánh nhân có một giọng nói yếu ớt khàn khàn khó nghe. Nhưng là vì bổn phận nên Ngài chạy đến sự phù giúp của trinh nữ và tiếng Ngài trở nên mạnh mẽ trong sáng. Bài giảng đầu tiên, Bernadinô ngưng lại giữa chừng rồi lại tiếp tục không ai biết chuyện gì. Sau này thánh nhân cho biết lúc ấy Ngài bỗng thấy chị em con Dì là Tobia "mặc áo trắng bất tử mà về trời". Nghe Bernadinô giảng nhiều tâm hồn quyết sống xứng đáng hơn.
Các linh mục hỏi Ngài cho biết bí quyết nào để rao giảng hùng hồn như vậy, Ngài trả lời: - Hãy tìm vinh danh Chúa và lợi ích các linh hồn mà thôi, hãy thực hiện điều mình giảng cho người khác, Chúa Thánh Thần sẽ là thày dạy sự khôn ngoan mà không ai chống lại được. Những chủ đề chính Ngài rao giảng là nhu cầu phải sám hốn và phải trừ bỏ mọi nết xấu, nhất là những cuộc cãi vã về chính trị, cờ bạc "giả trá" trong việc ăn mặc và trong cách cư xử.
Ngài đề cập đến các chủ đề này một cách sống động với những giai thoại điển hình, khiến đông đảo dân chúng lắng nghe hàng giờ không biết chán, và quyết tâm hối cải. Người ta sẽ còn nhớ đến Ngài như người khởi xướng việc tôn kính thánh linh Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse. Mỗi lần rao giảng, thánh nhân quen cầm tấmbảng viết tên Chúa Cứu thế "JHS" và khuyên mọi người hãy bắt chước mà vẽ tấm bảng như vậy rồi treo ở nhà tư hay ở những nơi công cộng. Bài giảng cuối cùng của thánh nhân về "thần hứng" chứng tỏ Ngài là nhà tâm lý thông hiểu đường lối thần bí và là thầy dạy có đầu óc phóng khoáng về lý thuyyết cầu nguyện chiêm niệm. Thánh Bernadinô xứng đáng kế nghiệp thánh Vincentê Ferie làmvị tông đồ nước Ý.
Ngày 20 tháng 5 năm 1444, thánh nhân Bernadinô từ trần ở Aquila Abruzzi và được chôn cất tại đây. Các phép lạ xảy ra ngay tại mồ Ngài đã khiến đức Giáo hoàng Nicôla V tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh ngay sáu năm sau.
(daminhvn.net)



20 Tháng Năm
Kẻ Ăn Cắp Một Ổ Bánh Mì
Người ta thường kể về một trong những ông thị trưởng đầu tiên của thành phố New York bên Hoa Kỳ giai thoại như sau: một ngày mùa đông lạnh buốt nọ, ông thị trưởng phải chủ tọa các phiên tòa. Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi. Người đàn ông này bị tố cáo là đã ăn cắp một mẩu bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là: "Gia đình tôi đang chết đói".
Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biẹn bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: "Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng 10 đô la". Vừa công bố bản án, ông thỉntưởng rút trong túi của mình ra 10 đô la và trao cho ngwòi đàn ông khốn khổ. Quay xuống cử tọa ông nói tiếp: "Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp". Nói xong, ông ra lệnh cho viên biện lý đi thu tiền vảtao tất cả cho ông lão.
Khi chiếc mũ đã được truyền một vòng tòa án và trở về tay mình, ông lão đếm được tất cả 47 đô la 50 xu.
Trong sứ điệp Mùa Chay năm 1991, Ðức thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta hãy đọc và suy ngẫm về bài dụ ngôn người giàu có và Lazarô.
Mới nghe qua, chúng ta có cảm tưởng người giàu có trong bài dụ ngôn đã không làm điều gian ác nào để đến độ phải bị trầm luân. Chúa Giêsu đã không nói: ông đã trộm cướp, hay biển lận hoặc gian xảo trong việc làm ăn. Ngài cũng không kết án việc ông ngày ngày yến tiệc linh đình.
Vậy thì đâu là tội của người phú hộ? Thưa đó là tội dửng dưng trước nỗi khổ của người khác. Chúa Giêsu nói đến sự hiện diện ngày qua ngày của một người khốn khổ trước cửa nhà ông để cho chúng ta thấy sự đang tâm làm ngơ của người giàu có... Máu chảy, ruột mềm. Trước cảnh khốn khổ của người đồng loại, mà người giàu có ấy vẫn không biểu lộ một chút xúc động hoặc làm như không nhìn thấy, thì quả thật không gì đáng trách bằng, bởi vì người giàu có đã làm cho trái tim của mình khô cứng.
Dửng dưng trước nỗi khổ của người khác không là một thái độ vô thưởng vô phạt, mà là một hành động tội ác. Ông thị trưởng thành phố New York trong câu chuyện trên đây quả thực đã thấy được tội ác của chính ông và của thị dân của ông đối với lão ông ăn cắp bánh mì.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét