Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

24-05-2015 : (phần II) CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

24/05/2015
Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
(Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)
KHỞI ĐẦU MỚI VỚI THÁNH THẦN
“Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần,
họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác,
tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho”

(Cv 2,4)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Chúa Kitô Phục Sinh lên trời để lại một khoảng trống trong đời sống của các Tông Đồ. Chúa Giêsu biết trước điều đó, nên đã hứa ban Thánh Thần để hướng dẫn các ngài: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Đoạn sách Công Vụ hôm nay là sự hiện thực hóa lời hứa của Chúa Giêsu.
Trước hết, đó là việc các Tông Đồ nhận được Thánh Thần. Quả vậy, Thánh Thần như “cơn gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà” (Cv 2,2). Thánh Thần là sức mạnh “từ trời”, từ nơi Thiên Chúa, đến lấp đầy tâm hồn trống trải, hoang mang của các Tông Đồ, làm cho các ông nhớ lại và hiểu mọi điều Chúa Giêsu đã dạy (x. Ga 14,26). Thánh Thần trở nên cầu nối kịp thời và hiệu quả giúp các Tông Đồ không cảm thấy mồ côi (x. Ga 14,18) vì một khi đến, Thánh Thần sẽ ở với các ông luôn mãi (x. Ga 14,16).
Sau nữa, các Tông Đồ trở nên chứng nhân cho Đức Giêsu Phục Sinh. Dấu hiệu nhận biết Thánh Thần là lưỡi lửa đậu xuống từng người một (Cv 2,3). Lưỡi là bộ phận quan trọng dùng để nói, để thông truyền; “lưỡi lửa” mà Thánh Thần ban không chỉ giúp các Tông Đồ mạnh dạn và có khả năng nói các thứ tiếng để giúp người ta hiểu, mà còn nói sứ điệp hâm nóng tâm hồn người ta, vừa giúp thanh tẩy tâm trí họ khỏi những tư tưởng sai lầm mà nghe lời Thiên Chúa, vừa khơi dậy niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh.
Cuối cùng, lời chứng của các Tông Đồ mang tính phổ quát. Trong khi quan niệm lãnh thổ lý tưởng của người Do Thái là từ biên giới Ai Cập cho đến tận sông Êuphơrát, thì danh sách các dân tộc (Cv 2,9-11) vượt xa ranh giới lý tưởng này. Theo cái nhìn của Luca, dân mới của Thiên Chúa vượt xa biên giới lý tưởng của người Do Thái. Tin Mừng Phục Sinh được dành cho mọi dân tộc, mọi vương quốc, chứ không một ai được quyền chiếm hữu. Sứ điệp Tin Mừng quả là sứ điệp phổ quát, cần được loan đi cho đến tận cùng trái đất.
Đoạn sách Công Vụ hoàn tất điều Chúa Giêsu đã hứa với các Tông Đồ (Cv 1,8), qua đó các ông nhận được ơn Thánh Thần, trở nên chứng nhân về Đức Kitô Phục Sinh, và mang Tin Mừng Phục Sinh đến tận cùng trái đất.
2. Bài đọc 2
Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu Côrintô về những ân huệ của Thánh Thần. Trong hoàn cảnh cộng đoàn đang có những chia rẽ (1Cr 11,18) và việc lạm dụng những ân huệ Thánh Thần theo kiểu những lễ hội ngoại giáo, gây ra những xáo trộn trong cộng đoàn (1Cr 12,2-3), thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò hiệp nhất của Thánh Thần.
Trước hết, Thần Khí là tác động liên kết Ba Ngôi. Thánh Phaolô khẳng định rằng dù có nhiều đặc sủng, nhưng chỉ có một Thần Khí; dù có nhiều công việc phục vụ nhưng chỉ có một Đức Kitô; dù có nhiều hoạt động khác nhau nhưng chỉ có một Thiên Chúa (1Cr 12,4-6). Và chỉ những ai ở trong Thần Khí mới có thể nhận ra rằng Đức Giêsu là Chúa (1Cr 12,3b). Như thế, Thần Khí chính là tác động liên kết và hiệp nhất Ba Ngôi.
Sau nữa, Thần Khí là tác động liên kết trong cộng đoàn. Thần Khí được ban nơi mỗi người khác nhau, nhưng đều hướng đến lợi ích chung của cộng đoàn (1Cr 12,7). Tuy Thần Khí tỏ ra nơi mỗi người dưới những hình thức khác nhau, bằng những ân huệ khác nhau để phục vụ cho những nhu cầu khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ cho lợi ích chung của cộng đoàn là sự hiệp nhất. Như thế, dấu chỉ để nhận biết những ân huệ của Thánh Thần, xem chúng có xuất phát từ Thần Khí thật hay không, là sự hiệp nhất mà những ân huệ đó mang lại cho cộng đoàn.
Cuối cùng, thánh Phaolô dùng hình ảnh của thân thể để cho thấy sự hiệp nhất mà Thần Khí mang lại (1Cr 12,12-13). Dù người ta có khác nhau về chủng tộc, địa vị xã hội hay giai cấp, một khi chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí, thì đều được hiệp nhất với nhau như các chi thể trong cùng một thân thể. Các bộ phận trong thân thể dù khác nhau về hình dáng, kích thước, chức năng, nhưng được liên kết và hiệp nhất với nhau trong cùng một thân thể. Đức Kitô cũng vậy: bản thân Người là nguyên lý thống nhất, làm cho các Kitô hữu được hợp nhất nên một (1 Cr 12,12).
Tóm lại, Thần Khí là tác động hợp nhất Ba Ngôi và hiệp nhất các Kitô hữu trong cộng đoàn. Dù các Kitô hữu khác biệt nhau như các bộ phận khác nhau trong thân thể, nhưng dưới tác động của Thần Khí, tất cả đều được liên kết với nhau trong cùng một thân thể. Đức Kitô cũng là nguyên lý hợp nhất các Kitô hữu như thế.
3. Bài Tin Mừng
Sau khi Đức Giêsu bị bắt, và đóng đinh trên thập giá, các môn đệ hoang mang, sợ hãi. Các ông thu mình lại trong những căn phòng đóng kín. Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, ban bình an và Thần Khí cho các ông, và sai các ông ra đi loan báo Tin Mừng phục sinh.
Trước hết, Chúa Kitô Phục Sinh ban bình an cho các môn đệ. Khi còn sống với Thầy Giêsu, các môn đệ luôn được Thầy hướng dẫn và bảo vệ. Các ông sống trong bình an vì luôn có Thầy bên cạnh. Vậy nên khi Thầy bị bắt, đánh đòn và giết chết, các ông không còn chỗ để nương tựa và luôn sống trong tâm trạng hoang mang, sợ hãi. Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi lo lắng, bất an của các ông, nên ngay khi sống lại, lời an ủi đầu tiên Người dành cho các môn đệ là “bình an cho anh em” (Ga 20,19.21). Sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh là nguồn bình an, mang lại niềm vui cho các môn đệ (Ga 20,20).
Sau nữa, Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ đi. Sứ mạng của các môn đệ phát xuất từ biến cố phục sinh (x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-18.20; Lc 24,46-48; Cv 1,7-8). Sứ mạng này là một diễn tiến liên tục với sứ mạng của Đức Giêsu bắt nguồn từ Chúa Cha: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21; x. Ga 17,18). Tin Mừng Gioan nhắc đi nhắc lại nhiều lần việc Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến thế gian (x. 5,23-24.30; 6,38-39; 7,29; 8,18.29.42; 11,42.44-45; …), nhưng đây là lần duy nhất Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ đi, theo cùng một mô thức như Người đã được Chúa Cha sai đi. Như thế, theo cái nhìn của Tin Mừng thứ tư, biến cố phục sinh là mốc điểm quan trọng của sứ mạng các môn đệ.
Cuối cùng, Đức Kitô phục sinh ban Thần Khí cho các môn đệ. Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, Mátthêu và Máccô không hề nhắc đến Thần Khí khi Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ đi, còn theo Luca thì Chúa Giêsu chỉ nhắc các môn đệ hãy chờ “quyền năng từ trời cao ban xuống” mà Người “sẽ gởi” (Lc 24,49). Luca chỉ muốn chuẩn bị để trình bày điều này rõ hơn trong sách Công Vụ Tông Đồ. Trái lại, Tin Mừng Gioan nối kết vai trò của Thần Khí với sứ mạng được sai đi của các môn đệ (Ga 20,21-22). Chính Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ ra đi và ban Thần Khí cho các ông, cùng với những thẩm quyền kèm theo (Ga 20,23).
Tóm lại, chính Chúa Kitô Phục Sinh ban bình an và niềm vui cho các môn đệ, sai các ông ra đi và ban Thần Khí, cùng với những thẩm quyền kèm theo, để các ông thực thi sứ mạng. Sứ mạng này thật sự khởi nguồn từ biến cố phục sinh.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại việc các Tông Đồ nhận được Thần Khí để trở thành chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh cho đến tận cùng trái đất. Qua bí tích Rửa Tội và nhất là Thêm Sức, tôi cũng đã nhận được Thần Khí. Tôi có ý thức vai trò của Thần Khí trong đời mình? Tôi có thật sự là chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh?
2/ Thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò hiệp nhất của Thần Khí. Tôi có xây dựng sự hiệp nhất trong giáo xứ, trong cộng đoàn, trong gia đình, nhờ ơn của Thần Khí? Hay tôi sử dụng đặc sủng Thánh Thần để khoa trương, gây xáo trộn, chia rẽ trong cộng đoàn? Tôi có sống tinh thần hiệp nhất của một chi thể trong thân thể là Chúa Kitô?
3/ Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ ra đi và ban Thần Khí cho các ông. Tôi có sẵn sàng ra đi làm chứng cho Tin Mừng phục sinh theo lời thúc bách của Chúa Kitô Phục Sinh, dưới tác động của Thần Khí? Tôi có thể làm gì trong môi trường và hoàn cảnh của tôi để làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã ban tặng Thánh Thần là nguồn mạch mọi ân sủng cho các tông đồ và tất cả những ai tin vào danh Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta hãy vui mừng cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin.
1. Chúa Phục Sinh nói với các môn đệ: “Bình an cho các con.” Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần trong Hội Thánh được tràn đầy bình an của Đấng phục sinh, luôn kiên vững trước những công kích chống đối của thế giới tục hóa hôm nay.
2. Chúa Thánh Thần sẽ dẫn đưa con người đến sự thật toàn vẹn. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các nhà lãnh đạo và các tổ chức quốc tế biết tôn trọng sự thật và yêu chuộng hòa bình, luôn tích cực lên án bạo lực, bất công, và nỗ lực trong mọi hoạt động phục vụ con người.
3. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.” Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi kitô hữu luôn ý thức và hăng hái thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ mà Đức Kitô đã ủy thác, bằng cách trở nên muối men và ánh sáng giữa lòng xã hội hiện tại.
4. “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.” Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết mở lòng đón nhận quà tặng của Đấng Phục Sinh, và luôn cố gắng làm cho ân sủng Thánh Thần sinh hoa kết trái trong cuộc sống và bổn phận hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện; và giúp chúng con biết cộng tác hiệu quả với ân sủng Thánh Thần mà Chúa ban tặng: luôn trung thành phụng sự Chúa và can đảm làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.


SCĐ LỄ HIỆN XUỐNG
CHÚA THÁNH THẦN LÀ NGUYÊN LÝ HỢP NHẤT
"Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần"
(Ga 20,22)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I : Tường thuật việc Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm lễ Ngũ Tuần.
- Đáp ca : Lạy Chúa, xin cử Thánh Thần tới, để canh tân địa cầu.
- Bài đọc II : Chúng ta đã được chịu phép Rửa nhờ một Thánh Thần để trở nên một thân thể.
- Tin Mừng : Buổi chiều ngày phục sinh, Đức Giêsu thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Lễ Hiện xuống hôm nay kết thúc mùa Phục sinh. Chúng ta hãy nhìn lại những bước mà Phụng vụ đã dẫn chúng ta đi qua : Đức Giêsu đã nhập thế sống với loài người, Ngài đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, rồi Ngài chịu nạn chịu chết, nhưng Ngài đã sống lại và lên trời. Hôm nay Ngài sai Chúa Thánh Thần đến để thánh hóa loài người. Như thế, Chúa Thánh Thần là Đấng hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Dâng Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần xuống trên chúng ta, để chúng ta hoàn thành sứ mạng cứu độ bản thân chúng ta và mọi người.

II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúng ta có lỗi vì ít nghĩ đến Chúa Thánh Thần là Đấng Thiên Chúa đã ban để hỗ trợ chúng ta.
- Chúng ta thường làm việc theo suy nghĩ riêng chứ không theo sự soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
- Chúa Thánh Thần muốn mọi người hiệp nhất với nhau, nhưng chúng ta thường chia rẽ.

III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I : Cv 2,1-11 :
Tường thuật việc Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm lễ Ngũ Tuần.
- Vâng theo lời căn dặn của Đức Giêsu phục sinh, các tông đồ tụ họp trong nhà Tiệc Ly để chờ đón nhận điều Ngài đã hứa.
- Sáng ngày lễ Ngũ tuần, Đức Giêsu thực hiện lời hứa ấy : Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa. Lưỡi tượng trưng cho lời nói. Lửa tượng trưng tình yêu và lòng nhiệt thành. Nhờ Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Đức Giêsu.

2. Đáp ca : Tv 103
Tv này ca tụng những việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm do "sinh khí" của Ngài, tức là do Chúa Thánh Thần.

Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu đoàn kết hiệp nhất nhau trong Chúa Thánh Thần :
- Trong Giáo Hội sơ khai, Chúa Thánh Thần ban nhiều đặc sủng khác nhau cho các tín hữu. Nhưng mọi đặc sủng đều nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đoàn.
- Vì thế, một mặt các tín hữu phải tránh chia rẽ nhau, mặt khác phải tận dụng mọi ơn ban của Chúa Thánh Thần để xây dựng thân thể Giáo Hội.

Buổi chiều chính hôm lễ phục sinh, Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các môn đệ (Theo quan điểm của Luca thì Thánh Thần được ban hôm lễ Ngũ tuần).
Chúa Thánh Thần được ban đồng thời với lời chúc bình an, quyền tha tội và lời sai các ông ra đi. Từ đó, ta có thể thấy được những ý nghĩa sau :
- Ơn ban cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần là Bình an, đặc trưng của thời Messia.
- Ơn cao trọng thứ hai của Chúa Thánh Thần là Tha tội : chính nhờ được tha tội mà con người được bình an thật.
- Ơn ban Thánh Thần nhằm giúp Giáo Hội ra đi loan Tin Mừng cứu độ.

IV. GỢI Ý GIẢNG
Bài tường thuật của Sách Công vụ hôm nay là đối trọng của bài tường thuật tháp Babel thời Cựu Ước.
Ngày xưa, ở Babel, con cháu ông Nôe đang nói cùng một thứ tiếng, nghĩa là đang hiểu nhau và đoàn kết với nhau, bỗng dưng để cho tính kiêu ngạo xúi dục muốn xây một cái tháp cao hơn trời để tỏ ra mình cao hơn Thiên Chúa, nên đã bị phạt khiến họ nói nhiều thứ tiếng, người này không còn hiểu người kia nữa, và chia rẽ nhau. Chuyện tháp Babel ngụ ý rằng khi con người không quy tụ quanh Thiên Chúa thì sẽ chia rẽ nhau, không hiểu nhau và không thông cảm cho nhau.
Hôm lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần sửa lại sự hư hại đó : tất cả mọi người dù thuộc những dân tộc và những ngôn ngữ khác nhau nhưng đã hiểu nhau. Nhờ đâu ? Nhờ chính Chúa Thánh Thần, nguyên lý đoàn kết và hiệp nhất.

Nói là một sinh hoạt cần thiết trong cuộc sống chung : hằng ngày khi gặp người khác, chúng ta chào nhau, hỏi thăm nhau, trao đổi ý kiến với nhau, thảo luận, tranh luận v.v. Chính vì để phục vụ cho sinh hoạt cần thiết này mà khoa học kỹ thuật ngày nay đã phát minh ra máy khuếch âm, máy ghi âm, điện thoại v.v.
Nhưng nói với nhau là một chuyện, còn hiểu nhau là một chuyện khác. Hai chuyện này chưa hẳn luôn đi đôi với nhau. Nói với nhau thì nhiều nhưng hiểu nhau chắc không được bao nhiêu. Dịch một ngoại ngữ thì dễ hơn là hiểu được ý thật, lòng thật của người đang ở sát bên cạnh mình.
Có đặt mình trong bối cảnh như thế, chúng ta mới thấy được "lưỡi lửa" mà bài sách Cv hôm nay mô tả là cần thiết thế nào cho con người hôm nay. Ngày xưa, những người có mặt hôm lễ Ngũ tuần tuy nói nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng đều hiểu nhau. Đó là hiệu quả bởi "lưỡi lửa" của Chúa Thánh Thần. Lưỡi hình lửa là tiếng nói của tình yêu. Tiếng nói chân thật nhất là tiếng xuất phát từ cõi lòng. Tiếng nói dễ hiểu nhất là tiếng của tình yêu.
Xin "lưỡi lửa" hiện xuống tràn đầy trong mỗi người chúng ta và trong cộng đoàn chúng ta.

Bài tường thuật tạo dựng loài người trong sách Sáng thế kể rằng sau khi Thiên Chúa đã lấy bùn đất nắn thành hình người, Ngài đã thổi hơi vào đó, và thế là con người đầu tiên xuất hiện. "Hơi thở" của Thiên Chúa chính là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nguyên lý tạo dựng.
Nhưng con người đã phạm tội, bị đuổi khỏi vườn Địa đàng, hạnh phúc ban đầu đã bị đánh mất.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại thổi hơi trên các tông đồ. Phải chăng đây cũng là một đối ảnh của câu chuyện trong sách Sáng thế ? Và nếu đúng là thế, thì hôm nay Thiên Chúa tái tạo lại con người, cũng bằng "hơi thở" là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần cũng là nguyên lý của sự tái tạo.

Giáo Hội ngày nay là một Giáo Hội đa dạng : đủ thứ linh đạo, đủ loại dòng tu, đủ cách làm tông đồ, quá nhiều hội nhóm, quá nhiều khuynh hướng, quá nhiều ý kiến… Có những kẻ bi quan đã cho rằng Giáo Hội đang trong thời kỳ khủng hoảng. Nhưng thực ra, sự đa dạng này thể hiện một sức sống phong phú.
Nhưng miễn là đa dạng đừng dẫn tới chia rẽ và chống đối phá hại nhau. Miễn sao đa dạng mà vẫn hiệp nhất.
Muốn được như vậy, chúng ta phải lưu ý tới những giáo huấn rất sâu sắc của Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay :
- Mỗi người, mỗi nhóm hãy ý thức rằng "đặc sủng" của mình là ơn ban của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là tài sản hay tài năng riêng của mình.
- Đừng khó chịu, trái lại hãy vui mừng khi thấy những người khác, nhóm khác cũng được ban cho những đặc sủng khác. Đó là dấu Chúa Thánh Thần yêu thương Giáo Hội.
- Tận dụng "đặc sủng" Chúa Thánh Thần ban để góp phần mình vào việc xây dựng Giáo Hội, đồng thời ý thức rằng đó chỉ là một phần nhỏ mình góp cho Giáo Hội nên vẫn tôn trọng phần góp của người khác và hy vọng Giáo Hội được nhiều người khác góp phần xây dựng hơn nữa.

Chúa Thánh Thần là Đấng bị quên lãng. Đúng vậy, Thiên Chúa có 3 Ngôi là Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thế nhưng thường chúng ta chỉ nhớ tới Chúa Giêsu và Chúa Cha thôi, ít khi nhớ tới Chúa Thánh Thần

Thế nhưng CTT lại là Đấng rất kỳ diệu, Ngài mà hoạt động nơi ai thì làm phát sinh biết bao điều kỳ diệu nơi người đó. Ngài mà hoạt động nơi nào thì cũng làm phát sinh biết bao điều kỳ diệu ở nơi đó. Xin đan cử 2 bằng chứng.

- Bằng chứng thứ nhất là đoạn sách CvTđ mà chúng ta vừa nghe : CTT hoạt động nơi các tông đồ. Trước đó các tông đồ đã từng theo Chúa Giêsu 3 năm, đã từng nghe biết bao lời dạy dỗ của Chúa Giêsu, đã từng thấy biết bao phép lạ của Chúa Giêsu. Nhưng con người của các ông hầu như chẳng chịu ảnh hưởng tốt nào cả : vẫn lo tranh dành quyền lợi, vẫn sợ chết nên trốn kín trong nhà. Thế rồi CTT ngự đến trên các công và sau đó các ông được biến đổi hẳn : nhiệt thành với Tin Mừng, can đảm rao giảng Tin Mừng. Có ai ngờ một người như Phêrô đã từng run sợ chối Chúa bây bẩy trước những tên đầy tớ của vụ Thượng tế mà bây giờ lại đứng ra trước một đám đông rao giảng hùng hồn khiến cho liền ngay sa đó có 3 ngàn người xin theo đạo.

- Bằng chứng thứ hai là một bức thư rất đặc biệt. Bức thư này là của một cô gái nước ngoài gởi cho một LM. LM này trước đó có biên thư cho cô gái để trình bày những khó khăn trong bổn phận của mình. Cô gái biên thư khuyên vị LM ấy hãy can đảm, hãy cầu nguyện và mỗi ngày hãy dâng lễ sốt sắng. Cô gái còn cho biết nếp sống hằng ngày của cô : ngoài những giờ làm ăn, cô tranh thủ thời giờ đi dạy giáo lý cho 2 lớp tại một trường học, buổi tối cô tham gia cầu nguyện với một nhóm giáo dân từ 8 đến 10 giờ. Một cô gái giáo dân mới hơn 20 tuổi mà nhiệt thành làm việc tông đồ như vậy và còn nhiệt thành đến nỗi dám đưa ra những lời khuyên dạy đối với một LM ! Do đâu mà cô nhiệt thành sốt sắng như vậy ? Thưa vì cô đang sinh hoạt trong một nhóm giáo dân giúp nhau sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Nghe những bằng chứng trên, chắc chúng ta cũng mong muốn CTT hoạt động nơi chúng ta để làm những điều kỳ diệu nơi chúng ta. Nhưng làm sao để được như vậy ? Xin đề nghị 2 điều :

- Một là chúng ta hãy cầu nguyện cùng với CTT. Chúng ta đã cầu nguyện rất nhiều. Nhưng khi cầu nguyện chúng ta chỉ nói cho Chúa biết mình đang sống như thế nào, mình đang cần những ơn gì và xin Chúa ban ơn đó cho ta. Cầu nguyện như vậy là sai lầm, vì đâu phải nhở chúng ta nói mà Chúa mới biết chúng ta cần gì. Chúa là Đấng biết tất cả mọi sự kia mà. Điều quan trọng nhất không phải là ta nói cho Chúa biết ta muốn gì, mà là xin Chúa cho ta biết Chúa đang muốn gì nơi ta. Do đó ta phải cầu nguyện cùng với CTT, để CTT soi sáng cho ta biết ý Chúa và giúp ta sau đó làm theo ý Chúa. Có cầu nguyện như vậy thì sau đó cuộc đời ta mới biến đổi.

- Điều thứ hai có liên quan tới việc Xưng tội. Trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, có một điểm hơi lạ. Đó là CG vừa ban CTT vừa ban quyền tha tội cho các tông đồ : "Chúng con hãy nhận lãnh Thánh Thần, chúng con tha tội cho ai... " Tại sao CG ban CTT và ban ơn tha tội chung nhau ? Thưa vì 2 điều đó liên hệ chặt chẻ với nhau. Nói cách khác, nếu chúng ta muốn lãnh BTGT cho có hiệu quả tốt thì chúng ta phải Xưng tội cùng với CTT. Ta hãy nhìn lại cách xưng tội bấy lâu nay của chúng ta. Mỗi khi xưng tội chúng ta làm 5 việc : một là xét mình xem mình có những tội gì ; 2 là sau đó đọc một kinh ăn năn tội ; 3 là vào toà xưng tội, kể cho kỹ hết mọi tội đừng sót tội nào ; 4 là nghe cho rõ Cha giải tội dạy đọc bao nhiêu kinh ; 5 là trở ra đọc cho hết bấy nhiêu kinh đó. Rồi trở về. Kết quả như thế nào ? Chúng ta thấy an tâm hơn đôi chút. Nhưng cũng sống bình thường như trước, cũng phạm lại bấy nhiêu tội ấy, lần sau đi xưng tội cũng xưng bấy nhiêu tội ấy. Nghĩa là hầu như không có gì thay đổi. Xưng tội cùng với CTT nghĩa là trong phần xét mình trước khi vào toà xưng tội, chúng ta hãy xét mình cùng với CTT, xin Ngài soi sáng cho ta chẳng những thấy được mình đã phạm những tội gì mà còn tại sao mình phạm những tội đó ; xin CTT soi sáng cho ta thấy những tội mà mình không thấy, Td nhiều người đâu có nghĩ rằng việc mình đang tính kế hại người là có tội, nhiều người đâu có nghĩ việc mình sống ích kỷ với nhà hàng xóm là có tội. Xưng tội cùng với CTT nghĩa là sau khi xưng tội chúng ta xin CTT soi sáng cho ta biết từ nay mình phải sửa đổi như thế nào. Có như vậy mỗi lần chúng ta đi xưng tội xong, cuộc sống của mình mới thay đổi tốt đẹp hơn.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ thuật lại biến cố ngày Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ có nhiều điều rất phi thường : gió thổi ào ào như giông tố, những cục lửa có hình như cái lưỡi đậu trên đầu mỗi vị, sau đó các tông đồ nói tiếng lạ nghĩa là chỉ cần nói một thứ tiếng mà đủ mọi sắc dân khác nhau đều có thể hiểu. Những điều phi thường đó khiến cho đám đông dân chúng bở ngỡ kinh hoàng... Rồi hàng ngàn người đã xin lãnh phép Rửa Tội...

Nhưng điều quan trọng không phải là những biến cố phi thường ngoạn mục đó, mà chính là một cuộc biến đổi bên trong các tông đồ, rất âm thầm nhưng lại rất toàn diện : các ông là những người đã từng sát cánh ngày đêm với CG, cùng ăn,, cùng đi, cùng làm với CG suốt 3 năm trời, được CG dạy dỗ rất nhiều, được chứng kiến biết bao việc làm của CG... Nhưng vốn tầm thường các ông cũng vẫn còn là những kẻ tầm thường. Tầm thường đến nỗi Thầy vừa bị bắt là tất cả bỏ chạy tan hoang, trốn chui trốn nhủi trong phòng đóng kín cửa không ai dám ló đầu ra ngoài. Tại sao thế ? Vì bấy lâu nay các ông đi theo Chúa với tính toán vụ lợi, các ông hiểu giáo lý của Chúa một cách phàm tục : Đi theo Chúa như đi theo một chính trị gia đang lên hương với hy vọng sau này tới ngày thành công sẽ được chia chác địa vị quyền lợi ; Chúa dạy giáo lý về nước Trời mà các ông thỉ chỉ hiểu về một nước thế tục. Cái chết của CG đã làn tiêu tan mọi tham vọng chính trị, những quyền lợi các ông mong chờ cũng thành mây khói luôn, và cả sự an toàn của bản thân các ông cũng đang bị đe doạ nữa. Vì thế các ông sợ sệt, ẩn trốn.

Khi người ta theo Chúa với đầu óc vụ lợi, thì người ta tầm thường

Chúa Thánh Thần đến làm một cuộc thay đổi toàn diện : thay đổi lối nghĩ, lối nhìn, lối hiểu, lối tính toán của các ông : Hiểu giáo lý của Chúa cách siêu nhiên hơn chứ không phàm tục như trước nữa ; từ đó các ông quyết định vẫn theo Chúa nhưng không phải vì tính toán vụ lợi mà vì tình yêu hy sinh xả thân hoàn toàn. Cuộc thay đổi ấy đã giúp các ông hết tầm thường, biến các ông trở nên những kẻ trung thành, những cột trụ của Giáo Hội, đến nỗi dù đe doạ, dù tù đày, dù tra tấn, dù gươm giáo, các ông cũng vẫn can đảm và hăng say loan truyền niềm tin vào Chúa.

Ngày nay chúng ta mừng lễ CTT hiện xuống, điều chính yếu chúng ta mong ước cũng không phải là có những hiện tượng lạ gió thổi ào ào, lưỡi lửa trên đầu và nói tiếng lạ.... mà chúng ta mong chờ chính sự biến đổi sâu xa và toàn diện ấy trong tâm hồn chúng ta.

Đó cũng chính là ý tưởng của ĐGH Phaolô VI trong bài huấn dụ của Ngài hôm 29.11.1972. Ngài mô tả trong Giáo Hội có nhiều người theo đạo chỉ vì óc vụ lợi và hiểu giáo lý một cách phàm tục. Chính vì thế mà theo Ngài, Giáo hội ngày nay cần có một lễ Hiện Xuống mới, để xin trích dẫn nguyên văn lời Ngài "làm cho Giáo Hội được sống động, như có một luồng gió thiêng liêng làm căng buồm con thuyền GH, là nguồn suối bên trong ban tràn đầy ánh sáng và sức mạnh cho GH..."

Chắc chúng ta cũng ở trong tình trạng của các tông đồ trước ngày được CTT Hiện xuống. Chúng ta cũng đã từng theo đạo mười mấy, hai ba chục năm trời, đã từng Rửa tội, đã bao nhiêu lần xưng tội rước lễ, đã từng lãnh bí tích thêm sức, đã bao nhiêu lần nghe giảng dạy đủ mọi điều giáo lý, Tin mừng.. nhưng con người của chúng ta vẫn cứ mãi tầm thường. Đầu óc chúng ta còn đầy tính toán vụ lợi và tinh thần phàm tục : chúng ta theo đạo để xin Chúa ban ơn cho mình, được làm ăn thành công, được khỏi nỗi buồn khổ này, được đạt đến niềm mơ ước kia. Rồi khi nào cầu xin không được hay cứ gặp khốn khó thì ta chán muốn bỏ đạo, khi gặp nguy hiểm thì ta trốn chui trốn nhủi, không dám đến nhà thờ như các tông đồ xưa trốn kín trong phòng không dám ló đầu ra. Chúng ta cũng cắt nghĩa giáo lý theo kiểu cách phàm tục, không muốn tin những điều siêu nhiên, mầu nhiệm về TC, về linh hồn, về thiên đàng hoả ngục, về bí tích ; chúng ta đòi hỏi GH có những giải pháp dễ dãi cho cuộc sống và chống đối những chỉ dẫn của GH mà ta cho là khắt khe, chẳng hạn về việc vợ chồng ly dị, về các phương pháp ngừa thai v.v....Tóm lại, giữ đạo một cách vụ lợi và phàm tục như thế nên cuộc sống đạo của chúng ta nó thờ ơ, thụ động, dật dờ làm sao ấy. Ta sống đạo nhưng sống như một cái xác không hồn, không hứng khởi.

Muốn cho các xác lờ đờ này thực sự có sức sống sinh động, nghĩa là muốn cho cuộc sống đạo của chúng ta được hăng hái, tích cực, phấn khởi, thì cần phải có CTT hiện xuống trên chúng ta. CTT sẽ biến đổi chúng ta toàn diện như các tông đồ ngày xưa : làm cho chúng ta hiểu giáo lý Chúa một cách siêu nhiên hơn chứ không phàm tục như trước làm cho chúng ta theo Chúa không phải vì vụ lợi muốn được điều này điều nọ mà chi vì chúng ta thực sự tin Chúa, yêu Chúa và sẵn sàng hy sinh tất cả vì niềm tin yêu đó.

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Thể theo lời Đức Giêsu cầu xin, Chúa Cha đã ban Thánh Thần để quy tụ chúng ta thành Giáo Hội. Chúng ta cùng dâng lời cảm tạ và cầu xin.

1. Lễ Hiện xuống là ngày khai sinh Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin / Chúa Cha ban Thánh Thần để soi sáng / hướng dẫn / và nâng đỡ các vị mục tử / trong việc điều khiển con thuyền Hội Thánh / vượt qua mọi phong ba bão táp ở trần gian.
2. Nhiều nơi trên thế giới ngày nay vẫn còn đang sống trong cảnh chiến tranh loạn lạc / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Cha cử Thánh Thần đến / đem yêu thương vào nơi oán thù / đem niềm vui cho người đau khổ / đem hòa bình cho những vùng còn khói lửa chiến tranh.
3. Ngày hôm nay / bạo lực và hận thù vẫn còn đang làm cho biết bao gia đình phải tan nát / biết bao người phải lâm vào cảnh khốn khổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Cha ban Thánh Thần là nguồn tình yêu / để đổi mới lòng trí con người trên khắp địa cầu.
4. Đường lối Thiên Chúa thì nhiệm mầu / Lời Người thì cao siêu / nhiều khi chúng ta không thể hiểu tường tận được / Vì thế chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Cha / ban Thánh Thần cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / để Người chỉ bảo và nhắc nhở chúng ta / những điều Chúa Giêsu đã dạy lúc còn ở với các môn đệ.
CT : Lạy Chúa Cha nhân hậu, không bao giờ chúng con có thể khám phá được hết những kỳ diệu của tình yêu Chúa dành cho chúng con trong cuộc sống. Ước gì Thánh Thần Chúa thâm nhập lòng trí chúng con, và biến đổi cuộc đời chúng con nên một lời ca tụng tình thương của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ…

VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha : Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta và cầu nguyện thay cho chúng ta bằng những tiếng than van khôn tả. Vậy chúng ta hãy cùng Chúa Thánh Thần dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha sau đây.

- Sau kinh Lạy Cha : "Lạy Cha xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, cách riêng là sự chia rẻ nhau. Xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an, và được hiệp nhất với nhau trong Chúa Thánh Thần. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…"

- Trước lúc rước lễ : Chúng ta sắp được ăn cùng một tấm bánh là chính Đức Giêsu. Xin Chúa giúp chúng ta hiệp nhất với nhau. "Đây Chiên Thiên Chúa…"

VII. GIẢI TÁN
Anh chị em đã được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần và được thêm sức bởi hơi thở tình yêu của Ngài. Giờ đây anh chị em hãy ra về như những sứ giả của Tin Mừng và Bình an đối với mọi người anh chị em sẽ gặp gỡ.

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (B)
Chúa Nhật, 24 Tháng 5, 2015
Sự làm chứng của Chúa Thánh Thần 
Lời chứng của các môn đệ 
Ga 15:26-27; 16:12-15  

1.  Lời nguyện mở đầu 
Lạy Cha của con, khi nào thì Đấng An Ủi sẽ đến?  Khi nào thì Chúa Thánh Thần Chân Lý sẽ ngự trên con?  Chúa Giêsu đã hứa với chúng con về Ngài, Chúa nói rằng Người sẽ sai Chúa Thánh Thần từ cung lòng Chúa Cha xuống với chúng con.  Lạy Cha, vậy thì xin Cha hãy mở rộng trái tim Cha và xin Cha sai Chúa Thánh Thần từ Thiên Đàng thánh của Cha, từ nơi trú ngụ trên cao của Cha!  Xin Cha đừng trì hoãn thêm nữa, nhưng hãy thực hiện lời hứa thuở xưa; xin hãy cứu rỗi chúng con hôm nay, mãi mãi!   Xin Cha hãy mở tay và ban phát Tình Yêu của Cha cho chúng con, để rồi chúng con cũng có thể mở lòng và được giải thoát bởi Cha, trong Cha.  Nguyện xin cho Lời của Cha hôm nay là nơi thiêng liêng cho cuộc gặp gỡ của chúng con, là phòng tân hôn để được đắm mình trong Cha.  Ôi lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, Người là Tình Yêu!  Xin Chúa hãy đến trong con và con trong Chúa; xin Chúa hãy ở trong con và con trong Chúa.  Lạy Chúa Cha, xin hãy ở lại!  Thân lạy Chúa Con, Đức Giêsu Kitô, xin hãy ở lại!   Xin hãy ở lại mãi mãi, lạy Chúa Thánh Thần Đấng An Ủi, xin đừng bao giờ lìa xa con!  Amen.
2.  Bài Đọc 
a)  Để thêm vào đoạn Tin Mừng này trong bối cảnh của nó: 
Một ít câu Tin Mừng mà phần Phụng Vụ đưa ra cho chúng ta hôm nay để chiêm niệm về bài giảng chia tay tuyệt vời mà Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ trước Cuộc Thương Khó, và theo sách Tin Mừng Gioan đã trải dài từ chương 13 câu 31 đến hết chương 17.  Ở đây, Chúa Giêsu bắt đầu nói về hệ quả không thể tránh được của việc đi theo sự chọn lựa đức tin và tình yêu dành cho Ngài; người môn đệ phải sẵn sàng chịu đựng sự bách hại từ thế gian.  Nhưng trong cuộc tranh đấu này, trong sự đau đớn này, có Đấng An Ủi, có Đấng Che Chở, Đấng Phù Trợ, Đấng làm chứng tá cho chúng ta và cứu rỗi chúng ta:  ân sủng của Chúa Thánh Thần chiếu soi bước đường lữ thứ trần gian của người môn đệ và đong đầy chúng ta với hy vọng trường sinh.  Người được sai đến làm cho chúng ta hiểu được mầu nhiệm Chúa Kitô và làm cho chúng ta tham gia vào trong đó.  
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Ga 15:26-27:  Chúa Giêsu công bố việc Chúa Thánh Thần sắp đến, là Đấng An Ủi, là Đấng Phù Trợ che chở:  Người sẽ là Đấng ra tay trong quá trình cáo buộc mà thế gian chống lại các môn đệ của Chúa Kitô.  Người sẽ là Đấng làm cho họ mạnh mẽ trong cuộc bách hại.  Chúa Thánh Thần làm nhân chứng cho thế gian về Chúa Giêsu; Người bào chữa cho Chúa Kitô, Đấng bị nghi ngờ, bị cáo buộc, bị chối từ. Nhưng lời chứng tá của các môn đệ cũng cần thiết; Chúa Thánh Thần đã dùng các ông để công bố với sức mạnh, trong thế gian này, về Chúa Giêsu.  Đó là vẻ đẹp của đời sống chúng ta được biến đổi thành nhân chứng của tình yêu và lòng trung thành với Chúa Kitô. 
Ga 16:12:  Chúa Giêsu đặt các môn đệ của Người – và như thế, cả chúng ta nữa – trước tình trạng khó nghèo, không đủ năng lực, bởi nó được trao cho các ông không phải để cho các ông hiểu rõ Lời Chúa Giêsu, cũng chẳng phải những Lời Kinh Thánh.  Sự thật của Người vẫn là một gánh nặng mà họ không thể nhận lãnh, mà nhấc lên và vác đi.
Ga 16:13-15:  Trong những câu cuối này, Lời của Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ sẽ là tác động của Chúa Thánh Linh trong các ông.  Ngài sẽ là Đấng hướng dẫn các ông trong toàn bộ chân lý, đó là, Ngài sẽ khiến các ông hiểu được mầu nhiệm Chúa Giêsu trong tất cả tính quan trọng hoặc ý nghĩa của nó, trong toàn bộ sự thật của Người.  Ngài sẽ hướng dẫn, mặc khải, công bố, chiếu sáng, mang đến cho chúng ta, các môn đệ Người, Lời của Chúa Cha, và bằng cách này chúng ta sẽ được dẫn đến gặp gỡ với Thiên Chúa; nhờ vào ân sủng của Người chúng ta sẽ được ban cho khả năng hiểu được sâu xa về Chúa Cha và Chúa con.
c)  Phúc Âm: 
15:26 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thánh Thần Chân Lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy.  27 Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu.
16:12 “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. 13 Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy; và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai.  14 Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.  15 Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói:  Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.” 
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Tôi giữ yên lặng, thỉnh thoảng tôi nhủ thầm:  “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến”.
4.  Một vài câu hỏi gợi ý
a)  “Khi Đấng Phù Trợ đến”.  Chúa Giêsu lập tức đặt tôi ở trước một thực tế rất cụ thể; Người mở ra trước tôi một thời đại mới, một thời đại đa dạng và nói với tôi rằng đây là thời gian chờ đợi trong đời của tôi.  Đấng Phù Trợ sắp đến là Chúa Thánh Thần.  Lạy Chúa, tại sao con chỉ trông đợi Chúa trong một thời gian ngắn như vậy, tại sao sự chú tâm của con hướng về Chúa thì quá yếu như thế, quá đạo đức giả như thế?  Chúa gửi một ai đó để tìm kiếm con và con không hề biết, thậm chí con không tỏ một dấu hiệu tha thiết nào.
b)  “Và các con cũng sẽ làm chứng”.  Đức Giêsu khẳng định điều này, chính Người nói với các môn đệ của Người thời bấy giờ và ngày nay.  Người nói với tôi một cách chính xác và bảo tôi:  “Con cũng sẽ làm chứng”.  Tôi lo sợ, Chúa biết điều này.  Tại sao lại đặt việc này kém quan trọng hơn cho các chuyện khác chứ:  các bạn học cùng trường, trong giảng đường, trong đội của tôi, các bằng hữu của tôi là những người mời tôi đi chơi với họ?  Tại sao điều này lại khó khăn đến thế?  Tôi không thể nào là một Kitô hữu cũng như thế ư?  Chúa là sự khởi đầu và là sự kết thúc của tôi:  Chúa là toàn bộ tất cả sự hiện hữu của tôi!  Lạy Chúa, làm thế nào mà con không thể là chứng nhân cho Ngài được?  Làm thế nào mà con có thể tiếp tục giữ im lặng theo cách này được?          
c)  “Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”.  Tôi luôn luôn soạn thảo chương trình rất tỉ mỉ mỗi lần trước khi tôi đi đâu, tôi có toàn quyền với các quyết định của mình; tôi luôn có thể tự mình làm được tất cả mọi việc.  Và bây giờ, lạy Chúa, Chúa nói với con rằng có Một Đấng Khác sẽ dạy bảo con.  Điều này không phải là một sự lựa chọn dễ dàng, con xin thú thật điều ấy.  Nhưng con muốn thử xem, con muốn chấp nhận Người, ôi lạy Chúa, Chúa là Tình Yêu.  Con để cho bản thân mình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần.  Liệu Người có sẽ dẫn con vào hoang địa, như Người đã làm với Chúa không (xem Lc 4:1)?  Liệu Người có sẽ mở ra cuộc đời con, như Người đã mở cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria không (Lc 1:35)?  Liệu Người có sẽ đầu tư vào con như Người đã làm với ông Phêrô, với những người khác, với tất cả những ai tin vào lời giảng dạy, như được thuật lại trong sách Tông Đồ Công Vụ không?  Con không biết điều gì sẽ xảy ra cho con, nhưng con muốn thưa tiếng xin vâng cùng Chúa.
5.  Chìa khóa của bài đọc
*  Chúa Thánh Thần Đấng Bào Chữa
Thoạt đầu, từ ngữ này có vẻ hơi lạ lẫm; nó làm tôi bối rối, nó làm tôi hoang mang. Tôi biết rằng nó là một chữ Hy Lạp khá rườm rà, đã có từ thời cổ đại, một chút trong toàn bộ thế giới Địa Trung Hải.  Thánh sử Gioan đã dùng nó ở trên khi Chúa nói:  “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16) và mặc khải rằng Chúa Thánh Thần sắp đến để ủi an, để ở lại với các ông, để bào chữa và để bảo vệ.  Tuy nhiên, ở đây, trong câu này, dường như xuất hiện một sắc thái đa dạng:  Chúa Thánh Thần tự giới thiệu với chúng ta như là Đấng Bào Chữa, đó là, Đấng ở bên cạnh chúng ta trong lúc phán xét, lúc bị buộc tội, trong tòa án của sự ngược đãi.  Chúng ta biết rằng toàn bộ câu chuyện, cũng là ngày của chúng ta, mang trong lòng nó lời cáo buộc, lời khinh miệt, lên án Chúa Giêsu và cho tất cả những ai yêu mến Ngài.  Đây là câu chuyện hằng ngày cho tất cả mọi người.  Tại hàng ghế của bị cáo, bên cạnh Chúa Giêsu, chúng ta cũng ngồi đó.  Nhưng không trơ trọi một mình.  Chúng ta có Đấng Bào Chữa.  Thánh Linh của Chúa đến và làm việc trong buổi xét xử thay cho chúng ta:  Người có lời biện hộ, làm nhân chứng, cố gắng thuyết phục và chứng minh.  Công việc của Người chìm đắm ở giữa chúng ta, vì chúng ta.  Trước mặt Chúa Cha, Đấng Phù Trợ của chúng ta là Đức Giêsu, như Gioan viết trong Thư Thứ Nhất của ông (1Ga 2:1); nhưng trước thế gian, Đấng Bào Chữa của chúng ta là Chúa Thánh Thần, Đấng mà Người gửi đến cho chúng ta từ Chúa Cha.  Chúng ta đừng nên lo nghĩ phải chuẩn bị bào chữa như thế nào (Lc 21:14), nghĩ rằng chúng ta có thể tự mình bào chữa, nhưng chúng ta phải dọn chỗ, ở trong chúng ta, cho thần khí của Chúa Thánh Thần, hãy để cho Người lên tiếng, biện hộ, chứng minh.  Thánh Phaolô cũng đã trải qua kinh nghiệm khó khăn này; ông viết trong Thư Thứ Hai gửi cho Timôthê:  “Khi cha đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực cha.  Mọi người đã bỏ mặc cha” (2Tm 4:16).  Và nó thực sự như thế:  không có ai biện hộ cho chúng ta, không có sự vô tội, giải thoát, khỏi phải tù đày thật sự, ngoại trừ trong mối liên hệ mật thiết với Chúa Thánh Linh.  Người được sai đến với chúng ta, ngõ hầu chúng ta có thể cho phép mình được hướng dẫn bởi sự hiện diện của Người, như trong một sự ôm ấp, như trong một mối quan hệ mật thiết và đầy nhiệt huyết của tình bằng hữu, của sự tín thác, sự từ bỏ và tình yêu.

*  Chứng nhân 
Tôi bắt đầu hiểu, tiếp tục chấp nhận những lời của Tin Mừng, trong tâm hồn tôi, rằng mối quan hệ của chúng ta, các môn đệ với Chúa Thánh Thần có mục đích của nó là làm cho chúng ta có khả năng làm chứng cho Chúa Giêsu.  Chúng ta hợp nhất vô điều kiện với Chúa Thánh Thần, chúng ta được Người nắm lấy, được đưa lên trong lửa của Ngài, là tình yêu đối ứng của Chúa Cha và Chúa Con, để cho chúng ta cũng có thể trở nên tỏa sáng, rằng chúng ta cũng có thể là nguồn mạch của tình yêu trong thế gian này.
Để làm nhân chứng có nghĩa là để khẳng định một cách rõ ràng, đưa ra bằng chứng.  Người đầu tiên làm việc này, một cách liên tục, là Chúa Thánh Thần, mọi nơi, mọi lúc; Người hoạt động với quyền năng trong chúng ta và xung quanh chúng ta.  Người là Đấng lay chuyển những trái tim, Đấng thay đổi các ý nghĩ bóp méo và cứng nhắc của chúng ta, Đấng mang chúng ta lại gần với nhau, hòa giải, thúc đẩy sự tha thứ, kết hợp; Người cũng là Đấng chữa lành linh hồn, tâm linh, thể xác bệnh tật và tâm hồn yếu đuối.  Người là Đấng dạy dỗ, đào tạo, và làm cho người ta ngoan ngoãn, làm cho khôn ngoan và đơn giản, kẻ thanh bần, người khiết tịnh. Người làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, qua tất cả các tác động của Người, động chạm nhẹ nhàng của tình yêu và của sự hiệp thông trên trái đất hoang vu và khô cằn của chúng ta.  Người xác nhận Đấng Chịu Đóng Đinh, Đấng Chịu Thương Khó bởi vì tình yêu; Người cao rao về Đấng Phục Sinh, về Đấng đã chinh phục và dẵm lên cái chết đến muôn đời; Người làm chứng cho Đấng Hằng Sống, về Đấng Vinh Hiển, Đấng mà sẽ ở với chúng ta cho đến ngày tận thế.  Này đây, đây là nhân chứng.  Chúa Thánh Thần giới thiệu điều này trong thế giới của chúng ta, mang nó đến với chúng ta; chúng ta không thể không quan tâm, tiếp tục ngủ mơ, kén chọn đây đó.  Người là sự thật.  Và chỉ có một sự thật:  Thiên Chúa, Con Một của Người là Chúa Giêsu Kitô.  Chúng ta được gọi để làm nhân chứng cho tất cả những điều này, đó là để đặt, để dâng trọn đời sống chúng ta, vì tình yêu, cho sự thật này.  Làm chứng có nghĩa là trở thành những người tử đạo, vì tình yêu.  Không phải đơn thân; không phải bởi sức mạnh của chúng ta, mà bởi sự khôn ngoan của chúng ta.  Chúa Giêsu nói:  “Các con cũng sẽ làm chứng về Thầy”.  Nhưng sự khôn ngoan của chúng ta chỉ có thể tồn tại trong sự chứng tá của Chúa Thánh Thần; chúng không phải là các nhân chứng song hành, mà là đời sống đã gắn bó với nhau:  của Chúa Thánh Thần và của chúng ta.  Điều này xảy ra trước tòa án vô hạn của thế gian, mỗi ngày trong đời sống của chúng ta, khi ấy, nó sẽ trở thành nơi thiêng liêng, gần như là một nơi tôn nghiêm, về việc chứng tá cho Chúa Giêsu. Điều quan trọng không phải là tạo dựng nên các doanh nghiệp lớn, để phô trương sự khôn ngoan và thông minh, để thu hút đám đông; không, chỉ cần một điều là đủ: nói với thế gian rằng Chúa đang sống, Người đang ở đây, ở giữa chúng ta và công bố lòng thương xót của Người, tình yêu vô biên của Người.      
*  Chúa Cha
Sự tiếp xúc với Chúa Thánh Thần, để cho chúng ta được ôm ấp và ngự trị bởi Người, Người dẫn chúng ta đến Chúa Giêsu; dẫn chúng ta đến Thánh Tâm Chúa, đến nguồn mạch tình yêu của Ngài. Và từ đó chúng ta đến với Chúa Cha.  Chúng ta không có gì cả, chúng ta không thể mang theo bất cứ thứ gì với chúng ta, đi vào thế gian này và giờ đây, xem này, chúng ta được tràn đầy quà tặng!  Không thể nào chứa hết tất cả chúng.  Thật là cần thiết để cho chúng đầy tràn, chảy tràn lan ra ngoài, hướng về các anh chị em mà chúng ta gặp gỡ, hoặc thậm chí chỉ gặp thoáng qua trong cuộc đời.
Chúa Thánh Thần nói với Chúa Giêsu và sử dụng lời của Chúa Cha; Người lặp lại cho chúng ta những gì Người đã nghe thấy từ cung lòng Chúa Cha.  Nơi cư ngụ của Người là Chúa Cha, nhà của Người; và đến với chúng ta, Chúa Thánh Thần đem theo với Người ấn bản, dấu ấn của ngôi nhà đó, nơi mà có sự hiệp thông vô hạn, đó là cung lòng Chúa Cha.  Và chúng ta hiểu rõ rằng đây là nhà chúng ta; chúng ta nhận ra nơi xuất xứ và chốn cuối cùng của chúng ta.  Tiếp nhận Chúa Thánh Thần của Chúa Giêsu, chúng ta tái khám phá ra rằng chúng ta cũng đến từ Chúa Cha, chúng ta được sinh ra từ Ngài và sống trong Ngài.  Nếu chúng ta tìm kiếm chính mình, nếu chúng ta muốn đi tìm phương hướng, ý nghĩa của cuộc sống chúng ta ở đây, tất cả điều này được viết trong những lời mà Chúa Thánh Thần loan báo cho chúng ta, trong chúng ta, liên quan đến chúng ta.  Thực sự là cần thiết nên có một khoảnh khắc im lặng tuyệt vời để có thể lắng nghe mà hiểu được Người. Thực sự cần thiết để trở về nhà, phải cuối cùng suy nghĩ lại trong Chúa Cha chúng ta và nói, nhủ thầm trong lòng: “Vâng, giờ đây đã đủ!  Con đã lang thang xa Chúa một thời gian dài, con đã đi lạc… con sẽ trở về với Cha của con”.  Tôi thấy bao nhiêu kỳ công Chúa Thánh Linh của sự thật có thể tác động, mà Chúa Giêsu Kitô gửi đến cho tôi từ Chúa Cha.  Nó sẽ không là Lễ Hiện Xuống, nếu tôi không để cho chính mình được nắm lấy bởi Người, được dẫn dắt bởi Người đến cung lòng Chúa Cha, nơi Chúa Kitô đã ở đó đang chờ đợi tôi, nơi mà lửa của Chúa Thánh Linh đang đốt lên vì tôi. 
6.  Giây phút cầu nguyện
Thánh Vịnh 68
(Sự ân cần của Chúa Cha là nơi trú ngụ của người nghèo)
Đáp ca:  Lạy Cha, con là con Cha!
Lạy CHÚA, phần con xin dâng Ngài lời nguyện,
lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân.
Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày,
vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ.
Lạy CHÚA, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lại lời con;
xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến.
Xin đừng lánh mặt tôi tớ Chúa đây,
này con gặp nguy khốn, xin mau trả lời.
Mong Chúa tiến lại gần và thương cứu mạng,
ban ơn giải thoát, vì có kẻ ghét con.
Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên,
người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi.
Vì CHÚA nhận lời kẻ nghèo khó,
chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm.
Ca tụng Chúa đi, hỡi trời cao đất thấp,
hỡi biển sâu cùng hải vật muôn vàn!
Vì Chúa Trời sẽ giải cứu Xi-on,
các thành thị miền Giuđa, Người cũng tái thiết,
cho dân đến định cư lập nghiệp.
Miền đất ấy sẽ trở nên gia tài
của giống nòi các tôi tớ Chúa,
thành quê hương xứ sở
của những người mến chuộng Thánh Danh.
7.  Lời Nguyện Kết
Lạy Cha, con xin cảm tạ Cha đã gửi Đấng An Ủi, Đấng Bào Chữa; xin cảm tạ Cha vì chứng tá của Ngài về Chúa Giêsu trong thế gian và trong con, trong đời sống của con.  Xin cảm tạ Cha vì chính Ngài đã khiến con có thể nhận lãnh và chịu đựng được sức nặng vinh quang của Con Cha và là Chúa của con.  Xin cảm tạ Cha bởi vì Ngài hướng dẫn con trong sự thật, Ngài trao cho con toàn bộ chân lý và mặc khải cho con Lời mà chính Cha loan báo.  Lạy Cha, con xin cảm tạ Cha vì lòng nhân hậu và sự trìu mến của Cha, Cha đã cùng với con, và hôm nay Cha đã lôi cuốn con đến với Cha, Cha đã cho con bước vào ngôi nhà của trái tim Cha; Cha đã nhận chìm con trong lửa yêu thương của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, nơi mà Cha và Chúa Con Giêsu chỉ là một trong nụ hôn vô tận của Chúa Thánh Thần.  Con cũng ở đây và bởi vì niềm hoan lạc này của con tràn đầy.  Lạy Cha, con cầu xin Cha hãy khiến cho con đem niềm vui này đến với tất cả mọi người, trong sự chứng kiến yêu thương của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, mỗi ngày trong đời con.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét