Trang

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

28-05-2015 : THỨ NĂM TUẦN VIII MÙA THƯỜNG NIÊN

28/05/2015
Thứ Năm sau Chúa Nhật 8 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 42, 15-26
"Các công trình của Chúa đầy ánh vinh quang của Người".
Trích sách Huấn Ca.
Tôi sẽ ghi nhớ công trình của Chúa, và sẽ thuật lại những điều tôi đã thấy. Nhờ lời Chúa mà Chúa đã thực hiện những kỳ công. Mặt trời chiếu soi vạn vật, và công trình của Chúa đầy ánh vinh quang của Người.
Nào Chúa đã không ban cho các thánh được cao rao các việc kỳ diệu của Người, những việc mà Chúa toàn năng đã củng cố trong vinh quang của Người sao?
Người dò xét vực thẳm và lòng con người, thấu biết những mưu chước của họ, vì Chúa thấu suốt mọi sự và theo dõi những dấu thời đại, tuyên bố những gì thuộc về dĩ vãng và hậu lai, tỏ bày những dấu vết các việc ẩn kín. Không một tư tưởng nào mà Người không biết, không một lời nào có thể giấu được Người.
Người sắp đặt những kỳ công sự khôn ngoan của Người. Người có trước muôn đời và tồn tại muôn thuở, không thêm không bớt, không cần đến vị cố vấn nào. Mọi công trình của Người thực đáng quý chuộng, và như những ánh lửa người ta có thể ngắm nhìn. Mọi vật ấy đều sống động và tồn tại muôn đời, và vâng phục Người trong mọi hoàn cảnh. Tất cả đều có từng đôi và cái này đối diện với cái nọ, và Người không làm chi khuyết điểm. Vật này làm nổi bật vẻ đẹp cho vật kia. Và ai có thể nhàm chán nhìn xem vinh quang của Người?
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành (c. 6a).
Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran.- Ðáp.
2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa. - Ðáp.
3) Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành, và mọi cơ binh chúng đều do hơi thở miệng Người. Chúa thu nước biển lại như để trong bầu, Người đặt những ngọn sóng trong kho chứa đựng. - Ðáp.
4) Toàn thể địa cầu hãy tôn sợ Chúa, mọi người sống trong vũ trụ hãy kính nể Người. Vì chính Người phán dạy mà chúng được tạo thành, chính Người ra lệnh mà chúng trở nên thực hữu. - Ðáp.

Alleluia: Tv 144, 13cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 46-52
"Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ, và một đám đông, thì có con ông Timê tên là Bartimê, một người mù ăn xin đang ngồi ở vệ đường. Khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nagiarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi". Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Ðavít , xin thương xót tôi".
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh"? Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy". Chúa Giêsu đáp: "Ðược, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ðến với Chúa

Trước cửa Thiên Ðàng, một tu sĩ gõ cửa và cầu khẩn: "Lạy Chúa, xin cho con được vào". Cánh cửa vẫn đóng kín, nhưng có tiếng hỏi: "Con có mang theo điều gì không?". Vị tu sĩ đáp: "Con mang theo một bị chứa đầy những nhân đức của con". Có tiếng vọng lại: "Ðiều ấy tốt, nhưng Ta không thể mở cửa cho con vào".
Vị tu sĩ ra đi, nhưng buổi chiều ông lại đến gõ cửa để xin được vào. Lần này, khi được hỏi có đem theo điều gì không?, ông cho biết có đem theo công nghiệp của việc suy niệm và cầu nguyện lâu giờ. Tuy nhiên, ông vẫn chỉ nhận được lời này: "Thật là tốt, nhưng Ta vẫn không thể mở cửa cho con vào".
Vị tu sĩ lại ra đi, đến tối, ông trở lại. Lần này, ông chỉ đến với con người của ông mà thôi. Nhưng tức khắc cánh cửa mở rộng để cho ông bước vào.
Câu chuyện trên đây nhắc chúng ta về thái độ tinh thần cần phải có để đến với Chúa, đó là đến với Chúa bằng chính thực tế con người mình; bằng tâm tình tin tưởng và cậy trông vào lòng nhân từ của Chúa, hơn là dựa vào sức riêng của mình. Ðó cũng là thái độ chúng ta có thể thấy được nơi anh mù gần thành Yêricô mà Tin Mừng hôm nay ghi lại.
Anh mù đến với Chúa bằng chính thực tại đau thương của mình và trông cậy vào tình thương của Chúa: "Lạy con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi". Ðây là lời cầu xin của một tâm hồn khiêm tốn và tin tưởng, như Chúa Giêsu đã ghi nhận sau khi chữa lành anh: "Lòng tin của anh đã cứu chữa anh". Ðức tin nơi anh mù đã giúp anh vượt qua thử thách, người ta càng ngăn cản anh, anh càng kêu to hơn cho đến khi được Chúa nghe thấy và cho gọi anh lại.
Liệu chúng ta có đủ khiêm tốn, kiên trì chờ đợi gặp Chúa không? Chúng ta có ý thức mình cần đến ơn Chúa, cần đến tình yêu và sự tha thứ của Chúa không? Như anh mù, chúng ta hãy thưa: "Lạy Chúa, xin thương xót con". Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta nhìn thấy những kỳ công Chúa đã và đang thực hiện trong lịch sử nhân loại và trong chính đời sống chúng ta, để chúng ta trở thành bài ca tôn vinh Chúa luôn mãi.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 8 TN1, Năm Lẻ
Bài đọc: Sir 42:15-25; Mk 10:46-52.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quí trọng của con mắt.
Trong năm giác quan của con người, con mắt là quan năng cao trọng hơn cả; vì chúng cung cấp cho trí khôn những ảnh niệm để suy luận. Con mắt được dùng để nhìn và để đọc. Con người có thể dùng con mắt để nhìn thấy những kỳ công của Thiên Chúa tạo dựng, hay để đọc những gì hay mà người khác viết về Ngài. Con mắt luôn đi đôi với trí khôn suy luận. Con người có thể suy luận để biết có Thiên Chúa qua tất cả những gì con người nhìn thấy hay đọc được.
Các bài đọc hôm nay tập trung trong sự quan trọng của con mắt. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca dùng con mắt để chiêm ngưỡng những kỳ công Thiên Chúa tạo dựng, và dùng trí khôn để suy niệm sự quan phòng của Thiên Chúa, trước khi ông có thể tường thuật lại những gì Ngài làm để cho thế hệ tương lai được biết. Trong Phúc Âm, anh mù Bartimê đã cảm nghiệm được sự đau khổ của việc mù lòa, nên khi biết Đức Kitô đi ngang qua, anh nhất định la to lên xin chữa lành, và Ngài đã cho anh nhìn thấy.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Những điều mắt thấy, tôi sẽ kể lại.
1.1/ Sự tạo dựng tuyệt vời của Thiên Chúa: Rất nhiều tác giả của Kinh Thánh đã buộc tội con người khi họ có mắt nhìn mà vẫn không tin Thiên Chúa như tác giả của Thánh Vịnh, Isaiah, Job... Thánh Phaolô cáo buộc những người không tin như sau: “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ” (Rom 1:18-22). Tác giả Sách Huấn Ca bày tỏ niềm tin tương tự: “Tôi sẽ nhắc lại những công trình của Đức Chúa, những điều mắt thấy, tôi sẽ kể lại. Do lời Đức Chúa mà có những công trình của Người.”
1.2/ Sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ cách tuyệt vời như thế, Ngài còn quan phòng mọi sự cách kỳ diệu hơn nữa. Tác giả liệt kê một số những điều quan sát thấy:
(1) Thiên Chúa biết tất cả mọi sự xảy ra trong trời đất, ngay cả những ý nghĩ sâu thẳm trong tâm hồn con người: “Người dò thấu vực thẳm và cõi lòng nhân thế, hiểu rõ toan tính của con người... Không một ý nghĩ nào Người không thấu suốt, chẳng một lời nào là bí ẩn đối với Người.”
(2) Thiên Chúa không những biết hiện tại, mà còn thấu suốt mọi dĩ vãng, tương lai: “Người công bố dĩ vãng và tương lai, và mặc khải dấu vết của những điều bí ẩn.” Vì đối với Thiên Chúa, mọi sự đều xảy ra trong hiện tại.
(3) Thiên Chúa quan phòng mọi sự cách khôn ngoan: Trong sự quan phòng, Ngài chẳng cần phải thay đổi điều chi cả, và cũng chẳng cần ai làm cố vấn cho Ngài. Thiên Chúa điều khiển mọi sự xảy ra trong vũ trụ, những gì con người có thể thấy hay hiểu và những gì con người không thể thấu hiểu. Tất cả mọi sự đều vâng phục Ngài. Tác giả cho chúng ta hai ví dụ về sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa: Thứ nhất, Thiên Chúa dựng nên các sinh vật đều có đôi để truyền sinh, để bổ túc cho nhau, và để giúp nhau tìm được niềm vui. Thứ hai, là sự hòa điệu nhịp nhàng của muôn vật trong vũ trụ: “Vật này làm tôn vẻ đẹp của vật kia, nhìn ngắm vinh quang của Người, ai mà chán được?”
2/ Phúc Âm: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được."
2.1/ Niềm tin vững chắc của anh mù Bartimê: Trình thuật Marcô cho ta biết những đức tính của anh.
(1) Anh biết nhu cầu của mình: Mù lòa là sống trong tăm tối, nhìn đâu cũng toàn thấy một màu đen, đi đâu cũng phải có người dắt. Còn gì khổ hơn người suốt đời không nhìn thấy ánh sáng. Vì mù lòa nên anh không thể tự kiếm ăn, anh phải ăn xin vệ đường và chịu mọi người khinh bỉ. Mù lòa thể xác dẫn tới mù lòa trí tuệ và tinh thần, những mù lòa này còn khổ hơn vì phải sống trong sự giả trá sai lạc. Mù lòa thiêng liêng chỉ có thể được soi sáng bằng những sự thật đến từ Thiên Chúa. Chỉ có Ngài mới có thể cất đi mù lòa và soi sáng tâm hồn. Chúa Giêsu từng xác nhận: “Ta là ánh sáng thế gian... Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống.” Còn gì khổ hơn người suốt đời không biết sự thật, nhất là sự thật về đích điểm của cuộc đời. Anh biết mình cần được sáng mắt; vì thế khi được Chúa Giêsu hỏi: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Anh không chút ngần ngại trả lời: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được."
(2) Anh biết người nào có thể chữa mình: Bartimê mù chứ không điếc, anh để ý nghe ngóng những gì người ta đồn thổi. Qua sự nghe ngóng, anh tin chỉ có Chúa Giêsu mới có thể chữa anh khỏi mù. Khi cơ hội gặp Chúa Giêsu đến, anh nhất định không chịu bỏ qua.
(3) Anh không để bất cứ một trở ngại nào ngăn cản mình đến với thầy thuốc: Khi Chúa Giêsu đi ngang qua, anh mù gọi Chúa hai lần, lần thứ hai to hơn lần thứ nhất dù đã bị đám đông ngăn cấm. Khi biết Chúa gọi mình, anh tung áo choàng, bỏ tất cả mọi của cải anh có, đứng phắt dậy và chạy đến với Ngài. Người đang sống trong mù lòa đường thiêng liêng cũng cần có thái độ tương tự như anh. Đừng bỏ lỡ cơ hội học hỏi về Chúa, vì biết đâu khi cơ hội đã qua, nó sẽ không bao giờ trở lại nữa.
(4) Anh là người biết ơn và trả ơn Thiên Chúa: Sau khi được chữa lành, anh không bỏ đi như 9 người phong hủi; anh tung tăng đi theo Chúa Giêsu, có lẽ để ca tụng tình thương của Ngài đã dành cho anh cho mọi người được biết.
2.2/ Lòng thương xót của Chúa Giêsu: Thiên Chúa không bao giờ từ chối con cái vững lòng trông cậy nơi Ngài. Chúa Giêsu ban ánh sáng cho người mù vì Ngài nhìn thấy khát vọng được có ánh sáng và niềm tin của anh. Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
Thiên Chúa chắc chắn không để những người muốn tìm hiểu về Ngài phải thất vọng. Ngài ban cho mọi người có rất nhiều cơ hội để học hỏi về Ngài và về Đức Kitô, qua việc gởi các sứ giả đến rao giảng Tin Mừng bên ngoài và gởi Thánh Thần làm việc bên trong tâm hồn con người. Ai thành tâm đi tìm Ngài, chắc chắn sẽ được Ngài cho gặp.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, chúng ta hãy biết dùng đôi mắt để nhận ra những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm và tin vào Ngài.
- Người mù phần xác đã khổ, người mù về tâm linh còn khổ hơn. Chúng ta đừng nhìn những gì Thiên Chúa tạo dựng cách thờ ơ, lãnh đạm; nhưng phải biết suy nghĩ để nhận ra Người đã tạo dựng nên chúng và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

28/05/15 THỨ NĂM TUẦN 8 TN 
Mc 10,46-52

Suy niệm: Anh mù này hằng ngày ngồi ăn xin nơi cửa thành Giê-ri-cô, người ta đã quá nhẵn mặt anh, cả đến cha của anh người ta cũng biết: họ gọi anh là “Ba-ti-mê, con ông Ti-mê” mà! Thế nhưng có lẽ không ai hiểu nỗi lòng khao khát của anh: anh mong“được nhìn thấy”. Nghe người ta kể lại về một ông Giê-su chữa lành nhiều bệnh tật, anh tin rằng chỉ có Người mới có thể cứu anh và anh chờ đợi. Dịp may đến cho anh khi Đức Giê-su đi ngang qua đó. Vừa nghe nói có Đức Giê-su đi tới, anh liền chồm dậy la to, van xin Ngài cứu anh. Mặc cho người ta quát nạt và ngăn cấm, anh càng kêu to hơn. Anh khao khát được thấy. Anh tin rằng chỉ có Chúa mới có thể cứu chữa anh mà thôi. Anh biết anh cần Chúa! Và Chúa cũng biết anh cần Ngài! Ngài thấy lòng tin đó nơi anh và đã thương cứu chữa: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”
Mời Bạn: Tội lỗi là vật cản lớn nhất cắt đứt con đường dẫn bạn đến hạnh phúc đời đời. Chỉ mình Đức Ki-tô mới có thể cứu bạn khỏi tình trạng bế tắc đó. Bạn có khao khát được giải thoát khỏi tội lỗi và nhận ra mình đang cần Chúa không? Mời bạn đặt trọn niềm tin vào Ngài để bạn được cứu chữa. Bạn đã sẵn sàng cho việc này chưa?
Chia sẻ: Những lúc bạn đụng phải bế tắc trong cuộc sống, bạn có cảm thấy mình cần Chúa như thế nào không?
Sống Lời Chúa: Thầm nguyện tắt xin ơn Chúa trợ giúp và dâng Chúa công việc mình sắp làm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con nhận ra mình là một tội nhân cần được Chúa cứu chữa. Xin giúp con luôn khao khát và tìm kiếm Chúa trên mỗi công việc con làm. Amen.

Xin cho tôi nhìn thấy
 Dưới góc độ nào đó, chúng ta đều là những người mù. Chúng ta vẫn cần người khác để được sáng mắt, cần có ai đó dẫn ta mù lòa đến với Giêsu. 


Suy nim:
Bị mù mắt, thật là khổ.
Cả thế giới như khép lại trong toàn một màu đen.
Nhiều người thà chọn bị câm điếc còn hơn là mù.
Tuy vậy thế giới người mù cũng không bị hoàn toàn đóng kín.
Người mù còn có tai mở ra để nghe, miệng mở ra để nói.
Nếu biết tận dụng những gì mình có,
người mù cũng “thấy” được nhiều điều.
Có một người mù ngồi bên vệ đường, sống bằng nghề ăn xin.
Tai anh nghe thấy bước chân rộn rã
của một đoàn người khá đông, đang đi ra khỏi thành Giêricô.
Khi biết trong đoàn người này có Đức Giêsu Nadaret,
Đấng nổi tiếng về chữa bệnh và trừ quỷ,
anh mù thấy ngay cơ hội mình chờ đợi bấy lâu, nay đã đến.
Anh quyết sẽ không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở này.
Tuy bị mù, nhưng anh còn có tiếng nói.
Anh sẽ tận dụng tiếng kêu của mình để ông Giêsu chú ý đến anh:
“Lạy ông Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương xót tôi!”
Tiếc thay tiếng kêu của anh lại bị át đi bởi những tiếng nạt nộ.
Nhiều người bắt anh im đi để khỏi gây trở ngại cho cuộc hành trình.
Chẳng những không im, anh mù càng kêu lớn tiếng,
vì anh biết rằng chỉ cần làm cho Giêsu nghe được tiếng kêu của mình,
dù chỉ một lần, thì đời mình sẽ hoàn toàn thay đổi.
Anh mù cứ nhắc đi nhắc lại cùng một điệp khúc xin xót thương.
Giữa đám đông ồn ào náo động,
Đức Giêsu có nghe được tiếng anh mù gọi tên mình không?
Có, dù rất nhỏ, dù chỉ một lần.
Tiếng kêu ấy vừa thống thiết, quyết liệt, vừa đầy tin tưởng, cậy trông.
Tiếng kêu ấy báo hiệu về một sự hiện diện mà Ngài chưa rõ.
Tiếng kêu làm cho Ngài dừng lại (c. 49).
“Gọi anh ta lại đây.”
Lúc nãy anh gọi Giêsu, bây giờ Giêsu nhờ người ta gọi anh (c. 49).
Khi biết mình được gọi, anh mù nhảy cẫng lên,
vất cả áo choàng lại mà bước tới.
Nhưng anh vẫn cần có ai dắt anh đến gần Giêsu.
Ngài đã nghe anh xin Ngài thương xót, nhưng cụ thể anh muốn xin gì:
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 51).
Đức Giêsu muốn anh nói lên ước muốn của mình.
“Thưa Thầy, Rabbouni, xin cho tôi thấy lại được.”
Anh mù đã được thấy lại, anh lại thấy mặt trời và người xung quanh.
Anh thấy Giêsu, người anh tin nhưng chưa một lần gặp mặt.
Giêsu cho anh ánh sáng để anh khỏi phải ngồi ăn xin ở vệ đường.
Giêsu giải phóng anh khỏi bóng tối và trả cho anh phẩm giá anh vốn có.
Giêsu đã dừng lại, đã bắt cả đám đông phải dừng lại, chỉ vì anh.
Bây giờ anh muốn hòa mình với đám đông để theo Ngài trên đường (c. 52).
Dưới góc độ nào đó, chúng ta đều là những người mù.
Có khi ta biết mình mù và muốn thoát khỏi cảnh mù tối như Báctimê.
Nhưng có khi ta mù mà không biết, nên vẫn vô tư ở lại trong cảnh mù.
Tệ hơn nữa, có khi ta sáng mắt, nhưng lại cố ý không muốn thấy.
Cố ý không muốn thấy một sự thật rành rành chỉ vì cố chấp hay tư lợi.
Không thấy xà trong mắt mình, nhưng lại thấy rác trong mắt anh em.
Chúng ta vẫn cần người khác để được sáng mắt,
cần có ai đó dẫn ta mù lòa đến với Giêsu.
Điều gì có thể khiến ta bị mù?
Một định kiến có thể khiến ta khép lại trước một sự thật lớn hơn nhiều.
Điều ta biết, dù đúng, cũng chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ sự thật.
Một đam mê, dục vọng cũng có thể làm chúng ta bị mù (1 Ga 2, 16),
không muốn sáng mắt vì sợ phải từ bỏ điều mình gắn bó.
“Ta khuyên ngươi đến với Ta mà mua thuốc
để xức mắt cho ngươi nhìn thấy được” (Kh 3, 18).
Mong Giêsu chữa lành mắt ta mỗi ngày.
Cầu nguyn:

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.

Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.

Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG NĂM
Nỗi Xao Xuyến Không Ngừng Gặm Nhấm Tạo Vật
Con người có khả năng cầu nguyện. Vì thế, con người trở thành tiếng nói của mọi loài thụ tạo. Các Tông Đồ cầu nguyện với nhau và với Đức Maria trong căn gác thượng ở Giê-ru-sa-lem. Giáo Hội cầu nguyện nhân danh toàn thể mọi tạo vật.
Thật vậy, muôn loài đã bị lâm vào cảnh hư ảo (Rm 8, 20) do tội lỗi là cái chống lại Thần Khí trao ban sự sống. Và kìa, trước mắt chúng ta , con người đang đạt được những bước tiến bộ kỳ diệu trong các lãnh vực khoa học và kỹ thuật. Những thành tựu ấy đặc biệt mở ra cho thấy sự phong phú ẩn giấu trong tạo vật. Song nó cũng mở ra cho thấy sự tội đồn trú trong lòng con người và lan tràn ra các xã hội xét như một phần của lịch sử chúng ta.
Đó là lý do tại sao một nỗi xao xuyến đang dậy lên trong thế giới. Nhiều người sợ rằng thế giới tạo vật và mọi công cuộc của con người có thể còn lâm vào bế tắc hơn nữa – khi chúng ta kinh nghiệm những mối khủng hoảng và những đe dọa đang ngày càng gia tăng. Vì thế mọi tạo vật – xuyên qua lời cầu nguyện của mọi con người (hơn là xuyên qua các công trình của con người) – lên lời rên siết kêu nài. Thánh Phao-lô nói: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Ngài” (Rm 8, 19).
Chúng ta hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nói lên bằng mọi thứ ngôn ngữ của thế giới hiện đại – ngôn ngữ của văn hóa và văn minh; ngôn ngữ của sự đổi mới xã hội, kinh tế và chính trị; ngôn ngữ của công lý và giải phóng; ngôn ngữ của các hệ thống thông tin và của các phương tiện truyền thông đại chúng. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết công bố khắp mọi nơi về bao công trình kỳ diệu của Chúa. Xin Thánh Thần Chúa tràn ngập trên chúng con! Xin hãy đổi mới bộ mặt địa cầu xuyên qua sự mặc khải vinh quang của con cái Ngài”.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 28 - 5
Hc 42, 15-25; Mc 10, 46-52.

LỜI SUY NIỆM: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đa-vít., xin rủ lòng thương tôi!”
Đây là tiếng kêu của anh mù, đây là tiếng tuyên xưng của anh, dù mắt anh không thấy, Đây là niềm tin duy nhất của anh đặt vào tình thương của Chúa Giêsu, là Đấng Ki-tô, cho dù có rất nhiều sự ngăn cản, quát nạt; nhưng anh không tuyệt vong, và càng kêu khấng lớn hơn; và đã được Chúa cứu chữa, cho anh được thấy.
Lạy Chúa Giêsu, qua người mù Bác-ti-mê này. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con đặt trọn niềm tin vào lòng thương xót của Chúa, và cho chúng con biết vất bỏ tất cả mọi sự che chở thân xác con, để đứng thẳng dậy, chạy về hướng tiếng Chúa mời gọi, để được cứu chữa và được thấy.
Mạnh Phương


28 Tháng Năm
Người Tín Hữu Cuối Cùng
Tiểu thuyết gia Graham Greene thuật câu chuyện ông dự định viết như sau:
Ðây là một chuyện giả tưởng sẽ xảy ra trong tương lai rất xa, khi toàn thế giới chỉ còn được thống trị do một đảng duy nhất. Cảnh đầu tiên ở trong câu chuyện diễn ra trong một khách sạn nhỏ vào lúc màn đêm đã bao trùm vạn vật. Một người khách già nua, mệt nhọc, xốc xếch trong chiếc áo đi mưa đã phai màu, mang một chiếc xách tay tiến vào khách sạn, xin thuê một phòng. Ông ta viết tên họ, nghề nghiệp và địa chỉ vào bản lý lịch và chệnh choạng đi lên phòng. Người quản gia nhìn vào bản lý lịch và buộc miệng hỏi anh thư ký:
- Anh có biết ai đấy không?
- Làm sao tôi biết được. Anh thư ký trả lời.
- Ðức Giáo Hoàng đấy! Người quản gia quả quyết để anh thư ký tròn xoe đôi mắt hỏi vặn lại: Ðức Giáo Hoàng? Ðức Giáo Hoàng là gì?
Ðạo công giáo lúc ấy đã bị tiêu diệt hoàn toàn, chỉ còn Ðức Giáo Hoàng là người duy nhất được sống sót. Mạng Ngài còn được dung tha vì hai lý do: thứ nhất, đẻ chứng minh cho chính Ngài và cho mọi người là Giáo Hội đã chết và thứ hai, để theo dõi xem có tín hữu nào còn lần mò đến để tiếp xúc với Ngài không.
Khi đã biết chắc chắn 100% là duy có Ngài là độc nhất còn mang đức tin công giáo, nhà độc tài cho độ Ngài đến và tự tay lảy có súng, kết liễu cuộc đời người tín hữu cuối cùng. Nhưng trong giây phút, giữa lúc bóp cò và Ðức Thánh Cha chết, một ý tưởng lóe ra trong đầu óc nhà độc tài: Có thể điều này ông tin lại có thật, thì sao?
Xuyên qua đời sống tính nhân của các tín hữu, có thể những người xem thấy đời sống chứng tá của họ tự hỏi: Tại sao họ lại sống như thế? Tại sao họ không chạy theo trào lưu, sống như nhưng kẻ khác, thời bây giờ ai lại không mánh mum lừa đảo, chợ đen chợ đỏ, v.v...? Lý tưởng nào hay ai đã ghi hình ảnh trên họ? Tại sao họ lại sống ở giữa chúng ta? Như thế đời sống chứng nhân đã là một sự tuyên xưng thầm lặng của tín hữu, nhưng nó rất mãnh liệt và hữu hiệu. Ðó là những lời phát biểu của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trong lời giáo huấn của Ngài mang tựa đề "Truyền giáo trong xã hội tân tiến", Chúa Giêsu đã khẳng định: "Các con là muối đất", "Các con là ánh sáng thế gian". Ngài gọi những tín hữu như thế với lòng xác tín là họ xứng đáng để phơi bày và chia sẻ cho anh chị em đang sống bên cạnh.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét